Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:59:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khép lại quá khứ đau thương  (Đọc 41299 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 11:15:33 pm »


PHẦN I
NHỮNG CẢM TƯỞNG BAN ĐẦU

Những ngày đầu tiên sau khi chúng tôi bị bắt làm tù binh là một sự phát hiện và nhiều người trong chúng tôi, nếu không phải là tất cả, đã sớm xem xét lại sự đánh giá của họ về cuộc kháng chiến Việt Nam. Trong cuộc chiến đấu đặc biệt ác liệt và tàn khốc ở Đông Khê (17 tháng chiến 1950), sau đó, vài tuần lễ sau, trong trận chiến đấu đẫm máu rút khỏi đồn binh Cao Bằng (3-7 tháng Mười 1950), nhiều lần chúng tôi đã có dịp đánh giá đạo quân non trẻ và dũng cảm đó. Cho đến lúc đó chúng tôi cho rằng “Việt Minh” (trước kia chúng tôi gọi như vậy) là một nhóm phiến loạn trang bị tồi, tổ chức tồi, chỉ huy tồi. Tuy nhiên, một vài cuộc đụng độ đã gây bất lợi cho chúng tôi trong những tháng trước đó (đánh chiếm Đông Khê lần đầu tiên từ ngày 25-27 tháng năm 1950 - đánh chiếm Phố Lu ngày 14-2-1950) đã làm chúng tôi choáng váng. Sự thất thủ Lạng Sơn (19-12-1950), hậu quả của sự tiêu diệt hoặc đa số quân đội Pháp trong những cuộc chiến đấu trước đó bị bắt làm tù binh, là một bằng chứng hùng hồn của lòng dũng cảm và tinh thần chiến đấu cao của đối phương.

Với tinh thần ngưỡng mộ về mặt quân sự mà chúng tôi cảm thấy đối với những người chiến thắng ngay từ buổi đầu bị bắt làm tù binh, chúng tôi còn cảm thấy tiếp theo là tinh thần nhân đạo, lòng biết ơn. Là những sĩ quan thua trận, không được thông tin đầy đủ về sự đối xử với tù binh của Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi cứ tưởng rằng sẽ không được kẻ thù của chúng tôi khoan dung. Chúng tôi lo sợ về số phận buồn thảm đang chờ đợi chúng tôi. Chúng tôi đã hình dung sẽ bị đem ra xử bắn hàng loạt hoặc một cái chết từ từ trong một khu rừng rậm xa xôi nào đó mà tất cả những người thân thích của chúng tôi không hề hay biết, đối với họ chúng tôi sẽ trở thành những người “mất tích” vĩnh viễn theo điện tín chính thức.

Vậy mà những thương binh chúng tôi đã được chăm sóc ngay lập tức, và trong một số trường hợp được các binh sĩ Việt Nam hoặc dân thường khiêng đến tận trạm cấp cứu gần nhất, do đó mà người đứng đầu tiểu đoàn Xơ-grê-tanh, chỉ huy tiểu đoàn dù lê dương thứ nhất
(1er BEP) đã được phụ nữ khiêng cáng đến Đông Khê, ở đó ông ta đã tắt thở vì những vết thương. Trong đêm 10 tháng mười, khoảng nửa đêm, dưới ánh sáng của những cây đuốc, một trung đội Việt Nam có vũ trang đã bồng súng chào khi chôn cất trong cảnh đổ nát còn đang bốc khói của đồn binh. Những thương binh nặng nhất được trao trả ở Thất Khê trong một cuộc hội kiến do chính những người Việt Nam đề nghị và họ đã được di tản bằng máy bay về Hà Nội. Những cán bộ, trong số đó có trung úy Phôn-cơ thuộc tiểu đoàn dù Lê dương thứ nhất (1er BEP), trung úy Đơ-ni-ét thuộc lực lượng lính dõng, cả hai đều bị thương nặng đã được trao trả dưới sự bảo trợ của Hồng thập tự Pháp. Trung úy Đơ-ni-ét, trưởng đồn cũ Cò Thuột năm 1949 đã được trao trả vì đặc biệt có sự can thiệp của một vị chỉ huy Việt Nam với lý do người sĩ quan này đã đối xử tốt đối với dân chúng dưới sự bảo hộ của ông ta. Ví dụ nổi bật này chứng tỏ với chúng tôi các cán bộ Việt Nam đã biết phân biệt trong chúng tôi những người, mặc dầu tuân theo kỷ luật nhà binh, mà vẫn giữ được lòng nhân đạo. Trước khi gặp các đại diện Hồng thập tự, bộ chỉ huy Việt Nam đã quan tâm cho chúng tôi viết thư về cho gia đình để họ yên tâm về số phận của chúng tôi. Một vài trường hợp đặc biệt còn được gửi các bức điện tín mà các đài Việt Nam lập tức chuyển đi ngay. Bị bắt làm tù binh ngày 7 tháng mười, nhiều người trong số chúng tôi đã nhận được tin tức gia đình trước ngày 30 của tháng đó.

Lấy ở những suất ăn của chính mình các binh sĩ Việt Nam đã chia xẻ một cách tự phát cho chúng tôi những nắm cơm của họ. Cử chỉ đó có giá trị biết bao khi người ta biết rằng trong 15 ngày chiến đấu liên tục, những binh sĩ đó đã phải chiến đấu mà thường không có thời gian để nhận thực phẩm của họ.

Sự mến khách đáng cảm kích và thân mật mà dân chúng dành cho chúng tôi ngay sau khi bị bắt đã khiến lòng ngờ vực của chúng tôi, những người được thông tin một cách sai lạc, hết sức bối rối. Những nỗi lo sợ của chúng tôi bắt đầu tiêu tan nhường chỗ cho một tình cảm biết ơn sâu sắc trước sự đón tiếp nhân đạo và độ lượng mà các chiến sĩ đã dành cho chúng tôi. Bằng chứng là hai người bạn, đại úy Ghi-đông và trung úy Rây-ni-ê, cả hai thuộc trung đoàn bộ binh Ma-rốc thứ 8
(8ème RTM) sau khi bị bắt ở cửa ngõ Thất Khê, đã được một vị chỉ huy tiểu đoàn Việt Nam đãi họ một bữa ăn khá thịnh soạn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 11:23:01 pm »


PHẦN II
ĐỜI SỐNG CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM
NHƯ CHÚNG TÔI ĐÃ TRÔNG THẤY


Xứ Thổ1, một tỉnh miền Bắc Việt Nam, nơi chúng tôi đã sống gần hai năm, là một vùng đặc biệt nghèo khổ. Nhiều thung lũng nhỏ thường là rất hẹp luồn qua một cách khó khăn giữa vô vàn rặng núi đá vôi. Ở đó đất canh tác rất hiếm. Dân quê sống tập hợp trong các bản nhỏ. Lúa gạo trồng trọt không đủ nuôi sống dân cư. Mỗi năm vào thời kỳ giáp hạt, thường thường người nông dân phải ăn ngô trong ba, bốn tháng. Sự nghèo khổ đó chủ yếu là kết quả của 80 năm thục dân hóa, thời kỳ mà không có gì được tiến hành để khai thác vùng này, tăng gia sản xuất, cải thiện những điều kiện sinh sống của nhân dân, đó là thời kỳ đen tối đối với người nông dân! Bị bóc lột không thương tiếc, chịu sưu cao thuế nặng, họ làm việc không ngơi nghỉ trong suốt mười hai tháng ròng để cuối cùng bị trưng thu phần lớn thóc gạo thu hoạch được. Cứ ba năm một lần nạn đói đã cướp đi nhiều sinh mạng con người trong số dân chúng hiền hòa và siêng năng đó. Ngoài ra, dân chúng còn cung cấp nhân công hoàn toàn cần thiết cho việc xây dựng các con đường chiến lược, những con dường này đã cho phép những nhà cai trị người Pháp kiểm soát có hiệu quả cũng như làm thuận lợi cho việc khai thác một cách vô liêm sỉ trong vùng. Hơn nữa, nạn mù chữ hoàn toàn ngự trị ở các địa phương bị tước đoạt này…


QUAN HỆ VỚI DÂN CHÚNG

Quan hệ của chúng tôi với dân chúng luôn luôn rất thân mật. Không bao giờ dân chúng có biểu hiện thù hận gì đối với chúng tôi. Trái lại, ở khắp mọi nơi người dân đã đón tiếp chúng tôi như những người bạn, cho chúng tôi ở dưới mái nhà của họ, cho chúng tôi sử dụng phần lớn căn nhà của họ, chiếu cho chúng tôi ngủ, không nói bếp mà đôi khi chúng tôi hâm nóng thức ăn. Mến khách, họ chăm sóc đặc biệt đối với khách ngoại lai đã trở thành người bạn của họ.

Bây giờ biết nói gì về người nông dân Việt Nam đó, trong khi máy bay phá hoại thường luôn luôn bay trên ngôi nhà khốn khổ của họ, đã tiếp nhận dưới mái nhà mình người anh em chiến đấu của viên phi công nọ sẵn sàng gieo rắc sự đổ nát và tang tóc. Tuy nhiên người nông dân đó đã không nghiến răng, nắm chặt hai bàn tay, không xua đuổi người khách của họ. Họ tự nguyện chấp nhận người khách đó. Họ luôn luôn chứng tỏ với chúng tôi sự thiện cảm và độ lượng của họ: cái tẩu mà họ nhồi đầy thuốc buổi tối bên bếp lửa, một nhúm muối, bát cơm họ cho chúng tôi ăn, biết bao nhiêu kỷ niệm êm ái ám ảnh tâm trí bất cứ người nào trong số chúng tôi. Nô-en 1951, dân chúng đã tham gia tích cực chuẩn bị cho ngày lễ của chúng tôi, tặng chúng tôi nhiều quà (bánh tráng) Các thiếu nhi đã biểu diễn một số điệu nhảy dân gian và những lời ca của các em đã giúp chúng tôi vui hưởng ngày lễ đó một cách êm đềm.

Nhưng cũng có những việc làm tăm tối nhà dân chúng không tiếc sức mình. Cho đến một giờ đã khuya, vì chúng tôi, họ đã nhiều lần xay thóc cho chúng tôi ăn ngày hôm sau; nhờ họ, một số bạn chúng tôi đã nhận được vào ngày 1 tháng tư 1951, những kiện hàng mà họ đã phải chuyên chở theo chặng từ vùng có chiến sự.

______________________________________
1. Miền giáp biên giới Trung Quốc chạy dài từ Đình Lập ở phía Đông đến các vùng lân cận Hà Giang ở phía Tây. Do người Việt Nam nói tiếng thổ ngữ đệm tiếng Thái. (Chú thích của U.B.H.B.H.H Trại số 1 - Tác giả).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 11:25:09 pm »


QUAN HỆ VỚI LÍNH GÁC

Thường xuyên tiếp xúc với dân chúng, người tù binh cũng thường xuyên tiếp xúc với các binh sĩ Việt Nam chịu trách nhiệm bảo đảm sự giám sát nơi đóng trại của chúng tôi.

Xin các bạn đừng tưởng tượng đến một khu đất rộng khép kín bởi kẽm gai có những chòi canh chấn ngự, mà thật sự đó là một bản làng chỉ có vài lính canh ở xung quanh, bản làng đó - nói thì quá đáng - là trại của chúng tôi.

Mặc dầu luôn luôn sống giữa chúng tôi, trung đội Việt Nam luôn luôn bảo đảm một sự canh gác kín đáo. Họ có mặt khắp nơi, tuy vậy đối với chúng tôi những tù binh, ho không phải là sự ám ảnh thật sự. Mỗi buổi sáng lính gác có mặt trong buổi tập hợp của chúng tôi và sau đó cùng đi với chúng tôi thực hiện một số công việc hoàn toàn do chính nhu cầu của chúng tôi đòi hỏi như kiến củi hoặc lấy gạo. Suốt dọc những con đường đi và về, nhiều lần lính gác đã tỏ rõ sự độ lượng của họ đối với chúng tôi. Có ai trong số chúng tôi không trông thấy một người lính gác làm giảm nhẹ bó củi của một người bạn mệt mỏi và đưa họ trở về trại! Và người hạ sĩ quan Việt Nam nọ trong một cuộc chuyển trại xa đã tháo đôi dép của mình đưa cho một tù binh đi chân đất khó nhọc trên đường cái. Cùng với lính bảo vệ chúng tôi đã quét dọn những bản làng chúng tôi ở và ngày mùa đến, chúng tôi cùng giúp đỡ dân cấy lúa. Cùng với lính bảo vệ, chúng tôi thi đua trồng trọt trong những khu vườn rau của chúng tôi, hoặc hơn thế nữa, trong những cuộc thi thể thao mà chúng tôi tổ chức một số ngày chủ nhật. Nếu ông trưởng trại luôn giành thắng lợi trong cuộc thi nhảy cao thì đội bóng chuyền chúng tôi thường không bao giờ bị đánh bại. Những câu hát và điệu múa chung làm sôi động tất cả những buổi diễn kịch của chúng tôi. Tuân theo nghiêm chỉnh mệnh lệnh của người lính gác, giữ gìn kỷ luật tự giác của con người đối với con người chứ không phải của người lính gác đối với nô lệ, người tù binh trở thành người đồng hành với người lính Việt Nam và sẽ là người bạn tốt nhất của họ sau này.



QUAN HỆ VỚI CÁC CÁN BỘ

Những quan hệ với các nhà chức trách của trại vào thời kỳ đầu chúng tôi bị bắt làm tù binh rất thưa thớt và nói chung bó hẹp trong việc hỏi cung các bạn. Một ủy ban quân sự Việt Nam đến trại vào tháng chín 1951 có kết quả tốt đẹp là cải thiện đáng kể đời sống vật chất của chúng tôi và một sự thay đổi rõ rệt trong mối quan hệ với các cán bộ của trại. Ủy ban đó ở lại chỗ chúng tôi gần hai tháng, trong thời gian này những cuộc chiến đấu trên đường số 4 đã được nghiên cứu kỹ càng. Song song với những cuộc nghiên cứu quân sự đó, việc học tập chính trị của chúng tôi được tiến hành dưới sự lãnh đạo sáng suốt của ông ủy viên chính trị của chúng tôi.

Dù trong các cuộc nói chuyện buổi chiều hoặc buổi tối trước khi đi ngủ hàng ngày, thường xuyên ông trưởng trại đến ngồi một cách giản dị trong nhóm chúng tôi để nghe, đính chính hoặc điều khiển những cuộc tranh luận. Lòng tin cậy đã khiến chúng tôi trong lễ Nô-en 1951 mời ông trưởng trại và những người cộng sự của ông ta chủ tọa bữa ăn của chúng tôi với sự thành tâm hoàn toàn. Ngày 1 tháng Giêng năm 1952 một đoàn đại biểu của chúng tôi đã được mời đáp lại đến dự bữa ăn với ông chỉ huy trại.

Sự thụ giáo phê bình và tự phê bình mới đây của chúng tôi trong khuôn khổ kỷ luật tự giác đã đem lại cho chúng tôi một quan niệm mới về dân chủ và sự phục tùng. Tấm gương tuyệt vời là một cán bộ Việt Nam có khuyết điểm đã tự phê bình trước binh lính và tù binh tập hợp. Những sự ăn cắp của chúng tôi đối với dân thưa dần trong khi đó chúng tôi giúp dân ngày càng nhiều. Từ đó tù binh tự nguyện giúp dân bất kỳ như đi lấy nước ở sông, xay cối thóc hoặc cắt cỏ cho gia súc. Theo gương các cán bộ đặc biệt đề cao giá trị của lao động chân tay trước mắt chúng tôi, vào thời kỳ canh tác, người ta thấy tù binh và binh lính, dẫn đầu là người chỉ huy của họ, gánh những thúng phân bón ruộng đến những cánh đồng nông dân đang hối hả làm việc.

Như vậy, hàng ngày chúng tôi cố gắng thực hiện những lời khuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một bức thư của Người: “Hãy giữ kỷ luật” - “Hãy tỏ ra có ích” - “Hãy giữ gìn sức khỏe”.

Sức khỏe của chúng tôi luôn luôn là mối quan tâm của các cán bộ ngay từ tháng 9-51 đã đòi hỏi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh. Những người ốm của chúng tôi là đối tượng đặc biệt của họ. Chú ý đến lòng mong muốn của chúng tôi về ăn uống, tháng hai năm 1952 sự độc lập về kinh tế của chúng tôi đã được quyết định. Từ ngày đó chúng tôi có thể quản lý hoàn toàn bữa ăn hàng ngày của chúng tôi và tự chúng tôi mua bán trực tiếp ở các chợ trong vùng...

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 11:29:53 pm »


KẾT LUẬN

Nếu những trang này không phải là công việc của những con người tự do, chúng tôi là tù binh, thì chúng cũng không phải được viết bởi những con người nô lệ dưới sự đe dọa hoặc dưới một sức ép bên ngoài nào đó. Như chúng tôi đã nói chúng là một bằng chứng của những người anh em còn là “viễn ảnh” của nhân dân Việt Nam, muốn làm cho mọi người biết rõ sự thật, với niềm hy vọng cùng một lúc phục vụ nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp. Chúng tôi mong rằng những trang viết đó sẽ là một trong những hành động xứng đáng nối tiếp với những hành động khác, cuối cùng sẽ biến thành “thật sự” tư cách của danh hiệu anh em mà nhân dân Việt Nam muốn dành cho chúng tôi.

Là những người khách bắt buộc của một quốc gia dân chủ non trẻ, trong khi tiếp xúc với dân chúng và binh sĩ, chúng tôi đã được biết những lợi ích của chế độ của quốc gia đó. San đó chúng tôi đã đánh giá những lợi ích đó bằng cách tổ chức dưới hình thức dân chủ đời sống của chúng tôi ở trại. Chính trong hoàn cảnh mới đó đã làm thuận lợi cho sự học tập chính trị của chúng tôi, chúng tôi đã được giác ngộ về những lỗi lầm đã qua của chúng tôi và tiếp nhập một lý tưởng mới, lý tưởng hòa bình. Cũng trong hoàn cảnh mới đó những người lính canh gác và nhân dân Việt Nam đã làm chúng tôi hiểu rõ chính sách khoan hồng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng và quân đội đó, nhân dân đó đang phải chịu đựng những sự rùng rợn của chiến tranh, mặc dầu máu còn đang chảy, đã chìa tay cho chúng tôi sau khi đã khoan hồng. Chỉ riêng cử chỉ đó mà chúng tôi sẽ không bao giờ quên, cũng đủ chứng thực tấm lòng biết ơn của chúng tôi đối với Chủ tịch và nhân dân của Người.

Sống gần gũi với nhau trong sự thắt chặt những mối dây liên kết, chúng tôi đã ý thức được sức mạnh mới của chúng tôi. Chúng tôi đã trở thành những con người tốt hơn muốn tranh đấu cho hạnh phúc và nền độc lập của các dân tộc. Được học tập về những vấn đề quốc tế lớn, dẹp bỏ những thành kiến của chúng tôi chống lại các nước dân chủ, đi theo con đường của lý trí chúng tôi đã chọn phe các chiến sỹ hòa bình.

Lần lượt được sống ở hai bên chiến lũy, có thể xét đoán được cả hai phía đối diện, chúng tôi có thể khẳng định thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về ai. Một mặt những kẻ tán thành tên bù nhìn Bảo Đại lệ thuộc vào phe Pháp – Mỹ, không có một chút tinh thần quốc gia chân chính nào, đang chiến đấu để bảo vệ những lợi ích vật chất bỉ ổi. Mặt khác nước Việt Nam tự do dưới sự lãnh đạo của vị lãnh tụ của mình đang chiến đấu quên mình cho nền độc lập dân tộc. Công lý sẽ thuộc về những người này, họ thực sự là biểu tượng của Dân tộc Việt Nam, thắng lợi sẽ thuộc về họ bởi vì sự nghiệp của họ là chính nghĩa và lực lượng của họ mỗi ngày một tăng lên. Họ tin tưởng ở thắng lợi của cuộc đấu tranh của họ sẽ nở hoa kết trái với những sự hy sinh đẫm máu của họ. Chúng tôi chia xẻ lòng tin của họ. Từ nay con đường chúng tôi đi đã được vạch rõ; dù chúng tôi đi theo con đường đó trên đất nước Việt Nam, hoặc ngày mai trên đất Pháp, những chặng đi lần lượt của chúng tôi sẽ là:


HÒA BÌNH Ở VIỆT NAM
HỒI HƯƠNG QUÂN ĐỘI VIỄN CHINH PHÁP Ở VIỄN ĐÔNG

và chúng tôi sẽ ghi ở chính diện hành đông của chúng tôi mục tiêu chung cho tất cả những người có thiện chí:

HÒA BÌNH VÀ TỰ DO CHO TẤT CẢ CÁC DÂN TỘC1
______________________________________
1. Tiếp theo bên dưới cuốn sách nhỏ là chữ ký của 79 tù binh sĩ quan và hạ sĩ quan còn lại ở Trại số 1 - Cao Bằng, trong đó có chữ ký của viên quan tư Ác-nô Ăng-đrê (8ème RTM) và hai viên quan năm Sác-tông Pi-e (3ème REI), Lơ-pa-giơ Mác-xen (GTM). Hai đoàn tù binh sĩ quan Pháp: “Đoàn Nô-en” 1951 (9 tù binh), đoàn “14-7” 1952 (18 tù binh) đã được phóng thích.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 11:32:42 pm »


II


CÁC NHÀ CHỨC TRÁCH VIỆT NAM ĐÃ LÀM TẤT CẢ ĐỂ GIÚP CHÚNG TÔI CHỐNG LẠI ẢNH HƯỞNG CỦA KHÍ HẬU KHẮC NGHIỆT


(Quan hai Giô-be Giắc
trung đoàn bộ binh Ma-rôc số 8 ).

Sau khi chuyển trại từ Trùng Khánh (Cao Bằng) về huyện Nà Hàng (Tuyên Quang), đời sống của tù binh sĩ quan Pháp được miêu tả dưới các góc độ khác nhau (Trích TIẾNG NÓI TÙ BINH)

Dưới con mắt của viên quan ba Pi-e Pi-ca (BMTS số 24):

- “Ở đây, không có gì giống trại tù binh cổ điển, cái “lồng” kẽm gai có những chòi canh bảo vệ, bao quanh bởi con đường tuần tra. Chúng tôi ở một làng Việt Nam yên bình với những căn nhà sàn lợp rơm hoặc lá cọ, với những cây chuối, gà, vịt, lợn, trâu. Chúng tôi trông ra những đồng ruộng êm đềm lần lượt ngả màu vàng, xanh, nâu, ngập lụt tùy theo mùa. Chúng tôi được phân công theo nhóm khoảng mười hai người, ở hoặc với dân, hoặc trong những căn nhà gỗ mà chúng tôi xây dựng.

Mời bạn vào: Bạn sẽ thấy giường tre của chúng tôi, nằm ngày càng êm với thói quen, những bọc quần áo giản dị của chúng tôi xếp trên những cái giá, cái bàn chúng tôi ăn cơm, ngồi viết, cái bếp chúng tôi ngồi xung quanh chuyện trò buổi tối, trước ngọn lửa hồng mùa đông, và mùa hè trước vài cục than hồng để châm tẩu thuốc. Thuốc lá chúng tôi trồng và thu hoạch, khô trên đầu chúng tôi. Màn của chúng tôi được căng cẩn thận.

Chúng tôi dạy vào lúc trời sáng. Vài người dè sẻn hâm lại cơm bữa tối hôm trước. Người “phụ trách” nhóm đánh thức những kẻ lười biếng, người phụ trách đó giữ một vai trò quan trọng. Anh ta được các thành viên của nhóm và ban chỉ huy Việt Nam tin cậy. Anh ta chăm lo cho cái tập thể nhỏ hoạt động tốt, điều khiển những cuộc thảo luận, nêu gương kỷ luật và vui tươi.

Buổi sáng được dành cho công việc chân tay. Người phụ trách tổ chức lao động được tất cả các bạn bầu lên, phân phối công việc. Chúng tôi đến kho lân cận lấy gạo chúng tôi ăn, hoặc đi chợ mua rau. Có những đội xây mới hoặc sửa sang nhà ở của chúng tôi. Một số giúp đỡ dân. Những nhà chuyên môn: nấu bếp, thợ cạo, thầy thuốc, đến nơi làm việc. Những anh chàng “võ biền” không nấu chín được cơm cũng như dựng được sườn nhà thì chuyên khuân vác, đôi khi khá vất vả vì đường trơn sau mưa. Hai hoặc ba giờ hoạt dộng hàng ngày duy trì sức khỏe cho chúng tôi và giúp chúng tôi cải thiện đời sống vật chất.

Mỗi nhóm có vườn của nhóm, trong vườn dựng sát bên nhau những rào cà chua, đậu quả và những gốc thuốc lá qúy. Một khu vườn lớn của tập thể cho chúng tôi rau và ngô để vỗ béo một số gà vịt. Cuối buổi sáng, tất cả có mặt trên sông chảy ở phía dưới 100 mét. Tắm mát khiến chúng tôi ăn ngon cơm hai bữa một ngày với rau và đôi khi với thịt lợn hoặc cá. Không một ai trong chúng tôi có thể tưởng tượng trước khi là tù binh rằng một con người có thể bằng lòng với sự ăn uống chỉ có thế. Nhưng đó là một thực tế: Sức khỏe của chúng tôi tốt và sự suy nhược là do muỗi, giun xán, khí hậu, chứ không bao giờ do ăn uống. Chất lượng ăn uống tất nhiên thay đổi từng vùng, theo từng thời kỳ trong năm, nhưng bao giờ chúng tôi cũng được hưởng cùng chế độ với cán bộ và chiến sĩ Việt Nam ở trại. 1.200 gam gạo một ngày, trong đó 400 gam đổi thành rau hoặc thịt. Những ngày lễ là dịp cải thiện những bữa ăn rất nhiều, tôi nhớ thực đơn Nô-en 1951 gồm có: Pa-tê dã chiến - củ cải muối - thịt lợn quay - đậu quả xào mỡ - canh miến - khoai lang nấu - trái cây - bánh mì - nước chè. Có đôi khi, trước mùa gặt, người nông dân cho chúng tôi ở, chỉ ăn ngô trong khi chúng tôi, những tù binh, chúng tôi được ăn cơm gạo.

Gạo đối với chúng tôi là sự phát hiện lớn trong đời tù. Nhưng đó không phải là duy nhất.

Những buổi sáng đã dạy chúng tôi biết kính trọng lao động chân tay. Chúng tôi hiểu rõ hơn câu nói: “Lao động để kiếm sống”. Chúng tôi hiểu rõ hơn giá trị của sự đoàn kết, tương trợ, một tổ chức tốt, sự giải quyết chung tất cả những vấn đề do đời sống vật chất của chúng tôi đặt ra. Chúng tôi đánh giá cao sự tự do dành cho chúng tôi trong lĩnh vực này. Ban chỉ huy Việt Nam xác định cho chúng tôi công việc: Chúng tôi tự tổ chức thực hiện.

Những buổi chiều cũng không kém phần có ích. Những buổi nói chuyện của cán bộ Việt Nam, những cuộc thảo luận tự do trong các nhóm, những tài liệu đọc luôn luôn không đáp ứng được sự thèm khát của chúng tôi đã giúp chúng tôi hiểu biết về mặt chính trị những vấn đề có liên quan đến Tổ quốc chúng tôi và trên thế giới”.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 11:35:09 pm »


Viên quan ba thầy thuốc Pi-e Pê-đu-xô thuộc tiểu đoàn dù lê dương thứ nhất viết:

- “Một trong những kinh nghiệm kỳ lạ và bổ ích nhất của đời tù chúng tôi có lẽ là cuộc sống của chúng tôi trong lòng dân thường miền núi Bắc Việt Nam. Câu chuyện về mối quan hệ của chúng tôi với họ đáng được kể lại khá dài như một biểu hiện tuyệt đẹp về sụ hòa hảo với nhau, về lòng độ lượng và sự cao quý của tình dân.

Chúng tôi ở với những người nông dân. Một nơi ở được dành cho chúng tôi buộc gia đình phải thu hẹp lại và câu thúc vì chúng tôi. Ban đầu những tấm ván được dựng lên ngăn cách giữa họ và chúng tôi, sau đó điều đó không còn cần thiết nữa khi chắc chắn rằng giữa chúng tôi thật sự có thể có sự hiểu biết lẫn nhau. Khi chúng tôi đến một làng mới, đàn bà và thiếu nữ hơi lo sợ và giận dữ, chúng tôi cố gắng không làm gì xúc phạm đến phong tục, sự rụt rè và thẹn thùng của họ. Sự giữ gìn tan biến khi họ thấy chúng tôi ẵm trẻ nhỏ chơi đùa. Tôi thường thế một số bạn cõng trẻ trên lưng hoặc trên vai dạo chơi trên lối mòn. Đứa trẻ cười và các bạn cũng cảm thấy sung sướng với niềm hy vọng chẳng bao lâu họ cũng sẽ có thể đặt chính những đứa con của họ nhông trên đầu gối.

Nô-en 1951, ba em gái Việt Nam đến hát cho chúng tôi, giọng trong và mảnh như pha lê. Sau đó, đến cuối buổi chiếu, các em mở một cái làn con bí mật đựng thư từ của gia dình chúng tôi.

Vào dịp lễ Tết 1952, ông chủ nhà đến bảo tôi: “- Bây giờ, trong những ngày Tết tất cả các anh cùng ăn Tết với gia đình tôi”. Chúng tôi ngồi ở góc bếp lửa ba ngày, cầm đầy quà: nào oản, thịt lợn quay, nào bánh ngọt ngộ nghĩnh nhiều hình nhiều vẻ, thuốc lá. Nhưng hơn cả những tặng phẩm vật chất đó, điều làm chúng tôi xúc động, đó là sự tự phát của quà biếu, lòng mong muốn giản dị làm chúng tôi vui lòng, làm chúng tôi quên tình trạng của những kẻ bị cầm tù và cho chúng tôi một chút tình cảm gia đình...”


Viên quan hai Giắc Giô-be thuộc trung đoàn bộ binh Ma-rốc số 8 (RTM.) kể lại:

- “HÃY GIỮ GÌN SỨC KHỎE” Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên chúng tôi. Các nhà chức trách Việt Nam đã làm tất cả để giúp chúng tôi chống lại ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt. Bây giờ chúng tôi đã có thuốc điều trị những bệnh phổ biến nhất (sốt rét và kiết lỵ). Phòng bệnh chống sốt rét rừng, kết hợp với giữ gìn vệ sinh nghiêm túc là vũ khí có hiệu quả nhất chống lại những sự tiến công của mùa nóng. Kết quả của những cố gắng đó là đã giải quyết được hầu hết những bệnh hiểm nghèo chúng tôi đã mắc trong năm đầu bị bắt làm tù binh và có một số đã là những nạn nhân. Một người bạn thầy thuốc của chúng tôi được các nhà chức trách của trại hết sức tín nhiệm. Anh ta làm việc rất hòa hợp với một y tá Việt Nam và khi y tá vắng mặt, anh ta chăm sóc cả bộ đội bảo vệ và dân thường.

Mặc dầu hoàn cảnh đôi khi khó khăn, mặc dầu các phương tiện hạn chế, tất cả đã được làm để giữ vững sức knỏe của chúng tôi. Ví dụ tốt nhất chẳng phải là trường hợp anh bạn Béc-tô
(Gióoc-giơ Béc-tô, quan hai, tiểu đoàn dù Lê dương thứ nhất - Tác giả) cách đây mấy tháng bị bệnh viêm gan có xán, tất cả đã được huy động để chữa khỏi bệnh. Trong thời gian ốm, hàng ngày anh ta được ban chỉ huy trại đến thăm, khi bình phục, lính gác chuyên lo tiếp phẩm chạy ngược xuôi kiếm thức ăn được thay đổi luôn và ngon lành giúp anh ta nhanh chóng bình phục.

Vấn đề áo quần cũng có tầm quan trọng của nó. Sau khi bị bắt, phần đông chúng tôi bị rách rưới áo quần. Có được áo quần đối với chúng tôi là một phương tiện để bảo vệ sức khỏe của chúng tôi, chống rét, chống ký sinh trùng, giữ gìn tốt vệ sinh. Cả ở đây, những khó khăn mà các nhà chức trách Việt Nam phải giải quyết là chắc chắn. Tuy nhiên, thời kỳ tổ chức đã qua, chúng tôi được cấp phát áo quần giống như áo quần của lính canh gác. Tất cả chúng tôi không phải đã được cấp phát một bọc áo quần đầy đủ, tuy vậy một áo bơ-lu-dông dạ, một cái chăn, một áo chẽn mềm, bốn bộ áo quần mới do địa phương sản xuất, và một quần đùi thể thao đã được lần lượt phân phối cho chúng tôi bị bắt làm tù binh từ mùa thu năm 1950. Nhờ sự tương trợ trong tập thể chúng tôi, những người ít áo quần nhất cũng có cái mặc.

Phải thừa nhận rằng chúng tôi cảm thấy bứt rứt khi nhận những tặng vật đó trước mặt những người nông dân dũng cảm cho chúng tôi ở. Họ bằng lòng với những áo quần rách rưới, bởi họ dành tất cả cho cuộc Khán chiến sẽ đem lại cho họ nền độc lập xiết bao mong đợi. Đó là lao động cật lực của họ, đó là mồ hôi của họ đã cung cấp cho chúng tôi cái mặc. Chúng tôi biết rõ điều đó và chúng tôi sẽ không quên…”

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 11:36:32 pm »


Viên quan hai Y-vơ đơ La-cơ-roa Vô-boa thuộc tiểu đoàn dù Lê dương thứ nhất, nói thêm:

- “Nếu ban đầu, mối quan hệ giữa lính gác và tù binh căng thẳng thì sau công tác giải thích và cố gắng hiểu biết lẫn nhau của cả hai phía, mối quan hệ đó trở nên rất tốt, thân ái và hữu nghị. Một lối sống giống nhau, những khó khăn tương tự gặp phải trong những cuộc chuyển trại, những ngày lễ mà chúng tôi cùng tổ chức và mời lẫn nhau, đã đoàn kết chúng tôi trên tình anh em.

Chúng tôi trông thấy trong những chuyến tiếp phẩm và chuyển trại những người lính gác làm giảm nhẹ cho những tù binh bị mệt.

Chúng tôi trông thấy một tù binh còn thừa một đôi giầy đã đưa cho một người lính mượn trong một cuộc đi đêm trên một con đường nhiều đá sỏi...

Chúng tôi trông thấy Ban chỉ huy trại nhường con ngựa của mình cho một người bạn chúng tôi vừa bị xái bàn chân...

Chúng tôi trông thấy những cố gắng của lính gác đề làm giảm nhẹ những cuộc di chuyển khá vất vả đó: Những đội tiền phong đi trước bảo đảm việc tiếp phẩm, chuẩn bị nước uống trên đường đi vào những giờ oi bức nhất trong ngày. Những buổi phê bình được tổ chức trước và sau những cuộc di chuyển nhằm mục đích rút kinh nghiệm cuộc đi để sau đó khắc phục những khó khăn trong phạm vi có thể được.

Chúng tôi trông thấy ở một vùng mà sự tiếp phẩm rau và thịt đặc biệt khó khăn, chúng cố gắng của ban quản trị để cung cấp cho chúng tôi trong phạm vi khả năng có thể được của địa phương, những gì bảo đảm đời sống của chúng tôi. Những cố gắng đó, chúng tôi xin ghi nhận và nguyện biết ơn sâu sắc những người tiếp phẩm.

Một sụ việc khác làm chúng tôi xúc động: đó là sự tự do tín ngưỡng đã dành cho chúng tôi. Thái độ của các cán bộ và lính gác đối với những biểu hiện tín ngưỡng tôn giáo của chúng tôi hoàn hảo về mọi mặt. Mặc dầu không thể tổ chức lễ cầu kinh do thiếu bánh và rượu, mọi sự tự do đã dành cho chúng tôi họp mặt những ngày chủ nhật và ngày lễ. Trong những ngày đó chúng tôi cùng nhau đọc những lời cầu nguyện và tưởng nhớ nhũng người thân vắng mặt của chúng tôi. Sự an ủi tinh thần đó không thể sao nhãng được và chúng tôi sung sướng tìm đến nó”.


Và viên quan ba Pi-ca kết luận:

- “Chúng tôi sống như thế đó. Đó là một cuộc sống hà khắc, gian khổ vì xa cách gia đình chúng tôi, gian khổ đôi khi vì những điều kiện vật chất, nhưng giàu về những điều học hỏi được. Nếu buổi tối bạn đến dự một trong những lửa trại của chúng tôi, hoặc một tối diễn kịch, bạn sẽ nghe thấy những tiếng cười của chúng tôi. Khi có thư từ đến, bạn sẽ thấy niềm vui của chúng tôi. Giữa tiếng cười và niềm vui đó, đôi khi có một bóng đen ưu sầu, nhưng như mọi bóng đen - chỉ càng làm nổi bật ánh sáng.

- Lương tri của chúng tôi.
- Sự vững vàng của chúng tôi.
- Lòng tin cậy của chúng tôi”.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 11:39:14 pm »


III
MỘT “SỔ GỬI NGÂN HÀNG” TRONG TRẠI GIAM VIỆT MINH


Từ mùa Xuân 1952 phong trào tăng gia sản xuất được phát động trên quy mô toàn trại để cải thiện đời sống của cán bộ, chiến sĩ và tù binh. Cán bộ, chiến sĩ trại cùng thi đua với tù binh đấy mạnh sản xuất, chỉ dẫn cho tù binh kinh nghiệm trồng cà chua và các loại cây rau khác. Chính quyền và bà con dân bản vui lòng nhường cho trại những khoảnh đất trống làm vườn gần nơi ở để từng kíp tù binh tiện chăm sóc hàng ngày. Kíp nào, tù binh nào thu hoạch bao nhiêu sẽ được hưởng kết quả lao động của mình bấy nhiêu. Cả hai viên quan năm Sác-tông và Lơ-pa-giơ đều hồ hởi tham gia lao động, bởi đó là niềm vui trong những ngày trống vắng. Mặc dầu Trại số 1 di chuyển nhiều lần từ bản nọ đến bản kia trên địa phận huyện Trùng Khánh - Cao Bằng, và từ cuối năm 1952 từ Cao Bằng đến Tuyên Quang (huyện Nà Hang) bên sông Gâm, phong trào tăng gia sản xuất vẫn được cán bộ, chiến sĩ và tù binh sĩ quan duy trì và phát triển. Bởi đó là lợi ích thiết thân của tù binh để cải thiện bữa ăn giữ vững sức khỏe, tiêu khiển và giải trí trong những giờ nhàn rỗi, chờ đợi ngày trở về đoàn tụ với gia đình vợ con.

Ngày nay đọc lại những dòng cảm tưởng của viên quan hai Luy-xiêng Pi-e-ra, tiểu đoàn 2, trung đoàn Lê dương bộ binh thứ hai (2/2ème REI) viết ngày 14-8-1954 ở Tuyên Quang trước ngày được trao trả tự do theo Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, tôi không khỏi hồi hồi nhớ lại cảnh núi rừng hùng vĩ Việt Bắc thân thương. Nơi cán bộ, chiến sĩ Trại tù binh sĩ quan số 1 đã sống trong vòng tay chở che của đồng bào các dân tộc miền núi, đã cùng chúng tôi chia xẻ ngọt bùi, hết lòng giúp chúng tôi thực hiện chính sách khoan hồng đối với tù binh.

Viên quan hai Luy-xiêng Pi-e-ra viết:

“… Ở Trại số 1 chúng tôi bắt dầu làm vườn từ mùa xuân. Chúng tôi hợp thành mỗi ê kíp từ 12 đến15 người... Chúng tôi tự tổ chức với nhau. Những người khỏe hơn chịu trách nhiệm cuốc đất, gánh phân, nước tưới. Những người khác làm những công việc đỡ vất vả hơn nhưng chính xác: cấy cây rau, rẫy cỏ, xới đất, vun đất. Mỗi buổi sáng ngay sau khi thức dậy chúng tôi chạy vội ra vườn bắt sâu và những côn trùng có hại khác. Mỗi buổi chiều chúng tôi tưới từng gốc cây rau với nước trộn phân và tro, và chúng tôi không ngừng mở rộng phần đất trồng trọt. Rau cải của chúng tôi đẹp tuyệt. Ban chỉ huy trại cho chúng tôi biết người quản lý trại có thể mua rau của chúng tôi với giá cao hơn ở chợ...

Vào thời kỳ đó tôi nhận thấy có sự biến đổi trong tôi và một số các bạn khác. Thay vì có tâm trạng của người tù binh tầm thường, với những giờ phút ưu phiền, hoặc chán nản, thờ ơ với cuộc sống, tôi đã trở thành một con người bận rộn, thích thú với công việc chân tay, ngày trở nên quá ngắn để làm mọi việc người ta muốn làm. Buổi tối trước khi đi ngủ chúng tôi trò chuyện như sau. “Cậu có nghĩ trời sẽ mưa không?” – “Cậu thì ngày mai phải đi lấy hai thúng phân đấy.” - “Này các cậu nghĩ gì nếu ta trồng thêm 200 gốc rau nữa” v.v...

Tháng 11 năm 1953, lứa rau đầu tiên giao nộp cho người quản lý. Chúng tôi sung sướng phát rồ. Đêm hôm trước tôi không ngủ được. Trời vừa sáng chúng tôi đã ở ngoài vườn: “Cậu đi tìm cái cân, cậu nhổ gốc rau, cậu đếm và xếp gốc rau vào rổ.” Các bạn khác đến xem chúng tôi làm và thán phục trước những bó rau cải tuyệt đẹp.

Chúng tôi cân gốc cải đẹp nhất: 1 kg 100, đó là một kỷ lục.

Trong vài lần giao nộp chúng tôi nhổ 500 gốc cải mà chúng tôi đã trồng. Hiển nhiên tất cả các gốc cải không được 1.100 kg. Trung bình mỗi gốc cải là 160 kg : 500 = 320 gram.

Chúng tôi bán 120 kg cho người quản lý với giá từ 80 đến 100 đồng một ki-lô. Trong khi ở chợ giá chỉ có 60 đồng. Đó là bằng chứng Ban chỉ huy trại đã giúp đỡ chúng tôi. Bốn mươi ki-lô khác, chúng tôi ăn trộn xà lát, nấu canh và cho các bạn đau yếu.

Số rau còn lại trong vườn tiếp tục mọc. Chúng tôi không thỏa mãn với thành tích đã đạt được và chúng tôi trồng 800 gốc thuốc lá, 120 gốc cà chua, 300 gốc ngô. Tất cả đều mọc rất tốt. Tôi đo một lá thuốc lá đẹp nhất: 85 xăng-ti-mét. Cà chua ra hoa, rồi đâm quả.

Thảm họa rồi! Trại dời đi nơi khác trong hai ngày. Lý do cấp bách chúng tôi không thể chậm trễ. Ban chỉ huy trại làm tất cả những gì có thể được để thu xếp cho chúng tôi. Người quản lý mua của chúng tôi cả cà chua xanh: 20 ki-lô với giá 200 đồng một ki-lô. Chúng tôi vội vã phơi khô lá thuốc.

Và khi chúng tôi dời trại đó với các bạn tôi, tôi mang theo phần riêng cá nhân 1,5 kg thuốc lá và một “Sổ gửi Ngân hàng” ở người quản lý gần 5.000 đồng.

Với số tiền đó tôi đã có thể từ tháng 11-1953 đến tháng 7-1954 mua theo nhu cầu của tôi nào thuốc lá, chuối, nào giấy hút thuốc, giấy viết thư, xà phòng.v.v...

Cùng một lúc chúng tôi phát triển chăn nuôi gà. Cả ở đây chúng tôi cũng được sự giúp đỡ của Ban chỉ huy Việt Nam. Ví dụ ban quản trị cho chúng tôi mượn một số trọng lượng gà, 6 tháng sau chúng tôi trả lại cũng số trọng lượng đó và được giữ lại cho chúng tôi sự chênh lệch trọng lượng. Sau đó chúng tôi cho ấp trứng. Cả ở đây thật là hấp dẫn được chăm sóc và trông thấy gà con lớn lên và trở thành những gà mái và gà trống. Mùa xuân 1954, cùng hợp tác với một bạn, chúng tôi có hai con gà mái và một con gà trống, điều đó giúp chúng tôi được ăn thêm từ hai đến ba quả trứng một tuần lễ.

Một hôm, Ban chỉ huy trại gợt ý với chúng tôi làm một chuồng gà tập thể. Người quản lí đã mua lại của chúng tôi những con gà mái và để lại cho tập thể. Tôi đã bán lại một con gà mái và mua được 1.200 kg thuốc lá. Vào những dịp khác, cùng với các bạn chúng tôi đã ăn những con gà khác bằng cách tổ chức những bữa tiệc nhỏ ra trò; ví dụ: một chủ nhật, họp mặt 15 bạn chúng tôi đã thưởng thức thực đơn sau đây:

- 5 con gà quay

- Cơm và rau của bữa ăn thường ngày

- Đậu đũa và cà tím xào (sản phẩm vườn)

- Cá rán câu ở sông.

Vậy, khi tôi gợi lại tất cả những kỷ niệm làm vườn này tôi chỉ tìm thấy lại trong đó những sự thỏa mãn, những kinh nghiệm, niềm an ủi.

Tóm lại, công việc làm vườn, ở đây tại nước Việt Nam tự do, đối với tôi được cô đúc như sau.

1. Cải thiện, rõ rệt đời sống (không phải ăn uống đã đủ, mà còn có thuốc lá, giấy, hoa quả)

2. Tôi đã khám phá công việc đồng áng, sự cao quý của nó, niềm vui, sự thất vọng, sự kính trọng đối với người nông dân.

3. Trong một thời gian dài trong đời sống cầm tù, tôi đã có được trạng thái của con người tự do, tôi đã sống với những mảnh vườn của tôi, những bận rộn nó gây ra cho tôi, những lợi ích nó đem lại cho tôi…”.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 11:42:46 pm »


CHƯƠNG VI
KHI LƯƠNG TRI THỨC TỈNH



VIỆT MINH Ở KHẮP MỌI NƠI

Viên quan năm Pi-e Sác-tông dạo này tươi tinh hẳn, gặp cán bộ, chiến sĩ đều đứng dậy chào, dù hắn đang làm bất cứ việc gì. Không có gì lạ. Cùng với việc áp dụng chế độ tự quản của tù binh trong trại, tôi đã bãi bỏ chế độ “biệt giam” và ra lệnh “thả” hai viên quan năm Sác-tông và Lơ-pa-giơ.

Trong 18 tháng liền, ngày cũng như đêm có lính canh gác, đi đâu cũng có lính áp giải, viên chỉ huy trưởng Phân Khu Biên thùy II tự trị Cao Bằng đâm ra cáu kỉnh. Hắn chửi số phận rủi ro, chửi Bộ chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp, chửi lính gác không rời hắn một bước chân, nguyền rủa cả cái bản nghèo xơ xác, căn nhà sàn tối tăm - bên trên hắn ở, bên dưới trâu phóng uế và “gãi cột” xua muỗi suốt đêm làm hắn không ngủ được. Ban đầu, hắn đến dự các buổi nghe thời sự hoặc các buổi vui chơi, giải trí cho thư giãn thần kinh, thỉnh thoảng lại đặt những câu hỏi chất vấn bâng quơ với Ban chỉ huy trại. Qua những cử chỉ đó, viên quan năm bề ngoài muốn chứng tỏ cho bọn sĩ quan cấp dưới biết rằng hắn - trung tá Pi-e Sác-tông, không dễ gì “bán mình cho Việt Minh” và cũng ngầm cảnh cáo những “con chiên ghẻ FTP – FFI” , bọn “xu thời”, trong đó có viên quan năm thầy thuốc Tô-mát Đuy-rít, các ủy viên trong Ban thư ký “ỦY BAN HOÀ BÌNH VÀ HỒI HƯƠNG”, các trưởng kíp mà hắn cho đã ngả về phía “Việt Minh”.

Thế mà bây giờ viên quan năm Sác-tông lại niềm nở, tỏ ra lễ độ với lính gác, với giám thị, hàng ngày chăm chỉ tham gia lao động nhẹ, đến trạm xá nấu cháo cho tù binh ốm, quét dọn vệ sinh quanh nhà hoặc trồng vài cây rau trong khu vườn nhỏ. Có một lần giám thị trại đi qua, viên quan năm Sác-tông mời một cách thành thực người giám thị thưởng thức món “xa lát” cùng viên quan năm Lơ-pa-giơ, người bạn ăn cùng bàn. Có trời mới biết ai bày cho hắn làm món rau sam tái trộn với trứng luộc xắt nhỏ chấm muối - rau sam hái trong vườn, còn trứng là suất ăn buổi tối khi không có thịt.

Trả lời câu hỏi của một chiến sĩ bảo vệ, dân tộc Tày, về việc “thả” hai viên quan năm Sác-tông và Lơ-pa-giơ, tôi đáp:

- Mặt trận đã lùi xa, không sợ chúng nó trốn đâu. Anh em canh gác chúng nó cả ngày lẫn đêm, cực quá rồi. Bây giờ không còn cần thiết nữa!

Thấy vẻ mặt không yên tâm của người chiến sĩ trẻ, tôi nói thêm:

- Trưởng kíp có trách nhiệm quản lý hai viên quan năm này. Nội quy của trại đã quy định rõ trưởng kíp phải bảo đảm số lượng tù binh tập hợp điểm danh mỗi buổi sáng và phân công lao động hàng ngày cho chúng nó mà...

Người chiến sĩ bảo vệ, nhoẻn miệng cười, gật đầu nói:

- Thế là bây giờ quan hai, quan ba chỉ huy quan năm à? Ồ, Ban chỉ huy giỏi quá!

Tôi không nói điều tôi suy nghĩ: “Hòa nhập vào cuộc sống tập thể và trong một chừng mực nào đó, cảm thấy mình là “con người tự do”, cùng tham dự những cuộc thảo luận, tranh cãi về những vấn đề thời sự nóng bỏng ở Việt Nam và trên thế giới, hai viên quan năm Sác-tông và Lơ-pa-giơ sẽ suy ngẫm và có ý thức hơn về trách nhiệm công dân của họ...”

Trước đó không lâu, trong một lần đến gặp tôi sau buổi nghe trình bày về “chủ nghĩa thực dân”, viên quan năm Sác-tông vẫn ba hoa về cái gọi là công cuộc “khai hóa văn minh” của thực dân Pháp ở Việt Nam. Nào là mở mang đường quốc lộ, đường xe lửa, cầu cống, đập nước, đê điều, nào là xây dựng nhà đèn, nhà thương, trường học và cả đến những đồn điền cao su, mỏ than, mỏ thiếc v.v… Không cần tranh luận với một tên lính lê dương “nòi” mà cả cuộc đời của hắn sống bằng chiến tranh thuộc địa, quyền lợi của hắn gắn liền với chế độ thực dân, công danh của hắn gắn chặt với đạo quân xâm lược, tôi nói:

- Nếu đúng như anh nói thì từ năm 1886 nhân dân Cao Bằng đã được hưởng lợi ích “khai hóa văn minh” của thực dân Pháp. Còn anh thì được hưởng cái “Pháo đài cổ” Cao Bằng mà anh đã biến nó thành cái chiến lũy “Ma-gi-nô” để bảo vệ công cuộc “khai hóa văn minh” của thực dân Pháp. Bây giờ ở trong tù, anh nguyền rủa dân chúng sống “lạc hậu” cũng có nghĩa anh phủ định cái gọi là công cuộc “khai hóa văn minh” của thực dân Pháp, trong đó có trách nhiệm của cả anh trên đất Cao Bằng.

Thấy viên quan năm vẫn nấn ná ngồi lại, vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ, tôi nói tiếp:

- Hơn 60 năm sống dưới sự cai trị của thực dân Pháp mà anh và các bạn anh đều thấy, nhân dân các dân tộc miền núi Cao Bằng vẫn đói khổ quần áo rách rưới, bữa cơm, bữa cháo, bữa ngô. Những năm mất mùa, dân chúng đào củ rừng ăn. Cao Bằng có khoảng 50-60 vạn dân, đất đai tự nhiên rộng hơn 800.000 héc-ta. Theo công bố của Nha canh nông thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương thì diện tích trồng trọt cả lúa và ngô của tỉnh Cao Bằng ước tính khoảng hơn 17.000 héc-ta, thu hoạch cao nhất 23.000 tấn một năm cả ngô và gạo. Đó là những con số “chết đói” đối với dân chúng Cao Bằng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 11:44:07 pm »


Viên quan năm Sác-tông vẫn im lặng ngồi nghe, điếu thuốc lá lập lòe lửa đỏ trên môi. Tôi nói tiếp, giọng nghiêm khắc:

- Tôi chưa nói nhân dân Cao Bằng sống trong lửa đạn, nhà tan, cửa nát, từ sau chiến dịch Bô-phơ-rê cuối năm 1947. Họ vừa bị cướp bóc vừa bị buộc phải cung cấp lương thực, gia súc, rau tươi cho đạo quân chiếm đóng Pháp. Người ta phát hiện trong chiến lũy “Ma-gi-nô” của anh tích trữ cả trăm ngàn tấn gạo cướp bóc của dân mà anh đã ra lệnh đốt cháy trước khi rút chạy. Bây giờ nhân dân Cao Bằng phải nuôi hàng ngàn tù binh, trong đó có cả anh sau Chiến dịch Biên giới.

Viên quan năm Sác-tông ngồi cựa quậy trên ghế, rồi lắp bắp:

- Thưa ông trưởng trại, tôi chỉ là một quân nhân tuân theo lệnh cấp trên. Tôi không chịu trách nhiệm về lĩnh vực dân sự, như mở mang canh nông...

Tôi đột ngột hỏi Sác-tông:

- Anh đã đến thác Bản Giốc rồi chứ? Thác Bản Giốc cách huyện lỵ Trùng Khánh, nơi các anh đang ở khoảng 26 ki-lô-mét về phía đông bắc giáp biên giới Việt-Trung. Ở gần đó có một đồn binh cũ của thực dân Pháp nay bỏ phế hoang tàn. Tháng trước ông trưởng thôn đã dẫn tôi đến thăm thác Bản Giốc, một thắng cảnh đẹp của đất Cao Bằng...

Nói đến đây trước mắt tôi hiện ra một cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ mà ai đến đó một lần cũng khó quên. Tôi đã hưởng trọn vẹn một buổi nghỉ ngơi thoải mái bên thác Bản Giốc với cơm nắm, muối vừng đem theo. Từ xa đã nghe tiếng thác đổ ào ào, đến gần từ trên cao hàng chục mét một dòng sông bắt nguồn từ Trung Quốc đổ xuống hạ lưu ba dòng thác khổng lồ trắng xóa. Dưới ánh nắng mặt trời, cảnh vật trở nên vừa hùng vĩ vừa thơ mộng với những cánh rừng bát ngát núi non chập trùng, những đám mây trắng bồng bềnh trôi trên một khoảng trời xanh thẳm khiến tôi trong phút chốc hầu như quên cả chiến tranh!

Tôi nói tiếp với viên quan năm Sác-tông:

- Từ lâu thực dân Pháp đã quảng cáo thác Bản Giốc là một điểm du lịch hấp dẫn của Cao Bằng. Nhưng ai được hưởng cảnh đẹp này? Chắc chắn không phải dân chúng Cao Bằng!

Viên quan năm Sác-tông bỗng thốt lên một cách thành thực:

- Ồ, thưa ông trưởng trại, tôi chưa một lần đặt chân đến thác Bản Giốc. Từ lâu Trùng Khánh, Quảng Uyên cũng như các địa phương khác của tỉnh Cao Bằng không còn thuộc quyền kiểm soát của chúng tôi. “Việt Minh” ở khắp mọi nơi...

Tôi tiếp tục nói:

- Để “khai hóa văn minh” thực dân Pháp thừa sức cải tạo thác Bản Giốc thành một công trình thủy điện lớn, cho phép khai thác hàng vạn ki-lô-oát điện phục vụ sản xuất và đời sống của dân chúng địa phương. Các công trình thủy lợi sẽ được mở mang rộng khắp, chẳng những tưới tiêu cho đồng ruộng hạn hán, ngập úng, mà còn khai hoang mở rộng diện tích trồng trọt, giải quyết được cả nước ăn, nước sinh hoạt cho người và gia súc. Nhờ có điện, khoa học kỹ thuật và đời sống văn hóa của địa phương cũng sẽ được phát triển. Được vậy, chắc bây giờ anh sẽ không “nguyền rủa” dân chúng - những người đang cưu mang những “khách không mời” và đang phải chịu đựng cuộc sống khổ cực do chính thực dân Pháp và đạo quân xâm lược Pháp gây nên....

Viên quan năm Sác-tông ngồi im lặng hồi lâu rồi cất tiếng nói buồn rầu:

- Thưa ông trưởng trại, bây giờ ở trong nhà tù của các ông, tôi bắt đầu hiểu ra một số điều mà lâu nay tôi chưa hề nghĩ đến... Mong ông hiểu cho, tôi chỉ là một người lính...

Từ “CỬA SỔ NHÀ TÙ CỦA TÔI” viên quan năm Sác-tông đã hé mở tâm hồn của hắn và hắn đã nói một cách thành thực: “Bây giờ tôi đang ở bên kia chiến lũy. Tôi suy tưởng. Lần đầu tiên tôi có thời gian đề suy tưởng. Chính trong một trại tù binh Việt Nam tôi mới bắt đầu được tự do...”

Vậy hãy để cho viên chỉ huy trưởng Phân Khu Biên thùy II tự trị Cao Bằng có thời gian suy tưởng về cả cuộc đời hắn đã tắm trong máu và nước mắt của nhân dân các dân tộc thuộc địa, và lần này về chặng cuối cuộc đời binh nghiệp của hắn trên đất nước Việt Nam.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM