Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 11:07:54 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh Việt Nam là thế đó 1965 - 1973  (Đọc 123813 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #190 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2009, 11:27:04 am »

“Bác” Xêmenức

Trong đoàn chúng tôi chủ yếu là những người trạc 30 tuổi nhưng có một vài đồng chí nhiều tuổi hơn. Một trong số họ là một chuyên gia về tất cả các loại đạn dược, một người hiền lành, rất dễ chịu, gấp rưỡi tuổi chúng tôi, những lúc vui chúng tôi thường gọi là "Bác" Xêmenức. Trong tiếng Việt từ "Bác" thường được người trẻ tuổi dùng để gọi người lớn tuổi hơn với lòng kính trọng. Trong công việc của chúng tôi ông là một chuyên gia có trình độ cao, điều này chúng tôi đã được chứng kiến nhiều lần. Nhưng có một lần đã xảy ra một sự kiện mà độc giả đã được biết về việc “phóng" động cơ tên lửa "Sraicơ" và từ đó chúng tôi đã được gắn cái biển tên "Sư đoàn hoang dã"

Trong góc căn buồng của chúng tôi ở Đại sứ quán có một chiếc két hai ngăn và cạnh đó có hai cái hòm. Chiếc két và hai cái hòm chứa đủ mọi thứ do các đoàn trước để lại cho chúng tôi "làm của thừa kế”. Lúc rảnh việc, đôi khi Xêmenức vô tình lục lọi trong đó, bất ngờ thấy được một chiếc kíp nổ mà lần đầu tiên ông nhìn thấy. Đó là một cái ống hình xilanh có đuôi. Chưa biết đó là cái gì?

Xêmenức phải kìm lòng mất mấy ngày. Nhưng rút cục chẳng kiềm chế được mãi và ông hỏi mọi người: kiếm đâu được cái cưa để bóc lớp vỏ bọc ngoài ra. Không tìm đâu ra cưa và Xêmenức đã trấn tĩnh lại. Nhưng sự thể chưa phải đến đây là hết. Một hôm, ông lặng lẽ trèo qua cửa sổ đi ra ngoài hành lang và đi luồn ra ngoài. Chẳng ai để ý đến việc đó - đó là chuyện thường ngày. Một lúc sau có tiếng nổ đanh và tiếng va chạm của vật kim loại phát ra và vật đó lăn trên nền đá của hành lang. Sau đó mới xác định được là cái đục đã văng ra, tiếp đó thấy Xêmenức xuất hiện, ông ta cười gượng. Ông đã băng mấy ngón tay trái bằng một chiếc khăn tay, tay phải cầm cái đục. Xêmenức để đục xuống bậu cửa sổ, rồi đi ra ngoài. Lúc về tay lại có chiếc búa. Búa bị văng ra bãi cỏ, ông tìm mãi mới thấy.

Đó cũng còn là may, không bị mất ngón tay nào, tuy đục và búa văng đi, nhưng việc chọn nơi hành động không đạt lắm. Sau đó Xêmenức thú nhận rằng sở dĩ ông ta chọn hành lang, theo ông là chỗ hẻo lánh nhất, ở đó tất cả các cửa sổ đều đóng kín. Điều tai hại nhất, mọi việc đã xảy ra ngay dưới các cửa sổ của Đại sứ quán. Chiều hôm đó đoàn trưởng của chúng tôi được đại sứ triệu đến để khiển trách.

Xin thông báo với các bạn đọc: từ tháng 5-1965 đến tháng 12-1968, đoàn khoa học - quân sự chúng tôi làm việc trong những điều kiện địch ném bom bắn phá và rải mìn xuống địa hình, đã thu thập được và gửi về Liên Xô trên 800 các loại mẫu trang bị và kỹ thuật quân sự của Mỹ, trong đó có các loại đạn dược, các bộ phận máy bay, tên lửa, các thiết bị trinh sát vô tuyến điện tử và thiết bị chụp ảnh.

Bài hát


Bây giờ, nếu bạn đọc có thể kiên trì cùng tác giả đi đến phần kết, thì bạn đọc có thể hiểu được bài ca của chúng tôi nói lên điều gì. Tôi cũng hy vọng rằng bạn đọc sẽ hiểu được có bao nhiêu điều đã gửi gắm vào nhũng dòng ngắn gọn tặng những người đã ở Việt Nam cách đây một phần ba thế kỷ.

Những cây cọ đung đưa giữa đất trời Hà Nội
Giữa những hồi còi báo động, giữa những tiếng ve kêu,
Trên bầu trời lũ "Phan tôm" gầm thét xé toạc những đám mây. 
Nỗi kinh hoàng không xua được chúng tôi vào căn phòng hẹp –

Ai mà biết được, đâu là nơi kết thúc cuộc đời
Đến ông trời cũng không sao biết được,
Chiếc “Sraicơ" mù quáng rơi xuống đâu.
Chúng tôi cũng phóng “Sraicơ"

Và cũng hiểu ra ngay tức khắc,
Tại bể bơi đã trình lên
Với vua Thủy tề cùng lũ thủy thần.
Nếu ở đâu đó không có tiếng nổ,

Từ trên trời đã đưa xuống Bác Xê,
Bác Xêmenức đã gây ra tiếng nổ,
Ngay dưới cửa sổ của Ngài đại sứ.
Thời đó đã xa lắm rồi.

Quanh bàn hôm nay vắng bóng bao người –
Nhắc lại kỷ niệm về ai đó,
Còn ai đó vĩnh viễn đã ra đi.
Chúng ta nghiêng mình tưởng nhớ họ,

Rồi sau nhớ lại những năm qua,
Những gì diễn ra ở nơi đó 
Tuổi trẻ chúng ta ở Hà Nội. 
Hãy nâng cốc:
“Một trăm gram”!
“Một trăm gram”!

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #191 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2009, 11:27:54 am »

Tái bút.

Tôi đã đọc lại những gì đã viết và cũng suy ngẫm lại. Từ đó đến nay cuộc sống ở đất nước chúng tôi đã có biết bao thay đổi. Cái chính là những giá trị. Hiện nay đó là đồng tiền. Chẳng lẽ chúng tôi đến Việt Nam vì tiền? Lớp trẻ hiện nay liệu có hiểu được chúng tôi không? Một người trẻ tuổi đọc điều này và nói: không phải là một cuộc chiến tranh mà là một sự tiêu khiển. Và nhắc lại điều này để làm gì? Chui vào Việt Nam dưới bom đạn, tiêu tốn mất bao tiền bạc, của cải, còn đất nước mình thì bỏ quên.

Chúng ta hãy tha thứ cho sự trơ trẽn của lớp người trẻ tuổi chúng ta. Tôi cho rằng, ở họ cái đó như là những cái lông của con nhím - để bảo vệ tránh cái cuộc sống đang đổ sập xuống chúng ta. Chúng ta hãy bình tĩnh tìm hiểu việc

Một là, về sự "tiêu khiển". Ở Việt Nam, nước Mỹ đã bị chết 57 nghìn người - gấp mười lần trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Chúng đã ném xuống Việt Nam gần 14 triệu tấn bom, đạn và mìn - gấp nhiều lần chúng đã sử dụng ở khắp mọi nơi trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Hiện nay, người phản biện trẻ tuổi của tôi, hãy lấy một tấm bản đồ địa lý, hãy so sánh lãnh thổ Việt Nam và châu Âu mà so sánh sự chết chóc gấp mấy chục lần trên từng tấc đất Việt Nam trong cái cuộc "tiêu khiển" đó.

Hai là, về sự hồi tưởng lại. Hiện nay "chỗ dựa chính của nền văn minh phương Tây và sự đảm bảo dân chủ trên toàn thế giới", trên thực tế - thế giới bị cày xới - ai muốn làm gì thì làm. Muốn cho Irắc đổ máu cứ làm, muốn Nam Tư đổ máu - không có vấn đề gì. Và cứ thế mãi sao? Liệu tên Vua Bóng tối đã hút đủ số máu ấy chưa hay nó sẽ còn thèm khát những số nạn nhân tế thần lớn hơn nữa? Đối với loài người hiện nay không có vấn đề gì quan trọng hơn. Cần phải biết nhiều, để giải đáp được đúng vấn đề này, cần phải biết thật là nhiều, trong đó có việc cần phải biết xem có phải luôn luôn tình hình là như vậy. Hãy nhớ lại.

Tháng 8-1972 ở Paris có các cuộc đàm phán hòa bình. Mỹ ép buộc Việt Nam rất nhiều, nói một cách đơn giản, những điều kiện không thể chấp nhận được. Tất nhiên là Việt Nam không chấp thuận những điều kiện đó. Thế rồi ra sao? Chiếc dùi cui lớn của tôi đâu? Phái đoàn Mỹ rời khỏi Pari và ngay trong tháng 12 cuộc tấn công bằng không quân rất ồ ạt vào Việt Nam lại tiếp diễn. Máy bay xuất phát từ tất cả các căn cứ xung quanh - gần tám trăm máy bay, trong đó có gần hai trăm máy bay B-52. Mỗi chiếc B-52 chở tới 27 tấn bom... đánh vào các khu dân cư?! Ở đây mới thấy được hết sự tàn bạo. Trong 12 ngày đầu đánh phá đã có 81 máy bay bị bắn rơi, có 34 chiếc B-52 Trong đó 31 chiếc B-52 do các bộ khí tài tên lửa phòng không X-75 bắn rơi. Còn thiệt hại của Việt Nam. Bị thiệt hại 13 bộ khí tài tên lửa, nhưng sau hai tuần đã khôi phục lại được và chỉ có một bộ khí tài không thể khôi phục được.

Và cuối cùng suy đi tính lại mãi và lặng lẽ quay trở lại Pari, tại đó Mỹ đã chịu ký Hiệp định trong tháng 1-1973 với sự thất bại thảm hại.

Ba là, về tiền bạc. Đúng, chúng ta đã bỏ ra nhiều, rất nhiều tiền của để giúp Việt Nam. Nhưng hãy nói xem, người phản biện trẻ của tôi, anh đã không tiếc bỏ ra bao nhiêu "tiền của" của chính mình cho thắng lợi của chính nghĩa ở quy mô này? Và đây chính là thắng lợi của chính nghĩa trên phạm vi toàn thế giới. Chẳng lẽ đây lại là một sự mua chuộc? Tôi không tin.
Chỉ tiếc rằng, trong thế kỷ XX này lại có một ngày lễ hội "tràn đầy nước mắt". Thông thường, sau lễ hội, mây đen sẽ kéo đi và mang theo cái gì đó. Và điều đó có nghĩa là đám mây đen sẽ nhanh chóng tan đi.

Cuối cùng điều phức tạp nhất - về đất nước của chúng ta. Ở đây, anh bạn phản biện trẻ của tôi, gần đúng - trên thực tế chúng ta đã thua. Nhưng trong cuộc chiến nào? Trong cuộc chiến tranh lừa dối, mua chuộc làm bùng lên những bản năng thú vật. Chẳng lẽ chúng ta lại có thể đứng trong cuộc chiến đó, nếu như đội quân thứ năm đã bắt đầu ngay từ đầu. Và đội quân này đã được lập ra bằng tiền bạc. Về vấn đề này "anh bạn Bill" phải cay đắng nêu lên trong phiên bế mạc cuốc họp ủy ban thống nhất các tham mưu trưởng ngày 25-12-1995. Thậm chí ông ta đã chỉ định một lượng tiền phải chi tiêu - nhiều triệu đô la. Với số tiền đó có thể mua được bao nhiêu "nhà dân chủ”? Tại đây ông ta đã ca ngợi những lợi nhuận đầu tiên đến lúc đó đã thu được, bằng những kế hoạch chia cắt nước Nga. Một báo cáo rất súc tích. Tôi khuyên mọi người hãy tìm hiểu báo cáo đó, đặc biệt là những người cho đến bây giờ vẫn đeo trên đôi tai mình một sợi mì "dân chủ” của "những người độc lập" với các phương tiện thông tin đại chúng của chúng ta.

Liệu có hổ thẹn không nếu tham gia chơi trong cuộc chiến này? Không - thật cay đáng. Vi sinh vật phá hủy thân thể con người, con người ốm đau và thậm chí có thể chết một cách khổ sở, cay đắng. Nhưng một ai đó khôn ngoan có ý chí, sẽ đặt lên bàn cân một bên là "con người", còn bên kia là "kẻ chiến thắng" anh ta - dân đen vi sinh vật?
Mátxcơva, năm 2000

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #192 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2009, 09:55:33 am »

THIẾU TƯỚNG
XTUCHILỐP ALẾCHXANĐRƠ IVANÔVÍCH

Ông sinh ngày 18-9-1920 tại tỉnh Cuốcgan.

Gia nhập Hồng quân từ năm 1938. Tham gia chiến tranh Phần Lan và Chiến tranh giữ nước vĩ đại. 

Năm 1941, là đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn trượt tuyết ở Lêningrát.

Năm 1942, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn bộ binh, sĩ quan tham mưu mặt trận phía Tây.

Năm 1943 học viên Học viện quân sự Phrunde.

Năm 1944, tham mưu trưởng Trung đoàn bộ binh phương diện quân Lêningrát.

Năm 1945 - 1946 học viên Học viện quân sự Phrunde.

Từ năm 1947 đến năm 1957 là sĩ quan cao cấp Cục tác chiến, tham mưu phó sư đoàn, trung đoàn trưởng, tham mưu trưởng sư đoàn bộ binh cơ giới Quân khu Duyên hải.

Năm 1958 - 1959 học viên lớp quân sự cao cấp Học viện sĩ quan Quân chủng phòng không mang tên Du cốp.

Từ năm 1959 đến năm 1962, trưởng phòng tác chiến Quân đoàn phòng không Dacápcadơ.

Từ năm 1963 đến năm 1967 tham mưu trưởng Quân đoàn 20 Tập đoàn quân phòng không độc lập số 4.

Từ tháng 8-1968 đến tháng 12-1969 tham gia chiến đấu ở Việt Nam, trưởng đoàn chuyên gia phòng không thuộc Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô.

Từ năm 1970 đến năm 1976, tham mưu phó rồi tham mưu trưởng Tập đoàn quân phòng không độc lập số 4.

Được thưởng Huân chương Chiến tranh giữ nước vĩ đại hạng 1, Huân chương Sao đỏ, Huân chương Lao động Cờ đỏ, "Vì sự nghiệp phục vụ Tổ quốc" hạng III, Huân chương Chiến công hạng II và Huy chương Hữu nghị của Việt Nam, và 20 huân chương của Liên Xô.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #193 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2009, 09:56:45 am »

CUỘC CHIẾN TRANH THỨ BA CỦA TÔI

Năm 1968 tập đoàn quân đội Mỹ ở Đông Nam Á có khoảng 500 nghìn quân. Lực lượng chính của tập đoàn này tập trung ở miền Nam Việt Nam.

Lực lượng không quân Mỹ - 1500 máy bay chiến đấu đặt căn cứ trên 2-3 hàng không mẫu hạm của Binh đoàn không quân xung kích số 77 ở vịnh Bắc Bộ - 200 đến 300 máy bay, ở miền Nam Việt Nam - 800 máy bay, ở Thái Lan - 250 máy bay, ở Philíppin - 150 máy bay. Máy bay ném bom chiến lược B-52 ở Thái Lan đậu tại căn cứ không quân Utapao.

Trong suốt các năm 1968 - 1969 thành phần và tập đoàn không quân Mỹ không thay đổi. Ở thời kỳ này các hoạt động chiến đấu có những đặc điểm riêng. Không quân Mỹ tạm ngừng đánh phá vào các mục tiêu Bắc Việt Nam, nhưng lại tích cực hoạt động ở Quân khu 4 (phía nam miền Bắc Việt Nam, trên Vĩ tuyến 17). Khu 4 là một khu vực quan trọng đảm bảo liên lạc với miền Nam Việt Nam, vì vậy không quân Mỹ hoạt động rất tích cực tại đây. Hàng ngày, từ trên các hàng không mẫu hạm nhiều tốp (phi đội) máy bay bay lượn phía ngoài vùng phóng của các tiểu đoàn tên lửa phòng không, đã đánh phá và phóng các tên lửa điều khiển thụ động "Sraicơ".

Tại Quân khu 4, máy bay Mỹ vẫn thường xuyên tiếp tục sử dụng các loại bom, trong đó có các loại bom từ trường, bom bi đánh vào các trận địa, các khu dân cư, nhất là đường số 1 chạy dọc theo khu vực phía Nam. Bom bi (500 quả trong một trái bom mẹ) được máy bay ném xuống từ độ cao 200-300 mét. Bốn máy bay rải bom bi xuống đường và các khu dân cư dài tới 2.000 - 3.000 mét.

Máy bay, tàu chiến Mỹ đã sử dụng nhiễu một cách tích cực và có hiệu quả: nhiễu xung phản hồi, nhiễu âm thanh tích cực, nhiễu thụ động.

Trên màn hình của các phương tiện ra đa, vô tuyến điện có thể quan sát được các nhiễu xung - hiển thị dưới dạng một số lớn các chấm giả của các mục tiêu trên không, việc đó gây khó khăn hoặc loại bỏ hoàn toàn khả năng phân biệt các chấm đó với các mục tiêu thật.

Nhiễu âm thanh tích cực tạo nên một vệt sáng trên màn hình, do đó và làm mất khả năng quan sát mục tiêu.

Nhiễu tiêu cực (thụ động) - đó là các dải bằng kim loại mỏng được máy bay tung ra phía trước, dọc theo đường bay. Các dải bằng kim loại này có khả năng phản xạ sóng ra đa rất lớn, lớn hơn nhiều so với máy bay và vì vậy các hệ thống bám sát mục tiêu của bộ khí tài tên lửa "phải quét đi quét lại nhiều lần" để tách các nhiễu đó ra.

Từng chiếc máy bay chiến đấu có đặt thiết bị gây nhiễu chuyên dụng (KS - 135) và các hạm tầu của hải quân Mỹ đi tuần trong vịnh Bắc Bộ đã thả nhiễu.

Các kíp chiến đấu của các tiểu đoàn tên lửa đã có kinh nghiệm đối phó với tên lửa "Sraicơ": kịp thời phát hiện máy bay phóng tên lửa, quay ăngten sang một bên tránh đường thẳng trực tiếp: tên lửa "Sraicơ" sau khi được máy bay phóng ra vẫn bay về phía trận địa của tiểu đoàn, ngay lập tức các trắc thủ tắt điện cao thế của ăngten, làm cho “Sraicơ" mất khả năng tiếp tục bay theo chùm sóng do khí tài tên lửa phát ra. Tên lửa "Sraicơ" bay sang hướng khác, lệch hướng trận địa của tiểu đoàn, lúc này kíp trắc thủ phóng tên lửa hoặc tiếp tục điều khiển tên lửa đánh chiếc máy bay đã phóng "Sraicơ".
Tại Quân khu 4, sau khi hất được tên lửa "Sraicơ" sang một bên, các sĩ quan của đoàn chuyên gia của trung đoàn đã tìm đến được chỗ nó rơi. Một quả tên lửa "Sraicơ" chưa nổ đã được đưa về Hà Nội, sau đó đưa về Mátxcơva.

Máy bay tốc độ cao SR-71 thường bay ở khu vực trung tâm của miền Bắc Việt Nam. Máy bay SR-71 từ căn cứ trên đảo Ôkinaoa của Nhật Bản, bay qua lãnh thổ Việt Nam theo hướng Hải Phòng - Hà Nội và tiếp đó, bay về Thái Lan ở độ cao 24000 mét với tốc độ 3000 km/giờ.

Máy bay không người lái được máy bay vận tải phóng đi từ vịnh Bắc Bộ theo đường bay qua khu vực Hải Phòng, Hà Nội và xuống phía Nam qua Quân khu 4 ở độ cao 200 - 300 mét, tốc độ 1000 km/giờ. Máy bay không người lái có hai camêra chụp ảnh, phim rộng 5 mm. Chúng bay cả ban ngày và ban đêm. Trong các chuyến bay đêm, khi chụp ảnh chúng đã dùng đèn chiếu sáng của bản thân để chụp. Ban ngày và ban đêm các tiểu đoàn tên lửa phòng không chỉ dùng một quả tên lửa để bắn máy bay không người lái. Hiệu quả bắn rất cao. 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #194 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2009, 09:58:17 am »

Các chuyên gia quân sự Liên Xô về phòng không ở Việt Nam đã hoàn thành hai nhiệm vụ có liên quan với nhau.

- Thứ nhất: đảm bảo hiệu quả và kết quả cao trong việc sử dụng trang bị và kỹ thuật chiến đấu;

- Thứ hai: hàng ngày huấn luyện cho các kíp chiến đấu Việt Nam biết sử dụng thành thạo và độc lập vũ khí trang bị của Liên Xô trong chiến đấu, không cần có sự trợ giúp của chúng tôi.

Bộ tham mưu chuyên gia quân sự về phòng không gồm các sĩ quan được đào tạo tốt, đã qua thực tế, nắm chắc lý thuyết, được điều đến từ các tập đoàn, binh đoàn phòng không, các chuyên gia của các trường bắn, các viện nghiên cứu khoa học và thiết kế, các kỹ sư của ngành công nghiệp.

Để hoàn thành chức trách của các trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô cấp trung đoàn tại Việt Nam, các đồng chí đó đã từng chỉ huy binh chủng tên lửa phòng không cấp quân đoàn và sư đoàn phòng không, các Sĩ quan - chuyên gia của các hệ thống khí tài tên lửa phòng không có kinh nghiệm tốt về lý thuyết và thực tế công tác, đã tham gia bắn tại các trường bắn của chúng tôi. 

Nhiệm vụ quan trọng nhất của các cơ quan tham mưu và tất cả các chuyên gia quân sự Liên Xô là đảm bảo hiệu quả cao trong việc sử dụng khí tài trong chiến đấu và độ bền chắc của vũ khí. Chúng tôi thường xuyên nghiên cứu chiến thuật, phương thức và phương pháp hoạt động chiến đấu của không quân Mỹ, nghiên cứu các phương tiện chiến đấu mới địch đang sử dụng. Điều đó đòi hỏi chúng tôi phải nghiên cứu tìm ra và áp dụng các biện pháp chiến thuật, kỹ thuật và tổ chức mới để giảm bớt hoặc loại trừ được hiệu quả của các phương tiện mới của địch.

Một trong những nhiệm vụ đó là tổng hợp kinh nghiệm chiến đấu, đưa ra được những quyết định và đề xuất mới, trong đó có các kiến nghị về huấn luyện chiến đấu cho các lực lượng phòng không không quân Việt Nam và cả cán bộ chiến sĩ chúng tôi.

Chúng tôi lập tức báo cáo những điều quan trọng nhất mới xuất hiện trong quá trình chiến đấu ở đây về Mátxcơva (về Bộ Tổng tham mưu, Tham mưu trưởng Binh chủng phòng không). Còn các vấn đề khác chúng tôi đưa vào các báo cáo chiến đấu, các bản tin tổng hợp, thông báo tác chiến.

Trong những ngày đầu năm 1969, từ Hải Phòng một chiếc ôtô chở đến Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội thêm một chiếc máy bay không người lái. Khi xem thân chiếc máy bay này thì thấy không có các thiết bị bên trong. Thiếu tá Lê Sơn, Chính ủy trung đoàn tên lửa phòng không gửi cho tôi một bức thư bằng tiếng Nga có nội dung sau:

“Đồng chí Thiếu tướng Xtuchilôp kính mến! Đã lâu rồi chúng tôi không có quà gì gửi cho đồng chí. Mấy ngày qua bọn xâm lược Mỹ chỉ gửi 'tặng" chúng tôi xác một chiếc máy bay không người lái, đó là xác chiếc máy bay do Tiểu đoàn 53 của trung đoàn chúng tôi thu được. Chúng tôi xin gửi tặng đồng chí xác chiếc máy bay không người lái đó để làm kỷ niệm. Đây là xác chiếc máy bay không người lái thứ năm do trung đoàn chúng tôi bắn rơi trong những ngày đầu năm 1969. Chúng tôi xin chúc đồng chí giành được nhiều thắng lợi mới trong công tác”.

Vì thực tế chúng tôi không tìm thấy điều gì bổ ích cho mình từ xác chiếc máy bay không người lái đó, chúng tôi đã mở cổng hàng rào Đại sứ quán và sau gần một giờ các chiến sĩ Việt Nam đã đưa được xác chiếc máy bay này để vào nơi làm vật kỷ niệm.

Ít ngày sau chúng tôi cùng với Đại tá Lê Văn Tri (Лe Bан Чи), Tư lệnh Binh chủng phòng không không quân Việt Nam đáp máy bay trực thăng từ Hà Nội xuống Hải Phòng. Tại đây, theo kế hoạch, trong hai trung đoàn tên lửa phòng không có các đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô làm việc có một đoàn cán bộ kỹ thuật tên lửa, một đoàn chung.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #195 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2009, 09:59:17 am »

Chúng tôi đã tổng hợp kết quả công tác ở các trung đoàn trong một buổi tổng kết. Ngày hôm đó, ban chỉ huy sư đoàn đã chiêu đãi chúng tôi một bữa cơm trưa trọng thể, sau đó tại nhiệm sở của mình chính ủy sư đoàn đã cho chúng tôi xem hai chiếc camêra chụp ảnh của chiếc máy bay không người lái bị bắn rơi đêm hôm trước. Một trong hai chiếc camêra đó vẫn còn nguyên vẹn. Tôi cầm chiếc camêra đó lên và đề nghị đồng chí Lê Văn Tri tặng nó cho tôi để đánh dấu cái đêm chiếc máy bay không người lái bị bắn rơi, tôi đang có mặt ở trung đoàn này. Đồng chí Lê Văn Tri lấy lại chiếc camêra từ tay tôi rồi trao lại cho tôi và nói lời cảm ơn đối với các chuyên gia quân sự Liên Xô. Chiếc camêra đó đã được chuyển từ Hà Nội về Mátxcơva và một thời gian sau chúng tôi nhận được lời cảm ơn của Cục tình báo Bộ Tổng tham mưu, đánh giá cao hiệu quả công tác của đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô và bộ đội phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam.

Việc thay đổi thường xuyên phương thức và các hoạt động của không quân Mỹ đã buộc chúng tôi phải nhanh chóng ứng phó đối với những thay đổi đó, ngoài ra chúng tôi còn phải ra sức vận dụng vào thực tế kinh nghiệm tác chiến đã tích lũy được.

Nhiệm vụ của bộ tham mưu chuyên gia quân sự Liên Xô đối với bộ đội tên lửa phòng không là truyền đạt lại cho các sĩ quan mới sang thay thế những đặc điểm của các hoạt động chiến đấu, tình hình cụ thể của từng trung đoàn và giúp họ nhanh chóng bắt tay vào công việc. Ngoài ra, cũng phải giới thiệu cho họ biết những truyền thống của nhân dân Việt Nam, nói cho họ biết về cách ứng xử trên lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cái chính là nghiên cứu các cải tiến do các chuyên gia ngành công nghiệp đã tiến hành tại đây, ngay tại thực địa. Còn một đặc điểm nữa - ở đây đang sử dụng các bộ khí tài tên lửa thế hệ đầu tiên. Các sĩ quan trẻ không biết được tường tận những đặc điểm của các bộ khí tài này. Vì vậy phải cho họ nghiên cứu tìm hiểu kỹ. Các chuyên gia kỹ thuật tên lửa thuộc Binh chủng tên lửa phòng không đã làm công việc này tại khu "B", cách Hà Nội 30 km. Công việc đòi hỏi phải tiến hành trong mười ngày.

Chúng tôi cũng tiến hành thay đổi về mặt tổ chức cho phù hợp bằng việc thay đổi chuyên gia trong trung đoàn tên lửa phòng không. 

Sau khi hết hạn công tác, toàn bộ đoàn chuyên gia của trung đoàn được rời khỏi Việt Nam, một đoàn chuyên gia mới sang thay họ, đôi khi cũng bị muộn. Như vậy, có lúc trung đoàn không có chuyên gia Liên Xô, còn các chuyên gia mới sang không thể bắt tay ngay vào việc thực hiện đầy đủ các chức trách.

Những tháng cuối năm 1968, sau khi trao đổi và chấp thuận đề nghị của chúng tôi về cách thức mới trong việc thay phiên các đoàn chuyên gia cấp trung đoàn của Tổng cục 10 Bộ Tổng tham mưu, chúng tôi đã bắt tay thực hiện việc đó. Trước hết, trong một thời gian nhất định, một nửa đoàn chuyên gia trung đoàn do đoàn trưởng hoặc kỹ sư trưởng dẫn đầu về nước trước, nửa đoàn còn lại tiếp tục ở lại trung đoàn. Sau một thời gian nhất định, đoàn chuyên gia mới sẽ đến thay thế đoàn đã về nước. Sau 10 ngày chuẩn bị ở khu "B", được sự giúp đỡ của nửa đoàn chuyên gia còn lại, đoàn chuyên gia mới có thể hoàn toàn bắt tay vào công tác thực tế. Sau 2-4 tháng, nửa đoàn còn lại sẽ được nửa đoàn mới sang thay thế. Mấy tháng sau những đề nghị của chúng tôi đã được thực tế xác định là đúng.

Đến năm 1968 bộ tham mưu của chuyên gia quân sự phòng không Liên Xô đã soạn thảo xong các khuyến nghị riêng về sử dụng trang bị khí tài và duy trì trang bị khí tài trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tất cả các khuyến nghị đó đã được chuyển cho Bộ Tư lệnh Binh chủng phòng không không quân Việt Nam. Đáng tiếc, các kíp chiến đấu và các cơ quan tham mưu thường không vận dụng các khuyến nghị đó vào thực tế hoặc có vận dụng nhưng rất chậm. Đôi khi các chuyên viên Việt Nam không biết cách sử dụng các tài liệu đó. Tình hình truyền đạt và tiếp nhận các khuyến nghị như vậy, cả về phía Việt Nam, cả về phía chúng tôi đều chưa khắc phục được.

Tất nhiên, chúng tôi cũng hiểu được rằng trong thời gian tác chiến rất khó có thể tổ chức và tiến hành được việc nghiên cứu có kết quả những nguyên nhân thất bại, sự vi phạm một số quy tắc kỹ thuật, không thể nhanh chóng đề ra được những khuyến nghị và vận dụng các khuyến nghị đó một cách linh hoạt, vì vậy chúng tôi đã thay đổi cách thức truyền đạt và vận dụng các khuyến nghị của chúng tôi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #196 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2009, 10:00:00 am »

Khi cần áp dụng một cái gì mới và quan trọng vào thực tế chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho các đoàn chuyên gia trung đoàn và đoàn kỹ sư tên lửa nghiên cứu vấn đề đó. Trong buổi giao ban tháng tới chúng tôi sẽ xem xét nội dung các khuyến nghị, đề ra các cách giải quyết cụ thể đối với các khuyến nghị đó và giao nhiệm vụ cho tất cả các đoàn chuyên gia trung đoàn bắt đầu vận dụng các khuyến nghị đó bằng việc huấn luyện cho cán bộ chiến sĩ của trung đoàn.

Quan hệ giữa các chuyên gia quân sự Liên Xô với Bộ Tư lệnh phòng không không quân Quân đội nhân dân Việt Nam, với các cấp chỉ huy, với cán bộ chiến sĩ các trung đoàn rất thân thiện, nhưng cũng có những hiện tượng ngoài mong muốn do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.

Như đầu năm 1968, tại Trung đoàn tên lửa phòng không 236 (trung đoàn được thành lập đầu tiên) có ba tiểu đoàn tên lửa phòng không và một tiểu đoàn kỹ thuật được phong danh hiệu "Anh hùng", ban chỉ huy trung đoàn (có thể quyết định này đã được Bộ Tham mưu phòng không không quân Quân đội nhân dân Việt Nam phê chuẩn) đã quyết định, sau ba năm liên tục tham gia chiến đấu họ có thể tự duy trì vũ khí trang bị của trung đoàn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu và có thể tiến hành chiến đấu có kết quả? không cần sự giúp đỡ của các chuyên gia quân sự Liên Xô.

Sau khi khước từ sự giúp đỡ của các chuyên gia quân sự Liên Xô, trung đoàn đã bắn một - hai lần có kết quả, sau đó cả bốn tiểu đoàn bắt đầu một loạt các lần bắn không có kết quả. Ban chỉ huy trung đoàn nhiều lần từ chối đề nghị của đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô về việc phải sửa chữa những hỏng hóc và hiệu chỉnh các bộ khí tài tên lửa. Các kíp chiến đấu của các tiểu đoàn và chuyên gia của trung đoàn định tự mình tiến hành hiệu chỉnh các bộ khí tài tên lửa.

Kết quả của việc tiến hành "cuộc thí nghiệm" đó tại trung đoàn là các bộ khí tài tên lửa đã không có khả năng chiến đấu, mỗi tiểu đoàn đã bắn hai - ba lần không có kết quả, toàn trung đoàn đã bắn trên mười lần.

Sau mỗi lần tiểu đoàn bắn không có kết quả, đoàn chuyên gia trung đoàn lại đề nghị cho kiểm tra và hiệu chỉnh máy móc. Những đề nghị đó vẫn không được chấp nhận. 

Tình hình đó làm cho cán bộ, chiến sĩ các tiểu đoàn mất lòng tin vào khả năng chiến đấu của vũ khí Liên Xô, chúng tôi không thể bỏ mặc việc đó và đã đề nghị Bộ Tư lệnh Binh chủng phòng không không quân Quân đội nhân dân Việt Nam phải lập tức kiểm tra trạng thái kỹ thuật của các bộ khí tài tên lửa của trung đoàn và dùng lực lượng chuyên gia quân sự Liên Xô tiến hành hiệu chỉnh máy móc. Các chuyên gia Liên Xô - các kỹ sư tên lửa trung đoàn làm việc ở ba tiểu đoàn, còn các kỹ sư của bộ tham mưu chuyên gia quân sự Liên Xô về phòng không không quân thì làm việc ở tiểu đoàn thứ tư.

Trong cuộc họp tại trung đoàn đo đồng chí Lê Văn Tri, Tư lệnh Binh chủng phòng không không quân chủ trì, Đại tá N. I. Rumianxép, Trưởng đoàn kỹ thuật tên lửa và Đại tá M. I. Crưlốp, Trưởng đoàn chuyên gia ở trung đoàn đã báo cáo về kết quả làm việc.

Sau khi tiến hành kiểm tra và chỉnh lại các bộ khí tài tên lửa, mỗi tiểu đoàn của trung đoàn tên lửa phòng không đã bắn một lần. Đã bắn rơi được bốn máy bay Mỹ.

Qua kiểm tra và làm việc ở Trung đoàn 1 cho thấy rằng các kỹ sư Liên Xô và kỹ sư Việt Nam, về nhiều vấn đề đã có những cách nhìn nhận khác nhau đối với các chỉ số và dung sai cho phép quyết định trạng thái sẵn sàng chiến đấu của bộ khí tài tên lửa. Vì vậy, chúng tôi lập tức thảo ra mục lục các chỉ tiêu dung sai có thể cho phép xác định mức độ sẵn sàng về mặt kỹ thuật của bộ khí tài tên lửa (phần vô tuyến điện, phần điện tử của tên lửa v.v.).

Chúng tôi đã trao tài liệu đó cho Bộ tham mưu phòng không không quân và Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô ở các trung đoàn để chỉ đạo khi hiệu chỉnh các bộ khí tài tên lửa và để huấn luyện cho các kíp trắc thủ của các tiểu đoàn. Chúng tôi cũng đề cập đến việc bắt buộc phải có sự cùng tham gia của chuyên gia quân sự Liên Xô trong việc hiệu chỉnh các bộ khí tài tên lửa.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #197 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2009, 10:01:04 am »

Sau khi làm việc xong ở Trung đoàn 1 chúng tôi đã tiến hành công tác của đoàn chuyên gia tại trường kỹ thuật quân sự, nơi đào tạo hạ sĩ quan cho binh chủng tên lửa phòng không. Trường đóng ở trong rừng, thuộc khu vực thị xã Lạng Sơn, gần biên giới Trung Quốc. Đoàn chuyên gia Liên Xô gồm các sĩ quan - giáo viên của các trường quân sự của chúng tôi do Đại tá N. K. Xukhnô phụ trách.

Tại đây chúng tôi đã kiểm tra việc tổ chức quá trình học tập, đã có một số thay đổi đối với chương trình học tập có tính đến kinh nghiệm đã rút ra tại Trung đoàn 1, đã khắc phục một số sai sót trong việc tổ chức học tập.

Các đồng chí Việt Nam hàng ngày đã thấy và trong công việc đã khẳng định được rằng các chiến sĩ Xôviết đang hoàn thành một cách trung thực nghĩa vụ quốc tế của mình, phục vụ hết lòng hết dạ và dũng cảm cho sự nghiệp đấu tranh chống quân xâm lược, thể hiện tình cảm hết sức quý trọng đối với nhân dân và các chiến sĩ Việt Nam.

Các sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Xôviết hàng ngày chịu đựng những nguy hiểm và sống trong những điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đã dũng cảm và quên mình hoàn thành chức trách của mình. Đó là các sĩ quan thuộc Bộ tham mưu phòng không: Đại tá N. V. Abramốp, E. M. Antônốp, N. I. Rumianxép, Đ. N. Chécnưsép, L. V. Xôlômin, G. V. Đriga, R. A. Barơcốpxki, E. I. Pôlivaicô, B. A. Vôrônốp; Trung tá: P. A. Sácsátkin, A. N. Sumacốp, I. A. Canavin, B. A. Vinacurốp, I. Ia. Macarencô, P. I. Xamôilencô. Các trưởng đoàn chuyên gia tại các trung đoàn tên lửa phòng không: Đại tá M. I. Crưlốp, V. I. Lêbêđép, A. N. Ivanốp, V. N. Cônkin, A. P. Xmirơnốp, V. I. Giuravlép, V. X. Taraxencô, V P. Côctômốp, A. I. Đmitriép, V. G. Tatannốp, Iu. K. Labutin, I. I. Écmôlencô, v.v..

Chuyên gia chúng tôi ở trong các lán bằng tre nứa hay trong các đình chùa của đạo Phật. Mỗi đoàn chuyên gia chúng tôi có một máy phát điện cơ động và một máy chiếu phim mang từ Liên Xô sang. Phòng giao tế (ngoại vụ) đảm bảo cho đoàn những điều kiện tối cần thiết - ăn uống, chỗ ở và xe cộ đi lại. Anh em chúng tôi trả tiền ăn bằng tiền Việt Nam đồng.
Lương thực thực phẩm phần chính là gạo, thịt bò, thịt trâu, mỡ lợn, các loại rau xanh, trong đó có cả măng (tre non), đó là món ăn thứ nhất.

Khí hậu nóng bức chiếm tới ba phần tư thời gian trong năm và ẩm ướt suốt năm - người phương Bắc chúng tôi khó chịu nổi. Ban ngày mồ hôi nhễ nhại đầy người, về đêm thì ẩm ướt. Chỉ cần căng thẳng một chút là đã đẫm mồ hôi. Chúng tôi thường có câu nói bông đùa "Ma đam không có, mồ hôi có, tinh thần cao".

Trong thời gian ở Việt Nam chúng tôi đã phải đi công tác rất nhiều, khắp đất nước và ở nhiều nơi, vì anh em chúng tôi đã tham gia chiến đấu tại các trung đoàn tên lửa phòng không trên toàn lãnh thổ miền Bắc Việt Nam. Các cuộc tiếp xúc với anh em chúng tôi tại các địa phương, với các cán bộ chỉ huy trung đoàn và tiểu đoàn Việt Nam đã tạo cho chúng tôi khả năng giải quyết được nhiều vấn đề cấp thiết và tác động tốt đến công việc.

Việc tổ chức các chuyến đi công tác, đặc biệt là vào Quân khu 4, có những phức tạp nhất định. Thường đi vào đó phải mất 2 ngày hoặc 2 đêm, mà phải đem theo mọi thứ: lương thực, thực phẩm, nước, nhiên liệu và thậm chí cả củi để nấu cơm. Ngoài ra, đoạn đường lại dài, nhiều phà qua sông, đường bị bom đạn làm hư hỏng nặng, chúng tôi rất mệt mỏi. Cũng không loại trừ khả năng bị rơi vào các trận ném bom đánh phá của máy bay Mỹ.

Từ những ngày đầu cùng cộng tác với Đại tá Lê Văn Tri, Tư lệnh Binh chủng phòng không không quân Việt Nam, chúng tôi đã tạo được các mối quan hệ công tác tốt đẹp và hoàn toàn hiểu biết lẫn nhau. Chúng tôi đã giải quyết được nhiều vấn đề trong các buổi làm việc trực tiếp - Lê Văn Tri nói tiếng Nga tốt.

Các buổi gặp và làm việc đã diễn ra theo thời gian có hẹn trước, thường là một - hai lần trong một tháng; nhưng thường diễn ra theo sự đề xuất của một trong hai bên, còn có các buổi làm việc thêm. Các buổi gặp và làm việc thêm thường diễn ra tại các trận địa hay các sở chỉ huy và bao giờ cũng có kết quả.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #198 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2009, 10:02:19 am »

Trong các buổi làm việc với đồng chí Lê Văn Tri (nhất là trong những tháng đầu cùng làm việc) đã có hiện tượng như thế này: khi chúng tôi đề xuất ra điều gì mới, các đồng chí Việt Nam lại nói về các kiến nghị cũ. Trong những trường hợp đó, chúng tôi đã giải thích rằng những thay đổi này là do việc người Mỹ sử dụng các phương tiện đánh phá mới, do những thay đổi trong chiến thuật của địch gây ra hoặc do những cải tiến mới của các nhà công nghiệp chúng tôi tiến hành, nhưng mới kết thúc, tạo ra.

Chúng tôi thường tổ chức các chuyến đi công tác chung với đồng chí Lê Văn Tri xuống các đơn vị bộ đội. Tại đó, chúng tôi đã tổ chức các cuộc cùng kiểm tra tình trạng kỹ thuật của vũ khí và giải quyết được nhiều vấn đề thực tế.

Các cuộc gặp gỡ và làm việc của tôi với Đại tá Phùng Thế Tài, Tổng Tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam chuyên trách Binh chủng phòng không không quân thường xuyên diễn ra. Tại các buổi làm việc này chủ yếu là trao đổi thông tin.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mất ngày 2-9-1969. Ngày 6-9 đoàn đại biểu Liên Xô do đồng chí A. N. Côxưghin, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô dẫn đầu đã đến Hà Nội để dự lễ tang.

Tang lễ trọng thể đã được tổ chức sáng ngày 9-9 tại Hà Nội, trên Quảng trường Ba Đình.

Tối ngày 9-9, trước khi rời Hà Nội về nước, đồng chí Côxưghin và các thành viên khác trong đoàn đã gặp lãnh đạo Đại sứ quán và Ban chỉ huy đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô, gồm Thiếu tướng A. I. Xtuchilốp, Thiếu tướng không quân E. N. Anchipherốp và Đại tá A. M. Trômbachép.

Đồng chí A. N. Côxưghin nới rằng, đồng chí muốn nghe các đồng chí quân sự báo cáo. Tôi đã tự giới thiệu và báo cáo là đang phụ trách đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô về phòng không và báo cáo về ba vấn đề:

- Những nhiệm vụ chuyên gia quân sự Liên Xô phải thực hiện;

- Làm mọi cách để chứng tỏ được ở đây trang bị vũ khí của chúng ta và hiệu quả của việc sử dụng trang bị vũ khí;

- Mối quan hệ của chúng tôi với các đồng chí Việt Nam.

Cuối tháng 9-1969 chúng tôi nhận được chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu Liên Xô đề nghị phải thông báo qua các phương tiện thông tin về một số vấn đề nêu trong chỉ thị.

Đồng thời cũng nhận được chỉ thị cho các tướng B. A. Xtônnhicốp, A. I. Xtuchilốp, E. N. Anchipherốp, cùng về Mátxcơva với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền I. X. Sécbacốp.

Ở Mátxcơva, tại Bộ Tổng tham mưu, chúng tôi đã báo cáo với Nguyên soái Liên Xô N. V. Dakharốp, Tổng Tham mưu trưởng, Đại tướng X. A. Xôcôlốp, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng, Thượng tướng I. P. Đagaép, Tổng cục trưởng Tổng cục 10 về tình hình trên chiến trường và tình hình công việc của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam.

Ngày 14-10-1969, chúng tôi lại rời Mátxcơva sang nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 12-1969 nhân việc tôi hết nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam trở về nước, các đồng chí Việt Nam đã tổ chức chiêu đãi trọng thể. Tại cuộc chiêu đãi, Thiếu tướng Trần Sâm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã phát biểu.

Trong bài phát biểu của mình, trước hết Thiếu tướng Trần Sâm nói về vai trò của Đảng và chính phủ Liên Xô trong việc giúp đỡ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc chiến đấu chống Mỹ xâm lược. Trước đây các nhà lãnh đạo Việt Nam chỉ nói đến sự giúp đỡ của nhân dân Liên Xô.

Đây là một số đoạn trích trong lời phát biểu của đồng chí Trần Sâm:

“Cho phép tôi thay mặt Bộ Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhiệt liệt chúc mừng và thành thật cảm ơn Thiếu tướng Xtuchilốp về việc đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ do Đảng và Chính phủ Liên Xô giao phó trong việc giúp đỡ binh chủng tên lửa phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh của chúng tôi chống đê quốc Mỹ.

Trong thời gian công tác tại Việt Nam, đồng chí Xtuchilốp đã cùng chia sẻ với chúng tôi những khó khăn lớn đã thể hiện tác phong làm việc hết mình, đã mang hết sức mình để chỉ đạo các chuyên gia phòng không giúp họ hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đồng chí thường xuyên trao đổi với Bộ Tư lệnh phòng không không quân nhiều ý kiến quý giá về các vấn đề khác nhau nhằm mục đích không ngừng nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu và khả nấng chiến đấu của họ, đồng chí đã đóng góp vào việc phát triển Binh chủng tên lửa phòng không non trẻ của chúng tôi.

Nhân dịp này, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với Đảng, Chính phủ và nhân. dân Liên Xô về việc không ngừng giúp đỡ to lớn và có hiệu quả đối với nhân dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống Mỹ xâm lược, để giải phóng miền Nam Việt Nam và thông nhất đất nước".

Đại sứ Liên Xô Ilia Xécgêêvích Sécbaeốp đã chuyển toàn văn lời phát biểu của Thiếu tướng Trần Sâm (đã dịch ra tiếng Nga) về Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô: Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, Bộ Ngoại giao Liên Xô, và nhấn mạnh rằng điều đó đã nói lên nhiều điều.
Thành phố Craxnôdnamenxcơ, năm 2003

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #199 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2009, 10:03:05 am »

ĐẠI TÁ
SÁCSÁTKIN PIỐT ANĐRÊÊVÍCH

Phó tiến sĩ khoa học kỹ thuật.

Ông sinh ngày 14-2-1926 tại thành phố Pôntava.

Sau khi giải phóng Ucraina năm 1943 ông học tại trường Trung cấp kỹ thuật đường sắt Đnhéprôpêtơrốpxki: nhưng chưa tốt nghiệp, ông đã tình nguyện tham gia Hồng quân và được biên chế về Tiểu đoàn huấn luyện số 1 của Trung đoàn bộ binh dự bị 163.

Năm 1948 ông tốt nghiệp Trường sĩ quan pháo binh Đnhéprôpêtơrốpxki và tiếp tục phục vụ với. chức vụ chỉ huy trung đội trinh sát của trung đoàn pháo binh ở thành phố Belưi Chéccốp.

Năm 1959, ông tốt nghiệp Học viện vô tuyến điện pháo binh Kháccốp.

Từ năm 1959 đến năm 1975 ông công tác tại Viện Nghiên cứu khoa học số 2 Bộ Quốc phòng Liên Xô. .

Từ tháng 10-1968 đến tháng 8-1969, ông tham gia chiến đấu ở Việt Nam với chức vụ Trưởng nhóm chuyên gia tác chiến điện tử. 

Ông được thưởng 14 huy chương, trong đó có hai Huy chương Chiến công và Huy chương Hữu nghị của Việt Nam
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM