Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:16:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điệp viên hoàn hảo  (Đọc 85984 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #100 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2007, 08:15:55 pm »

Phạm Ân nhớ lại: "Má chẳng bao giờ cho chúng cháu biết rằng má đang lo như thế nào. Chúng cháu hoà nhập với cuộc sống mới rất dễ dàng. Chúng cháu dễ dàng kết thân với những bạn mới. Cháu nhớ hôm đầu tiên chúng cháu đến ở tại căn hộ của cô Deepe. Cháu nhìn qua cửa sổ thấy bọn trẻ con đang chơi dưới sân. Tụi nó giơ tay vẫy cháu và cháu cũng vẫy lại. Tụi nó cùng đi học tại một trường với cháu, và thế là chúng cháu trở thành bạn bè. Cháu học nói tiếng Anh. Thậm chí cháu còn có cả bạn gái nữa. Cháu vẫn còn nhớ tên cô bé ấy là Robin. Cha của cô bé ấy là một cựu binh Việt Nam. Khi cháu phải về nước, cả cô bé ấy và cháu cùng khóc".

Trở lại Sài Gòn, Phạm Xuân Ẩn cũng buồn và sợ hãi. Sau vài ngày ở khách sạn Continental, Phạm Xuân Ẩn và mẹ về sống ở nhà. Nhưng Phạm Xuân Ẩn vẫn sợ cái điều mà ông đã từng mô tả cho tôi nghe đại loại như là: "Khoảng hai giờ sáng, người ta đến gõ cửa nhà tôi rồi bắt tôi đi thủ tiêu, không ai còn được nghe gì về tôi nữa. Cảm giác lo sợ này giống hệt như ngày tôi từ Mỹ trở về Sài Gòn năm 1959. Đây là thời điểm rất nguy hiểm đối với tôi, bởi vì người ta chỉ biết tôi là một phóng viên Sài Gòn làm việc cho Mỹ". Phạm Xuân Ẩn cho rằng, sẽ là không công bằng khi đất nước thì được thống nhất, còn gia đình ông thì bị ly tán.

Phạm Xuân Ẩn phải ra trình diện trước các nhà chức trách địa phương. Ông điền vào tờ khai nghề nghiệp là nhà báo, làm việc cho Tạp chí Time. Trước đó vài tháng, trong một lá thư gửi cho Edward Lansdale và vợ mình là Pat, Bob Shaplen nói: "Hầu hết những người bạn cũ của chúng ta đều chán nản, thất vọng, Nguyễn Hùng Vương, Phạm Xuân Ẩn, v.v… tinh thần của những người Mỹ còn ở lại như Jake và Mark Huss rất thấp. Tất cả họ đang cố cầm cự càng lâu càng tốt, với lại họ còn biết làm gì được nữa? Còn đối với những người Việt như Nguyễn Hùng Vương, Phạm Xuân Ẩn, họ vẫn giữ vững tinh thần không nao núng, nhưng không vui vì những vết nhơ từng làm việc cho chúng ta khiến họ phải đau đớn về mặt nghề nghiệp".

Phóng viên người Australia Neil Davis và nhà báo Y Tiziano Terzani là hai trong số ít phóng viên nước ngoài còn ở lại Sài Gòn. Thỉnh thoảng, họ lại ghé qua văn phòng Tạp chí Time để trao đổi với Phạm Xuân Ẩn và hỏi quan điểm của ông về thời kỳ quá độ này.

Davis cũng giữ quan hệ thân thiết với Shaplen, cung cấp những thông tin cập nhật về tình hình và giúp chuyển những thông tin từ phía Phạm Xuân Ẩn cho Shaplen. Những bài viết của Davis đặt một chút nghi ngờ rằng, sau khi được giải phóng Sài Gòn là một nơi nguy hiểm. "Tôi bị bộ đội (lính Bắc Việt Nam) bất ngờ từ trong bụi cây hay đang nấp, hay sau gốc cây nhảy ra chặn lại hỏi giấy tờ tuỳ thân". Tất cả mọi người bất kể là người nước ngoài hay người Việt Nam, đều phải trình diện chính thức ngay từ đầu với các nhà chức trách mới. Hoặc nguy hiểm hơn nữa là có thể bị những thanh niên mặt mày hớn hở thuộc các đội tự vệ mới chặn lại. Những người này gây phiền hà giống hệt như quân tự vệ trước đây của chính phủ cũ. Việc đăng ký trình diện, ít nhất là tại Sài Gòn, có vẻ như sắp hoàn thành. Cho đến nay thì trình diện là một trong số ít việc làm chứng tỏ quyền lực của chính quyền mới. Tất cả mọi người Việt Nam, từ cựu sĩ quan, binh lính, viên chức chính quyền cũ, nhân viên làm việc cho Mỹ cho đến những người được mô tả kỳ cục như là "nhân viên mật vụ , đều phải khai báo rõ nơi ở, nơi làm việc,… để xác định danh tính".
 

Phạm Xuân Ẩn đứng trước Tòa thị chính Thành phố trước khi quân đội Bắc Việt Nam tiến vào Sài Gòn, 1975 (ảnh trong Bộ sưu tập cá nhân của Phạm Xuân Ẩn, với sự cho phép của Lê Minh và Ted Thái)
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Mười Một, 2007, 08:17:15 pm gửi bởi dongadoan » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #101 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2007, 08:18:05 pm »

Đầu tháng 5, Đại tướng thắng trận Võ Nguyên Giáp đã bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, đến Dinh Độc lập để dự một cuộc họp với tướng Trần Văn Trà, Chỉ huy các lực lượng vũ trang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Tướng Trần Văn Trà vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch Uỷ ban quân quản Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó nhiều năm, cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp lẫn tướng Trần Văn Trà đều nhận thông tin từ những báo cáo tình báo của Phạm Xuân Ẩn. Thế mà giờ đây vài tuần sau giải phóng, trùm điệp viên - người đã đóng góp rất nhiều vào chiến thắng của Hà Nội - ở cách Dinh Độc lập chỉ vài toà nhà, đang phải lo lắng cho sự an toàn của chính mình dưới chế độ mới.

Giờ đây, Phạm Xuân Ẩn thực sự theo nghĩa đen là người của Tạp chí Time ở thành phố Hồ Chí Minh, giữ mối liên hệ với các đồng nghiệp cũ và đang đóng góp bài vở cho số báo sau 30/4 của Tạp chí Time. Phạm Xuân Ẩn gửi bằng telex bức điện tới New York: "Tất cả các phóng viên Mỹ đã di tản vì tình trạng khẩn cấp. Văn phòng Tạp chí Time hiện nay do Phạm Xuân Ẩn điều hành". Ban quảng cáo của Tạp chí Time đăng tấm ảnh Phạm Xuân Ẩn đang đứng trên một đường phố không người, hút thuốc lá và trông có vẻ thích gây gổ.

Mỗi buổi sáng, Phạm Xuân Ẩn đến Văn phòng Tạp chí Time làm việc. Tại đây "các lực lượng giải phóng" đã cử một người đến giám sát, kiểm duyệt Phạm Xuân Ẩn. "Tất cả chỉ có một mình tôi, trừ người giám sát, ông ta không phải là người khó tính, nhưng là một người kiểm duyệt khắt khe. Sau vài tuần, chẳng có tin bài nào được gửi đi", Phạm Xuân Ẩn nói với tôi như vậy.

Có một điều mà Phạm Xuân Ẩn cũng có lợi là được sử dụng thiết bị telex của Tạp chí Time để gửi các bức điện cho vợ ông, bà Thu Nhàn, thông qua trụ sở chính của Tạp chí Time ở New York. "Tôi chỉ có thể gửi được những bức điện nói rằng cho đến lúc này tôi vẫn OK. Chứ thực sự, tôi không thể nói được điều gì khác vì sẽ có nhiều người đọc bức điện đó của tôi", Phạm Xuân Ẩn nói.
Bài báo cuối cùng của Phạm Xuân Ẩn phát đi được đăng trên Tạp chí Time số ra ngày 12/5 mang tựa đề "Cuộc chia tay cuối cùng nghiệt ngã". Dưới đây là một đoạn trích từ bài báo đó: "Hình ảnh cuối cùng về cuộc chiến tranh: Những người lính thuỷ đánh bộ Mỹ dùng báng súng giáng xuống những ngón tay của nhiều người Việt Nam đang cố bám tường tìm cách vào được bên trong khuôn viên toà Đại sứ Mỹ để chạy trốn khỏi đất nước họ. Một không khí lộn xộn, bừa bãi chẳng khác nào cảnh mô tả trong kinh khải huyền - một số kẻ cướp ngày lái những chiếc xe hơi của sứ quán bỏ lại chạy như điên quanh thành phố cho đến khi hết sạch xăng; một số kẻ khác vào lục soát Siêu thị PX Tân cảng Sài Gòn vốn được coi là giấc mơ, rập khuôn như vùng ngoại ô của Mỹ. Một người phụ nữ đội hai thùng rượu anh đào và một thùng kẹo cao su Wrigley Spearmint. Ngoài khơi, những chiếc máy bay trực thăng trị giá hàng triệu đô la bị lật nhào khỏi boong tàu cứu hộ Mỹ một cách lãng phí, chẳng khác nào việc ném đi những lon bia, để lấy chỗ cho những chiếc máy bay trực thăng khác sắp đến.
Cuối cùng, Việt Cộng và những người Bắc Việt Nam đổ vào Sài Gòn, kéo cờ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời và bắt giữ Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Đối với nhiều người Mỹ, điều đó giống như một cái chết đã được chờ đợi từ lâu, nhưng đến khi xảy ra thì người ta vẫn cảm thấy bị sốc.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #102 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2007, 07:23:55 pm »

Một cuộc chiến tranh dài nhất của thế kỷ đã kết thúc bằng một cuộc di tản hiệu quả, nhưng nhục nhã. Đó là sự kết thúc giống như một cơn ác mộng, không, có thể còn tồi tệ hơn cả cơn ác mộng; chỉ có rất ít lính Việt Nam Cộng hoà nổ súng vào những người Mỹ đang di tản, nhưng chẳng trúng phát nào. Ít nhất thì người Mỹ cũng đã gây ra cảnh tượng khủng khiếp cuối cùng về người của mình đánh những người bạn và đồng minh của Mỹ đang chen lấn nhau di tản. Mặc dù trên thực tế, người Mỹ đã tìm cách đưa khoảng 120.000 người Việt Nam tị nạn ra đi với họ.

Có lẽ đúng hơn phải nói rằng, cuộc chia tay lần này của Mỹ đối với miền Nam Việt Nam là một hành động duy nhất không ảo tưởng trong suốt những năm chiến tranh…
Những người cầm quyền mới ở miền Nam Việt Nam tuyên bố rằng họ sẽ "quyết tâm thực hiện một chính sách hoà bình, độc lập, trung lập, và không liên kết".

Đối với những người miền Nam Việt Nam từng cộng tác và làm việc với người Mỹ, cuộc sống chẳng bao lâu sau đã trở nên khó khăn và tàn nhẫn. Một số người như tướng Phạm Văn Phú chỉ huy Quân đoàn II người từng ra lệnh rút quân khỏi Tây Nguyên, đã chọn cách tự sát bằng thuốc độc còn hơn là đầu hàng Cộng sản. Đối với hầu hết các cựu quan chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn còn ở lại, thì chả biết làm gì ngoài chờ đợi chỉ thị của chế độ mới. Đây cũng là thời gian đặc biệt bối rối đối với ông Phạm Xuân Ẩn cùng với rất nhiều bạn bè bởi tương lai không mấy sáng sủa. "Nhiệm vụ tình báo của tôi về mặt kỹ thuật đã hoàn thành, đất nước tôi đã được thống nhất và người Mỹ đã phải rút về nước. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thể nói được với mọi người về sự thật. Tôi vẫn không được hạnh phúc vì đang phải sống trong cô đơn và sợ hãi. Vợ con tôi vẫn đang ở Mỹ. Tôi không biết liệu mình có được gặp lại vợ con lần nữa hay không? Tôi còn có nhiều bạn bè, họ cũng không thể đi được và tôi cũng không biết điều gì đang xảy ra đối với họ nữa. Có rất nhiều điều chưa rõ".

Một trong số những người đang chờ đợi xem số phận của mình ra sao chính là Nguyễn Xuân Phong, một người bạn của Phạm Xuân Ẩn. Nguyễn Xuân Phong làm việc trong Nội các của Chính quyền Sài Gòn, từng giữ chức Bộ trưởng phụ trách đàm phán ở Paris. Nguyễn Xuân Phong trở về Sài Gòn ngày 25 tháng 4 để sống với cha mẹ già của mình. Cũng giống như Phạm Xuân Ẩn, ông Phong không thể bỏ rơi cha mẹ mình. Nguyễn Xuân Phong từng khước từ lời mời đi di tản của Đại sứ Mỹ Graham Martin. Giờ đây, ông Phong chẳng biết làm gì ngoài chờ đợi. Nguyễn Xuân Phong ngoan ngoãn chấp hành việc ra trình diện với nhà chức trách, mà chẳng biết rằng trình diện xong thì ông sẽ bị tử hình, tù chung thân, hay gì gì đi nữa. "Tôi nghĩ nếu ngồi tù 5 hoặc 10 thì còn có thể chịu đựng được, chứ 20 thì tôi không dám nghĩ tới", Nguyễn Xuân Phong nói.

Tướng Trần Văn Trà đã ra một mệnh lệnh rằng tất cả các quan chức của chế độ cũ từ cấp đứng đầu ngành, các sĩ quan thuộc các lực lượng vũ trang từ cấp trung tá trở lên phải ra trình diện để đi học tập cải tạo tập trung 30 ngày, từ tháng 5 đến hết tháng 6. Các viên chức và sĩ quan quân đội còn lại sẽ học tập cải tạo thời gian 7 ngày tại địa phương nơi họ cư trú. Cứ mỗi ngày trôi qua, bạn bè của Phạm Xuân Ẩn lại biến mất dần để đi học tập. Sau khi đã kết thúc 30 ngày, Nguyễn Xuân Phong và bao người khác vẫn chưa được trở về nhà mặc dù lệnh của tướng Trần Văn Trà là chỉ tập trung học tập thời gian 30 ngày. Sở dĩ có thay đổi này vì một số cán bộ từ Hà Nội mới vào miền Nam đã xem xét lại mệnh lệnh của tướng Trần Văn Trà, cho dù ông Trà không tán thành. Nguyễn Xuân Phong nhớ lại: "Chúng tôi được giảng giải rằng, chúng tôi có lỗi lầm là đã chống lại Tổ quốc. Người ta không dùng cụm từ "những kẻ phản bội Tổ quốc", nhưng chúng tôi được giải thích cho hiểu một cách rõ ràng rằng chúng tôi đã có tội tiếp tay cho Mỹ - đế quốc xâm lược kiểu mới, dẫn đến sự chết chóc và huỷ hoại đối với người Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Chúng tôi không được biết liệu có bị đưa ra xử trước toà án hay không, hay là nếu xử án thì xử trên cơ sở nào, hoặc tội như vậy thì bị tù trong bao lâu, hay là thời gian giam giữ chúng tôi được xác định như thế nào, theo từng cá nhân hay tập thể".
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #103 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2007, 07:25:38 pm »

Cuộc hành trình đi vào thế giới không biết của Nguyễn Xuân Phong bắt đầu từ nhà tù Thủ Đức tháng 6/1975. Tại đây, Phong phải chung phòng giam với 20 người khác. Sau vài tuần, các tù nhân được lệnh ra tập trung ngoài sân, bị xích từng đôi một rồi đưa lên một chiếc xe tải quân sự để chở ra phi trường. Sau đó, họ được chở đến sân bay Gia Lâm, rồi chuyển tiếp đến Trại A15 vẫn được coi là cơ sở phụ của "Hilton Hà Nội". Trại này cách Hà Nội 50 kilômét và trước kia từng là nơi giam giữ nhiều tù binh Mỹ. Nguyễn Xuân Phong và 1.200 bạn tù phải ở trong trại này cho đến khi nào được phép trở về. Đối với trường hợp của Nguyễn Xuân Phong, ngày được trở về là tháng 12/1979; còn nhiều người khác, ngày trở về là 10 hoặc thậm chí 15 năm sau. Không có lời giải thích rõ ràng, chỉ đến lượt tôi cùng với khoảng chục người khác sắp được trả lại tự do. Tiêu chí cho việc phóng thích không thể đoán được.

Cao Giao, một "phát thanh viên chính" của Đài phát thanh Catinat, phải đối mặt với một số phận nghiệt ngã hơn. Những ngày mới giải phóng, ông ta phải dự 80 ngày tập trung học tập cải tạo và sau đó, được cho về nhà. Cao Giao được tự do cho đến tháng 6/1978 thì bị bắt về tội làm gián điệp cho CIA. Bị biệt giam và hàng ngày bị thẩm vấn, trong 9 tháng liên tục ngày nào Cao Giao cũng bị thẩm vấn và tiếp đó là 4 tháng biệt giam trong buồng giam lúc nào cũng đóng cửa. Sau đó, Cao Giao được chuyển đến khám Chí Hoà, giam chung trong một phòng có 72 tù nhân.

Ba năm rưỡi sau, vào năm 1982, Cao Giao được trả lại tự do mà không có một lời giải thích nào. Trong suốt thời gian Cao Giao ở trong tù, Phạm Xuân Ẩn thường xuyên đến thăm gia đình của Cao Giao, nói cho vợ ông ấy biết những thông tin bí mật về sức khoẻ của Cao Giao, cũng như mang đến cho gia đình ông ấy thực phẩm và thuốc men. "Tôi cố gắng hết sức mình để chăm sóc gia đình Cao Giao trong khi ông ấy đang ở trong tù. Hàng ngày nếu có thời gian là tôi lại ghé qua thăm vợ ông ấy", Phạm Xuân Ẩn nói. Sau khi Cao Giao ra tù, mỗi khi được hỏi về Phạm Xuân Ẩn, ông ta đều nói rằng Phạm Xuân Ẩn là "một kẻ lý tưởng hoá bị vỡ mộng và lừa dối". Khi biết Phạm Xuân Ẩn hoạt động tình báo, Cao Giao cũng bỏ qua cho Phạm Xuân Ẩn bởi vì "Chúng tôi là người Việt Nam".

Một số phận tốt hơn nhiều đã chờ đợi Phạm Xuân Ẩn vài tuần sau ngày giải phóng, có người của lực lượng an ninh chế độ mới đến gặp ông và nói "Ông thì OK".

Phạm Xuân Ẩn nhớ lại: "Ông ta chỉ nói có vậy. Nhưng tôi hiểu tôi được an toàn rồi". Tài liệu về danh tính thật của Phạm Xuân Ẩn cuối cùng cũng đã được chuyển đến. Phạm Xuân Ẩn được xác nhận là "người ba mươi năm cách mạng" - một thuật ngữ được dùng để nói về những người đã tham gia đánh ngoại xâm trong ba thập kỷ qua. Phạm Xuân Ẩn được chính thức chuyển sang bên thắng trận, điều này dễ nhận thấy vì số lượng gạo của ông được tăng thêm, được cấp phát quân phục hàm Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Chế độ mới đặt vấn đề về những hành động của Phạm Xuân Ẩn hôm 30/4/1975 đã giúp đỡ bác sĩ Trần Kim Tuyến kịp lên chuyến máy bay trực thăng cuối cùng tại số nhà 22 phố Gia Long để đi di tản. Phạm Xuân Ẩn đã kể lại hết sự việc cho các nhân viên an ninh nghe, ông nói rằng việc làm của ông chỉ là một cử chỉ nhân đạo. Khi ấy, gia đình ông Trần Kim Tuyến đã rời khỏi Việt Nam, và chiến tranh cũng sắp kết thúc. Sự giải thích này thật dễ hiểu đối với những thành viên trong mạng lưới tình báo phía nam của Phạm Xuân Ẩn, nhưng bên phía an ninh vẫn chưa tin. Phạm Xuân Ẩn nói rằng ông và Trần Kim Tuyến là bạn của nhau, nghĩa là thế nào? Bạn bình thường hay là bạn trong công việc?

Phạm Xuân Ẩn phải viết tường trình về các chi tiết của việc Trần Kim Tuyến trốn thoát. Ông cũng nhận được chỉ thị phải tiết lộ tên của các mối quan hệ và nguồn tin của ông trong thời gian chiến tranh mà ông có được khi đang làm việc với tư cách nhà báo của Tạp chí Time. Như đã được đề cập trước đây, Phạm Xuân Ẩn đã cung cấp đầy đủ nhất theo khả năng liên quan đến mọi chi tiết về bác sĩ Trần Kim Tuyến.

Tuy nhiên, về những mối quan hệ của mình trong 15 năm trước đó, thì ông nói trí nhớ của ông rất tồi. Càng nghĩ về Phạm Xuân Ẩn, cơ quan an ninh càng có nhiều câu hỏi về việc tại sao ông Ẩn tồn tại được với tư cách là một điệp viên trong thời gian dài như vậy. "Mọi người nghĩ rằng tôi được ai đó trong CIA bảo vệ, vì không ai có thể may mắn đến như vậy". Thật thú vị cả Bob Shaplen và cơ quan an ninh của Hà Nội đều có những câu hỏi giống nhau về Phạm Xuân Ẩn.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #104 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2007, 07:26:57 pm »

Shaplen viết "Chẳng hạn, tôi thường tự hỏi tại sao ông Phạm Xuân Ẩn lại phiền lòng để cho gia đình ông phải di chuyển tới nơi này, nơi khác tại Mỹ, mặc dù họ được sự giúp đỡ của một cơ quan báo chí Hoa Kỳ, nơi ông ấy đã từng làm việc. Liệu Phạm Xuân Ẩn có thực sự là một người Cộng sản từ đầu đến cuối trong thời gian dài, hay ông đã quyết định trở thành người Cộng sản chỉ sau ngày 30/4/1975 vì các lý do này khác. Liệu có khả năng ông đã hoạt động như một điệp viên hai mang, hoặc thậm chí ba mang? Và phải chăng trước khi trao số phận của mình cho những người Cộng sản, ông muốn đảm bảo chắc chắn rằng đã che đậy kỹ mọi dấu vết? Có một số lý do để tin rằng điều này là có thể".

Cuối tháng 3/1976, Phạm Xuân Ẩn được khuyên nên gọi gia đình trở về nước. Đối với nhiều người bạn của ông, cũng như các nhân viên trước đây làm việc cho Tạp chí Time, đây là tín hiệu đầu tiên cho thấy rằng Phạm Xuân Ẩn có thể đã từng làm việc cho phía bên kia. Phải nói lời chia tay đối với những người bạn Mỹ mới của mình là điều rất khó khăn đối với những thành viên gia đình Phạm Xuân Ẩn. Bà Germaine Lộc Swanson nhớ, có lần bà đã nói với bà Thu Nhàn rằng, về mặt ngoại giao bà và các con sẽ sớm được gặp Phạm Xuân Ẩn. Vì bà Lộc tin rằng ông Ẩn có thể được cử làm Đại sứ Việt Nam lý tưởng đầu tiên ở Hoa Kỳ, hoặc chí ít thì cũng là một Tuỳ viên báo chí làm việc trong Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ. Sau này, khi tôi nói điều đó với Phạm Xuân Ẩn, ông mỉm cười và nói: "Điều đó chỉ xảy ra khi bà Germaine Lộc làm Bí thư Đảng, nếu không thì chẳng bao giờ".

Bà Thu Nhàn có mối lo ngại riêng của mình khi trở về nước. Bà chỉ nhận được một bức điện vẻn vẹn có mấy từ: "Trở về nhà thôi". Bà Thu Nhàn không hề biết gì về tình trạng của Phạm Xuân Ẩn ở Việt Nam, nên bà phải nghĩ ra một cách để đưa các con về nước mà không gây ra quá nhiều nghi ngờ. Nhiều người ở miền Nam Việt Nam đang chạy trốn khỏi Việt Nam trên những chiếc thuyền mong manh, đánh liều mà chọn cách thà đối mặt với bọn cướp biển Thái Lan trên biển Đông, còn hơn ở lại Việt Nam.

Đầu tiên, bà Thu Nhàn tới Liên hợp quốc để xin phép được đi du lịch sang Pháp. Sau đó bà và các con đáp máy bay từ Washington đi Paris, nhưng bị tạm giữ tại Paris trong ba tháng vì Việt Nam chưa cho phép mở đường bay thẳng từ Paris đi Hà Nội, cũng như chẳng có đường bay thẳng nào đến Sài Gòn. Một khi đã tới Pháp, bà Thu Nhàn lại xin phép được đưa bốn con về nước "để đoàn tụ với chồng, vì hoà bình đã được lập lại trên đất nước Việt Nam". Khi đó, bà có thông báo cho Tạp chí Time về quyết định của mình và có nói lại với bà Germaine Lộc Swanson một lần nữa. Bà Germaine Lộc Swanson nói rằng để thận trọng và đề phòng chuyện không hay, Cộng sản giương bẫy chờ mẹ con bà Thu Nhàn trở về, bà Lộc có thể giúp nuôi hai con của bà Thu Nhàn. Germaine Lộc Swanson không biết thông tin gì về việc Phạm Xuân Ẩn ở Sài Gòn có được an toàn hay không. Stanley Cloud nhớ lại rằng, khi đó từ Paris bà Thu Nhàn điện thoại cho ông để xin lời khuyên xem liệu bà và các con có nên trở lại Hoa Kỳ hay không. Cuối cùng, bà Thu Nhàn quyết định gia đình bà không sống mỗi người mỗi ngả nữa, mà bà phải trở về nước với hy vọng rằng bức điện ngắn của Phạm Xuân Ẩn gửi cho bà trước đây là bức điện thật và rằng chồng bà vẫn an toàn.

Bà Thu Nhàn và các con đáp máy bay từ Paris đi Matxcơva và sau đó về Hà Nội. Từ Hà Nội, họ đi tiếp tới Thành phố Hồ Chí Minh bằng xe hơi.
Khoảng tháng 9/1976, bắt đầu có lời đồn đại về cuộc đời bí mật của Phạm Xuân Ẩn. Bằng chứng là Lou Conein nói với Neil Sheehan rằng ông ta "nghe nói Phạm Xuân Ẩn đã nhắn tìm vợ và vợ ông ta đã trở về nước qua đường Paris, Mátxcơva, Hà Nội, rồi tới Thành phố Hồ Chí Minh mà không hề gặp trở ngại nào. Điều này cho thấy, việc trở về của bà ấy không bị rắc rối, chứng tỏ Phạm Xuân Ẩn là một Việt Cộng hoặc ít nhất thì cũng là một người có cảm tình với Việt Cộng và Đảng Cộng sản đã có cái nhìn thiện cảm đối với ông ta".
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #105 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2007, 07:32:01 pm »


Phạm Xuân Ẩn nhận danh hiệu Anh hùng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp công bố (ảnh trong Bộ sưu tập cá nhân của Phạm Xuân Ẩn)

Phạm Xuân Ẩn được mời dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức tháng 12/1976 tại Hà Nội. Những ngày ở đây, Phạm Xuân Ẩn được phong tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân, được chụp ảnh cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các Anh hùng khác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau Đại hội này, tất cả văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài đang hoạt động ở miền Nam Việt Nam đều bị đóng cửa. "Đó cũng là sự chấm dứt việc tôi đi làm tại văn phòng Tạp chí Time ", Phạm Xuân Ẩn nói.

Mặc dù được phong tặng danh hiệu Anh hùng, nhưng Phạm Xuân Ẩn vẫn phải tham dự một khoá học chính trị một năm được tổ chức ở gần Hà Nội. Một phần của lý do khiến Phạm Xuân Ẩn phải tham dự khoá học này là vì ông đã sống quá lâu với người Mỹ. Khi nói chuyện, ông vẫn còn xen vào cách nói đánh giá rất cao đối với kẻ thù đã bị đánh bại của Việt Nam. Chiến tranh đã kết thúc, đất nước của ông đã được thống nhất, và ông vẫn còn khâm phục người Mỹ. Chế độ mới không còn nghi ngờ gì về lòng trung thành của Anh hùng Phạm Xuân Ẩn đối với Tổ quốc, nhưng họ rất lo ngại về những điều ông nói ra mà dân chúng nghe được thì không có lợi. Phạm Xuân Ẩn cần phải được lập trình lại tư duy như một người Việt Nam, chứ không phải là tư duy như một người Mỹ.

Tháng 8/1978, Phạm Xuân Ẩn rời gia đình để đi dự một khoá học của Học viện chính trị cao cấp ở Hải Dương, cách Hà Nội khoảng 30 kilômét. Ông học tại đó cho đến tháng 6/1979. Việc Phạm Xuân Ẩn hoàn toàn không thấy xuất hiện trong thời gian dài đã dẫn đến một sự hiểu lầm rằng ông đã sang Mỹ để hoạt động dưới vỏ bọc. Điều này khiến Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố sẽ "cắt cổ Phạm Xuân Ẩn nếu gặp ông ở Mỹ". Phạm Xuân Ẩn không để tâm nhiều tới thời kỳ học tập tại trung tâm nói trên. Trong tất cả các cuộc nói chuyện với tôi, ông chưa bao giờ gọi đó là một cuộc cải huấn. Phạm Xuân Ẩn nói với tôi: "Thực sự đó không phải là trại cải huấn giống như nhiều người khác đã phải trải qua một cách vất vả. Đó là một học viện chính trị. Tôi cần phải đến đó vì tôi chẳng biết gì về chủ nghĩa Mác - Lênin và duy vật biện chứng. Tôi đã có một cuộc sống khác trong suốt thời gian tôi thi hành nhiệm vụ bí mật của mình. Cuộc sống đó giờ đây đã chấm dứt. Tôi hiểu nhiều về hệ thống Mỹ hơn là hệ thống này, do vậy tôi cần phải đọc tất cả những sách kinh điển về lối tư duy kinh tế Nga". Phạm Xuân Ẩn nói mà không nở một nụ cười nào, mất hẳn cái cách châm biếm thường thấy của ông. "Đây là năm mà lối tư duy của tôi được chờ đợi là sẽ thay đổi. Tôi đã cố gắng để là một học viên tốt, nhưng do tôi đã biết quá nhiều, nên thay đổi là rất khó khăn".

Phạm Xuân Ẩn không phản đối việc ông đi học chính trị một năm. Trong năm đó, ông đã được gặp nhiều người thú vị, họ luôn tò mò muốn biết về những sự trải nghiệm của ông và Phạm Xuân Ẩn luôn thích thú chia sẻ những câu chuyện với nhiều học viên trong lớp của mình. Ông vẫn còn nhớ khi bị chế nhạo là "thằng Mỹ". Chẳng có ai giống ông, vì ông đã có nhiều thời gian sống với người Mỹ hơn hầu hết các sĩ quan của quân đội Việt Nam Cộng hoà. Các sĩ quan đó chi dự khoá huấn luyện một tháng ở Mỹ, còn Phạm Xuân Ẩn có trọn hai năm sống tự do ở Hoa Kỳ. Phạm Xuân Ẩn nói: "Chế độ mới coi tôi là quá Mỹ và là tư sản, vì vậy tôi được chờ đợi phải nói như những người mác xít sau một vài tháng nghe giảng và thảo luận". Phạm Xuân Ẩn đã từng có nhiều thời gian để suy nghĩ. Ông nói: "Giáo sư biết không, đây là lần đầu tiên tôi sống dưới chế độ cộng sản. Tôi có rất nhiều điều để học và cố gắng điều chỉnh mọi thứ, từ cách nghĩ, cách hành động, và thậm chí cả cách nói đùa. Tôi hiểu mọi người muốn gì, nên tôi đã cố gắng".

Sau khi kết thúc khoá học, Phạm Xuân Ẩn trở về Thành phố Hồ Chí Minh. Ông rất vui vì không còn phải chịu đựng những đêm lạnh của miền Bắc. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, những bạn bè quen biết của ông dần dần xuất hiện trở lại sau thời kỳ họ phải tập trung cải tạo. Chính phủ mới mời Phạm Xuân Ẩn vào làm việc tại một cơ quan kiểm duyệt, nhưng ông từ chối. Sau đó ông được đề nghị đào tạo các nhà báo Cộng sản, nhưng ông nghĩ, về mặt thực tiễn đó là điều không thể. Tôi có thể dạy được gì cho các nhà báo Việt Nam về nghề của tôi?
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Mười Một, 2007, 07:33:52 pm gửi bởi dongadoan » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #106 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2007, 07:34:17 pm »

Và mặc dù đã qua một khoá học, Phạm Xuân Ẩn vẫn khó khăn trong quá trình hoà nhập với chế độ mới cũng như vẫn còn những vấn đề về độ tin cậy. Đó là lý do tại sao mỗi khi có một người bạn cũ đến Thành phố Hồ Chí Minh, các quan chức đều nói rằng Phạm Xuân Ẩn không muốn gặp hoặc là đi vắng, không có mặt trong thành phố. Dan Southerland nhớ lại: "Năm 1982, trên đường đi Campuchia, tôi dừng ở Sài Gòn vài ngày. Vào thời kỳ đó, bất cứ phóng viên nào đi qua Sài Gòn cũng đều có một cuộc gặp cuối cùng với một cán bộ cốt cán Việt Cộng. Trường hợp của tôi, cán bộ đó là ông Phương Nam. Tôi hỏi ông Phương Nam rằng liệu tôi có thể được gặp Phạm Xuân Ẩn không? Ông Phương Nam nói để ông kiểm tra đã. Sau đó khi trở lại, ông Phương Nam trả lời tôi: "Ông ấy không gặp khách nước ngoài". Mười ba năm sau đó, Southernland cuối cùng cũng gặp được Phạm Xuân Ẩn. Tại cuộc gặp lại đầu tiên sau 30 năm giữa hai người, Phạm Xuân Ẩn nói: "Ông ấy đã không nói gì với tôi. Tôi muốn gặp cậu chứ".

Stanley Karnow cũng kể một câu chuyện tương tự về chuyến thăm năm 1981 của ông: "Tôi đề nghị một quan chức Cộng sản thu xếp cho tôi được gặp ông Phạm Xuân Ẩn. Quan chức đó ngắt lời tôi, nói rằng hãy quên chuyện ấy đi. Đại tá Phạm Xuân Ẩn không muốn gặp ông hay bất cứ người Mỹ nào khác".

"Đại tá cơ à?"
"Vâng. Ông ấy là người của chúng tôi", quan chức này đáp.

Phạm Xuân Ẩn không có sự lựa chọn nào khác ngoài làm công việc mà như ông mô tả là "một ông chồng nội trợ". Ông thường hài hước nói về mình là một "triệu phú thời gian". Suốt ngày ông đọc sách, nghe đài BBC và làm những việc lặt vặt cho vợ. Ông cũng trở thành nổi tiếng là người huấn luyện gà chọi giỏi nhất Sài Gòn. Trò đá gà ăn tiền bị cấm trong chế độ mới, nhưng người ta vẫn bí mật chơi.

Đúng lúc đó, Nguyễn Xuân Phong, người bạn cũ của Phạm Xuân Ẩn được ra tù sau 5 năm bóc lịch. Hai "kẻ thù anh em" giờ đây cùng sống trong một nước Việt Nam thống nhất có nhiều điều để chia sẻ: "Trong thời gian 20 năm kể từ năm 1980 đến năm 2000, Phạm Xuân Ẩn và tôi thường gặp nhau mỗi tuần vài lần. Hầu hết những lần gặp nhau đó, chúng tôi ngồi uống cà phê bên đường phố Đồng Khởi để thư giãn và cũng để quên đi quá khứ. Thậm chí, các nhân viên an ninh chụp ảnh chúng tôi, họ cố gắng tìm hiểu xem chúng tôi đang trao đổi gì?".

Một điều mà Phạm Xuân Ẩn quan sát thấy ở đất nước đã được thống nhất của ông là sự gắn bó của các nhà lãnh đạo Việt Nam với mô hình Liên Xô đang phải đối mặt với những khủng hoảng. Phạm Xuân Ẩn nói với Sheehan: "Sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ, mọi thứ hồ sơ đều bị đốt hết, từ sách y học đến các tài liệu của chính quyền - giờ thì đã có sự hối tiếc rồi - nhưng quá muộn - nhiều thứ từ Nga giờ đây trở nên không còn phù hợp. Tôi rất tiếc về những điều xảy ra, nhưng tôi không thể ngăn cản được - có lẽ tôi đã ở với phía bên này quá lâu, nên tôi biết giá trị của những tài liệu đó. Có những hành động hăng hái một cách thái quá, giống như những con ngựa chiến bị che mắt vậy; nếu anh khuyên họ đừng làm, có lẽ họ lại nghĩ anh là phản cách mạng và đây là một tội lớn. Tôi được sinh ra ở Việt Nam, tôi là người Việt Nam, nhưng tôi học được sự văn minh ở nước Mỹ. Đây là điều rắc rối của tôi".
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Mười Một, 2007, 07:36:03 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #107 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2007, 07:39:13 pm »

Việc ông Phạm Xuân Ẩn không được tiếp xúc với những đồng nghiệp cũ của mình đã làm dấy lên những tin đồn vu vơ giữa những đồng nghiệp cũ về vị trí của ông trong chế độ mới. David De Voss, cựu Trưởng phân xã Tạp chí Time phụ trách khu vực Đông Nam Á, người từng đi cùng bà Thu Nhàn và bốn đứa trẻ từ Los Angeles, đã trở lại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1981. Sau chuyến đi này, David De Voss viết cho đồng nghiệp Karsten Prager: "Có lẽ chỉ còn mỗi thuốc lá là sản phẩm mà Việt Nam sản xuất được. Ăn mày thấy ở mọi nơi. Sự yếu kém về năng lực của các cán bộ Việt Cộng đang làm người ta kinh ngạc. Những người tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi hiện đang phụ trách về quản lý đất đai, và các chương trình phúc lợi xã hội. Chẳng có cái gì vận hành cả. Văn phòng trước đây của Tạp chí Time tại khách sạn Continental giờ dành cho những người Cuba ở. Ban đêm họ nhảy nhót ở trên đường Tự Do, mặc áo phông in hình những con chim ó què quặt dưới đề dòng chữ Con chim ó này không thể bay". Rất tiếc phải nói rằng Phạm Xuân Ẩn là một cán bộ cao cấp của Bộ Nội vụ (điều này không đúng). Hình như suốt thời gian làm việc cho Tạp chí Time, ông ta là trung tá Việt Cộng. Tôi đã cố tìm gặp ông ta trong thời gian 5 ngày tôi ở Sài Gòn, nhưng ông ấy đã từ chối. Không cuộc tiếp xúc nào được phép đối với những người biết nhau trước giải phóng".

Prager liền chuyển tiếp lá thư của De Voss cho Frank McCulloch, kèm theo một lời nhận xét: "Bro… thân, lời bình luận buồn của De Voss vừa từ Việt Nam trở về. Nghĩ anh muốn xem, đặc biệt là đoạn nói về Phạm Xuân Ẩn. Không thể nào thắng họ tất cả, tôi đoán vậy. Tôi luôn luôn thích Phạm Xuân Ẩn, nhưng chưa bao giờ hoàn toàn tin cậy ông ta".
Tháng 2/1982, Donald Neff của Tạp chí Time viết thư trực tiếp cho McCulloch: "Tôi biết những điều đồn đại về Phạm Xuân Ẩn không phải là mới, nhưng tôi phải thừa nhận rằng mỗi lần đọc được là tôi cảm thấy đau lòng. (Nó cũng khiến tôi bực mình, vì có lần tôi đã tặng Phạm Xuân Ẩn một bộ sách về chim rất đắt)".

De Voss sau này còn nói một điều khiến mọi người rất ngạc nhiên là năm 1981, Phạm Xuân Ẩn đã đề nghị De Voss giúp bí mật đưa gia đình ông ra khỏi Việt Nam: Mục đích của tôi là đi tìm Phạm Xuân Ẩn, nhưng đó là việc không dễ. Các bản đồ cũ về thành phố đã bị tịch thu và đốt hết. Tất cả những đường phố lớn đều mang tên mới. Nhà cửa vẫn còn đánh số, nhưng không liên tục, nên gần như là không thể xác định được nhà nào cần tìm, kể cả trường hợp có địa chỉ trong tay. Cuối cùng, trong cơn tuyệt vọng, tôi đã hối lộ một quan chức Hà Nội bằng thuốc vitamin cho trẻ em và bộ tã lót trẻ em mua ở Bangkok và nhờ đó mà có được số điện thoại của Phạm Xuân Ẩn. Tôi đã điện thoại cho ông và chúng tôi hẹn gặp nhau tại chợ Chim. Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi sẽ đi bộ cùng với những con chó của tôi". Phạm Xuân Ẩn dặn tôi không nói hoặc làm bất cứ điều gì khi chúng tôi nhìn thấy nhau, bởi vì an ninh có thể đang theo dõi. Rõ ràng ngay cả ông, người được phong danh hiệu Anh hùng đang phụ trách về tình báo đối ngoại cho Chính phủ cũng không tránh khỏi việc bị theo dõi. Chợ Chim, trên thực tế, là một đoạn đường phố hai bên treo đầy những lồng bằng tre nhốt những con chim đang hót véo von. Người ta mua những con chim này về để nuôi, cũng có thể mua để phóng sinh theo niềm tin của Phật giáo.

Phạm Xuân Ẩn đến chợ Chim cùng với con chó Đức của ông. Chúng tôi đi ngang qua nhau rồi khẽ gật đầu. Sau đó, Phạm Xuân Ẩn và tôi mỗi người lên một chiếc xích lô do những người lính của chế độ Sài Gòn trước đây điều khiển. Tôi theo Phạm Xuân Ẩn về nhà ông.

Khi hai người đã vào trong nhà, Phạm Xuân Ẩn nói ông rất buồn về những điều diễn ra trên đất nước ông. Ông kể rằng trước đây, ông đã từng hai lần cố gắng đưa gia đình ra nước ngoài, nhưng không thành công. Lần thứ nhất, thuyền bị hỏng máy. Lần thứ hai, thuyền có vẻ đủ sức vượt biển, nhưng thuyền trưởng lại không ra. Việc chạy trốn lúc này bị chê bai nhiều hơn bởi vì con trai ông sắp được gửi sang học tại một trường ở Matxcơva. Phạm Xuân Ẩn bảo tôi sang Singapore để tìm một người đàn ông bí ẩn tại một khách sạn của người Hoa. Người đàn ông này có thể dàn xếp để ra đi bằng thuyền nếu trả ngay cho ông ta một khoản tiền. Phạm Xuân Ẩn nói rằng ông rất tuyệt vọng.

Tôi bị choáng váng khi nghe câu chuyện này, đặc biệt là sau khi đã có lá thư của De Voss năm 1981 gửi cho Karsten Prager. Tôi hỏi Phạm Ân xem cháu đánh giá vấn đề này thế nào: "Chúng cháu không sợ bài báo đó, bởi vì những điều ông ấy viết đều có thể kiểm chứng được một cách dễ dàng bởi còn những người ở đây, và thực tế gia đình cháu không bao giờ làm như vậy".
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #108 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2007, 07:41:22 pm »

Cách biệt với những người bạn Mỹ, Phạm Xuân Ẩn tìm cách giúp đỡ những đồng nghiệp Việt Nam ở bên thua trận. Tháng 4/1985, Donald Kirk trở lại Việt Nam lần đầu tiên kể từ ngày còn chiến tranh. Donald Kirk là phóng viên chuyên viết về Đông Nam Á cho tờ tạp chí New York Times, The New Leader, và tờ The Reporter. Những ngày ở Thành phố Hồ Chí Minh Donald Kirk đã gặp một người bạn thân, đồng thời là một đồng nghiệp cũ tên là Lê Việt. Sau này Donald Kirk mới hiểu rằng đồng nghiệp của mình đã bị giam 5 tháng chỉ vì "gặp gỡ một người nước ngoài". Lê Việt bị giam trong một phòng cùng với 60 người. Cứ mỗi tuần vợ ông ta vào nhà lao thăm ông ta một lần, mang theo đồ ăn và thuốc men. Lê Việt nói với Donald Kirk: "Ngày nào họ cũng hỏi tôi về quan hệ của tôi với các nhà báo Mỹ. Họ cho rằng gần như tất cả những nhà báo Mỹ đều làm việc cho CIA. Họ muốn biết về những cái gói mà tôi đã trao cho ông: Họ coi tôi là làm gián điệp cho Mỹ, còn ông là CIA. Tôi đã nói với họ rằng tôi từng làm việc cho người nước ngoài trong thời gian dài qua, đó là chiến tranh chứ không phải trong chính trị".

Đây là đoạn Kirk đã viết như thế nào về phần còn lại của câu chuyện: "Nỗi đau của Lê Việt còn tồi tệ hơn. Ông ta được tạm nghỉ khi vị cảnh sát trưởng đề nghị Phạm Xuân Ẩn - một Đại tá Việt Cộng từng lên được cấp bậc cao như vậy nhờ những hoạt động tình báo bí mật, trong khi vẫn làm việc cần mẫn như một chuyên gia về chính trị cho các phóng viên Tạp chí Time-Life khờ khạo và cả tin tại khách sạn Continental, để thẩm vấn Lê Việt". Cảnh sát trưởng hy vọng rằng Phạm Xuân Ẩn sẽ thu được một số lời khai của Lê Việt. "Phạm Xuân Ẩn, lúc này đã trở thành Phó Bí thư của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, một vị trí tương đương với Phó Thị trưởng", đã từ chối yêu cầu phản bội một đồng nghiệp, và bạn bè, bắn tiếng lên cảnh sát trưởng "Không cần phải làm khó cho tôi", Lê Việt nói. Khi tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn về chuyện này, ông đã thở dài rồi nói: "Những người bên an ninh họ nghĩ ai cũng là CIA, họ chả tin ai cả, thậm chí cả tôi". Trên thực tế, Phạm Xuân Ẩn chưa bao giờ giữ bất cứ chức vụ nào, cho dù đó là chức vụ đảng hay chính quyền ở địa phương.

Năm 1986, ngọn gió đổi mới cuối cùng rồi cũng thổi tới Việt Nam khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam phát động công cuộc đổi mới. Đó là một chương trình đổi mới kinh tế để cải cách xã hội Việt Nam và kích thích sự tăng trưởng kinh tế. Các nhà lãnh đạo Đảng tuyên bố ý định xây dựng một nền kinh tế nhiều thành phần gồm kết hợp giữa kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, và sở hữu tư nhân. Các nhà đầu tư nước ngoài được khuyến khích và thái độ bao dung hơn được áp dụng liên quan đến mọi sự tiếp xúc với phương Tây và hướng tới bày tỏ quan điểm trong nước.

Năm 1988, Bob Shaplen đến Thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị gặp Phạm Xuân Ẩn. Lần đầu tiên, cơ quan an ninh cho phép gặp với điều kiện có một thành viên của Bộ Ngoại giao cùng dự. Khi cuộc gặp của họ sắp kết thúc, Phạm Xuân Ẩn xin phép người bạn của ông làm việc tại Bộ Ngoại giao rằng liệu ông và Shaplen có thể đi ăn tối riêng với nhau được không? Phạm Xuân Ẩn được phép làm điều đó. Phạm Xuân Ẩn nhớ lại: "Chúng tôi tới ăn tối tại khách sạn Majestic. Tôi nghĩ, đó là lần đầu tiên tôi được phép nói chuyện một mình với một người bạn cũ kể từ khi chiến tranh kết thúc. Tôi không muốn buổi tối hôm đó kết thúc sớm".
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #109 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2007, 07:43:10 pm »

Khi trở về Mỹ, Shaplen đã nói với mọi người rằng có lẽ Chính phủ Việt Nam đã nới lỏng việc tiếp xúc của ông Phạm Xuân Ẩn đối với các đồng nghiệp cũ. Chỉ trong vòng vài tháng, Neil Sheehan, Stanley Karnow, Robert Sam Anson, Và Morley Safer cũng được phép đến thăm. Chính trong bối cảnh này mà một câu chuyện đáng lưu ý được giãi bày liên quan đến những mối quan hệ tình bạn giữa những đồng nghiệp cũ, giấc mơ của người cha đối với con trai lớn của ông, và sự hoà hợp giữa hai nước mà Phạm Xuân Ẩn đều yêu quí.

Năm 1988, người con trai lớn của Phạm Xuân Ẩn là Phạm Xuân Hoàng Ân sang Liên Xô học đại học 5 năm, lúc đầu học ở Học viện Ngoại ngữ Minsk sau chuyển sang khoa Phiên dịch tại Đại học Ngoại ngữ Quốc gia Mátxcơva mang tên Mauris Thorez. Phạm Ân tốt nghiệp hạng ưu, thông thạo ngôn ngữ tiếng Anh và viết luận văn ngôn ngữ học về đề tài dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh một đoạn trích từ sách của A.A. Kurznetsova "Bên bờ sông Mê Công và sông Hồng".

Sau khi tốt nghiệp, Phạm Ân trở về quê nhà. Sau này, anh đã viết về cảm xúc của mình sau khi du học trở về: "Khi máy bay bắt đầu hạ cánh, tim tôi đập rộn ràng như muốn nhẩy ra khỏi lồng ngực. Đây rồi, thành phố thân yêu của tôi. Vậy là sáu mùa hè đã trôi qua kể từ khi tôi rời mảnh đất này. Cổng nhà tôi vẫn mở, tôi cảm nhận được cái nóng tháng tám đang sưởi ấm dần trái tim giá lạnh vì mùa đông Mátxcơva của tôi. Một làn gió nhẹ mơn man làn da tôi. Và tại nơi đây, tôi lại được tắm dưới ánh nắng mặt trời giữa màu xanh của cỏ cây. Tôi đưa mắt tìm kiếm những khuôn mặt thân quen. Đây rồi người mẹ thân yêu nhất của tôi và cả các em trai, em gái của tôi nữa. Thời gian đã để lại trên đầu mẹ những sợi tóc bạc, những nếp nhăn trên má. Nhưng cám ơn Chúa, mẹ trông vẫn khoẻ mạnh và hạnh phúc. Nước mắt. Những cái hôn. Và vòng tay của mẹ tôi… Chuông bỗng vang lên. Tôi thấy con chó quay ra phía cổng sủa to lên một tiếng. Ba tôi xuất hiện ngay bên ngưỡng cửa. Ba chạy ra, mở toang cửa. Ba nhìn không già hơn, nhưng gầy hơn nhiều. Lưng ba đã bắt đầu còng hơn trước do sức nặng của cuộc sống bận rộn và vất vả… Niềm vui và hạnh phúc tràn ngập trong tôi, tại buổi sum họp gia đình này".

Phạm Xuân Ẩn từng sống và làm việc với người Mỹ trước khi có cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ông từng đánh giá cao người Mỹ. Sau chiến tranh, tất nhiên Phạm Xuân Ẩn muốn con trai mình cũng như vậy. Phạm Xuân Ẩn nói: "Đảng dạy tôi những điều về hệ tư tưởng. Từ người Mỹ, tôi học được những điều quan trọng khác về nghề báo và phương pháp tư duy. Đó là điều tôi muốn con mình cũng học được như vậy. Tôi muốn con trai tôi có những người bạn là người Mỹ".

Phạm Xuân Ẩn cũng tin tưởng rằng con trai mình có thể đại diện cho một cây cầu mới nối giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ trong thời kỳ sau chiến tranh. "Suốt cuộc đời mình, tôi chỉ có hai trách nhiệm. Một là nghĩa vụ của tôi đối với Tổ quốc. Hai là trách nhiệm của tôi đối với những người bạn Mỹ - những người đã dạy cho tôi mọi điều từ A đến Z, đặc biệt là nhân dân Mỹ. Mong ước của tôi là: Đấu tranh cho đến khi đất nước giành được độc lập và sau đó, lập quan hệ ngoại giao và bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, được như vậy thì tôi có thể mỉm cười mà nhắm mắt xuôi tay bất cứ lúc nào cũng thoả lòng rồi".

Phạm Xuân Ẩn tiên liệu rằng những người bạn Mỹ của ông sẽ giúp đỡ ông, bởi vì họ sẽ còn nhớ ông với tư cách một người đồng nghiệp, chứ không phải là một kẻ thù là đất nước họ, hoặc một kẻ phản bội lại sự tin cậy của họ. "Họ biết rằng tôi là người luôn luôn giúp đỡ họ và rằng tôi không phải là kẻ thù của họ. Tôi đã đấu tranh cho đất nước tôi, chứ không phải chống lại người Mỹ", Phạm Xuân Ẩn đã nói như vậy, có ý thanh minh cho việc ông từng là một trùm điệp viên của phía bên kia. David Halberstam nói: "Nếu có một người nào đó nắm bắt được giữa hai thế giới, thì người đó chính là Phạm Xuân Ẩn. Những ai không sống ở Việt Nam trong những năm tháng đó, thì sẽ khó mà hiểu nổi sự phức tạp này".

Vào thời điểm năm 1989, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có mối quan hệ ngoại giao chính thức nào. Không có đại sứ quán, cũng như chẳng có toà tổng lãnh sự. Chỉ có một nhóm nhỏ sinh viên Việt Nam nhận vsia sang học tập tại Hoa Kỳ. Sự hợp tác giữa hai nước chỉ mới bắt đầu ở khâu giải quyết số phận những người Mỹ mất tích khi đang làm nhiệm vụ (MIA).
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM