Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 04:35:10 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh Việt Nam là thế đó 1965 - 1973  (Đọc 123712 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #280 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2009, 04:42:24 pm »

Sự giúp đỡ của Liên Xô (chống xâm lược Mỹ)

Đáp lại đề nghị của ban lãnh đạo Bắc Việt Nam đề nghị ban lãnh đạo của Liên Xô giúp đỡ đánh trả cuộc xâm lược của Mỹ, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã quyết định dành sự giúp đỡ toàn diện cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trên cơ sở quyết định này đã thành lập Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô để cử sang Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc thành lập Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô bắt đầu được tiến hành từ mùa xuân 1965 trên cơ sở các quân khu phòng không Mátxcơva và Bacu. Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên (gần 100 người) đã tới Việt Nam vào tháng 4-1965.

Thời kỳ đầu Trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô là Trưởng nhóm chuyên gia quân sự về tên lửa phòng không, Đại tá A. M. Đdưda, từ tháng 9- 1965 Trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam là Thiếu tướng G. A. Bêlốp.

Đến cuối năm 1966 số lượng chuyên gia quân sự Liên Xô hoạt động tại 4 trung tâm huấn luyện đã lên đến 786 người. Sau này, trong thành phần Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô còn có cả các phi công, lực lượng kỹ thuật - kỹ sư các chuyên gia hải quân, chuyên gia xe tăng, các chuyên gia y tế. Trong thời gian chưa đầy một năm các chuyên gia quân sự Liên Xô đã huấn luyện và đào tạo 10 trung đoàn tên lửa phòng không, 3 trung đoàn kỹ thuật vô tuyến, 2 trung đoàn không quân tiêm kích.

Việc huấn luyện các chiến sĩ tên lửa Việt Nam được thực hiện theo phương châm gấp rút, với nguyên tắc "hãy làm theo tôi". Mặc dù có những khó khăn và phức tạp trong việc đào tạo, nhưng đến ngày 24-7-1965 các khẩu đội Liên Xô đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Phía Mỹ đã bị sốc. Đã chấm dứt sự thống trị trên bầu trời và những cuộc ném bom không bị trừng phạt xuống các cơ sở của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Những trận đánh đầu tiên do các khẩu đội Liên Xô thực hiện, còn các quân nhân Việt Nam, tuy tham gia vào tất cả các trận chiến đấu, nhưng trong tư cách thực tập và các trắc thủ dự phòng. Trong các trận đánh sau đó tất cả các công đoạn chuẩn bị phóng tên lửa và điều khiển tên lửa do các khẩu đội Việt Nam thực hiện, còn các chuyên gia tên lửa Liên Xô thì bọc lót cho bọ, nhanh chóng sửa chữa các sai sót và khắc phục những trục trặc phát sinh. Trong các trung đoàn tên lửa phòng không đã đi vào hoạt động có những nhóm nhỏ các chuyên gia quân sự Liên Xô ở lại giúp, gồm 10 - 15 người.

Các chuyên gia quân sự Liên Xô làm việc tại các trường huấn luyện quân sự của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ nhân lực của Binh chủng phòng không - không quân của Việt Nam. Chỉ trong thời gian 1966 - 1967 tại các trung tâm huấn luyện tại Liên Xô đã có 5 trung đoàn tên lửa phòng không của Việt Nam được đào tạo, với tổng số khoảng 3000 người.

Trong các hoạt động tác chiến bản thân các chuyên gia quân sự Liên Xô lần đầu tiên đối mặt với kẻ địch như vậy trên bầu trời. Họ đã đưa ra những khuyến cáo và những chỉ dẫn về quy tắc bắn: bắn vào các mục tiêu cơ động, bắn vào các mục tiêu trong điều kiện địch sử dụng các kiểu gây nhiễu, trong điều kiện địch sử dụng các loại bom được la de chỉ thị mục tiêu, bắn tên lửa trong điều kiện đối phó với các phương tiện chống tên lửa của ta, như loại tên lửa không đối đất "Sraicơ" (Stanđa ARM") về kỹ thuật ngụy trang, kỹ thuật xây dựng các trận địa, di chuyển, cơ động các bộ khí tài tên lửa phòng không và về những vấn đề khác về tổ chức và tiến hành các trận chiến đấu chống máy bay và các trận chiến đấu trên không.

Nhằm giảm bớt tổn thất về lực lượng phi công, từ năm 1969 bộ chỉ huy của Mỹ bắt đầu sử dụng nhiều hơn các loại máy bay không người lái để trinh sát từ trên không đối với toàn lãnh thổ Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Trong điều kiện địch tích cực sử dụng các hình thức gây nhiễu và các máy bay không người lái bay ở tầm thấp nhất, hiệu suất bắn trúng của các tên lửa phòng không vào mục tiêu máy bay không người lái là 15 tên lửa trên một mục tiêu bị tiêu diệt. Đồng thời, bộ chỉ huy Binh chủng phòng không - không quân của quân đội nhân dân Việt Nam cũng có những hoài nghi nhất định về những khả năng chiến đấu của bộ khí tài tên lửa phòng không X-57 trong việc tiêu diệt các mục tiêu loại đó.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #281 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2009, 04:42:54 pm »

Cho nên, cần phải thực hiện tại chỗ các biện pháp nâng cao hiệu quả của các bộ khí tài tên lửa phòng không và khôi phục uy tín của các phương tiện kỹ thuật quân sự của Liên Xô. Nhằm mục đích này, Tham mưu trưởng của nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô về tên lửa phòng không, Đại tá E. M. Antônốp và là chuyên gia bên cạnh Tham mưu trưởng Binh chủng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam (sau này là Thiếu tướng, tiến sĩ khoa học quân sự, giáo sư) ngay trong tháng đầu tiên đến làm việc đã thực hiện một cuộc phân tích cặn kẽ những lần phóng tên lửa chiến đấu trong năm 1969, đã đề xuất những khuyến cáo khắc phục các khiếm khuyết được phát hiện trong hoạt động tác chiến của các bộ khí tài tên lửa phòng không.

Tháng 11-1969 ông đã trình bày những kết quả phân tích và đưa ra những khuyến cáo tương ứng tại các cuộc họp chuyên môn của các trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô.làm việc tại các trung đoàn tên lửa phòng không. Trước đấy cũng đã có nêu ra một loạt nguyên nhân đã được phát hiện gây ra hiệu suất thấp của các phương tiện phòng không. Tuy nhiên, sự thay thế định kỳ các chuyên gia quân sự Liên Xô đã có kinh nghiệm chiến đấu bằng những chuyên gia quân sự Liên Xô mới tới và chưa quen với những điều kiện tác chiến tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và trong một số trường hợp là thái độ đòi hỏi chưa đầy đủ đối với các khẩu đội chiến đấu người Việt trong các tiểu đoàn tên lửa phòng không, - tất cả những yếu tố đó, trên một mức độ nào đó, đã làm giảm hiệu quả của những lần phóng tên lửa. Ngoài ra, kẻ địch trên không cũng bắt đầu sử dụng những thủ đoạn chiến thuật mới trong việc khắc phục tầm bắn của bộ đội tên lửa phòng không.

Sau khi tiến hành các cuộc họp chuyên môn kể trên với các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Hà Nội, đã diễn ra rất nhiều buổi lên lớp về quy tắc bắn tên lửa vào các mục tiêu bay ở tầm thấp trong những điều kiện phức tạp và về những vấn đề cấp bách nhất của lý thuyết bắn tên lửa phòng không có điều khiển. Các Trung tá V. A. Guđê và E. M. Antônốp đã chuẩn bị và tiến hành những buổi lên lớp với bộ chỉ huy Binh chủng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong một thời gian sớm nhất, kết quả của những biện pháp được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả chiến đấu của bộ đội tên lửa phòng không đã bắt đầu bộc lộ. Đã có 20 máy bay không người lái bị tiêu diệt trong một thời gian ngắn, hiệu suất đạt được lên tới 8 tên lửa trên một mục tiêu bị tiêu diệt, có một máy bay ném bom chiến lược (B-52) bị tiêu diệt, trong điều kiện có gây nhiễu tích cực, bởi quả tên lửa đuổi theo (đây là lần đầu tiên trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam).
Khi xác định cung cấp các loại vũ khí và khí tài quân sự bộ linh kiện dự trữ và dụng cụ chuyên dùng, các yếu tố hợp thành, thì người ta đã sử dụng kinh nghiệm do quân đội Liên Xô đã tích luỹ được trong việc vận hành và khai thác máy móc thiết bị trong những điều kiện khí hậu khác nhau của Liên Xô. Bộ Tổng tham mưu Binh chủng phòng không Liên Xô, bộ đội công trình tên lửa, bộ đội kỹ thuật vô tuyến của Binh chủng phòng không Liên Xô đã luôn luôn duy trì liên hệ với Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về các vấn đề vận hành và khai thác, cũng như sử dụng các bộ khí tài tên lửa phòng không và các bộ khí tài ra đa trong chiến đấu.

Cần nêu rõ hoạt động có hiệu quả - xin nói thẳng rằng trong những điều kiện như vậy thì hoạt động này mang tinh thần anh hùng - của các đại diện nền công nghiệp quốc phòng trong việc khôi phục các phương tiện kỹ thuật bị hư hại, và chủ yếu là trong việc hiện đại hóa những phương tiện kỹ thuật ấy. Hơn 7 năm trời đồng chí Ivan Pêtơrôvích Sápcun đã lãnh đạo đội quân công nghiệp quốc phòng. Lao động của ông đã được đánh giá xứng đáng bằng những phần thưởng cao quý của Liên Xô. Còn Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì đã tặng Huân chương Chiến công cao quý với tất cả các hạng cho đồng chí Sápcun. Đồng chí là người duy nhất ở Liên Xô nhận được loại huân chương ấy với cả ba hạng (đồng chí đã mất vào tháng 10-2003).
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #282 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2009, 09:20:43 am »

Tổng cục 4 của Bộ Quốc phòng Liên Xô và cá nhân Cục trưởng Cục 1, Trung tướng M. I. Vôrôbiép đã thật sự chú ý đến vấn đề đảm bảo cung cấp liên tục vũ khí và các phương tiện kỹ thuật quân sự, chất lượng của vũ khí và việc lựa chọn vũ khí cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí Vôrôbiép đã nhiều lần sang Việt Nam với nhóm cán bộ công nghiệp quốc phòng và các chuyên gia thuộc Tổng cục 4 của Bộ Quốc phòng Liên Xô. Những công lao của đồng chí Vôrôbiép cũng đã được đánh giá bằng những phần thưởng cao quý của Liên Xô và của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bộ Tổng tham mưu Binh chủng phòng không Liên Xô đã dành sự giúp đỡ có hiệu quả cho Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô. Để thực hiện điều này, vào những thời kỳ tác chiến Bộ Tổng tham mưu đã cử các nhóm tướng lĩnh và các sĩ quan sang Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kinh nghiệm chiến đấu tại Việt Nam đã được đem ra nghiên cứu trong các đơn vị thuộc Binh chủng phòng không của Liên Xô. Tổng Tư lệnh Binh chủng phòng không của Liên Xô đã ra lệnh thành lập một ủy ban chuyên trách vấn đề này, đứng đầu là Phó Tư lệnh Binh chủng tên lửa phòng không, Trung tướng X. Ph. Vikhorơ. Đã có những thay đổi trong các văn bản quy chuẩn, các phương tiện kỹ thuật quân sự của Liên Xô được hiện đại hóa. 

Tổng Tư lệnh Binh chủng phòng không Liên Xô, Nguyên soái Liên Xô P. Ph. Batixki (ông đã có vài lần thăm Việt Nam), Tổng Tham mưu trưởng, Thượng tướng V. Đ. Xôdinốp, các tướng Ph. M. Bônđarencô, X. Ph. Vikhorơ, A. C. Vancốp đã có đóng góp to lớn vào việc hình thành Binh chủng phòng không - không quân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ ngày 11-7-1965 đến ngày 3-12-1974 đã có 6359 tướng lĩnh và sĩ quan và gần 4,5 nghìn binh sĩ và hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang Liên Xô tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Giai đoạn kết thúc cuộc xâm lược của Mỹ tại Việt Nam

Năm 1972 tình hình ở Việt Nam đã trở nên căng thẳng rõ rệt.

Ngày 30-3-1972 bộ đội của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chuyển sang tấn công ở miền Nam Việt Nam trên 3 hướng: hướng bắc, hướng trung tâm và hướng nam. Trong giai đoạn đầu họ đã giành được những thắng lợi đáng kể. Phía Mỹ đáp lại bằng hành động mở rộng phạm vi hoạt động của không quân ra toàn lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 15-4 Mỹ đã thực hiện phong tỏa đường biển (thả thuỷ lôi) của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại cảng Hải Phòng có 18 tầu biển nước ngoài bị phong toả, trong số đó có 10 tầu của Liên Xô. Tình hình của các lực lượng yêu nước trở nên phức tạp. Với sự yểm trợ của không quân Mỹ, quân đội Sài Gòn đã có sự kháng cự quyết liệt. Tổng thống Níchxơn (trước khi diễn ra cuộc bầu cử) đã quyết định leo thang chiến tranh.

Từ tháng 6, chiến sự ở miền Nam Việt Nam có tính chất kéo dài. Sau khi đã có được những thắng lợi nhất định và mong muốn củng cố những thắng lợi ấy bằng con đường ngoại giao, ban lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã đưa ra sáng kiến hòa bình mới.

Tại Pari cuộc đàm phán lại được nối lại. Cả hai phía đều đã có những nỗ lực to lớn. Dự thảo Hiệp định đã được thảo xong, nhưng việc ký kết bị kéo dài. Lợi dụng thời gian tạm ngừng bắn, Mỹ đã tăng cường giúp đỡ cho chế độ Sài Gòn, cung cấp cho nó gần 600 máy bay và trực thăng, hơn 10 nghìn tấn trang thiết bị các loại.

Ở giai đoạn chót của cuộc đàm phán, phía Mỹ đã đưa ra một loạt điểm sửa đổi không thể chấp nhận được đối với các đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Ngày 13-12 Mỹ đã đình chỉ cuộc đàm phán, hứa sẽ trừng phạt Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và sẽ buộc Chính phủ Bắc Việt Nam phải ký bản hiệp ước với những điều kiện của Mỹ.

Cuộc chiến trên không của Mỹ chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bước vào giai đoạn mới. Trên thực tế, Mỹ đã tung ra tất cả những lực lượng không quân và hải quân hiện có của Mỹ ở Đông - Nam Á để chống lại Việt Nam. Các hoạt động tác chiến của lực lượng không quân. Mỹ diễn ra hồi tháng 12-1972 là đỉnh điểm của toàn bộ cuộc chiến trên không của Mỹ - chống lại Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #283 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2009, 09:21:43 am »

Theo ý đồ của ban lãnh đạo chính trị - quân sự của Mỹ thì những cuộc dội bom dữ dội và ồ ạt vào thủ đô của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Thành phố Hà Nội - và vào những thành phố khác thuộc các tỉnh trung tâm cần phải phá vỡ việc điều khiển đất nước, làm suy sụp tinh thần của nhân dân Việt Nam, bẻ gãy ý chí kháng cự của nhân dân Việt Nam và qua đó buộc ban lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải ký hiệp định theo những điều kiện có lợi cho Mỹ. Đồng thời còn thực hiện nhiệm vụ tiếp tục tàn phá các cơ sở quân sự và kinh tế, các tuyến giao thông, đè bẹp hệ thống phòng không của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Để giải quyết các nhiệm vụ đề ra và để đạt được mục tiêu chính trị cơ bản, bộ chỉ huy của Mỹ tại chiến trường đã thực hiện - từ ngày 18 đến ngày 30-12-1972 - chiến dịch tấn công từ trên không được hoạch định kỹ lưỡng, với việc điều động tất cả lực lượng không quân: không quân chiến lược, không quân chiến thuật và máy bay của hải quân. Tổng cộng trong chiến dịch này đã huy động hơn 800 máy bay chiến đấu, trong đó có 83 máy bay ném bom chiến lược B-52, 36 máy bay chiến thuật F-111, 54 máy bay của hải quân A-7D đã có sẵn tại khu vực chiến trường.

Một bộ phận lực lượng thuộc Hạm đội 7 đã được huy động để đảm bảo chiến dịch trên không này. Hoạt động đánh phá kiểu đơn lẻ (và theo tốp) cũng như những hoạt động tác chiến riêng lẻ đã được thay thế bằng việc sử dụng ồ ạt tất cả các loại máy bay theo kế hoạch thống nhất và theo ý đồ thống nhất, dưới một sự chỉ huy thống nhất với sự phân công rõ ràng các nỗ lực của các loại máy bay căn cứ theo các nhiệm vụ được phân công, theo các khu vực đóng căn cứ và thống nhất theo thời gian.

Chiến dịch trên không này đã được tiến hành có tính đến kinh nghiệm chiến đấu đã tích luỹ được, với việc vận dụng các quan điểm mới trong nghệ thuật tác chiến và trong chiến thuật, trong điều hành và đảm bảo cho quân đội. Chiến dịch này cũng là sự thử thách thường lệ và mạnh mẽ nhất đối với vũ khí mới, những thủ đoạn mới và các phương thức tác chiến mới.

Cơ sở của ý đồ chiến dịch ấy là:

- ngay trong những giờ đầu tiên của chiến dịch phải giành cho được sự thống trị tuyệt đối trên bầu trời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng những trận đánh phá vào các sân bay, phong tỏa các sân bay từ trên không, đè bẹp các phương tiện phòng không;

- giáng những đòn đánh phá ồ ạt vào cơ sở chủ yếu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Thành phố Hà Nội, cũng như vào cảng Hải Phòng, vào các cơ sở hành chính - công nghiệp và các tuyến giao thông ở các tỉnh trung tâm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có dành một số lực lượng đáng kể để đảm bảo cho các nhóm oanh tạc, dùng pháo trên các chiến hạm thuộc Hạm đội 7 bắn phá vào các mục tiêu dọc bờ biển và các tuyến giao thông;

- đánh phá liên tục vào các cơ sở (đánh phá cả ngày lẫn đêm).

Chiến dịch trên không này được tiến hành trong hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất - từ 18 đến 24-12, giai đoạn hai - từ 26 đến 30-12. Vào ngày 25-12, Ngày lễ Giáng sinh của các tín đồ Công giáo, đã không ghi nhận được một phi vụ nào của không quân Mỹ trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong giai đoạn đầu, mỗi đêm có 2 - 3 đợt oanh tạc ồ ạt bằng không quân chiến lược, giữa những đợt oanh tạc của không quân chiến lược là các hoạt động của các máy bay tiêm kích - ném bom tối tân nhất F-111, ban ngày thì không quân chiến thuật và các máy bay của hải quân thực hiện các cuộc đánh phá. Trong giai đoạn thứ hai, không quân chiến lược thực hiện 1 - 2 cuộc oanh tạc ồ ạt mỗi ngày. Số lượng đợt oanh tạc giảm đi được bù lại bằng việc tăng số lượng máy bay trong mỗi đợt oanh tạc, từ 26 chiếc tăng lên thành 72 chiếc, mật độ máy bay tăng từ 0,2 chiếc/phút lên thành 1,25 chiếc/phút, thay vì một hướng đã tăng lên thành 2 - 3 hướng bay đột nhập.

Các hướng tác chiến chính là hướng tây và đông - nam. Trong cả chiến dịch đã có 34 đợt oanh tạc ồ ạt được thực hiện, với 2814 lần chiếc (ban đêm có 1910 lần chiếc), cường độ trung bình ngày đêm là 234 lần chiếc (ban đêm là 151 lần chiếc).

Lực lượng oanh tạc chính yếu là không quân chiến lược. Nó tạo thành cơ sở của các cuộc oanh kích ồ ạt của lực lượng không quân và lần đầu tiên không quân chiến lược được sử dụng với số lượng lớn như vậy.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #284 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2009, 09:22:44 am »

Cấu trúc cuộc oanh tạc của không quân chiến lược gồm:    

- Nhóm thứ nhất (các máy bay F-4) - là nhóm gây nhiễu thụ động và phong tỏa các sân bay - bay ở tuyến đầu, bay trước các nhóm máy bay oanh tạc (B-52) 15 phút, ở độ cao 6- 7km.

- Nhóm thứ hai (F-105) - là nhóm phát hiện và khống chế các phương tiện phòng không (4 - 6 máy bay được trang bị tên lửa chống tên lửa phòng không kiểu "Sraicơ", "Stanđa ARM") - bay trước 1 - 2 phút trước khi xuất hiện các nhóm máy bay oanh tạc mục tiêu, bay ở độ cao 3 - 4km.

- Nhóm thứ ba (F-4) - nhóm này trực tiếp yểm hộ các nhóm oanh tạc (có 2 - 4 máy bay F-4 yểm trợ 1 tốp B-52) - bay ở độ cao 8 - 9km.

- Nhóm thứ tư là nhóm oanh tạc, mỗi tốp gồm 3 chiếc B-52, bay trung bình ở độ cao 10,4km.

Các máy bay chiến thuật và các máy bay của hải quân đảm bảo cho các hoạt động tác chiến (60%), thực hiện các cuộc oanh tạc (36%), tiến hành trinh sát (4%).

Trong chiến dịch kể trên địch đã đặc biệt chú ý đến khâu tổ chức và tiến hành chỉ huy, và đảm bảo toàn diện.

Căn cứ theo kế hoạch thống nhất và ý đồ thống nhất thì công tác chỉ huy chung do trung tâm điều hành cơ động ở Thái Lan đảm nhiệm, công tác chỉ huy các hoạt động chiến đấu thì do Trung tâm chỉ huy tác chiến ở Sài Gòn đảm nhiệm, còn công tác chỉ huy trực tiếp thì do Sở chỉ huy trên không đảm nhiệm.

Khâu đảm bảo bao gồm: trinh sát, khống chế các phương tiện-vô tuyến - điện tử, trực tiếp yểm trợ cho các nhóm máy bay oanh tạc và yểm trợ bằng hỏa lực của các tàu chiến.

Đối với Binh chủng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam thì chiến dịch trên không kể trên của không quân Mỹ không phải là điều bất ngờ cả trên phương diện chiến lược, cả trên phương diện chiến thuật. Trước khi diễn ra chiến dịch trên không này của không quân Mỹ, phía Việt Nam đã thực hiện một loạt biện pháp: sắp xếp lại các đơn vị quân đội; hoàn thiện công tác kỹ thuật xây dựng các trận địa và khâu ngụy trang các trận địa; các đơn vị và các phân đội chiến đấu đã trải qua thực tiễn chiến đấu tại Quân khu 4, v.v..

Các khâu chuẩn bị, tổ chức và tác chiến đều được thực hiện theo đúng các luận điểm cơ bản của học thuyết chiến tranh nhân dân: tích cực tiêu diệt lực lượng địch, bảo vệ và củng cố lực lượng của mình; dùng lực lượng ít để thắng kẻ địch có ưu thế về số lượng; kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh thông thường, kết hợp chặt chẽ hoạt động chiến đấu của quân chính quy với hoạt động chiến đấu của quân địa phương và dân quân tự vệ. Do đó, nhiệm vụ của bộ đội tên lửa phòng không, của bộ đội pháo ca xạ, của không quân tiêm kích là tiêu diệt địch, bảo toàn lực lượng của mình.

Tính đến ngày 18-12 đã có 62% các tiểu đoàn tên lửa phòng không, 64% các tên lửa chiến đấu, 38% máy bay tiêm kích, khoảng 9% phi công (bay đêm, Đài hiển thị tầm trung), 25% sân bay chiến đấu cơ động, - đã trong tư thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.

Sự đánh giá tình hình do bộ chỉ huy Binh chủng phòng không - không quân đưa ra là chính xác. .

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #285 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2009, 09:23:47 am »

Ngày 16-12 chúng tôi đã được cảnh báo về khả năng địch tiến hành các đòn oanh tạc, đến ngày 17-12 đã xác định được chính xác thời gian diễn ra đợt oanh tạc thứ nhất.

Tư lệnh Binh chủng phòng không - không quân, Đại tá Lê Văn Tri (sau này là Trung tướng) đã triệu tập họp tất cả các sĩ quan chỉ huy sư đoàn và trung đoàn tại Sở chỉ huy trung tâm và giao nhiệm vụ chiến đấu cho họ. Nhiệm vụ chủ yếu của bộ đội tên lửa phòng không và pháo cao xạ là tiêu diệt các máy bay ném bom B-52. Như vậy, nhiệm vụ chủ yếu không phải là phòng thủ cơ sở, tức là không để địch đánh phá cơ sở, mà chủ yếu là bắn rơi máy bay. Nhiệm vụ của không quân tiêm kích là chỉ hành động bằng những lực lượng thường trực.

Trong 11 ngày đêm đã tiêu diệt dược 81 máy bay (trong đó có 34 máy bay B-52, 3 máy bay F-111).

Hoạt động của các binh chủng có đặc điểm dưới đây:

Bộ đội tên lửa phòng không là lực lượng chủ lực trong việc giải quyết các nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống phòng không của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bộ đội tên lửa phòng không đã đánh trả 25 cuộc oanh tạc ồ ạt, đã phóng tên lửa 181 lần, phóng đi 321 tên lửa (6 tên lửa bắn rơi 1 máy bay), đã bắn rơi 54 máy bay (trong đó đã bắn rơi 31 chiếc máy bay B-52).

Đã có 135 lần phóng tên lửa vào các máy bay B-52, đã phóng 224 quả tên lửa, bắn rơi 31 máy bay B-52, tức là 90% tổng số máy bay B-52 bị bắn rơi trong thời gian đó (hiệu suất là 0,23; 7,9 tên lửa bắn rơi 1 máy bay).

Đã có 46 lần phóng tên lửa vào các máy bay chiến thuật và máy bay của hải quân, đã phóng đi 77 quả tên lửa, bắn rơi 23 máy bay (hiệu suất là 0,5, tốn 3,3 tên lửa cho 1 máy bay bị hạ).

Rất đáng thú vị khi so sánh 2 trận đánh của sư đoàn phòng không Hà Nội: ngày 19-12 - từ 4 giờ 40 phút đến 5 giờ 46 phút, và ngày 26-12 - từ 22 giờ 45 đến 23 giờ 40 phút.

Ngày 19-12: cuộc oanh tạc được tiến hành từ một hướng, mật độ là 0,6 máy bay/phút. Đã thực hiện 19 lần phóng tên lửa, phóng đi 35 quả tên lửa, bắn rơi được 1 máy bay B-52. 

Ngày 26-12: cuộc oanh tạc được tiến hành từ 3 hướng, mỗi chiếc ở trong phạm vi 10 - 15km, mật độ bay - 1,5 máy bay/phút. Đã thực hiện 24 lần phóng, đã phóng đi 45 quả tên lửa, tiêu diệt được 6 máy bay B-52.

Mặc dù gặp những điều kiện tác xạ phức tạp hơn, nhưng ngày 26-12 lại đạt được những kết quả cao hơn hẳn. Trong cuộc đánh trả đợt oanh tạc ngày 19-12, người ta thấy bộc lộ tình trạng thiếu kinh nghiệm tác chiến trong việc đánh trả cuộc oanh tạc ồ ạt trong những điều kiện đài điều khiển tên lửa bị gây nhiễu mạnh, sử dụng chưa thành thạo các chế độ hoạt động tích cực và thụ động của đài điều khiển tên lửa, số lượng tên lửa phóng đi bị hạn chế (do lượng dự trữ ít), những sai sót trong khâu nhận biết mục tiêu - 5 lần bắn (gần 20%) nhằm vào các máy bay thuộc lực lượng không quân chiến thuật.

Bộ đội tên lửa phòng không chịu những tổn thất không lớn. Đã có 10 cuộc bắn phá vào các trận địa tiểu đoàn tên lửa phòng không, trong đó có 4 cuộc bắn phá không gây thiệt hại cho khả năng sẵn sàng chiến đấu ~đó là những trận địa đã để trống hoặc các trận địa giả), một cuộc bắn phá trong tên lửa "Sraicơ") đã hoàn toàn làm mất khả năng sẵn sàng chiến đấu, không thể phục hồi được khí tài; còn ở 5 tiểu đoàn còn lại thì khí tài bị hư hại một phần và đã được phục hồi sau 12 - 15 ngày.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #286 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2009, 09:25:07 am »

Binh chủng tên lửa phòng không được phong danh hiệu Anh hùng".

Pháo cao xạ: giữ vai trò quan trọng trong việc đối phó với các mục tiêu bay thấp, trong việc bảo vệ các trận địa tên lửa phòng không, bảo vệ các sân bay, cầu cống, v.v.. Đã bắn rơi 20 máy bay (24%), trong đó có 1 máy bay B-52 và 3 máy bay F-111.

Không quân tiêm kích đã có 10 trận không chiến, đã bắn rơi 7 máy bay (2 chiếc B-52 - 7%), tổn thất trong các trận không chiến - 3 máy bay.

Bộ đội kỹ thuật vô tuyến diện chủ yếu đảm bảo cung cấp thông tin về tình hình trên bầu trời cho quân đội và dân chúng biết. Đã phát hiện và đã bám sát 2875 máy bay (mỗi ngày 239 chiếc). Thiệt hại - một đài ra đa bị loại. Cần nêu rõ hoạt động có kết quả của các đại đội ra đa ở hai bên sườn (làm điểm tựa) trong điều kiện bị nhiễu mạnh. .

Nhìn chung cần thừa nhận những hoạt động chiến đấu của Binh chủng phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam là có hiệu quả. Có thể khẳng định điều đó bằng những ví dụ:

Trong Chiến tranh thế giới thử hai, cứ 1000 lần chiếc máy bay cất cánh thì có 9 chiếc bị bắn rơi, ở Triều Tiên cứ 1000 lần chiếc máy bay cất cánh thì có 4 chiếc bị bắn rơi, còn tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cứ 1000 lần chiếc cất cánh thì có 7 chiếc bị bắn rơi, riêng trong tháng 12-1972 thì cứ 1000 lần chiếc cất cánh có 34 chiếc bị bắn rơi.

Trong cuộc đấu này người thắng là bộ đội phòng không Việt Nam.

Ngày 30-12-1972 sau khi chịu những tổn thất nặng nề, Mỹ đã từ bỏ việc tiếp tục chiến dịch và đã không đạt được mục tiêu chính trị.

Cuộc đàm phán ở Pari được nối lại. Và đến ngày 27-1-1973 đã diễn ra lễ ký kết Hiệp định "Về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam".

Theo Hiệp định, tất cả các hành động sử dụng vũ lực trên bộ, trên không và trên biển đều bị cấm và các bên đã cam kết như sau:

1. Hoa Kỳ chấm dứt hoạt động quân sự tại miền Nam Việt Nam;

- chấm dứt ném bom các cơ sở của Việt Nam Dân chủ ông hòa;

- trong thời hạn 2 tháng phải rút quân đội ra khỏi miền Tam Việt Nam; 

- gỡ mìn tại các khu vực nội thuỷ thuộc lãnh hải Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

2. Trong thời hạn 2 tháng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trao trả hết các tù binh Mỹ cho phía Hoa Kỳ.

3. Trong thời hạn 1 năm (28-1-1973 - 28-1-1974) Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính quyền Sài Gòn trao trả tù binh cho nhau.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #287 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2009, 09:25:49 am »

Việc rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam có nghĩa là chấm dứt việc các quốc gia nước ngoài chiếm đóng lãnh thổ Việt Nam trong gần 100 năm.

Tại các vùng giải phóng của miền Nam Việt Nam chính quyền cách mạng đã được củng cố. Đến ngày 30-4-1975 thành phố Sài Gòn đã được giải phóng khỏi chế độ bù nhìn, đến ngày 2-7-1976 thì diễn ra việc tái thống nhất miền Nam và miền Bắc Việt Nam thành một quốc gia thống nhất - Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Vậy là chính nghĩa đã toàn thắng trên đất nước Việt Nam.

Nhân dân Việt Nam đã có thể chiến thắng trong cuộc đánh trả xâm lược Mỹ cũng nhờ, ở mức độ đáng kể, vào sự giúp đỡ của Liên Xô dành cho Việt Nam, vả lại đó là sự giúp đỡ rất lớn. Từ năm 1953 đến năm 1991 trên thực tế sự hợp tác kỹ thuật - quân sự đã diễn ra trên mọi phương diện. Trong thời gian kể trên tổng khối lượng vũ khí và kỹ thuật quân sự được cung cấp lên đến 15,7 tỷ đô la. Số lượng vũ khí đã cung cấp gồm có: 2000 xe tăng, 1700 xe bọc thép, 7000 khẩu pháo và súng cối, hơn 5000 pháo cao xạ và súng máy cao xạ, 158 bộ khí tài tên lửa phòng không, hơn 700 máy bay chiến đấu, 120 máy bay trực thăng, hơn 100 tàu chiến: đã đưa vào hoạt động 117 cơ sở quân sự" (báo "Độc lập", số 126 ra ngày 21-10-1998). 

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Liên Xô cũng đã đóng góp phần to lớn vào thắng lợi của Việt Nam. Họ đã anh dũng và hy sinh quên mình trong khi thực hiện nghĩa vụ quân nhân để giúp nhân dân Việt Nam theo tinh thần quốc tế chủ nghĩa.

Theo các số liệu của Tổng cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô, thì từ ngày 11-7-1965 đến ngày 31-12-1974 đã có 6359 sĩ quan và tướng lĩnh và hơn 4500 binh sĩ và hạ sĩ quan của các lực lượng vũ trang Liên Xô tham gia chiến đấu tại Việt Nam. Tổn thất về người trong thời gian đó là 13 người, trong đó 4 người hy sinh trên các trận địa chiến đấu. 

Đã có 2190 quân nhân Liên Xô được tặng các phần thưởng nhà nước của Liên Xô, đã có hơn 3000 chuyên gia quân sự Liên Xô được tặng thưởng các huân chương và huy chương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tháng 2-1973, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Ilia Xécghêêvích Sécbacốp đã đánh giá công lao của các chuyên gia quân sự Liên Xô như sau: "... các chuyên gia quân sự Liên Xô đã hoàn thành một cách vẻ vang nhiệm vụ của mình. Bằng công lao chiến đấu của mình, họ đã tạo cơ hội và mở đường cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở Đông - Nam Á. Giờ đây những quan hệ kinh tế sẽ phải được khởi động...".

Vị Đại sứ Liên Xô đã đánh giá cao như vậy về Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô là có cơ sở: Bản thân ông Đại sứ Liên Xô, người từng tham gia cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô. đã ra mặt trận. Do vậy, ông đã đi sâu vào nhiều vấn đề của công việc phục vụ quân ngũ, các công việc và quan hệ giữa các chuyên gia quân sự Liên Xô với các quân nhân Việt Nam, đã thường xuyên quan tâm đến sinh hoạt và những điều kiện sống của các chuyên gia quân sự Liên Xô, đã cung cấp cho chúng tôi những bài học về những phong cách ngoại giao và ứng xử tế nhị,

Ông Sécbacốp đã đảm nhiệm chức vụ Đại sứ từ năm 1964 đến tháng 11-1974. Đó là những năm diễn ra sự can thiệp quân sự mạnh nhất của Mỹ ở Đông Dương. Ông Sécbacốp đã đón tiếp nhóm đầu tiên của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô và trên thực tế ông đã cùng với họ ở đây đến ngày kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam.

Trong đợt đánh trả chiến dịch trên không mang tên “Lainơ Bếchcơ - 2" Đại tá C. X. Babencô (sau này là Trung tướng), trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô bên cạnh Tư lệnh Binh chủng phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam đã thiết lập được những quan hệ mang tính chất hết sức cầu thị, thân hữu và đầy tin cậy với vị Tư lệnh phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tá Lê Văn Tri. Ông cũng rất có uy tín với Bộ tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #288 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2009, 09:26:32 am »

Thông thường những khuyến cáo của ông đều luôn luôn được chấp nhận và thực hiện. Về phần mình, ông Babencô luôn được phía Việt Nam cung cấp kịp thời những tin tức chính xác tạo điều kiện cho các chuyên gia Liên Xô đưa ra những đề xuất đáp ứng tình hình mới xuất hiện. Chúng tôi sử dụng tài liệu này trong quá trình nghiên cứu xử lý các vấn đề về tổ chức tác chiến chống kẻ địch hiện đại trên không, hiện đại hóa và hoàn thiện vũ khí và khí tài quân sự cũng như trong việc đề ra nhiệm vụ kỹ - chiến thuật cho vũ khí và khí tài quân sự mới.

Kỹ sư trưởng về tên lửa phòng không, Đại tá M. E. Xapencô đã có những cố gắng to lớn. Duy trì khí tài trong tư thế sẵn sàng chiến đấu trong những điều kiện của Việt Nam, nhất là trong thời gian tác chiến, - đó là nhiệm vụ vô cùng phức tạp. Trong quá trình hiện đại hóa các khí tài đã có sự tham gia của Đại tá M. E. Xapencô. Ông đã quy định chế độ kiểm tra gắt gao đối với chất lượng những sự cải tiến. Các khí tài chỉ được chuyển giao cho phía Việt Nam sau khi đã có quyết định phê chuẩn của Đại tá Xapencô.

Thiếu tướng không quân, Anh hùng Liên Xô M. I: Phêxencô được cử làm Trưởng nhóm chuyên gia không quân Liên Xô bên cạnh Tư lệnh không quân Việt Nam. Đồng chí Phêxencô cũng được các phi công của lực lượng không quân Quân đội nhân dân Việt Nam rất tín nhiệm. Nhiệm vụ chủ yếu của ông là đào tạo các phi công chiến đấu và các kíp sĩ quan cho sở chỉ huy. Theo thông lệ, trong các trận không chiến phần thắng thuộc về các phi công Việt Nam. Tháng 12-1972 Mỹ đã bị tổn thất 7 máy bay trong các trận không chiến, phía Việt Nam chỉ bị tổn thất 3 chiếc.

Tham mưu trưởng của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô là Đại tá Ilisencô. Phải nêu rõ rằng nhìn chung hoạt động của ban tham mưu được tổ chức khá bài bản và tốt. Tinh thần này cũng được truyền cho các nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô làm việc tại các trung đoàn. Họ là những chuyên gia trực tiếp làm việc trong các đơn vị quân đội. Có thể biểu dương các nhóm chuyên gia mà các trưởng nhóm là Trung tá Xêrưi và Trung tá V. I. Philíppốp. Tất cả các chuyên gia quân sự Liên Xô trong các nhóm này đều đã nhận được các phần thưởng của Chính phủ Liên Xô và của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tôi cũng phải biểu dương công tác của đỏng chí Xuxlốp Paven Ivanôvích, Phó Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam của tôi. Đồng chí ấy rất quan tâm đến vấn đề cải thiện điều kiện sinh hoạt của đội ngũ Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam và đã làm được nhiều việc theo hướng này. Trong những thời kỳ đặc biệt nguy hiểm đồng chí đã luôn luôn có mặt cùng toàn thể đội ngũ chuyên gia.

Trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đã giữ liên lạc thường xuyên với Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam thông qua Phó Tổng tham mưu trưởng, Thiếu tướng Phùng Thế Tài (sau này là Thượng tướng). Về cơ bản, chúng tôi đã cùng đồng chí Tài giải quyết mọi vấn đề về hợp tác kỹ thuật - quân sự. Trường hợp giải quyết những vấn đề phức tạp nhất thì chúng tôi gặp Tổng tham mưu trưởng, Đại tướng Văn Tiến Dũng, thỉnh thoảng có gặp Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thông thường, trước khi bước vào thảo luận, các vấn đề được nghiên cứu kỹ lưỡng và chỉ sau đó mới đưa ra quyết định.

Cả trong thời gian yên tĩnh, hoạt động của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô cũng rất căng thẳng. Cần tiến hành phân tích sâu sắc các hoạt động tác chiến của Binh chủng Phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam, thu thập một khối lượng lớn các số liệu về các trận đánh của bộ đội phòng không và về các trận không chiến, về tổ chức, lập kế hoạch, chỉ huy các phân đội, các đơn vị và các liên đội thuộc Binh chủng Phòng không - không quân, về hoạt động và khả năng của lực lượng không quân Mỹ ở Đông - Nam Á, đánh giá tình hình và đề ra những đề xuất cụ thể không chỉ đối với phía Việt Nam, mà cả đối với Binh chủng phòng không Liên Xô.

Những cuộc gặp gỡ đặc biệt quý báu - đó là những cuộc gặp gỡ với Tư lệnh Binh chủng Phòng không - không quân, Tướng Lê Văn Tri, cũng như - trong khuôn khổ đội ngũ chiến đấu - với các vị chỉ huy các sư đoàn phòng không, các trung đoàn, các tiểu đoàn (các phi đội, đại đội) thuộc binh chủng phòng không, tại các trường quân sự.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #289 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2009, 09:27:35 am »

Cuối năm 1973, theo đề nghị của phía Việt Nam, chúng tôi bắt đầu soạn thảo các điều lệnh chiến đấu của Binh chủng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam và các binh chủng khác. Có một nhóm sĩ quan (8 người) từ Liên Xô sang Việt Nam. Họ là các cán bộ thuộc Học viện Phòng không và thuộc các trường quân sự Liên Xô. Công việc của họ đã diễn ra trong vài tháng cùng với bộ máy của Trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam. Chúng tôi đã giúp phía Việt Nam trong việc chọn địa điểm, cơ cấu và thiết lập mô hình Học viện quân sự. Các công việc hiện đại hóa và sửa chữa vũ khí và khí tài quân sự vẫn được tiếp tục. Vậy là công việc cũng đủ làm.

Chúng tôi đã có cơ hội kỷ niệm cùng nhau những ngày quốc khánh của Liên Xô và của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tổ chức những cuộc thi đấu thể thao, tham quan các bảo tàng và những địa điểm lịch sử của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 
Chỉ có hoạt động nhịp nhàng của cả tập thể, nhận thức rõ. các nhiệm vụ được giao phó, trình độ chuyên nghiệp, ý thức cao về nghĩa vụ và trách nhiệm mới có thể giúp chúng tôi, các chuyên gia quân sự Liên Xô, trụ vững một cách vẻ vang trước những thử thách như vậy và xứng đáng với lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam.

Trong những năm 1973 - 1974 đã có một số đoàn đại biểu từ Liên Xô sang Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để giải quyết các nhiệm vụ khác nhau về hợp tác kỹ thuật - quân sự. Ví dụ, tháng 2-1973, đoàn đại biểu do Tướng M. Xécgâysích, Chủ nhiệm Tổng cục công trình thuộc ủy ban Nhà nước về hợp tác kinh tế của Liên Xô, dẫn đầu đã nghiên cứu các vấn đề giúp đỡ Quân đội nhân dân Việt Nam trong lĩnh vực phục hồi các khí tài chiến đấu, hiện đại hóa các khí tài chiến đấu, chuyển giao cho Liên Xô những khí tài chiến tranh đã tịch thu được của Mỹ. Sau đó một năm đã có một nhóm tướng lĩnh và sĩ quan thuộc Tổng Cục 10 của Bộ . Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô, do Tướng Vintilốp dẫn đầu, sang Việt Nam làm việc, với nhiệm vụ kiểm tra hoạt động của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam và giúp đỡ họ.

Từ ngày 21 đến 28-12-1974 đã diễn ra cuộc viếng thăm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của đoàn đại biểu quân sự Liên Xô, đứng đầu là Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên Xô, Đại tướng V. G. Culicốp. Đoàn đại biểu quân sự này được mời sang dự kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Lần đầu tiên có một đoàn đại biểu quân sự ở cấp cao như vậy đến thăm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Buổi đón tiếp đoàn đã diễn ra hết sức nồng nhiệt với nội dung phong phú và diễn ra ở trình độ cao. Các ủy viên Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam - Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Văn Tiến Dũng - đã có cuộc hội đàm với Tướng Culicốp. Hoạt động của đoàn đã được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin rộng rãi và có được sự hưởng ứng hết sức tích cực.

Kết quả hoạt động của đoàn là sự củng cố hơn nữa tình hữu nghị giữa Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phát triển hơn nữa công cuộc hợp tác kỹ thuật - quân sự giữa hai nước Liên Xô và Việt Nam và giữa các lực lượng vũ trang của hai nước. Quy chế "chuyên gia quân sự Liên Xô" được thay bằng quy chế "cố vấn quân sự Liên Xô"; thay vì chức Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đã áp dụng chức vụ Trưởng cố vấn quân sự bên cạnh Bộ trưởng Quốc phòng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chuyến công tác biệt phái của tôi tại Việt Nam đã kết thúc ngày 15-12-1974. Song vì có chuyến viếng thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên Xô nên ngày tôi trở về Mátxcơva đã được chuyển sang tháng 1-1975.

Ngày 9-1-1975 chúng tôi lên máy bay trở về nước. Nhân dịp kết thúc đợt công tác của tôi tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đại sứ Liên Xô, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tư lệnh Binh chủng Phòng không - không quân đã tổ chức những buổi tiếp đãi nồng ấm, thân tình, đã diễn ra những buổi dạ tiệc gia đình giữa chúng tôi chia tay với các chuyên gia Liên Xô và các bạn Việt Nam.

Buổi chia tay với các tập thể chuyên gia quân sự Liên Xô, với ngoại giao đoàn, với tùy viên quân sự, với các bạn Việt Nam đã diễn ra với tình cảm bịn rịn. Chúng tôi để lại một phần trái tim của mình tại đây, tại đất nước Việt Nam trải qua nhiều đau thương. Cuộc tiễn đưa tại sân bay cũng nồng ấm như vậy.

Chúng tôi rời khỏi Việt Nam với ý thức của những người đã hoàn thành vẻ vang nghĩa vụ quốc tế. Cả đến hôm nay chúng tôi vẫn mang ý thức ấy.

Đối với cá nhân tôi, thời gian có mặt tại Việt Nam là một trường học lớn về cuộc sống của một quân nhân chuyên nghiệp và là của một công dân của Liên Xô vĩ đại. Tôi lấy làm kiêu hãnh và vinh hạnh mang danh hiệu chiến sĩ quốc tế chủ nghĩa.

Tôi đã có cơ hội xem xét lại nhiều điều trong sự đánh giá những quan niệm của tôi về hòa bình, về binh nghiệp của một chiến sĩ thuộc Binh chủng phòng không. Lại một lần nữa tôi nhận thức rõ rằng chủ nghĩa đế quốc vẫn không thay đổi bộ mặt thật của mình là tên sen đầm tàn ác cho dù nó có ngụy trang bằng những mặt nạ nào chăng nữa. Vì lợi nhuận, bọn tư bản sẽ đạp bằng mọi nền tảng tinh thần và đạo lý. Nghề của tôi là bảo vệ Tổ quốc, đó không phải là một khẩu hiệu, không phải là lời hiệu triệu. Nó đã trở thành kim chỉ nam cho sự hoàn thiện một cách liên tục tri thức, những khả năng, những kỹ năng, nắm chắc không chỉ các nguyên lý, mà cả chiều sâu nghề nghiệp, sự nhận thức về ý nghĩa của nghề nghiệp và về quyền sống, để ngăn chặn những kẻ xâm lược mới trên trái đất, không cho chúng phá hoại lao động hòa bình của chúng ta, sự bình yên và sự yên tĩnh của chúng ta.
Mátxcơva, ngày 10-11-2003

HẾT
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM