Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:26:46 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh Việt Nam là thế đó 1965 - 1973  (Đọc 123718 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #180 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2009, 04:13:26 pm »

CẢI TIẾN VỀ MẶT TÁC CHIẾN BỘ KHÍ TÀI TÊN LỬA PHÒNG KHÔNG XA-75 “ĐVINA” TRONG QUÁ TRÌNH CHIẾN ĐẤU

Qua các sự kiện ở Việt Nam, trong quá trình chống trả một cách sinh động giữa hệ thống phòng không của ta và không quân địch cần phải chỉ rõ một đặc điểm nổi bật - đó là việc cải tiến về mặt tác chiến bộ khí tài tên lửa phòng không trong quá trình chiến đấu cùng với việc tu chỉnh thực tế trực tiếp bộ khí tài tại các đơn vị bộ đội.

Tình hình diễn ra ở Việt Nam năm 1966 đã thôi thúc việc này: không quân Mỹ đã luôn hoàn thiện chiến thuật đánh phá, đã đặt các máy gây nhiễu vô tuyến điện trên các máy bay, việc đó đã làm giảm hiệu quả hỏa lực của các bộ khí tài tên lửa phòng không. Nếu vào thời kỳ đầu chiến dịch (1965) chỉ tiêu hao 1-2 quả tên lửa cho một máy bay bị bắn rơi, thì đến năm 1966 lượng tiêu hao đó đã tăng lên 3-4 quả (tính trung bình). Bộ khí tài tên lửa phòng không XA-75 "Đvina" bắn không có hiệu quả đối với các mục tiêu bay thấp. Lúc bấy giờ ở Việt Nam không có loại khí tài tên lửa phòng không nào khác, chỉ có thể đánh trả quân địch bằng cách nâng cao khả năng chiến đấu của các bộ khí tài tên lửa phòng không hiện có bằng con đường cải tiến.

Công tác thiết kế theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Liên Xô đã được bắt đầu vào giữa năm 1966. Các quyết định được thông qua đã được đưa ra thử nghiệm tại trường bắn, bao gồm cả việc bắn đạn thật vào bia. Trong quá trình làm việc, chúng tôi thường xuyên vận dụng kinh nghiệm của các lần bắn theo báo cáo của chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam và các kiến nghị của đại diện các phòng thiết kế trong thành phần đoàn nghiên cứu khoa học đang làm việc tại Việt Nam.

Các bộ khí tài được chuyển giao tiếp sau đó cho Việt Nam đều đã được cải tiến. Chúng tôi đã gửi phụ tùng, linh kiện, các khối máy, trang bị dây dợ, tài liệu kỹ thuật sang Việt Nam để tổ chức cải tiến các bộ khí tài ngay tại các đơn vị bộ đội. Đã thành lập và cử sang Việt Nam đoàn chuyên gia công nghiệp (trên 80 người, do Iuri Alếchxanđrôvích Visnhép, công tác ở xí nghiệp kỹ thuật sản xuất đầu đạn tên lửa của Bộ công nghiệp vô tuyến điện) phụ trách.

Giữa năm 1967 ba đội cải tiến đã cùng với các đại diện quân đội bắt tay vào việc cải tiến. Các đội trưởng và đại diện quân đội đó là: Camanđinốp và Lesưxin, Xencốp và Duép, Xôcôlốp và Canđưba. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn - điều kiện dã ngoại, khí hậu nhiệt đới nóng bức và ẩm ướt, máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá - các đội cải tiến vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. các bộ khí tài tên lửa mới được cải tiến lần đầu tiên đã bắn hạ được nhiều máy bay với lượng tiêu hao tên lửa ít hơn và trong vùng sát thương rộng hơn (điều rất quan trọng là ở các độ cao không lớn, dưới 300m).

Tôi đã bay sang Hà Nội vào buổi tối ngày 6-11-1967 (máy bay chỉ được hạ cánh vào ban đêm), tôi chuyên trách về công tác cải tiến. Ngày hôm sau, trong buổi chiêu đãi tại Đại sứ quán Liên Xô nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười, tôi đã được gặp các đồng chí trong Bộ Tư lệnh phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam. Việc đầu tiên là họ đã tỏ ra hài lòng với những kết quả cải tiến. Một người trong số họ đã nói rằng chiếc máy bay thứ 2500 của Mỹ bị một quả tên lửa của bộ khí tài cải tiến bắn rơi để chào mừng "50 năm Cách mạng Tháng Mười”.

Ngày 11-11, tôi gặp Đại tá Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí cho biết về đặc điểm của các hoạt động chiến đấu, về những kết quả mới nhất và những thất bại của binh chủng tên lửa phòng không Việt Nam, đồng thời nêu lên hiệu quả của việc cải tiến; đồng chí đã thông báo cho tôi rằng, theo tin tức nhận được, bọn Mỹ dự định sẽ tăng cường tác động vô tuyến điện, do đó đồng chí đề nghị chúng tôi tiếp tục đề ra các biện pháp để nâng cao khả năng chiến đấu của các bộ khí tài tên lửa. Sau đó tôi đã báo cáo về những kế hoạch của chúng tôi, nói riêng, là về việc trang bị cho đài điều khiển tên lửa một thiết bị quang học để ngắm bắt mục tiêu, việc này tạo khả năng phóng được tên lửa vào các máy bay gây nhiễu vô tuyến điện và giúp cho các trạm điều khiển tránh được sự tàn phá của tên lửa tự tìm mục tiêu "Sraicơ" phóng xuống theo chùm sóng vộ tuyến điện, đồng chí Phùng Thế Tài đồng ý cho thực hiện ngay những kế hoạch đó. 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #181 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2009, 04:14:05 pm »

Tiếp đó tôi đề nghị giúp đỡ chúng tôi trong việc tổ chức các cuộc thí nghiệm nhằm đánh giá chỗ yếu của các máy bay Mỹ với mục đích thu nhận được những số liệu kinh nghiệm để nghiên cứu chế tạo ra đầu đạn tên lửa mới có góc độ rộng. Chúng tôi cho rằng chùm mảnh đạn sẽ có góc tung ra rộng hơn so với đầu đạn hiện nay chắc chắn sẽ phủ được các mục tiêu đang cơ động. Đề nghị của chúng tôi đã được chấp thuận. Các vấn đề và kế hoạch còn lại sẽ được bàn với Bộ Tư lệnh phòng không, việc đó chúng tôi đã làm trong ngày hôm sau. Đồng chí Đặng Tính (Дань Tинь) - chính ủy kiêm Tư lệnh binh chủng phòng không không quân - đã đánh giá cao kết quả cải tiến các bộ khí tài tên lửa phòng không. Đồng chí nói rằng các bộ khí tài cải tiến đã đem lại kết quả khả quan - tính trung bình, binh chủng tên lửa phòng không đã dùng 4-5 quả tên lửa để diệt được một mục tiêu, đối với các bộ khí tài chưa được cải tiến phải mất nhiều tên lửa hơn, trong nhiều trường hợp mất tới 10 quả tên lửa.

Tình hình đó giữ được đến giữa tháng 12. Nhưng đến ngày 14-12, thời tiết khá hơn, đã xuất hiện những tia nắng trong mây, bọn Mỹ không thể chờ đợi được thêm nữa. Lúc 12 giờ 30 phút, hai đợt máy bay đánh vào Hà Nội, lúc 13 giờ 15 phút là đợt thứ ba. Chúng ném bom đánh cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Bắt đầu thời kỳ đánh phá ác liệt cường độ cao. Một thông báo náo động được truyền đi: ngày 15-12, Trung đoàn 236 (trung đoàn Hà Nội) đã phóng 8 quả tên lửa và tất cả đều mất điều khiển rồi rơi ngay sau khi phóng. Ngày 16, Trung tá Vinh - Phó kỹ sư trưởng Binh chủng tên lửa phòng không đã thông báo với tôi rằng ở các trung đoàn khác cũng xảy ra hiện tượng tên lửa rơi ngay sau khi phóng: đã phóng đi 29 quả tên lửa mà chỉ tiêu diệt được 2 chiếc máy bay, 11 quả tên lửa bị mất điều khiển và rơi ngay.

Cần chú ý đến một điều là "các dạng" của hiện tượng này trong tất cả các trường hợp đều giống nhau, chúng tôi cho rằng nguyên nhân của việc mất điều khiển và rơi tên lửa, có lẽ là do nhiễu vô tuyến điện. Ngay lập tức phản ứng từ phía Việt Nam hoàn toàn khác. Cuối ngày 15-12, trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 đã nói với Đại tá N. I. Cunbacốp, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trung đoàn rằng: "Liên Xô cho chúng tôi những tên lửa xấu. Chỉ có như vậy thôi" .

Thậm chí một người am hiểu về kỹ thuật, trung đoàn phó Trung đoàn Hà Nội, ngày 17-12 cũng nói với Đại tá Gôncharốp: "Các đồng chí cho chúng tôi những tên lửa cũ, quá thời hạn sử dụng. Các tên lửa này được đưa tới từ Ba Lan, Tiệp Khắc, Đức, được sơn lại ở trong kho tại thành phố Iếccút (thật là quá am hiểu) và chuyển sang đây cho chúng tôi".

Như Gônchacốp đã nói với tôi, họ còn bóc được sơn từ một số tên lửa, như họ nói, dưới lớp sơn còn thấy cả các khuôn trổ cũ, nhưng họ không chỉ cho chúng tôi.

Lúc đó Anatôli Mikhailôvích Elixêép, Phó tổng công trình sư của phòng thiết kế đặc biệt thuộc Nhà máy kỹ thuật vô tuyến điện Mátxcơva, Épghênhi Vaxilêvích Épxicốp - đại diện quân sự của phòng thiết kế đặc biệt, Vlađimia Alếchxêêvích Rưbin, Tổng công trình sư của Nhà máy tên lửa "Avangarđ" đang có mặt ở Việt Nam đã cùng với các chuyên gia Liên Xô ở các trung đoàn tiến hành việc phân tích khẩn cấp các lần phóng tên lửa có tên lửa bị rơi và đi đến kết luận rằng nguyên nhân của các thất bại là do bị nhiễu vô tuyến điện đối với kênh điều khiển tên lửa. Hơn nữa, họ đã tuyên bố rằng, theo sự đề xuất của họ, có thể có khả năng tránh được nhiễu và ở đây họ có thể thử làm một số việc để thực hiện ý định này. 

Mặc dù trên thực tế chúng tôi chẳng nghi ngờ gì đối với việc này, tất cả là do nhiễu, chúng tôi đã thống nhất với Bộ Tư lệnh binh chủng tên lửa phòng không về việc tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng máy móc của đài chỉ huy điều khiển và tên lửa ở các đơn vị. Chúng tôi đã tổ chức một đoàn chuyên gia hỗn hợp do Đại tá N. I. Cunhacốp phụ trách để làm việc này.

Tôi đã báo cáo với Đại sứ I. X. Sécbacốp về những việc trên. Được sự đồng ý của đại sứ, tôi đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với bộ chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam có liên quan đến những tuyên bố về việc Liên Xô đưa sang những "tên lửa xấu” và đề nghị Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cho được gặp gấp. Ngày 21-12, Đại tá Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng đã mời tôi đến gặp. Cùng tôi trong buổi gặp có Trung tá Gieledơnhiác, người đã ghi lại tường tận những điều cả hai bên đã trao đổi. Tôi còn giữ lại được băng ghi âm cuộc nói chuyện, nhưng ở đây tôi chỉ nêu lên những nét chung.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #182 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2009, 04:16:07 pm »

Tôi nói, trong một số trường hợp tên lửa rơi ngay sau khi phóng, nguyên nhân chỉ có thể là do nhiễu vô tuyến điện. Trong buổi làm việc tôi đã đề nghị chuyển giao cho chúng tôi máy gây nhiễu còn giữ được của các máy bay bị bắn rơi gần đây nhất, hỏi thêm phi công bị bắt làm tù binh và dùng một bộ khí tài tên lửa phòng không làm các thí nghiệm trong khi địch đánh phá.

Trong lời đáp lại, thoạt đầu đồng chí Phùng Thế Tài đã nói một cách xã giao, rằng theo ý kiến của chúng tôi, có thể có một số nguyên nhân: có thể việc sản xuất tên lửa chưa chất lượng, bảo quản chưa tốt, kiểm tra chưa đúng, chưa đầy đủ, sai sót của các kíp trắc thủ, v.v. cũng có thể do nhiễu vô tuyến điện. Ông nói tiếp, vì vậy không nên vội vã mà phải nghiên cứu vấn đề này một cách toàn diện và sâu sắc.

Tôi đã nói với đồng chí đó: cần phải làm gấp - nếu  không các bộ khí tài tên lửa sẽ bị nhiễu "bóp chết" và tôi tiếp tục đề nghị phải dùng một bộ khí tài tên lửa để làm các thí nghiệm và khai thác thêm phi công tù binh. Về việc nghi ngờ chất lượng sản xuất tên lửa hoặc tăng thêm thời gian bảo quản tên lửa, tôi đã nhất quyết và hoàn toàn loại trừ những điều đó, đồng thời giải thích rõ rằng điều đó không thể có, rằng trong cùng một lúc, không phải ở một bộ khí tài tên lửa phòng không mà ở một số bộ khí tài đã có tới hai mươi quả tên lửa bị rơi "theo một dạng". Ở Liên Xô, chúng tôi đã bảo quản các tên lửa đó đúng theo các tiêu chuẩn, có nạp sẵn nhiên liệu trong mười năm, rồi sau đó mới đưa ra bắn tại trường bắn. Cũng có xảy ra những trục trặc cá biệt, nhưng tính chất của sự trục trặc đó khác nhau, nhưng ở đây chỉ có một tính chất đồng nhất.

Đồng chí Phùng Thế Tài đã trả lời rằng sẽ chỉ thị cho hỏi cung tiếp các phi công tù binh và hôm sau sẽ thông báo kết quả. Về việc dùng một bộ khí tài để làm thí nghiệm, đồng chí nói: "Chúng tôi sẽ nghiên cứu vấn đề này, sẽ trao đổi và trả lời sau”.

Về phần lấy khẩu cung của các phi công tù binh, đồng chí Phùng Thế Tài đã giữ đúng lời hứa; 16 giờ ngày hôm sau, người ta đã mời tôi đến Bộ Tổng tham mưu, tại đây trợ lý của đồng chí Phùng Thế Tài đã báo cáo kết quả lấy khẩu cung bốn phi công bị bắn rơi trong những ngày gần đây nhất. Chúng không hề giữ bí mật quân sự, đã khai khá tỉ mỉ về các thiết bị gây nhiễu được đặt trên máy bay, về các bản hướng dẫn cho phi công chiến thuật tác chiến trong các vùng sát thương của bộ khí tài tên lửa phòng không, đã vẽ lại đồ thị phương hướng của thiết bị gây nhiễu.

Điều quan trọng nhất là đã nhận được thông báo rằng cuối tháng 11, đầu tháng 12 người Mỹ sẽ đặt lên các máy bay máy gây nhiễu mới "chống lại việc phát hiện và chống lại tên lửa khi nó đang bay".

Tất cả chúng tôi và các cán bộ lãnh đạo Việt Nam đều đã sáng tỏ và ngày 24 tháng 12, Tư lệnh binh chủng tên lửa phòng không đã thông báo rằng họ tiếp thu tất cả các đề nghị và dành một bộ khí tài tên lửa để làm các thí nghiệm.

Ngay trong trận đánh phá đầu tiên đã xác định được sự thật về việc có nhiễu "chống tên lửa khi nó đang bay". Lúc đầu các kíp trắc thủ được hướng dẫn cách hành động trong điều kiện có nhiễu, về sau các đại diện của các tổ thiết kế (Elixêép, Rưbin, v.v.) và các chuyên gia quân sự (Môixêép, v.v ) đã linh hoạt giải quyết nhiệm vụ "trung lập hóa" sự tác động của nhiễu bằng cách điều chỉnh một cách thích hợp thiết bị của đài điều khiển tên lửa và tên lửa. A. P. Môixêép đã trình bày cặn kẽ phần về tên lửa.

Cũng cần phải nói lên một điều là sở dĩ người Mỹ có thể chế tạo ra được thiết bị gây nhiễu vô tuyến điện đánh vào kênh tên lửa là do chúng đã nghiên cứu bộ khí tài tên lửa “Đvina" giống như vậy do Ixraen thu được trong cuộc chiến tranh với Ai Cập rồi trao lại cho Mỹ.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #183 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2009, 04:16:17 pm »

Đêm 28 rạng ngày 29-12-1967 tôi rời Hà Nội, ngày 31-12 về đến Mátxcơva. Ngay sau năm Mới tôi đã được triệu tập đến gặp đồng chí Đ. Ph. Uxtinốp, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Ở đây, với sự có mặt của các Bộ trưởng Bộ Công nghiệp vô tuyến điện và Bộ Công nghiệp hàng không, các Tổng công trình sư thiết kế vũ khí tên lửa phòng không, Tổng tư lệnh bộ đội phòng không Liên Xô, các chuyên viên của Hội đồng công nghiệp quốc phòng, tôi đã báo cáo về tình hình chung ở Việt Nam và riêng về phần trang bị vũ khí. Đồng chí Uxtinốp đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho các bộ trưởng và tất cả cán bộ có mặt tại đó: phải khẩn trương và ưu tiên áp dụng các biện pháp giúp đỡ toàn diện cho Binh chủng phòng không Việt Nam và nâng cao khả năng chiến đấu của bộ khí tài tên lửa phòng không "Đvina".

Và cứ như vậy, chúng tôi tiếp tục công việc cải tiến bộ khí tài tên lửa theo mức độ tích luỹ kinh nghiệm chiến đấu Nhờ kết quả cải tiến "Đvina" đã khác trước, tính năng của nó đã được tăng lên rõ rệt: để tiêu diệt các loại máy bay khi tiến vào mục tiêu ở độ cao không lớn, giới hạn vùng sát thương giảm xuống dưới 300m, còn tầm tiếp cận dưới 5 km; để đối phó việc máy bay địch cơ động tránh tên lửa trong vùng hỏa lực, chúng tôi đã tiến hành cải tiến máy móc của đài chỉ huy điều khiển tên lửa và cải tiến phần đầu đạn của tên lửa với góc bay của các mảnh đạn lớn hơn; nâng cao khả năng phòng chống nhiễu cho máy móc của đài điều khiển tên lửa; giảm thời gian đưa bộ khí tài vào chế độ sẵn sàng xuống dưới 30 giây. Đã đưa cơ cấu phóng giả vào máy chỉ huy điều khiển tên lửa để tăng thêm khả năng chiến thuật - phỏng tạo tín hiệu vô tuyến điện của việc phóng tên lửa.

Khi nhận được tín hiệu này trong máy thu vô tuyến đặt trên máy bay các phi công của máy bay chiến thuật sẽ lập tức cơ động tránh tên lửa, việc đó làm cho chúng phải thoái thác việc thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và giúp cho các trắc thủ của đài chỉ huy tên lửa có thể phân biệt được chúng với các máy bay ném bom hạng nặng B-52 trên các màn hiển thị. Việc mở cơ cấu "phóng giả” trong sự hiệp đồng với không quân tiêm kích phòng không đã đảm bảo được ưu thế cho các phi công Việt Nam trong trận không chiến, bởi vì khi phi công Mỹ buộc phải cơ động tránh tên lửa, chúng sẽ bị mất thế của mình trong trận chiến đấu.

“Đvina" cải tiến đã có khả năng, kể cả trong những điều kiện phức tạp, bắn rơi máy bay các loại của Mỹ (trừ máy bay SR-71). Bằng chứng là năm 1972 - năm cuối cùng của cuộc chiến tranh phá hoại: đã phóng 1155 lần, tiêu hao toàn bộ 2059 quả tên lửa, hạ được 421 máy bay. Tiêu hao trung bình 4,9 quả tên lửa cho một mục tiêu.

Ở đây cũng cần phải biểu dương tài nghệ của các khẩu đội bệ phóng tên lửa phòng không, việc họ vận dụng sáng tạo những kiến nghị của các chuyên gia quân sự Liên Xô. Trong thời gian không quân Mỹ đánh phá, các khẩu đội bệ phóng tên lửa phòng không đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng và tài nghệ cao. Đặc biệt, cần phải biểu dương tài nghệ cao của các trắc thủ đài điều khiển tên lửa khi phóng tên lửa trong tình hình nhiễu phức tạp. Đặc biệt điều đó đã được thể hiện vào tháng 12-1972 khi đánh trả các cuộc tập kích đánh phá ồ ạt vào Hà Nội, lúc đó đã phóng 134 lần, tiêu hao tổng cộng 239 quả tên lửa, bắn rơi 31 máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ. Đối với bọn Mỹ đây là một đòn kinh hoàng buộc chúng phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh ngày 27-1-1973.

Ngày 7-1-1972; Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, khi tổng kết kết quả chiến tranh có sự tham gia của đoàn đại biểu từ Liên Xô sang (tôi cũng có mặt trong đoàn) và lãnh đạo Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô, đã nói: “tự tay tôi ghi): "... Nếu không có trận bộ đội tên lửa phòng không đánh thắng B-52 ở Hà Nội, thì các cuộc đàm phán ở Pari chắc còn kéo dài và chắc chưa ký được hiệp định, do đó thắng lợi của bộ đội tên lửa phòng không là thắng lợi chính trị...".

Và thực tế trong thắng lợi này có công lao to lớn của các chuyên gia công nghiệp quốc phòng Liên Xô, những người đã đảm bảo chất lượng cao của vũ khí trang bị, và của các chuyên gia quân sự Liên Xô đã huấn luyện đào tạo các kíp chiến đấu Việt Nam và thường xuyên giúp đỡ ngay tại các trận địa chiến đấu. 
Mátxcơva, năm 2003

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #184 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2009, 11:22:22 am »

THƯỢNG UÝ - KỸ SƯ
ANÔXỐP ALẾCHXANĐRƠ MIKHAILÔVÍCH

Phó tiến sĩ khoa học - kỹ thuật, người được giải thưởng Lênin trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật

Ông sinh ngày 26-12-1936 tại thành phố Mátxcơva.

Năm 1960 tốt nghiệp trường Đại học hàng không Mátxcơva, ngành kỹ sư thiết bị vô tuyên điện tử cho máy bay.

Từ năm 1960 đến năm 1986 ông làm việc tại Viện Nghiên cứu khoa học Mátxcơva, chuyên ngành thông tin vô tuyến, kỹ sư trưởng, trưởng phòng, phó tổng công trình sư về hệ thông thông tin vệ tinh.

Từ năm 1986 đến năm 2003 ông làm việc trong lĩnh vực thông tin vệ tinh tại nhiều xí nghiệp ở Mátxcơva.
Hiện nay ông là Phó Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học Mátxcơva chuyên ngành thông tin vô tuyên.

Từ tháng 12-1967 đến tháng 8-1968 ông là thành viên của Đoàn chuyên gia khoa học quân sự làm nhiệm vụ đặc biệt tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Được tặng thưởng Huân chương "Chiến sĩ lao động lão thành”, "Chiến đấu dũng cảm”, và Huy hiệu “Chiến thắng trận đầu 5-8” của Việt Nam.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #185 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2009, 11:23:01 am »

BÀI HÁT ĐÃ RA ĐỜI NHƯ THẾ ĐÓ

Điều này đã xảy ra từ lâu, cách đây một phần ba thế kỷ. Việt Nam, những năm 1967 - 1968. Tôi còn nhớ rất rõ, rất tường tận những sự kiện của những năm tháng đó. Vâng, không thể nào quên được quá khứ - hôm nay không nhìn thấy được thì ngày mai làm sao mà nhận ra nó?. Lúc đó tôi ở trong đoàn chuyên gia khoa học quân sự được thành lập từ các chuyên gia quân sự (chủ yếu là các chuyên viên của các Học viện quân sự và Viện Nghiên cứu khoa học Bộ Quốc phòng), và cả các chuyên gia - cán bộ thiết kế của các ngành công nghiệp quốc phòng, Bộ công nghiệp vô tuyến điện, Bộ công nghiệp ôtô máy kéo).

Đoàn làm công việc thu thập và nghiên cứu các loại chiến lợi phẩm của kỹ thuật hàng không quân sự Mỹ: đạn, mìn chưa nổ và phế liệu của các máy bay Mỹ bị bắn rơi. Những thứ đó trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam có tới trên 4 nghìn và chúng tôi tất nhiên có đủ việc để làm, không có lúc nào nhàn rỗi để buồn.

Hiện nay đoàn chúng tôi đôi lúc còn được gọi bằng một từ không lấy gì thú vị cả "Đội quân chiến lợi phẩm", lúc đó ở Việt Nam người ta đã gọi chúng tôi là "Sư đoàn hoang dã". Ở đó sư đoàn ấy ra sao? Chúng tôi chỉ có mấy người, nhưng mọi chuyện thường xảy ra đối với chúng tôi: lúc thì cái gì đó nổ, lúc thì cái gì đó cháy. Mọi sự thú vị của tình thế lúc đó là ở chỗ chúng tôi đặt "căn cứ" trong một căn buồng nhỏ trong tòa nhà của Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội và "trưng bày" trong đó mọi thứ. Lúc bấy giờ chúng tôi bẩn lắm, mệt mỏi, râu tóc rậm rạp sau một chuyến đi thu tập trở về, mọi người đều tránh xa chúng tôi.

Và ngay từ khi đó, tại Việt Nam đã xuất hiện tám dòng đầu tiên cho bài ca của chúng tôi về những ngày đó. Các dòng ca đó theo làn điệu của một bài hát khác từ một cuốn phim cũ về chiến tranh giữ nước vĩ đại. Không có tên phim, không có tác giả âm nhạc và lời ca, tôi thực sự không nhớ ra được. Rất tiếc, phim đó đã được chiếu lâu rồi Tôi còn nhớ rõ giai điệu - một giai điệu thiết tha và lời hát theo giai điệu đó:

Quả tên lửa rực sáng lên, rồi lao xuống,
Như một ngôi sao rực cháy. 
Nếu ai đó đã được thấy đôi lần,
Thì người đó không bao giờ quên ..


Phần hai của bài hát được hình thành ngay tại đây, tại nhà. Năm tháng trôi đi, nhưng trí nhớ của con người vẫn giúp chúng tôi giữ lại được biết bao điều tốt và điều thú vị, còn những điều dở thì đã trôi đi, đã lùi vào dĩ vãng.
Và cuối cùng phần kết của bài hát đã được hình thành mới đây thôi, khi chúng tôi tổ chức các cuộc họp mặt, số bạn bè cũ ngày một ít đi - đội ngũ của chúng tôi vơi dần, và những lần đó hồi ức của chúng tôi lại đậm thêm nỗi buồn và thương nhớ.

Tôi đã hát bài đó cho các bạn của mình trong "Sư đoàn hoang dã" - họ rất thích. Chỉ có những ai thuộc nhóm người ít ỏi đã tham gia các sự kiện đó mới hiểu được bài hát đó nói về điều gì? Trong bài hát này có nhiều điều khó hiểu đối với những người không am hiểu "công việc của những ngày tháng đã trôi đi từ lâu”. Có nhiều từ tiếng nước ngoài mặc dù mọi cái đều ăn khớp, những từ không tách được khỏi bài ca. Chúng ta đều có con cháu. Tôi cho rằng, con cháu của tất cả chúng ta phải tò mò muốn biết những gì đã xảy ra với cha ông của họ trước đây. Có Trời mới biết được, có thể có những người ngoài cuộc cũng tò mò muốn biết. Nói tóm lại, tôi đã quyết định viết chút ít về cái thời đã qua, để mọi người có thể hiểu được lời bài hát của chúng tôi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #186 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2009, 11:23:45 am »

Nhưng nỗi sợ hãi không lùa chúng tôi vào cái hầm chật chội

Đến ngày 1-4-1968 bọn Mỹ đã không tiếc bom, không tiếc tên lửa ném xuống Việt Nam. Và ngay sau ngày 1-4, không biết bọn chúng có chuyện gì nực cười - tạm ngừng đánh phá. Nhưng trước đó, trong tháng 3, ngoài các cuộc đánh phá ban ngày, chúng còn tăng cường đánh về đêm. Hoặc là chúng gấp rút thực hiện kế hoạch liều chết, hoặc để đón ngày vui trước thần Khơnhia Tima, hoặc còn một lý do nào khác - tôi cũng không hiểu nổi, nhưng chúng đã gửi đến "phục vụ” Hà Nội và các vùng lân cận bom đạn, tên lửa suốt ngày đêm.

Cũng cần nói rằng đó là một điều chẳng hay ho gì khi tôi bị quấy rầy mất ngủ suốt một tháng trời. Tất cả được bắt đầu từ những hồi còi báo động và thông báo qua loa phóng thanh: "Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý" và liên tục thông báo máy bay địch cách Hà Nội bao nhiêu cây số. Nhờ vậy chúng tôi cũng hiểu được tiếng Việt rất nhanh.

Lúc bấy giờ chúng tôi ở tại một khách sạn ở trung tâm thành phố, gần Nhà hát Lớn, đứa em sinh đôi của Nhà hát “Grand Opéra" ở Pari. Ngay phía sau nhà hát là sông Hồng, có một chiếc cầu bắc qua, do chính Éphen xây. Cầu đã bị bom đánh hỏng. Ngay gần chiếc cầu hỏng có một chiếc cầu phao. Cầu phao này cũng bị địch thường xuyên đánh phá, trong thời gian chúng tôi ở đây, chiếc cầu phao vẫn không việc gì. Trên nóc Nhà hát Lớn có một hệ thống còi báo động với nhiều chiếc loa to, dài, từ phòng ngủ của chúng tôi trên tầng ba của khách sạn, chúng tôi nhìn thấy rõ từng chi tiết của hệ thống còi này. Khi chiếc còi đó rú lên, anh phải lấy hai bàn tay bịt tai lại, tiếng rú của nó động đến toàn thân anh - công suất của nó lớn lắm. Tôi nghĩ rằng nỗi sợ hãi kinh khủng đó đã lôi chúng tôi lên từ cõi chết.

Sau khúc nhạc mở đầu đó điều chủ yếu đã diễn ra - cuộc ném bom bắn phá. Nằm dưới gầm cầu thang cách âm, chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng pháo cao xạ bắn, tiếng mảnh bom, đạn rơi ào ào xuống mái nhà, tiếng máy bay gầm rít, v.v.. Kết thúc trận đánh phá, còi báo yên. Được một lúc lại còi báo động. Người ta nói sự tra tấn cực kỳ khốc liệt nhất đối với con người là suốt mấy ngày đêm liền không được ngủ - không một ai có thể chịu đựng được: Sau tháng 4-1968, chúng tôi có thể dễ dàng tự đánh giá được bản thân mình. Cả ngày mệt nhừ người và có lúc vừa đi vừa ngủ. Sau hơn một tuần lễ chúng tôi đã quen dần, có thể ngủ được trong thời gian địch đánh phá, giữa hai hồi còi báo động.

Một độc giả tinh ý nói: "Vậy là, tác giả bị lôi cuốn - dưới gầm cầu thang cách âm... hẳn là đã ngủ ngon trong hầm trú ẩn gần đó, và đã ngồi lâu đến tê chân tại đó".

Không, chúng tôi đã không ngủ ngon, mặc dù ngay trong khách sạn cũng có hầm tránh bom. Vấn đề không phải ở chỗ chúng tôi là những hiệp sĩ tuyệt vọng như thế. Tuy nhiên, cần nói rằng, ở đây mà yếu bóng vía thì chẳng làm được việc gì. Thực chất là ở chỗ khác. Như mọi người đều biết, bêtông không chịu được ẩm ướt, với độ ẩm nhiệt đới, hầm tránh bom sẽ tích tụ nước rất nhanh, không bao giờ khô ráo và là vương quốc của muỗi - các bức vách, trần hầm được một lớp muỗi sống phủ đầy, còn dưới sàn hầm nước ngập tới mắt cá chân.

Chúng tôi sợ muỗi hơn cả máy bay Mỹ. Các sinh vật đó là các con vật truyền bệnh viêm não địa phương, còn độc hại hơn cả bệnh viêm não ở Xibêri, bởi vì cùng một lúc nó tác hại đến lưng và não bộ... và vô phương cứu chữa. Đến các con trâu là sức kéo tại địa phương cũng bị loại bệnh viêm não này đánh gục. Những con trâu mắc chứng bệnh này thường có triệu chứng sổ mũi, chúng trở nên đờ đẫn, ngã vật ra, nhưng sau đó thường lại hồi phục. Nếu như con muỗi ngay từ đầu đã đốt con trâu đó vào buổi trưa, thì buổi tối nó không đốt người nào nữa. Tiếc thay, điều này không phải lúc nào cũng như vậy.

Thưa độc giả tinh ý, chúng tôi chẳng có thể chui rúc xuống đâu cả và những dòng chữ này vẫn tìm thấy chỗ của mình trong bài ca.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #187 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2009, 11:24:24 am »

Những chiếc "Phan tôm” (Con ma) chọc thủng các tầng mây

Tôi xin vi phạm trình tự trình bày một chút. Trong ca từ của bài hát "Phan tôm" có nhắc lại những "hầm nhà chật chội" trước đây, nhưng tôi muốn trước hết, mô tả bối cảnh chung.

Máy bay tiêm kích ném bom nhiều tác dụng F-4 “Con ma" là một trong những máy bay thành công nhất trong toàn bộ lịch sừ hàng không của Mỹ. Nó được Mỹ sử dụng trong mấy chục năm liền. Tốc độ lớn - cao hơn 2,5 lần tốc độ tiếng động, tính cơ động, sức chở bom - 5,5 tấn đã cho phép sử dụng nó ở Việt Nam để giải quyết những nhiệm vụ chiến đấu khác nhau. Các máy bay tiêm kích MIG-17, MIG-21 của ta đã tham gia các trận không chiến với chúng. Máy bay "MIG" nhẹ hơn nhiều so với các máy bay "Phan tôm", vì vậy máy bay ta có tính cơ động cao về chiều thẳng đứng và được trang bị các tên lửa "không đối không", các tên lửa có tính năng cao hơn các tên lửa Mỹ “Sperôi" (chim sẻ).

Một phi công có kinh nghiệm có thể tránh được "chim sẻ" chỉ cần kịp thời làm động tác cơ động lượn vòng, còn đối với tên lửa của ta ít người có cơ hội tránh được. Nếu cộng thêm vào đó tinh thần dũng cảm của các phi công Việt Nam, những người bảo vệ đất nước mình, bảo vệ cha mẹ mình, thì có thể hiểu được kết quả chung cuộc của các trận không chiến - để hạ được một máy bay Việt Nam, Mỹ phải mất trên hai, ba mươi máy bay.

Máy bay "Phan tôm" có một đặc điểm nổi bật là dễ bị phát hiện qua vẻ ngoài. Đầu chúi xuống, đuôi ngóc lên, nhìn hình cắt ngang giống như một con cá trắm. Một lần chúng tôi đã được nhìn thấy rõ hình cắt ngang của con cá trắm đó.

Sau chuyến đi công tác, chúng tôi trở về vùng ngoại ô. Hôm đó trời nắng đẹp. Bầu trời trong xanh, không một gợn mây. Còn độ 7 - 8 km nữa thì đến Hà Nội. Chúng tôi đi đến một vùng trống trải, nhìn thấy trên bầu trời Hà Nội có những vệt trắng kéo dài của tên lửa và máy bay - đang diễn ra trận chiến đấu. Người chỉ huy ra lệnh dừng lại, tất cả chúng tôi rời khỏi ôtô và phân tán theo địa hình. Việc đó không phải là thừa, vì bất cứ vật gì di động trên các con đường đều có thể bị bắn phá, thậm chí có cả máy bay chỉ chuyên đi săn lùng - "những kẻ đột nhập", chủ yếu chúng bay dọc theo các con đường và lùng diệt.

Chúng tôi lao ra khỏi ôtô và phân tán ra nhưng chẳng biết nấp vào đâu - xung quanh là các ruộng lúa ngập nước có mấy khóm cây và những hố bom. Chúng tôi men theo mấy bờ ruộng khô tránh xa con đường được độ 100 mét và đứng tụm lại hai, ba người một tốp, rồi nhìn về bầu trời Hà Nội. Và bất thình lình, không biết từ đâu một chiếc máy bay bay về phía chúng tôi, nó bay sát mặt đất. Chúng tôi đứng lặng yên - chẳng biết chạy đi đâu. Nhưng chiếc máy bay đó bay sang một bên, gần đến mức trên nền trời sáng thấy rõ được hình cắt ngang của con cá trắm với đầy đủ các chi tiết, nhưng cũng thấy được trong buồng lái hình bóng tối sẫm của tên phi công.

Trong thời khắc căng thẳng nhất, lúc chiếc máy bay bay sát lại phía chúng tôi, một tràng súng máy đại liên phòng không đã bắn chiếc máy bay đó. Khẩu súng máy đó đặt rất gần chỗ chúng tôi, được ngụy trang bằng các bụi cây mà chúng tôi vừa trông thấy, nên chúng tôi không nhìn thấy khẩu súng máy. Loạt đạn đó không bắn trúng chiếc "Phan tôm", nhưng nó đã làm chúng tôi choáng tai, ngay lập tức, như có một mệnh lệnh, chúng tôi nằm rạp cả xuống.

Chiếc "Phan tôm" bay đi mất. Chúng tôi rũ bụi quần áo và quay trở lại xe, người nọ bảo người kia, chẳng quái gì mà phải sợ, rằng chiếc "Phan tôm" sau khi đánh nhau đã sợ phải co chân bay là mặt đất, và nó chẳng có gì làm ta sợ cả, v.v.. Sau đó lại râm ran các chuyện cười, kiểu "ê, này đũng quần cậu ướt đẫm rồi kìa".

Sau trận đánh phá, cầu phao qua sông Hồng trở lại làm việc bình thường, chúng tôi qua cầu bình an vô sự trở về Hà Nội. Nhưng lúc đó chúng tôi đã hiểu được máy bay "Phan tôm" mang dáng hình của một con cá - một con ác thú.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #188 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2009, 11:25:03 am »

“Sraicơ” bị mù
“Sraicơ" cũng là tên của một loài chim. Tên lửa này thuộc loại "không đối đất" dùng để tiêu diệt các bộ khí tài tên lửa phòng không của ta. Tại sao lại chính là của ta? Tên lửa "Sraicơ" có đầu đạn tự dẫn hướng vào các tín hiệu của máy vô tuyến định vị của các khí tài tên lửa phòng không của ta, các bộ khí tài này đã được người Mỹ nghiên cứu rất kỹ. Ixraen đã trao các bộ khí tài thu được ở Ai Cập cho Mỹ.

Đầu đạn tự dẫn của tên lửa "Sraicơ" đã lao thẳng vào bộ khí tài tên lửa phòng không theo chùm sóng của chính máy vô tuyến định vị của đài điều khiển tên lửa phát ra. Ngay từ lúc còn đang bay cách mục tiêu vài mét, ngòi nổ đã làm việc, một liều thuốc nổ 30 kg phá đầu đạn kim loại chứa hàng nghìn mảnh đạn, mỗi mảnh 4 milimét khối. Các mảnh đó "chọc thủng" mọi thứ nằm trên mặt đất ra đa, tên lửa, dây cáp điện.

Tưởng như mọi việc đã chẳng ra gì, nhưng... thời điểm phóng "Sraicơ" từ máy bay xuống cũng nhìn thấy được trên màn hình ra đa của bộ khí tài tên lửa phòng không. Chỉ còn một việc đơn giản: tắt máy phát trong một khoảng thời gian nhất định, "Sraicơ" bị mất tia định hướng và bay theo luồng ánh sáng trắng. Nhiều quả tên lửa "Sraicơ" đã bay vào các khu dân cư của Hà Nội và đã bắn xuyên thủng phá hủy các mục tiêu khác.

Một trong những quả "bị bịt mắt đó" đã đâm vào góc biệt thự hai tầng của Tuỳ viên quân sự Liên Xô tại Việt Nam. Một phần nhà bị đổ, hai tầng nhà bị hỏng. Nếu như việc đó xảy ra vào ban đêm, chắc đã có nhiều người bị thương. Nhưng sáng hôm sau, đa số những người ở trong ngôi biệt thự đó đã lại đến công sở làm việc. Ở trong nhà lúc đó chỉ có Tuỳ viên quân sự và phu nhân, họ ở trong một phần nhà còn nguyên vẹn nên không việc gì. Lần này, tướng A. I. Lêbêđép, Anh hùng Liên Xô, phi công không quân ném bom tầm xa đã bay suốt cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, gặp may.

Và từ đó trong bài ca có hai dòng: "... và đến ông trời cũng không biết được, "Sraicơ" bị bịt mắt sẽ bay đến đâu”.

Còn các mảnh tên lửa thì có thể cắm lên các thân cây, lên tường nhà hoặc hòa vào với rác rưởi trên đường phố. Khi từ Việt Nam về nước tôi đã mang theo và giữ cùng các vật kỷ niệm, tặng phẩm khác - vỏ một quả bom bi để trong một cái hộp.

Tôi muốn nói đôi lời về bom bi. Nhờ trời, đã không có chuyện gì xảy ra đối với những người trong "Sư đoàn hoang dã" và trong bài ca cũng không hề nhắc tới. Nhưng tôi nghĩ rằng, bạn đọc sẽ rất thú vị khi được biết "ý tưởng sáng tạo" của con người trên con đường chém giết lẫn nhau đã đạt tới đỉnh cao nào.

Viên đạn làm gãy xương, nhưng xương gãy có thể làm xương lành lại được. Viên bi thép khi đâm vào vải mềm hoặc xương nó chọc thủng chúng tới từng mẩu nhỏ và không thể liền lại được.

Bom bi - không lớn, hình tròn, kích thước bằng quả cam. Vỏ bom làm bằng hợp kim nhẹ chứa gần ba trăm viên bi thép - có thể trông thấy các viên bi này ở phía ngoài vỏ và đếm được. Vào thời bấy giờ F-105 là máy bay hiện đại nhất, ví dụ nó có thể mang theo bốn thùng bom bi mẹ, mỗi thùng chứa mấy trăm quả bom bi con. Hãy thử hình dung xem trên một con đường có nhiều người đi lại, quân sự hay dân thường, không quan trọng, càng đông càng "tốt". Một chiếc máy bay bay đến, thả xuống các thùng bom bi, hết thùng này đến thùng khác...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #189 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2009, 11:25:43 am »

Chúng tôi cũng phóng "Sraicơ”

Quanh tòa nhà Đại sứ quán Liên Xô, nơi chúng tôi ở có một bãi đất rất rộng. Tại đây có một bể bơi tuyệt vời, dài 25 mét, có cả cầu nhảy, rất nhiều cây cối, nhà hóng mát và một bãi trống. Trên bãi trống thường có một chiếc rơmoóc, đậu trên rơmoóc có cái gì đó được phủ bạt. Đến lúc đó chúng tôi cũng chẳng biết đấy là cái gì. Nhưng sau đó người ta nói với chúng tôi rằng ở đó có một chiếc động cơ của "Sraicơ". Chiếc máy bay đã bị bắn rơi trước khi nó phóng tên lửa "Sraicơ" xuống. Xác của nó rơi xuống đầm lầy Động cơ nguyên liệu rắn của "Sraicơ" hầu như còn nguyên vẹn, nhưng ở dưới đầm lầy nhiên liệu bị ướt sũng. Vì tên lửa nặng và cồng kềnh nên lúc đó chưa đưa được cả quả tên lửa về Mátxcơva. Nhiệm vụ đặt ra là phải lấy được mẫu nhiên liệu, không lấy từ ống xả, mà lấy từ bên sườn hoặc từ phía sau, chỗ mà nhiên liệu còn giữ được tốt.

Hiện nay đã trải qua ba mươi năm, khó có thể hình dung được đoàn chuyên gia chúng tôi đã phải làm việc trong hoàn cảnh không có thùng xe bọc thép, không có thiết bị chuyên dụng, lúc nào cũng có thể mạo hiểm cuộc sống. Dụng cụ lao động là dao, dũa, búa tay và tuốcnơvít. Chúng tôi hiểu rằng, phải hết sức cẩn trọng, vì có thể một phần nhiên liệu còn khô lúc đó có thể phát nổ, và khi đó... Và thực sự đã là như vậy. 

Các cửa sổ của tòa nhà Đại sứ quán trổ ra hành lang, do đó tránh được ánh nắng rọi vào trong các phòng. Chúng tôi đặt ngoài hành lang một cái bàn, hai cái ghế tựa rộng rãi và thoáng. Có thể bước qua cửa sổ để ra ngoài hành lang. Buồng của chúng tôi ở ngay tầng một và để đi ra sân của tòa nhà chúng tôi thường không qua cửa ra vào, mà qua cửa sổ - vì là Sư đoàn hoang dã.

Và hôm đó, cũng như mọi khi, hai ông "tranh thủ” đã trèo cửa sổ ra chỗ rơmoóc. Sau một tiếng rưỡi đồng hồ, bất thình lình nghe thấy một tiếng rít và một tiếng rầm nhỏ. Tôi vội lao ngay ra ngoài sân. Chiếc động cơ đang lăn dưới các bánh xe của chiếc rơmoóc trong đám bụi và khói mù mịt. Từ bên sườn động cơ phát ra một tia lửa sáng trắng. Mất tăm dấu vết của các ông "tranh thủ”. Thật phúc đức, số nhiên liệu khô cũng không còn nhiều lắm, ngay sau đó lửa đã tắt, chiếc rơmoóc bị cháy. Các đám cháy đã tạo ra một cột khói đen bay lên trời. Nghe thấy tiếng kẻng báo động từ xa vọng lại. Tiếng kẻng mỗi lúc một gần. Sau bức tường bao quanh lãnh thổ của Đại sứ quán có các xe chữa cháy đỗ. Có một chiếc thang bắc qua tường. Tôi vội leo lên tường, vẫy tay.

- Tốt lắm, tốt lắm? - Có nghĩa là mọi việc đã tốt đẹp.

Các xe cứu hỏa quay đi. Chiếc rơmoóc bị cháy trụi, xuất hiện các ông "tranh thủ” còn nguyên vẹn, không bị bỏng. Cả hai đều là vận động viên phản ứng nhanh, chuồn ngay. Chỉ có một người bị cháy mất cái áo vét, buộc phải vứt đi.

Tối hôm đó trưởng đoàn chúng tôi bị vị đại sứ triệu đến. Trưởng đoàn quay về buồn xỉu, nhưng không nói gì với chúng tôi. Đoàn trưởng của chúng tôi là người thông minh, biết điều, nhận thức đúng mọi sự việc.

Như vậy là "chúng tôi cũng đã phóng "Sraicơ"".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM