Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 03:08:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh Việt Nam là thế đó 1965 - 1973  (Đọc 123737 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #120 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2009, 01:31:20 pm »

Tại Trung tâm huấn luyện số 8, dưới sự chỉ đạo của Phó chỉ huy tiểu đoàn phụ trách công tác chính trị là đồng chí V. N. Côsulanốp và Phó chỉ huy trung đoàn phụ trách công tác chính trị là đồng chí V. A. Crúpnốp, đã hình thành một đội văn nghệ nhỏ, trong đó người lĩnh xướng là Thượng úy V. A. Malôletốp, sĩ quan điều khiển tên lửa. Một trong số những bài hát ưa thích của đồng chí ấy là bài hát tuyệt diệu của Ucraina có tên là "Trêremsina". Trong bài hát này có những câu hát khiến tôi nhớ mãi: “cô gái ngồi trong vườn lẳng lặng đợi ai..."

Vào giữa tháng 10-1966 Trung tướng pháo binh X. Ph. Vikhorơ, Phó tư lệnh Binh chủng tên lửa phòng không Liên Xô, đã từ Liên Xô sang Việt Nam, đến thăm và thanh tra Trung tâm huấn luyện của chúng tôi. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi Trung tướng trực tiếp nhấn mạnh rằng tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang diễn ra cuộc đấu súng thực sự giữa binh chủng tên lửa phòng không của Liên Xô với không quân Mỹ.

Vào cuối tháng 11 - đầu tháng 12, cường độ các cuộc bắn phá của máy bay địch đã tăng lên. Theo thông báo của vị chỉ huy của chúng tôi, người ta đã tìm thấy trong người tên Thiếu tá phi công Mỹ một bản đồ bay, trên đó thị trấn của chúng tôi được đánh dấu như là mục tiêu oanh tạc dự phòng. Do vậy, ngày 18-12 chúng tôi lại được chuyển vào khu rừng thuộc tỉnh Hà Bắc, đến chỗ cũ là nơi mà chúng tôi đã bắt tay vào tổ chức các khẩu đội chiến đấu Cũng tại đó chúng tôi đón mừng năm Mới 1967. Điều quá bất ngờ đối với chúng tôi là những túi quà đặc biệt được gửi từ Mátxcơva nhân dịp năm Mới. Những túi quà này đã được Thiếu tá V. N. Côsulanốp, phó chỉ huy phụ trách công tác chính trị, đem đến từ hôm trước.

Cuối tháng 1-1967 tổ chuyên gia chúng tôi gồm 5 người - sĩ quan điều khiển tên lửa, Thượng úy V. Malôletốp, các trắc thủ vận hành máy bám sát mục tiêu bằng tay là trung sĩ V. Sécnôgô - Ôgơnhép, các binh nhất M. Bôlétxki và M. Ghítkích đã được phái đi thực hành một tháng tại Trung đoàn tên lửa phòng không 261 ở Hải Phòng. Đại tá Rôkhmixtơrốp thuộc Quân đoàn phòng không Nôvôxibiếc chỉ huy.

Vào thời gian ấy tại cảng Hải Phòng có nhiều tầu ngoại quốc neo đậu nhưng máy bay Mỹ chưa dám oanh tạc những tầu này. Trong số những con tầu ấy có hai chiếc của Liên Xô: tầu chở hàng khô "Bacuriani" và tầu chở dầu "Abacan". Các thủy thủ tầu "Bacuriani" đã hai lần mời chúng tôi lên tầu, còn về phía mình, chúng tôi đã tổ chức các chuyến đi cho họ đến thăm trận địa chiến đấu của. tiểu đoàn tên lửa phòng không thuộc trung đoàn kể trên. Trong chuyến tham quan trận địa ấy họ đã thật sự cảm nhận được mùi vị của chiến tranh: họ đã nhìn thấy những cây cầu và kho xăng ở Hải Phòng bị bom phá hủy, những mảnh xác máy bay Mỹ bị bắn rơi. Đối với chúng tôi đợt điều động công tác này rất bổ ích: tất cả các chỉ huy tiểu đoàn đã hồ hởi chia sẻ kinh nghiệm chiến đấu của mình, mà tính đến thời điểm ấy thì trung đoàn tên lửa phòng không này đã trải qua hàng chục trận đánh.

Trong tháng Ba chúng tôi vẫn tiếp tục quá trình thành lập các khẩu đội chiến đấu. Sau cùng, trong tháng Tư chúng tôi đã nhận được khí tài chiến đấu được chở đến bằng đường sắt quá cảnh Trung Quốc. .

Ngày 25-4 đã diễn ra sự kiện hân hoan nhất kể từ đầu chuyến công tác tại Việt Nam. Vào lúc một giờ đêm; cuối cùng thì lần đầu tiên kể từ năm Mới chúng tôi đã nhận được thư nhà. Tôi đã nhận được ngay một lúc 13 bức thư của gia đình và bạn bè! Sau đó năm ngày đã diễn ra cuộc mít tinh trọng thể đánh dấu việc chuyển giao chìa khóa của bộ khí tài tên lửa (tức là những chìa khoá để mở các cabin điều khiển) cho các đồng chí Việt Nam. Trưởng nhóm bàn giao chìa khóa là Trung tá G. N. Titốp đã trao những chiếc chìa khóa ấy cho viên sĩ quan chỉ huy Tiểu đoàn 41 của chúng tôi là Đại úy Thành (Txah). Trước khi tiến hành thủ tục long trọng này đã diễn ra công việc rất căng thẳng để tiếp nhận, hiệu chỉnh và khai thác vận hành bộ khí tài.

Trong những ngày ấy Tiểu đoàn tên lửa phòng không 42 của Trung tá V. Nôvicốp và Tiểu đoàn tên lửa phòng không 44 của Thiếu tá V. Gniđin đã thực hiện những cuộc phóng tên lửa đầu tiên và mỗi tiểu đoàn đã bắn rơi một máy bay Mỹ - vậy là Trung đoàn tên lửa phòng không 263 đã mở sổ ghi chiến công. 

Tiểu đoàn 41 của tôi đã xuất trận lần đầu tiên vào chủ nhật, ngày 21-5. Vào ngày hôm ấy chúng tôi đã bắn rơi cùng một lúc hai mục tiêu - một chiếc máy bay tiêm kích F-105 và một máy bay cường kích A-6D. Sau đó bốn ngày chúng tôi nhận được lệnh: chuyển giao toàn bộ các cần điều khiển cho khẩu đội chiến đấu Việt Nam.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #121 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2009, 01:32:09 pm »

Cần phải nói rằng vào mùa xuân - đặc biệt vào tháng Năm - không quân Mỹ tăng cường hoạt động mạnh. Vì vậy, ngày nào chúng tôi cũng ở trong tình thế hoàn toàn sẵn sàng cấp 1. Dĩ nhiên, điều kiện lúc bấy giờ rất gian khổ. Chúng tôi luôn luôn sống trong điều kiện dã ngoại, ở ngoài trời, đã nếm trải tất cả những điều "thú vị" của khí hậu nhiệt đới. Trong các cabin điều khiển có treo những chiếc nhiệt kế có chia độ +70. Thông thường vào khoảng 10 giờ cột thủy ngân trong nhiệt kế chỉ trị số đỉnh điểm và dừng lại mãi ở điểm ấy. Hơn thế nữa, trong những cabin điều khiển chật chội, đóng kín mít ấy có mặt một số lượng người đông gấp 3 lần so với mức quy định. Quạt điện trong các buồng điều khiển thường bị tắt, vì chúng lùa không khí nóng bỏng vào chúng tôi, không đem lại sự dễ thở hơn, mà là ngược lại. Cách duy nhất để thoát khỏi nóng nực là những cơn mưa rào nhiệt đới - khi cơn dông diễn ra thì mọi cuộc oanh tạc của máy bay đều chấm dứt và đó là những giờ nghỉ ngơi mát mẻ đối với chúng tôi.

Tin lớn nhất đối với chúng tôi là quyết định của Bộ Tư lệnh Binh chủng phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam tăng biên chế cho các trung đoàn tên lửa phòng không lên thành 6 tiểu đoàn nhằm mục đích tăng cường sức mạnh hỏa lực. Tiểu đoàn 41 của chúng tôi và Tiểu đoàn 43 hàng xóm của tôi vốn thuộc Trung đoàn 263 được phiên chế về Trung đoàn tên lửa phòng không thứ tư (trung đoàn 274). Trung đoàn này bảo vệ những tuyến đường đi vào Hà Nội, còn các Tiểu đoàn 42 và 44 thì được chuyển sang trung đoàn thứ nhất (Trung đoàn 236). Trung đoàn này trực tiếp bảo vệ Thủ đô. Giờ đây vị chỉ huy mới của chúng tôi là Đại tá Siculia, còn kỹ sư trưởng là Thiếu tá Gientốp, Phó chỉ huy phụ trách công tác chính trị là Trung tá V. A. Crúpnốp. Vậy là đã bắt đầu giai đoạn mới của chuyến công tác biệt phái.

Ngày 8-6 tiểu đoàn chúng tôi nhận được lệnh: chuyển trận địa hỏa lực và rút vào núi Tam Đảo để tổ chức cuộc phục kích. Nhiệm vụ chủ yếu là bắn rơi các máy bay trinh sát PB-66 và máy bay gây nhiễu EB-66.

Công việc hệ trọng này đòi hỏi ở chúng tôi một nghệ thuật cao và sự căng thẳng về sức lực. Vì phải vượt sông Lô cho nên chúng tôi chỉ đưa theo 3 bệ phóng. Trong vùng núi ấy chúng tôi đã thay đổi trận địa hơn 10 lần. Tất cả các trận địa ấy đều mang tính chất tạm thời và hoàn toàn không được xây dựng theo bài bản kỹ thuật. Đôi khi các trận địa ấy được bố trí bên ngoài các ngôi làng sở tại, trên các ruộng trồng lạc, trồng sắn, các đồi chè. Chúng tôi đã phải ngụy trang cẩn thận các khí tài bằng các cành cây nhiệt đới mọc đầy rẫy. Có một lần phải bố trí bệ phóng ở ngay trên nền nhà tại một điểm dân cư đã bị máy bay Mỹ ném bom phá hủy hoàn toàn.

Trong các ngày 18 và 30-6 đã diễn ra những trận đánh ra mắt của các khẩu đội Việt Nam. Với sự có mặt của chúng tôi và với sự giúp đỡ của chúng tôi các khẩu đội Việt Nam đã thực hiện hai lần phóng tên lửa đầu tiên. Có thể nói rằng đó là những lần khai hỏa chung của chúng tôi - các khẩu đội Liên Xô thì bọc lót cho các bạn Việt Nam và đã cố gắng giúp đỡ họ trong mọi vấn đề. Có lẽ, xét về mặt tâm lý thì điều đó còn khó hơn là tự mình bắn tên lửa, khi mà chúng tôi trực tiếp kiểm soát tình huống và diễn biến của trận đánh.

Vào buổi chiều ngày 30-6 cuộc chiến đấu diễn ra trong điều kiện quân Mỹ gây nhiễu. Có 2 tốp mục tiêu bay về phía chúng tôi. Tiểu đoàn đã dùng hai quả tên lửa bắn vào tốp mục tiêu đi đầu. Kết quả là một chiếc F-105 bị bắn rơi. Tuy nhiên, ngay sau khi các tên lửa được phóng đi và nổ thì trận địa của chúng tôi liền bị bắn phá, do tốp máy bay thứ hai của địch tiến hành. Có một quả bom rơi vào một cây to. Dưới tán lá của cây ấy là những xe rơmoóc để vận chuyển ăngten của đài điều khiển tên lửa. Có một rơmoóc bị phá hủy hoàn toàn, còn hai chiếc khác thì bị hư hại. Mảnh bom đã phá hủy bệ phóng cùng với quả tên lửa trên đó phá hủy ca bin "RMA" và nhiều dây cáp kết nối khác.

Ngay khi vừa có lệnh "Vào hẩm trú ẩn!", tôi cùng với khẩu đội đã nhảy ra khỏi ca bin điều khiển "V". Nhưng tôi chưa kịp chạy mấy bước về phía đường hào cứu hộ thì bỗng cảm thấy như có một sức mạnh vô hình nào đó nhấc bổng tôi lên khỏi mặt đất và hất ngược tôi trở lại nằm vật ra. Cùng lúc đó vang lên một tiếng nổ rất mạnh, rồi tôi rơi xuống hào. Các chiến sĩ cao xạ Việt Nam (các khẩu cao xạ cỡ nhỏ và những khẩu đội súng máy phòng không) nhả những loạt đạn dài vào máy bay Mỹ để yểm trợ cho trận địa chúng tôi. Khi tôi nhô ra khỏi hầm trú ẩn để quan sát thì nhìn thấy một cột khói đen bốc lên trời, ở phía bên phải của con đường, gần ngôi làng. Đồng thời cũng nghe thấy tiếng nổ nhỏ liên tục.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #122 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2009, 01:32:48 pm »

Hóa ra, đó là tiếng nổ của quả bom bi Mỹ. Cột khói bốc lên từ những thùng chứa nhiên liệu bốc cháy ở vệ đường đã thu hút sự chú ý của các phi công địch. Thế là chúng thả xuống ngôi làng này mấy quả bom bi. Một trong những quả bom bi ấy đã nổ phía trên nhà trẻ. Đã có nhiều trẻ nhỏ và người lớn bị chết. Các chiến sĩ pháo cao xạ Việt Nam yểm trợ cho chúng tôi đã bị tổn thất: hai người đã hy sinh và 10 người bị thương. Bác sĩ quân y, Thượng úy Valên Xpiranđê được điều đến chăm sóc chúng tôi trong thời gian tiến hành phục kích, y tá Xcôrôbrêkha và trắc thủ Côriaghin đã lao đi băng bó cho các chiến sĩ và dân làng bị thương. Bác sĩ của chúng tôi đã phải phẫu thuật cho một số người ngay tại chỗ. .

Trong lúc đó kíp lên trận địa thay chúng tôi đã bắt tay vào thu dọn bộ khí tài tên lửa. Vì các xe rơmoóc kéo tên lửa bị phá hủy, cho nên đành phải chuyển các ăngten vào thùng xe ZIL- 151, đặt lên trên những tầu lá cọ vừa được chặt và buộc vào thành xe. Tiểu đoàn đã nhanh chóng rời khỏi trận địa, gần như trong nháy mắt, vượt tất cả các chỉ tiêu đã đề ra.
Vụ bắn phá trận địa chúng tôi ở chân núi Tam Đảo đã buộc chúng tôi phải tìm kiếm trận địa hỏa lực mới. Để làm việc này chúng tôi lại vượt sông Lô. Tại trận địa mới, trước ngày 15-7 chúng tôi đã khắc phục xong những hư hại do cuộc oanh kích gây ra.

Vào thời kỳ ấy chúng tôi đã nhận được từ Mátxcơva lời khuyến cáo hoàn toàn phi lý về việc đối phó với tên lửa "Sraicơ". Người ta đề xuất phương pháp dùng tên lửa của Liên Xô để tiêu diệt những tên lửa "Sraicơ". Tôi còn nhớ, đã có ai đó trong số những chiến sĩ tên lửa từng trải phát biểu rất chính xác rằng, nếu bắt chúng tôi phóng tên lửa để bắn hạ tên lửa "Sraicơ" thì chẳng khác nào bắt các pháo thủ cao xạ bắn vào những quả bom, chứ không phải bắn vào những chiếc máy bay thả những quả bom ấy.

Tuy nhiên, cũng đã có một lần, sau khi tên lửa "Sraicơ" được phóng đi, tôi thử tìm cách theo dõi nó, nhưng trên màn hình của sĩ quan điều khiển tên lửa tôi chỉ nhìn thấy thời khắc tên lửa "Sraicơ" tách khỏi máy bay. Sau nháy mắt, quả tên lửa "Sraicơ" ấy đã biến mất, bởi vì diện tích phản xạ của nó rất nhỏ. Vì vậy, nếu tiếp tục tìm kiếm nó thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho nó tự định hướng vào ăngten của đài điều khiển. Chúng tôi vẫn xử lý theo cách như trước, bằng cách áp dụng phương pháp chính xác và đã được thử nghiệm: chúng tôi đổi góc phương vị của ăngten và ngắt dòng điện cao thế. Sau 10-15 giây chúng tôi nghe thấy một tiếng nổ đanh - "vị khách" ngoại bang ấy đã nổ cách chúng tôi một kilômét, sau khi đâm vào khu rừng rậm.

Chúng tôi đã luôn luôn xử trí như vậy mỗi khi thấy máy bay định giở thủ đoạn, thấy chấm loé sáng trên màn hình và chấm ấy tách khỏi mục tiêu hoặc căn cứ vào lời cảnh báo của sĩ quan chỉ huy khẩu đội bệ phóng, là người được trang bị dụng cụ quang học (kính chỉ huy cao xạ), để xác định có tên lửa "Sraicơ" được phóng ra. Đã có hai lần máy bay địch phóng cùng lúc hai quả tên lửa ' Sraicơ" vào chúng tôi, nhưng đã uổng công - chúng không thể đánh lừa chúng tôi được.

Chúng tôi đã cố gắng truyền đạt đầy đủ cho các khẩu đội Việt Nam kinh nghiệm đối phó với các tên lửa "Sraicơ" của chúng tôi. Đáng tiếc, sau khi chúng tôi ra đi thì không phải lúc nào họ cũng thực hiện chính xác và dứt khoát những khuyến cáo của chúng tôi, những khuyến cáo đã được kiểm nghiệm trong chiến đấu. Hậu quả là vào tháng 11-1967 Tiểu đoàn tên lửa phòng không 41 của chúng tôi đã bị tên lửa "Sraicơ" bắn trúng cột ăngten của cabin "P". Các trắc thủ (hai người) trong cabin điều khiển đã bị trọng thương. Còn các khẩu đội của Liên Xô do tuân thủ những biện pháp sơ đẳng nhưng hữu hiệu nhằm đối phó với loại tên lửa chống ra đa đó thì trên thực tế lại không bị chúng gây thiệt hại.

Chẳng bao lâu sau chúng tôi nhận được lệnh mới của bộ chỉ huy - trong thời gian chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, các chuyên gia quân sự Liên Xô không được có mặt tại trận địa. Điều đó có nghĩa là khẩu đội Việt Nam nhận được "sự tán thành" hoàn toàn để họ độc lập tác chiến. Còn đối với chúng tôi thì đến tháng 8 sẽ quay trở về Hà Nội để về nước.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #123 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2009, 01:33:47 pm »

Vào đêm rạng ngày 1-8 đã có kíp đến thay chúng tôi. Đó là Trung tá Riphcát Garaêvích Iacubốp cùng với những người dưới quyền của mình. Buổi tối hôm ấy đã diễn ra cuộc chia tay đầy cảm động với các bạn chiến đấu Việt Nam và với các chuyên gia Liên Xô. Trời vẫn còn chưa sáng khi xe chúng tôi tới bến phà qua sông. Đồng chí phó chính ủy tiểu đoàn tiễn đưa chúng tôi đã thuyết phục được viên thuyền trưởng chiếc tầu lai dắt nhận chúng tôi lên phà. Thế là chiếc xe buýt "đồng hương" của chúng tôi "PAZ" trong tư thế cô đơn kiêu hãnh, đã bò lên chiếc phà trống rỗng. Song, chỉ mấy phút sau, chiếc phà ấy đã chật ních người dân địa phương. Đó là những phụ nữ, trẻ em và các ông bà già. Hóa ra, khi trời vẫn còn tối đã có rất đông người và xe tụ tập và ngồi trong các bụi rậm trên bờ sông để chờ đến lượt mình được sang sông.

Chiếc tàu kéo dắt phà của chúng tôi rất chật vật, cẩn trọng và từ từ đưa chiếc phà qua dòng sông chảy xiết. Lúc này nước sông đã lên to sau những trận mưa xối xả. Đến đó là chấm dứt cảnh êm đềm yên lành của chuyến qua sông vào buổi sáng hôm ấy. Bất ngờ có một chiếc máy bay Mỹ bay sát mặt đất hiện ra từ bờ sông đầy cây cối và lao thẳng về phía chúng tôi. Sau một lúc mới nghe thấy tiếng động cơ của nó.

Sau khi phát hiện thấy mục tiêu, chiếc tiêm kích ấy vòng lại và lại bay qua phía trên chiếc phà không được bảo vệ. Ruột gan đau thắt khi phải nhìn thấy nét mặt hoảng hốt của những phụ nữ tội nghiệp. Họ giữ chặt những đứa trẻ đang khóc vào lòng trong nỗi sợ hãi trước cái chết đang đến gần. Chiếc tàu kéo cố hết sức, nhưng bờ sông, nơi có thể tìm chỗ thoát hiểm thì xích lại rất chậm... Tên phi công Mỹ sà xuống lần thứ ba. Máy bay bay thấp đến nỗi chúng tôi nhìn thấy mặt của tên phi công đang nhìn chúng tôi. Trên phà rộ lên những tiếng than khóc.

Tôi nghĩ: "Thôi thế là hết. Chúng ta đi đời rồi!". Vào giây phút gay cấn ấy tôi và đồng chí phó chỉ huy phụ trách công tác chính trị đứng cạnh tôi là Thiếu tá V. Môgiarencô đã chuẩn bị ra lệnh cho tất cả anh em rời phà và bơi vào bờ. Nhưng may thay, tên phi công Mỹ lại vòng lượn trên đầu chúng tôi mà không nổ súng. Không có ai bắn vào nó. Có thể điều này đã cứu sống chúng tôi.

Tại sao sự kiện này lại được lưu lại trong ký ức. Chắc hẳn bởi vì đó là sự mở đầu con đường trở về nhà của chúng tôi. Sau đó một tuần lễ, sau khi giúp tiến hành các công việc theo quy định tại Tiểu đoàn 88 thuộc trung đoàn mới của chúng tôi, chúng tôi được những chiếc xe buýt chở tới một ga xe lửa tại biên giới Việt - Trung. Xin tạm biệt nhân dân Việt Nam chịu nhiều đau khổ. Tính đến ngày chúng tôi lên đường trở về Tổ quốc, tổng số máy bay kẻ cướp Mỹ bị bắn rơi là 2.148 chiếc. Chúng tôi đã góp phần vào con số đó.

Không bao lâu sau, chuyến xe lửa tốc hành đã đưa chúng tôi đi qua Bắc Kinh và trở về Tổ quốc.

Tái bút :

Ngày 11-7-2001, vào lúc 22 giờ tôi đã rất chăm chú theo dõi trên kênh 1 chương trình truyền hình "Điều đó xảy ra như thế đó" - "Liên Xô trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Những năm 1965 - 1973". Tôi đã gián tiếp được biết vị Chủ tịch tổ chức liên miền các cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu tại Việt Nam N. N. Côlêxnhích và những nhân vật khác tham gia chương trình truyền hình hôm đó. Tiếc là chương trình hôm đó không kéo dài, nhưng chỉ chừng đó cũng xin cảm ơn - chí ít người ta cũng nhớ đến chúng tôi.

Chương trình truyền hình hôm ấy như đã đưa tôi trở lại Việt Nam của những năm tháng xa xôi. Một lần nữa tôi nhớ lại các bạn chiến đấu của mình: vị chỉ huy Trung tâm huấn luyện số 8 của chúng tôi - sĩ quan chỉ huy Trung đoàn tên lửa phòng không 263, Đại tá A. Đ. Iarôxlápxép (tiếc rằng ông không còn nữa), Chỉ huy phó phụ trách công tác chính trị, Đại tá V. A. Crúpnốp, kỹ sư trưởng của trung đoàn E. I. Lêpikhốp, các sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn R. G. Iacubốp, V. I. Gniđin, V. P. Nôvicốp, các sĩ quan vận hành đài điều khiển tên lửa thuộc các tiểu đoàn trên I. A. Ecsốp, L. P. Makhơlai, Điasúc, sĩ quan V. A. Malôletốp của tôi và các phó chỉ huy phủ trách công tác chính trị của tiểu đoàn là V. N. Côsulanốp và V. Ph. Môgiarencô, sĩ quan chỉ huy đại đội bệ phóng V. C. Xiđennhicốp, các sĩ quan chỉ huy trong đại đội kỹ thuật vô tuyến Taraxencô, Đuygicốp, các trắc thủ điều khiển tên lửa V. Sécnôgô - Ôgơnhép; M. Bôlétxki, M. Gítkích, bác sĩ quân y V. V. Xpiranđê.

Tiếc rằng tôi không còn nhớ họ tên của một số người...
Thành phố Puskin, tháng 7- 2001

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #124 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 08:13:25 pm »

ĐẠI TÁ
SIXLỐP GHENNAĐI VAXILIÊVÍCH

Phó giáo sư, Phó tiến sĩ khoa học quân sự.

Ông sinh ngày 2-1-1938 tại tỉnh Penden. Năm 1956 ông vào học tại Trường kỹ thuật quân sự Ăng ghen của Binh chủng phòng không, đến năm 1959 ông tốt nghiệp xuất sắc trường này. Ông tiếp tục phục vụ trong quân ngũ với các chức vụ: chỉ huy trung đội, chỉ huy đại đội, tham mưu trưởng tiểu đoàn tên lửa phòng không.

Từ tháng 9-1966 đến tháng 9-1967 ông đã tham gia chiến đấu tại Việt Nam, trong vai trò là chuyên gia quân sự bên cạnh Chỉ huy tiểu đoàn tên lửa phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1972 ông đã tốt nghiệp xuất sắc, với Huy chương vàng, Học viện quân sự đào tạo sĩ quan chỉ huy Binh chủng phòng không và tốt nghiệp nghiên cứu sinh tại Phân viện quân sự cao cấp thuộc Học viện này. Ông được chuyển sang lực lượng dự bị năm 1993.

Ông được tặng thưởng Huân chương Sao đỏ, Huân chương Vì phục vụ Tổ quốc trong các lực lượng vũ trang Liên Xô hạng III và 13 huy chương, trong đó có Huy chương Hữu nghị của Việt Nam.

MỘT NĂM TRONG ĐỘI NGŨ CHIẾN ĐẤU

Trong những năm 60-70 của thế kỷ XX, tại Đông Nam Á trên lãnh thổ miền Bắc và miền Nam Việt Nam đã diễn ra một trong những cuộc chiến tranh cục bộ đẫm máu và tàn khốc. Nhân dân Liên Xô dành cảm tình cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống sự xâm lược của Hoa Kỳ. Hàng vạn người dân Liên Xô đã tham gia công cuộc giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh này. Các chuyên gia Liên Xô đã giúp đào tạo cán bộ cho nền kinh tế quốc dân và cho các lực lượng vũ trang của Việt Nam, xây dựng các cơ sở công nghiệp, tiến hành thăm dò các mỏ khoáng sản hữu ích, giải quyết các nhiệm vụ kinh tế và trực tiếp tham gia đánh trả quân xâm lược.

Tôi cũng có dịp tham gia giúp đỡ Việt Nam với tư cách là một chuyên gia quân sự. Tháng 2-1966, khi đang giữ chức chỉ huy Đại đội phóng tên lửa thuộc Tiểu đoàn tên lửa phòng không X-75M (đóng quân ở Ucraina), tôi được điều đến Adécbaidan. Tại đây đang gấp rút thành lập Trung tâm huấn luyện thuộc Quân khu phòng không Ba cu với nhiệm vụ đào tạo lại và huấn luyện một trung đoàn tên lửa phòng không của Việt Nam gồm chủ yếu các chuyên viên pháo binh, để họ nắm vững kỹ thuật tên lửa phòng không. Trong cuộc họp đầu tiên với các sĩ quan, chỉ huy trung tâm này là Đại tá V. Bêlônin đã trao nhiệm vụ cho chúng tôi như sau: 

- Trong thời hạn nửa năm, đào tạo đội ngũ trung đoàn tên lửa Việt Nam, hình thành các khẩu đội chiến đấu, các tiểu đoàn tên lửa và các sở chỉ huy, đào tạo đội ngũ chỉ huy tác chiến của trung đoàn, cũng như đào tạo đội ngũ chỉ huy tác chiến độc lập của các tiểu đoàn tên lửa phòng không; 

- Hãy tạm gác những khóa học hiện tại về luyện tập tác xạ về sẵn sàng chiến đấu và những chương trình giảng dạy hiện tại về đào tạo chuyên gia của binh chủng tên lửa phòng không, và trong thời hạn 2 tuần lễ phải soạn thảo những chương trình giảng dạy mới và thời khóa biểu mới, xuất phát từ một tiền đề duy nhất - trung đoàn này sau khi được đào tạo lại sẽ trở về Việt Nam, nhận các phương tiện kỹ thuật chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu ;

- Kết thúc khóa huấn luyện vào đầu tháng 8 bằng việc các khẩu đội Việt Nam thực hiện xạ kích chiến đấu tại bãi thử vũ khí Asulúc.

Với tư cách là giảng viên chính về thiết bị phóng và về tên lửa, nhiệm vụ của tôi là soạn thảo chương trình và thời khoá biểu học tập để đào tạo lại cho 4 đại đội bệ phóng với đầy đủ quân số, chuẩn bị xây dựng - bằng nỗ lực của đội ngũ giảng viên. và huấn luyện viên - một cơ sở vật chất để đảm bảo quá trình huấn luyện. Ngoài ra, tôi còn lên lớp cho đội ngũ chỉ huy của trung đoàn này và cho các quân nhân khác về các vấn đề thiết bị phóng tên lửa và tên lửa.

Các nhiệm vụ đặt ra đã được thực hiện đẩy đủ. Điều này đã được khẳng định qua những buổi xạ kích chiến đấu thành công tại bãi thử vũ khí do tất cả các tiểu đoàn tiến hành. Thật ra, việc giải quyết những nhiệm vụ ấy đòi hỏi phải có những nỗ lực thực sự nghiêm túc, phải mất thời gian, những nỗ lực về tinh thần và thể chất. Gánh nặng hàng ngày của mỗi giảng viên gồm có 6 giờ lên lớp theo thời khóa biểu và 3 giờ bắt buộc có mặt trong buổi tự học của các tốp học viên Việt Nam. Ngoài ra, cần phải chuẩn bị bài giảng, kiểm tra và chuẩn bị khí tài chiến đấu cho các buổi lên lớp ấy. Trên thực tế, ngày làm việc của mỗi chúng tôi kéo dài 10-12 giờ. Nhưng tất cả những công việc ấy được chúng tôi coi là những việc làm cần thiết, là công việc của chúng tôi, là sự đóng góp của chúng tôi vào sự chi viện quốc tế dành cho Việt Nam. Trong thời gian tiến hành khóa đào tạo lại, giữa chúng tôi đã hình thành mối quan hệ đồng chí tốt đẹp với các học viên và với các phiên dịch viên.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #125 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 08:14:05 pm »

Đến cuối tháng 7 - đầu tháng 8-1966 các ủy viên trong Hội đồng quân sự của Quân khu phòng không Bacu đã đến trung tâm huấn luyện của chúng tôi để tuyển chọn người gửi sang Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm chuyên gia quân sự. Trong số chúng tôi không có ai gặp phải vấn đề gì và chúng tôi đã sẵn sàng chấp nhận đề xuất sang Việt Nam.

Có hơn 10 sĩ quan được tuyển chọn để cùng với trung đoàn tên lửa Việt Nam rời khỏi Trung tâm huấn luyện của Quân khu phòng không Bacu, số sĩ quan còn lại (gần 60 người) gồm những quân nhân thuộc các đơn vị tên lửa phòng không đóng quân ở Ucraina. Trong số đó tôi được lựa chọn giao nhiệm vụ làm chuyên gia về thiết bị bệ phóng và về tên lửa thuộc Tiểu đoàn tên lửa phòng không XA-75M ("Đvina"). Quyết định cuối cùng về việc cử các chuyên gia quân sự đến Trung đoàn tên lửa phòng không thứ sáu (Trung đoàn tên lửa phòng không 245) đã được thông qua tại Hội đồng quân sự của Tổng cục 10 Bộ Quốc phòng (Liên Xô). Các chiến sĩ và hạ sĩ quan làm nhiệm vụ chuyên gia vận hành máy bám sát mục tiêu bằng tay và vận hành các hệ thống điều khiển việc phóng tên lửa được biên chế trong các tiểu đoàn tên lửa phòng không gồm các quân nhân Liên Xô đã từng có mặt tại trung tâm huấn luyện trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tôi được bổ nhiệm làm chuyên gia bên cạnh viên sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn tên lửa phòng không Việt Nam và có mặt tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ tháng 9-1966 đến tháng 9-1967. Nằm trong thành phần trung đoàn tên lửa phòng không, tiểu đoàn chúng tôi đã tham gia đánh trả các trận oanh tạc của không quân Mỹ nhằm vào các thành phố Hà Nội và Hải Phòng, thực hiện cách đánh "phục kích", ngoài ra còn thực hiện các nhiệm vụ khác tại 11 tỉnh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chúng tôi phải thường xuyên thay đổi trận địa phóng tên lửa trong điều kiện hệ thống đường sá bị hư hỏng nặng và địa hình không có đường sá. Tiểu đoàn chúng tôi đã thực hiện 54 lần phóng tên lửa chiến đấu, tiêu diệt được 34 máy bay Mỹ, trong đó có những loại máy bay hiện đại nhất thời bấy giờ là loại F-4, A-4 và những loại máy bay khác.

Ngày 8-11-1966 tiểu đoàn chúng tôi lần đầu tiên phóng tên lửa chiến đấu. Với một quả tên lửa tiểu đoàn đã tiêu diệt được một máy bay trinh sát tầm thấp. Sau khi tiếp nhận các phương tiện kỹ thuật chiến đấu, tiểu đoàn được triển khai trên một trận địa hiện đại tại khu vực Gia Lâm (ngoại thành Hà Nội), chỉ cách trường Đại học nông nghiệp vài trăm mét. Có hai khẩu đội pháo cao xạ 57 mm yểm trợ tiểu đoàn chúng tôi.

Hôm ấy là một ngày nắng. Buổi sáng hôm ấy đoàn đại biểu giảng viên và sinh viên của trường Đại học nông nghiệp đã đến thăm các chuyên gia quân sự chúng tôi với những lẵng hoa quả, họ mặc lễ phục (trong suốt một năm trời chúng tôi sống tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên và là lần cuối cùng chúng tôi nhìn thấy các đồng chí Việt Nam mặc những bộ lễ phục như vậy) và chúc mừng chúng tôi nhân kỷ niệm 49 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại. Hai chục chuyên gia quân sự Liên Xô, với sự giúp sức của các đồng chí Việt Nam đã nhanh chóng tạo ra những chiếc bàn làm từ thùng đạn, bày lên những chiếc bàn ấy tất cả những gì chúng tôi có và những gì đoàn khách đem đến, và thế là chúng tôi đã tiến hành kỷ niệm ngày lễ ấy. Trên thực tế, tất cả các vị khách đều nói tiếng Nga khá tốt (tất cả các giảng viên của trường Đại học nông nghiệp của Việt Nam đều đã tốt nghiệp trường Đại học nông nghiệp Tasken). Theo chúng tôi nghĩ, họ cũng biết và hát rất hay các bài hát Liên Xô. Có một cô sinh viên Việt Nam chơi đàn phong cầm rất hay. Buổi lễ kéo dài khoảng 2 giờ. Sau đó tôi cùng một trắc thủ, là binh nhất Xasa Oóclốp, tiễn khách ra về. Khi chúng tôi còn đang đi trên trận địa thì thấy vang lên còi "Báo động chiến đấu". Các vị khách nhanh chóng ra về, còn tôi và Xasa chạy ngay về ca bin điều khiển.

Từ phía Hà Nội, ở rìa khu vực cấm khai hỏa, ở khoảng cách 20 km đã phát hiện thấy mục tiêu bay thấp và tiến về hướng tiểu đoàn. Mục tiêu đã lọt vào tầm theo dõi bằng tay và nằm trong tầm bám sát sít sao. Tôi đề nghị cho khai hỏa vào mục tiêu. Chỉ huy tiểu đoàn lúc đầu trả lời rằng không được bắn về hướng Hà Nội, nhưng sau đó ông hạ lệnh phóng một tên lửa, và tên lửa ấy đã tiêu diệt mục tiêu. Từ thời điểm phát tín hiệu báo động đến khi mục tiêu bị tiêu diệt không quá 2 phút.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #126 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 08:14:53 pm »

Trong những trận đánh tiếp theo chúng tôi có những thắng lợi, nhưng cũng có những thất bại. Những trận đánh thành công nhất là hai trận đánh hồi mùa hè năm 1967. Trong mỗi trận ấy đều tiêu diệt được hai máy bay F-4. Đã nhiều lần trận địa của tiểu đoàn bị địch ném bom, bắn phá bằng tên lửa và hỏa lực. Đã hai lần tiểu đoàn chúng tôi bị loại khỏi vòng chiến đấu trong thời gian dài và cả hai lần đều được đội ngũ chiến sĩ của tiểu đoàn đưa trở lại tư thế sẵn sàng chiến đấu, trước hết nhờ các chuyên gia quân sự Liên Xô. Hàng ngày có đến vài lần có tín hiệu báo động và chúng tôi phải ngồi vào các vị trí chiến đấu của mình, phải ngồi nhiều giờ trước màn hình các máy tín hiệu để giúp các đồng chí Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu. Những người đã thể hiện là những chuyên gia có trình độ cao là các Đại úy V. Dúpcô và A Crưlốp, Thượng úy Ph. Ốpxiêvích, Trung úy L. Xcrưnxki. Trước hết là nhờ những nỗ lực của họ mà tiểu đoàn luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. 

Tổ chuyên gia quân sự Liên Xô trong tiểu đoàn này là một tập thể đồng lòng, đoàn kết. Quan hệ giữa các chiến sĩ hạ sĩ quan và sĩ quan là quan hệ bình đẳng, thân thiết. Theo thông lệ, chúng tôi gọi nhau theo tên. Ngoại trừ trường hợp đó là những thành viên ban chỉ huy trung đoàn và bác sĩ của nhóm chuyên gia Liên Xô là Đại úy Vaxili Iacốplêvích Vaxilencô (có lẽ do ông có vóc dáng đáng nể trọng, sự am hiểu chuyên môn và thái độ ân cần). Hoàn cảnh đưa đẩy khiến vị bác sĩ đã hiện diện trong tiểu đoàn chúng tôi và cùng chúng tôi đi suốt con đường chiến đấu, dành sự giúp đỡ y tế không những cho các chuyên gia quân sự Liên Xô, mà cho cả dân chúng địa phương, cho những bệnh nhân và những người bị thương.

Mùa hè năm 1967 là thời kỳ gian khổ nhất trong những trang sử chiến đấu của tiểu đoàn. Có thể nói vắn tắt về thời kỳ ấy như sau: Không quân Mỹ hoàn toàn thống trị trên bầu trời, tình trạng hoàn toàn không có đường sá, việc vận chuyển hàng bằng đường biển bị phong toả. Các tiểu đoàn trong tình trạng chỉ được nhận cơ số hạn chế, sau khi bắn cạn số tên lửa dự trữ thì chỉ nhận được mỗi lần từ một đến ba quả tên lửa mà thôi. Trong khi ấy ngày nào cũng vậy, buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều không quân Mỹ tiến hành những cuộc đánh phá trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không ít lần dùng mắt thường cũng thấy trên bầu trời có đến 8, 16, 24 và thậm chí là 32 máy bay Mỹ.

Vào một ngày như thế sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn quyết định bắn tên lửa vào một tốp máy bay, trước đó đồng chí ấy ra lệnh cho các chuyên gia quân sự Liên Xô và các đồng chí Việt Nam nào không trực tiếp tham gia chiến đấu phải vào hẩm trú ẩn. Trong tiểu đoàn lúc ấy chỉ có 2 quả tên lửa và chúng đã được phóng đi. Gió thổi về phía các ngôi làng những cột khói đen dầy đặc của thuốc súng và bụi bốc lên bởi luồng khí phụt ra từ các động cơ gia tốc tên lửa khi được phóng đi. Những chiếc máy bay bay trên bầu trời lúc đó bắt đầu bắn tên lửa và ném bom vào đám mây khói ấy với diện tích ngày một rộng ra. Hậu quả những cuộc oanh tạc ấy là trên thực tế ngôi làng đã bị thiêu rụi và đã có một số lượng lớn dân thường bị thương vong. Tiểu đoàn chúng tôi bị những hư hại nhỏ ở đài điều khiển tên lửa, còn đài trinh sát và chỉ thị mục tiêu của tiểu đoàn ở phía ngoài trận địa thì bị phá hủy.

Sau trận đánh này hai tiểu đoàn của trung đoàn chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh theo kiểu "phục kích", rời trận địa đến tỉnh Sơn La theo tuyến đường Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La, với nhiệm vụ đánh các máy bay gây nhiễu EB-66. Cuộc chuyển quân này được thực hiện theo kiểu “bắc cầu”, nghĩa là chỉ có một tiểu đoàn có thể ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu tại trận địa phóng tên lửa, còn tiểu đoàn thứ hai thì hành quân hoặc trong tư thế hành quân và được ngụy trang. Mỗi tiểu đoàn nhận được 12 quả tên lửa. Tốp chuyên gia quân sự Liên Xô trong tiểu đoàn đảm nhận việc triển khai tiểu đoàn tại trận địa phóng tên lửa sau khi kết thúc hành quân và đưa khí tài vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, cũng như huấn luyện cho các trắc thủ điều khiển thiết bị bám sát mục tiêu bằng tay và giúp đỡ các chuyên viên Việt Nam giải quyết những nhiệm vụ được đặt ra cho họ.

Cuộc chuyển quân của các tiểu đoàn diễn ra bình thường. Tại những trận địa mới đến họ đã tiến hành mấy trận đánh thắng lợi, nhưng trận đánh chính yếu nhằm vào chiếc EB-66 thì bị thất bại do lỗi của một trắc thủ vận hành thiết bị bám sát mục tiêu bằng tay. Chiếc máy bay tạo nhiễu đã không bị hề hấn gì và bay đi mất.

Tháng 7 - tháng 8-1967 tốp chuyên gia quân sự của chúng tôi huấn luyện cho một tiểu đoàn tên lửa phòng không và đảm bảo việc chuyển tiểu đoàn này về khu vực phía nam của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vào khu vực thành phố Vinh, với cách đánh theo kiểu "phục kích" nhằm vào các máy bay ném bom chiến lược B52. Cuộc chuyển quân của tiểu đoàn diễn ra thành công. Tốp chuyên gia quân sự của chúng tôi trong tiểu đoàn này đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình và trở về Tổ quốc với đầy đủ quân số, rời tiểu đoàn sau khi đã chuẩn bị cho tiểu đoàn có tư thế sẵn sàng chiến đấu với đội ngũ chiến đấu đã được đào tạo huấn luyện tốt và làm việc nhịp nhàng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #127 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 08:15:32 pm »

Trong một năm tác chiến, tiểu đoàn chúng tôi đã nhiều lần được Bộ Tư lệnh Phòng không - không quân của Việt Nam khích lệ. Tiểu đoàn đã được trao tặng một số phần thưởng trong chiến đấu, do nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng (vào thời kỳ ấy ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa áp dụng việc trao tặng tập thể). Tất cả các chuyên gia Liên Xô trong tổ chúng tôi đã được tặng Huy chương Hữu nghị của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đến cuối năm 1967 chúng tôi được tặng thưởng các Huân chương Liên Xô: Huân chương Sao đỏ hoặc các Huy chương Chiến công.

Từ đó đến nay đã mấy thập kỷ trôi qua, làm mờ đi trong ký ức một số sự kiện, họ tên của một số đồng đội. Nhưng trong những cuộc gặp gỡ gần như hằng năm vào ngày 5-8 tại Mátxcơva, với lòng kính trọng, chúng tôi nhớ đến nhiều đồng chí chúng tôi, trước hết là Trung tá N. Bêrêgovôi, người chỉ huy tốp chuyên gia quân sự Liên Xô trong trung đoàn các chuyên gia về khí tài trong đài điều khiển tên lửa các Đại úy V. Dúpcô và A. Crưlốp, Thượng úy Ph. Ốpxiêvích, Trung úy L. Xcrưnxki, V. Vaxilencô bác sĩ của nhóm chuyên gia trong trung đoàn, trắc thủ vận hành thiết bị bám sát mục tiêu bằng tay, binh nhất A. Oóclốp. Nhớ về thời ấy, chúng tôi nói: mặc dù chúng tôi không xông vào tấn công các đồn bốt địch, không dẫn các đơn vì xông lên tấn công và không phải lúc nào cũng chỉ huy trận đánh và thực hiện những vụ phóng tên lửa vào các mục tiêu trên bầu trời và dẫn đường cho các tên lửa, nhưng chúng tôi đã làm một công việc lớn lao - đã đào tạo các bạn Việt Nam để họ giải quyết thắng lợi những nhiệm vụ chiến đấu.

Các chuyên gia Liên Xô đã đảm bảo tư thế sẵn sàng chiến đấu cao của tiểu đoàn nhằm đánh trả các cuộc oanh tạc của không quân địch. Họ đã không nao núng trong những tình huống phức tạp và nguy hiểm của các trận không chiến trong điều kiện diễn ra cuộc chiến vô tuyến điện tử và hỏa lực. Cùng với các bạn Việt Nam họ đã thực hiện công việc nặng nhọc là chuyển các khí tài chiến đấu từ tư thế hành quân sang tư thế sẵn sàng chiến đấu và ngược lại. Đồng thời mỗi chuyên gia làm việc bằng hai và thậm chí bằng ba người.

Tinh thần kiên cường và tự chủ của họ là tấm gương cho các bạn Việt Nam, những người mà cho tới nay vẫn được chúng tôi dành cho những tình cảm thân thiết và những thiện cảm, sự kính trọng và niềm tự hào vì tình hữu nghị giữa chúng tôi, được tôi luyện trong chiến đấu, đã trụ vững trước sự thử thách của thời gian và khoảng cách.
Thành phố Tờve, ngày 28-3-2002

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #128 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 08:16:48 pm »

ĐẠI TÁ
VÔICÔ ĐMITƠRI ĐANILÔVÍCH

Ông là Phó tiẾn sĩ khoa học kỹ thuật, chức danh cán bộ khoa học chủ chốt.

Ông sinh ngày 1-11-1942 tại tỉnh Vinhít.

Năm 1950 ông vào học tại Trường Kỹ thuật vô tuyến quân sự Cờ đỏ ở Gitômia. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1963 ông tiếp tục phục vụ trong Binh chủng phòng không Liên Xô.

Từ tháng 10-1966 đến tháng 10-1967 ông đã tham gia chiến đấu tại Việt Nam, với vai trò là kỹ thuật viên trưởng trong hệ thông xác định tọa độ của bộ khí tài tên lửa phòng không.

Sau khi từ Việt Nam trở về nước, ông được cử giữ chức chỉ huy Tiểu đội 1 - sĩ quan đài điều khiển tên lửa của tiểu đoàn tên lửa phòng không.

Năm 1974 ông tốt nghiệp Học viện kỹ thuật công trình vô tuyên quân sự mang tên Nguyên soái Gôvôrốp và được cử đến Mátxcơva làm việc tại Viện nghiên cứu khoa học quân sự là nơi ông đã kết thúc sự nghiệp phục vụ quân ngũ vào năm 1996 với chức vụ quyền trưởng ban.

Ông được tặng thưởng Huân chương Sao đỏ, Huy hiệu Chiến sĩ quốc tê và 12 huy chương, trong đó có Huy chương Hữu Nghị của Việt Nam.

TRÊN MẢNH ĐẤT VIỆT NAM NÓNG BỎNG TRONG KHÁNG CHIẾN

Đối với tôi thông báo về chuyến công tác sang nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một tin rất đột ngột, tuy có khá nhiều thông tin về nhưng sự kiện đang diễn ra tại đó, kể cả thông tin về sự có mặt của các chuyên gia quân sự Liên Xô tại quốc gia thân hữu ấy và về sự tham gia của họ vào cuộc chiến đấu chống không quân Mỹ.

Việc này xảy ra vào cuối tháng 8-1966, ngay sau ngày tiểu đoàn tên lửa phòng không nơi tôi phục vụ trở về từ bãi thử vũ khí, sau khi thực hành các cuộc khai hỏa tác chiến và được nhận điểm "xuất sắc".

Sau gần một tháng có mặt ở vùng sa mạc miền nam Liên Xô và đã mệt lử vì cái nóng làm kiệt sức, nhưng tâm trạng của tôi (lúc ấy tôi chưa lập gia đình) lại phấn chấn vì được chỉ huy cho nghỉ một ngày. Tôi đã vào thành phố để nghỉ ngơi và gặp gỡ bạn bè.

Buổi tối hôm ấy thật tuyệt, có âm nhạc và rượu vang. Nhưng khi bữa tối gần kết thúc thì vị chỉ huy trực tiếp của tôi (trưởng nhóm) bất ngờ xuất hiện trong gian nhà hàng và thông báo tôi được triệu tập khẩn cấp đến ban tham mưu của trung đoàn liên quan đến một vấn đề rất quan trọng.

Toàn bộ việc này kết thúc bằng chuyến đi của tôi trong thành phần một đoàn lớn các chuyên gia quân sự Liên Xô sang nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 10-1966.

Máy bay chở chúng tôi hạ cánh ở ngoại thành Hà Nội vào ban đêm. Mọi người rất căng thẳng (dù gì thì đại đa số những người trong đoàn chuyên gia này lần đầu tiên đặt chân đến miền đất đang bùng cháy ngọn lửa chiến tranh). Ấy vậy ở đây còn trông thấy những ánh chớp loé lên trên bầu trời đen như mực của phương nam và tiếng bom nổ vọng đến tận sân bay.

Từ sân bay về thành phố Hà Nội chúng tôi đi xe tô, hầu như không bật đèn pha. Những đèn "cốt" chỉ chiếu sáng ở phía dưới bánh xe mà thôi. Thực ra, đây cũng là cách di chuyển trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong suốt thời gian tôi phục vụ tại Việt Nam.

Sau một thời gian ngắn lưu lại Hà Nội liên quan đến việc giải quyết các vấn đề tổ chức, tôi đã được bố trí trong thành phần tốp chuyên gia Liên Xô gồm 10 người, đứng đầu là Đại tá Vaxih Grigônêvích Bai cốp, người đã từng tham gia cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô (tiếc rằng, nay ông đã qua đời). Chúng tôi đã tới tận phía nam của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, tức là đến tỉnh Nghệ An để thay thế cho các đồng chí đã mãn hạn phục vụ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #129 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 08:17:35 pm »

Tôi muốn nói những lời tốt đẹp để nhớ đến các bạn cùng chiến đấu với tôi ở Việt Nam - các bạn thuộc nhóm chuyên gia Liên Xô cùng ở một trung đoàn, đó là:

Kỹ sư trưởng của trung đoàn, Trung tá Iuri Pêtơrôvích Men sích;

Sĩ quan đài điều khiển tên lửa, Thượng úy Iuri Carataép;

Kỹ thuật viên ca bin điều khiển "P", Thượng úy Vaxili Grigôriêvích Igrépxki;

Kỹ thuật viên hệ thống phát lệnh, Thượng úy Alếchxanđrơ Xtêpanôvích Pôpađencô;

Kỹ thuật viên máy phát lệnh vô tuyến, Thượng úy Vlađimia Paxcô; 

Chỉ huy trung đội thuộc đại đội phóng tên lửa, Trung úy Ivan Môrôdốp;

Chỉ. huy trung đội trinh sát (thuộc trạm trinh sát và chỉ thị mục tiêu), Thượng úy Iuri Giơđanốp; 

Đại úy bác sĩ quân y Vlađimia Mikhailôvích Côcarép.     

Sau hai đêm chúng tôi đã đến địa điểm được ấn định. Trong quá trình hành quân chúng tôi đã rơi vào một số tình huống bất bình thường đối với chúng tôi mà về sau đã trở thành thông lệ.

Chẳng hạn, ngay trong đêm đầu tiên của cuộc hành quân, trên đường đi chúng tôi đột nhiên gặp phải một chướng ngại vật. Do hậu quả trận mưa nhiệt đới, thay vì một con suối nhỏ cắt ngang đường (ở Việt Nam có hàng nghìn những con suối như vậy) lại xuất hiện một con sông có bề rộng chừng 50 mét và sâu đến khoảng một mét rưỡi. Tình hình này buộc chúng tôi phải cởi gần hết quần áo, cột quần áo lên đầu, còn 2 chiếc ôtô (kiểu GAZ-69) thì phải đẩy bằng tay sang bờ bên kia và tiếp tục đi như vậy.

Vào đêm thứ hai, trên con đường núi trước mặt chúng tôi xuất hiện một trở ngại không vượt qua nổi. Đó là một cái hố to xuất hiện do một quả bom Mỹ ném xuống chưa lâu. Hậu quả là bị tắc đường. Trên đoạn đường này đã bình thành một dãy xe tô kéo dài (chủ yếu là các xe tải chở hàng vào miền Nam). Đến đây dân chúng địa phương (bà con nông dân) ra giúp chúng tôi. Trong quá trình lấp hố bom này họ đã thực sự lập nên những kỳ tích. Trong đêm tối, trên thực tế không có đèn chiếu sáng và không có các phương tiện kỹ thuật làm đường chuyên dụng (họ chỉ có cuốc chim, xẻng và các sọt đựng đất) và trong một thời gian khá ngắn, họ đã phục hồi con đường. Thế là các phương tiện vận tải lại tiếp tục hoạt động.

Ngay sau khi đến địa điểm được ấn định, chúng tôi liền bắt tay vào công việc. Trước hết chúng tôi gặp Ban chỉ huy của Trung đoàn tên lửa phòng không 238 của Quân đội nhân dân Việt Nam và của các tiểu đoàn tên lửa phòng không, thảo luận tình hình trong khu vực đóng quân của trung đoàn, tình hình khí tài và những nhiệm vụ được đặt ra cho trung đoàn. Sĩ quan chỉ huy Trung đoàn tên lửa phòng không 238 của Việt Nam là Trung tá Hội, phó chỉ huỷ là Thiếu tá Cảnh (Kaнь), kỹ sư trưởng là Thiếu tá Ngọc. Tất cả những đồng chí ấy là những viên chỉ huy được đào tạo có bài bản, đã có kinh nghiệm chiến đấu khá phong phú trong việc đánh trả các cuộc oanh tạc của không quân Mỹ.

Đặc điểm của Trung đoàn tên lửa phòng không 238 - nơi nhóm chuyên gia chúng tôi triển khai hoạt động - là ở chỗ nó là đơn vị duy nhất chiếm vị trí tiền đồn trong công cuộc phòng thủ của Quân đội nhân dân Việt Nam chống không quân địch và thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu không có sự yểm trợ của những phương tiện chiến đấu khác. Vì vậy, các đơn vị chiến đấu của nó (các tiểu đoàn), nhằm tránh bị tổn thất, đã buộc phải thay đổi trận địa chiến đấu của mình sau mỗi lần phóng tên lửa và tạo ra các "điểm phục kích" mới để hạ máy bay Mỹ. Chúng tôi cũng đã cùng với họ di chuyển khắp vùng phía nam của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM