Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:48:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điệp viên hoàn hảo  (Đọc 85989 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #50 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2007, 02:37:55 pm »

Phạm Xuân Ẩn không chỉ tài giỏi trong việc phân tích các số liệu, ông còn giỏi trong việc tổng hợp các cuốn sách giống như cuốn sách "Cuộc chiến tranh hiện đại: Một cách nhìn của Pháp về chống nổi dậy" của tác giả Roger Trinquier xuất bản năm 1961, cuốn cẩm nang đề cập đến các chiến thuật của cuộc chiến tranh cách mạng nhằm lật đổ một chính quyền.

Phạm Xuân Ẩn cũng thường xuyên tham khảo trong cuốn sách xuất bản năm 1940 "Cội rễ của chiến lược: 5 bài học quân sự kinh điển vĩ đại nhất mọi thời" do chuẩn tướng T. R. Phillips biên soạn. Cuốn sách này sưu tập những bài học kinh điển về quân sự có ảnh hưởng nhất thời kỳ trước thế kỷ XIX. Trong đó bao gồm các bài viết Nghệ thuật chiến tranh của tác giả Sun Tzu; Các cơ sở quân sự của người Roman, tác giả Vegetius; Sự mơ mộng của tôi về nghệ thuật chiến tranh, tác giả Marshal Maunce de Saxe; Chỉ thị của Frederick Đại đế cho các tướng lĩnh của ông; và Các câu châm ngôn quân sự của Napoleon.

Với tay lấy những cuốn sách đã nhàu nát từ trên giá sách gia đình, Phạm Xuân Ẩn khiến tôi chú ý tới những cuốn sách của các tác giả Sun Tzu và Maunce de Saxe. Mở ra một trang trong cuốn sách của Sun Tzu, Phạm Xuân Ẩn bảo tôi đọc một đoạn: "Trong việc bố trí chiến thuật, cách tốt nhất để đạt hiệu quả tối đa là che giấu. Việc che giấu lực lượng chiến thuật của mình sẽ giúp cho bạn tránh được những cái nhìn tọc mạch xảo quyệt của bọn gián điệp; tránh được những mưu toan của những bộ óc khôn ngoan nhất. Làm sao để có thể giành được thắng lợi và vượt qua được những chiến thuật của kẻ thù. Đó là điều mà rất nhiều người không thể lĩnh hội được.

Ai cũng có thể nhận thấy những chiến thuật được tôi chế ngự, nhưng không phải ai cũng thấy được yếu tố chiến lược làm nên thắng lợi. Người chỉ huy tài phải là người biết sửa chiến thuật của mình trong quan hệ với đối phương để giành thắng lợi về sau".
 

Phạm Xuân Ẩn để ria mép. Bức ảnh này do nhà báo Frank McCulloch chụp đã được đăng trên bản tin phía bên trái, trông ông Ẩn hơi giống thượng toạ Thích Trí Quang (ảnh trong Bộ sưu tập cá nhân của Phạm Xuân Ẩn, cùng sự cho phép của Lê Minh và Ted Thái)

Trước khi Mỹ tăng cường lực lượng ở khu vực xung quanh Củ Chi, Phạm Xuân Ẩn đôi khi cũng đến căn cứ Việt Cộng để trình bày các báo cáo của mình, cũng như để được giao thêm nhiệm vụ mới. Phạm Xuân Ẩn áp dụng một cách thức rất lạ để thực hiện những chuyến đi về Củ Chi. Ông để ria mép và nuôi tóc dài hơn một chút nhằm che giấu khuôn mặt thật của mình. Mỗi khi thực hiện chuyến đi như vậy, Phạm Xuân Ẩn đều tạo ra một lý do cho sự vắng mặt của mình. Ông thường nói với các đồng nghiệp làm việc ở Tạp chí Time rằng "Giáo sư tình dục học đi nghỉ ba ngày ở Huế để tìm kiếm các em xinh tươi nhìn có vẻ nghệ sĩ và hippy".
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Mười Một, 2007, 03:19:01 pm gửi bởi dongadoan » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #51 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2007, 02:58:04 pm »

Phạm Xuân Ẩn giải thích cho tôi: "Để ria mép là điều mà tôi đã học được từ CIO, không phải họ khuyên phải để ria, mà là họ coi ria là một trong những yếu tố kỹ thuật của CIO giúp nhận dạng người trong quá trình truy lùng Cộng sản. Các nhân viên CIO thường đi đến Củ Chi để dò hỏi người dân ở đó rằng có thấy ai lạ mặt đến vùng này không? Nếu chẳng may tôi bị xác định là một người lạ mặt, thì những mô tả của người dân về hình dạng bề ngoài của người lạ đó không giống với khuôn mặt thật của tôi. Chẳng có ai ở đó biết tên tôi, nên người dân chỉ có thể mô tả hình dạng bề ngoài. Các nhân viên CIO trong trường hợp đó sẽ ghi vào sổ của họ rằng có một kẻ lạ mặt để ria mép và cứ thế đi tìm kiếm những người có ria mép".

Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn, vậy nếu có ai ở Sài Gòn nhớ ra rằng ông đã để ria mép thì sao? Phạm Xuân Ẩn phá lên cười rồi nói rằng khi CIO dưa được thông tin như vậy về Sài Gòn rồi đi tìm kiếm người có ria mép, thì ông đã từ Huế trở về lâu rồi và chẳng ai còn nhớ chuyện ấy nữa. Tuy nhiên, nếu chẳng may có ai đó đến hỏi tôi về việc để ria, tôi sẽ hỏi lại: "Các ông đang nói gì vậy? Tôi đâu có ria mép. Nhìn tôi đi, có thấy sợi ria nào không? Tôi ra Huế để tìm gái đẹp chứ có đi Củ Chi để tìm Cộng sản đâu. Lúc đó, tôi sẽ bảo họ đi mà hỏi ông Nguyễn Cao Kỳ ấy. Ông Kỳ để ria mép, nên có thể ông ta đã có mặt ở Củ Chi". Tất nhiên, chưa bao giờ ông Phạm Xuân Ẩn gặp phải trường hợp như vậy.

Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn điều gì sẽ xảy ra nếu một nhân viên CIO phát hiện được ông có mặt ở Củ Chi?
Phạm Xuân Ẩn trả lời: "Thế thì tôi phải chết thôi".

Sau này, khi đọc đoạn William Prochnau viết về Phạm Xuân Ẩn tôi mới nhận ra rằng vỏ bọc mà ông tạo ra lý do vắng mặt này đã mang lại hiệu quả như thế nào. William Prochnau viết: "Phạm Xuân Ẩn biết cách cắt được bệnh quan liêu giấy tờ, xử lý được thông tin, biết nói chuyện thơ ca, triết học, cũng như viết tin, bài cập nhật đến tận thời hạn cuối cùng để nộp bài. Có một người trợ lý Việt Nam tốt là điều cực kỳ quan trọng và Phạm Xuân Ẩn là người trợ lý tốt nhất. Thậm chí cả khi Phạm Xuân Ẩn biến mất trong vài ngày thì cũng chẳng qua chỉ là do ông có một mối tình bí mật ở đâu đó.

Một điều vẫn còn là bí ẩn mà tôi chưa thể tìm được câu trả lời, đó là vì sao có rất nhiều người biết ông Phạm Xuân Ẩn theo chu kỳ thỉnh thoảng lại biến mất vài ngày, thế mà ông vẫn không hề bị các lực lượng cảnh sát hoặc an ninh bắt. Ở miền Nam Việt Nam ngày ấy, các lực lượng này luôn tìm kiếm, truy bắt những người như ông Phạm Xuân Ẩn. Có thể ông là người cực kỳ may mắn. Hay những câu chuyện nguỵ trang của ông cho những chuyến đi với tư cách người huấn luyện chó, người sưu tầm những loài chim quí, người đang yêu bí mật cũng đủ để làm cho xung quanh không ai nghi ngờ gì về ông. Hoặc là ông Phạm Xuân Ẩn có những người bạn luôn che chắn, bảo vệ cho ông.

Rất có thể còn những điệp viên khác của Cộng sản đã thâm nhập được vào lực lượng cảnh sát Sài Gòn chẳng hạn. Cũng có thể còn có những người bạn bên phía đối phương đánh giá ông quá cao, nên không tin bất cứ ai nói điều không hay về ông. Có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được sự thật về điều đó, vì càng nêu ra nhiều câu hỏi về khía cạnh này, chúng ta càng ngập chìm sâu hơn vào trong điều bí ẩn.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #52 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2007, 02:58:56 pm »

Phong trào nổi dậy ở miền Nam Việt Nam đang càng ngày càng phát triển rầm rộ. Số lượng những cuộc tấn công của những nhóm du kích nhỏ vào các cơ sở của chính phủ, đài quan sát cứ trung bình mỗi tháng thời kỳ nửa cuối của năm 1959 ghi nhận được hơn một trăm vụ. Số các vụ ám sát những quan chức chính phủ, chỉ huy cảnh sát, và những nhân vật có máu mặt ở các thôn xóm đã tăng lên gấp hai lần. Số vụ bắt cóc ghi được con số cao nhất so với bất kỳ thời gian nào trước đó. Tại đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên đã từng xảy ra rất nhiều cuộc nổi dậy tự phát tại các bản làng. Các cuộc bạo loạn và biểu tình của quần chúng do Việt Cộng tổ chức đã lan rộng, gây ra mất trật tự trị an và thường dẫn đến các cuộc đàn áp đẫm máu của của chính quyền Diệm.

Quân đội Việt Nam Cộng hoà chuẩn bị rất kém để đối phó với sự gia tăng hoạt động của du kích. Từ năm 1954 đến năm 1960, hai trưởng đoàn MAAG là tướng John W. "Iron Mike" O Daniel và trung tướng Samuel T. "Hanging Sam" Williams chỉ chủ yếu tập trung vào việc chấm dứt những cuộc vượt biên thông thường qua vĩ tuyến 17. Hai ông tướng này không hề coi những cuộc nổi dậy bên trong là mối đe doạ đối với sự ổn định của miền Nam Việt Nam. Các nhóm bộ binh cơ động trang bị nhẹ trước đó được tổ chức lại thành những sư đoàn bộ binh cho phù hợp với nhiệm vụ và thiết kế các kế hoạch phòng vệ của Mỹ. Quân đội Việt Nam Cộng hoà được trang bị những thiết bị tiêu chuẩn. Các cố vấn Mỹ đã bắt đầu trực tiếp huấn luyện quân đội Việt Nam Cộng hoà cho một cuộc chiến tranh thông thường. Người ta lo sợ xảy ra kịch bản, trong đó rất có thể Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ mở những đợt tấn công giống như họ đã từng tấn công đánh bại người Pháp hồi năm 1954. Hay giống Bắc Triều Tiên đã từng tấn công Nam Triều Tiên hồi năm 1950.

Tổng thống Eisenhower đã ra lệnh xây dựng một kế hoạch toàn diện chống nổi dậy. Tháng 8/1960 trung tướng Lionel C. McGarr đã thay thế tướng Williams làm Chỉ huy trưởng MAAG. Tướng McGarr từng là Chỉ huy trưởng chỉ huy và tham mưu kiêm chỉ huy trưởng bang Kansas. McGarr là một trong số những sĩ quan được nhận nhiều huân huy chương nhất vào thời đó. Tướng McGarr đã bảy lần được nhận Huân chương chiến thương. Ông này coi việc chống nổi dậy như là "những hình thái khác thường của chiến tranh đòi hỏi phải có những kỹ thuật và học thuyết đặc biệt". Chẳng bao lâu sau, các chuyên viên dưới quyền Tướng McGarr đã cho ra đời sản phẩm "Những chiến thuật và kỹ thuật hoạt động chống nổi dậy (CIP)". Sản phẩm CIP được mang đến Sài Gòn đầu năm 1961. Ngay lập tức, một bản copy của tài liệu này được chuyển cho bác sĩ Trần Kim Tuyến. Ông Trần Kim Tuyến liền đưa cho Phạm Xuân Ẩn yêu cầu phân tích tài liệu đó để giúp ông ta có thể nắm được hết các ý tứ trong chiến lược mới. Tham mưu trưởng lục quân, tướng Trần Văn Đôn cũng trao cho Phạm Xuân Ẩn một bản tài liệu đúng như vậy cùng với những tài liệu hỗ trợ như Cẩm nang chiến trường 100 - 5, Các cuộc hồng quân, trong đó chứa đựng mọi tư tưởng và hành động của các cố vấn Mỹ cũng như cách mà MAAG hình dung Quân đội Việt Nam Cộng hoà sẽ chiến đấu ra sao trong cuộc chiến mới.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #53 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2007, 02:59:56 pm »

Cuốn cẩm nang được sửa vào tháng 2/1962 có tính đến những công nghệ chiến tranh mới như các chiến dịch không quân cơ động và chiến tranh không chính quy. Ông Ẩn còn nhận được cuốn Cẩm nang chiến trường 31 - 15, những chiến dịch chống các lực lượng không chính quy. Đây là những tài liệu được xuất bản tháng 5/1961 gồm 47 trang, trong đó có cả những sơ đồ xác định mục tiêu nhằm tiêu diệt các lực lượng của Việt Cộng. Phạm Xuân Ẩn còn thường xuyên giữ liên lạc với các tướng lĩnh quân đội Việt Nam Cộng hoà sau khi họ kết thúc khoá huấn luyện đặc biệt về chiến lược chống nổi dậy được tổ chức tại Trung tâm chiến tranh Đặc biệt quân đội Mỹ ở Fort Bragg, Hoa Kỳ trở về.

Phạm Xuân Ẩn mở những chiếc tủ tài liệu của mình rỗi lấy ra một tập những tài liệu đã rách nát, vừa nói vừa cười: "Ngày nay, những tài liệu này đều có sẵn ở Trung tâm Việt Nam, Trường Đại học Texas Tech. Khi nào tôi qua đời, vợ tôi sẽ đem vứt hết đi. Chỉ có chúng ta mới quan tâm đến những tài liệu này thôi".

Giám đốc của Trung tâm Việt Nam thuộc Đại học Công nghệ Texas là Jim Reckner, bạn của cả ông Phạm Xuân Ẩn và tôi. Trước đây vài năm, chính Jim đã giới thiệu chúng tôi với nhau. Jim và Lê Khanh, một người bạn khác của chúng tôi, làm việc ở Trung tâm Việt Nam. Hai người này đều đã đến thăm Phạm Xuân Ẩn, đã đề nghị ông xem xét và cho phép đưa những tài liệu này sang bảo quản tại kho lưu trữ về Việt Nam của Trường Đại học Texas Tech nhằm phục vụ cho nghiên cứu trong tương lai.

Chẳng có tài liệu nào trong những tập văn bản mà ông Phạm Xuân Ẩn cho tôi xem được coi là chiếc vương miện kim cương tình báo hoặc là những bí mật quân sự thiết yếu. Tuy nhiên, vào thời kỳ đó những người Cộng sản Việt Nam hiểu biết rất ít về những chiến thuật đang được Mỹ vạch ra cho một cuộc "chiến tranh đặc biệt" kiểu mới. Việc đưa máy bay trực thăng của Mỹ vào hỗ trợ cho các cuộc hành quân càn quét đã gây ra thương vong rất nặng nề cho phía Việt Cộng. Nhiệm vụ của Phạm Xuân Ẩn là phân tích các chiến thuật mới để những nhà vạch kế hoạch quân sự Cộng sản đưa ra được những chiến thuật đối phó. Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi được phía Việt Nam Cộng hoà tin cậy nên trao cho nhiều tài liệu, thậm chí cả ông Trần Kim Tuyến cũng vậy. Tôi đã đọc tất cả những tài liệu ấy, trao đổi với các cố vấn quân sự Mỹ và những người bạn Việt Nam của tôi vừa từ khoá huấn luyện ở Mỹ trở về. Sau đó, tôi viết báo cáo tình báo gửi đi, chỉ có thế thôi. Một khi tôi đã có tài liệu trong tay thì viết báo cáo rất dễ… Tôi chỉ phải làm mỗi việc là đọc tài liệu, dự các buổi thông báo tin tức, nghe mọi người xung quanh nói chuyện với nhau, cộng thêm sự phân tích của tôi nữa, thế là đã có thể gửi được báo cáo vào rừng. Sau đó, tôi chẳng biết điều gì đã xảy ra tiếp theo đó mãi cho đến nhiều năm sau".

Từ năm 1961 đến năm 1965, Phạm Xuân Ẩn đã gửi gần như tất cả mọi tài liệu quan trọng liên quan đến các kế hoạch hoạt động quân sự và dân sự ở miền Nam Việt Nam. Ông Mai Chí Thọ, người đã gom góp tiền cho Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ học nói với tôi: "Trận Ấp Bắc là do có thông tin về chiến thuật. Ông Phạm Xuân Ẩn đã cho chúng tôi biết về việc Mỹ vừa đưa ra những chiến thuật mới, nhờ đó mà chúng tôi có thể vạch ra chiến thuật đối phó. Một số người khác của chúng tôi thì vạch ra những kế hoạch mới để thực hiện những chiến thuật đó. Một số người khác nữa khi thực hiện đã chiến đấu rất dũng cảm tại trận Ấp Bắc. Nhưng những tin tức tình báo và những tài liệu mà ông Phạm Xuân Ẩn gửi về đã giúp cho chúng tôi làm được những điều đó". Ông Phạm Xuân Ẩn cũng đã nói với tôi những điều tương tự như lời của ông Mai Chí Thọ khi ông cho tôi xem một cuốn sách của Saxe "Phân tích chiến lược cũng cần phải có năng lực chiến thuật.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #54 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2007, 03:00:53 pm »

Nhiệm vụ của tôi trong giai đoạn đó là phải giúp hiểu được phương thức mới chiến tranh đặc biệt của Mỹ để họ có thể vạch ra được những chiến thuật đối phó mới. Tôi đã gửi cho họ những phân tích của mình, người khác quyết định về phương thức và địa điểm để tổ chức trận đánh".

Tổng thống đắc cử John Fitzgerald Kennedy tin rằng Edward Lansdale là một trong số ít người Mỹ có đủ năng lực để cố vấn cho Tổng thống về chiến tranh không thông thường và vai trò của Mỹ ở Đông Dương.

Lansdale rời Sài Gòn năm 1957 cùng thời gian với việc ông Phạm Xuân Ẩn rời Sài Gòn sang California học báo chí. Lansdale được mời về Mỹ để làm việc trong Văn phòng của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ với chức vụ Phó Trợ lý Ngoại trưởng về các cuộc hành quân đặc biệt. Trong thời kỳ chuyển giao giữa hai tổng thống, Tổng thống đắc cử Kennedy đã phái Lansdale trở lại Nam Việt Nam để đánh giá toàn diện về phong trào nổi dậy. Chương trình chuyến thăm lần này của Lansdale dầy đặc những cuộc trao đổi cấp cao và đi thăm thực địa chiến trường. Trong chuyến thăm đó, Phạm Xuân Ẩn và Lansdale đã gặp nhau hai lần. Cuộc gặp đầu tiên thoả mái hơn. Hai người trò chuyện với nhau về thời kỳ hai năm Phạm Xuân Ẩn sống ở Hoa Kỳ. Sau khi hai người đã nói với nhau vế những phong cảnh đẹp của bờ biển California, Lansdale bảo Phạm Xuân Ẩn rằng sắp tới ông ta đi California, vậy có thể mua gì làm quà cho ông Ẩn được? ông Phạm Xuân Ẩn trả lời rằng nếu Lansdale có thể dừng bất kỳ chỗ nào trên đoạn đường 17-mile Drive qua Pacific Grove và Pebble Beach rồi mua mang về làm quà mấy viên tinh hoàn hải cẩu để ngâm rượu Black&White Scotch thì tuyệt. Phạm Xuân Ẩn giải thích với Lansdale rằng rượu tinh hoàn hải cẩu là một thứ thuốc kích dục mạnh nhất trong tất cả các thuốc kích dục? Sau đó, Lansdale về tay trắng, giải thích với Phạm Xuân Ẩn rằng ông ta không biết bằng cách nào giữ cho con hải cẩu đứng im để thực hiện cái nhiệm vụ mà ông Ẩn đã giao.

Cuộc nói chuyện thứ hai của Phạm Xuân Ẩn và Lansdale nghiêm túc hơn nhiều. Sau khi biết Phạm Xuân Ẩn làm việc cho bác sĩ Trần Kim Tuyến, Lansdale tỏ ra rất quan tâm những đánh giá của Phạm Xuân Ẩn về tình hình nổi dậy. Phạm Xuân Ẩn đã nói hết với Lansdale đúng như những gì ông đã nói với Trần Kim Tuyến. "Chẳng có lý do gì mà tôi phải nói dối ông Lansdale về điều này, đặc biệt là từ khi tôi biết chắc Lansdale thế nào cũng sẽ nói với Trần Kim Tuyến, nên tôi cần phải liên tục và khách quan trong các phân tích của mình. Tôi đã quen biết Lansdale từ lâu. Ông ấy là bạn của tôi. Và việc chúng tôi nói chuyện với nhau về những vấn đề như vậy là chuyện tất nhiên. Tôi nói với Lansdale những điều tôi nghĩ, còn ông ấy chia sẻ với tôi những đánh giá của ông. Lansdale đã cung cấp cho tôi những thông tin quí báu. Ông ấy luôn dạy cho tôi và tôi luôn chú ý lắng nghe. Ông ấy khuyên tôi nên đọc cuốn Chiến tranh tâm lý của Paul Linebarger. Tôi học được rất nhiều từ Lansdale về Sherman Keng, về chống nổi dậy, về những cách khác nhau để chống lại những người Cộng sản".

Có một điều mà Lansdale không biết, đó là tất cả những gì Phạm Xuân Ẩn học được thì đều được gửi ra Hà Nội. Ông Mười Nho, một chỉ huy trực tiếp của Phạm Xuân Ẩn thời gian đó, nhớ lại: "Năm 1962, ông Hai Trung đã gửi cho chúng tôi hai mươi bốn cuộn phim về toàn bộ các kế hoạch liên quan đến chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ. Những tài liệu này bao gồm cả kế hoạch tổng thể về cuộc chiến tranh, những thông tin về sự gia tăng các lực lượng vũ trang, sự hỗ trợ của lính Mỹ, kế hoạch về xây dựng ấp chiến lược kế hoạch hành quân chiếm lại những vùng đã được giải phóng, và kế hoạch củng cố quân đội nguỵ cùng với những thiết bị quân sự Mỹ".
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #55 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2007, 03:01:54 pm »

Chính ông Mười Nho là người trực tiếp rửa những cuộn phim đó. Tay ông run lên khi ông nhìn thấy toàn bộ nội dung văn bản các báo cáo của Stanley và Taylor. Ông Mười Nho nói: "Có đến cả một tỷ USD chúng tôi cũng không thể mua được những tài liệu như vậy. Sự hiểu biết về kẻ thù mà những tài liệu này cung cấp đã giúp cho chúng tôi chuẩn bị các kế hoạch đối phó với chiến lược của kẻ thù… Sự thất bại hoàn toàn của địch trong trận Ấp Bắc đã buộc Mỹ phải từ bỏ Chiến tranh đặc biệt để đi tìm kiếm một chiến lược mới.

Khi tôi hỏi ông Mai Chí Thọ rằng sự đóng góp nào của Phạm Xuân Ẩn được coi là giá trị nhất? Ông Mai Chí Thọ đã khiến tôi rất ngạc nhiên khi ông trả lời: "Ông Phạm Xuân Ẩn đã gửi cho chúng tôi chương trình bình định, ấp chiến lược để chúng tôi có thể vạch ra kế hoạch chống lại nhằm đánh bại đối phương". Tôi hỏi ông Mai Chí Thọ, thế sao ông Phạm Xuân Ẩn không nhận được huân chương về công trạng này? Ông Mai Chí Thọ mỉm cười và nói: "Ông Phạm Xuân Ẩn còn lập nhiều thành tích khác nữa và ông đã được thưởng huân chương, nhưng tôi coi đây là quan trọng nhất vì nó có tầm chiến lược".

Hơn hai mươi năm sau, Lansdale vẫn khó tin rằng Phạm Xuân Ẩn đã từng làm việc cho phía bên kia. Năm 1982, Bob Shaplen viết thư cho Lansdale về bài báo của Stanley Karnow xác định rõ ràng cuộc đời hai mặt của Phạm Xuân Ẩn. Lansdale viết thư trả lời nói: "Tôi không biết cuộc nói chuyện của Karnow về Phạm Xuân Ẩn và Thảo. Nhưng tôi sẽ nhận tất cả những gì về Việt Nam với một chút chua chát. Tôi tin rằng các ông đã biết hơn tôi".
Cuối tháng 1/1961, Lansdale trở lại Washington để gặp Tổng thống Kennedy và các cố vấn cao cấp nhất của Tổng thống. Sau khi báo cáo với Tổng thống John F. Kennedy rằng những người Cộng sản coi năm 1961 là năm thắng lợi của họ, Lansdale thúc giục Chính quyền Kennedy ủng hộ Ngô Đình Diệm, như lời ông ta mô tả thì đó là một "cuộc thuyết phục hữu nghị".

Tổng thống Kennedy chấp nhận hầu hết những khuyến nghị của Lansdale, cụ thể là ông duyệt ngay ngân sách 28,4 triệu USD để mở rộng lực lượng quân đội Diệm thêm lên khoảng hai vạn quân và một khoản ngân sách khác 12,5 triệu USD để cải thiện lực lượng phòng vệ dân sự. Bản kế hoạch Chống nổi dậy cho Việt Nam mà Tổng thống Kennedy phê chuẩn giống hệt như bản kế hoạch mà Phạm Xuân Ẩn đã có trong tay. Tháng 5, Phó tổng thống Lyndon Johnson sang thăm miền Nam Việt Nam trong 3 ngày. Ông Lyndon Johnson mô tả Ngô Đình Diệm như là Winston Churchill của Việt Nam, thậm chí có thể so sánh được với cả George Washington, Woodrow Wilson, Andrew Jackson, và Franklin D. Roosevelt. Sau này, nhà báo Stanley Karnow hỏi Lyndon Johnson rằng có đúng ngày đó ông đã nói như vậy không? Lyndon Johnson trả lời: "Khỉ thật, Diệm là người duy nhất chúng ta có ở đó".

Thuật ngữ "Chiến tranh đặc biệt" có nghĩa là một cuộc chiến tranh kết hợp giữa các biện pháp và hoạt động quân sự trên bộ có sự hỗ trợ của lính dù và chỉ được áp dụng trong cuộc chiến tranh không thông thường, chống nổi dậy, và chiến tranh tâm lý. Như lời Tổng thống Kennedy thì "Để thắng được trong cuộc chiến tranh này, các sĩ quan và binh lính của chúng ta phải hiểu và biết kết hợp các biện pháp chính trị, kinh tế, và dân sự với nhau trong khi thực hiện các nỗ lực quân sự nhằm hoàn thành nhiệm vụ này".
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #56 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2007, 03:02:53 pm »

Thực thi chiến lược chống nổi dậy, Mỹ phải cung cấp cho quân đội Diệm nhiều cố vấn hơn, nhiều máy bay trực thăng và xe bọc thép hơn để tăng khả năng cơ động trên chiến trường mỗi khi phải đối phó với chiến tranh du kích. Chống nổi dậy bao gồm cả việc coi trọng vai trò huấn luyện các lực lượng của chính quyền Sài Gòn về các chiến thuật mới. Các phần khác của chiến lược chống nổi dậy bao gồm Chương trình ấp chiến lược; Việc sử dụng hoá chất và chất làm rụng lá rải xuống các vùng du kích; Việc thành lập các trại lính đặc nhiệm với vai trò chính là huấn luyện cho lực lượng dặc nhiệm quân đội Sài Gòn.

Tin tưởng rằng những ý tưởng đó là rất cần thiết cho miền Nam Việt Nam, Tổng thống Kennedy đã cử sang Sài Gòn một phái đoàn khảo sát kinh tế do Tiến sĩ Eugene Stanley thuộc Viện nghiên cứu Stanford dẫn đầu. Báo cáo của phái đoàn nhấn mạnh sự tác động không thể tách rời của việc trợ giúp về kinh tế và trợ giúp quân sự đối với an ninh nội địa Nam Việt Nam. Báo cáo xác định Việt Cộng là một kẻ thù "thâm độc, thoắt ẩn thoắt hiện, và có lực lượng dồi dào". Do vậy, cần phải có một "sự huy động toàn diện các nguồn kinh tế, quân sự, tâm lý, và xã hội của miền Nam Việt Nam và sự giúp đỡ mạnh mẽ từ phía Hoa Kỳ".

Phái đoàn của Stanley vừa từ Sài Gòn trở về, Tổng thống Kennedy liền cử tướng Maxwell D. Taylor sang miền Nam Việt Nam với tư cách Đặc phái viên quân sự của Tổng thống. Cùng đi với Taylor có Walt W. Rostow, Chủ tịch Hội đồng Chính sách, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Đoàn của Taylor đến Sài Gòn ngày 18/10 làm việc trong một tuần, tập trung vào những vấn đề triển khai quân đội Mỹ sang Việt Nam. "Vừa đến nơi, Taylor và Rostow đã nhận thấy tình hình tồi tệ đúng như họ đã chờ đợi". Taylor tin rằng đó là "thời kỳ đen tối nhất kể từ đầu năm 1954… Không cần phải phóng đại thì cũng có thể nói được rằng toàn bộ miền Nam Việt Nam đang xấu đi vì tinh thần dân tộc bị suy sụp". Trước tình hình Việt Cộng thời gian qua liên tục giành thắng lợi trong các đợt tấn công, cũng như trong việc thâm nhập, Taylor và phái đoàn của ông nhận thấy cách duy nhất để cứu vãn Ngô Đình Diệm là đưa quân đội Mỹ vào Nam Việt Nam.

Báo cáo cuối cùng của Taylor-Rostow về một kế hoạch toàn diện Việt Nam hoá chiến tranh được trình lên Tổng thống Kennedy ngày 3/11. Mô tả một cuộc khủng hoảng kép về niềm tin trong cả các giải quyết của Mỹ và của Diệm, Taylor thúc đẩy để có một sự cam kết sâu hơn của Mỹ. Taylor kêu gọi triển khai tại đồng bằng sông Cửu Long tám nghìn quân trên bộ, chủ yếu là các kỹ sư và nhân viên hậu cần, cùng một số đơn vị lính chiến để lập căn cứ an ninh. Lực lượng tám nghìn quân này sẽ hoạt động dưới vai trò nguỵ trang là lực lượng cứu trợ bão lụt lớn ở vùng đồng bằng Bông Cửu Long. Tuy nhiên trên thực tế, nó hoạt động như một "biểu tượng có thể nhìn thấy được về sự nghiêm túc của Hoa Kỳ".

Taylor tin rằng những lực lượng quân đội này có thể "được gọi ra tham chiến để tự vệ hoặc để bảo vệ cho những đối tác làm việc của họ, và bảo vệ địa phương nơi họ đóng quân". Taylor dường như không cảm thấy day dứt gì về việc ông ta đang "liều lĩnh ủng hộ một cuộc chiến tranh lớn ở châu Á". Đó là "một món quà", nhưng "không ấn tượng".

Theo cách nhìn của phía Hà Nội, các chuyến thăm cấp cao này đã gây ra sự lo ngại lớn. Tại một ấn phẩm của Cộng sản xuất bản năm 1965 viết: "Miền nam Việt Nam đã trở thành một bãi thử các chiến thuật chống du kích của quân đội Mỹ, một cuộc chiến tranh thí nghiệm chưa từng có của Hoa Kỳ".
Phạm Xuân Ẩn tiết lộ với tôi rằng tướng Võ Nguyên Giáp lo ngại đến mức, ông phải cử hai phái đoàn ra nước ngoài. Một đoàn sang Mátxcơva để trao đổi với các nhà vạch kế hoạch quân sự Liên Xô về cách chống lại cuộc chiến tranh đặc biệt của Mỹ.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #57 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2007, 03:04:13 pm »

Nhưng người Nga chỉ biết mỗi chiến tranh thông thường. Tướng Võ Nguyên Giáp sau đó cử một phái đoàn thứ hai sang gặp các tướng lĩnh Trung Quốc từng có kinh nghiệm chống lại các lực lượng của Liên quân trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Nhưng người Trung Quốc cũng chẳng giúp được gì nhiều. Phạm Xuân Ẩn nói: "Chính tôi là người đã giúp mọi người hiểu về cuộc chiến tranh kiểu mới của Mỹ. Vì thế mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp vô cùng phấn khởi. Hai phái đoàn cử ra nước ngoài để thảo luận với các chuyên gia đều thất bại, đến lúc đó tôi mới lập ra chương trình giúp đối phó lại".

Ngày 28/12/1962, Sư đoàn 7 quân đội Việt Nam Cộng hoà đóng quân tại đồng bằng sông Cửu Long nhận được chỉ thị phải bắt giữ được một điện đài của các lực lượng vũ trang quân Giải phóng đang hoạt động gần làng Ấp Bắc. Đài này đang được một đơn vị du kích Việt Cộng khoảng 120 người canh gác bảo vệ đêm ngày. Cố vấn Mỹ cao cấp đang giúp đỡ Sư đoàn 7 quân đội Việt Nam Cộng hoà là John Paul Vann đã sang miền Nam Việt Nam được tám tháng, nhưng chưa chạm trán với đối phương lần nào. John Paul Vann là trung tá lục quân, sau này được coi là một trong những nhân vật huyền thoại trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngày 9/6/1972, John Paul Vann bị thiệt mạng trong một vụ máy bay trực thăng rơi.

John Paul Vann ngứa ngáy muốn tham chiến để ông ta có cơ hội đánh giá xem các chỉ huy của quân đội Việt Nam Cộng hoà học thuộc đến mức nào các bài giảng của ông. Ở phía bên kia, các nhà lãnh đạo Việt Cộng cũng đã chuẩn bị để đương đầu chống lại máy bay trực thăng Mỹ. Việc đưa đại đội trực thăng vận đầu tiên vào tham chiến từ tháng 12/1961 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các du kích. Bên cạnh đó, việc các lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hoà tiến hành các cuộc hành quân càn quét ác liệt giữa ban ngày lục soát từng làng ấp để tìm kiếm Quân Giải phóng cũng gây nhiều khó khăn không kém cho đối phương. Ông Mai Chí Thọ nói với tôi: "Lúc đó, chúng tôi không biết phải làm thế nào để có thể chống lại được các xe bọc thép và máy bay trực thăng của Mỹ. Chính ông Phạm Xuân Ẩn đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin mà từ đó, cho phép chúng tôi vạch ra các cách đánh ở qui mô chiến thuật chống lại chiến tranh mới của đối phương".

Giờ đây, được trang bị kế hoạch chiến lược mới, các lực lượng Quân Giải phóng đã sẵn sàng nghênh chiến với các máy bay trực thăng. Trước khi ra tham chiến vài tuần, nhằm tính toán tầm bắn hiệu quả nhất, các lực lượng Quân Giải phóng đã tổ chức tập trận gần Đồng Tháp Mười. Những hình nộm của các loại máy bay trực thăng Shawnee và Huey được làm bằng bìa cứng gắn lên ngọn những cột tre để họ tập bắn và ở nhiều tư thế bay với những đặc điểm khác nhau. Nhà báo Neil Sheehan viết: "Một trong những sự kiện hiếm hoi của cuộc xung đột không ngừng những sự can dự, mà trong đó chẳng ai tỏ ra là có một chút ý nghĩa nào đã sắp xảy ra - một trận đánh mang tính chất quyết định cục diện của cuộc chiến tranh. Ngày nay, Việt Cộng đã sẵn sàng đứng lên và chiến đấu".
Tin tình báo của John Paul Vann đã sai. Không phải ông ta đối mặt với một đại đội gồm 120 người, mà là lực lượng nòng cốt. Tiểu đoàn 261 của Việt Cộng gồm 320 người có sự hỗ trợ của 30 du kích xã. Tuy nhiên, phía quân đội Việt Nam Cộng hoà vẫn vượt trội đáng kể cả về số quân lẫn thiết bị quân sự.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #58 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2007, 03:04:59 pm »

Một tiểu đoàn của Sư đoàn 7 bộ binh được biên chế 380 quân. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ của hai tiểu đoàn lính phòng vệ dân sự và một đại đội xe bọc thép M-113, cộng thêm một đại đội bộ binh có sự hỗ trợ của các xe bọc thép M-113 nặng mười tấn từng được Việt Cộng đặt cho biệt danh "rồng xanh". Như vậy, tổng cộng toàn bộ lực lượng này, John Paul Vann có trong tay tất cả hơn 1.000 quân.

Ngay sau khi trận đánh mở màn, phía quân đội Việt Nam Cộng hoà nhanh chóng bị thương vong, buộc các chỉ huy phải gọi thêm quân tiếp viện từ căn cứ Tân Hiệp gần đó. Mười chiếc máy bay trực thăng Shawnee và năm chiếc máy bay trực thăng kiểu mới Huey, biệt danh là súng ngắn bay, được huy động nhằm thẳng hướng Ấp Bắc bay tới. Khi những chiếc trực thăng này tiến vào Ấp Bắc, bẫy đã được giăng chờ sẵn. Bất ngờ, hàng loạt đạn từ dưới những rặng cây ven đê đồng loạt bắn lên ào ạt. Chi trong mấy phút đầu, mười bốn trong số mười lăm chiếc trực thăng bị trúng đạn, nhưng chỉ có bốn chiếc rơi trong đó có một chiếc Huey và ba lính Mỹ bị thiệt mạng. Phía quân đội Việt Nam Cộng hoà vẫn còn cơ hội để thay đổi thế trận vì quân Việt Cộng đã bị bao vây. Phía Việt Cộng chỉ còn mỗi một đường thoát ra hướng đông, đó là cánh đồng lúa. John Paul Vann bèn gọi thêm xe bọc thép đến tiếp viện, nhưng Ngô Đình Diệm đã ra lệnh tại chỗ rằng không ai được vào trận đánh đó, nếu không có sự chấp thuận trực tiếp của Sài Gòn. Ngô Đình Diệm còn chỉ thị cho các tướng lĩnh chỉ huy các Quân đoàn, Sư đoàn phải giữ được thương vong luôn ở mức thấp. Tất cả những ai không tuân theo chỉ thị này sẽ không được đề bạt. Chiếc máy bay trực thăng thứ năm bị bắn rơi ở Ấp Bắc là chiếc bị trúng đạn khi đang cố gắng cứu hộ. Chỉ huy của quân đội Việt Nam Cộng hoà tại trận Ấp Bắc đã không tuân theo chỉ thị của cố vấn Mỹ John Paul Vann trong việc chặn đường rút của các lực lượng Cộng sản. Cuối cùng, khi màn đêm buông xuống, toàn bộ Việt Cộng đã rút hết ra ngoài.

Khi nhìn nhận lại trận Ấp Bắc, John Paul Vann coi đây như là một dẫn chứng về một quân đội mà ông ta được giao nhiệm vụ huấn luyện đã chứng tỏ là một quân đội không tương xứng một cách tồi tệ. "Đó là một cuộc trình diễn khốn nạn. Những người này không chịu nghe lời. Họ mắc phải những cái lỗi chết tiệt cứ lặp đi lặp lại lần nào cũng giống nhau". Trận Ấp Bắc chứng tỏ những người lính Việt Nam Cộng hoà đang bị thí mạng một cách vô ích dưới sự chỉ huy của những viên tướng kém cỏi, chỉ giỏi xu nịnh. Thế mà các viên tướng này vẫn được Diệm đặt vào những vị trí chỉ huy then chốt. Phạm Xuân Ẩn nói với tôi: "Trận Ấp Bắc đã phơi bày tất cả. Đó là những điểm yếu của ban lãnh đạo quân đội Việt Nam Cộng hoà và những chính sách cất nhắc chỉ dựa vào sự trung thành đối với Ngô Đình Diệm, mà không dựa vào khả năng, năng lực chuyên môn". Tướng Huỳnh Văn Cao được Diệm tin cậy như là một kẻ trung thành nhất đối với gia đình họ Ngô của ông ta, nên được đề bạt cất nhắc lên nhanh chóng. Thế nhưng, Huỳnh Văn Cao đã thể hiện là một viên tướng yếu kém và hèn nhát. "Diệm đã có những viên tướng chưa bao giờ cầm quân, thế mà lại được đề bạt chỉ vì họ biết hôn tay của Nhu và Diệm. Ấp Bắc là nơi những con gà trống đầu tiên trở về nhà", Phạm Xuân Ẩn vừa nói vừa cười, mắt nhìn xuống cuốn sưu tập chim của ông.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #59 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2007, 03:05:42 pm »

Bản báo cáo sau trận Ấp Bắc của John Paul Vann là một bản kết tội đối với tất cả các cấp chỉ huy của quân đội Việt Nam Cộng hoà, vì đã không hành động một cách quyết đoán, không khích lệ các binh sĩ của mình. Cố vấn cao cấp Mỹ, Đại tá Daniel B. Porter, đã đánh giá bản báo cáo sau trận Ấp Bắc của John Paul Vann "có lẽ là bản báo cáo có nhiều tư liệu nhất, đầy đủ nhất, giá trị nhất, và nói thẳng thắn nhất so với tất cả các báo cáo" đã từng được trình một năm trước đó.

Không thể đánh giá thấp ý nghĩa của trận Ấp Bắc đối với các lực lượng Quân Giải phóng ở miền Nam và đối với danh tiếng của Phạm Xuân Ẩn ở Hà Nội. Ấp Bắc đã trở thành tiếng thét của đông đảo quần chúng, và Trung ương Cục miền Nam đã phát động một phong trào thi đua với Ấp Bắc trên toàn cõi miền Nam Việt Nam. Tài liệu Dự báo tình báo đặc biệt của CIA ngày 17/4/1963 đã đưa ra kết luận rằng: "Việt Cộng đã chứng tỏ họ là một kẻ thù hùng mạnh và có một lực lượng du kích hiệu quả… Họ cũng đã thể hiện một cách linh hoạt trong việc điều chỉnh các chiến thuật của mình để đối phó lại với những khái niệm hành quân mới của miền Nam Việt Nam… Một nhân tố quan trọng dẫn đến thắng lợi của Việt Cộng là hệ thống tình báo có hiệu quả của họ. Những người cung cấp thông tin, những người có cảm tình với Cộng sản có ở khắp các vùng nông thôn. chứng tỏ rằng Việt Cộng đã có khả năng duy trì được sự bao quát tình báo đối với mọi cấp cả quân sự lẫn dân sự của chế độ miền Nam Việt Nam".

Có lẽ sự đánh giá rõ ràng nhất về trận Ấp Bắc là bản Báo cáo sau trận đánh của các lực lượng Quân Giải phóng. Bản Báo cáo này được biết đến như là "tài liệu của Việt Cộng về trận Ấp Bắc ngày 2/1/1968".

Đây là tài liệu thu được của đối phương và đã được dịch sang tiếng Anh rồi lưu hành trong cơ quan tổng hành dinh của Bộ chỉ huy quân sự ở Việt Nam (MACV) thời gian khoảng cuối tháng 4/1963. Việt Cộng đã coi việc họ chống lại cuộc hành quân càn quét ngày 2/1/1963 là một "thắng lợi to lớn của các lực lực lượng vũ trang và toàn thể đồng bào ta. Chiến thắng Ấp Bắc chống lại cuộc hành quân càn quét chứng tỏ rằng các lực lượng vũ trang của chúng ta đã lớn mạnh trong lĩnh vực chiến thuật và kỹ thuật. Thắng lợi này cũng đã cho chúng ta một khái niệm rõ ràng về những lợi thế chiến thuật của kẻ thù".

Do những cống hiến vào chiến thắng Ấp Bắc, Phạm Xuân Ẩn đã được nhận tấm Huân chương Quân công đầu tiên trong số các Huân chương mà ông được trao tặng. Trong trận Ấp Bắc - một trong những trận đánh trong thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh - chỉ có hai Huân chương Quân công được trao. Một Huân chương được trao cho chỉ huy trưởng các lực lượng vũ trang Giải phóng Nguyễn Bảy. Tấm Huân chương kia được trao cho cộng tác viên của Hãng tin Reuters Phạm Xuân Ẩn vì đã gửi kịp thời những báo cáo giúp làm thay đổi bản chất của cuộc chiến tranh.

Có một thực tế vững chắc rằng khi ông Phạm Xuân Ẩn được thưởng Huân chương Quân công đầu tiên sau trận Ấp Bắc và tấm Huân chương thứ ba vì những đóng góp trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, thì đó đều là những thời điểm bước ngoặt trong việc báo chí đưa tin về cuộc chiến tranh.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM