Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:15:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Quân sự Việt Nam - Tập 3  (Đọc 82069 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« vào lúc: 11 Tháng Ba, 2009, 08:47:03 pm »

Tên sách: LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM - TẬP 3: LỊCH SỬ QUÂN SỰ THỜI NGÔ, ĐINH, TIỀN LÊ VÀ LÝ
Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia
Năm xuất bản: 2003
Số hoá: Ptlinh, UyenNhi05


Ban chủ nhiệm:

- Đại tá PGS,TS. TRỊNH VƯƠNG HỒNG 
- Đại tá TS. LÊ ĐÌNH SỸ
- Đại tá TRẦN BÍCH

Tác giả:

- PGS.TS. NGUYÊN DANH PHIệT (Chủ biên)
- Đại tá PGS,TS. TRỊNH VƯƠNG HỒNG
- PGS,TS. TRẦN BÁ CHÍ
- Đại tá TS. LÊ ĐÌNH SỸ




                                       
                                Nam quốc sơn hà Nam đế cư
                                       Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
                                       Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
                                       Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.





LỜI GIỚI THIỆU

Chiến công hiển hách của Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, được xem như trận chung kết toàn thắng của dân tộc, kết thúc một chương sử bi tráng hơn một ngàn năm chống Bắc thuộc, dơa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập tự chủ vẻ vang.

Tập 3 của bộ sử này tập trung phản ánh hoạt động quân sự quốc phòng của ông cha ta trong gần ba thế kỷ, từ năm 939 đến năm 1225 trải qua các vương triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý nhằm xây dựng và bảo vệ nhà nước trung ương tập quyền mạnh, bảo vệ nền độc lập, tự do, bảo vệ cương vực và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Hoạt động quân sự, quốc phòng ở giai đoạn lịch sử này nổi lên một số vấn đề lớn:

Dẹp nội loạn, khắc phục hiện tượng phân tán: Nhà nước trung ương tập quyền đang trong quá trình xây dựng hãy còn rất non trẻ, những yếu tố tạo ra và nuôi dưỡng xu hướng phân tán, cát cứ vẫn còn tồn tại một cách dai dẳng, gặp thời cơ là bùng phát trở lại. 

Vì vậy các vương triều đã phải liên tục tiến hành các cuộc đấu tranh khắc phục, điển hình là các vụ dẹp loạn 12 sứ quân, dẹp loạn Cử Long, dẹp loạn Hà Trắc Tuấn, vụ Khai quốc vương Bồ, vụ Nùng Trí Cao, vụ động Ma Sa, vụ phản loạn Thân Lợi, vụ đại loạn vào cuối triều Lý...

Bên cạnh đó, ngay trong nội bộ các vương triều, ở những thời điểm bước ngoặt cũng thường xảy ra các vụ chính biên hoặc bạo loạn mà vương triều phải kiên quyết loại bỏ, điển hình là vụ chính biến của Dương Tam Kha sau khi Ngô Quyền mất, vụ rối loạn ở cuối vương triều Đinh, vụ loạn khi Lê Đại Hành qua đời, vụ loạn ba vương vào buổi đầu triều Lý.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Ba, 2009, 12:00:55 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #1 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2009, 08:50:14 pm »

Như vậy, dẹp nội loạn khôi phục thống nhất, bảo vệ nhà nước quân chủ trung ương tập quyền là một nét chủ đạo của hoạt động quân sự, quốc phòng trong gần ba thế kỷ xây dựng quốc gia độc lập, tự chủ.

Với vị thế của một quốc gia được thiên nhiên ưu đãi, Đại Cồ Việt và Đại Việt thường bị các lân quốc phía Nam quấy phá cướp bóc ông cha ta đã phải nhiều lần hành binh đẩy lùi nguy cơ xâm lân để giữ biên cương và mở nước, điển hình là vào các năm 982, năm 1044, năm 1069 và nhiều cuộc khác trong suốt thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII.

Trong thế kỷ X và XI, ở phương Bắc, nhà Tống được thiết lập thành một đế chế hùng mạnh, trong đó nhà nước trung ương tập quyền phát triển đến cao độ luôn luôn nhòm ngó phương Nam, lộ rõ âm mưu xâm lược hòng tái đô hộ nước ta. Vì vậy Đại Việt, bên cạnh nhiệm vụ dẹp nội loạn, hành binh chinh phạt đẩy lùi nguy cơ xâm lấn, giữ vững biên cương phía Nam, thì nhiệm vụ củng cố nền quân sự, quốc phòng, sẵn sàng binh bị để đối phó với âm mưu xâm lược từ phương Bắc luôn là mối lo thường trực.

Trong quá trình tồn tại cua mình, nhà Tống đã hai lần tổ chức những đội quân lớn xâm lược nước ta, lần thứ nhất diễn ra vào các năm 980 - 981 và lần thứ hai vào các năm 1075 - 1077, cả hai lần xâm lăng này đều bị quân và dân ta đánh bại.

Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất gắn liền với những tên tuổi lớn như Thái hậu Dương Vân Nga, tướng quân Phạm Cự Lạng, đặc biệt là Lê Hoàn, nguyên là Phó vương của triều Đinh và là người sáng lập ra nhà Tiền Lê oanh liệt.

Trước loạn xâm lăng, Lê Hoàn củng cố vương triều, đứng đầu bộ chi huy, thiết lập hệ thống phòng thủ bảo vệ kinh đô Hoa Lư, đắp thành Bình Lỗ, lập hệ thống đồn trại bảo vệ Đại La - Loa Thành, bố trí tuyến phòng thủ từ xa để chặn giặc. Với thế chiến lược ấy, khi quân Tống kéo vào nước ta, Lê Hoàn đã tiến hành các trận đánh tiêu diệt thuỷ quân của Hầu Nhân Bảo ở Hoa Bộ Đầu, Bạch Đằng, Đồ Lỗ, Lục Giang, trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng, trận Tây Kết và cuối cùng đuổi lịch ra khỏi bờ cõi.

Cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi đã làm cho đất nước yên bình trong gần một thế kỷ.  Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai diễn ra năm 1075 - 1077 gắn liền với tên tuổi vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, tài năng kiệt xuất của Đại Việt thế kỷ XI.

Trước dân tâm xâm lược của nhà Tống, Lý Thường Kiệt đề xuất chiến lược mới và tự cầm quân chủ động tiến công sang đất Tống, hạ thành Ung Châu, phá tan các căn cứ hậu cần - quân sự đang được thiết lập dọc sát biên giới để chuẩn bị xâm lược Đại Việt, kìm chế và gây nhiều khó khăn cho quân giặc trong thực tiễn hành binh sau này. 

Sau khi đã thực hiện “tiên phát chế nhân” (đánh trước dể chế ngự giặc), Lý Thường Kiệt lập tức rút quân về nước, tập trung mọi nỗ lực thiết lập phòng tuyến sông Như Nguyệt nổi tiếng trong lịch sử để chặn giặc. Bằng thế trận chiến tranh nhân dân rộng lớn với nhiều lớp, nhiều tầng, đánh cả trước mặt lẫn sau lưng, thiết lập hệ thống phòng ngự có chính diện rộng, có chiều sâu vững chắc, ta đã phá tan kế hoạch đánh nhanh, tiến nhanh của giặc, làm cho các đạo quân thuỷ, bộ của chúng không hỗ trợ được cho nhau.

Trận quyết chiến chiến lược lớn ở bờ bắc sông Như Nguyệt đã tiêu diệt nhiều giấc, làm cho đội quân xâm lược rơi vào tình thế khủng hoảng, tiến thoái lưỡng nan. Đúng lúc này Lý Thường Kiệt chủ dộng “giảng hoà”, đuổi đội quân Tống về nước, kết thúc chiến tranh.

Hoạt động quân sự, quốc phòng là nét chủ đạo của lịch sử giai đoạn này nhằm bảo vệ toàn vẹn độc lập, thống nhất Tổ quốc, củng cố vương triều. xây dựng nhà nước trung ương tập quyền vừng mạnh.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #2 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2009, 08:52:06 pm »

Từ những kết quả nghiên cửu của mình, bước đầu các tác giả đúc rút phân tích và khái quát một số bài học trên các lĩnh vực hoạt động quân sự của ông cha ta thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý.  Trước hết, về tư tưởng quân sự, quốc phòng nổi lên hai vấn đề lớn: xây dựng quân đội mạnh đi đôi với việc xây dựng, bảo vệ nhà nước tập quyền mạnh và “ngụ binh ư nông”, thực hiện toàn dân là lính khi có chiến tranh.

Thứ hai, về nghệ thuật quân sự trong đó bao gồm cả chiến lược và chiến thuật. Trong vấn đề chiến lược, ông cha ta luôn luôn biết mình, biết người, chủ dộng xây dựng lực lượng và kế sách bảo vệ đất nước; trong tác chiến kết hợp chặt chẽ, sáng tạo giữa tiến công và phòng ngự, phòng ngự và phản công. Về chiến thuật, kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc từ thời dựng nước và những nô lực giải phóng đất nước trong hơn một ngàn năm chống Bắc thuộc, ở giai đoạn này, trong hoạt động quân sự của các vương triều đã vận dụng chiến thuật công thành, diệt viện; dựa vào chiến luỹ để phòng thủ và khi thời cơ đến, lập tức chuyển sang phản công đánh những trận quyết định, nhanh chóng kết thúc chiến tranh một cách có lợi nhất.

Hoạt động quân sự quốc phòng giai đoạn mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự chủ của các vương triều giai đoạn này là tài sản tinh thần vô giá đã được các vương triều kế tiếp nhau giữ gìn, phát huy trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Nhân dịp tập sách ra mắt bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam xin chân thành cảm ơn các tướng lĩnh, các nhà khoa học và các cơ quan chức năng đã tận tình giúp đỡ chúng tôi; xin cảm ơn GS,TS, Trương Hữu Quýnh, PGS,TS. Nguyễn Quang Ngọc và PGS,TS. Trần Thị Vinh đã trực tiếp đọc, góp ý kiến để hoàn chỉnh bản thảo. Rất mong nhận được nhiều ý kiến phê bình của các nhà sử học, của bạn đọc gần xa để chúng tôi sửa chữa. bổ sung trong lần tái bản và rút kinh nghiệm cho các tập tiếp sau.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

                                                                     Tháng 12 năm 2002
                                                        NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
                                                           VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM


                                 -------------------------------------------------



MỞ ĐẦU

Từ thế kỷ X, sau khi lật đổ ách đô hộ của các đế chế Trung Hoa từ Tần, Hán đến Tuỳ, Đường, đất nước ta bước vào thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài. Lịch sử quân sự, quốc phòng dưới các vương triều Ngô, Đinh, Tiền Lê và Lý từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XIII cũng chuyển sang một thời kỳ mới. 

Khác với thời sơ sử, càng khác với thời chống đô hộ, bối cảnh lịch sử thời kỳ này đặt ra nhiều vấn đề mới cho sự nghiệp xây dựng nền quân sự, quốc phòng của đất nước.  Không còn là tổ chức vũ trang của nhà nước quân chủ thị tộc bộ lạc thời Văn Lang - Âu Lạc, cũng không phải là tổ chức quân sự và hoạt động vũ trang khởi nghĩa chống kẻ thù đô hộ để giải phóng đất nước mà là một tổ chức vũ trang với nền quân sự, quốc phòng của nhà nước quân chủ độc lập tự chủ đã xuất hiện từ thế kỷ X.

Sau chiến thắng Bạch Đằng (938) một nhà nước quân chủ trung ương tập quyền của quốc gia Đại Cồ Việt - Đại Việt bắt đầu hình thành từng bước hoàn thiện và củng cố, một lãnh thổ quốc gia có cương vực rõ ràng, một khối cộng đồng dân tộc hợp sức cùng làm chủ đất nước với cuộc sống tự chủ, yên bình, tất cả cần phải được bảo vệ.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Ba, 2009, 08:53:55 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #3 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2009, 08:54:51 pm »

Mặt khác, tuy được xây dựng ở một thời kỳ lịch sử hoàn toàn khác. nhưng trong quá trình vận động phát triển của đất nước trong chuỗi liên tục của thời gian, nền quân sự, quốc phòng thời kỳ này còn là sự kế thừa thành tựu của các thời kỳ trước, vươn tới tầm cao mới. xứng đáng với một đất nước đang hồi sinh và phục hưng mạnh mẽ.

Từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XIII, một bước phát triển không phải là tuần tự, tiệm tiến mà là đột biến đã diễn ra trong lịch sử quân sự. Đó cũng là một mặt trong bước phát triển lớn của đất nước chuyển từ đêm trường đen tối của thời Bắc thuộc sang thời độc lập tự chủ huy hoàng.

Tuy nhiên.  trong cái huy hoàng với những thuận lợi của hoàn cảnh đất nước mới giành được độc lập tự chủ, những khó khăn thử thách xuất hiện cũng không nhỏ.  Âm mưu và hành động xâm lược của đế chế Tống lúc này đang nắm quyền thống trị ở Trung Hoa hòng tái lập nền đô hộ cùng với hành động quấy phá, xâm chiếm từ phía nam của Chiêm Thành là những mối đe doạ thường trực từ bên ngoài. 

Việc xây dựng nhà nước quân chủ tự chủ theo hướng phong kiến tập quyền phương Đông, mô hình Đường - Tống, ít ra cũng còn phải thăm dò, thể nghiệm hầu như suốt thế kỷ X với các vương triều Ngô, Đinh và Tiền Lê, để được xác lập, hoàn thiện bước đầu ở vương triều Lý. Những yếu tố phân tán với xu hướng ly khai trên cơ sở công xã nông thôn còn tồn tại phổ biến ở buổi đầu thường xuất hiện khi có cơ hội thuận tiện. Đó là những khó khăn, thách thức lớn đặt ra cho công cuộc xây dựng nền quân sự, quốc phòng trong những thế kỷ đầu của thời kỳ độc lập tự chủ.


Ngay từ những thế kỷ đầu tiên của thời kỳ này chiến tranh đã liên tục diễn ra. Lịch sử quân sự thời Ngô, Đinh, Tiền Lê và Lý cho thấy hoạt động quân sự, quốc phòng thời kỳ này đã lần lượt chiến thắng oanh liệt các cuộc xâm lăng lớn nhỏ từ bên ngoài, dẹp yên mọi hành động phân tán. phản loạn nổi lên từ bên trong.

Những chiến tích vẻ vang đó đảm bảo cho quốc gia Đại Cồ Việt - Đại Việt tồn tại vững vàng, phát triển mạnh mẽ, hiên ngang bước vào nền văn minh Đại Việt với bao kỳ tích trung khu vực Đông Nam á đang trải qua nhiều biến động.

Hai lần chiến thắng xâm lược với quy mô lớn của giặc Tống vào cáe năm 981, 1077, nhiều lần chinh phạt quân Chiếm Thành, đẩy lùi nguy cơ xâm chiếm. quấy phá từ phía Nam là sự thể hiện sức mạnh vũ trang và nghệ thuật quân sự. thể hiện ý chí kiên cường chống giặc giữ nước của quân dân ta trong thời kỳ này. 

Những vấn đề trên từng được nhiều tác giả đề cập trong nhiều công trình và luận văn nghiên cứu. Tuy nhiên, một biên soạn tổng hợp và hoàn chỉnh nội dung lịch sử quân sự xuyên suốt từ thời Ngô đến thời Lý thì đây là lần đầu. Do đó việc nghiên cứu, biên soạn sách đã gặp nhiều khó khăn, nhất là về tư liệu.

Nền sử học của nước ta ra đời muộn. Những ghi chép của người đương thời cực kỳ hiếm. hầu như tất cả đều được chép lại sau đó hàng thế kỷ, nhưng nó lại ở trong hoàn cảnh đất nước nhiều lần bị ngoại xâm tàn phá.  Ngoài nguồn sử liệu ít ỏi từ biên niên sử được biên soạn vào thời Trần, thời Lê, tham khảo bổ sung thêm từ nguồn sử Trung Hoa có liên quan, còn có nguồn tơ liệu mới và quan trọng thu thập qua điều tra, khảo sát điền dã. Tất cả đều được khai thác, tận dụng.

Phương pháp lịch sử được vận dụng chủ yếu trong quá trình biên soạn. Những sự kiện hiện tượng, nhân vật trực tiếp hoặc có liên quan đến những hoạt động quân sự thời kỳ này đều được xem xét, khảo sát, mô tả theo một trình tự diễn biến lịch sử nghiêm ngặt.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #4 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2009, 08:57:57 pm »

Khôi phục diện mạo lịch sử quân sự qua hoạt động xây dựng lực lượng vũ trang, tổ chức chiến đấu chống xăm lăng, bình dẹp ý đồ và hành động phân tán, phản loạn là yêu cầu số một đặt ra cho tập sách này.

Những sự kiện, hiện tượng lịch sử được tiến hành phân tích, tổng hợp lý giải nhằm nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn về nền quân sự, quốc phòng với lực lượng vũ trang hùng mạnh cùng những chiến thắng oanh liệt. Tất cả được nhìn nhận như những thành tựu văn hoá có ý nghĩa lớn trong tổng thể nền văn hoá Thăng Long rực rỡ vào thời đầu của văn minh Đại Việt. 

Lịch sử quân sự thời kỳ Ngô, Đinh, Tiền Lê và Lý đã hiện ra như một khúc quân hành hùng tráng ngay từ nhịp dạo đầu trên hành trình lịch sử dựng nước và giữ nước của một dân tộc biết cầm vũ khí và biết đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Lịch sử đó diễn ra vô cùng phong phú. đa dạng, gắn bó chặt chẽ với lịch sử xây dựng quốc gia Đại Cồ Việt - Đại Việt.. dựa trên cơ sở vững chắc của một xã hội đang phục hưng và phát triển mạnh mẽ.

Nhà nước quân chủ thời kỳ này tồn tại qua bốn vương triều Các vương triều Ngô, Đinh,Tiền Lê từ năm 939 đến đầu thế kỷ XI. Tiếp đến vương triều Lý tồn tại hơn hai thế kỷ từ 1010 đến 1225. Sự tiếp nối, thay thế nhanh chóng của các vương triều ở thế kỷ X thể hiện bước đi dồn dập, gấp gáp của lịch sử ngay từ bước khởi đầu để kịp tiến vào thế kỷ XI với tư thế một đất nước vững mạnh trong khu vực dưới sự quản lý của vương triều Lý.

Trong thế tồn tại hiên ngang và phát triển vững mạnh của đất nước thời kỳ này, tổ chức quân sự và hoạt động quốc phòng giữ một vị trí then chốt, nếu không muốn nói là quyết định.

Để thể hiện rõ chân lý lịch sử đó, các vấn đề quân sự, quốc phòng thời kỳ này đã ra đời trong điều kiện và hòan cảnh lịch sử như thế nào? được tổ chức ra sao? gánh vác những chức năng, nhiệm vụ gì và đáp ứng yêu cầu đặt ra của đất nước đến mức nào? Đó là nội dung được trình bày qua năm chương của sách Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 3 - Thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý (919 - 1295) .

Từ những vấn đề trên, nền quân sự, quốc phòng của đất nước trong ba thế kỷ đầu thời độc lập tự chủ sẽ hiện ra như một thành tựu lớn lao, đồng thời là một gia tài quý báu của các thế hệ nhân dân đương thời để lại cho hậu thế. 

Lịch sử ghi nhận sức mạnh kỳ diệu, sự trưởng thành nhanh chóng của tổ chức lực lượng vũ trang, của tơ tưởng và nghệ thuật quân sự đặc sắc trong chiến đấu chống giặc giữ nước và dựng nước vào thời kỳ này. Thể hiện rõ ràng, có hệ thống và tương đối đầy đủ thực tế lịch sử đó qua Lịch sử quân sự Việt Nam tập 3 là mục tiêu cố gắng phấn đấu của ban chủ nhiệm cùng tập thể tác giả trong quá trình nghiên cứu và biên soạn.



CHƯƠNG 1


NƯỚC ĐẠI CỒ VIỆT* – ĐẠI VIỆT
THỜI NGÔ - ĐINH – TIỀN LÊ – LÝ (939 -1225)


I. LÃNH THỔ, CƯƠNG VỰC, CƯ DÂN, Vị TRÍ ĐỊA LÝ TRONG MỐI TƯƠNG QUAN KHU VỰC

Chiến thắng giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 do Ngô Quyền tổ chức và chỉ đạo ghi một cột mốc quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.  Lời bình cô đọng và sắc sảo của sử gia Lê Văn Hưu về sự kiện lịch sử lớn lao này đã thâu tóm được tầm quan trọng của nó đối với tiến trình lịch sử dân tộc:


________________________
* Tên nước Đại Cồ Việt xuất hiện cùng với nhà Đinh. Ngô Quyền xưng vương, định đô ở Cổ Loa chưa đặt tên nước. Tuy nhiên, vương triều Ngô đã thực sự mở đầu cho thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc. Vì vậy, chúng tôi xin được nghiên cứu, giới thiệu lịch sử thời kỳ này bắt đầu từ nhà Ngô (T.G).
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Ba, 2009, 09:06:43 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #5 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2009, 09:48:12 pm »

Tiền Ngô vương (Ngô Quyền) có thể lấy quân mới họp của nước Việt mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoàng Tháo mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận  mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại được1.

 “Nước Việt ta” ở đây chính là đất nước của các vua Hùng, vua Thục với tên gọi Văn Lang, Âu Lạc từng tồn tại độc lập từ thế kỷ VII - VIII trước Công nguyên cho đến khi Triệu Đà xâm lược vào năm 179 trước Công nguyên.

Trải qua hơn một ngàn năm dưới ách đô hộ của ngoại tộc, đất nước từng bị chia cắt, tách, nhập với những thử thách hiểm nghèo. Mặc dù vậy, nhân dân ta với tinh thần chiến đầu bền bỉ, anh dũng và kiên cường, cuối cùng đã giành lại được quyền độc lập tự chủ với vai trò của họ Khúc vào năm 905 sau Công nguyên. Tiếp theo là Dương Đình Nghệ. Ông từng đánh đuổi giặc Nam Hán, giải phóng Đại La vào năm 931 .

Tuy giành được quyền tự chủ, nhưng họ Khúc cũng như họ Dương, trong buổi đầu nắm quyền quản lý đất nước vẫn duy trì danh hiệu tiết độ sứ Cho đến Ngô Quyền sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938 mới xưng vương, định đô ở Cổ Loa, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, khôi phục và tiếp nối chính thống đất nước có lịch sử hàng ngàn năm trước từ thuở các vua Hùng, vua Thục.

Lãnh thổ của quốc gia Văn Lang - Âu Lạc gồm 15 bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu  Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức và bộ Văn Lang 2. Nếu như về địa lý lịch sử, còn khó khăn trong việc xác định vị trí cụ thể của từng đơn vị thì trên đại thể có thể xác định lãnh thổ Âu Lạc gồm dải đất miền Bắc nước ta từ miền Nam tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc) cho đến Hoành Sơn ngày nay 3.

Dưới ách đô hộ của phong kiến Trung Hoa; lãnh thổ đó bị sáp nhập vào nước Nam Việt của Triệu Đà năm 179 trước Công nguyên gồm hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Đến thời lệ thuộc nhà Hán từ năm 111 trước Công nguyên, khu vực lãnh thổ đó vẫn chia làm hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân trong chín quận của bộ Giao Chỉ 4.

Vào thời thuộc Đường đó là các đơn vị châu Giao, châu Lục, châu Trường, châu Phong và một số châu ky mi (nay thuộc vùng Bắc Bộ), châu Ái, châu Diễn, châu Hoan, châu Phúc Lộc (nay thuộc vùng đất Bắc Trung Bộ từ đèo Ngang trở ra). Tất cả đều đặt trong cái gọi là Giao Châu đô hộ phủ, đặt năm 622, sau đổi làm An Nam đô hộ phủ vào năm 679.

Từ đầu thế kỷ X, sau khi giành được độc lập tự chủ, tên gọi An Nam đô hộ phủ bị xóa bỏ cùng với ách đô hộ của ngoại bang, lần lượt tên nước Đại Cồ Việt (từ thời Đinh, vào năm 968), tiếp đến Đại Việt (từ năm 1054 - thời Lý) xuất hiện với kinh đô Cổ Loa năm 939, thời Ngô), Hoa Lư (năm 968, thời Đinh - Tiền Lê) và Thăng Long (năm 1010, thời Lý).


________________
1. Ngô Sĩ Liên và các sử thần thời Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch của Nxb. Khoa học xã hội, 1983, T.1, tr. 198. Trong sách viết tắt là Toàn thư.
2. Về tên 15 bộ, các sách Việt sử lược, Toàn thư, Lĩnh Nam chích quái chép ít nhiều có khác nhau. Chúng tôi chép theo Toàn thư, Sđd, T.1, tr. 118 và theo Việt sử lược, bản dịch của Trần Quốc Vượng, Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1960, tr.13-14, chép thêm bộ Vàn Lang như Cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn đã chép để tham khảo (T.G).
3. Xem thêm Đào Duy Anh - Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1964, tr. 22.  
4. Chín quận của Giao Chỉ bộ: Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố (nay thuộc Quảng Đông, Quảng Tây - Trung Quốc)?  Châu Nhai, Đam Nhĩ (đảo Hải Nam - Trung Quốc), Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (nay thuộc Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ của Việt Nam).
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Ba, 2009, 09:55:01 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #6 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2009, 10:55:09 pm »

Lãnh thổ quốc gia thời này bao gồm vùng đất phù sa mầu mỡ của châu thổ sông Hồng, sông Thái Bình (Bắc Bộ); sông Mã, sông Chu (Thanh Hóa) và sông Lam (Nghệ An) cùng với một dải núi rừng chiếm 2/3 diện tích vây bọc các mặt đông bắc (từ Móng Cái đến Lào Cai), tây bắc (từ Lào Cai đến tây Nghệ An) và bắc Trường Sơn (tây Nghệ An, Hà Tĩnh) . Về cương vực, phía bắc giáp Trung Hoa (Tống), tây bắc giáp Đại Lý (Nam Chiếu), tây - tây nam giáp các tộc Lão Qua, Chân Lạp, nam giáp Chiêm Thành và phía đông giáp biển.

Nếu như cương vực về phía bắc, phía tây bắc có thay đổi ít nhiều so với ngày nay, nhưng trên đại thể tương đối ổn định, thì về phía nam thường có biến động theo hướng mở rộng. Từ nửa sau thế kỷ XI (1069) cho đến hết thời Lý (1225) biên giới phía nam đến Cửa Việt (Quảng Trị), bắc sông Thạch Hãn 1.   
   
   Như vậy đất nước Đại Cồ Việt - Đại Việt thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý ở vào một vị trí địa lý quan trọng, mang những đặc điểm nổi bật với nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn trong quá trình dựng nước và giữ nước. 

Trước hết nói đến thuận lợi, về mặt kinh tế phải kể đến các vùng châu thổ mầu mỡ với một lượng phù sa bồi đắp hàng năm, mang nhiều tiềm năng và hứa hẹn một nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước phát triển. Một quá trình di dân theo hướng lan toả, tràn xuống chiếm lĩnh khai thác các vùng còn hoang hoá, úng ngập trong nội địa và vùng sình lầy ven biển không chỉ diễn ra trong thời kỳ này mà còn kéo dài đến nhiều thế kỷ về sau đã chứng minh điều này 2.

   Ngoài vùng đồng bằng châu thổ còn lại 2/3 diện tích rừng núi với nguồn lâm thổ sản, khoáng sản bao gồm thảo mộc, động vật quý hiếm và kim loại các loại. Sự phong phú, đa dạng về nguồn lợi kinh tế ở hai miền xuôi và ngược không chỉ gắn bó trong trao đổi nhằm bổ sung, phục vụ đời sống thường nhật của nhân dân mà còn đáp ứng cho nhu cầu của quốc phòng.  Ngoài ra ta còn phải kể đến một nguồn gần như vô tận về thủy, hải sản, về giao thông của một quốc gia có hệ thống sông ngòi chằng chịt và một vùng biển trải dài dọc phía đông của đất nước.

Về vị trí địa lý, từ một cái nhìn tổng thể trong khu vực Đông á, Đông Nam á, ta thấy đất nước Đại Cồ Việt - Đại Việt ở vào một vị trí chiến lược trọng yếu. Đó là chiếc cầu nối giữa đại lục châu á với khu vực Đông Nam á bao gồm cả đất liền và hải đảo trên mặt thủy cũng như bộ.  Lịch sử hình thành, phát triển và tiêu vong, cùng quan hệ giao lưu giữa các quốc gia trước, trong và sau thời kỳ này sẽ cho ta một ý niệm về tầm quan trọng của vị trí địa lý nước Đại Cồ Việt Đại Việt trong khu vực.

Ở vào vị trí thuận lợi đó, nước ta cho đến thời kỳ này đã có quan hề tiếp xúc với những nền văn minh lớn của thế giới.  Rõ nhất là quan hệ giao lưu, tiếp xúc với hai nền văn minh lớn của phương Đông cổ đại. Đó là văn minh sông Hoàng và văn minh sông Hằng, còn gọi là văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ. Quá trình giao lưu, tiếp xúc đó đã để lại dấu ấn khá rõ nét trong xã hội Đại Cồ Việt - Đại Việt. 

Điều đáng quan tâm là tiềm năng phong phú, đầy hứa hẹn về tài nguyên nói chung, tầm quan trọng về vị trí địa lý như đã trình bày là lợi thế cho sự tồn tại và phát triển của đất nước. Mặt khác, điều đó cũng thực sự biến đất nước ta thành miếng mồi béo bở, gợi lên sự dòm ngó, thèm muốn chiếm đoạt đối với các quốc gia láng giềng.



___________________
1. Năm 1069, vua Lý Thánh Tông đem quân đánh Chiêm Thành, bắt được chúa Chiêm là Chế Củ. Chế Củ đem ba châu: Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính để chuộc thân. Toàn thư, Sđd, T. 1, tr. 287.
   - Xem thêm Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt, xuất bản lần thứ hai, năm 1949, bản tái bản của Nxb. Văn học, Hà Nội, 1995, chú thích 18. tr. 53.
2. Tham khảo thêm Di dân của người Việt từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, Đặng Thu chủ biên, chuyên san tạp chí Nghiên cứu lịch sử 1997.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #7 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2009, 10:58:56 pm »

Hơn một ngàn năm đô hộ với mưu toan đồng hóa của phong kiến phương Bắc từ Tần đến Đường, các cuộc xâm lược của Nam Chiếu (Đại Lý), của Nam Hán; những vụ cướp bóc xâm lấn của Chiêm Thành, Chân Lạp đã diễn ra trước đó và còn tiếp diễn trong và sau thời kỳ này là những minh chứng hùng hồn cho luận điểm trên.

Lịch sử cho hay đất nước của cư dân Văn Lang - Âu Lạc từng chịu đựng hơn 10 thế kỷ trong vòng thống trị với ý đồ thôn tính và đồng hóa của đế chế phong kiến Trung Hoa rộng lớn. Đó là một quốc gia đất rộng, người đông với nền văn minh sông Hoàng phát triển rực rỡ của nhân loại ở phương Đông cổ đại.

Vào thế kỷ III trước Công nguyên, Tần Doanh Chính sau khi lần lượt đánh bại sáu nước lớn khác: Hàn, Triệu, Ngụv, Sở, Yên, Tề đã lập nên đế chế Tần rộng lớn tồn tại từ năm 221 đến năm 206 trước Công nguyên. Tần Thủy Hoàng đã tiến hành chiến tranh nhằm thôn tính đất nước của người Hung Nô ở phương bắc và vùng đất Ngũ Lĩnh ở phía nam của người Bách Việt.

Trong bối cảnh đó, lãnh thổ của Văn Lang - Âu Lạc đầy hấp dẫn ở phương nam đã bị Triệu Đà - một viên huyện lệnh của nhà Tần ở Nam Hải - nhân nhà Tần suy sụp và nhà Tây Hán chưa ổn định (từ năm 206 đến năm 202 trước Công nguyên) mưu đồ cát cứ lập nên nước Nam Việt, tiến hành xâm lược.

Từ đó, đất nước ta chịu ách đô hộ trải qua các thời Triệu (từ năm 179 đến 111 trước Công nguyên) ; Hán (Tây Hán - Đông Hán từ năm 111 trước Công nguyên đến 220 sau Công nguyên) ; Ngụy, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần (từ năm 220 đến năm 580), Tùy (từ 581 đến 618); Đườ(từ 618 đến 905 - cuối Đường).

Bước vào đầu thế kỷ X, mặc dù đã khôi phục được độc lập tự chủ, nhưng quốc gia Đại Cồ Việt, tiếp đến Đại Việt vẫn không tránh khỏi sự nhòm ngó của phong kiến Trung Hoa từ phía bắc. Các cuộc xâm lược của Nam Hán (năm 930, 938), của nhà Tống (năm 980 - 981, năm 1077) đã chứng minh điều này. 

Cũng vào thời này, ở tây bắc nước ta đã từng xuất hiện quốc gia Nam Chiếu với địa bàn thuộc vùng Vân Nam có trung tâm là Đại Lý (Côn Minh); vì vậy sử còn chép là nước Đại Lý. Quốc gia này thành lập vào thế kỷ VIII do sự tập hợp của sáu bộ tộc người Thái và trở thành một cường quốc. 

Người Nam Chiếu từng hàng phục được Miến Điện, bành trướng về phía tây đến giáp Ấn Độ, phía tây bắc đến Thổ Phồn (Tây Tạng). Vào những năm 816, 832, 846, Nam Chiếu từng tràn xuống đánh phá, và chiếm được Tống Bình 1 (lỵ sở An Nam đô hộ phủ) vào năm 863 buộc quan, quân đô hộ nhà Đường phải chạy về nước. Từ năm 865 đến năm 866, người Nam Chiếu bị Cao Biền đánh đuổi. 
 
Cho đến thế kỷ XIII, quốc gia này bị quân Nguyên thôn tính và cuối cùng sáp nhập vào bản đồ Trung Quốc từ năm 1253.  Cùng với sự ra đời và tiêu vong của quốc gia này là một cuộc thiên dí của người Thái dọc theo thung lũng các dòng sông lớn tràn xuống phía nam. Đối với Đại Cồ Việt  Đại Việt, vào thời điểm này người Thái theo lưu vực sông Đà, sông Mã tràn vào tụ cơ ở vùng tây bắc, tây Thanh Hóa ngày nay, kết hợp với khối cơ dân người Thái cổ từng cư trú ở tây bắc từ trước trở thành một bộ phận trong đại gia đình các dân tộc của một quốc gia đang trên con đường phục dựng vững vàng.

Trong khi đó, cuộc thiên di của họ theo các dòng sông Iaravađi, sông Saluen (Miến Điện) sông Mê Nam (Thái Lan) sông Mê Kông (thuộc địa phận Lào) đã tạo nên sự xáo trộn, không ổn định kéo dài trong các bộ tộc bản địa, chủ yếu là người Môn - Khơme. Các bộ tộc Lão Qua sống ở phía tây nước Đại Cồ Việt - Đại Việt từng bị người Khơme (Chân Lạp) chiếm giữ, tiếp đến sự xâm nhập của người Thái vào các thế kỷ IX- XIII, hình thành các tiểu vương quốc. Cho đến giữa thế kỷ XIV, một quốc gia Lào thống nhất (Lạng Xang) mới hình thành với vai trò của người thủ lĩnh anh hùng Pha Ngừm 2 .


__________________
1. Thuộc vùng Hà Nội ngày nay. 
2. Tham khảo Lương Ninh - Nghiêm Đình Vì - Đinh Ngọc Bảo: Lịch sử Lào, Đại học Sơ phạm Hà Nội I, Hà Nội, 1991.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #8 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2009, 11:03:29 pm »

Cũng ở phía tây, quốc gia Chân Lạp vào đầu thế kỷ VIII đã bị chia cắt làm hai: Lục Chân Lạp ở phía thượng Lào với rừng núi và thung lũng thuộc trung và hạ Lào ngày nay, Thủy Chân Lạp ở phía nam có nhiều hồ và biển bao bọc. Quốc gia này bị người Java xâm lược, chiếm đống hầu suốt thế kỷ VIII. Với vai trò đặt nền móng, vua Giayavacman II (802 - 854) đã tiến hành giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của người Java vào thế kỷ IX.

Cũng từ đây, quốc gia này bước vào thời kỳ các vua chúa Ăngco với nền văn minh Ăngco nổi tiếng, cực thịnh vào thế kỷ XI để rồi bước vào suy tàn vào đầu thế kỷ XIII trước sự tiến công của vương quốc Thái thống nhất 1

Ở phía nam Hoành Sơn là quốc gia Chăm Pa còn gọi là Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành) của cư dân người Mã Lai - Đa Đảo (Malayo - polynésien). Họ cư trú ở vùng ven biển miền Trung và Nam Trung Bộ, là chủ nhân của nền văn hóa Sa Huỳnh nổi tiếng.

Vào thế kỷ II trước Công nguyên khi quốc gia Âu Lạc rơi vào ách thống trị của nhà Hán, bị chia thành hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân thì quốc gia này cũng bị người Hán đô hộ và lập thành quận Nhật Nam gồm năm huyện Tây Quyển, Chu Ngô, Ty Ảnh, Lô Dung, Tượng Lâm.

Trong những thế kỷ đầu dưới ách đô hộ của nhà Hán, nhân dân Nhật Nam cùng Giao Chỉ, Cửu Chân nhiều lần kề vai sát cánh nổi dậy.  Cho đến thế kỷ II sau Công nguyên, nhân Trung Hoa loạn lạc, dân Tượng Lâm dưới sự lãnh đạo của Khu Liên đã nổi dậy giành tự chủ, lập nên quốc gia Lâm Ấp, một trong hai tiểu quốc: Bắc (Lâm ấp - bộ lạc Dừa) và Nam (Panduranga - bộ lạc Cau) vốn có quan hệ thân tộc nhưng thường xảy ra tranh chấp lẫn nhau. Vương triều Đồng Dương 2 (Indrapura - kinh đô của Chăm pa) của tiểu vương quốc Bắc bị chấm dứt vào khoảng năm 982 - 983 thế kỷ X.

Từ một cái nhìn bao quát, chúng ta thấy trong các thế kỷ X - XIII ở khu vực Đông Nam á còn trong tình trạng chưa ổn định. Một số quốc gia chuẩn bị xuất hiện (Lào, Xiêm), có quốc gia vừa trải qua phân tán, bước vào thời kỳ huy hoàng ngắn ngủi để sớm bị lụi tàn (Khơme), có quốc gia từng bị nghiêng ngửa trước làn sóng thiên di của người Thái (Miến Điện), có quốc gia bị xoá sổ trên bản đồ (Đại Lý). Trong khi đó, đất nước Đại Cồ Việt - Đại Việt không chỉ lật đổ ách thống trị của ngoại bang, khôi phục nền độc lập tự chủ, mà còn tồn tại và phát triển vững vàng trước hành động xâm lược của các loại kẻ thù xâm lược lớn nhỏ.

Từ thế kỷ X, cư dân quốc gia Đại Cồ Việt - Đại Việt đã bao gồm nhiều tộc người trong đó người Việt (bao gồm người Kinh và người Mường sau này) là chủ yếu, còn có mặt các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Dao, Chăm... cùng chung sống trên lãnh thổ quốc gia độc lập đã giành lại được từ tay bọn đô hộ phương Bắc.

Nếu như người Việt sống chủ yếu ở vùng đồng bằng châu thổ và trung du thì các dân tộc thiểu số lại sinh sống chủ yếu ở vùng rừng núi cao tạo thành một vành đai chặn giữ các vùng biên thùy xa xôi hiểm trở.  Về dân số, sử sách không ghi cụ thể, mặc dù có chép đến việc điểm số hộ, số dân. Một vài con số do sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi cung cấp về số dân thời Ngô, Đinh, Lê, Lý, lại có nhiều mâu thuẫn, khó hiểu 3.

Trước tình hình tư liệu như vậy, người ta ước đoán số dân nước ta thời này khoảng 3.000.000 người.

Dù sự phân bổ của cơ dân các sắc tộc theo những khu vực khác nhau thì trên toàn cục, cộng đồng các dân tộc đa số và thiểu số đã thực sự là chủ nhân của lãnh thổ quốc gia Văn Lang - Âu Lạc xưa. Họ đã cùng phịu chung nỗi đắng cay dưới ách nô lệ của ngoại tộc, cùng chung lưng đấu cật kiên trì bền bỉ đấu tranh giành độc lập tự chủ.

Từ thế kỷ X trong bối cảnh lịch sử mới họ đã cùng nhau lao động xây dựng và chiến đấu bảo vệ đất nước với những thành tựu và chiến công rực rỡ. Họ là chủ nhân của quốc gia Đại Cồ Việt (thế kỷ X) tiếp đến Đại Việt (từ năm 1054) thời Lý Thánh Tông.


_______________________
1. Tham khảo Phạm Việt Trung - Đỗ Văn Nhung - Chiêm Tế (chủ biên): Đất nước Campuchia, lịch sử và văn minh, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp Hà Nội, 1977.
   - D.G.E.Hall: Lịch sử Đóng Nam á (Bản dịch), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 166-205.

2. Làng Đồng Dương ở trên bờ sông Ly Ly - nhánh của sông Thu Bồn, cách Trà Kiệu (Sinhapura) khoảng 15km về phía đông nam. Tham khảo Lịch sử Việt Nam T.I của Phan Huy Lê - Trần Quốc Vượng - Hà Văn Tấn - Lương Ninh. chương V, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, in lần thứ hai, Hà Nội, 1985. 
3. Dư địa chí của Nguyễn Trãi trong Nguyễn Trãi toàn tập, cho biết dân số các thời:
Ngô: 3.100.000 hộ
Đinh-lê: 5.006.500 đinh
Lý : 3.300.100 đinh
Điều khó hiểu là nếu tính theo “hộ” hoặc “đinh” thì dân số thời này quá lớn, khó lý giải. 
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Ba, 2009, 11:05:36 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #9 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2009, 11:44:39 pm »

II. CƠ SỞ KINH TẾ, KẾT CẤU XÃ HỘI VÀ THẾ CHẾ CHÍNH TRỊ

1. Kinh tế

Nông nghiệp

Bước vào thời sơ sử, nông nghiệp đã giữ vị trí chủ đạo trong nền kinh tế của cơ dân Văn Lang - Âu Lạc. Nếu như ở vùng đồi núi người ta tiến hành canh tác nương rẫy với phương thức “đao canh hỏa chủng” (cày bằng đao, trồng bằng lửa) thì ở các vùng thung lũng ven núi, phù sa ven sông và vùng thấp trũng ở đồng bằng lại trồng lúa nước.  Người ta dựa vào nước nguồn, vào thủy triều lên xuống để chủ động tưới, tiêu nước, áp dụng kỹ thuật “đao canh thủy nậu” (cày bằng đao, làm mát đất bằng nước).

Kỹ thuật phát hoặc đốt cây cỏ, lợi dụng nguồn nước hoặc chủ động dẫn nước để cày cấy đã thành truyền thống sản xuất chủ yếu của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Trung tâm đất nước từ vùng ngã ba sông Việt Trì thời Văn Lang chuyển xuống Cổ Loa thời Âu Lạc vào thế kỷ III trước Công nguyên đã thực sự ghi nhận bước phát triển toàn diện của xã hội, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp.

Đến thế kỷ X, hầu như khắp vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Lam, trừ những ô trũng, những vùng bãi bồi ven biển, đều được khai phá, canh tác. Căn cứ vào ghi chép của sử sách với địa danh Cửa Bố (Bố Hải Khẩu) hồi thế kỷ X, ở vùng thị xã Thái Bình ngày nay, căn cứ vào sự xuất hiện của con đê Hồng Đức vào năm 1472 ở Ninh Bình - Nam Định, và sự hình thành các xã ven biển đồng bằng Nga Sơn 1 (Thanh Hoá) vào những thế kỷ sau này, ta có thể hình dung vào các thế kỷ X - XI - XII, dải đất phía đông nam Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và ven biển đông bắc Thanh Hóa ngày nay  còn chưa được bồi tụ như hiện nay.

Mặc dù vậy, nhìn chung trên phạm vi cả nước thời bấy giờ, kinh tế nông nghiệp đã mở mang nhiều, chiếm ưu thế tuyệt đối và giữ một vị trí cực kỳ quan trọng trong đời sững của cư dân.

Nhận thức được tầm quan trọng của nghề nông, nhà nước quân chủ thời kỳ này đã có nhiều biện pháp, chính sách nhằm khuyến khích nông nghiệp. Cày cấy vốn là công việc của nhà nông, để tỏ ý động viên khích lệ, người đứng đầu nhà nước thường tiến hành cày tịch điền.

Mở đầu cho việc làm này là Lê Hoàn, tức vua Lê Đại Hành. Vào năm Đinh Hợi (987), ông cày tịch điền ở Đọi Sơn (Hà Nam) và Bàn Hải (?). Đến các vua nhà Lý, thì nghi thức này đã trở thành thường xuyên, được các nhà vua đặc biệt quan tâm.

Vua Lý Thái Tông đi xem gặt ở Điểu Lộ (Hưng Yên ?) vào năm 1030, cày tịch điền ở Đỗ Động (Hà Tây) năm 1032, ở Cửa Bố (Thái Bình) năm 1038, ở Khả Lãm (Thanh Oai, Hà Tây) năm 1042. Vua Lý Thánh Tông cày ruộng ở Cửa Bố (Thái Bình) năm 1065. Vua Lý Nhân Tông xem cày ruộng ở Ứng Phong (Nam Định) vào các năm 1101, 1102, 1117, 1123, 1124, 1125. Lý Anh Tông cày tịch điền ở Lý Nhân (Hà Nam) vào các năm 1146, 1148 2.

Sử chép trong dịp cày ruộng ở Cửa Bố vào năm 1038, vua Lý Thánh Tông sau khi tế thần nông, tự tay cầm cày. Có viên quan tâu: “Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế ?”. Nhà vua nói: “Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì cho thiên hạ noi theo” 3.


_________________________
1. Đó là các xã: Nga Điền, Nga Thái, Nga Thiện
2.Theo các sách Đại Việt Sử ký toàn thư, Sđd; Việt Sử lược bản dịch của Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1960; Cương mục, bản dịch của bản Văn Sử Địa, Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1958, In lại của Nxb. Giáo dục Hà Nội, 1998.
3. Toàn thư, Sđd, t.I, tr. 266.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM