Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:11:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khép lại quá khứ đau thương  (Đọc 41303 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 12:23:08 pm »


Còn bạn chúng tôi, đại úy Đuy-răng, chỉ huy phân đội tác chiến ở Quỳnh Nhai (Xứ Thái) nói thêm:

- “Sự thờ ơ của Bộ chỉ huy trong tất cả các lĩnh vực, được biểu hiện một cách hiển nhiên trong những cuộc hành quân tháng 11-1952 trên sông Đà.

Họ không hề phòng bị gì trước khiến tôi phải nhắc đi nhắc lại những yêu cầu. Đồn Tuần Giáo có nhiệm vụ đảm bảo an ninh một đoạn đường dài của tỉnh lộ 41 đã không nhận được vào thời điểm thích hợp những vật liệu cần thiết cho việc tổ chức một điểm tựa vững vàng. Chỉ khi đã quá muộn, vào lúc mà tình hình đã tuyệt vọng, những vật liệu đó cuối cùng mới được cung cấp...

Sự khinh suất của Bộ chỉ huy đã phạm vào một trọng tội khi quân đội Việt Nam đe dọa vượt qua sông Đà, người ta lại giao cho tôi bốn đại đội không thiện chiến mà tôi không hề được biết họ. Người ta giao cho tôi bảo vệ một mặt trận dài ba mươi ki-lô-mét: một nhiệm vụ khó mà thực hiện nổi. Điều đó không quan trọng mấy: chúng tôi đã bị hy sinh; chúng tôi là những tấm bia đỡ đạn!...”


Sự dối trá đã được nâng lên đến tình trạng bịa đặt. Về mặt này, lời tuyên bố của Cha Giăng-đen, tuyên úy đội quân dù, vài ngày sau khi bị bắt, chứng minh điều đó:

“… Hậu quả của tất cả những điều đó, chính là toàn thể quân đội viễn chinh sống trong sự dốt trá: người ta lừa dối nhân dân, người ta lừa dối binh lính, người ta lừa dối các cấp chỉ huy.

Ví dụ những bản thông cáo. Viên chỉ huy tiểu đoàn, trong bản báo cáo của mình, thổi phồng những sự thiệt hại của kẻ thù, tầm quan trọng của cuộc chiến đấu, điều đó chỉ có lợi cho ông ta. Viên đại tá sẽ không ngần ngại khuếch đại những con số. Viên tướng tư lệnh, để tạo sự lạc quan, cảm giác thắng lợi, lại từng thêm tầm quan trọng của thắng lợi, cố tình che giấu những thất bại. Nếu người ta cộng cái gọi là những thiệt hại của địch từ mười tám tháng nay, người ta có cảm tưởng rằng ở phía bên kia sẽ không còn một binh sĩ nào nữa.

Cũng là điều dối trá về viện binh chỉ có binh lính trên danh nghĩa. Những binh lính đó được huấn luyện chưa đầy sáu tháng, đôi khi ba tháng. Tôi đã trông thầy tân binh ra đi mà không biết bồng súng. Đó là một sự xấu hổ: người ta đưa những con người đó đến chỗ chết thực sự.

Cũng là điều dối trá đối với các trưởng đồn mà người ta hứa với họ viện binh không bao giờ đến. Người ta hứa với họ xi-măng để xây lô cốt nhưng họ phải tự xoay xở lấy để có xi-măng.

Cũng là điều dối trá đối với sự tàn sát, hãm hiếp, cướp bóc mà người ta không báo cho các viên chỉ huy và che giấu dưới dạng “thiệt hại chiến tranh”.

Dối trá đối với cả những sự biểu dương, những tấm huân chương, những bản báo cáo về thiệt hại. Tôi đã trông thấy một viên sĩ quan được biểu dương về một hành động mà ông ta không hề tham dự.

Cuối cùng là điều dối trá những lời hứa đối với binh lính Pháp mới tuyển mộ: “Nếu các anh sang Đông Dương, các anh sẽ phục vụ đúng thời hạn, và không hơn; các anh sẽ không bị điều đến một đơn vị chiến đấu, các anh sẽ ở lại các thành phố của hậu phương”.

Thử hỏi làm sao mà không lên tiếng, không phản đối trước sự lừa dối triền miên đó, trước sự dối trá trong đó tất cả Quân đội viên chinh Pháp ở Viễn Đông đang sống!...”

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 12:29:40 pm »


CHƯƠNG IX
TÙ BINH ĐIỆN BIÊN PHỦ SAU CƠN BÃO LỬA


                                   “Lòng biết ơn của thương binh và của chúng tôi đối với Quân đội Nhân dân
                                   ở Điện Biên Phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh thật là sâu nặng, chúng tôi sẽ
                                   không bao giờ quên điều đó”.
1

(Quan tư thầy thuốc Gơ-rô-uyn, phụ trách
Trung tâm thương binh Pháp ở Điện Biên Phủ.)


Tháng 12-1953, bước vào Chiến dịch Đông-Xuân 1953-1954, anh Trần Quang Cơ2 và tôi cùng ở trong Ban chỉ huy Trại tù binh Âu Phi tiền phương Mặt trận Điện Biên Phủ. Chúng tôi quen biết nhau từ 6-7 năm nay khi tôi về nhận công tác ở Phòng Địch Vận - Cục Chính trị, cùng chung sống tập thể trong một căn nhà lá ở căn cứ địa Việt Bắc. Chúng tôi đã gắn bó với nhau bởi nhiều kỷ niệm của thời kỳ đầu kháng chiến gian khổ. Thật là vui sướng lại có dịp được sống bên nhau và cùng sát cánh chiến đấu trong một chiến dịch lịch sử.

Ngay từ ngày đầu tiên rời khu ATK dưới chân núi Hồng lên đường đi chiến dịch, tôi đã phải chống gậy tập tễnh lết đi qua suối qua đèo. Một con dốc trơn như mỡ đã quật tôi ngã dúi dụi, cổ chân xái khớp, sưng vù. Tốc độ của đoàn rõ ràng sẽ bị chậm lại trong khi thời gian tập kết chung của các đơn vị tại mặt trận không thể chậm trễ. Anh Trần Quang Cơ, trưởng đoàn, nhìn vết thương tím bầm ở cổ chân tôi, tỏ vẻ lo lắng, nhưng vẫn tươi cười động viên tôi: “Không sao, chỉ vài ngày cậu sẽ hết đau, hết nhức và đâu sẽ vào đấy”.

Thế là một cái gậy tre được đưa cho tôi, và anh em trong đoàn thay nhau dìu tôi đi từng chặng. Đến nơi nghỉ, người đun nước nóng ngâm chân, người chăm sóc vết thương, băng bó cổ chân. Đó là một gánh nặng cho đoàn nhưng không một ai phàn nàn mà còn động viên tôi bằng những nụ cười, những lời bông đùa làm tôi khuây khoả nỗi phiền muộn.

Tình đồng đội của những người bạn chiến đấu đối với tôi thật là quý báu. Trong đời lính chúng tôi hồi đó, ai không có ước mơ thầm kín cháy bỏng được đi chiến dịch, mặt giáp mặt với quân thù. Và cũng thật là buồn khi phải ở lại hậu phương ngóng tin tiền tuyến. Cho đến hiện nay, hình ảnh trong sáng của đồng đội như các anh Nguyễn Văn Sạ, Lê Ngọc Thụ... cùng quê ở xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội, vẫn còn in đậm trong trí óc tôi. Rời Thái Nguyên, chúng tôi đã vượt một chặng đường dài hàng trăm ki-lô-mét bằng đôi chân dép lốp qua Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La, rồi Thuận Châu, Tuần Giáo đến ki-lô-mét 83 thì trú quân tại căn cứ tiền phương tạm thời của Tổng cục Chính trị.

Đường ra mặt trận cực kỳ gian khổ. Dòng người nườm nượp đổ ra tiền tuyến với một sức mạnh không gì ngăn cản nổi. Trước mắt chúng tôi là những đoàn dân công, thanh niên xung phong, xe đạp thồ ngày đêm không ngừng vận chuyển, tiếp tế lương thực, thực phẩm và cả đạn pháo cho tiền tuyến. Địch đánh phá ác liệt các tuyến đường vận tải của ta dài 400 - 500 ki-lô-mét từ các ngả miền xuôi, Trung Du, Tây Bắc, thả bom bươm bướm, bom tạ, bom nổ chậm, hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương. Đó là con đường 13 từ Yên Bái qua Nghĩa Lộ lên Sơn La, những tuyến đường từ Thanh Hóa nối với con đường đi qua Mộc Châu - Sơn La - Tuần Giáo, đường từ Hoà Bình - Suốt Rút - Sơn La, và cả đường từ Đồng Đăng - Thái Nguyên - Hòa Bình - Sơn La, cuối cùng là đường từ Tuần Giáo - Điện Biên Phủ dài 89 ki-lô-mét. Các chiến sĩ công binh, công nhân giao thông, bám trụ vô cùng anh dũng, bạt núi, làm đường, sửa đường, phá bom nổ chậm. Nhiều đoạn đường nhỏ hẹp, một bên là vách đá cheo leo, một bên là vực sâu hun hút mà người và xe cứ cuồn cuộn tiến về phía trước, bất chấp máy bay địch gầm rít trên đầu, cỏ gianh bên đường bốc cháy ngùn ngụt. Trời rét ngọt, mồ hôi của ai nấy vã ra như tắm. Xa xa con đèo Pha Đin uốn mình như một con trăn khổng lồ vắt qua những dãy núi cao trùng điệp, vừa cheo leo vừa trống trải - mục tiêu bắn phá, giội bom điên cuồng của địch. Luôn luôn ở kề bên lưỡi hái tử thần, ấy thế mà khói bom vừa tan, các chiến sĩ công binh lại dũng cảm lao vào trận địa tìm cách phá bom nổ chậm.

… Bước vào đợt tiến công thứ ba của quân ta vào Phân Khu Trung tâm Mường Thanh, Ban chỉ huy Trại tù binh Âu Phi tiền phương chúng tôi di chuyển đến cánh rừng sau dãy núi Him Lam, gần con đường 41 trông xuống thung lũng Mường Thanh. Chúng tôi hồi hộp theo dõi diễn biến những trận đánh cuối cùng của các dũng sĩ Điện Biên Phủ và hiểu rằng tiếng chuông báo tử của tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch ở Đông Dương sấp điểm.
_________________________________
1. “La reconnaissance des blessés et la nôtre envers l’Armée Populaire à Dien Bien Phu et, par conséquent, le Président Ho Chi Minh est grande, nous ne l’oublierons jamais”. Commandant médecin Grauwin, chef du service des blessés de guerre français de Dien Bien Phu.
2. Anh Trần Quang Cơ, ủy viên BCHTW Đảng CSVN khoá VI và khoá VII, hiện nay là Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 12:34:15 pm »


Cuối cùng, chiều 7-5 trên tất cả các trận địa của địch và ở khu Trung tâm Mường Thanh xuất hiện cờ trắng. Từ Bộ chỉ huy Mặt trận lặp tức phát ra mệnh lệnh: TỔNG CÔNG KÍCH TIÊU DIỆT TOÀN BỘ QUÂN ĐỊCH Ở ĐIỆN BIÊN PHỦ

17 giờ 30 phút: Tướng Đờ Cát và Ban tham mưu của ông ta đầu hàng.

24 giờ: Toàn bộ quân địch ở Phân Khu Nam Hồng Cúm gồm 2000 tên tháo chạy theo kế hoạch “Chim biển” (Albatros) về phía biên giới Việt Lào hạ vũ khí đầu hàng.

Trận quyết chiến chiến lược lớn nhất trong Chiến dịch Đông - Xuân 1953-1954 của quân đội nhân dân Việt Nam diễn ra 55 ngày đêm từ 13-3-1954 đến 7-5-1954 tại Mặt trận Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Tập đoàn cứ điểm lớn nhất Đông Dương của tướng 4 sao Hăng-ri Na-va, viên Tổng chỉ huy thứ bẩy Quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông, gồm 21 tiểu đoàn và 10 đại đội, 49 cứ điểm, đóng trên một khu vực dài 12 ki-lô-mét, rộng 6 ki-lô-mét trên cánh đồng Mường Thanh, có 2 sân bay lớn, với quân số 16.200 tên đã bị hoàn toàn tiêu diệt.

Theo Thông cáo của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 8-5-19541:
… Bị bắt tù binh và bị chết có:

- Toàn bộ cơ quan bộ chỉ huy ba phân khu Nam - Bắc và Trung tâm.

- Ba bộ chỉ huy của ba binh đoàn cơ động và tất cả các ban chỉ huy các tiểu đoàn bộ binh và binh chủng nói trên.

- Toàn bộ cơ quan Tổng chỉ huy của địch ở Điện Biên Phủ.

Sĩ quan cáo cấp có:

- Thiếu tướng Đơ Cát-tri, tư lệnh quân khu Tây Bắc, kiêm tư lệnh Điện Biên Phủ, bị bắt sống.

- 16 viên quan năm vừa bị bắt vừa bị giết, trong đó có:

     + Viên quan năm Tơ-răng-ca (Trancart), tư lệnh phó thứ nhất phụ trách công việc địa phương Tây Bắc.

     + Viên quan năm Gốt-sê (Gaucher), tư lệnh phó thứ hai kiêm tư lệnh phân khu miền Bắc và chỉ huy trưởng binh đoàn cơ động số 9.

     + Viên quan năm Lăng-gơ-le (Langlais), tư lệnh phó thứ ba kiêm chỉ huy trưởng binh đoàn cơ động quân nhảy dù số 2.

     + Viên quan năm Pi-rốt (Piroth), tư lệnh phó thứ tư kiêm chỉ huy trưởng pháo binh.

     + Viên quan năm An-li-ơ (Allieu), tư lệnh phân khu miền nam kiêm chỉ huy trưởng binh đoàn cơ động số 6.

     + Viên quan năm Guýt (Guth), tham mưu trưởng Điện Biên Phủ.

     + Viên quan năm Đu-cơ-ruých (Ducruix), thay cho Guýt tử trận.

     + Viên quan năm Gơ-ranh (Guerin), tư lệnh không quân Điện Biên Phủ.

     + Viên quan năm Vay-ăng (Vaillant), tư lệnh pháo binh thay An-li-ơ.

     + Viên quan năm Lơ-mơ-ni-ê (Lemeunier), tư lệnh phó phân khu Trung tâm.

     + Viên quan năm Xê-ganh Pác-ji (Séguin Parjies), tham mưu trưởng thay Đu-cơ-ruých, v.v...

Tổng số sĩ quan bị giết và bị bắt:

Từ quan một đến quan tư là 353 tên, tổng số hạ sĩ quan bị giết và bị bắt là 1.396 tên.

Cộng tất cả là 1.749 tên....
__________________________________
1. Theo “Điện Biên Phủ” (qua các bài báo viết tại mặt trận) - Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân Hà Nội-1960.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 12:37:24 pm »


Tin Điện Biên Phủ thất thủ truyền đi khắp thế giới gây bàng hoàng cho bọn thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, niềm vui mừng cho các dân tộc thuộc địa và bị áp bức trên toàn thế giới. Báo “Pa-ri Mát”, số ra ngày 8-5-1954 đưa tin về sự thảm bại của Quân đội viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ: “...Mặc quần áo tang den, nét mặt co rúm vì xúc động, ông La-ni-en nặng nề bước lên các bậc của diễn dàn. Tất cả các nghị sĩ đều đứng dậy trong sự im lặng nặng nề…

La-ni-en bắt đầu bằng cái giọng đứt quãng:

“Chính phủ... vừa được tin tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ... đã thất thủ... sau 20 giờ chiến đấu gay go liên tục”. La-ni-en nói chầm chậm. Trong không khí của hội trường rộng rãi âm vang, người ta nghe tiếng nói của La-ni-en như tiếng khóc nức nở của một thiếu phụ ở chốn xa xăm nào đó”
1.

Cũng vẫn báo “Pa- ri Mát” trong những ngày sau đó tiếp tục đưa tin:

“Một bầu trời xám ngắt màu chì, nặng trĩu mây dông đè lên thành phố Pa-ri. Đó là ngày thứ ba 11-5-1954. Tại quốc hội, trong hơn một tiếng đồng hồ, thủ tướnng La-ni-en thu mình trong chiếc ghề dành cho chính phủ, nín thinh nghe nghị sĩ Mít-tơ-răng dồn dập chất vấn về việc mất Điện Biên Phủ.

Cũng như bầu trời, phong vũ biểu chính trị chỉ hướng về bão tố. Tóm tắt sự bực tức hầu như là của toàn thể mọi người, nhà luật sư - nghị sĩ I-xoóc-ni lẩm bẩm: “Thủ tướng thì im tiếng, ngài bộ trưởng quốc phòng và các phụ tá cũng câm lặng, còn bộ ngoại giao thì vắng mặt. Chẳng còn thể thống một chính phủ nữa, đó là một người câm”
2

Pa-ri bàng hoàng.

Các công sở toàn nước Pháp treo cờ rủ (8-5-1954).

Chính phủ Pháp hoảng hốt đặt Pa-ri trong tình trạng thiết quân luật (9-5-1954)!

Trước sức tiến công như vũ bão của quân ta, hơn 10.000 tàn quân địch đã đầu hàng tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam cắm trên nóc hầm sở chỉ huy “E-péc-vi-ê” của tướng Đờ Cát-tri, trên đỉnh các cao điểm phía đông, tung bay phần phật trước gió giữa một vung trời xanh thẳm. Những lá cờ trắng của địch rũ xuống các giao thông hào như những cờ tang. Nắng vàng rực rỡ trải dài trên thung lũng Mường Thanh đã im tiếng súng.

Tôi đứng đó cùng các chiến sĩ Trại tù binh Âu Phi tiền phương trên một gò đất dưới chân dãy núi Him Lam tiếp nhận bọn tàn quân Pháp, Lê dương, Phi từ “Địa ngục Điện Biên Phủ” lếch thếch kéo ra hàng từng đoàn dài vô tận. Anh Trần Quang Cơ, phụ trách Trại tù binh sĩ quan tiền phương gồm tướng Đờ Cát-tri, toàn bộ ban tham mưu và các sĩ quan sừng sỏ khác đã chia tay tôi đi tiếp nhận chúng ở một địa điểm khác. Dưới sự điều khiển của loa phóng thanh, bọn tù binh Âu Phi từ trong các hầm ngầm cố thủ chui ra, trườn qua các giao thông hào, leo qua các ngọn đồi phía bắc theo lệnh các chiến sĩ đi áp giải.

Mặt trời đã lặn sau rặng núi phía tây mà đoàn tù binh vẫn ùn ùn kéo đến địa điểm tập kết tưởng như không bao giờ dứt. Một trận chiến đấu mới bắt đầu: nuôi hơn một vạn tù binh, chữa chạy và chăm sóc thương binh, bệnh binh, phân chia tù binh theo quốc tịch để quản lý... Đứng trên gò cao, tôi chụm hai bàn tay lên miệng hét to với những toán tù binh đang tụ tập mỗi lúc một đông dưới chân gò:

- Tập hợp, Âu bên phải, Phi bên trái.

Đoàn tù binh xúm xít dưới bãi cỏ rộng chuyển động theo mệnh lệnh của tôi. Tôi giơ tay vẫy hai tên tù binh khoẻ mạnh - một Âu, một Phi - đeo lon đội và cai.

- Các anh lên đây. Tôi cử các anh tạm thời chỉ huy bạn các anh theo mệnh lệnh của tôi. Rõ chứ?

Tên tù binh người Âu rập hai gót giầy đứng nghiêm:

- Xin tuân lệnh, thưa đại tá.

Thấy vậy, tên tù binh Ma-rốc liền quỳ xuống nắm lấy gấu quần tôi hôn, rồi ngửa mặt lên trời kêu to:

- Allah! Thưa tướng quân.

Chỉ trong giây lát tôi được những kẻ bại trận mới thoát khỏi “Địa ngục Điện Biên Phủ” phong cho hai quân hàm cùng một lúc: “Đại tá” và “Thiếu tướng” của tù binh. Tôi hiểu rõ niềm vui sướng tột độ của đám tàn quân sau cơn bão thép và lửa, nay còn được nhìn thấy màu xanh của trời, của núi rừng và con sông Nậm Rốm vẫn uốn khúc trôi bình thản dưới chân cầu Mường Thanh. Đó cũng là màu xanh hoà bình của quê hương đang vẫy gọi chúng.

Tôi tiếp tục ra những mệnh lệnh cần thiết:

- Hãy tập hợp theo từng kíp Âu riêng, Phi riêng. Mỗi kíp 50 người và tự chọn lấy trưởng kíp. Trưởng kíp chịu trách nhiệm về số người trong kíp để lĩnh khẩu phần cơm và thức ăn của kíp mình. Cứ 10 kíp theo bộ đội áp giải đến khu vực được chỉ định trong cánh rừng này để nghỉ đêm nay.
____________________________________
1, 2. “TIẾNG SẤM ĐIỆN BIÊN PHỦ” trang 297 - 298, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Hà Nội -1984.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 12:41:28 pm »


Trăng non thượng tuần đã lên cao chênh chếch trên vòm trời trong xanh, chiếu ánh sáng lung linh qua những cành lá. Tôi cùng một tổ bảo vệ cầm đèn pin đi kiểm tra khu rừng già nằm sát con đường 41. Tôi thầm cảm ơn ngành hậu cần đã tất bật phục vụ chu đáo, cung cấp đủ cho tù binh mỗi đứa một nắm cơm to và thịt trâu kho mặn. Trước khi ăn, chúng được phép xuống con suối ở bìa rừng lau người hoặc tắm rửa. Và giờ đây, mặc dù sương đêm lành lạnh, chúng ngủ ngon lành dưới những gốc cây cổ thụ, bên bụi cỏ dại, hoặc trên những đống lá khô. Có đứa gối đầu lên cả chiếc ba lô to sụ hoặc trùm người kín mít trong những mảnh vải dù xanh, đỏ, trắng đem theo; những tù binh bị thương hoặc đau ốm được bộ đội bảo vệ thu xếp cho ngủ trong các lán bỏ trống của các đơn vị đã rời đi nơi khác.

Dù sao trong cánh rừng này chúng cúng còn sung sướng gấp bội ở trong các hầm hào trên chiến trường Điện Biên Phủ. Chúng ta hãy nghe tướng Đờ Cát-tri điện về Hà Nội cho tướng Cô-nhi:

“-… Trời mưa làm ngập các hầm hào và làm sập các nơi trú ẩn, hoàn cảnh binh sĩ bị thương ngày càng trở nên thê thảm. Họ nằm chồng chất lên nhau trong các hố bùn và hoàn toàn không có một tý vệ sinh nào”. (E. Béc-gô)- “Binh nhì ở Điện Biên Phủ”1

Báo Pháp “Rạng đông”, số ra ngày 8-5-1954,2 đưa tin:

“Binh lính của chúng ta không có thời gian rửa ráy và ngủ. Họ chi vừa đủ thời gian bỏ súng xuống để ăn vội một miếng... Người ta cần đến họ ở mọi nơi và bất cứ lúc nào. Sự mệt mỏi về tinh thần trở nên kinh khủng”.

Chính sách khoan hồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng nhân đạo của Quân đội nhân dân Việt Nam biểu hiện sáng ngời ngay tại trận địa Điện Biên Phủ sau khi quân ta làm chủ chiến trường. Chúng ta đã cứu sống gần 1.000 thương binh nặng của địch ngoi ngóp trong các hàm hào đầy bùn lầy, nước đọng hôi thối, sức khỏe của chúng hoàn toàn suy sụp.

Trước thái độ nhân đạo của những người chiến thắng đối với tù binh và binh lính địch bị thương nặng, viên quan tư thầy thuốc Gơ-rô-uyn, được tham gia cứu chữa tù thương ở Điện Biên Phủ, đã bày tỏ lòng khâm phục và biết ơn sâu sắc chính sách khoan hồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân đội nhân dân Việt Nam: “Ngay từ những phút đầu tiên cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng, chúng tôi đã ghi nhận thái độ hết sức đúng đắn của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đối với binh lính nói chung, những thương binh và nhân viên y tế nói riêng. Họ đã không hề có bất cứ một sự thô bạo nào và một biểu hiện nào không đúng chỗ.

Chúng tôi đã yêu cầu các nhà chức trách Việt Nam cho phép để lại tại chỗ các thầy thuốc và y tá để tiếp tục chăm sóc các thương binh.

Sự cho phép đó đã được chấp nhận ngay phải sống ở Điện Biên Phủ và cứ điểm của nó mới hiểu hết những khó khăn vật chất ghê gớm mà chúng tôi đã phải vật lộn trong 16 ngày.

Chúng tôi tin chắc rằng những khó khăn đó xưa nay chưa hề có trong biên niên sử cuộc chiến tranh ở Việt Nam và ngay cả toàn thế giới.

Miêu tả sự trầm trọng của những vết thương, sự khốn cùng tột độ của thương binh chúng ta, sự tiếp tế quá ít ỏi, mưa, lụt lội, hầm sập, sẽ phải viết hàng trang, hàng trang giấy mà sự thê thảm sẽ đạt tới mức không thể nào tin được.

Khi quân đội Pháp bị bắt làm tù binh rời Điện Biên Phủ để chúng tôi ở lại không còn cách nào xoay xở và tràn ngập thương binh từ các nơi đổ về, ngay lập tức chúng tôi đã có thể trông cậy vào sự giúp đỡ độ lượng và có hiệu quả của Quân đội nhân dân.

Những thương binh được đưa ra khỏi những nơi trú ẩn sụp đổ và được tập hợp lại ở bốn địa điểm khác nhau được che chắn dưới rất nhiều tấm dù căng trên cọc tre.

Cả một tiểu đoàn Quân đội nhân dân đã làm công việc đó. Các bếp nấu ăn được tổ chức với những đầu bếp do Quân đội nhân dân cung cấp và lần đầu tiên từ nhiều tuần lễ nay, thương binh được ăn xúp nóng.

Chúng tôi cũng được giúp đỡ về thuốc men và dụng cụ băng bó.

Cuối cùng một nhóm y tế của Quân đội nhân dân đã đến giúp đỡ chúng tôi một cách vững vàng.

Lòng biết ơn của thương binh và của chúng tôi đối với Quân đội nhân dân ở Điện Biên Phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh thật là sâu nặng, chúng tôi sẽ không bao giờ quên điều đó.”
3
___________________________________
1, 2. Trích “Trận tuyến hậu cần Điện Biên Phủ”, Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1975.
3. Nguyên văn tiếng Pháp: Theo tư liệu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 12:44:36 pm »


Ngày 26-5-1954, sau khi các tù binh ở Điện Biên Phủ được Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam phóng thích và mang đi hết, Giáo sư Huy-a (Huard), trưởng đoàn đại biểu Bộ Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông dương tại Điện Biên Phủ, đã ký một biên bản trong đó ông ta “bày tỏ lòng kính trọng đối với chính sách khoan hồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cảm ơn nhân dân Quân đội nhân dân Việt Nam nhờ họ mà việc mang thương binh đi đã có thể diễn ra trong điều kiện tốt nhất và đặc biệt là nhân viên y tế về những sự chăm sóc dành cho các thương binh Quân đội viễn chinh Pháp từ khi thất thủ Điện Biên Phủ đến khi họ ra đi”.
 
Xuất phát từ chính sách khoan hồng, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã phóng thích ngay sau khi Điện Biên Phủ đầu hàng tám trăm năm mươi tám thương binh gồm 21 quốc tịch, 624 người Âu, 150 người Phi, 84 người Việt, trong đó có 11 sĩ quan, 183 hạ sĩ quan, 664 lính. Rất tiếc còn nhiều thương binh được cứu chữa tại mặt trận Điện Biên Phủ đã không được đoàn đại biểu Bộ Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp chấp nhận.

Chính sách nhân đạo của Quân đội và nhân dân Việt Nam là nhất quán nếu người ta nhớ lại lời phát biểu của viên quan năm thầy thuốc Tô-mát Đuy-rít sau thảm bại Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới năm 1950.

“Sau thảm bại Đông Khê, lính Pháp bị thương dọc đường trong cuộc di tản dài đã được nhân dân Việt Nam chăm sóc và hơn nữa, tôi đã được chứng kiến điều sau đây mà tôi sẽ không thể tin tý nào nếu không được tận mắt trông thấy: những thương binh quan trọng Pháp và Bắc Phi được phụ nữ Việt Nam khiêng cáng trên những đường núi hiểm trở”1.


*

Sau khi Bộ Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp tiếp nhận hơn 800 thương binh nặng nhất chuyển bằng máy bay về Hà Nội, tại mặt trận Điện Biên Phủ vẫn còn hàng trăm lính Pháp và Âu Phi cần được tiếp tục cứu chữa. Lập tức Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh thành lập một trại tù thương ở vùng Tuần Giáo nằm sát con đường 41, chia thành nhiều khoa điều trị các vết thương, các loại bệnh. Một đội ngũ cán bộ y tế có chuyên môn giỏi được rút từ các binh đoàn chủ lực điều động về trại tù thương cùng một số bác sĩ quân y Pháp bị bắt làm tù binh, khẩn trương bắt tay ngay vào việc chăm sóc, điều trị tù thương với một chế độ ăn uống hợp lý theo chỉ định của các bác sĩ điều trị. Tôi được cấp trên chỉ định ở lại Tuần Giáo phụ trách trại tù thương này từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1954, trong khi các đoàn tù binh Âu Phi khỏe mạnh lần lượt được chuyển về xuôi.

Nhờ sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, sự chi viện đắc lực của ngành hậu cần về thuốc men, tinh thần làm việc tận tụy của cán bộ, nhân viên ban quản trị và đội ngũ cán bộ y tế của ta, sức khoẻ của tù thương dần dần hồi phục.

Đêm nằm nghe mưa rơi lộp bộp trên những tàu lá cọ, tôi nhớ lại một chặng đường dài đã vượt qua bằng chính đôi chân của mình, một đôi chân học sinh chỉ biết cắp sách đến trường. Phép lạ nào đã chắp cho tôi đôi cánh đi vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và sức mạnh nào đã tiếp bước cho đôi chân tôi dẻo dai từ miền cực Đông Bắc Cao Bằng sát biên giới Việt - Trung, thoắt cái bây giờ lại có mặt ở mặt trận Điện Biên Phủ thuộc miền Tây Bắc sát biên giới Việt - Lào? Mà chẳng riêng tôi, hàng triệu triệu con người Việt Nam mang dòng máu của tổ tiên với truyền thống Bạch Đằng - Chi Lăng - Đống Đa, đã hăng hái lên đường ra trận.

Trong những ngày hào hùng này của dân tộc, chúng tôi theo dõi với mối quan tâm sâu sắc diễn biến của Hội nghị Giơ-ne-vơ đang họp bàn về việc lập lại hoà bình ở ba nước Đông Dương. Tin tức ít ỏi và chậm trễ. Cuối cùng âm mưu phá hoại Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 của đế quốc Mỹ, bọn thực dân hiếu chiến Pháp và các thế lực phản động quốc tế đã thất bại. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã góp phần to lớn đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng. Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 đã được ký kết lập lại hoà bình ở Đông Dương và công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và hai nước láng giềng Lào - Cam-pu-chia.

Cả trại tù thương ở vùng Tuần Giáo tràn ngập một sức sống mới. Những tiếng hoan hô của tù binh Âu Phi: “Hourrah: Hoà bình muôn năm!” vang vọng núi rừng. Nhưng giọt nước mắt vui sướng, những nụ cười không còn khô héo, những bài hát khi hoàng hôn buông xuống trong khu rừng già này không còn nghe ảm đạm, thê lương. Một niềm vui êm dịu dắt tôi vào một giấc mơ nhè nhẹ. Hình như có ai đó thì thầm bên tai tôi: “- Hãy thú nhận đi, không phải chỉ có tù binh mà chính anh cũng có khát vọng cháy bỏng Hoà bình. Bởi vì anh là chiến sĩ nhưng anh cũng chỉ là một con người.”

Tôi tỉnh hẳn, xoay người trên chiếc giường tre, nhìn qua cửa sổ lấp ló ánh trăng, nghe tiếng lá rừng rì rào trò chuyện với nhau. Suốt 2775 ngày kháng chiến gian nan, kháng chiến trường kỳ, cũng như phần lớn cán bộ và các chiến sĩ khác, tôi chỉ nhận được vẻn vẹn một lá thư của người anh ruột tôi2 do một người bạn học cùng trường Ngoại ngữ hoạt động ở nội thành Hà Nội chuyển giúp theo một đường dây liên lạc đặc biệt lên đến Cao Bằng, trao đến tận tay tôi trên “Hòn đảo Tình thương”. Một “Mùa thu kỳ diệu” đã đi qua với hương thơm thoang thoảng của hoa sữa bên hồ Ha-le năm nào đưa tôi vào một giấc ngủ say trong khu rừng già không tên trên bản đồ Tổ Quốc.
_____________________________________
1. “Après le désastre de Đông Khê, les français, égrénés le long des pistes durant le long exode, furent soignés par le peuple vietnamien, et qui plus est, il m’ a été permis de constater la chose suivante à laquelle je n’ aurais attaché aucune créancé si je ne l’avais vue de mes propres yeux: des blessés importants français et nord africains transportés sur des brancards par - dessus les rudes pistes de montagne par les femmes vietnamiennes Lieutenant “Colonel médecin THOMAS DURIS (1951)
2. Giáo sư bác sĩ Nguyễn Thường Xuân, chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Hà Nội. Hội viên Hội Phẫu thuật Thần kinh nói tiếng Pháp, hội viên Hội Hàn lâm Phẫu thuật Thần kinh Âu-Á.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 12:50:25 pm »


CHƯƠNG X
KHI MỘT CHƯƠNG CŨ KHÉP LẠI

                                 “… Khi người ta sống trong lòng dân chúng đó, khi người ta ẵm trong
                                 tay những trẻ em Việt Nam, khi người ta trông thấy những bà mẹ Việt Nam
                                 chia xẻ niềm vui của chúng tôi nhận được thư nhà, khi người ta nghe những
                                 người kháng chiến Việt Nam nhắc lại với chúng tôi tình hữu nghị của họ
                                 đối với nhân dân Pháp, người ta chỉ có thể rời đất nước đó, trái tim tràn ngập
                                 lòng biết ơn và chan chứa những kỷ niệm xúc động đủ bù đắp sự khổ cực
                                 của cảnh tù đầy dài đằng đẵng của chúng tôi.”


(Quan hai BƠ-CLE Giăng Giắc, tiểu đoàn Ta-bo 3,
Binh đoàn Sác-tông, Thư ký ỦY BAN HÒA BÌNH VÀ
HỒI HƯƠNG Trại số 1 - Tuyên Quang, ngày 13-8-1954)




I

TẠM BIỆT CÁC “SỨ GIẢ HÒA BÌNH”


Theo Hiệp định đình chiến ở Việt Nam ký kết ngày 21-7-1954 tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, hai bên ngừng bắn, tiến hành trao trả tù binh dưới sự giám sát của ủy ban kiểm soát quốc tế và ủy ban hỗn hợp hai bên.

Giữa tháng 8-1954 tôi nhận được lệnh chuyển trại tù thương Âu Phi ở vùng Tuần Giáo về Tuyên Quang, còn tôi trở lại Trại tù binh sĩ quan Pháp số 1 từ huyện Nà Hang đã chuyển đến một địa điểm thuộc huyện Chiêm Hóa cách thị xã Tuyên Quang khoảng 20 ki-lô-mét. Lần thứ ba tôi nhận chức vụ chỉ huy trưởng Trại số 1, nhưng lần này để chuẩn bị trao trả tù binh sĩ quan cho đối phương.

Trại số 1 bây giờ gồm khá nhiều tù binh sĩ quan và hạ sĩ quan mới, chủ yếu từ Mặt trận Điện Biên Phủ chuyển về. Theo Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, tất cả tù binh của hai bên được liệt kê danh sách trao cho đối phương trước khi tiếp nhận. Một số tù binh sĩ quan Trại số 1 đã được lần lượt phóng thích ở Việt Trì trước khi tôi trở về Trại số 1. Trong số đó có bốn viên quan hai Bơ-cle Giăng Giắc (Ta-bo 3), Mô-ranh Hăng-ri (REI 3), Sô-vê Ga-bơ-ri-en (BEP I) bị bắt trong Chiến dịch Biên giới 1950 và Giê-gô Rê-my (REI 3) bị bắt ở Liên khu 3. Trước đó, tháng 9-1953, kỷ niệm Quốc khánh 2-9 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 9 tù binh sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp Trại số 1 đã được phóng thích, trong số đó có hai viên quan ba Bơ-roong Mác (RTM 8 ), Sa-be Ma-ri-uýt (BT 3), hai viên quan ba thầy thuốc Pê-đu-xô Pi-e (BEP 1), Ăng-jan-be Max (Ta-bo 1), viên quan hai I-vơ đơ La-cơ-roa Vô-boa (BEP 1). Đến đầu năm 1954, Ủy Ban Hòa bình và Hồi hương Trại số 1 chỉ còn có bốn ủy viên Bơ-cle Giăng Giắc (Ta-bo 3), Phô-gát Ăng-đơ-rê (Ta-bo 1), Sô-vê Ga-bơ-ri-en (BEP 1) và Ri-sa Pi-e (BCL 8 ) do viên quan hai Bơ-cle làm thư ký Ủy ban.

Trưởng trại cũ đã đi nhận công tác mới. Một cán bộ mà tôi không quen biết thông báo với tôi: - “Sáng mai có một cuộc họp của Ban chỉ huy trại với các đại diện tù binh sĩ quan. Chúng sẽ trao cho ta một bản kiến nghị yêu cầu thực hiện một số điều khoản đối với tù binh theo tinh thần Hiệp định đình chiến ở Việt Nam.”1

Tôi hỏi:

- Những điều khoản gì? Cụ thể là những kiến nghị gì?

- Tôi không biết rõ. - Người cộng tác mới của tôi trong Ban chỉ huy trại trả lời. - Nghe đâu có đến hơn 10 điều kiến nghị, có thể hơn nữa. Rồi anh than thở:

- Tình hình khá phức tạp. Sáng mai anh sẽ rõ.

Tôi đặt tiếp câu hỏi:

- Tại sao Trưởng trại không ở lại giải quyết? Cấp trên có biết việc này không?

Im lặng. Trước khi rời phòng họp anh ta nói thêm:

- Vừa qua, ta phóng thích tù binh Âu Phi ở Việt Trì, có đoàn tù binh bất mãn điều gì đó đã vứt xuống sông những đồ dùng cá nhân cấp trên cấp phát cho chúng sau khi bàn giao cho đối phương...

Đêm hôm đó tôi trằn trọc suy nghĩ về những điều không vui xẩy ra ở Trại số 1 trước ngày trao trả tù binh. Tôi thông cảm với sự lo ngại của anh bạn mới về những điều xấu tương tự có thể xẩy ra trong một số tù binh sĩ quan Pháp trước ống kính máy ảnh và quay phim truyền hình của phóng viên phương Tây đến lấy tin tức và săn tin “giật gân” ở địa điểm trao trả tù binh.
___________________________________
1. Ngày 5-7-1954, Hội nghị quân sự Trung Giã bàn các nguyên tắc và thể thức trao đổi tù binh trước khi chấm dứt hoàn toàn chiến sự ở Bắc Bộ ngày 27-7-1954. Hai bên thỏa thuận ở các điều 1-2-3-4 sẽ trao trả tù binh cho nhau từng đợt liên tiếp, ưu tiên các tù binh ốm và bị thương nặng; cho tù binh được hưởng chế độ ăn uống, áo quần, nhà ở ngang với binh lính quân đội mỗi bên; không làm gì phương hại đến tinh thần từ binh, không sử dựng tù binh vào các hoạt động quân sự, không được truyền, lấy máu tù binh; hai bên có thể gửi thuốc men đến các trại tù binh và tạo những điều kiện cần thiết cho phép tù binh của mỗi bên, viết thư, nhận thư, quà và bưu kiện của gia đình vào thời gian ấn định.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 12:53:10 pm »


Sự thay thế liên tục Ban chỉ huy Trại số 1 trong hơn một năm qua có thể đã dẫn đến sự đánh giá khác nhau của cán bộ phụ trách đối với tù binh sĩ quan, từ đó đã áp dụng phương pháp đối xử khác nhau trong việc thực hiện chính sách khoan hồng. Mặt khác, trước sự chuyển biến đột ngột của tình hình mới, sự thuần nhất về chính trị - tư tưởng của Trại số 1 bị xáo trộn, không loại trừ có một số tù binh sĩ quan cũ bất mãn điều gì đó đã lôi kéo tù binh khác đấu tranh để gây khó khăn cho ta, làm tình hình trong trại không ổn định.

Sáng hôm sau khi các đại diện sĩ quan Pháp gồm khoảng 12 người do viên quan ba Phô-gát Ăng-đơ-rê, ủy viên Ban thư ký: “Ủy ban Hòa bình và Hồi hương”, làm trưởng đoàn, đã ngồi vào bàn với bản kiến nghị đặt trước mặt, tôi bước ra ngồi vào ghế chủ tọa cuộc họp. Sự xuất hiện đột ngột của tôi sau một thời gian dài vắng mặt đã làm cho viên quan ba Phô-gát Ăng-đơ-rê và một số tù binh sĩ quan cũ có mặt hoàn toàn bất ngờ. Tôi mở đầu cuộc họp:

- Tôi vui mừng trở lại Trại số 1 với chức vụ Trưởng trại. Tôi được thông báo các anh có một số kiến nghị trao cho Ban chỉ huy trại giải quyết hôm nay. Bây giờ tôi nghe các anh nói đây.

Tất cả các đại diện tù binh đổ dồn con mắt về phía người trưởng đoàn ngồi im lặng, vẻ mặt bối rối. Một phút, rồi hai phút trôi qua. Nào có gì ngăn cản viên quan ba Phô-gát Ăng-đơ-rê, trưởng đoàn, đứng dậy trao cho tôi bản kiến nghị đã được chuẩn bị sẵn, yêu cầu Ban chỉ huy trại thực hiện các điều khoản đã được quy định giữa hai bên theo Hiệp định Giơ-ne-vơ về trao trả tù binh? Nào, mời viên quan ba Phô-gát Ăng-đơ-rê cũng như các thành viên Ủy ban Hòa bình và Hồi hương, và các trưởng kíp cứ nói. Không còn gì nguy hiểm đối với các anh đâu, danh sách tất cả các tù binh sĩ quan và hạ sĩ quan Trại số 1 đã được chúng tôi trao cho phía đối phương rồi, tôi nghĩ thầm.

Tôi lên tiếng lần thứ hai:

- Nào, các anh có những đòi hỏi gì theo các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ, xin cứ nói. Tôi sẵn sàng giải quyết những kiến nghị chính đáng của các anh thay người trưởng trại cũ.

Bỗng viên quan ba Phô-gát ghé vào tai người ngồi bên cạnh thì thầm điều gì đó và tôi thấy bạn anh ta gật đầu. Một phút nữa trôi qua. Không khí trong phòng họp như nén xuống trong sự im lặng nặng nề kéo dài.

Đến lượt tôi ghé vào tai người cộng sự mới trong Ban chỉ huy trại nói nhỏ. Anh ta đứng dậy, rời phòng họp. Một lát sau, các nhân viên phục vụ mang cà phê, trái cây, thuốc lá bày trên bàn họp. Tôi tuyên bố:

- Cuộc họp hôm nay hoàn toàn là một điều bất ngờ đối với tôi sau một thời gian dài vắng mặt. Bây giờ, trước hết, để mừng ngày tôi trở lại. Trại số 1 tiễn các anh trở về xum họp với gia đình, chúng ta cùng nói chuyện. Các anh đồng ý chứ?

Viên quan ba Phô-gát gật đầu, nét mặt giãn nở, và chủ động mời các bạn uống cà phê, hút thuốc lá. Không khí phòng họp dần dần trở nên sống động khi tôi kể chuyện về Mặt trận Điện Biên Phủ, ở đó tôi đã được hai tên tù binh Pháp và Ma-rốc cùng một lúc phong hàm “đại tá” và “thiếu tướng” cai quản tù binh. Những tiếng cười rộ nổi lên trong căn phòng xua tan bầu không khí gượng gạo lúc ban đầu. Tôi hỏi:

- Bác sĩ Gin-đrây Giác có ở đây không? Tôi đã làm việc với ông ta và Bác sĩ Pơ-rê-mi-li-ơ ở trại tù thương Tuần Giáo trong một thời gian dài. Đó là những thầy thuốc có tài năng và lương tâm nghề nghiệp mà tôi cảm phục. Nhiều tù binh đã được cứu sống với sự chăm sóc tận tình của họ và cán bộ y tế Việt nam.

Trong câu chuyện vui của người đi xa lâu ngày trở về chốn cũ, tôi định hỏi thăm về “ông già La-bi-nhét” mắc “bệnh ngủ đông” nhưng vẫn ăn đủ ngày hai bữa và ký tên mình bên dưới các tuyên bố, tuyên ngôn, lời kêu gọi, thư ngỏ... đòi “Hòa bình ở Việt Nam” nhưng tôi kịp ghìm lại. Ở Mặt trận Điện Biên Phủ, trong khi chờ đợi giờ phút Tổng tiến công của đại quân ta vào tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của đối phương trong cuộc chiến tranh Đông Dương, tôi luôn luôn nhớ về Trại số 1 với nhiều kỷ niệm khó quên, trong đó có “ông già La-bi-nhét”. Thật là vui nhộn trong đời tù, viên quan ba Ê-rích La-bi-nhét, tiểu đoàn phó tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn bộ binh Lê dương số 3, cầm quân nắm sinh mạng cả tiểu đoàn thay viên quan tư Pho-gét (Forget) bị tử thương trên điểm cao 477 tại dãy núi Cốc Xá, đột ngột mắc “bệnh ngủ đông” chỉ sau đó không lâu trong “Trại giam Việt Minh”. Chắc hẳn Hiệp định đình chiến ở Việt Nam bây giờ đã làm cho “ông già La-bi-nhét” khỏi bệnh...

Các tách cà phê trên bàn lần lượt được uống cạn, các đĩa trái cây đã vơi, tôi tuyên bố:

- Bây giờ nếu các anh không có điều gì cần nói thì cuộc họp kết thúc. Tôi gửi lời thăm sức khỏe đến các thành viên cũ và mới của Trại số 1.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 12:54:42 pm »


Ngay sáng hôm đó, tôi đi một vòng quanh trại kiểm tra nơi ăn chốn ở và xem xét sức khỏe của tù binh ở trạm dừng chân tạm thời trước khi chuyển đến trại tập kết ở thị xã Tuyên Quang. Các tù binh sĩ quan cũ ở Cao Bằng và Tây Bắc, Đồng bằng và Trung du đều biểu lộ niềm vui chân thành khi gặp lại người phụ trách cũ trước những con mắt dò hỏi của tù binh mới. Có gì đâu, họ đã sống những năm tháng dù sao cũng không uổng phí và đã khám phá ở bên này chiến lũy nhiều điều mới mẻ, bổ ích trong đời sống và cuộc chiến đấu của một Quân Đội, một Nhân Dân, một Dân Tộc kiên cường, bất khuất nhưng xiết bao độ lượng và nhân ái đối với “Kẻ thù hôm qua”!

Tôi thành thật vui mừng khi gặp lại những tù binh trốn trại năm nào, nay vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, sắp được trở về thật sự an toàn với tự do. Ồ, viên quan ba dù Phê-lích Đơ-vô, trưởng kíp cũ số 5, vốn ưa thích cái Đẹp của nghệ thuật, luôn luôn lạc quan yêu đời. Đây rồi viên quan ba lính dõng Pi-e Mô-ri-se, “người nội trợ” đảm đang của Trại số 1 trên đất Trùng Khánh Phủ - Cao Bằng, vừa đạo mạo với cặp kính trắng vừa thân ái với cả mọi người. Đằng xa kia, đúng là viên quan hai Guy Lơ-fê-buya, người “thủ thư” cần mẫn một thời của Trại số 1, dáng điệu lịch sự, duyên dáng, nổi tiếng là một nghệ sĩ nhảy “van-xơ” đẹp nhất của Trại số 1. Đưa mắt dõi tìm mà không thấy bóng dáng viên quan hai dù Lu-i Xchiêng, người “thủy thủ can trường” đã từng thử sức với con sông Gâm hung dữ dạo nào... Xin chào, xin chào...

Thị xã Tuyên Quang đã để lại cho tù binh sĩ quan Pháp cũng như binh lính Âu Phi nhiều ấn tượng tốt đẹp trước khi rời đất nước Việt Nam tự do. Nhân dân địa phương đã cùng với các đơn vị quân đội tập trung sức xây dựng trong thời gian kỷ lục bốn ngày một khu trại tập kết tù binh rộng rãi, khang trang, đủ chỗ ăn ở, nghỉ ngơi, giải trí cho hàng ngàn con người. Tù binh đi lại tự do; tiếng cười, tiếng nói vang vang từ khu vực này đến khu vực khác. Các đoàn đại biểu nhân dân địa phương mang những gói quà nặng đến tặng con em Nhân dân Pháp và nhân dân các dân tộc anh em. Tiếng hát trong trẻo của nhi đồng hòa lẫn tiếng trống ếch bay cao, bay xa trong khung cảnh của một ngày hội mừng Chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ, mừng Hòa bình đã được lập lại trên Tổ quốc đau thương còn mang nặng trên từng dải đất, dòng sông, đồng ruộng, xóm làng, thị trấn... những vết tích của chiến tranh tàn phá. Các em đứng đó, trên sân khấu rực sáng ánh đèn điện đêm nay, hát cho tù binh nghe những điệu hát đồng quê tràn đầy sức quật khởi của dân tộc ta. Các em nào có biết đâu cách đây 7-8 năm khi các em mới lọt lòng hoặc chưa chào đời, dòng sông Lô quê hương các em dậy sóng trong bom đạn của chiến tranh, hai bên bờ sông thấm đẫm máu đào của những người anh, người chị du kích quân, của các chú bộ đội “RA ĐI KHÔNG HẸN NGÀY VỀ”.

Việt Trì rực rỡ cờ đỏ sao vàng chào mừng kỷ niệm Ngày Độc Lập 2-9, đầu tiên trong khung cảnh hòa bình. Buổi lễ được tổ chức trọng thể, trang nghiêm với sự tham gia đông đủ của chính quyền địa phương, các đoàn thể quần chúng và các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên lễ đài đặt bàn thờ Tổ quốc với ảnh chân dung Hồ Chủ tịch, đỉnh trầm tỏa hương thơm ngát. Trong số những người tham dự cuộc mít tinh hôm nay có những “khách đặc biệt” gồm hàng trăm tù binh sĩ quan Pháp sẽ dược trao trả cho Bộ Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương sáng mai 3-9-1954. Sự có mặt của họ trong ngày lễ Độc Lập “2-9” ghi đậm dấu ấn của những chặng đường thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược.

Thay mặt toàn thể các tù binh sĩ quan Pháp có mặt, viên quan năm Mác-xen Lơ-pa-giơ đọc lời chào mừng ngày Quốc khánh 2-9 của nhân dân Việt Nam:

“Với tư cách là người lớn tuổi nhất của các tù binh sẽ được phóng thích ngày hôm nay, tôi xin cảm ơn Bộ chỉ huy Việt Nam đã cho phép chúng tôi được dự lễ kỷ niệm ngày 2-9 này. Ngày 2-9, sau bao nhiêu ngày 2-9 của niềm hy vọng, là ngày 2-9 đầu tiên của hiện thực, ngày 2-9 của Hòa bình. Ngày 2-9 đối với nhân dân Việt Nam cũng giống như ngày 14-7 đối với chúng tôi, là một ngày hội lớn. Nhiều lần, cán bộ và nhân dân Việt Nam đã cùng chúng tôi kỷ niệm ngày 14-7 và tôi sung sướng được dự lễ kỷ niệm ngày 2-9 hôm nay, không phải với tư cách là tù binh mà với tư cách là khách mời. Còn hơn thế nữa, hôm nay lại là ngày trọng đại đối với chúng tôi, ngày chúng tôi được phóng thích.

Mặc dù phải chịu đựng những sự rùng rợn của một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, chúng tôi vẫn có thể thấy rõ lòng thương yêu và tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam đối với chúng tôi. Chúng tôi đã trông thấy nhân dân Việt Nam làm việc cả ngày lẫn đêm để xây dựng cho chúng tôi các trại trong vài ngày, chúng tôi đã trông thấy họ cáng các thương binh của chúng tôi, và từ đáy lòng chúng tôi xin cảm ơn họ. Tôi hy vọng rằng cả bây giờ nữa mối tình hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta sẽ còn tốt đẹp hơn. Bây giờ tất cả chúng tôi đều cảm thấy từ trong sâu thẳm của trái tim mình rằng hai dân tộc chúng ta được sinh ra là để hòa thuận với nhau. Tôi tin tưởng rằng sẽ không có những sứ giả hòa bình nào tốt hơn là số đông tù binh được phóng thích. Tôi xin chấm dứt bằng cách hô to:

TÌNH HỮU NGHỊ PHÁP- VIỆT MUÔN NĂM!

HÒA BÌNH THẾ GIỚI MUÔN NĂM!

Trong tấm lòng biết ơn nhân dân Việt Nam, tôi sẽ không thể nào quên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính sách khoan hồng của Người đối với chúng tôi được biểu hiện mỗi ngày một nhiều hơn. Và sự phóng thích các sĩ quan Pháp sẽ được trao trả ngày hôm nay là một bằng chứng cuối cùng của chính sách khoan hồng của Người. Và tôi tin sẽ là người đại diện cho tất cả các bạn tôi khi kính chào Người.

NGÀY 2-9, NGÀY CHIẾN THẮNG CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM MUÔN NĂM!

HÒA BÌNH THẾ GIỚI MUÔN NĂM!

TÌNH HỮU NGHỊ GIỮA CÁC DÂN TỘC MUÔN NĂM!

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH MUÔN NĂM!1
____________________________________
1. Nguyên văn tiếng Pháp: Theo tư liệu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 09:02:52 pm »


Trong những ngày này, cũng như đồng đội của tôi, mỗi người làm việc gấp ba, bốn ngày thường, cả ngày lẫn đêm, mà vẫn không hết việc. Việc nào cũng cần thiết, không thể gác lại đến hôm sau, nhằm bảo đảm việc trao trả tù binh cho đối phương đúng hạn và hoàn hảo. Một trong những công việc cấp bách là hoàn trả tù binh những đồ dùng cá nhân như đồng hồ, bút máy... ta đã tạm giữ, nay đã hỏng hoặc thất lạc. Ngồi trong ca-bin chiếc xe tải đi đầu đưa đoàn tù binh sĩ quan Pháp từ thị xã Tuyên Quang đến Việt Trì, chân tôi đạp lên chiếc bao tải căng phồng giấy bạc Đông Dương. Người thủ quỹ đã giao cho tôi chiếc bao tải đó khi ô tô rồ máy sắp chạy. Anh ta vừa thở vừa dặn tôi: - “Một triệu bạc Đông Dương đó. Anh ký giấy biên nhận cho tôi”. Lập tức tôi ngoáy tên tôi bên dưới tờ giấy trắng hình chữ nhật, không kịp đọc nội dung viết gì. Chỉ một chữ ký thôi, tôi đã trở thành “triệu phú”. Dưới chân tôi là một “đống vàng mười”, có lẽ trị giá đến 300-400 cây vàng lá “KIM THÀNH”. Là một học sinh nghèo, chưa bao giờ tôi dám ước mơ có được một chỉ vàng! Bỗng tâm chí tôi vụt liên tưởng đến những vụ bê bối “Buôn bạc Đông Dương” với những hàng tít lớn chạy dài trên báo L’HUMANITÉ (Nhân Đạo) của Đảng cộng sản Pháp số ra ngày 11-9-1953, có liên quan đến nhiều vị tai to mặt lớn trên chính trường Pháp, làm xôn xao dư luận một thời trong khi con em nhân dân Pháp tiếp tục đổ máu trên chiến trường Đông Dương.

Ngay sau cuộc mít-tinh mừng Quốc khánh 2-9, tôi triệu tập viên quan ba Phô-gát Ăng-đơ-rê đến gặp tôi và nói:

- Chủ trương của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam là hoàn trả tù binh những đồ dùng cá nhân tạm giữ sau khi giải về trại. Nay những vật thu giữ đó, cái thì hư hỏng, cái bị thất lạc. Do đó chúng tôi đền bù bằng tiền Đông Dương mà các anh có thể sử dụng ở Hà Nội hoặc Sài Gòn trước khi về nước.

Viên quan ba Phô-gát Ăng-đơ-rê đứng im lặng, nghe tôi nói tiếp:

- Đây là công việc cuối cùng tôi ủy thác cho anh. Việc làm này khá phức tạp, đòi hỏi sự khách quan và vô tư, nhưng đồng thời cũng phải đạt mục đích đã đề ra. Thời gian còn lại rất ít. Anh hãy thành lập một “Ủy ban đền bù” do anh làm chủ tịch. Ủy ban có trách nhiệm làm một bản kê khai đầy đủ những đồ vật tạm giữ của từng cá nhân, số tiền đền bù, kèm theo chữ ký của người nhận tiền. Anh sẽ giao lại cho tôi bản kê khai đó vào trước 5 giờ sáng ngày mai. Tôi sẽ dặn lính bảo vệ cho phép anh vào thẳng gặp tôi sau khi xong việc.

Viên quan ba Phô-gát vẫn đứng nghiêm, trả lời tôi:

- Tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Tôi chỉ vào chiếc báo tải đặt dưới gầm giường trong phòng riêng của tôi.

- Đây là một triệu bạc Đông Dương, anh hãy mang đi...

Khi viên quan ba Phô-gát ra đến cửa, tôi nói thêm:

- Nhân viên phục vụ sẽ mang đến cho các anh cà-phê đêm nay.

Trong khi tôi thiếp đi trong cơn ngủ chập chờn trên bàn làm việc, một bàn tay khẽ đập lên vai tôi. Bỗng tôi nghe hình như có tiếng gọi:

- Thưa ông trưởng trại, thưa ông trưởng trại…

Rồi có tiếng ai đó nói to hơn bên tai tôi:

- Trời sắp sáng rồi, thưa ông trưởng trại ...

Tôi bừng tỉnh giấc, hai con mắt cay xè và nhanh chóng hiểu ra ai đã đánh thức tôi. Lúc này kim đồng hồ đeo tay của tôi chỉ 4 giờ 50 phút ngày 3-9-1954, ngày trao trả tù binh sĩ quan Pháp Trại số 1 cho Bộ Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

Viên quan ba Phô-gát đứng trước bàn làm việc của tôi từ bao giờ, vẻ mặt tươi tỉnh, dưới chân anh ta là chiếc bao tải trống rỗng. Tôi đưa mắt hỏi và nghe tiếng trả lời rành rọt:

- Thưa ông trưởng trại, nhiệm vụ của tôi và các bạn trong “ỦY BAN ĐỀN BÙ ĐỒ VẬT CÁ NHÂN CỦA TÙ BINH SĨ QUAN PHÁP TRẠI SỐ 1” đã hoàn thành. Tôi xin gửi ông bản kê khai của toàn thể các sĩ quan và hạ sĩ quan Trại số 1 ghi rõ số tiền đền bù kèm theo chữ ký của người nhận tiền.

Tôi vội hỏi viên quan ba Phô-gát:

Có gì vướng mắc không? Số tiền một triệu bạc Đông Dương có đủ đền bù cho mỗi người không?

Vẫn đứng nghiêm tại chỗ, viên quan ba Phô-gát lễ phép trả lời:

- Thưa ông trưởng trại, mọi việc đều tốt đẹp. Cũng không tránh khỏi có một số người - họ là những tù binh mới - kê khai hơi quá đáng. Nhưng theo chỉ thị của ông, “ỦY BAN ĐỀN BÙ” chúng tôi đã chấp nhận...

Rồi như sực nhớ ra điều gì, viên quan ba Phô-gát đưa tay lên túi áo ngực rút ra một tập giấy bạc Đông Dương đặt lên bàn cùng một cuốn sổ tay bìa xanh vẫn cầm trong tay:

- Thưa ông trưởng trại, số tiền một triệu đồng của Nhà băng Đông Dương sau khi đền bù, còn thừa một nghìn tám trăm bẩy mươi đồng. Tôi xin nộp lại ông.

Còn cuốn sổ tay này ghi cảm tưởng của một số bạn tôi và tôi trước lúc rời nước Việt Nam tự do. Bây giờ xin phép ông tôi về chuẩn bị lên đường.

Giữa lúc đó tiếng kẻng nổi lên lanh lảnh, giục giã tù binh chuẩn bị sẵn sàng hành trang và đi ăn sáng. Tôi xiết chặt bàn tay viên quan ba Phô-gát và nói:

- Từ giờ phút này các anh là bạn của nhân dân Việt Nam chúng tôi. Tôi sẽ đưa tiễn các anh ra tận bến tầu...

Trong ánh sáng bình minh rạng rỡ trên bến sông Hồng đục ngầu phù sa sau một trận lụt, bên khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng rực rỡ “HÒA BÌNH VÀ TÌNH HỮU NGHỊ GIỮA CÁC DÂN TỘC MUÔN NĂM”, tôi đã lần lượt ôm hôn và xiết chặt bàn tay những người con của nhân dân Pháp mà chính phủ ta trả về trong vòng tay của những người vợ, những bà mẹ Pháp đang mòn mỏi chờ mong. Những chiếc xà lan từ từ rời bến đưa họ lên tầu xuôi dòng sông Hồng về Hà Nội1.

Những cái vẫy tay của các sứ giả của Hòa bình, của tình Hữu nghị giữa hai dân tộc Pháp và Việt Nam chào “tạm biệt” cán bộ và chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam mờ dần trong ánh nắng vàng rực rỡ của mặt trời đã lên cao mùa thu năm ấy - một mùa thu không thể nào quên..
_______________________________________
1. Theo Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản Thủ đô Hà Nội ngày 10-10-1954.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM