Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:29:42 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Quân sự Việt Nam - Tập 3  (Đọc 82203 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #20 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2009, 09:43:03 pm »

Các tầng lớp nhân dân

Nói đến các tầng lớp nhân dân trong bồi cảnh lịch sử của các thế kỷ X - đầu XIII là nói đến một khối cộng đồng cơ dân bắt đầu có sự phân tầng từ những sự khác nhau ở địa vị, tài sản, nghề nghiệp. Tuy nhiên tất cả đều có điểm chung nhất, họ đều chịu sự quản lý, cai trị của bộ máy nhà nước quân chủ đứng đầu là nhà vua, vương hầu quý tộc làm hạt nhân và quan lại các cấp là chỗ dựa.

Tập thể gồm nhiều lớp lang này là sản phẩm của một xã hội trên đường phát triển, đồng thời là đối tượng chịu tác động mạnh mẽ để từ một xã hội phân hóa chưa triệt để thành một xã hội gồm nhiều giai cấp có lợi ích đối kháng rõ rệt ở thời kỳ sau.

Đông đảo nhất, hay nói một cách khác, tuyệt đại đa số trong nhân dân thời này là tầng lớp lao động nông nghiệp, từ nông dân công xã. Chính họ chứ không phải ai khác là những người làm nghề nông kết hợp với thủ công gia đình. Và họ cũng là người thực hiện việc trao đổi sản phẩm thừa trong một thị trường nhỏ hẹp của công xã, liên công xã.

Suy cho cùng, chẳng phải ở thời này, mà trong suốt trường kỳ lịch sử của quốc gia nông nghiệp như nước ta cho đến nay, dù xã hội đã thay đổi khâu nhiều, thì nông dân vẫn chiếm đa số tuyệt đối trong dân cư. Chỉ có điều người lao động nông nghiệp thời kỳ này có khác so với thời sau. đặc biệt từ thế kỷ XV trở đi.

Sự khác nhau cơ bản ở chỗ từ thế kỷ XV trở đi sở hữu tư nhân về ruộng đất đã xuất hiện khá phổ biến, bên cạnh tầng lớp chủ sở hữu nhiều ruộng, một bộ phận khá đông trở thành tiểu nông, nghĩa là có ruộng đất tư dù chỉ là chút ít không đủ sống, còn phải bán sức lao động cho người nhiều ruộng.

Trái lại ở các thế kỷ X - đầu XIII, như phần kết cấu ruộng đất đã trình bày, chế độ sở hữu ruộng đất công chiếm ưu thế tuyệt đối thì đại bộ phận nông dân lúc này gắn bó chặt chẽ với công xã qua ruộng đất công mà công xã được nhà nước trao quyền quản lý, phân phối và sử dụng.

Là thành viên của làng xã (công xã lệ thuộc) họ cũng đồng thời là thần dân của nhà vua. Họ làm nghĩa vụ thành viên công xã cũng tức là làm nghĩa vụ công dân. Công thức này không có được ở hơn một ngàn năm bị đô hộ trước thế kỷ X. Nó xuất hiện với các mối quan hệ gắn bó: cá nhân được giải phóng - làng xã được tự quản - nhà nước độc lập tự chủ và tồn tại bền vững trong trường kỳ lịch sử.

Do đó, nó được cộng đồng quốc gia và cộng đồng làng xã có ý thức duy trì, vun đắp.  Trong cộng đồng nhân dân thời kỳ này có thể nhận ra ba tầng lớp rõ nét. Trước hết, đó là đại bộ phận nông dân công xã không có ruộng tư hữu, chỉ là chủ nhân của căn nhà ở, mảnh vườn nho nhỏ, công cụ sản xuất đơn giản với sức lao động của mình.

Họ có quyền lợi và tự nguyện thực hiện nghĩa vụ lao động của một thành viên cộng đồng làng xã. Qua đó họ được nhà nước và làng xã đảrn bảo mọi quyền lợi theo luật tụe hoặc bằng luật pháp có lẽ còn sơ lược được đúc kết lại trong Hình thư được ban hành vào năm Nhâm Ngọ (1042) đời Lý Thái Tông 1.

Một tầng lớp nông dân khá giả hơn, có nghĩa là họ đã có ít nhiều ruộng đất tư hữu mà nhà nước quân chủ đã thừa nhận và bảo vệ qua quy định thể lệ mua, bán, chuộc vào thời Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, hoặc trả lại ruộng đất của dân bị sung công quy định vào năm 1128 đời Lý Thần Tông.

Tầng lớp nông dân công xã có ít nhiều ruộng đất tư hữu này là tầng lớp xã hội năng động. Họ có thể tích luỹ tài sản để giàu có hơn hoặc ngược lại. Nhưng xét về thành phần, họ có nghĩa vụ và quyền lợi không khác so với tầng lớp nông dân công xã lệ thuộc. Họ phải cố kết trong công xã lệ thuộc để tồn tại.


______________________
1 . Toàn thư, t. 1, Sđd, tr. 2 71. Theo Lê quý Đôn trong Nghệ văn chí thì bộ luật này gồm ba quyển “sai cơ quan trung thư biên soạn có tham khảo châm chước, thích nghi, xếp theo môn loại, biên tập thành điều mục bạn hành, nay không còn”. Lê quý Đôn toàn tập, t III Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.103.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #21 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2009, 09:45:10 pm »

Có địa vị thấp nhất trong các tầng lớp nhân dân thời này phải kể đến nô tỳ có nguồn gốc từ những người bị tù tội, vợ con bị sung làm nô, hoặc do nghèo túng phải bán mình làm nô, và một nguồn khác nữa là tù binh. Dường như một khi biến thành nô tỳ, trừ quan nô, họ bị lệ thuộc vào chủ, tuột khỏi sự quản lý của nhà nước, không có nghĩa vụ phu thuế, binh dịch.

Ta biết hoàng nam là đối tượng chính trong huy động phu phen, binh dịch của nhà nước. Vì vậy nhà nước thời này rất có ý thức bảo vệ hoàng nam, cấm biến hoàng nam thành nô bộc. Nhà Lý đã tiến hành kiểm soát hộ tịch nghiêm ngặt.  Dân đinh đến 18 tuổi thì biên vào sổ vàng gọi là hoàng nam, 20 tuổi là đại hoàng nam.

Trên cơ sở này, vua Lý Thái Tông vào năm Quý Mùi (1043) đã xuống chiếu: “kẻ nào đem bán hoàng nam trong dân làm gia nô cho người ta, đã bán rồi thì đánh 100 trượng, thích vào mặt 20 chữ, chưa bán mà đã làm việc eho người thì cũng đánh trượng như thế, thích vào mặt 10 chữ; người nào biết chuyện mà cũng mua thì xử giảm một bậc1.

Đến vua Lý Nhân Túng sử chép vào năm Quý Hợi (1083) lại duyệt hoàng nam định làm ba bậc, đại hoàng nam, hoàng nam và tiểu hoàng nam 2

Về tầng lớp nô tỳ thời này cũng bao gồm hai loại: quan nô và tư nô. Quan nô có lẽ chủ yếu từ nguồn tù binh và tù tội. Hình như quan nô chịu một thân phận thua thiệt, thấp kém hơn tư nô. Ta biết được điều này qua việc quy định nô bộc, gia nô, tạo lệ, nô tỳ, tức tư nô một khi vi phạm các điều như: thích dấu vào người như cấm quân, xăm hình rồng hoặc cậy thế chủ đánh đập quan quân và bách tính thì bị sung làm quan nô 3.
 
Là lớp người có thân phận thấp nhất trong các tầng lớp nhân dân, chịu thân phận nô bộc, nhưng họ không mất quyền tự do nhân thân, họ còn được nhà nước xuất tiền kho chuộc lại và dựng vợ gả chồng. Về mặt pháp lý, họ bị cấm không được lấy con gái lương dân làm vợ (quy định đời Lý Thần Tông, năm 1128), hoặc gia nô của vương hầu công chúa không được lấy con gái của quan chức đô và bách tính (quy định năm 1131).

Từ quy định trên ta suy ra chuyện nô tỳ lấy con gái lương dân, gia nô của vương hầu lấy con gái của quan chức đô và bách tính đã diễn ra trong đời thường.  Qua đó ta hiểu được trong thực tế thân phận của tầng lớp này không hoàn toàn bị tách ra khỏi cộng đồng, ngược lại họ còn được cộng đồng bao dung, pháp luật nhìn nhận.

Ta không có cơ sở để định lượng tỷ lệ tầng lớp nô tỳ trong xã hội, nhưng sẽ có lý khi suy đoán rằng cùng với sự phân hóa xã hội, tầng lớp này sẽ phát triển đê trở thành một lực lượng đáng kể trong xã hội thời Trần.

Qua tìm hiểu về cán bộ phận cấu thành trong các tầng lớp nhân dân ta thấy được phần nào mức độ phân hóa xã hội chưa sâu sắc ở thời kỳ này. Tuy không phải là đồng nhất bao gồm nhiều lớp lang, nhưng dường như trong xã hội nông nghiệp gồm cộng đồng cơ dân với các tầng lớp khác nhau đó đang vận động theo chiều hướng cố kết nhau lại để tồn tại và phát triển.

Như vậy, xã hội thời Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý chưa phát triển đến mức xuất hiện tình trạng phân hóa sâu sắc. Ngược lại xã hội đó còn có xu hướng gắn bó gần gũi với nhau trong cộng đồng quốc gia vừa mới giành lại được độc lập tự chủ, còn phải ra sức bảo vệ nó, và phải cùng nhau xây dựng, đưa đất nước vào quỹ đạo phục hưng mạnh mẽ.


_______________________
1, 2,3. Toàn thư, t.1, Sđd, tr. 273, 294, 304, 320.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #22 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2009, 09:47:07 pm »

Tầng lớp tăng lữ, Nho sĩ trí thức

Trong xã hội Đại Cồ Việt - Đại Việt vào các thế kỷ X - đầu XIII ta thấy có mặt một tầng lớp khá nổi trội với vai trò không nhỏ. Đó là tầng lớp trí thức tăng lữ, tiếp đến Nho sĩ.  Rõ ràng rằng Nho học đã theo chân quan lại đô hộ phương Bắc vào nước từ nhưng thế kỷ đầu Công nguyên mà sử sách có chép đến vai trò của Sĩ Nhiếp (186-296 sau Công nguyên).

Nhưng từ bấy trở đi, trong vòng ngót một ngàn năm việc học hành cũng chỉ dừng lại ở khu vực ly sở các châu quận và đến được với một bộ phận nào đó thuộc tầng lớp trên của xã hội. Người theo học có muốn tham gia thi cử cũng phải sang Trung quốc. Số người đỗ đạt cũng thật hiếm hoi.

Theo sử sách ta được biết chỉ có hai anh em họ Thưởng là Thưởng Công Phụ và Thưởng Công Phục người Cửu Chân, tức Thanh Hóa ngày nay. đều đậu tiến sĩ và làm quan nhà Đường vào những thập niên 70 - 80 của thế kỷ thứ VIII. 

Sử chép vào năm Giáp Tí (năm 784) , “Người quận Cửu Chân là Thưởng Công Phụ làm chức quan ở nhà Đường, đậu tiến sĩ, bổ làm hiệu thư lang” và “Em là Thưởng Công Phục cũng đậu tiến sĩ, làm quan đến chức Bắc bộ thị lang” 1.

Tình hình trên cho phép nghĩ rằng trong thời Bắc thuộc, khoa cử không có ở nước ta đã đành, còn việc học cũng khá hạn hẹp. Tình hình này còn kéo dài. Cho đến thế kỷ XI triều Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông vào các năm 1070- 1075, việc lập Văn miếu và khoa thi Minh kinh bác học mới bắt đầu xuất hiện. 

Tuy vậy cho đến cuối thời Lý (1225) cũng chỉ có được tất cả là năm khoa vào các năm l075, 1086, 1152, 1185, 1193.  Ngoài ra còn một khoa thi tam giáo (Nho Phật Đạo) vào năm 1195. Về khoa thi này không lấy học vị Minh kinh bác học, sử chỉ chép: “Thi tam giáo, cho đỗ xuất thân” 2.

Trong vòng 120 năm, từ 1075 đến năm 1195 mà chỉ có sáu khoa thi, lấy được 27 người đỗ Minh kinh bác học (tương đương tiến sĩ sau này) thì quả là quá chậm chạp, ít ỏi. Điều này một mặt phản ánh việc học và thi Nho học đã được nhà nước quân chủ thời Lý chính thức tiếp thu, mặt khác ta biết được trong thời Lý giáo dục khoa cử cũng chỉ là mới bắt đầu với một kết quả còn rất khiêm tốn.

Tình hình này có thể có hai lý do: thày học và trường học còn thiếu vắng và tiếp nữa là khoa cử chưa phải là biện pháp duy nhất được sử dụng để tuyển chọn quan lại bổ sung cho bộ máy nhà nước quân chủ thời này. 

Tuy nhiên không thể căn cứ vào việc học hành thi cử chưa phát triển ở thời kỳ này, đặc biệt còn chưa xuất hiện ở thế kỷ X và nửa đầu thế kỷ XI mà cho rằng bước vào thời kỳ độc lập tự chủ trong xã hội còn vắng mặt một tầng lớp trí thức. Đội ngũ này đã xuất hiện từ trước mà nhà chùa là nơi học tập rèn luyện và các bậc cao tăng là người dạy dỗ đào tạo.

Ta biết Phật giáo đã có mặt ở nước ta khá sớm ít nhất là từ thế kỷ III sau Công nguyên với trung tâm Luy Lâu nổi tiếng và phát triển mạnh ở thế kỷ X. Chính đội ngũ tăng lữ là người đã học tập chữ Hán, dùng chữ Hán làm công cụ chuyển tải, phổ biến đạo Phật.

Dù hiếm hoi, theo sử sách ta cũng có thể lập một danh sách các vị trí thức tăng lữ từng tham gia chính sự, góp phần đắc lực trong các lĩnh vực chính trị ngoại giao, văn hóa, phục vụ cho nhà nước quân chủ thời này. Đó là Ngô Chân Lưu, Trương Ma Ni, Đặng Huyền Quang với vương triều Đinh; Pháp Thuận, Quách Nhung, Vạn Hạnh, Viên Chiến, Từ Đạo Hạnh, Khô Đầu, Không Lộ, Giác Hải, Thảo Đường, Khánh Văn... thời Tiền Lê và thời Lý.

Nhìn chung đội ngũ trí thức, dù tăng lữ hay Nho sĩ, cũng không phải đều xuất thân từ một tầng lớp xã hội thuần nhất. Họ xuất hiện trong xã hội đối với bộ máy nhà nước quân chủ cũng như đối với các tầng lớp nhân dân như những bậc trí giả, hiểu biết có hệ thống Phật, Nho và là vốn quý của xã hội. Họ tiêu biểu nho tri thức của thời đại.

Ở thời này người ta thấy họ có ý thức nhập thế một cách tích cực, đặc biệt là tri thức tăng lừ, họ đem tri thức của mình để giáo hóa mọi người, sáng tác văn học, góp phần xây dựng đất nước.  Sự phát triển đến cực thịnh của Phật giáo và bước đầu xây dựng giáo dục khoa cử vào thời Lý xuất hiện đồng thời với việc một đội ngũ sơ tăng cùng nhiều Nho sĩ xuất thân khoa bảng tham chính cho phép ta hình dung rõ điều này. 


_____________________-
1. 2. Toàn thư, t.1, Sđd, tr. 182, 355.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #23 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2009, 09:49:07 pm »

Để đảm bảo đời sống và hoạt động xã hội, tảng lữ có người tham chính được nhà nước cấp bổng lộc, hoặc trụ trì một ngôi chùa, có ruộng đất nô tỳ. Họ gắn chặt với đời sống của dân, hòa quyện với các hoạt động xã hội và là hạt nhân trong đời sống tâm linh của mọi tầng lớp, cả giới cầm quyền và các tầng lớp bị trị.

Có thể hình dung tầng lớp này vào buổi bình minh của văn minh Đại Việt như một mắt xích giữ vị trí cầu nối, kết dính cộng đồng dân tộc, đồng thời là chất men kích thích quá trình vận động của xã hội. Vết rạn nứt giữa Nho và Phật cũng như những mặt tiêu cực của Phật chưa xuất hiện ở thời Lý. Vấn đề này sẽ bộc lộ dần ở các thế kỷ sau, đặc biệt từ cuối Trần (thế kỷ XIV). 

Tóm lại, sự phân chia, nhìn nhận kết cấu xã hội thế kỷ X - đầu XIII gồm ba tầng lớp có vị trí, vai trò, chỗ đứng trong xã hội như trên cũng chỉ là một cách làm để nhận chân bộ mặt xã hội còn đơn giản với những ranh giới đã có nhưng chưa hẳn đã rạch ròi.

Ở một phương diện nào đó, điều này nói lên mặt hạn chế, phát triển chậm của xã hội nông nghiệp trong vòng hơn ba thế kỷ, từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XIII.

Nhưng ở một phương diện khác điều này lại phản ánh đặc trơng hài hòa và xu hướng cố kết của cộng đồng dân tộc đang cần phải xiết chặt đội ngũ để chống hành động xâm lược từ nhiều phía và tạo cho mình một sức mạnh để tồn tại và phát triển.

3. Thể chế chính trị

Sau khi giành lại được quyền độc lập tự chủ, trong bối cảnh phức tạp ở buổi giao thời, đất nước còn phải để một thời gian bảo lưu tổ chức chính quyền tiết độ sứ. Đó là thời của họ Khúc, họ Dương. Chính quyền tiết độ sứ là sản phẩm của nhà Đường đặt ở các châu quận vùng biên viễn.

Tiết độ sứ là chức danh người đứng đầu, được ban tiết việt 1, được nhà vua trao toàn quyền quản giữ và giải quyết mọi việc theo chủ trương của triều đình. Hàng năm tiết độ sứ phải tiến triều và dâng nộp phú cống cho nhà vua theo quy định. Thực chất đó là một loại hình tự trị ở vùng biên viễn mà triều đình trung ương chưa trực tiếp với tay đến được. 

Ngay từ đầu thế kỷ X, chính quyền tiết độ sứ thời họ Khúc, với tư cách là một bộ máy hành chính quản lý quốc gia độc lập tự chủ, đã tiến hành những cải cách được sử sáCh ghi chép. Thay cho chính sách cai trị hà khắc của bọn thống trị đô hộ, họ Khúc đã thực hiện một chính sách “cốt chuộng khoan dung giản dị - nhân dân đều được yên vui” 2
 
Để biểu thị chủ quyền lãnh thổ và cư dân, Khúc Hạo đã tiến hành việc chia đặt lại tên gọi các đơn vị hành chính các cấp: quận đổi thành lộ, huyện thành phủ, châu và hương thành giáp, xã. Họ Khúc tiến hành cải cách thuế (bình quân thuế ruộng), tha bỏ lực dịch, khai hộ khẩu. Mọi việc được tiến hành ở cấp cơ sở, giao cho giáp trưởng trông coi. 

Tổ chức bộ máy quản lý này vừa có tính chất tập dượt vừa để thăm dò, đối phó với chính quyền Trung Hoa, lúc này có quan hệ mật thiết là nhà Hậu Lương (907 - 923), và tiểu vương quốc Nam Hán (từ năm 917). Không phải là nhà Hậu Lương, mà chúa Nam Hán đã hai lần tiến hành xâm lược nước ta vào các năm 930, 938 đều bị thất bại.

Sau thắng lợi chống giặc Nam Hán lần thứ hai vào cuối năm 938 thì danh hiệu tiết độ sứ, biểu thị sự lệ thuộc vào phương Bắc không còn lý thế tồn tại. Ngô Quyền xưng vương, từ chối Đại La - lỵ sở của chính quyền đô hộ - định đô ở Cổ Loa, tiếp nối truyền thống độc lập tự chủ từ quốc gia Âu Lạc của vua Thục, từng tồn tại hơn 1.000 năm trước.


_______________________
1. Tiết là cờ tiết mao, việt là lưỡi búa lớn có cán dài, tượng trưng cho quyền uy được nhà vua ban cho người đứng đầu một địa phương.
2,3. Cương mục. Sđd, t.2, tr. 41.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #24 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2009, 09:50:27 pm »

Từ vương quyền triều Ngô (năm 939) đến đế quyền triều Đinh (năm 968), một bộ máy nhà nước quân chủ đã thực sự được khởi dựng với đầy đủ ý nghĩa của nó, thực hiện quyền quản lý quốc gia độc lập tự chủ. Đó là Nhà nước Đại Cồ Việt (Đinh - Tiền Lê) tiếp đến Nhà nước Đại Việt (triều Lý, từ 1054).

Bộ máy nhà nước quân chủ này bao gồm một triều đình do nhà vua đứng đầu và một hệ thống quan lại các cấp.  Mọi quyền hành đều tập trung vào tay nhà vua. Điều này khác với chế độ quân chủ Tây âu cũng đang phát triển mạnh mẽ vào thời này với chế độ phong kiến phân quyền.  Nhà vua Đại Cồ Việt, Đại Việt, với tư cách người đứng đầu nhà nước, là chủ sở hữu toàn bộ lãnh thổ, là tổng chỉ huy quân đội, định ra pháp luật, trực tiếp xét xử các vụ án kiện lớn. Ngoài ra chính nhà vua là chủ các nghi lễ lớn (tế trời, đất thần nông) và thực hiện quyền quản lý cả bách thần qua hình thức phong sắc như một thứ cấp giấy công nhận công tích.

Theo dõi quá trình lịch sử nhà nước thời này ta thấy nổi lên xu hướng chung là xây dựng một nhà nước quân chủ trung ương tập quyền theo mô hình Đường, Tống. Tuy nhiên điều này cũng phải trải qua một quá trình. Hiện tượng phân tán do các thổ hào hoặc do vương hầu gây nên cũng còn thường xảy ra với quy mô khác nhau.

Nếu như “loạn 12 sứ quân” xảy ra vào cuối vương triều Ngô kéo dài đến hai năm có quy mô gần như toàn quốc, thì vụ loạn do Đông Thành vương, Trung Quốc vương, Khai Minh vương đều là con Lê Đại Hành nổi lên vào năm 1005 sau khi vua cha qua đời nhằm giành ngôi vua của thái tử Long Việt nổ ra ở phạm vi kinh thành Hoa Lư kéo dài tám tháng.

Cũng trong dịp này sau khi Long Đĩnh giết Long Việt giành được ngôi vua thì Long Ngân, Long Kính chiếm giữ xã Phù Lan (Hải Dương) chống lại, sau vài tháng thì bị đánh dẹp. Hơn một thế kỷ sau, vào đầu triều Lý, sau cái chết của Lý Thái Tổ (năm Mậu Thìn 1028) lại xảy ra vụ loạn tranh giành ngôi vua do Đông Chinh vương, Dực Thánh vương, Vũ Đức vương nổi dậy chỉ diễn ra ngắn ngày trong phạm vi kinh đô Thăng Long; vụ Khai Quốc vương Bồ nổi dậy ở Trường Yên (năm Mậu Thìn l028) chỉ khoanh lại ở một địa phương.

Ngoài ra ta cũng còn thấy xuất hiện ở một số vùng xa xôi hẻo lánh có hành động thoát ly khỏi sự quản lý của chính quyền trung ương. Nhưng tất cả những hiện tượng có xu hướng phân tán trên đều bị đẩy lùi nhường chỗ cho một nhà nước quân chủ trung ương tập quyền ngày một được củng cố vững mạnh. 

Giúp việc nhà vua là một triều đình, lấy vương hầu quý tộc làm hạt nhân, gồm các quan văn võ từng được phân công phân nhiệm rõ ràng. Nếu như sự phân công này còn chưa rõ nét lắm ở thế kỷ X thì sang thời Lý ta thấy tình hình này đã có khác. Nhà sử học Phan Huy Chú đã từng khảo xét: “quan chế triều Lý đại lược văn võ đều có chín phẩm. Lấy ba chức thái (thái sư, thái phó, thái bảo), ba chức thiếu (thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo) cùng thái úy, thiếu úy và nội ngoại hành khiển đô tri sự kiểm hiệu bình thường sự, đều làm chức trọng yếu của văn võ đại thần.

Ban văn có bộ thượng thư, tả hữu tham trí, tả hữu gián nghị và trung thư thị lang (thuộc quan thì có các chức trung thư thừa, trung thư xá nhân), bộ thị lang, tả hữu phúc tâm, nội thường thị, phủ sĩ sơ điện học sĩ, hàn lâm học sĩ, vệ đại phu, thư gia các hoả, thừa trực lang, thừa tín lang. Các chức kể trên đều là các chức quan trong làm việc trong triều. Các chức làm việc bên ngoài có tri phủ, phán phủ và tri châu.

Võ ban có đô thống nguyên soái, tổng quản, khu mật sứ, khu mật tả hữu sứ, tả hữu kim ngô, thượng tướng, đại tướng, đô tướng( tướng quân các vệ chỉ huy sứ, vũ vệ hoả đầu, cùng là sáu binh tào vũ tiệp, vũ lâm. Các chức kể trên đều là tướng hiệu lĩnh chức ở trong. Còn ở ngoài, các lộ, trấn trại đều đặt quan và binh đóng giữ, về thứ bậc, phẩm cấp thì không biết rõ được” 1

Từ những nét đại lược trên ta có thể hình dung bộ máy nhà nước quân chủ thời này có thể nói đã hoàn thiện, đặc biệt là ở cấp trung ương. Đó là một bộ máy nhà nước quân chủ gồm bốn cấp: Trung ương - lộ, phủ - châu, huyện - hương, giáp, xã. ở cấp trung ương và hai cấp lộ phủ, châu huyện thì quan lại do nhà nước cắt cử.


_____________________
1. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, t.1, phần Quan chức chí, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr. 443, 444.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #25 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2009, 09:52:50 pm »

Quan lại ở đây có lẽ cũng do đội ngù vương hầu, tông thất nắm giữ các cương vị chủ chốt. Tuy nhiên đến một lúc đội ngũ này không đủ để quản lý, khi công việc nội trị, ngoại giao ngày một phát triển thì nhà nước chủ trương tuyển chọn thêm từ người hiền lương, cùng với những người có học hành, đỗ đạt, dù người đỗ đạt chưa nhiều lắm ở thời này.

Đối với cấp cơ sở các chức lệnh trưởng, tá lệnh trưởng, giáp trưởng, quản giáp nhà nước đặt trong dân có lẽ vẫn cắt cử từ tầng lớp già cả, có uy tín theo truyền thống tự quản, dưới sự kiểm soát của nhà nước. Chức xã quan chưa thấy xuất hiện ở thời này cho phép ta hình dung được tính tự  quản của giáp-xã, tức công xã lệ thuộc còn được bảo lưu khá đậm.

Riêng với các vùng biên viễn, núi rừng thuộc các dân tộc thiểu số cơ trú ta thấy chức danh “thủ lĩnh” được sử sách chép lại khá phổ biến. Có lẽ ở khu vực này nhà nước quân chủ chỉ thực hiện quyền quản lý lỏng lẻo bằng cách ban chức tước, hoặc dùng quan hệ hôn nhân để ràng buộc các “thủ lĩnh”, mà ta thấy xuất hiện khá phổ biến ở thời Lý được sử sách chép lại khá nhiều như: Lý Thái Tông gả công chúa Bình Dương cho châu mục Lạng Châu là Thân Thiệu Thái vào năm 1029; năm 1036, gả các công chúa Kim Thành cho châu mục Châu Phong là Lê Tông Thuận, công chúa Trường Ninh cho châu mục châu Thượng Oai là Hà Thiện Lãm. Năm 1066, Lý Thánh Tông gã công chúa Thiên Thành cho Thân Đạo Nguyên - con trai Thân Thiệu Thái; gả công chúa Ngọc Kiều cho châu mục họ Lê ở châu Chân Đăng (không rõ năm). Vua Lý Nhân Tông gả công chúa Khâm Thánh cho châu mục châu Chân Đăng là Hà Dí Khánh vào năm 1082, gả công chúa Diên Bình cho thủ lĩnh phủ Phú Lương là Dương Tự Minh vào năm 1128. Lý Thần Tông vào năm 1144 lại gả thêm công chúa Thiều Minh cho Dương Tự Minh, phong Tự Minh làm phò mã lang. Lý Anh Tông gả công chúa Thiên Cực cho châu mục Lạng Châu là Hoài Trung hầu vào năm 1167 1.
 
Lịch sử đã chứng minh vào các thế kỷ XI - XII đầu XIII, tổ chức bộ máy nhà nước quân chủ đã vượt qua ngưỡng thô phác, dân dã, dưới hình thức bộ máy tự quản của công xã được mở rộng ở tầm vĩ mô hồi thế kỷ X. Điều cần nhấn mạnh là nhà nước đó chưa tỏ ra cồng kềnh và còn có nhiều biểu hiện thân dân, gần dân. Một sơ đồ bộ máy quản lý gồm bốn cấp với tính tự quản cao của cấp cơ sở, những chính sách khuyến nông, khoan giảm tô thuế. quan tâm đến tầng lớp bần cùng của xã hội như đã trình bày ở phần trên là minh chứng.

Trong điều kiện mặt bằng xã hội chưa phân hóa sâu sắc, tất cả còn tồn tại với một nền nông nghiệp có kỹ thuật thô sơ công thương nghiệp eòn hạn chế trên cơ sở tồn tại phổ biến của công xã nông thôn đang trên đường trở thành đơn vị hành chính cấp cơ sở của nhà nước, thì một thể chế nhà nước quân chủ trung ương tập quyền tỏ ra phù hợp với bước tiến của lịch sử-xã hội.

Dưới sự quản lý điều hành của nhà nước quân chủ, nhân dân ta đã làm nên những kỳ tích đưa đất nước vượt qua thời kỳ quá độ của thế kỷ bản lề (thế kỷ X) chuyển sang bước đầu của nền văn minh Đại Việt (từ thế kỷ XI). Với thể chế chính trị và cơ cấu tổ chức đó, nhà nước quân chủ Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý đã đẩy lùi được xu hướng phân tán, đánh thắng mọi thế lực xâm lăng lớn nhỏ, tiến hành xây dựng đất nước Đại Việt thành một quốc gia phát triển vững vàng trong khu vực.

4. Văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng

Thời kỳ hỗn dung văn hóa bằng biện pháp áp đặt từ phía kẻ thù đô hộ với mục tiêu đồng hóa đã thực sự chấm dứt từ những năm dầu thế kỷ X. Tuy nhiên ảnh hưởng và tác động của văn hóa Hán trong hơn 1.000 năm không phải là nhỏ. 

Cho dù có giới hạn trong không gian nhỏ hẹp với truyền thống tự quản cao, ngoài tầm tay với của quan quân đô hộ thì đời sống của cộng đồng công xã nông thôn Việt không thể không nhiễm mầu sắc Hán. Sẽ không thể duy trì sự tiếp nối và trường tồn nếu các cộng đồng cư dân phân bổ trong các vùng sinh thái nhỏ hẹp như hương giáp, hoặc trong phạm vi không gian rộng lớn như các khu vực địa lý thuộc châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Lam tồn tại như những ốc đảo. 


_______________________
1. Theo Toàn thư, Sđd, 1.1; Việt sử lược, Sđd.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #26 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2009, 09:54:53 pm »

Hẳn rằng các cuộc khởi nghĩa, các phong trào giải phóng dân tộc bùng lên rộng lớn ở khắp nơi như các cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào năm 40-43 sau Công nguyên, cuộc khởi nghĩa Bà Triệu ở quận Cửu Chân vào năm 248, khởi nghĩa Lý Bí với nhà Tiền Lý và nhà nước Vạn Xuân từ năm 542 đến năm 602, khởi nghĩa Mai Thúc Loan từ năm 713 đến 724, khởi nghĩa Phùng Hưng từ năm 767 đến 791 và cuối cùng là phong trào giành tự chủ của họ Khắc vào năm 905 là bằng chứng cho các mối giao lưu, liên kết mỗi khi cần kiến tạo sức mạnh của cộng đồng dân tộc rộng lớn.

Trong sự giao lưu tiếp xúc đó cũng như trong quá trình cộng sinh với người Hán thuộc các loại, nền văn hóa của cơ dân Văn Lang - Âu Lạc xưa cũng dần dần biến đổi theo hướng hội nhập. Trong tiến trình đó, đời sống văn hóa từ gia đình đến làng chạ, đến cả cộng đồng dân tộc một khi đã định hình và từng tạo dựng với những nét độc đáo mang bản sắc dân tộc thì dù có hội nhập thêm yếu tố ngoại lai nó sẽ còn tồn tại và được tiếp nối qua.

Có thể do thiếu tài liệu nên sử cũ của ta như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục mới chép Thái thú Tích Quang, Nhâm Diên vào những năm đầu Công nguyên mới “dạy dân khai khẩn ruộng đất”, “đem lễ nghĩa dạy dân” . . . Điều ghi chép sai lầm này đã bị vua Tự Đức phê phán: “Xem bức thư trả lời Văn Đế nhà Hán thì Triệu Đà vốn là người có học thức lẽ nào lại chưa biết dạy dân phép cày cấy và lễ giá thú mà phải đợi bắt đầu từ hai thái thú ấy (. . . . . . . . . . ) . Xem thế đủ thấy rõ rằng ghi chép thất thực, không đủ tin1.

Các mối quan hệ gia đình, họ hàng làng chạ đã nảy sinh đồng thời với phương thức sinh hoạt, ứng xử phù hợp cùng với phong tục tập quán tín ngưỡng của cơ dân nông nghiệp trồng lúa nước đã hiện diện từ trước khi “Văn minh Hoa Hạ” tràn sang. 

Trong quá trình giao lưu tiếp xúc theo phương thức áp đặt trong hơn một ngàn năm bị đô hộ, lịch sử đã chứng minh hiện tượng Việt hoá của người Hán khá phổ biến. Điều này cũng dễ hiểu vì đó là tác dụng của một nguyên tắc “nhập gia tùy tục”, Cư dân Văn Lang - Âu Lạc của người Việt đã có tục riêng, có lối sông riêng nảy sinh và phát triển trong môi trường sinh sống riêng của nó. Do đó văn hoá, văn minh Hoa Hạ một khi đã du nhập thì chỉ có thích nghi. dung hợp mà không thể thay thế.

Vào thế kỷ X, từ thời Ngô - Đinh - Tiền Lê và Lý, văn hoá Đại Cồ Việt - Đại Việt phát triển trong tư thế hoàn toàn khác - tư thế độc lập tự chủ. Điều đó có nghĩa là người dân Việt được tự do lựa chọn, xây dựng cho mình một nền văn hoá vừa tiếp nối truyền thống vừa đáp ứng yêu cầu của đất nước trong tình hình mới. Những phong tục, tập quán tốt đẹp có điều kiện phát huy để xây dựng con người mới, xã hội mới.

Lúc này bên cạnh tín ngưỡng phồn thực mà biểu hiện của nó qua việc thờ cúng và lễ hội là sản phẩm văn hóa đặc trơng của văn minh nông nghiệp, Phật, Đạo và Nho đã từng có mặt và chiếm một vị trí rộng hẹp khác nhau trong đời sống tâm linh của dân tộc. Nếu như Nho giáo, tuy có mặt sớm từ những thế kỷ sau Công nguyên, vẫn còn xa lạ  trong xã hội: thì Phật và Đạo lại tỏ ra thích ứng và được tiếp nhận một cánh dễ dàng.

Học thuyết của đạo Phật với hạt nhân từ bi bác ái, tìm đến và nuôi dưỡng cái thiện của nó có sức thuyết phục. hấp dẫn và phù hợp với nguyện vọng của một dân tộc từng bị nhiều thế kỷ sống chìm nổi dưới ách nô dịch của ngoại bang.

Đạo giáo với tư tưởng vô vi, thoát tục, một khi kết hợp với bùa chú phù phép dẫn dắt con người đến cõi sống yên bình tỏ ra dễ dàng dung hợp với tín ngưỡng đa thần từng ngự trì trong đời sống tâm linh của dân tộc. Vì lẽ đó Phật và Đạo ngay từ đầu dã được nhà nước và xã hội Đại Cồ Việt - Đại Việt tiếp nhận và nuôi dưỡng. Vị trí vai trò của đội ngũ tăng lữ trong hoạt động chính trị và sinh hoạt xã hội vào thời này đã chứng minh điều đó.

Điều đáng nói là Phật và Đạo từ nguyên lý và nghi thức hành đạo của nó hàm chứa một nội dung thoát tục, vô vi.  Địa bàn hoạt động và chiếm lĩnh của nó là trong đời sống tâm linh, ẩn dưới mái chùa, đạo quán nơi âm u thanh vắng.


______________________-
1. Cương mục, Sđd, t.1, tr. 113.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #27 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2009, 10:00:36 pm »

Thế nhưng một khi du nhập và hòa trộn vào xã hội Đại Cồ Việt - Đại Việt thì nó lại khác. Đội ngũ tăng lữ đặc biệt là đệ tử của Phật lại tỏ ra nhập thế rất tích cực. Trong xã hội sống động với những biến cố phi thường của thời đại đều có sự tham gia, suy ngẫm của các bậc cao tăng.  Nhà sư Pháp Thuận (915 - 990), người đã được vua Lê Đại Hành cử giao thiệp với đoàn sứ giả Tống do Lý Giác cầm đầu đến Hoa Lư vào năm 987 - sáu năm sau chiến thắng giặc Tống lần thứ nhất - đã từng tìm nguồn cảm hứng ở vận mệnh của đất nước trong bốn câu thư như sau:

Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh

(Vận nước như dây mây quấn
ở cõi trời Nam bồi đắp nền thái bình
Vô vi ngự trên cung điện
Khắp nơi chấm dứt đao binh)
1.

Cũng trong dịp tiếp sứ lần này, nội dung không ngoài việc nối lại quan hệ giao hảo sau cuộc binh đao vào cuối năm 980 đầu 981, nhà sư Ngô Chân Lưu tức Đại sư Khuông Việt (933 - 1011) từ thời vua Đinh được vua Lê Đại Hành tiếp tục trong dụng, từng làm bài Vương lang qui tiễn chân sứ giả Lý Giác:

Tường quang, phong hảo, cẩm phàm trương
Dao vọng thần tiên, phục đế hương
Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lang
Cửu thiên quy lộ trường
Tình thảm thiết
Đối ly trường
Phan luyến sứ tinh lang
Nguyện tương thâm ý vị biên cương
Phân minh tấu ngã hoàng .


Dịch thơ

Điềm lành, gió tốt, buồm gấm giương,
Xa ngóng thần tiên, sứ giả trở lại chốn đế hương. 
Muôn trùng non nước, vượt sóng xanh,
Chín phương trời, đường về dài dằng dặc.
Tình thảm thiết,
Trước chén rượu ly biệt,
Vin xe lưu luyến sứ gia.
Tôi xin đem cái ý sâu xa của sứ giả, vì cải biên cương này,
Về tâu lại rành mạch với hoàng đế của tôi.
2.

Tiếp đến thời Lý, vai trò của Phật càng phát triển mạnh.  Ông vua mở đầu triều Lý được nuôi dưỡng từ cửa Phật. Đến khì lên ngôi, nhà vua cùng với việc xây dựng nhiều cung điện, chùa chiền ở kinh đô còn hạ lệnh cho “các hương ấp, nơi nào có chùa quán đổ nát đều phải sửa chữa lại” và “độ dân làm sư3.


_____________________
1. Tổng tập văn học Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980, t.1, tr.253-254.
2. Tổng tập văn học Việt Nam, t.1. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980, tr.256-257.
3. Toàn thư, Sđd, t.1, tr. 243, 249.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #28 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2009, 10:02:37 pm »

Có thể nói với triều Lý, từ đầu thế kỷ XI, đạo Phật đã thực sự được sự bảo trợ và nuôi dưỡng của người đứng đầu nhà nước quân chủ. Đó cũng là lý do khiến người ta nhận định Phật giáo trở thành quốc giáo vào thời Lý. Với vị trí quốc giáo, tư tưởng Phật đã có tác dụng chỉ đạo, hướng dẫn hành vi của mọi người, từ quốc vương cho đến dân thường. 

Cần phải nhắc lại rằng Phật giáo thời này nhập thế một cách tích cực và hoà nhập với tín ngưỡng cổ truyền. Nó không những không loại trừ mà còn góp phần gia eố, làm phong phú thêm tục thờ cúng tổ tiên, sùng bái người có công với dân với nước cùng tín ngưỡng phồn thực vốn có của cư dân nông nghiệp.

Đó là nguyên nhân quan trọng khiến cho Phật giáo có sức sống mạnh mẽ, ăn sâu bén rễ vào xã hội và trở thành chất men kích thích các thế hệ trong xây dựng và bảo vệ quốc gia độc lập tự chủ vào thời này.  Ta còn biết thêm, theo sử sách, thời này thường có những hiện tượng lạ như sấm ngữ “Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất thánh minh, cạnh đầu đa hoành nhi, đạo lộ tuyệt nhân hành. Thập nhị xưng đại vương, thập ác vô nhất thiện, thập bát tử đăng tiên, kế đô nhị thập thiên” (Đỗ Thích giết hại Đinh, nhà Lê nổi thánh minh, tranh nhau nhiều hoành nhi, đường sá người vắng tanh. Mười hai xưng đại vương, toàn ác không một thiện, mười tám con lên tiên, sao kế đô hai chục ngày) 1 báo hiệu sự sụp đổ của nhà Đinh.

Còn bài thơ chiết tự ở hương Diên Uẩn châu Cổ Pháp (nay là Từ Sơn - Bắc Ninh):
Thụ căn diễu diễu, Mộc biểu thanh thanh, Hòa đao mộc lạc, Thập bát tử thành, Đông a nhập địa, Mộc di tái sinh, Chấn cung kiến nhật, Đoài cung ẩn tình, Lục thất nên gian, Thiên hạ thái bình” (Gốc cây thăm thẳm, ngọn cây xanh xanh, cây hòa đao rụng, mười tám hạt thành, cành đông xuống đất, cây khác lại sinh. Đông mặt trời mọc, Tây sao náu hình, khoảng sáu bảy năm, thiên hạ thái bình) 2 được giải thích là lời tiên đoán về sự thay đổi từ họ Lê suy yếu bằng họ Lý với vai trò của nhà sư Vạn Hạnh ( ? - 1018).
 
Có thể kể thêm hiện tượng rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự nhân dịp Lý Thái Tổ từ thành Hoa Lư dời đến phủ thành Đại La vào năm 1010; Lý Phục Man hiện về trong chiêm bao của vua Lý Thái Tổ trong dịp nhà vua làm lễ tế vong các danh sơn ở bên đò Cổ Sở (Yên Sở - Hoài Đức - Hà Tây) vào năm l016; thần núi Đồng Cổ hiện về báo cho Lý Thái Tông việc nổi loạn của Vũ Đức vương, Đông Chinh vương, Đức Thánh vương để rồi được nhà vua cho dựng miếu thờ ở Thăng Long. . .

Phải chăng những điều ghi chép trên phản ánh thực tế rất phong phú về sự hội nhập giữa Phật, Đạo với tín ngưỡng bản địa trong đời sống tâm linh xã hội của một thời mà Nho giáo chưa có tác dụng chi phổi mạnh mẽ?  Tuy nhiên, một sự thực không thể chối cãi là trước yêu cầu xây dựng nhà nước quân chủ trung ương tập quyền với thể chế và biện pháp quản lý quốc gia theo mô hình Đường, Tống dược xác định tử đầu thế kỷ XI, thời Lê Long Đĩnh thì Phật, Đạo lại tỏ ra bất cập.

Điều này phải tìm ở học thuyết Nho. Chính vì vậy, vương triều Lý sùng Phật đến thế, nhưng cũng chính vương triều Lý đã mở rộng cửa đón Nho giáo. Nhưng cũng phải đợi đến ông vua thứ ba của triều Lý tức vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072) chủ trương này mới biến thành hiện thực.

Sử chép vào năm Canh Tuất (1070) lập văn miếu thờ Chu Công.  Khổng Tử, Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử và “thất thập nhị hiền” để tế lễ và sai hoàng tử đến để học tập. Năm năm sau, vào năm Ất Mão (1075), đời Lý Nhân Tông, khoa thi Nho học đầu tiên xuất hiện, tiếp đến năm Bính Thìn (1076) Quốc Tử Giám tức trường đại học được mở ở Thăng Long dùng người có văn vào học trong đám văn thần trông coi.

Theo sử cũ, mãi đến năm 1236 Quốc Tử Giám mới mở rộng cửa hơn, nhưng cũng chỉ cho con em các quan văn học. Phải đợi đến thời Trần, năm 1253, Quốc Tử Giám mới thực sự mở cửa đón các nho sĩ trong nước đến học tập. Cùng với việc đặt cơ sở đầu tiên cho giáo dục khoa cử ở nước ta, vào thời Lý, một tầng lớp Nho sĩ xuất hiện, tuy chưa phải đã đông đảo.

Lê Văn Thịnh, người được trúng tuyển qua khoa thi Minh kinh bác học vào năm 1075, được tuyển vào hầu vua học tập, về sau làm đến Binh bộ thị lang, gia phong Thái sư dưới triều Lý Nhân Tông. Có thể nói ông là người đầu tiên trong đám nho sĩ qua khoa cử bước vào quan trường. Ta cũng cần nhấn mạnh chính vị vua đầu tiên chủ động tiếp thu Nho giáo, đặt cơ sở cho việc mở mang giáo dục khoa cử cũng chính là vị vua đã đặt tên nước là Đại Việt vào năm đầu khi mới lên ngôi (1054) đó là Lý Thánh Tông. Vua kế vị mở khoa thi, mở trường Quốc Tử Giám là Lý Nhân Tông lại là ông vua đã tổ chức đánh tan cuộc xâm lăng lần thứ hai của giặt Tống xảy ra vào năm Đinh Tỵ (1077).


__________________
1, 2. Toàn thư, Sđd, t.1, tr.209, 237.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #29 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2009, 10:04:56 pm »

Tóm lại vào các thế kỷ X - đầu XIII, trên bình diện văn hoá, tôn giáo tín ngưỡng ta thấy hiện ra rất rõ nét một sự tự nguyện hòa nhập hai yếu tố cơ bản nổi trội, đó là nền văn hóa bản địa với văn hóa ngoại nhập - Phật, Đạo tiếp đến là Nho. Vào thời này Phật, Đạo chứ không phải là Nho in đậm trong đời sống tâm linh của dân tộc, mặc dù Nho đã chính thức dược tiếp nhận từ giữa thế kỷ XI như đã trình bày. 

Sự hoà nhập của hai yếu tố trên được thực hiện trong bối cảnh khá đặc biệt. Đó là bối cảnh lịch sử của những thế kỷ mà cả dân tộc phải gồng mình lên không chỉ để bảo vệ nền độc lập tự chủ vừa mới giành lại được, mà còn phải tạo dựng cho mình một sức mạnh để vững vàng tiến bước trong một khu vực có nhiều biến động và không ít đe doạ. 

Từ thế kỷ X, qua các đời Ngô, Đinh, Tiền Lê và Lý, từ quốc gia Đại Cồ Việt đến quốc gia Đại Việt, lịch sử đã đặt ra cho cộng đồng các dân tộc một nhiệm vụ mới. Đó là nhiệm vụ xây dựng đất nước vừng mạnh và bảo vệ nền độc lập tự chủ vừa mới giành lại được.

Dựng nước và giữ nước là hai mặt hoạt động khác nhau, nhưng có liên quan mật thiết và là tiền đề, là điều kiện của nhau. Nó cũng được đặt ra với bất kỳ một dân tộc, một quốc gia nào và ở một thời nào. Nhưng riêng với nước ta, vào thời kỳ đang được đề cập đến thì vấn đề giữ nước, dựng nước để giữ nước nổi lên hàng đầu, nhưng một thiên niên kỷ bị mất nước không phải là ngắn.  Kinh nghiệm các cuộc khởi nghĩa trong thời bị đô hộ từ Bà Trưng cho đến Phùng Hưng cho hay nếu không có một tổ chức vũ trang và hoạt động giữ nước mạnh thì ách đô hộ lại tái lập để rồi lại phải tiếp tục chịu đựng và tiếp tục đổ máu, hy sinh.

Nói đến hoạt động giữ nước là nói đến xây dựng lực lượng vũ trang, là chiến lược, chiến thuật quốc phòng thời chiến cũng như thời bình.

Bước vào các thế kỷ X, XI, XII và 25 năm đầu thế kỷ XIII đối với quốc gia Đại Cồ Việt - Đại Việt không phải tất cả chỉ mới bắt đầu. Cương vực, thể chế chính trị, kết cấu kinh tế - xã hội cùng với văn hoá, tư tưởng đều có nguồn gốc lâu đời, được khôi phục để tiếp tục phát triển trong tình hình mới. 

Thật vậy, một lãnh thổ quốc gia thống nhất dưới sự quản lý của một nhà nước quân chủ tập quyền gần dân, thân dân không ngừng được củng cố, hoàn thiện, một cộng đồng cơ dân gồm nhiều sắc tộc ngày càng cố kết gắn bó thành một khối chung quanh nhà nước độc lập tự chủ, một cuộc sống mới với những đổi thay phát triển mọi mặt từ kinh tế đến văn hoá, xã hội là những thành tựu lớn mà nhân dân ta đã đạt được trong gần ba thế kỷ dựng nước từ năm 939 đến năm 1225.

Trên cơ sở những thành tựu đó, tổ chức lực lượng vũ trang và hoạt động quân sự, quốc phòng của quốc gia Đại Cồ Việt - Đại Việt ra đời, trưởng thành nhanh chóng. Với nền tảng vững chắc đó, tổ chức quân sự, quốc phòng đã phát huy tác dụng, chiến thắng oanh liệt mọi kẻ thù xâm lược lớn, nhỏ, đẩy lùi hành động phân tán, phản loạn, bảo vệ thành công nền độc lập thống nhất non trẻ của quốc gia Đại Cồ Việt - Đại Việt, đưa đất nước hiên ngang bước vào kỷ nguyên Đại Việt huy hoàng và trở thành một quốc gia hùng mạnh trong khu vực.



CHƯƠNG 2

BINH CHẾ QUỐC GIA TỪ THỜI NGÔ ĐẾN THỜI LÝ


Thành tựu lớn nhất của nhân dân ta trong các thế kỷ X - XIII là xây dựng được chính quyền dân tộc tự chủ mà nền móng của nó bắt đầu từ họ Khúc (905 - 930) và họ Dương (931 - 937). Trải qua các triều đại Ngô (939 - 965), Đinh (968 - 980), Tiền Lê (980 - 1009) và Lý (1009 - 1225), quốc gia thống nhất và chính quyền độc lập dân tộc ngày càng được củng cố, vững mạnh.

Đi đôi với thiết chế nhà nước đó là một tổ chức quân sự, một binh chế quốc gia xuất hiện và ngày một hoàn thiện hơn Chiến thắng Bạch Đằng (938) chứng tỏ ngay từ thời kỳ khôi phục nền tự chủ, một tổ chức quân sự đã xuất hiện. Ngô Quyền đã có khả năng liên kết lòng người trong một phạm vi lãnh thổ khá rộng lớn để chiến thắng giặc Nam Hán.

Tiếp đó, những sự kiện lịch sử quan trọng như Ngô Vương thành lập chính thể quân chủ đóng đô ở Cổ Loa Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước và đóng đô ở Hoa Lư, Lê Hoàn đánh thắng giặc Tống (980 - 981), Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, cùng với những hoạt động quân sự chống ngoại xâm cả hai đầu đất nước và đánh dẹp nội loạn, cho phép ta hình dung sự phát triển ngày một hoàn thiện và lớn mạnh của binh chế thời kỳ này.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM