Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 11:13:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh đường không trên bầu trời Miền Bắc  (Đọc 343439 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #280 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2012, 10:36:01 pm »

Sau khi nhiều khí tài bán cho khối Arab rơi vào tay phương Tây trong tình trạng nguyên vẹn, có lẽ người Nga cũng sẽ phải có biện pháp bảo mật bổ sung. Tuy nhiên không thấy người Mỹ nhắc đến khó khăn nào trong việc sử dụng QRC-248 ở VN trong giai đoạn sau này. Họ còn tiến thêm 1 bước lớn nữa là phát triển những hệ thống tương tự gắn trực tiếp trên F-4D.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
thientan18
Thành viên

Bài viết: 1


« Trả lời #281 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2012, 08:10:41 pm »

Có thể két luận là KQ ta thắng trong cuộc chiến trên không. Có bao nhiêu phi công BTT hy sinh xinn nói rỏ.
Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #282 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2012, 09:24:57 pm »

Theo Aces & Aerial Victories:

Ngày 24/10/1967, 4 nhóm cường kích hỗn hợp F-105 và F-4 của KQ Mỹ phối hợp với máy bay HQ Mỹ vào đánh sân bay Vĩnh Yên, căn cứ không quân lớn nhất của BVN. F-4 do thiếu tá William L. Kirk và trung úy Theodore R. Bongartz dẫn đầu biên đội MiGCAP yểm hộ cho nhóm cường kích đầu tiên. Biên đội bay dàn hàng phía trên cao và bên trái biên đội F-105 cuối cùng. Cảnh báo MiG được phát đi khi biên đội tiến vào BVN và tỏ ra chính xác.

Khi cảnh báo cho biết MiG ở góc 6h cách 8 dặm, số 1 quyết định dẫn biên đội vòng lại tấn công. Số 1 bắt được tín hiệu mục tiêu trên radar 30 độ bên phải cách 4 dặm. Phi công quan sát về hướng đó và nhận diện được 1 MiG-21 bằng mắt thường.

MiG đang ngóc lên và dường như định leo cao, nhưng khi F-4 xuất hiện thì MiG vòng lại. Ban đầu MiG tỏ ra định tấn công trong vòng ngoặt 360 độ đầu tiên, nhưng sau đó có vẻ MiG tìm cách ngừng giao chiến.

Sau nhiều lần cơ động trong đó MiG lợi dụng lao vào mây bất cứ khi nào có thể, số 1 lock được mục tiêu và bắn 2 AIM-7. Quả đầu tiên dẫn tốt và nổ khá gần mục tiêu, quả thứ 2 không quan sát được. Phi công tiếp tục chuyển sang cannon, tiếp cận tới 500-700ft và khai hỏa. Đạn trúng vào phần trên thân sát gốc cánh, nhiều mảnh vỡ bung ra và toàn bộ phần thân bốc cháy. MiG đâm xuống đất và phi công nhảy dù.




F-4D 66-7750 thuộc phi đoàn 433, không đoàn 8 KQ Mỹ

Tài liệu của ta không có thông tin về trận đánh này.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #283 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2012, 09:28:16 pm »

- Ngày 25/10/1967: Theo các tài liệu của ta, biên đội 4 MiG-17 thuộc e923 gồm Nguyễn Hữu Tào -? Minh - Nguyễn Phi Hùng - Nguyễn Văn Thọ bắn rơi 1 F-4. Phía Mỹ không công nhận tổn thất này.

- Ngày 26/10/1967:

Theo Aces & Aerial Victories:

Ngày 26/10/1967, biên đội 4 F-4D bay MiGCAP cho 1 phi vụ trinh sát ở tây bắc sân bay Phúc Yên 3 dặm thì chạm trán với 6 MiG-17. Sau khi quan sát thấy 4 MiG-17 leo cao qua màn mây ở vị trí 2h, số 1 yêu cầu ngừng phi vụ trinh sát và dẫn biên đội cơ động nghênh chiến với MiG lúc này đang thực hiện vòng lượn cao về bên phải để tiếp cận vị trí 4h của biên đội ở cự ly khoảng 5 dặm. Số 1 khóa mục tiêu và khai hỏa 2 AIM-7E ở độ cao 17000ft và cự ly 2,5-3 dặm. Quả thứ nhất không dẫn, quả thứ 2 phóng đi và có vẻ nằm trên đường sẽ va chạm với MiG lúc này lao tới đối đầu và khai hỏa cannon. Số 1 kéo cao để tránh đạn và khi vòng lại quan sát thấy phi công đã nhảy dù, MiG mất độ cao với lửa bốc lên từ thân.

1 MiG-17 tấn công số 1 từ vị trí 10h và vòng thoát ly khi cách 2 dặm. Số 1 lock được mục tiêu và bắn 2 AIM-7E, quả thứ 1 không rời giá phóng tuy nhiên quả thứ 2 được phóng đi và có vẻ được dẫn. Lúc này 1 MiG-17 khác tấn công bằng cannon từ vị trí 7h, buộc số 1 phải ngừng chiến đấu và ra lệnh cho biên đội rút lui để tiếp dầu.

Trong khi đó số 3 và số 4 nghênh chiến với 1 tốp MiG khác. F-4 phải cơ động nhiều lần vì cự ly với MiG quá gần nên không thể phóng tên lửa. Cuối cùng số 3 lock được mục tiêu và bắn 2 AIM-7E nhưng chỉ 1 quả phóng đi. Số 3 không quan sát được tên lửa nổ do phải cơ động tránh đạn từ MiG nhưng sau đó quan sát thấy 1 phi công nhảy dù ở độ cao 16000ft, khu vực nơi tên lửa được bắn tới. Số 3 tiếp tục tiếp cận 1 MiG-17 khác và khai hỏa 1 AIM-4D ở cự ly 6000ft khi MiG đang ở thế tấn công đối đầu. Tên lửa có vẻ được dẫn. Số 3 một lần nữa phải cơ động tránh đạn và sau đó quan sát thấy 1 phi công nhảy dù ở độ cao 8000ft.

Ngay sau đó số 4 truy đuổi 2 MiG-17 đang rời mục tiêu ở hướng 10h. Số 4 lock được mục tiêu và bắn 1 AIM-4D trúng đuôi MiG. MiG bốc cháy và lật nhào sang phải, đâm xuống đất, phi công nhảy dù.


KQ Mỹ chính thức ghi nhận mỗi F-4 bắn rơi 1 MiG-17, gồm:
- F-4D 66-0274 mật danh Ford 1 do đại úy John D. Logeman, Jr. và trung úy Lt. Frederick E. McCoy.
- F-4D 66-7546 mật danh Ford 3 do đại úy William S. Gordon, III và trung úy Lt. James H. Monsees.
- F-4D 66-7565 mật danh Ford 4 do đại úy Larry D. Cobb và Alan A. Lavoy.
Cả 3 chiếc F-4D trên đều thuộc phi đoàn 555, không đoàn 8. Tổ bay Ford 3 được ghi nhận bắn rơi MiG bằng AIM-7E.






Theo USN F-4 MiG Killers:

Ngày 26/10/1967, không đoàn 14 trên TSB Constellation thực hiện không kích vào các doanh trại quân đội gần Văn Điển. Tại 1 điểm giữa Hà Nội và Thanh Hóa, biên đội 2 F-4B MiGCAP thuộc phi đoàn 143 được tàu chiến mang hệ thống dẫn đường PIRAZ GCI hướng dẫn tới 1 tốp mục tiêu được cho là MiG và được phép khai hỏa mà không cần nhận diện bằng mắt. Biên đội chuẩn bị để phóng tên lửa nhưng không thành công và sau đó nhận ra mục tiêu thực chất là 1 tốp F-4B khác.

Ngay sau đó, biên đội được hướng dẫn tới đánh chặn 1 mục tiêu khác. Các phi công chính tập trung tìm kiếm mục tiêu bằng mắt thường trong khi phi công phụ tập trung quan sát radar. Radar của phi công phụ số 1 gặp trục trặc nên phi công phụ số 2 hướng dẫn phi công chính cơ động vào vị trí bắn và khai hỏa 1 AIM-9D nhưng tên lửa bay đạn đạo và trượt.

Trong khi đó radar của phi công phụ số 1 đã trở lại hoạt động và anh ta tiếp tục chỉ huy, hướng dẫn biên đội cơ động vào vị trí 6h của mục tiêu. Lúc này số 1 đã nhận diện được mục tiêu là 1 MiG-21 nhưng không thể tấn công do hệ thống vũ khí trục trặc. Số 2 sau đó được lệnh nghênh chiến, bắn 1 AIM-7 dẫn tốt và trúng vào cánh trái của MiG. MiG lật nhào và xoay tròn.




F-4B 149411 (NK/311) do trung úy Robert R. Hickey, Jr và trung úy Jeremy G. Morris lái.

Như vậy phía Mỹ claim bắn hạ 1 MiG-21 và 3 MiG-17. Phía ta xác nhận ngày 26/10/67 e923 xuất kích chiến đấu không bắn hạ được địch và có tổn thất.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Ba, 2012, 10:14:53 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #284 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2012, 09:52:41 pm »

Theo Aces & Aerial VictoriesUSAF F-4 & F-105 MiG Killers, ngày 27/10/67 F-105D do đại úy Gene I. Basel lái thuộc 1 trong 3 biên đội F-105 xuất phát từ căn cứ Takhli vào đánh cầu Canal des Rapides (sông Đuống) ở đông bắc Hà Nội. Sau khi ném bom và trên đường rời mục tiêu, Basel phát hiện 2 MiG-17 ở hướng 10h, độ cao 3000ft đang bay về phía tây với vận tốc 450 knot. Basel chuyển về chế độ bổ nhào và tiếp cận tới 2000ft và khai hỏa cannon. MiG lật cánh với lửa bốc ra từ trên thân. Basel phải cơ động tránh SAM nên không quan sát được kết quả.

Basel được KQ Mỹ chính thức ghi nhận bắn rơi 1 MiG-17 dựa vào kết quả trên gun camera.





F-105D 62-4284 mật danh Bison 2 thuộc phi đoàn 354, không đoàn 355.

Phía ta xác nhận ngày 27/10/1967 e923 chiến đấu và có tổn thất.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #285 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2012, 10:46:05 pm »

Theo USN F-4 MiG Killers:

Ngày 30/10/1967, F-4G 150629 thuộc phi đoàn 142 do thiếu tá Eugene P. Lund và trung úy James R. Borst lái làm nhiệm vụ bay MiGCAP ở phía tây bắc Hải Phòng được hệ thống dẫn đường trên tàu chiến hướng dẫn tới đánh chặn mục tiêu. Cách khoảng 15 dặm, radar F-4 bắt được 2 mục tiêu và khi tiếp cận tới 3-4 dặm, phi công nhận diện được bằng mắt thường 4 MiG-17 bay theo đội hình "finger four" gồm 2 tốp ở độ cao 18000ft, trong đó 1 tốp bị radar của F-4 lock và tốp thứ 2 phía sau khoảng 2000-3000ft. F-4 khai hỏa 1 AIM-7 ở cự ly trung bình với tầm bắn và tên lửa bắn trúng phần thân phía sau cockpit của chiếc MiG bay số 2. MiG bốc cháy và xoáy tròn, không quan sát thấy phi công nhảy dù.

Ở thời điểm này MiG chia thành 2 tốp bay về 2 phía. Lund tiếp tục truy đuổi tốp bay về bên phải và sau nhiều lần cơ động phát hiện được 2 MiG ở phía trước 5000ft. F-4 khai hỏa tiếp 1 AIM-7E ở cự ly khoảng 1 dặm tuy nhiên tên lửa phát nổ sau khi rời giá phóng 100-200ft và văng mảnh vỡ lên máy bay. F-4 tiếp tục cơ động đối phó với MiG nhưng nhận thấy máy bay gặp trục trặc nên quyết định thoát ly. Trên đường quay về TSB tổ bay phải nhảy dù và được trực thăng cứu.






F-4B 150629 thuộc phi đoàn 142, không đoàn 14 trên TSB Constellation.

Theo LS e923:

Ngày 30 tháng 10, địch kéo vào đánh khu vực sân bay Kép với nhiều tốp F-4, F-105, A-4, A-6 và có cả máy bay trinh sát SR-71, Địch vào từ nhiều hướng ở nhiều độ cao khác nhau. Lúc 11 giờ 46 phút, biên đội MIG-17 trực ở sân bay Kép gồm các phi công Tịnh, Kỷ, Thọ Sinh được lệnh cất cánh lên khu vực phía tây sân bay Kép. Do ra đa sở chỉ huy bị hỏng không bắt được mục tiêu, lúc biên đội phát hiện địch thì địch đã ở cự li gần và phóng tên lửa vào đội hình ta, máy bay số 2 do Hoàng Văn Kỷ lái trúng đạn bốc cháy, phi công hy sinh. Địch tiếp tục phóng 6 quả tên lửa, nhưng máy bay ta cơ động tránh được, bay về hạ cánh ở sân bay Gia Lâm.


Như vậy phía Mỹ claim bắn hạ tổng cộng 5 MiG-17 và 1 MiG-21 trong các ngày 26, 27 và 30/10/1967. LS e923 xác nhận ta mất tổng cộng 4 MiG-17 trong các trận đánh này.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Ba, 2012, 10:24:24 am gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #286 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2012, 09:56:39 am »

Lược dịch Clashes:

Tháng 11 năm 1967

Gió mùa đông bắc tháng 11/1967 tồi tệ hơn bình thường và phần lớn thời gian trong tháng EC-121 Rivet Top phải dừng bay để cải tiến, lấy đi công cụ cảnh báo MiG hữu hiệu nhất. MiG-21 tận dụng ngay sự vắng mặt của Rivet Top và đã tăng hiệu quả chiến đấu với chiến thuật hit and run của họ. Trong 1 nỗ lực chống lại MiG, máy bay Mỹ lại tấn công Phúc Yên ngày 5/11 và đánh phá các sân bay MiG chính bất cứ khi nào có thể, buộc BVN dần dần phải giảm số lượng MiG trong nước. Đến cuối tháng, chỉ còn lại 4 MiG-21 và 12 MiG-17 ở lại BVN.

Các máy bay hộ tống Mỹ đôi khi buộc MiG phải hủy bỏ các cuộc tấn công tốc độ cao, nhưng có lưu ý rằng "kỹ năng của phi công đối phương là tốt" và MiG thường xuyên "được dẫn vào vị trí hoàn hảo" để tránh các biên đội MiGCAP, ngay cả khi họ được QRC-248 hỗ trợ.

...Một điểm sáng trong tháng là hệ thống ngắm điều khiển bằng máy tính của F-4D thuộc không đoàn 8 kết hợp với cannon pod SUU-23 đã giữ được lời hứa của mình.

...Trong nửa sau của tháng 11, tổn thất chung của phía Mỹ tăng vọt: BVN bắn hạ 17 máy bay của KQ gồm 9 F-105, 4 RF-4C và 4 F-4, hệ thống phòng thủ của BVN phối hợp các hoạt động của họ đặc biệt hiệu quả.

...Tổn thất do SAM và MiG trong tháng 11 nặng đến mức BCH KQ TBD tổ chức một cuộc họp từ 22-30/11 để phát triển chiến thuật nhằm giảm thiệt hại của KQ. Kết quả của cuộc họp là nhiều chiến thuật và quy chuẩn mới. Các cuộc không kích vào khu vực Hà Nội được giới hạn là 1 cuộc mỗi ngày với thời gian đánh mục tiêu được thay đổi nhiều nhất có thể và các cuộc không kích Commando Club ngừng lại trong khi quy mô đội hình của Commando Nail được giảm đi. Với số cuộc không kích vào Hà Nội ít hơn, sẽ có thêm nhiều biên đội Iron hand và MiGCAP để yểm hộ cường kích.

KQ cũng thử nhiều thay đổi trong các quy trình MiGCAP nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của MiG. EC-121 và Rivet Top thống nhất quy trình chỉ huy với MiGCAP và bắt đầu thử dẫn F-4 chủ động truy kích dựa theo tín hiệu IFF của MiG. Ngoài ra, F-4 tổ chức một "màn chắn MiG" với biên đội MiGCAP cuối cùng rời đi trễ để khóa đuôi và nghênh chiến với bất cứ MiG-21 nào bám đuôi các biên đội cường kích đang rút lui. Do là biên đội cuối cùng trong khu vực, F-4 này có 1 khu vực tự do khai hỏa bất cứ khi nào có thể mà không cần xác nhận mục tiêu bằng mắt. Một biên đội MiGCAP bổ sung được cử tới ở độ cao rất lớn - 40000ft - nhằm thu hút những chiếc MiG-21 bay cao khỏi cường kích, và các biên đội MiGCAP được điều đi trước cường kích với giãn cách khác nhau - 5, 10, 15 phút hoặc được phép tự do tác chiến thay vì phải ở cùng cường kích. Một số lần F-4 cố gắng truy đuổi MiG khi họ hạ cánh hoặc bay rất thấp dưới tầm radar BVN tới khu vực mà QRC-248 thông báo có MiG. Không may, không biện pháp nào đạt được thành công đáng kể, chủ yếu vì phi công BVN có được thông tin liên tục từ GCI và có thể rút lui về các căn cứ an toàn bên TQ, ngoài ra còn vì MiG nhỏ và khó bị phát hiện ngay cả khi F-4 đến gần.


Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #287 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2012, 10:34:08 am »

Theo LS dẫn đường KQ:

Sáng ngày 6 tháng 11 năm 1967, địch từ phía Hồng Gai, men theo triền phía nam của dãy Yên Tử, qua Uông Bí, hướng về Phả Lại, đồng thời từ phía tây nam, qua Hòa Bình, Suối Rút, lên Hòa Lạc. Không quân nhận nhiệm vụ tổ chức đánh các tốp từ phía đông vào Hà Nội. Thủ trưởng trực chỉ huy Binh chủng Đào Đình Luyện giao nhiệm vụ cho hai trung đoàn 921 và 923: sử dụng lực lượng từ hai sân bay Gia Lâm và Kép đánh bảo vệ phía đông Hà Nội. Kíp trực ban dẫn đường Binh chủng: Nguyễn Văn Chuyên, Vũ Đức Bình và Lưu Văn Cộng tại sở chỉ huy dẫn bổ trợ cho hai trung đoàn. Các kíp trực ban dẫn đường của từng trung đoàn chịu trách nhiệm dẫn chính lực lượng của mình, Trung đoàn 921: Phạm Công Thành tại sở chỉ huy; Trung đoàn 923: Hà Đăng Khoa tại sở chỉ huy Gia Lâm, Bùi Hữu Hành tại sở chỉ huy Kép.

7 giờ 38 phút, đôi bay MiG-21: Đặng Ngọc Ngự và Nguyễn Văn Lý cất cánh từ sân bay Gia Lâm, đi Thanh Miện, vòng phải qua Hưng Yên, Kim Bảng, rồi quay lại chặn tốp 16 chiếc của địch ở độ cao 2.000m tại khu vực Đông Triều. Trực ban dẫn đường Phạm Công Thành dẫn MiG-21 vào tiếp địch với góc 120 độ, phi công không phát hiện mục tiêu. Khi đôi bay cắt qua đường bay địch, dẫn đường cho vòng lại, nhưng bị lạc hậu, buộc phải dẫn thoát ly. Lúc này khu vực Nội Bài có máy bay địch, nên sở chỉ huy lệnh cho đôi Ngư-Lý đi sân bay Ninh Minh hạ cánh. 7 giờ 48 phút, biên đội MIG-17 thứ nhất: Bùi Văn Sưu, Nguyễn Duy Tuân, Lê Xuân Dị và Nguyễn Đình Phúc cất cánh từ sân bay Kép vào khu chiến Bắc Giang. Trực ban dẫn đường Bùi Hữu Hành dẫn vào tiếp địch với góc 70 độ, biên đội phát hiện F-105 ở cự ly 5km. Phi công Nguyễn Đình Phúc ở vị trí có lợi, vào công kích và bắn rơi 1 F-105. Cả biên đội hạ cánh ngay xuống Kép. 7 giờ 50 phút biên đội MiG-17 thứ hai: Nguyễn Hữu Tào, Phan Trọng Vân, Nguyên Văn Thọ và Nguyễn Phi Hùng xuất kích từ sân bay Gia Lâm vào đánh tại Phả Lại. Chỉ có số 2 có cơ hội nổ súng, nhưng bắn không kết quả.

Chiều ngày 6 tháng 11 năm 1967, địch cho lực lượng đông hơn từ Cẩm Phả - Tiên Yên, men theo phía bắc dãy Yên Tử, qua Sơn Động, Lục Nam, vào đánh Hà Nội. 15 giờ 35 phút, đôi bay MiG-21: Đặng Ngọc Ngự-số 1 và Nguyễn Văn Lý-số 2 xuất kích từ Gia Lâm (buổi sáng, sau khi hạ cánh Ninh Minh, chuyển sân về Gia Lâm ngay và vào trực luôn), đi Ninh Giang, vòng trái qua Kiến An, Hải Phòng, Quảng Yên. Trực ban dẫn đường Phạm Công Thành dẫn MiG-21 vòng trái, vào tiếp địch với góc 60 độ ở bắc Uông Bí 10km, nhưng xông trước, hai bên đều thấy nhau, địch cơ động lợi thế, ta phải thoát ly lên hướng bắc và lại sang Ninh Minh hạ cánh. 15 giờ 38 phút, biên đội MiG-17 thứ nhất: Nguyễn Hữu Tào-số 1, Phan Trọng Vân-số 2, Nguyễn Văn Thọ-số 3 và Nguyễn Phi Hùng-số 4 xuất kích từ sân bay Gia Lâm, được trực ban dẫn đường Hà Đăng Khoa dẫn men theo phía nam đường 5 đến Cẩm Giàng, vòng trái vào Chí Linh, gặp đội hình hỗn hợp cả F- 4 và F-105. Ta vào không chiến bị động và kéo lên phía Lục Ngạn. Các phi công Nguyễn Văn Thọ và Nguyễn Phi Hùng, mỗi người bắn rơi 1 F-105, còn số 1 hy sinh và số 2 phải nhảy dù do bị địch bắn. 15 giờ 44 phút, biên đội MiG-17 thứ hai: Bùi Văn Sưu-số 1, Nguyễn Duy Tuân-số 2, Lê Xuân Dị-số 3 và Nguyễn Đình Phúc-số 4 cất cánh từ sân bay Kép, vào khu vực Lục Ngạn để đánh tiếp ứng, đồng thời yểm hộ cho số 3 và số 4 của biên đội thứ nhất thoát ly. Với góc vào 60 độ, số 4 phát hiện F-105, 6km. Biên đội vào không chiến, phi công Bùi Văn Sưu bắn rơi 1 F-105. MiG-17 về Gia Lâm hạ cánh.

Dẫn đánh phối hợp, hiệp đồng giữa MiG-21 và MIG-17 trong ngày 6 tháng 11 năm 1967 đã để lại một bài học lớn về lựa chọn thời cơ cất cánh cho MIG-21 và MIG-17 khi đánh phân đoạn các tốp mục tiêu trong một đội hình lớn của địch, về mối quan hệ hữu cơ giữa kết quả dẫn tiếp địch của tốp đánh trước và tốp đánh sau. Trận buổi sáng, dẫn đường cho MiG-21 cất cánh sớm, nên đã phải đưa xuống tận Thanh Miện-Hưng Yên-Kim Bảng, rồi mới quay lại vào tiếp địch và nếu theo đề xuất cất cánh (7 giờ 34 phút) thì còn bị sớm hơn nữa. Trận buổi chiều, dẫn đường cho MiG-17 ở Gia Lâm cất cánh muộn, nên phi công vào không chiến bị động. Hai lần dẫn MiG-21 vào đánh trước không tốt đã làm mất yếu tố bất ngờ khi dẫn MIG-17 vào đánh sau.


Theo Aces & Aerial Victories:

Chiều 6/11/1967, 2 nhóm cường kích được cử đi đánh phá sân bay và ga Kép. Không đoàn 8 cung cấp 1 biên đội F-4D MiGCAP. Do đây là biên đội MiGCAP duy nhất nên họ chia thành 2 tốp bảo vệ 2 bên của cường kích. Trên đường tới mục tiêu, họ không gặp cảnh báo SAM hay MiG nào. Tuy nhiên sau khi F-105 Iron Hand bắn tên lửa Shrike, cảnh báo MiG đầu tiên xuất hiện. Biên đội F-105 đầu tiên bị 4 MiG-17 tấn công khi đang thoát ly sau khi ném bom. F-4 lập tức cơ động nghênh chiến nhưng không thể xác định được mục tiêu bằng mắt. Biên đội vòng lại về phía đông bắc để nhập với cường kích đang rời mục tiêu và lần này phát hiện MiG.

Số 1 quan sát thấy 1 biên đội 4 MiG-17 khác đang tiếp cận biên đội cường kích bay cuối và khai hỏa cannon. F-4 lập tức tiếp cận tấn công, buộc MiG phải ngừng bắn và cơ động tránh. Sau nhiều động tác cơ động, số 1 tiếp cận được MiG ở cự ly 1500ft và khai hỏa cannon làm phần đuôi MiG bốc cháy. Nắp buồng lái mở ra nhưng phi công chỉ bật ra ngay trước khi máy bay đâm xuống đất nổ tung.

Số 1 dẫn biên đội vòng trở lại hướng thoát ly thì phi công phụ phát hiện 1 MiG-17 bay thấp ở hướng 4h và cho biên đội vòng lại đuổi theo. MiG phát hiện và giảm độ cao xuống 200ft và bay vào 1 thung lũng. Số 1 tiếp cận tới 1000ft và khai hỏa cannon. MiG đâm xuống đất và biến mất 1 trong quả cầu lửa.

Cảnh báo MiG cho biết có nhiều MiG đang xuất hiện từ phía sau với cự ly khoảng 6 dặm. Tuy nhiên do hết dầu nên số 1 quyết định tăng tốc và rời khu vực.




F-4D 66-7601 mật danh Sapphire 1 thuộc phi đoàn 555, không đoàn 8 KQ Mỹ do đại úy Darrell D. Simmonds và trung úy George H. McKinney, Jr lái. Đây là thành tích bắn hạ MiG duy nhất của phía Mỹ trong tháng 11/1967.

NHư vậy Mỹ claim 2 MiG-17, ta công nhận. Ta claim 4 F-105, theo VN Air Losses, trong ngày 6/11/1967 KQ Mỹ chỉ mất duy nhất 1 F-105D và là do SAM.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Ba, 2012, 10:41:21 am gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #288 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2012, 10:56:24 am »

Theo LS f371

Sáng sớm ngày 7 tháng 11, phi công Nguyễn Hồng Nhị và phi công Nguyễn Đăng Kính đang trực ở sân bay Gia Lâm được một chiếc Mi-4 đưa về sân bay Nội Bài. Tại đây, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 921 Trần Mạnh và Chính uỷ trung đoàn Chu Duy Kính đã chờ sẵn. Trời còn chưa sáng rõ. Hàng nghìn bó đuốc, đèn măng-xông, đèn bão vẫn bập bùng kéo dài suốt dọc theo đường cất hạ cánh, đường lăn. Hàng nghìn người vẫn đang tiếp tục công việc sửa gấp sân bay. Trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ cho hai phi công ngay tại miệng hố bom vừa được lấp xong bên cạnh đường lăn và phổ biến ngắn gọn phương án chiến đấu. Sau khi vào hiệp đồng với sĩ quan dẫn đường ở sở chỉ huy dã chiến của trung đoàn, hai phi công tiếp tục hiệp đồng trong biên đội.

10 giờ sáng ngày 7 tháng 11 năm 1967, biên đội được lệnh cất cánh. Số 1 điều khiển máy bay ra đường lăn, tăng dần tốc độ và cất cánh. Bụi bốc mù mịt sau đuôi chiếc MIG-21. Số 2 cất cánh chậm hơn một chút vì phải chờ cho bụi tan.

Tới khu chờ, biên đội được lệnh tăng độ cao và mở rộng vòng lượn. Vừa kịp ổn định đội hình, biên đội đã được trung đoàn trưởng trực tiếp thông báo địch đang ở phía trước, chếch 45 độ bên phải, cự ly 15km. Cùng ngay sau đó, số 2 thông báo phát hiện địch. Biên đội lập tức tăng tốc độ vào công kích.

Máy bay địch đang bay theo đội hình kéo dài. Phía trước và phía sau đội hình là F-4, F-105 đông hơn bay ở giữa. Biên đội trưởng báo cáo sở chỉ huy số lượng địch và xin phép công kích rồi dẫn biên đội xông vào sườn bên trái đội hình địch. Trong khoảnh khắc một chiếc F-105 bị tên lửa từ máy bay của Nguyễn Hồng Nhị phóng trúng, bùng cháy, rơi xuống. Tốp F -105 hoảng hốt quăng bom tháo chạy. Tốp F-4 vòng lại định bám đuôi những chiếc MIG. Rất nhanh, số 2 băng lên lao theo chiếc F-4 gần nhất. Chiếc F-4 vừa chui ra khỏi mây đã bị tên lửa của Nguyễn Đăng Kính phóng trúng, bốc cháy.

Máy bay địch quây lại đông hơn, tình thế trở nên phức tạp. Số 2 phát hiện thấy tốp F-4 đang vây lấy biên đội trưởng đã tăng tốc độ, nhằm giữa đội hình chúng phóng nốt quả tên lửa còn lại. Địch hốt hoảng toé ra, lao xuống tránh tên lửa. Biên đội thoát ly khỏi khu vực chiến đấu, tập hợp đội hình trở về hạ cánh. Bằng sự bình tĩnh, tự tin và những động tác chuẩn xác, biên đội đã hạ cánh an toàn xuống đường lăn nhỏ hẹp và mù mịt bụi đất.




Nguyễn Hồng Nhị (trái) và Nguyễn Đăng Kính (phải).

Clashes ghi nhận 1 F-105 bị tên lửa Atoll bắn trúng nhưng vẫn quay về được với một nửa quả tên lửa vẫn găm vào đuôi.

« Sửa lần cuối: 09 Tháng Ba, 2012, 09:10:55 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #289 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2012, 08:23:32 pm »

Theo LS f371LS e921, ngày 8/11/1967, biên đội 2 MiG-21 của e921 gồm Đặng Ngọc Ngự và Nguyễn Văn Lý cũng cất cánh từ đường lăn sân bay Nội Bài, xuất kích bắn rơi 2 F-4 và hạ cánh an toàn xuống sân bay Gia Lâm. Theo Clashes, biên đội F-4 mật danh Olds đang làm nhiệm vụ MiGCAP thì bị MiG-21 tấn công. 1 MiG xuất hiện từ phía sau và bay thọc qua đội hình. Biên đội Olds liền cơ động để truy đuổi và sau đó tổ chức lại đội hình để yểm hộ cường kích. CHính lúc này thì chiếc MiG-21 thứ 2 sử dụng chiến thuật "theo đuôi" xuất hiện và bắn 1 quả Atoll trúng đuôi Olds 3.

Theo VN Air Losses, đây là F-4D 66-0250 thuộc phi đoàn 555, không đoàn 8 KQ Mỹ ở căn cứ Ubon (Thái Lan). Chiếc F-4D này bị tấn công ở độ cao 17000ft phía đông bắc Yên Bái 25 dặm. Sau khi trúng tên lửa máy bay lết được thêm 40 dặm thì gãy đuôi và tổ lái phải nhảy dù ở thị trấn Phou Van bên trong lãnh thổ Lào 25 dặm. Thiếu tá William S. Gordon được giải cứu còn trung úy Richard Charles Breneman bị bắt làm tù binh.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Ba, 2012, 09:11:06 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM