Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:28:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khép lại quá khứ đau thương  (Đọc 41309 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2009, 09:46:10 pm »

*

NHỮNG ĐIỀU CẦN PHẢI NÓI VỀ CUỘC CHIẾN TRANH ĐÔNG DƯƠNG

Từ trong rừng sâu Bắc Kỳ, các tù binh sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp Trại số 1 đã đáp lại lời khẳng định của viên quan hai đơ Vin-nơ-vơ với phóng viên tờ báo Pháp Le Monde (Thế giới) trước dư luận nhân dân Pháp và thế giới về những điều cần phải nói về cuộc chiến tranh Đông Dương.

Chúng ta hãy nghe Lời mở đầu “TIẾNG NÓI TÙ BINH”:

Cao Bằng - Đông Khê - Lạng Sơn, con đường số 4.

Hòa Bình: Con đường số 6.

Nghĩa Lộ: Xứ Thái.

Tiếng chuông báo tử đã điểm đối với Quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông. Những tai họa nối tiếp những cuộc bại trận. Bộ chỉ huy Pháp đã đến bước đường cùng.

Chúng tôi những tù binh, sĩ quan và hạ sĩ quan cũ của những đội quân bị ném một cách mù quáng vào những cuộc chiến đấu vô vọng, chúng tôi xin nói với các bạn về những gì chúng tôi đã trông thấy ở Việt Nam:

- Về những trận đánh tuyệt vọng mà tất cả đều chống lại chúng tôi: thiên nhiên, khí hậu, vận may.

- Về những cuộc chiến đấu của những đội quân quyết tử, về những hi sinh mà tất cả chúng tôi đều cảm thấy đã bị những người chỉ huy bất lực và vô tâm một cách hoan hỉ bỏ rơi.

- Về quân đội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chiến thắng chúng tôi.

- Về cuộc kháng chiến mà sự tuyên truyền đã xuyên tạc với chúng tôi bộ mặt thật của nó.

- Về nhân dân Việt Nam tự do đang dung nạp và cưu mang chúng tôi.

- Về số phận của chúng tôi là những tù binh.

- Về sự biến chuyển và quyết tâm tranh đấu của chúng tôi.

Nếu những trang sách này đôi khi nhuốm máu và nước mắt thì chúng cũng ghi lại chủ nghĩa anh hùng, sự khoan dung và tấm lòng cao thượng.

Chúng tôi đã hiểu:

- Hiểu rằng người ta đã lừa dối chúng tôi về những động cơ và tính chất thực sự của cuộc chiến tranh bẩn thỉu này.

- Hiểu rằng chúng tôi đã chiến đấu cho lợi ích của Hoa Kỳ và một vài kẻ trục lợi chứ không phải cho sự cao cả của đất nước chúng tôi.

- Hiểu rằng kẻ thù không phải là đối phương hôm qua của chúng tôi, chính sách khoan hồng của họ đối với chúng tôi đã làm chúng tôi xiết bao cảm động, mà là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã xô đẩy chúng tôi vào cuộc chiến đấu.

Bởi thế, bằng tất cả sức lực của mình, chúng tôi đấu tranh với mọi phương tiện mà chúng tôi có, để làm cho cuộc chiến tranh bỉ ổi này ở Việt Nam chấm dứt và một nền hòa bình thế giới được kiến lập.

Chúng tôi cho rằng bổn phận của chúng tôi, những người con của nhân dân Pháp là soi sáng dư luận, cảnh cáo các bạn chúng tôi trong Quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông.

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ hành động của những tù binh đã được phóng thích đang truyền bá sự thật xung quanh họ.

Và từ trong rừng sâu Bắc Kỳ, ở bên kia Đại dương, chúng tôi chia tay với họ trên tình anh em, để nhắc lại với họ lời thề tranh đấu của chúng tôi. Mong ràng kinh nghiệm của chúng tôi sẽ phục vụ sự nghiệp của chính nghĩa. “Sự nghiệp Hòa Bình”.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2009, 09:49:20 pm »


II

TÔI ĐÃ ĐỂ LẠI ĐẰNG SAU TÔI NHỮNG NẤM MỒ...

Quan hai Lơ-me A-léc-xăng, tiểu đoàn Thái số 3,
bị bắt ở vùng Nghĩa Lộ - Tây Bắc tháng 10-1952.


Trích Chương V, phần I “NHỮNG ĐIỀU CHÚNG TÔI ĐÃ TRÔNG THẤY” của “TIẾNG NÓI TÙ BINH”.


“Viên quan ba Giắc Ti-xi-ê (FI) thuộc binh đoàn Sác-tông viết:

- “Lịch sử đường số 4, từ tháng giêng 1948 đến tháng mười 1950 không chỉ là một chuỗi dài những đòn rất đau đối với Quân đội viễn chinh Pháp. Nó còn được đánh dấu bởi sự chồng chất những sự tàn bạo mà những nạn nhân là những người yêu nước Việt Nam, các chiến sĩ trong quân đội chính quy, hoặc các du kích cũng như dân chúng các vùng Bắc Cạn, Nguyên Bình, An Lại, Cao Bằng v.v... bị kìm kẹp dưới ách chiếm đóng của Quân đội viễn chinh Pháp.

Dưới đây là những điều tôi đã chứng kiến hoặc là người đương sự:

… Trong đêm 24 rạng ngày 25 tháng Chạp năm 1948, một đội tuần tra lính dõng do viên quan hai Hốt-tơ-phơi (FI) chỉ huy, phát hiện trên đường Nguyên Bình cách Cao Bằng chưa đầy một ki-lô-mét, một xác chết bị trói trần truồng ở một thân cây. Đó là xác chết một người đàn bà trẻ bị giết bởi một viên đạn vào gáy. Cuộc điều tra do viên quan ba Xcốt-tê, chỉ huy F.I tiến hành, phát giác người đàn bà đó đã bị viên phó sĩ quan an ninh của khu vực hành hình, dựa trên sự nghi ngờ đơn thuần là đã cung cấp cho kháng chiến Việt Nam những tin tức về sự di chuyển của các đoàn xe.

Tôi sẽ không bao giờ quên sắc mặt hoảng hốt và đau lòng của viên quan hai Hốt-tơ-phơi miêu tả lại với tôi ông ta đã phát giác như thế nào tội ác, đúng vào lúc mà kẻ phạm tội đang dự lễ cầu kinh nửa đêm hoặc ăn đêm Nô-en một cách vui vẻ.

Vào ngày 20-8-1948, vợ một lính dõng có chửa vài tháng, đã bị hãm hiếp trước mặt hai đứa con của mình và bị bóp cổ đến nghẹt thở bởi một người lính bộ binh An-giê-ri, thuộc đại đội 23, tiểu đoàn bộ binh An-giê-ri. Mặc dầu được chạy chữa người đàn bà khốn khổ đó đã chết vài giờ sau ở nhà thương mà bà ta đã được chở đến.

Sự hãm hiếp đó không phải là duy nhất nhưng còn có điều tệ hại hơn: đó là cách đối xử với dân chúng rút chạy khỏi Bản Cao, Nguyên Bình, Trà Lĩnhv.v... năm 1949 và cả dân chúng Cao Bằng năm 1950.

Các gia đình lính dõng ở Bản Cao, Nguyên Bình và Trà Lĩnh được di tản đến Cao Bằng vì họ sợ Bộ chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông tàn sát, đã đi bộ, hoàn toàn kiệt sức và thiếu thốn đủ thứ. Sự rút chạy khỏi các trục đường Bắc Cạn và Nguyên Bình được tiến hành hoàn toàn bí mật, không có sự chuẩn bị gì để tiếp nhận từ ba đến bốn trăm phụ nữ, người già và trẻ con. Họ ở chồng chất trong chợ Cao Bằng từ ngày 20-8 đến 15-9, ngột ngạt vì nắng ban ngày, bị muỗi xúm vào đốt ngay khi trời đổ tối, cho đến khi một bộ phận đồn binh rút đi mới có thể cho họ đến ở một cách chu đáo.

… Một năm sau, cũng những người khốn khổ đó lại chịu những đau thương mới: ngày 20 tháng 9 năm 1950, tướng Các-păng-chi-ê đã thề thốt với họ vào tháng 11 năm 1949 rằng Cao Bằng sẽ không bao giờ bị bỏ rơi, thì chính ông ta lại đến ra lệnh di tản các gia đình về Lạng Sơn. Giữa ngày 25 và ngày 26, tất cả vợ con các nhà buôn và binh sĩ,  cũng như những người già trên 65 tuổi, bị phân ly với những người bất chấp những sự phản kháng của họ, bị binh lính ở vùng biên giới chạy trốn bỏ lại ở Lạng Sơn và bị không quân Pháp bắn trong khi họ trở về Cao Bằng. Trong số những người bị giết, có vợ và con gái nhỏ của viên đội Ngô Văn Tác là tài xế của tôi. Còn đàn ông thì buộc phải đi theo “binh đoàn Sác-tông” mà họ chia xẻ số phận hẩm hiu. Trong số bốn trăm người thì hơn hai trăm người đã bị giết chết hoặc bị thương nặng.”


Viên quan hai Gu-xta-vơ Mon-nê thuộc trung đoàn Lê dương bộ binh số 3, kể lại:

“… Tháng 8-1949, tôi là quyền sĩ quan tình báo tiểu khu Thất Khê. Hỏi cung về sự đào ngũ của năm người lính Lê dương, tôi đi đến tình nghi cho một phụ nữ ở bản Nà Dừa (đồng bằng Thất Khê) đã tham gia vào vụ việc này.

Tôi ra lệnh bắt giữ người phụ nữ đó và giao cho viên hạ sĩ quan chịu trách nhiệm việc hỏi cung. Không thu thập được lời thú nhận nào, viên hạ sĩ quan đó nói với tôi: “Ngày mai, tôi cần phải sử dụng phương pháp mạnh hơn”. Không muốn thay đổi thói quen, tôi để cho anh ta làm: hai bàn tay bị trói chặt sau lưng, kẻ tình nghi bị treo lên cao bằng cổ tay trong nhiều giờ, sau đó cô ta bị treo bằng hai chân. Tôi sẽ không bao giờ quên sự rùng rợn của cảnh tượng: chân tay căng phồng, nước da nhợt nhạt, bộ mặt méo mó...”

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2009, 09:52:47 pm »


Ở các chiến trường Tây Bắc, Trung du và đồng bằng thì sao? Chúng ta hãy tiếp tục nghe viên quan hai A-léc-xăng Lơ Me-rơ, tiểu đoàn Thái số 3, thú nhận tội lỗi:

- “Vài ngày trước khi đồn Ba Lay thất thủ, 16 lính dõng của đơn vị tôi định mang theo vũ khí chạy sang phòng tuyến Việt Nam. Tôi được tin đó liền bắt giữ họ. Tôi báo ngay cho Phòng nhì ở Nà Sản. Sau khi trao đổi điện tín, tôi nhận được lệnh đem họ ra bắn.

Không quan tâm một giây phút nào về sự tàn bạo của lệnh đó, về điều có thể là tội ác và oan uổng, mù quáng bởi thứ kỷ luật thụ động làm cho mỗi chúng tôi trở thành những kẻ chủ mưu hoặc những đồng loã của biết bao tội ác, tôi ra lệnh hành hình họ và cho đem chôn trong cùng một hố.

Những người đó có mẹ, có em gái, có vợ. Không một giây lát nào, ý nghĩ về những tang tóc tôi sẽ gây ra, những giọt nước mắt tôi sẽ làm tuôn chảy, giữ tay tôi lại.

Nhưng điều đó có lẽ còn chưa đủ. Tôi ra lệnh bắt giữ vợ họ. Lợi dụng tình cảnh, một số binh lính của tôi đã thả lỏng cho bản năng xấu xa của họ.

Như vậy là tôi đến Ba Lay trên lý thuyết để “bảo vệ” dân chúng, tôi đã để lại đàng sau tôi những nấm mồ, những người cha, người mẹ đeo tang và những người con gái của họ bị làm ô nhục...”


Viên quan ba phi công Rô-giê Frantz thuộc phi đội liên lạc hàng không (E.L.A.) chứng kiến sự ném bom bừa bãi của không quân Pháp tàn phá làng mạc và giết hại hàng loạt dân chúng, kể lại:

- “Chịu trách nhiệm chở thương binh bằng máy bay “Mo-ran” tôi thường phải bay qua miền đồng bằng ở độ thấp. Nhiều lần tôi nhận thấy các làng mạc bề ngoài chỉ có những người nông dân dũng cảnh, những phụ nữ và trẻ con ở, đã bị không quân và pháo binh ném bom hoặc bắn phá một cách dã man.

Đặc biệt, cuối tháng ba năm 1952, tôi bay trên vùng phía nam tỉnh Bắc Ninh để đến Lục Nam. Ở đó, khi đi tôi còn trông thấy những ngôi làng bình dị, khi trở về thì chỉ còn những đống đổ nát và tro tàn...”


Những tội ác mà viên quan hai Rô-be Đơ-nen thuộc trung đoàn pháo binh thuộc địa Ma-rốc (RACM) tố cáo thật rùng rợn:

- “Trong cuộc hành quân “Hành tinh” (tháng 3 năm 1950), ở quân khu Hải Dương, phía nam đồn Gia Lộc, có tiếng súng nổ từ rìa một ngôi làng mà tôi không còn nhớ tên, ngôi làng bị đại dội hỗn hợp của trung đoàn pháo binh thuộc địa Ma-rốc chiếm, dân làng được tập trung ở địa điểm trung tâm và bị viên quan ba Tác-gơ, sĩ quan tình báo quân khu Hải Dương, tra hỏi. Không một ai có thể giải thích đạn bắn từ đâu, viên quan ba Tác-gơ ra lệnh cho đội quân hỗn hợp đi theo ông ta, lôi bất kỳ mười tám người đem bắn. Đáp lời yêu cầu giải thích của tôi, ông ta trả lời: - “Biện pháp đó là tốt nhất: bằng cách giết mười tám người, tôi tin chắc rằng ít nhất cũng loại trừ được bốn hay năm tên Việt Minh.”

Trong cuộc hành quân “Đa-na-ê” (tháng 4-5 năm 1950 - Nam Sông Đuống - đồn Quỳnh Lạng.) tôi chứng kiến cảnh tượng sau đây: Viên quan hai La-nốt, sĩ quan tình báo đại đội I, tiểu đoàn 23, trung đoàn pháo binh thuộc địa, không nhận được một câu trả lời nào của một người đàn ông mà ông ta tra hỏi suốt nửa tiếng đồng hồ, đã thả và xua một con chó sói tên Đi-a-bô-la. Con vật lao vào người tù và xé anh ta thật sự ra từng mảnh...

Ở đồn Núi Đèo, từ tháng 6-1946 đến tháng 2-1950, nhiều lần tôi được chứng kiến những phương pháp dã man của viên chánh đội Mác-ti-ních Huy-gien, hạ sĩ quan tình báo đại đội I, tiểu đoàn 23, trung đoàn pháo binh thuộc địa. Trong lúc hành quân những cuộc hỏi cung được tiến hành, hoặc tra điện trên các bộ phận sinh dục của người tù, hoặc làm người tù ngạt thở từ từ bằng cách úp một chiếc khăn mặt thấm nước trên mặt. Ở đồn, những người bị phát giác mà câm lặng liền bị đóng đinh, lột truồng, phơi ra nắng. Để làm tăng thêm nỗi đau đớn của họ, người ta đổ nước sôi trên các bộ phận sinh dục...

Một lần, người đội phó đội biệt động bị bắt làm tù binh, anh ta bị chặt đầu và đầu anh ta được trưng bầy ở nhà tù Núi Đèo. Một lần khác, hai cô gái bị bắt trong một trận càn, được trao cho hai viên hạ sĩ quan của trung đội bảo vệ Hải Phòng, do viên quan hai Đuy-rúp chỉ huy.”


Trước những tội ác khủng khiếp và man rợ của Quân đội viễn chinh Pháp, viên quan ba tuyên úy An-be Xti-lê phẫn nộ lên án:

“… Nhân dân Việt Nam lên án cuộc chiến tranh xâm lược này, bởi vì họ mong muốn hòa bình, nền hòa bình sẽ trả lại cho đất nước họ bản sắc lịch sử của nó. Chủ nghĩa thực dân đã tô son trát phấn cho bản sắc lịch sử đó, nếu không phải đã làm cho nó vấy máu. Những cảnh hoang tàn vật chất, vun thành đống dọc những đường mòn và đường cái có người qua lại, phản kháng những cuộc ném bom của không quân đã bịa đặt ra những mục tiêu chiến lược, ở đó người dân cầy khẩn cầu đồng ruộng của họ cái ăn hàng ngày cho chính họ và những người thân. Những nhà thờ và chùa chiền, nơi thờ cúng tôn nghiêm, không phải bao giờ cũng được tôn kính và cả nhà thờ và chùa chiền cũng giương lên trời xanh hình khối bộ khung của chúng. Cả nhà thờ và chùa chiền cũng lên án sự tàn bạo của những kẻ đã loại trừ sự có mặt của những điện thờ hòa bình trong sự mù quáng của những chiến trận, đó là sự phản kháng sống động của tình thương, nạn nhân của sự tàn nhẫn của chiến tranh.

Những chủng viện và những ngôi chùa không chịu đựng nổi luồng thổi của những quả bom. Nhưng ở đó sự tàn phá của chiến tranh cũng không dừng lại. Mọi cuộc chiến tranh xâm lược hoặc chinh phục đều xâm phạm đến nhân cách và phẩm chất con người.

Từ cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương do những bàn tay bẩn thỉu gây ra, bốc lên mùi hôi tanh hãm hiếp đàn bà, con gái và ngay cả những nữ tu sĩ cũng bị thóa mạ bởi những hành động thô bỉ không sao giải thích nổi. Cả cụ già cũng phải chịu đựng những sự hành hạ mà tuổi tác không cho phép.”


Những tội ác và sự tàn bạo của Quân đội viễn chinh Pháp không chỉ là những hành động cá nhân của binh lính và sĩ quan cấp dưới mà còn ở cấp cao hơn. Lời tố cáo của viên quan hai Sác Lơ-vát-xơ thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn bộ binh thuộc địa Ma-rốc số 22, giải ngũ ngày 1-4-1948, nhà buôn, tố cáo:

“… Tháng ba năm 1946, ở Nam Bộ (Nam Việt Nam), trước khi rút khỏi khu vực Biên Hòa sau một cuộc hành quân, đại tá Gơ-rơ-giăng nói với các sĩ quan được tập hợp: “Các ông sẽ cào bằng một khu vực đã bị bọn Việt Minh làm nhiễm độc. Hãy phá sạch. Giết sạch tất cả những gì động đậy.” Các sĩ quan ngạc nhiên và yêu cầu nói rõ, ông ta nhắc lại: “Giết sạch những gì còn sống”.

Viên quan hai Y-vơ Ma-hê, thuộc trung đoàn pháo binh số 64, dẫn thêm bằng chứng:

“… Tháng tám năm 1950 tôi tham gia cuộc hành quân Cơ-ry-da-lít ở vùng Phú Thọ - Yên Bái. Những mệnh lệnh viết của đại tá Gam-bi-ê chỉ huy cuộc hành quân, được phát trước lúc hành binh là phá sạch. Cũng do đó mà trong một vùng chiều sâu khoảng 30 ki-lô-mét, rộng 10 ki-lô-mét, dân chúng bị phóng hỏa, mùa màng bị cướp phá, những nông cụ và xe bò đều bị ném xuống sông Hồng.”

Thông tư số 699-20/3 (ngày 14-3-1951) của tướng đờ Li-na-rét ra lệnh cho quân đội tàn phá lúa đã gặt trong các vùng bị kiểm soát ở lưu vực sông Hồng có ý nghĩa đặc biệt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2009, 09:56:10 pm »


III

KHI NHỮNG SĨ QUAN VÀ BINH LÍNH QUÂN ĐỘI VIỄN CHINH PHÁP
TRỞ NÊN VÔ DỤNG...


Trong cuộc họp mặt hàng năm của những người bạn chiến đấu cũ làm công tác binh địch vận tổ chức ngày 11-4-1993 tại Hà Nội, tôi gặp lại anh Hoàng Thắng, nguyên chỉ huy phó trại tù binh Lê dương số 2 (huyện Quảng Uyên, Cao Bằng), nay về nghỉ hưu tại thị trấn Bãi Bông, huyện Phổ Yên, tỉnh Bắc Giang. Anh là học sinh trung học trường Bưởi Hà Nội, và là học viên trường sĩ quan Lục quân khóa 5. Cuối năm 1950 anh được điều động về Cục Địch Vận rồi lên biên giới làm công tác tù binh.

Anh Hoàng Thắng kể lại với tôi:

- Sau Chiến thắng Biên giới năm 1950. Bộ chỉ huy Pháp không thể chối không biết khu vực các trại tù binh đóng ở hai huyện Quảng Uyên và Trùng Khánh, cũng như hoạt động của tù binh trên các cung đường tại Quảng Uyên - Phục Hòa - An Lại - Mã Phục. Dân địa phương, từ người già đến trẻ con, ai cũng biết và trông thấy tù binh hàng ngày đi chợ, hàng tuần vác gạo từ các kho lương thực của huyện về trại.

Vậy mà, nhiều lần máy bay địch đến bắn phá và ném bom các trại tù binh Âu Phi ở vùng này. Tôi nhớ mãi trận ném bom dã man của địch xuống trại đóng ở thôn Bó Luông, xã Hồng Định, huyện Quảng Uyên ngày 15-8-1951, tức đúng ngày 14 tháng 7 âm lịch. Lúc đó, vào khoảng 4 giờ chiều, trong lúc tù binh đang lĩnh khẩu phần chuẩn bị bữa ăn tối. Theo phong tục của địa phương, vào ngày rằm tháng 7 âm lịch, đồng bào Tày cúng lễ to. Từ chiều hôm trước, nhà nhà giã bánh dầy, làm các loại bánh, mổ gà, giết lợn... Số tù binh Pháp và Lê dương cũng như lính Bắc Phi chết khá nhiều. Tất nhiên, cả dân và bộ đội bảo vệ trại cũng không tránh khỏi có thương vong.

Ngay tối hôm đó, ta cho tù binh tạm thời sơ tán vào rừng, dựng lều lán trú qua đêm. Bộ đội đem cơm nắm, thịt kho đến từng kíp cho tù binh. Sáng hôm sau Ban chỉ huy trại tổ chức mít tinh tại một địa điểm an toàn. Tù binh phẫn nộ, vạch dã tâm cố ý giết hại tù binh, làm kiến nghị và ra tuyên bố tố cáo tội ác man rợ của Bộ chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp. Dài phát thanh “TIẾNG NÓI VIỆT NAM” đã truyền đi thế giới sự kiện bi thảm này. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, địch lại cho máy bay đến bắn phá quanh vùng và ném bom giữa thị trấn Quảng Uyên, để khủng bố tinh thần tù binh các trại đóng xung quanh thị trấn. Lần ném bom này của địch, tù binh không bị thương vong vì ta đã cho di chuyển các trại sau ngày 15-8-1951.

Chúng ta hãy nghe những “nạn nhân của chính sách tội ác thực dân” lên tiếng về những vụ ném bom, bắn phá các trại tù binh ở Cao Bằng trong văn kiện “TIẾNG NÓI TÙ BINH”:

- “… Ngày 18-11-1950. Trại tù binh số 3 ở vùng Quảng Uyên đã bị bốn máy bay khu trục tiến công. Thành tích: 3 người chết.

Tháng 7 năm 1951, một đoàn tiếp phẩm mà chúng tôi có tham gia bị bắn súng liên thanh trên con đường Trùng Khánh Phủ đi Quảng Uyên, bởi một chiếc máy bay bay ở độ thấp, chiếc máy bay đó không hề quan tâm tìm hiểu đoàn đó có phải là tù binh hay không.

Ngày 15 tháng 8 năm 1951, trại lính số bị không quân của Quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông ném bom và bắn phá. Thành tích: năm lính bảo vệ, 15 dân thường và 30 người bạn của chúng tôi bị giết chết ngay hoặc do hậu quả của những vết thương. Cả ở đây viện lý do có mục tiêu quân sự là không thể chấp nhận được. Ngoài ra, thật đáng nghi ngờ rằng Bộ chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông không biết các địa điểm tù binh.

Những sự việc đó khỏi cần bình luận: họ bỏ rơi chúng tôi. Họ định tiêu diệt chúng tôi... Rồi họ định ve vãn chúng tôi.

Dưới đây là những đoạn trích một bức thư ngỏ mà chúng tôi gửi cho các bạn chúng tôi trong Quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông sau khi tiếp nhận ở trại tù binh số 1 một cuộc thả dù ích kỷ và bất hợp pháp.

- “Bởi vì họ sợ cuộc đấu tranh của chúng tôi tố cáo những tội ác của họ, bọn trục lợi chiến tranh tìm cách mua chuộc sự im lặng của chúng tôi bằng cách vứt cho chúng tôi vài thứ đồ hộp. Không một ai trong chúng tôi thấy trong cử chỉ đó một chút ý định nhân từ nào. Những cuộc bắn phá và ném bom cố ý các trại tù binh, cuối cùng đã thuyết phục những kẻ còn cả tin rằng không bao giờ có một nhân tố nhân đạo nào ảnh hưởng đến những quyết định của những kẻ chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Việt Nam. Chúng tôi không phải là những kẻ bị lừa bịp.

Bộ chỉ huy Pháp chẳng hề quan tâm đến số phận binh lính mà sự bất lực của họ đã ném vào một cuộc phiêu lưu không lối thoát tháng 10 năm 1950. Những lợi ích của bọn thực dân nào có đếm xỉa gì đến những sinh mạng con người!”
1
_______________________________________
1. Nguyên văn tiếng Pháp: Theo tư liệu
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2009, 10:03:36 pm »


*
*   *

Không chỉ các trại tù binh biên giới bị ném bom, bắn phá mà ngày 30-10-1953 trại tù binh Âu Phi ở Kim Tân (Thanh Hóa) cũng là mục tiêu của không quân Pháp. Ngày 6-12-1953 pháo binh và không quân Pháp giết và làm bị thương hơn 30 lính Âu Phi thuộc trung đoàn bộ binh Ma-rốc số 4 bị bắt làm tù binh và tập trung ở làng Phú Tạo (Hải Dương). Bom na-pan của không quân Pháp cũng đã giết chết 61 tù binh Âu Phi và lính ngụy khi họ đi qua làng Đông Lạc. Toàn thể tù binh sĩ quan Pháp Trại số 1 đã ra tuyên bố vạch rõ: “Điều đó chứng tỏ một lần nữa tính chất cuộc chiến tranh bẩn thỉu cùng trò hèn mạt, vì sự tàn bạo của các viên chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông, họ không lùi bước trước bất cứ một tội ác nào khi con người không còn ích lợi gì nữa đối với họ”.

Chia xẻ nỗi đau thương với các bạn tù ở trại Kim Tân và các bạn bị bắt làm tù binh tháng 12-1953 ở huyện Gia Lộc (Hải Dương), ngày 27-1-1954 các sĩ quan và hạ sĩ quan tù binh Trại số 1 đã viết một bức thư cho các nạn nhân trong đó có đoạn1:

“… Năm tháng trôi qua, những thất bại của Quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông gia tăng nhưng những thủ đoạn của bọn thực dân vẫn chỉ là một. Chúng muốn bằng mọi giá bóp nghẹt tiếng nói của chúng ta, ngăn cản chúng ta nói lên sự thật về tính chất cuộc chiến tranh bẩn thỉu, làm suy sụp tinh thần chúng ta, ngăn cản cuộc đấu tranh của chúng ta lan rộng, vì chúng sợ tính hiệu quả.

Không hề ngã lòng, nản chí, trái lại những cuộc ném bom đó càng tăng cường tinh thần chiến đấu của chúng ta, cổ vũ hành động của chúng ta. Và bởi kẻ thù muốn bịt miệng chúng ta, chúng ta càng cất cao tiếng nói, thét to hơn nữa không chỉ sự bất bình của chúng ta trước những hành động đó, mà cả sự khinh bỉ của chúng ta đối với những kẻ đã không ngần ngại sử dụng những thủ đoạn đê hèn và bất chính đối với những tôi tớ cũ nay đã trở nên vô dụng.

Cùng ngày hôm nay chúng tôi gửi đến Ủy Ban Hòa Bình toàn quốc Pháp một nghị quyết khẳng định lập trường của chúng tôi đối với những cuộc ném bom của không quân Quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông mà mục tiêu là các trại tù binh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để dư luận Pháp và dư luận thế giới được biết.


Những tội ác bỉ ổi cần phải được ghi vào hồ sơ những sự tàn bạo do bọn thực dân đã gây ra. Những tội ác đó cần phải có trong hồ sơ tố tụng của bọn gây chiến. Những bằng chứng của chúng tôi cần phải đóng góp ngày càng nhiều vào một chuỗi chứng cớ phạm tội chồng chất chống lại những kẻ đã gây ra cuộc chiến tranh bẩn thỉu này và tiếp tục theo đuổi nó, bất chấp sự phản đối ngày càng tăng của tất cả những người trung thực.

… Cùng với chúng tôi, các bạn hãy lập mặt trận chung chống chủ nghĩa thực dân, tất cả những ai sống bằng chủ nghĩa thực dân.

Hỡi các tù binh, hãy xiết chặt hàng ngũ chúng ta, tiếng nói chúng ta sẽ mạnh hơn, cuộc đấu tranh của chúng ta sẽ có hiệu quả hơn, thắng lợi của chúng ta sẽ đến gần hơn.

Hãy can đảm lên các bạn, và trên tình anh em, chúng tôi gửi đến các bạn bị thương lời chúc mau chóng lành mạnh, gửi đến tất cả các bạn lời chúc sức khoẻ, mong các bạn hãy tìm thấy ở đây biểu hiện ý chí không gì lay chuyển của chúng tôi cùng tất cả các tù binh, cùng tất cả những người trung thực trên toàn thế giới đấu tranh cho:


- HÒA BÌNH Ở VIỆT NAM BẰNG HỒI HƯƠNG QUÂN ĐỘI VIỄN CHINH PHÁP Ở VIỄN ĐÔNG.

- HÒA BÌNH THẾ GIỚI.

Thay mặt 119 sĩ quan và 25 hạ sĩ quan Trại số 1
ỦY BAN HÒA BÌNH VÀ HỒI HƯƠNG
- Bơ-cle, Giăng Giắc, quan hai Ta- bo 3
- Phô-gát Ăng-đơ-rê, quan ba Ta-bo 1
- Sô-vê Ga-bơ-ri-en, quan hai B.E.P.I
- Risa Pi-e, quan hai B.C.L.8

____________________________________
1. Nguyên văn tiếng Pháp: Theo tư liệu
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 12:01:13 pm »


CHƯƠNG VIII
VÌ SAO THẤT BẠI?



I

MỘT BÀI HỌC CỦA “CHIẾN TRANH NHÂN DÂN”


Tháng 4-1953 tôi trở lại nhận nhiệm vụ tại Trại tù binh sĩ quan Pháp số 1 sau một thời gian dài vắng mặt.

Từ cuối năm 1952 Trại số 1 từ huyện Trùng Khánh-Cao Bằng đã di chuyển về huyện Nà Hang1 thuộc tỉnh Tuyên Quang nằm gần con sông Gâm cuộn sóng. Tuyên Quang, một thời lừng danh với dòng sông Lô đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp, nhận chìm nhiều tàu chiến giặc trong cuộc hành quân “Lê-a” nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến Việt Nam cùng bộ máy đầu não của chính phủ Hồ Chí Minh. Bước vào Thu - Đông 1947, tướng Giăng Ê-chiên Va-luy, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông đã huy động 20.000 quân theo thế hai gọng kìm đánh lên vùng biên giới Cao Bằng-Lạng Sơn ở phía Đông và dọc theo sông Lô ở phía Tây hòng khép chặt và tiêu diệt căn cứ địa Việt Bắc, kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam trong vòng sáu tháng. Nhưng chúng đã hoàn toàn bị vỡ mộng.

Nhìn dòng sông Lô và nhánh sông Gâm với cảnh quan hùng vĩ của nó, tôi không khỏi lo lắng về cái “cầu nổi” thiên nhiên nối liền trại tù binh sĩ quan Pháp đóng ở Nà Hang với Việt Trì, nơi giặc Pháp còn chiếm đóng với khoảng cách chưa đầy 170 ki-lô-mét đường sông. Mùa hè, mưa lớn, dòng nước hai con sông Gâm và sông Lô dâng lên nhanh chóng, gây ngập lụt hai bên bờ, có đoạn cao đến một mét. Nhánh sông Gâm tách khỏi dông Lô ở mạn Vạn Yên, cách thị xã Tuyên Quang không bao xa, đặc biệt hiểm trở với nhiều ghềnh, thác, bè mảng khó vượt qua, nếu không phải là những tay lái cừ khôi. Một anh bạn thủy lợi cho tôi biết dòng nước trên sông Lô vào mùa hè mưa nhiều, nước chảy xiết, đạt tốc độ từ 2,5 mét/giây đến 3 mét/giây. Do đó, một vật trôi theo dòng nước trong 24 giờ sẽ đi xa được từ 216 đến 259 ki-lô-mét. Nếu gió ngược thì có thể đạt từ 130 đến 170 km. Nếu vật trôi trong 12 giờ, tốc độ sẽ đạt từ 108-130 km (gió xuôi) và từ 65-85 km (gió ngược). Vì vậy, nếu tù binh có ý đồ vượt sông theo dòng sông Lô từ Tuyên Quang đến Việt Trì với khoảng cách chưa đầy 100 km, rõ ràng điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được, nếu chúng ta không kịp thời phát hiện và đuổi bắt được.

Tôi suy nghĩ, trước hết tù binh trốn trại phải là những tay bơi lặn giỏi, am hiểu địa hình mới vượt qua được những ghềnh, thác, nước chảy xiết trên dòng sông Gâm vào mùa lũ, hoặc dù chúng có đến được gần Việt Trì, nếu chệch tay lái, bè mảng của chúng chắc chắn sẽ bị dạt vào hai bên bờ sông Lô nước dâng trắng xóa. Do đó, vận may dành cho tù binh “vượt ngục” đạt tỷ lệ rất thấp, chưa kể nhân dân địa phương và bà con chài lưới đi nghề sớm dễ phát hiện. Những tội ác của giặc Pháp Thu-Đông 1947 mãi mãi còn khắc sâu trong lòng nhân dân địa phương hai bên bờ sông Lô.

Trở lại Trại tù binh sĩ quan Pháp số 1 ở Nà Hang, một niềm vui bất ngờ đối với tôi là gặp lại người bạn cố tri cùng học trường Ngoại Ngữ với tôi, rồi cùng về nhận công tác ở Cục Địch Vận, cùng làm việc với nhau trong một thời gian dài. Đó là anh Phan Kế Định, phái viên Cục Địch Vận, vóc người nhỏ bé, tính tình giản dị, dễ mến. Anh không thích thói ba hoa, sự hào nhoáng bên ngoài, làm nhiều, nói ít và luôn tỏ ra thận trọng trong mọi việc, từ đời tư đến việc công. Anh thích hát và thổi sáo miệng một mình, và hát hay. Nhiều lần được nghe anh hát những bài hát Ta, hát Tây, tôi thường đứng lặng lẽ bên cửa sồ thả hồn quyện với trăng sao, trời cao biển rộng, với chim muông, hoa lá, những cánh đồng quê lúa chín vàng có cánh diều trắng bay vi vu, đàn trâu lững thững bước về làng khi hoàng hôn buông xuống ở phía chân trời.

Giờ đây, trên căn nhà sàn của đồng bào Tày ở một bản nhỏ, cách sông Gâm khoảng ba ki-lô-mét, hai cái đầu chụm vào nhau, tôi nghe anh kể lại cuộc hành trình gian khổ từ Trùng Khánh-Nà Hang kéo dài đằng đẵng ngót một tháng trời. Một cuộc hành trình “không tiền khoáng hậu” với nhiều vất vả, gian truân. Kể từ tháng 12 năm 1952 không còn một trại tù binh Âu Phi nào đóng trên địa phận tỉnh Cao Bằng.
________________________________
1. Nà Hang vốn thuộc châu Chiêm Hóa gồm 4 tổng: Thổ Bình, Vĩnh Yên, Cổ Linh, Côn Lôn. Theo nghị định của Phủ Toàn quyền Đông Dương ngày 11-11-1944: Nà Hang thuộc tổng Vĩnh Yên được tách ra thành lập châu mới gọi là châu Nà Hang do vị trí quân sự quan trọng của nó ở vùng này. “Tách Châu Chiêm Hóa và thành lập Châu Nà Hang” (Scission du Châu de Chiêm Hóa et création du Châu de Nà Hang). Ký hiệu 69102. Thư viện Khoa học TW. Hà Nội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 12:02:29 pm »


Dọc đường đi, trong đêm tối, bắt ngờ viên quan hai Y-vơ Ma-hê thuộc trung đoàn pháo binh số 64 tụt chân xuống hai thân cây bắc qua một con suối sâu, bị xái khớp cổ chân, không tài nào tiếp tục cuộc hành trình. Anh Lê Văn Quyết, giám thị phụ trách công tác bảo vệ, đi cuối đoàn tù binh, đã quyết định cho Ma-hê ngồi trên lưng ngựa còn bộ đội bảo vệ thì “thồ” trên lưng, trên cổ, trên vai lủng củng nào bao gạo, túi muối, nào nồi niêu, xoong chảo của bếp ăn tập thể và “thượng vàng hạ cám” khác dỡ từ trên lưng ngựa xuống. Không thể cáng Ma-hê trên lối mòn hiểm trở, lội qua suối qua đèo, và một điều nan giải, ai khuân vác các đồ lỉnh kỉnh của bốn tù binh khiêng cáng, nếu được cắt cử vào công việc này! Cuộc hành trình chắc chắn sẽ giảm tốc độ chung, sức khỏe của tù binh sẽ suy sụp nhanh chóng, mà đường đi còn dài...

Đến chặng nghỉ đêm, các tù binh đi trước trông thấy Ma-hê cưỡi ngựa dưới ánh trăng, liền xúm nhau “chiêm ngưỡng” một cảnh lạ lùng trong rừng sâu: bộ đội bảo vệ lưng cõng nặng hành trang, tay dắt dây cương, trên lưng ngựa Ma-hê ngồi chễm chệ. Chúng xì xào, có tù binh đứng nghiêm chào “quan năm” Y-vơ Ma-hê đã đến...

Anh Phan Kế Định tiếp tục kể: - Sau khi đến địa điểm mới ở huyện Nà Hang, với sự cố gắng lớn, cán bộ và chiến sĩ đã nhanh chóng ổn định đời sống tù binh và đưa sinh hoạt của trại vào nề nếp. Xóm bản nhà dân chật hẹp. Ban chỉ huy trại đã cho tù binh bạt rừng, xây dựng nhiều căn nhà trên một khu đất rộng với các kiểu nhà châu Âu tùy theo sở thích của mỗi kíp tù binh. Ở địa điểm mới, việc tiếp tế thực phẩm có nhiều khó khăn, đời sống của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, H’mông, Lô Lô trong vùng chưa được cải thiện bao nhiêu. Nhân viên tiếp phẩm phải trèo đèo, lội suối, nghỉ đêm tại các bản xa, hôm sau mới về đến trại. Phong trào tăng gia sản xuất chủ yếu là trồng rau, nuôi gà, vốn đã có nề nếp ở trại cũ, nay được phát triển mạnh hơn để cải thiện đời sống các chiến sĩ và tù binh. Tù bình được phép câu cá trong những giờ rảnh rỗi để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Nhiều gia đình tù binh đã gửi kèm theo thư từ qua Hội chữ thập đỏ Pháp cả thuốc men, lưỡi câu, dây câu, cho con em họ. Những xâu cá treo lơ lửng phơi khô trước nhà mỗi kíp tù binh trông thật vui mắt. Nếu ở Cao Bằng viên quan hai Ma-hê đã tỏ ra cần mẫn chăn dắt con bò của trại, thì đến địa điểm mới Ma-hê còn bộc lộ tài năng huấn luyện ngựa, đã giúp dân thuần hóa một con ngựa dữ. Mối quan hệ giữa trại và dân chúng địa phương ngày càng thắm thiết.

Một thời gian ngắn sau khi tôi đến Trại số 1 thì anh Phan Kế Định trở về Cục Địch Vận nhận nhiệm vụ mới. Từ sau chiến dịch Tây Bắc Thu-Đông năm 1952, nhiều tù binh sĩ quan mới được giải về Trại số 1 nhưng nòng cốt vẫn là tù binh sĩ quan và hạ sĩ quan bị bắt trong Chiến dịch Biên giới 1950. Số tù binh mới hòa nhập khá nhanh với đời sống vốn đã có quy củ, nề nếp của Trại số 1 và tích cực tham gia phong trào đấu tranh chung đòi “HÒA BÌNH Ở VIỆT NAM BẰNG HỒI HƯƠNG QUÂN ĐỘI VIỄN CHINH PHÁP Ở VIỄN ĐÔNG”. Bề ngoài cuộc sống của trại tưởng như bình thản trôi qua, nhưng trong lòng nó chứa đựng những toan tính mới của không ít tù binh muốn “đốt cháy giai đoạn” trở về xúm họp với gia đình. Thật lạ lùng nếu không có tù binh nào thực hiện ý định “vượt ngục” trong khi trại tù binh đóng liền kề con sông Gâm đầy khêu gợi đang ngày đêm kêu gọi chúng trở về với tự do!

Mùa hè 1953. Mưa rừng xối xả từng cơn. Nước con công Gâm từ thượng nguồn đổ về xuôi hung dữ lạ thường, cuốn trôi băng những cây gỗ mới đốn của đồng bào địa phương, rác rưởi kết thành những mảng lớn dập dềnh trên mặt nước đục ngầu, sủi bọt dữ dội. Anh Lê Văn Quyết, giám thị phụ trách công tác bảo vệ trại, và tôi đội mưa đi quan sát cơn lũ ập đến bất ngờ theo dọc bờ công Gâm khoảng 4-5 ki-lô-mét về phía xuôi. Nỗi khổ lớn nhất của chúng tôi không sợ mưa, ướt sũng áo quần, mà sợ nhất “vắt xanh”, vắt lúc nhúc trên đường mòn, trên cành cây. Vắt bám vào ngón chân, leo lên tận đùi, luồn vào áo, chui vào nách, hút lấy hút để máu tươi. Chúng hút no căng bụng những ai vô phúc đạt chân vào “giang sơn” của chúng. Từ đó, bất kể trời nắng, trời mưa, mỗi khi qua khu rừng này, cán bộ, chiến sĩ trại đều không quên đem theo xà phòng để trị vắt. Vắt cũng là nỗi kinh hoàng của tù binh mỗi khi phải luồn rừng dưới trời mưa đi vận chuyển gạo hoặc thực phẩm về trại. Chúng gọi cánh rừng bao quanh trại, dọc bờ công Gâm là “Đường vắt”, “Rừng vắt”.

Người giám thị nhận định khả năng tù binh sĩ quan trốn trại là có thể xẩy ra. Tôi hỏi anh:

- Cậu đã liên hệ với chính quyền thôn và xã dọc hai bên bờ sông Gâm rồi chứ? Có thể số tù binh trốn trại lần này sẽ không ít đâu.

Anh Lê Văn Quyết bình tĩnh trả lời:

- Các cán bộ có trách nhiệm của địa phương khẳng định với tôi rằng: - “Không một thằng nào chạy thoát về đến Việt Trì đâu. Tinh thần cảnh giác của bà con vùng này rất cao. Ở địa phương chúng tôi, mỗi người dân là một chiến sĩ!”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 12:04:54 pm »


Ít hôm sau, mây đen giăng kín bầu trời. Sấm chớp ầm ầm. Trời mưa tầm tã. Con nước sông Gâm cuồn cuộn trôi theo dòng với sức mạnh khủng khiếp. Bộ đội bảo vệ đã lùng sục ở các cánh rừng quanh trại nhưng không phát hiện dấu hiệu khả nghi nào. Trong rừng rậm, núi cao, có nhiều hang hốc, có trời biết tù binh giấu bè mảng ở đâu, nếu chúng có ý định trốn trại. Sáng ngày 15-6-1953, trước giờ tập hợp điểm danh, tôi thấy một đám đông tù binh nhốn nháo trước sân. Người giám thị đang trao đổi với một số trưởng kíp, giọng gay gắt khác thường. Cuối cùng, ba trưởng kíp dáng điệu rụt rè, buồn xỉu, theo người giám thị bước vào phòng làm việc của Ban chỉ huy trại. Tôi đoán biết điều gì đã xảy ra: 9 tù binh ở ba kíp cùng rủ nhau đi trốn. Rõ ràng chúng đã chuẩn bị công phu, dài ngày để đóng ba cái mảng lớn với các vật liệu cần thiết đem theo, đủ sức chống chọi với nước lũ và đối phó với mọi tình huống xấu nhất có thể xẩy ra dọc đường. Việc làm đó không thể không có sư giúp đỡ của đồng đội và qua mặt các trưởng kíp cũng như các tù binh cùng nhóm đi kiếm củi trong rừng. Bây giờ lương tâm và trách nhiệm cùng một lúc đè nặng lên vai những trưởng kíp có tù binh trốn trại. Lương tâm đã giữ chân chúng lại, không báo cáo ngay với giám thị khi phát hiện đồng đội vắng mặt trong đêm. Trách nhiệm dằn vặt chúng vì đã vi phạm nội quy của trại và tự biến mình thành những “kẻ đồng lõa”, dù muốn hay không, trong cuộc trốn trại tập thể này. Còn nếu chúng lập tức đi báo cáo trong đêm với giám thị, chúng sẽ tự biến mình thành những “kẻ phản bội” mà lương tâm sẽ không bao giờ tha thứ cho chúng. Thời gian càng kéo dài càng có lợi cho tù binh chạy trốn, sức nước càng đưa chúng đi xa trại. Mọi sự đuổi bắt của trại sẽ trở thành vô ích! Vào lúc này đây, khi ba trưởng kíp đứng trước mặt tôi, 12 giờ đã trôi qua. Rất có thể các tù binh “vượt ngục,” nếu gặp may mắn - một sự may mắn kỳ lạ của Thượng đế ban cho - đã vượt qua hai phần ba khoảng cách, hoặc ung dung ngồi ở Việt Trì. Ai biết đâu được! Bây giờ ba trưởng kíp đang chò đợi một sự phán quyết của người chỉ huy trại đối với bản thân chúng và toàn trại như lẽ thường xưa nay ở các trại tù binh. Có thể nào lại không có một hình thức “trừng phạt” nào khi những kẻ khờ khạo nhất cũng đoán biết bọn tù binh trốn trại cùng một lúc vượt sông Gâm lại không có sự ủng hộ và giúp đỡ của ít nhất là các tù binh cùng kíp?

Sau khi nghe báo cáo về vụ trốn trại của một số tù binh sĩ quan Pháp, tôi điềm tĩnh nói:

- Các anh có thể thông báo cho bạn các anh những kẻ trốn trại sẽ trở về đây trong vòng ba ngày hoặc chậm lắm trong vài tuần lễ.

Bọn trưởng kíp ngơ ngác nhìn nhau, lặng lẽ rời trụ sở Ban chỉ huy trại. Ngày hôm đó, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường: toán vào rừng kiếm củi không hề có thêm lính gác, tốp đi vận chuyển thực phẩm ở bản xa trạm xá, chòi cắt tóc, vườn rau tập thể... không vắng bóng người. Nhưng tôi nhận thấy không khí bao trùm toàn trại là sự lo âu và vắng hẳn tiếng cười, tiếng hát bên ngọn lửa nhỏ trong các căn nhà gỗ mới xây dựng khi bóng đêm giăng kín núi rừng.

Quả nhiên ba ngày sau, du kích địa phương giải về trại ba tên tù binh bị lật mảng khi vượt qua thác trên dòng sông Gâm. Nửa tháng sau du kích lần lượt giải về trại sáu tên tù binh, tốp bị bắt ở Chiêm Hóa, tốp đã vượt qua thị xã Tuyên Quang về gần đến Việt Trì. Mặc dù chúng ngụy trang bằng những cây chuối và lá chuối che kín người, bà con ngư dân đi nghề sớm vẫn phát hiện ra chúng, đã nổi hiệu báo động, bắt gọn chúng. Nhìn những khuôn mặt ủ rũ, hốc hác đầu tóc rối bù, quần áo tơi tả của những con người khốn khổ chạy trốn đi tìm tự do, một ý nghĩ vụt đến trong đầu óc tôi: - “Họ đi tìm cuộc sống tự do ư? - Không, họ chỉ muốn tồn tại. Bởi vì chân lý ở bên này chiến lũy!”.

Sau khi các tù binh chạy trốn nộp bản tự phê bình cho Ban chỉ huy trại, tôi cho gọi các trưởng kíp đến và nói:

- Các anh tiếp nhận bạn các anh về kíp.

Không có bất cứ một hình phạt nào được áp dụng đối với bọn tù binh chạy trốn, cũng như không có bất cứ một sự đối xử nghiêm khắc nào khác đối với tù binh toàn trại. Những điều đó không cần thiết: nhân dân địa phương đã dạy cho chúng một bài học sống động và quý giá về cuộc chiến tranh nhân dân của dân tộc Việt Nam anh hùng chúng ta chống thực dân Pháp xâm lược. 

LẤY ĐẠI NGHĨA ĐỂ THẮNG HUNG TÀN
ĐEM CHÍ NHÂN ĐỂ THAY CƯỜNG BẠO

Lòng khoan dung, đại lượng của tổ tiên ta cho đến thời đại HỒ CHÍ MINH vẫn còn vang vọng núi sông với thiên anh hùng ca bất diệt: “BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO” của NGUYỄN TRÃI - vị anh hùng dân tộc vĩ đại trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống quân Minh (1418-1427):

“… Tướng giặc bị bắt tù, xin thương hại vẫy đuôi cầu sống

Uy thần chẳng giết hại, lấy khoan hồng để thể bụng hiếu sinh

Bọn tham chính Phương Chính, nội quan Mã Kỳ được cấp trăm thuyền, đã vượt biển vẫn hồn kinh phách lạc.

Lũ Tổng binh Vương Thông, tham chính Mã Anh được cho mấy nghìn ngựa, đã về nước còn ngực đập, chân run…”
1

Mấy tháng sau, một vinh dự lớn đã dành cho đời lính của tôi. Sau khi về Cục Địch Vận-tổng cục Chính trị dự chỉnh huấn chính trị, bước vào Chiến dịch Đông Xuân 1953- 1954 tôi được cấp trên chỉ định vào Ban chỉ huy trại tù binh Âu Phi tiền phương của MẶT TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ. Xa trại tù binh sĩ quan Pháp số 1 hơn một năm trời, cấp trên lại điều động tôi trở về Trại số 1 lần thứ ba sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam 1954 được ký kết để chuẩn bị trao trả tù binh sĩ quan cho đối phương. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi đọc mấy dòng chữ của viên quan hai Lơ-đu Giăng Ma-ri thuộc tiểu đoàn Thái số 1 gửi cho tôi trước khi được phóng thích ở Việt Trì ngày 3-9-1954:

“Bị bắt ở Nghĩa Lộ ngày 18-10-1952, trước khi hồi hương, tôi muốn nói lên cử chỉ hào hiệp áp dụng chính sách khoan hồng của ông trưởng trại Kỳ Thu.

Trốn trại ngày 14-6-1953 và bị bắt lại vài ngày san đó, nhờ ông ta, tôi không hề bị dân chúng hoặc lính gác đối xử tàn tệ.

Nhờ có ông, thưa ông Kỳ Thu, ngày hôm nay tôi mới có thể trở về đất nước tôi hoàn toàn mạnh khỏe. Tôi xin cảm ơn ông về điều đó và xin bảo đảm với ông tất cả tấm lòng quý trọng của tôi”.


Quan hai LƠ-ĐU GIĂNG MA-RI2
______________________________________
1. Trích “Bình Ngô Đại Cáo” trang 261 Lịch sử Việt Nam, tập I, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội - 1971.
2. “Fait prisonnier à Nghĩa Lộ le 18-10-1952, je veux avant mon rapatriement, signaler la parfaite facon dont fut appliquée la mesure de clémence par. Monsieur le chef de camp Ki Thu. Évadé le 14-6-1953 et repris quelques jours après, je n’ai, grâce à lui, subi aucun mauvais traitement de la population ou de la garde.
      Grâce à vous, Mr Ki Thu, je peux aujourd’hui regagner mon pays en bonne santé. Je vous en remercie et vous assure de toute mon estime.” Lt LEDOUX JEAN MARIE

« Sửa lần cuối: 19 Tháng Ba, 2009, 12:09:56 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 12:18:29 pm »


II

BỘ CHỈ HUY PHÁP BẤT LỰC

Bước vào đầu năm 1953, trại tù binh sĩ quan Pháp số 1 là tấm gương phản chiếu rõ rệt sự phá sản của “chiến tranh chớp nhoáng” của địch, sự thiệt hại ngày càng to lớn của Quân đội viễn chinh Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

“Sau bẩy năm chiến tranh Đông Dương, nước Pháp đã liên tiếp có 19 chính phủ thay thế nhau đổ và lần lượt đưa sang Đông Dương năm cao ủy như đô đốc Đắc-giăng-li-ơ, Bô-la-éc, Pi-nhông, Đờ Lát đờ Tát-xi-nhi, Lơ-tuốc-nô, còn tổng tư lệnh thì đã có sáu tướng kế tiếp nhau sau mỗi lần bị bất lợi về quân sự - đó là các danh tướng Lơ-cléc, Va-luy, Ble-đô, Các-păng-chi-ê, Đờ Lát đờ Tát-xi-nhi và Xa-lăng”.

P. Rô-côn “VÌ SAO ĐIỆN BIÊN PHỦ?”1.

Cũng theo ký giả P. Rô-côn thì: “... Cuộc chiến tranh Việt Nam đã giết chết 3 tướng, 3 đại tá, 18 trung tá, 69 thiếu tá, 341 đại úy, 1.140 trung úy, và thiếu úy, 2.683 hạ sĩ quan và 6.008 lính Pháp, 12.019 lính Lê dương và lính Phi, 14. 093 lính bản xứ, chưa kể mất tích trên 20.000 và 100.000 bị thương. Tiền phí tổn đã lên tới 535 tỷ frăng năm 1952 so với 27 tỷ năm 1946”2.

Tất nhiên những con số thống kê trên đây của P. Rô-côn còn chưa đầy đủ nhưng cũng phác họa bức tranh ảm đạm về số phận cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” ở Việt Nam.

Từ Trại tù binh số 1, trong rừng sâu Việt Bắc các sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp thuộc các binh chủng đã cất cao tiếng nói vạch trần một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất bại thảm hại của chúng trên các chiến trường.

Trích “TIẾNG NÓI TÙ BINH”3


PHẦN THỨ NHẤT
NHỮNG ĐIỀU CHÚNG TÔI ĐÃ TRÔNG THẤY

Những bằng chứng của chúng tôi được soạn thảo với tất cả sự tự do về tinh thần và với lương tâm: những bằng chứng đó là những chứng cứ. Chúng được phân chia và hoàn chỉnh cho nhau. Tất cả đều đi đến kết luận giống nhau.

I – BỘ TỔNG CHỈ HUY QUÂN ĐỘI VIỄN CHINH PHÁP Ở VIỄN ĐÔNG RỜI RẠC, KỂ CẢ BẤT LỰC, VÀ HỌ BỎ RƠI QUÂN ĐỘI

Chiến thắng mới đây của Quân đội Nhân dân Việt Nam ở Tây Bắc làm chúng tôi nhớ lại sự thất bại to lớn của Quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông trên đường số 4 tháng 10-1950. Người ta nhớ lại sự sụp đổ của đồn Đông Khê ngày 18-9-1950, sau đó bắt đầu từ ngày 1-10 là những cuộc hành quân của “Binh đoàn Lơ-pa-giơ” nhằm chiếm lại Đông Khê và cho phép cuộc rút quân đội ở Cao Bằng (“Binh đoàn Sác tông”). Hậu quả là sự bỏ rơi Lạng Sơn và vùng biên giới của đạo quân viễn chinh đã biến thành thảm họa.

Ai là những kẻ chịu trách nhiệm về tai họa đó đã làm tổn thất biết bao nhiêu sinh mạng con người?

Anh bạn Đơ-vô chúng tôi, quan ba, thuộc tiểu đoàn dù Lê dương thứ nhất (1er BEP) trả lời câu hỏi đó:

“… Nói gì về sự rời rạc của Bộ chỉ huy Pháp?

Những sự việc tự chúng nói lên điều đó. Những ví dụ thì có nhiều, chỉ cần nhắc lại một cách vắn tắt.

Tháng 5-1950, đồn Đông Khê do ba đại đội chiếm giữ, bị quân đội Việt Nam đánh chiếm. Bốn tháng sau, đồn đó được chiếm lại, chỉ còn có hai đại đội bảo vệ. Trong thời gian đó không có một biện pháp nào được tiến hành để tăng cường sự phòng thủ.

Khi cuộc tiến công thứ hai nổ ra vào tháng 9-1950, tướng A-le-xăng-dri đang ở Pháp nghỉ ngơi. Ông ta giao quyền chỉ huy cho một vị tướng rất mỏi mệt
4 mà sự bất lực thì ai cũng biết. Người ta phủ nhận sức mạnh và kinh nghiệm của quân đội Việt Nam. Người ta không thèm đếm xỉa đến những tin tức tình báo nói rằng 20.000 quân Việt Nam có mặt giữa Cao Bằng và Thất Khê.

Sáng chủ nhật 17-9, ở ban thanh mưu “Khu vực Tác chiến Bắc Kỳ” (Z.O.T.), tôi nghe thấy viên quan tư Phuốc-ni-ê, trưởng phòng ba, tỏ ý nghi ngờ về sự xác thực của con số, những người bị thương ở Đông Khê. Còn viên tướng tạm quyền chỉ huy thì ông ta rất dao động và nhắc lại nhiều lần: “Thế mà A-le-xăng-đri đã khẳng định với tôi rằng sẽ không có điều gì xảy ra...”

_____________________________________
1, 2. Theo TIẾNG SẤM ĐIỆN BIÊN PHỦ, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Việt Nam, Hà Nội -1984.
3. Nguyên văn tiếng Pháp: theo tư liệu.
4. Tướng Mác-săng tạm quyền trong lúc tướng A-le-xăng-dri vắng mặt. Chú thích của UBHBHH Trại số 1 (Tác giả).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 12:22:40 pm »


Bằng chứng sau đây của người bạn chúng tôi, Mác-xen Lơ-pa-giơ, trung tá G.T.M, người chỉ huy binh đoàn lừng danh, rất có giá trị:

- “… Tôi nhận lệnh chiếm Đông Khê. Tôi báo cáo hai lần về sự nguy hiểm tiến hành cnộc hành binh đó trong những điều kiện như vậy. Lạng Sơn trả lời: “Chia xẻ sự lo ngại của ông, cuộc hành binh của ông nằm trong khuôn khổ một cuộc hành quân của “Khu vực Tác chiến Bắc Kỳ” (Z.O.T). Tiến binll (!!!) (Ký tên: Công-xtăng, chỉ huy vùng Biên giới)”

… Ngày 2 tháng 10, hồi 15 giờ, tôi nhận bằng thư chuyển chậm, một mệnh lệnh đề ngày 27 tháng 9 báo cho tôi biết quyết định rút quân khỏi Cao Bằng và những thể thức thực hiện. Mệnh lệnh đó, chậm năm ngày, không đếm xỉa gì đến tình hình lúc đó.

… Người ta dự đoán rằng cuộc rút quân đó sẽ gây nên một sự xúc động mạnh mẽ trong dư luận Pháp. Do đó, Bộ chỉ huy đồng thời tiến hành một cuộc hành quân ngoạn mục lên Thái Nguyên, người ta muốn đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng rộng rãi bằng một thắng lợi vang dội hơn là làm tan máu vùng Biên giới. Sự chiếm đóng Thái Nguyên được loan báo bằng đầu đề chữ lớn ở trang nhất các báo, sẽ giúp luồn vào trang bốn một thông báo vắn tắt báo tin “Sự rút lui chiến lược” Cao Bằng. Vả lại, sự phân tâm đó không đem lại kết quả nào.

Sau đó không lâu quân đội rút khỏi Thái Nguyên.

Hiển nhiên là trong những cuộc chiền đấu đó, Bộ chỉ huy đã tỏ ra vô tích sự, mỗi binh đoàn hoạt động theo lợi ích của mình, không hề có bất cứ một sự liên lạc hoặc chỉnh đốn nào được thực hiện.

Khuyết điểm khởi đầu đem lại hậu quả nặng nề đã được một viên tướng Việt Nam nhấn mạnh với tôi: “Tại sao lại đi đến Đông Khê? Chúng tôi đã chờ đợi các ông từ lâu ở đó một cách vững vàng.

… Bộ chỉ huy ra những mệnh lệnh áp đặt, hoàn toàn đánh giá thấp đối phương. Họ không liên lại với những người đứng đầu binh đoàn, kể cả trước và trong khi hành quân. Họ chỉ sử dụng những phương tiện không quân để đến bay trên chiến trường và tìm hiểu tình hình”.


Thật là có biết bao nhiêu điều vô lý! Ấy thế mà cũng vẫn những lỗi lầm đó lại tiếp diễn ở Hòa Bình, sau đó ở Nghĩa Lộ: xa rời thực tế, bỏ rơi quân đội, hành động lộn xộn, phân tán phi lý, ngu ngốc và hợm hĩnh!

Bạn Pê-rô, quan hai thầy thuốc, thuộc tiểu đoàn Mường thứ nhất, nói với chúng tôi:

“… 14 tháng 11 năm 1951 - 23 tháng 2 năm 1952: hai ngày tháng mà các binh sĩ ở Hòa Bình khó mà quên được! Trong khi Ban chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông khoái trá trong sự khoa trương về một thắng lợi dễ dàng thì Quân đội Nhân dân Việt Nam với quyết tâm về điều mà báo chí thế giới phải gọi là “CUỘC CHIẾN ĐẤU ĐẪM MÁU Ở HÒA BÌNH”. Về phía Quân đội viễn chinh, đó là cảm giác khoan khoái sau khi chiếm được nhanh chóng một phần xứ Mường. Một tờ báo Pa-ri loan tin: “Đến Nô-en tướng đờ Li-na-rét viết cho gia đình từ trong rừng rậm...!

Về phía quân đội, họ không chia xẻ sự lạc quan tếu đó!”.


Hòa Bình đã trả giá đắt. Nhưng người ta không rút ra được bài học.

Chúng ta hãy nghe bạn Ti-ri-ông, chỉ huy tiểu đoàn Thái thứ nhất và phân khu Nghĩa Lộ, nói với chúng ta về chiến dịch Tây Bắc mùa thu năm 1952:

“Mặc dù được báo trước về một cuộc tiến công sắp đến của Việt Nam ở Khu Tự trị Tây Bắc (Z.A.N.O), cơ quan tình báo của Lực lượng bộ binh Bắc Việt (F.T.V.N) đã không biết đánh giá một cách chính xác những phương tiện, những mục tiêu, và những ý đồ của đối phương... do đó, tháng 10 năm 1952, Nghĩa Lộ đã bị bỏ rơi chính nó. Không có một sự tiếp viện nào được dự kiến. Nhưng vào đêm trước cuộc tiến công, một tiểu đoàn - đó là tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 - đã được thả dù xuống Tú Lệ vào một nơi mà nó không thể nào giúp vào việc phòng thủ Nghĩa Lộ, cách xa 40 ki-lô-mét.

Những binh đoàn cơ động (G.M) mà người ta đã từ chối cho Phân khu Nghĩa Lộ sử dụng thì vài ngày sau được ném một cách hào phóng vào trận đánh khi sân bay Nà Sản bị đe dọa mà sự đổ vỡ có thể sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của Bộ chỉ huy.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM