Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:37:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khép lại quá khứ đau thương  (Đọc 41302 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 09:33:27 pm »


Một buổi sáng, sau khi giám thị cắt đặt xong công việc hàng ngày cho tù binh vào giờ điểm danh, tôi đi vào trại. Đến kíp số 5 chưa bầu được trưởng kíp mới, tôi gặp một tù binh đang ngồi ở chân bậc cầu thang gỗ, miệng huýt gió, tay gõ nhịp vào thành cầu thang. Tôi liếc nhìn thấy anh ta hoàn toàn khỏe mạnh, nước da trắng, đôi mắt sáng và xanh lơ trên khuôn mặt trái xoan với bộ râu quai nón khá đẹp, vóc người đậm và cao. Thấy tôi đến gần, anh ta nhảy xuống đất đứng nghiêm chào. Tôi hỏi:

- Anh tên gì?

- Fê-lix Đơ-vô, thưa ông trưởng trại

- Đơn vị?

- Tiểu đoàn dù Lê Dương thứ nhất.

- Anh bị bắt ở đâu?

- Tại điểm cao 649, ngày 7-10-1950.

Tiểu đoàn dù Lê dương thứ nhất của viên quan ba Đơ-vô gồm 90 sĩ quan, 119 hạ sĩ quan, 1.084 lính Lê dương do viên quan năm Xơ-grê-tanh (Segrétain) chỉ huy. Đơn vị này nhảy dù xuống vùng Đông Khê ngày 1-10-1950 liền bị bộ đội ta bao vây, chặn đánh dữ dội mấy ngày đêm liền ở các điểm cao 765, 649, 477 thuộc dãy núi Cốc Xá. Cuối cùng, bọn tàn quân dù cùng các đơn vị khác của binh đoàn Lơ-pa-giơ, trên bước đường cùng, đã tụ hội với bọn tàn quân của binh đoàn Sác tông tại điểm cao 649 thì bị bắt làm tù binh. Tiều đoàn dù Lê dương thứ nhất bị tiêu diệt 90% quân số, một số rất ít chạy thoát về Thất Khê. Viên quan năm chỉ huy tiểu đoàn dù Xơ-grê-tanh bị tử thương được bộ đội ta chôn cất tử tế với sự chứng kiến của một số binh lính trong đơn vị dù dưới chân núi 703 sau khi Hồng thập tự Pháp không đến nhận thi hài ở nơi đã hẹn. Ta gửi về Hà nội cho Hồng thập tự Pháp chiếc nhẫn cưới của viên quan năm Xơ-grê-tanh để chuyển về cho gia đình1.

Tôi không phê bình Đơ-vô lẩn trốn lao động, cáo ốm ở nhà. Vô ích, tù binh có đủ lý do thoái thác lao động chân tay, một khi họ không tự giác. Đơ-vô đang chờ nhận xét đó của tôi, hẳn thế và anh ta có thể đã sắp sẵn câu trả lời biện minh cho việc ở nhà huýt gió. Bỗng tôi hỏi đột ngột:

- Ngoài binh nghiệp anh có ưa thích nghệ thuật không? Viên quan ba Đơ-vô ngạc nhiên trước câu hỏi của tôi, trên nét mặt anh ta giãn nở một nụ cười tươi tắn:

- Ồ, thưa ông trưởng trại, ai mà không thích nghệ thuật. Nghệ thuật trút bỏ mọi ưu phiền, đem lại cho ta sảng khoái, thậm chí làm tâm hồn ta bay bổng...

- Đúng, tôi đáp lại. Yêu nghệ thuật tức là yêu cái đẹp. Mà cái đẹp nhất là con người. Anh hiểu ý tôi muốn nói chứ.

Thấy viên quan ba Đơ-vô im lặng, dường như đang suy nghĩ về điều tôi vừa nói, tôi tiếp tục:

- Còn tôi rất yêu mến văn học Pháp với những tác phẩm bất hủ của Vích-to Huy-gô, Sa-bô-bơ-ri-ăng, An-phông-xơ Đô-đê và cả Coóc-nây, Mô-li-e... Tôi cũng khâm phục truyền thống Cách mạng Pháp 89. Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng tôi đã nhắc đến Tuyên ngôn Nhân quyền của nước Pháp.

Viên quan ba Đơ-vô ngập ngừng hỏi tôi:

- Thưa ông trưởng trại, ông có dịp qua thăm thủ đô nước Pháp của chúng tôi rồi chứ?

- Rất tiếc là chưa. Tôi đáp. Người ta gọi Pa-ri là “Thành phố Ánh sáng”...

Tôi nói tiếp:

- Hồi còn ở Hà Nội, tình cờ tôi đọc một tạp chí ở Thư viện Trung ương nói về Rạp hát Fô-li Béc-gie tại khu Pi-gan, nơi nổi tiếng ăn chơi của “Thủ đô Ánh sáng”. Nghe nói Rạp hát đó đã đi vào huyền thoại của nước Pháp...

Tôi hẹn viên quan ba Đơ-vô:

- Lúc khác ta sẽ nói chuyện tiếp, anh đồng ý chứ?

Sáng hôm sau, điểm danh tù binh xong, giám thị trại công bố quyết định của Chỉ huy trưởng Trại số 1 cử viên quan ba Fê-lix Đơ-vô làm trưởng kíp số 5, một kíp có nhiều tù binh “lười nhác”, “vô kỷ luật”, thường xuyên vi phạm nội quy của trại. Trong số đó có viên quan ba Fê-lix Đơ-vô - theo lời giám thị trại - tỏ ra rất kiêu ngạo và đã trốn trại cùng bốn tù binh khác ở Nà Lèng đầu tháng 12-1950.

Một điều lạ khiến toàn thể tù binh trong trại ngạc nhiên. Sau này Fê-lix Đơ-vô là một trong số trưởng kíp gương mẫu kéo theo nhiều tù binh lừng chừng khác vào “kỷ luật tự giác”, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy của trại, và tiến lên một bước mới cao hơn. Tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chung của toàn thể tù binh sĩ quan Pháp đòi HÒA BÌNH Ở VIỆT NAM VÀ HỒI HƯƠNG QUÂN ĐỘI VIỄN CHINH PHÁP.
_______________________________________
1. Tư liệu về sự tổn thất của tiểu đoàn dù lê dương số 1 (1er BEP) trích trang 194-195 “Đường số 4 - Tấn thảm kịch Cao Bằng”, Pi-e Sác-tông. NXB Albatros -1975.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 09:35:16 pm »


*

Trại số 1 lại di chuyển đến địa điểm mới mang một cái tên mà tù binh sĩ quan Pháp không thể nào quên: Nà Num. Mùa đông năm ấy rét buốt lạ lùng. Gà đã nhao nhác gáy rộ mà những tia nắng sớm vẫn không xua tan được đám sương mù dày đặc giăng kín bản làng. Từ các căn nhà sàn của đồng bào Tày, ngọn lửa bập bùng hắt qua kẽ liếp ánh sáng tươi vui của một ngày mới.

Dưới sự hướng dẫn của người giám thị, các tù binh phân công nhau vào rừng hái hoa, chặt cành lá về dựng sân khấu, tốp đi chợ Trùng Khánh mua thực phẩm - một cái chợ miền núi bao giờ cũng đông vui cách Trại tù binh số 1 khoảng 6-7 cây số. Nhưng hấp dẫn hơn cả là nhóm văn nghệ với chương trình khá phong phú: kịch ngắn, ngâm thơ, đơn ca, đồng ca...

Bản làng hôm nay được tù binh làm tổng vệ sinh khá sạch sẽ. Tiếng tù binh gọi nhau ồm ồm, tiếng chân chạy huỳnh huỵch, tiếng đàn ghi-ta lả lướt trong nắng mới, tiếng cãi vã nhau nhộn nhạo, hợp thành một bản hòa tấu kỳ dị ở cái bản làng xơ xác đang hồi sinh này.

Rời trụ sở Ban chỉ huy, tôi đảo một vòng quanh trại để kiểm tra việt tổ chức lễ Nô-en cho tù binh. Sau khi đi kiểm tra vệ sinh, viên quan ba thầy thuốc En-jan-be đang tranh cãi điều gì sôi nổi với trưởng kíp số 8 không tuân thủ nghiêm ngặt nội quy phòng bệnh. Cả hai đang đi chậm rãi về phía trạm xá cất trên một gò đất đầu bản.

Trên đường vào trại, vườn rau cải của kíp 1 bây giờ đã xanh um: dưa chuột khá sai quả nhưng cà chua thì cứ quắt lại xanh lét. Viên quan ba Giắc Tít-xi-ê (FI), chỉ huy lính dõng, vốn ở thuộc địa lâu năm, nói thạo tiếng Kinh và tiếng Tày, đang mãi mê gọt những quân cờ từ mấy miếng gỗ hương kiếm được trong rừng. Chỉ một loáng anh ta đã tuốt xong con “Tua” (Thành) đặt ngay ngắn bên cạnh con “Ren” (Hoàng Hậu) khiến một số tù binh đi ngang qua cũng phải dừng lại trầm trồ thán phục. Chính Tít-xi-ê cùng một số bạn khéo tay đã sản xuất nhữngchiếc tẩu thuốc lá với nhiều hình thù hấp dẫn, khá đẹp. Trong những khu vườn nhỏ trồng rau của tù binh, những cây thuốc lá mọc xanh tốt và chiếm một diện tích không nhỏ.

Từ phía nhà bếp tù binh, tiếng dao thớt rộn ràng, một con lợn 60 ki-lô đã được mổ từ chiều hôm trước theo yêu cầu của tù binh, không biết chúng chuẩn bị làm món ăn gì. Tốp tù binh đi chợ mua thực phẩm cũng vừa về, mồ hôi nhễ nhại nhưng nét mặt hớn hở, tươi vui. Từng nhóm “đầu bếp” tù binh được tăng cường hối hả xúm nhau làm những món ăn cho bữa liên hoan chiều nay mừng lễ Chúa Giáng sinh. Lễ cầu kinh đã được chuẩn bị chu đáo đêm nay, một linh mục nhà thờ của địa phương sẽ đến làm lễ rửa tội cho các con chiên ngoan đạo.

Trên một bãi cỏ rộng ở cuối bản, những cái “bàn dã chiến” mượn của dân được khiêng ra, ghép vào nhau từng hàng dài ngay ngắn, thẳng tắp. Tôi nghe nói những món ăn chính cống Pháp do những “đầu bếp nghiệp dư” được lựa chọn cẩn thận đảm nhiệm việt nấu nướng. Ban quản trị trại đã cố gắng giúp đỡ tù binh tổ chức buổi liên hoan đặc biệt này. Thực đơn “Nô-en 1951” của tù binh sĩ quan Pháp được viết nắn nót trên một trang giấy trắng vở học sinh điểm một bông hồng đỏ thắm với hàng chữ đậm: “ Noel 1951 - PAIX AU VIET NAM”1. Nó được đặt ngay ngắn trên bàn tiệc danh dự dành cho người chỉ huy Trại tù binh sĩ quan Pháp số 1, sẽ đến dự cùng tù binh mừng lễ Chúa Giáng sinh.

Một hàng rào danh dự, đứng đầu là hai viên quan năm Sác-tông và Lơ-pa-giơ, chào đón nghiêm trang người đại diện Quân đội Nhân dân Việt Nam. Anh “bộ đội Cụ Hồ” vẫn mặc chiếc áo trấn thủ hình quả trám mỏng, đầu đội chiếc mũ cứng bọc vải ka-ki vàng nhạt, chân đi dép lốp cao su đen, ngồi trên chiếc ghế danh dự dành cho Người chiến thắng giữa đám sĩ quan tinh hoa của đạo quân viễn chinh Pháp. Cây thông Nô-en được kết những chùm hoa rừng tinh khiết, nhiều màu sắc, và cả những dải kim tuyến lóng lánh dưới nắng vàng rực rỡ.

Một điều không ngờ là ban tổ chức liên hoan đã mời một số đại diện tù binh Ma-rốc ngồi dự tiệc trên chiếc bàn danh dự cùng với tôi và hai viên quan năm Sác-tông và Lơ-pa-giơ. Tất nhiên tôi rất hài lòng và ăn ngon miệng, nhất là viên quan hai dù Ga-bơ-ri-en Sô-vê, vốn ngang tàng, chiều nay lại tỏ ra ân cần, chu đáo trong nhiệm vụ phục vụ bàn tiệc đối với cả tù binh Ma-rốc.

Nhân dịp này tôi kể về phong tục Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, và thích thú nghe giới thiệu những phong tục đầu năm mới của nước Pháp và một số nước Tây Âu. Thì ra họ cũng mê tín và kiêng kỵ như ở Pháp, sáng mồng một đầu năm đi ra đường trông hướng gió để đoán vận may rủi, tốt lành. Ở Anh có tục chọn người tốt xông nhà Năm mới như ở Việt Nam, còn ở Áo có tục kiêng ăn tôm để khỏi thua kém bạn bè, làm ăn xúi quẩy, bởi tôm đi giật lùi.

Cuối cùng tôi đứng dậy phát biểu:

- Tất cả các dân tộc đều mong muốn Hòa bình, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước. Không một dân tộc nào mong muốn chiến tranh tàn phá đất nước mình và cùng với nó là máu và nước mắt, đồng thời cũng tiêu hủy luôn cả những tài sản văn hóa và nghệ thuật vô giá của dân tộc mình. Chiến tranh có lợi cho ai? Phải đấu tranh để giành lấy Hòa bình. Đó là quyền lợi thiết thân của các anh để mau chóng trở về xum họp với gia đình. Trong khi chờ đợi, tôi mong các anh thực hiện đúng ba lời khuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư của Người gửi các anh nhân dịp lễ Nô-en năm nay: “HÃY GIỮ KỶ LUẬT” - “HÃY TỎ RA CÓ ÍCH” - “HÃY GIỮ GÌN SỨC KHỎE”.

Cũng buổi chiều nay, bên cây thông Nô-en, những người đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trùng Khánh, trong niềm cảm thông sâu sắc với các bà mẹ Pháp, đã dẫn một bầy trẻ nhỏ đến múa hát nhằm xua tan nỗi cô đơn của những kẻ cách đây không lâu đã từng đích thân chỉ huy và cầm súng tàn phá ngay chính quê hương họ. Một niềm vui lớn bất ngờ: Trước khi ra về, một em bé gái mở nắp một làn mây lấy ra một xấp thư của gia đình tù binh, trao “quà Nô-en” cho một đại diện “ỦY BAN HÒA BÌNH VÀ HỒI HƯƠNG” trong niềm xúc động chung của toàn trại.

“NÔ-EN 1951 - HÒA BÌNH Ở VIỆT NAM” là khát vọng cháy bỏng của tù binh sĩ quan Pháp Trại số 1 - Cao Bằng.
___________________________________
1. “Nô-en 1951 - Hòa bình ở Việt Nam”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 10:46:53 pm »


CHƯƠNG IV.
MÙA XUÂN KHÔNG ĐẾN MUỘN

I- MỪNG TẾT ĐẠI THẮNG LỢI


Mùa xuân năm ấy hình như đến sớm hơn trên đất Trùng Khánh Phủ - Cao Bằng. Những đám mây trắng bồng bềnh trôi trên nền trời trong xanh như những con thuyền chơi vơi trên đại dương. Trong những khu vườn nhỏ của dân bản, những cây hồng hiếm hoi đua nhau trổ nụ, những bông hoa dâm bụt khoe màu đỏ thắm trên những hàng rào tre đơn sơ trong bản. Từng đợt gió bấc thổi về kéo theo đám bụi mỏng và những lá vàng xào xạc, lay động những cành bưởi nặng trĩu quả trên lối đi vào bản. Ở đầu hồi nhà dân bên những ống bương đựng nước lúc nào cũng đầy tràn, những con gà sống thiến, lông đỏ rực điểm màu xanh biếc trên đôi cánh, nằm ngoan ngoãn trong những cái bu đan mất cáo. Đêm đêm tiếng chày giã gạo lại nổi lên hòa cùng tiếng cười giòn của các cô gái Tày hiền lành, đảm đang.

Từ mấy bữa nay, một sồ chiến sĩ bảo vệ trại, đa số là người dân tộc địa phương, đã xin về nhà ăn Tết sớm. Các cán bộ và nhân viên quản trị quê ở miền xuôi thì vẫn thản nhiên, coi việc ăn Tết trên đất Cao Bằng thêm một mùa xuân hoặc hai, ba mùa xuân nữa là một chuyện bình thường. Họ vẫn đùa tếu, trêu chọc nhau hàng ngày, cần cù làm tốt nhiệm vụ. Tiếng cười vui ồn lên một chập rồi tắt ngấm. Từ trong những chiếc màn cá nhân của các chiến sĩ vẳng ra tiếng ngáy đều đều của một giấc ngủ say.

Tôi trằn trọc không ngủ nhớ về Hà Nội, nơi tôi đã để lại tất cả những gì gắn bó của thời niên thiếu như số đông - rất đông thanh niên thủ đô đã thề “CẢM TỬ CHO TỔ QUỐC QUYẾT SINH”. Tôi nghĩ miên man và bỗng mỉm cười trong đêm tối với chính mình. Để kiếm sống cho gia đinh, tôi đã vào đời với nghề bán sách báo ở cửa hàng của người bà con bên ngoại tại phố Huế, sau đó bạo gan đứng tên làm giám đốc Nhà xuất bản tư nhân “TIA SÁNG”, trụ sở trên “danh nghĩa” chỉ là một cái buồng nhỏ hẹp rộng 12 mét vuông ở phía sau một ngôi nhà phố Bà Triệu, Hà Nội. Tôi vừa tham gia dịch sách và biên soạn cuốn “Anh ngữ tự học” xuất bản từng tập mỏng theo loại truyện “ Kiếm hiệp” để “lấy ngắn nuôi dài”. Tôi kiêm luôn cả nghề sửa bản in, tiêu thụ sách ở các phố phường Hà Nội. Sách ế, chưa trả được nợ vay của họ hàng và một số bạn thân. Thế là tôi lèn chặt sách trong một cái bồ lớn, nhẩy lên tầu hỏa vào tận Huế bán sách. Cứ mỗi lần tầu đỗ ở các ga lớn, tôi xem giờ nhảy xuống tầu xách chiếc cặp học sinh, chạy vội đến các hiệu sách nhắc lại điệp khúc: “Thưa bà...”, “Thưa cô...”. Mỗi ga, may lắm bán được vài chục quyển sách - không phải vì sách hay, mà có lẽ đúng hơn vì lòng thương một học sinh nghèo. Số tiền bán sách vừa đủ trả tiền nhà trọ và ăn dọc đường cho đến khi tôi trở về Hà Nội thì sách hết mà tiền cũng sạch túi. Bước vào cuộc kháng chiến, tôi vẫn thầm cám ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của họa sĩ Mạnh Quỳnh ở Cửa Bắc, anh Lưu Quang Thuận ở “Việt Nam Ấn Thư Cục” và Nhà in Cộng Lực đã giúp tôi trình bày bìa sách, in và tiêu thụ các cuốn sách “CÁCH MẠNG NGA CHỐNG XÂM LĂNG DỆT NỘI PHẢN”, “MUSTAFA KÊMAN - MỘT NHÀ ĐẠI ANH HÙNG CỨU QUỐC THỔ NHĨ KỲ” (Kiểm duyệt sổ 198 S.T - 29-4-1946. Thư viện Trung ương, P29104).

Tiếng súng toàn quốc kháng chiến bùng nổ đêm 19-12-1946, đèn điện toàn thành phố phụt tắt. Anh tự vệ chiến đấu Khu Bảy Mẫu đốt hết sách còn ế đọng dưới gầm bàn phủ kín chiếc chăn dạ che ánh sáng khỏi lọt qua cửa sổ khép kín ra bên ngoài, rồi vội vã thu xếp cho gia đình tản cư ngay tối hôm đó gồm người già và trẻ con theo lệnh của Ban chỉ huy quân sự Khu. Giặc Pháp chiếm nhà ga Hà Nội, nhà Đấu xảo, xe tăng của chúng tiến gần đến hồ Ha-le, chuẩn bị đánh chiếm Khu Nam Hà Nội. Trước thế mạnh áp đảo của địch, sau gần một tuần lễ chiến đấu, ta tạm rút lui để bảo toàn lực lượng. Thế là anh tự vệ chiến đấu Khu Bẩy Mẫu theo đồng đội rút về Văn Điển, từ đó lên Phú Thọ công tác ở Tỉnh bộ Việt Minh, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, rồi theo học tại trường Ngoại ngữ của Bộ Giáo dục. Tháng 10-1947, theo sự phân công của ban giám hiệu nhà trường, do ông Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục làm hiệu trưởng, số khá đông sinh viên trường Ngoại ngữ gia nhập quân đội, công tác ở một số bộ phận thuộc Bộ Quốc phòng, còn tôi và một số bạn học cùng trường được phân công về Phòng Địch vận1 - Cục Chính trị - Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ đó tôi trở thành “Anh bộ đội Cụ Hồ” và bây giờ có mặt trên đất Trùng Khánh - Cao Bằng, chỉ cách Hà Nội trên 350 ki-lô-mét đường quốc lộ mà sao không gian xa vời vợi...
_____________________________________
1. Cục Chính trị, sau Chiến dịch biên giới, đổi tên là Tổng cục Chính trị, hồi bấy giờ gồm có Phòng Tuyên truyền, Phòng Huấn luyện và Phòng Địch vận... do anh Lưu Văn Lợi, một cây bút của báo tiếng Pháp “LE PEUPLE” (NHÂN DÂN), trong Ban Pháp vận của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, làm trưởng phòng. Sau này anh Lưu Văn Lợi làm Trưởng ban Biên giới của Hội đồng Bộ trưởng, hàm Bộ trưởng, nay đã về nghỉ hưu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 10:51:17 pm »


… Trong cuộc họp bàn việc tổ chức Tết Nguyên đán mừng thắng lợi to lớn của quân và dân ta năm 1951, cán bộ và chiến sĩ góp nhiều ý kiến trong không khí dạt dào, phấn khởi.

Anh Nguyễn Văn Thành, giám thị, mở đầu cuộc họp:

- Năm nay quỹ tăng gia của trại cũng được kha khá. Ta sẽ tổ chức cái Tết này rôm rả một chút. Anh em đồng ý không?

- Đồng ý! Tiếng vỗ tay rào rào trong cuộc họp.

Anh Thành, nét mặt vui tươi, hỏi tiếp:

- Đề nghị anh em cho biết lý do tại sao nào?

- Rõ quá rồi! Anh chàng Khang, nhân viên văn thư, vốn là học sinh phổ thông cấp II, đẹp trai, nhiều tài hoa văn nghệ, lên tiếng trước.

- Hoan hô! Tiếng vỗ tay lại nồi lên ầm ầm.

- Hoan hô cái gì? Giám thị tỏ vẻ sốt ruột. Cậu Khang nói tiếp đi chứ!

Ngồi lại nghiêm chỉnh, cậu Khang giơ cao tay xin phát biểu tiếp:

- Một là: Hoan hô Mặt trận Thống nhất Đoàn kết Dân tộc Việt Minh - Liên Việt ra đời dưới cái tên chung Mặt trận Liên Việt.

Có tiếng ai đó trêu chọc: “Hai là...”.

- Hai là, cậu Khang nói tiếp. Hoan hô Đảng Cộng sản Đông Dương nay đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam ra công khai lãnh đạo toàn dân kháng chiến và kiến quốc đến thắng lợi hoàn toàn.

- Ba là: Hoan hô Khối liên minh Việt-Khơme-Lào của ba dân tộc anh em cùng sát cánh đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập dân tộc trên bán đảo Đông Dương...

Trong phòng có tiếng xì xào:

- Nhân viên văn thư có khác!

- Thật hết xẩy!

Giám thị gật gù hỏi tiếp:

- Nào còn ai có ý kiến gì không?

- Có tôi. Một người ở cuối phòng họp giơ tay nói nhỏ. Tôi ngoảnh lại nhìn thì đó là cụ Liễu, người thủ kho cần mẫn, vốn là cán bộ tuyên truyền của xã, được các chiến sĩ yêu mến và kính trọng. Cụ thường gần gũi anh em, nhỏ nhẹ khuyên bảo lời hay lẽ thiệt, kể cho anh em nghe sự thống khổ của dân ta dưới thời thuộc Pháp, cuộc chiến đấu kiên cường của du kích địa phương diệt thù cứu nước. Cụ ít nói về mình, mặc dầu trên mình còn tím những vết lằn của roi da, dùi cui, mũi súng sau khi cụ bị giặc bắt trong một trận càn. Sau này tôi được biết cụ là đảng viên Đảng Cộng sản Dông Dương, đã tham gia Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền ở địa phương. Hàng ngày lúc rỗi rãi, cụ đọc sách báo và thường kể lại cho các chiến sĩ những tin thời sự trong nước, những chiến công của các chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Mọi người đồ dồn con mắt về phía người thủ kho liêm khiết, xưa nay vốn ít nói trong các cuộc họp. Cụ Liễu cất tiếng đĩnh đạc:

- Tôi đề nghị Tết Nguyên đán tới, ta cần tổ chức thật vui. Vui chung với chính quyền địa phương và bà con trong bản để tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ nhiệt tình bấy lâu nay đối với chúng ta. Đối với tù binh ta cũng nên tổ chức cho chúng tham dự những cuộc vui chung như văn nghệ, thể thao mừng Tết Nguyên đán “Đại thắng lợi”.

Cuối cùng tôi xin bổ sung thêm ý nghĩa thắng lợi của mùa Xuân năm nay. Từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lần đầu tiên ta lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu. Địch thất bại hoàn toàn trong âm mưu cô lập Việt Nam với thế giới bên ngoài.

- Hoan hô, hoan hô, tiếng các chiến sĩ reo lên vang dậy. Đề nghị thủ quỹ cho xuất chuồng con lợn 60 ki-lô “khao quân”.

Giám thị, vẻ mặt từ nghiêm trang chuyển sang hồ hởi, nói:

- Nào, còn ai có ý kiến gì nữa không? Đề nghị của anh em tôi thấy “được đấy”!

Đến lượt tôi phát biểu cuối cùng:

- Tôi đồng ý Tết này ta tổ chức chu đáo mừng thắng lợi toàn diện của quân và dân ta trong năm 1951. Phải tiết kiệm nhưng thật vui. Ta sẽ thành lập ban tổ chức “TẾT ĐẠI THẮNG LỢI” cùng chung vui với chính quyền địa phương, bà con trong bản và cả tù binh với hình thức phù hợp. Đề nghị ban quản trị tính toán tăng thêm khẩu phần cho tù binh vào dịp Tết này, trích ở quỹ tăng gia của chúng ta.

- Đồng ý! Tiếng vỗ tay lại nổi lên hồi lâu. Có tiếng ai đó xì xào: - “Nhất định phải có tý “lẩu” rồi”.

Tôi nói tiếp:

- Trước khi kết thúc cuộc họp, tôi xin báo một tin vui lớn mà anh em đang nóng lòng chờ đợi. Đó là tin chiến thắng trên mặt trận Hòa Bình!

- Hoan hô! Hoan hô!... Lần này tiếng vỗ tay kéo dài tưởng như không dứt. Qua những tràng vỗ tay mạnh mẽ, cán bộ, chiến sĩ Trại tù binh sĩ quan số 1 - Cao Bằng muốn gửi đến các chiến sĩ ngoài mặt trận đang ngày đêm chịu đựng mưa bom, bão đạn của quân thù, lòng biết ơn của hậu phương luôn luôn gắn bó máu thịt với tiền tuyến.

Tôi thông báo cho các chiến sĩ tin vui lớn mới nhận được:

- Tiếp theo Chiến dịch Trung Du mùa xuân, chiến dịch Đường số 18. Chiến dịch Hà Nam Ninh mùa hè. Thu-Đông năm nay ta mở Chiến dịch Hòa Bình với quyết tâm lớn tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng các vùng giải phóng. Mặc dầu Chiến dịch Hòa Bình chưa kết thúc, nhưng quân ta hoàn toàn làm chủ chiến trường, giáng cho địch những đòn nặng nề, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 20.000 binh lính, bắt làm tù binh khoảng 7.000 người. Ngành địch vận của ta năm nay được “mùa lớn”. Chắc chắn trại ta sẽ tiếp nhận thèm tù binh mới.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 10:52:54 pm »


*

Trong buổi liên hoan mừng TẾT ĐẠI THẮNG LỢI với đại diện chính quyền địa phương và các chủ nhà có tù binh ở trong bản, ông chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã, nâng cao chén rượu mừng Xuân, đứng lên nói trong không khí thắm tình đoàn kết quân dân.

- Các “Anh bộ đội Cụ Hồ” ăn Tết xa nhà, khổ lắm vớ. Dân chúng tôi biết rõ điều đó, kỷ luật quân đội nghiêm lắm mà. Không tơ hào cái kim sợi chỉ của dân, tôn trọng tín ngưỡng của dân, mua bán sòng phẳng, dạy Bình dân học vụ. Bộ đội còn chữa bệnh cho dân, làm vệ sinh bản làng sạch sẽ, tham gia gặt hái ngoài đồng giúp dân, không quản khó khăn, vất vả. Dân bản chúng tôi rất ưng cái bụng các “Anh bộ đội Cụ Hồ”.

Sau khi uống cạn chén rượu, ông chủ tịch nói tiếp:

- Tù binh thì khác vớ. Thoạt đầu dân không bằng lòng đâu. Đàn bà, con gái sợ lắm, sợ chúng nó hãm hiếp mà. Con nít trông thấy tù binh mắt xanh, mũi lõ, râu ria xồm xoàm, quắp chặt lấy mẹ khóc thét, không chịu chạy chơi. Các cụ già sợ chúng nó làm ô uế nơi thờ cúng, sợ con ma nó bất vía, làm cả nhà ốm đau quanh năm...

Tôi từ tốn thưa với ông chủ tịch xã:

- Nhân dịp họp mặt đoàn kết quân dân, chúng tôi muốn được nghe những nhận xét chân tình, thẳng thắn của dân đối với trại, giúp chúng tôi phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm trong công tác giáo dục chiến sĩ và tù binh. Có điều gì tốt, điều gì xấu mong chính quyền địa phương cứ nói rõ.

Ông chủ tịch xã khoan thai uống cạn một chén rượu nữa, nét mặt vui tươi nói:

- Về bộ đội, tôi chỉ có một điều dặn dò: chớ ăn thịt bò trong nhà dân, cả tù binh cũng phải bảo chúng như vậy. Dân kiêng lắm đấy. Cái ma nó không ưng đâu. Chỉ kiêng thịt bò thôi.

Còn tù binh, quả có thế. Hồi trại mới về đây, tù binh ăn cắp của dân nhiều lắm vớ. Trong nhà, dân mát oản, chuối luôn, cả bánh kẹo bầy cúng trên bàn thờ. Có nhà mất trứng gà đang ấp, mất cả mỡ lợn. Lá thuốc phơi ở vườn cũng mất đấy. Ngoài ruộng thì dân kêu mất mía khoai, cà chua, dưa chuột... Nhưng chỉ là “vặt vãnh” thôi, chẳng đáng bao đồng tiền. Chắc tù binh đói...

Ngừng một lát, đưa mắt dò hỏi cán bộ, chiến sĩ, thấy mọi người gật đầu tán thưởng, ông chủ tịch nói tiếp, giọng chân tình:

- Bộ đội cũng bị mất cắp đấy. Mất gạo ấy mà. Tù binh đi vác gạo từ kho huyện về trại, nộp không đủ đâu. Gạo buộc túm trong hai ống quần không có bao tải mà - dễ lấy lắm vớ. Dân bản phát hiện có lần tù binh giấu ở bụi cây bên bờ suối đầu bản, khi thì 1 ki-lô, 2 ki-lô, có khi một bọc gạo to. Một lát sau dân quay trở lại định lấy bọc gạo đem về nộp trại thì không còn nữa... Dân để ý theo dõi thì nay hết rồi. Tù binh no thì không ăn cắp vặt nữa. Việc đã qua rồi, bộ đội biết để giáo dục tù binh thôi.

Nói dứt lời, ông chủ tịch xã hoan hỉ đón nhận chén rượu đầy từ tay tôi đưa lên miệng uống cạn. Vừa ngồi xuống ông chủ tịch lại đứng lên, nói lớn:

- Đã nói thì nói cho hết, bộ đội có ưng không? Ta phải công bằng với tù binh mới thỏa cái bụng. Sai nói sai, tốt nói tốt. Bây giờ dân bằng lòng với tù binh rồi đấy. Tại sao à? Một là, tù binh không ăn cắp vặt của dân nữa vớ. Hai là, tù binh giúp dân nhiều việc lắm vớ: làm vệ sinh bản làng sạch sẽ này, gánh phân ra ruộng rồi quẩy lúa về nhân này. Có tù binh tưới nước cả vườn rau, xách nước từ suối về cho dân. Ban đầu lóng ngóng, nay chúng quen rồi. Các bà mé và bọn con gái cứ bịt miệng, rũ ra cười. Chiều, tù binh có đứa cõng trẻ con đi chơi trong bản nữa đấy. Bộ đội giáo dục tù binh giỏi quá. Dân ưng rồi.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 10:58:51 pm »


Chiều mồng ba Tết, bận tiếp khách, tôi ra sân bãi cuối bản dự cuộc vui chung giữa bộ đội bảo vệ và tù binh hơi chậm. Khi tôi ra đến nơi thì trận đấu bóng chuyền vừa kết thúc với phần thắng nghiêng về phía tù binh. Tiếng vỗ tay nổi lên rì rào trên sân bãi khi tôi xuất hiện vào lúc sắp kết thúc cuộc vui. Giám thị báo cáo với tôi kết quả trận đấu bóng chuyền giữa hai “đội bóng nghiệp dư” của bộ đội bảo vệ và tù binh, bây giờ là cuộc thi nhẩy cao của hai bên. Tôi đến ngồi trên chiếc ghế tựa dành cho tôi vẫn bỏ trống gần sân nhảy. Trừ những tù binh làm bếp và bận công việc khác hàng ngày, một số cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ, còn tất cả đều có mặt trên sân bãi. Khá đông thanh niên nam nữ trong bản cũng đến xem diễn kịch và ở lại dự các cuộc giải trí, vui chơi cùng bộ đội.

Cuộc thi nhẩy cao bắt đầu trong tiếng hoan hô, cổ vũ cả hai bên nổi lên bốn phía. Trọng tài tù binh lần lượt tuyên bố: 1 mét 10 - 1 mét 15. Các chiến sĩ bảo vệ không ai vượt qua xà ngang của chiều cao này. Bỗng người giám thị, tính nóng nẩy, hình như lòng tự ái bị xúc phạm, bất chợt hét to: - “Ta lại thua rồi. Anh xem có thể...”.

Một đề nghị thật bất ngờ đối với tôi! Nhẩy cao với tù binh ư? Có hạ mình trước con mắt chúng không? Có làm mất uy tín của quân đội ta không? Có mất lập trường và hữu khuynh không? Các cán bộ, chiến sĩ thì có thể chấp nhận, còn tôi là chỉ huy trưởng trại tù binh! Một băn khoăn khác vụt đến trong trí óc tôi: Nếu thua thì thế nào...?

Trên sân bãi không khí im phăng phắc. Hàng trăm con mắt dồn về phía người chỉ huy cao nhất, chờ đợi quyết định cuối cùng của tôi. Tôi đứng dậy, chậm rãi cởi chiếc áo bông hình quả trám đang mặc, bỏ chiếc mũ cối đội trên đầu trao cho một chiến sĩ đứng bên cạnh tôi giữa tiếng vỗ tay vang dậy của chiến sĩ ta và tù binh sĩ quan có mặt. Trong giây phút đó, tôi không nghĩ gì khác ngoài một ý nghĩ: “- Trong thể thao không có đẳng cấp, không phân biệt địa vị xã hội, màu da...”.

Tôi đến bên trọng tài tù binh điềm đạm nói:

- Anh đặt xà ngang chiều cao lên mức 1 mét 20.

Trọng tài tù binh tuyên bố dõng dạc:

- Chiều cao 1 mét 20. Bắt đầu nhẩy.

Một, hai, ba tù binh sĩ quan thuộc các binh chủng hăm hở chạy từ xa lấy đà, rồi lao mình nhẩy qua tầm cao còn khiêm tốn đó, nhưng chiếc xà ngang đều rơi xuồng cát trong tiếng “Ồ” râm ran của đám đông tù binh đang chứng kiến một cảnh tượng bất ngờ diễn ra trước mắt chúng trong “trại giam Việt Minh” ở núi rừng Việt Bắc.

Bỗng tiếng vỗ tay như sấm của cả hai bên nổi dậy trên sân bãi: người chỉ huy trại đã vượt qua chiều cao 1 mét 20 bằng một cú nhẩy không cần lấy đà, cách cột xà ngang 3 mét. Hồi còn là học sinh trung học Hà Nội, tôi đã vượt qua mức xà ngang chiều cao 1 mét 30 một cách dễ dàng. Tôi thong thả khoác chiếc áo bông trấn thủ, đội lại chiếc mũ cối xỏ chân vào đôi dép lốp cao su đen, đến ban tổ chức nhận giải thưởng: 1 ki-lô thuốc lá khô “sừng bò”. Tôi trao lại giải thưởng cho trọng tài tù binh và nói: “- Anh chia đều cho các “nhà thể thao” đã cùng nhẩy cao với tôi. Họ xứng đáng được nhận giải thưởng này”.

Nói xong tôi hướng về phía đám đông tù binh tuyên bố:

- Cảm ơn các anh đã đến dự cuộc vui liên hoan mừng “Tết Đại thắng lợi” của chúng tôi. Tôi không nói điều tôi suy nghĩ: - “Cú nhẩy” của tôi là “cú nhẩy” mừng chiến thắng to lớn của “Chiến dịch Hòa Bình”. Một “cú nhẩy” về thủ đô Hà Nội trong một tương lai không xa...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 11:00:37 pm »


II- QUAN BA MÔ-RI-SE ĐI CHỢ

Từ mùa Xuân 1952 Trại tù binh sĩ quan Pháp số 1 bước vào thời kỳ mới theo “chế độ tự quản”, thực hiện “kỷ luật tự giác”, xây dựng một đời sống “dân chủ nội bộ” trên cơ sở áp dụng phương pháp “tự phê bình và phê bình”, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban chỉ huy trại. Có thể nói đó là những điều hoàn toàn mới mẻ đối với tù binh buổi ban đầu. Tôi triệu tập một cuộc họp các trưởng kíp để phổ biến chủ trương của Ban chỉ huy và giải thích rõ thế nào là “kỷ luật tự giác”, “dân chủ nội bộ”, “tự phê bình và phê bình” trong “chế độ tự quản” được áp dụng từ nay ở trại để thực hiện ba lời khuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- HÃY GIỮ KỶ LUẬT.
- HÃY TỎ RA CÓ ÍCH
- HÃY GIỮ GÌN SỨC KHỎE

Cùng với mùa Xuân, chế độ tự quản được áp dụng ở Trại số 1 đã làm bừng lên một sinh khí mới, một cuộc sống rộn ràng, vui tươi. Các mặt hoạt động của trại đều sôi nổi, nhịp nhàng theo sự chỉ huy và điều khiển hàng ngày của giám thị trại. Cán bộ, chiến sĩ đỡ vất vả mà công việc trôi chảy như chiếc kim vận hành theo dây cót và bánh xe của đồng hồ báo giờ hàng ngày. Nội quy của trại được tù binh “tự giác” tuân thủ nghiêm ngặt, bởi vì đó chính là lợi ích thiết thân của chúng, là sức mạnh và cỗi gốc của chế độ tự quản trong đời sống tù binh.

Tuy nhiên ở Trại tù binh sĩ quan số 1, từ lâu đã xuất hiện một hiện tượng lạ lùng - đó là “hiện tượng La-bi-nhét”. Một điển hình của sự “lãn công” kéo dài tháng này sang tháng khác, thậm chí năm này sang năm khác dưới hình thức “bệnh ngủ đông” (hibernation) nhưng vẫn ăn đủ cơm ngày hai bữa, và có điều kỳ khôi là vẫn ký tên đều đặn vào các bản tuyên bố, kiến nghị, thư ngỏ... lên án cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam cùng các bạn trong trại. Đó là viên quan ba Ê-ríc La-bi-nhét thuộc trung đoàn Lê dương bộ binh số 3, người dong dỏng cao, nước da xanh xao, mắt xanh lơ, mặc dầu mới khoảng 40 tuổi nhưng đóng vai một ông già 70, để râu trắng dài đến ngực như trong chuyện cổ tích. Xung quanh “hiện tượng La-bi-nhét” có nhiều điều kỳ dị, tức cười và cũng thật đáng thương. Chỉ vì muốn “lẩn trốn lao động” đã tự biến mình thành một cây tầm gửi, đầy đọa thân thể, chịu khổ ải quanh năm, ít khi tắm rửa, trên mình bám đầy cáu ghét, khiến những người xung quanh phát rùng mình. Xét đến cùng, đó cũng chỉ là một “mẹo vặt” của đời tù, và bây giờ thực hiện chế độ tự quản thì tập thể tù binh chịu hậu quả của hành động “bệnh ngủ đông” của ông già La-bi-nhét.

Trời đã sang xuân mà cái rét Cao Bằng vẫn xuyên thấu vào từng thớ thịt của tôi qua chiếc chăn dạ mỏng. Khí lạnh của màn đêm dầy đặc sương mù lùa qua kẽ liếp của căn nhà sàn nằm lọt thỏm trong thung lũng nhỏ, bốn bề là những dãy núi đá vôi. Tiếng gió hú từng đợt thốc vào chiếc màn cá nhân khiến tôi cứng bụng và đói cồn cào ruột gan. Bỗng tôi thèm một “củ sắn lùi” - bếp nhà sàn vẫn còn đỏ lừa vùi tro - nhưng tôi không thể đánh lừa cái dạ dày đang kêu đói chỉ bằng một củ sắn hoặc một củ khoai, một bắp ngô nướng ban đêm. Tôi giật mình: 800 gam gạo ban ngày nhét vào bụng đã biến đi đằng nào!

Các chiến sĩ bảo vệ cũng như tôi nằm co ro ngủ theo nhiều kiểu khác nhau, có nhiều đêm các chiến sĩ ngủ đôi, chung một màn cá nhân, theo kiểu “úp thìa”, để truyền hơi ấm cho nhau. Với cơ thể cường tráng và đang tuổi ăn ngủ, họ “kéo bễ” và người thủ kho già luôn luôn trích tiền tăng gia nuôi lợn nuôi gà, trồng rau, cải thiện đời sống cho các chiến sĩ khi nồi chè đậu đen, khi nải chuối, quả đu đủ, quả bưởi đường và mỗi tháng, ít nhất một lần, cho các chiến sĩ ăn tươi ra trò.

Đêm nay chắc tù binh cũng không ngủ được. Chúng đi kiếm rơm rạ ở ngoài đồng bện chặt làm nệm và đắp thêm trên người một lớp rơm, cao đến 50 cm, phủ kín sàn nhà dân. Chiến tranh không hề phân biệt tù binh và những người chiến thắng cùng hưởng tiêu chuẩn như nhau về ăn uống: 1.200 gam gạo một ngày, trong đó 400 gam gạo quy thành tiền theo giá thị trường để mua thức ăn. Nhưng đối với tù binh sĩ quan Pháp, rõ ràng đời sống công nghiệp, phong tục tập quán, lối sống và chế độ ăn uống của chúng khác xa xứ sở vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu ở vùng Đông Nam châu Á. Khí hậu khắc nghiệt ở miền núi rừng Việt Bắc - nơi nổi tiếng với dân chúng miền xuôi lên miền ngược là “ma thiêng nước độc” với các bệnh hiểm nghèo như “sốt rét ngã nước”, “sốt thương hàn”, “phong thấp”, “uốn ván”, “kiết lỵ” và các chứng bệnh kỳ quái “bướu cổ”, “phù thũng”v.v... với tỷ lệ tử vong khá cao, đã là nỗi kinh hoàng đối với bao công chức “Nhà nước Bảo hộ” dưới thời thuộc Pháp. Nhiều dân tộc ít người vùng cao “có sinh mà không có dưỡng”, dần dần đi đến ngưỡng cửa của sự “tuyệt chủng” trong vòng vây của sự mê tín, dị đoan, và những ông thầy “phù thủy” có phép linh thiêng trừ tà ma để “trị bệnh” cứu dân lành. Bệnh tật, ốm đau và cái chết là không tránh khỏi đối với tù binh thuộc đạo quân viễn chinh Pháp từ bên kia đại dương ồ ạt đổ tới trong điều kiện kháng chiến gian khổ, thiếu thốn mọi mặt trong đời sống hàng ngày của nhân dân ta. Bỗng một ánh chớp lóe lên trong óc khiến tôi tỉnh hẳn: “Trong khi áp dụng chế độ tự quản cho tù binh, tại sao tôi không thí nghiệm một mô hình quản lý mới về kinh tế ngay trong nhà tù!” Nói một cách khác là “mở rộng dân chủ về kinh tế” đối với tù binh. Điều đó có ý nghĩa tích cực cả về mặt chính trị và đời sống vật chất và tinh thần, là một trong những biện pháp có hiệu quả gắn với tăng gia sản xuất, giữ gìn vệ sinh phòng bệnh, đẩy lùi bệnh tật, để giữ gìn sức khoẻ của tù binh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 11:02:02 pm »


Điều đó có nghĩa là từ nay Ban chỉ huy trại giao cho tù binh, với sự giúp đỡ của ban quản trị, quyền quản lý việc ăn uống của chúng hàng ngày: tự phân phối gạo, thực phẩm đến tận “nhà bếp tù binh” theo tiêu chuẩn quy định; tự cử người “đi chợ” mua thức ăn và chế biến thức ăn hợp khẩu vị, có nhiều sinh tố và thay đổi hàng ngày theo chỉ dẫn của các thầy thuốc tù binh; tự bảo quản thực phẩm trong kho và “cân, đong, đo, đếm” lấy, với sổ sách kế toán rành mạch và tài chính công khai trước toàn trại.

Quyết định của tôi về “mở rộng dân chủ về kinh tế” trong chế độ tự quản của tù binh được thi hành ngay sau “TẾT ĐẠI THẮNG LỢI” tháng 2-1952 ở Trại tù binh sĩ quan Pháp số 1. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ đều ủng hộ chủ trương mới của Ban chỉ huy và nhiệt tình giúp đỡ tù bình thực hiện. Từ đó trong ban quản trị của trại có thêm một “nhân viên mới” hàng ngày sát cánh cùng người thủ kho già kiêm thủ quỹ của trại. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là viên quan hai Cơ-léc-giê Sác-lơ, sĩ quan công binh Cao Bằng, người mảnh dẻ, nước da trắng, dáng vẻ trí thức, cần cù, điềm đạm, lễ độ, được toàn thể tù binh sĩ quan tín nhiệm giao cho trọng trách này. Cơ-léc-giê còn nổi tiếng là một cây “Bách khoa toàn thư” của Trại số 1, trả lời vanh vách trong những buổi vui chơi, giải trí, những câu hỏi hóc búa của bạn bè về từng trận đánh lừng lẫy của Hoàng đế Na-pô-lê-ông, từng đoạn văn trong các tác phẩm văn học trứ danh của nước Pháp, từng kiểu kiến trúc nghệ thuật các lâu đài cổ kính của thành phố La Mã và thủ đô Pa-ri hoa lệ, cho đến tên từng hòn đảo nhỏ của biển Thái Bình Dương. Anh chàng tù binh tri thức và uyên bác này cũng được Ban chỉ huy trại giao luôn nhiệm vụ cắt cử lao động hàng ngày dưới sự hướng dẫn của người giám thị trong giờ điểm danh tù binh mỗi buổi sáng, để làm những công việc phục vụ đời sống tù binh (vào rừng kiếm củi đốt, đi lấy gạo ở các kho của huyện, đi chợ tiếp phẩm cho bếp tù binh v.v…). Từ chiều hôm trước, giám thị đã phổ biến cho viên quan hai Cơ-léc-giê biết những công việc ngày hôm sau và số lao động cần thiết để bảo đảm guồng máy hoạt động của toàn trại chạy đều. Cơ-léc-giê thông báo cho các trưởng kíp tù binh cắt cử lao động ngày hôm sau trong các kíp của mình, miễn trừ lao động cho những tù binh ốm đau, hoặc có bệnh đột xuất ban đêm mà chỉ có trưởng kíp mới biết được rành rọt.

Còn “người nội trợ” của Trại số 1 thì không ai bằng viên quan ba Pi-e Mô-ri-se (FI) sống lâu năm ở thuộc địa, thông thạo phong tục, tập quán các dân tộc miền núi, và điều quan trọng là nghe và nói được tiếng Kinh và tiếng Tày. Thế là viên quan ba lính dõng năm nào nay đóng vai “người nội trợ” hàng ngày đi chợ Trùng Khánh Phủ, trà trộn, len lỏi vào dòng người nườm nượp với đủ sắc áo các dân tộc địa phương. Mô-ri-se thường dừng lại khá lâu trước những mặt hàng tươi sống, những gánh hoa quả và “mặc cả” như một “người nội trợ” sành sỏi. Nhân viên tiếp phẩm của trại kiên trì chờ đợi để trả tiền cho người bán hàng và thông báo cho Mô-ri-se biết số tiền còn lại để tùy anh ta định đoạt cuối cùng. Một số tù binh khác cùng “đi chợ” với Mô-ri-se nhưng để khuân vác thực phẩm về trại, cũng kiên trì chờ đợi không kêu ca, phàn nàn, dù thời gian “đi chợ” kéo dài hơn trước. Hơn lúc nào hết, chúng hiểu rõ giá trị của thời gian mà viên quan ba Mô-ri-se dành cho việc đi đi lại lại từ đầu đến cuối chợ, so sánh giá cả các mặt hàng và cũng biết cò kè “bớt một, thêm hai” trước khi quyết định cuối cùng.

Sự chuyển mình của Trại tù binh sĩ quan Pháp số 1 khi thì sống động, ồn ào trong không khí vui tươi, khi thì âm thầm, lặng lẽ trong đời tù cứ tưởng như hoàn toàn buồn tẻ, đơn điệu, tối tăm.

Mới có mấy tháng mà bộ mặt của trại đã biến đổi hẳn. Với sự nỗ lực vượt bậc của ban quản trị trại, sự tận tình của “anh nuôi” vui tính có nhiều kinh nghiệm nấu ăn, hàng ngày dành thời gian đến bếp tù binh chỉ dẫn cách nấu cơm, xào nấu các món ăn, đời sống tù binh được cải thiện rõ rệt. Bản làng phong quang, sạch sẽ, không còn cảnh cứt trâu, rãnh nước ứ đọng, hôi thối, bám đầy ruồi muỗi trên các lối đi trong bản. Nạn chấy rận bước đầu bị đẩy lùi qua một buổi “tổng vệ sinh” áo quần, chăn màn, trên cánh đồng bên con suối trong bản ở khu vực nước sâu có thể tắm mát. Những buổi trao đổi tình hình thời sự được tù binh sĩ quan chăm chú lặng nghe hơn, thảo luận sôi nổi hơn theo từng ê-kip. Những thắc mắc xung quanh những vấn đề thời sự nóng bỏng đều được các trưởng kíp ghi lại, chuyển lên Ban chỉ huy trại giải đáp trong buổi thảo luận tuần sau. Tiếng đàn, tiếng hát vui tươi hơn trong những giờ nghỉ giải lao hoặc chiều chiều khi hoàng hôn tắt hẳn, trong bản lại lập lòe những ánh lửa nhỏ bốc lên từ vài ba que củi đun nước uống của từng nhóm tù binh.

Đời sống tinh thần của tù binh cũng là mối quan tâm đặc biệt của Ban chỉ huy. “Tủ sách” của trại được xây dựng từ tháng 3-1951 nay được bổ sung khá nhiều sách báo và tạp chí, chủ yếu của Liên Xô và các nước Đông Âu, tuy chưa đáp ứng yêu cầu của tù binh nhưng cũng cung cấp nhiều tin tức. Tôi còn nhớ trong số sách của trại có cuốn tiểu thuyết “Người lính Pháp ở ngã ba đường” (Le soldat français à la croisée des chemins) được đông đảo tù binh sĩ quan tìm đọc hồi đó. Báo L’HUMANITÉ (NHÂN ĐẠO) của Đảng Cộng sản Pháp tuy đã cũ mòn nhưng vẫn là món ăn tinh thần bổ ích đối với tù binh, trong đó chúng có thể tìm thấy những tin tức thú vị của xứ sở như về giá cả sinh hoạt của nước Pháp, hoạt động thể dục thể thao, văn học nghệ thuật, những công trình xây dựng mới, cuộc đấu tranh ngày càng lan rộng của các tổ chức quần chúng nhân dân Pháp đòi hòa bình ở Việt Nam và hồi hương Quân đội viễn chinh Pháp. Ngoài ra tù binh sĩ quan còn có khái niệm chung về sự can thiệp ngày càng sâu của đế quốc Mỹ vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương, sự hình thành khối Bắc Đại Tây Dương và nguy cơ phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Đức, sự phụ thuộc ngày càng tăng của quân đội Pháp trong khối NATO dưới quyền chỉ huy của Mỹ v.v...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 11:06:43 pm »


Do có sự can thiệp của chính phủ ta, thư từ của gia đình tù binh gửi qua Hội Hồng thập tự Pháp đến tay tù binh đều đặn hơn. Theo quy định, mỗi tháng tù binh được viết thư một lần gửi về nước cho gia đình. Trong thư tù binh kể lại đời sống hàng ngày trong trại và báo tin sức khỏe của chúng được giữ vững. Có tù binh khuyên gia đình tham gia phong trào đấu tranh của các tổ chức quần chúng Pháp đòi chấm dứt cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” ở Việt Nam để sớm được trở về xum họp với gia đình.

Sau đây là một số đoạn trích thư gửi gia đình của tù binh sĩ quan Pháp Trại số 1 trong thời kỳ ấy:

+ “Vài lời về bữa ăn - cơm là thức ăn chính - thường bữa sáng có một quả trứng, mà mỗi người luộc tùy theo ý thích, một đĩa rau ăn với cơm, rau khô (đậu, đậu nành), hoặc rau tươi (đậu xanh, đậu Hà Lan hột, cải xoong, xà lát chín, cà chua, khoai lang) thay đổi tùy mùa và thỉnh thoảng một trái cây – buổi tối ăn như trên, không có trứng. Khi không có trứng (6 trong một tuần lễ) thì có hai bữa thịt lợn với hai quả trứng. Anh không bao giờ đói - nước uống của bọn anh là nước sắc lá cây

                                                                                 Quan ba Hăng-ri Pa-giét
                                                                 (Thư gửi vợ - Các-ta-giơ, Tuy-ni. Tháng 3-1952)


+ “Mặc dầu xứ sở, khí hậu, phong tục rất khác với những gì thích hợp với người châu Âu, tất cả đã được Ban chỉ huy Việt Nam thực hiện để giữ gìn sức khỏe và tinh thần của bọn anh.”

                                                                                      Quan tư A. Ác-nô
                                                                  (Thư gửi bà Ác-nô Lô-ri-ôn, Đơ-rôm. 11-3-1952)


+ “… Lễ Tết này là một thực tế, người Việt Nam, Ban chỉ huy và dân chúng, bằng một cử chỉ đáng được nhấn mạnh, đã quan tâm cho các anh tham dự các cuộc vui chơi của họ, coi các anh là những người bạn và khách qua đường chứ không phải tù binh

                                                                                 Quan năm Lơ-pa-giơ Mác-xen
                                                                               (Thư gửi vợ, 3 phố Phơ-lô-răng,
                                                                              Bơ-lu-măng-tan, Pa-ri. 16-2-1952).


+ “Buổi chiều chúng con có những buổi sinh hoạt hoặc chính trị, vệ sinh, văn hóa, giải trí, ca hát, bóng chuyền, thư viện, đánh bài và cờ, bơi lội

                                                                                       Quan hai Gu-xta-vơ Mô-nê
                                                                           (Thư gửi bố mẹ, Xa-voa Thượng. 15-4-1952).


+ “Còn anh thì vẫn khỏe như có phép mầu, duy có điều rủi là anh hơi mập và cũng chẳng buồn cưỡng lại”.

                                                                                       Quan hai Giăng Giắc Bơ-cle
                                                                              (Thư gửi vợ. Mông-bê-li-a, 11-12-1951)


+ “Ở đây mọi việc đều tốt, sức khỏe thật tốt. Chúng con đã hoàn toàn lại sức sau những mệt nhọc mùa hè nhờ mùa đông thích hợp với chúng con và ăn uống khá hơn. Con còn lên cân nữa kia.”.

                                                                                 Quan hai Y-vơ đơ La-cơ-roa Vô-boa
                                                                                (Thư gửi bố mẹ, Pa-ri VII, 13-3-1952)


+ “Đời sống trong trại về mặt thực tiễn, bản thân nó là một sự giáo dục chính trị với ý nghĩa nó là một hình ảnh thu nhỏ của một xã hội thực sự dân chủ. Những buổi thông tin và những bài diễn thuyết hoàn thiện sự giáo dục đó về mặt lý thuyết”.

                                                                                         Quan ba Luy-xiêng Mô-ry
                                                                               (Thư gửi vợ. Mông-pen-li-ê, 14-4-1952)


+ “Anh và các bạn đã phải xem xét lại hoàn toàn các giá trị và tức giận về sự tiếp tục một cách ngu xuẩn và tàn bạo cuộc chiến tranh này ở Việt Nam”.

                                                                                    Quan ba thầy thuốc Pi-e Pê-đu-xô
                                                                                  (Thư gửi vợ, … Cô-re-dơ, 13-3-1952)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 11:12:13 pm »


CHƯƠNG V
“TRẠI GIAM VIỆT MINH”
DƯỚI CON MẮT TÙ BINH SĨ QUAN PHÁP


I


“NHỮNG TRANG NÀY ĐƯỢC VIẾT KHÔNG PHẢI BỞI NHỮNG CON NGƯỜI NÔ LỆ”

                                                                           ỦY BAN HÒA BÌNH VÀ HỒI HƯƠNG
                                                                                       Trại số 1 (1952)


Bây giờ chúng ta hãy nghe tù binh sĩ quan Pháp nói về đời sống ở Trại số 1 (Cao Bằng) trong tập sách nhỏ do “ỦY BAN HÒA BÌNH VÀ HỒI HƯƠNG” Trại số 1 biên soạn1 nhân Tuần Hòa bình tổ chức từ ngày 16 đến 30-10-1952 ở trại hưởng ứng Đại hội Hòa bình thế giới họp ở Viên, thủ đô Áo, tháng 12-1952.


PHẦN MỞ ĐẦU

“Ngày 7 tháng 10 năng 1950 khi những sự may rủi của chiến tranh đã phân chia những người chiến thắng và những kẻ chiến bại, người Pháp mất cùng với sự kiểm soát miền thượng du Bắc Kỳ hơn hai nghìn người của họ bị giết chết hoặc bị bắt làm tù binh. Chúng tôi thuộc trong số những tù binh, gồm một trăm sĩ quan là nòng cốt của Trại số 1. Ngày thất bại của chúng tôi đánh dấu sự phụ thuộc của chúng tôi vào Quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông đã chấm dứt và sự mở đầu một thời kỳ mới mở ra trước mắt chúng tôi đầy bất ngờ. Là những kẻ chiến bại chúng tôi sợ sự trả thù của người chiến thắng. Nhiều người trong số chúng tôi nguyền rủa số phận đã từ chối họ không chết trong khi chiến đấu.

Những nỗi lo sợ của chúng tôi là không chính đáng, sau này chúng tôi mới hiểu điều đó, một tình huống khác hẳn sự tình chúng tôi chờ đợi đã dành cho chúng tôi. Thay cho cái hốc tối tăm của sự quên lãng chúng tôi đã tìm thấy ánh sáng. Đôi mắt chúng tôi ngày lại ngày đã khám phá một xứ sở mà cho đến lúc đó chúng tôi đã đi qua như những người mù, những suy nghĩ của chúng tôi được mở rộng sang những vấn đề mà cho đến lúc đó chúng tôi đã bỏ qua mà không hề biết, những thành kiến của chúng tôi dần dần tan biến và một sự tin cậy nẩy nở cuối cùng đã cho chúng tôi cảm giác là những con người mới.

Những lý do của sự biến đổi có nhiều, bởi vì Quân đội và Nhân dân Việt Nam đã coi chúng tôi không phải như những kẻ thù chiến bại mà như những con người bất hạnh, những công cụ mù quáng trong những bàn tay tội lỗi; họ đã tha thứ cho chúng tôi và chìa bàn tay vực chúng tôi dậy. Nhưng trên hết, công ơn của cử chỉ đó thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh người lãnh đạo kính yêu của dân tộc Việt Nam, người giải phóng của họ. Con người đó với những đức tính cách mạng cao cả của sự công minh, chính trực, độ lượng gắn liền với những đức tính cá nhân giản dị, nhân từ, sáng suốt, yêu thương các dân tộc, đã chiến đấu từ 40 năm nay cho cùng một sự nghiệp giải phóng dân tộc bị áp bức của Người. Chính Người đã đề xướng chính sách khoan hồng được áp dụng với tù binh và những biểu hiện của chính sách khoan hồng đó càng ngày càng rõ rệt trong việc đối xử với chúng tôi, sự chăm lo giáo dục chính trị đối với chúng tôi, sự phóng thích không điều kiện nhiều người trong chúng tôi. Có ai mà không biết đánh giá một cách đứng đắn đặc ân đó của Chủ tịch dành cho tù binh để trả họ về cho nhân dân Pháp?

Để bày tỏ lòng biết ơn và tình cảm của họ đối với những ân nhân của mình, những người tù binh muốn ghi lại trong những trang tiếp theo trước hết những cảm tưởng đầu tiên của những kẻ bị bắt, những sự do dự, những băn khoăn trong những bước đi đầu tiên của những tân tín đồ và cuối cùng là sự nhiệt tình họ đã tiếp đón sau đó những buổi học tập chính trị2 Trong hơn 24 tháng họ đã không ngừng đặt chân đến miền khác nhau. Hàng trăm ki-lô-mét đã đi qua, những ngày lưu lại khá lớn trong các bản làng, đã cho phép họ trông thấy, quan sát, nhận xét về đất nước và nhân dân đã giữ họ làm tù binh.

Họ sẽ nhắc lại với bạn tất cả sự độ lượng mà họ là đối tượng ở mọi nơi; họ sẽ kể với bạn về tình anh em trong lao động và sự vui tươi đã gắn bó quân đội và toàn dân ở nước Việt Nam tự do, tình anh em rộng lớn và được cảm thông đến nỗi nó đã mở rộng nhanh chóng đến toàn thể tù binh.
Một niềm hy vọng chứa chan đã nẩy nở trong trái tim những con người đó, hy vọng ở một thế giới tốt đẹp hơn mà cuối cùng họ đã khám phá, hy vọng ở hòa bình, hy vọng và tin tưởng Chính phủ Việt Nam một ngày kia sẽ trả họ trở về với tự do.

Hôm qua còn chưa biết, mù quáng, họ chiến đấu, họ căm ghét đất nước này; ngày nay, là những chiến sĩ hòa bình, để phổ biến ánh sáng, nói lên sự thật soi sáng nhân dân Pháp, nói tóm lại làm thất bại một sự tuyên truyền dối trá mà họ viết chuyện kể này.

Họ không có ý định tiến hành một cuộc nghiên cứu đầy đủ về nước Việt Nam mà chỉ ghi lại ở đây những cảnh tưởng sâu đậm nhất, những nét đã gây cho họ những ấn tượng đặc biệt nhất....

_______________________________________
1. Nguyên văn tiếng Pháp với chữ ký của tù binh sĩ quan Pháp đăng ở phần Phụ lục.
2. Nhân Tuần Hòa bình được tổ chức ở Trại số 1 từ 16 đến 31 tháng mười 1952. cuốn sách nhỏ này đã được viết để tiếp thêm vào những công trình chuẩn bị cho Đại hội Hòa Bình thế giới sẽ họp ở Viên vào tháng mười hai 1952. (Chú thích của U.B.H.B.H.H Trại số 1 - Tác giả).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM