Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:26:25 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh Việt Nam là thế đó 1965 - 1973  (Đọc 123733 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #50 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 01:29:12 pm »

Trước lúc lên đường đi xa

Từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7-1965 chúng tôi gồm khoảng 80 người được tuyển từ các đơn vị khác nhau thuộc Binh chủng phòng không Quân khu Mátxcơva, đã được tập kết tại khu quân sự của Trung đoàn tên lửa phòng không Putilốpxcơ - Kirốpxki, tại làng Mitinô.

Chỉ còn khoảng 3 tuần lễ là đến ngày lên đường..Chúng tôi luyện tập quân sự (nghiên cứu các điều lệnh về tác chiến và những hướng dẫn về khai thác các khí tài), cũng như rèn luyện thể lực.

Trước ngày lên đường mỗi người được phát một chiếc valy, khẩu phần thức ăn khô cho 3 ngày và quần áo dân sự.

Khi mặc "thường phục", chúng tôi - những quân nhân - không còn nhận ra nhau. Chỉ mãi vào ngày lên đường chúng tôi mới được phát hộ chiếu xuất cảnh và được nghe tuyên bố chính thức rằng chúng tôi lên đường sang Việt Nam, nhưng chúng tôi được lệnh tuyệt đối không được viết thư thông báo việc này cho gia đình. Trong thư viết về nhà tôi thông báo rằng kỳ nghỉ mà người ta dành cho tôi sau kết quả kỳ kiểm tra mùa đông đã bị hoãn do có chuyến công tác biệt phái khẩn cấp và lâu dài.

Sau bữa trưa và buổi chia tay ngắn ngủi với bạn bè và với gia đình các sĩ quan - họ tiễn đưa chúng tôi như tiễn đưa người thân, - chúng tôi lên xe buýt và đến sân bay Sơcalốp.

Chúng tôi bay trên loại máy bay AN-10B. Chúng tôi đáp xuống sân bay cuối cùng và ngủ qua đêm tại Iếccút. Đến mờ sáng chúng tôi đáp máy bay rời khỏi Iếccút. Sau hơn một giờ bay chúng tôi bay qua biên giới quốc gia Liên Xô - Mông Cổ, sau 2 giờ nữa thì bay qua biên giới Mông Cổ - Trung Quốc. 

Trung Quốc

Chúng tôi hạ cánh ở Bắc Kinh. Qua các ô cửa trên máy bay chúng tôi nhìn thấy những đội thiếu niên Trung Quốc cầm cờ hoa và biểu ngữ xếp hàng trên sân trước tòa nhà chính của sân bay. Từ các loa phóng thanh vang lên điệu nhạc hùng tráng và những tiếng hô chào mừng bằng thứ ngôn ngữ xa lạ mà chúng tôi không hiểu được.

Chẳng lẽ người ta đón chào chúng tôi một cách long trọng đến thế? - chúng tôi băn khoăn tự hỏi. 

Chúng tôi bước xuống máy bay và nhìn thấy đoàn đại biểu Bắc Triều Tiên đang đi tới tòa nhà chính của sân bay. Bấy giờ mọi chuyện mới rõ ràng.

Ra đón chúng tôi có các nhân viên thuộc Sứ quán Liên Xô và các vị đại diện của Trung Quốc. Tại quán ăn chúng tôi được phục vụ một bữa trưa ngon tuyệt. Sau đó chúng tôi được đưa về thành phố. Người ta bố trí chúng tôi nghỉ tại một khách sạn loại sang, trong những phòng có hai giường.

Đến sáng chúng tôi phân thành các tốp nhỏ đi vào phố. Trong các cửa hàng có đầy các loại hàng hóa khác nhau, nhưng không một ai mua sắm thứ gì - mọi thứ đều rất đắt do vậy không hề phải xếp hàng. Trong mỗi cửa hàng đều có treo những bức ảnh của Mác, Ăng ghen, Lênin, Xtalin và bức ảnh to nhất - bức ảnh Mao Trạch Đông.

Đến buổi chiều chúng tôi được đưa ra sân bay. Chúng tôi tiếp tục chuyến bay và có một lần hạ cánh giữa đường, tại sân bay của thành phố Sansa. Tại đó người ta mời chúng tôi tham quan xưởng thêu nghệ thuật của địa phương. Cho đến bây giờ, bức tranh thêu hình con mèo con mầu xám vẫn hiện rõ trước mắt tôi, với từng sợi lông như thật, còn chiếc râu thì động đậy như râu thật.

Cuối cùng, máy bay của chúng tôi bay tiếp về hướng nam.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #51 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 01:30:18 pm »

Trên đất Việt Nam

Chúng tôi đã bay gần nửa giờ trên lãnh thổ Việt Nam. Máy bay hạ độ cao. Qua cửa khoang máy bay, chúng tôi chăm chú quan sát tấm thảm ghép nhiều mảnh được ánh nắng rọi vào - đó là những thửa ruộng hình chữ nhật chủ yếu có mầu xanh ngọc bích. Trên những thửa ruộng ấy thấp thoáng những chiếc nón mầu vàng nhạt của những người nông dân đang làm việc. Họ ngừng tay và ngoảnh mặt về phía máy bay của chúng tôi, họ vẫy tay chào. Máy bay lượn vòng, rồi hạ cánh. Chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm của Hà Nội. Vậy là lần đầu tiên chúng tôi bước chân đến đất Việt Nam, mà với thời gian đất nước này đã trở thành thân thiết đối với chúng tôi.

Ra đón chúng tôi là các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng tôi chăm chú nhìn vào nhau. Điều đập vào mắt chúng tôi là bộ quân phục lạ lẫm, mũ đội đầu, các phù hiệu phân biệt cấp bậc. Những khuôn mặt của các chiến sĩ Việt Nam cũng chưa quen đối với chúng tôi, khiến chúng tôi thấy khuôn mặt của họ đều giống nhau như những anh em sinh đôi.

“Tôi sẽ phân biệt họ bằng cách nào đây” - Tôi chợt nghĩ. Về sau mới rõ, người Việt Nam cũng thấy chúng tôi "có cùng một khuôn mặt", chỉ có tuổi tác là khác nhau và cách ăn mặc có đôi chút khác nhau.

Lễ đón chính thức ngắn ngủi đã kết thúc. Chúng tôi được mời uống trà. Chúng tôi ngồi dưới "những cái ô" to rộng, được làm từ những chiếc dù của Mỹ và được giương lên cao trên những chiếc sào bằng tre. Trong lúc uống trà đã diễn ra những cuộc làm quen ban đầu, nói chuyện với nhau thông qua phiên dịch. Các bạn Việt Nam đưa ra những câu hỏi xã giao truyền thống: "Tên đồng chí là gì?", Đồng chí bao nhiêu tuổi?", "Sức khoẻ của đồng chí thế nào?", "Đồng chí có gia đình chưa?", "Đồng chí có bao nhiêu con?".

Đến cuối buổi dùng trà tôi đã biết câu chào bằng tiếng Việt: "Xịn chào" và "tạm biệt". Vậy là dưới bóng chiếc dù của Mỹ đã diễn ra bài học tiếng Việt đầu tiên của tôi.

Chúng tôi phải đi khá lâu mới đến được nơi ở, vì đường bị cày xới bởi những hố bom sâu và tài xế phải luôn luôn tìm đường đi vòng.

Quang cảnh ở Việt Nam rất độc đáo và nổi bật là cảnh tĩnh mịch và hài hòa. Những thửa ruộng được ngăn cách bằng những bờ ruộng thẳng và những con mương tưới nước bé nhỏ. Mọi cảnh vật tưởng như yên bình và rất xa chiến tranh, nếu không có vô số những hố bom ....

Khi sắp tới Hà Nội, một chốt kiểm soát đã dừng xe chúng tôi. Người ta kiểm tra giấy tờ, nhưng khi biết trên xe là các đồng chí "Liên Xô" vừa từ Mátxcơva tới thì 'họ ngừng kiểm tra, họ nở nụ cười chào đón và cho hay con đường này đã bị ném bom ban ngày, do vậy chúng tôi sẽ phải đi vòng rất xa.

Hà Nội vào buổi chiều tối đã đón tiếp chúng tôi với đông đảo người qua lại trên những con phố nhỏ. Những dòng người bất tận di chuyển theo các hướng ngược xuôi, làm sôi động không gian bằng tiếng người, thỉnh thoảng lại bị chặn lại bởi những chiếc ôtô rú còi inh ỏi. Đa số họ là những thanh niên. Tưởng chừng như chiến tranh đã không cản trở họ vui chơi giải trí và yêu nhau.

Nhằm mục đích ngụy trang, về ban đêm phố xá Hà Nội không có đèn chiếu sáng. Do vậy, trong bóng tối thật khó ngắm nhìn thành phố này. Tuy nhiên, cũng đã hiện ra những kiến trúc với những hình dáng khác lạ đối với chúng tôi. Khi xe chúng tôi đang chạy trong thành phố thì Hà Nội đã bắt đầu chuẩn bị đi vào nghỉ ngơi có nhiều người chuẩn bị chỗ ngủ ngay trong sân nhà mình và thậm chí trên vỉa hè ở gần nhà. Tôi hỏi anh bạn Tuấn:

- Tại sao họ ngủ trên đường phố?.

- Bởi vì, ban ngày các ngôi nhà xây đã bị hun rất nóng và đến tối thì trong nhà vẫn còn rất ngột ngạt. Hầu như không thể ngủ trong nhà được. Vì vậy, vào lúc nóng bức nhiều người không cần đến mái nhà. Đối với người Việt Nam sân và hè phố là sự tiếp nối của ngôi nhà, - anh bạn Tuấn giải thích như vậy.

Ngay trong đêm ấy tôi đã thấy rõ những lời anh Tuấn nói là đúng. Khi xe còn chạy, ngọn gió nhẹ thổi ngược chiều còn thấy mát đôi chút, cho nên chúng tôi chưa thấy khổ nhiều vì oi bức. Nhưng sau nửa giờ, sau khi chúng tôi đã tới nơi nghỉ qua đêm thì quần áo chúng tôi ướt đẫm mồ hôi, y như chúng tôi vừa giặt quần áo và mặc lên người mà chưa kịp phơi khô. Chúng tối đã phải phơi quần áo suốt đêm ấy.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #52 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 01:31:24 pm »

Đêm đầu tiên ở xứ nhiệt đới

Hầu như chẳng có ai trong chúng tôi ngủ được. Người ướt đẫm mồ hôi, thỉnh thoảng chúng tôi trò chuyện với nhau, chia sẻ với nhau những ấn tượng trong những ngày gần đây. Tôi nằm nhìn qua ô cửa sổ, tôi ngắm bầu trời phương Nam chưa quen thuộc và lắng nghe những âm thanh lạ lẫm của màn đêm nhiệt đới.

Mãi đến gần sáng tôi mới chợp mắt được. Đến sáng, chúng tôi ngạc nhiên phát hiện ra rằng sau cả một đêm quần áo của chúng tôi không hề khô một chút nào... Hóa ra, vào mùa ấy độ ẩm trong không khí quá cao, đến nỗi ngay cả phơi. ngoài nắng chang chang thì quần áo cũng không khô hoàn toàn nếu không có gió thổi. Còn những vũng nước sau trận mưa rào thì vẫn còn nguyên, qua hàng tháng trời vẫn không cạn nước ngay cả vào thời tiết nóng bức nhất.

Đến đêm lũ muỗi đã quấy rầy chúng tôi ghê gớm. Khi bị chúng đốt trên da xuất hiện những nốt sưng và thấy rất ngứa, khiến người ta bất giác phải gãi vào những chỗ bị đốt. Những chỗ ấy biến thành mụn nhọt. Với độ ẩm cao và môi trường có nhiều vi trùng những mụn ấy không lành được trong nhiều tuần lễ. Loài muỗi rất háu ăn, nên chúng đốt xuyên qua cả quần áo và - như chúng tôi vẫn nói đùa - chúng đốt xuyên cả túi sau quần và xuyên thủng cả đế giày. Xin nói thêm rằng chúng tôi đã phải nhanh chóng thay giày và chuyển sang loại mềm chân hơn, đó là những đôi dép cao su của Việt Nam mà đã có người trong chúng tôi gọi bằng một tên gọi chính xác là "dép nhũn". Dùng loại dép này quả thật dễ đi hơn.

Sau đó một ngày người ta đã phát cho chúng tôi một thứ đồ trang bị nữa, rất cần thiết trong hoàn cảnh lúc đó: mỗi người đều nhận được một mũ sắt do Liên Xô sản xuất. Và biết đâu được! Nếu ngày ấy tôi xem thường dụng cụ đội đầu cổ xưa ấy của các chiến binh thì có thể giờ đây tôi đã không còn để viết những dòng hồi ức này. Những chiếc mũ sắt đã bảo vệ chắc chắn những mái đầu của chúng tôi chống lại mảnh bom Mỹ và mảnh rốc két loại "không đối đất”. Việc được phát mũ sắt nhắc tôi nhớ đến chiến tranh... Vả lại, chiến tranh cũng đã ngay lập tức tự nhắc đến sự hiện diện của nó. 

Cuộc oanh tạc đầu tiên

Đêm đã về khuya, chúng tôi bị đánh thức bởi những tiếng kẻng gõ vào thân quả bom Mỹ được buộc vào một cành cây - "Báo động có máy bay địch”. Tôi vớ lấy quần áo chiếc mũ sắt, chạy theo những người khác, tôi nhảy qua ô cửa sổ ra ngoài đường. Bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng rít làm thót tim, ập đến với tôi từ phía trên.

‘Bom rơi", - bỗng vụt loé trong tôi ý nghĩ này.

Tôi ngã xuống, cằm đập vào nền đất ướt đẫm. Tôi đội mũ sắt lên đầu, lấy tay bịt tai lại và chờ tiếng nổ. Có vật gì đó rất to, với tiếng rít dữ dội, lao thẳng vào tôi. Tôi nằm ép chặt vào đất, trong tư thế bất động. Tưởng chừng như cả một thế kỷ đang trôi qua. Bỗng nhiên, những lưới lửa mầu vàng cùng lúc đó rọi sáng những nòng pháo cao xạ dài ở phía bên phải tôi. Một loạt bom nổ. Tiếng nổ chát chúa của bom đập mạnh vào tai và trong khoảnh khắc đã không nghe thấy tiếng rít làm thắt ruột gan.

Những tiếng nổ búp búp trên bầu trời, một tiếng nghe khô khốc như tiếng roi quất mạnh. Tiếng rít bỗng thay đổi, giọng điệu dữ dằn của nó thành một giọng thảm thiết, lặng đi rồi im bặt trong bất lực.

“Vậy là không phải bom" - tôi nghĩ vậy và với vẻ ngạc nhiên tôi nghe ngóng sự yên tĩnh bỗng nhiên trở lại. 

Tôi từ từ đứng dậy và nhìn thấy có vật gì đó bùng cháy như cây nến lao nhanh xuống đường chân trời.

"Máy bay bị bắn rơi!", - một ý nghĩ vụt loé trong tôi. Tôi nhìn dõi theo nó rơi xuống tận mặt đất. Một ánh chớp sáng rực trong khoảnh khắc đã chiếu sáng bầu trời. Sau đó dội lại âm thanh của một tiếng nổ đanh ở đằng xa...

20 phút sau còi báo yên vang lên. Trong trạng thái xúc động, run run, chúng tôi uể oải trở về phòng nghỉ của mình với hy vọng rằng có thể còn chợp mắt được cho đến bình minh. Đến sáng mới hay biết chiếc máy bay bị bắn rơi ban đêm đã rơi cách chỗ chúng tôi 8 km. Phi công trên chiếc máy bay này đã không còn cần đến chiếc ghế phóng dù.

Tôi ghi nhớ mãi cái đêm đầy lo âu đó. Đã trôi qua tuần lễ đầu tiên chúng tôi ở trên đất Việt Nam và cuộc chạm trán đầu tiên với chiến tranh...

Từ thời thơ ấu, trong tiềm thức, tôi. hình dung chiến tranh như một con quái vật hung dữ và khủng khiếp. Từ chiến tranh" luôn luôn buộc tôi nhớ đến một từ khác - đó là từ “người cha" mà chiến tranh đã cướp đi mất của tôi.

Cha tôi, ông Nicôlai Đimitơriêvích Côlêxnhích, một thượng sĩ cận vệ, pháo thủ thuộc Lữ đoàn xe tăng số 186, đã hy sinh ngày 30-10-1944 trong trận đánh giải phóng thành phố Liêpaia của Látvia. Ông đã được mai táng tại đó tại nghĩa trang chôn cất các liệt sĩ ở Prixcunxcơ, với số mộ 1344. Hồi ấy ông mới có 20 tuổi. 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #53 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 01:33:03 pm »

Bắt đầu công việc luyện tập

Sau vài ngày, tại vùng Hà Đông ở ngoại thành Hà Nội, chúng tôi đã tiếp nhận các khí tài, tháo dỡ chúng, tiến hành kiểm tra chức năng các hệ thống và bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ chủ yếu của mình là: trong một thời gian ngắn huấn luyện cho các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam biết tác chiến và sau 3 tháng đưa Trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên của Việt Nam vào hoạt động.

Trong thời gian tháo dỡ và kiểm tra khí tài chúng tôi đã có dịp làm quen hơn với vị chỉ huy Tiểu đoàn 61 thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không số 236 là Đại úy Hồ Sĩ Hữu (Xo ШИ XЫY), với các sĩ quan Việt Nam và với các khẩu đội bệ phóng của Việt Nam. Vị chỉ huy tiểu đoàn này nói và viết thạo tiếng Nga: năm 1964 ông đã tốt nghiệp Học viện sĩ quan binh chủng phòng không tại Liên Xô. .

Mỗi khẩu đội Liên Xô lại kèm cặp một khẩu đội Việt Nam, còn tại khấu đội bệ phóng, do thiếu quân số, nên mỗi khẩu đội phải kèm cặp một trung đội. Tôi còn nhớ về người chỉ huy khẩu đội đầu tiên của tôi - đó là Trung sĩ Thành (Txahъ). Anh ấy quê ở miền Nam (là người thành phố Sài Gòn), có vóc người cao hơn những người khác và có thân hình chắc nịch. Anh Thành rất cẩn thận và tập trung.

Trắc thủ số một trong khẩu đội - binh nhất Sơn (Щoh) là một chàng trai cần cù khiêm tốn. Đôi mắt của anh luôn nheo lại trong nụ cười e thẹn. Tuy trông có vẻ lù khù chậm chạp nhưng anh ấy đã học thành thạo trong việc thao tác chiến đấu một cách rất chuẩn xác, nhanh hơn các trắc thủ số 1 ở những khẩu đội khác. Do vậy, mọi người đều quý trọng anh vì phẩm chất ấy.

Trắc thủ số 2 là binh nhất Tiến (TЙEH), có tầm vóc không cao, nhanh nhẹn, rắn rỏi, tự biết giá trị của mình. Anh có tuổi đời lớn hơn so với anh Sơn và anh Lai (ЛАЙ) trắc thủ số 3. Cũng giống như anh Thành, anh Tiến mới 20 tuổi, còn anh Sơn và anh Lai thì mới vừa tròn 18 tuổi, nhưng vấn đề không phải ở tuổi đời. 

Trước ngày trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập, anh Tiến phục vụ trong một trung đoàn xe tăng, đã chiến đấu ở miền Nam, rất yêu quý những gì liên quan đến xe bọc thép đã từng che chở anh trong chiến đấu. Anh không hài lòng khi được chuyển sang binh chủng tên lửa. Lúc đầu anh Tiến có thái độ hoài nghi đối với các phương tiện kỹ thuật tên lửa, đặc biệt không thích những động tác tập luyện nặng nhọc khi chuyển bệ phóng từ tư thế hành quân sang tư thế chiến đấu và ngược lại. Sau này, trong điều kiện chiến đấu anh ấy đã thao tác tuyệt đối nhanh và chính xác. Sau khi chúng tôi bắn hạ được những chiếc máy bay Mỹ đầu tiên, anh Tiến thấy quý trọng tên lửa.

Pháo thủ số 3 là chiến sĩ Lai, có vóc người vừa phải, hơi gầy đã tất nghiệp lớp 10 phổ thông trước khi nhập ngũ và làm nghề buôn bán nhỏ ở Hà Nội. Anh ấy là một thanh niên ham hiểu biết nhưng không cần mẫn lắm. Lúc đầu anh luôn phản ứng lại mọi mệnh lệnh và thậm chí đã tìm cách tranh cãi với anh Thành, nhưng anh Thành đã kiên quyết và bình tĩnh giữ ý kiến của mình.

Phải nói rằng Trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập gồm những người có trình độ học vấn ít nhất là lớp 8 và đã đôi chút hiểu biết kỹ thuật. Trong số các sĩ quan có những người đã từng phục vụ trong pháo binh, từng là các chiến sĩ xe tăng và thậm chí là những nhân viên kỹ thuật của ngành hàng không. Một số người đã tốt nghiệp các trường quân sự, nhưng đa số họ đã học các lớp ngắn hạn đào tạo sĩ quan, còn khoa học quân sự thì họ tiếp nhận trong thực tiễn. Đa số các chàng trai xuất thân từ nông dân thì trước đó chưa hề nhìn thấy phương tiện kỹ thuật nào phức tạp hơn chiếc xe đạp. Tất nhiên, huấn luyện họ là công việc phức tạp... nhưng như người ta vẫn nói, nếu thực lòng mong muốn thì cái gì cũng có thể học được.

Trung đoàn đầu tiên cũng may mắn có người chỉ huy: Thiếu tá Nguyễn Văn Tuyên (Hryeh BAH Tyeh) cũng nói thạo tiếng Nga, vì trước đó không lâu đồng chí này cũng tốt nghiệp Học viện quân sự tại Liên Xô.

Anh Tuyên là người chỉ huy có trình độ, là một người dũng cảm và táo bạo. Anh đã được đào tạo rất tốt về quân sự. Cách đây không lâu tôi được biết tin buồn: cựu chỉ huy của Trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên, Trung đoàn 236 của Quân đội nhân dân Việt Nam, Anh hùng lực lượng vũ trang Việt Nam, Đại tá Nguyễn Văn Tuyên đã qua đời do những vết thương trong chiến tranh.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #54 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 01:34:18 pm »

Vài nét về Quân đội nhân dân Việt Nam

Vào thời ấy trong Quân đội nhân dân Việt Nam chưa có chế độ một thủ trưởng theo quan niệm của chúng tôi, vì trong một số trường hợp chính ủy có quyền bác bỏ lệnh của chỉ huy. Cấp dưới có thể thảo luận mệnh lệnh của chỉ huy... Có thể, ở miền Nam Việt Nam, trong điều kiện chiến tranh du kích, điều đó có thể chấp nhận được. Nhưng trong nhiệm vụ đánh trả các cuộc đánh phá của máy bay thì cơ chế ấy hoàn toàn không giúp cho việc giành thắng lợi.

Vào thời kỳ ấy, một trong những đặc điểm của Quân đội nhân dân Việt Nam là khâu tổ chức cung cấp lương thực cho tập thể các đơn vị. Mỗi tháng mỗi người đều được cung cấp một cách tập trung một số tiền nhất định để mua lương thực. Người chỉ huy đơn vị dùng số tiền ấy mua tập trung lương thực tại các hợp tác xã nông nghiệp gần nhất (chủ yếu mua gạo và rau) và ở ngoài chợ (thịt, cá, dầu, mỡ...).

Khẩu phần bữa trưa của các quân nhân Việt Nam gồm bát canh rau, tô cơm và mấy miếng cá hoặc mấy miếng thịt, sau cùng là uống nước chè theo truyền thống. Sáng và chiều thì khẩu phần gồm một tô cơm và nước chè. Vào những năm ấy ở Việt Nam chưa có bánh mì kiểu như bánh mì của chúng tôi và chưa sử dụng bột mì. Gạo đóng vai trò bánh mì của Việt Nam.

Từ gạo có thể chế biến thành hơn 80 món ăn, nhưng thông thường người ta nấu cơm ăn với rau, với thịt hoặc với cá. Tuy nhiên, chúng ta sẽ tạm dừng chủ đề các món ăn của Việt Nam để trở lại đề tài cuộc chiến ở Việt Nam...

Quá trình huấn luyện được tổ chức như sau: Các phương tiện kỹ thuật chiến đấu được ngụy trang thành những khu nhà ở và các cơ sở kinh tế trên một khu đất cách Hà Nội không xa. Tại đó cũng có những lán trại bằng tre kiểu dã ngoại dành cho các khẩu đội Việt Nam. Còn nơi ở của chúng tôi vẫn như trước.

Hàng ngày, chúng tôi thức dậy vào 5 giờ sáng, ăn sáng vào lúc 5 giờ 30 phút. Từ 6 giờ đến 12 giờ trưa lên lớp: nghiên cứu phần vật chất, những hướng dẫn thao tác trong chiến đấu, sau đó thực tập trên các khí tài - những thao tác chiến đấu, soạn thảo các khẩu lệnh, tiến hành những công việc theo quy chế.

Từ 12 giờ trưa đến 14 giờ - thời điểm nóng nhất trong ngày - ăn, nghỉ trưa.

Từ 14 giờ đến 17 giờ 30 - tiếp tục lên lớp: nhắc lại những điều đã học, giải đáp những thắc mắc.

18 giờ - ăn tối, từ 20 giờ đến 22 giờ - tự học..

Vào các chủ nhật chỉ lên lớp đến 12 giờ trưa.

Dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng thực hiện theo đúng thời gian biểu ấy. Có những việc làm không đúng thời gian biểu do hội họp, đón tiếp các đại diện bộ chỉ huy binh chủng Phòng không, do điều kiện thời tiết, nhưng thường thường là do những trận bắn phá của không quân Mỹ.

Có những buổi lên lớp riêng cho các khẩu đội bệ phóng và riêng cho các khẩu đội kỹ thuật vô tuyến trong trung đoàn. Toàn đội ngũ đều có mặt trong các giờ lên lớp, trừ những người ốm đau và đang trong phiên trực.

Các phiên dịch viên quân sự

Trong trung đoàn chúng tôi có những phiên dịch viên rất xuất sắc là các đồng chí Lao (Лao) và Hào (Xao). Sau 10 ngày lên lớp họ đã trở thành những "kỹ thuật viên" thực sự vì họ có năng lực tuyệt vời trong việc nghiên cứu các phương tiện kỹ thuật. Tất cả các phiên dịch viên đều là các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Rất nhiều điều phụ thuộc vào thái độ của họ trong việc giải quyết một số vấn đề. Do vậy, trong Trung đoàn các phiên dịch viên là những nhân vật nổi trội và được kính trọng. Các sĩ quan Liên Xô cũng như các sĩ quan Việt Nam đều coi trọng ý kiến của họ.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #55 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 01:35:18 pm »

Tên lửa "trở về vị trí cũ” do hàng rào ngôn ngữ

Như tôi đã nói, việc giao tiếp thường xuyên hằng ngày với các bạn Việt Nam không phải bao giờ cũng thông qua các phiên dịch viên, vì số lượng họ không đủ. Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng học cách hiểu bằng các từ tiếng Việt, còn các đồng chí Việt Nam thì cố gắng hiểu bằng các từ tiếng Nga. Tôi phải nói rằng việc làm này không phải không có kết quả. Tôi đã học được khá nhanh các từ Việt Nam để hiểu các mệnh lệnh, tên gọi những đồ vật, những từ chỉ sự định hướng trong không gian và trong thời gian, ví dụ: "Đã sẵn sàng", "Lên trên”, "Xuống dưới", "Nhanh hơn", "Chậm hơn", "Hướng thẳng”, "Sang trái", "Sang phải", "Hướng lên phía trước", "Lui lại", "Nhiều', "ít" và v.v..

Các bạn Việt Nam cũng đã nhanh chóng hiểu bằng tiếng Nga những khái niệm như: "Nào", "Nhanh hơn", "Dừng lại!", "Ngay bây giờ", "Về sau”, "Không được ngủ”, "Kết thúc". 

Thật ra, cũng có khi xảy ra những hiểu nhầm và những chuyện nực cười. Có một lần, trong giờ tự học, trắc thủ vận hành của cabin "U" Xasa Buốcxép đã chứng kiến câu chuyện xảy ra giữa hai trắc thủ vận hành là hai đồng chí Hiển (XИEH) và Phát (Фat). Họ đã ra câu hỏi cho nhau để nhắc lại tính năng các cơ quan điều khiển trong cabin. Đồng chí Hiển chỉ vào nút ấn "Trở lại vị trí cũ” - đó là nút ấn dùng để đưa hệ thống điều khiển bệ phóng vào vị trí ban đầu sau khi phóng tên lửa - và hỏi đồng chí Phát:

- Còn cái nút này để làm gì?

Suy nghĩ một lát, đồng chí Phát trả lời một cách thông thái:

- Đó là trường hợp nếu tên lửa đi chệch mục tiêu thì ấn vào nút "Trở về vị trí cũ” để đưa tên lửa trở về bệ phóng. Đồng thời đồng chí Phát còn lấy tay vạch một cách rất ấn tượng đường bay tưởng tượng của tên lửa trở về bệ phóng.

Đồng chí Xasa, sau khi nghe thấy câu giải thích như vậy đã không nhịn cười được. Các đồng chí Việt Nam thì tỏ ra ngượng nghịu vì chuyện này. Đồng chí Buốcxép giải thích một lần nữa cho các bạn Việt Nam rõ về tính năng thực sự của nút ấn "Quay trở lại".

- Còn như đồng chí Phát nói, nếu tên lửa thực sự quay trở về thì tất cả chúng ta sẽ bay lên trời.

Đến đấy mọi người vui vẻ cười phá lên.

Tình hình chiến sự trở nên phức tạp

Tình hình diễn biến khiến cho thời gian huấn luyện của trung đoàn tên lửa đầu tiên lúc đầu dự tính kéo dài ba tháng thì nay phải rút xuống còn một tháng. Không quân Mỹ đã tăng cường đánh phá ồ ạt vào lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, thành thử các phương tiện cao xạ của Binh chủng phòng không và các máy bay tiêm kích của Việt Nam không đủ sức đánh trả một cách có hiệu quả những cuộc oanh tạc ấy. Đã có những ngày máy bay Mỹ thực hiện hơn 200 lần chiếc đánh phá vào lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Máy bay Mỹ đánh phá đặc biệt ngang nhiên, và trên thực tế đã không bị trừng phạt đích đáng nhất là tại các tỉnh ở phía nam của Bắc Việt Nam, tại khu vực kế cận vĩ tuyến 17 và ở phía tây gần biên giới với Lào.

Bộ chỉ huy của Việt Nam biết phía Mỹ đã thảo xong kế hoạch tiêu diệt Hà Nội. Theo ý kiến của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Giônxơn thì Hà Nội là căn cứ chủ yếu của cuộc chiến tranh du kích chống chế độ Sài Gòn. Chiến lược gia chủ chốt của chính quyền Giônxơn là Rôxtâu đã đưa ra luận thuyết: "Có thể bóp chết cách mạng, nếu chặt dứt hoặc thủ tiêu các nguồn hậu thuẫn và tiếp tế cho cuộc cách mạng đó". Nhằm phát triển luận thuyết ấy Mỹ đã thảo ra một kế hoạch như sau:

Như đã biết, Hà Nội ở trong vùng trũng - thấp hơn 9 mét so với mực nước của một loạt các hồ chứa nước được xây dựng trong nhiều năm và được bảo vệ bằng một hệ thống phức tạp các con đê đất và các con đập. Phía Mỹ lên kế hoạch dùng những đợt ném bom ồ ạt để phá huỷ những đoạn đê chính dẫn từ các hồ chứa nước lớn và qua đó tạo ra dòng thác nước sẽ nhấn chìm thành phố sau vài giờ, bao gồm cả những tòa nhà cao nhất. Vì vậy, Trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được giao nhiệm vụ chiến đấu là bảo vệ không phận ở các ngả gần Hà Nội và chặn đứng mọi mưu toan của không quân Mỹ định thực hiện những gì do các chiến lược gia tham mưu của Mỹ đã vạch ra.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #56 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 01:36:11 pm »

Trận địa đầu tiên

Vào hạ tuần tháng 7-1965 Tiểu đoàn tên lửa 61 của chúng tôi đã chiếm lĩnh trận địa ở đường 32, ngoại ô thị xã Sơn Tây, cách Hà Nội 35 km về phía tây. Tại trận địa đầu tiên này các chiến sĩ tên lửa của Việt Nam đã có được một cơ hội luyện tập tốt, vì để tác chiến thắng lợi thì cần có đủ kinh nghiệm thực tế qua việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật trong những điều kiện thực tế. Khi huấn luyện cho các chiến sĩ tên lửa của Việt Nam thì bản thân chúng tôi cũng đã học được nhiều điều.

Đã bắt đầu những ngày nóng bỏng, nói chính xác hơn, đó là những tháng nóng bỏng. Tình hình chung quanh Hà Nội càng trở nên căng thẳng. Trung tâm theo dõi mục tiêu trên thực tế, phải vất vả cả ngày lẫn đêm. Có những ngày các trắc thủ dẫn đường và toàn bộ đội ngũ khẩu đội kỹ thuật vô tuyến không bước ra khỏi ca bin điều khiển đóng kín suốt 12 - 14 giờ liền. Nhiệt độ trong các ca bin điều khiển đã từng lên đến + 70oC. Anh em đã phải mặc quần đùi ngồi sau những cần điều khiển, nhưng như vậy cũng không thoát khỏi bầu không khí nóng nực và ngột ngạt. Hàng vũng mồ hôi người đã đọng lại phía dưới mỗi chiếc ghế xoay. Có nhiều khi vì thần kinh quá căng thẳng và không khí nóng nực không chịu nổi mà nhiều người đã bị ngất xỉu. Đáng chú ý là tình trạng này thường xảy ra vào những thời điểm tương đối bớt căng thẳng, khi các mục tiêu đã ra khỏi tầm hỏa lực của tiểu đoàn.

Các khí tài chiến đấu của Liên Xô trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt của khí hậu nhiệt đới và chế độ hoạt động căng thẳng gần như suốt ngày đêm đã tỏ rõ tính chất đáng tin cậy tuyệt đối và tính chất dẻo dai của mình. Trong những thời điểm căng thẳng nhất, cả người, cả khí tài đều không làm hỏng việc, nhưng đôi khi đã phải tắt các trạm dẫn đường tên lửa do có sự cố, do bị nóng quá, động cơ điện của quạt gió làm nguội các máy phát từ đã bị cháy. Chỉ mất mấy giây người ta đã thay thế động cơ bị cháy, mặc cho tay bị bỏng và thế là lại trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Thời kỳ xả hơi "trong những đợt mưa”

May thay, mùa mưa nhiệt đới đã đến. Tưởng chừng như không có cách gì tránh khỏi mưa.

Những cơn mưa rào kéo dài hơn một tuần lễ. Chúng tôi đã quen với những cơn mưa như vậy, đến nỗi khi hết mưa, chúng tôi cảm thấy thiếu một điều gì đó. Trong ngày đầu có nắng chúng tôi đã tiến hành kiểm tra cục bộ các khí tài, điều chỉnh độ phẳng ngang của bệ phóng, sau đó kiểm tra hoạt động của toàn bộ tổ hợp.

Vào những ngày tiếp sau đó máy bay Mỹ đã nhiều lần tìm cách luồn tới Hà Nội. Nhưng lần nào cũng vậy, khi chỉ còn cách Hà Nội 50 km là chúng quay trở lại, tựa như chúng cảm nhận được rằng chỉ cần bay tới gần hơn nữa là chúng sẽ gặp điều chẳng lành. Chẳng rõ hồi ấy chúng có biết rằng trên đường bay vào Hà Nội chúng nhất định sẽ gặp phải các tên lửa Liên Xô. Có thể nghĩ rằng chúng đã biết trước điều đó. Tuy nhiên, cuộc gặp ấy vẫn đã diễn ra.

Loạt tên lửa đầu tiên

Sự kiện này xảy ra ngày 24-7-1965, vào buổi chiều, cách Hà Nội 50 km về phía đông bắc. Dưới sự chỉ huy của các Thiếu tá Bôrít Môgiaép và Phêđo Ilinức, bằng đòn tên lửa mạnh mẽ, các Tiểu đoàn tên lửa 63 và 64 đã hạ được 3 chiếc máy bay tiêm kích chứa đầy bom của Mỹ và bay ở độ cao 2000 mét hướng về Hà Nội. Những chỉ huy đồng nhiệm Việt Nam của các tiểu đoàn ấy là các Đại úy Nguyễn Văn Thân (Hryeh BAH Txah) và Nguyễn Văn Ninh (Hryeh BaH Hиhъ). Thượng úy Vlađixláp Cônxtantinốp (trắc thủ tập sự - đồng nhiệm Việt Nam là Trung úy Lã Đình Chi) và Thượng úy Anatôli Bônđarép trắc thủ tập sự - đồng nhiệm Việt Nam là Trung úy Phạm Trường Uy (фam Чыоhъ Yh) - sau này là Anh hùng lực lượng vũ trang của Việt Nam) lần đầu tiên xung trận trong tư cách là các sĩ quan điều khiển đường bay của tên lửa. Sau này họ đã dược tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ và Huân chương Sao đỏ vì các chiến công đã đạt được.

Đó là những chiếc máy bay thứ 399, 400 và 401 của Mỹ bị bắn rơi trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam kể từ ngày 5-8-1964 - ngày mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Các bạn Việt Nam đã dùng mảnh chiếc máy bay Mỹ thứ 400 để làm ra những vật kỷ niệm: trên nền chiếc máy bay Mỹ đang bốc cháy và đâm vào núi là con số "400", trên cuống kỷ niệm chương có dòng chữ Việt Nam "Chiến thắng đầu tiên" và ghi ngày "24.07.65". Tất cả các chiến sĩ tên lửa thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không số 236 của Quân đội nhân dân Việt Nam đều được tặng kỷ niệm chương này.

Sau trận này, trừ các máy bay không người lái, trong hai tuần lễ đã hoàn toàn không có phi vụ nào của không quân Mỹ bay về hướng Hà Nội. Nhưng máy bay Mỹ vẫn tiếp tục ngang nhiên ném bom các tỉnh phía nam của miền Bắc Việt Nam.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #57 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 01:37:20 pm »

Tiếp nhiên liệu cho tên lửa

Nạp chất ôxi hóa cho tên lửa là công việc khó khăn nhất khi chuyển bệ phóng từ "tư thế chiến đấu” sang "tư thế hành quân" và ngược lại.

Mặc dù không tốn nhiều sức lực khi thực hiện, nhưng chẳng ai ưa thích công đoạn này. Nguyên nhân là vì cái nóng và trang bị rườm rà: trước khi làm công việc nạp chất ôxi hóa họ phải khoác lên người bộ quần áo bảo vệ may bằng dạ rất dày, phía ngoài được phủ một lớp màng cao su. Họ phải xỏ chân vào những chiếc ủng cao su, phải chụp mặt nạ phòng khí độc, phía trên mặt nạ đó là một chiếc mũ bằng cao su trùm kín đầu, hai bàn tay phải đi găng cao su. Trong bộ quần áo kiểu "thợ lặn" ấy dưới cái nóng 35oC họ phải thao tác gần một giờ với những chiếc clê, những ống dẫn và những cái van. Mồ hôi chảy đầm đìa.

Sau mỗi lần nạp chất ôxi hóa như thế, người thực hiện công việc này trong 40 phút làm việc, bị sút cân gần 1 kg. Những ai đã thực hiện công việc này sẽ phải chờ đến lần tiếp theo, xem đó như là một sự tra tấn, nhưng ngoài người đó ra thì chẳng còn người nào khác làm việc này.

Nghỉ ngơi

Sau những giờ lên lớp, luyện tập và nạp nhiên liệu, chúng tôi đã không ngồi không. Chúng tôi ngồi ôn lại những câu chuyện diễn ra trong quãng đời trước khi nhập ngũ và "trước khi sang Việt Nam", kể cho nhau nghe giai thoại. Xin nói thêm là các bạn Việt Nam rất thích những giai thoại của chúng tôi.

Trong những giở nghỉ các bạn Việt Nam hay hỏi chúng tôi về đời sống ở Liên Xô, về phong tục tập quán của các dân tộc ở Liên Xô, mà trong nhóm chúng tôi có các anh em thuộc 12 dân tộc: người Nga, người Ucraina, người Bêlarút, người Látvia, người Étxtônia, 1 người Tácta, 1 người Cadắc, 1 người Grudia, 1 người Kiếcghidia, 1 người Iếccút, 1 người Udơbếch và thậm chí 1 người Bungari sinh ra ở Mônđavi.

Vào các buổi tối chúng tôi ca hát có đệm đàn ghita. Ở chỗ chúng tôi có một tay chơi ghita rất cừ, biết nhiều bài hát, đó là đồng chí Xasa Curakin. Những bài thường hay được hát nhất là những bài: "Anh em ơi? Điều chủ yếu là trái tim không được già!", "Người đồng chí bay đến xứ sở xa xôi", "Chiều Mátxcơva"*, "Bài ca về thời tuổi trẻ đầy lo âu”, "ở nơi ấy, xa xa bên kia sông", "Cây thùy dương"*, “Anh em ơi! Hãy tháo yên ngựa", "Trước lúc lên đường đi xa", “Chiều hải cảng"*, "Điệu van Xêvaxtôpôn", "Con tầu Vanắc", "Đàn chim di cư", "Mẹ ơi! Hãy viết thư đến Ai Cập cho con", "Cây phong mảnh mai của tôi", "Những người địa chất"*, "Lá mùa thu”, "Cuộc sống ơi! Ta mến yêu người?"*, và tất nhiên có bài hát "Cachiusa"* v.v..

Có nhiều bài trong số ấy (được đánh dấu *) được các bạn Việt Nam cùng hát với chúng tôi bằng tiếng Nga và bằng tiếng Việt. Trong số các bài hát của Việt Nam chúng tôi đã từng hát khúc quân hành của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là bài "Giải phóng miền Nam".

Thỉnh thoảng chúng tôi tổ chức thi đấu bóng chuyền giữa các đội tuyển của Liên Xô và Việt Nam. Buổi tối chúng tôi vui chơi khi trời đã bớt nóng.

Ngày hội thực sự là những ngày, nói đúng hơn đó là những buổi tối có đoàn chiếu phim lưu động đến chiếu các bộ phim tại trận địa. Thoạt đầu chiếu bộ phim tài liệu ngắn về những hoạt động chiến sự gần đây nhất ở miền Nam Việt Nam có lời dịch song song, sau đó chiếu phim truyện, phim của Liên Xô.

Bộ phim luôn được ưa ,thích là bồ phim "Chú chó Bácbốt và cuộc thi chạy việt dã". Người ta chiếu bộ phim này mấy lần. Lần nào cũng khiến chúng tôi cười sảng khoái. Đó là bộ phim duy nhất không cần có lời dịch cũng hiểu được.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #58 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 01:38:17 pm »

Tiến về phía nam và cuộc phục kích đầu tiên
.

Xét thấy tình hình vùng trời Hà Nội tạm lắng dịu, Bộ chỉ huy Binh chủng phòng không đã giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn tên lửa 61 của chúng tôi trong thời gian ngắn nhất bí mật di chuyển đến vùng thị xã Phủ Lý và tổ chức cuộc phục kích ở đấy. 

Vào buổi tối, sau khi có lệnh "lên đường hành quân" chúng tôi đã rời khỏi trận địa, tổ chức thành đội hình và hành quân trong hai ngày đêm, chủ yếu vào ban đêm, về phía nam theo lộ trình đã vạch sẵn, về hướng tây đường số 1 .

Những ai chưa được nhìn thấy các con đường ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh thì khó mà hình dung được tất cả những khó khăn trên đường hành quân của chúng tôi đi ngang qua những cánh đồng lúa, những khu rừng nhiệt đới và sau cùng là những ngọn núi. Ở nhiều nơi, những con đường bị cày xới trên hàng chục kilômét bởi những hố bom sâu do máy bay Mỹ thả xuống phá huỷ. Chúng tôi đã phải đi vòng, trực tiếp trên các ruộng lúa. Đây là công việc quá khó khăn, vì thậm chí những chiếc xe kéo kiểu ATC của Liên Xô cũng phải trầy trật lắm mới vượt qua được những thửa ruộng ngập bùn lầy. Chỉ có “những con trâu nước" của Việt Nam mới có thể dễ dàng và với một vẻ duyên dáng nào đó di chuyển được trên những ruộng bùn lầy này. Những bệ phóng nặng nề thì mắc kẹt và sa lầy đến tận khung xe. Xích của các xe kéo gầm rú, guồng mạnh và khó khăn lắm mới kéo được những bệ phóng lên nền đường cứng.

Dưới sự chỉ huy của các vị chỉ huy dầy dạn kinh nghiệm - Trưởng ban vận tải của trung đoàn là Đại úy Đ. M. Uđôvencô và phó của ông là Thượng úy V. E. Abrôximốp - các tài xế trên những chiếc xe kéo kiểu ATE và KRAZ đã tỏ ra nhanh trí đến kỳ diệu để vượt qua những địa hình và những trở ngại tưởng chừng như hoàn toàn không thể vượt qua nổi.

Trong các khu rừng nhiệt đới tình hình cũng không dễ dàng hơn bao nhiêu. Nhờ có những vật ngụy trang tự nhiên nên chúng tôi đã di chuyển băng qua rừng ngay cả ban ngày mà không sợ bị phát hiện từ trên không.

Đến chiều tối ngày thứ hai, cuối cùng thì chúng tôi đã ra khỏi các khu rừng. Trước mặt chúng tôi là con sông rộng chừng 35-40 mét, nước chảy rất xiết. Cây cầu đã bị phá huỷ. Chỉ còn lại những khúc gỗ bị cháy sém, bị sức nổ làm văng lên bờ. Có thể thấy rõ rằng bọn Mỹ đã không tiếc bom để dội xuống nơi đây. 

Anh em công binh đã đến giúp chúng tôi. Họ đã nhanh chóng bắc cầu phao. Nhờ đó, dưới bóng đêm, chúng tôi đã bình yên vượt qua bờ bên kia của con sông.

Chế độ "bí mật nghiêm ngặt”

Suốt đêm chúng tôi tiếp tục hành quân. Điều bất ngờ nhất là mặc dù lộ trình của chúng tôi đã được giữ bí mật nghiêm ngặt, song tại mỗi điểm dân cư mà chúng tôi đi qua mọi người dân từ trẻ đến già đều đã ra đón chào chúng tôi.

Người lớn chăm chú ngắm nghía những bệ phóng tên lửa có hình dáng lạ thường được phủ kín vải bạt và sôi nổi trao đổi cảm tưởng. Các em nhỏ, với những cặp mắt sáng và nép người vào nhau để đẩy các em mạnh dạn nhất lên phía trước cho gần các bác "Liên Xô" to lớn nhưng không có vẻ gì đáng sợ. Trong không khí oi ả ngột ngạt của đêm vùng nhiệt đới, những giọng nói thánh thót của họ (bằng tiếng Nga) bay vút lên tựa như những ngọn lửa nồng cháy:

- Liên Xô! Liên Xô! Xin chào? Tốt lắm! Mạc Tư Khoa!

Tài xế chiếc xe ATX của chúng tôi, anh Vanhia Slantrắc đã được bà con Việt Nam, đặc biệt là các cô gái Việt Nam chú ý tới. Anh này có dáng người cao, cân đối, tóc hung và đẹp trai, ngoài ra có bộ râu rất đẹp. Ngay khi anh vừa bước ra khỏi buồng lái đã lọt ngay vào một "vòng vây" khép kín. Ai cũng cố gắng nắm tay chúng tôi hoặc sờ được vào quần áo. Vào cái đêm hôm ấy chúng tôi đã có dịp tham dự vào ba cuộc mít tinh chớp nhoáng chào đón chúng tôi. Cuộc mít tinh thứ ba diễn ra lúc trời đã tảng sáng.

Cơn nóng đã phần nào dịu bớt, không khí trở nên mát mẻ hơn. Trên nền bầu trời đang hửng sáng đã hiện ra những đường nét xám mờ của những ngọn núi không cao lắm .

Sau khi phân tán và ngụy trang các khí tài, chúng tôi đã thoải mái tắm rửa để gột bỏ những lớp bụi mầu đỏ sau chặng đường dài, bằng những thùng nước do bà con nông dân đã có nhã ý đem đến cho chúng tôi. Sau đó, chúng tôi nhấm nháp nhanh khẩu phần khô và những quả chuối do nông dân tặng cho rồi nằm nghỉ dưới một mái che lớn làm bằng những tấm phên tre.

Không khí mát mẻ buổi sáng vẫn còn (chỉ khoảng 27oc) và cơn đói đã dịu nhờ bữa sáng khiến cho chúng tôi buồn ngủ. Ngay khi đầu vừa chạm vào những chiếc gối độn đầy rơm là chúng tôi đã thiếp đi vì mệt nhừ sau chặng đường dài đầy khó nhọc.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #59 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 01:39:20 pm »

Điều bất ngờ dưới gối vào buổi sáng

Chúng tôi bừng tỉnh vì tiếng kêu thất thanh: Á - á!

Lêsin Phômisép, một anh chàng thường ngày là người bình tĩnh và không hay bực tức, đang gào thét, tay cầm chiếc gối và mắt thì mở to vẻ sợ hãi. 

Tuy chưa hiểu điều gì đã xảy ra, nhưng tôi lao đến giúp anh ấy và nhìn thấy một con rắn to với cái lưng có các khoang trắng đen đang từ từ trườn khỏi nơi Lêsin vừa đặt chiếc gối rơm. Sau khoảnh khắc con rắn đã biến mất trong một bụi rậm đầy gai mọc bên cạnh bức phên tre. Nhưng ngoài con rắn ấy, trong khi ngủ chúng tôi còn bị những "cư dân" khác của vùng này viếng thăm.

Có hai cậu, khi ngủ dậy đã phát hiện thấy trên tay mình có những vết đỏ không rõ do đâu mà xuất hiện. Những vết đỏ ấy gây ra một cơn ngứa khá mạnh và một lúc sau thì nổi lên những cái mụn con li ti. Bác sĩ của chúng tôi nhận định đây là vết rộp bỏng do hóa chất. Các bạn Việt Nam đã khẳng định sự phán đoán ấy và giải thích nguồn gốc của các vết rộp là: ở vùng này có một loài côn trùng hiếm thấy, giống như con sâu. Khi chạm phải chỗ hở trên thân thể người, nó tiết ra một thứ khí đặc biệt qua các lỗ nhỏ xíu dưới bụng làm cho lớp da thượng bì bị rộp bỏng. Bác sĩ của chúng tôi đã bôi lớp thuốc mỡ lên chỗ rộp bỏng và băng kín lại. Những chỗ rộp bỏng ấy rất lâu sau vẫn không lành và để lại những vết sẹo thấy rõ trên tay mấy anh chàng ấy.

Chuẩn bị trận địa chiến đấu - Sự giúp đỡ của nông dân


Khi trời bắt đầu tối, đoàn quân chúng tôi di chuyển tới trận địa được lựa chọn sẵn cho tiểu đoàn và sau một giờ thì có mặt tại trận địa.

Trận địa này rất đạt xét trên phương diện chiến thuật, vì đó là sườn dốc, chặn ngang hẻm núi chạy từ phía nam lên phía bắc. Địa hình như vậy đảm bảo cho chúng tôi có tầm nhìn bao quát tốt chung quanh ở hướng nam. Nhưng về phương diện kỹ thuật thì trận địa gây rất nhiều khó khăn: ngọn núi có độ dốc hơn 25 độ, và để bố trí bệ phóng và các ca bin điều khiển chúng tôi đã phải làm những bãi phẳng ngang nhô ra.

Nền thì toàn đá, vậy mà đã phải dùng những chiếc thuổng và xẻng thông thường để khoét vào núi. Công việc diễn ra suốt đêm trong điều kiện ánh sáng được hoàn toàn ngụy trang vì vào thời điểm ấy máy bay Mỹ vẫn ném bom thị xã Phủ Lý, chỉ cách chúng tôi có 8 kilômét về hướng đông nam.

Cứ sau những khoảng thời gian nhất định, máy bay Mỹ lại thả dù gắn những quả pháo sáng cháy trong 5-8 phút. Chúng đã ném bom có bài bản thị xã này, một thị xã mà dân cư đã sơ tán đi từ lâu và trở thành hoang vắng. Chúng sử dựng những đống đổ nát của thị xã như bãi tập ném bom ban đêm. Sau khi ném bom xong, trên đường trở về, các máy bay Mỹ lượn vòng ngay ở phía trên trận địa chúng tôi.

Trên nền bầu trời bắt đầu hửng sáng chúng tôi nhìn thấy rõ những hình dáng màu đen hung dữ của những máy bay ấy. Tiếng động cơ phản lực gầm rú inh tai ngay trên đầu và những tiếng nổ của những quả bom ném xuống thị xã Phủ Lý đã làm tăng thêm sự lo lắng.

Khoảng nửa giờ sau chúng tôi có sự trợ giúp của bà con nông dân đến từ các làng gần đó. Theo lời kêu gọi của huyện ủy, mọi người đã đến giúp chúng tôi: phụ nữ, trẻ em, các cụ già. Với những chiếc rọ và đòn gánh quẩy đất, với những chiếc cuốc, cuốc chim và xẻng, bà con đã bắt tay làm việc hồ hởi. Công việc ngày càng sôi nổi, người đến ngày càng đông. Trận địa lúc ấy trông giống như một tổ kiến lớn bị khuấy động. .

Vào đêm ấy đã có khoảng 300 thường dân đến giúp chúng tôi xây trận địa. Chỉ có nhờ sự giúp đỡ của họ mà đến lúc trời sáng trận địa mới được hoàn thành, chúng tôi bắt đầu triển khai khí tài. Chúng tôi đã cảm ơn mọi người đến giúp và mời họ về nghỉ. Tuy mệt nhọc, nhưng họ không bỏ về ngay mà lại chăm chú quan sát các công việc đang diễn ra lúc ấy, ngắm nghía những vật kỳ lạ - những quả tên lửa, những chiếc xe kéo có xích, những bệ phóng và ngắm nghía những người lính Xôviết chúng tôi. Bất chấp sự mệt mỏi rã rời, những động tác của cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn diễn ra một cách lôgíc, chặt chẽ và có định hướng rõ rệt.

Công việc quả phức tạp khi trong đêm tối phải xác định được độ phẳng ngang của bãi đất nhô ra. Do vậy, tôi đã sử dụng tấm ván phẳng dài 2 mét trên đó có đặt một chai nước để làm dụng cụ đo độ phẳng ngang của bãi đất. Nhờ “dụng cụ đo độ phẳng" ấy chúng tôi đã nhanh chóng giảm được độ nghiêng của bãi đất so với đường chân trời xuống còn 3 độ. Như vậy đã hoàn toàn đáp ứng yêu cầu. Đôi khi, “dụng cụ đo độ phẳng" được thay bằng hai xô nước đổ lên trên bãi đất.

Vì thấy nền đất có đá, và chủ yếu là để giảm thời gian tháo dỡ khí tài sau trận đánh, chúng tôi đã áp dụng một mẹo nhỏ: chúng tôi chỉ chôn sâu một nửa các chân đế của bệ phóng. Như vậy sẽ dễ dàng và nhanh chóng rút chân đế của bệ phóng và nhờ đó rút ngắn được 2-3 phút.

Chúng tôi còn có những bí quyết khác của người lính để nhanh chóng chuyển khí tài từ tư thế hành quân sang tư thế chiến đấu và ngược lại, những mẹo giảm thời gian thực hiện các định mức khác, nhưng tôi sẽ không tiết lộ những mẹo vặt ấy.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM