Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:59:20 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Quân sự Việt Nam - Tập 3  (Đọc 82202 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #80 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2009, 12:57:10 pm »

Đó là các thế lực họ Trần của Trần Lý, Trần Tự Khánh ở Hải ấp (Thái Bình), Đoàn Thượng ở Hồng Châu (Hải Dương), Nguyễn Nộn ở Bắc Giang, Nguyễn Tự ở Quốc Oai (Sơn Tây)... Lợi dụng tình hình này, Chiêm Thành cùng với Chân Lạp vào cướp phá Nghệ An vào các năm 1216, 1218. Cả hai lần đều bị Lý Bất Nhiễm đem quân đi đánh dẹp. Do chiến công dẹp giặc Chiêm Thành, Chân Lạp này Lý Bất Nhiễm được thăng từ tước bá lên tước hầu, được ban thực ấp 7.500 hộ, thực phong 1500 hộ 1.
 
Tóm lại vào các thế kỷ X - đầu XIII, biên giới phía nam thường xuyên bị Chiêm Thành, có khi cả Chiêm Thành và Chân Lạp cùng đánh phá, quấy nhiễu.

Trong quan hệ tay ba: Tống - Việt - Chiêm, để đối phó với ý đồ liên minh Tống-chiêm nhằm vào Đại Việt, nhà nước quân chủ thời Tiền Lê, Lý đã phải huy động lực lượng vũ trang để đánh dẹp, ngăn chặn và đẩy lùi được nguy cơ xâm lược từ phía nam. Đã hai lần đích thân các nhà vua phải cầm quân.

Vua Lê Đại Hành tiến vào kinh đô Iudrapura (Đồng Dương) vào năm 982 và vua Lý Thánh Tông hạ kinh đô Vijaya (Trà Bàn) vào năm 1069. Biên cương phía nam của Đại Việt được bảo vệ và mở rộng thêm, đẩy lùi nguy cơ xâm lược của Chiêm Thành vào phía nam Đèo Ngang, đến Cửa Việt, sông Thạch Hãn, Quảng Trị ngày nay. 

Vào các thế kỷ X - đầu XIII, chỉ kể từ các thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, đất nước ta trải qua một bướt phát triển mạnh mẽ, đồng thời cũng phải vượt qua những khó khăn, thử thách hiểm nghèo. Trong bối cảnh lịch sử vừa mới khôi phục được độc lập tự chủ, nguy cơ xâm lược nhằm tái lập ách đô hộ của ngoại bang chưa phải đã tuyệt, quân dân Đại Cồ Việt- Đại Việt phải nhanh chóng xây dựng một đất nước hùng mạnh dưới sự quản lý của một bộ máy nhà nước quân chủ trung ương tập quyền.

Trong khi đó, về phía đối nội, yếu tố phân tán dựa trên cơ sở các công xã nông thôn tồn tại phổ biến ở thế kỷ X - XI thường tái phát, gây nên những tổn thất, trở ngại cho công cuộc phục hưng đất nước. 

Bên cạnh nguy cơ xâm lược từ phía bắc, các nhà nước quân chủ thời này còn phải thường xuyên đồi phó với hành động quấy rối, xâm lấn từ phía nam của Chiêm Thành. 

Hiểm họa đối với nền độc lập của Tổ quốc càng trở nên trầm trọng một khi liên minh Tống-chiêm đã thực sự xuất hiện nhằm tiến công Đại Cồ Việt - Đại Việt từ hai phía. 

Trong tình hình đó, hơn lúc nào hết, lúc này một nhà nước quân chủ độc lập tự chủ mạnh phải được xây dựng trên cơ sở một lực lượng vũ trang mạnh. Hoàn toàn không phải không có lý do khi các nhà nước dưới thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý ở thời này đều ra đời từ những chiến tích dẹp loạn hoặc đánh thắng giặc ngoại xâm.

Và cũng khá rõ ràng trong các mặt hoạt động nhằm xây dựng và bảo vệ đất nước vào thời này, hoạt động quân sự luôn luôn nổi lên hàng đầu.  Không kể hai lần chiến thắng giặc Tống vào các năm 980-981, và năm 1076 -1077 không thuộc phạm vi của chương này, trong hoạt động quân sự, lực lượng vũ trang thời này không ngừng lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đập tan mọi hiện tượng phân tán, cát cứ thực sự là lực lượng nòng cốt trong củng cố và xây dựng quốc gia độc lập thống nhất.


______________________
1. Toàn thư, Sđd, t.1, tr. 263-264.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #81 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2009, 01:06:22 pm »

Để bảo vệ nhà nước quân chủ, lực lượng vũ trang thời này đã đập tan được mọi hành động gây bạo loạn ở cung đình, chặn đứng được mọi biểu hiện ly khai qua nhiều hình thức khác nhau từng diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt vùng rừng núi, biên viễn.

Tuy nhiên, cũng có lúc do tình hình chính trị không ổn định. hiện tượng tranh giành quyền lực xảy ra vào cuối thời Đinh, thời Ngô, thời Lý đã kéo theo sự phân hóa trong lực lượng vũ trang. Nhưng tình trạng này sớm được khắc phục để kịp thời tập hợp, xây dựng một lực lượng quân đội thống nhất của nhà nước quân chủ tiếp tục làm nhiệm vụ giữ nước và dựng nước. 

Lịch sử hoạt động quân sự vào các thế kỷ X - đầu XIII đã chứng minh lực lượng vũ trang ngoài chiến tích vẻ vang trong hai lần đánh thắng giặc Tống, đã thực sự là một công cụ quan trọng số một để bảo vệ nhà nước quân chủ, tiến hành dẹp loạn và bảo vệ biên cương, đẩy lùi nguy cơ xâm lấn từ phía nan của Tổ quốc, tạo thế và lực để nhân dân ta xây dựng đất nước thành công tốt đẹp.


CHƯƠNG 4

HAI LẦN ĐÁNH THẮNG GIẶC TỐNG XÂM LƯỢC


Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta hai cuộc kháng chiến chống Tống ở thế kỷ X và thế kỷ XI có một vị trí và ý nghĩa lịch sử rất quan trọng.

Cuộc chống Tống thế kỷ X do Lê Hoàn lãnh đạo là cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc lừng lẫy nhất, quy mô nhất ở đầu thời kỳ mới khôi phục độc lập sau hơn nghìn năm chống Bắc thuộc .

Đánh giá chiến công này, sử gia Lê Văn Hưu đã viết rằng: “Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ; chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên. Công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được1.  

Sau đó mấy thập kỷ, nhà Tống vẫn không quên bài học thất bại chua cay này, buộc họ trong quan hệ bang giao thường phải hoà hoãn với nước ta.

Tuy nhiên, đến các vua sau, thái độ ứng xử hoà hoãn này không còn duy trì được. Đặc biệt đến đời Tống Thần Tông (1068-1085) thì bộc lộ rõ âm mưu xâm lược nhằm tái đô hộ đất nước Đại Việt.

Do tham vọng của Tống Thần Tông và Tể tướng Vương An Thạch, cuộc chiến tranh Tống - Việt lần thứ hai, thực tế đã xảy ra những năm 1075-1077, khi nhà Tống chuẩn bị kế hoạch “nam tiến”, các căn cứ quân sự ở Quảng Tây, đặc biệt thành Ung Châu đã trở thành một nơi tập kết quân đội, tập trung vũ khí, lương thúc để đánh Đại Việt.

Trước tình hình đó, vận mệnh nước ta bị đe doạ thực sự. Lý Thường Kiệt nảt ra một ý nghĩ táo bạo, một chiến lược độc đáo. Ông nói: “Ngồi đợi giặc không bằng đem quân phá trước thế mạnh của giặc2.

Nhờ thực hiện kết quả chiến lược này mà thế lực Tống bị giảm sút từ đầu, rồi sau đó quân Tống sang xâm lược nước ta cũng không thắng nổi tinh thần kháng chiến của quân dân Đại Việt. Rút cục nhà Tống phái giảng hoà để kéo quân về nước.

Đánh giá thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai (1075-1077) này, sử gia Ngô Thì Sỹ (1726-1780) viết “Nước ta đánh với quân Trung Hoa đã nhiều lần. Lý Nam Đế, Ngô Tiên chúa, Lê Đại Hành, Trần Nhân Tông đã mở những trận thắng lợi vẻ vang thật đáng hãnh diện, nhưng đều là những trận ứng chiến khi giặc kéo vào nước nhà. Chỉ có Lý Thường Kiệt mới đường đường chính chính kéo quân đến nước người mà đánh, khi đánh không ai địch nổi, khi rút quân về không ai dám đuổi theo. Rõ ràng trận đánh Ung Liêm (cuối 1075 đầu 1076) là võ công bậc nhất, khiến cho người Trung Hoa từ đó không dám coi thường ta nữa!” 3.

Qua bình luận của sử gia Lê Văn Hưu, Ngô Thì Sỹ nêu  trên, ta cũng có thể hình dung được một cách tổng quan tính chất oanh liệt của mỗi thời và đặc điểm riêng của mỗi cuộc kháng chiến chống Tống đã diễn ra ở thế kỷ X và thế kỷ XI.

_______________________
1. Toàn thư, Sđd, t. 1, tr. 218.
2. Lý Tế Xuyên: Việt điện u linh, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1960, tr.30.
3. Ngô Thì Sỹ: Việt sử tiêu án, kỷ Lý Nhân Tông (bản Hán).
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #82 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2009, 02:28:38 pm »

I. CHIẾN THẮNG GIẶC TỐNG LẦN THỨ NHẤT (980-981)

1. Nhà Tống với âm mưu xâm lược Đại Cồ Việt

Nhà Tống ra đời năm 60 của thế kỷ X, thời kỳ đầu gọi là Bắc Tống. Vị hoàng đế đầu tiên là Triệu Khuông Dận, sau được tôn hiệu là Tống Thái Tổ, đặt niên hiệu mới là Kiến Long tính từ tháng Sáu năm Canh Thân (960), đóng đô tại đất Biện Lương (nay thuộc huyện Khai Phong tỉnh Hà Nam, Trung Quốc).

Trong quá trình củng cố chính quyền, tiến tới thống nhất quốc gia, Tống sau khi lập vương triều đã lần lượt tiêu diệt các nước còn lại: Kinh Nam, Hậu Thục, Nam Hán, Nam Đường, Ngô Việt, Bắc Hán, chấm dứt cục diện cát cứ “năm đời mười nước” 1.
 
Một chính sách mới mà Tống Thái Tổ cùng Tể tướng Triệu Phổ đã khẩn cấp tiến hành là tập trung quyền quân sự, hành chính và tài chính về trung ương, hoàng đế trực tiếp nắm binh quyền. Những chính sách mà Triệu Khuông Dận và Triệu Phổ đã làm, đưa chế độ trung ương tập quyền phát triển đến cao độ.

Cuối năm Bính Tý (976 Triệu Khuông Dận mất, em là Tấn vương Triệu Quang Nghĩa lên nối ngôi anh (tức là Tống Thái Tông), mở đầu niên hiệu Thái Bình hưng quốc tính từ tháng 12 năm ấy. Lư Đa Tốn được thay Triệu Phổ làm Tể tướng, Sở Chiêu Phụ làm Khu mật sứ, cùng giúp vua diệt nốt hai nước Ngô Việt và Bắc Hán, hoàn thành công cuộc thống nhất.

Năm 976, Tống Thái Tông lên ngôi thấy Phan Mỹ đã già, liền chọn Hứa Trọng Tuyên giữ chức Lĩnh Nam đạo chuyển vận sứ thay Phan Mỹ. Hứa Trọng Tuyên có tài kiêm văn võ, có uy tín với triều đình, khi giao cho đặc quyền khu xử việc nam thùy, được phép “tiền trảm hậu tấu".

Trọng Tuyên nhậm chức, trực tiếp cai quản miền Ung Quảng. Ở Ung Châu thì Hầu Nhân Bảo được Lư Đa Tốn trao chức Tri Ung Châu từ năm 971, ở Quảng Châu thì có Lưu Hữu Tráng được nhậm chức Tri Quảng Châu từ năm 976. Ba viên quan nói trên là ba viên tham mưu đắc lực cho vua Tống trong mưu đồ xâm lược các nước phương nam 2.

Ngày Kỷ Hợi tháng Sáu năm Canh Thìn 11-8-980), Tri Ung Châu là Hầu Nhân Bảo dâng sớ về Biện Kinh tâu vua rằng: “ở Giao Châu, An Nam quận vương và con là Đinh Liễn đều bị giết, nước loạn to gần mất, có thể đem quân chiếm lấy được. Nếu lúc này không mưu tính, sợ bỏ mất cơ hội. Thần xin được về cửa khuyết để bày tỏ trước vua về việc đó3.

Tống Thái Tông tiếp được mật thư rất đỗi vui mừng, vua định sai lính trạm chạy ngựa gọi Nhân Bảo về gấp để bàn kỹ kế đánh. Nhưng Lư Đa Tốn chủ trương: “cứ để Nhân Bảo ở lại Ung Châu, chuẩn bị kỹ rồi tiến quân bất ngờ đem quân sang đánh úp, như người ta nói “sét đánh không kịp bịt tai”.  Nếu trước gọi Nhân Bảo về, mưu ấy ắt bị lộ, kẻ kia nhờ đó biết được sẽ dựa vào núi ngăn biển mà phòng bị, cái thế thắng thua chưa biết thế nào . . . Vua Tống cho là phải” 4.


________________________
1. Loạn “ngũ đại thập quốc” (năm đời mười nước) ở Trung Quốc xảy ra vào lúc nhà Đường trên con đường suy vong. 
Năm đời:     
    Hậu Lương (907-923)
    Hậu Đường (923-936)
    Hậu Tấn (936-946
    Hậu Hán (947-950)
    Hậu Chu (951-960)
Mười nước:
Tiền Thục (907-925), Hậu Thục (931-965), Ngô (892-937), Nam Đường (937-97 Ngô Việt (895-978), Mân (895-945), Sở (896-951). Kinh Nam (tức Nam Bình, 907-963), Bắc Hán (951-979) và Nam Hán (90971). 

2. Tống sử bản kỷ, quyển 254, tr. 13.
3. Tống sử liệt truyện: Hầu Nhân Bảo.
4. Toàn thư, Sđd, t.1, tr. 212.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #83 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2009, 02:31:04 pm »

Những việc nói trên chứng tỏ vua và tể tướng Tống thường xuyên chú trọng vùng biên giới phía nam, trong đó có mục đích xâm lược Đại Cồ Việt. Về phía ta thì đến cuối thời Đinh, quan hệ Việt- Tống ngày càng thêm khó khăn, phức tạp.

Đầu năm Kỷ Mão (979), ở thành Hoa Lư xảy ra chuyện Nam Việt vương Đinh Liễn ngầm sai quân giết chết em là Thái tử Hạng Lang. Cuối năm Kỷ Mão lại xảy ra một tai biến tày đình nữa, đó là chuyện Đỗ Thích giết hai vua. Vụ biến cung đình này chứng tỏ triều đình lúc bấy giờ đã suy đốn và hậu quả nguy hại nhất là mặt đối ngoại.  Phía bắc, nhà Tống thường xuyên dòm ngó nước ta, phía nam quân Chiêm Thành cũng thường xuyên vào cướp phá vùng phía nam Đại Cồ Việt.

Họa xâm lăng đã thấy rõ trước mắt, mà vua nước ta lúc này là Đinh Toàn mới sáu tuổi, chưa gánh vác nổi việc lớn, trong triều thì một số văn thần võ tướng ngờ vực lẫn nhau, đời sống nhân dân khó khản vì thiên tai địch họa... 

Để giải quyết bế tắc này mùa Thu năm Canh Thìn (8-980) được quân sĩ ủng hộ, các triều thần phải tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế, cải niên hiệu Thiên Phúc, nhờ đó mọi mâu thuẫn nội bộ triều đình được thanh toán. Song, với bên ngoài vua vẫn dè dặt thận trọng, nên Lê Hoàn cử ngay Triệu Tử Ái đi sứ sang Tống, cầu phong cho Đinh Toàn. Tống sử chép: “Ngày Quý Mão, mồng Ba tháng Chín năm Canh Thìn (14- 10-980) sứ Lê Hoàn đến Biện Kinh dâng biểu xin tập vị cho Đinh Toàn1.

Đón nhận tờ biểu của sứ thần Đại Cồ Việt, vua Tống và Tể tướng Lư Đa Tốn không được hài -lòng, vì thừa biết Lê Hoàn đã làm vua, sẽ không chịu thần phục theo ý Tống. Do đó, một mặt vua Tống không phong vương cho Đinh Toàn, một mặt sai Lơ Đa Tốn viết thơ ép buộc Lê Hoàn phải đầu hàng, nội phụ.

Trong thư (tối hậu) của Lư Đa Tốn gửi Lê Hoàn có câu:

Nay chín châu bốn biển đã yên, chỉ còn Giao Châu của ngươi ở xa cuối trời... Người định về theo ta, hay muốn chuốc lấy tội? Ta đang chỉnh bị xe ngựa, binh lính, cờ lệnh, chiêng trống... nếu ngươi quy hàng thì ta tha, nếu trái mệnh thì ta đánh. Theo hay không, lành hay dữ, ngươi tự nghĩ lấy...” 

Qua lời thư của Lư Đa Tốn càng lộ rõ ý đồ Tống quyết tâm xâm chiếm nước ta, Lê Hoàn một mặt khẩn trương tập hợp lực lượng bố phòng kháng chiến, một mặt cử Giang Cự Vọng và Vương Thiệu Tộ tiếp tục sang Tống cầu phong cho Đinh Toàn để dò xem thế lực và có thể xin hoàn binh.

Tống chuẩn bị mọi mặt để xâm lược Đại Cồ Việt

- Thiết lập Giao Châu hành doanh

Giao Châu hành doanh là Bộ Chỉ huy quân viễn chinh gồm có:

- Hầu Nhân Bảo: vốn dòng nhà tướng, tài kiêm văn võ, được trao chức Giao Châu lộ thủy lục kế độ chuyển vận sứ, tức Tổng chỉ huy toàn quân thủy bộ ở Giao Châu. 

- Tôn Toàn Hưng: đủ tài thao lược, được phong đại tướng, cùng Hầu Nhân Bảo chỉ huy Giao Châu hành doanh, đặc trách bộ binh.

- Hứa Xương Duệ: làm thông tín sứ.

- Hứa Trọng Tuyên: đặc trách lương thảo.

- Cùng một số tướng lĩnh như Lưu Trừng, Trần Khâm Tộ bổ sung sau.

____________________
1. Tống sử, bản kỷ , tờ 13 b .
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #84 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2009, 02:33:53 pm »

- Điều động quân đội

Sau khi Giao Châu hành doanh được thiết lập, nhà Tống tổ chức một đội quân hùng hậu sang thôn tính Đại Cồ Việt.  Công việc tổ chức này vua Tống, Tể tướng, Khu mật viện cùng Bộ Binh tiến hành khẩn trương và bí mật, còn các tướng trong Giao Châu hành doanh chỉ việc tiếp thu quân và lo phiên chế, huấn luyện, rồi hành quân chiến đấu.

Đợt xuất quân lần đầu, Tống chủ trương điều cấm quân có sẵn ở Ung Quảng, đợt sau Lư Đa Tốn dự kiến điều một hai vạn cấm quân ở Kinh Hồ. Hai nơi đó đều có sẵn quân của triều đình, không tốn thời gian tuyển mộ, phiên chế. Vả chăng có lấy quân sẵn mới thực hiện được kế “đánh gấp như tiếng sấm, đối phương không kịp bịt tai”.

Cấm quân và sương quân ở Ung Châu thì lâu nay đã thuộc quyền cai quản của Hầu Nhân Bảo, còn cấm quân và sương quân ở hai lộ Quảng Nam thì đã sẵn trong tay Hứa Trọng Tuyên. Xét quân số thì đã sẵn, nay Tống chỉ phiên thế lại đội ngũ, tổ chức thêm các khâu hậu cần, vận chuyển, đến khoảng cuối mùa Thu năm Canh Thìn (980) thì tiến sang Giao Châu.

Đợt xuất quân lần đầu do Tổng chỉ huy Hầu Nhân Bảo và Phó tổng chỉ huy Tôn Toàn Hưng trực tiếp điều khiển hành quân.

Đợt xuất quân lần sau, cách lần đầu 70 ngày, điều khoảng hai vạn cấm quân Kinh Hồ mang sang tiếp viện, do Phó chỉ huy Giao Châu hành doanh là Hứa Trọng Tuyên cùng tướng Lưu Trừng chỉ huy quân thủy và tướng Trần Khâm Tộ chỉ huy quân bộ tổ chức, điều khiển hành quân. 

Về số lượng quân viễn chinh Tống điều sang Đại Cồ Việt bao nhiêu, sử Tống và sử ta đều không cho biết tổng số, thỉnh thoảng thấy tiết lộ tản mạn từng bộ phận. nay chỉ có thể chắp vá suy đoán.

Tống sử chỉ tiết lộ quân số qua cuộc họp bàn giữa vua và tể tướng như sau: “... Thái Tông mừng, định sai nha trạm gọi Nhân Bảo về kinh. Lư Đa Tốn can ngay rằng: nếu triệu Nhân Bảo về kinh, thì mưu ta tất bị lộ, Giao Châu dựa vào núi sông phòng thủ, chắc gì ta thắng được họ? Chẳng bằng sai Nhân Bảo sang trước đánh bất ngờ, sau đó sai tiếp các tỳ tướng mang một hai vạn quân Kinh Hồ sang tiếp viện, thì chắc chắn đánh chiếm được...” 1.

Qua đoạn sử trên, ta thấy tể tướng Lư Đa Tốn rất chú trọng số lượng cấm quân ở Kinh Hồ. Nhưng quân Kinh Hồ chỉ là lực lượng đưa sang sau để làm viện binh, vậy số tinh binh Hầu Nhân Bảo (cùng Tôn Toàn Hưng) mang sang trước là quân ở đâu? Số lượng bao nhiêu?

Suy đoán theo phương pháp kết hợp nhiều nguồn tư liệu ta thấy rằng: số tinh binh mà Hầu Nhân Bảo đem sang trước để đánh nhanh bất ngờ là lực lượng cấm quân có sẵn ở Ung Quảng, có địa giới liền với nước Đại Cồ Việt.

An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng (2: Hoạn tích) ghi: “... Hầu Nhân Bảo đem theo vạn tinh binh vào đánh Giao Châu trước . . .” .

Như vậy số lượng quân viễn chinh Tống sang xâm lược Đại Cồ Việt những năm 980-981 có khoảng ba, bốn vạn như sử liệu thời Tống, thời Minh đã ghi trên là hợp lý. 

Đợt đầu: Hầu Nhân Bảo đem khoảng vạn thủy quân.
             Tôn Toàn Hưng cũng khoảng vạn lục quân. 

Đợt sau: Tiếp viện thêm một hai vạn quân Kinh Hồ do Lưu Trừng và Trần Khâm Tộ trực tiếp chỉ huy. 

____________________
[/color]1. Tống sử, Sđd, tr. 254. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #85 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2009, 02:40:38 pm »

Cộng cả hai đợt điều quân Ung Quảng và Kinh Hồ khoảng ba, bốn vạn quân là phải. Con số này cũng khớp với những lời tiết lộ của Hứa Trọng Tuyên.

- Chiến lược hành quân của quân Tống và các tuyền đường hành quân thời cổ.

Về trách nhiệm, quyền hạn chỉ huy và đường hướng hành quân, ngày Đinh Mùi tháng Bảy năm Thái Bình Hưng Quốc thứ năm (19-8-980 vua Thái Tông ban sắc lệnh quy định tiến quân đợt đầu như sau:

   + Trao cho Hầu Nhân Bảo chức Giao Châu lộ thủy lục kế độ chuyển vận sứ (chỉ huy cả quân thủy và quân bộ ở lộ Giao Châu). Nhân Bảo nắm vững biên sự phía nam, có nhiệm vụ cùng Tôn Toàn Hưng tiếp nhận mọi chủ trương từ Biện Kinh, rồi hoạch định kế hoạch hành quân và tác chiến cụ thể.

   + Trao cho Tôn Toàn Hưng chức Lục lộ binh mã bộ thư cùng hai tùy tướng là Trương Tuấn và Thôi Lượng chỉ huy quân bộ theo đường từ Ung Châu kéo sang Giao Châu. 

   Về ba hợp điểm trên đất Giao Châu, Tống chủ trương cho quân thủy bộ gặp nhau lần đầu tại núi Lãng Sơn 1. Đó là hợp điểm thứ nhất. Chiến thuyền Nhân Bảo từ Ô Lôi tới Lãng Sơn thì dừng lại và bộ binh Tôn Toàn Hưng cũng phải dừng lại ở một điểm trên tuyến đường bộ đất Tô Mậu (Tiên Yên) để liên lạc với Hầu Nhân Bảo ở Lãng Sơn bằng đường bộ đi tắt qua Ba Chẽ, hoặc đường sông qua núi Cương, Hải Lãng theo sông Tiên Yên.

Bảo đảm công việc thông tin liên lạc này là tướng Hứa Xương Duệ với chức vụ được vua Tống giao làm Giao Châu hành doanh thông tín sứ 2. 

Lãng Sơn trên bản đồ vùng biển Quảng Ninh ngày nay đã bị thay tên bằng đảo Hai Núi hoặc ghi cù lao Hai Núi ở toạ độ trung bình 21 o 41'  vĩ bắc, 107 o 36’ kinh đông, cách núi Cương (Cương Giáp) về phía tây một lạch nước. Núi Cương ở toạ độ 21 o 26’ vĩ bắc, 107 o 34’ kinh đông; cùng với Lãng Sơn án ngữ phía tây bắc cửa Mô cũng tức là vũng Đa Mỗ, nằm trên tuyến đường lộng của thuyền bè từ phía bắc vào trấn Vân Đồn, để vào sâu nội địa nước ta 3.

Tính theo nhật trình đường thủy thời xưa thì Hầu Nhân Bảo từ núi Ô Lôi đến núi Lãng Sơn đã mất khoảng sáu ngày (nếu gặp trời mưa ngược gió có thể chậm thêm đôi ba ngày), qua hợp điểm thứ nhất trót lọt, thì tiến vào cửa biển Bạnh Đằng. Đây là hợp điểm thứ hai, thủy quân Hầu Nhân Bảo sẽ liên lạc chặt chẽ với bộ binh Tôn Toàn Hưng tại vùng Hoa Bộ.
 
Hoa Bộ là địa điểm tập kết khá dài ngày của bộ binh Tôn Toàn Hưng, vì nó quan trọng trên trục đường bộ thông quốc, hoặc là gần tiện tuyến đường đó, để liên hệ thủy bộ chặt chẽ với sông Bạch Đằng. Xét về quy mô, phạm vi, thì Hoa Bộ cũng phải là một khu vực khá rộng lớn, mới có thể cho phép Tôn Toàn Hưng đóng hàng vạn quân bằng cách dựng lán trại đồn trú, hoặc bằng cách trưng chiếm nhà dân mà ở tạm.

An Nam chí lược của Lê Trắc và Tục tư trị thông giám của Tất Nguyên đều chép : “... Tôn Toàn Hưng đóng quân ở Hoa Bộ 70 ngày, nói để đợi Lưu Trừng đưa viện quân sang.  Nhân Bảo nhiều lần thúc giục tiến quân, nhưng Toàn Hưng vẫn không chịu tiến . . .” .


_______________________
1. Bá Sĩ Tâm: Tạp chí Lịch sử quân sự, số 1996, tr. 40, 41. 
2. Lê Trắc: An Nam chí lược, tr. 74.
3. Trần Bá Chí: Tạp chí Lịch sử quân sự, số 3 1990, tr. 89.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #86 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2009, 02:43:02 pm »

Soát lại các thư tịch tin cậy thời Tống, ta thấy Hoa Bộ liền cạnh sông Bạch Đằng thuộc địa bàn huyện Thủy Đường thời xưa, tức khoảng vùng đông bắc huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) ngày nay.

Đó là địa vực mà thời nước ta phụ thuộc Hán - Đường có người Hoa sang tụ cư, mở nhiều chợ búa buôn bán. Hoa Bộ đương thời là một trung tâm đô hội vừa tiện đường sông vừa tiện tuyến đường cổ thông quốc qua Quỷ Môn Quan ở ải Bắc Cương phía nam huyện Bắc Lưu, qua Tiên Yên, Đông Triều vào thủ phủ Giao Châu được mở ra từ Đông Hán, đến Tuỳ - Đường mở rộng thêm. sang thời Tống vẫn dùng. ở khu vực này có núi U Bò, sông Bạch Đằng, chợ Giá... là những tên núi, tên sông rất đáng quan tâm.

2. Đại Cồ Việt bố phòng kháng chiến

Củng cố nội bộ triều đình, lập bộ chỉ huy chống Tống.

Những biến cố như Đinh Liễn giết em, Đỗ Thích giết vua chứng tỏ triều Đinh đã suy yếu, xã hội Đại Cồ Việt rối ren phức tạp. Mâu thuẫn trong nội bộ triều đình ngày càng gay gắt giữa một bên là Phó vương Lê Hoàn 1 và những người ủng hộ ông, với một bên là các cựu đại thần như Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp, v.v., ngờ vực Lê Hoàn mưu giành ngôi báu của họ Đinh. Đó là mâu thuẫn tập trung nhất có thể dẫn đến nguy cơ làm tan rã thế nước, tạo thời cơ cho bọn xâm lược ngoại bang thực hiện mưu đồ thôn tính Đại Cồ Việt.

Đứng trước thử thách nguy nan, ai cũng thấy một ông vua non dại mới sáu tuổi như Đinh Toàn không thể đảm đang được gánh nặng của lịch sử giao phó.  Thái hậu Dương Vân Nga (mẹ Đinh Toàn) và tướng Phạm Cự Lạng (em ruột Phạm Hạp) đã nhận thức được yêu cầu bức thiết của đất nước và biết đặt vận mệnh của dân tộc lên trên hết.

Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Lạng Châu nghe tin quân Tống sắp sang, tâu trạng về triều. Dương Thái hậu cử Thập đạo tướng quân Lê Hoàn chọn dũng sĩ để chống giặc. Lại cử Phạm Cự Lạng người Nam Sách Giang làm đại tưởng quân. Khi đang bàn kế ra quân, Phạm Cự Lạng cùng các tướng truyền bảo ba quân rằng: “Thưởng người có công giết kẻ trái mệnh là kỷ luật hành quân. Nay Đinh chúa còn nhỏ, chúng ta dù liều chết hết sức xông trận lập được chút công thì ai biết cho; chi bằng trước khi ra trận hãy tôn quan Thập đạo lên ngôi Thiên tử”. Quân sĩ đều tỏ đồng tình, hô vang vạn tuế”. Thái hậu thấy mọi người đều tuân theo, liền lấy áo long cổn dâng lên, mời Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế” 2. 

Rõ ràng sử cũ cho thấy việc Lê Hoàn lên làm vua là hợp thời thế. thuận lòng người, được trọng thần danh tướng tiến cử lên, rồi được quân sĩ đồng thanh ủng hộ, được văn võ trong triều suy tôn. Có thể nói Lê Hoàn, Dương Vân Nga, Phạm Cự Lạng là những người có công đầu trong kháng chiến chống Tống bảo vệ Tổ quốc, vì họ đã giải quyết thành công những mâu thuẫn xung đột phức tạp trong triều, nhanh chóng ổn định nội tình dể kịp thời và khẩn trương chuẩn bị cả nước chống giặc.

Sau ngày lên ngôi, Lê Hoàn tiếp tục củng cố triều đình Hoa Lư, hình thành bộ chỉ huy kháng chiến, kén tướng luyện quân, triển khai công tác bố phòng.

__________________________
1. Theo ngọc phả đền làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) và đền xã Văn Tự, huyện Thường Tín (Hà Tây) thì cha sinh ra Lê Hoàn là Lê Hiền. quê xã Trường Yên Thượng và mẹ là Đặng Thị Khiết ở Trường Yên Hạ đều thuộc động Hoa Lư. Cha mẹ mất sớm, Lê Hoàn dược Lê Quan Sát nuôi, cho ăn học tử tế, giỏi văn giỏi võ, được Đinh Bộ Lĩnh trọng dụng. 
2. Toàn thư, Sđd , t.1, tr. 161.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #87 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2009, 02:44:09 pm »

Về bộ chỉ huy chống Tống, sử cũ chỉ nêu tên ba người là Lê Hoàn, Phạm Cự Lạng, Hồng Hiến, vậy là quá ít. Vì một cuộc chiến tranh có hàng vạn quân, tất phải có hàng trăm tướng lĩnh đều chưa được sử sách đề cập. Do vậy, khai thác từ một số thần tích địa phương có thể bổ sung thêm một số tướng lĩnh chỉ huy.

Bộ chỉ huy chống Tống thời Tiền Lê:

- Tổng chỉ huy do hoàng đế triều Lê là Lê Hoàn trực tiếp đảm nhiệm.
   
- Tướng chỉ huy cao nhất là đại tướng Phạm Cự Lạng do Thái hậu tiến cử, được hoàng đế chấp nhận. Cự Lạng là em Vệ uý Phạm Hạp, quê ở Nam Sách Giang (Hải Dương). 

- Giúp mua về mưu lược là Hồng Hiến được phong Thái sư Hồng Hiến là người phương Bắc, được vua tin dùng từ đầu.
 
- Cố vấn cho nhà vua còn có một số đại sư hiểu biết rộng lớn như đại sư Ngô Chân Lưu cùng dự bàn mưu kế.

- Các tướng tham gia kháng chiến: Phần này chính sử không chép, chủ yếu dựa vào thần tích và sách địa chí các địa phương lược kê một số tướng chỉ huy các cánh quân hay tham gia các trận đánh.

1. Phò mã Lữ Lang: tướng chỉ huy đạo quân Uy Dũng từ Hoa Lư đến đóng quân ở huyện Hưng Nhân (Thái Bình) bảo vệ tuyến bờ bắc sông Lục Giang.

2. Trần Công Tích: Người trang Đồng Lục Khoái Châu, kéo quân từ Hoa Lư đến đóng đồn ở Nghĩa Đô thành Đại La, có chiến công ở trận Đồ Lỗ.

3. Phùng Phường: được vua phong Bộ đô đại tướng quân chỉ huy bộ binh lập được nhiều chiến công. 

4. Hoàng tử Lê Long Kính: là hoàng tử thứ chín, con bà hoàng phi đất Mạt Liên, được vua phong Trung Quốc vương.  Khi quân Tống kéo sang, hoàng tử thống lĩnh hương binh đóng đồn dọc bờ bắc sông Hải Triều (sông Luộc) ngăn chặn quân Tống.

5. Đào Trực: được vua phong làm tướng, đem đạo quân riêng dự đánh trận Tây Kết.

6. Hoàng Vĩnh Chu: quê Ái Châu (Lôi Dương, Thanh Hóa) theo đại tướng Phạm Cự Lạng đánh thắng nhiều trận. 

7. Đào Công Mỹ: quê ở trang Đông Hưng, xã Dịch Sứ (tổng Phá Lãng) huyện Thiện Tài, Bắc Ninh. Lê Hoàn trao chức Đô dịch sứ thường mang thông điệp của vua sang hành doanh quân Tống. Sau giúp Lê Hoàn làm kế trá hàng thành công, được vua gia chức thượng tướng.

8. Phạm Quảng: quê ở trang Hoa Chương, huyện Thủy Đường (nay là xã Mỹ Đồng, huyện Thuỷ Nguyên) người có trí lực, trước giúp vua Đinh làm tướng sau giúp vua Lê. ông theo xa giá vua Lê đánh giặc, được phong làm tướng. Vua sai ông đem quân đóng dọc thượng lưu sông Cấm để phá giặc ở Bạch Đằng Hoa Bộ.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #88 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2009, 02:46:46 pm »

9. Bốn tướng ở Xạ Sơn: gồm bốn trai giỏi là Đào Thành, Phạm Minh, Nguyễn Triết và Vũ Uy ở trang Xạ Sơn huyện Giáp Sơn (nay là xã Quang Trung, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Bốn người xin tòng quân, vua thử tài đẵn gỗ tre bắc cầu qua sông Kinh Thầy để hành quân, ba ngày bắc xong cầu, được vua cho làm tướng.

10. Đặng Xuân và bốn em: Đặng Xuân cùng bốn em trai ở trang Đốc Kính, huyện Bình Hà, lộ Hải Vương (sau thuộc tổng Cẩm Khê, huyện Tiên Minh, nay là huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). Mấy anh em đều được vua phong làm tướng, coi quân ở Bàng Châu và các bờ sông Ngãi Am, Tranh Giang và Văn ục, đã đánh thắng quân Quách Tiến ở Bàng Châu. 

11 . Các tướng họ Vương: Vương Minh, Vương Xuân, Vương Hồng cùng hai em gái quê ở trang Dược Đậu thuộc Bàng Châu, xin đầu quân đi đánh Tống, danh thắng trận. 

12. Dũng mãnh tướng quân: là tướng quản đội Tuỳ Long, hộ vệ xa giá Lê Hoàn, có công dự nhiều trận 1.

Lập các hệ thống phòng thủ bảo vệ kinh đô Hoa Lư.

Ở thời Đinh - Lê, quốc đô Hoa Lư là một trung tâm chính trị có vị trí chiến lược quan trọng nhất. Trong kháng chiến chống Tống, Hoa Lư còn là đầu não của bộ chỉ huy chiến tranh, vì vậy, quân viễn chinh Tống nhằm mục tiêu chính là phải chiếm kỳ được vị trí này.

Muốn đánh chiếm thành Hoa Lư, tất nhiên thủy quân Tống phải từ biển đi vào bằng  tuyến sông Luộc, sông Hồng, sông Đáy, sông Vân và bộ binh từ Ung Châu sang, tất phải theo đường cổ thông quốc ven biển qua châu Tô Mậu (Tiên Yên, Đông Triều), Trúc Động (liền Hoa Bộ), qua Chí Linh (Hồng Châu), Phá Lãng (Thiện Tài), xuống Tây Kết - Hàm Tử, rồi vượt Chương Dương độ (đò ngang) . . . Đó là đường bộ cổ nhất qua Giao Chỉ, Cửu Chân có từ thời Mã Viện, Lưu Phương sai quân dân khai tạo ra. Đến thế kỷ X còn được sử dụng.

Tính trước được các hướng tiến quân xâm lược của đối phương: Lê Hoàn cùng bộ chỉ huy đã hoạch định địa bàn chiến lược, tiến hành phòng thủ dựa theo dịa hình đất nước có thể chia thành ba tuyến như sau:

- Tuyến phòng thủ gần: gồm hệ thống doanh đồn trong thành và ngoài thành Hoa Lư, để bảo vệ thủ đô. 

- Tuyến phòng thủ giữa: gồm thành Bình Lỗ và các đồn bảo vệ Đại La - Loa Thành.

- Tuyến phòng thủ xa: gồm một số đồn từ sông Kinh Thầy (Xạ Sơn) Bạch Đằng đến biên giới Việt - Tống và từ cửa biển Thần Đầu vào đồn Công Trạng vào đến biên giới Việt-Chiêm.2

Việc đặt các doanh đồn cũng như đắp thành Bình Lỗ là căn cứ tình hình địa lý đương thời, trước hết theo đường hành quân.

Các tuyến đường bộ hướng về Hoa Lư:

-Đường Tiên Yết là đoạn từ cổng thính cửa Đông thành Hoa Lư. hướng đông đến động Thiên Tôn (có lối hướng lên cửa Gián).

- Đường Cổ Lễ tính từ cửa Bắc thành ngoại qua cầu  Hoàng Long, núi Cắm tươm, đến xã Đại Hoàng (còn gọi Đại Hữu). Đến đây đường bộ chia nhiều tuyến: tuyến hướng nam bắc, tuyến hướng đông tây

_____________________
1. Xem thêm Trần Bá Chí: Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1992.
2. Trần Bá Chí: Cuộc kháng chiên chống Tống lần thứ nhất.  Sđd, tr. 107-110.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #89 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2009, 01:08:50 pm »

- Tuyến đường bộ hướng nam bắc:

Là đường bộ từ xã Đại Hoàng rẽ về đông bắc, qua Tri Hối, Cầu Đài (xã Gia Tập), vòng sang phía đông núi Miếu, rồi hướng tới khoảng đò Đoan Vĩ ngày nay. Phía bên kia đò đã là đất tổng Mai Cầu, huyện Thanh Liêm. Từ đò Đoan Vĩ xưa có đường bộ qua huyện Thanh Liêm, Nam Xang, vượt sông Kinh (nay gọi là sông Châu), đến đất Kim Bảng, vào Đỗ Động Giang. rồi hướng phía Sơn Tây để vượt Nhị Hà. sang vùng Vĩnh Tường Bạch Hạc... Một ngả là tuyến đường hướng đông bắc, vào thành Đại La, rồi vượt sông Nhị đi đến Loa Thành. Đây là tuyến đường mà năm 965 Đinh Liễn thoát khỏi Cổ Loa trở về Hoa Lư.
   
- Tuyến đường bộ xuyên đông tây:

Giữa tuyến đường hướng nam bắc, ở khoảng đất huyện Sơn Minh (phủ Ứng Thiên) có tuyến đường vắt ngang, nế đi vòng vèo theo hướng tây thì tới được Ái Châu, nếu rẽ quặt sang phía đông, rồi chếch dần hướng đông bắc, thì có thể tới được Nam Sách, Đông Triều, Tiên Yên, sát biên giới Việt-Tống. Từ khoảng đất huyện Sơn Minh đường rẽ hướng đường qua các làng Nghiêm Xá, Ba Lăng. Liền cạnh Ba Lăng là đất hương Chương Lương.,nơi nương náu buổi đầu của cha con Dương Đình Nghệ khi từ châu Ái mới ra Bắc theo giúp họ Khúc.

Rời bến Chương Dương hướng sang đông vòng qua bãi Tự nhiên cặp bến Hàrn Tử.

Sang bờ đông, đường bộ đi qua đất Hàm Tử. Tây Kết, chếch hướng đông bắc đi sang Đại Bi, Kim Tháp huyện Siêu Loại (nay là Văn Lâm). Đứng ở Kim Tháp đã thấy rõ được vết thành Luy Lâu thời Sỹ Nhiếp (đối chiếu Cao Bền địa cảo). Từ Kim Tháp, đường tiếp lên Đông Hương, Phá Lãng đất Thiện Tài (bộ binh Lê Hoàn có đồn trú tại đây) . Từ đây đường bộ lại vượt sông Lâu Khê (nay là thượng lưu sông Thái Bình) qua đất Nam Sách, qua các làng Lai Khê, Quỳnh Khê, An Lưu, vượt dòng Việt Khê, sang Thiểm Khê, Quỳ Khê. Đi hết đất hương Trúc Động (phía tây Hoa Bộ), thì vượt thượng nguồn sông Đá Bạc để sang vùng chợ Tiên, chợ Bí của châu Đông Triều cổ.

Dọc tuyến đường cổ này, dưới thời thuộc Hán, thuộc Đường đến thời chống Tống, dân tộc ta lập nên bao kỳ tích anh hùng. Từ năm Canh Thân (1020), Lý Công Uẩn mở đại lộ thông quốc đến Thăng Long, có đường sứ lộ mới qua ải Nam Quan, ải Chi Lăng, phủ Lạng Thương, Cần Trạm, bến Thị Cầu trạm Gia Quất... thì tuyến đường cổ này ngày càng mất tác dụng. Tuy vậy, đến thời chống Minh, quân ta có lúc cũng còn dùng đôi đoạn của đường này, nhất là đoạn qua Hàm Tử - Chương Dương.

Đắp thành Bình Lỗ phá kế quân Tống

Sự kiện này căn cứ lời Trần Hưng Đạo tâu với vua Trần năm 1300 rằng: “thời Đinh Lê biết dùng người giòi nên nước ta trở nên mạnh, quân Bắc phải suy yếu; trên dưới cùng một chí, lòng dân không lìa tan. Lại biết đắp thành Bình Lỗ mà phá được giặc Tống, ấy là hiệu quả một thời...”. Lời di chúc đó đã chỉ ra ba nhân tố quyết định thắng Tống lần thứ nhất:

- Có đường lối chiến lược đúng: làm cho ta mạnh, địch.

- Đoàn kết được cả nước: tạo nên sức mạnh tổng hợp để thắng;

- Biết cách bố phòng mà thắng: trong đó có tác dụng của thành Bình Lỗ. 

Vậy thì thành Bình Lỗ ở đâu?

Theo các dấu tích, thì thành Bình Lỗ phải nằm trên trục đường chiến lược quan trọng đi vào Hoa Lư, vì Hoa Lư là mục tiêu tiên công số một đối với âm mưu xâm lược của quân Tống. Hiện nay dọc các hệ thống sông có hướng vào Hoa Lư nằm trên đất tỉnh Hà Nam và một phần tỉnh Thái Bình.  Hưng Yên còn có nhiều địa danh có tín hiệu biến thiên từ địa danh Bình Lỗ.

Một điểm nữa cũng quan trọng cần tìm hiểu, đó là khái niệm thành mà Trần Hưng Đạo nói đây là thành như thế nào? Về kiểu dáng, có nhiều kiểu thành thời xưa. Ở đây có hẳn là kiểu thành tuyến dài, hoặc gọi là lũy cũng thích hợp.  Dựng kiểu thành này cũng do yêu cầu về quân sự, mang nặng tính phòng ngự và có thể dùng làm cơ sở xuất phát để tiến công khi có điều kiện. Kiểu thành này như thành tuyến Đa Bang chống Minh của Hồ Quý Ly kéo dài từ ngã ba Hạc, qua làng Cổ Pháp huyện Tiên Phong xuống đến ngã ba Vàng; thành Mạc từ Sơn Động qua ải Chi Lăng lên đến Lạng Sơn; ở Trung Quốc có Vạn lý trưởng thành dài 2.300 km. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM