Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 10:20:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh Việt Nam là thế đó 1965 - 1973  (Đọc 123741 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #100 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2009, 03:34:58 pm »

Tổ chức thực hiện các công việc định kỳ

Các công việc cần thực hiện theo định kỳ đối với các bộ phận máy móc của bộ khí tài tên lửa được tổ chức tiến hành theo đúng các bản hướng dẫn vận hành và theo các bản chỉ dẫn đối với các loại khí tài tương ứng. Tuy nhiên, không phải lúc nào tình hình trên bầu trời cũng cho phép tiến hành đều đặn các công việc theo định kỳ đối. với tất cả các loại khí tài. Thông thường những công việc ấy được thực hiện tùy theo hoạt động của máy bay địch. 

Thường các công việc bảo trì hằng ngày khí tài bắt đầu tiến hành khi trời đã tối (vào khoảng 18 giờ, theo giờ địa phương), và những công việc ấy kết thúc vào gần nửa đêm. Vào khoảng 3 giờ sáng thì bắt đầu một chuỗi công việc chuẩn bị chiến đấu cho tất cả các loại khí tài. Các công việc định kỳ được tiến hành sau mỗi nửa năm, theo mùa, cũng như theo từng tháng được kết hợp với các đợt di chuyển trận địa của các tiểu đoàn tên lửa, trong mùa mưa, trong các đợt ngừng chiến, v.v.. 

Cần đặc biệt bàn về công tác chuẩn bị chiến đấu hằng ngày cho các khí tài. Công tác chuẩn bị chiến đấu ấy được thực hiện tuân theo một chế độ mới được chúng tôi soạn thảo và đem áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam. Thực chất của chế độ này là: trên cơ sở kinh nghiệm vận hành và khai thác các khí tài và những cuộc tập bắn chiến đấu trên bãi thử (tại Liên Xô) sẽ kịp thời quy định các thông số của các cụm linh kiện, các hệ thống của đài điều khiển tên lửa, cũng như của trạm trinh sát và chỉ thị mục tiêu, của các thiết bị phóng tên lửa và của các tên lửa. Những thông số này đều có ý nghĩa quyết định tư thế sẵn sàng chiến đấu của toàn bộ bộ khí tài tên lửa.

Trong bảng liệt kê những công việc kiểm tra bắt buộc hằng ngày cũng còn bao gồm cả những khâu kiểm tra liên hệ thống và toàn tổ hợp. Khâu chuẩn bị chiến đấu cho khí tài được kết thúc bằng khâu kiểm tra mở rộng đối với hoạt động của các đài điều khiển tên lửa và hoạt động của các thiết bị của bệ phóng, với các quả tên lửa đã được nạp vào bệ phóng; kiểm tra hoạt động của các bộ phận phản hồi trên tất cả các quả tên lửa, cũng như nghiên cứu hình ảnh các điểm "cục bộ" trên màn hình của các máy tín hiệu.

Chế độ chuẩn bị chiến đấu cho khí tài như vậy đã hoàn toàn tỏ ra đúng đắn. Tất nhiên, muốn vậy thì cần có tài nghệ hết sức cao, sự khéo léo, và các kỹ năng đã trở thành những động tác thuần thục, cần có một sự phối hợp nhịp nhàng tuyệt đối chính xác giữa các khẩu đội chiến đấu. Tôi có bổn phận phải trực tiếp chỉ huy các công việc kiểm tra khí tài sau mỗi lần các tiểu đoàn tên lửa triển khai trên trận địa mới, đồng thời cũng cần đặc biệt chú ý đến chất lượng thực hiện các công việc kiểm tra toàn bộ bộ khí tài tên lửa.

Tất cả các loại công việc cần thực hiện theo quy định đều được tiến hành - trong thời kỳ các khẩu đội chiến đấu của Liên Xô tiến hành tác chiến - bởi các chuyên gia Liên Xô. Họ là những kỹ sư, các kỹ thuật viên, các nhân viên vận hành, các trắc thủ trong các khẩu đội, dưới sự hướng dẫn của các sĩ quan chỉ huy, còn các khẩu đội Việt Nam thì học hỏi ở họ để tích luỹ kinh nghiệm. Sau khi các chuyên gia Liên Xô rút khỏi các tiểu đoàn tên lửa thì các chuyên gia thuộc nhóm của tôi đã có mặt trong các buổi tiến hành các công việc hằng tháng theo quy định và trong  các buổi thực hiện tất cả các hình thức bảo trì theo định kỳ dài hơn. Các công việc kiểm tra diễn ra dưới sự kiểm soát của họ. Cách làm này bảo đảm tính kế thừa đối với toàn thể đội ngũ các khẩu đội và đảm bảo hoạt động đáng tin cậy của khí tài. 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #101 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2009, 03:35:34 pm »

Sửa chữa khí tài

Tất nhiên, trong suốt thời gian tôi công tác ở Việt Nam thì một trong số những nhiệm vụ chủ yếu của tôi là sửa chữa và phục hồi các khí tài bị hỏng. Khi giải quyết nhiệm vụ này tôi đã dựa vào toàn thể đội ngũ kỹ sư - kỹ thuật viên của trung đoàn. Những trợ lý của tôi gồm có: Kỹ sư năng lượng của trung đoàn, Thiếu tá N. E. Têlêghin, chuyên gia về các thiết bị bệ phóng và về tên lửa, Thiếu tá R. Ph. Ignatốp, chuyên gia về các thiết bị ra đa, Đại uý kỹ sư V. E. Muraviép.

Sau khi các sĩ quan Liên Xô trở về nước, trong 6 tháng sau cũng đã có 9 chuyên gia khác về các chuyên ngành kỹ thuật đã làm việc cùng với tôi. Họ đã giải quyết tất cả các vấn đề có liên quan đến sửa chữa và phục hồi các khí tài, ngoài ra họ còn giữ vai trò tư vấn. Bên cạnh đó, người ta đã tuyển lựa - trong số những sĩ quan được đào tạo tốt nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam - các chuyên viên về tất cả các chuyên ngành kỹ thuật (về các hệ thống điều khiển tên lửa, các hệ thống trinh sát và chỉ thị mục tiêu, về tên lửa, về các thiết bị nguồn điện, thiết bị bệ phóng và thiết bị công nghệ, v.v.) "và thành lập Ban vũ khí tên lửa của Trung đoàn tên lửa phòng không 274 Quân đội nhân dân Việt Nam. Dần dần hoạt động của ban chuyên trách này trở nên có hiệu quả.

Tại sở chỉ huy trung đoàn, trong số các cán bộ chuyên môn, người ta cử ra một sĩ quan trực ban kỹ thuật (ngoài sĩ quan trực tác chiến). Sĩ quan trực ban kỹ thuật nhanh chóng thu thập các dữ liệu về tình hình khí tài của trung đoàn và nếu thấy cần thiết thì đưa ra những biện pháp khẩn cấp nhằm khôi phục tư thế sẵn sàng chiến đấu của các khí tài. Trong quá trình tác chiến hình thức trực ban kỹ thuật thực sự là cần thiết, vì việc phục hồi các khí tài đòi hỏi phải có những hành động khẩn cấp nhất, mạnh mẽ nhất, không được phép có bất kỳ một sự chậm trễ nào. Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện lực lượng và phương tiện bị hạn chế.

Trong quá trình khôi phục lại các khí tài bị máy bay địch gây hư hỏng cần xác định khối lượng công việc có thể phải tiến hành, bản liệt kê và số lượng vật tư cần thiết. Theo quy tắc, để phục hồi các khí tài được đưa vào nơi trú ẩn, cần tập trung một số lượng cần thiết các cán bộ chuyên môn (kể cả những cán bộ chuyên môn thuộc các tiểu đoàn khác và thuộc xưởng của trung đoàn), cũng như tất cả các phương tiện kỹ thuật có trong tay để tiến hành sủa chữa. Đã có hai cabin điều khiển "P", các máy móc của hai cabin điều phối "R", ba trạm phát điện bằng động cơ điêden, tám bệ phóng tên lửa, ba trạm ra đa P-12 được phục hồi bằng cách ấy sau khi chúng bị hư hại do bị trúng tên lửa chống ra đa "Sraicơ" và bom bi. Các bệ phóng bị hư hỏng thì được phục hồi bằng phương pháp sửa chữa theo cụm thiết bị lớn.

Trong tiến trình sửa chữa các khí tài có những lúc phải thực hiện cả những loại công việc mà ngay tại Liên Xô, để thực hiện chúng, cần phải có những thiết bị đặc biệt của những xưởng cố định (những công việc như sửa chữa hai hệ thống ăngten của đài điều khiển tên lửa đã bị hư hại vì mảnh tên lửa chống ra đa "Sraicơ", bộ phận cao tần ở máy ngắt mạch của ca bin điều khiển "PA", cụm linh kiện ở máy đóng mở ăngten P-23 với việc tháo dỡ hoàn toàn cụm linh kiện này). .

Đặc biệt hay gặp trường hợp các tuyến dây cáp bị hư hại sau các trận oanh tạc từ trên không của máy bay địch. Nhưng tại các tiểu đoàn tên lửa và tại trung đoàn tên lửa lại không có các cơ số dây cáp dự trữ. Việc sửa chữa các tuyến dây cáp truyền lực cũng như các tuyến dây cáp truyền tín hiệu đã chiếm mất rất nhiều thời gian.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #102 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2009, 03:36:17 pm »

Dự trữ tên lửa tại trận địa

Trong thời gian diễn ra những hoạt động tác chiến cường độ cao thì mối quan tâm đặc biệt của kỹ sư trưởng của trung đoàn là sự chuẩn bị và hoạt động của tiểu đoàn kỹ thuật nhằm đảm bảo cho các tiểu đoàn hỏa lực có được một số lượng cần thiết các quả tên lửa đã sẵn sàng, dự trữ chúng tại các trận địa có các bệ phóng tên lửa.

Tiểu đoàn kỹ thuật được triển khai ở các địa điểm khác nhau, phân bố trên những khoảng cách quy định. Các phương tiện kỹ thuật chuyên dụng của Tiểu đoàn được phân tán tại 5 địa điểm, còn các quả tên lửa và những bộ phận cấu thành của nó, những thùng chứa các thành phần nhiên liệu, các xe chuyên dụng dùng cho những thứ đó thì được bố trí tại 12 địa điểm cách xa nhau. Để chuẩn bị các quả tên lửa thì các phương tiện kỹ thuật, các xe chuyên dụng và các thiết bị chuyên dụng, các khẩu đội chiến đấu tập trung tại một trong số những trận địa dã chiến đã được lựa chọn từ trước để tổ chức quy trình công nghệ liên tục. Các loại công việc chỉ được tiến hành vào ban đêm và với một số lượng người tối thiểu được huy động.

Trong thành phần tiểu đoàn kỹ thuật có lập ra một nhóm chuyên trách, đứng đầu là trưởng ban tham mưu. Nhóm này chỉ thực hiện việc vận chuyển các quả tên lửa đến tiểu đoàn tên lửa phòng không. Thành phần nhóm này gồm 6 chiếc xe vận chuyển và nạp đạn, một xe cần cẩu K-61 với 2 nhân viên vận hành cần cẩu và 2 người móc dây cáp (trừ các lái xe). Cả hai kíp của tiểu đoàn kỹ thuật làm việc cách nhau một ngày hoặc làm việc cùng một lúc ở những trận địa khác nhau.

Tại các trận địa của tiểu đoàn tên lửa phòng không, số lượng các tên lửa dự trữ và hoàn toàn sẵn sàng được bố trí trên các xe vận chuyển và nạp tên lửa, giấu trong các hầm trú ẩn ở cách các trận địa phóng tên lửa khoảng 2 - 3 km. Tiểu đoàn tên lửa phòng không giữ liên lạc thường xuyên với những hầm trú ẩn ấy và với sở chỉ huy trung đoàn.

Trong suốt thời gian tôi có mặt ở Việt Nam đã không xảy ra các trường hợp phải hủy bỏ lệnh phóng tên lửa hoặc tên lửa không khởi động do lỗi của tiểu đoàn kỹ thuật. Toàn thể đội ngũ tiểu đoàn kỹ thuật - dưới sự chỉ huy của Trung tá B. I. Dađôrin, là người đã từng tham gia cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô và cuộc chiến tranh năm 1953 ở Triều Tiên - đã hoàn thành vẻ vang các nhiệm vụ được giao phó.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #103 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2009, 03:37:02 pm »

Đảm bảo an toàn khi vận hành khí tài

Trong suốt thời gian tôi làm việc tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cương vị kỹ sư trưởng của trung đoàn tên lửa, ngoài việc giải quyết các nhiệm vụ nêu trên, tôi còn đặc biệt chú ý đến việc tuân thủ hết sức nghiêm ngặt các quy tắc an toàn kỹ thuật và những yêu cầu ghi trong các bản chỉ dẫn và hướng dẫn vận hành các khí tài.

Kỹ thuật tên lửa phòng không của Liên Xô là loại vũ khí đáng sợ đối với kẻ thù. Bọn Mỹ biết rõ điều này. Nhưng vũ khí ấy cũng có thể không kém phần nguy hiểm và trở thành sức mạnh phá huỷ đối với quân ta nếu nó nằm trong tay những con người không tuân thủ hoặc vi phạm những quy tắc an toàn kỹ thuật và những đòi hỏi ghi trong các bản hướng dẫn vận hành. Vấn đề là ở chỗ: khi khai thác kỹ thuật tên lửa phòng không chúng ta thường xuyên tiếp xúc với những vật rất nguy hiểm: trong thành phần nhiên liệu lỏng của tên lửa có chứa những chất lỏng cực kỳ dễ phát nổ; bộ phận đầu đạn của tên lửa, với tổng trọng lượng 196 kg, được nhồi loại chất nổ gốc hecsogen; trong các quả tên lửa có sử dụng khối khí nén với áp suất 350 átmốtphe; trong các trạm ra đa dẫn đường cho tên lửa và trinh sát mục tiêu có những dòng điện cao thế (lên đến 22 kilôvôn). Những ví dụ dẫn ra trên đây chỉ là phần rất nhỏ những gì gây nguy hiểm cho những người vận hành kỹ thuật tên lửa phòng không. Ngay cả khi không có những kiến thức về kỹ thuật tên lửa phòng không cũng có thể hình dung hậu quả có thể xảy ra nếu có bất cứ một sự vi phạm nhỏ nào đối với những quy tắc vận hành kỹ thuật...

Sự việc dưới đây xảy ra tại một trong số các tiểu đoàn thuộc trung đoàn tên lửa của chúng tôi vào một ngày tháng 8-1966. Khi "mùa khô" đến thì đã có những ngày rất nóng bức. Không quân Mỹ hàng ngày gia tăng cường độ bắn phá. Các máy bay Mỹ đã đều đặn bay vào tầm hỏa lực của tiểu đoàn tên lửa, bắt đầu từ 7 giờ sáng. Vào khoảng 15 giờ tiểu đoàn này đã phóng tên lửa vào chiếc máy bay đi đầu của một tốp máy bay tiêm kích ném bom. Quả tên lửa đầu tiên đã bắn rơi chiếc máy bay này. Còn quả tên lửa thứ hai thì rơi xuống ngay sau khi được phóng đi cách trận địa của tiểu đoàn không xa, gây nên những tàn phá lớn và hỏa hoạn. Tôi đã tới địa điểm tên lửa rơi xuống và trên thực tế đã tìm thấy tất cả những thành phần của quả tên lửa ấy. Những mảnh tên lửa vương vãi trên một diện tích lớn. Hóa ra, ngay sau khi được phóng đi tầng thứ nhất của tên lửa đã nổ trong không khí. Sự cố này xảy ra vì trong buồng đốt của động cơ phản lực sử dụng nhiên liệu rắn, thay vì sự cháy bình thường của những hạt nhiên liệu, thì lại xảy ra hiện tượng kích nổ những hạt nhiên liệu ấy. Điều đó gây ra vụ nổ của phần động cơ phản lực sử dụng nhiên liệu lỏng và kích nổ bộ phận đầu đạn của tên lửa.

Nguyên nhân làm cho tên lửa bị rơi là do từ 7 giờ sáng đến thời điểm phóng tên lửa (15 giờ) trên thực tế quả tên lửa đã liên tục (phù hợp với chu kỳ kỹ thuật) ở trong chế độ chuẩn bị phóng và nằm dưới ánh nắng như thiêu đốt. Các phương tiện ngụy trang - đồng thời cũng được dùng làm phương tiện chống bức xạ nhiệt - đã được dỡ ra khỏi bệ phóng vào lúc 6 giờ 30 phút. Quả tên lửa, kể cả tầng thứ nhất của nó, đã được sơn một lớp sơn ngụy trang. Hệ quả của tất cả những yếu tố ấy là vào thời điểm tên lửa được phóng đì thì ở trong buồng đốt của động cơ phóng đã hình thành nhiệt độ cao quá mức cho phép. Hơn nữa, tiết diện giới hạn ống phóng của động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn đã bị phơi dưới nhiệt độ ngoài trời từ lúc 6 giờ sáng, trước lúc tên lửa được nạp vào bệ phóng, nhưng sau đó đã không được điều chỉnh lại theo đúng yêu cầu ghi trong bản hướng dẫn vận hành tên lửa.

Chúng tôi đã rút ra những kết luận cần thiết, đã soạn thảo và đưa ra những khuyến cáo về vận hành tên lửa. Thậm chí khó có thể hình dung được điều gì sẽ xảy ra nếu tầng thứ nhất của tên lửa bị kích nổ khi quả tên lửa vẫn còn nằm trên bệ phóng.

Chúng tôi đã phải thường xuyên giải thích về các quy tắc an toàn kỹ thuật cho các học viên rõ, từng bước làm cho họ thấm nhuần một cách vững chắc những quy tắc ấy, làm cho họ có được và củng cố những kỹ năng và biết cách áp dụng những phương pháp an toàn trong vận hành. Chúng tôi đã đặc biệt chú ý đến việc vận hành tên lửa và tất cả những thiết bị liên quan đến các thành phần của nhiên liệu tên lửa, liên quan đến khối khí nén, bộ phận đầu đạn của tên lửa, ngoài ra còn chú ý đến khâu bảo quản và vận hành các phương tiện nâng / hạ.

Tại Việt Nam nguồn điện cung cấp cho tổ hợp tên lửa phòng không và cho tất cả các phương tiện đảm bảo đều được cung cấp từ những máy phát điện độc lập và cơ động. Viên trợ lý phụ trách nguồn điện của tôi N. E. Têlêghin đã đào tạo được một số lượng cần thiết các chuyên gia về nguồn điện để cung cấp cho Trung đoàn tên lửa phòng không 274 của Quân đội nhân dân Việt Nam, và đã thực hiện tất cả các biện pháp đồng bộ nhằm vận hành an toàn các thiết bị nguồn điện của trung đoàn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #104 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2009, 03:38:36 pm »

Một số khuyến cáo do tôi đề xuất với phía Việt Nam

Vì sĩ quan chỉ huy trung đoàn, Đại tá V. V. Phêđôrốp và các sĩ quan chỉ huy các tiểu đoàn tên lửa phòng không đã kết thúc nhiệm kỳ công tác và trở về Liên Xô, cho nên trong giai đoạn chót của đợt công tác tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngoài việc chỉ huy chiến đấu, tôi còn phải đảm nhận thêm một nhiệm vụ phức tạp và không kém phần quan trọng, đó là trực tiếp giúp đỡ đồng chí Trung đoàn trưởng Trung đoàn tên lửa phòng không 274, các trung đoàn phó và chỉ huy các tiểu đoàn là người Việt Nam trong vấn đề tiến hành tác chiến, ngoài ra tôi còn đưa ra những ý kiến tư vấn trong những điều kiện khác nhau trong chiến đấu.

Những vấn đề đặc biệt phức tạp là vấn đề phóng tên lửa trong điều kiện kẻ địch sử dụng các hình thức gây nhiễu với cường độ mạnh và sử dụng tên lửa chống ra đa. Vấn đề là đến cuối năm 1966, đặc biệt là vào năm 1967, không quân Mỹ đã chuyển sang biện pháp khống chế mạnh mẽ các tổ hợp tên lửa phòng không bằng các phương tiện vô tuyến điện tử trên tất cả các băng tần, áp dụng những thủ đoạn chiến thuật mới và những phương tiện kỹ thuật mới để tạo ra và sử dụng các hình thức gây nhiễu đối với sóng vô tuyến. Hơn nữa, các tổ hợp tên lửa phòng không kiểu XA-75 còn chưa được bảo vệ tốt chống lại những phương tiện ấy.

Trong điều kiện như vậy chúng tôi đã đề ra và chuyển đến phía Việt Nam những khuyến cáo mới trong công tác tổ chức và tiến hành tác chiến trong điều kiện diễn ra cuộc chiến vô tuyến điện tử, gồm: sử dụng các chế độ làm việc khác nhau của đài điều khiển tên lửa (điều chỉnh tự động độ khuếch đại, điều chỉnh bằng tay độ khuếch đại, điều chỉnh tự động chớp nhoáng độ khuếch đại, hằng số nhỏ về thời gian, phương pháp "cào bằng", kích nổ bộ phận đầu đạn của tên lửa theo lệnh "KZ" ở chế độ "AĐA" - khí cầu tự hành), các phương pháp dẫn đường tên lửa phòng không có điều khiển, với việc sử dụng tối đa chế độ làm việc thụ động của các kênh mục tiêu trong đài điều khiển tên lửa, sử dụng phương pháp dùng tay điều chỉnh tần số của các máy phát từ trong quá trình theo dõi mục tiêu; lựa chọn tên lửa căn cứ theo công suất của các thiết bị phản hồi và theo độ nhạy của các thiết bị tiếp nhận sóng vô tuyến của các ngòi nổ vô tuyến, v.v..

Chúng tôi đã kịp thời đề xuất các khuyến cáo trong khâu phóng các tên lửa phòng không có điều khiển trong điều kiện kẻ địch sử dụng tên lửa chống ra đa "Sraicơ". Những khuyến cáo này đã được áp dụng thành công trong thực tiễn chiến đấu, giúp hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chiến đấu được đặt ra và tăng sức đề kháng của các tiểu đoàn tên lửa. 

Trong thời gian tôi làm việc ở Việt Nam Dân chủ Cộng  hòa, với vai trò kỹ sư trưởng, tôi đã thường xuyên chú ý liến việc đưa ra những khuyến cáo về những vấn đề hết sức khác nhau trong quá trình vận hành vũ khí, bảo quản vũ khí, gìn giữ, sửa chữa nó, kịp thời đảm bảo một cách đầy đủ mọi thứ cần thiết (các bộ phụ tùng linh kiện thay thế và dụng cụ chuyên dùng, các vật tư nhiên liệu - mỡ bôi trơn, những vật tư tiêu hao, và v.v.).
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #105 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2009, 03:38:59 pm »

Trong số những khuyến cáo ấy tôi cho rằng những khuyến cáo dưới đây là quan trọng nhất và nóng hổi nhất và được tôi đề xuất với phía Việt Nam ở những giai đoạn công tác khác nhau:

1. Hệ thống các công việc theo quy định đối với các tổ hợp tên lửa phòng không trong thời gian tiến hành tác chiến;

2. Tổ chức thực hiện công tác bảo trì theo quy định - theo định kỳ dài - đối với các vũ khí của tiểu đoàn tên lửa phòng không trong thời gian diễn ra chiến sự;

3. Những đặc điểm trong khâu tổ chức ban tần số của trung đoàn trong điều kiện diễn ra cuộc chiến vô tuyến điện tử; 

4. Phương pháp phát hiện và khắc phục những hỏng hóc trong các hệ thống và các cụm linh kiện của đài điều khiển tên lửa và trạm ra đa, trạm trinh sát và chỉ thị mục tiêu;

5. Phương pháp tiến hành công việc ráp nối các cấu kiện vũ khí của tiểu đoàn tên lửa phòng không sau mỗi lần thay đổi trận địa;

6. Những đặc điểm trong khâu vận hành đài điều khiển tên lửa và trạm ra đa của đài trinh sát và chỉ thị mục tiêu trong điều kiện có độ ẩm cao, nhiệt độ cao và cường độ tác chiến căng thẳng;

7. Những đặc điểm của nơi trú ẩn, trong khâu ngụy trang các tên lửa phòng không có điều khiển, việc bảo vệ các tên lửa ấy chống lại bức xạ mặt trời.

Những khuyến cáo này và những khuyến cáo khác đã được tôi báo cáo lại tại Liên Xô với ban lãnh đạo Binh chủng tên lửa phòng không của Liên Xô và báo cáo lại với các tổ chức nghiên cứu khoa học.

Để kết thúc tôi muốn nói rằng toàn thể đội ngũ kỹ sư - kỹ thuật viên, các sĩ quan chỉ huy của Trung đoàn tên lửa phòng không 260 thuộc Binh chủng phòng không Quân khu Mátxcơva đã hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao phó trong việc giúp đỡ nhân dân Việt Nam trên tinh thần quốc tế, đã tích luỹ được kinh nghiệm hết sức to lớn về vận hành và khai thác kỹ thuật tên lửa phòng không Liên Xô trong điều kiện tác chiến. Trong một thời gian hết sức ngắn và trong những điều kiện vô cùng khó khăn họ đã đào tạo thành công - từ con số 0 - trung đoàn tên lửa phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã huấn luyện cho đội ngũ chiến sĩ trung đoàn tên lửa Việt Nam nắm vững được các phương tiện kỹ thuật chiến đấu hiện đại của Liên Xô và sử dụng hữu hiệu kỹ thuật ấy để chống lại kẻ thù rất mạnh và được vũ trang tốt - không lực Hoa Kỳ. 

Tôi đã làm việc với vai trò kỹ sư trưởng của trung đoàn  và lữ đoàn trong hơn 12 năm và tôi có thể nói rằng ở những nơi nào mà chính bản thân vị chỉ huy của tiểu đoàn nắm vững và yêu quý các phương tiện kỹ thuật, chính bản  thân vị chỉ huy ấy đi sâu và hiểu rõ những vấn đề chuẩn  bị khí tài và các kỹ thuật viên cho chiến đấu, thì ở đó các tổ hợp tên lửa luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Ở đó trình độ kỹ thuật và trình độ chuyên môn của đội ngũ sĩ quan và binh sĩ cao hơn, và xét cho cùng thì ở đó thu được thành công và thắng lợi.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #106 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2009, 03:39:11 pm »

Tại những tiểu đoàn tên lửa như thế bản thân người chỉ huy và tất cả các khẩu đội tác chiến đều cảm thấy tự tin trong chiến đấu, vì họ biết chắc rằng vào giờ phút quyết định của trận đánh các khí tài của họ sẽ không làm hại họ. Đó là sự bảo đảm cho thành công trong những hành động kiên quyết và hy sinh quên mình trong những điều kiện phức tạp nhất của hoàn cảnh chiến đấu. Ví như đồng chí Ph. P. Ilinức: nguyên chỉ huy trưởng Tiểu đoàn 1 của trung đoàn chúng tôi, là người đã được nói đến ở phần trên, - thì đích thân đồng chí ấy nắm vững kỹ thuật, cá nhân đồng chí ấy thường xuyên tiến hành kiểm tra tình hình máy móc, giúp đỡ các kỹ thuật viên không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng việc làm. Còn có Thiếu tá X. T. Vôrôbiốp Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn 3 là tiểu đoàn đã bắn rơi 9 máy bay Mỹ, là người cũng như Ph. P. Ilinức, đã được tặng thưởng Huân chương Lênin và đã trải qua mọi nấc thang chức vụ, từ cương vị là kỹ thuật viên của hệ thống, trưởng thành đến chức chỉ huy tiểu đoàn tên lửa. Đồng chí ấy nắm vững kỹ thuật và đi sâu vào mọi chi tiết của tư thế sẵn sàng chiến đấu của tiểu đoàn.

Những viên chỉ huy ấy có trong tay những khẩu đội chiến đấu được đào tạo rất tốt và làm việc nhịp nhàng. Dưới sự lãnh đạo của những vị chỉ huy ấy đã có những chuyên gia trưởng thành và được tôi luyện, chẳng hạn như sĩ quan điều khiển tên lửa V. I. Sécbacốp, là người đã được tặng thưởng Huân chương Lênin, các trắc thủ bám sát mục tiêu bằng tay - Lôbôđa, Prôkhôrốp, Mennhisúc, các kỹ thuật viên cao cấp G. A. Ivanốp, N. E. Baculin, trưởng ban R. A. Cadacốp, chỉ huy trưởng khẩu đội bệ phóng V. P. Côraxép, là những người đã được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ, các kỹ sư V. E. Muraviép, G. M. Êphrêmốp, trạm trưởng trạm trinh sát và chỉ thị mực tiêu A. V. Guxép, họ đã được tặng thưởng các Huân chương Sao đỏ.

Đó là những đầu tàu thực sự trong công việc của mình. Bằng lao động ngoan cường, bằng sự cần mẫn và bằng lòng dũng cảm của mình họ đã đạt đến những đỉnh cao nhất của nghệ thuật chiến đấu. Tấm gương của họ với tinh thần quên mình phục vụ Tổ quốc, cũng như tấm gương của nhiều chiến sĩ khác, của hạ sĩ quan và các sĩ quan khác trong trung đoàn chúng tôi đã cổ vũ và sẽ cổ vũ những thế hệ chiến sĩ binh chủng phòng không đạt được những chiến công.

Công việc của các chuyên gia có trình độ cao là phải biết vận hành thành thạo và khai thác kỹ thuật tên lửa phòng không hiện đại và rất phức tạp, là duy trì kỹ thuật ấy luôn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, và trên cơ sở ấy thực hiện đầy đủ tất cả mọi khả năng chứa đựng trong kỹ thuật ấy. Cần hướng tới mục tiêu ấy, cần thường xuyên hoàn thiện các kiến thức và những kỹ năng của mình trong mọi hoàn cảnh.

Cuối cùng tôi muốn dẫn ra đây những lời cảm ơn các chuyên gia quân sự Liên Xô vào ngày chúng tôi lên đường trở về Tổ quốc. Đó là những câu nói của Thiếu tá Nguyễn Nùng (Hryeh Hyhr), sĩ quan chỉ huy Trung đoàn tên lửa phòng không 274 Quân đội nhân dân Việt Nam do chúng tôi đào tạo và huấn luyện: "Chúng tôi sẽ không bao giờ quên những nỗ lực của các đồng chí trong quá trình huấn luyện trung đoàn chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên những trận chiến đấu do chúng ta cùng nhau tiến hành, trong đó các chiến sĩ Xôviết và các chiến sĩ Việt Nam đã kề vai sát cánh chiến đấu. Chúng tôi học tập ở các đồng chí tinh thần ngoan cường trong công việc, lòng dũng cảm và táo bạo trong chiến đấu. Chúng ta đã mãi mãi trở thành những người bạn chiến đấu. Chúng tôi sẽ mãi mãi biết ơn nhân dân Liên Xô vì sự giúp đỡ mà các đồng chí đã dành cho chúng tôi".
Tháng 4- 2003

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #107 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2009, 05:39:23 pm »

THIẾU TƯỚNG
CANAÉP VLACHEXLÁP MIKHAILÔVÍCH

Giáo sư, Phó tiến sĩ khoa học quân sự.

Ông sinh ngày 5-7-1939 tại thành phố Giêledơnôđarôgiơnưi thuộc tỉnh Mátxcơva. Năm 1957 ông tốt nghiệp lớp 10 phổ thông và vào học tại trường Kỹ thuật vô tuyên điện Goócki của Binh chủng phòng không và đã tốt nghiệp trường này năm 1960. Tiếp sau đó, ông phục vụ trong quân ngũ tại Quân đoàn phòng không Lêningrát (Quân đoàn độc lập số 6): là kỹ thuật viên hệ thông, sĩ quan điều khiển tên lửa, phân đội trưởng..

Từ tháng 3 đến tháng 11-1966 ông tham gia chiến đấu tại Việt Nam với chức vụ sĩ quan điều khiển tên lửa - sĩ quan chỉ huy Đại đội 1 của Tiểu đoàn tên lửa số 1 thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không số 5 của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1973, ông tốt nghiệp Học viện sĩ quan Binh chủng phòng không mang tên Giucốp và được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Trung đoàn tên lửa phòng không thuộc Quân khu phòng không Mátxcơva. 

Từ năm 1974 đến năm 1981, ông chỉ huy trung đoàn tên lửa phòng không, sau đó là sĩ quan cấp cao trong Cục tác chiến của Quân khu phòng không Mátxcơva. 

Từ năm 1981 đến năm 1983, ông theo học tại Viện Hàn lâm quân sự của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô.

Từ năm 1983 đến năm 1988 ông là Cục phó Cục tác chiến Quân khu phòng không Mátxcơva. Từ năm 1988 đến nay ông là giảng viên Viện Hàn lâm quân sự của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga, giáo sư bộ môn không quân.

Ông đã được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ, Huân chương Vì sự phục vụ Tổ quốc trong các lực lượng vũ trang Liên Xô hạng III và được tặng thưởng 13 huy chương trong đó có Huy chương Hữu nghị do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao tặng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #108 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2009, 05:40:08 pm »

KHẨU ĐỘI CHIẾN ĐẤU CỦA CHÚNG TÔI

Tháng 12-1965, tôi được triệu tập đến gặp Trưởng phòng tổ chức của Lữ đoàn tên lửa phòng không để trao đổi. Trong 4 năm tôi đã phục vụ với chức vụ sĩ quan điều khiển tên lửa tại một trong số các tiểu đoàn của lữ đoàn này. Trong lúc trao đổi về triển vọng phục vụ trong quân ngũ, vị Trưởng phòng cán bộ đã đề xuất với tôi tham gia đợt thi tuyển người đi công tác nước ngoài, đến một nước có khí hậu nóng ẩm.

Sau này mới được biết, từ các đơn vị thuộc lữ đoàn này người ta đã thành lập một khẩu đội chiến đấu của tiểu đoàn, với quân số rất hạn chế. Vào tháng 1 và tháng 2-1966, với quân số như vậy, chúng tôi đã chuẩn bị cho chuyến công tác ấy, đã nghiên cứu những đặc điểm của các phương tiện kỹ thuật do Liên Xô cung cấp cho các nước khác. Vào tháng 3 chúng tôi được thông báo rằng chúng tôi được cử đến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để giúp đào tạo các khẩu đội cho các tiểu đoàn tên lửa phòng không của Việt Nam.

Đầu tháng 4 chúng tôi đáp máy bay đến Việt Nam và hạ cánh tại sân bay Gia Lâm. Chúng tôi lập tức được đưa đến Trung tâm huấn luyện trong rừng, cách Hà Nội không xa. Trung tâm huấn luyện này gồm những ngôi nhà nhỏ để ở được làm bằng tre nứa và được ngụy trang kỹ lưỡng: những khu hậu cần và các lớp học. Về sau, sau khi tiếp nhận các phương tiện kỹ thuật, thì đây cũng là nơi triển khai các bộ khí tài tên lửa phòng không để phục vụ việc nghiên cứu phần máy móc và huấn luyện thao tác chiến đấu Tại Trung tâm huấn luyện này người ta nghiêm cấm việc phát sóng. Vì vậy, công việc huấn luyện thao tác chiến đấu được tiến hành bằng phương pháp mô phỏng. Bất chấp những điều kiện khí hậu khác lạ - độ ẩm cao - và thời gian học trong ngày bị kéo dài, nhưng đội ngũ các giảng viên đã cố gắng hết sức mình để đào tạo cho được các khẩu đội tên lửa của Quân đội nhân dân Việt Nam. Giờ lên lớp diễn ra từ sáng đến chiều tối, có 2 giờ nghỉ giải lao vào buổi trưa nóng nực của khí hậu Việt Nam.

Phải biểu dương khả năng làm việc tuyệt diệu của các chiến sĩ, hạ sĩ quan và các sĩ quan trong khẩu đội Việt Nam. Mặc dù trình độ hiểu biết chung trong lĩnh vực kỹ thuật vô tuyến và kỹ thuật điện còn yếu, song bằng con đường tự học sau ngày học tập kéo dài, họ đã biết tự bồi dưỡng khá tốt cho khâu thực hiện thao tác chiến đấu và bảo trì khí tài với khối lượng công việc tương ứng với chức trách của mình. Tôi cho rằng trong việc đạt được những kết quả ấy có công của các đồng chí của tôi: N. Gôvôrukhin, V. Lupencốp, Iu. Bôn xốp, V. Gu lơ, V. Uốcban, G. Mixiucốp, Iu Cáctônôgiơcô và sĩ quan Việt Nam chỉ huy tiểu toàn tên lửa này là Thiếu tá Huấn (Xyah)

Một khối lượng lớn công việc đã trút lên vai những phiên dịch viên. Cho đến nay tôi vẫn nhớ đôi mắt chăm chú và hiền hậu của đồng chí phiên dịch tên Tuyên (Tyeh), là người mà tôi đã cùng làm việc tại Trung tâm huấn luyện và cả tại các trận địa chiến đấu. Đồng chí ấy là mắt xích chính trong việc giao tiếp giữa chúng tôi với các đồng chí Việt Nam. Bởi vì điều rất quan trọng là không đơn giản chỉ phiên dịch những gì huấn luyện viên giảng, mà còn phải tin chắc rằng học viên đã hiểu đúng mọi điều. Vấn đề này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đào tạo sĩ quan điều khiển tên lửa. Do vậy, người phiên dịch chỉ làm việc với tôi. Anh ấy có một ước mơ thầm kín là được sang nước Nga. Đáng tiếc, tôi không biết ước mơ đó đã tác thành sự thật hay chưa.

Sau thời gian được đào tạo và huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện, tiểu đoàn tên lửa được triển khai trên một trận địa được xây dựng từ trước về phương diện kỹ thuật. Trong giai đoạn thứ hai của quá trình đào tạo, nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi là huấn luyện các khẩu đội tiến hành thao tác chiến đấu có bắn đạn thật.

Trong giai đoạn này, thao tác chiến đấu do khẩu đội các huấn luyện viên Liên Xô đảm nhiệm, còn khẩu đội chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam thì có mặt ngay cạnh các "thầy giáo" của mình. Giai đoạn hai kéo dài một tháng rưỡi. 

Trong giai đoạn ba các trắc thủ của các khẩu đội Việt Nam thực hiện các thao tác chiến đấu dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #109 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2009, 05:40:55 pm »

Thời gian biểu trong ngày của chúng tôi căn cứ vào hoàn cảnh thực tế. Thức dậy khi trời còn tối. Đội ngũ tiểu đoàn và các huấn luyện viên tiến hành kiểm tra và hiệu chỉnh các thông số chiến đấu trước khi trời sáng - kiểm tra và hiệu chỉnh những thông số có ảnh hưởng lớn nhất đến độ chính xác của việc tác xạ. Khi trời hửng sáng - mà trời hửng sáng cũng nhanh như khi hoàng hôn ập tới - thì phải kiểm tra xong thông số cuối cùng: độ đồng bộ của các ăng-ten với các bệ phóng, và bộ khí tài phải trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Sau đó mọi người ăn sáng và trong khi chờ máy bay địch đến oanh tạc, chúng tôi vẫn tiếp tục huấn luyện cho các khẩu đội Việt Nam.

Ngay trước khi đơn vị ra trận địa chiến đấu thì sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn tên lửa của chúng tôi lâm bệnh nặng. Đồng chí ấy được cấp tốc chuyển về Liên Xô, và sĩ quan chỉ huy Đại đội 1 là Đại úy Alếchxanđrơ Páplôvích Glađưsép được bổ nhiệm làm chỉ huy tiểu đoàn. Anh là một sĩ quan trẻ 27 tuổi, có trình độ, ngay từ trước khi được điều sang Việt Nam công tác, đồng chí ấy đã được nhận phần thưởng của Chính phủ - Huân chương Sao đỏ vì đã thành công trong việc chinh phục kỹ thuật mới. Trong chiến đấu mới bộc lộ đầy đủ nhất những phẩm chất của đồng chí ấy.

Khả năng tính toán và trình độ hiểu biết giỏi của Đại úy Glađưsép đã được chứng minh qua trường hợp sau. Có một lần, vào ban đêm tiểu đoàn tên lửa bị đặt vào tình trạng báo động và đã phát hiện thấy mục tiêu đang tiến đến gần cơ sở được bảo vệ. Điều kiện xạ kích thật lý tưởng - độ cao tối đa (6 km), tốc độ không lớn, nhưng chính điều đó đã khiến cho đồng chí Alếchxanđrơ Páplôvích phải cảnh giác. Đồng chí đã không phát lệnh khai hoả. Sau vài giây mới vỡ nhẽ rằng đấy là chiếc máy bay bưu chính do Trung Quốc sản xuất. Nó không được trang bị hệ thống máy nhận dạng. Trực giác và kinh nghiệm của sĩ quan chỉ huy đã cứu đội bay và chiếc máy bay ấy khỏi bị tử vong.

Sau những tổn thất lớn, đặc biệt vào ngày 7-8-1966 - mà người Mỹ gọi là "Ngày chủ nhật đen tối" - bộ chỉ huy của Mỹ đã chấm dứt các cuộc oanh tạc nhằm vào các mục tiêu ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiểu đoàn tên lửa chúng tôi đã 8 lần phóng tên lửa và tiêu diệt được 6 máy bay địch với 15 quả tên lửa được phóng đi.



Trận đánh đầu tiên của chúng tôi là trận đánh rất tiêu biểu. Trận đánh ấy đáng chú ý, ít ra cũng bởi vì chúng tôi đã bắn rơi chiếc máy bay địch thứ 1300 mang ý nghĩa như một "mốc ghi nhớ". Quỹ đạo bay của nó, so với vị trí của trận địa tiểu đoàn chúng tôi, có thông số lớn, nghĩa là chiếc máy bay ấy ở cách khá xa và chỉ lọt vào tầm bắn trong một khoảng thời gian rất ngắn. Sau này, khi nghiên cứu bản đồ của tên phi công bị bắt làm tù binh mới rõ là máy bay của y phải oanh tạc vào tiểu đoàn tên lửa hàng xóm của chúng tôi lúc ấy đang tiến hành những công việc bảo trì theo quy định. Xuất phát từ các điều kiện xạ kích thì, ở cuối đường bay quả tên lửa được dẫn đường hầu như đuổi theo sau chiếc máy bay ấy. Cho nên khi nổ, quả tên lửa đã phá hủy phần đuôi của nó, vì thế rõ ràng đã làm thay đổi hướng di chuyển của máy bay. Chiếc máy bay ấy bị mất điều khiển, với phần đuôi bốc cháy, bắt đầu lao về hướng tiểu đoàn chúng tôi. Tên phi công đã nhảy dù cách không xa trận địa chúng tôi và bị bắt làm tù binh.

Thế là xảy ra một trường hợp tức cười. Sĩ quan chỉ huy khẩu đội bệ phóng, khi thấy cảnh tượng như vậy liền báo về sở chỉ huy tiểu đoàn

- Tên lửa đã bay ngược lại và đang lao về hướng chúng ta!

Trên một khoảng cách rất xa nên đồng chí ấy tưởng chiếc máy bay đang bốc cháy là quả tên lửa.

Vì chiếc máy bay bị bắn rơi ấy mang tính chất "mốc ghi nhớ", cho nên buổi tối hôm ấy ban lãnh đạo của tỉnh sở tại đã đến trận địa và tặng quà cho chúng tôi: một chiếc máy thu thanh, trái cây và một sọt dứa. Những vị khách mới tới cho biết dân chúng tỉnh họ lần đầu tiên, ở khoảng cách gần như vậy đã nhìn thấy các tên lửa Liên Xô bắn rơi máy bay Mỹ như thế nào. Điều đó củng cố niềm tin của mọi người vào thắng lợi của Việt Nam. Chúng tôi đã ăn những quả dứa, còn những tặng phẩm khác thì được trao lại cho khẩu đội Việt Nam.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM