Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:13:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Quân sự Việt Nam - Tập 3  (Đọc 82207 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #100 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2009, 08:38:18 pm »

2. Chiến lược “tiên phát phế nhân”

Từ khi dời kinh đô Hoa Lư ra Thăng Long vương triều Lý qua các đời vua Lý Thái Tổ (1010-1028), Lý Thái Tông (1028-1054) Lý Thánh Tông (1054-1072) đã tiến hành xây dựng đất nước trên quy mô lớn: kinh tế phát triển mạnh mẽ, quốc gia thống nhất được củng cố, văn hóa dân tộc bước vào giai đoạn rực rỡ - văn hóa Thăng Long.

Trên cơ sở tình hình kinh tế chính trì đó, lực lượng quốc phòng cũng được tăng cường. Ngoài sức mạnh của quân đội chủ lực ở các đặc khu miền núi cũng như ở các địa bàn trang ấp thuộc các vương hầu quý tộc cũng được phép có quân đội riêng chịu sự giám sát, điều động của triều đình.

Vào đầu thời Lý có bộ binh. kỵ binh, tượng binh; lực lượng thủy binh thì khá mạnh vì có truyền thống chiến đấu, rèn luyện từ thời Ngô Quyền, Lê Hoàn. Về vũ khí thì ngoài cung kiếm, gươm giáo còn có máy bắn đá khá lợi hại. Luyện quân đã có trận đồ chỉ dẫn. hành quân biết lợi dụng địa hình. . . Sử nhà Tống gọi là An Nam hành quân pháp 1.
 
Sự lớn mạnh mọi mặt của đất nước cho phép Lý Nhân Tông và Lý Thường Kiệt đối phó với âm mưu xâm lược của Tống một cách kiên quyết. Trước thế uy hiếp của Tống, Lý Thường Kiệt đã nói: “Ngồi đợi giặc không bằng đem quân ra trước phá thê’ mạnh của giặc”.

Chiến lược đó sách Binh thư gọi là “tiên phát chế nhân” mà Lý Thường Kiệt đã đề ra một cách táo bạo, độc đáo. ông nhận thức đúng sức mạnh vật chất và tinh thần của dân tộc ta giữa thế kỷ XI, trong khi đó phía Tống đang gặp nhiều khó khăn về đối nội và đối ngoại.

Vào năm 1075, vua Lý Thần Tông mới lên sáu tuổi. Ba năm trước (năm 1072) khi Lý Thánh Tông băng hà, nhà vua nối ngôi mới có ba tuổi, mọi việc trong triều có Thượng Dương thái hậu (hoàng hậu của Lý Thánh Tông) buông rèm cùng nghe chính sự. Giúp rập nhà vua nhỏ tuổi còn có Kiểm hiệu Thái uý Lý Thường Kiệt và Thái úy binh bộ thị lang Lý Đạo Thành.

Liền năm sau (năm 1073) xảy ra vụ tranh giành quyền lực giữa Thái hậu Thượng Dương và Thần phi Ỷ Lan - phi của Lý Thánh Tông, mẹ đẻ của vua Lý Thần Tông. Lúc này Ỷ Lan đã được phong Thái hậu. Kết quả Thái hậu Thượng Dương cùng 72 nữ tì phải chết theo Lý Thánh Tông. 

Bị lôi cuốn vào vụ rắc rối ở cung đình, Lý Đạo Thành hẳn là bảo vệ Thượng Dương nên phải chuyển ra ngoài, coi giữ châu Nghệ An. Tình trạng mất ổn định tạm thời của triều Lý sau cái chết của Lý Thánh Tông càng khiến cho nhà Tống tích cực chuẩn bị xâm chiếm Đại Việt.

Tuy nhiên trước nguy cơ xâm lược của giặc ngoài, mối bất hòa trong nội bộ vương triều sớm được giàn xếp. Năm 1074, Lý Đạo Thành được triều đình vời về giao giữ chức Thái phó bình chương quân quốc trọng sự, cùng với Hoàng hậu Ỷ Lan, Thái sư Lý Thường Kiệt lo toan việc chống giặc giữ nước.

Một năm sau vào cuối năm Ất Mão (1075), chiến lược “tiên phát chế nhân” được triển khai dưới quyền điều hành của Lý Thường Kiệt.  Việc triều chính đã có nhà vua nhỏ tuổi với Thái hậu Ỷ Lan và Thái phó Lý Đạo Thành lo liệu. Vương triều Lý bước vào cuộc chiến đấu với một tinh thần chủ động và tự tin.

Chiến lược “tiên phát chế nhân” của Lý Thường Kiệt được thực hiện với sự kết hợp giữa thu phục nhân tâm và chinh phạt bằng vũ lực. Trong khi chuẩn bị lực lượng để phá tan sào huyệt của giặc trên đất giặc, Lý Thường Kiệt đã soạn  thảo lời hịch mà sử chép là Phạt Tống lộ bố văn có nghĩa là bài văn lộ bố đánh giặc Tống.

________________________
1. Tống sử liệt truyện : chuyện Thái Diên Khánh.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #101 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2009, 08:41:49 pm »

Toàn văn bài Lộ bố 1 như sau:
 
Trời sinh ra dân chúng, vua có đức thì tin yêu. Đạo làm chủ dân cốt ở nuôi dân. Nay vua Tống ngu hèn, không theo khuôn phép thánh nhân, nghe cái kế tham tàn của An Thạch, bày ra phép “thanh miêu’, “trợ dịch”, khiến trăm họ hao kiệt, lầm than, để thỏa cái mưu nuôi béo lấy thân mình.

Số là muôn dân đều dựa vào trời, bỗng sa vào sự độc hại của thói tham lợi. Bề trên cố nhiên phải thương xót. Những việc từ trước, thôi không nói làm gì.

Bản chức vâng mệnh quốc vương, chỉ đường Bắc tiến, muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ có cái ý phân biệt quốc thổ, chứ không phân biệt chúng dân. Phải quét sạch cái bẩn thỉu hôi tanh để ca thuở đẹp của ngày Nghiêu, để hưởng hội lành của tháng Thuấn.

Nay ta ra quân cốt cứu vớt muôn dân. Hịch văn này truyền đến để mọi người đều nghe. Ai nấy hãy tự đắn đo, chớ có mang lòng sợ hãi
”.

Qua bài Lộ bô, Lý Thường Kiệt đã biểu thị một sự am hiểu rất rõ tình hình Tống đang rối loạn vì tân pháp của Vương An Thạch. ông thấy được bản chất của tân pháp là nhằm “nuôi béo lấy bản thân mình” làm cho “trăm họ hao kiệt, lầm than”.

Ông ra quân nhằm “dẹp yên làn sóng yêu nghiệt” để cho dân chúng thoát khỏi tội ác mà vua quan Tống đã gây ra cho họ. Sự phân biệt về lãnh thổ quốc gia được tôn trọng, còn dân chúng không có sự phân biệt, đều được quan tâm Bắc cũng như Nam.

Lý Thường Kiệt bố cáo với dân Trung Quốc ở miền biên giới về việc ra quân của Đại Việt là phù hợp với chính nghĩa, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Bài Lộ bố được mang theo cùng quân lính và dán yết ở các nơi trên đường tiến quân của Đại Việt.

Bài hịch của Lý Thường Kiệt đã phát huy được sức mạnh như một đạo quân tạo điều kiện cho cánh quân của Đại Việt tiến vào đất Tống với thế mạnh vũ bão.

Về quân đội của ta, sử chép: “Lý Thường Kiệt, Tôn Đản đem hơn 10 vạn binh đi đánh, đường bộ đường thủy đều tiến2. Trong số hơn 10 vạn quân này bao gồm cả chính binh của triều đình, trong đó có thủy binh, bộ binh và quân địa phương dưới quyền của các thổ tù ở vùng khe động biên viễn phía bắc.

Quân của triều đình do Lý Thường Kiệt chỉ huy tiến về mạn cửa ngõ đông bắc thuộc châu Vĩnh An (Móng Cái - Quảng Ninh) giáp với đất Tống, tạo thành một mũi tiến công chính gồm cả thủy binh và bộ binh.

Trong khi đó, cánh quân bộ do các thổ tù cầm đầu, dưới quyền chỉ huy chung của Tôn Đản gồm bốn mũi: Lưu Kỷ ở Quảng Nguyên (Cao Bằng), Hoàng Kim Mãn ở Môn Châu (Đông Khê - Cao Bằng), Thân Cảnh Phúc ở Quang Lang (Lạng Sơn) và Vi Thủ An ở Tô Mậu (Quảng Ninh) 3.

Tất cả tạo thành một thế trận hướng về các trại quân của Tống ở liền kề biên giới từ tây sang đông: Hoành Sơn, Thái Bình, Vĩnh Bình, Cổ Vạn Thiên Long - vành đai bảo vệ Ung Châu, đồng thời là vị trí tiền tiêu của quân Tống nhằm tiến công Đại Việt. 

Trận chiến đấu thực sự bắt đầu vào ngày 27-10-1075.  Bảy trăm quân từ châu Tô Mậu đánh vào trại Cổ Vạn. Cho đến ngày 21- 12, nhà Tống mới biết tin Cổ Vạn đã mất và ở Quảng Nguyên nhiều hương binh Đại Việt đã tập hợp sửa soạn đánh vào biên giới.

________________________
1. Bản dịch của Trần Văn Giáp, trích theo Tổng tập văn học Việt Nam, t.1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội 1980, tr. 307. 
Lộ bố. một bài văn viết trên vải trương ra trước công chúng, trên dó nêu rõ tội ác của dịch, hoặc chính nghĩa của ta.

2. Toàn thư, Sđd, t.1, tr.290.
3. Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt, Sđd, tr. 118.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #102 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2009, 08:45:44 pm »

Trong khi đó, dưới quyền chỉ huy của Tôn Đản thổ binh các châu biên giới được lệnh xuất quân lần lượt đánh chiếm các trại Vĩnh Bình. Thái Bình; quân Lạng Châu chiếm các châu Tây Bình, châu Lộc; quân Quảng Nguyên và Châu Môn chiếm trại Hoành Sơn. Chúa trại Hoành Sơn, viên quản hạt các trại Vĩnh Bình, Thái Bình đều tử trận.

Trận xuất kích mở màn đồng loạt đánh chiếm các đồn trại Tống dọc biên giới che chở Ung Châu đã thu hút sự chú ý của quân Tống về ở mạn tây nam. Trong khi đó mạn đông nam Ung Châu là Khâm Châu bị bỏ ngỏ. 

Lợi dụng sự sơ hở của giặc, Lý Thường Kiệt đem đại quân gồm bộ binh đánh chiếm các trại Như Hồng, Như Tích, Đề Trạo, và thủy binh theo đường thủy từ Vĩnh An đến chiếm Khâm Châu và Liêm Châu. Bị đánh bất ngờ, quân Tống không kịp chống cự.

Khâm Châu bị chiếm vào ngày 30- 12, ba ngày sau, ngày 2-1-1076 đến lượt Liêm Châu thất thủ.  Khi đại quân của Lý Thường Kiệt từ Khâm Châu tiến về Ung Châu cũng là lúc các đạo quân dưới quyền Tôn Đản đã triệt phá được các trại biên giới của Tống, cùng tiến về Ung Châu.

Trên đường tiến quân đánh Ung Châu, Lý Thường Kiệt sai yết bảng dọn đường kể tội quan lại nhà Tống và nêu rõ danh nghĩa hành binh. Lời Lộ bố nói:

Có những dân Giao Chỉ làm phản rồi trốn sang Trung Quốc. Các quan lại dung nạp và giấu đi. Ta đã khiến sứ sang tố giác các việc ấy, quan coi Quế Châu không chịu trả lời. Ta lại sai sứ vượt bể sang tố cáo với Quảng Châu, quan coi Quảng Châu cũng không chịu báo. Vì vậy quân ta tới đuối bắt dân trốn ấy”. Lộ bố còn tố giác “Quan coi Quế Châu đã kiểm điểm dân các động và đã tuyên bố rõ ràng rằng muốn sang đánh giao Chỉ1. 

Lý Thường Kiệt còn tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Trung Quốc. chia rẽ quân dân địch nhân nội bộ triều đình đang có sự phân tranh giữa hai phe phái mới và cũ. Trong Lộ bố còn nói: “Trung Quốc dùng phép thanh miêu, trợ dịch làm dân khốn khổ. Nay ta đây đem quân tới cứu 2.

Thần phả Lý Thường Kiệt do Nhữ Bá Sĩ soạn từng viết:

Dân Tống thấy lời tuyên cáo đều vui mừng, đem trâu rượu khao quân ta. Từ đó, mỗi lúc dân Tống thấy hiệu cờ Thường Kiệt đàng xa thì nói đó là quân của cha họ Lý người nước Nam, rồi cùng nhau bày hương án bái phục bên đường. Nhờ đó mà uy thành quân ta lan khắp3.
 
Tranh thủ được sự đồng tình của nhân dân dọc đường hành quân, các cánh quân của Đại Việt do Lý Thường Kiệt và Tôn Đản chỉ huy theo hai hướng cùng tiến vào thành Ung Châu một cách dễ dàng. Đại quân của Tôn Đản đến trước. 

Thành Ung Châu bị vây hãm vào ngày 18 - 1 - 1076.  Thành Ung Châu là một căn cứ quân sự trọng yếu và vững chắc, lại do một viên tướng lão luyện là Tô Giám đóng giữ. Vì vậy lúc đầu nghe quân ta tới Ung Châu, Tô Giám ung dung đóng cửa thành tự thủ.

Y cho rằng quân Đại Việt không đủ sức vây hãm được lâu; mặt khác viện quân ở Quế Châu không xa, cách Ung Châu khoảng 400 km về phía bắc sẽ kéo tới, lúc đó tung quân ra đánh, quân Đại Việt rơi vào thế trước sau đều có địch.

Nhưng ý đồ của Tô Giám không nằm ngoài dự tính của Lý Thường Kiệt. Thành Ung Châu bị vây hãm riết, Tô Giám sai sứ về Quế Châu cầu viện. Viên quan coi Quế Châu là Lưu Di sai đô giám Trương Thủ Tiết đem quân đi cứu. Thủ Tiết nghe tin quân Đại Việt đông gấp mười lần nên không chịu ra quân ngay, chùng chình nghe ngóng sức chống đỡ thắng bại của Tô Giám.

Không thấy viện binh đến, lại bị vòng vây hãm xiết chặt, Tô Giám viết thư cho người lọt vòng vây cấp báo. Thủ Tiết đưa quân kéo tới ải Côn Lôn cách Ung Châu khoảng 40 km.  Được tin, Lý Thường Kiệt đưa quân đến đón đánh. Bị tiến công bất ngờ, quân Tống thua đánh đã chạy.

_____________________
1,2,3. Dẫn theo Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt. Sđd, tr.122,123, 128.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #103 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2009, 08:52:36 pm »

Thủ Tiết không điều khiển nổi, nhiều quân lính chịu hàng. Thủ Tiết và các viên đề cử Tả Giang ôn Nguyên Dụ, đô giám Hồ Nam Trương Biện, tuần kiểm các châu Ung và Tân Hứa Dự, tuần kiểm Liễu, Tấn, Tượng Vương Trấn đều bị giết tại trận 1. 

Như vậy là viện quân bị diệt, thành Ung Châu nằm trong thế bị vây hãm ngày càng xiết chặt. Lúc đầu Tô Giám còn tuyên bố mạnh mẽ với quân sĩ: “Khí giới ta đã sắm đủ, lương thực cũng không thiếu. Nay giặc đã tới chân thành, thế nào cũng thắng? Nếu ai trốn chạy làm dân hoang mang, làm hỏng việc lớn thì ta sẽ chém” 2.
 
Nhưng cuộc vây hãm kéo dài, trong thành lương hết, đến nước giếng cũng cạn. Không kể số quân lính tử trận, còn nhiều người chết vì dịch bệnh. Tuy vậy, Tô Giám tìm mọi cách trấn an quân lính, đốc thúc quân cố thủ. Ung Châu thành cao, hào sâu, sau nhiều ngày đêm công thành nhưng quân Đại Việt không sao lọt được vào thành.

Quân ta phải dùng máy bắn đá bắn vào thành, dùng vân thê bắc chuyền nối nhau cho quân leo lên mặt thành, đào đường hầm lót da cho kín nước để chui vào thành nhưng bị quân trong thành phóng hoả đốt,quân ta dùng hỏa công bắn các chất cháy vào thành, dùng thổ công đem bao bì đất xếp chồng lên nhau làm thành bậc thềm để leo vào thành. Vào ngày 23 tháng Giêng năm Bính Thìn tức 1-3-1076, thành Ung Châu bị vỡ 3.

Sau 42 ngày đêm vây hãm quân ta lọt vào thành. Chống trả trong tình thế tuyệt vọng, Tô Giám giết 36 gia thuộc và tự thiêu mà chết 4. Lý Thường Kiệt hạ lệnh hủy thành lũy, phá kho tàng dự trữ trong vùng Tả Giang và lấy đá lấp sông chặn đường cứu viện của quân Tống 5. 

Cuộc tập kích chiến lược vào thành Ung Châu của Lý Thường Kiệt đã khiến cho các căn cứ quân sự và hậu cần của Tống chuẩn bị đánh Đại Việt trong chốc lát bị phá tan. Điều đó không chỉ trước mắt nhằm kìm chế việc tiến công Đại Việt của giặc Tống, mà còn gây nhiều khó khăn cho chúng sau này khi sang chiến trường Đại Việt.

Thành Ung Châu đột ngột bị phá tan khiến cho Liêu, Hạ ở phía bắc coi thường nước “thiên tử”, nhân dân oán trách triều đình, nội bộ Tống càng thêm mâu thuẫn, đặc biệt phái chủ chiến bị đả kích mạnh.

Mục đích tiến công trong chiến lược “tiên phát chế nhân” đã đạt, Lý Thường Kiệt lập tức rút quân về để tổ chức bố phòng, sẵn sàng đợi giặc, tổ chức chiến đấu bảo vệ đất nước.

3. Giặc Tống xâm lược và kế hoạch phòng ngự của Đại Việt.

Nhà Tống chuẩn bị xâm lược Đại Việt.

Tám ngày sau khi căn cứ Ung Châu bị triệt phá, ngày 2 tháng Hai làm Bính Thìn (tức 9-3-1076), Tống Thần Tông hạ thiếu đánh Đại Việt 6. Vua Tống cử Quách Quỳ là một võ tướng cao cấp đã có kinh nghiệm từng giúp Phạm Trọng Yêm đánh Hạ giữ biên thuỳ phía bắc làm chánh tướng. 

Về quân viễn chinh, nhà Tống điều khoảng 10 vạn quân chiến đấu gồm bộ binh và kỵ binh. Trong số quân trên có 45 ngàn quân chính thức từng chinh chiến với Liêu, Hạ ở phía bắc điều xuống, chia làm chín đạo do chín tướng điều khiển, mỗi đạo có khoảng 5.000.

Số binh còn lại là quân mới mộ ở các lộ Hà Bắc, Kinh Đông và quân mộ thêm trên đường hành binh từ kinh đô tới Ung Châu, cùng với quân khe động vùng biên giới.


____________________________
1. Dẫn theo Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt, Sđd, tr. 128.
2. Tống sử, Q.446; Lý Đào: Trường biên... Sđd, Q. 271, tr.7b.
3. Theo Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt, Sđd: tr. 129.
4. Việt sử lược - Bản dịch của Trần Quốc Vượng. Nxb. Văn Sử Địa - Hà Nội,1960. tr. 110.
5. Theo Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt, Sđd, tr. 129 - 130.
6. Đúng ra, ngày 25 tháng Chạp năm Ất Mão (2-1976), vua Tống đã cắt cử Triệu Tiết làm Đô tổng quản, Lý Hiến, Yên Dạt làm phó cầm quân sang xâm lược Đại Việt, nhưng vì y kiến bất đồng nên có sự thay đổi, đến đây mới quyết định lại. Theo Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt. Sđd, tr. 125
Quách Quỳ được trao chức An Nam đạo hành doanh mã bộ quân đô tổng quản chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó tướng, cùng Yên Đạt giữ chức phó đô tổng quản. Dưới nữa là các tướng từng tham dự chiến sự ở biên thùy phía bắc.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #104 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2009, 08:56:58 pm »

Ngoài số quân trên còn có một vạn ngựa và 20 vạn phu vận chuyển. Tống chủ trương tập trung bộ binh và kỵ binh tại Ung Châu rồi đột nhập vào vùng biên giới đông bắc nước ta. Thủy binh Tống do Dương Tùng Tiên được bổ giữ chức Chiến trạo đô giám thuộc An Nam đạo hành doanh cầm đầu sẽ từ cửa biển Ô Lôi men theo bờ biển đến sông Phạch Đằng để phối hợp với bộ binh. Về vũ khí, quân Tống lúc đó ngoài vũ khí thông thường còn sử dụng phổ biến máy bắn đá và hỏa tiễn (tương tự pháo thăng thiên) để đốt cháy doanh trại kho tàng . . .

Trong cuộc viễn chinh lần này vấn đề hậu cần lương thực rất hệ trọng. Đường hành quân qua nhiều vùng hoang vắng, lại gặp nhiều nơi bị mất mùa nên việc cung cấp đủ gạo ăn cho 10 vạn quân, một vạn ngựa và phu tải không dễ dàng.

Ý thức được điều đó, từ tháng Hai năm Bính Thìn (3- 1076) vua Tống đã cử Triệu Tiết trông coi, lo liệu việc lương thảo. Nhà Tống còn xuất tiền, vải thu mua lương thực ở các lộ Phúc Kiến, Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây... để giao nộp.

Mặc dù vậy khi quân sắp tiến vào Đại Việt, số lương thực vẫn chưa đủ. Tháng 11-1076, ty Chiêu thảo phải doạ: “nếu ai thiếu tiền, lúa, cỏ về việc đánh quân An Nam thì lúc quân trở về sẽ thu gấp đôi”. Vua Tống còn phải cấp 150.000 quan giao cho Quảng Đông mua lương thảo 1. 

Nhận thức được phải hành quân trên dết Đại Việt có khí hậu ẩm ướt, nóng bức, mưa nắng thất thường, lại qua nhiều vùng lam sơn chướng khí nên nhà Tống còn quan tâm lo lắng việc thuốc men chữa trị cho quân lính.

Không những chuẩn bị thuốc thang cứu chữa phủ dụ bệnh nhân, khi được tin quân xuống miền nam nhiều người ốm, vua Tống phải hạ chiếu truyền cho binh lính không ăn đồ sống, đồ lạnh, cấm uống rượu, không ăn những thứ mà người miền bắc phải kiêng.

Vua Tống còn sai Thái y cục chế nhiều bài thuốc thửa lam chướng và cử lương y chuyên trì theo quân 2.  Việc chuẩn bị xâm lăng Đại Việt của nhà Tống kéo dài từ trước, cho đến năm 1076 thì gấp rút hơn. Tuy nhiên do gặp nhiều khó khăn, trong đó có nội bộ bất đồng nên mãi đến cuối năm Bính Thìn (đầu năm 1077) Tống mời đưa quân vào biên giới Đại Việt.

Trong cuộc xâm lăng Đại Việt lần này, nhà Tống đã tìm cách liên minh với Chiêm Thành, Chân Lạp. Khi chuẩn bị xâm lăng Đại Việt từ cuối năm Ất Mão (1-1076) vua Tống đã hạ chiếu: “Chiêm Thành, Chân Lạp vốn là huyết thù của Giao Chỉ. Vậy sai Hứa Ngạn Tiên và Lưu Sư mộ dăm ba người buôn bể đi dụ các quốc trưởng nước Tống dựa vào việc đánh Giao Chỉ. Khi nào bình định xong sẽ có thưởng” 3.

Ngày Tống Thần Tông hạ chiếu đánh Đại Việt cũng là ngày vua Tống cho người đem theo sắc thư, thuốc, lụa sang Chiêm Thành, Chân Lạp để chiêu dụ. Lời sắc thư viết:

“Chiêm Thành, Chân Lạp từ lâu nay bị Giao Chỉ cướp. Nay vương sư sang đánh Giao Chỉ để phạt tội. Các nước ấy nên thừa cơ hội, hiệp lực mà trừ nó. Ngày nào đánh dẹp xong, trẫm sẽ ban thưởng cho. Trẫm lại nghe nói rằng nhiều dân nước ấy đã bị Giao Chỉ bắt về. Trong số ấy có cựu vương Chiêm Thành, khó lòng trở về nước. Nên triệu y sang chầu trẫm sẽ gia ân cho” 4. 

Tuy nhiên liên minh này không thành. Lý Thường Kiệt đã đón được âm mưu của Tống nên đã có đối sách từ trước. Sử chép tháng Tám năm Ất Mão (1075), Lý Thường Kiệt đem quân tuần các đất Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính, vẽ địa đồ hình thế núi sông, đổi Địa Lý thành Lâm Bình, Ma Linh thành Minh Linh, chiêu mộ dân chúng đến ở 5.

Nếu như việc trấn yên phương nam để ngăn chặn âm mưu liên kết của Tống với Chiêm Thành, Chân Lạp đã được Lý Thường Kiệt thực hiện từ trước khi thực hiện chiến lược “tiên phát chế nhân” thì kế hoạch phòng thủ, đợi giặc Tống lại được Lý Thường Kiệt thực hiện liền sau khi san phẳng căn cứ hậu cần của Tống trên đất Tống.

_________________________
1.2. Theo Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt, Sđd, tr.153,156.
3.4. Theo Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt, Sđd, tr. 159. 
5. Toàn thư, Sđd, tr. 291.  
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #105 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2009, 09:03:59 pm »

Kế hoạch phòng thủ của Lý Thường Kiệt gồm hai nội dung chủ yếu: bố trí quân chặn giặc từ biên giới, nơi cửa ngõ đông bắc của đất nước và lập phòng tuyến chống giặc sâu trong nội địa.

Bố trí lực lượng phòng ngự chặn giặc từ biên giới.

Các tướng lĩnh và quân sĩ vừa hoàn thành việc triệt phá căn cứ quân sự và hậu cần của Tống trên đất Tống đã nhanh chóng rút về nước thực hiện bước hai trong kế hoạch chống giặc: bố trí lực lượng, sẵn sàng đánh tan giặc Tống xâm lược. 

Về thủy binh, Lý Thường Kiệt bố trí một lực lượng gồm thuỷ binh là chính có kết hợp với bộ binh đóng dọc sông Đông Kênh do tướng Lý Kế Nguyên chỉ huy. Sông Đông Kênh là dải nước nông ven biển Quảng Ninh ngày nay, là tuyến đường thuỷ nối liền các cảng ở địa đầu biên giới Móng Cái đến cửa sông Bạnh Đằng.

Nhiệm vụ của cánh quân thuỷ này là ngăn chặn cho được thủy binh Tống dọc theo ven biển tiến vào đất liền của ta, làm thất bại hoàn toàn kế hợp đồng thủy, bộ của địch.

Về bộ binh, Lý Thường Kiệt dựa theo địa hình và hệ thống đường giao thông vùng đông bắc nước ta để bày một thế trận nhằm đánh kiềm chế, tiêu hao rồi chặn đứng các mũi tiến công của bộ binh Tống.

Các mũi tiến công của địch gồm bộ binh và kỵ binh đã tập kết ở Ung Châu và các trại xung quanh dọc biên giới. Tiến vào Đại Việt chúng đều phải đi qua vùng núi rừng đông bắc nước ta khá hiểm trở. Lý Thường Kiệt đã tổ chức ở đó những đội quân thượng du do trai tráng các tộc thiểu số tham gia, phân phối lực lượng như sau:

- Đạo quân Quảng Nguyên (Cao Bằng) khoảng 5000 quân do tướng Lưu Kỷ trực tiếp chỉ huy. Dưới quyền Lưu Kỷ còn có nhiều tỳ tướng giỏi từng là bộ hạ của Nùng Trí Cao, Nùng Tôn Đán tham gia uy hiếp hậu phương và dường tiếp tế của địch.

- Đạo quân Hạ Liên - Cổ Lộng (Ngân Sơn, Bắc Cạn) đón đánh mũi quân địch khi đã tiến vào sâu, hoặc chia quân cơ động tiếp ứng cho địa bàn Quảng Nguyên.

- Đạo quân Môn Châu (Đông Khê - Cao Bằng) do tướng Hoàng Kim Mãn cùng các tỳ tướng Sầm Khánh Tân, Nùng Thuận Linh chỉ huy, đón chặn địch từ phía Thái Bình tràn sang hoặc theo đường Bình Gia tiến vào sông Phú Lương (sông Cầu, phần chậy qua Thái Nguyên hiện nay).

- Đạo quân Động Giáp (Lạng Sơn) do Phò mã Thân Cảnh Phúc làm tướng, có nhiệm vụ đối phó quân dịch vào theo đường quan lộ đến Thăng Long. Trên tuyến đường này có những địa điểm rất quan trọng như đèo Quyết Lý (Nhân Lý thuộc Ôn Châu). ải Giáp Khẩu (Chi Lăng)...

Đây là một đạo phòng ngự quan trọng, có sự hỗ trợ của các đạo quân của tướng Hoàng Kim Mãn và đạo quân của Vi Thủ An hình thành tuyến giữa phối hợp với cánh tả của Lưu Kỷ và cánh hữu của Lý Kế Nguyên.

- Đạo quân Tô Mậu (Quảng Ninh) do tướng Vi Thủ An chỉ huy, đón địch vào theo tuyến đường mòn qua Tiên Yên, Đình Lập, Đan Ba rẽ về tây xuống ải Quyết Lý - Lạng Châu (Lạng Sơn) .

Năm đạo quân trên hình thành một tuyến phòng ngự thuỷ, bộ liên hoàn phòng giữ dọc biên giới phía bắc. Những đạo quân miền núi trên đây khá mạnh, bừng bừng khí thế vừa chiến thắng ở Ung Châu và đặc biệt rất am hiểu địa hình, thông thạo đường đi lối lại, chiến đấu ngay trên quê hương của mình. Phó tướng Tống là Triệu Tiết hốt hoảng thấy: “Lưu Kỷ ở Quảng Nguyên, Thân Cảnh Phúc ở động Giáp đều cầm cường binh” 1.

_____________________
1. Lý Đào: Tục tư trị thông giám trường biên: Sđd; xem Lý Thường Kiệt, Sđd, tr.28.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #106 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2009, 10:40:12 pm »

Nhiệm vụ của các đạo quân thượng du là đánh kiềm chế, tiêu hao các đạo quân địch khi chúng tiến sang và sau đó đẩy mạnh hoạt động vùng sau lưng dịch nhằm quấy rối và nhất là ngăn chặn đường vận chuyển, tiếp tế của địch; đồng thời sản sàng phối hợp với quân chủ lực khi chuyển sang phản công.

Các lúc lượng vũ trang của các dân tộc miền núi đã kìm chân và tiêu hao lực lượng địch nhưng không thể chặn đứng được bước tiến trên đường bộ của các đạo quân Tống. Riêng thuỷ quân Tống do Dương Tùng Tiên cầm đầu tập trung tại cảng Liêm Châu theo dòng Đông Kênh tiến về cửa sông Bạch Đằng đã bị cánh quân của Thân Cảnh Phúc đánh cho đại bại ở Vĩnh An.

Dương Tùng Tiên phải đem binh thuyền còn lại lul về đóng ở cửa sông Đông Kênh cố thủ chờ đợi, nghe ngóng tình hình. Các mũi tiến công trên bộ của địch với thế mạnh ban đầu, đã vượt qua sức chống cự của các đạo quân thượng du cúa Đại Việt, nhưng muốn tiến về Thăng Long chúng đều nhất thiết phải qua dòng sông Cầu (thời Lý gọi là sông Nguyệt Đức) .

Xây dựng phòng tuyến Nguyệt Đức (Sông Cầu).

Sông Cầu bắt nguồn từ Cao Bằng qua Bắc Cạnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh đổ ra sông Lục Đầu ở Phả Lại (Hải Dương). Dòng sông chặn ngang tất cả con đường bộ từ Quảng Tây vào Thăng Long. Thượng lưu sông Cầu rất hiểm trở. Khúc sông từ Thái Nguyên đến Đa Phúc có thể qua lại được, nhưng phía sau lại có dãy núi Tam Đảo án ngữ khó vượt qua. Chỉ có khúc sông từ Đa Phúc đến Phả Lại dài khoảng gần 100 km, nhất là từ ngã ba sông Cà Lồ, sông Cầu trở về xuôi, tức sông Như Nguyệt (đoạn giữa sông Nguyệt Đức) là qua lại dễ dàng, có bến đò và đường bộ về Thăng Long.

Từ bến đò sông Nguyệt Đức theo đường bộ về Thăng Long có hai đường. Một đường qua thôn Đông (tức phường La Đông, xã Tam Giang, huyện Yên Phong) và các làng Yên Vĩ Yên Phụ (thuộc Yên Phong, Bắc Ninh); Thủy Lôi, Vân Điềm (Vân Hà, Đông Anh); Hà Vĩ (Liên Hà, Đông Anh), Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội) về Thăng Long.

Đây là con đường giao thông cổ, dài khoảng hơn 20 km phải qua nhiều chỗ lầy lội Nhân dân vùng này có câu ca dao kể về những chỗ lầy lội đó:

Thứ nhất là cửa đền Xà (thôn Đông, Tam Giang)
Thứ nhì cầu Gạo (Yên Phụ),
Thứ ba Vân Điềm (Vân Hà).


Con đường thứ hai từ Như Nguyệt qua Nguyệt Cầu, Trác Bút, Hàm Sơn (Yên Phong, Bắc Ninh) rồi ra con đường chính về Thăng Long (tức đường Từ Sơn - Hà Nội ngày nay). Con đường này dài chừng 30 km và ra đời sau con đường trên. 

Do vị trí và địa thế lợi hại của nó, Lý Thường Kiệt quyết định lập phòng tuyến chủ yếu ở bờ nam sông Nguyệt Đức nhằm chặn đứng các đạo quân Tống xâm lược, kìm giữ chúng ở vùng bắc sông Cầu.

Lý Thường Kiệt “đắp lũy làm rào ở dọc sông để cố giữ”.  Sách Việt điện u linh cũng có nói vắn tắt: Lý Thường Kiệt “dựng rào ở ven sông để chống giữ”. Các tác giả đương thời của nhà Tống cũng xác nhận khi quân Tống qua sông phải vừa chặt vừa đốt phá mấy lớp trại rào bằng tre” 1 .
 
Những tài liệu thư tịch đó kết hợp với kết quả khảo sát thực địa cho phép hình dung chiến tuyến chủ yếu của Lý Thường Kiệt được xây dựng như sau:

Bản thân lòng sông Nguyệt Đức được lợi dụng như một chướng ngại thiên nhiên ngăn cản bước tiến của bộ binh và kỵ binh địch. Chướng ngại thiên nhiên đó càng trở nên khó khăn đối với quân địch khi kế hoạch hiệp đồng với thủy binh để vượt sông bị quân ta làm thất bại từ đầu. 

__________________________
1. Trình Di - Trình Hạo: Nhị Trình di thư, sao lại trong Tống – Lý bang giao tập lục, sách chép tay, do Hoàng Xuân Hãn trích lục.  Nguyễn Văn Dị và Văn Lang. . . Nghiên cứu lịch sử, số 72 năm 1965, tr. 28 - 36.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #107 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2009, 10:43:30 pm »

Phía nam sông Nguyệt Đức, Lý Thường Kiệt cho đắp chiến lũy bằng đất dọc bờ sông. Phía ngoài lũy, mặt giáp sông, ông sai đóng cọc tre làm dậu dày mấy tầng. Dưới bãi sông còn có những hố chông ngầm. Sông rộng, lũy cao và ở giữa là hai bãi chướng ngại gồm hố chông, dậu tre dày. Tất cả những kiến trúc tự nhiên và nhân tạo đó được tổ chức lại, kết hợp chặt chẽ với nhau, tạo thành một phòng tuyến vừng chắc.

Nói chung, phòng tuyến sông Nguyệt Đức chạy dài từ chân núi Tam Đảo (khoảng Đa Phúc) chủ yếu là từ ngã ba Cà Lồ - sông Cầu đến Vạn Xuân (Phả Lại). Nhưng trên đoạn sông này cũng có nhiều chỗ địa thế hiểm trở. Đó là những chỗ núi ăn sát bờ sông như núi Nham Biền hoặc rừng cây um tùm 1 qua lại rất khó khăn. ở những chỗ đó, quân ta không cần thiết phải đắp lũy, lập bãi chướng ngại mà chỉ tận dụng địa hình để bảo vệ phòng tuyến ngăn chạn quân địch vượt sông.

Quân đội chủ lực do Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy, bảo vệ phòng tuyến sông Nguyệt Đức, Lý Thường Kiệt không dàn mỏng lực lượng trên phòng tuyến kéo dài đó mà bố trí binh lực có trọng điểm vừa kiểm soát, bảo vệ được toàn bộ trận địa, vừa dễ dàng cơ động để có thể nhanh chóng tập trung quân đánh bại những mũi đột phá của địch hay tổ chức phản công khi có thời cơ.

Trên phòng tuyến, một bộ phận bộ binh đóng thành từng trại quân ở những vị trí xung yếu mà quân địch có thể vượt sông tiến công nhằm chọc thủng phòng tuyến của ta. Trong số các trại quân đó có ba trại quan trọng là Như Nguyệt, Thị Cầu, Phấn Động. Hai trại quân Như Nguyệt, Thị Cầu khống chế hai bên đò ngang và con đường tiến về Thăng Long. 

Vùng Phấn Động (xã Tam Đa, Yên Phong) ngược lên phía bắc đến Thọ Đức và xuôi xuống phía nam đến ĐàI Lâm (đều thuộc xã Tam Đa, Yên Phong) xưa kia là cạnh rừng rậm, không có bến đò ngang, nhưng ở đây lòng sông hẹp, giữa sông lại có ghềnh đá Can Vang (khoảng ngang thôn Thọ Đức), quân địch có thể bắc cầu vượt sông.

Trại quân Phấn Động có nhiệm vụ bảo vệ đoạn phòng tuyến này, đề phòng quân địch lợi dụng địa hình có lợi để tổ chức vượt sông 2. Ở mỗi trại quân ngoài bộ binh, có thể có một số thủy binh phối hợp. Thuyền chiến của ta đậu ở ven sông, bên bờ nam. 

Về thuỷ binh, đại bộ phận đóng tập trung ở Vạn Xuân (vùng sông Lục Đầu) về phía cực đông của phòng tuyến. Vạn Xuân là một ví trí chiến lược trọng yếu ở vào đầu mối của tất cả các đường thủy vùng đông - bắc. Từ Vạn Xuân, thủy binh của ta có thể ngược sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu tiến sâu vào địa bàn vùng đông - bắc, có thể xuôi sông Bạch Đằng, sông Thái Bình ra biển, có thể theo sông Thiên Đức (sông Đường) về Thăng Long.

_______________________________
1. Núi Nham Biền một phần huyện Việt Yên và phần lớn huyện Yên Dũng (Hà Bắc), có chỗ chạy sát bờ sông Cầu. Đó là những nới hiểm trở, cư dân thưa thớt.
Hai bên bờ sông Như Nguyệt trước dây có nhiều rừng cây, nhất là bờ bắc. Tại nhiều thôn ở bờ nam như: Đại Lâm, Lương Cầm, Phù Cầm...ngày nay nhân dân vẫn đào được cây gỗ to còn nguyên hình, đã bắt đầu hóa than.  Đó là dấu tích của rừng cây xưa kia.
Bờ bắc trước đây hầu hết là rừng rậm, bãi hoang, dân rất thưa thớt. Cho đến đời Nguyễn, nhân dân bờ nam vẫn sang khai phá bờ bắc, hoặc sáng đi tối về, hoặc lập thành những xóm làng mới ở bờ bắc.

Thôn Vọng Giang hay Vọng Con (xã Mai Đình, huyện hiệp Hòa) là do những người thôn Vọng Nguyệt hay Vọng Cả (huyện Yên Phong) lập nên. Làng Yên Minh (xã Hòa Bình. Hiệp Hòa cũng do dân xã Phù Yên (Yên Phong) lập nên.
Bến Phù Cầm (xã Dũng Liệt, Yên Phong) gọi là bến Gầm. Các làng ở bến đò cũng gọi là làng Gầm. Gầm Thượng là Phù Cầm, Gầm Hạ là Lương Cầm.
Tục truyền xưa kia sông Cầu chưa có đê, sau khi Lý Thường Kiệt đắp lũy chống quân Tống, nhân dân mới theo đó mà đắp thành đê. Điều này phù hợp với tài liệu Đại Việt sử lược chép rằng:
“Năm Anh Vũ Chiếu tháng thứ hai (1077), tháng Chín đắp đê ở sông Như Nguyệt dài 67.360 bộ”.

2. Nhân dân xã Tam Đa còn ghi nhớ truyền thuyết liên quan đến trại quân Phấn Động. Đội quân nhà Lý đóng ở đây có nhiều kỵ binh, cứt ngựa chất thành động. Vì vậy người ta gọi nơi đó là thôn “Cứt Ngựa”, dịch sang tiếng Hán - Việt là thôn Phân Đông rồi sau đọc chệnh đi là Phân Động.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #108 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2009, 10:45:43 pm »

Lực lượng thủy binh đóng ở Vạn Xuân do hai hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn chỉ huy, có đến trên 400 thuyền chiến và hơn hai vạn quân 1.
 
Nhiệm vụ của đoàn binh thuyền này là sẵn sàng cơ động tiếp ứng cho mọi mặt trận khi cần thiết và đặc biệt quan trọng là phối hợp với chủ lực bộ binh bảo vệ phòng tuyến sông Nguyệt Đức và tổ chức phản công, thực hành những trận quyết chiến. 

Đại bộ phận bộ binh do Lý Thường Kiệt trực tiếp nắm, đóng tập trung ở phủ Thiên Đức, phía sau phòng tuyến. Địa điểm đóng quân là một vị trí cơ động có thể khống chế mọi ngả đường tiến về Thăng Long và kịp thời chi viện cho các hướng trên phòng tuyến mỗi khi bị tiến công.

Nhiệm vụ của đại quân là sẵn sàng sử dụng binh lực tập trung tổ chức phản kích đánh bại mọi mũi tiến công của địch. Theo truyền thuyết dân gian một số làng thì đại bản doanh của Lý Thường Kiệt đóng ở xã Yên Phụ. Xã này nằm trên con đường từ bến đò Như Nguyệt về Thăng Long, cách Như Nguyệt khoảng 6 km, không cách xa những con đường bộ khác về Thăng Long, lại có núi Thất Diệu gồm bảy ngọn núi thấp nổi lên giữa cánh đồng bằng phẳng.

Vị trí và địa hình đó có thể thích hợp với nơi đóng đại bản doanh của Lý Thường Kiệt. Toàn bộ lực lượng chủ lực bố trí ở phòng tuyến sông Nguyệt Đức, kể cả quân bộ và quân thuỷ, có thể lên đến khoảng sáu vạn quân 

Như vậy quân địch sẽ bị kìm giữ ở phía bắc sông Nguyệt Đức trên một địa bàn núi rừng dân cư thưa thớt, lại xa hậu phương của chúng hàng trăm kilômét. Lập phòng tuyến sông Nguyệt Đức nhằm bảo vệ được kinh thành Thăng Long khỏi rơi vào tay giặc, bảo vệ được vùng đồng bằng phì nhiêu đông dân nhiều của, địa bàn trung tâm của đất nước, tránh khỏi sự tàn phá của bọn xâm lược và theo quan niệm đương thời, còn nhằm bảo vệ khu quê hương, lăng mộ tổ tiên của vua nhà Lý ở Thiên Đức.

Thế là sau khi chủ động tiến công Ung Châu trước giáng cho kẻ thù đang chuẩn bị xâm lược một đòn phủ đầu choáng váng hết sức bất ngờ, Lý Thường Kiệt đã kịp thời rút quân về nước, bày sẵn một thế trận để chủ động đánh tan các đạo quân xâm lược Tống.

Đặc điểm nổi bật của thế trận này là bố trí trên diện rộng, có chiều sâu, có trọng điểm, lợi dụng ưu thế hiểm trở của địa hình, phối hợp chặt chẽ giữa quân chủ lực của triều đình với lực lượng vũ trang của địa phương nhằm đánh địch cả trước mặt và sau lưng.

Phòng tuyến sông Nguyệt Đức là nơi sẽ diễn ra những trận chiến đấu ác liệt làm thất bại mọi cố gắng tiến công của quân địch và cũng là nơi sẽ diễn ra trận quyết chiến chiến lược ở sông Như nguyện quyết định thắng lợi của dân tộc ta và thất bại thảm hại của quân Tống xâm lược.

_____________________________
1. Trong cuộc phán công sau này, có lần Hoằng Chân và Chiêu Văn đã dùng 400 thuyền chiến chở vài vạn quân đổ bộ lên bờ bắc, đánh vào doanh trại quân Tống. Như vậy, số thuyền chiến phải có trên 400 chiếc và số quân phải có trên hai vạn (Hoàng Xuân Hãn: Sđd. tr. 259, 276).
Hiện nay chưa tìm thấy một tài liệu nào ghi chép số quân của Lý Thường Kiệt đóng ở phòng tuyến này. Riêng đạo quân thủy của Hoằng Chân, Chiêu Văn phải có ít nhất là hơn hai vạn quân.  Số quân bộ đóng thành trại quân trên phòng tuyến và đóng tập trung phía sau, tất nhiên phải nhiều hơn số quân thủy ở Vạn Xuân, có thể gấp đôi. Căn cứ vào sự bố trí binh lực của Lý Thường Kiệt và số quân địch đóng ở bờ bắc có 10 vạn quân chiến đấu, tạm ước đoán số quân ta là khoảng sáu vạn.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #109 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2009, 10:47:57 pm »

4. Chiến thắng giặc Tống trên chiến trường Như Nguyệt.

Cuối năm 1076, quân Tống bắt đầu cuộc viễn chinh xâm lược nước ta. Thủy quân Tống từ Khâm Châu tiến trước về phía Vĩnh An (Móng Cái, Quảng Ninh). Bộ binh Tống tập trung ở Ung Châu theo nhiều ngả vượt biên giới tiến vào nước ta.

Ngày 8-1-1077, đại quân do Quách Quỳ chỉ huy vượt qua ải Nam Quan tiến vào vùng Lạng Sơn, định theo đường sứ lộ do nhà Lý đắp từ năm 1020 xuống Thăng Long. 

Trên các đường tiến quân của địch, quân ta chặn đánh quyết liệt ở nhiều nơi, gây cho chúng một số khó khăn, thiệt hại.  Một số trận đầu như trận Ngọc Sơn, Quảng Nguyên, thế giặc mạnh, ta chưa chống nổi, phải tạm rút lui. 

Ngày 18-1-1077, các mũi tiến công của quân Tống đến bờ bắc sông Cầu. Đúng như dự kiến của Lý Thường Kiệt, đến đây bộ binh và kỵ binh địch bị chặn đứng lại trước chướng ngại tự nhiên là dòng sông Cầu và chiến tuyến kiên cố của quân ta ở bờ nam đoạn sông Như Nguyệt.

Đây chính là lúc và nơi quân thủy, bộ của địch cần phối hợp với nhau, tổ chức vượt sông để tiến thẳng về Thăng Long như kế hoạch hành quân đã vạch ra. Nhưng thủy binh Tống do Dương Tùng Tiên chỉ huy đã bị đội binh thuyền của ta do Lý Kế Nguyên chỉ huy chặn lại ở Vĩnh An.

Chúng cố gắng đánh mở đường để theo sông Đông Kênh tiến vào cửa sông Bạch Đằng, nhưng mười trận liền bị quân ta đánh bại, không sao nhích lên được một bước. Tiến không được, rút lui về nước sợ bị tội, thủy binh địch đành đóng ở cửa sông Đông Kênh để chờ đợi tin tức của bộ binh.

Cho đến lúc có lệnh triều đình gọi về, bọn này mới biết bộ binh Tống đã thất bại.

Đó là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân ta nằm trong toàn bộ kế hoạch kháng chiến của Lý Thường Kiệt. Chưa thấy thủy binh vào để hiệp đồng vượt sông, Quách Quỳ quyết định phải đóng quân lại ở bờ bắc sông Nguyệt Đức trên một trận tuyến dài 60 dặm (khoảng hơn 30 km). 

Với ý đồ chuẩn bị vượt sông, tiếp tục cuộc tiến công đánh chiếm kinh thành Thăng Long, hoàn thành cuộc chiến tranh xâm lược. Quân địch không dàn đều lực lượng trên trận tuyến kéo dài đó, mà đóng thành từng khối ở những vị trí xung yếu và nhất là những bến đò. con đường thuận lợi tiến về Thăng Long.

Một bộ phận quan trọng quân Tống do Phó tướng Triệu Tiết chỉ huy đóng ở bờ bắc bến Như Nguyệt, vùng thôn Mai Thượng, xã Mai Đình (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) ngày nay. Đại bản doanh của chủ tướng Quách Quỳ đóng ở phía đông, cách khu vực đóng quân của Triệu Tiết 60 dặm (khoảng 30 km) 1.
 
Hiện nay, tài liệu trong thư tịch và kết quả điều tra khảo sát điền dã chưa cho phép xác định địa điểm đóng quân này của định. Nhưng căn cứ vào khoảng cách 60 dặm về phía đông so với sơ chỉ huy của Triệu Tiết thì có thể phỏng đoán đại bản doanh của Quách Quỳ đặt ở khoảng đối diện với Thị Cầu (gần thị xã Bắc Ninh), thuộc huyện Việt Yên (Bắc Giang) ngày nay. Đây cũng là một vị trí trọng yếu ở gần bến đò Thị Cầu và nằm trên đường quan lộ đi Thăng Long.

Như vậy là quân địch chia làm hai khối lớn do chánh tướng và phó tướng trực tiếp nắm, đóng ở hai địa điểm cách nhau 60 dặm ở bờ bắc sông Nguyệt Đức. Hai địa điểm ấy đều ở trước hai bến đò quan trọng của sông Nguyệt Đức (bến Như Nguyệt và bến Thị Cầu) và nằm trên hai trục vận động thuận lợi nhất tiến về Thăng Long.

________________________
1. Lý Đào: Tục tư trị thông giám trường biên (bản Hán). 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM