Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:29:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khép lại quá khứ đau thương  (Đọc 41308 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 08:40:49 pm »


Trong khi chờ đợi phân công công tác, tôi gặp lại anh Trương Đắc Vy tức “Từ Dũng” người bạn cùng học khoa tiếng Anh trường Ngoại ngữ năm 1947 ở xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Vốn là học sinh cũ trường Tây An-be Xa-rô ở Hà Nội, anh luôn miệng nói tiếng Tây và huýt sáo. Chiều chiều bên bờ suối, hoặc dưới ánh trăng, nhớ về thủ đô Hà Nội, anh cất lên giọng trầm những bài hát Tây một thời được thanh niên ta ưa chuộng của danh ca Pháp Ti-nô Rô-xi... Để giữ bí mật, các học binh trường Ngoại ngữ hồi bấy giờ đều thay tên đổi họ, chọn cho mình một “bí danh” theo quê quán, địa phương, tỉnh, thành hoặc một nhân vật trong truyện cổ tích, người hùng trong tiểu thuyết, hoặc tên của người yêu xa vắng. Thế là một nhóm sinh viên liền “kết họ” với nhau, nổi tiếng nhất là họ “Từ”: Từ Hạnh, Từ Bích Hoàng, Từ Hải, Từ Dũng v.v... Thật là vui nhộn với nhiều kỷ niệm không thể nào quên của buổi đầu đi vào cuộc kháng chiến. Mà sao có thể quên những tháng năm đầy gian khổ, chia ngọt xẻ bùi, thậm chí cả đau thương1 ở cái nôi đã giáo dục, rèn luyện một số khá đông học sinh, trí thức, tự nguyện rời bỏ gia đình, quê hương theo tiếng gọi của Tổ quốc.

Chúng tôi chào nhau theo thói quen nghịch ngợm trong trường Ngoại ngữ cũ:

- Hello, “Mister Winter”, enfin, on se retrouve.

- Et oui, le monde est petit2.

Anh bạn “Từ Dũng” của tôi vẫn thế - rừng xanh, măng non, rau “tàu bay” và cả muỗi rùng không làm anh thay đổi bao nhiêu. Anh thuộc loại vóc người tầm thước, dáng đi hài hòa, cử chỉ lịch thiệp, khuôn mặt luôn nở nụ cười tươi của thời sinh viên, có khác chăng là bộ râu quai nón lởm chởm chưa cạo của anh. Chúng tôi chuyển đầu đề câu chuyện đi vào thực tế của hiện tại. “Từ Dũng” thì thầm:

- Cậu mới lên Cao Bằng à? Tớ đang công tác ở văn phòng ông Hoàng Quốc Việt3. Thế là đùng một cái có lệnh lên đây, trước cậu ít lâu thôi. Mais c’est la pagaie ici!4. Sắp tới họ sẽ đưa mình về trại Lê dương để nói tiếng Tây với tù binh Tây.

Thấy tối chăm chú lắng nghe anh nói, “Từ Dũng” nhún vai:

- Ngày mai Ban giám đốc sẽ tổ chức hội nghị cán bộ bàn về công tác tổ chức chuẩn bị cho tù binh đi làm đường, sửa đường, phân chia các trại và tớ sẽ làm “cai lục lộ” kiêm “giảng viên” lên lớp chính trị để mở mắt cho tù binh về chiến tranh xâm lược của bọn “đế quốc sài lang”.

Anh bạn cũ của tôi vẫn không bỏ được tính bông đùa của thời sinh viên. Tôi hỏi nhỏ anh:

- Vậy cậu có định ở lại trên này làm công tác tù binh không?

- Thế cậu bảo mình chuồn đi đâu? Anh trố mắt nhìn tôi rồi nói tiếp:

- Mệnh lệnh là mệnh lệnh. Đất này mới đúng là nơi “dụng võ” của bọn mình.

Trước yêu cầu của tình hình mới, Ban giám đốc quyết định tổ chức lại các trại tù binh theo các cung đường được giao sửa chữa, tăng cường cán bộ quản lý và giáo dục chính trị tù binh ở các trại. Trại 1 đóng ở Sóc Chang cách huyện lỵ Quảng Uyên khoảng 5-6 km, gồm các sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp không tham gia sửa đường, được di chuyển lên phía bắc tại huyện Trùng Khánh. Trại 2 và 3 chủ yếu gồm lính Lê dương sáp nhập gọi là Trại 2 đóng một bộ phận từ Bó Luông (Quảng Uyên) đến An Lại dưới chân đèo Mã Phục và một bộ phận khác đóng ở Khâu Chỉ về mạn Phục Hòa, cách thị trấn Quảng Uyên khoảng 20 ki-lô-mét. Trại 4 gồm lính Ma-rốc, An-giê-ri, Tuy-ni-di v.v... rời về Nà Phạc - Ngân Sơn (Bắc Cạn) trên con đường số 3 Bis, theo yêu cầu của Bộ Giao thông để sửa một số cung đường bị hư hại. Để bảo đảm tiếp tế thực phẩm cho tù binh Trại 4 ở cung đường xa, Ban giám đốc thành lập một trạm trung chuyển gồm một số bộ đội và tù binh Ma-rốc chuyên làm nhiệm vụ tiếp phẩm, nuôi lợn, chăn bò... Trại 5 là bệnh xá tiếp nhận tù binh ốm do một bác sĩ Việt Nam phụ trách. Đồng thời ở các trại cũng thành lập các trạm xá do y tá Việt Nam hoặc y tá tù binh đảm nhiệm việc điều trị các bệnh thông thường.

Tôi chia tay với anh bạn “Từ Dũng” như hai người lính ra trận, cọ má tôi vào bộ râu quai nón lởm chởm của anh.

- Hello, “Mister Winter”, bonne chance!

- My old chap, soon to see you again5.

Tôi đứng ở bên đường dõi mắt nhìn theo bóng “Từ Dũng với bước đi khỏe khoắn, hòa vào đoàn tù binh Lê dương rời thị trấn Quảng Uyên đi về mạn Phục Hòa. Còn tôi nhảy lên một chiếc xe Jeep của Tỉnh đội Cao Bằng với chiếc ba-lô dã chiến ngược về phía thị xã Cao Bằng để xuống Ngân Sơn, dừng chân ở Nà Phạc.

Địa chỉ mới của tôi trao cho anh bạn “Từ Dũng” lúc chia tay: BAN CHỈ HUY TRẠI TÙ BINH SỐ 4 NÀ PHẠC- BẮC CẠN
_____________________________________
1. Mở đầu cuộc hành quân Bô-phơ-rê tiến công lên Việt Bắc, trường Ngoại ngữ đóng ở Văn Lãng. xã Yên Lãng là một trong những mục tiêu bị máy bay địch ném bom, bắn phá ngày 5-10-1947.
2. Này, “Ông Đông”, cuối cùng ta lại gặp nhau - Đúng thế, quả đất tròn.
3. Ông Hoàng Quốc Việt, ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, phụ trách công tác Dân vận, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt.
4. Ở đây thật là “bát nháo”.
5. Này “Ông Đông”, chúc may mắn! - Bạn cố tri, mong sớm gặp lại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 08:47:04 pm »


CHƯƠNG II
“TỪ CỬA SỔ NHÀ TÙ...”


Tháng 9-1951 từ Trại tù binh lính Bắc Phi số 4 ở Nà Phạc (Bắc Cạn) tôi được điều động lên huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) nhận công tác tại Trại tù binh sĩ quan Pháp số 1. Thời gian này công việc sửa đường của các trại tù binh đã gần hoàn tất, một số khá lớn tù binh Pháp và Âu Phi bị bắt sau Chiến dịch Biên giới 1950 đã được phóng thích không điều kiện cho đối phương.

Năm đó tôi gần tròn 24 tuổi. Các cán bộ, chiến sĩ cũng đều rất trẻ, bộ đội địa phương canh gác tù binh còn trẻ hơn nhiều, có chiến sĩ vẫn còn lông tơ trên mặt. Thời kỳ đó tất cả chúng tôi không được huấn luyện qua trường lớp nào về công tác vận động binh lính địch, cũng không thể có lớp huấn luyện nào về công tác tù binh sau Chiến thắng Biên giới 1950.

Cẩm nang quý báu và vũ khí duy nhất của chúng tôi là CHÍNH SÁCH KHOAN HỒNG của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện xúc tích qua hai bức thư của Người gửi tù binh năm 1951. Tháng 6-1951, trong bức thư đầu tiên gửi tù binh, Cụ Hồ viết:

“… Nhân dân Việt Nam chỉ mong muốn thống nhất và độc lập cho Tổ quốc mình. Nhưng thực dân Pháp, nhân danh nước Pháp, nền văn minh và nền dân chủ, đã che giấu những lợi ích bỉ ổi của bọn triệu phú Pháp và Mỹ, sử dụng các người để gieo rắc chết chóc, đổ nát và sự tàn phá trên đất nước chúng tôi. Bởi vậy, chúng tôi có mối căm thù, một mối căm thù thiêng liêng và mãnh liệt chống lại bọn thực dân đầu sỏ. Nhưng sự căm thù đó không dành cho các người, những nạn nhân của chính sách tội ác thực dân mà đối với các người có nghĩa là sự nô lệ, khốn cùng và cái chết.

Bởi thế, đáp ứng lời kêu gọi của các tổ chức yêu nước của nước Pháp và của gia đình các nạn nhân, chúng tôi quyết định, chừng nào có thể được, làm dễ dàng cho việc hồi hương của các người, để các người có thể gặp lại gia đình, cha mẹ, vợ con của các người...”
1.

Nhân dịp Nô-en 1951, Cụ Hồ viết bức thư thứ hai cho những kẻ bại trận bị giam giữ ở bên này chiến tuyến:

“… Trong ngày lễ này, tôi nhớ đến các người, kẻ thù của chúng tôi hôm qua, những người khách bắt buộc (và tôi có thể nói những người bạn của chúng tối hôm nay), bởi vì chúng tôi biết phân biệt giữa bọn đế quốc, các tôi tớ của bọn gây chiến Mỹ, và các người, con em nhân dân lao động dũng cảm của nước Pháp và các nước khác...”2.

Cụ Hồ còn ân cần khuyên tù binh ba điều ngắn gọn, có ý nghĩa sâu sắc:

* HÃY GIỮ KỶ LUẬT
* HÃY TỎ RA CÓ ÍCH
* HÃY GIỮ GÌN SỨC KHỎE.
______________________________________
1, 2. Trích “Tập san giáo dục tù hàng binh Âu Phi” của Cục Địch Vận - Tổng cục Chính trị trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và báo tiếng Pháp “LE VLET NAM EN MARCHE” (Việt Nam tiến bước), tr. 9, số 14, tháng 12-1957.)
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Ba, 2009, 09:04:01 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 08:49:32 pm »

*
NGƯỜI CHỦ BÚT BÁO “NGƯỜI CÙNG KHỔ”
VÀ VỊ CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA CHỈ LÀ MỘT


Trong lần chúng tôi gặp lại nhau tháng 5-1993 tại Hà Nội, anh Lưu Thanh, giám đốc cũ Trại tù binh biên giới Cao Bằng, kể lại:

- “… Với tư cách là Phó Ban Địch Vận Mặt trận Biên giới, tôi luôn đi sát anh Lê Liêm hồi đó là Chủ nhiệm Cục Chính trị, kiêm Chính ủy Mặt trận Đông Khê. Anh Lê Liêm, nguyên ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, nên có biết tôi.

Đông Khê là một cứ điểm kiên cố của địch trên đường số 4, là điểm tiến công mở màn Chiến dịch Biên giới. Ta tiêu diệt đồn Đông Khê và bắt sống viên quan ba A-li-úc, trưởng đồn. Một đơn vị của Đại đoàn 308 được lệnh áp giải tù binh gồm hơn 100 tên về phía sau. Anh Lê Liêm gọi tôi đến giao nhiệm vụ: - Cậu đến ngay Phòng cung cấp của Mặt trận lấy chè, đường, thuốc lá để úy lạo tù binh trước khi giải chúng về hậu phương chiều nay.

Anh Lê Liêm căn dặn: - Anh Văn1 sẽ đến gặp tù binh, có thể cả Bác nữa.

Tôi vội chạy đi làm nhiệm vụ. Bộ đội áp giải cho tù binh nghỉ dưới rặng cây trên con đường rải đá ở bìa rừng. Đứa nằm, đứa ngồi hút thuốc lá vẻ khoan khoái sau khi được uống nước giải khát chè đường. Quả nhiên, khoảng ba giờ chiều anh Văn đến, cùng đi có anh Hoàng Văn Thái, Chỉ huy trưởng Mặt trận Đông Khê và anh Lê Liêm, Cục trưởng Cục Chính trị. Các anh thăm hỏi và nói chuyện với tù binh hồi lâu thì có một ông cụ mặc bộ đồ ka-ki màu vàng nhạt, đầu đội mũ cứng, khăn mặt vắt trên quai mũ che kín bộ râu, tay chống gậy, chân đi dép cao su, dáng đi nhanh nhẹn, xuất hiện. Theo sau ông cụ là một người lính bảo vệ vai khoác khẩu ca-bin. Lúc nay tù binh đã được lệnh tiếp tục lên đường. Cụ Hồ vượt qua đám tù binh một đoạn rồi quay trở lại, vừa đi vừa quan sát bọn quan quân cất bước nặng nề trên con đường rải đá ở bìa rừng. Tôi đứng xa quan sát thấy Cụ Hồ bỗng dừng lại hỏi chuyện một tù bình người Âu, mình trần, chỉ còn cái quần cộc, chân không giầy, đi lết cuối cùng.

Mặt trời đã lấp sau những rặng núi phía Tây. Cụ Hồ nhìn trời, nhìn tên tù binh đứng trước mặt, thoắt cái Cụ Hồ cởi chiếc áo ka-ki đang mặc đưa cho tên tù bình đó. Nó sững sờ giây lát, rồi nắm chặt hai bàn tay ông già tốt bụng, cảm ơn rối rít. Sau khi tên tù binh tiếp tục lê gót chân bám theo đoàn, Cụ Hồ tiến gần đến người lính bảo vệ dặn dò mấy câu rồi đi ngược lại con đường cũ, trở về Bộ chỉ huy Chiến dịch...

Anh Lưu Thanh kế tiếp:

Tôi đứng xa quan sát không biết Cụ Hồ nói gì với cậu chiến sĩ trẻ áp giải tù binh. Tôi cắm đầu chạy theo hỏi thì được biết Cụ Hồ căn dặn: -“Các chú phải đối xử tử tế với tù binh nhưng cũng phải cảnh giác kẻo tù bình cướp súng đấy. Ở đây vẫn còn là mặt trận.:.”. Sau này tôi được biết tên tù binh người Âu kia, quốc tịch Ý, nhưng không nhớ tên. Rồi bận việc tôi cũng quên khuấy chuyện đó.

Tôi suy nghĩ: Cụ Hồ đối xử nhân đạo với tù binh nhưng không quên bảo vệ tính mạng các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở mặt trận. Cụ Hồ đề xướng chính sách khoan hồng đối với tù binh và cũng là người đầu tiên thực hiện chính sách khoan hồng đó của Đảng, của quân đội và nhân dân Việt Nam. Người sáng lập và chủ bút tờ báo “Người cùng khổ” (LE PARIA) năm 1922 trên đất Pháp và người sáng lập, vị Chủ tịch đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hai mươi ba năm sau vẫn chỉ là MỘT.
_______________________________________
1. Tên gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 08:53:09 pm »


*
“CHÍNH TRONG MỘT TRẠI TÙ BINH VIỆT NAM TÔI MỚI BẮT ĐẦU ĐƯỢC TỰ DO”.
Quan năm Pi-e Sác-tông



Trại tù binh sĩ quan Pháp số 1 cũng như các trại tù binh Âu Phi khác không có hàng rào kẽm gai và hào sâu bao quanh trại, không có chòi canh bốn phía với những khẩu súng FM sẵn sàng nhả đạn, không có đèn pha sáng rực quét trong đêm tối phát hiện những bóng đen vượt ngục. Bởi một lẽ giản dị tù binh sống trong những căn nhà sàn của dân từ đầu đến cuối bản. Hàng rào canh gác tù binh là “tai mắt” của dân bản ở vòng trong và cái “thiên la địa võng” gồm đồng bào các dân tộc trong vùng mới giải phóng ở vòng ngoài, kéo dài đến sát các đồn địch còn chốt ở miền Trung du xa xôi, cách Cao Bằng hàng trăm ki-lô-mét.

Viên quan năm Sác-tông, chỉ huy trưởng Phân Khu Biên thùy II Cao Bằng, trước lúc bị bắt làm tù binh, đinh ninh cho rằng dân chúng Cao Bằng trung thành với nước Pháp. Than ôi, hắn đã bị vỡ “giấc mộng vàng” khi Trại số 1 còn đóng ở bản Nà Lèng thuộc địa phận huyện Quảng Uyên, dân chúng địa phương đã bắt giải về trại 5 tên tù binh Pháp trốn trại ngày 2-12-1950. Trong đó có viên quan ba Pi-e Mô-ri-se (F.I), chỉ huy tiểu đoàn lính dõng, thuộc binh đoàn Sác-tông, nói tiếng Tày, tiếng Kinh khá thạo. Mẩu giấy vẽ đường đi trốn do một viên đội Pháp trao cho Sác-tông ở bản Nà Lèng được giấu trong bao kính của hắn, cuối cùng cũng bị bộ đội bảo vệ phát hiện sau khi chuyển Trại số 1 lên phía bắc huyện Trùng Khánh. Từ đó Sác-tông vui lòng làm “người khách bắt buộc” tại Trại số 1 cho đến khi được trao trả tự do ở Việt Trì sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954.

Vào dịp tôi đến nhận công tác tại Trại tù binh sĩ quan Pháp số 1 thì “ỦY BAN HÒA BÌNH VÀ HỒI HƯƠNG” của tù binh được thành lập ngày 22-9-1951 gồm 7 người đại diện cho các binh chủng và cấp bậc sĩ quan. Sau này các thành viên của Ủy ban được tù binh bầu bổ sung theo từng thời kỳ và do viên quan hai Bơ-cle Giăng Giắc, tiểu đoàn Ta-bo thứ ba, thuộc binh đoàn Sác-tông, làm thư ký trong một thời gian dài cho đến ngày hòa bình được lập lại ở Việt Nam 1954.

Mục đích thành lập “ỦY BAN HÒA BÌNH VÀ HỒI HƯƠNG” ở Trại số 1 được toàn thể tù binh sĩ quan thảo luận và thống nhất:

- Đấu tranh cho HÒA BÌNH Ở VIỆT NAM BẰNG HỒI HƯƠNG QUÂN ĐỘI VIỄN CHINH PHÁP.

- Đấu tranh cho HÒA BÌNH THẾ GIỚI.

Nhiệm vụ của Ủy ban là hướng dẫn và lãnh đạo cuộc đấu tranh của toàn thể tù binh trong trại, soạn thảo những tuyên ngôn, tuyên bố, lời kêu gọi, thư ngỏ v.v... trong khuôn khổ các khẩu hiệu hành động và mục tiêu đã được xác định. Ngoài ra Ủy ban còn chăm lo đáp ứng, trong điều kiện cho phép của trại, niềm khao khát chung của tù binh muốn tìm hiểu những vấn đề thời sự ở Việt Nam và trên thế giới có liên quan đến lợi ích nâng cao sự hiểu biết của tù binh về nhiều mặt.

Cũng trong thời gian này, một đoàn cán bộ của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đến Trại số 1 nghiên cứu diễn biến các trận đánh trên đường số 4 trong tù binh sĩ quan Pháp. Ban chỉ huy trại chúng tôi bố trí nơi làm việc thuận tiện cho đoàn cũng như tạo điều kiện dễ dàng tiếp xúc với tù binh, giúp anh em hoàn thành nhiệm vụ.

Vào dịp này, tôi gặp anh Nguyễn Phong, phái viên Tổng Cục Chính trị đến Trại số 1 kiểm tra tình hình thực hiện chính sách tù binh theo Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Chỉ thị của Quân ủy Trung ương. Anh Nguyễn Phong quê ở xã Đái Nhân, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình nguyên ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ, ủy viên Ban Pháp vận Trung ương, là thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định trước khi được Trung ương điều động lên Việt Bắc tăng cường lãnh đạo công tác địch vận từ năm 1949. Ngay sau Chiến địch Biên giới: Quân ủy Trung ương cử anh thay mặt Tổng cục Chính trị làm việc trực tiếp với Tổng cục Cung cấp, Liên Khu ủy Việt Bắc và Tỉnh ủy các tỉnh Bắc Cạn, Cao Bằng và Bộ Giao thông nhằm đảm bảo việc cung cấp gạo, áo quần, thuốc chữa bệnh cho tù binh Âu Phi. Sau khi phổ biến chính sách khoan hồng của Đảng và Chính phủ đối với tù binh Âu Phi cho toàn thể cán bộ của trại, anh bắt tay vào việc chấn chỉnh tổ chức, sắp xếp lại nhân sự, tăng cường cán bộ lãnh đạo có năng lực và phẩm chất cho các trại tù binh. Tôi hiểu rằng sự có mặt của tôi ở trại tù binh sĩ quan Pháp lúc này không phải là một sự ngẫu nhiên hoặc tình cờ mà là sự chọn lọc của Đảng đặt tôi vào một vị trí hết sức tế nhị, có nhiều khó khăn và thử thách, mặc dầu tôi là người ngoài Đảng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 09:01:55 pm »


Một hôm anh Nguyễn Phong chuyển cho tôi bản viết tay của viên quan năm Pi-e Sác-tông bị giam riêng cũng như viên quan năm Mác-xen Lơ-pa-giơ trong hai căn nhà sàn nhỏ của dân. Anh nói với tôi:

- Anh xem để hiểu rõ hơn tâm trạng hiện nay của viên quan năm Pi-e Sác-tông. Nó chửi tuốt tuột tất cả tướng lĩnh và bọn cầm đầu Bộ chỉ huy quân sự Pháp. Nó chửi tướng Các-păng-chi-ê, tướng A-le-xăng-đri, tướng Mác-săng là những thằng ngu. Nó kết tội “TẤN THẢM KỊCH CAO BẰNG” do bọn cầm đầu Quân đội viễn chinh Pháp gây ra. Chính bọn “tướng lĩnh” mới đáng là “tù binh” của Việt Minh.

Tôi liếc mắt nhìn hàng chữ bên ngoài xấp giấy viết tay của Sác tông: “TỪ CỬA SỔ NHÀ TÙ CỦA TÔI” và đọc qua mấy dòng đầu: “Tôi bị bắt làm tù binh của Việt Nam. Bây giời tôi đang ở bên kia chiến lũy. Tôi suy tưởng. Lần đầu tiên tôi có thời gian để suy tưởng. Chính trong một trại tù binh Việt Nam tôi mới bắt đầu được tự do...1.

Anh Nguyễn Phong nói tiếp:

- Tôi đã nói chuyện vài lần với viên quan năm Sác-tông về sự rút chạy khỏi Cao Bằng dẫn đến thảm họa đối với hai binh đoàn Sác-tông và Lơ-pa-giơ trên đường số 4.

Viên quan năm Sác-tông bực bội trả lời tôi: - “Các ông đã vào thăm công sự của chúng tôi ở thị xã Cao bằng rồi. Các ông biết rõ pháo đài Cao Bằng của chúng tôi rất kiên cố, có hầm ngầm, có kho dự trữ hơn 100.000 tấn vũ khí, đạn dược, có kho lương thực, kho quân trang, có cả bệnh xá, phòng ăn được xây dựng lại theo kiểu chiến lũy Ma-gi-nô. Bên ngoài thành chúng tôi bố trí một hàng rào bảo vệ vững chắc gồm hơn 10 cứ điểm lớn nhỏ trên những quả đồi để phòng thủ tuyến ngoài. Lại có pháo lớn sẵn sàng tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào từ xa. Chúng tôi có một sân bay được sửa chữa lại và mở rộng hơn để các loại máy bay chiến đấu ném bom và tiếp viện có thể dễ dàng hạ cánh và cất cánh”.

Rồi Sác-tông cao giọng, nói tiếp: - “Màng lưới tình báo của chúng tôi rất rộng và biết rõ hai đơn vị chủ lực 316 và 308 của các ông đã sang Trung Quốc lấy vũ khí về đánh chúng tôi trong Chiến dịch Biên giới Thu-Đông 1950. Chúng tôi cũng biết các ông đang tập trung quân đội ở Cao Bằng nhưng các ông sẽ không đánh vào thị xã Cao Bằng mà đánh những điểm yếu hơn ở phía dưới con đường số 4. Tại sao? Các ông không dại gì đánh vào thị xã Cao Bằng bởi vì các ông sẽ chịu tổn thất ít nhất 10.000 quân. Quả như tôi dự đoán, các ông đã đánh và tiêu diệt cứ điểm Đông Khê”.

Nói rồi, viên quanh năm Sác-tông nhìn tôi, vẻ dò xét phản ứng của tôi ra sao. Nhưng thấy tôi vẫn im lặng, hắn liền dốc hết ruột gan: “- Nếu phải rút bỏ thị xã Cao Bằng trong cuộc hành quân mang mật danh “BÃO TÁP”2, chúng tôi sẽ đi con đường số 3Bis qua đèo Ngân Sơn hoặc đi con đường số 3 qua đèo Lê-a xuống Bắc Cạn rồi điện cho cánh quân ở Thái Nguyên trong cuộc hành quân nghi binh3 đã được Bộ chỉ huy Pháp dự kiến để lên đón chúng tôi, đồng thời quấy rối hậu phương các ông. Như vậy hậu phương các ông sẽ rối loạn mà chúng tôi sẽ bảo toàn được lực lượng. Tại sao chúng tôi cứ phải đi con đường số 4 có quân chủ lực của các ông mai phục sẵn chờ đón chúng tôi? Đó là sai lầm của bọn tướng lĩnh chúng tôi. Biết nói với ông thế nào cho đúng với sự suy nghĩ của tôi lúc này. Đó là sự bất lực của Bộ chỉ huy Pháp trong việc điều hành chiến tranh, sự chủ quan đánh giá quá thấp đối phương. Thế nào tôi cũng phải viết một cuốn sách với nhan đề “SỰ THẤT BẠI TRÊN ĐƯỜNG SỐ 4”4 để vạch sự ngu dốt của Bộ chỉ huy Pháp và để nhân dân Pháp biết rõ nguyên nhân sự thất bại của chúng tôi...”.

Anh Nguyễn Phong tiếp tục kể:

- Thấy tôi vẫn im lặng và chú ý lắng nghe hắn nói, viên quan năm Sác-tông than thở, giọng não nùng: - “Cái sai lầm duy nhất của tôi là đã tuyên truyền Trung Cộng sẽ tham chiến để chuẩn bị tinh thần chiến đấu của binh sĩ chúng tôi. Nhưng than ôi, binh sĩ chúng tôi lại đâm ra hoảng sợ...”.

Sác-tông kết thúc bằng câu: “Nói dối mãi, cuối cùng người ta sẽ tin”5. Rồi hắn nói thêm: “Cuối cùng ngay chính tôi có lúc cũng tin điều đó là sự thật”.

Ngừng một lát, bỗng Sác-tông hăm hở hỏi tôi:

- Các ông tiến quân vào Hà Nội chưa?

- Sớm muộn rồi chúng tôi sẽ vào Hà Nội, tôi trả lời hắn.

- Không, tôi hỏi thật các ông về mặt quân sự, chứ không hỏi về mặt chính trị - Sác-tông dán mắt vào tôi, vẻ mặt căng thẳng. Hắn hạ giọng:

- Tôi hỏi ông bởi vì phòng tuyến biên giới của chúng tôi cứng hơn ở đồng bằng. Nếu các ông tiến quân nhanh xuống đồng bằng, các ông sẽ chiếm được dễ dàng Hà Nội, cả Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Nếu các ông chậm chân sẽ đụng vào thép và lửa, bởi vì các ông phải đánh lộ thiên. Phòng tuyến ở đồng bằng không nơi nào cứng như phòng tuyến của chúng tôi ở biên giới. Lợi ích của chúng tôi bây giờ là sớm được trở về nước…” Rồi viên quan năm Sác-tông thốt lên não nùng: “Maintenant, j’ai les reins cassés!”6.

Viên quan năm Pi-e Sác-tông, vóc người vạm vỡ, da ngăm đen, đầu to, dáng đi hùng hục, ăn nói “thẳng ruột ngựa” khiến người đối thoại với hắn đôi khi khó chịu. Khác với Sác-tông, viên quan năm Mác-xen Lơ-pa-giơ có một thời làm “quan cai trị” ở Ma-rốc, điềm đạm, kín đáo, lịch sự và khôn khéo hơn trong sự giao tiếp hàng ngày với cán bộ, chiến sĩ trong trại. Sau khi tốt nghiệp trường võ bị Xanh Xia (Saint Cyr), Sác-tông đã lê gót giầy đinh hàng chục năm trên đất Ma-rốc, An-giê-ri, Tuy-ni-di trong đạo quân Lê dương, rồi sang Việt Nam đóng ở Tông (Sơn Tây) ngay từ những năm đầu 1930. Sau Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 người ta lại thấy Sác-tông có mặt ở Trung Kỳ (huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) và cuối cùng ở Cao Bằng trong những năm 1948-1949-1950. Do chiến tích phục vụ nhiều năm trong đạo quân Lê dương (3ème REI), Sác-tông được phong hàm “quan năm” ngày 2-1-1949 giữ chức vụ chỉ huy trưởng Phân Khu Biên thùy II tự trị Cao Bằng ngày 17-7-1950 thì bị bắt làm tù binh ngày 7-10-1950 tại dãy núi Cốc Xá trong Chiến dịch Biên giới 19507.

Viên quan năm Sác-tông tức giận đối với Bộ chỉ huy Pháp ở Bắc Kỳ là phải, bởi vì hắn mới hơn 47 tuổi (1903-1950) thì bị bắt làm tù binh. Cuộc đời binh nghiệp có thể còn nhưng con đường công danh của Sác-tông coi như đã chấm dứt.
_______________________________________
1. “Je suis captif, prisonnier de guerre du Vietnam. Maintenant je suis de l’autre côté de la barricade. Je médite. Pour la première fois j’ai le temps de méditer. C’est dans un camp de P.G vietnamien que j’ai commencé à être libre...”. (DES FENÊTRES DE MA PRISON), Pierre Charton.
2. Bộ chỉ huy Pháp đặt tên cho cuộc hành quân của binh đoàn Lơ-pa-giơ là ‘BAY-A”, của binh đoàn Sác-tông là “TÊ-RE-DƠ”. Cuộc hành quân “BÃO TÁP” do Sác-tông đặt cho binh đoàn hắn.
3. Cuộc hành quân nghi binh mang tên PHÔ-CƠ (Hải Cẩu) tiến đánh Thái Nguyên từ ngày 29-9-1950, đỡ đòn cho hai binh đoàn Sác-tông và Lơ-pa-giơ. Đến ngày 10-10-1950, địch lại vội vã rút quân đề phòng ta thừa thắng tiến công đồng bằng Bắc Bộ.
4. “LA CHUTE DE LA RC4”.
5. “À force de mentir, on finit par le croire”.
6. “Bây giờ tôi gẫy sống lưng rồi!”.
7. Dựa theo tiểu sử Pi-e Sác-tông, trang 217, “ĐƯỜNG SỐ 4 – TẤN THẢM KỊCH CAO BẰNG”, Nhà xuất bản Albatros, năm 1975.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 09:09:00 pm »


*

Tối nay viên quan nam Pi-e Sác-tông là “khách mời đặc biệt” của tôi. Một bữa ăn được cải thiện chút ít, vừa ăn vừa nói chuyện bên ấm chè nóng với vài quả chuối và một bao thuốc lá “Gô-loa” xanh - chiến lợi phẩm.

Mở đầu câu chuyện tôi tỏ ý lấy làm tiếc nếu năm 1946 tại Hội nghị Phông-ten-blô và sau này vào năm 1947 nếu chính phủ Pháp tỏ ra có thiện chí và không khước từ lời đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nối lại cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ hai nước, công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do trong khối Liên Hiệp Pháp thì đâu đến nỗi xây ra “TẤN THẢM KỊCH CAO BẰNG” ngày hôm nay. Tôi cũng thẳng thắn đánh giá sự chiến đấu dũng cảm của đạo quân Lê dương tại dãy núi 477 (Cốc Xá) trước khi chịu hạ vũ khí đầu hàng Quân đội nhân dân Việt Nam. Trước đó tôi đã được biết qua đoàn quân sự Bộ Tổng tham mưu về diễn biến trận đánh ác liệt đồn Đông Khê của bộ đội ta và sự chống trả quyết liệt của địch. Đại tướng Tổng Tư Lệnh Võ Nguyên Giáp đã gặp viên quan năm Sác-tông để tìm hiểu thêm nguyên nhân sự rút chạy khỏi thị xã Cao Bằng của đạo quân Lê dương, đã đánh giá một cách khách quan tinh thần chiến đấu của sĩ quan và binh lính dưới sự chỉ huy của hắn trên đường số 4.

Như trút được hòn đá tảng đè nặng trên vai người cầm quân bại trận, viên quan năm Sác-tông không nén được sự tức giận, ngồi ngọ ngoạy không yên. Cuối cùng hắn nói:

- Thưa ông ủy viên chính trị1, tôi xin phép được nói vài lời về sự thất bại của chúng tôi trên đường số 4. Mong ông hiểu cho rằng sự thất bại chua xót đó không phải lỗi của chúng tôi - những người thừa hành mệnh lệnh của cấp cao hơn là Bộ chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp. Nói thẳng ra là tướng Các-păng-chi-ê và bộ tham mưu của ông ta ngồi ở bàn giấy tại Hà Nội - Sài Gòn. Tôi đã suy nghĩ nhiều ngày đêm, tôi cần phải nói cho nhân dân Pháp biết rõ sự thật trên chiến trường. Lần đầu tiên tôi cảm thấy mình được tự do, nhưng than ôi, tôi được tự do trong chính trại giam của các ông - những người chiến thắng.

Tôi cắt ngang lời viên quan năm Sác-tông và lái câu chuyện sang hướng khác. Hắn là “khách mời” của tôi đêm nay, và thành thực mà nói, tôi không muốn gợi lại những “kỷ niệm buồn” trong đời một người lính chiến bại và cũng đã biết trước Sác-tông sẽ lặp lại những điều đã giãy bày trong “TỪ CỬA SỔ NHÀ TÙ CỦA TÔI”. Tôi nói về nước Pháp với truyền thống cách mạng và Tuyên ngôn Nhân quyền 1789, về những công trình nghệ thuật tuyệt đẹp của lâu đài Véc-xây thời đại vua Lui thứ XIV tháp Ép-phen xây dựng năm 1889 với đỉnh tháp cao hơn 1.000 “feet”2, một công trình nghệ thuật kiến trúc bằng thép duyên dáng trông ra dòng sông Xen thơ mộng...

Viên quan năm Sác-tông đi từ ngạc nhiên đến hứng thú, không ngờ câu chuyện đêm nay lại thoải mái đầu óc đến thế. Từ khi bị bắt làm tù binh, Sác-tông luôn luôn cáu kỉnh vì hàng ngày bị câu thúc bởi mọi thứ chuyện vặt vãnh của đời tù. Mỗi lần cán bộ cấp cao, hoặc một vị khách nào đó đến thăm trại, câu chuyện trao đổi với Sác-tông rút cục xoay quanh “TẤN THẢM KỊCH CAO BẰNG” làm hắn luôn luôn căng thẳng đầu óc. Dù sao thì bây giờ, trước con mắt của thiên hạ, mọi tội lỗi đều đổ dồn lên đầu hai người cầm đầu cuộc rút chạy thê thảm Cao Bằng.

Viên quan năm Sác-tông xin phép rút một điếu thuốc lá “Gô-loa”, chậm rãi châm lửa bằng chiếc đóm vào đèn Hoa Kỳ một cách thành thạo, rít một hơi dài rồi thả khói mờ mịt căn phòng. Về phần tôi cũng châm lửa vào nõ chiếc điếu cầy, rít một hơi thuốc lào, tiếng nước trong ống điếu kêu sòng sọc nghe thật vui tai. Đó là một cách chống lại cái rét cắt thịt của núi rừng Việt Bắc đối với cánh lính trẻ chúng tôi thời kỳ đó. Đến lượt viên quan năm Sác-tông giới thiệu với tôi về đời sống của nhân dân Pháp với các quán cà phê, quán rượu - một phần không thể thiếu trong đời thường của những người lao động, các công chức, các văn nghệ sĩ hàng ngày. Hắn dừng lại khá lâu nói về các loại rượu nho và các món ăn Pháp một cách thích thú, đặc biệt là món “bít-tết”, món xúp “Bui-a-bét”3 của các bà nội trợ Pháp.

Tôi nhìn chiếc đồng hồ Wyler cũ kỹ, kỷ niệm duy nhất của tôi còn lại khi rời thủ đô Hà Nội. Đã chín giờ tối, giờ đi ngủ của tù binh. Vừa lúc đó một hồi mõ dóng lên từ trạm gác của bộ đội bảo vệ. “Vị khách đặc biệt” của tôi dỏng tai nghe rồi vội vã nói tiếp, hình như sợ rằng sẽ không còn có dịp nào giãi bầy hết “bầu tâm sự” của hắn trong đời tù.

Tôi nói:

- Anh cứ nói tiếp, tôi sẽ cho lính bảo vệ đưa anh về.

Sác-tông yên tâm, rút thêm một điếu thuốc lá “Gô-loa”, ngồi lại thoải mái và tiếp tục câu chuyện. Lần này hắn nói về chợ ở các thành phố miền Nam nước Pháp đầy rẫy cà chua, dưa chuột, hành tây, hành lá, tỏi, củ cải đỏ, rau xà lát... Hắn khoe chợ Pháp còn có cả chuối, dứa, na và các loại hoa quả khác của vùng nhiệt đới với nhiều màu sắc đẹp mắt, hấp dẫn không kém chợ Bến Thành (Sài Gòn), chợ Đông Ba (Huế), chợ Đồng Xuân (Hà Nội).

Thật là thú vị khi nghe người đứng đầu một binh đoàn của đạo quân Lê dương số 3 nói chuyện say sưa về “HÒA BÌNH” trong khi ở hậu phương xa, trên đất Cao Bằng, những chiếc phóng pháo Xpít-phai, Gioong-ke hầu như ngày nào cũng quần đảo một vòng vùng trời hai huyện Trùng Khánh – Quảng Uyên, sẵn sàng gieo tội ác xuống các bản làng thanh bình.

“TỪ CỬA SỔ NHÀ TÙ”... viên quan năm Sác-tông cũng như nhiều tù binh sĩ quan khác bắt đầu nhìn thấy khoảng trời mới ló dạng trước mắt chúng, khác hẳn cuộc đời binh nghiệp của đạo quân Lê dương luôn luôn ngập ngụa trong máu và lửa ở tất cả các miền, các xứ thuộc địa chúng đã đi qua. Chợt người lính gác trong đội tuần tra đêm nay xuất hiện. Viên quan năm Sác-tông không nén nổi hân hoan giơ tay đón nhận bao thuốc lá “Gô-loa” đang hút dở, đứng nghiêm chào tôi trước khi trở về căn nhà sàn dành riêng cho hắn.
__________________________________
1. Ủy viên chính trị hay “chính trị viên”, tiếng Pháp gọi là “commissaire politique”.
2. Đơn vị đo lường. Một foot = 0,304 m.
3. Bouillabaisse = xúp thập cẩm.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 09:20:57 pm »


CHƯƠNG III.
TRÊN “HÒN ĐẢO TÌNH THƯƠNG”


Không biết tù binh sĩ quan Pháp nào đã đặt cái tên đó cho Bản Ca thuộc xã Bồng Sơn của đồng bào Tày thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Bồng Sơn cũng như Nà Lèng, Nà Vường, Nà Num, Tà Pít, và nhiều bản khác tù binh sĩ quan Pháp đã đến rồi lại đi trong một chuỗi dài chuyển trại, vì những lý do khác nhau của thời chiến tranh. Mỗi bản làng Trại số 1 chuyển đến là một dấu ấn đậm nhạt khác nhau hằn trong trí óc tù binh trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng có lẽ nơi để lại kỷ niệm khó quên trong đời tù là trên “Hòn đảo Tình thương”1.

Đó là một khu đất rộng nằm giữa ruộng lúa với bãi cỏ xanh rờn, hàng cây cổ thụ bao quanh phủ bóng mát, lấp lánh ánh mặt trời. Nơi đây đã chứng kiến lễ trọng thể thành lập “ỦY BAN HOÀ BÌNH VÀ HỒI HƯƠNG” Trại số 1, đánh dấu một bước ngoặt trong đời sống của tù binh sĩ quan Pháp ở bên này chiến lũy. Từ đó, chiều chiều tù bình đến tụ tập, tham dự những buổi trao đổi thời sự của Ban chỉ huy trại hoặc tổ chức những cuộc giải trí, vui chơi, ca hát ngoài trời. Đêm đến, bên ngọn lửa bập bùng, dưới ánh trăng lu, trước khi sương mù giăng kín núi rừng, từng nhóm tù binh ngồi quây quần dưới sân nhà sàn, bên gốc bưởi hoặc sát hàng rào những khu vườn rau, nấu nước lá ổi, lá chanh, lá bưởi uống với nhau, trò chuyện rì rầm. Đó đây trong bản vẳng lên những bài hát vui tươi xen lẫn những bài hát buồn, những điệu dân ca đồng quê man mác của quê hương, xứ sở. Tôi thường dừng chân trên đồi cọ trông ra đồng lúa, đồng màu lắng nghe những bài hát “Dân sơn cước” (Les Montagnards), “Núi rừng Pia-rê-nê” (Montagnes - Pyrénées)... Thỉnh thoảng lại vang lên những bài hát “Du kích quân” thời chống phát xít Đức của các lực lượng FFI (Forces Françaises Intérieures), FTP (Francs Tireurs ét Partisans). Tôi nhớ có lần một tù binh sĩ quan FFI nói với tôi: - “ Nước Pháp dưới ách chiếm đóng của bọn na-di sau Chiến tranh thế giới thứ hai cạn kiệt sĩ quan rồi. Đào tạo không kịp nên FFI và FTP cũng có mặt trong hàng ngũ Quân đội viễn chinh Pháp...”.

Thực hiện chính sách khoan hồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 21-11-1951 Ban chỉ huy Trại số 1 tổ chức lễ phóng thích không điều kiện cho phía đối phương 9 tù binh sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp, trong đó có viên quan năm thầy thuốc Tô-mát Đuy-rít. Cử chỉ nhân đạo của Chính phủ và Quân đội Nhân dân Việt Nam hoàn toàn bất ngờ đối với toàn thể tù binh sĩ quan Trại số 1. Viên quan năm thầy thuốc Tô-mát Đuy rít, thay mặt đoàn tù binh sĩ quan đầu tiên được phóng thích, xúc động hứa trong buổi lễ tiễn đưa “Đoàn Nô- en” lên đường trở về với tự do:

“Chúng tôi cam kết đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam bằng hồi hương quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn đông trong hàng ngũ các tổ chức dân chủ của nhân dân Pháp” 2.

Sau đó ít lâu, tôi được bổ nhiệm thay thế trưởng trại đi nhận công tác khác. Trại tù binh sĩ quan Pháp số 1 đã đi vào nề nếp, không còn cấp phó. Trên cương vị mới tôi được giao thêm trách nhiệm chỉ huy phó Liên trại tù binh biên giới mới đổi tên. Mỗi tháng tôi đi họp một lần ở huyện Quảng Uyên, vừa báo cáo công việc vừa nắm tình hình chung, tham gia ý kiến chỉ đạo hoạt động của các trại tù binh biên giới. Anh Lê Văn Quyết, sau này được điều động về Trại số 1 thay người giám thị cũ, tổ trưởng tổ Đảng trực thuộc Chi bộ Đảng Lao động Việt Nam Liên trại tù binh biên giới, phụ trách luôn công tác bảo vệ và công tác quản trị, động viên tôi:

- Tôi sẽ giúp anh giải quyết công việc hàng ngày để anh chăm lo giáo dục tù binh. Có việc gì khó tôi sẽ xin ý kiến anh. Mọi mệnh lệnh của anh, tôi và anh em sẽ chấp hành nghiêm chỉnh.
_____________________________________
1. “Île d’amour”.
2. “Nous nous engageons à lutter pour la Paix au Việt nam Par le Rapatriement du Corps Expéditionnaire Francais en Extrême-Orient au sein des organisations démocratiques du peuple francais”.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 09:24:11 pm »


Từ đó bốn mươi mốt mùa xuân đã trôi qua. Bao thay đổi và biến động long trời lở đất. Cứ tưởng tôi sẽ không bao giờ gặp lại người cộng sự thân thiết đã cùng tôi sát cánh chiến đấu trong những tháng năm gian khổ ở một vùng hậu phương xa xôi của Tổ quốc. Quả đất tròn, mùa Xuân 1993, chúng tôi đã ôm nhau thắm thiết ở thủ đô Hà Nội, mái tóc của hai người lính đã bạc nhưng tâm hồn vẫn còn trẻ như thời trai tráng ở miền núi rừng heo hút năm xưa.

Người giám thị cũ Trại tù binh sĩ quan Pháp số 1, quê ở xã Đồng Thanh, huyện Kim Thi, tỉnh Hưng Yên cũ, vừa làm lễ thượng thọ 70 tại một căn hộ của gia đình ở đường Láng Thượng trong niềm vui chung của gia đình, họ hàng, và các bạn chiến đấu cũ. Anh vẫn khỏe mạnh, nước da hồng hào, nét mặt tươi vui như thời kháng chiến chống Pháp. Ngỡ anh đã bỏ “nghề” từ lâu, nhưng không anh - vẫn đeo đuổi “nghiệp cũ”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, anh là ủy viên Ban cán sự Cục Tuyên truyền đặc biệt thuộc Tổng cục Chính trị và có mặt từ những ngày đầu tiên ta bắt sống viên phi công Mỹ ALVAREZ của Không lực Hoa Kỳ năm 1964 tại trại tù binh Mỹ ở Hỏa Lò, Hà Nội.

Nâng chén rượu thuốc trong bữa cơm thân mật, người bạn chiến đấu cũ nói với tôi: - Bây giờ nghĩ lại thấy vui đáo để. Anh còn nhớ không? Cụ Liễu, thủ quỹ kiêm thủ kho hiền lành nhưng rất nghiêm túc. Sổ sách kế toán rành mạch đâu ra đấy. Cấp phát gạo và thực phẩm hàng ngày cho tù binh không thiếu một cân mà cũng không thừa một lạng. Thanh toán tiền chợ cũng rất chặt chẽ. Ngồi ở nhà nhưng cụ nắm giá cả ở chợ rất sát. Anh em không thể lơ mơ với cụ được. “PMT” đấy1! Cụ Liễu quê ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, đảng viên cộng sản, là cán bộ tuyên truyền ở xã, bị bắt trong một trận càn của giặc Pháp.

Ngừng một lát, anh nói tiếp:

- Anh có còn nhớ cậu Cấm không? Cái cậu da ngăm đen, vóc người to khỏe, chưa vợ, quê ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương cũ. Cậu ấy cũng là đảng viên cộng sản bị giặc Pháp bắt trong một trận càn. Cậu ta chuyên đi tải bạc từ Cục Địch Vận ở Thái Nguyên lên Cao Bằng để cấp phát lương cho cán bộ, chiến sĩ và mua thực phẩm cho tù binh. Tiền nong không xuy xuyển một đồng nào, giấy bạc Tài chính hồi ấy ta phát hành như bươm bướm, phải vác cả một bao tải nặng mới hết.

Còn cậu Liệu, người cao, to, nước da trắng, cũng là đảng viên cộng sản, quê ở Tứ Kỳ - Hải Dương cậu ấy chuyên áp giải tù binh đi chợ. Cậu Liệu cũng là “PMT” đấy. Cả ba người đều được trở lại sinh hoạt Đảng sau khi xác minh rõ lý lịch tại địa phương.

Bỗng anh cười vang: - Anh còn nhớ ông Tựu không? Nhân viên cấp dưỡng của trại, người to, đen, hiền như củ khoai, cùng quê với hai cậu Cấm và Liệu. Nhớ vợ ra trò, hay bị anh em trêu chọc mà không hề giận. Sau khi ta cho tù binh Ma-rốc chuyển sang công việc khác, ông Tựu hướng dẫn bọn tù binh sỹ quan nấu ăn. Chúng nó nấu cơm không sống thì khê, thật chết cười...

Hình ảnh anh em “PMT” - những người bị đày đọa, đánh đập tàn nhẫn hàng ngày trong các đồn lính Pháp, quê hương họ bị giặc đốt phá, gia đình họ có những người thân bị giặc bắn chết trong các cuộc hành quân càn quét, lần lượt hiện ra trước mắt tôi chập chờn, rực sáng. Họ đã nén đau thương và lòng căm thù giặc, cùng đồng đội vượt qua biết bao khó khăn, thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Chính phủ đối với tù binh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tôi cũng nhớ lại với nhiều kỷ niệm sâu sắc những đóng góp to lớn của bộ đội bảo vệ trại, hầu hết là con em các dân tộc Tày, Nùng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mặc dầu ngôn ngữ bất đồng và rất nhớ vợ con, gia đình, quê hương. Một trong những hình ảnh trong sáng còn in đậm nét trong trí óc tôi cho đến ngày nay là em Phoóng, một chiến sỹ bảo vệ người Tày, bé loắt choắt, mặt còn lông tơ, mắt đen và sáng như thỏ con, luôn đeo trên vai khẩu súng “Mút” dài ngoẵng. Một hôm, Phoóng chạy ập vào phòng Ban chỉ huy trại, mặt tái xám, giận dữ nói:

- Báo cáo chỉ huy, cứ thế này thì em sẽ bắn vớ!

- Có chuyện gì xẩy ra thế? Tôi bình tĩnh hỏi.

- Thằng quan năm Sác-tông láo lắm vớ. Chiều nay em canh gác nó, em đứng ở gốc cây chuối dưới nhà sàn. Trông thấy em, nó vờ không biết, rồi quay mặt sang phía khác, vạch quần đái một bãi xuống đất trước mặt em...

Máu trên hai thấy dương tôi chảy giần giật. Tôi cố nén giận, hỏi tiếp:

- Thế ý kiến giám thị thế nào?

- Giám thị giận lắm đã cho giải nó đến ban bảo vệ trại cảnh cáo. Nhưng nó chối, bộ mặt ngơ ngác... Phoóng trả lời, giọng không vui.

- Em về đi, tôi lựa lời khuyên giải người chiến sĩ trẻ. Việc này sẽ không xẩy ra nữa đâu. Em giữ bình tĩnh như thế là tốt. Dù hoàn cảnh nào, em cũng không được bắn tù binh nhé. Kỷ luật nặng lắm đấy!

Người thanh niên dân tộc Tày ra khỏi phòng làm việc của Ban chỉ huy trại, vẻ mặt hờn giận như con trẻ. Phoóng quê ở huyện Trà Lĩnh gần thị trấn Nước Hai, cách thị xã Cao Bằng 12 ki-lô-mét. Trong một trận càn của giặc, bản làng của Phoóng bị đốt cháy trụi. Mặc dầu chưa đến tuổi tòng quân, cậu bé cứ nằng nặc xin bố mẹ cho đi bộ đội cầm súng giết Tây để trả thù nhà. Ban tuyển quân của huyện thông cảm với hoàn cảnh đau thương của gia đình Phoóng nên cuối cùng chấp nhận lời thỉnh cầu tha thiết của em. Thế là cậu bé dân tộc Tày, 16 tuổi đời, lên đường tòng quân giết giặc như bao thanh niên khác cùng lứa tuổi với Phoóng trên đất Cao Bằng.

Đêm ấy tôi thao thức không ngủ. Làm thế nào để chấm dứt thái độ hỗn xược của một số tù binh sĩ quan ngổ ngáo, ngang tàng, tẩy rửa được “đầu óc thực dân” đối với “người dân bản xứ”? Chúng có đủ lý do để thanh minh tự bào chữa và thậm chí “cười mũi” các chiến sĩ mà ta khó có thể kết tội chúng được. Tôi nghe nói có tù binh đã “chào cái cột” khi thấy cán bộ ta đi tới.

Đối với các chiến sĩ bảo vệ trại và đồng bào địa phương, rõ ràng thực hiện chính sách khoan hồng không hề đơn giản mà là một quá trình đấu tranh gian khổ, ác liệt, giằng co giữa lý trí và tình cảm của con người với con người, “Con người – CHIẾN SĨ” căm thù giặc sâu sắc, hàng ngày tiếp xúc với “Con người – KẺ THÙ HÔM QUA” đã từng gây tội ác “trời không dung đất không tha” đối với gia đình, quê hương họ! Uất hận, một số chiến sĩ ta, đồng bào ta có thể RỬA HẬN THÙ. Điều đó có thể xẩy ra nếu chỉ một giây phút nào đó lý trí không chiến thắng nổi tình cảm đau thương...
______________________________________
1. “PMT” (Prisonnier militaire du Tonkin), tức “Tù binh Bắc Kỳ”. Tên gọi những người dân bị giặc Pháp bắt trong những cuộc đi càn, thường bị chúng đánh đập tàn nhẫn, bắt đi phu khuân vác nặng trong những cuộc hành quân của địch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 09:28:23 pm »


*

Một buổi sáng tôi đi kiểm tra trại trên cương vị mới: Chỉ huy trưởng Trại tù binh sĩ quan Pháp số 1 - Cao Bằng. Tôi mặc chiếc áo bông trấn thủ hình quả trám đã bạc màu, đầu đội mũ cứng bọc vải ka-ki vàng nhạt, chân đi dép lốp cao su đen, lưng không đeo khẩu Bơ-rao-ninh mới toanh giắt trên dây lưng Mỹ to bản vẫn được cất kỹ trong kho, một mình đi vào khu vực trại. Đằng sau tôi không có lính bảo vệ lăm lăm nắm chặt trong tay khẩu “Xten” - như lệ thường ở các trại tù binh.

Đồng bào đã đi làm ruộng, lên nương hoặc đi chợ, trong bản chỉ còn các ông ké, bà mé và trẻ con đang nô đùa. Trên đường đi chật hẹp trong bản, đó đây những bãi cứt trâu, bò được thải ra từng quãng hoặc đã tự tiêu hủy với nắng, mưa. Những con lợn xề gầy giơ xương, ủn ỉn đi dạo, chốc chốc lại dũi mõm vào cống rãnh bên đường, sục sạo kiếm ăn. Xa xa một bầy gà con, lông vàng mượt lon ton chạy theo gà mẹ, tranh nhau bới một đống rác, kêu “chíp”, “chíp”. Tôi đi qua một nhóm tù binh gầy gò, xanh xao, đầu tóc bù xù - chúng được miễn lao động - đang ngồi hâm lại trong chiếc gà-mèn một ít cơm nguội bớt lại bữa tối hôm trước để ăn lót dạ sáng hôm sau. Tôi đến gần, chúng bật dậy đứng nghiêm chào. Tôi xua tay ra hiệu cho chúng ngồi xuống và nói:

- Các anh cứ tự nhiên. Chỉ cần sau khi tôi quay lưng đi, các anh không văng ra tiếng chửi! “Merde”1 là được rồi!

Bọn tù binh ngơ ngác nhìn nhau trong khi tôi tiếp tục rảo bước về phía nhà bếp được dựng trên một gò đất cao ven sườn đồi. Một máng nước bằng ống bương bắc từ trên núi cao dẫn nước xuống, chảy vào phuy xăng đã được cọ sạch. Từ những bếp lò xây bằng những phiến đá to trát vôi tỏa ra làn khói trắng lửng lơ bay theo chiều gió rồi tan biến vào khoảng không bên ngoài. Nhà bếp tù binh chỉ là một cái mái lợp cọ, chống trên cột bằng thân cây chặt ở trong rừng, ba bề trống hoác. Trên bếp lò lửa cháy đỏ rực, những chiếc “nồi” bằng phuy xăng bốc hơi sôi sùng sục. Một tù binh đổ gạo vào nồi, không rơi vãi một hạt gạo nào, dáng điệu thuần thục. Một tù binh khác đổ bí ngô vào nồi bên cạnh sau khi đã được rửa sạch trong một cái rổ to đặt bên cạnh phuy nước bên ngoài bếp. Một tù binh thứ ba chặt nốt một khúc xương bò, đứng dậy đổ tiếp vào nồi xúp mà lẽ ra thịt và xương bò phải được hầm kỹ từ trước.

Nhóm tù binh làm bếp là những viên quản thay thế tù binh Ma-rốc được chuyển đi làm việc khác của trại. Trưởng bếp người to béo, vẻ hiền lành vui tính. Hắn đứng nghiêm trước mặt tôi, tự giới thiệu. Tôi chỉ còn nhớ mang máng, có lẽ thế, nếu tôi không nhầm.

- Ăng-đơ-rê Măng-xuy, chánh quản, đại đội Ta-bo thứ hai, thưa ông trưởng trại.

Rồi hắn lần lượt giới thiệu với tôi những người cộng sự. Năm tháng đã trôi vào quá khứ, tôi không còn nhớ tên những “bếp” đầu tiên của Trại số 1, những con người siêng năng, cần mẫn đã giữ một vai trò không nhỏ trong việc cải thiện đời sống của tù binh sĩ quan Pháp. Tôi dừng lại khá lâu, hỏi chuyện gia đình, vợ con, quê hương của từng người. Tôi yên tâm khi thấy tất cả đều nhiệt tình, có vẻ thích thú là đằng khác với công việc bếp núc mà cả trăm con mắt trong trại đều đổ dồn vào, ngóng trông, chờ đợi, hy vọng ở bữa ăn hôm nay ngon miệng hơn bữa ăn hôm trước. Xét đến cùng, trong đời tù, làm bếp cũng có cái “địa vị” riêng của nó. Nó quyết định cái “dạ dày” của mọi thành viên trong trại. Nó có thể ra lệnh, hạch xách, quát mắng hoặc dịu dàng, vuốt ve, ban ơn tùy theo hoàn cảnh, sở thích, cá tính của những “bếp” ngày hai buổi chia cơm và thức ăn cho từng ê kíp tù binh.

Bỗng tôi chỉ tay vào nồi xúp, bảo viên chánh quản Măng-xuy:

- Anh cho tôi nếm thử món xúp.

Người trưởng bếp ngạc nhiên, tròn mắt nhìn tôi, rồi vội vàng chạy đi lấy cái muỗng đẽo bằng gỗ treo ở góc bếp. Một phụ bếp mở nắp nồi. Măng-xuy chùi tay sạch sẽ vào cái tạp dề đeo ở trước bụng, khoắng nồi, múc một muỗng xúp đầy đổ vào gà-mèn rồi bưng đến trước mặt tôi. Tôi cầm chiếc thìa cũng đẽo bằng gỗ do một phụ bếp khác đưa cho tôi, múc nước xúp từ từ đưa lên môi. Nước xúp nhạt thếch, lờ lợ, không mùi vị loáng thoáng nổi lên bề mặt một váng mỡ màu vàng nhạt. Tôi không nhận xét gì, cám ơn trưởng bếp, ra về.
______________________________________
1. “Merde!” - Tiếng chửi tục, có nghĩa đen: “Đồ cứt!”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 09:29:14 pm »


Đi về phía trạm xá tù binh cất trên một khoảnh đất cao ráo, tôi bước vào Viên quan ba thầy thuốc Max En-jan-be, đại đội Ta-bo thứ nhất, phụ trách trạm xá, chạy ra đón tiếp tôi. Tôi gặp ở đây cả viên quan ba thầy thuốc Pi-e Pê-đu-xô, tiểu đoàn dù Lê dương thứ nhất, người dỏng cao, trán rộng, mắt đeo kính trắng, cử chỉ lịch thiệp, khiêm tốn và nhã nhặn cúi đầu chào tôi một cách lễ độ. Ồ, tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra viên quan ba thầy thuốc Gióoc-giơ Am-xtơ-rông, thuộc đơn vị biệt kích dù thứ ba, vóc người tầm thước, da ngăm đen, cử chỉ hào hoa, cũng có mặt ở đây. Có lẽ chỉ còn viên quan hai thầy thuốc Guy I-ê-lê, đại đội Ta-bo thứ ba, không có mặt. Trong trạm xá kê hai giường bệnh cá nhân bằng gỗ trải chiếu, ở một góc phòng dựng một cái cáng bằng tre. Một cái bàn kê ở giữa phòng, trên bày vài lọ ax-pi-rin, xuyn-fa-đi-a-din, ký-ninh, một hộp đựng ống tiêm và kim tiêm, bông băng và một lọ thuốc đỏ méc-quya-rô-cơ-rôm. Ở bên ngoài lối ra vào trạm xá đặt một chiếc ghế dài có một tù binh đang ngồi chờ băng bó vết thương chân - anh ta vấp ngã trong khi lên rừng lấy củi khô.

Viên quan ba thầy thuốc En-jan-be báo cáo:

- Thưa ông trưởng trại, chúng tôi đang bàn về những biện pháp phòng bệnh theo chỉ thị của ông. Quả thật là khó khăn, chúng tôi chưa biết giải quyết cách nào trong những điều kiện thiếu thốn về nhiều mặt hiện nay của trại. Như không có thuốc đặc trị các bệnh hiểm nghèo sốt rét rừng, kiết lỵ, uốn ván. Ngay cả cồn 90o cũng đã hết, từ lâu phải dùng méc-quya-rô-cơ-rôm để sát trùng trước khi tiêm hoặc băng bó các vết thương.

Tôi an ủi người phụ trách trạm xá của trại.

- Chúng tôi sẽ cố gắng nhưng không hứa sẽ có được ngay các loại thuốc kháng sinh dạng uống như xtô-vác-xon hoặc dạng tiêm chống bệnh uốn ván. Trước mắt, các anh - những người thầy thuốc - bàn kỹ thực hiện phương châm phòng bệnh là chính như làm tổng vệ sinh trong toàn trại, lấp rãnh, đốt rác, diệt trừ ổ muỗi bằng vôi, đổ tro hàng ngày các hố phân, phân công cụ thể cho từng ê-kíp, kiểm tra chặt chẽ hàng ngày. Phê bình hoặc cảnh cáo toàn trại những cá nhân hoặc ê-kíp nào lười biếng. Tôi sẽ báo giám thị tổ chức đợt tổng vệ sinh chung cùng bộ đội và dân bản.

Thấy viên quan ba thầy thuốc En-jan-be tỏ ý không tin tưởng lắm vào biện pháp này, tôi nói luôn:

- Tiếp đó chúng ta sẽ mở một đợt diệt trừ chấy rận trong toàn trại.

- Bằng cách nào, thưa ông trưởng trại? Đến lượt viên quan ba thầy thuốc Pê-đu-xô ngạc nhiên, hỏi tôi.

- Bằng cách luộc nước sôi tất cả áo quần, chăn màn của các anh vào lúc trời nắng to nhất.

Nói xong tôi ra về, thoáng thấy vẻ mặt bối rối của cả ba viên thầy thuốc tù binh đưa mắt nhìn nhau.

Ngày hôm sau người y tá của trại từ bệnh xá tù binh ở huyện Quảng Uyên trở về, nét mặt vui tươi, hớn hở. Tôi cũng mừng rỡ khi thấy anh ta lôi từ túi xách to tướng ra nhiều loại thuốc do Xí nghiệp Dược phẩm của Cục Quân Y sản xuất, chữa bệnh sốt rét, kiết lỵ, ỉa chảy cùng các loại thuốc chữa bệnh thông thường. Ngoài bông băng, còn có cả cồn 90o và một số vitamin A, B, C... kèm theo một bức thư của người phụ trách bệnh xá. Anh Nguyễn Đức Quế, y sĩ, quê ở Thị Cầu, thị xã Bắc Ninh, mới được Cục Quân Y điều động lên Trại tù binh biên giới, là cán bộ quân y có nhiều kinh nghiệm chuyên môn. Tôi ưa thích tính tình giản dị, đi sâu, đi sát và có thái độ nghiêm túc trong công việc của anh. Nhiều lần gặp tôi, anh căn dặn: “Phải chú ý thực hiện phương châm phòng bệnh là chính” để giữ gìn sức khỏe cán bộ, chiến sĩ cũng như tù binh. Tôi thầm cám ơn người thầy thuốc tận tụy, yêu nghề đã khắc phục khó khăn của thời chiến tranh để giúp các trại có thuốc chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và tù binh khi hoàn cảnh cho phép.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM