Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:57:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh đường không trên bầu trời Miền Bắc  (Đọc 342961 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #330 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2012, 11:55:47 am »

Theo Clashes:

Ngày 26/6, 1 biên đội 4 F-8 được dẫn đường tới đánh chặn 2 MiG-21 thì 2 MiG-21 khác xuất hiện phía sau họ và phóng tên lửa. MiG ở vị trí hoàn hảo nhưng tên lửa họ bắn ra không trúng. Sau đó trong ngày, 3 F-8 đang rời máy bay tiếp dầu thì được dẫn đánh với MiG gần sân bay Vinh. Khi MiG vượt qua vĩ tuyến 19 tiến xuống phía nam, các máy bay và tàu HQ Mỹ bắt đầu gây nhiễu hệ thống radar GCI và liên lạc radio của BVN. F-8 thấy 1 MiG-21 lao qua phía trên đầu họ, MiG cơ động vòng vào tiếp cận F-8 và F-8 kéo cao dốc khi MiG lao qua và cơ động vào phía sau MiG. CHiếc F-8 đầu tiên bắn 2 AIM-9D làm gãy đuôi MiG, MiG bốc cháy gần chân cánh và đâm xuống đất. 1 chiếc MiG-21 thứ 2 bay phía sau chiếc đầu 2 dặm và định kẹp F-8 vào giữa nhưng may mắn là chiếc F-8 số 3 quan sát thấy, F-8 cơ động đánh trả và đi thoát.

Theo F-8 Units, đây là F-8H 148710 thuộc phi đoàn 51, không đoàn 5 trên TSB Bonne Home Richard do thiếu tá Lowell R. Myers lái.


Phía ta không đề cập đến trận này, tuy nhiên cũng cho biết trong ngày 26/6, phi công Vũ Ngọc Đỉnh bị tên lửa Talos từ hạm tàu bắn rơi phải nhảy dù.

Còn theo thống kê phía Mỹ thì trong những trường hợp Talos bắn hạ MiG, không có ngày 26/6/1968.

Nhìn chung trong tháng 5 và 6/1968, KQ ta và HQ Mỹ còn đối đầu với nhau nhiều lần nhưng cả 2 bên đều không mấy thành công. Theo phía ta, sau trận thắng đầu tiên ngày 7/5, ta tổ chức đánh 5 trận liền đều không thành công. Trận như 9/5 và 11/5 MiG chưa kịp tấn công đã bị địch bắn tên lửa uy hiếp trước. Trận ngày 23/5 khi biên đội MiG-21 của Nguyễn Văn Cốc và Hà Quang Hưng xuất kích, phi công Hà Quang Hưng bị tên lửa Talos của tuần dương hạm USS Long Beach bắn rơi từ cự ly 65 dặm.

Theo phía Mỹ, cuối tháng 6/1968, F-4 của HQ đánh 3 trận, bắn 13 quả AIM-7 trong điều kiện thuận lợi và được dẫn đường tốt từ tàu chiến, cũng không có kết quả.

Phía ta đánh giá nguyên nhân thất bại chủ yếu là do không giữ được bí mật. MiG bị địch phát hiện và đối phó sớm. Nhiều trường hợp địch đợi máy bay ta hết dầu quay về mới tấn công trong khi radar của ta không phát hiện được. Có trường hợp địch bay ra biển nhử MiG để cho SAM từ tàu chiến bắn. Thời gian đầu khi vào khu 4 phi công ta chưa thuộc địa hình nên phải bay cao cho radar ta bắt và hướng dẫn nên dễ bị phát hiện. Ngoài ra có những yếu tố khác như địch gây nhiễu hệ thống thông tin liên lạc, ta chỉ sử dụng được duy nhất sân bay Thọ Xuân nên đường bay hầu như lặp lại, các phương tiện dẫn đường và thông tin liên lạc ở tình trạng kém...

Để khắc phục, e921 đã thử nghiệm sử dụng đội hình 2+1, huấn luyện bay và không chiến ở độ cao thấp, báo động xuất kích và quá trình bay không sử dụng liên lạc vô tuyến, radio chỉ để ở chế độ thu và chỉ sử dụng radio để phối hợp khi đã vào đến tầm quan sát 8-10km hoặc phát hiện địch...
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Ba, 2012, 11:21:02 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #331 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2012, 07:01:23 pm »

Theo Phi công tiêm kích:

Ngày 9 tháng 7, vào buỏi sáng, những đám mây Cu-công bắt đầu bám vào các đỉnh núi, trên mây, tầm nhìn khá tốt. Biên đội hai chiếc Míc-17 xuất kích, bay độ cao thấp 50m vào Đức Thọ thì gặp 4 chiếc F-8 đang ném bom phà qua sông Lam. Hùng biên độ trưởng, đã đuổi 2 chiếc F-8 chạy vào đến gần thị xã Hà Tĩnh. Anh đã bắn rơi 1 chiếc F-8 ngày loạt đầu tiên. Số 2 vẫn bám sát theo yểm hộ cho số 1, về sau bị địch bám đuôi, số 2 phản kích. Các anh bị mất biên độ. Trên đường về, không quân hải quân cho 1 tốp F-8 chặn các anh ở Nghĩa Đàn. Hùng lệnh cho số 2 cứ về, vì dầu còn quá ít. Riêng anh quay lại phản kích, cản địch để bạn về an toàn. Một mình, dầu cạn, đạn hết, nhưng anh vẫn tiến công 4 chiếc F-8 hoàn toàn còn đang sung sức. Anh tránh được hai quả tên lửa. Khi anh vửa cải độ nghiêng quan sát, quả đạn thứ 3 đẫ nổ trúng máy bay. Anh hi sinh khi mới bước vào tuổi 25. Tôi còn nhớ, trong khóa học, Nguyễn Phi Hùng là học viên bay giỏi. Anh rất cẩn thận trong công tác chuẩn bị bay. Anh là trai Hà Nội, học trò trường Chu Văn An, da hơi ngăm, anh em hay gọi đùa là thằng Hùng nhẻm. Anh bắn rơi 5 máy bay Mĩ. Chiếc F-8 anh bắn rơi ở Hà Tĩnh là chiếc cuối cùng trong cuộc đời phi công tiêm kích. Ngày 10 tháng 12 năm 1994, liệt sĩ Nguyễn Phi Hùng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Phía Mỹ không công nhận tổn thất này.

Theo ClashesF-8 Units:

Ngày 9/7, F-8 bay đơn mật danh Feed Bag đang hộ tống 1 RF-8 trong phi vụ trinh sát tầm thấp ở phía nam Vinh. Mặc dù có dấu hiệu cho thấy có MiG trong khu vực nhưng không cảnh báo nào được GCI đưa ra. F-8 ở độ cao 3000ft và RF-8 ở 2000ft, F-8 phát hiện 1 MiG-17 sơn ngụy trang xanh lá cây đang tiếp cận RF-8. F-8 cảnh báo và bám theo thì bị đạn cannon từ chiếc MiG bay sau không bị phát hiện bắn theo.

F-8 tập trung vào chiếc MiG đi đầu và bắn 1 AIM-9 nhưng tên lửa không dẫn tốt. MiG ngừng ngoặt, đảo cánh cải bằng và bật tăng lực. F-8 bắn tiếp AIM-9 trúng MiG gây ra hư hỏng lớn nhưng MiG tiếp tục bay và F-8 khai hỏa cannon. MiG bị thương nặng và cuối cùng bị phá hủy.

Phương án gây nhiễu từ máy bay EKA-3B và EA-6A đã không được thực hiện cho đến khi MiG bị hạ.



F-8E 150925 thuộc phi đoàn 191, không đoàn 5 trên TSB Bonne Home Richards do thiếu tá John B. Nichols lái.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Ba, 2012, 08:46:06 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #332 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2012, 08:39:01 pm »

Theo Phi công tiêm kích:

Ngày 10 tháng 7 Trung đoàn 921 lại ra quân. Đây là lần đầu tiên Míc-21 vận dụng chiến thuật biên đội 3 chiếc nhằm mục đích tăng cường khả năng quan sát và tạo thế bất ngờ. Vì lâu nay, trong tiêm kích, thường áp dụng biên đội chiến đấu 2 chiếc, hoặc 4 chiếc, lấy biên đội 2 chiếc làm cơ bản. Số 1 nhiệm vụ chính là dẫn đội và công kích. Nhiệm vụ của số 2 là yểm hộ cho số 1, khi có điều kiện, có thể công kích địch, nhưng phải báo cáo và nhanh chóng trở lại nhiệm vụ yểm hộ của mình. Biên đội 4 chiếc, số 1 chỉ huy biên đội, cùng với số 2 là tốp công kích chủ yếu; số 3 và số 4 là một cặp, vừa có nhiệm vụ công kích như đôi số 1, số 2 vừa phải giữ thế chiến thuật hai chiếc luôn hỗ trợ nhau trong một khu vực tác chiến. Biên đôi 3 chiếc, số 1, số 2 thường đi trong đội hình ổn định; chiếc thứ 3 tự do cơ động về độ cao và cự li căn cứ vào vị trí mặt trời, vào điều kiện thời tiết, có thể bay cao hơn hoặc thấp hơn, số 1 và số 2, độ cao chênh lệch khá lớn, từ 500m đến 1000m. Số 3 trong biên đội 3 chiếc, được chọn từ những phi công đã có kinh nghiệm và rất linh hoạt trong xử lí tình huống. Số 3 phảỉ tự mình cơ động để quan sát phía sau, tự bảo vệ cho mình, đồng thời, sẵn sàng công kích địch lẻn vào đuôi số 1.

Biên đội 3 chiếc xuất kích lần đầu vào ngày 9 tháng 7, do điều kiện khí tượng phức tạp, mây nhiều, ra đa bắt địch, ta, đều bập bõm, chỉ huy xử trí lúng túng, trình độ kĩ thuật của phi công còn yếu, nên không gặp được địch, phải quay về hạ cánh tại sân bay Thọ Xuân. Trung đoàn 921 rút kinh nghiệm và quyết tâm tổ chức trận đánh tiếp theo.


Theo Clashes USN F-4 MiG Killers:

Ngày 10/7, 4 chiếc MiG-21 tiến xuống phía nam, các máy bay của HQ Mỹ rời khu vực và 2 chiếc F-4 tiến tới đánh chặn, được phép khai hỏa AIM-7 mà không cần nhận dạng mục tiêu bằng mắt. Khi họ tiếp cận MiG, 3 máy bay tác chiến điện tử - 1 EKA-3B, 1 EA-6A của HQ và 1 EB-66E của KQ bắt đầu gây nhiễu radar và hệ thống liên lạc vô tuyến của GCI.

MiG chia thành 2 đôi, 1 đôi bay cao ở 5000ft phía trước và 1 đôi bay thấp phía sau. Biên đội F-4 được dẫn đường tới tiếp cận và bắt được tín hiệu MiG trên radar từ cự ly 32 dặm. F-4 số 2 khai hỏa 2 AIM-7, tên lửa ban đầu được dẫn tốt nhưng đi trượt mục tiêu và nổ gần chiếc F-4 kia khoảng 100ft mà không gây thiệt hại gì. Số 2 chuyển sang bắn tiếp 1 AIM-9G ở cự ly 1000ft từ góc 6-7h của MiG nhưng quả tên lửa này cũng trượt.

Số 2 tiếp tục cơ động bám theo chiếc MiG đi đầu và cuối cùng vào được vị trí 6h ở cự ly 1500-1800ft và bắn tiếp 1 quả AIM-9G trúng đuôi MiG, phi công nhảy dù.

Trong khi đó F-4 kia phát hiện 2 MiG-21 bay thấp phía sau khoảng 3 dặm. 1 chiếc MiG bắn 1 quả Atoll ở ngoài tầm không có kết quả. Số 1 vòng lại và buộc đôi MiG này rút lui.


Phía Mỹ ghi nhận đây là MiG cuối cùng bị F-4 HQ bắn rơi trong chiến dịch Rolling Thunder. Tác chiến điện tử được đánh giá là vô cùng quan trọng trong trận đánh này.



F-4J 155553 thuộc phi đoàn 33, không đoàn 6 trên TSB America do đại úy Roy Cash và Joseph E. Kain lái.

Theo thông tin từ LS dẫn đường KQ thì có lẽ tổn thất này có thể xác nhận:

Trong thời gian từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 năm 1968, với cách thức tổ chức dẫn đường ở X1, X2 và X3 vẫn được thực hiện như khi mới bắt đầu vào Khu 4, ta đã dẫn đánh trên 10 trận, cho cả MiG-17 và MiG-21, cản phá nhiều mũi cường kích của địch vào đánh các mục tiêu của ta ở các khu vực Đô Lương, Nam Đàn, Hương Sơn, Đức Thọ..., MiG-17 bắn rơi 1 F-8, nhưng 2 phi công MiG-21 phải nhảy dù và 1 phi công MIG- 17 hy sinh. Có trận phi công không giữ tốt vị trí yểm hộ cho nhau hoặc còn để mất đội, có trận ra-đa hỏng không khắc phục được, đối không tốt thì lại bị địch gây nhiễu nhưng điều trăn trở nhất vẫn là chưa xác định được một cách dẫn thật thích hợp ở chiến trường Khu 4.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Ba, 2012, 09:22:39 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #333 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2012, 08:58:20 pm »

Theo LS dẫn đường KQ:

Ngày 29 tháng 7 năm 1968, Binh chủng tiếp tục tổ chức đánh địch. Ta bố trí đài chỉ huy bổ trợ ở núi (rú) Trọc do đồng chí Lâm Văn Lích phụ trách, cùng đi có trợ lý dẫn đường Trung đoàn 923 Lê Viết Diện và một số thành phần khác. C-41 ở Diễn Châu và C-15 ở nông trường Cờ Đỏ cũng đã được củng cố lại và bảo đảm kỹ thuật tốt tương đối đồng bộ (đài P-15 và 12 của C-15 chưa có máy hỏi). Kíp trực ban dẫn đường Trung đoàn 923 dẫn chính: Đỗ Cát Lâm dẫn tại sở chỉ huy, Nguyễn Hoàng Hải trên hiên song tại C-41 và kíp trực Ban Dẫn đường Binh chủng đảm nhiệm dẫn bổ trợ: tại sở chỉ huy Đào Ngọc Ngư dẫn MIG-17 và Trịnh Văn Tuất dẫn MIG-21.

Từ 9 giờ, các thủ trưởng trực chỉ huy: Đào Đình Luyện, Trần Mạnh, Nguyễn Phúc Trạch, và Nguyễn Ngọc Phiếu đã tập trung theo dõi các hoạt động của địch ở phía đông Vinh và chỉ đạo bám sát các tốp có khả năng vào đánh đường 7, đặc biệt chú ý các tốp tiêm kích. 9 giờ 50 phút, biên đội MiG-17 đánh chính: Lưu Huy Chao-số 1, Hoàng ích-số 2, Lê Hải-số 3, Lê Sĩ Diệp-số 4 được lệnh vào cấp 1 và 10 giờ 16 phút, cất cánh. Sau khi ổn định đội hình, số 1 tự dẫn biên đội bay vào theo đúng hiệp đồng. Qua Nghĩa Đàn, X3 trực tiếp dẫn biên đội đánh chính và đài chỉ huy bổ trợ ở rú Trọc theo dõi qua ám hiệu trên đối không. 10 giờ 20 phút, đôi bay MiG-21 yểm hộ: Phạm Thanh Ngân và Nguyễn Ngọc Thiên cất cánh, bay theo kế hoạch, không phát đối không và do X1 trực tiếp dẫn. 10 giờ 26 phút, MIG-17 vào đúng khu vực quy định, nhưng địch vẫn vòng ở ngoài biển, buộc ta phải chờ tại đông Tân Kỳ 15km. Từ 10 giờ 30 đến 10 giờ 34 phút, có 2 tốp địch ở đông cửa Hội 35km và đông cửa Vạn 25km bắt đầu đổi hướng, bay vào cửa Vạn, Yên Thành. 10 giờ 34 phút, trên nhắc đài chỉ huy bổ trợ chú ý quan sát phía đông. 10 giờ 35 phút, đài chỉ huy bổ trợ cho MiG-17 lên độ cao 2.000m, thông báo vị trí mục tiêu và dẫn vào tiếp địch. 10 giờ 36 phút, với góc vào 140 độ, số 1 phát hiện F-8 ở cự ly 4km. 4 Mig- 17 không chiến với 8 F- 8. Lưu Huy Chao và Lê Hải, mỗi phi công bắn rơi 1 F-8, nhưng số 4 phải nhảy dù và không ai bám được ai. 10 giờ 38 phút, nhiều máy đối không của ta trong khu vực chiến đấu bắt đầu bị nhiễu. 10 giờ 41 phút, đài chỉ huy bổ trợ cho MiG-17 thoát ly. 10 giờ 42 phút, X1 dẫn MiG-21 có mặt đúng lúc tại khu chiến và yểm hộ cho MiG-17 về Thọ Xuân.

Tuy có tổn thất, nhưng trận đánh đã cơ bản thành công. dẫn đường tại sở chỉ huy X3 đã kịp thời thông báo chính xác hướng địch vào cho đài chỉ huy bổ trợ. Đài chỉ huy bổ trợ, do đặt đúng vị trí và có sự hỗ trợ của sở chỉ huy, nên đã chủ động chỉ huy-dẫn đường toàn bộ trận không chiến. Song, cả sở chỉ huy và đài huy bổ trợ đều chưa nắm hết địch, đồng thời các số trong biên đội bám nhau không chặt, nên chưa hỗ trợ kịp thời cho số 4.


Theo Phi công tiêm kích:

Khoảng 15 giờ ngày 28 tháng 7, biên đội 4 chiếc Míc-17 gồm: Lưu Huy Chao số 1, Hoàng Ích số 2, Lê Hải số 3, Lê Sĩ Diệp số 4 chuyển trường vào sân bay Thọ Xuân. Chỉ huy sở cử cán bộ tham mưu xuống, phổ biến cụ thể hơn tình hình địch hoạt động trong ngày và ý định chiến đấu ngày mai. Thời tiết đang nắng nóng, mấy hôm này địch đánh phá liên tục dọc đường 7, đường số 1, bến phà Đức Thọ, phà sông Gianh. Bộ Tư lệnh có ý định tổ chức một trận phối hợp giữa Míc-17 và Míc-21 tại khu vực Đức Thọ - Nam Đàn - Thanh Chương. Lực lượng sử dụng 4 chiếc Míc-17 và 2  chiếc Míc-21 chiến đấu cùng khu vực. Míc 17 đánh địch ở tầng thấp, Míc-21 đánh địch tầng cao hơn, không cho địch dùng chiến thuật “giã gạo”, từ trên cao, bổ xuống Míc-17 của ta đang đánh nhau với bọn ở tầng thấp. Biên đội Míc-21: Ngân số 1, Thái số 2. Ngày 29 tháng 7, diễn biến trận đánh, 9 giờ 30 phút, 4 chiếc Míc-17 vào cấp một, cất cánh, bay thấp, độ cao 300m vào khu vực chến đấu. Đài bổ trợ mặt đất do anh Lâm Văn Lích phụ trách sẽ hướng dẫn cụ thể kết hợp với quan sát trên không. Đài chỉ huy của anh Lích đặt trên đỉnh núi Đại Huệ - Nam Đàn. Biên đội vào gần đến khu vực chiến đấu, đã nghe thông báo của anh Lích: Có 4 chiếc F-8 đang bay dọc đường 7, chúng vòng xuống Thanh Chương, tốc độ 750km/giờ.

Biên đội Míc-21 cất cánh, vào khu vực Thanh Chương, độ cao 3.000m, do chỉ huy sở dẫn. Biên đội Míc-17 cải hướng, bay về phía Thanh Chương, số 3 báo cáo đã phát hiện được 4 chiếc F-8 ở bên trái, phía trước, 45 độ. Đài chỉ huy bổ trợ thông báo tiếp có 4 chiếc F-8 bay thấp, độ cao 500m, từng đôi kéo dài 2.000m, cũng đang bay về phía Thanh Chương - Nam Đàn. Biên đội trưởng Lưu Huy Chao thông báo đã thấy địch, anh hạ lệnh biên đội tăng lực, thả thùng dầu phụ: Chú ý, có Míc-21, khéo nhầm, số 3 và số 4 đánh tốp sau. Bốn chiếc Míc-17, quần nhau với 4 chiéc F-8. Số 1, số 2 đang công kích vào tốp sau. Chúng tôi chưa phát hiện được bốn chiếc F-8 đang bay về phía sau ở đô cao thấp.

Động tác tiếp cận địch của tôi khá mạnh, mới cắt được vào phía sau đôi F-8, chúng cũng đã thấy tôi bám, số 4 bám theo số 3, bị bung ra ngoài. Diệp vừa đi viện về, bay hồi phục xong, đi luôn cùng biên đội, do sức khỏe chư tốt, nên bay không kịp. Vừa mới ngắm, chuẩn bị bắn thằng phía sau, tôi giật mình, nghe giọng anh Chao hô: Nhảy dù, nhảy dù! Ngoái lại , tôi đã thấy máy bay Diệp cháy bùng mà mãi vẫn không thấy bung dù. Hai thằng F-8 vừa bắn Diệp xong, tốc độ lớn, trườn ngay trước máy bay tôi. Tôi bỏ ngay chiếc trước, làm nửa thắt vòng nghiêng, bám ngay vào đuôi chiếc F-8 đi sau. Máy bay tôi bám dịch trong tư thế bay ngửa, tôi lật lại, cho chắc ăn, ngắm nhanh, siêu cự li, mở vòng sáng to nhất, điểm trung tâm làm chuẩn, phương hướng và lượng đón bắn phải tự phán đoán, tôi nổ liền loạt đầu, ở cự li 300m. Chiếc F-4 phía sau đang có độ nghiêng lớn bám theo đội, bị loạt đạn, lật ngửa như con cá quả đang bơi trong nước, bị nhát dao chém trúng đầu, lật ngửa bụng, bùng cháy. Sau khi bắn, tôi vừa ngoái cổ lại, quan sát phía sau đuôi máy bay, xem có thằng nào bám không. Thật hú vía, ngay trên đuôi đứng, ở cự li 50m, tôi nhìn thấy rõ đầu nhọn hoắt và 2 miệng hút khí sơn đỏ của một thằng F-8. Thì ra, vừa rồi khoảng mấy chục giây, tôi đuổi và hạ thằng đã bắn Diệp, quên mật không cảnh giác phía sau. Thằng này theo tôi chắc đã khá lâu, tiếp cận máy bay tôi tốc độ lớn, ở cự li quá gần, nó không kịp hoặc không dám bắn, vì bắn sợ máy bay tôi nổ, nó cũng đi đời theo. Tôi đạp mạnh chân trái và kéo giật máy bay. Động tác điều khiển này làm máy bay thất tốc ở chế độ tốc dộ lớn. Đột nhiên máy bay rơi như một tàu lá, đầu chúi xuống hẻm núi. Tôi vừa cải máy bay thoát ra thế hiểm nghèo, vừa quan sát 2 chiếc F-8 vừa bám phía sau. Máy bay địch tốc độ lớn hơn, vọt lên phía trước. Lúc đó tôi cũng đã cải được thế máy bay bay bằng, nên giữ nguyên tăng lực, kéo may bay lên, bắn với đôi F-8. Đạn vọt sau, không trúng.

Tôi vòng trở lại, thấy anh Chao và Ích đang đuổi theo 1 đôi F-8. Anh Chao bắn liền 2 loạt ở cự li 500m, trúng một thằng F-8, rơi tại chỗ.
Đôi Míc-21 yểm hộ phía trên, đang không chiến với 4 chiếc F-4 từ biển mới bay vào.
Anh Chao ra lệnh rút khỏi chiến đấu. Trong khi 2 Míc-21 của Ngân - Thái vẫn tiếp tục không chiến với 4 chiếc F-4 chưa phân thắng bại, 3 Míc-17, cơ động ở độ cao thấp, rút khỏi chiến đấu.

Trong gần 7 phút chiến đấu, là một trong những trận không chiến khá quyết liệt, biên đội 4 chiếc Míc-17 của Trung đoàn đã bắn rơi tại chỗ 2 chiếc F-8. Ta bị rơi một, Lê Sĩ Diệp đã hi sinh trên chiến trường Quân khu 4 anh hùng.

Lần không chiến này, 4 chiếc Míc-17 đánh nhau với 8 chiếc F-8 và 2 chiếc Míc-21 không chiến với 4 chiếc F-4. Ta hạ 2 chiếc F-8, tổn thất 1 chiếc Míc-17. Ở chiến trường Quân khu 4, hễ gặp bọn F-8 là đánh nhau rất quyết liệt. Tính năng cơ động mặt bằng của F-8 tốt, phi công Mĩ ở hạm tàu có kĩ thuật giỏi. Đánh F-8, phải có kinh nghiệm, không chiến cơ động tốt mới hạ được đối thủ. Bọn phi công F-8, bay theo đội hình 2 chiếc, kéo dài các đội, độ cao chênh lệch lớn, rất khó nhìn hết đội hình. Ta đuổi bắn thằng trước, nếu không cảnh giác, chỉ mươi, mười lăm giây là bị bám đuôi rồi. Nhiều phi công Míc-21 và cả Míc-17 bị hi sinh vì thủ đoạn này của địch. Bản thân tôi cũng suýt mất mạng vì chiến thuật kéo dài đội hình của bọn giặc lái Mĩ.

Lại nói trên đường về, anh Chao và Ích bay trước, tôi cơ động cảnh giới phía sau. Bất ngờ, xa xa, ở độ cao hơn máy bay tôi, cự li khoảng 3.000m, 2 chiếc F-8 đang đuổi theo biên đội. Cả biên đội Míc-17 dầu còn lại rất ít. Máy bay tôi hết đạn, dầu chỉ còn đủ về sân bay. Tôi nghĩ nếu cả 3 anh em cùng quay lại phản kích, thì có thể hết dầu về, phải nhảy dù mất. Tôi liền báo cáo: số 1 và số 2 cứ về, tôi quay lại phản kích. Tôi ngoặt gấp máy bay, cứ nhằm thẳng thằng bay đầu mà lao tới. Thằng địch bất ngờ gặp đòn quyết đấu, khi hai máy bay gần lao vào nhau, nó vội kéo máy bay vọt lên cao và vòng ra biển. Trong giây lát sắp đâm vào máy bay địch, tôi chỉ kịp nghĩ: Đời mình sẽ là viên đạn cuối cùng lao vào kẻ thù. Ngoài ra, vì quá nhanh nên không kịp trăn trối gì.

Sau gần 40 năm, tôi vẫn còn nhớ như ngày hôm qua, cái thế quyết đấu ngày, sống đến ngày hôm nay là nhờ trời phật phù hộ, độ trì. Thỉnh thoảng nhớ là và tôi sờ vào gáy… vẫn thấy vài cọng tóc còn dựng.

Lê Sĩ Diệp ra đi, khi vừa mới có người yêu. Người yêu của anh là cô y tá xinh đẹp ở Viện 108. Anh là học sinh miền Nam, tôi và Diệp học cùng lớp, cùng tuyển, trúng phi công, cùng học bay và cùng về 1 trung đoàn. Chàng trai xứ Huế rất trắng trẻo, nhanh nhẹn, chữ viết rất đẹp và yêu cũng rất đậm đà, thủy chung. Diệp còn hơn các bạn bè khác, nhiều phi công tiêm kích trẻ, khi hi sinh chưa hề biết vị cay, ngọt của một mối tình đầu.

Hoàng Ích, chàng trai Hải Dương, con một gia đình cán bộ công nhân ở thành phố Cảng. Tốt nghiệp khóa 2 phi công chiến đấu của trường Không quân Việt Nam, anh bay giỏi, hăng hái chiến đấu. Sau vài tháng bổ sung vào phi đội, anh được vào trực ban lớp chiến đấu. Trận ngày 29 tháng 7 là trận đầu của anh. Tuy chưa trực tiếp bắn rơi máy bay địch, nhưng anh rất kiên cường yểm hộ đội trưởng từ đầu đến cuối trận. Đối với một phi công mới vào trận đầu, thế là quá xuất sắc. Nhất là đã thử sức với đối tượng F-8, rất khó đánh. Ngay cả phi công cũ, cũng phải cẩn thận đối với địch thủ này.

Đồng chí Hoàng Ích, đã anh dũng hi sinh trong trận đánh với F-4, trên đỉnh sân bay Anh Sơn - Nghệ An vào tháng 10 năm 1968. Chàng trai đất Cảng đã vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, thanh thản ra đi khi mới bước vào tuổi 24.


Theo F-8 Units, trong trận này biên đội 4 F-8E thuộc phi đoàn 53, không đoàn 5 trên TSB Bonne Home Richard không chiến với 4 MiG-17. F-8E 150349 do thiếu tá Guy Cane, phi đoàn phó lái bắn 1 AIM-9 nổ ngay gần đuôi MiG và hạ được chiếc MiG này.


Phía Mỹ không công nhận F-8 nào bị bắn rơi.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #334 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2012, 09:16:15 pm »

Theo Phi công tiêm kích:

Ngày 1 tháng 8, biên đội 3 chiếc gồm Nguyễn Đăng Kính số 1, Nguyễn Mạo số 2, Nguyễn Hồng Nhị số 3. Trời đầy mây, biên dội bay thấp, độ cao 200m, bay dọc đường 15 vào khu vực Đô Lương - Thanh Chương - Nam Đàn (Nghệ An). Chỉ huy sở bắt được địch tốt. Sĩ quan dẫn đường vừa mới cho biên đội cải hướng lần thứ 2, đã gặp địch. Số 3 phát hiện trước, báo cho số 1, địch bên trái, 30 độ, 15km. Biên đội trưởng hai lần bám sát tốp F-8, nhưng mây nhiều quá, mục tiêu bị mất. Nhìn thấy bờ biển, anh vòng trở lại. Trong lúc đó, số 3 bám theo 1 chiếc F-8, đang vòng ra biển, độ nghiêng  khoảng 60 độ. Với mức cơ động này, Míc-21 của Nguyễn Hồng Nhị bám theo quá nhẹ nhàng. Sợ tên địch lủi vào mây, ở cự li vừa phải anh ngắm sơ bộ, bắn một quả tên lửa, với ý định buộc địch phải cải hướng. Anh định bắn phát thứ 2 cho chắc ăn, thì máy bay địch đã bùng cháy. Chiếc F-8 thứ 2, vòng phải, bám được đuôi máy bay Nguyễn Hồng Nhị. Anh tăng lực, kéo cao, vòng độ nghiêng nhỏ, định lấy độ cao lớn hơn, thoát li khỏi thế bất lợi. Nhưng hệ thống tăng lực hỏng, tốc độ  máy bay anh bị giảm và thằng F-8 vẫn bám riết sau đuôi. Cự li anh cách địch trong tầm bắn khoảng 300m. Anh cố gắng cơ động, tránh được 2 lần F-8 công kích. Lần đầu địch vọt lên trước; lần sau, đạn trưọt bên phải. Lần thứ 3 anh ngoặt gấp xuống bên trái, tránh đuợc làn đạn nguy hiểm. Số 1 kịp thời quay lại yểm hộ cho số 3. Nguyễn Đăng Kính tiếp cận đến cự li tốt, độ 2.000m, anh ấn nút phóng tên lửa, nhưng tên lửa không ra, do hệ thống điện điều khiển bị trục trặc, đúng lúc ấy hai thằng F-8 bay từ cửa Sót vào, phóng 2 quả tên lửa. Máy bay anh Nhị lấy độ cao, cơ động quá nhẹ, bị dính một quả tên lửa bốc cháy. Số 1 và số 2 thoát li khỏi khu vực chiến đấu, kéo bao, bay dọc dãy núi cao, về Thọ Xuân hạ cánh. Anh Nhị nhảy dù xuống vùng núi cao, dù treo lơ lửng trên cây. Anh nhìn xuống gốc cây, thấy một chú gấu ngựa to đùng, chắc vừa an mật ong xong, nằm ngủ ngon lành. Anh lập tức tháo dù, bám được vào một cánh cây, ngay trên mình gấu ngựa. Lúc đầu anh rút súng, định bắn nhưng nghĩ thương tình chú gấu đang ngủ say sưa, anh nhẹ nhàng theo dây rừng leo xuống, êm ái, rời khỏi gốc cây to. Lạc mãi trong rừng sâu, hai ngày sau, anh mới tìm đươc đường về Lâm trường Thanh Sơn, Hôm sau, Lâm trường cho xe chở anh về Thọ Xuân.

Trận đánh chứng minh sự gay go, quyết liệt ở chiến trường Quân khu 4. Đặc biệt sự chống trả quyết liệt của không quân địch với Không quân ta. Không quân tiêm kích ta xuất kích không nhiều, nhưng địch phải dành ra một nửa lực lượng để đối phó. Địch phải tổ chức hoạt động thành đợt, yểm hộ chặt chẽ, tỉ lệ có lúc 1 tiêm kích yểm hộ cho 1 cường kích. Về sau địch thường kết hợp cùng F-4 và F-8, vừa mang bom, vừa mang tên lửa, để đánh các mục tiêu mặt đất và sẵn sàng đối phó với Míc.

Bện cạnh việc đánh độc lập, về sau, Quân chủng thường tổ chức trong một khu vực chiến đấu, có cả hai loại Míc-17 và Míc-21. Míc-17 đánh ở tầng thấp, Míc-21 đánh các máy bay tiêm kích ở tầng cao hơn. Cách đánh như thế phát huy được sức mạnh của hai loại máy bay tiêm kích có tính năng kĩ thuật khác nhau, hỗ trợ cho nhau trong một khu vực tác chiến.

Nói về Nguyễn Hồng Nhị, anh quê ở Bình Định, nhập ngũ vào cuối thời kì chống thực dân Pháp (năm 1952). Anh được kết nạp Đảng rất sớm, đi học lái máy bay chiến đấu tại Lien Xô. Ở Việt Nam, anh là người lái Míc-21 đầu tiên trên bầu trời Tổ quốc. Tuy ở 2 trung đoàn khác nhau, nhưng trường họp hiệp đồng chiến đấu và sau này cùng chỉ huy một sư đoàn không quân, nên anh thân thiết với chúng tôi như người cùng đơn vị. Trong chiến đấu, anh rất gan dạ, bình tĩnh, ít nói, nhưng lời nói như đinh đóng cột. Anh rất thương chiến sĩ và các sĩ quan thuộc quyền, Trong công tác, anh luôn có quyết dịnh đúng đắn, chính xác, kịp thời và trách nhiệm. Anh đã qua nhiều cấp chỉ huy cao ở trong quân đội cũng như ở Hàng không dân dụng. Trước sau như một, anh luôn giữ được sự tin yêu của đồng chí, anh em. Anh bắn rơi 8 chiếc máy bay Mĩ, là một trong số ít phi công Míc-21 bắn rơi nhiều máy bay Mĩ. Hiện nay, anh đã nghỉ hưu, thành ông nội, ông ngoại, tóc bạc trắng, vẫn khỏe mạnh, nhân hậu như tiên ông.


Theo LS e921 thì số 2 của trận này là Phạm Văn Mạo. MiG-21 của Nguyễn Hồng Nhị hỏng tăng lực nên bị bắn rơi. LS KQNDVN cho biết Nguyễn Hồng Nhị đã biết về trục trặc này nhưng lại không báo cáo vì sợ không được tham chiến.

Theo ClashesF-8 Units, ngày 1/8, 1 chiếc MiG-21 bay đơn tấn công 2 F-8. Sau khi tránh được tên lửa Atoll từ MiG, F-8 phản kích, cơ động được vào phía sau và mỗi chiếc bắn 1 quả AIM-9D trúng MiG. Tuy nhiên sau đó kill này được chính thức ghi nhận cho F-8H 147916 thuộc phi đoàn 51, không đoàn 5 trên TSB Bonne Home Richard do đại úy Norm McCoy. McCoy làm nhiệm vụ hộ tống 1 chiếc RF-8G và cùng với 1 F-8 khác do đại úy George Hise lái được dẫn đường tới đánh chặn MiG. Tên lửa của Hise bắn trúng trước nhưng MiG vẫn bay tiếp được cho tới khi McCoy khai hỏa.


Phía Mỹ không công nhận F-8 nào bị bắn rơi.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Ba, 2012, 09:49:10 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #335 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2012, 09:31:25 pm »

Theo LS e921:

- Ngày 17/8, biên đội 2 MiG-21 của Đinh Tôn và Nguyễn Văn Minh không chiến với 2 F-4. Nguyễn Văn Minh bắn hạ 1 F-4. Biên đội 2 MiG-21 khác của Phạm Phú Thái và Nguyễn Văn Cốc không chiến với 4 F-8 ở khu vực Anh Sơn. Máy bay của Nguyễn Văn Cốc bị thương, trúng 62 mảnh đạn tên lửa.

Theo VN Air Losses, biên đội 2 F-4B thuộc phi đoàn 142, không đoàn 14 HQ trên TSB Constellation không chiến với 2 MiG-21 ở phía tây bắc Vinh 20 dặm. F-4B 151404 do trung úy Markham Ligon Gartley và đại úy William John Mayhew lái đang thực hiện bay cơ động Split-S ở độ cao 10000ft thì F-4 biên đội trưởng bắn 1 AIM-9. Tên lửa không trúng MiG mà lại lái theo chiếc F-4 kia và đâm vào đuôi làm cháy động cơ bên trái. Máy bay mất điều khiển, tổ lái phải nhảy dù và bị bắt làm tù binh.


- Ngày 25/8, biên đội 2 MiG-21 của Phạm Thanh Ngân và Nguyễn Văn Thiên cất cánh chiến đấu không thành công. Phía Mỹ không có thông tin về trận đánh này.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Ba, 2012, 10:51:10 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #336 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2012, 09:43:21 pm »

Theo Clashes F-8 Units:

Ngày 19/9, biên đội 2 F-8C mật danh Old Nick gồm  F-8C 146961 do đại úy Anthony J. Nargi lái và F-8C 146955 do trung úy Alex Rucker lái thuộc phi đoàn 111, không đoàn 10 trên TSB Intrepid làm nhiệm vụ bay tuần phòng được dẫn đường tới đánh chặn 2 MiG-21 đang tiếp cận cường kích A-4. Nargi cơ động được vào phía sau MiG và bắn 1 quả AIM-9 trúng đuôi, MiG đâm xuống đất và phi công nhảy dù. F-8 tiếp tục chuyển sang truy đuổi chiếc MiG thứ 2 và bắn nhiều AIM-9, trong đó 2 quả nổ gần nhưng có vẻ MiG không bị thiệt hại gì và đi thoát.

Phía Mỹ ghi nhận đây là MiG cuối cùng bị máy bay Mỹ bắn rơi trong chiến dịch Rolling Thunder.


Theo LS e921, ngày 19/9 biên đội 2 MiG-21 của Đinh Tôn và Vũ Đình Rạng cất cánh chiến đấu không thành công, Vũ Đình Rạng phải nhảy dù.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #337 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2012, 09:59:36 pm »

Theo LS e921, ngày 22/9/1968, biên đội 3 MiG-21 của Nguyễn Văn Lý, Vũ Đình Rạng, Phạm Thanh Ngân cất cánh chiến đấu không thành công. Nguyễn Văn Lý phải nhảy dù còn máy bay của Phạm Thanh Ngân bị thương, trúng hơn 30 mảnh tên lửa nhưng vẫn về hạ cánh được ở sân bay Thọ Xuân.

Theo phía Mỹ, ngày 22/9/1968, tên lửa Talos từ tuần dương hạm USS Long Beach bắn hạ 1 MiG từ cự ly 61 dặm. Trước đó ngày 23/5/1968, cũng chiếc tuần dương hạm này đã bắn rơi phi công Hà Quang Hưng.

Phía Mỹ thống kê ở VN tên lửa Talos bắn hạ 3 MiG, thì 2 là do USS Long Beach.



Tên lửa phòng không RIM-8 Talos bắn đi từ 1 tàu chiến Mỹ.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #338 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2012, 10:47:34 pm »

Theo LS KQNDVN:

Nghiên cứu quy luật hoạt động của địch trong tháng 10 năm 1968, Bộ tư lệnh Binh chủng nhận thấy trước khi cho máy bay vào đánh các mục tiêu trên tuyến giao thông chiến lược (đường số 1 và đường số 15) địch thường mở ra-đa theo dõi không quân ta (bảy ra-đa sóng mét, ba ra-đa sóng đề xi mét). Vào lúc 7 giờ 35 phút ngày 26 tháng 10 , địch mở 11 ra-da (tám sóng mét, ba sóng đề-xi-mét). 15 phút sau, chúng mở thêm ba ra-đa nữa và có nhiễu nhẹ. Phán đoán địch sẽ vào đánh các mục tiêu đường số 15 (khu vực Nam Đàn) trong khoảng từ 8 giờ đến 9 giờ, sở chỉ huy tiền phương tính toán thời cơ cất cánh và quyết định cho biên đội hai chiếc MIG.17 xuất kích lúc 8 giờ 17 phút và dẫn đến khu chờ (vùng trời bắc Tân Kỳ). Một phút sau, biên đội hai chiếc MIG.21 cất cánh đuvc dẫn đến khu vực chiến đấu. Do trời nhiều mây, biêh đội MIG.17 bay cùng độ cao với địch nên không phát hiện được mục tiêu. Sở chỉ huy lệnh cho biên đội trở về căn cứ.

Biên đội MIG.21 bay dọc đường số 15, độ cao dưới 500 mét. Sở chỉ huy thông báo địch ở bên trái, cách 30 ki-lô-mét. Đài chỉ huy bổ trợ ở Đại Huệ cũng báo cho biên đội : máy bay địch ở vùng trời Diễn Châu đang hướng lên phía Nam Đàn. Biên đội cải hướng 180 độ cho thuận ánh sáng mặt trời, số 2 bật tăng lực chiếm độ cao 3.000 mét, ở trên trần mây 1.000 mét. Được sở chỉ huy thông báo, số 1 phát hiện hai chấm đen ở sát trần mây cách 15 ki-lô-mét về bên trái. Số 2 cũng phát hiện địch đến cự ly tám ki-lô-mét, biên đội nhìn rõ hai chiếc F.4. Số 1 vòng trái, tạo thế công kích. Lúc này địch  phát hiện có MIG đang bám theo, chúng vội tăng tốc độ chạy ra hướng biển. Số 2 thả thùng dầu phụ, mở tăng lực bám sát. Số 1 đuổi theo chiếc F.4 bay sau, phóng tên lửa ở cự ly 1.200 mét khi máy bay địch đang lao xuống thấp, nghiêng 15 độ. Chiếc F.4 bị trúng đạn rơi tại chỗ. Khi thoát ly chiến đấu, số 1 bị mất tiền lạc với sở chỉ huy, lại không nhìn rõ địa tiêu nên bay lạc về phía tây Thọ Xuân. Do đài ra-đa ở sân bay hỏng, năm phút sau số 1 mới bắt được liên lạc với sở chỉ huy tiền phương, cùng số 2 hạ cánh xuống sân bay an toàn.

Mặc dù không thực hiện dược ý định hiệp đồng chiến đấu giữa hai biên đội, nhưng do công phu nghiên cứu địch, cất cánh đúng thời cơ, phi công dũng cảm, xử lý tình huống linh hoạt, chỉ huy và dẫn đường tốt ta đã giữ được bí mật, bất ngờ (trong tình huống địch mở 14 ra-đa để phát hiện không quân ta) bảo vệ được lực lượng và bắn rơi máy bay địch ngay từ những phút đầu. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng cách đánh của MIG.21 trên chiến trường xa căn cứ, trong điều kiện tổ chức chỉ huy và bảo đảm không được đầy đủ bước dầu đã có hiệu quả và từng bước được khẳng định.


Theo LS e921 đây là biên đội của Nguyễn Đăng Kính và Vũ Xuân Thiều.

Phía Mỹ không công nhận tổn thất này.


Ngày 1/11/1968, TT Mỹ Johnson tuyên bố hoàn toàn ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam. Chiến dịch không kích Rolling Thunder - giai đoạn 1 của cuộc đối đầu giữa KQNDVN với KQ và HQ Mỹ đến đây chấm dứt.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Ba, 2012, 11:54:00 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« Trả lời #339 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2012, 05:48:05 pm »

Phía Mỹ thống kê ở VN tên lửa Talos bắn hạ 3 MiG, thì 2 là do USS Long Beach.

Không rõ ngoài Talos của hải quân Mỹ thì trong chiến tranh Việt Nam còn loại SAM nào khác sử dụng đầu đạn kiểu "thanh giăng liên kết" (continous rod warhead) không nhỉ ?

Hình minh họa: đầu đạn MK-46 của tên lửa Talos RIM-8E khi nổ:

« Sửa lần cuối: 21 Tháng Ba, 2012, 05:59:51 pm gửi bởi star » Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM