Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:21:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh Việt Nam là thế đó 1965 - 1973  (Đọc 123482 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #150 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 01:19:36 pm »

Khi tiến hành các cuộc bắn phá Hà Nội, các thành phố khác và các điểm dân cư của Việt Nam, bọn Mỹ đã sử dụng rộng rãi những quả bom bi. Bộ phận kíp nổ trong loại bom này được cấu tạo theo cách khiến nó được kích hoạt khi văng ra khỏi bom mẹ hoặc khi chạm vào mặt đất và chỉ được phát nổ chậm sau vài phút đến 2 ngày. Khi nổ các viên bi văng ra tung toé, gây ra những vết thương rất trầm trọng cho mọi người. Bọn Mỹ đã sử dụng loại bom này chính là để gây sát thương cho người, thường là nhằm chống lại dân thường. Phía Mỹ còn sừ dụng loại bom bi hình trụ, có cánh lái ở đuôi. Những quả bom bi này được sơn màu vàng và có hình dáng giống quả dứa, vì thế mà chúng tôi gọi chúng là bom dứa.

Ngày 5-6-1967 tại tỉnh Thanh Hoá, ở khu vực cầu Hàm Rồng, một máy bay Mỹ thuộc phi đội trinh sát, chiếc 8E-992 đã bị bắn rơi. Đó là chiếc máy bay Mỹ thứ 2000 bị bắn rơi trên bầu trời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tên phi công lái máy bay này là Thiếu tá Côlin H. Haina thuộc biên chế tàu sân bay "Bônông Risớt", đã bị bắt làm tù binh.

Nhân sự kiện này Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã gửi thư cho các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Dưới đây là nội dung bức thư ấy:

Hà Nội ngày 24-6-1967
Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam
Gửi các chuyên gia quân sự Liên Xô đang công tác tại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Nhân dịp Quân đội nhân dân miền Bắc Việt Nam tiêu diệt chiếc máy bay Mỹ thử 2000 và nhân thắng lợi to lớn của nhân dân và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam trong Chiến dịch đông - xuân 1966 - 1967, chúng tôi vui mừng báo tin thắng lợi này đến các đồng chí.

Thưa các đồng chí

Trong hơn 2 năm gây ra cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, bọn xâm lược Mỹ đã chịu thất bại nhục nhã. Đã có hơn 2000 máy bay bị tiêu diệt và hàng nghìn tên phi công kẻ cướp Mỹ đã bị bắt làm tù binh, đã có 75 tàu chiến và tàu phá hoại của Mỹ và của ngụy quyền tay sai của chúng bị đánh chìm và bị hư hại. Như vậy quân và dân miền Bắc Việt Nam đã giành được thắng lợi to lớn và toàn diện.

Thưa các đồng chí

Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Liên Xô đã cử các đồng chí sang đây để giúp đỡ và kề vai sát cánh với chúng tôi chiến đấu chống xâm lược Mỹ. Các chiến sĩ Xôviêt đã thể hiện những phẩm chất và những truyền thống tốt đẹp của nhân dân Liên Xô, của Quân đội Liên Xô tinh thần quốc tế cộng sản cao quý, tinh thần quên mình và lòng dũng cảm. Bằng mồ hôi và máu của mình các đồng chí đã có những đóng góp đáng kể vào thắng lợi chung của nhân dân Việt Nam, đã củng cố hơn nữa tình hữu nghị và tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân và quân đội hai nước Việt Nam và Liên Xô. Trong công tác và chiến đấu các đồng chí đã đạt được nhiều thành tích sáng chói.

Nhân dịp này, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam nhiệt liệt chúc mừng các đồng chí về những thành tích đã đạt được, và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân và quân đội Việt Nam đối với Đảng Cộng sản Liên Xô, Chính phủ Liên Xô, nhân dân Liên Xô, Quân đội Liên Xô và tất cả các đồng chí. Thông qua các đồng chí, chúng tôi xin chuyển lời chào của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đến các đồng chí chuyên gia đã từng công tác trước đây tại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đến các đồng chí chuyên gia đã bị thương và những đồng chí bị đau yếu, cũng như đến các gia đình của các đồng chí đã hy sinh tại Việt Nam.

Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam


Tháng 6-1967 một nhóm chuyên gia không quân Liên Xô đã tới Việt Nam. Họ tiến hành lắp ráp và hiệu chỉnh những chiếc máy bay được chở từ Liên Xô đến để viện trợ không hoàn lại cho lực lượng không quân Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Vào thời kỳ ấy những chiếc máy bay này là những máy bay chiến đấu hiện đại nhất - đó là những chiếc MIG-21 và những máy bay khác.

Khi nhận xét về những chiếc máy bay tiêm kích MIG-21 của Liên Xô, các phi công Việt Nam đã nói rằng "đây là những chiếc máy bay tuyệt vời, dễ dàng điều khiển và cơ động. Trong chiến đấu những máy bay này còn vượt trội hơn cả những loại máy bay hiện đại nhất của Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #151 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 01:20:30 pm »

Ngày 24-7-1967 là vừa tròn hai năm kể từ ngày binh chủng tên lửa phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam - được thành lập với sự giúp đỡ của Liên Xô - đánh trận đầu tiên với không quân Mỹ và đã thể hiện những phẩm chất chiến đấu cao.

Nhân ngày kỷ niệm quan trọng này báo "Nhân Dân", cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam - trong số 4853, ấn hành ngày 24-7-1967 đã đăng xã luận "Bộ đội tên lửa anh hùng".

Bài xã luận đã nêu lên những hoạt động chiến đấu anh hùng của Binh chủng tên lửa phòng không, những thành tích và ý nghĩa to lớn của binh chủng tên lửa phòng không đối với việc giành thắng lợi hoàn toàn trước bọn xâm lược Mỹ; đã nêu danh Trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên anh hùng, các Tiểu đoàn tên lửa phòng không 61 và 63 là những tiểu đoàn đã bắn rơi hàng chục máy bay Mỹ, họ tên của những vị chỉ huy anh hùng dũng cảm của các tiểu đoàn ấy, đó là: sĩ quan chỉ huy trung đoàn, Trung tá Nguyễn Tuyên (Hryeн Tyeн), các sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn, các Thiếu tá Hồ Sĩ Hữu (Xo Ши Xыy) Và Nguyễn Văn Hinh (Hryeн Baн Xинь). Các Sĩ quan dẫn đường tên lửa, các Thượng úy Phạm Trường Uy (Фaм Чыонг Yи) Và Lã Đình Chi (Лa Динь Tьи). Và những chiến sĩ tên lửa xuất sắc khác.

Bộ chỉ huy của Việt Nam cũng nêu lên những cố gắng to lớn của các chuyên gia quân sự Liên Xô trong việc xây dựng Binh chủng tên lửa phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam và đưa binh chủng này vào chiến đấu. Trực tiếp trong điều kiện chiến đấu, trong các cuộc đánh trả những cuộc bắn phá của không quân Mỹ, các chuyên gia Liên Xô đã huấn luyện cho các quân nhân Việt Nam nghệ thuật bắn tên lửa, kỹ năng chỉ huy phối hợp tác chiến của tiểu đoàn, của trung đoàn, của một nhóm trung đoàn.

Nhằm giải quyết các nhiệm vụ nâng cao chất lượng của binh chủng phòng không, cải tiến tổ chức hoạt động tác chiến, cũng như để kiểm tra hoạt động của các nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô làm việc trong các đơn vị quân đội Việt Nam, và để giúp cải thiện điều kiện sinh hoạt của các chuyên gia, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam, Tham mưu trưởng, các sĩ quan trong Ban tham mưu của Đoàn chuyên gia thường lui tới các đơn vị quân đội. Tại đó, qua việc tiếp xúc trực tiếp với các chuyên gia quân sự Liên Xô nhiều vấn đề đã được giải quyết. Sau đây xin dẫn ra một chuyến công tác như vậy xuống các đơn vị.

Chiều ngày 2-8-1967, tôi và sĩ quan cấp cao của Ban tham mưu Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô là Trung tá Ôlếch Đmitơriêvích Xmirnốp đã đi trên chiếc GAZ-69, do đồng chí Minh, chiến sĩ lái xe người Việt lái để tới một trung đoàn tên lửa phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam có các trận địa chiến đấu tại khu vực phòng không Hà Nội. Trung đoàn này đóng cách Hà Nội 50 km. Chúng tôi qua cầu Long Biên để vượt sông Hồng, ngoặt sang đường đi Hải Phòng, đi qua khu vực Gia Lâm, sau đó đi qua sân bay Hà Nội, đi tiếp 15 km thì rẽ xuống con đường liên xã dẫn tới nơi đóng quân của trung đoàn.

Một trận mưa không lớn đã đổ xuống làm đường trở nên nhão nhoét. Khi xe chúng tôi ra khỏi thành phố thì trời đã tối. Vào lúc 20 giờ chúng tôi tới nơi. Đơn vị tên lửa này đóng quân trên một địa hình bị chia cắt ở trong rừng. Dưới tán lá cây đan dầy là những ngôi nhà lán bé nhỏ làm bằng tre nứa và lợp lá cọ. Bên cạnh đó có một con suối nhỏ nhưng không thể tắm được, vì trong con suối ấy có nhiều rắn độc. Chung quanh là những bụi cây cao, vơi những dây leo chằng chịt.

Chúng tôi triệu tập cuộc họp các chuyên gia quân sự Liên Xô làm việc ở trung đoàn này: trưởng nhóm, Trung tá Iuri Mikhailôvích Bôsnhắc và cùng với ông là 10 sĩ quan Liên Xô. Chúng tôi đã thảo luận với họ về tất cả mọi vấn đề của công việc tác chiến, tình trạng khí tài chiến đấu, quan hệ với ban chỉ huy người Việt Nam, cùng những mặt khác của đời sống sinh hoạt. Chúng tôi uống trà Việt Nam và nằm ngủ trong một ngôi chùa mà người ta đưa chúng tôi đến nghỉ đêm.

Không thể nào ngủ được: nhiệt độ không khí là +38oC, độ ẩm là 95%, vô cùng ngột ngạt, có hàng tỷ con muỗi. Vào lúc 5 giờ sáng chúng tôi thức dậy, ăn sáng và đến sở chỉ huy trung đoàn, vì vào 6 giờ sáng có thể sẽ có cuộc oanh tạc của không quân Mỹ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #152 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 01:21:18 pm »

Sở chỉ huy trung đoàn đặt ở trong làng, giữa những rặng cây rậm rạp: những cây tre cao vút, những bụi chuối và nhiều loại cây khác trong đó có các loại cây ăn quả mà tôi không rõ thuộc loại nào.

Bản thân Sở chỉ huy là một hầm lòng chảo sâu khoảng 1,5 mét trong nền cát. Không thể đào sâu thêm nữa vì gặp phải nước. Phía trên có một mái đỡ nhỏ. Trang thiết bị của Sở chỉ huy đều là những thứ theo tiêu chuẩn thông thường: có 2 bản đồ - bản đồ về tình hình chung và bản đồ chiến đấu, một chiếc bàn của chỉ huy và của tham mưu trưởng trung đoàn với thiết bị chỉ huy tập trung, bàn của các nhân viên, thiết bị liên lạc cần thiết, các bảng và biểu đồ cần thiết.

Chúng tôi đã làm quen với ban chỉ huy của trung đoàn này. Sĩ quan chỉ huy trung đoàn là Thiếu tá Sơn (Шон), chính ủy là Thiếu tá Đậu (Дау), tham mưu trưởng là Đại úy Tẩu (Tay).

Người ta chỉ vừa kịp báo cáo với tôi về tình hình thì cuộc oanh kích đã bắt đầu. Một tốp tám chiếc F-105 đang tiến về khu vực chiến đấu của trung đoàn. Có hai chiếc lọt vào khu vực chiến đấu của tiểu đoàn thứ hai. Tiểu đoàn này đã phóng hai quả tên lửa và bắn rơi một chiếc. Tên phi công đã kịp nhảy dù và bị bắt làm tù binh. Có một số máy bay nữa bay ở rìa khu vực tác chiến. Khi có hai chiếc lọt vào khu vực tác chiến của tiểu đoàn thứ ba thì không thể khai hỏa được, bởi vì ở đó đang có các máy bay MIG-21 của ta hoạt động. Sau đó nghỉ xả hơi vì không có mục tiêu. Chúng tôi bước ra ngoài trời, nóng khủng khiếp: +41oC, chúng tôi ra mồ hôi như tắm.

Vào lúc 11 giờ bắt đầu cuộc oanh tạc thứ hai. Đã có đến 18 chiếc F-105 và F-4C bay ở ngoài mà không bay vào khu vực tác chiến của tiểu đoàn chúng tôi. Ở phía trước mặt chúng tôi có nghe thấy pháo cao xạ khai hoả, sau đó là những tiếng bom nổ. Nhưng sau đấy các máy bay Mỹ không xuất hiện trong khu vực tác chiến của chúng tôi nữa, do vậy chúng tôi đi ăn trưa. Sau bữa trưa tôi đã cùng làm việc với ban chỉ huy người Việt của trung đoàn và với các chuyên gia quân sự Liên Xô làm việc tại Sở chỉ huy. Đến chiều chúng tôi lên đường trở về Hà Nội.

Ngày 9-8-1967 Trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Thiếu tướng G. A. Bêlốp, Tham mưu trưởng của Đoàn chuyên gia là Đại tá B. A. Vôrônốp, Trưởng nhóm chuyên gia tên lửa phòng không, Thiếu tướng pháo binh V. X. Kixlianxki và Trưởng nhóm chuyên gia không quân, Thiếu tướng không quân V. P. Xensencô đã gặp Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tư lệnh Binh chủng phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cuộc họp này thảo luận vấn đề tăng cường công tác phòng không đối với Thành phố Hà Nội, vì theo tin tình báo của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, bọn Mỹ đang chuẩn bị thực hiện vào những ngày sắp tới một cuộc oanh tạc dữ dội bằng không quân vào thành phố Hà Nội.

Ngoài việc xem xét nhiều vấn đề khác nhau về tác chiến, trong cuộc họp này chúng tôi còn kiến nghị cần phải đưa tất cả tiểu đoàn tên lửa phòng không đang "phục kích" tại những khu vực khác nhau trong nước trở về khu vực phòng không bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng Tại đó các tiểu đoàn tên lửa này phải sẵn sàng trong đội hình chiến đấu.

Các đồng chí Việt Nam đồng ý với những đề nghị của chúng tôi, nhưng đồng thời cũng lưu ý rằng không cần vội vã vì còn đủ thời gian và không quân Mỹ sẽ bắt đầu oanh kích sớm nhất sau 4-5 ngày nữa. Thế nhưng không quân Mỹ đã đánh phá thành phố Hà Nội chỉ sau đó 2 ngày.

Sự việc xảy ra ngày 11-8-1967. Vào lúc 14 giờ, tôi cùng với sĩ quan tham mưu của Đoàn chuyên gia là Thiếu tá Víchto Vlađimirôvích Sépsúc đến Cục Liên lạc đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tại đây một viên sĩ quan của Cục là Đại úy Phan (Фан) cùng viên trợ lý đã chờ chúng tôi. Chùng tôi chào nhau, uống chén trà truyền thống của Việt Nam và bắt tay vào việc. Chúng tôi xử lý một khối lượng lớn các tài liệu mật tại một trong những căn phòng ở trên tầng hai thuộc cánh trái của tòa nhà hai tầng bằng gạch. Có một cô binh nhất người Việt giúp chúng tôi trong công việc này.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #153 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 01:22:16 pm »

Vào lúc 16 giờ 15 phút một số toán máy bay tiêm kích ném bom F-105 và một nhóm yểm trợ gồm những chiếc máy bay tiêm kích F-4C của Mỹ từ nhiều hướng khác nhau đã bắt đầu đánh phá thành phố Hà Nội. Toán thứ nhất có tổng cộng gần 70 máy bay.

Khi còi báo động vang lên thì những chiến sĩ bảo vệ Thủ đô của Việt Nam đã ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Các đơn vị phòng không đã dũng cảm đón nhận cuộc bắn phá ồ ạt này. Trên bầu trời có những vệt lửa phun ra từ những tên lửa phòng không vừa được phóng đi. Trước mắt chúng tôi một quả tên lửa đã hạ gục một chiếc máy bay Mỹ. Lưới lửa cao xạ đã chặn đường bọn xâm lược. Đội hình các máy bay Mỹ bị tản ra.

Chung quanh chúng tôi toàn là những tiếng nổ inh tai nhức óc. Tiếng gầm rú của máy bay, những tiếng nổ của tên lửa phòng không và đạn pháo cao xạ, tiếng bom nổ - tất cả những tiếng nổ ấy đã làm tai chúng tôi ù đặc.

Sau đó 15 phút lại bắt đầu đợt bắn phá thứ hai. Thành phần toán máy bay này có khoảng 60 chiếc, cùng loại máy bay như đợt trước đó.

Không quân Mỹ đánh phá chủ yếu vào cầu Long Biên bắc qua sông Hồng và khu vực Gia Lâm nằm ở phía tả ngạn con sông này.

Máy bay địch sử dụng bom phá và bom bi, phóng các loại rốc két, tên lửa "Sraicơ" và tên lửa "Bunpáp". Có hai nhịp lớn ở giữa cầu bị phá hủy và đổ ụp xuống sông cùng với những chiếc ôtô và người qua lại lúc ấy trên cầu. Ngoài ra có một nhịp cầu bị hư hại nghiêm trọng. Toàn bộ phía bờ trái chìm trong lửa. Các kho nhiên liệu vả nhiều công trình khác bốc cháy. Lần này thì nhà máy điện của thành phố không bị hề hấn. Nhà ở và những công trình dân sinh ở các khu phố trung tâm cũng như ở ngoại thành Hà Nội đã bị phá hủy. Rất nhiều dân thường, kể cả trẻ em đã bị chết và bị thương.



Trong trận này các lực lượng phòng không đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ.

Trong công cuộc đánh trả không quân Mỹ thì bất ký thành phố nào, bất kỳ một tỉnh nào trong nước cũng có thể được nêu gương về lòng dũng cảm. Nhưng thành phố Hà Nội là biểu tượng về tinh thần kiên cường trong cuộc chiến đấu thần thánh của nhân dân Việt Nam. Mỗi khi máy bay Mỹ tiến hành cuộc bắn phá dữ dội thường lệ vào Thủ đô của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì từ các loa phát thanh đặt ngoài phố lại vang lên:

“Đồng bào chú ý! đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 60 km! Cách Hà Nội 50 km,... cách 40 km,... cách 30 km... Báo động khẩn cấp!".

Đến lúc ấy Hà Nội trở thành pháo đài. Một bức tường lửa vững chắc được dựng lên chặn đường của bọn cướp trên không.

Sang ngày hôm sau, tức là ngày 12-8-1967, vào lúc 7 giờ 15 phút lại bắt đầu trận đánh phá thường lệ của không quân địch vào thành phố Hà Nội. Có gần 100 máy bay tham gia cuộc bắn phá này. Các mục tiêu bắn phá chủ yếu là cầu Long Biên, phía tả ngạn thành phố Hà Nội và vùng ngoại ô cách Hà Nội 10-15 km về phía tây - bắc, khu vực Gia Lâm và Cầu Đuống.

Còi báo động liên tục rú. Trong suốt cả ngày hôm ấy những cuộc oanh tạc của những tốp nhỏ máy bay địch vẫn tiếp diễn. Các chiến sĩ tên lửa và pháo cao xạ của khu vực phòng không Hà Nội đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ. 

Ngày 21-8-1967 không quân Mỹ lại ném bom ác liệt Thành phố Hà Nội và vùng phụ cận.

Vào lúc 11 giờ 15 phút bắt đầu cuộc bắn phá. Cuộc bắn phá này được thực hiện làm 3 đợt, cách nhau 5 phút. Trong mỗi đợt bắn phá đều có toán máy bay xung kích gồm 24 chiếc tiêm kích ném bom F-105 và hơn 40 chiếc tiêm kích hộ tống F-4C. Tổng cộng đã có hơn 200 lần chiếc hoạt động.

Những nơi bị ném bom là trung tâm thành phố, các khu vực đông dân cư ở các vùng phụ cận phía bắc và phía nam, cầu Long Biên và cầu Đuống, nhà máy điện và nhiều cơ sở khác. Còi báo động, những loạt đạn pháo cao xạ, những loạt đạn súng bắn ra từ các cụm súng máy phòng không, những tiếng tên lửa nổ, bom nổ, tiếng gầm rít của các động cơ máy bay phản lực - tất cả những cái đó hòa thành một chuỗi tiếng gầm không ngớt. Bọn Mỹ sử dụng các quả bom có thiết bị định vị tự động do Anh sản xuất để đánh phá nhà máy điện Hà Nội.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #154 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 01:24:03 pm »

Tại khu vực Gia Lâm và nhà máy điện Hà Nội người ta thấy một bức tường khói và bụi dầy đặc, những cột lửa và khói che lấp cả bấu trời. Báo yên, rồi lại báo động. Báo yên trở lại, rồi lại báo động. Một quả tên lửa “Sraicơ" rơi vào bệnh viện, bên cạnh một nhà thờ Công giáo, ở gần hồ Hoàn Kiếm. Tòa nhà bị phá hủy. Nhiều bệnh nhân và nhân viên y tế ở đó đã bị sát hại. Có nhiều thương vong trong dân thường.

Lực lượng phòng không - không quân đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ: 3 chiếc do các máy bay tiêm kích Việt Nam bắn hạ, còn 5 chiếc khác là do bị tên lửa bắn rơi. Ngoài ra trong lúc diễn ra trận oanh tạc có 2 máy bay Mỹ đâm vào nhau và bị nổ tung. Trong các trận đánh ấy đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2200.

Ngày 22-8-1967 vào lúc 7 giờ 10 phút sáng lại bắt đầu cuộc oanh tạc dữ dội của không quân Mỹ vào Hà Nội. Một khu phố ở trung tâm thành phố bị san phẳng hoàn toàn. Những phố bị bắn phá là phố Huế, Ngô Thì Nhậm, Mai Hắc Đế và những phố khác. Có nhiều nhà ở, hiệu thuốc, phòng giáo dục của quận Hai Bà Trưng, nhà máy dệt kim, nhà máy rượu bị phá hủy. Lại có thêm nhiều dân thường bị chết. Có 22 người - phụ nữ và trẻ em - bị vùi lấp trong đống đổ nát của một tòa nhà. Suốt ngày còi báo động vang lên. Suốt ngày hôm ấy có những tiếng nổ. Mọi vật chung quanh đều ám khói thuốc súng.

Trong ngày hôm ấy các chiến sĩ bảo vệ Hà Nội đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ.

Ngày 23-8-1967, vào lúc 15 giờ 15 phút còi báo động lại vang lên. Lại bắt đầu đợt bắn phá mới của máy bay Mỹ vào Hà Nội. Lại vang lên những tiếng nổ, lại những sự'tàn phá và chết chóc.

Trong ngày hôm ấy đã có 8 máy bay Mỹ bị bắn rơi.

Trong tất cả những trận đánh căng thẳng ấy của bộ đội phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam, các chuyên gia quân sự Liên Xô cũng đã kề vai sát cánh chiến đấu cùng với các chiến sĩ Việt Nam.

Không quân Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường đánh phá các công trình thủy lợi trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - các đập nước và đê điều ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Tây, Quảng Ninh. Mục đích của những cuộc bắn phá ấy là làm đồng ruộng và các điểm dân cư ngập chìm trong nước. Hậu quả của việc phá hoại đê điều là mức nước trên các con sông hầu như đạt đến đỉnh điểm. 

Ngày 31-8-1967, trong thời gian diễn ra trận đánh trả cuộc bắn phá của máy bay hải quân Mỹ vào thành phố Hải Phòng đã xảy ra một trường hợp chưa từng thấy: Tiểu đoàn tên lửa phòng không 73 thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không 285 với một quả tên lửa, đã bắn rơi cùng lúc 3 máy bay Mỹ bay trong đội hình dầy đặc. Vụ đó diễn ra như sau:

Vào lúc 7 giờ 20 phút đài trinh sát và chỉ thị mục tiêu của Tiểu đoàn 73 đã phát hiện ở khoảng cách 60 km có một tốp máy bay yểm trợ gồm một số máy bay tiêm kích F-4A. Bọn này là mồi nhử để phát hiện các tổ hợp tên lửa phòng không. Sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn, Đại úy Khánh (Xaнь) và đồng nghiệp Liên Xô của anh đã quyết định để tốp này lọt qua, không cho thiết bị phát sóng hoạt động.

Sau vài phút, ở khoảng cách 28 km, lại phát hiện tốp thứ hai gồm 4 chiếc máy bay hải quân AD-4 bay theo đội hình rất sát. Ở khoảng cách 23 km, tên lửa thứ nhất được phóng lên. Ở khoảng cách 19 km quả tên lửa ấy trực tiếp bắn trúng chiếc AD-4 bay ở giữa tốp. Sức nổ mạnh của tên lửa và của chiếc máy bay chở đầy nhiên liệu và số bom chưa thả đã làm nổ tung thêm hai chiếc bay ở phía trái và phía bên phải. Các tên phi công trên hai chiếc máy bay ấy - một thiếu tá và một đại úy - đã kịp nhảy dù và bị bắt làm tù binh. Còn tên phi công của chiếc máy bay thứ nhất đã chết.

Sau 7 giây, cách quả tên lửa thứ nhất (chúng được bắn theo khoảng cách), quả tên lửa thứ hai nổ, bắn trúng vào mảnh của các máy bay đang rơi. Chiếc máy bay thứ tư cũng bị hư hại, nhưng nó đã vòng trở lại được và thậm chí còn bay được đến bờ vịnh và rơi ở đó.

Vào thời gian ấy, Trung tá Bùi Đăng Tứ (Бyй Дaн Tы) là sĩ quan chỉ huy Trung đoàn tên lửa phòng không 285, còn Đại tá Blincốp là trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô trong trung đoàn này.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #155 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 01:25:00 pm »

Có nhiều trận địa hỏa lực giả của Binh chủng tên lửa phòng không. Từ những vật liệu có sẵn trong tay người ta làm ra những mô hình của các bộ khí tài tên lửa phòng không và các quả tên lửa. Phải nói rằng các máy bay Mỹ thường hay ném bom và bắn tên lửa vào các trận địa giả ấy. Việc này xảy ra là vì các phi công Mỹ đã lầm tưởng các trận địa giả là những trận địa thật. Nhưng cũng có trường hợp phi công cố tình ném bom các trận địa ấy, mặc dù biết đó là trận địa giả, bởi vì phi công ấy không muốn bị nguy hiểm, còn khi trở về sân bay của mình, y báo cáo đã tiêu diệt mục tiêu bằng cách đưa ra phim chụp. 

Trong tháng 8-1967 các lực lượng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt tổng cộng 116 máy bay Mỹ, trong đó các máy bay tiêm kích của Việt Nam đã tiêu diệt được 14 chiếc, tên lửa tiêu diệt được 27 chiếc.

Trong các năm 1967 - 1968 Trung đoàn tên lửa phòng không 238 (là trung đoàn thứ hai) đã hoạt động trong những điều kiện rất gian khổ, chiến đấu tại các khu vực phía nam của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (khu vực Vĩ tuyến 17); tại tỉnh Quảng Bình huyện Vĩnh Linh, khu vực sông Bến Hải. 

Nhiệm vụ chủ yếu của các tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 238 là chiến đấu chống các máy bay ném bom chiến lược B-52. Những máy bay ném bom có 8 động cơ ấy chở được 27 tấn bom, bay với tốc độ tối đa hơn 1000 km/giờ và bay ở tầm cao thực tế 15.500 m, có căn cứ tại đảo Guam trên Thái Bình Dương và tại căn cứ không quân Utapao ở Thái Lan. Những chiếc máy bay ấy, được chế tạo ra để bay trên những khoảng cách xa và chở bom hạt nhân, đã được trang bị lại để chở những quả bom phá thông thường. Từ tháng 4-1966 những máy bay này đã thường xuyên ném bom vào các khu vực phía nam của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tại khu vực này không quân Mỹ có ưu thế trên không, do vậy chỉ có thể tác chiến chống lại chúng theo kiểu "phục kích". Trung đoàn 238 đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ này.

Ngày 17-9-1967, tại khu vực Vĩnh Linh các tiểu đoàn tên lửa phòng không thuộc Trung đoàn 238 lần đầu tiên đã bắn rơi 2 máy bay ném bom chiến lược hạng nặng B-52 của không lực Hoa Kỳ.

Trong trận máy bay B-52 đánh phá có ba trong số bốn tiểu đoàn đã bị loại khỏi vòng chiến đấu bởi những đợt tập kích của tốp máy bay yểm trợ. Chỉ còn một tiểu đoàn là Tiểu đoàn 1 còn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Ở tiểu đoàn này trong đại đội bệ phóng chỉ có ba bệ phóng - trong số sáu bệ phóng - là ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với những quả tên lửa đã được chuẩn bị sẵn sàng. Ba bệ phóng còn lại cũng bị loại khỏi vòng chiến đấu vì bị máy bay Mỹ phá hủy.

Khi hai chiếc B-52 bay vào tầm bắn của Tiểu đoàn 1 thì những tiểu đoàn kia đã lần lượt bị bắn phá. Đã có hai quả tên lửa được phóng vào chiếc máy bay ném bom thứ nhất, chỉ có một quả tên lửa được phóng vào chiếc máy bay thứ hai. Thế nhưng cả hai chiếc máy bay B-52 ấy đã bị bắn hạ.

Những chiếc máy bay ấy rơi trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam trong vùng phi quân sự.

Đại tá Vaxih Grigôriêvích Baicốp là trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trung đoàn 238.

Nhân chiến thắng này, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh đã gửi thư đặc biệt cho các chiến sĩ tên lửa, còn tiểu đoàn tên lửa bắn rơi máy bay B-52 được tặng thưởng Huân chương Chiến công.

Ngày 29-10-1967 Trung đoàn 238 lại bắn rơi thêm một chiếc B-52, sau đó đã bắn rơi thêm ba máy bay B-52 nữa và nhiều máy bay loại khác. Tổng cộng Trung đoàn tên lửa phòng không 238 đã bắn rơi 6 máy bay B-52.

Vì những thành tích cao trong chiến đấu, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phong tặng danh hiệu "Anh hùng” cho Trung đoàn 238.

Nhưng sau những trận đánh phá của không quân địch, Trung đoàn 238 đã chịu những tổn thất nghiêm trọng về người và khí tài. Do vậy, trung đoàn được rút ra khỏi khu vực phía nam để củng cố lại.

Sau khi được bổ sung tăng cường, vào tháng 5-1969 Trung đoàn 238 lại xung trận tại tỉnh Quảng Bình. Trong thời gian đó Đại tá Iuri Ivanôvích Mukhanốp là trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô trong trung đoàn này.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #156 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 01:25:49 pm »

Cuối năm 1967 đã diễn ra những trận đánh đặc biệt căng thẳng. Ví dụ, chỉ trong 14 ngày (từ ngày 24 đến ngày 27-10, từ ngày 17 đến ngày 20-11 và từ ngày 14 đến ngày 19-12) bộ đội tên lửa phòng không đã đánh 283 trận, tiêu diệt 115 máy bay Mỹ.

Cũng vào thời gian này, trong những lần đánh phá các mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phía Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng loại tên lửa mới chống ra đa có tên "Stanđa". Xét về cách sử dụng thì loại tên lửa này cũng giống tên lửa "Sraicơ" và được sử dụng trước hết nhằm đối phó với các đơn vị tên lửa phòng không. Về cấu tạo nó cũng giống tên lửa "Sraicơ", nhưng nó nặng hơn và có kích thước lớn hơn. Mảnh của tên lửa "Stanđa" cũng lớn hơn mảnh tên lửa "Sraicơ", và số lượng mảnh của nó cũng nhiều hơn. Phạm vi hiệu quả sát thương của tên lửa "Stanđa" rất lớn: nó bao trùm hầu như toàn bộ trận địa phóng tên lửa của một tiểu đoàn tên lửa phòng không.

Ngày 23-10-1967 trên bầu trời Hà Nội đã có 10 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó tên lửa đã bắn rơi máy bay của phi công "máu xanh" Thiếu tá không quân Mỹ Giôn X. Mắckên.

Thiếu tá Giôn X. Mắckên là con trai của Đô đốc Giôn Mắckên - Tư lệnh lực lượng hải quân Mỹ ở châu Âu và là cháu của Đô đốc Giôn Mắckên - Tư lệnh chỉ huy tất cả các tầu sân bay của Mỹ tại Thái Bình Dương trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Thiếu tá Giôn X. Mắckên phục vụ trên tàu sân bay "Phorextơn" và vào tháng Sáu năm ấy suýt chết cháy trên tàu sân bay này. Vụ cháy xảy ra do một quả tên lửa bị trục trặc và nổ. Y được chuyển sang tàu sân bay "Ôrixcan". Chính từ tàu sân bay này y tiếp tục tham gia bắn phá lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến khi bị bắn rơi trên vùng trời Hà Nội.

Vụ xuất kích thứ 23 của Giôn X. Mắckên đánh vào lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kết thúc trong làn nước của hồ Trúc Bạch tại Hà Nội. Khi máy bay bốc cháy y đã nhảy dù xuống hồ và bị bắt làm tù binh. Trong cuộc thẩm vấn, khi được hỏi về hoạt động của các lực lượng phòng không ở khu vực Hà Nội, viên phi công Mỹ đã tuyên bố thế này: "Chung quanh Hà Nội hỏa lực rất dày đặc và rất chính xác. Về loại tên lửa "đất đối không" thì những tên lửa này bắn khá chính xác vào mục tiêu. Tôi đã ở ngay bên trên mực tiêu khi tôi phát hiện thấy những quả tên lửa đang lao về phía mình. Sau đó là một tiếng nổ rung chuyển. Còn giờ đây tôi là tù binh..."

Ngày 24-10-1967 các chuyên gia quân sự Liên Xô ở Trung đoàn tên lửa phòng không 274 chỉ huy trung đoàn này là Thiếu tá Quang (Kyaнr), trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô trong trung đoàn này là Đại tá A. Đ. Iarôxlápxép đã cùng các quân nhân Việt Nam tiến hành những trận đánh gay go trong những tình huống phức tạp trên bầu trời chống lại cuộc tấn công dữ dội của không quân Mỹ đánh vào Hà Nội. Trung đoàn này đã phóng 6 quả tên lửa và bắn rơi 2 máy bay Mỹ.

Tiểu đoàn tên lửa phòng không thứ nhất do Trung tá Êphimencô chỉ huy đã bắn rơi một máy bay F-4. Trong khi diễn ra trận đánh này, trong điều kiện phức tạp trên bầu trời, sĩ quan điều khiển tên lửa Thượng úy A. A. Pôsnhép, các binh sĩ vận hành thiết bị bám sát mục tiêu bằng tay Iu. M. Bêdukhốp, M. Iu. Ivansích, N. G. Pêrêpêlixa và trắc thủ theo dõi bản đồ hỏa lực là binh nhất Tikhônốp đã thao tác tuyệt vời. Khi xuất hiện những sự trục trặc tại một trong số các kênh thì việc nhanh chóng nạp lại các quả tên lửa vào những bệ phóng thuộc kênh hoạt động tốt đã được đảm bảo bởi Đại úy G. Ph. Pôlêvích và binh nhất V. I. Mácsencô cùng với khẩu đội người Việt.

Tiểu đoàn tên lửa phòng không thứ hai, do Thiếu tá Côvalép chỉ huy, cũng đã bắn hạ được 1 máy bay F-105, sau đó lại bị máy bay địch bắn tên lửa và ném bom.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #157 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 01:26:44 pm »

Khi ban tham mưu của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô biết tin về việc Tiểu đoàn 2 của trung đoàn đã bị không quân địch bắn phá, tôi đã cùng với phiên dịch viên Việt Nam, Thiếu úy Phê và chiến sĩ lái xe Minh đi trên chiếc xe GAZ-69 đến tiểu đoàn này để nhìn thấy tận mắt những gì đã xảy ra và nếu cần thì giúp đỡ khôi phục tư thế sẵn sàng chiến đấu của tiểu đoàn này. Trận địa của tiểu đoàn này cách Hà Nội 25 km, cách làng Phú Châu không xa. Chúng tôi tiến đến trận địa. Các phương tiện và dụng cụ ngụy trang đã được dỡ bỏ. Từ phía trên những bức tường cao được đắp theo hình móng ngựa chúng tôi thấy vươn ra những mũi tên lửa đáng sợ. Cũng thấy cả những cột ăngten xoay của đài trinh sát và chỉ thị mục tiêu, các ăngten hình nón của ca bin điều khiển "P", mái che của đài điều khiển tên lửa và cụm phát điện bằng máy nổ.

Ra đón chúng tôi là các sĩ quan chỉ huy của Tiểu đoàn 2: Thiếu tá Liên Xô Côvalép và Đại úy Việt Nam Nguyễn Văn Thới (Hryeн Baн Tхои) Hai sĩ quan này báo cáo rằng - tiểu đoàn đã trong tư thế sẵn sàng cấp 1 - đang tiến hành kiểm tra tất cả các hệ thống của tổ hợp tên lửa phòng không sau khi vừa bị máy bay địch bắn phá.

Chúng tôi đã xem xét tất cả các khí tài chiến đấu của tiểu đoàn và các thiết bị kỹ thuật của trận địa hỏa lực. Chúng tôi cũng xem xét nơi các quả bom và tên lửa của địch đã phát nổ. Chúng tôi nghe báo cáo của sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn, của sĩ quan điều khiển tên lửa, của các sĩ quan chỉ huy các khẩu đội cũng như của các sĩ quan, hạ sĩ quan và anh em binh sĩ báo cáo về hành động trong quá trình diễn ra trận đánh, cũng như về hoạt động của các khí tài chiến đấu. Sau đấy chúng tôi tiến hành phân tích chi tiết về trận đánh đó: chúng tôi đánh giá tình hình sẵn sàng chiến đấu của tiểu đoàn và hành động của đội ngũ chiến sĩ trong tiểu đoàn gồm cả các quân nhân Liên Xô và Việt Nam, tổng kết trận đánh.

Dưới đây là diễn biến trận đánh của Tiểu đoàn 2 trong ngày 24-10-1967.

Vào lúc 15 giờ Sở chỉ huy trung đoàn ra lệnh vào vị trí sẵn sàng cấp 1.

Lúc 15 giờ 30 phút tiểu đoàn phát hiện ba tốp mục tiêu đang đến gần từ hướng tây - nam.

Lúc 15 giờ 33 phút tiểu đoàn bắn vào tốp mục tiêu thứ nhất gồm 4 máy bay F-105. Một chiếc bị bắn rơi.

Lúc 15 giờ 38 phút đài điều khiển tên lửa đã phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 15 km. 5 giây sau khi đài điều khiển tên lửa phát sóng thì các trắc thủ vận hành thiết bị bám sát mục tiêu bằng tay đã phát hiện trên màn hình tín hiệu có một chấm tên lửa "Sraicơ", khác với tín hiệu của các máy bay trong tốp mục tiêu ấy.

Bằng một mẹo đã thuần thục người ta đã hướng tên lửa "Sraicơ" đi chệch sang hướng khác, và nó đã nổ cách trận địa 200 mét. Sau đó, trong suốt một giờ đã có vài tốp máy bay địch tìm cách tiêu diệt tiểu đoàn này. Từ hướng đông - bắc một chiếc F-4 dùng tên lửa "Bunpáp" và bom bi bắn phá. Tên lửa và bom bi đã nổ cách đài trinh sát và chỉ thị mục tiêu có 12 mét, gây ra những hư hại nhỏ cho đài này nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tư thế sẵn sàng chiến đấu của nó: sức nổ đã làm bật tung cửa cabin của đài trinh sát và chỉ thị mục tiêu và làm cho máy phát sóng bị ngừng hoạt động. Mặc dù bị choáng do sức ép của tên lửa nhưng sĩ quan chỉ huy đài trinh sát và chỉ thị mục tiêu - Thượng úy V. N. Iuđin đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết để nhanh chóng phục hồi tư thế sẵn sàng chiến đấu của đài.

Cuộc bắn phá vẫn tiếp tục. Do bom nổ gần trận địa nên các máy phát sóng ở cabin điều khiển "P" cũng ngừng hoạt động. Kỹ thuật viên trưởng ở cabin điều khiển "P" là Thượng úy V. V. Gôriasi đã thể hiện sự tháo vát bằng cách khẩn cấp đưa đài điều khiển tên lửa vào chế độ tác chiến, dùng phương pháp cơ khí để đóng các công tắc rơ le thời gian khởi động các máy phát sóng. Nhờ vậy đã khôi phục sớm trước thời hạn tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Tốp máy bay gồm 4 chiếc F-4 bay đến từ hướng đông - nam đã dùng rốc két và bom bi oanh tạc trận địa tiểu đoàn này. Có một quả bom bi rơi cách trung tâm trận địa 200 mét, còn một quả bom bi khác đã rơi cách trung tâm trận địa 250 mét. Không có thiệt hại về khí tài và về người.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #158 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 01:28:46 pm »

Trong trận đánh này, nhằm mục đích không để cho các máy bay tấn công tiếp cận được trận địa của tiểu đoàn ở khoảng cách gần nhất và loại trừ khả năng ném bom và bắn chính xác các tên lửa "không đối đất" trong khi tiểu đoàn tên lửa này không thể khai hỏa được bằng những quả tên lửa thật, khẩu đội chiến đấu của tiểu đoàn này đã sử dụng chiến thuật phóng giả tên lửa vào các mục tiêu. Việc này được tiến hành bằng cách hướng sóng vô tuyến của trạm dẫn đường tên lửa vào mục tiêu và khởi động máy phát lệnh vô tuyến - đó là mẹo "phóng giả tên lửa". Ngay khi máy phát lệnh vô tuyến được khởi động thì các máy bay tấn công lập tức đổi hướng và tránh sang phía khác.

Hành vi này của các phi công địch chứng tỏ máy bay của chúng được trang bị thiết bị trinh sát thu sóng vô tuyến phát tín hiệu cho phi công biết có tên lửa đang phóng vào máy bay của chúng.

Trong trận chiến đấu thắng lợi ấy tất cả các khẩu đội của tiểu đoàn này đã thu được kinh nghiệm chiến đấu lớn.

Sau khi trở về Hà Nội, tôi đã báo cáo về các hoạt động chiến đấu của toàn thể đội ngũ nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô trong trung đoàn này - Trung đoàn tên lửa phòng không của Hải quân nhân dân Việt Nam - lên Trưởng đoàn chuyên gia quân sự tại Việt Nam là Trung tướng V. N. Abramốp. Căn cứ vào kết quả trận đánh, Trung tướng Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đã ra Thông báo số 158 ngày 25-10-1967.

Thông báo đã nêu rõ sự thành thạo tuyệt vời trong chiến đấu, nghệ thuật và sự tháo vát, tinh thần dũng cảm và tinh thần anh dũng của các chuyên gia quân sự Liên Xô Những người xuất sắc nhất trong số đó đã được đề nghị Chính phủ khen thưởng.

Ngày 25-10-1967 cả hai tiểu đoàn tên lửa phòng không của Hải quân Việt Nam mỗi tiểu đoàn đã bắn rơi thêm 1 máy bay Mỹ. Như vậy là trong hai ngày trung đoàn này đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ.

Trong tháng 10-1967 tổng cộng đã có 131 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó 38 máy bay bị bắn rơi do tên lửa. Trong suốt cả cuộc chiến tranh đây là số lượng máy bay Mỹ lớn nhất bị tên lửa bắn rơi trong một tháng.

Các phi công máy bay tiêm kích của Việt Nam bắn rơi 13 máy bay Mỹ, 29 chiếc máy bay bị bắn rơi do pháo cao xạ.

Ngày 6-11-1967, trong trận đánh trả các cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ vào Hà Nội, tên lửa đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thử 2500. Đến ngày 7-11, lực lượng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam, với sự tham gia của các chuyên gia quân sự Liên Xô, đã bắn rơi thêm 6 chiếc máy bay địch trên bầu trời Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Ngày 19-11-1967, trong các trận đánh của bộ đội tên lửa, pháo cao xạ và các máy bay tiêm kích của Quân đội nhân dân Việt Nam đã có 17 máy bay Mỹ bị tiêu diệt, trong đó 12 chiếc bị tiêu diệt trên bầu trời Hà Nội. Đây là con số kỷ lục các máy bay bị bắn rơi trong một ngày trong 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đó của cuộc chiến tranh.

Ngày 25-11-1967, chiếc máy bay Mỹ thứ 2600 đã bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội.

Trong tháng 11-1967 các lực lượng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam đã bắn rơi tổng cộng 131 máy bay địch, trong đó các đơn vị tên lửa phòng không bắn rơi 39 chiếc, các máy bay tiêm kích của Việt Nam bắn rơi 14 chiếc.

Trong tháng 12-1967 không quân Mỹ vẫn tiếp tục những cuộc bắn phá dã man trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong suốt sáu ngày liên tiếp, từ ngày 14-12, máy bay địch đã bắn phá Hà Nội, đường số 5 Hà Nội - Hải Phòng, thành phố và cảng Hải Phòng, cũng như các thành phố khác và các làng mạc, các cây cầu và các bến phà qua sông.

Trong tất cả những ngày ấy, bộ đội tên lửa, pháo cao xạ và các máy bay tiêm kích của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến hành những trận chiến đấu gay go với không quân Mỹ. Chỉ trong sáu ngày ấy đã có 30 máy bay địch bị bắn hạ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #159 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 01:30:04 pm »

Trong các trận đánh trên bầu trời Hà Nội, các lực lượng phòng không đã dùng tên lửa bắn rơi máy bay của tên chỉ huy căn cứ không quân Mỹ tại Còrạt (Thái Lan) và viên phó của y - Đại tá không quân Giôn P. Phin và Étuốt B. Bácđét.

Hai tên này phái các phi công dưới quyền đi ném bom Bắc Việt Nam, sau đó chúng đích thân cất cánh thực hiện phi vụ kiểu mẫu đánh vào Hà Nội, thế là chúng lọt vào tầm hỏa lực chính xác của tên lửa phòng không.

Trong tháng 12-1967 trên bầu trời Bắc Việt Nam đã có 75 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 37 chiếc bị bắn rơi do tên lửa phòng không và 13 chiếc bị bắn rơi trong các trận không chiến với máy bay tiêm kích của Việt Nam.

Trong năm 1967 không quân Mỹ đã thực hiện 52.809 lần chiếc đánh phá vào lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đã thực hiện 10.729 vụ bắn phá vào 8.008 mục tiêu.

Năm 1967, trong các trận đánh trả các cuộc tấn công cửa không lực Mỹ, các lực lượng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam đã bắn hạ tổng cộng 1067 máy bay địch. Bộ đội tên lửa phòng không đã tiến hành 1218 trận đánh và đã tiêu diệt được 435 máy bay Mỹ. Các máy bay tiêm kích của Việt Nam đã thực hiện 1754 phi vụ chiến đấu, đã tiến hành 129 trận không chiến, trong đó đã bắn hạ được 129 máy bay Mỹ.

Cuối năm 1967 do mãn hạn công tác, Thiếu tướng pháo binh V. X. Kixlianxki, Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô về binh chủng tên lửa phòng không đã trở về Liên Xô. Thiếu tướng pháo binh N. I. Cunliacốp đã sang thay thế ông.

Mãn hạn công tác, Trưởng nhóm. chuyên gia quân sự Liên Xô về không quân, Anh hùng Liên Xô, Thiếu tướng không quân V. P. Xensencô cũng đã trở về Liên Xô. Thiếu tướng không quân E. N. Anxiphêrốp đã sang thay thế ông trong chức vụ này.

Ngày 17-3-1968, vào lúc 2 giờ đêm, chiếc máy bay Mỹ thứ 2800 đã bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội đã bắn rơi. Đó là chiếc máy bay cường kích hạng nặng A-6 có tên "Intơruđơ" của hải quân.

Cả hai tên phi công trên chiếc máy bay bị bắn rơi đã nhảy dù và tiếp đất: một tên rơi xuống hồ, còn tên thứ hai thì rơi xuống ruộng lúa và đều bị bắt làm tù binh. Đây là những phi công của không quân hải quân, các đại úy 3 sao Đâyli Uôntơ Đôxơ và Etvin Áctơ Suman.

Cũng vào ngày hôm ấy có 6 máy bay siêu âm tối tân "cánh cụp cánh xoè" F-111 của Mỹ được chuyển đến căn cứ không quân Tắcli ở Thái Lan. 

Ngày 28-3 chiếc máy bay F-111A thực hiện phi vụ đầu tiên của mình để bắn phá các mục tiêu ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nó đã bị hỏa lực pháo cao xạ bắn rơi trên bầu trời Hà Tĩnh ngay khi nó vừa xâm nhập vào không phận Bắc Việt Nam. Chiếc máy bay này rơi xuống rừng rậm, cả hai phi công đều chết.

Ngày 30-3-1968 hỏa lực tên lửa phòng không đã bắn rơi chiếc F-111A thứ hai trên bầu trời Hà Tây. Sau đó ít lâu chiếc F-111A thứ ba đã bị bắn rơi. Từ đó trở đi người Mỹ đã không sử dụng loại máy bay này ở Việt Nam nữa.

Vào thời gian đó, trưởng các nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô trong các trung đoàn tên lửa phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam gồm có: Đại tá Craxốpxki, Trung tá Côdúp, Trung tá Taraxencô, Trung tá Crưlốp, Đại tá Xmirnốp, Đại tá Cônkin, Đại tá Cốttômốp, Trung tá Ivanốp, Đại tá Labutin, Đại tá Lêbêđép, Trung tá Mukhanốp, Đại tá Đmitriép, Trung tá Giuravlép và những đồng chí khác.

Vào thượng tuần tháng 4-1968 tôi trở về Liên Xô nghỉ phép. Cùng bay về Liên Xô với tôi còn có 6 chuyên gia quân sự Liên Xô nữa đã mãn hạn công tác ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chúng tôi mua vé đi máy bay IL-14 của Trung Quốc và đã đáp chuyến máy bay gần nhất đến Bắc Kinh, có dừng chân ở Nam Kinh. Ở Nam Kinh, chúng tôi được bố trí trong một khách sạn. Không một lời giải thích, chúng tôi phải ở lại đó suốt cả một tuần. Tuy nhiên, người ta không thu tiền ăn ở của chúng tôi trong khách sạn. Chúng tôi được ăn ba bữa một ngày tại phòng ăn của khách sạn với những món ăn Trung Quốc, đầy đủ và ngon. Sau đó, máy bay của chúng tôi có hạ cánh một lần trước khi bay tới Bắc Kinh. Từ Bắc Kinh chúng tôi đáp máy bay Liên Xô về Mátxcơva.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM