Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:02:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khép lại quá khứ đau thương  (Đọc 41300 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2009, 08:01:48 pm »


*

II. HÀNH TRÌNH ĐẾN CHÂN LÝ

Đời sống của nhân dân Cao Bằng là một bức tranh minh họa sống động vai trò của “Nhà nước Bảo hộ” Pháp và cái gọi là công cuộc “khai hóa văn minh” của thực dân Pháp ở các xứ thuộc địa và Đông Dương.

Với sự quan sát khách quan và chứng kiến tận mắt đời sống của dân chúng địa phương, các tù binh sĩ quan Pháp đã phải xác nhận: “Lúa gạo trồng trọt không đủ nuôi dân cư. Mỗi năm vào thời kỳ giáp hạt, thường thường người nông dân phải ăn ngô trong ba, bốn tháng. Sự nghèo khổ đó, chủ yếu là kết quả của 80 năm thực dân hóa...”. Nhận xét nói trên của tù binh sĩ quan Pháp khẳng định lời thú nhận của viên Toàn quyền Đông Dương An-be Xa-rô cách đây hơn nữa thế kỷ trong cuốn sách “VINH VÀ NHỤC THUỘC ĐỊA”: “... Chiếm thuộc địa là một hành động bạo lực, bạo lực có vụ lợi..., là một sự chiếm đoạt vì lợi ích cá nhân ích kỷ, được thực hiện bởi kẻ mạnh hơn đối với kẻ yếu hơn1.

Từ hơn một thế kỷ trước, Giuyn Ghét-đơ, người sáng lập Đảng Công nhân Pháp, đã vạch trần bộ mặt thật của chủ nghĩa thực dân Pháp trong báo “Tiếng kêu của dân chúng” (Le cri du peuple), số ra ngày 7-4-1885: “... Hỡi binh lính, người ta đã bôi nhọ các người bằng cách sử dụng các người, máu, và sự dũng cảm của các người phục vụ cho bọn ăn cắp ở ngành kỹ nghệ, thương mại và ngân hàng, những kẻ kiếm chác lợi nhuận với những xác chết của các người.

Hỡi thợ thuyền, chính sách xuất cảng binh lính chính là chống lại các người.

Hỡi những người vợ, những bà mẹ, những thắng lợi cũng như những thất bại đem lại tang tóc cho các người đều làm giàu bạc triệu cho bọn thị trường chứng khoán, bởi vì thắng lợi hay rủi ro thì con em các người đều chết một cách tối tăm và vô ích cách xa Tồ quốc này hai nghìn dặm…
2.

Sau khi chứng kiến buổi lễ thành lập “ỦY BAN HOÀ BÌNH VÀ HỒI HƯƠNG” của tù binh sĩ quan Pháp tháng 9-1951, anh Nguyễn Phong, phái viên Tổng cục Chính trị, đến kiểm tra việc thực hiện chính sách tù binh ở Trại số 1, nói với tôi:

- Với việc toàn thể tù binh sĩ quan tự nguyện thành lập “ỦY BAN HÒA BÌNH VÀ HỒI HƯƠNG” và trực tiếp bầu các đại diện của họ trong Ban thư ký để hướng dẫn tù binh đấu tranh cho “HÒA BÌNH Ở VIỆT NAM” và “HỒI HƯƠNG QUÂN ĐỘI VIỄN CHINH PHÁP”, đó là một thắng lơi lớn của công tác giáo dục chính trị tù binh trong thời kỳ đầu. Chỉ với cái tên gọi đó thôi, tù binh sĩ quan Pháp đã công nhận tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và quân đội viễn chinh là công cụ của thực dân Pháp được sử dụng để thực hiện chính sách thực dân đối với các dân tộc thuộc địa. Từ nay cuộc đấu tranh của tù binh sĩ quan bắt đầu bước vào một giai đoạn mới có tổ chức do Ban thư ký là người trực tiếp hướng dẫn tù binh thực hiện cuộc đấu tranh này với nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta không “áp đặt” mà cung cấp những tư liệu và bằng chứng để nâng cao nhận thức của họ về những vấn đề có liên quan đến cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam v.v…
_________________________________
1. “La colonisation est un acte de force, de force intéressée…, une entreprise d’intérêt personnel égoiste, accomplie par le plus fort sur le plus faible”. Albert Sarraut – “Grandeur et Servitude coloniales”.
2. “… Soldats, c’est vous qu’on déshonore en vous mettant, en mettant votre sang et votre héroisme au service des voleurs de l’industrie, du commerce et de la banque qui pêchent aux profits avec vos cadavres!
      Ouvriers, c’est contre vous qu’est dirigée cette politique d’exportation à main armée.
      Femmes, mères, c’est vous que mettent en deuil les victoires comme les défaites in partibus qui emmillionnent également les gens de bourse, parce que succès ou revers ce sont vos enfants qui meurent obscurément ou inutilement à deux mille lieuex de cette patrie …”. Jules Guesde. “Le cri du peuple”. 7-4-1885.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2009, 08:05:21 pm »


Tối hôm đó, ngồi bên nồi chè đậu đen nấu với mật đãi khách, tôi nghe anh Nguyễn Phong kể lại quá trình diễn biến tư tưởng của tù binh sĩ quan trong thời kỳ đầu mới bị bắt làm tù binh. Anh nói:

- Qua những buổi tiếp xúc với tù binh sĩ quan Pháp, tôi thấy nổi lên một vấn đề cần làm rõ trước tiên: Người quân nhân không làm chính trị. Nói một cách khác, tù binh sĩ quan từ chối trách nhiệm của họ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Họ không có trách nhiệm gì trong việc ném bom, bắn phá, triệt hạ các làng mạc, đối xử tàn bạo với dân chúng trong vùng chiếm đóng hoặc những nơi binh lính quân đội viễn chinh “bình định”, càn quét...

Trong một buổi họp chung toàn trại, tôi đã nhắc đến một câu nói của Cơ-lao-dơ-vít, nhà lý luận quân sự nổi tiếng người Phổ: “Chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị bằng những phương tiện khác1. Tôi nhấn mạnh rằng tại Hội nghị trù bị Đà Lạt và sau đó tại hội nghị Phông-ten-nơ-blô, chúng ta đã bày tỏ thiện chí của nhân dân Việt Nam mong muốn hòa bình, ở trong khối Liên Hiệp Pháp với tư cách là một nước tự chủ. Nhưng sau khi ký Hiệp định sơ bộ 6-3, thực dân Pháp xúc tiến “chính sách lấn dần”2, cuối cùng đã đẩy nhân dân Việt Nam đến chỗ phải nhất tề đứng lên cầm vũ khí chiến đấu. Chúng ta tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong hoàn cảnh hệt như nhân dân Pháp đã chiến đấu chống bọn phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai... Đa số tù binh sĩ quan đã nhận thức được tính chất cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Và người hưởng ứng đầu tiên là viên quan năm Sác-tông đã trao cho tôi bản viết tay mười hai trang “SỰ THẤT BẠI TRÊN CON ĐƯỜNG SỐ 4” (La chute de la Route No4).

Trong ánh lửa bếp nhà sàn hắt sáng khuôn mặt hốc hác của anh, tôi thấy lấp lánh ánh mắt tươi vui, đầy kiên nghị. Đêm đã khuya. Khí lạnh từ bên ngoài lùa vào căn nhà sàn đơn sơ, trống trải. Trước khi rời bếp lửa đã lụi tàn, anh nói thêm với tôi:

- Hôm sau viên quan năm Lơ-pa-giơ gặp tôi nói: - “Chúng tôi biết các ông sẽ chiến thắng trong cuộc chiến tranh này. Hầu như đa số trí thức Việt Nam có mặt trong hàng ngũ kháng chiến. Bằng chứng mà chúng tôi thấy rõ là dù ở nơi xa xôi gần sát biên giới Việt - Trung, mỗi lần di chuyển trại từ vùng này sang vùng khác, đâu đâu cũng có khẩu hiệu đập vào mắt chúng tôi: “ỦNG HỘ CHÍNH PHỦ HỒ CHÍ MINH”, “KHÁNG CHIẾN NHẤT ĐỊNH THẮNG LỢI”.

Sự chuyển biến bước đầu của hai viên quan năm Sác-tông và Lơ-pa-giơ là một dấu hiệu tốt trong công tác giáo dục tù binh sĩ quan bằng cách thuyết phục và cảm hóa với lý lẽ và những dẫn chứng cụ thể, có lý có tình.

Một lúc sau, từ chiếc màn cá nhân giăng sát cạnh tôi, hình như sực nhớ ra điều gì quan trọng, người phái viên Tổng cục Chính trị nhổm dậy, mình khoác chiếc chăn dạ mỏng, nói với sang màn tôi trong ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn Hoa Kỳ vặn bấc nhỏ như hạt đỗ đặt ở góc bếp.

- Tôi suýt quên chưa nói với anh về tình hình tư tưởng chung của tù binh sĩ quan Pháp trước khi thành lập “ỦY BAN HÒA BÌNH VÀ HỒI HƯƠNG” để anh theo dõi và tiếp tục giải quyết trong thời gian sắp tới.

Có tù binh đã phát biểu trong cuộc họp chung toàn trại lúc bấy giờ:

- Nếu chúng ta đều ký vào các bản tuyên bố hoặc lời kêu gọi đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam thì số đông sẽ tạo nên sức mạnh. Chính phủ và Bộ chỉ huy Pháp sẽ không thể đàn áp cả một tập thể đồng lòng, nhất trí.

Một số tù binh khác tán thành và lập luận:

- Tất cả đều ký vào tuyên bố chung, có nghĩa là không ai ký mà chúng ta vẫn đạt được mục đích.

Không ít tù binh nói một cách thành thật với tôi:

- Nếu ký, chắc chắn khi về nước, chúng tôi sẽ bị vứt ra “vỉa hè”, chịu cảnh thất nghiệp.

Khá đông tù binh giữ thái độ im lặng, chờ xem. Tôi ước tính khoảng một phần ba tù binh sĩ quan trong trại tán thành ký các văn kiện lên án cuộc chiến tranh xâm lược và đòi hồi hương Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương.
__________________________________
1. “La guerre est la continuation de la politique par d’autres moyens” - Clausewitz.
2. “La politique de grignotage”.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2009, 08:09:10 pm »


Kết thúc cuộc họp tôi phát biểu:

- Chiến trường sẽ trả lời các anh về tính chất phi nghĩa và chính nghĩa của cuộc chiến tranh Đông Dương. Các anh ký hay không ký các tuyên bố, lời kêu gọi “Hòa bình ở Việt Nam”, điều đó đối với chúng tôi không quan trọng. Đó là quyền lợi của bản thân các anh sẽ mau chóng được trở về xum họp với gia đình. Quân đội viễn chinh Pháp sớm hay muộn sẽ bị đánh bại trong cuộc chiến tranh xâm lược. Máu của con em nhân dân Pháp sẽ tiếp tục đổ nhiều hơn để bảo vệ cái gì không phải là quyền lợi chân chính của nước Pháp. Đồng bào các anh sẽ không khoanh tay ngồi nhìn cuộc chiến tranh “không hợp hiến” này1.

Quả thật sự chuyển hóa tư tưởng của tù binh sĩ quan, một tầng lớp chỉ huy, đa số thuộc giới trí thức, gia đình thượng lưu trong xã hội Pháp, không dễ dàng. Đó là một quá trình đấu tranh tư tưởng bản thân gay go, quyết liệt giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa ý thức công dân và “người lính đánh thuê” trong Quân đội viễn chinh Pháp, một công cụ của chủ nghĩa thực dân và bọn tài phiệt Pháp. Bên cạnh đó là hàng rào thành kiến về chủng tộc, sứ mệnh “khai hóa văn minh”, “bảo vệ nền dân chủ” và trên hết là kỷ luật nhà binh “Người quân nhân không làm chính trị”.

Viên quan hai Giăng Giắc Bơ-cle thuộc tiểu đoàn Ta-bo số 3, người cao to, đôi mắt sáng và thông minh, tính tình điềm đạm, nước da đỏ au, làm thư ký “ỦY BAN HÒA BÌNH VÀ HỒI HƯƠNG” Trại số 1 trong một thời gian dài. Anh ta được toàn thể tù binh sĩ quan tín nhiệm, cũng như viên quan ba Ăng-đơ-rê Phô-gát, chỉ huy đại đội Ta-bo thứ nhất, đã giúp tôi đắc lực trong công tác giáo dục tù binh, nắm bắt kịp thời những băn khoăn, thắc mắc của toàn trại trước tình hình chiến sự diễn biến mau lẹ trên các chiến trường. Sự can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương của đế quốc Mỹ nhằm hất cẳng Pháp là mối quan tâm lớn của tù binh sĩ quan trong thời kỳ nảy. Phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân Pháp đòi “Hòa bình ở Việt Nam bằng Hồi hương Quân đội viễn chinh Pháp” vừa là chỗ dựa tinh thần vừa thúc đẩy cuộc đấu tranh của tù binh sĩ quan ngày càng mạnh mẽ hơn. Những sáng kiến của ỦY BAN HÒA BÌNH VÀ HỒI HƯƠNG về việc lựa chọn các hình thức đấu tranh (tuyên bố, tuyên ngôn, thư ngỏ…) và nội dung đấu tranh, khi tỏ ra phù hợp, đều được Ban chỉ huy trại ủng hộ. Sự trưởng thành nhanh chóng về mặt chính trị, sự nhạy bén trong phân tích tình hình và dự thảo các tuyên bố, lời kêu gọi gửi các đoàn thể quần chúng Pháp, các bạn chiến đấu trong Quân đội viễn chinh Pháp..., sự thuyết phục kiên trì những tù binh “gai góc”, “ương ngạnh”, của viên thư ký U.B.H.B.H.H làm tôi ngạc nhiên. Đôi khi tôi ngỏ một lời nhận xét nào đó, anh ta không che giấu nội tâm, mặt ửng đỏ, và càng tỏ ra khiêm tốn. Có lẽ vì sự khiêm tốn, trung thực và chân thành trong đối xử hàng ngày với bạn bè nên viên quan hai Bơ-cle được toàn thể tù binh yêu mến và tin cậy. Viên quan ba Phô-gát cũng gây cho tôi những ấn tượng tốt không những về sự chín chắn trong hành động, tính tình điềm đạm, cử chỉ mực thước, mà trên hết là sự trung thực trong đối xử, giao tiếp hàng ngày với bạn bè.

Trong công tác giáo dục tù binh sĩ quan Pháp, ngoài công tác thông tin về tình hình chiến sự trên các chiến trường, tình hình chính trị và thời sự nước Pháp và trên thế giới, một động lực khác thúc đẩy sự chuyển hóa tư tưởng của tù binh là tin tức gia đình. Chẳng những tù binh yên tâm chờ đợi ngày trở về xum họp với những người thân mà họ còn nhận được những lời khuyên bổ ích của vợ con, họ hàng, bè bạn ở trong nước. Nhìn nét mặt tươi vui, những nụ cười rạng rỡ của những tù binh may mắn nhận được thư nhà, kèm theo cả ảnh gia đình hoặc những lưỡi câu, dây câu hoặc một gói thuốc chữa bệnh... tôi không khỏi vui lây cái vui của họ.

Sau này có dịp về Cục Địch Vận công tác, tôi được biết vấn đề thư từ của tù binh là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Cục. Mặc dầu gặp nhiều khó khăn, cuối cùng ta cũng thỏa thuận được với Hồng thập tự Pháp mỗi tháng một lần tù binh được viết thư gửi về cho gia đình và nhận tin tức, quà gửi của gia đình. Chiến sự ác liệt, đường dây liên lạc bị chậm trễ, đôi khi ách tắc, nhưng các chiến sĩ giao thông vẫn vượt qua gian khổ, hy sinh, chắp nối những sợi dây liên lạc tình cảm từ bên kia bờ Đại Tây Dương đến núi rừng Việt Bắc xa xôi và ngược lại, mà phương tiện vận chuyển chỉ là hai bắp chân trên những con đường mòn gai góc, hiểm trở. Có thể nói những gói thư, những kiện hàng của tù binh được bọc cẩn thận trong áo mưa, những tấm ni lông, lèn chặt trong ba lô, túi xách hoặc xếp gọn trong đôi thúng ngụy trang bên ngoài bằng những lá chuối, cành cây, đôi khi đã nhuốm cả máu đào của các chiến sĩ giao thông.

Nhìn cảnh làm việc tất bật, nhịp nhàng của các phòng, ban của Cục Địch Vận, nghe truyền đạt những chỉ thị, mệnh lệnh xung quanh việc thực hiện chính sách tù binh của Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị, tôi càng thấy rõ hơn trách nhiệm của công tác tù binh và vận động binh lính địch. Anh Nguyễn Phong, phụ trách bộ phận hậu phương trong ban lãnh đạo Cục Địch Vận, đã dành nhiều buổi làm việc với tôi. Anh vẫn vậy, giản dị trong sinh hoạt, cởi mở trong trò chuyện, nghiêm túc trong khi làm việc, như buổi đầu tôi mới gặp anh trên đất Trùng Khánh Phủ. Vừa hút thuốc lá “sừng bò” - anh nghiện nặng - và mời tôi uống cà phê “bình dân” buộc túm trong mảnh vải trắng pha trong ấm tích, anh thông báo cho tôi biết tình hình chung bộ máy lãnh đạo và hoạt động của Cục ngày càng vươn xa và mở rộng trên các chiến trường.

Anh nói:

- Nay Cục Địch Vận gồm hai bộ phận tác chiến: bộ phận tiền phương đi các địa phương, các chiến dịch phục vụ tiền tuyến do anh Phan Hiền2 phụ trách, và bộ phận hậu phương chịu trách nhiệm về công tác tù hàng binh Âu Phi, biên soạn sách báo và truyền đơn, bươm bướm bằng ba thứ tiếng Pháp, Đức, Ả rập để vận động binh lính địch.
________________________________
1. Hiến pháp mới của nước Cộng hòa Pháp sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai có điều khoản quy định: “Nước Cộng hòa Pháp sẽ không tiến hành bất cứ cuộc chiến tranh nào với mục đích đi chinh phục. Nước Pháp sẽ không bao giờ dùng quân đội của mình chống lại tự do của bất cứ dân tộc nào.”.
2. Anh Phan Hiền, nguyên Đổng lý Văn phòng Bộ Ngoại giao, trong Ban lãnh đạo Cục Địch Vận, sau này là cán bộ cấp cao Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nay đã nghỉ hưu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2009, 08:16:55 pm »


Công tác tù binh và vận động binh lính địch được Bác Hồ theo dõi với mối quan tâm đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo, mang tầm vóc chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cũng bởi vậy mà Tổng cục Chính trị thành lập “Tiểu ban Địch Vận”1 do đích thân anh Nguyễn Chí Thanh, ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, ủy viên Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, làm Chủ tịch. “Tiểu ban Địch Vận” quyết định những chủ trương quan trọng và những biện pháp lớn trong công tác tù hàng binh và vận động binh lính địch qua từng giai đoạn khác nhau gắn với tình hình chính trị và quân sự trên các chiến trường.

Trước những câu hỏi của tôi về công tác giáo dục tù binh, anh Nguyễn Phong cho biết thêm:

- Cục Địch Vận đã khắc phục những khó khăn của thời chiến, cố gắng đáp ứng yêu cầu nâng cao nhận thức của tù binh Âu Phi về cuộc chiến tranh Việt Nam, cuộc kháng chiến Việt Nam và cung cấp đều đặn hàng tháng cho các trại tù binh nhiều tài liệu tham khảo. Anh Nguyễn Hữu Ngọc, trưởng phòng giáo dục tù binh Âu Phi2, được phân công biên soạn các bài giảng3 sau khi chương trình giáo dục tù binh Âu Phi được tập thể lãnh đạo Cục thông qua.

Ngừng một lát, chọn trong xấp báo, truyền đơn đặt trên bàn làm việc anh Nguyễn Phong đưa cho tôi xem tờ báo tiếng Pháp “RAPATRIEMENT” (Hồi Hương) còn thơm mùi mực mới.

Anh nói tiếp:

- Sau khi tất cả các trại tù binh biên giới đã thành lập “ỦY BAN HÒA BÌNH VÀ HỒI HƯƠNG”, Cục Địch Vận đã kịp thời cho xuất bản tờ báo tiếng Pháp “RAPATRIEMENT” in typô phát hành rộng rãi ở các địa phương, các đơn vị chiến đấu để đẩy mạnh công tác vận động binh lính Âu Phi đòi “HÒA BÌNH Ở VIỆT NAM” và “HỒI HƯƠNG QUÂN ĐỘI VIỄN CHINH PHÁP” khiến Bộ chỉ huy quân đội Pháp hết sức bối rối, tìm cách chống đỡ sự suy sụp tinh thần chiến đấu của binh lính trước khi ra trận.

Tuyên bố của viên quan hai Pháp Xa-vi-ê đơ Vin-nơ-vơ với phóng viên tờ báo Le Monde (Thế giới) cũng như các tuyên ngôn lời kêu gọi của tù binh Âu Phi đều được Cục trích đăng trên tờ báo “RAPATRIEMENT” kể cả danh sách từng đợt thả các đoàn tù binh Âu Phi mang tên “1-5”, “19-5”, “14-7”, “2-9” hoặc mang tên “Hăng-ri Mác-tanh”, “Ray-mông Đi-ăng”, “Vì tình Hữu nghị và Đoàn kết với các dân tộc”.v.v… Những tuyên bố, tuyên ngôn, thư ngỏ của tù binh kèm theo chữ ký của hàng trăm tù binh Pháp Lê dương, Bắc Phi và danh sách các đoàn thả tù binh giữa cuộc chiến tranh ác liệt, đều được đài “TIẾNG NÓI VIỆT NAM” phát trên các làn sóng điện, đài phát thanh Praha (Tiệp khắc) tiếp âm truyền đi rộng rãi trên thế giới. Sau đó báo L’HUMANITÉ (Nhân Đạo) của Đảng Cộng sản Pháp và các báo tiến bộ khác đăng tải đưa tiếng nói của tù binh thâm nhập, lan truyền trong hàng ngũ binh lính địch, tiếp thêm sức mạnh cho phong trào đấu tranh của gia đình tù binh, các đoàn thể Pháp, các lực lượng tiến bộ trên thế giới, kịch liệt lên án cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” ở Việt Nam và đòi “HỒI HƯƠNG QUÂN ĐỘI VIỄN CHINH PHÁP Ở ĐÔNG DƯƠNG”.

Hôm sau, trước khi chia tay tôi trở về đơn vị, anh Nguyễn Phong đưa tiễn tôi một đoạn đường rừng, ấn vào tay tôi một ki-lô đường mía, và động viên tôi:

- Đây là quà của Cục gửi tặng anh em chiến sĩ... Chiến trường đang giúp ta giải quyết những thắc mắc còn tồn đọng của tù binh.


Bước vào đầu năm 1 953, do tác động mạnh mẽ của những chiến thắng to lớn của quân và dân ta trên các chiến trường, kết quả đạt được trong công tác giáo dục tù binh sĩ quan Pháp ở Trại số 1 vượt ra ngoài sự mong đợi của tôi. Tôi đánh giá cao văn kiện tổng hợp được “ỦY BAN HÒA BÌNH VÀ HỒI HƯƠNG” Trại số 1 biên soạn công phu vào tháng 5-1953 với sự tham gia đóng góp của khá đông tù binh sĩ quan Pháp, kể cả hai Đức Cha tinh thần của tù binh sĩ quan Pháp An-be Xti-lê và Pôn Giăng-đen bị bắt trong Chiến dịch Tây Bắc Thu-Đông 1952. Có thể nào nghi ngờ Đức Tin của hai Đức Cha đã đặt bút ký vào lời tuyên bố chung của các con chiên và của chính mình lên án cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam!

Văn kiện có giá trị và tầm vóc lớn hơn hẳn thời kỳ đã qua của tù binh sĩ quan Pháp được Phòng giáo dục Âu Phi đặt tên sau này là “TIẾNG NÓI TÙ BINH” (Les prisonniers parlent) mang chữ ký của 131 tù binh sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp thuộc các binh chủng, quân chủng, các chiến trường từ Biên giới, Đồng bằng, Trung du đến Tây Bắc, trong đó có viên quan năm Mác-xen Lơ-pa-giơ (GTM), ba viên quan tư Rơ-nê Ti-ri-ông (BT1), Rơ-nê Bơ-ruy-giơ (23eme RIC), Giăng Xi-ca (5ème BCL) và hai viên quan ba tuyên úy An-be Xti-lê, Pôn Giăng-đen.

Chúng ta hãy nghe tù binh sĩ quan Pháp Trại số 1 bộc bạch về những suy nghĩ của chúng về cuộc chiến tranh Đông Dương.
_______________________________________
1. “Tiểu ban Địch Vận” còn gồm có anh Trần Văn Quang, nguyên chính ủy Đại đoàn 304, Cục trưởng Cục Địch Vận (1950-1953), sau này được phong quân hàm Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nay là Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Ngoài ra còn có các anh Phan Hiền, Nguyễn Phong và một số thành viên khác.
2. Anh Nguyễn Hữu Ngọc, sau này làm chủ bút tờ báo tiếng Pháp “’LE VIET NAM EN MARCHE” (Việt Nam tiến bước), “E’TUDES VIETNAMIENNNES” (Nghiên cứu Việt Nam), giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn, hiện nay là Cố vấn Nhà xuất bản “THẾ GIỚI”, Chủ tịch Qũy Thụy Điển - Việt Nam Phát triển Văn hóa – “CÀNH CỌ HÀN LÂM” của Chính phủ Pháp.
3. Các bài giảng trong chương trình giáo dục tù binh Âu Phi gồm có: CHỦ NGHĨA THỰC DÂN PHÁP - CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC VIỆT NAM - CUỘC KHÁNG CHIẾN VIỆT NAM – MẶT TRẬN THỐNG NHẤT ĐOÀN KẾT DÂN TỘC VIỆT NAM - QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM – CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - CHÍNH SÁCH KHOAN HỒNG – SỰ NGHIỆP CHÍNH NGHĨA CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM NHẤT ĐỊNH THẮNG LỢI... cùng nhiều tài liệu tham khảo khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2009, 08:20:11 pm »


*


III. TỰ BẠCH
NHỮNG ĐIỀU CHÚNG TÔI SUY NGHĨ1

“Đó là những điều chúng tôi đã trông thấy từ khi chúng tôi đến Đông Dương. Những bằng chứng sống đó, những cảnh mà chúng tôi quan sát, thường khi chính là những người thực hiện, luôn luôn ám ảnh tâm trí chúng tôi. Những sự việc không thể chối cãi, với sự cao cả, hoặc sự nhơ nhuốc, nhiều lần đã là đầu đề những cuộc thảo luận sôi nổi đã làm sống động, từ nhiều tháng nay, những buổi chiều tà trước khi đi ngủ bên đống lửa, những buổi tối dưới ánh trăng. Những lúc đó, trong tĩnh lặng của hoàng hôn, thân thể thư giãn, tâm trí bám lấy những kỷ niệm, tìm trong đó những bài học cho tương lai. Trong từng nhóm nhỏ, những cuộc tranh luận đôi khi say sưa đã đề cập đến những vấn đề mà cuộc sống bươn chải hoặc tư sản đa số chúng tôi đã sống từ năm 1939 khiến chúng tôi không có thời gian rỗi rãi đề cập đến hoặc nghiên cứu kỹ.

Trong những tháng đầu tiên bị cầm tù, mệt mỏi bởi những cuộc chiến đấu, kinh hoàng bởi sự thất bại to lớn, uy tín bị tổn thương, chúng tôi không muốn nhìn thẳng vào thực tế. Chúng tôi tìm cách đổ trách nhiệm cho sự ngẫu nhiên hoặc số phận rủi ro về những thất bại của chúng tôi, sự bấp bênh của cuộc sống chúng tôi hiện nay. Núp sau những nguyên tắc đã biến quân đội Pháp thành “Người hoàn toàn câm lặng”, chúng tôi đã từ chối nghiên cứu một cách khách quan các sự kiện, chúng tôi đã đóng vai trò những kẻ hoài nghi, những người lãnh đạm, nghĩ rằng như thế chúng tôi sẽ lớn lên trong đau khổ.

Tuy nhiên, hồi phục lại dần dần những choáng váng về thể xác cũng như tinh thần chúng tôi đã trải qua, lấy lại sự thăng bằng, chúng tôi tận dụng những giờ rỗi rãi để suy tưởng, để suy nghĩ về những nguyên nhân và hậu quả của tấn thảm kịch từ nhiều năm nay đã làm chảy máu đất nước Việt Nam. Lương tâm của con người, lương tâm của người công dân mà lâu nay sự ích kỷ, sự kiêu ngạo, cuối cùng là cảnh khốn cùng của chúng tôi đã làm chìm đắm trong cơn mê bắt đầu thức tỉnh.

Dần dần mọi người đều cởi mở, người này nêu lên những sự kiện, người kia đính chính lại, trao đổi với nhau những quan điểm có lợi. Những người ít nói nhất trong số chúng tôi, lâu nay chỉ im lặng chứng kiến những cuộc thảo luận đến lượt họ tham gia, và từ những cuộc nói chuyện thân tình giữa những người bạn tù, dần dà chúng tôi đã rút ra được những bài học quý báu. Những đôi mắt mở to, những trí óc tìm hiểu, để biết và học tập, những lương tâm đòi hỏi được giải phóng.

Dần dần mỗi chúng tôi đều gạt bỏ xiềng xích của sự câu nệ một cách tự nhiên, khao khát tìm hiểu sự thật và tất cả những vấn đề lớn có liên quan đến đời sống trên thế giới. Những kẻ hoài nghi và những người mà sự đào tạo tư sản hoặc quân sự còn khiến họ đứng ngoài những cuộc thảo luận của chúng tôi, càng ngày càng quan tâm đến những cuộc hội họp của chúng tôi và không thể dửng dưng trước những bằng chứng sống và được trình bày với sự thành thực, không úp mở, bởi những người bạn chiến đấu mà họ tín nhiệm. Dần dần những sự dè dặt biến mất, những thành kiến sụp đổ và mỗi người tùy theo tính cách, lối diễn giải đã đi đến chỗ bày tỏ tự do những ý kiến của mình.

Từ đó, để có cơ sở cho những lập luận của chúng tôi, chúng tôi cố gắng mở rộng những hiểu biết và để làm điều đó chúng tôi đã nhờ các bạn chuyên quan tâm đến các vấn đề kinh tế và chính trị, yêu cầu các cán bộ Việt Nam cung cấp cho chúng tôi tài liệu còn thiếu, thông báo cho chúng tôi biết đều đặn sự phát triển của tình hình thế giới.
_______________________________________
1. Trích phần II “Tiếng nói tù binh” do ủy ban Hòa bình và hồi hương Trại số 1 biên soạn tháng 5-1953. Nguyên văn tiếng Pháp theo tư liệu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2009, 08:22:20 pm »


Như anh bạn Pi-ca1 của chúng tôi đã phát biểu:

“Là những quân nhân tốt, cho đến lúc đó chúng tôi vẫn từ chối xem xét khía cạnh chính trị của những vấn đề lớn sống còn. Chúng tôi nói, quân đội không làm chính trị. Ai cai trị nước Pháp đối với chúng tôi không quan trọng lắm: Chúng tôi tuân lệnh. Ai có lợi tiếp tục cuộc chiến tranh ở Việt Nam đối với chúng tôi ít quan trọng: Chúng tôi cũng tuân lệnh. Những truyền thống tự do của đất nước chúng tôi, sứ mệnh khai hóa văn minh đối với chúng tôi là những bảo đảm tốt nhất quyền lợi chính đáng của đất nước chúng tôi.

Nhưng chúng tôi đã thay đổi. Sự chuyển biến đó của mỗi người chúng tôi diễn ra từ từ. Những điều các cán bộ Việt Nam nói hoặc những điều chúng tôi đọc là những tư liệu giúp chúng tôi tự suy nghĩ. Nhất là chúng tôi đã được chứng kiến tận mắt những sự dối trá nói về Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và về nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong những ngày tháng chung sống với dân chúng, với những binh sĩ mà chúng tôi ở bên cạnh.

Chúng tôi đã hiểu rằng tất cả nhân dân Pháp bây giờ đều phản đối sự tiếp tục cuộc chiến tranh ở Việt Nam và chúng tôi tự đặt câu hỏi: “Tại sao cuộc chiến tranh này vẫn cứ tiếp tục?”. Chúng tôi đã trả lời rằng chính phủ của chúng tôi đã không còn là chủ nhân quyết định quyền lợi của đất nước chúng tôi, chính phủ đó đã phụ thuộc vào Mỹ. Chẳng phải chính Tơ-ru-man đã tuyên bố: “Tuyến phòng thủ của Mỹ chạy qua Triều Tiên, Đài Loan và Đông Dương” đó sao?

Mắt chúng tôi đã mở và chúng tôi nhận rõ, chúng tôi đã là những nạn nhân của sự dối trá khủng khiếp như thế nào. Chúng tôi đã bị lừa dối một cách bỉ ổi bởi những nhà chính trị vô lương chỉ vì muốn thỏa mãn những quyền lợi bỉ ổi của họ đã không ngần ngại biến chúng tôi thành những công cụ mù quáng của một chính sách khả ố và áp bức, một chính sách chiến tranh và cướp bóc.

Các bạn chúng tôi bị bắt cách đây vài tháng trong chiến dịch Tây Bắc, và lần lần đến với chúng tôi, đã xác nhận sự đúng đắn về những tin tức và tài liệu đã được các cán bộ Việt Nam cung cấp cho chúng tôi. Họ xác nhận với chúng tôi những khó khăn ngày càng tăng về đời sống ở nước Pháp, thái độ hiếu chiến của đế quốc Mỹ, sự nô lệ hóa đất nước chúng tôi, và những lời tuyên bố của họ củng cố những ý kiến của chúng tôi.

Chúng tôi đã hiểu thực trạng của tình hình. Là những người lính đánh thuê của một quân đội viễn chinh chiến đấu cho quyền lợi duy nhất của một vài tên thực dân Pháp, tay sai của bọn tư bản phản động Mỹ, chúng tôi đã dập tắt sự trỗi dậy của lương tâm con người và lương tâm của người Pháp dưới tấm màn giả dối của những danh từ rỗng tuếch “Văn minh” và “Kỷ luật”. Chúng tôi đã gieo rắc sự đổ nát và tang tóc trên một đất nước chỉ đòi hỏi được sống trong Hòa bình, Tự do, Độc lập và Hạnh phúc.

Làm sao không khỏi căm giận những kẻ vì muốn thỏa mãn một sự ích kỷ tham lam, đã biến chúng tôi trở thành những tên đao phủ của dân chúng vô tội? Chúng tôi, đa số là những người đã tham gia tích cực vào công cuộc giải phóng đất nước chúng tôi, chúng tôi có đủ tư cách để căm thù chiến tranh. Là những nạn nhân của chiến tranh rồi lại trở thành những kẻ chủ mưu của chiến tranh, là những người gánh chịu chiến tranh rồi lại gây ra chiến tranh, chúng tôi biết rõ tất cả mức độ của những sự rùng rợn gắn liền với chiến tranh và chúng tôi đánh giá một cách sâu sắc trách nhiệm của chúng tôi nặng nề như thế nào?

Là những sĩ quan cũ của Quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông, tự biến mình thành những kẻ đồng lõa của thực dân Pháp và quan thầy Mỹ của chúng, chúng tôi không chối cãi đã nhìn thấy mùa màng bị cướp phá, làng mạc bị cướp bóc và đốt cháy, dân chúng vô tội bị ngược đãi và tàn sát. Chúng tôi đã trông thấy không quân mù quáng ném bom những ngôi làng yên bình, hòa lẫn vào một cái chết khủng khiếp đàn bà, người già và trẻ thơ.

Chúng tôi cũng đã tự mình nhúng tay vào những tội lỗi tương tự đó. Chúng tôi gánh chịu những trách nhiệm nặng nề trước nhân dân Việt Nam, nạn nhân của những hành động tội ác của chúng tôi, cũng như trước nhân dân Pháp mà ở đây chúng tôi đã làm tổn hại những lợi ích chân chính, đã bôi nhọ câu châm ngôn cao cả Tự do, Bình đảng và Bác ái. Do đó chúng tôi đã làm tổn thương đến mối quan hệ hữu nghị gắn bó hai dân tộc chúng ta mà Chủ tịch Hồ Chí Mình đã diễn đạt một cách hùng hồn tại Phông-ten-nơ-blô khi Người cầu mong một cách nhiệt thành “một sự hợp tác anh em và bình đẳng với nhân dân Pháp mà chúng tôi yêu nến và kính phục”. Do đó chúng tôi đã phục vụ chính sách hiếu chiến của bọn đế quốc mưu toan đẩy thế giới vào một cuộc xung đột mới sẽ tàn phá quả địa cầu chúng ta với mục đích thống trị về kinh tế và làm bá chủ thế giới. Do đó chúng tôi đã làm tổn hại đến hòa bình mà tất cả những người trung thực trên toàn thế giới đều cầu mong.

Chúng tôi đã nhận thức được những sai lầm của chúng tôi, những tội lỗi của chúng tôi, những trách nhiệm thật sự của chúng tôi. Bây giờ chúng tôi đã hiểu rõ, và xóa bỏ những thành kiến thừa hưởng của một quá khứ đã trôi qua, chúng tôi có ý thức đầy đủ về những bổn phận của con người, những bổn phận của những người dân Pháp.”
____________________________________
1. Pi-e Pi-ca, quan ba, đơn vị BMTS số 24.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2009, 09:22:32 pm »


Văn kiện “TIẾNG NÓI TÙ BINH” viết tiếp:

“… Để tỏ lòng biết ơn đối với nhân dân Việt Nam cũng như để chuộc lại tội lỗi của chúng tôi, để tỏ rõ chúng tôi là những người con xứng đáng của nhân dân Pháp, chúng tôi muốn đứng về phía những người con trung thực hoạt động cho hạnh phúc của các dân tộc, chống lại những kẻ chỉ nghĩ đến thỏa mãn những lợi ích cá nhân của chúng, dù phải trả giá hàng triệu sinh mạng con người. Chúng tôi muốn đứng trong hàng ngũ những người mong muốn Hòa Bình, chống lại những kẻ tìm kiếm trong chiến tranh sự thỏa mãn những thèm thuồng nhơ nhuốc.

Chúng tôi tin tưởng ở sự khôn ngoan và sức mạnh của quần chúng cần lao, chúng tôi tin tưởng ở hiệu quả hành động của họ, chúng tôi kiên quyết noi theo họ trong cuộc đấu tranh sôi nổi mà họ đang tiến hành để dập tắt tất cả các lò lửa xung đột.

Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là phi nghĩa bởi vì nó trái với quyền tự quyết của các dân tộc. Bởi vì nó vi phạm ngay chính những nguyên tắc của Hiến pháp chúng ta. Cuộc chiến tranh đó là tội ác bởi vì nó là một mối đe dọa đối với Hòa bình thế giới… Cuộc chiến tranh đó trái với lợi ích của nhân dân Pháp mỗi năm hao tổn hơn 500 tỷ phờ-răng và 30.000 sinh mạng con người.

Chính Thống chế Đơ Lát đã tuyên bố cuối năm 1951:

- “Chúng ta không còn gì để cho nữa, không còn gì để chuyển nhượng nữa... Chúng ta đã cho đến cả chiếc áơ sơ-mi của chúng ta và than ôi, hơn nữa, chúng ta còn cho cả tính mạng của chúng ta: Người ta còn muốn gì hơn nữa!”

Còn Bộ trưởng Lơ-tuốc-nơ thì tuyên bố ngày 17-6-1952:

- “Nước Pháp không thể nào gánh vác một mình tất cả gánh nặng cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Nước Pháp cần đến một sự viện trợ thường xuyên và ngày càng tăng của phía Hoa Kỳ”.

Cuối cùng ngày 19-7-1952 Đa-la-đi-ê xác nhận:

“Chỉ một mình Đông Dương đã ngốn mất 500 tỷ để bảo đảm cho Bảo Đại ăn chơi yên ổn ngày này sang tháng khác - ít nhất người ta cũng hy vọng thế - trên ngai vàng dưới con mắt hài lòng của một viên đại sứ nước Cộng hòa Pháp”.

Chúng tôi mong muốn chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến trành này đang làm phá sản đất nước chúng tôi, bôi nhọ những truyền thống tất đẹp nhất và làm nhơ nhuốc lá cờ của đất nước chúng tôi.

Chúng tôi mong muốn Hòa bình ở Việt Nam bằng Hồi hương Quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông...”
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2009, 09:38:12 pm »


CHƯƠNG VII
TỪ TRONG RỪNG SÂU BẮC KỲ

                                             “Nếu những trang này đôi khi nhuốm máu và nước mắt
                                             thì có lúc chúng cũng ghi lại chủ nghĩa anh hùng, sự khoan
                                             dung và tấm lòng cao thượng”
.1

(Trích “TIẾNG NÓI TÙ BINH”
của Trại tù binh sĩ quan Pháp số 1
biên soạn tháng 5-1953.)




TÔI XIN HOÀN TOÀN CHỊU TRÁCH NHIỆM...
Quan hai Xa-vi-ê đơ Vin-nơ-vơ


Nhân dịp Quốc khánh Pháp 14-7, thừa lệnh Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Trại số 1 Cao Bằng cũng như các trại tù binh Âu Phi khác, tổ chức lễ phóng thích tù binh không điều kiện cho đối phương. Cuộc tiễn đưa mười tám tù binh sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp trong “Đoàn 14-7” trở về với tự do diễn ra đầy bất ngờ và lưu luyến trong không khí trang nghiêm của buổi lễ phóng thích xen lẫn buồn vui giữa tù binh còn lại và đoàn sắp ra đi.

Tôi cũng bùi ngùi chia tay với cán bộ, chiến sĩ bảo vệ trại trong một chuyến đi xa cùng đoàn tù binh được phóng thích về phía Trung du với niềm khao khát được ngắm nhìn trở lại bầu trời trong xanh cao lồng lộng, đàn cò trắng sải cánh bay trên những cánh đồng lúa xanh rờn bấy lâu bị núi cao, rừng già che khuất. Cùng đi với tôi có anh Nguyễn Tuấn Tú, giám thị mới được tăng cường về trại mấy tháng nay, và một tổ chiến sĩ bảo vệ. Đến giờ lên đường các chiến sĩ vây quanh người giám thị, nhét vào túi xách của anh quà bánh và gửi gắm anh thư từ cho gia đình ở miền xuôi.

Anh Nguyễn Tuấn Tú, chạc 37 tuổi, vóc người cao lớn, nước da trắng, dáng điệu “bệ vệ” với bộ ria mép đen nhánh, lần lượt ôm hôn các chiến sĩ, vừa đi vừa ngoái nhìn lại. Mọi người đứng nhấp nhô trên bờ suối dưới rặng cây ổi, cay xoan vẫy tay chào tạm biệt người nghệ sĩ đoàn kịch nói “SAO VÀNG” của thủ đô Hà Nội - một đoàn kịch luôn có mặt ở tiền tuyến cũng như hậu phương trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Bề ngoài anh Nguyễn Tuấn Tú có vẻ nghiêm nghị nhưng là đối với tù binh thôi, chứ đối với anh em, anh rất cởi mở, vui tính ra trò. Anh đi nhiều, biết nhiều, thường kể nhiều chuyện lý thú, kể cả chuyện “tiếu lâm” cho các chiến sĩ nghe trong những giờ nhàn rỗi. Anh em cười bò, sảng khoái mỗi khi nghe anh kể chuyện với nét mặt khi vui khi buồn, với cử chỉ khoan thai đấy rồi thoắt lại mang dáng dấp nghiêm trang, trầm tư theo cảnh theo tình của câu chuyện.

Tôi đi cuối đoàn cùng một chiến sĩ bảo vệ, lòng bồi hồi, xốn xang khi xa các cán bộ, chiến sĩ ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ. Mọi việc của trại đã bàn giao tỉ mỉ cho anh Lê Văn Quyết, giám thị thứ nhất, tổ trưởng đảng trực thuộc Chi bộ Đảng Lao động Việt Nam Liên trại tù binh biên giới. Cục Địch Vận sẽ cử một cán bộ mới thay tôi phụ trách Trại số 1 trong thời gian tôi vắng mặt, vì tinh chất quan trọng của “Đoàn 14-7” được phóng thích đợt này. Trại số 1 đã đi vào nề nếp sức khoẻ của tù binh được giữ vững, tôi yên tâm ra đi sau khi họp mặt với Ủy ban Hòa bình và Hồi hương cùng các trưởng kíp tù binh, dặn dò những công việc phải làm trong thời gian sắp tới.

“Đoàn 14-7” ngày đi, đêm nghỉ. Trùng Khánh, Quảng Uyên, Cao Bằng, Bắc Cạn lùi xa với những kỷ niệm đối với tôi khó phai mờ. Vừa mới ngày nào tôi đeo ba lô “Tiến về hậu phương xa”, nay trở lại con đường cũ đã được tu sửa lại, rộng hơn, đông vui hơn trước. Thị xã Thái Nguyên là chặng dừng chân cuối cùng nghỉ lấy lại sức khỏe trong sự chăm sóc chu đáo, ân cần của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và thị xã cùng các đoàn thể quần chúng và chính quyền địa phương. Một cuộc mít tinh ngoài trời được tổ chức trọng thể trong đêm dưới ánh đuốc khi tỏ khi mờ. Chị Minh Phương trong Ban thường vụ Tỉnh Hội Liên hiệp Phụ nữ Thái Nguyên, thay mặt phụ nữ Việt Nam, chúc các “Chiến sĩ Hòa bình” trở về xum họp với gia đình không quên lời thề đấu tranh cho “HÒA BÌNH Ở VIỆT NAM” và gửi lời chào đoàn kết đến các bà mẹ và phụ nữ Pháp trong cuộc đấu tranh đòi “Hồi hương Quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông”.

Thị xã Bắc Giang thấp thoáng phía xa. Trên đường quốc lộ một đoàn xe GMC nhà binh Pháp nối đuôi nhau chạy. Trên những cánh đồng hoang dại bao quanh thị xã, cỏ gianh ngập lút đầu, xóm làng tiêu điều không một bóng người. Đoàn tù binh được phóng thích dừng lại chia tay với chúng tôi khi còn cách thị xã khoảng một ki-lô-mét theo đường chim bay. Giây phút xiết bao cảm động. Những cái bắt tay nồng ấm, những cái hôn thắm thiết, những lời hứa thiêng liêng - không, tôi có cảm tưởng đó là những lời thề của các “Chiến sĩ Hòa bình” trên tuyến lửa trước khi trở về bên kia chiến lũy.
______________________________
1. “Si ces pages sont quelquefcis tachées de sang et de larmes, elles sont aussi parfois marquées d’héroisme, de générosité et de grandeur.”
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2009, 09:41:11 pm »


Tối hôm đó, dưới ánh đèn dầu Hoa Kỳ, tôi xúc động đọc những lời phát biểu cuối cùng của “Đoàn 14-7” gửi lại nhân dân Việt Nam. Viên quan ba Luy-xiêng Mô-ry, đại đội 11, tiểu đoàn 3, trung đoàn Lê dương bộ binh số 3 thuộc binh đoàn Sác-tông cùng hai bạn đồng cấp Giăng Đơ-ni-en và Giăng Vô-le-rơ thay mặt các tù binh được phóng thích viết:

“… Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân của Người đã coi chúng tôi chỉ là những công cụ mù quáng của bọn thực dân Pháp và Mỹ, những binh lính bị lợi dụng bởi một sự tuyên truyền dối trá... Sự cầm tù không phải là một hình phạt mà là một cơ hội đối với tù binh để chuộc tội lỗi và trở thành các Chiến sĩ Hòa bình. Quan điểm đó dựa trên sự sáng suốt và một sự khôn ngoan đặc biệt bắt nguồn từ một tư tưởng dân chủ không ngừng được phát triển.

… Thật thế, nhân dân Việt Nam đã từng chịu những tổn thất và những tang tóc không thể hàn gắn nổi từ bàn tay tội ác của bọn thực dân Pháp. Họ đã phải nén lòng căm thù đúng đắn và chính đáng đối với chúng tôi là những kẻ chịu trách nhiệm nặng nề trong sự tàn sát đó, để áp dụng một cách trung thực và nghiêm chỉnh chính sách khoan hồng do chính phủ Hồ Chí Minh đề xướng. Chúng tôi, những tù binh, chúng tôi hiểu rất rõ điều đó, và chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên thấy những binh sĩ Việt Nam ít học nhất, bà mẹ gia đình khốn khổ nhất, đều biết phân biệt giữa chúng tôi và bọn thực dân kẻ cướp đã trao vũ khí vào bàn tay chúng tôi vì những lợi ích tội ác của chúng”.


Sau này trong thời gian ở lại Bắc Giang giúp Ban Địch Vận tỉnh trong công tác vận động binh lính Âu Phi, theo yêu cầu của cấp ủy địa phương, tôi được nghe kể lại một viên đội Pháp vốn là lính thủy đã hỏi một cán bộ Việt Nam đi cùng đoàn tù binh Âu Phi được phóng thích: “Binh lính chúng tôi đi đến đâu cũng gây tội ác, đốt nhà, hãm hiếp, tàn phá xóm làng, cả nhà thờ, đình chùa là những nơi tôn nghiêm của dân chúng. Các ông làm thế nào mà binh lính các ông đối xử tử tế với chúng tôi sau khi bị bắt làm tù binh? Dân chúng Việt Nam đã nhường cơm xẻ áo cho chúng tôi, mặc dù đời sống cơ cực do chiến tranh tàn phá xóm làng, đồng ruộng. Tôi xin hỏi ông, về mặt tâm lý, làm sao các ông giải quyết được vấn đề này? Chính sách khoan hồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt qua tâm lý thông thường của con người, làm thế nào nó thấm được vào con người Việt Nam? Quả thật chúng tôi không thể hiểu nổi nhân dân các ông, không thể hiểu nổi chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam”! Rồi anh ta kết luận: - “Tôi là thủy thủ mà cũng không chịu đựng nổi những cảnh tàn bạo này. C’est plus fort que moi!”1.

Tôi còn nhớ theo báo cáo của Ban Địch Vận tỉnh Bắc Giang hồi đó thì có một tiểu đoàn lính Phi, phiên hiệu 57 RTA, đã đấu tranh đòi hồi hương không chịu ra trận. Trong số tù binh Âu Phi phóng thích không được hồi hương xuất hiện lẻ tẻ những hiện tượng phản chiến. Trong những cuộc đi càn vào làng, binh lính Âu Phi bắn chỉ thiên hoặc lấp lại nắp hầm du kích cho kín hơn rồi lặng lẽ bỏ đi.

Một niềm vui lớn bất ngờ đến với tôi cuối năm 1952 khi tôi trở về Cục Địch Vận. Xa nhau lâu ngày, vừa trông thấy tôi, anh Nguyễn Phong trong Ban lãnh đạo Cục Địch Vận reo lên: - “A, cậu đã về. Có tin vui cho cậu đây. Vào ngay phòng mình nhé!”. Sau khi đi vòng các phòng, ban bắt tay chào hỏi anh em, tôi vội chạy vào phòng làm việc của anh. Anh Nguyễn Phong đưa cho tôi xem tờ báo Pháp LE MONODE (Thế giới) vui vẻ nói:

- Cậu đọc đi, cột báo tôi đã đánh dấu bút chì đỏ. Phần thưởng của cậu đấy!

Tôi cắm cúi đọc một mạch bài phỏng vấn viên quan hai Xa-vi-ê đơ Vin-nơ-vơ trong “Đoàn 14-7” của tờ báo Pháp LE MONDE, số ra ngày 11-9-1952. Mặc dù cánh cửa “Trại giam Việt Minh” ở Cao Bằng đã khép lại vĩnh viễn sau lưng, viên quan hai đơ Vin-nơ-vơ đã giữ đúng lời thề của một “Chiến sĩ Hòa bình”.
_____________________________________
1. Điều đó vượt quá sức tôi!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2009, 09:44:13 pm »


TÔI XIN CHỊU HOÀN TOÀN TRÁCH NHIỆM...

“… Viên quan hai dơ Vin-nơ-vơ đặc biệt khẩn khoản để tôi nêu với sự chính xác nhất một số lời tuyên bố với tôi. Sau đây là những lời tuyên bố dưới hình thức hỏi và đáp:

Hỏi: Sự thất bại của những cuộc tiến công năm 1951 có ảnh hưởng đến tinh thần Việt Minh không?

Đáp: Hoàn toàn không. Việt Minh có một quân đội sùng tín được nhân dân hoàn toàn ủng hộ. Họ cũng luôn luôn tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng, và tôi không hề thấy có sự khác nhau giữa tinh thần của họ hiện nay so với hai năm về trước.

Hỏi: Đài phát thanh bí mật Việt Minh đã nhiều lần phát đi những tuyên ngôn do nhiều tù binh ký đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Ông có nghe nói đến không?

Đáp: Bản thân tôi đã ký nhiều tuyên ngôn, cũng như các bạn tôi. Chúng tôi không hề bị một sức ép nào cả. Thời gian đầu mới bị giam giữ, trong chín tháng tôi từ chối không ký, tuy nhiên tôi vẫn được phóng thích. Trong năm qua, tất cả tù binh đều ký vào các bản tuyên ngôn được đưa cho họ.

Hỏi: Ông được phóng thích có điều kiện nào không?

Đáp: Người ta không hề yêu cầu chúng tôi điều gì, trừ việc không chỉ vị trí của trại và không cung cấp những tin tức thuộc lĩnh vực quân sự.

Hỏi: Chỉ có mười tám trên một trăm tù binh được phóng thích. Sự lựa chọn được tiến hành như thế nào?

Đáp: Dựa vào sự cư xử của chúng tôi trong thời gian bị giam, người ta phóng thích những ai xử sự một cách “xã hội hóa” nhất trong trại.

Hỏi: Người ta nói rằng Việt Minh bắt buộc tù binh ký những bản tuyên bố thừa nhận họ đã phạm những tội ác chiến tranh.

Đáp: Điều đó là sai. Người ta không bao giờ bắt buộc chúng tôi phải ký bất cứ cái gì. Tuy nhiên, tất cả các sĩ quan trong trại đều đã ký những bản tuyên bố về những tội ác mà chúng tôi trông thấy.

Bỗng đơ Vin-nơ-vơ chữa lại và nói thêm một cách bứt rứt: “ Xin ông nói rõ cho “về những tội ác mà chúng tôi đã phạm phải”!”

Hỏi: Những tội ác gì? Bản thân ông cũng đã phạm những tội ác gì?

Đáp: Vâng, có một lần tôi đã cho lính của tôi giết một người dân mà tôi cho là một cán bộ Việt Minh.

Hỏi: Tất cả các sỹ quan trong trại ông có đồng tình với ý kiến của ông về tình hình ở khu vực Việt Minh không?

Đáp: Tất cả, không trừ một ai.

Hỏi: ông có phải là cộng sản không?

Đáp: Không, và có lẽ tôi sẽ không bao giờ là cộng sản. Trong thời gian bị giam, tôi đã đọc những tác phẩm của Mác và Lê-nin, cũng như những sách báo nói về Trung Quốc cộng sản và Liên Xô. Đó là một vấn đề mà tôi quan tâm, nhưng tôi không phải là cộng sản.

Hỏi: ông biết những lời tuyên bố của ông có nguy cơ gây nên một sự chấn động nào đó chứ? Ông chịu trách nhiệm chứ?

Đáp: Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm. Các bạn tôi và tôi đều tin rằng có một số điều cần phải nói về cuộc chiến tranh Đông Dương”.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM