Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Tư, 2024, 07:39:39 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Quân sự Việt Nam - Tập 3  (Đọc 82256 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #130 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 10:19:20 am »

Ai cũng biết cách dùng binh của Lý Thường Kiệt là hết sức chủ động “tiên phát chế nhân”. Vậy mà sau khi đã tiêu diệt phần lớn cụm quân Triệu Tiết, dồn Quách Quỳ vào tình thế bất lợi, lại dừng lại, cho quân qua sông e không phải cách dùng binh của ông và chỉ như vậy cũng khó ép được quân Tống lui quân. Có khả năng sau khi tạo được thế trận như trên, Lý Thường Kiệt cho hoạt động quân sù gây sức ép như thế nào đó mới khiến quân Tống chịu nhận giảng hoà, rút quân.

Bởi, tình thế quân Tống hắn là rất khó khăn mới khiến học giả Tống thốt lên: “may được lời giặc nói nhũn liền nhân đó giảng hoà. Nếu không có lời quy thuận của giặc thì làm thế nào?” 1. Và, Quách Quỳ khi lui binh đã bắt quân khởi hành ban đêm. Hình ảnh cuộc rút quân có khác gì một cuộc tháo chạy hỗn loạn, mạnh ai nấy được, hàng ngũ không còn chỉnh tề, dẫm xéo lên nhau, như chính sử Tống miêu tả. Khi Tống rút quân, Lý Thường Kiệt đã tổ chức các hoạt động quân sự giành lại đất đai trên hướng rút chạy của địch.
 
c) Đánh vào lòng người

Đánh vào lòng người là một loại hình hoạt động ngày càng được mở rộng và phát triển theo thời gian, đã xuất hiện và phát huy hiệu lực trong chiến tranh ở thời điểm này.

Đó thực chất là hoạt động tác động tư tưởng và tâm lý nhằm xây dựng đoàn kết và quyết tâm chiến đấu trong nội bộ quân và dân nước mình, đồng thời tuyên truyền về sự nghiệp chính nghĩa của phía kháng chiến, phân hoá, chia rẽ, làm giảm sức mạnh của địch.

Trước cuộc xâm lược của nhà Tống (981), các đại thần triều Đinh, Tiền Lê đã biết dẹp mâu thuẫn sau khi Đinh Tiên Hoàng bị hành thích, chung sức tổ chức chống ngoại xâm. Lê Hoàn sau khi lên ngôi vua đã đề ra chính sách nhằm xây dựng, cung cố khối đoàn kết dân tộc, quy tụ sức mạnh chống giặc Tống.

Phương sách đó đã làm phá sản âm mưu chính trị chia rẽ nội bộ Đại Cồ Việt của nhà Tống. Điều này còn làm cho những hành động chống đối, chia rẽ của một số quan lại thuộc phái bảo hoàng họ Đinh không thực hiện được.

Giải quyết thống nhất được vấn đề chính trị - tư tưởng khiến chính trị quốc gia ổn định vừng mạnh, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố. Đây chính là cơ sở tạo nên sức mạnh của nước Đại Cồ Việt để chiến thắng quân xâm lược nhà Tống trong cuộc kháng chiến năm 981.

Nhận rõ nhà Tống có quân đông, tướng mạnh, chiến đấu với đội quân xâm lược của chúng hẳn sẽ rất gay go, quyết liệt, bởi vậy vua Lê Đại Hành mưu tính dùng kế trá hàng để có thể giết được chủ tướng cùng bộ phận chỉ huy quân địch. 

Bên trong, vua Lê ra sức củng cố lực lượng, bài binh bố trận, phòng vệ cẩn mật; bên ngoài tạm án binh, nới vây hãm, giảm canh phòng, đồng thời đưa thư từ, thông điệp sang phía Tống tỏ vẻ run sợ trước quân binh hùng hậu của “thiên triều” với lời lẽ nhún nhường ngỏ lời xin quy phục để bảo toàn tính mạng v.v...

Cách nghi binh, đánh vào tâm lý kiêu ngạo của bộ chỉ huy quân Tống như vậy khiến chúng mắc lừa. Tống sử chép: “Lê Hoàn giả vờ xin hàng mà Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng cứ tưởng là thật...”. Và “Tôn Toàn Hưng cùng Lưu Trừng hợp quân lại, theo đường thuỷ đến đồn Đa La, nhưng không thấy giặc đâu lại phải về Hoa Bộ”. 

Rõ ràng, Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng tin rằng Lê Đại Hành đã hàng phục. Kế nghi binh, “đánh vào lòng người” đó của Lê Hoàn khiến đối phương mắc lừa, thuỷ quân Tống bị đánh bại và Hầu Nhân Bảo tử trận.

Trong lần xuất quân đánh sang cơ sở xuất phát tiến công xâm lược của nhà Tống, sau khi chiếm được hai hải cảng Khâm, Liêm, Lý Thường Kiệt cho quân tiến vào nội địa. Lúc đó quân Tống dường như không còn đủ sức cản quân Lý. 

___________________________
1. Dẫn theo: Phan Huy Lê, Bùi Đăng Duy. . . Một số trận quyết chiến chiên lược trong lịch sử dân tộc, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr.74.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #131 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 10:21:24 am »

Tuy nhiên Lý Thường Kiệt đã tính đến thái độ phản ứng của dân chúng. ông phải nêu danh nghĩa của cuộc hành quân, và Phạt Tông lộ bố văn ra đời. Bản Lộ bố chỉ gồm 144 chữ Hán, nhưng là một bản tuyên cáo đánh Tống rất rõ ràng, được yết ở những nơi có nhiều người qua lại, nhanh chóng được nhân dân vùng biên tiếp thu và lan truyền tới binh lính đối phương.

Mở đầu, bản Lộ bố nêu đạo lý thánh hiền về quan hệ vua tôi thần dân. Kế đó, văn bản chỉ đích danh đối tượng lên án: “Nay vua Tống ngu hèn, không theo phép thánh hiền, nghe kế tham tà của An Thạch, bày ra phép “thanh miêu’, “trợ dịch” khiến trăm họ hao kiệt, để thoả mưu nuôi béo thân mình”.

Đây là lời tố cáo vua Tống Thần Tông và tể tướng Vương An Thạch với tội danh là thẳng tay bóc lột dân nghèo, làm trái đạo thánh hiền. Phần cuối bản Lộ bố nói rõ lý do cuộc ra quân với quan điểm an dân, kêu gọi tất cả trấn tĩnh, rằng Bắc tiến là “muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ có ý phân biệt quốc thổ, không phân biệt chúng dân” . . . Đây là quan điểm rất tiến bộ và cách tư duy, biểu đạt thật sắc sảo.

Mặc dầu từng thất bại trong chiến tranh xârn lược Đại Việt, nhà Tống luôn lăm le tiến hành xâm lược và thường xuyên mua chuộc các tù trưởng miền núi nước ta, dụ dỗ họ theo về nước Tống. Đại Việt phải ra quân phá cuộc xâm lược đó. Đây là việc hợp lẽ đời. Nhưng nhân dân hai vùng biên giới vốn có quan hệ họ hàng thân tộc và láng giềng thân thiện, không bị hạn chế bởi địa bàn cư trú.

Chính sách của nhà Lý là không phân biệt đối xử với nhân dân hai bên biên giới, luôn tôn trọng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Quân nhà Lý, trong quá trình hành quân đã tịch thu lương thực dự trữ trong các trại địch (dùng đi đánh Đại Việt) đem chia cho dân, được dân chúng đồng tình. hưởng ứng 1.

Có thể nói với Phạt Tống lộ bố văn, nhà Lý đã mở đầu một phương thức tiến công chính trị - tư tưởng. nêu cao mục tiêu chính nghĩa của hoạt động quân sự. “Dân Tống thấy lời tuyên cáo đều vui mừng, đem trâu rượu khao quân ta. Từ đó mỗi lúc dân Tống thấy hiệu cờ Lý Thường Kiệt đằng xa, thì nói đó là quân của cha họ Lý người nước Nam... Nhờ đó mà uy danh quân ta lan khắp nơi” 2.

Được nhân dân biên giới phía Tống đồng tình, ủng hộ quân Lý đã giành thắng lợi trong các hoạt động quân sự trên đất đối phương. Thắng lợi đó có vai trò quan trọng của mặt trận đấu tranh chính trị -tư tưởng - tâm lý - một phương thức “đánh vào lòng người” hợp lẽ sắc sảo và sáng tạo.

Tương tự như vậy, vào năm 1077, hai bên Lý Tống đối ngạn trên hai bờ sông Như Nguyệt. Quân Tống có thế mạnh, Miêu Lý từng mở mũi tiến công sang bờ nam, nhưng bị quân ta đánh cho thua đau, phải lùi. Nhưng quân Lý cũng gặp nhiều khó khăn, tổn thất, chưa phá được giặc.

Sử chép rằng, trong tình thế đó, một lần, để cổ vũ binh sĩ, Lý Thường Kiệt sai người giả làm thần nhân, nấp trong đền Trương Hát ở bờ nam sông Như Nguyệt đọc bài thư vừa uy hiếp tinh thần quân địch, vừa khích động tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu của quân ta.

________________________
1. Theo Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt, Sđd, tr.122, ta còn biết ngoài Lộ bố văn trên, còn có một “lộ bố văn” khác với nội dung thuyết minh việc đưa quân vào đất Tống “nhằm đuổi bắt dân Giao Chỉ làm phản rồi trốn sang Trung Quốc” và còn vì “Quan coi Quế Châu đã kiểm điểm dân các động và đã tuyên bố rõ rằng muốn sang đánh Giao Chỉ. Như vậy phải chăng Lý Thường Kiệt đã thảo hai bài “lộ bố văn”?
2. Nhữ Bá Sĩ: Thần phả Lý Thường Kiệt. dẫn theo Hồng Nam và Hồng Lĩnh (chủ biên): Những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam chống phong kiến Trung Quốc xâm lược. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 1984, tr. 265, 266.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #132 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 10:23:39 am »

Sách Việt điện U linh chép chuyện Trương Hát, thần sông Như Nguyệt, kể lại rằng chính thần nhân đã đọc bài thơ sau:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư,
Như hà nghịch ìỗ lai xâm phạm?
Như đẳng hành khan thủ bại hư.

Sách trên chép tiếp: “Đang đêm, nghe tiếng vang trong đền đọc bài thơ ấy, quân ta đều phấn khởi. Quân Tống sợ táng đởm, không đánh đã tan1. Nhân dân địa phương vẫn truyền tụng nhiều chi tiết và chỉ rõ những di tích ghi lại chiến công oanh liệt này, khu vực doanh trại địch biến thành bãi chiến trường. Hàng vạn xác giặc nằm ngổn ngang khắp cánh đồng, gò đất. Nhân dân địa phương gọi là cánh đồng Xác , gò Xác 2.

Như thế phép “đánh vào lòng người”, mà có thể nói ngày nay đã phát triển thành lĩnh vực hoạt động đặc biệt quan trọng - hoạt động chính trị - tư tưởng, đã xuất hiện và mang lại hiệu quả lớn từ những cuộc chiến tranh khi nhân dân ta vừa giành lại quyền độc lập tự chủ.

2. Về chiến thuật

Để những tính toán chiến lược trở thành hiện thực, giành thắng lợi trên chiến trường phải có cách đánh, chiến thuật thích hợp. Các nhà cầm quân thời Tiền Lê và Lý đã giải quyết tốt vấn đề này. ở những mức độ khác nhau, nhiều hình thức chiến thuật đã xuất hiện và được vận dụng hiệu quả.

a) Công thành, diệt viện

Trên thực tế chiến đấu, quân đội Tiền Lê và Lý phải đánh vào các đồn, trại nơi đóng quân và thành trì, căn cứ của đối phương. Các hình thức chiến đấu với địch trong điều kiện kể trên, được hiểu là công thành. Trong lần chống Tống năm 981, sau khi diệt địch ở sông Bạch Đằng, Lê Hoàn kéo quân về bao vây đạo quân chủ lực địch ở Tây Kết. Trận này, quân ta bắt sống tướng địch, diệt nhiều tên khiến chúng phải tháo chạy về nước.

Trong cuộc chống Tống những năm 1075 - 1077, thực hiện “tiên phát chế nhân”, Lý Thường Kiệt cho quân đánh sang Ung, Khâm, Liêm bằng cả đường thuỷ và đường bộ.  Tuy nhiên lúc đầu ông cho quân địa phương vây đánh, quấy rối các đồn trại biên giới, làm cho quân Tống tưởng rằng ta sẽ bằng đường bộ kéo vào châu Ung. Trong khi đó quân ta theo đường thuỷ đánh Khâm Châu rồi tiến thẳng tới ung Châu. Quân Tống bị đánh ở hai đầu, bị chia cắt, không thể ứng cứu nhau. Quân ta đã đánh phá các trại Hoành Sơn, Thái Bình, Vĩnh Bình và Cổ Vạn. Ở đây, hẳn rằng các hình thức bao vây chia cắt, đánh chặn, tập kích, đột kích đã được vận dụng.

Tiêu biểu về chiến thuật công thành trong cuộc chiến kể trên là trận đánh thành Ung. Sau khi hạ được Khâm, Liêm, Lý Thường Kiệt chia quân làm hai đạo: một mặt từ Liêm Châu theo hướng đông, mặt kia từ Khâm Châu kéo thẳng lên, hợp vây Ung Châu.

Thành Ung được xây dựng thành cao hào sâu rất vững chắc, có thế lợi khi chiến đấu phòng thủ. Quân Tống dưới quyền chỉ huy của Tô Giám, một mặt tìm mọi cách cố thủ trong thành Ung Châu, mặt khác đợi chờ viện binh. Ngay từ đầu Tô Giám đã sai sứ về Quế Châu cách Ung Châu 400 km để cầu viện. Quế Châu cử đô giám Trương Thủ Tiết đem quân đi cứu Thủ Tiết dùng dằng cuối cùng kéo quân tới giữ ải Côn Lôn cách Ung Châu chừng 40 km. Được tin viện binh giặc đến, Lý Thường Kiệt điều quân đến đón đánh. Thủ Tiết cùng các đô giám, tuần kiểm đề cử thuộc quyền đều bị chết tại trận.

Viện binh Tống bị đánh tan. Thành Ung Châu rơi vào thế hoàn toàn bị cô lập. Suốt hơn một tháng trời bị vây hãm, quân Tống trong thành Ung Châu kháng cự quyết liệt quân Lý sử dụng nhiều biện pháp công thành. Đó là dùng vân thê, một thứ thang bắc chuyền nối nhau rất cao để trèo lên thành và dùng tên độc bắn vào thành, là đào tường hầm để đột nhập vào thành. Với biện pháp chất bao đất theo tường thành làm bậc thang để lcó lên, quân Lý đã lấy được thành Ung.

_____________________________
1. Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt, Sđd, tr.206.
2. Theo Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Phan Đại Doãn. Nguyễn Cảnh Minh: Đại cương Lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997, t.1, tr.162.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #133 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 10:28:36 am »

Tuy sử sách không ghi lại tỉ mỉ các trận kể trên song có thể thấy quân Lý đã vận dụng các cách, mà thời hiện đại gọi là các thủ đoạn chiến đấu vây thành diệt viện, đột phá, vu hồi . . . Và như thế, với việc đánh chiếm các đồn, trại địch và phá thành Ung, quân Lý đã sáng tạo và vận dụng hiệu quả chiến thuật công thành, diệt viện.

b) Dựa vào chiên luỹ chiến đấu phòng thủ và sẵn sàng chuyển sang tiến công.

Như đã biết ở các thời Tiền Lê và thời Lý, quân và dân Đại Việt phải tiến hành các cuộc chiến tranh mà sau này gọi là chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đó là các cuộc kháng chiến đánh địch từ ngoài biên giới tràn sang, khi quân địch chưa chiếm được đất đai, chưa lập được bộ máy cai trị. Chính vì thế, việc bên bị xâm lược dựa vào địa thế tự nhiên sông, biển hoặc gia cố thêm tạo thành những thành luỹ lợi hại, vừa là sáng tạo, vừa là lẽ thường trong quân sự.

Hẳn rằng, như thành Bình Lỗ, thực tế có thể là luỹ (đất, đá) theo tuyến dài ven sông, kết hợp với chướng ngại hoặc vật che khuất như các lùm cây. Dựa vào đó, quân ta chiến đấu phòng ngự, ngăn chặn địch tiến về kinh đô Hoa Lư và, khi thế trận cho phép, chuyển sang phản công quân địch.

Hình thức chiến đấu dựa vào chiến luỹ, phải kể đến chiến tuyến sông Cầu trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống lần thứ hai là tiêu biểu.

Như đã trình bày ở trên, Lý Thường Kiệt cho đắp luỹ chạy dài theo nam ngạn sông Như Nguyệt. Ở bãi sông, ông cho đóng cọc tre làm dậu dày mấy tầng kết hợp với những hố chông ngầm. Dựa vào chiến tuyến lợi hại đó, quân ta chiến đấu phòng ngự giữ vừng trận địa không cho địch qua sông khiến chúng không tạo được đầu cầu đổ quân lên bờ nam. 

Địch không qua được sông để tiến về Thăng Long giải quyết mục tiêu chiến tranh và lại bị quân ta thường xuyên tập kích, quấy rối khiến chúng lâm vào tình thế khó khăn, lúng túng. Đây thực chất là lối phòng ngự trận địa. Và sau một thời gian, quân Tống phải chấp nhận hoà đàm rút quân về nước .

Trong lịch sử dân tộc ta nói chung và lịch sử các cuộc kháng chiến thời Tiền Lê và Lý nói riêng, quân và dân ta thường phải đương dầu với kẻ xâm lược đông hơn mình nhiều lần. Bởi thế, đánh địch bằng bí mật bất ngờ, đánh dịch ngoài đồn trại, trong hành tiến là đắc sách hơn cả.

Bởi thế, lối đánh bằng mai phục, cả trên bộ và trên sông đã xuất hiện khá sớm. Trải qua thời gian, đến thời hiện đại, cách đánh đó đã định hình thành chiến thuật phục kích vô cùng lợi hại. Ví như trận ải Côn Lôn. Trong khi quân Lý đang vây thành Ung, Lý Thường Kiệt được tin viện binh Tống do Thủ Tiết chỉ huy kéo tới ải Côn Lôn. Lý Thường Kiệt đưa quân đón đánh. Bị bất ngờ, “quân Tống chưa đánh đã chạy. Thủ Tiết nhu nhược không điều khiển nổi binh sĩ, liền bị thua” .

Cũng có thể kể về trận đánh ở vùng Yên Phụ, Thuỵ Lôi (Đông Anh, Hà Nội). Bị ta chặn ở chiến tuyến sông Cầu, Miêu Lý xin Quách Quỳ để được mở mũi đột kích, dùng cầu phao vượt sông nhằm bất ngờ tiến tới Thăng Long. Lý Thường Kiệt dấu một bộ phận quân chủ lực ở núi Thất Diệu (thuộc Yên Phụ) cây cối rậm rạp, cạnh đó có cầu Gạo, nơi lầy lội cản trở kỵ binh. Quân ta mai phục chặn đánh phía trước, thừa thắng phản kích địch. Trong khi đó, một lực lượng chẹn đường rút của địch được bố trí trước, đổ ra đánh ập lại. Quân xung kích của Miêu Lý bị diệt hầu hết, trừ Miêu Lý và một số tàn quân chạy thoát.

Như vậy, do sử liệu về các trận đánh rất hiếm, nếu có thì cũng chỉ là sự miêu tả sơ sài nên ngày nay khó hình dung về các chiến thuật nói không, chiến thuật phục kích nói riêng. Tuy nhiên. có thể thấy quân đội Tiền Lê đã khéo chọn trận địa phục kính. Đó là nơi ta có thê bí mật dấu quân tiện triển khai lực lượng gây bất ngờ đối với địch và ta cũng có thể rút nhanh khi cần (như vùng Yên Phụ, Thuỷ Lôi) . Đó cũng có thể là quãng đường quanh co, lên xuống dốc, bị bất ngờ đối phương thường bị động, lúng túng (ải Côn Lôn).

Rõ ràng là, quân đội Tiền Lê, Lý đã biết lợi dụng yếu tố địa hình, thực hiện mai phục (dấu quân), bí mật triển khai đội hình bất ngờ tiến công quân địch đang hành quân. Nhờ lợi thế về địa hình và tạo ra bất ngờ, quân phục kính tuy ít có thê thắng đối phương đông hơn.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #134 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 10:29:34 am »

Nước ta có nhiều sông, biển. Đó cũng là chiến trường diễn ra nhiều trận thuỷ chiến lớn chống xâm lược.  Từ năm 938, trong đánh giặc Nam Hán, Ngô Quyền với “mưu giỏi mà đánh cũng giỏi” đã phá giặc trên sông Bạch Đằng ghi một cột mốc phát triển của quân thuỷ và chiến thuật đánh thuỷ của quân dân ta.

Bước sang thời kỳ này con sông Bạch Đằng cùng với đường nước nông dọc ven biển Quảng Ninh ngày nay mà sử sách chép là sông Đông Kênh ít nhất cũng đã ba lần là chiến trường chống giặc. Tuy nhiên trong các trận đánh thuỷ lần này nhiều hình thức chiến thuật được vận dụng một cách linh hoạt, phong phú.

Các trận đánh thuỷ lần thứ nhất và thứ hai diễn ra vào đầu năm 981 trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống lần thứ nhất. Vào cuối tháng 1- 981, thuỷ quân Tống do Hầu Nhân Bảo theo đường biển tiến vào cửa sông Bạch Đằng nhằm hợp lực với quân bộ của Tôn Toàn Hưng ở vùng Bạch Đằng - Hoa Bộ. Đoán đúng đường hành quân của giặc, về mặt thuỷ, Lê Hoàn vận dụng chiến thuật của Ngô Quyền, bố trí thuỷ quân và cắm cọc ở cửa sông Bạch Đằng để phá giặc. 

Nếu như trong trận đánh thuỷ thứ nhất này chưa cản được giặc, chỉ có tác dụng đánh phủ đầu nhằm tiêu hao, gây khó khăn, nhụt nhuệ khí của giặc thì trận đánh thuỷ lần thứ hai lại diễn ra với chiến thuật khác. Nắm vững nội bộ chỉ huy địch không ăn ý nhau, hợp đồng hành quân và tác chiến không chặt chẽ, Lê Hoàn đã bố trí chặn đánh đạo quân thuỷ của Hầu Nhân Bảo.

Các trận cản phá giặc ở sông Đồ Lỗ (sông Lục Đầu) ở Lục Giang sông Luộc) đã buộc tên chủ tướng Hầu Nhân Bảo phải lui quân từ Lục Giang về sông Bạch Đằng để hội quân với thuỷ quân của Lưu Trừng và cánh quân bộ của Tôn Toàn Hưng chốt ở Hoa Bộ nhằm tổ chức tiến công Đại Cồ Việt theo hướng mới.

Nhưng tại đây, Hầu Nhân Bảo đã mắc mưu “trá hàng” của Lê Hoàn và bị phục binh và thuỷ binh của Đại Cồ Việt đánh cho đại bại.  Tống sử liệt truyện ghi: “Nhân Bảo bị giặc vây, bị giết ở giữa sông”. Sách An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng chép:“Nhân Bảo đem vạn quân xông lên trước, thế giặc rất mạnh, viện quân phía sau dện không kịp, trận thế bị vây hãm nên Nhân Bảo bị loạn quân giết chết quẳng xáe xuống sông”. 

Như vậy, trước sức tiến công của thuỷ quân Đại Cồ Việt, Hầu Nhân Bảo bị giết chết tại trận, Tôn Toàn Hưng, Lưu Trừng phải dẫn quân tháo chạy về nước.

Qua diễn biến của quá trình chống giặc Tống năm 981 ta thấy về đánh thuỷ không chỉ có hai lần tổ chức đánh phá giặc ở của sông và trong sông Bạch Đằng mà còn có các trận đánh cản phá giặc thắng lợi ở sông Đồ Lỗ, sông Lục Giang. 

Có thể nói trong kháng chiến chống giặc Tống lần thứ nhất, chiến trận đã diễn ra chủ yếu trên sông nước. Thuỷ binh, có kết hợp với bộ binh, dưới sự bài binh bố trận của Lê Hoàn đã chiến đấu trên chiến trường sông nước với không gian và thời gian khác nhau, lần lượt đi từ thắng lợi cục bộ đến thắng lợi quyết định toàn cục trên chiến trường. 

Sang thế kỷ XI, trong tổ chức đánh giặc Tống vào năm 1077 thời Lý, lại một lần nữa thuỷ chiến lại diễn ra không phải trên sông Bạch Đằng, mà tại sông Đông Kênh trên con đường dẫn đến cửa sông Bạch Đằng.

Theo kế hoạch tiến công Đại Việt, cánh quân thuỷ của Dương Tùng Tiên sẽ theo dòng Đông Kênh vào cửa sông Bạch Đằng ngược dòng về vùng Lục Đầu, hội quân với cánh quân bộ của Quách Quỳ, Triệu Tiết theo hai đường thuỷ bộ cùng tiến về Đại La. Nắm được ý đồ của giặc, Lý Thường Kiệt không đợi giặc ở cửa sông Bạch Đằng như thời Ngô Quyền và Lê Hoàn. Ông đã bố trí một đạo quân thuỷ do Lý Kế Nguyên - viên tướng từng tham chiến trong “tiên phát chế nhân” tiến về vây phá Ung Châu vào đầu năm 1076, chỉ huy án ngữ ở vùng hải phận Vĩnh An.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #135 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 10:31:01 am »

Như vậy, về không gian chiến trường, cũng trên con đường nước Đông Kênh, nhưng thuỷ quân Đại Việt đã đợi giặc ngay ở đầu cửa ngõ. Chưa bén mảng tới vùng cửa sông Bạch Đằng, đội binh thuyền của Dương Tùng Tiên đã bị chặn đánh ở Vĩnh An. Quân Tống cố gắng mở đường vượt dòng Đông Kênh qua sông Bạch Đằng tiến tới điểm gặp cùng bộ binh và kỵ binh. Nhưng hàng chục trận đánh đã diễn ra, quân thuỷ của Dương Tùng Tiên không tiến lên được. Chúng phải lùi về đóng ở của sông Đông Kênh (có lẽ là cửa Tiên Yên ngày nay) . Cho đến khi cánh quân bộ của Quách Quỳ, Triệu Tiết bị đại bại ở chiến trường Như Nguyệt, Dương Tùng Tiên mới bị gọi về nước.

Hẳn rằng trong những trận đánh thuỷ ở khu vực hải phận Vĩnh An, thuỷ quân ta đã khéo sử dụng lợi thế của địa hình, thuỷ triều, mai phục và kiên cường đánh trận làm thất bại kế hiệp đồng thuỷ, bộ của địch. Thắng lợi của chiến thuật phá giặc của thuỷ quân Đại Việt đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến lược. 

Trước đó, trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành vào năm 1069 nhằm ngăn chặn hành động tiếp tay cho nhà Tống quấy phá biên giới phía nam Đại Việt, hành quân đường biển và thuỷ chiến là một lợi thế của quân Đại Việt. Với năm vạn quân, vua Lý Thái Tông và Lý Thường Kiệt tiến về phía nam theo đường thuỷ 1. Đến cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) quân Đại Việt gặp thuỷ quân Chiêm chặn đánh.

Do điều kiện tự nhiên lãnh thổ quốc gia hẹp lại trải dài dọc theo bờ biển, giao thông nối liền hai đầu Nam Bắc bằng đường bộ không thuận tiện, chủ yếu bằng đường biển nên người Chiêm rất thạo nghề sông biển, và có tổ chức hải quân mạnh. Với lực lượng đó, quân Chiêm Thành từng nhiều lần cướp phá Đại Việt.

Về trận Nhật Lệ, sách Việt sử lược chép: “Vua sai đại liên ban Hoàng Kiên đánh cửa biển Nhật Lệ, thắng được” 2.  Kế đó, Lý Thánh Tông cho quân tiến xuống cửa biển Thị Nại (Cribonei - Quy Nhơn) không gặp sức kháng cự nào của thuỷ quân Chiêm. Hẳn rằng thuỷ quân Chiêm đã tan vỡ từ trận Nhật Lệ.
 
Như vậy, vào thời này, ngay từ thế kỷ X trong tổ chức quân sự, quốc phòng của đất nước Đại Cồ Việt - Đại Việt đã có binh chủng thuỷ quân mạnh, từng nhiều lần đánh thắng giặc. Trong giao chiến với những đối tượng nhất định, thuỷ quân Đại Cồ Việt - Đại Việt đã tác chiến ở sông, biển với những địa hình khác nhau, tác chiến chính quy, quy mô lớn, mai phục, bao vây áp đảo tiêu diệt quân địch, góp phần to lớn vào thắng lợi cuối cùng của công cuộc chống giặc giữ nước.

Suốt ba thế kỷ từ sau khi khôi phục nền độc lập, quốc gia Đại Cồ Việt - Đại Việt kể từ thời Ngô đến Lý, do nhu cầu sông còn giữ vững nền độc lập, tự chủ, trai qua thực tê tư tưởng về quân sự - quốc phòng và nghệ thuật quân sự đã xuất hiện, hình thành rõ nét và bước đầu tỏ rõ tính ưu việt của nó.

Trong thời Ngô - Đinh - Tiền Lê đến Lý, tổ tiên ta đã biết, muốn giữ nước phải làm cho “nước giàu dân mạnh”, đất nước phải được chăm lo xây dựng về mọi mặt. Hàng loạt chính sách và biện pháp để phát triển đất nước về chính trị, kinh tế, quân sự được ban hành và triển khai. Nhà nước tập quyền được củng cố, các xu hướng phân quyền, cát cứ bị loại bỏ. Khối đoàn kết dân tộc được củng cố thêm một bước. 

Chính sách khuyến nông với mục tiêu “xem sự đủ ăn là ý nguyện của dân, lấy việc cày cấy là gốc của nước”, đã tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy nông nghiệp phát triển, kéo theo sự phát triển của các ngành kinh tế khác. 

Đi đôi với việc xây dựng đất nước về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, tổ tiên ta thời đó đã đặc biệt chăm lo công cuộc phòng thủ đất nước mà tập trung là xây dơng lực lượng vũ trang. Phép “ngụ binh ư nông” trở thành quốc sách, được thực hiện trên cả nước.

Nhờ đó, đến thời Lý, nước ta có một đội quân thường trực mạnh và đội quân hậu bị đông đảo, gồm cả quân trung ương và quân tại chỗ ở các lộ. Không chỉ đến triều Lý mà từ thời Ngô Quyền, nước ta đã chú trọng xây dựng thuỷ binh vừa tác chiến giỏi trên sông nước, vừa giỏi hiệp đồng với bộ binh.

Chủ động là nét đặc sắc, nổi bật trong tư tưởng quân sụ và nghệ thuật quân sự đương thời. Ở vị trí địa - chiến lược quan trọng, nhạy cảm, nước ta luôn bị kẻ thù nhòm ngó.  Nhà nước Đại Cồ Việt - Đại Việt luôn theo dõi âm mưu địch, không khi nào lư là cảnh giác. Cứ mỗi lần kẻ địch có dấu hiệu tiến hành chiến tranh xâm lược là Đại Việt lại giải quyết trước vấn đề biên cương phía nam, phá tan mưu đồ liên minh của các thế lực thù địch.

____________________________
1. 2. Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt, Sđd, tr.42.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #136 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 10:32:29 am »

Trong cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai, ta đã chủ động đánh sang đất địch phá cơ sở xuất phát tiến công của chúng, kế đó chủ động rút về nước vì không có tham vọng chiếm đất và để tổ chức phòng ngự. Chủ động phản công quân địch khi thời cơ đến, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi.

Trong quá trình đó, nhà Lý còn biết chủ động kết hợp giữa đánh địch trên chiến trường với thương lượng khiến nhà Tống ra lệnh bãi binh, ta tránh được tổn thất không cần thiết và nối lại bang giao hai nước láng giềng. Chủ động của ta gây ra bất ngờ cho địch, nhờ đó làm tăng sức mạnh lên gấp bội.

Trong chỉ đạo chiến tranh và chỉ đạo tác chiến, nhà Lý đã khéo kết hợp quân triều đình với quân các lộ và hương binh, đánh giặc trên một không gian rộng lớn, kết hợp giữa tập trung đánh lớn với phân tán đánh nhỏ, kết hợp giữa tiến công với phòng ngự.

Nắm thời cơ và hành động đúng thời cơ cũng là nét độc đáo nữa của nghệ thuật quân sự Đại Việt thiên kỷ X. Lý Thường Kiệt đánh sang Ung - Khâm - Liêm khi hơn 10 vạn quân Tống vừa tuyển mộ được đưa về đây tập kết, đang chấn chỉnh cơ ngũ, phiên phế binh lính và chỉ huy, chưa sẵn sàng chiến đấu.

Lúc đó, đạo quân Nam Viện, quân chủ lực, lực lượng đột kích chiến lược của Tống chưa tổ chức xong, chưa thể cơ động có mặt ở Ung, Khâm, Liêm. Mặt khác, lương thảo, vũ khí trang bị đã dồn chứa đầy các kho ở ba thâu kể trên. Mở tiến công sớm hơn thực tế thời gian đã diễn ra thì thắng lợi không lớn vì quân địch tập kết về đây chưa đủ; còn muộn hơn chắc hẳn quân Nam viện do Quách Quỳ chỉ huy dã tới, chiến thắng sẽ khó khăn hơn và thắng lợi cũng không lớn.

Ở trận tuyến Như Nguyệt, thời cơ cũng được sử dụng để tạo ra lực lượng và sức mạnh. Sau một thời gian đối ngạn, quân ta phòng ngự vững chắc có chiều sâu, bẻ gãy các lần đột kích của đối phương. Khi đối phương không còn khả năng tiếp tục tiến công quân ta ngày một xiết chặt vòng vây cụm quân Quách Quỳ. Lúc đó, nhà Lý thực hiện giảng hoà kết thúc cuộc chiến.

Dưới thời Lý, với việc tổ chức và điều hành các trận đánh lớn trong sự liên kết giữa chúng nhằm đạt mục tiêu xác định, đã manh nha các yếu tố tiền thân cua nghệ thuật chiến dịch Việt Nam. Đấy là một sáng tạo của cha ông ta. Sáng tạo đó bắt nguồn từ tính ưu việt của nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân chính nghĩa, bảo vệ Tổ quốc.

Có thể nói hoạt động quân sự trên đất Ung, Khâm, Liềm, cuộc phòng ngự ở nam sông Như Nguyệt và tiến công bắc Như Nguyệt đã mang bóng dáng của loại hình chiến dịch. Trong nghệ thuật quân sự thời này ta còn thấy đã xuất hiện loại hình hoạt động “đánh vào lòng người” được vận dụng một cách tài tình, linh hoạt và phát huy tác dụng mạnh mẽ.

Đó là những hoạt động nhằm mục đích tác động vào târn lý, tư tưởng con người vì mục tiêu đánh thắng giặc. Bài “thơ thần” trên sông Như Nguyệt đã động viên cổ vũ quân dán Đại Việt, làm tan rã ý chí chiến đấu của quân Tống. Bài Phạt Tống lộ bố văn đã phân hoá nội bộ địch, tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của quân dân Tống thực hiện “tiên phát chế nhân” thắng lợi.

Một số nội dung nghệ thuật quân sự, như trình bày ở trên, cũng đã hình thành rõ nét và được vận dụng với chiên thuật linh hoạt, phong phú đạt hiệu qủa tốt; như công thành diệt viện khi đánh vào thành Ung, như lập thành Bình Lỗ hoặc chiến tuyến sông Cầu, đánh mai phục phục kích trên bộ và trên sông, v.v. .

Hiệu quả chiến thuật càng cao khi nó được các hoạt động nghi binh làm cho địch bị lừa, bị bất ngờ, hết bất ngờ này tới bất ngờ khác khiến địch nhiều khi trở tay không kịp.

Vào thời Ngô - Đinh - Tiền Lê và Lý tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nước và truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm đã dượt phục hưng và phát triển. Trong đó, tư tưởng quân sự và nghệ thuật quân sự Việt Nam có bước phát triển mới, trên nhiều lĩnh vực.

Chính đó là nhân tố quan trọng góp phần quyết dình vào thắng lợi của các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở thời kỳ này và là di sản quý báu của tổ tiên trong Linh vực quân sự, quốc phòng được kế thừa và phát triển ở các thời kỳ kế tiếp.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #137 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 10:33:14 am »

KẾT LUẬN


Xây dựng lực lượng vũ trang và tổ chức chiến đấu chống kẻ thù xâm lược đã trở thành hoạt động bức thiết của nhân dân ta từ buổi đầu dựng nước. Lịch sử đấu tranh giữ nước từ đầu thế kỷ X về trước đã để lại cho dân tộc ta nhiều bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá.


Vấn đề không chỉ là tổ chức lực lượng, là trang bị, rèn luyện, là nghệ thuật tác chiến. . .  mà còn là bài học chân lý ngời sáng về sự tồn tại của một dân tộc biết cầm vũ khí tự vệ chống lại kẻ thù xâm lược, ách đô hộ hơn một ngàn năm của các đế chế Trung Hoa từ Tần, Hán đến Tuỳ, Đường trên đất nước ta cuối cùng bị xoá bỏ vào đầu thế kỷ X.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 dưới sự chỉ huy của vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền đã hoàn thành triệt để sự nghiệp giải phóng dân tộc, mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài của đất nước. 

Từ sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, với vương triều Ngô, tổ chức quân sự và hoạt động quốc phòng của nước ta bước vào thời kỳ xây dựng lực lượng vũ trang tổ chức chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đi đôi với xây dựng đất nước dưới sự quản lý của nhà nước quân chủ trung ương tập quyền độc lập tự chủ. Đây là nét khác biệt cơ bản so với thời kỳ trước, là bước ngoặt, và đúng hơn là bước phát triển vượt bậc của nền quân sự, quốc phòng thời kỳ Ngô, Đinh, Tiền Lê và Lý, từ năm 939 đến năm 1225.

Nếu như trong thời kỳ lịch sử đấu tranh dựng nước từ buổi ban đầu tiếp đến giai đoạn chiến đấu lật ách đô độ, giải phóng đất nước đã để lại những bài học quý báu về khởi nghĩa giành quyền tự chủ, thì quá trình vận động và phát triển từ đầu thế kỷ X đến năm 1225 lại đặt những vấn đề mới cho quân sự, quốc phòng của đất nước, do đó có những bài học kinh nghiệm mới.

Lúc này không phải là giành quyền tự chủ mà là bảo vệ quyền tự chủ đã giành lại được từ kẻ thù đô hộ. Cụ thể hơn, lãnh thổ quốc gia, bộ máy quản lý nhà nước, cuộc sống ấm no, yên bình của nhân dân phải được bảo vệ bằng mọi biện pháp trong đó có biện pháp cao nhất là sử dụng sức mạnh của lực lượng vũ trang. 

Bước vào thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài, đất nước ta đã phải đối diện với vô vàn khó khăn khắc nghiệt. Trước hết, độc lập đã giành lại được nhưng kẻ thù cận kề từ phía bắc vẫn luôn có ý đồ dùng sức mạnh của một nước lớn, giàu tiềm năng hơn, có quân hùng tướng mạnh để khống chế, xâm lược, tái lập ách đô hộ trên đất nước ta.

Mặt khác, trong bối cảnh quan hệ khu vực, quốc gia Đại Cồ Việt - Đại Việt từng là đối tượng quấy phá, xâm chiếm của eác nước lân bang như Chiêm Thành, Chân Lạp, Lão Qua từ biên giới phía nam, phía tây. Nguy hiểm hơn, đế chế Tống đang nắm quyền ở Trung Hoa trong chủ trương mở rộng thế lực về phía nam lại có ý đồ lôi kéo các tiểu que, chủ yếu là Chiêm Thành chống phá Đại Việt.

Tình thế bị sức ép đe doạ từ hai đầu Tổ quốc đã hình thành, xuất hiện ngay trong thời kỳ này và còn tồn tại về sau, buột các nhà nước Đại Việt phải quan tâm đối phó.

Tiếp đến những khó khăn phức tạp xuất hiện từ bên trong của đất nước vừa thoát khỏi ách đô hộ lâu dài của ngoại bang. Vẫn hay đoàn kết gắn bó, chung lưng đấu cật để dựng nước và giữ nước là truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt đã được hình thành từ rất sớm. Nhưng trải hơn một ngàn năm Bắc thuộc, tình trạng bị chia cắt, phân tản, từng nơi từng lúc các cộng đồng cơ dân co cụm lại để tự thủ, quay lưng lại với chính quyền đô hộ cũng là phản ứng - tự nhiên trước chính sách áp bức tước đoạt, cai trị tàn bạo của kẻ thù. Đó là hành động đúng đắn tích cực trong điều kiện đất nước mất chủ quyền.

Bước vào thời kỳ độc lập tự chủ, trình trạng phân tán, xu hướng ly tâm chưa phải đã chấm dứt. Hiện tượng thổ hào châu mục xuất hiện như những thủ lĩnh vùng cầm đầu dân chúng để tự thủ ở cả miền xuôi miền ngược cần phải nhanh chóng khắc phục. Phân tán, ly tâm lúc này là đi ngược lại lợi ích sống còn của dân tộc cản trở việc xây dựng, củng cố một nhà nước quân chủ trung ương tập quyền mạnh đang trở thành xu hướng phát triển, phù hợp với công cuộc phục hưng đất nước.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #138 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 10:41:38 am »

Xây dựng và bảo vệ một nhà nước quân chủ tập quyền, khắc phục tình trạng phân tán, ổn định xã hội luôn là một chức năng quan trọng của tổ chức lực lượng quân sự, quốc phòng thời kỳ này. 

Như vậy, bước vào thời kỳ đầu của kỷ nguyên độc lập tự chủ lâu dài, trong tình trạng bộn bề ngổn ngang nhiều việt, đất nước lại phải đứng trước những thách thức, khó khăn to lớn. Hàng loạt vấn đề đặt ra đối với tổ chức quân sự, quốc phòng.

Đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược lớn nhỏ, chống hành động phân tán, phản loạn, xây dựng nhà nước quân chủ tập quyền, báo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân, chính là nội dung “giữ nước đi đôi với dựng nước” trong hoạt động quân sự quốc phòng thời kỳ này.

Vấn đề sẽ được nhận thức sâu sắc hơn từ một cái nhìn bao quát về những đường nét “thủ lĩnh quân sự” ở các nhà vua mở đầu, cùng những hoạt động “chiến chinh” xuất hiện khá đậm nét, dày đạc và đa dạng trong vòng ba thế kỷ từ vương triều Ngô đều hết vương triều Lý.

Việc xây dựng lực lượng vũ trang chính quy và tổ chức quốc phòng với tư cách là một lĩnh vực hoạt động của nhà nước vào thời kỳ này còn là bước khởi đầu mới mẻ, cũng như việc xây dựng bộ máy quản lý nhà nước với thể chế chính trì quân chủ trung ương tập quyền khởi đầu từ vương triều Ngô vậy.

Có thể nghĩ rằng mọi thứ đều được bắt tay xây dựng từ đầu mặc dù chiến đấu và biết cầm vũ khí chiến đấu thắng lợi đã trở thành truyền thống lâu đời. Chỉ kể từ cuộc đấu tranh chống đô hộ, các phong trào giải phóng dân tộc, từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-43) cho đến họ Khúc (955), họ Dương (931) diễn ra với quy mô và mức độ khác nhau đều là những hoạt động vũ trang anh dũng kiên cường của nhân dân ta.

Nhưng lực lượng vũ trang còn trong tình trạng “nghĩa binh” chưa phải là binh lính chuyên nghiệp. Bà Trưng vẫn còn “tự nghĩ quân mình ô hợp” 1. Dương Đình Nghệ cũng nhóm quân từ “3.000 nghĩa tử” và Ngô Quyền cũng chỉ “lấy quân mới họp” 2. Lực lượng vũ trang bắt đầu cd quy chế, nề nếp của một tổ chức quân đội quốc gia phải kể từ Đinh Tiên Hoàng với “10 đạo quân” do Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đứng đầu, được xây dựng và tôi luyện trong quá trình dẹp “loạn 12 sứ quân”.

Tất cả đều là những người dân cầm vũ khí ra trận theo tiếng gọi cứu nước, cứu nhà. Trưởng thành từ quá trình dẹp loạn, tổ chức “thập đạo quân” hình thành với các cấp đạo, quân, lữ, tốt, ngũ, số lượng đến một triệu người, phân bổ ở các loại quân và binh, trong đó chủ yếu là thuỷ binh và bộ binh, bao gồm quân trung ương và quân địa phương.

Tổ chức quân “10 đạo” thời Đinh tồn tại suốt thời Tiền Lê gắn liền tổ chức quân sự với tổ chức đơn vị hành chính đất nước, đã trở thành chỗ dựa vững chắc của nhà nước và là người bảo vệ trung thành lợi ích của quốc gia Đại Cồ Việt trong suốt thế kỷ X đầy biến động và không ít thử thách hiểm nghèo.

Trên cơ sở 10 đạo quân với nguyên tắc gắn tổ chức quân sự với tổ chức hành chính đó, vương triều Lý trong hơn 200 năm tồn tại đã từng bước xây dựng hoàn thiện thành một lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân: quân trung ương (nội binh) gồm cấm quân, túc vệ quân và sương quân, quân địa phương ở các lộ phủ (ngoại binh) và dân binh. thổ binh (dân quân) ở đồng bằng và miền núi.  Ngoài ra còn có quân của vương hầu quý tộc (phủ binh hoặc gia binh).

Với vương triều Lý, có thể nói, tổ chức lực lượng vũ trang đã trở thành một hệ thống chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, dưới quyền chỉ huy tối cao của nhà vua với sự hợp tác của một đội ngũ tướng lĩnh lấy vương hầu quý tộc tôn thất làm nòng cốt. Tướng lĩnh tham gia cầm quân các cấp đã hình thành đội ngũ võ quan trong hàng “văn võ bá quan” của triều đình mà “quan chế triều phục các quan văn võ và tăng đạo theo đúng như nhà Tống” từ năm 1006 triều Lê Long Đỉnh.

__________________________
1. 2. Toàn thư. Sđd, t.1, tr. 232; Cương mục, Sđd, t.1, tr.272.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #139 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 10:43:30 am »

Cùng với việc hình thành, xây dựng lực lượng quân đội, các chế độ tuyển quân, nuôi quân, luyện quân cũng đi vào nề nếp, quy củ. Việc tập hộ tịch, kê khai nhân khẩu, lập sổ hoàng nam làm cơ sở tuyển quân, việc quân lính (trừ cấm quân) chia phiên thay nhau về làm ruộng với chính sách ngụ binh ư nông” được áp dụng từ thời Lý.

Về luyện quân, thời Lý đã có điện Giảng Võ ở Thăng Long giành cho thái tử, thân vương, võ quan, tướng lĩnh học tập, rèn luyện; lại có Xạ đình ở nam thành Đại La để võ quan hàng ngày luyện tập cách đánh phá trận. Đối với binh si, ngoài bộ phận cấm quân thường trực thay nhau luyện tập còn các loại quân khác như sương quân, quân lộ phủ ở địa phương đến phiên đều tập trung luyện tập võ nghệ kết hợp với canh gác, bảo vệ, sẵn sàng làm nhiệm vụ quốc phòng.

Về vũ khí, chiến cụ, quân lính được trang bị các loại bạch khí quen thuộc như gươm, đao, giáo, mác, trượng, cung, nỏ...  còn có chiến cụ như thuyền chiến các loại, thang mây (vân thê) vượt hào leo thành, xe phá thành, máy bắn đá, khiên, mộc, giáp trụ. . .

Về quân phục thời này có mũ “tứ phương binh đính” thời Đinh và mũ “đầu mâu " thời Tiền Lê.  Như vậy trong gần ba thế kỷ, trải qua các vương triều Ngô, Đinh, Tiền Lê và Lý, lực lượng vũ trang của đất nước từng bước được tổ chức thành một hệ thống chặt chẽ, binh chế rõ ràng, trang bị đầy đủ phản ánh đúng tầm vóc quân đội của một quốc gia đang trên đà phục hưng mạnh mẽ, đạt đến trình độ tiêu biểu đương thời.

Qua ghi chép của sử sách về thời Ngô - Đinh - Tiền Lê -Lý người ta thấy hoạt động quân sự của lực lượng vũ trang khá “bận rộn”. Xuất phát từ tình hình cụ thể của đất nước thời này, lực lượng vũ trang phải thường xuyên tham gia chống giặc ngoại xâm, bình dẹp các hiện tượng phân tán, các vụ phản loạn dưới sự điều động của nhà nước quân chủ tập quyên.

Về chống ngoại xâm, bên cạnh nhiều lần chinh phạt Chiêm Thành, Chân Lạp quấy phá. cướp bóc, lấn chiếm từ phía nam và phía tây nổi lên hai cuộc chống xâm lăng của giặc Tống với quy mô lớn vào các năm 981 thời Tiền Lê và 1077 thời Lý. Cuộc kháng chiến lần thứ nhất dưới quyền điều khiển của Lê Hoàn từ cuối tháng 1 đến tháng 4 - 981; cuộc kháng chiến lần thứ hai do Lý Thường Kiệt chỉ đạo kéo dài đến ba tháng, chỉ kể trên chiến trường Như Nguyệt từ tháng 1 đến tháng 3 – 1077 1.
 
Về chinh phạt Chiêm Thành, trong nhiều lần hành binh nổi lên ba cuộc lớn. Lần thứ nhất vào năm 982 thời Tiền Lê, Lê Hoàn đưa quân tiến vào kinh đô Indrapura (Đồng Dương - thuộc Quảng Nam ngày nay). Từ khi xuất quân đến khi rút về đến Hoa Lư là một năm. Lần thứ hai vào năm 1044, vua Lý Thái Tông đem binh thuyền tiến vào kinh thành Vijaya (Phật Thệ - Bình Định ngày nay), thời gian hành binh bảy tháng, từ tháng 2 đến tháng 4 - 1044; và lần thứ ba vào năm 1069, vua Lý Thánh Tông đem quân tiến vào thành Phật Thệ, thời gian hành binh hơn 4 tháng, từ tháng 3 đến tháng 7.

Về hoạt động quân sự bình dẹp những vụ ly khai, phản loạn từ bên trong đã xuất hiện dày đặc, phức tạp và đa dạng hơn. Trong số đó nổi lên một số vụ điển hình: Đó là vụ chính biến do Dương Tam Kha gây ra ở Cổ Loa vào năm 944; dẹp loạn “12 sứ quân” từ năm 965 đến 968 (chủ yếu ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ ngày nay); vụ loạn ba vương ở Hoa Lư vào năm 1005 sau khi Lê Hoàn qua đời; vụ Cử Long từ năm 1001 đến năm 1005 (vùng Câm Thuỷ, Thanh Hoá ngày nay) thời Tiền Lê và năm 1011 thời Lý: vụ loạn ba vương ở Thăng Long vào năm 1028 sau khi Lý Thái Tổ qua đời: vụ Nùng Trí Cao các năm 1041-1053 thời Lý (ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn nửa phần Thái Nguyên ngày nay vụ), động Ma Sa năm 1119 thời Lý (ở Đà Bắc, Hoà Bình ngày nay). vụ Thân Lợi vào năm 1040 - 1041 thời Lý; vụ đại loạn vào các năm 1207-1224 cuối thời Lý.

Hầu hết việc bình dẹp các vụ phản loạn đều do nhà vua, các hoàng tử trực tiếp cầm quân.

Những ghi chép của sử cũ đã phản ánh rõ sứ mệnh nặng nề của tổ chức lực lượng vũ trang, quốc phòng thời Ngô, Đinh, Tiền Lê và Lý. Với tư cách là tổ chức vũ trang của nhà nước, quân đội thời kỳ này không ngừng lớn mạnh và đã gánh vác trách nhiệm nặng nề: chống ngoại xâm bảo vệ độc lập của Tổ quốc và tham gia bình dẹp hiện tượng phân tán, phản loạn các loại để bảo vệ nhà nước quân chủ, ổn định xã hội .

_________________________
1. Không kể thời gian “tiên phát chế nhân” đánh phá và vây hạ thành Ung Châu từ tháng 1 đến tháng 3 - 1076.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM