Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:03:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trung Trực - Thân thế và sự nghiệp  (Đọc 57532 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #10 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2009, 01:44:26 pm »

2. Về trí thông minh và mưu lược:

Nghiên cứu qua nhiều tài liệu, chúng ta không tìm thấy Nguyễn Trung Trực gia nhập vào đội ngũ quân Dinh Điền của Khâm sai Tổng thống Quân vụ Nguyễn Tri Phương vào năm nào? Nhưng lại biết chắc rằng khi quân Pháp chiếm lấy Gia Định (18/2/1958) thì Nguyễn Trung Trực đã có mặt trong quân ngũ (dưới quyền chỉ huy của Quản Cơ Trương Định) và đã giữ chức Quyền Sung Quản binh đạo (lúc này ông mới 21 tuổi). Sau đó 2 năm, ông đã tham gia trận đánh đại đồn Kỳ Hòa (25-2- 1861). Quản cơ Trương Định cho ông cai quản một đội nghĩa quân trấn giữ vùng Long An, kiểm soát khu rộng lớn vùng ba biên (Tây Ninh, Bến Lức, Gò Công). Cũng trong năm này ông mở một chiến công oanh liệt là đốt cháy tàu Ét-pê-răng-sờ (Espérance) của Pháp tại vàm sông Nhật Tảo. Qua năm sau (1862), ông được vua Tự Đức sắc phong chức Quản cơ tỉnh Bình Thuận (Chú thích: Có tài liệu nói vua sắc phong ông chức Quản cơ Bình Thuận năm 1863 hoặc 1864). 

Nhìn ngược lại thời gian để ước định nghiệp vụ quân sự của Nguyễn Trung Trực thì ta có thể cho rằng: ông đầu quân sớm nhất cũng là vào lúc 17 hay 18 tuổi. Với số tuổi đó và chỉ có năm, sáu năm binh nghiệp mà thăng tiến rất nhanh, giữ nhiều chức vụ quan trọng để rồi sau này trở thành lãnh tụ kiêu hùng chống Pháp ở miền Nam và đã làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ. Vậy hẳn ông là người tài ba thao lược lắm thì mới đạt được những thành tích lớn lao ấy. Và rồi điều này còn được minh chứng thêm, khi bảy năm sau ông lại tạo nên một thành tích vẻ vang nữa là đánh chiếm đồn Tây Kiên Giang (16-6-1868), đột kích ngay cơ phận đầu não của chúng, giết chết tên Chủ tỉnh Chánh Phèn (Chú thích: Chánh Phèn là tên Chủ tỉnh của Pháp đầu tiên ở Kiên Giang. Vì không biết rõ tên thật và thấy hắn có râu giống lông chó phèn nên dân gọi hắn là Chánh Phèn)) Và một số sĩ quan khác nữa.

Hai chiến tích "Nhật Tảo" và "Kiên Giang" đã làm tên tuổi Nguyễn Trung Trực vang lừng cả nước. Chứng tỏ ông là người tuổi trẻ tài cao, am tường chiến thuật, chiến lược để đi đến thành công như:

a. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng:

Ở mỗi thế trận, ông điều nghiên thật kỹ, nắm tình hình địch thật rõ ràng, chính xác từ sự sinh hoạt thường nhật đến sự bố phòng, bố trí trong doanh trại như thế nào mới điều quân xuất kích. Ngoài ra còn tiên đoán được sự tấn thối của địch như thế nào để xử lý cho được an toàn. Có như vậy mới dễ dàng thành công.

b. Áp dụng chiến thuật nghi binh:

(Tức là quân ít mà làm cho địch ngờ có nhiều):

Ở mặt trận Phú Quốc, quân Pháp bao vây định mở trận tiến công lên đồi nhưng chưa biết rõ tình hình nghĩa quân như thế nào nên chưa dám tấn công. Hiểu được ý đồ của giặc, Nguyễn Trung Trực cho nghĩa quân lúc ẩn, lúc hiện đi lượn theo triền đồi nhiều lượt. Quân Pháp bỏ ống dòm nhìn thấy ngỡ là nghĩa quân đông nên không dám tấn công. Nhờ thế, ông có thời gian chỉnh đốn hàng ngũ, tìm biện pháp ngăn chặn và tiêu diệt địch.

c. Áp dụng chiến thuật "Điệu hổ ly sơn":

(Tức là phân chia lực lượng địch để giảm bớt sức chiến đấu của chúng):

Ở trận Nhật Tảo, ông bố trí một số dân chúng nấp trên bờ sông đối diện với tàu Ét-pê-răng-sờ (Espérance). Chờ đúng 12 giờ trưa (giờ Ngọ) ngày 10- 12-1861, ông ra lệnh đánh chiêng, mõ, thổi tù-và và làm vang rền trên bờ sông để chọc tức địch. Tên trung úy Bạt-phe (Parfait), chỉ huy trưởng tàu nghe thấy, tức tối liền xua phân nửa số quân dưới tàu xuống ca-nô tiến thẳng vào bờ đuổi bắn. Đoàn người chiêng, mõ, tù và cứ tiếp tục gây tiếng động càng âm vang hơn và lùi dần sâu vào các kinh rạch. Bạt-phe (Parfait) lại càng thêm nổi giận, cho lính rượt sâu vào nữa.

Chờ có vậy, để ở ngoài sông Vàm Cỏ, Nguyễn Trung Trực triển khai cuộc chiến đấu đốt tàu thành công (xem lại phần sự nghiệp).
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #11 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2009, 01:46:44 pm »

d. Vận dụng 3 yếu tố trong binh pháp là:

* Thiên thời:

Trận đánh tàu trên sông Nhựt Tảo: ông đánh tàu Ét-pê-răng-sờ vào lúc 12 giờ trưa. Lúc mà địch uể oải lơ đãng nhất.

Trận đánh đồn Kiên Giang: ông chọn giờ quá khuya (4 giờ đêm). Lúc mà chúng quá tự mãn về khâu an toàn, mất cảnh giác, thiếu canh phòng nghiêm mật.

* Địa lợi:

Trận đánh tàu trên sông Nhựt Tảo: Tàu đậu giữa vời bốn bề là sông nước. Vì thế ông dùng lối đánh bất ngờ, thần tốc làm cho địch trở tay không kịp, muốn thoát cũng không còn con đường nào thoát được.

Trận đánh đồn Kiên Giang: Đồn này có ba mặt là biển cả và rừng rậm, chỉ còn mặt trước là con kinh Lạc Giục ăn thông ra biển. Nếu thình lình bị tấn công, muốn chạy thoát cũng rất khó khăn.

* Nhân hòa:

Đây là cốt lõi của yếu tố thành công. Nguyễn Trung Trực rất được lòng thương yêu kính trọng của mọi người. Họ đồng tâm hợp lực giúp đỡ hoặc trực tiếp tham gia vào lực lượng nghĩa quân chống Pháp. Ngoài ra ông còn vận động được người Khơ-me, người Hoa vào hàng ngũ nghĩa quân. Song song đó ông còn chiêu dụ được quan chức của địch để làm nội ứng như Quản Cầu (chỉ huy đội Mã Tà của đồn Tây Kiên Giang), Xã Lý ở Minh Lương, Tổng Kiên, Xã Ngợi ở Phú Quốc...

Nhờ thông hiểu binh pháp nên ông thắng địch nhiều trận rất hào hùng, oanh liệt, chứng tỏ ông là người có thực tài điều quân.

3. Khí phách can đảm, anh hùng:

Chúng ta hãy nghe sau đây một số người Pháp nhận định về Nguyễn Trung Trực như sau:

- PIQUET: Trong biên bản hỏi cung Nguyễn Trung Trực, phần nhận xét có ghi: "một con người đã sa vào tay chúng ta rồi mà vẫn tỏ ra nhiều phẩm chất và đầy nghị lực". Trong một phấn khác Piquet viết: "Ông này (Trực) tỏ ra đầy khí phách và cương nghị".

- PAUL VIAL đã viết: "Nguyễn Trung Trực là người tự trọng có tư cách đáng quý và đầy nghị lực." Trong phần nhận xét khác: "Nguyễn Trung Trực là người chỉ huy trẻ tuổi đầy gan dạ đã tỏ ra có tinh thần dũng cảm chỉ huy linh hoạt, sáng tạo và mưu trí hơn người. Chống nhau với ta ngót mười năm trời trước khi bị ta bắt”.

Những lời nhận xét trên đây đã khắc họa rõ nét khí phách anh hùng của Nguyễn Trung Trực. Ngoài ra còn một số truyền thuyết nói về lòng can đảm của ông như khi đánh trận, ông luôn đi trước hàng quân và xông xáo lướt dưới làn mưa đạn không bao giờ sợ hy sinh. Chẳng những ông thể hiện bàng hành động thôi mà còn thể hiện cả trong ngôn từ dù ở hoàn cảnh ngặt nghèo như:

- Trong lúc bị hỏi cung, ông nói với viên Thanh tra Piquet rằng: "Số mạng tôi đến đây đã đủ rồi, tôi muốn cứu nước tôi mà không thành công, tôi xin truất sự sống của tôi càng sớm càng tốt".

- Lần khác ông nói với tên Chonh (Chú thích: chính là viên thông ngôn của Pháp, bị Nguyễn Trung Trực bắt trong trận đánh đồn và sau đó được ông thả ra) là thông ngôn của Pháp rằng: "Anh hãy nói rằng chính tôi đã cứu anh. Anh là người có ảnh hưởng với Lang Sa. Tôi chỉ cần anh dùng ảnh hưởng ấy xin cho tôi được xử tử mau lẹ chừng nào hay chừng ấy."

Nói chung những hành động và ngôn từ của ông đã nâng cao vị thế anh hùng của ông (nhất ngôn phát xuất, vạn kỷ lưu danh) (Chú thích: Nhất ngôn phát xuất, vạn kỷ lưu danh: một lời nói ra, ngàn năm lưu danh mãi). Đó cũng là ngọn đuốc sáng soi tính ưu việt của dân tộc có truyền thống đấu tranh chống xâm lăng hàng bao thế hệ.

Sau đây chúng ta hãy nghe thêm một số người Pháp đánh giá về hai cuộc chiến thắng vừa kể của Nguyễn Trung Trực như sau:

- ALBERD SCKREINER: nhận định về trận Nhật Tảo: "là khúc nhạc mở đầu cho cuộc tổng công kích hầu như toàn bộ vào người Pháp" (theo Albéré de L'histoire d’Annam).

- GEORD DUWEN thì bình luận: "ấy là một biến cố bi thảm mà hậu quả làm tổn thương đến uy tín của Pháp ở miền Nam" (theo Bunetin de la Société des études Indochinoise de Sài gòn, année 1900).

- PAUL VIAL thì nói: "Đây là một sự kiện đau đớn làm cho người Annam phấn đấu và gây xúc động trong lòng người Pháp" (theo cuốn Les premiêre années de la Cochinchine, colonie Francaise. Tom I.P.124). 

Đúng thế, đó là những vết hằn sâu làm tổn thương và đau đớn cho bọn xâm lược Pháp và đó cũng chính là khúc nhạc mở đầu cho "Bản thiên hùng ca" mà Nguyễn Trung Trực là người khởi xướng ở miền Nam nước Việt để rồi hơn một thế kỷ sau "Bản thiên hùng ca" này làm vang dội khắp năm châu.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #12 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2009, 01:47:59 pm »

4. Đức tính trung hiếu vẹn toàn:

Về chữ TRUNG, chữ HIẾU của Nguyễn Trung Trực có rất nhiều tài liệu đã khẳng định ông là một con người thể hiện trung hiếu vẹn toàn:

a. Về lòng trung dũng:

Xét qua bối cảnh lịch sử thời Tự Đức, tình hình trong nước cực kỳ rối rắm bởi làn sóng xâm lược từ phương Tây ồ ạt tràn vào phương Đông chinh phục để tìm thuộc địa, nên nước ta bị ảnh hưởng nặng nề sự cai trị của thực dân Pháp.

Nguyễn Trung Trực sanh vào thời đại này. Lớn lên ông đã nhìn thấy cái nhục vong quốc trước mắt, ông không thể ngồi yên, đứng nhìn. Nên dù còn rất trẻ, ông xin mẹ đi đầu quân để góp phần cứu nước. Nhưng chí nguyện không thành bởi thế lực quân thù quá mạnh, phương tiện chiến tranh quá hiện đại nên áp đảo được các lực lượng chống Pháp ở địa phương, bên cạnh đó còn do triều đình nhà Nguyễn quá nhu nhược sớm đầu hàng bọn Lang Sa (Chú thích: Lang Sa hay Tây Di cũng đều chỉ chung bọn thực dân Pháp), ký nhượng đất đai miền Nam để cho chúng có cơ hội thôn tính luôn toàn cõi đất nước.

Không thành công thì thành nhân dù Nguyễn Trung Trực bị chúng bức tử khi còn quá trẻ (30 tuổi). Ông chết nhưng gương trung dũng của ông sáng chói như sao Bắc Đẩu để cho hậu thế soi chung.

Hãy nghe những lời ông nói sau đây với bọn Pháp, đầy trung cang nghĩa khí:

* Nói với PIQUET: "Số mạng tôi đến đây đã đủ rồi, tôi muốn cứu nước tôi mà không thành công, tôi xin truất sự sống của tôi càng sớm càng tốt”.

* Quân Pháp biết ông có tài, có uy tín với nhân dân, chúng muốn lấy chức tước, tiền bạc để khuyến dụ. Nếu ông chịu làm việc cho Pháp thì chúng sẽ phong cho chức Phó soái. Nguyễn Trung Trực cười và khẳng khái nói: "Tụi bây kiếm cho tao chức nào mà chức đó tao chặt hết được đầu mấy thằng Tây thì tao mới làm, chứ chức Phó soái tao không màng đâu "

* Khi Pháp bắt được ông đem nhốt vào khám lớn Sài Gòn, tên Chánh soái Tây muốn biết tường tận ông là người như thế nào nên vào khám gặp ông. Trước tiên hắn dùng lời lẽ ngọt ngào khuyến dụ nhưng không được hắn mới xẵng giọng nói: "ông Trực nè! Dù ông có sống hay chết thì binh lực của Pháp cũng đã tận diệt hết quân phiến loạn của xứ sở này rồi..." 

Nguyễn Trung Trực mỉm cười, liền đưa tay chỉ ra ngoài sân cỏ và ôn tồn nói với viên Chánh soái rằng: "Thưa Pháp soái: Chúng tôi tin chắc rằng, chừng nào ngài trừ hết cỏ trên mặt đất này thì chừng đó ngài mới mong trừ hết những người ái quốc của xứ sở này mà ngài giận dữ gọi họ là quân phiến loạn." (Với ý này có câu ngắn gọn hơn: "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây". 

* Tại pháp trường, chỉ còn vài giây phút nữa là tới giờ hành quyết, viên thanh tra Piquet hỏi:

- Ông Trực! Vào giờ phút cuối cùng, ông có muốn nói lời gì nữa không

- Tôi muốn các ông xử tử tôi càng sớm càng tốt - Nguyễn Trung Trực khẳng khái trả lời.

* Lúc ở Phú Quốc, khi trận chiến đấu đến hồi cực kỳ sôi động thì vợ Nguyễn Trung Trực đến ngày sanh nở. Lúc bà sanh không có ai săn sóc thuốc thang, vì cả trai lẫn gái đều phải ra sức chiến đấu với kẻ thù, nên sau khi sanh được bốn ngày bà kiệt sức rồi chết. Ông hay tin về lo chôn cất bà xong, liền mang con lên rừng tìm bọng cây to đặt con vào đó. Xong xuôi, ông trở ra để lo chỉ huy cuộc chiến. Đội cận vệ thấy ông vội hỏi:

- Thưa Chủ soái! "Công tử" ra sao rồi ạ?

- Mọi việc đã xong rồi. Các người có thương ta và con ta thì hãy đánh giặc cho thật giỏi, giết giặc cho thật nhiều đi... - ông vội trả lời.

* Lúc tình hình hết sức nguy ngập, quân Pháp càng lúc càng xiết chặt vòng vây, chúng mong giết hay bắt sống được Nguyễn Trung Trực, ông liền họp nghĩa quân lại mà nói với họ rằng: "Gặp lúc gian nan này ta khó lòng địch nổi với quân xâm lược. Ta tổ chức mọi người đi đánh giặc. Bây giờ ta cho phép mọi người được tự do ra về với gia đình. Còn ta một mình quyết sống chết với quân thù một trận cuối cùng. Ta không thể vì lý do gì mà đầu hàng quân giặc. Ai cùng lòng với ta hãy xách gươm đứng dậy mà đi...”

Sau đó ông gom hết lương thực còn lại liệng xuống sông và rút gươm chỉ thẳng lên trời nói lớn: "Ta thề cùng trời đất nếu không thắng trận này xin chết tại trận này. Trời đất hãy chứng giám cho (theo tham luận của ông Bùi Văn Thạnh, Giám đốc Sở VHTT Kiên Giang, đăng trong TTSN/NTT, trang 157).

Đọc qua những lời trích lược trên đây chúng ta đã thấy rõ lý tưởng cao cả của Nguyễn Trung Trực là suốt đời chỉ mong dâng hiến cho Tổ quốc. Xả thân vì nước mà không thành công thì lấy cái chết đền bù để thành nhân. Ôi cao quí làm sao!
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #13 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2009, 01:49:58 pm »

b. Về lòng hiếu thảo:

Có nhiều truyền thuyết nói ông là người con rất chí hiếu. Ông rất thương.yêu và kính sợ mẹ. Chúng ta hãy nghe các bậc kỳ lão nói về những đức tính hiếu đạo của ông như sau:

* Sau khi cha mất, để lại một đàn con thơ dại, bà mẹ phải tảo tần hôm sớm để lo cuộc sống thật là vất vả Nguyễn Trung Trực thấy mẹ cực nhọc quá mà thương xót, nên mọi việc nặng nhọc ông đều giành làm và tiếp tay với mẹ lo nuôi nấng đàn em. ở vùng sông rạch Long An, đa số dân chúng sống với nghề nông và nghề chài lưới. Gia đình quá nghèo không thể sắm được phương tiện để bắt cá như chài, nôm, lưới... Ông chỉ dùng tay bắt. Ông bắt cá hàng ngày, còn thừa đem bán để mua gạo ăn. Chỉ mới mười mấy tuổi đầu mà ông biết giúp đỡ mẹ, bảo bọc đàn em đến ngày khôn lớn.

* Lúc ở quân ngũ, khi hay tin mẹ bịnh, bằng mọi cách ông phải về nhà để săn sóc thuốc thang cho mẹ. Khi nào bà hết bệnh hẳn ông mới ra đi.

* Lúc ở Hòn Chông mẹ bịnh, ông đang săn sóc thuốc men thì có một số lãnh tụ nghĩa quân đến bàn với ông về việc đánh đồn Tây Kiên Giang. Ông một tay vịn đốc kiếm, một tay quạt nồi thuốc, còn miệng luôn bàn việc nước non... Các lãnh tụ nài nỉ ông lên đường về Kiên Giang chỉ huy việc đánh chiếm đồn vì thời cơ rất thuận lợi bởi có Quản Cầu chỉ huy đội Mã Tà đồn Kiên Giang chịu làm nội ứng, chắc chắn sẽ thành công. Thấy mẹ còn bịnh ông không đành ra đi, nên ông viện lẽ chưa thuận lợi, chưa điều nghiên rõ tình hình địch mà thoái thác. Bà mẹ nằm trên giường nghe được tất cả sự việc bà cũng đã hiểu ý ông, nên bà khẳng khái bắt buộc ông phải đi ngay, nếu không bà sẽ tự tử ngay. Ông sợ quá đành phải sửa soạn hành lý ra đi.

* Ở trong quân ngũ ông cũng thường nói với nghĩa quân về chữ hiếu như sau: "Thân ta mà có là do cha mẹ tạo ra. Cha mẹ là trời đất. Nếu làm con mà quên công ơn cha mẹ, bất hiếu với cha mẹ là lỗi đạo, không xứng đáng làm con người nữa". Bởi thế nên nghĩa quân nào đến xin phép về thăm cha bệnh, mẹ đau đều được ông cho về ngay.

* Lúc ở Phú Quốc, quân Pháp dùng mọi cách cũng không thể nào bắt hay giết được ông. Cuối cùng chúng dùng kế thâm độc bắt mẹ ông để buộc ông phải ra hàng (giống như trường hợp Đổng Kim Lân trong San Hậu). Tên Huỳnh Công Tấn (Chú thích: Huỳnh Công Tấn, trước kia nằm trong quân cơ Trương Định cùng với Nguyễn Trung Trực. Sau này Tấn ra đầu Pháp dẫn lính vào khu rừng Lá (Gò Công) bắt Trương Định) lấy chỗ bạn bè xưa kia, viết thư báo tin cho ông biết là mẹ của ông đã bị Pháp bắt rồi. Nếu ông chịu ra hàng thì Pháp chẳng những tha mẹ ông ra mà còn ban chức tước cho ông nữa. Nhận được thư này ông quá đỗi đau lòng, tư tưởng có phần chao đảo. . . Bây giờ tình hình nghĩa quân rất bi đát: lương thực dần dần cạn, súng đạn dần dần tiêu hao. Dân chúng toàn đảo cũng bị ảnh hưởng vì chúng bao vây không cho đất liền cung cấp lương thực. Dân chúng phải chịu cảnh đói khát, nghèo khổ cùng cực. Giờ đây mẹ cũng bị chúng bắt giam cầm chốn lao tù?... Tình hình như vầy không thể kéo dài cuộc chiến. Qua nhiều đêm suy nghĩ, đắn đo, ray rứt... Cuối cùng ông quyết định ra "HÀNG" để giải quyết mọi vấn đề cấp thiết. Trước khi ra hàng, ông viết thư cho Huỳnh Công Tấn biết, nếu muốn ông ra hàng phải chấp thuận 3 điều kiện:

- Một là bãi bỏ lệnh bao vây kinh tế toàn đảo.

- Hai là phải thả hết nghĩa quân đã bị bắt, cho họ được trở về nguyên quán yên ổn, và tự do làm ăn sinh sống.

- Ba là phải thả ngay mẹ ông ra và đưa đến căn cứ để gặp ông.

Dĩ nhiên được tin ông chịu ra hàng. Pháp chấp thuận ngay nhưng chúng chỉ thực hiện hai điều kiện trên. Còn điều thứ ba, chúng nói dối rằng bà đang bị bệnh nặng không thể đưa đến gặp ông được, khi nào ông ra hàng chúng sẽ cho gặp mặt (Chú thích: Có truyền thuyết nói rằng mẹ ông không có bị Pháp bắt. Việc Pháp nói bắt bà là do bịa chuyện để buộc ông vì chữ hiếu mà ra hàng chúng. Sự thật khi chúng tấn công vào Hòn Chông tìm bắt Nguyễn Trung Trực thì bà đã đi lánh nạn ở đâu không rõ (?). Nhưng sau đó bà về Tân Thuận (Cà Mau) rồi chết ở đó).

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #14 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2009, 01:50:08 pm »

Đến ngày hẹn, Nguyễn Trung Trực ăn mặc đàng hoàng như một vị tướng ngoài trận địa: áo thắt lưng, quần chẽn ống, đầu chít khăn đen với dáng dấp hiên ngang, một mình đi ra gặp bọn Pháp (Chú thích: Có tài liệu nói rằng khi ra hàng, ông mượn một người nông dân lấy cọng rau muống biển trói tay dùm, rồi hiên ngang đi ra gặp Pháp). Chúng đón tiếp ông một cách rất kính trọng, rồi vội vàng đưa ông về Kiên Giang. Ở dưới tàu ông nóng lòng muốn gặp mẹ. Bọn Pháp viện lý này lẽ nọ không cho gặp. Ông nằng nặc đòi chúng phải đưa mẹ đến cho ông gặp. Cuối cùng chúng đành thú nhận là không có bắt bà và cũng không biết bà ở đâu nữa. Vỡ lẽ, ông biết mình đã lầm quỷ kế, âu cũng là số mạng?

Đến đây chúng ta gặp một vấn đề nan giải về tính chất lịch sử của một sự việc. Đó là Nguyễn Trung Trực ĐẦU HÀNG, BỊ BẮT hay NỘP MÌNH?...

Về việc này trong cuộc hội thảo có 3 ý kiến trái ngược nhau:

- Có ý kiến nói rằng ông đi ra ĐẦU HÀNG Pháp.

- Có ý kiến nói rằng ông tự đi ra NỘP MÌNH.

- Có ý kiến phản bác hẳn hai ý kiến trên. Cho rằng người anh hùng không bao giờ đầu hàng hay nộp mình mà là ông đánh một trận cuối cùng rồi BỊ BẮT.

Qua tranh cãi rất sôi nổi, ai cũng bảo lưu ý kiến của mình là đúng. Không có kết luận rõ ràng cho sự kiện lịch sử này. Đến đây tôi cũng xin góp một phần ý kiến nhỏ để tiện bề nhận xét:

Việc này chúng ta cùng không nên câu nệ quá về từ ngữ ĐẦU HÀNG, NỘP MÌNH hay BỊ BẮT mà hãy nhìn thẳng vào thực chất của sự việc trong bối cảnh lịch sử hiện tại. chúng ta cũng đừng nên lý tưởng hóa một màu hồng xuyên suốt cho một vị anh hùng nào cả. Cái bản chất anh hùng của một vị anh hùng thật sự đã được thể hiện qua hành động và ngôn từ trong quá trình đấu tranh. Đối với Nguyễn Trung Trực đã có thừa điều kiện để trở thành vị anh hùng nên chúng ta cũng không cần tô vẽ gì thêm, e rằng sẽ làm sai lệch sự thật của lịch sử.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có những người bị bắt thật, nhưng sau đó không chịu được đòn tra tấn mà chao đảo hay do bởi nghe theo những lời dụ dỗ đường mật mà cam chịu làm tay sai cho giặc, dẫn giặc đi tìm bắt bớ, giết hại những người từng là đồng chí mình thì việc bị bắt này có khác chi là đầu hàng (hãy xem cuốn "Nhà lao Cây dừa" của Chu Lai).

Thiết nghĩ sự đầu hàng có hai mặt:

- Đầu hàng thật: phản bội tổ chức, phản bội đất nước.

- Đầu hàng giả tạo để thực hiện một ý đồ cao dẹp thì đó là kế sách, là mưu lược. Giống như trường hợp của Lê Thái Tổ (Lê Lợi), trong lúc bị quân Minh vây khốn ở Chí Linh, nhà vua liền cởi áo long bào giả dạng quân binh lẻn ra hậu thành tìm đường "đào tẩu" thoát nạn, giữ được mạng sống để sau này có cơ hội phục hận. Nếu chúng ta nghĩ rằng Lê Lợi là một ông vua, một tướng lãnh ở ngoài trận địa mà "đào tẩu”, bỏ mặc ba quân tướng sĩ sống chết với kẻ thù thì đó là một hành động ươn hèn, ô nhục! Nhưng không, lịch sử coi sự "đào tẩu" này là sự thông minh, mưu lược mà người đời hết lời khen ngợi.

Vậy nên Nguyễn Trung Trực có "đầu hàng" cũng vì cái chung cao cả hơn. Cái chung ở đây là dân chúng Phú Quốc và lực lượng nghĩa quân đang dần dần suy yếu, hay có thể hiểu là đời sống và điều kiện chiến đấu đang lùi dần vào ngõ cụt. Thử nghĩ cố kéo dài cuộc chiến thì toàn bộ sẽ đi về đâu? Chắc chắn kết quả sẽ thê thảm hơn nhiều... Như vậy, hành động của Nguyễn Trung Trực ra ĐẦU HÀNG cũng chỉ là một mưu lược thông minh để giải quyết những vấn đề trọng đại cấp thiết. Sau khi giải quyết xong rồi. Ông trở lai bản chất của một vị anh hùng thà chết chứ không đầu hàng giặc, không làm tay sai cho giặc để bảo tồn khí tiết, bảo tồn truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc..
*
*    *
Để kết luận phần này, tôi xin mượn lời của ông Ngô Phấn Khởi, nguyên cố Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang đã phát biểu trong Hội thảo khoa học về Nguyễn Trung Trực tại Kiên Giang năm 1988. Ông nói: "Dù nộp mình hay bị bắt... cái gặp nhau chung là hành động của Nguyễn Trung Trực, là hành động anh hùng hợp lý trong hoàn cảnh lịch sử thời bấy giờ để cái chết hóa thành bất tử, sống mãi trong lòng chúng ta".

Nói tóm lại, đứng về mặt lịch sử, chúng ta càng bảo vệ và tôn trọng sự thật bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Đó cũng là nhằm góp phần xây dựng một phẩm chất cao đẹp cho tâm hồn con cháu chúng ta mai sau.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #15 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2009, 01:52:39 pm »

IV. GIA PHẢ

Tài liệu này tác giả trích trong phần tham luận của bà Nguyễn Thị Mỹ Thu, nguyên Giám đốc Bảo tàng Kiên Giang đã đăng trong cuốn "NGUYỄN TRUNG TRỰC - THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP do Bảo tàng Kiên Giang xuất bản năm 1989 (trang 202-206).

So sánh lại 3 bảng tông chi thì bảng số 1 và số 2 (ở Sùng Đức, TP. Hồ Chí Minh và Bình Nhựt Long An) gần giống nhau, vì nhà sư chùa Sùng Đức là cháu chắt thuộc hệ ở Long An. Do đó tôi chỉ trích ra đây hai tông chi số 2 và số 3 mà thôi.

ĐỜI THỨ I

Sống ở Xóm Lưới, xã Vĩnh Hội, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định:

Anh: Nguyễn Văn Đạo

Em: Nguyễn Văn Trung

ĐỜI THỨ II

Chỉ có cha mẹ Nguyễn Trung Trực di chuyển vào Nam sinh sống tại làng Bình Nhựt, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Gồm:

* THEO TÔNG CHI BÌNH NHỰT (LONG AN)

1. Nguyễn Văn Đạo: vợ không rõ họ tên. Sanh 5 người con: 4 trai, 1 gái
- Nguyễn Văn Ngợi
- Nguyễn Văn Tường
- Nguyễn Văn Phụng
- Nguyễn Văn Quới
- Nguyễn Thị Chính

2. Nguyễn Văn Trung
không rõ gia cảnh   

THEO TÔNG CHI TÂN THUẬN (CÀ MAU)

1. Nguyễn Văn Đạo: vợ không rõ họ tên. Sanh 3 người con trai.
- Nguyễn Văn Trường
- Nguyễn Trung Thăng
- Người trai thứ út (không rõ họ tên)

2. Nguyễn Văn Trung
không rõ gia cảnh

GHI CHÚ:

Hai bảng tông chi này có chỗ trùng lập như: ông Nguyễn Văn Phụng (Bình Nhựt) và ông Nguyễn Trung Thăng (Tân Thuận) chỉ là một người. Còn chỗ khác nhau là về số lượng con cái.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #16 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2009, 01:52:52 pm »

ĐỜI THỨ III

* THEO TÔNG CHI BÌNH NHỰT (LONG AN)
1. Nguyễn Văn Ngợi: Vợ là Lương Thị Bảy Hạ sanh 7 người con: 4 gái (đều không rõ họ tên và gia cảnh), 3 trai
- Bà Hai
- Bà Ba
- Bà Tư
- Bà Năm
- Nguyễn Văn Thi 
- Nguyễn Văn Sơn (chết yểu)
- Nguyễn Văn Đeo

2. Nguyễn Văn Tường
không rõ gia cảnh

3. Nguyễn Văn Phụng
Vợ không rõ họ và tên Hạ sanh 2 người con: 1 trai 1 gái.
- Nguyễn Văn Nhơn
- Nguyễn Thị Đạt

4. Nguyễn Văn Quới
không rõ gia cảnh

5. Nguyễn Thi Chính:
không rõ gia cảnh   

THEO TÔNG CHI TÂN THUẬN (CÀ MAU)
1. Nguyễn Văn Trường: Vợ không rõ họ và tên. Hạ sanh 4 người con trai:
- Nguyễn Văn Hòa
- Nguyễn Văn Thi
- Nguyền Văn Lễ
- Nguyễn Văn Táng

2. Nguyễn Trung Thăng
Vợ không rõ họ và tên Hạ sanh 8 người con: 4 trai 4 gái:
- Nguyễn Trung Trực (Lịch)
- Nguyễn Thị Khuê
- Nguyễn Thị Thiểu
- Nguyễn Công Khanh
- Nguyễn Thành Luông
- Nguyễn Thị Đạt (Long An)
- Nguyễn Thị Đào
- Nguyễn Văn Thơ
 
3. Người trai thứ út: Vợ không rõ họ và tên. Hạ 1 sanh 2 người con gái:
- Nguyễn Thị Vú
- Nguyễn Thị Lành

GHI CHÚ:

Nhìn qua 2 bảng tông chi của đời thứ III, chúng ta nhận thấy có những chỗ trùng lập như sau:

- Nguyễn Văn Thi con của ông Ngợi (Bình Nhựt) và Nguyễn Văn Thi con của ông Trường (Tân Thuận) chỉ là một người mà thôi.

- Nguyễn Văn Nhơn con của ông Nguyễn Văn Phụng (Bình Nhựt) và Nguyễn Trung Trực con của ông Nguyễn Trung Thăng (Tân Thuận) cũng chỉ là một người.

Đến đời thứ III, tông chi Tân Thuận cho chúng ta thêm phần thắc mắc là ông Nguyễn Trung Thăng (hay Nguyễn Cao Thăng) có người con trai cả là Nguyễn Trung Trực, ngoài ra không còn tên nào khác nữa. . Nhưng theo truyền khẩu của các kỳ lão ở Long An đềo .. xác nhận Nguyễn Trung Trực lúc mới sanh, cha mẹ đặt .. tên là Nhơn, lớn lên đổi tên là Lịch... Vả lại trong Quốc Sử Quán triều Nguyễn có ghi sắc phong Quản Lịch chức Thành Thủ úy... Về mặt này chúng ta cũng cần nên nghiên cứu và xác minh lại.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Ba, 2009, 01:56:09 pm gửi bởi SaoVang » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #17 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2009, 01:59:02 pm »

ĐỜI THỨ IV

* THEO TÔNG CHI BÌNH NHỰT (LONG AN)

CHI CỦA ÔNG NGỢI
1. Bà Hai. Bà Ba. Bà Tư. Bà Năm: không rõ gia cảnh.

2. Nguyễn Văn Thi : Vợ là Nguyễn Thị Vây. Sanh 2 người con trai:
- Nguyễn Văn Trí 
- Nguyễn Văn Đậu
3. Nguyễn Văn Sơn (chết yểu)

4. Nguyễn Văn Đeo: không rõ gia cảnh

CHI CỦA ÔNG TƯỜNG
không rõ gia cảnh.

CHI CỦA ÔNG PHỤNG
1. Nguyễn Văn Chơn: (Lịch): Vợ không rõ họ tên (theo tông chi). Nhưng truyền khẩu thì vợ tên Lê Kim Định. Con không có tên. Cả hai đều chết ở Phú Quốc

2. Nguyễn Thị Đạt: Chồng không rõ tên. Sanh 2 người con: 1 gái, 1 trai.
- Đào Thị Xuân
- Đào Văn Tế

CHI CỦA ÔNG QUỚI: Không rõ gia cảnh.

CHI CỦA BÀ CHÍNH: Không rõ gia cảnh.   

THEO TÔNG CHI TÂN THUẬN (CÀ MAU)
CHI CỦA ÔNG TRƯỜNG
1. Nguyễn Văn Hòa: Vợ không rõ họ và tên. Sanh 1 người con trai:
- Nguyễn Văn Quân.

2. Nguyễn Văn Thi: vợ không rõ họ tên và gia cảnh.

3. Nguyễn Văn Lễ: Vợ không rõ họ tên. Sanh 3 người con: 1 gái, 2 trai.
- Nguyễn Thị Tới 
- Nguyễn Văn Tiến
- Nguyễn Thị Có

4. Nguyễn Văn Táng: Vợ không rõ họ tên. Sanh 3  người con trai. 
- Nguyễn Văn Ngọc   
- Nguyễn Văn Trớt 
- Nguyễn Văn Lướt

CHI CỦA ÔNG THĂNG
1. Nguyễn Trung Trực: Vợ không rõ họ tên (theo  tông chi).  Nhưng truyền khẩu thì vợ tên Lê Kim Định. Con không có tên.  Cả hai đều chết ở Phú Quốc.

2. Nguyễn Thị Khuê: Không rõ gia cảnh.   

3. Nguyễn Thị Thiểu:  Không rõ gia cảnh. 

4. Nguyễn Công Khanh
Có 3 đời vợ: 

+ Vợ cả: không rõ họ tên.  Sanh 2 người con: 1 gái, 1 trai 
-   Nguyễn Thị Thơm 
-   Nguyễn Văn Quản 

+ Vợ hai: không rõ họ tên. Sanh 1 người con trai: 
- Nguyễn Văn Diệp 

+ Vợ ba: không rõ họ tên và gia cảnh. 

5. Nguyễn Thành Luông:  có 3 vợ
+ Vợ cả: Lê Thị Giàu. Sanh 2 người con trai:
- Nguyễn Thành Nguyên
- Nguyễn Thành Truyện 

+ Vợ hai: Nguyễn Thị Gương. Sanh 11 người: 10 trai, 1 gái. 
- Nguyễn Văn Nhật
- Nguyễn Văn Nhiểu
- Nguyễn Vãn Thanh.
- Nguyễn Văn Nhàn
- Nguyễn Văn Danh 
- Nguyễn Thị Vang
- Nguyễn Văn Nhân
- Nguyễn Văn Ngởi
- Nguyễn Văn Hường
- Nguyễn Văn Minh
- Nguyễn Văn Tiên

+ Vợ ba: không rõ họ tên và gia cảnh.   

6. Nguyễn Thị Đạt:  không rõ và gia cảnh. 

7. Nguyễn Thị Đào: chồng Trương Văn Nhạn. Số con không rõ, chỉ biết  có 3 người: 1 trai, 2 gái.
- Trương Văn Ưng (thứ 2)
- Trương Thị Phòng (thứ 3)
- Trương Thị Điều (thứ 7)
 
8. Nguyễn Văn Thơ: Vợ không rõ họ tên. Sanh 5 người con: 4 gái, 1 trai
- Nguyễn Thị Lừa
- Nguyễn Thị Lộc
- Nguyễn Thị Đằng
- Nguyễn Thị Đổ
- Nguyễn Văn Phước 

CHI CỦA NGƯỜI TRAI THỨ ÚT
1. Nguyễn Thị Vú: Chồng là Trần Văn Tiên. Sanh 1  người con trai:
- Trần Văn Ty

2. Nguyễn Thị Lành: Chồng là Phan Văn Sĩ. Sanh 2 người con trai:
- Phan Tấn Lung
- Phan Tấn Cang

GHI CHÚ:
Đời thứ IV không có sự trùng lập họ tên ở hai tông chi nữa. Nhưng có điều khác biệt về số lượng con và cháu. 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #18 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2009, 02:00:23 pm »

ĐỜI THỨ V

CHI CON CỦA ÔNG THI

1. Nguyễn Văn Tri
(1872-1944): Vợ là La Thị Hiển. Sanh 8 người con: 5 trai, 3 gái 
- Nguyễn Thị Hóa
- Nguyễn Văn Tài (Đợi)
- Nguyễn Thị Tất
- Nguyễn Thị Năm
- Nguyễn Văn Thình (chết yểu)
- Nguyễn Văn Trương (chết yểu)
- Nguyễn Văn Hưng
- Nguyễn Văn Chức

2. Nguyễn Văn Đậu: Vợ không rõ. họ tên. Sanh 3 người con:. 2 trai, 1 gái
- Nguyễn Văn Lang
- Nguyễn Thị Tây
- Nguyễn Văn Khái (Cứng)

CHI CON CỦA BÀ ĐẠT

1. Đào Thị Xuân: không rõ gia cảnh

2. Đào Thị Tế: Vợ không rõ họ tên. Sanh 2 người con trai
- Đào Văn Hiệu
- Đào Văn Kiểm    

CHI CON CỦA ÔNG HÒA
1. Nguyễn Văn Quân
Vợ không rõ họ tên. Sanh 4 người con trai:
- Nguyễn Văn Quý
- Nguyễn Văn Hợi
- Nguyễn Văn Kế
- Nguyễn Văn Chỉnh

CHI CON CỦA ÔNG KHANH (Đời vợ thứ 2)
1. Nguyễn Văn Diệp: Vợ  không rõ họ tên. Sanh 1 người con trai: 
- Nguyễn Văn Tú
CHI CON CỦA ÔNG LUÔNG (Đời vợ cả)

2. Nguyễn Thành Truyện: Vợ không rõ họ  tên. Sanh 1 người con gái:
- Nguyễn Thị Sử (hiện bà đang sống tại 1 phường 6 Thị xã Cà Mau)

CHI CON CỦA BÀ ĐÀO
1. Trương Văn Ứng: Vợ là Phạm Thị Lụa, không rõ số con

2. Trương Thị Phòng: Chồng là Lê Văn Cận. Có vợ thứ là Chung Thị Điều. Số con không rõ. Chỉ biết có con thứ ba là: 
- Lê Tứ Biểu

3. Trương Thị Điếu: Chồng Trần Văn Vàng. Số con không rõ.

GHI CHÚ
Đời thứ V cũng chỉ khác biệt về số lượng con cháu mà thôi.
*
*      *
Nhìn chung qua hai tông chi Bình Nhựt và Tân Thuận còn thiếu sót quá nhiều về mặt hộ tịch. Đa số biết tên cha mà không biết tên mẹ, biết tên chồng mà không biết tên vợ (hoặc ngược lại), nhưng lại biết tên con... Điều này rất khó cho những nhà ghi sử và tìm hiểu sử. Nhưng chúng ta cũng nên thông cảm, sở dĩ có như vậy một là do trình độ dân trí và quan điểm sống, hai là do hoàn cảnh lịch sử nước ta lúc bấy giờ. Đó là hai yếu tố chính làm cho các gia phả đều có mặt thiếu sót. Riêng gia phả Nguyễn Trung Trực có phần khép kín nhiều hơn. Bởi:

1. Về lý lịch: Lúc bấy giờ việc thiết lập hộ tịch trong nhân dân hãy còn lơ là, lỏng lẻo. Nếu có quan tâm cũng chỉ có ở kinh đô, thành thị, quận huyện đối với những thành phần quan chức, phú nông, phú hộ... Còn đối với nhân dân lao động ở những vùng làng mạc hẻo lánh, họ không quan tâm lắm, mà chỉ chú trọng về đời sống kinh tế thiết thực. Suốt ngày họ chỉ cặm cụi với ruộng đồng, ao vườn mà thôi.

2. Bối cảnh lịch sử: nước ta rơi vào cảnh chiến tranh xâm lược của bọn Pháp. Chúng quyết chiếm nước ta làm thuộc địa. Nên chúng tìm cách diệt những lãnh tụ yêu nước. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là một trong những lãnh tụ mà Pháp run sợ nhất, cần phải diệt trừ. Sau khi bức tử được Nguyễn Trung Trực rồi, chúng dùng thủ đoạn "diệt cỏ tận gốc". Chúng cho bọn tay sai ác ôn tìm bắt thân nhân của ông đánh đập, và đưa đi tù đày... Do đó, sau trận Nhật Tảo, anh em dòng họ Nguyễn Trung Trực đổi tên, đổi họ di tản lẩn trốn khắp nơi. Nhưng phần đông là di tản về vùng rừng rậm Cà Mau ẩn náu cho được an toàn hơn. Có khi giấu cả vợ (chồng) không cho biết tông tích mình nữa.

Sau gần 100 năm, trong khoảng thời gian dài che dấu tông tích thì không sao tránh khỏi sự thất lạc. Mãi đến năm 1987-1988, Bảo tàng Kiên Giang cùng với Viện Sử học mới truy tìm được dòng họ Nguyễn Trung Trực sống ở hai nơi Long An và Cà Mau. .
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #19 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2009, 02:01:47 pm »

PHỤ LỤC I
NHỮNG NIÊN ĐẠI CÓ LIÊN QUAN TRONG CUỘC ĐỜI CỦA NGUYỄN TRUNG TRỰC

1838 (?): - Năm sinh của Nguyễn Trung Trực (Xem phần thân thế) .

18-2-1858: - Quân Pháp tiến đánh Sài Gòn - Gia Định và mở nhiều cuộc tấn công vào quân triều đình.

4-9-1859: - Quân Pháp tấn công vào chùa Chợ Rẫy. Hai bên đánh nhau dữ dội. Quân ta giết được tên Đại úy Bắc-bê và nhiều tên khác. Sau vì yếu thế ta phải rút lui.

25-2-1861: - Đồn Chí Hòa thất thủ. Nguyễn Trung Trực được giữ chức Quyền Sung Quản Binh Đạo, coi giữ vùng Long An.

12-4-1861: - Quân Pháp đánh chiếm Mỹ Tho và Gò Công, thiết lập đồn bót. Quân triều đình rút về Vĩnh Long.

14,15-4-1861: - Nghĩa quân tấn công vào các đồn bót quân Pháp ở Gò Công.

22-6-1861: - Đỗ Đình Thoại khởi nghĩa ở Gò Công. Nguyễn Trung Trực được phân công kiểm soát vùng ba biên: Tây Ninh-Bến Lức-Gò Công.

22-8-1861: - Đô đốc Charner ký lệnh giải tán quân đồn điền của Nguyễn Tri Phương.

30-11-1861: - Tướng Bonard sang thay thế Charner liền ra lệnh tấn công Biên Hòa, mở rộng vùng kiểm soát khu tứ giác: Tiền Giang - Gò Công - biển Nam hải và biên giới Việt- Miên, đồng thời ra lịnh cho tàu tuần tra suốt ngày đê trong sông rạch.

10-12-1861:- Nguyễn Trnng Trực tổ chức tấn cộng đốt cháy tàu Ét-pê-răng-sờ (Espérance) tại vàm sông Nhật Tảo, giết được 17 tên giặc Pháp và sau đó liên tục đánh phá đồn bót giặc ở Tân An, Gò Công, Cần Giuộc, Cái Bè, Rạch Gầm...

1-3-1862: - Nguyễn Trung Trực phản công, đánh phá nhiều nơi làm cho quân Pháp phải rút bỏ các đồn như: Gò Công, Chợ Gạo, Gia Thạch, Tân An, Cái Bè, Cần Giuộc, Phước Lộc.v.v...

25-3-1862 : - Bonard ra lịnh cho quân Pháp chiếm lấy Vĩnh Long.

5-5-1862: - Bonard đưa quân tái chiếm các vùng đã bị mất. Bonard sai Le Monde đi thuyền máy đến Thuận An để nghị hòa với Trương Đăng Quế thuộc Cơ mật viện của triều đình (phái thủ hòa). Pháp đòi triều đình phải bồi thường 10 vạn quan tiền chiến phí để làm tin.

5-6-1862 : Lập hòa ước Nhâm tuất. Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đại diện triều đình ký với Pháp trên chiến hạm Dupéré đậu trên sông Sài Gòn. Pháp đòi triều đình thực hiện 3 điều kiện:

1. Nhượng 3 tỉnh miền Đông cho Pháp.

2. Nạp 20 vạn quan tiền chiến phí.

3. Mở cửa Đà Nẵng, Quảng Yên cho tàu Pháp ra vô buôn bán tự do. Nếu buôn bán với các nước khác phải thông qua ý kiến của Pháp.

16, 17-12-1862: - Nghĩa quân tổ chức tấn công các tiểu hạm Lorcha, đốt cháy chiếc số 3 và tiến công đánh chiếm đồn Rạch Tra. Trận này phía Pháp có Đại úy Thouronde tử trận. Sau đó quân ta tiến đánh sông Tra, Rạch Gầm.

18-12-1862: - Đại úy Taboule chỉ huy tấn công Thuộc Nhiêu (Mỹ Tho).

1863: - Trong năm này Nguyễn Trung Trực nhận được sắc chỉ của vua Tự Đức phong chức Quản cơ trấn thủ Bình Thuận.

2-1863: - Viện binh Pháp trở lại đánh chiếm Gò Công Nguyễn Trung Trực chuyển quân về Long Thành, Phước Lý và Tân Uyên.

1864: - Tên phản bội Huỳnh Công Tấn dẫn Pháp tấn công vào Phước Kiến. Trận này Trương Định tử thương. Thủ Khoa Huân bị bắt, Pháp đày ông ra đảo Réunion.

20-61867: Quân Pháp chiếm Vĩnh Long.

22-6-1867: Quân Pháp chiếm Châu Đốc

24-6-1867: Quân Pháp chiếng Hà Tiên (trong tháng 6-1867 Nguyễn Trung Trực được vua Tự Đức sắc phong chức Thành Thủ úy trấn nhậm Hà Tiên. Nhưng khi đến nơi quân Pháp đã chiếm mất rồi. Ông lui về Hòn Chông lập căn cứ chống Pháp).

16-6-1868: - Đúng 4 giờ khuya, Nguyễn Trung Trực tấn công đồn Kiên Giang giết được tên Chủ tỉnh Chánh Phèn, trung úy Sauterne, thiếu úy Gamard và một số binh lính khác. Riêng cai ngục Duplessix ngủ ngoài đồn nên thoát chết. Tên Chomb, thông ngôn của Pháp bị bắt, sau được ông Nguyễn tha.

18-6-1868: - Trung tá Hải quân Ansart kéo quân từ Vĩnh Long về tiếp cứu đồn Kiên Giang. Trong đoàn này có hai tên bán nước Trần Bá Lộc và Nguyễn Hữu Phương.

21-6-1868: - Quân Pháp chiếm lại đồn Kiên Giang

19-9-1868: - Nguyễn Trung Trực ra Phú Quốc lập căn cứ chống Pháp.

9-1868: - Thông báo hạm Geoland ghé vào Hà Tiên rước Huỳnh Công Tấn với 125 lính Mã Tà đi ra Phú Quốc tấn công Nguyễn Trung Trực.

10-1868: - Nguyễn Trung Trực bị bắt, Pháp đem về giam ông tại khám lớn Sài Gòn. Chúng dụ dỗ không được liền tuyên án tử hình.

21-10-1868: - Pháp xử chém Nguyễn Trung Trực tại Kiên Giang (pháp trường trước kia là chỗ Công ty Điện báo ở Thị xã Rạch Giá ngày nay).
Logged
Trang: « 1 2 3 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM