Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:33:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh đường không trên bầu trời Miền Bắc  (Đọc 342921 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #230 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2010, 08:00:25 pm »

Theo LS dẫn đường KQ:

Đến trưa ngày 25 tháng 4 năm 1967, địch từ hướng biển đánh vào Hải Phòng. Trực ban dẫn đường Nguyễn Văn Chuyên, dựa vào tình báo B1 cho cất cánh đúng thời cơ và dẫn MIG-17 vào tiếp địch với góc 90 độ. Dẫn đường hiện sóng Binh chủng Vũ Đức Bình bám sát ta-địch. Số 2 phát hiện cả A-4 và F-8, cự ly 6km. Số 1 chỉ huy biên đội vào không chiến tại khu vực Hải Phòng - Kiến An. Nguyễn Thế Hôn và Nguyễn Bá Địch mỗi phi công bắn rơi 1 A-4, sau đó phi công Hà Bôn bắn rơi 1 F-8 (Lịch sử Trung đoàn không quân 923 (1965-2000), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.2000, tr.58. Còn "Dẫn đường thông kê các trận đánh của Không quân", quyển L: ta bắn rơi 2 F-4 và 1 F-8). Biên đội tách thành 2 tốp, nhanh chóng thoát ly về sân bay Gia Lâm hạ cánh.

Theo LS e923:

Sáng ngày 25 tháng 4 năm 1966, vào lúc 9 giờ 35 phút, có khoảng 12 máy bay F-105 của địch từ phía đông đột nhập đánh Hải Phòng. Vào lúc 9 giờ 55 phút, có 40 - 50 lần chiếc gồm cả F-8, A-4, F-4 từ phía biển Đông bay vào theo ba tầng độ cao khác nhau. Phán đoán đây là thời cơ đánh địch tốt nhất, vào lúc 9 giờ 55 phút, sở chỉ huy lệnh cho biên đội trực chiến ở sân bay Kiến An vào cấp 1.

Những chiếc MIG- 17 được lực lượng thợ máy chuẩn bị đầy đủ các mặt đã sẵn sàng ngụy trang được tháo ra. 10 giờ 04 phút, được lệnh cất cánh các máy bay lăn ra đường bằng nối đuôi nhau cất cánh. Chỉ huy biên đội, bay số 1 là Nguyễn Văn Bảy, người phi công quê ở tỉnh Sa Đéc, một trong ba phi công được tuyên dương danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang của bộ đội không quân đầu tiên. Số 2 là Nguyễn Bôn, số 3 là Nguyễn Thế Hôn, số 4 là Nguyễn Bá Địch, người con của quê hương Hải Phòng.

Sau khi cất cánh, biên đội được dẫn bay theo sông Văn Úc, độ cao 1500 mét. Vừa tới cửa sông thì gặp địch kéo vào rất đông. Đi đầu là những tốp A-4 mang bom. Số 1 hô biên đội thả thùng dầu phụ lao vào giữa đội hình địch. Phát hiện MIG chặn đánh, bọn A-4 vội quăng bom bừa bãi và tháo chạy. Các số trong biên đội tăng tốc đuổi đánh ngay trên khu vực sân bay. Số 3 vừa bắn rơi 1 chiếc A-4 thì lập tức số 4 bắn rơi chiếc A-4 thứ 2. Lần đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ tại quê hương, Nguyễn Bá Địch reo rất to. Niềm vui đó đã cổ vũ toàn biên đội tiếp tục quần nhau với máy bay địch.

Lúc này những tốp F-8 đi bảo vệ bay phía sau đã tới, lao đến phóng tên lửa tới tấp vào các máy bay ta. Lợi dụng tình thế, bọn A-4 ngoặt ra biển chuồn hết. Biên đội tiếp tục đánh quần với lũ F-8 tiêm kích.

Số 2 Nguyễn Bôn bay yểm hộ cho biên đội trưởng phát hiện một chiếc F-8 vừa phóng tên lửa xong, đang vòng, anh cắt bán kính bám sát luôn. Chỉ với hai loạt đạn, Nguyễn Bôn đã hạ tại chỗ chiếc máy bay địch.

Trong khi đó, Nguyễn Văn Bảy vừa tiếp tục làm các động tác tránh tên lửa địch, vừa cố gắng bám sát một mục tiêu. Đã mấy lần đưa tên địch phía trước vào vòng ngắm chuẩn bị bắn thì tên lửa địch từ máy bay khác phóng tới, lại phải tránh, mục tiêu lại bị mất.

Đội hình địch bị phá vỡ, tan tác. Lực lượng pháo phòng không Hải Phòng đã bắn rơi thêm 3 chiếc. Bọn F-8 hoảng loạn tháo chạy cả ra biển, biên đội được lệnh về sân bay Gia Lâm hạ cánh.

Trận đánh diễn ra trong 2 phút. Biên đội Nguyễn Văn Bảy đã chiến thắng giòn giã, bắn rơi 3 máy bay địch, bảo toàn lực lượng.

Chiều ngày 25 tháng 4, đoàn đại biểu Thành uỷ Hải Phòng vào sân bay thăm và động viên đơn vị sau trận đánh thắng lợi, bắn rơi nhiều máy bay địch cản phá được cuộc tiến công của chúng vào khu vực Hải Phòng. Thành uỷ Hải Phòng đã gửi tặng biên đội Bảy – Bôn – Hôn - Địch chiếc đài thu thanh "Mẫu Đơn". Món quà tuy nhỏ nhưng đã là nguồn cổ vũ động viên lớn đối với cán bộ, chiến sĩ trung đoàn.

Thắng lợi đó còn là sự đóng góp công sức của quân dân Kiến An, Hải Phòng ngày đêm sửa chữa gấp sân bay, ngụy trang bảo vệ máy bay và nuôi dưỡng người lái. Thắng lợi đó có công đóng góp của những cản bộ chiến sĩ làm công tác bảo đảm. Trong lửa đạn địch, các kỹ sư, thợ máy, nhân viên thông tin, dẫn đường, nuôi quân của trung đoàn vẫn bám trụ ở sân bay đảm bảo cho máy bay cất cánh chiến đấu. Khi địch oanh tạc sân bay, thợ máy ta đã nhường cả hầm trú ẩn, có đồng chí thợ máy còn lấy thân mình che cho phi công đang trực chiến. Chiến thắng to lớn thu được là cả một quá trình nghiên cứu, chuẩn bị công phu, tỉ mỉ về mọi mặt. Kẻ địch hoàn toàn bị bất ngờ, không kịp đối phó khi máy bay ta phục kích từ sân bay Kiến An vừa bị đánh phá, bay lên đúng thời cơ đánh chặn chúng. Với tinh thần dũng cảm kiên cường, biên đội đã thọc vào giữa đội hình địch, chia cắt chúng ra mà đánh. Trận đánh có ý nghĩa chính trị to lớn làm nức lòng quân dân đất Cảng và quân dân cả nước.

Cũng trong ngày 25 tháng 4, vào lúc 11 giờ 30 phút, biên đội Trung – Điệt – Tài - Thọ cất cánh từ sân bay Hoà Lạc và đã bắn rơi 1 chiếc F-105 của địch trên bầu trời Hoà bình. Biên đội an toàn. Chiếc F-105 của địch do số 1 Lê Quang Trung bắn rơi. Đây là chiếc máy bay Mỹ thứ 5 anh đã bắn rơi trong các trận chiến đấu.


Theo VN Air Losses, trong ngày này A-4C 147799 thuộc phi đoàn 76 trên TSB Bon Homme Richard do đại úy Charles D. Stackhouse lái bị MiG bắn hạ. Chiếc A-4C này thuộc biên đội chế áp PK yểm trợ cho cường kích của TSB Bon Homme Richard vào đánh 1 kho đạn Kiến An và bị MiG-17 cất cánh từ sân bay Kiến An tấn công. Stackhouse đang tìm cách bắn hạ 1 chiếc MiG-17 đang truy đuổi trợ thủ của mình thì trúng đạn cannon vào động cơ. Phi công nhảy dù và bị bắt làm tù binh.

Cũng trong ngày hôm đó KQ Mỹ mất 1 F-105D ở phía nam Hà Nội do cao xạ và 2 A-4E ở Hải Phòng do SAM.

Như vậy ta claim 2 A-4, 1 F-8, 1 F-105. Mỹ chỉ công nhận mất 1 A-4C do MiG.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #231 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2010, 08:38:03 pm »

Theo Aces & Aerial Victories và USAF F-4 MiG Killers:

Ngày 26/4/1967, biên đội F-4C MiGCAP mật danh Cartus làm nhiệm vụ yểm hộ F-105 cường kích vào đánh trạm biến thế của Hà Nội và đụng khoảng 10 MiG-21. Cartus 1 tiếp cận vào vị trí 7h của 1 trong những chiếc MiG đang vòng lượn trong thế phòng thủ  phía trên sân bay Nội Bài. Cartus 1 khóa được mục tiêu và bắn 1 quả AIM-7E dẫn thẳng vào góc 6h của chiếc MiG. MiG cơ động khỏi vòng lượn và hướng vào mây nhưng không kịp tránh được tên lửa.

Trận không chiến diễn ra gần sân bay Nội Bài, nơi F-4 vấp phải hỏa lực PK thay vì bị MiG tấn công. Các thành viên biên đội cho rằng MiG có thể hạ cánh bất cứ lúc nào, nhưng thay vào đó họ chọn nhử F-4 vào khu vực, nơi đối phương phối hợp hoạt động giữa MiG, SAM và cao xạ.


F-4C 64-0797 mật danh Cartus 1 do thiếu tá Rolland W. Moore và trung úy James F. Sears lái thuộc phi đoàn 389, không đoàn 366 KQ Mỹ ở căn cứ Đà Nẵng.

Tài liệu phía ta xác nhận ngày 26/4/1967 trung úy Trần Thiện Lương, phi công MiG-21 thuộc c2/e921 hy sinh trong chiến đấu trên vùng trời Vĩnh Phúc.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #232 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2010, 10:27:21 pm »

Theo LS dẫn đường KQ:

Ngày 28 tháng 4 năm 1967, địch tổ chức đánh Hà Nội. Thủ trưởng trực chỉ huy Quân chủng Phùng Thế Tài quyết định sử dụng MiG-21 đánh các tốp địch từ hướng Tuyên Quang, xuôi theo dãy Tam Đảo xuống Hà Nội; còn MiG-17 đánh các tốp địch từ hướng Suối Rút, Hòa Bình vào Hà Nội. Qua theo dõi địch, lúc 15 giờ 17 phút, thủ trưởng trực chỉ huy Trung đoàn 921 Trần Mạnh nhận lệnh của Binh chủng, cho đôi bay thứ nhất: Lê Trọng Huyên và Đồng Văn Song, trực chiến tại Nội Bài, vào cấp 1, cất cánh ngay, đánh hướng Tuyên Quang. Kíp trực ban dẫn đường Trung đoàn 921 dẫn chính: Phạm Minh Cậy, Tạ Quốc Hưng tại sở chỉ huy, Lê Thiết Hùng trên hiện sóng tại C-43 ở Tân Trại và trực ban dẫn đường Phạm Từ Tịnh tại sở chỉ huy Binh chủng dẫn bổ trợ. Đôi thứ nhất được dẫn theo triền phía đông của dãy Tam Đảo, vòng qua Hàm Yên, xuống Đoan Hùng, lên Tuyên Quang - Chiêm Hóa, không gặp địch. 15 giờ 54 phút, bất ngờ xuất hiện một tốp địch ở nam Sơn Dương 10km, đi ngược lên Tuyên Quang, rồi vòng trái 1 vòng. Dẫn đường cho đôi thứ nhất quay xuống, nhưng phi công chỉ phát hiện được địch mà không có điều kiện vào công kích. Thủ trưởng yêu cầu quay về.

15 giờ 34 phút, đôi bay thứ hai: Đặng Ngọc Ngự-số 1 và Mai Cương-số 2 cất cánh, bay theo triền phía tây của dãy Tam Đảo, đến bắc Sơn Dương 15km, dẫn đường cho vòng trái xuống Vạn Yên, rồi lên bắc Nghĩa Lộ để chặn đánh địch trên đường bay ra. Địch bị bất ngờ, khi ta chặn trên đoạn từ Yên Bái đến đông bắc Bắc Yên 30km. Với góc vào 30 độ, số 1 phát hiện bên trái, 4km, rồi rút ngắn cự ly, phóng tên lửa, nhưng không trúng. Phi công Mai Cương, không bỏ lỡ thời cơ, bắn rơi ngay 1 F-105. Trong trận này ta sử dụng đài P-35 chuyên bắt địch và đài P-30 chuyên bắt ta, tuy có sai lệch, nhất là khi dẫn đôi thứ nhất, nhưng dẫn đường đã ước lượng bù trừ kịp thời để dẫn đôi thứ hai tốt hơn.


Clashes mô tả 1 trận đánh ngày 29/4, nhưng dựa vào diễn biến theo các tài liệu khác của 2 bên thì chính là ngày 28/4.

Ngày 29/4, biên đội Lightning gồm 4 F-105D làm nhiệm vụ chế áp PK dẫn đầu đội hình cường kích vào đánh 1 mục tiêu gần Hà Nội. Thời tiết khá tốt - mây rải rác ở 16000ft đến 20000ft với tầm nhìn khoảng 15 dặm. Sau khi đánh mục tiêu, Lightning 1 và 2 truy đuổi 2 MiG-17 trong khi Lightning 3 và 4 rời khu vực. Lightning 3 và 4 đang ở độ cao 18000ft và tốc độ 500 knot khi thấy 1 máy bay sơn bạc xuất hiện từ trong mây phía sau họ 2 dặm. Chiếc máy bay này bay cùng độ cao và đang tiếp cận rất nhanh. Lightning 3 và 4 thực hiện 1 vòng ngoặt trái bằng hướng về chiếc máy bay và thả thùng dầu phụ. Khi tới gần họ thấy rõ đó là 1 chiếc MiG-21 và tiếp tục ngoặt trái, hạ độ cao tăng tốc khi chiếc MiG vòng ra sau họ.

MiG vào gần và Lightning 4 cảm thấy chấn động khi đạn cannon của chiếc MiG bắn trúng. MiG vượt qua và 2 chiếc F-105 nhìn 1 cách bất lực khi MiG leo cao và vòng trở lại phía sau họ 1 dặm. Ở 10000ft Lightning 4 thấy MiG tiếp cận và rồi thấy phần thân dưới của chiếc MiG khi nó khai hỏa cannon. Cùng lúc đó Lightning 3 gọi báo trúng đạn và lập tức bắt đầu bay chậm lại. Lightning 4 thấy khói lửa ở phần đuôi Lightning 3. Lightning 3 tiếp tục mất độ cao và nhanh chóng chìm trong lửa. Lightning 4 tiếp tục bám theo và cố gắng giữ cả Lightning 3 và chiếc Mig trong tầm nhìn, anh ta thấy MiG vài lần nhưng nó không tấn công thêm (có thể vì hết đạn). ở độ cao 1000ft phi công Lightning 3 nhảy dù. Lightning 4 ở lại trong khoảng 2 phút, sau đó rơì khu vực.

Bản tổng kết rất gây phiền muộn. Việc hệ thống GCI của BVN dẫn chiếc MiG-21 vào vị trí lý tưởng và MiG đã có thể hạ 2 chiếc F-105 sau khi ném bom đã là đủ tồi tệ. Điều thực sự gây lo lắng là trái với các phi công MiG-21 trước đây, phi công này đã thể hiện kỹ năng đáng kể trong việc sử dụng tốc độ và khả năng cơ động trước 2 chiếc F-105. Đây là 1 điềm xấu, và may mắn là MiG chỉ bắn hạ có 1 chiếc F-105.


Theo VN Air Losses, F-105D 58-1151 do đại úy Franklin A. Caras thuộc phi đoàn 44, không đoàn 388 KQ Mỹ ở căn cứ Korat (TL) bị MiG-21 tấn công sau khi vào đánh 1 cơ sở sửa chữa đường sắt ở Hà Nội. Máy bay đâm xuống đất cách Nà Sản 15 dặm về phía đông. Phi công chết.

Cũng trong ngày hôm đó, theo Aces & Aerial Victories, F-105 của không đoàn 355 bắn hạ 2 MiG-17:

Sau khi không kích, biên đội do thiếu tá Higgins chỉ huy rời mục tiêu thì bị khoảng 9 MiG-17 tấn công. Higgins quan sát thấy 1 MiG-17 ở góc 2h và lập tức hướng về đó. Sau 1 chuỗi các động tác cơ động, Higgins vào được vị trí 6h so với chiếc MiG và bắn AIM-9 ở cự ly 3000ft. MiG lập tức ngoặt gấp về bên phải và tên lửa đi trượt ra phía sau và bên dưới MiG khoảng 1000ft. Biên đội tiếp tục bay về hướng tây để rời khu vực thì quan sát thấy 2 MiG-17 ở góc 1h. MiG tiếp cận đối đầu và cả 2 bên cùng khai hỏa cannon nhưng không gây thiệt hại. Biên đội Higgins vòng lại để truy đuổi MiG nhưng họ tiếp tục bay về hướng đông nam và đi ra ngoài tầm bắn. Khi biên đội 1 lần nữa tiếp tục rời mục tiêu, Higgins thấy 1 MiG-17 đang vòng trái về hướng nam. Higgins lập tức bật tăng lực tiếp cận. MiG ngoặt gấp hơn nhưng khi làm vậy bị giảm tốc độ. Higgins vào được góc 30 độ so với mục tiêu và khai hỏa cannon từ cự ly 1500ft. MiG bốc khói và lửa bốc lên từ cánh trái. MiG đâm dốc xuống với cánh trái gãy ở độ cao khoảng 1000ft, sau đó đâm xuống đất.

1 biên đội khác do trung tá Dennis chỉ huy trong khi rời mục tiêu cũng gặp MiG. Mig đang bám đuôi 1 F-105 khác và Dennis tới hỗ trợ. Dennis tiếp cận và bắn 1 AIM-9 khi có tín hiệu nhưng tên lửa không dẫn. Dennis tiếp tục vào gần 3000-4000ft và khai hỏa cannon. MiG đang trong 1 vòng ngoặt phải nông, có vẻ không biết có F-105 phía sau. Dennis tiếp cận tới khoảng 1500ft và bắn cho đến khi tới gần 700ft. MiG bốc cháy, kéo theo 1 vệt khói và xoáy tròn hướng xuống đất.

 
Theo USAF F-4 & F-105 MiG Killers thì F-105D 59-1772 mật danh Spitfire 1 do thiếu tá Harry E. Higgins và F-105D 60-0504 mật danh Atlanta 1 do trung tá Arthur F. Dennis lái. Cả 2 đều thuộc phi đoàn 357, không đoàn 355 KQ Mỹ ở căn cứ Takhli (TL).



F-105D 59-1772. Đây là chiếc F-105D đã từng được sử dụng để bắn rơi thiếu úy Vũ Huy Lượng trong trận 26/3/1967.



F-105D 60-0504.

Tài liệu phía ta không đề cập tới trận đánh này.

Tổng kết:
- Ta claim 1 F-105, Mỹ công nhận.
- Mỹ claim 2 MiG-17, ta không công nhận.
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Mười Hai, 2010, 10:45:26 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #233 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2011, 01:06:55 pm »

Theo LS dẫn đường KQ:

Trong 2 ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1967 ta chỉ dẫn đánh mỗi ngày 1 trận. Chiều ngày 29, biên đội: Nguyễn Văn Bảy-số 1, Lê Sĩ Diệp-số 2, Võ Văn Mẫn-số 3 và Trương Văn Cung-số 4 cất cánh từ sân bay Hòa Lạc và được dẫn đến khu chiến Hòa Bình, với góc vào 120 độ, số 1 phát hiện F-4, 8km. Sau 3 phút không chiến phi công Nguyễn Văn Bảy hạ 1 F-4. Biên đội trở về sân bay Hòa Lạc.

VN Air Losses không ghi nhận tổn thất nào do MiG trong ngày 29/4/67. Theo đó KQ Mỹ mất 1 F-4C ở phía tây Hà Nội 15 dặm do cao xạ bắn và 1 RF-4C đâm xuống đất khi đang cơ động tránh SAM.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #234 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2011, 01:24:09 pm »

Theo LS dẫn đường KQ:

Chiều 30 tháng 4 năm 1967, ta tổ chức đánh hai trận cách nhau khoảng một giờ, đều chặn địch trên đường vào. Trận thứ nhất, sau khi nắm các triệu chứng địch qua Sầm Nưa, các thủ trưởng trực chỉ huy Binh chủng Nguyễn Văn Tiên và Trung đoàn 921 Trần Mạnh cho đôi bay MiG-21: Nguyễn Ngọc Độ và Nguyễn Văn Cốc cất cánh. Sở chỉ huy Binh chủng cho MiG-21 ra phía Mộc Châu. Do chưa chọn được tốp địch thích hợp, nên qua Sơn Tây khoảng 40km, đôi bay vòng trái xuống phía tây Suối Rút và Mai Châu.

Mấy phút sau, dẫn đường hiện sóng Lê Thiết Hùng bám sát được tốp địch qua Cò Nòi-Tạ Khoa, đôi bay được dẫn vòng phải lên Yên Châu, chặn địch trên đoạn Bắc Yên- Phù Yên-Yên Lập. Với góc vào 30 độ rất thuận lợi, phi công Nguyễn Ngọc Độ phát hiện F-105, 5km, nhanh chóng rút ngắn cự ly, bắn rơi ngay 1 F-105 và 2 phút sau phi công Nguyên Văn Cốc bắn rơi tiếp 1 F-105 nữa. Cả đội hình địch hoảng hốt, vứt bom quay ra.

Trận thứ hai, đôi bay: Lê Trọng Huyên-số 1 và Vũ Ngọc Đỉnh-số 2 đánh ở khu vực Thanh Sơn, được dẫn vào với góc 60 độ. Số 1 phát hiện cả F-105 và F-4 ở cự ly 14km. Mỗi phi công đều bắn rơi 1 F-105. Các kíp trực ban dẫn đường Trung đoàn 921 dẫn chính và Binh chủng dẫn bổ trợ đã góp sức nâng hiệu quả chiến đấu của MiG-21 đánh trong một ngày lên cao chưa từng thấy.


VN Air Losses xác nhận trong ngày hôm đó không đoàn 355 KQ Mỹ ở căn cứ Takhli mất 3 F-105 do MiG khi tiến hành không kích 1 nhà máy nhiệt điện gần Hà Nội. Nỗ lực giải cứu của KQ Mỹ không thành và 4 phi công nhảy dù đều bị bắt làm tù binh.

F-105F 52-4447 mật danh Carbine 3 thuộc phi đoàn 357 thuộc biên đội Iron Hand trên đường vào mục tiêu thì bị MiG-21 đánh chặn ở phía tây Hà Nội 50 dặm. Carbine 3 bị trúng tên lửa Atoll, thiếu tá Leo K. Thorness và đại úy Harold E. Johnson (đây là tổ bay từng bắn hạ 1 MiG của ta hôm 19/4/67) nhảy dù ở phía nam Yên Bái 25 dặm.

F-105D 59-1726 mật danh Carbine 4 thuộc phi đoàn 354 do trung úy Robert A. Abbott lái cũng bị tên lửa Atoll bắn rơi gần như cùng lúc đó.

F-105D 61-0130 mật danh Tomahawk 3 thuộc phi đoàn 333 do đại úy Joseph S. Abbott lái thuộc biên đội đang bay yểm trợ cho tìm cứu tổ bay Carbine 3 và 4. Khi Tomahawk 3 và 4 chuẩn bị rời khu vực để tới chỗ máy bay tiếp dầu thì bị MiG-21 tấn công từ phía sau. Cả 2 chiếc đều bị trúng tên lửa, Tomahawk 3 bị bắn rơi nhưng Tomahawk 4 do thiếu tá Al Lenski lái chỉ bị thương và thoát được.

Như vậy ta claim 4 F-105, Mỹ xác nhận 3 F-105 bị bắn rơi và 1 bị thương nặng.

Cũng trong ngày hôm đó còn diễn ra 1 trận của MiG-17 thuộc e923:

Chiều ngày 30, biên đội: Hồ Văn Quỳ, Nguyễn Văn Phi, Nguyễn Xuân Dung và Nguyễn Văn Thọ cũng xuất kích từ Hòa Lạc, đánh tại khu vực tây nam Hòa Bình 15km. Do ra-đa dẫn đường bắt địch không tốt, biên đội phải vòng đi, vòng lại nhiều lần. Mọi nỗ lực của kíp trực ban dẫn đường đều không thành.

Aces&Aerial Victories ghi lại 1 trận khác:

Sáng 30/4, biên đội Rattler là biên đội thứ 3 và cuối cùng vào đánh ga xe lửa ở đông bắc Bắc Giang. Biên đội bị 3 MiG-17 tấn công khi đang tiếp cận mục tiêu. Rattler 1 bổ nhào ném bom, sau đó leo cao và thấy 2 MiG-17 ở góc 11h, cự ly khoảng 3000ft và độ cao khoảng 3000ft. Rattler 1 thả thùng dầu phụ, bật tăng lực truy đuổi 2 chiếc MiG này. Ở cự ly khoảng 1000ft Rattler bắt đầu khai hỏa cannon, bắn khoảng 100 viên 20mm trúng vào cánh trái và phần thân phía trước. MiG bốc cháy, chậm chạp mất độ cao rồi biến mất.

Theo USAF F-4 & F-105 MiG Killers, F-105D 60-0498 mật danh Rattler 1 thuộc phi đoàn 44, không đoàn 355 KQ Mỹ do đại úy Thomas C. Lesan lái.


Tài liệu ta không ghi nhận tổn thất nào. Căn cứ vào khu vực diễn ra trận đánh, biên đội MiG-17 này có thể thuộc đoàn Z.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Ba, 2012, 08:32:40 am gửi bởi Tunguska » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #235 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2011, 06:12:57 pm »

Theo LS dẫn đường KQ:

Sáng 1 tháng 5 năm 1967, sau khi nghiên cứu các tốp địch trên hướng tây nam Hà Nội, các thủ trưởng trực chỉ huy Nguyễn Văn Tiên và Lê Oánh đã quyết định cho biên đội MiG-17; Nguyễn Văn Bảy-số 1, Lê Sĩ Diệp-số 2, Võ Văn Mẫn-số 3 và Nguyễn Bá Địch-số 4, đang trực chiến tại Hòa Lạc, xuất kích. Kíp trực ban dẫn đường tại sở chỉ huy Binh chủng: Nguyễn Văn Chuyên và Trung đoàn không quân 923: Hà Đăng Khoa thực hiện dẫn phối hợp. Biên đội MIG-17 cất cánh đúng thời cơ, bay vào khu chiến Hòa Bình-suối Rút, gặp một tốp lớn 20 chiếc của địch ở độ cao thấp. Sở chỉ huy dẫn vào tiếp địch với góc nhỏ 35 độ. Biên đội phát hiện địch ở cự ly 4km, rất nhiều F-4 và F-105 đi trong đội hình hỗn hợp. Ta phải không chiến 11 phút, dài chưa từng có. Số 1, 2 và 4 đều nổ súng. Hai phi công Lê Sĩ Diệp và Nguyễn Bá Địch, mỗi người bắn rơi 1 F-4. Nhưng sau đó, số 4 hy sinh, do bị trúng tên lửa địch. Các số còn lại về Gia Lâm hạ cánh.

Theo các tài liệu Mỹ, trong ngày 1/5/67 chỉ có 1 RF-8 bị rơi do trục trặc, ngoài ra không có tổn thất nào, có 3 MiG bị máy bay của KQ và HQ Mỹ hạ:

- F-8E 15-0923 do thiếu tá M. O. Wright lái thuộc phi đoàn 211, không đoàn 21 HQ Mỹ trên TSB Bon Homme Richard. Ngày 1/5/67 Wright nằm trong biên đội yểm hộ A-4 Iron Hand vào đánh sân bay Kép. Ở cách Hà Nội 35 dặm về phía bắc Wright tiếp cận phía sau 1 MiG-17 đang truy đuổi A-4 và bắn hạ bằng 1 tên lửa AIM-9.

- A-4 14-8609 do trung tá T. R. Swartz lái thuộc phi đoàn 76, không đoàn 21 HQ Mỹ trên TSB Bon Homme Richard. Ngày 1/5/67 Swartz là chỉ huy biên đội chế áp PK để yểm hộ cho HQ Mỹ vào đánh sân bay Kép. Tại khu vực sân bay, Swartz đụng MiG-17 và 2 bên cơ động quần vòng. MiG bỏ cuộc và vòng trở về sân bay, Swart tiếp cận từ phía sau và bắn 3 phát rocket Zunis 127mm hạ chiếc MiG này.

- F-4C 63-7577 do trung tá Robert G. Glider và trung úy Mack Thies mật danh Stinger 1 thuộc phi đoàn 390, không đoàn 366 KQ Mỹ ở căn cứ Đà Nẵng. Ngày 1/5/67, biên đội Stinger làm nhiệm vụ MiGCAP, yểm hộ cho F-105 bay RESCAP thì phát hiện MiG-17 tiếp cận từ hướng 12h. Stinger 1 cơ động được vào vị trí phía sau 1 MiG và lần lượt bắn 4 tên lửa AIM-7 và AIM-9. MiG đều cơ động tránh được nhưng đến lần thứ 4 thì bị đâm xuống đất.

Các tư liệu của ta xác nhận trong ngày 1/5/67 có 3 phi công hy sinh: thiếu úy Nguyễn Bá Địch thuộc c1/e923 và 2 phi công BTT Ly-Txang-II và Bac-Đông-Dun thuộc đoàn Z.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Giêng, 2011, 09:35:59 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #236 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2011, 07:45:16 pm »

Theo các tài liệu Mỹ:

Ngày 4/5/1967, không đoàn 8 ở căn cứ Ubon (TL) điều 2 biên đội F-4C làm nhiệm vụ MiGCAP, yểm hộ cho 5 biên đội F-105 thuộc không đoàn 355 làm nhiệm vụ không kích. Đại tá Robin Olds, không đoàn trưởng chỉ huy biên đội F-4C bay phía sau, trong khi biên đội F-4C còn lại bay xen kẽ với cường kích.

Olds nhận được tín hiệu cảnh báo MiG và ngay sau đó trợ thủ của Olds cũng phát hiện 2 chiếc MiG-21 xuất hiện ở hướng 11h, tấn công biên đội F-105 bay sau cùng. Olds cảnh báo cho F-105 và dẫn biên đội tiếp cận MiG. Trong quá trình cơ động, Olds khóa được mục tiêu vào 1 chiếc MiG và bắn 2 quả AIM-7. Quả thứ nhất bay theo quán tính, trong khi quả thứ 2 được dẫn nhưng đi trượt qua mục tiêu và không nổ. Biết rằng cự ly quá gần để bắn AIM-7 tiếp, Olds cơ động để có cự ly bắn AIM-9 và khai hỏa 2 tên lửa nhưng MiG cơ động rất mạnh và cả 2 tên lửa đều không quan sát được. MiG vòng lại và ở vào vị trí thuận lợi cho AIM-9, Olds bắn tiếp 1 quả AIM-9 được lái thẳng vào chiếc MiG và nổ phía dưới phần đuôi khoảng 5-10ft.

MiG bắt đầu 1 loạt những vòng ngoặt rất gấp. Lửa xuất hiện từ phía đuôi nhưng Olds không chắc đó là do bị tên lửa bắn hay MiG bật tăng lực. Olds bắn tiếp 1 AIM-9 nhưng quả tên lửa này bị đâm hướng xuống đất. Olds tiếp tục bám theo khi MiG ngừng cơ động và bay bằng về hướng sân bay Phúc Yên. Olds giữ cự ly phía sau khoảng 2500ft và quan sát thấy lửa trắng ở phần đuôi bên trái. Số 3 trong biên đội quan sát thấy chiếc MiG đâm xuống đất khoảng 100 yard phía nam đường băng.






F-4C 63-7668 mật danh Flamingo 1 thuộc phi đoàn 555, không đoàn 8 KQ Mỹ, do đại tá Robin Olds và trung úy William D. Lafever lái.

Tài liệu của ta không nhắc gì đến trận đánh này.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #237 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2011, 06:50:26 pm »

Theo LS dẫn đường KQ:

Ngày 12 tháng 5 năm 1967, địch vào từ hướng tây nam, phần lớn lực lượng của chúng đánh thẳng vào Hà Nội và số còn lại vòng qua Sơn Dương theo dãy Tam Đảo đánh xuống. Thủ trưởng trực chỉ huy Binh chủng Nguyễn Văn Tiên quyết định cho MIG-17 đánh trước ở vòng trong và MiG-21 đánh sau ở vòng ngoài (Đôi bay MiG-21 Lê Trọng Huyên-Đồng Văn Song cất cánh từ Nội Bài, đánh tại khu vực Mai Châu-vạn Yên lúc 16 giờ 45. Phi công Đồng Văn Song bắn rơi 1 F-105). Các trực ban dẫn đường Đào Ngọc Ngư, Phạm Từ Tịnh tại sở chỉ huy Binh chủng chịu trách nhiệm dẫn chính và Đỗ Cát Lâm tại sở chỉ huy Trung đoàn 923 đảm nhiệm dẫn bổ trợ. Biên đội MIG-17: Cao Thanh Tịnh-số 1, Lê Hải-số 2, Ngô Đức Mai-số 3 và Hoàng Văn Kỷ-số 4, sau khi cất cánh khỏi sân bay Gia Lâm lúc 15 giờ 31 phút (Bản can trận đánh), lập tức được dẫn vòng trái, qua phía bắc Hà Nội, vào khu chiến trên đỉnh Hòa Lạc. Sở chỉ huy Binh chủng dẫn vào đánh tốp bay thấp với góc tiếp địch 120 độ. Đài chỉ huy bổ trợ tại sân trực tiếp thông báo vị trí mục tiêu và dẫn máy bay ta bám địch. Số 1 phát hiện cả F-4 và F-105 ở cự ly 6km. Biên đội không chiến 4 phút. Các phi công Cao Thanh Tịnh bắn rơi 1 F-105, Ngô Đức Mai và Hoàng Văn Kỷ, mỗi phi công bắn rơi 1 F-4. Biên đội Cao Thanh Tịnh- Lê Hải-Ngô Đức Mai-Hoàng Văn Kỷ đã ghi tên mình vào danh sách những biên đội MIG-17 đánh đạt hiệu quả cao nhất của không quân ta. 15 giờ 50 phút (Bản can trận đánh), đôi bay MiG-17: Phạm Thanh Tài và Nguyễn Hữu Điệt cất cánh cũng từ sân bay Gia Lâm, nhưng vòng phải, qua phía nam Hà Nội, vào khu vực Sơn Tây-hòa Lạc để yểm hộ cho biên đội Tịnh-Hải-Mai-Kỷ. Sau đó, tất cả về Gia Lâm hạ cánh. Trong khi không chiến còn đang diễn ra tại Hòa Lạc, sở chỉ huy Binh chủng dẫn tiếp biên đội MiG-17: Dương Trung Tân, Phan Trọng Vân, Trương Văn Cung và Nguyễn Văn Thọ cất cánh từ Nội Bài, vào khu vực Phúc Yên-Vĩnh Yên đánh địch từ phía tây triền Tam Đảo xuống. Với góc vào tiếp địch 100 độ, biên đội phát hiện tốp lớn, toàn F-105, cự ly 5km. Ta vào không chiến chủ động, địch quẳng bom đối phó. Tuy không bắn rơi, nhưng biên đội đã cản phá được tốp cường kích, không cho chúng vào đến Hà Nội. Đây cũng là những trận mà các kíp trực ban dẫn đường đã dẫn thành công MIG-17 đánh liên hoàn, trận nối trận và đánh có yểm hộ khu vực. Ngày 12 tháng 5 năm 1967 là một trong những ngày dẫn đánh địch đạt hiệu quả cao nhất của mặt trận trên không trong năm 1967.

VN Air Losses xác nhận F-4C 63-7614 thuộc phi đoàn 390, không đoàn 366 KQ Mỹ ở căn cứ Đà Nẵng do đại tá Norman Carl Gaddis và trung úy James Milton Jefferson lái bị bắn rơi. Chiếc F-4C của Gaddis thuộc biên đội bay tuần phòng yểm hộ cho F-105 vào đánh 1 doanh trại ở Hà Đông. Trong khi rời mục tiêu Gaddis bị trúng đạn cao xạ và tụt lại phía sau và bị MiG-17 bắn hạ gần sân bay Hòa Lạc. Tổ bay nhảy dù, Jefferson chết còn Gaddis bị bắt làm tù binh.

Gaddis là phi công từ năm 1944, từng tham gia chiến tranh Triều Tiên. Đây là đại tá Mỹ đầu tiên bị QĐNDVN bắt làm tù binh.



MiG-17 2011 của Ngô Đức Mai ở BT không quân (Ảnh mohinhvn).



Norman Gaddis với quân hàm chuẩn tướng.





Gaddis bị bắt giữ.

Theo Clashes thì trước trận đánh chiếc F-4C của Gaddis đã bị trục trặc ở động cơ, không bật được tăng lực.

Trong ngày hôm đó KQ Mỹ còn mất 2 F-105, trong đó 1 F-105F mất tích khi đánh bến phà Ròn ở Quảng Bình, 1 F-105D bị cao xạ bắn rơi khi đánh 1 kho hàng ở Nguyên Khê phối hợp với cuộc không kích Hà Đông. Không có ghi nhận thêm tổn thất do MiG.

Theo Aces&Aerial Victories, cũng trong ngày 12/5/1967 KQ Mỹ bắn rơi 1 MiG-17:

Đại úy Jacques A. Suzannes chỉ huy biên đội Crossbow gồm 4 F-105 làm nhiệm vụ chế áp cao xạ. Khi tới mục tiêu, biên đội bị 5 MiG-17 chặn đánh. Số 1 dẫn biên đội nghênh chiến và bám theo 2 chiếc MiG cơ động ngoặt phải. Số 1 tiếp cận tới cự ly 4000ft và bắn 1 loạt cannon khoảng 200 viên. MiG ngoặt trái, số 1 tiếp tục bắn thêm 1 loạt ở cự ly 800-1000ft cho tới cự ly tối thiểu. MiG tiếp tục mất độ cao và biến mất trong mây ở độ cao khoảng 1000ft. Số 2 quan sát thấy MiG lao xuống và 1 quầng sáng trên mặt đất ở vị trí mà chiếc MiG biến mất.

Theo USAF F-4&F-105 MiG Killers, F-105D 61-159 mật danh Crossbow 1 thuộc phi đoàn 333, không đoàn 355 KQ Mỹ ở căn cứ Takhli (TL).



F-105D 61-159.


Tổng kết:
- Ta claim 2 F-105, 2 F-4, Mỹ chỉ công nhận mất 1 F-4.
- Mỹ claim 1 MiG-17, ta không có xác nhận.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Hai, 2011, 07:36:53 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #238 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2011, 06:20:34 pm »

Hình như chưa có trận ngày 05/09/1966 của Nguyễn Văn Bảy và Võ Văn Mẫn hạ 02 F-8E?
Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #239 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2011, 06:24:00 pm »

Chắc đấy là trận 05/09/1966: http://www.quansuvn.net/index.php/topic,5477.msg226061.html#msg226061

Theo LS e923:

Ngày 5 tháng 9, biên đội trực chiến gồm Nguyễn Văn Bảy (số 1) và Võ Văn Mẫn (số 2) đã phải chịu đựng cái nóng nắng gay gắt. Buổi sáng không quân địch đã tổ chức vào đánh cầu Họ, cầu Sắt và khu vực Bình Lục- Nam Hà. Trời đã về chiều nhưng cả biên đội và các thành phần trực chiến vẫn ở tư thế sẵn sàng.

16 giờ 30 phút, được lệnh cất cánh, theo sự dẫn đường của mặt đất biên đội đã tới khu vực Phủ Lý, Nam Định.

Sở chỉ huy thông báo: phía trước có địch!

Nguyễn Văn Bảy nhanh chóng phát hiện hai máy bay địch phía trước bên phải khoảng 30km ở cao độ từ 1800 đến 2000m. Biên đội trưởng nhanh chóng thông báo cho số 2 rồi vứt thùng dầu phụ và tăng lực vọt lên độ cao 1500 mét tiếp địch. Phát hiện có máy bay MIG, chiếc F-8 tăng lực luồn qua đám mây để chạy nhưng Nguyễn Văn Bảy phán đoán chính xác đường bay của địch. Anh không lượn vòng đuổi theo mà lợi dụng kẽ hở giữa hai đám mây xuyên qua cắt bán kính chặn địch. Do tốc độ lớn nên máy bay ta bị soãi ra ngoài nhưng Bảy đã kịp thời ép độ nghiêng. Lúc đó chiếc F-8 thứ hai vòng ra. Khi còn cách địch khoảng 400, 500m Nguyễn Văn Bảy liền nổ súng, đạn lệch trái. Anh hiệu chỉnh đường ngắm và bắn loạt thứ hai trúng buồng lái chiếc F-8 khiến nó lật nghiêng. Bảy bồi tiếp loạt đạn thứ ba chiếc F-8 bốc cháy rồi lao thẳng xuống đất. Trong khi số một công kích, số 2 Võ Văn Mẫn luôn bám sát yểm hộ cho biên đội trưởng. Khi thấy máy bay địch bốc cháy, quan sát phía sau không có gì uy hiếp, Võ Văn Mẫn vọt lên phía trước lao vào công kích chiếc F-8 số 1. Nguyễn Văn Bảy hô to: "Bình tĩnh, có tôi yểm hộ!". Như tiếp thêm sức lực, Võ Văn Mẫn tiếp cận tới cự ly khoảng 400, 500 mét anh liền nổ súng nhưng loạt đầu không trúng. Anh vào gần hơn bắn liền ba loạt. Máy bay địch bốc cháy rồi lao xuống đất. Sau khi diệt gọn cả tốp hai chiếc F-8, Nguyễn Văn Bảy và Võ Văn Mẫn giữ vững đội hình thực hành hạ cánh an toàn tại sân bay Gia Lâm. Lúc đó là 16 giờ 49 phút.

Đây là một trận đánh xuất sắc của Trung đoàn 923 nó diễn ra chớp nhoáng, địch hoàn toàn bất ngờ khi phát hiện ra máy bay ta chúng đã bị tiến công và bắn rơi (Từ lúc cất cánh đến khi hạ cánh an toàn có 19 phút!) Do nắm vững thời cơ, trung đoàn đã cho biên đội xuất kích kịp thời đánh vào đợt hoạt động cuối cùng trong ngày nên chúng chủ quan và bị ta diệt gọn cả tốp. Trong thực hành chiến đấu các chiến sĩ lái đã dũng cảm mưu trí vận dụng tốt chiến thuật xạ kích: bắn gần, bắn mãnh liệt và bắn rơi tại chỗ (Do bắn quá gần nên ba mảnh mê ca của nắp buồng lái chiếc F-8 lọt vào ống dẫn khí của máy bay do Võ Văn Mẫn lái. Hồ sơ 223 năm 1966 – Tổng kết trận chiến đấu trên không ngày 5-9-1966 do thiếu tá Trần Thuyết, Tham mưu trưởng Trung đoàn 923 ký).


Theo VN Air Losses, ngày 05/09/66, biên đội 2 F-8E thuộc phi đoàn 111 HQ Mỹ trên TSB Oriskany bị MiG-17 tấn công bất ngờ trên vùng trời Ninh Bình. Cả 2 chiếc F-8E đều trúng đạn cannon, trong đó F-8E 15-0986 do Đại úy Wilfred K. Abbott lái bị bắn rơi, phi công nhảy dù và bị bắt làm tù binh.

Như vậy ta claim 2 F-8E, Mỹ công nhận 1 bị bắn rơi và 1 bị thương. Phía ta không có tổn thất.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM