Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:06:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh đường không trên bầu trời Miền Bắc  (Đọc 342909 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« Trả lời #310 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2012, 12:28:41 am »

Như vậy vào khu trong ta phải có phi công bản lĩnh điêu luyện hơn, không chiến phải thần tốc hơn, dẫn đường phải đi vào theo, rải ra dọc dải miền trung để khắc phục điểm yếu của địa hình hẹp, không có chiều sâu. Tóm lại kiểu gì cũng bất lợi hơn, nên một trận thắng ở đây đáng giá hơn nhiều.

Tôi nghĩ chỉ cần ta duy trì được sự hiện diện của không quân ở khu 4 đã là một thắng lợi.
Vì khi có không quân ta hoạt động, không quân và hải quân Mỹ phải tính thêm cả phương án hộ tống, đối phó thêm ở mặt trận trên không, đội hình sẽ phải có thêm cả tiêm kích theo hộ vệ, chiến thuật của bọn cường kích cũng phải thay đổi theo, không chỉ tập trung vào việc oanh tạc, chế áp mục tiêu dưới đất như trước nữa ... Như vậy chỉ cần duy trì được sự xuất hiện ở khu 4, chưa cần tính đến các trận thắng, thì không quân ta cũng đã  thực sự "chia lửa" với các lực lượng dưới mặt đất rồi.
Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #311 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2012, 12:42:34 am »

À cái đó thì nhất trí với bác star. Vấn đề là ta vẫn có một số trận đánh hay, đang chờ đ/c chiangshan làm tiếp. Điều kiện bất lợi cũng không làm giảm cái tài tháo vát của người Việt Nam.
Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #312 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2012, 10:48:03 am »

Lược dịch Clashes:

Tháng 1 năm 1968

Tháng 1/1968 thời tiết nói chung vẫn xấu, nhưng hoạt động của MiG được duy trì ở mức độ cao với 36 trận không chiến, toàn bộ là với KQ Mỹ. Giờ MiG-21 bắt đầu chú ý tới các máy bay tác chiến điện tử, một bước đi hiển nhiên mà nhiều sĩ quan Mỹ đã dự kiến từ trước. Ngày 14/1, 1 chiếc MiG-21 BVN bắn rơi 1 EB-66C ở Lào. Cũng trong tháng đó, MiG bắt đầu truy đuổi EC-121 Rivet Top khi họ trở lại tuần tiễu trên vịnh Bắc Bộ và đến tháng 2 MiG tiếp cận đường bay Charlie của EC-121 ở Lào nhiều lần, có lần chỉ cách 25 dặm. Hoạt động này buộc KQ Mỹ phải chuyển đường bay của EC-121 xuống phía nam trừ những thời điểm nhất định khi sắp có không kích. MiG-21 bắt đầu tuần phòng xa hơn về phía nam và tây để uy hiếp máy bay Mỹ trong khi vẫn tiếp tục cất cánh và chiến đấu quyết liệt. Họ không còn bay sang TQ sau 1 lần tấn công, thay vào đó họ ở lại, thực hiện thêm 1 lần tấn công nữa và hạ cánh ở BVN. Ngoài ra MiG bắt đầu nghênh chiến với những biên đội lớn hơn, đến 4 MiG-21 và 4 MiG-17 tấn công máy bay Mỹ. MiG thường bố trí 1 biên đội 4 chiếc ở 1 phía của cường kích và 1 biên đội khác ở bên kia. Nói chung họ tập trung vào các nhóm không kích đang tiến vào mục tiêu để buộc họ phải cắt bom, nhưng thường xuyên chính biên đội này hoặc biên đội kia sẽ tấn công khi máy bay Mỹ rời mục tiêu. Để đối phó, giờ đây phía Mỹ sử dụng 3 biên đội MiGCAP cho các cuộc không kích bằng quan sát và 2 biên đội MiGCAP cho các phi vụ Commando.

...
Do thành công nối tiếp của MiG, đến giữa tháng 1 không đoàn 8 đã chỉnh lại cấu hình của 1 trong 2 biên đội MiGCAP thường đi cùng cường kích. Biên đội kiểu mới được gọi là "CAP nhanh" này được trang bị để nghênh chiến MiG-21 với cấu hình đang tin cậy và gọn nhẹ nhất có thể. Họ thay thế AIM-4D bằng AIM-9B, bỏ cannon pod ở giá trung tâm thay bằng thùng dầu phụ có thể cắt bỏ khi dùng hết và chỉ mang 1 ECM pod. Biên đội CAP nhanh luôn hướng đầu tiên tới MiG. Các biên đội CAP khác tiếp tục mang 2-3 AIM-4D, cannon pod và 1-2 ECM pod. Nhưng cấu hình mới này ít có cơ hội chứng tỏ vì gió mùa đông bắc đã tràn về và từ cuối tháng 1 đến hết tháng 3 thời tiết xấu đến mức không có cuộc không kích quy mô lớn nào vào Route Package V và VI.
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Ba, 2012, 09:36:16 am gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #313 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2012, 12:18:37 pm »

Theo LS KQNDVN:

Ngày 3 tháng 1 năm 1968, từ sáng sớm, các đài ra-đa của Quân chủng đã phát hiện máy bay gây nhiễu EB.66 hoạt động ở hướng tây-bắc. 7 giờ 33 phút, tám máy bay tiêm kích địch vào hướng Mai Châu. Sở chỉ huy dẫn đường cho biên đội hai chiếc MIG.21 gồm Nguyễn Đăng Kính (số 1), Bùi Đức Nhu (số 2) bay về hướng Thanh Sơn (Vĩnh Phú), tạo thế có lợi (thuận ánh sáng mặt trời) và chỉ huy biên đội rượt qua tốp tiêm kích địch đánh thẳng vào đội hình 48 chiếc cường kích. Mặc dù bị lạc, không yểm hộ được cho nhau, số 1 và số 2 đều xử lý tình huống linh hoạt, bắn rơi hai chiếc F.105 địch (mỗi phi công bắn rơi một chiếc). Khi về hạ cánh ở sân bay Kép, do tốc độ lớn, máy bay của Nguyễn Đăng Kính Tượt ra ngoài đường băng. càng máy bay gãy, buồng lái biến dạng. Nhân viên phục vụ bay phải đập vỡ buồng lái, phi công mới ra được.

Ít phút sau khi biên đội MIG.21 cất cánh, vào lúc 7 giờ 39 phút, trung đoàn 923 cho biên đội bốn chiếc MIG.17 gồm Lưu Huy Chao, Nguyễn Hồng Điệp, Bùi Văn Sưa và Lê Hải xuất kích từ sân bay Gia Lâm, chặn đánh dịch trên hướng Thái Nguyên. Do trời mù, không phát hiện được địch, sở chỉ huy lệnh cho biên đội trở về. Nhưng đúng lúc đó, biên đội báo cáo phát hiện tám chiếc F.4 của địch cách khoảng tám ki-lô-mét, chếch phía trái 45 độ và xin được công kích. Số 1 tăng tốc độ đuổi theo một chiếc F.4. Số 2 bám sát yểm hộ, nhưng vừa giảm độ nghiêng máy bay thì bị tên lửa của địch từ phía sau bắn trúng, Nguyễn Hồng Điệp nhảy dù. Máy bay của Lưu Huy Chao bị đạn địch bắn vào cánh phụ nhưng vẫn hoạt động được. Nhìn phía.dưới có mấy vệt khói của một tốp bốn chiếc F.4 anh cho máy bay tăng tốc và vòng trái, cắt bán kính, bắn liền ba loạt ở cự ly 700 mét, đạn trùm lên thân một máy bay địch. Giữ độ cao 200 mét, Lưu Huy Chao khéo léo điều khiển máy bay vòng qua hướng Bắc Ninh, hạ cánh xuống sân bay Nội Bài an toàn. Bùi Văn Sưu (số 3} đuổi theo một tốp F.4, bắn loạt thứ nhất, đạn không trúng. Khi cho máy bay vòng lại, phát hiện một tốp ba chiếc F.4 khác đang tăng tốc, anh cắt bán kính, vào đến cự ly 500 mét mới nổ súng, hạ tại chỗ một máy bay địch. Lê Hải (số 4) bám theo số 3 để yểm hộ và nổ súng vào một tốp địch ở cự ly 800 mét, nhưng đạn không trúng. Do cơ động tránh tên lửa địch, anh bị mất phương hướng, bay đến vùng trời Việt Trì mới nhận ra địa tiêu. Mặc dù máy bay bị thương vì pháo cao xạ mặt đất bắn nhầm, Lê Hải bình tĩnh xử lý, bay dọc theo triền sông Hồng về Gia Lâm hạ cánh an toàn. Đây là một trận đánh có nhiều tình huống phức tạp. Do chỉ huy tốt, phi công mưu trí, dũng cảm, ta đã chuyển từ thế bất lợi thành thế có lợi, diệt được hai máy bay địch. Ta bị mất một máy bay, phi công nhảy dù an toàn.

Nhận đinh địch có thể tiếp tục vào đánh Hà Nội, Bộ Tổng Tham mưu và Bộ tư lệnh Quân chủng chỉ thị cho không quân tích cực chuẩn bị, sẵn sàng cất cánh đánh tiếp. Sau trận đánh buổi sáng, trong số hai chiếc MIG.21 trực ban chiến đấu, một chiếc đã bị hỏng. Với quyết tâm còn một máy bay cũng xuất kích, trưa ngày 3 tháng 1 năm 1968 , chỉ huy trung đoàn 921 cho Bùi Đức Nhu cất cánh lần thứ hai trong ngày, nhưng không đánh được do địch không vào sâu. Phi công Hà Văn Chúc thay Bùi Đức Nhu trong phiên trực buổi chiều.

Vào lúc 15 giờ, địch cho 36 chiếc cường kích và tiêm kích từ phía Yên Châu bay về hướng Hà Nội. 15 giờ 16 phút, Hà Văn Chúc xuất kích. Đến vùng trời Yên Châu, ở độ cao 5.500 mét, Hà Văn Chúc phát hiện ba tốp máy bay địch, hai tốp F.105 bay trước, tốp F.4 bay sau. Chưa kịp vào công kích, Hà Văn Chúc nhìn thấy bốn chiếc F.4 bay lướt qua đầu. Anh vòng lại bám phía sau, đưa máy bay lên độ cao 10.000 mét. Phát hiện bên phải có hai tốp F.105, anh nhào xuống độ cao 5.000 mét. Nhưng chưa kịp bần thì tốp F.105 địch đã vòng lại đón đầu. Anh lại phải vọt lên độ cao 9.000 mét. Nhìn bên trái thấy một tốp bốn chiếc F.105, Hà Văn Chúc lại bổ nhào xuống. Do động tác quá mạnh, không bám được mục tiêu, anh lại phải kêu lên độ cao 9.000 mét. Đồng hồ trên máy bay chỉ lượng dầu còn 700 lít. Nhìn về phía Tam Đảo, phát hiện tám chiếc F.105, Hà Văn Chúc báo cáo sở chỉ huy, xin tiếp . tục công kích. xuống đến độ cao 3.500 mét, anh ngắm thẳng chiếc máy bay bay giữa phóng tên lửa. Chiếc F.105 bốc cháy. Đội hình 36 chiếc máy bay địch không thực hiện được ý đồ đánh Hà Nội. Ngày 3 tháng 1 năm 1968 ta ba lần xuất kích đều bắn rơi máy bay địch. Đây là một trong những ngày thắng lớn của không quân ta.


Theo Phi công tiêm kích:

Ngày 3 tháng 1 năm 1968, từ sáng sớm, địch đã cho EB-66 vào gây nhiễu ở hướng Tây Bắc. Theo quy luật, EB-66 gây nhiễu ở hướng nào, thì địch có thể đánh trước, đánh từ xa. Biên đội Nguyễn Đăng Kính số 1, Bùi Đức Nhu số 2, lên gặp địch, đội hình lớn gồm F-105 và F-4. Lập tức biên đội Kính, Nhu dùng tốc dộ lớn, lướt qua đội hình địch, mỗi người bắn rơi 1 chiếc F-105, về Nội Bài hạ cánh an toàn. Cùng lúc, Trung đoàn cho biên đội Míc-17 Lưu Huy Chao số 1, Lê Hồng Điệp số 2, Bùi Văn Sưu số 3, Lê Hải số 4 có nhiệm vụ chặn tốp lớn của địch theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội ở độ cao 3.500m. Trời rất nhiều mù, sau khi đổi hướng bay, tìm địch, biên đội không thấy và chỉ huy sở cũng không biết được đich do nhiễu quá nặng. Chỉ huy cho biên đội trở về. Đúng lúc ấy trong tầm mù, biên đội phát hiện một đội hình F-4, cách ta 8km, ở phía trái 450 và xin chỉ huy vào công kích. Số 1 hạ lệnh vứt thùng dầu phụ, tăng lực, đuổi theo tốp F-4 gần nhất. Số 2 Lê Hồng Điệp bám theo số 1 yểm hộ, nhưng vừa mới cải bớt dộ nghiêng, số 2 đã bị tên lửa tốp F-4 phía sau bắn trúng, phi công nhảy dù an toàn. Số 3 và tôi vào công kích tốp F-4 bên phải. Địch bay theo đội hình chữ “T”, nhiều chiếc đi ngang với biên đội Míc-17. Sưu bám được vào chiếc F-4 bay sau, đến cự li an toàn 500m, trời mù, nhìn địch chưa thật rõ, anh vẫn bắn. Trúng rồi! Tên địch rơi tại chỗ. Phía sau có địch, tôi báo số 3, số 4 phản kích. Bọn địch thấy tôi vòng lại, đối đầu, kéo vọt lên cao. Chỉ huy sở cho biên đội thoát li chiến đấu. Tôi giảm độ cao, cơ động bay tốc độ lớn, rời khỏi khu vực chiến đấu. Tôi bị lạc đội do trời mù. Đề phòng địch đuổi theo bắn, khi không còn biên đội chặt chẽ, tôi bay độ cao thực tế khoảng 30m đến 50m. Đồng hồ trong buồng lái chỉ không chính xác. Chỉ có thể bay bằng mắt thường. Tôi nghe đội trưởng báo 3 chiếc đã về tới Gia Lâm. Còn tôi, sau khi đã rời khu vực chiến đấu khoảng bảy phút, với tốc độ bay 800 - 900km/giờ, trời mù quá, bay tới đâu biết tới đó. Tôi tạm thời chưa xác định mình đang ở khu vực nào. Dầu còn 600 lít. Tôi giảm ga, bay chế độ tiết kiệm. Đồng hồ chỉ hướng bay làm việc không ổn định. Chủ yếu phải bay bằng địa tiêu. Tôi lên độ cao 300m. Kia rồi, dòng sông Hồng. Bám theo sông, thấy ngã ba sông lớn, có núi trập trùng, Bình tĩnh định hướng, tôi nhận ra là mình lạc đến ngã ba Việt Trì. Bây giờ thì ngược lại, theo sông Hồng về Gia Lâm. Tôi lên độ cao 400m, bay tốc độ cao 600 - 650km/giờ. Tốc độ tiết kiệm nhiên liệu nhất và sắn sàng xử trí khi địch đuổi theo. Tôi liên lạc được với sở chỉ huy và báo cáo đã thấy Hà Nội, Hồ Tây. Đồng thời khi đó, nhiều điểm đạn cao xạ nổ quanh máy bay tôi. Tôi chợt hiểu, pháo mặt đất tưởng máy bay tôi là máy bay trinh sát của địch sau mỗi đợt đánh phá lớn. Tôi vội cơ động tránh cao xạ. Cánh máy bay bị thủng một lỗ to. Vẫn còn điều khiển được, tôi giảm độ cao, tăng tốc độ, thông trường, hạ cánh vòng kín bé. Thật hú hồn, chỉ cần bay thêm vài phút nữa sẽ hết dầu. Khi đó, không hiểu cơ sự sẽ ra sao!
Trận đầu năm, có nhiều tình huống phức tạp, song do chỉ huy tốt, phi công dũng cảm, linh hoạt, đã chuyển từ thế bất lợi thành thuận lợi, bắn rơi 2 chiếc F-4.


Như vậy ta tuyên bố bắn hạ 3 F-105 và 2 F-4, bị địch bắn rơi 1 MiG-17 và bị thương 1 MiG-17. 1 MiG-21 hỏng và 1 MiG-17 bị thương trong quá trình hạ cánh.


Theo Clashes:

Ngày 3/1, 2 cuộc không kích lớn của KQ Mỹ - 1 buổi sáng và 1 buổi chiều - đánh vào hệ thống đường sắt của BVN. Trong buổi sáng, biên đội F-4D CAP mang cannon pod mật danh Tampa đang trên đường tới mục tiêu từ phía vịnh Bắc Bộ khi 1 MiG-17 tấn công 1 biên đội F-4 cường kích. Tampa 1 tiếp cận chiếc MiG ở độ cao rất thấp và bắn ở cự ly gần trúng gốc cánh của MiG. MiG gãy cánh và bốc cháy, phi công nhảy dù. 1 F-4D khác bắn hạ 1 MiG-17 bằng AIM-4D. Trong phi vụ buổi chiều lực lượng không kích gồm 4 biên đội F-105 và 2 biên đội MiGCAP đang tới mục tiêu thì bị MiG-21 tấn công từ phía sau, buộc 2 biên đội cường kích phải cắt bom. Thêm nhiều MiG tấn công khi 2 biên đội F-105 cuối cơ động tới mục tiêu. 1 MiG-21 tránh được MiGCAP, tiếp cận và bắn 1 quả Atoll trúng đuôi F-105 bay số 3 của 1 biên đội. F bốc cháy đâm xuống đất. MiG dễ dàng rút lui.

Theo Aces & Aerial Victories:

...Sáng 3/1, lực lượng không kích được chia thành 2 cánh riêng. Alpha đánh cầu đường sắt Dong Dau gồm 4 biên đội F-105 cường kích, 2 biên đội F-105 Iron Hand và 2 biên đội F-4D MiGCAP. Nhóm này bị MiG-21 tấn công trên đường tới mục tiêu. Bravo đánh ga Trung Quang gồm 3 biên đội F-4D cường kích, 1 biên đội F-4D chế áp cao xạ và 2 biên đội F-4D MiGCAP. Nhóm này bị MiG-17 tấn công trên đường rút lui. 2 nhóm không kích tiếp cận từ hướng và thời gian khác nhau đã làm phân tán có hiệu quả lực lượng MiG của BVN.

Không máy bay Mỹ nào bị thiệt hại. NHóm Bravo bắn hạ 2 MiG-17, 1 do F-4D bay số 1 của một biên đội cường kích và 1 do F-4D bay số 1 của một biên đội MiGCAP.

Số 1 của biên đội cường kích nghênh chiến với 4 MiG-17 ở thế đối đầu trên đường rút lui khoảng 6 dặm về phía nam Bắc Giang. MiG bay qua cách 200-300ft, bay về hướng đối diện. Số 1 bật tăng lực vòng trái, bật làm nguội AIM-4D để tiếp tục chiến đấu. Sau khi vòng lại 360 độ, số 1 quan sát thấy 2 MiG-17 bay nối đuôi ở phía trước 3 dặm đang vòng lượn trái. Số 1 quyết định chọn chiếc MiG bay sau, bám theo, tiếp cận để nhận dạng mục tiêu bằng mắt và phóng 1 AIM-4D. Tên lửa dẫn thẳng vào phần đuôi của MiG, phát nổ tạo thành quả cầu lửa và khói. MiG lập tức kéo theo 1 vệt khói đen. Số 1 bị thu hút bởi 1 máy bay khác và mất dấu mục tiêu.

Trong khi bắn tên lửa, số 1 bị 1 MiG-17 tấn công bằng cannon ở cự ly 1000ft nhưng không trúng. Số 2 cũng bị 2 MiG-17 bắn cannon nhưng 1 lần nữa không bị thiệt hại gì. Trong lúc ấy 1 biên đội MiGCAP quan sát thấy có không chiến và tiếp cận. Số 1 của biên đội này thấy MiG-17 đang tấn công số 2 của biên đội cường kích và quyết định can thiệp.

Số 1 của MiGCAP đang ở vị trí 5h trên cao so với MiG và bổ nhào góc 80 độ từ độ cao 11000ft. Số 1 bám theo chiếc MiG và khai hỏa cannon 20mm. Lửa bốc lên trên cánh trái của MiG và nhiều mảnh vỡ bung ra. Số 3 và 4 của biên đội MiGCAP chứng kiến MiG đâm xuống đất và phi công nhảy dù.


Theo USAF F-4 MiG Killers, F-4D 66-7594 mật danh Olds 1 thuộc phi đoàn 435, không đoàn 8 KQ do trung tá Clayton K. Squier và trung úy Michael D. Muldoon lái bắn hạ 1 MiG-17 bằng AIM-4D và F-4D 66-7748 mật danh Tampa 1 thuộc phi đoàn 433, không đoàn 8 KQ do thiếu tá Bernard J. Bogoslofski và đại úy Richard L. Huskey lái bắn hạ 1 MiG-17 bằng cannon.




Phía ta ghi nhận 1 MiG-17 bị bắn rơi và 1 bị thương trong không chiến. Có lẽ phi công Nguyễn Hồng Điệp đã bị bắn rơi bởi Tampa 1.

VN Air Losses chỉ ghi nhận 1 F-105 bị MiG bắn rơi. F-105D 58-1157 thuộc phi đoàn 469, không đoàn 388 KQ Mỹ do đại tá James Ellis Bean ở căn cứ Korat thuộc lực lượng vào đánh ga Kinh Nỗ bị MiG-21 đánh chặn ở độ cao 10000ft phía tây Thái Nguyên 25 dặm và bị trúng tên lửa. Phi công nhảy dù và bị bắt làm tù binh.

Mr Bean Grin cũng là 1 phi công kỳ cựu, tham gia không lực LQ (tiền thân của KQ) Mỹ từ 1942, từng bay 41 phi vụ chiến đấu bằng P-47 trên chiến trường châu Âu, bay F-105 từ năm 1960 và đã giúp xây dựng chương trình huấn luyện cho loại máy bay này. Khi bị bắt Bean đang là phó tư lệnh không đoàn.

Chiếc F-105D này bị bắn rơi vào buổi chiều nên có thể ghi công 100% cho Hà Văn Chúc.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Ba, 2012, 12:29:42 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #314 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2012, 12:27:47 pm »

Theo VN Air Losses, ngày 5/1/1968 F-105F 63-8356 thuộc phi đoàn 357, không đoàn 355 KQ Mỹ ở căn cứ Takhli bay chỉ huy biên đội Wild Weasel vào đánh cầu đường sắt Dong Luc gần Kép thì bị MiG-17 tấn công. Chiếc F-105F này bị trúng đạn cannon làm cháy cánh trái, máy bay xoáy tròn mất kiểm soát. Tổ lái gồm thiếu tá James Cuthbert Hartney và đại úy Samuel Fantle nhảy dù nhưng sau đó đều chết.

Phía ta không đề cập tới trận đánh này nên có thể là của đoàn Z.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #315 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2012, 12:58:47 pm »

Đây là 1 trường hợp khá đặc biệt.

Theo LS dẫn đường KQ:

Sáng 12 tháng 1 năm 1968, sau khi các nội dung kiểm tra cuối cùng đã được hoàn tất, sở chỉ huy Binh chủng quyết định sử dụng lực lượng theo đúng kế hoạch đã được chuẩn bị, thời điểm đánh địch vào giữa trưa. 11 giờ 43 phút, 4 chiếc An-2 lần lượt cất cánh. Tổ bay dẫn đầu do lái chính Phan Như Cẩn, chỉ huy tập kích, dẫn đường trên không Phạm Thanh Tâm và đồng chí Trần Sĩ Tiêu; tổ bay thứ hai do lái chính Trần Hữu Quý phụ trách, dẫn đường trên không Lê Xuân Kịch và đồng chí Phạm Văn Phán; tổ bay thứ ba do các đồng chí Ngộ (lái chính) phụ trách, Kiểu (dẫn đường trên không) và Hùng; tổ bay bay sau cùng do lái chính Đinh Công Riểng phụ trách, các đồng chí Hùng dẫn đường trên không) và Liêm. 4 chiếc An-2 bay nối đuôi nhau theo đội hình hàng dọc với cự ly chiếc cách chiếc khoảng 500m, không sử dụng đối không, dẫn bay bằng địa tiêu theo đúng đường bay dự tính: Gia Lâm - Hòa Bình - Mai Châu - Mường Hàm - Mường Út - Pa Thí và tận dụng các khe núi để tránh ra-đa địch phát hiện. Đến khu vực Sâm Nưa, lái chính Phan Như Cẩn liên lạc với đài chỉ thị mục tiêu của ta ở bắc Pa Thí 15, 16km, trên bình độ khoảng 1.600m. Sau khi quan sát được toàn bộ đội hình An-2 trên đoạn bay cuối cùng đến khu vực mục tiêu, Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn không quân 919, Nguyễn Văn Ba, từ đài chỉ thị mục tiêu, thông báo ngắn gọn tình hình địch tại căn cứ ra-đa Pa Thí và chỉ thị các mục tiêu cụ thể cho từng tổ bay. Lúc 13 giờ 7 phút, lái chính Phan Như Cẩn chỉ huy toàn bộ đội hình lần lượt vào công kích. Trong từng tổ bay, dưới sự điều hành của lái chính, từng thành viên tập trung cao độ thực hiện chính xác từng động tác, phóng toàn bộ 32 quả rốc-két 57mm và ném 12 quả đạn cối 120mm vào mục tiêu, rồi thoát ly. Trên đường về tổ bay thứ nhất và thứ hai đã hy sinh do va chạm vào nhau trong khi luồn lách quá thấp giữa các khe núi hẹp. Còn tổ bay thứ ba và thứ tư trở về hạ cánh an toàn.

Các phi công hy sinh trong trận đánh này gồm đại úy Phan Như Cẩn, thiếu úy Lê Xuân Kịch, thiếu úy Phạm Văn Phán, trung úy Trần Hữu Quý, thượng úy Phạm Thanh Tâm, trung úy Trần Sĩ Tiêu. Liệt sỹ Phan Như Cẩn sau này được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.





2 tổ bay An-2 tham gia trận đánh.

Theo phía Mỹ, khi Pa Thí bị tấn công 1 chiếc trực thăng UH-1D của Air America tiếp tế cho căn cứ do đại úy Theodore Moore lái đã kịp cất cánh và sau đó đuổi theo tốp An-2 của ta trong khi thợ máy Glenn Woods sử dụng tiểu liên bắn theo. 1 chiếc An-2 đâm vào núi ngay phía tây biên giới Việt-Lào, chiếc thứ 2 bị rơi cách đó 5km về phía bắc. Nhóm nhân viên CIA tới hiện trường sau đó cho biết phát hiện vết đạn trên thân máy bay.



Tranh vẽ mô tả cảnh chiếc UH-1D tấn công An-2.



Xác 1 chiếc An-2 được Mỹ mang về Viên Chăn trưng bày để tuyên truyền.

(xem thêm về Pa Thí tại chủ đề: http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,20410.0.html)
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Ba, 2012, 01:08:14 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #316 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2012, 04:16:55 pm »

Theo LS dẫn đường KQ:

Chiều 14 tháng 1 năm 1968, sau khi phát hiện có nhiều tốp EB-66 hoạt động dọc theo Đường 15, thủ trưởng trực chỉ huy Binh chủng Hoàng Ngọc Diêu đã quyết định cho MiG-21 vào đánh. Thủ trưởng trực chỉ huy Trung đoàn 921 Trần Hanh cho đôi bay: Nguyễn Đăng Kính-số 1 và Đồng Văn Song-số 2 cất cánh từ Nội Bài lúc 15 giờ 27 phút. Kíp trực ban dẫn đường Trung đoàn 921 dẫn chính: Phạm Công Thành tại sở chỉ huy và Lê Thiết Hùng trên hiện sóng. Đôi MiG-21 bay từ Phúc Yên đi thẳng xuống phía nam và lên dần độ cao có lợi. 15 giờ 33 phút, địch đang vòng phải ở nam Mộc Châu 30km xuống Thường Xuân thì ta đến ngang Phủ Lý, sở chỉ huy cho vòng tại chỗ 1 vòng để điều chỉnh vị trí tiếp địch đúng dự tính, rồi bay tiếp xuống phía nam. 15 giờ 40 phút 30 giây, địch đến tây bắc Thường Xuân 10km và bắt đầu vòng trái lên Mộc Châu, cũng là lúc ta ở ngang Đông Sơn, trực ban dẫn đường Phạm Công Thành cho vòng phải, ngược lên hướng bắc và tăng dần tốc độ để lựa thời cơ vào tiếp địch. 15 giờ 44 phút, khi địch đã bay ổn định từ Ngọc Lạc lên Lang Chánh, MiG-21 được dẫn vòng trái, bám theo phía sau mục tiêu, nhưng bị lạc hậu tới 35km. Dẫn đường hiện sóng Lê Thiết Hùng kiểm soát chặt chẽ địch-ta và dẫn tiếp cho rút ngắn cự ly. Sau 3 phút bám đuổi, số 1 phát hiện EB-66, cự ly 12km, số 2 quan sát kỹ phía sau, ổn định vị trí yểm hộ. Phi công Đồng Văn Song bắn rơi thêm 1 EB-66 nữa, góp phần cản phá một mũi 24 chiếc đánh vào Hà Nội theo hướng Suối Rút - Hòa Bình.

Theo VN Air Losses thì chỉ có 1 chiếc bị bắn rơi là EB-66C 55-0388 thuộc phi đoàn tác chiến điện tử 41, không đoàn 388 KQ Mỹ ở căn cứ Takhli mang mật danh Preview 1. Chiếc EB-66C này đang hoạt động ở độ cao 29000ft phía tây Thanh Hóa 40 dặm với nhiệm vụ nghe trộm liên lạc của radar và gây nhiễu thì bị MiG-21 tấn công. Máy bay trúng tên lửa vào động cơ bên phải. Tổ lái cố hướng về phía tây nam để sang Lào nhưng cuối cùng phải nhảy dù khi vẫn còn đang ở trong không phận VN. Trực thăng giải cứu được 3 thành viên tổ lái (1 sau đó chết vì vết thương), 4 người còn lại bị bắt làm tù binh.

Theo Clashes hôm đó còn 1 trận đánh khác:

Ngày 14/1 biên đội F-105 Iron Hand mật danh Bobbin đang dẫn đầu 1 biên đội cường kích thực hiện phi vụ Commando Club nhằm vào sân bay Yên Bái. Sau khi cường kích ném bom, Bobbin bắt đầu rời khu vực thì được biên đội hộ tống phía sau cảnh báo có MiG. 2 chiếc MiG-21 xuất hiện đột ngột và Bobbin 2 trúng tên lửa Atoll vào đuôi, phi công nhảy dù. F-105 tìm cách truy đuổi nhưng MiG dễ dàng tăng tốc rút lui.

Theo VN Air Losses F-105D 60-0489 thuộc phi đoàn 469, không đoàn 388 KQ Mỹ do thiếu tá Stanley Henry Horne trúng tên lửa và đâm xuống đất gần sông Hồng phía đông Yên Bái. Phi công chết.

Đây có lẽ là trận đánh của đoàn Z.

Theo tài liệu của ta, ngày 14/1 thượng úy Hà Văn Chúc, đại đội phó c1/921 bị thương nặng trong chuyến bay chiến đấu ở vùng trời Vĩnh Phúc và sau đó hy sinh ngày 19/1. Tuy nhiên phía Mỹ không ghi nhận bắn rơi MiG trong ngày này.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Ba, 2012, 05:58:49 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #317 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2012, 04:50:14 pm »

Theo Aces & Aerial Victories:

Ngày 18/1, 3 nhóm không kích lớn tiến hành đánh các mục tiêu ở BVN. Nhóm Alpha đánh nhà máy điện Bắc Giang gồm 1 biên đội F-105 Iron Hand, 1 biên đội F-4D chế áp cao xạ, 1 biên đội F-4D cường kích và 1 tốp thuộc biên đội F-4D MiGCAP - tốp kia quay về do trục trặc ECM. Alpha bị phối hợp tấn công bởi PK, SAM và MiG-17 và trong không chiến số 1 và 2 thuộc biên đội cường kích bị hạ, sau khi số 1 bắn hạ 1 MiG. Nhóm Bravo gồm 4 biên đội F-105 cường kích, 1 biên đội F-105 Iron Hand và 1 biên đội F-4D MiGCAP đánh đường sắt Ha Gia nhưng bị 2 MiG-17 và 2 MiG-21 đánh chặn quyết liệt phải cắt bom trước khi tới mục tiêu 2 phút. Nhóm Charlie đánh ga Đáp Cầu không gặp vấn đề.

Khi nhóm Alpha tiếp cận mục tiêu, số 4 thuộc biên đội cường kích phát hiện 2 MiG-17 ở hướng 1h và 2h đang vòng trái leo cao. Biên đội lúc này ở độ cao 12000ft, phía trên MiG và đang hạ độ cao để tiếp cận mục tiêu. Số 3 và 4 bắn tên lửa đối đất sớm rồi bắt đầu vòng phải gấp leo cao. Trong khi đó số 1 và 2 tiếp tục tiếp cận mục tiêu, thực hành không kích rồi vòng phải leo cao.

Lúc này số 4 nhìn thấy 2 MiG đang bám đuôi số 1 và 2. Số 2 thông báo bị bắn và vài phút sau máy bay bốc cháy, đâm xuống đất cách mục tiêu 1-2 dặm.

Trong khi đó số 1 vẫn đang vòng phải leo cao và quan sát thấy MiG thứ 3 ở vị trí 10h. Số 1 lập tức đảo trái, bật làm nguội AIM-4D và khai hỏa. Tên lửa đâm vào đuôi MiG và phát nổ. MiG bốc cháy và đâm xuống đất, không thấy có dù. Giữa lúc này chiếc MiG thứ 4 cơ động vào phía sau số 1 và khai hỏa cannon. Máy bay bốc cháy và phi công nhảy dù.


Theo VN Air Losses, F-4D 66-8270 mật danh Otter 1 do thiếu tá Kenneth Adrian Simonet và trung úy Wayne Ogden Smith lái và F-4D 66-7581 mật danh Otter 2 do đại úy Robert Bruce Hinckey và trung úy Robert Campbell Jones lái bị MiG bắn rơi. Cả 2 tổ bay đều nhảy dù và bị bắt làm tù binh. Cả 2 chiếc đều thuộc phi đoàn 435, không đoàn 8 KQ Mỹ.

Đây có lẽ là trận đánh của đoàn Z.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #318 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2012, 05:08:43 pm »

Lược dịch Clashes:

Tháng 2 năm 1968

Ở khu vực phía bắc BVN, thời tiết trong tháng 2 là tồi tệ nhất trong vòng 3 năm trở lại và phần lớn các cuộc không kích vào Route Package VI là các phi vụ Commando Nail theo chỉ dẫn radar. Máy bay Mỹ tiếp tục ném bom các căn cứ MiG ở Kép, Kiến An, Hòa Lạc, Cát Bi và Phúc Yên, cũng như sân bay Vinh ở phía nam, nơi MiG đã được quan sát thấy. Tuy nhiên thời tiết xấu không làm chùn bước MiG và họ bắt đầu thể hiện thêm những chiến thuật mới. Trong quá khứ MiG-21 thường xuyên tấn công với nhiều máy bay, nhưng bây giờ những MiG-21 độc lập bắt đầu hoạt động với máy hỏi đáp tắt. Những "người ngủ" này bay đơn hoặc bay cùng 1 đôi MiG-21 khác sử dụng máy hỏi đáp. Họ chỉ được GCI hướng dẫn chung chung và khá tự do trong việc lựa chọn mục tiêu tấn công, do vậy rất khó phát hiện.

Bất chấp thành công của MiG, phi công Mỹ cho rằng cánh báo về MiG, đặc biệt là từ Rivet Top rất tốt. 1 phi công nói, "Trước khi có Rivet Top, chỉ huy và điều hành của chúng tôi khá kém. Rivet Top là 1 sự cải thiện đến 500%". 1 phi công khác bình luận, "cảnh báo rất tốt. Nó giống như bay với GCI hướng dẫn như ở nhà". Các F-4 hộ tống được EC-121 hướng dẫn dựa trên QRC-248 đã có thể đối phó được nhiều cuộc tấn công của MiG, nhưng ngay cả khi có QRC-248 thì kỹ năng của GCI BVN và sự táo bạo của phi công MiG-21 vẫn giúp họ tiếp tục tiến hành được nhiều cuộc tấn công không bị phát hiện vào F-105 và F-4 hộ tống.

...
Đến cuối tháng, tiêm kích Mỹ đã bắn hạ 3 MiG-21 và 2 MiG-17, đổi lại 3 máy bay Mỹ bị hạ đều do MiG-21; rõ ràng vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Trong tháng 3 thời tiết vẫn xấu và hạn chế các cuộc không kích vào Route Package VI. MiG trở nên liều lĩnh 1 cách táo bạo và 2 MiG-21 đã tấn công các biên đội rút lui ở biên giới Lào, nhưng không có tổn thất không chiến nào cho cả 2 bên.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #319 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2012, 05:28:23 pm »

Theo LS dẫn đường KQ:

Chiều ngày 3 tháng 2 năm 1968, có 2 tốp địch hoạt động trên biên giới Việt - Lào từ nam Mộc Châu 30km đến Quế Phong, độ cao 10.000m, tốc độ 950km/h, cách Nội Bài khoảng 170km. Thời tiết tại sân phức tạp, 8Cu 400 (8 phần mây Cu ở độ cao 400m) và 10Sc 1000 (10 phần mây Sc ở độ cao 1000m) (Sc (Stratocumulus) - một loại mây mầu trắng nhạt, xám, phát triển ở độ cao trung bình theo chiều ngang, có nhiều lớp, bao phủ trên diện rộng). Thủ trưởng trực chỉ huy Trung đoàn 921 Trần Hanh, nắm chắc quyết tâm của bộ đội và đề nghị Binh chủng cho xuất kích. Thủ trưởng trực chỉ huy Binh chủng Đào Đình Luyện đồng ý và nhắc nhở phải đánh thật bí mật, bất ngờ. Ta sử dụng đôi bay MiG-21 đánh EB-66 và 1 chiếc MiG-21 bay nghi binh-yểm hộ. Kíp trực ban dẫn đường Trung đoàn 921 dẫn chính: Phạm Minh Cậy tại sở chỉ huy và Lê Thiết Hùng trên hiện sóng tại C-43. Kíp trực Ban Dẫn đường Binh chủng dẫn bổ trợ: Vũ Đức Bình và Lê Thành Chơn tại sở chỉ huy. Dẫn đường quyết tâm phải dẫn vào tiếp địch bất ngờ, xử lý nhanh khi gặp tiêm kích và bảo đảm đủ nhiên liệu để dẫn 3 chiếc của ta về xuyên mây hạ cánh.

15 giờ 50 phút, đôi đánh chính: Phạm Thanh Ngân-số 1 và Nguyễn Văn Cốc-số 2 cất cánh từ Nội Bài, xuyên lên trên mây, rồi vòng xuống phía nam, đi Quỳ Châu, giữ tốc độ 850km/h và từ từ lên độ cao 6.000m; 15 giờ 54 phút, phi công Mai Cương, làm nhiệm vụ nghi binh-yểm hộ cất cánh, bay về phía Thanh Sơn, nhanh chóng lên độ cao 10.000m và hoạt động từ Khê Long đến Suốt Rút. Nếu tiếp tục dẫn đôi đánh chính vào tiếp địch từ phía nam lên, như ngày 14 tháng 1 năm 1968, thì có thể sẽ gặp khó khăn về nhiên liệu, nên trực ban dẫn đường Phạm Minh Cậy xin dẫn từ phía bắc xuống, mặc dù anh rất biết đây là hướng khó. Thủ trưởng đồng ý.

15 giờ 58 phút, đôi MiG-21 đến Đường 12A (đoạn Tân Lạc-Vụ Bản), sở chỉ huy cho vòng phải, giữ hướng bay 280 độ và lên độ cao 10.000m, vào tiếp địch. Bốn phút sau, dẫn đường hiện sóng Lê Thiết Hùng thấy rõ địch-ta, thông báo chính xác vị trí mục tiêu. Số 1 báo cáo phát hiện EB-66, đối đầu, 5km, đang vòng phải xuống Quế Phong. Số 1 lập tức vòng trái gấp và khi đã bám chắc phía sau mục tiêu, anh nhận thấy không phải EB-66 mà là 2 chiếc yểm hộ. Số 1 bám vào chiếc số 2 của địch, đồng thời chỉ huy số 2 đánh chiếc số 1 của địch. Sau khi kiểm tra kỹ phía sau đôi bay của ta, dẫn đường hiện sóng dẫn tiếp MiG-21 vào bám địch. Phi công Phạm Thanh Ngân ngắm chính xác, phóng quả thứ nhất, tên lửa không đi. Anh bình tĩnh, phóng quả thứ hai, máy bay địch bốc cháy. Đây là chiếc F-102 đầu tiên của không quân Mỹ bị không quân ta bắn rơi. Số 2 rút ngắn cự ly, phóng tên lửa vào chiếc số 1 của địch, nhưng nó cơ động gấp, nên không trúng. Sở chỉ huy cho thoát ly khỏi khu chiến. Khi đôi đánh chính bắt đầu vào công kích, trực ban dẫn đường Phạm Minh Cậy cho ngay phi công Mai Cương quay xuống phía nam để vào đánh tiếp ứng, nhưng thấy khả năng không đủ nhiên liệu, nên đã cho vòng trở lại. Đôi đánh chính về đến đỉnh Nội Bài thì chiếc nghi binh của ta rời khỏi Thanh Sơn. Cả 3 chiếc MiG-21 lần lượt xuyên mây từ hướng đông xuống hạ cánh.

Đây là trận đánh mà trong suốt quá trình chuẩn bị, theo dõi bám địch và dẫn vào tiếp cận, ta luôn cho là EB-66, nhưng sau đó phát hiện và bắn rơi mới biết là F-102. Khi tổ chức rút kinh nghiệm sau trận đánh, dẫn đường trên hiện sóng mới nhận ra, trong quá trình bắt mục tiêu có một số biểu hiện khác thường so với những lần bắt EB-66 trước đây phải hết sức nhạy bén, tỉnh táo trước mọi thủ đoạn của địch, chính là bài học đã được rút ra cho dẫn đường, nhất là dẫn đường hiện sóng trong dẫn đánh loại máy bay trinh sát-gây nhiễu điện tử.


Theo Clashes:

Ngày 3/2, 2 máy bay tiêm kích F-102A cánh delta của KQ Mỹ vẫn thường làm nhiệm vụ hộ tống máy bay tiếp dầu đang bay tuần thì số 2 báo cáo máy bay gặp trục trặc. Số 1 lại gần và thấy 1 quả Atoll chưa nổ đang cắm vào đuôi số 2. Khi họ vòng để trở lại Thái Lan, 2 chiếc MiG-21 tấn công 1 lần nữa, tên lửa của họ bắn trượt nhưng số 2 đâm xuống đất nổ tung khi cố tránh tên lửa.

Theo VN Air Losses, F-102A 56-1166 thuộc phi đoàn tiêm kích đánh chặn 509, không đoàn tiêm kích 405 KQ Mỹ ở căn cứ Udorn do trung úy Wallace Luttrell Wiggins lái đang cùng số 1 bay ở độ cao 36000ft dọc biên giới Việt-Lào trong 1 phi vụ hộ tống bị bãi bỏ thì bị MiG-21 tấn công ở phía đông Sầm Nưa 35 dặm. Số 1 do thiếu tá A. L. Lomax lái vòng lại và bắn 3 quả AIM-4D nhưng trượt. Số 2 đâm xuống đất, phi công chết.

Có lẽ quả tên lửa thứ 2 của Phạm Thanh Ngân đã găm vào chiếc F-102A mà không nổ, sau đó tên lửa của Nguyễn Văn Cốc đã khiến chiếc này phải cơ động tránh (mặc dù bác Cốc ngắm bắn chiếc kia) và đâm xuống đất.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM