Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:20:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh đường không trên bầu trời Miền Bắc  (Đọc 342911 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #210 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2010, 06:47:08 pm »

Chiến dịch Bolo
(tổng hợp các tài liệu Mỹ)

Hoạt động của MiG nhằm vào các phi đội không kích cuối năm 1966 trở nên cao 1 cách bất thường và đòi hỏi phải có biện pháp đối phó. Hoạt động từ 5 sân bay chính: Phúc Yên (Nội Bài), Kép, Gia Lâm, Kiến An và Cát Bi, MiG không bị đe dọa chừng nào vẫn đỗ trên mặt đất. Nhà Trắng vẫn ngăn cấm việc ném bom các sân bay cho đến 23/4/1967. Nhờ có sự miễn trừ này, MiG có thể tiến hành các cuộc tấn công nghi binh vào các phi đội không kích, buộc họ phải thả bom sớm. Nhưng thay vì đối đầu trong không chiến, sau đó MiG sẽ rút lui và trở về nơi yên ổn của mình. Phức tạp hơn, những chiếc MiG-21 đời mới mang theo tên lửa dẫn bằng radar hoặc tầm nhiệt, tạo thành mối đe dọa trực tiếp tới máy bay Mỹ.

Do việc tiêu diệt MiG trên mặt đất vẫn bị cấm vì lý do chính trị, chỉ huy TĐKQ 7 Mỹ chọn 1 phương án khác. Ngay từ đầu cuộc chiến - tháng 4/1965 - bộ chỉ huy Mỹ đã quan tâm tới việc tiến hành 1 chiến dịch không kích nhử mồi nhằm dụ MiG lên không và bắn hạ họ. Nhiệm vụ tiến hành chiến dịch này được giao cho đại tá Robin Olds, tư lệnh không đoàn 8 KQ Mỹ.

Bước đầu tiên của chiến dịch là nhử MiG cất cánh và tiêu diệt họ trong không chiến. Đồng thời trong lúc đó cũng phải khống chế toàn bộ các sân bay và các hành lang mà MiG có thể lợi dụng để ẩn nấp hay bay thoát sang TQ.

Lực lượng tham gia chiến dịch được tập hợp từ các không đoàn 355, 388, 8 và 366. Không đoàn 355 và 388 trang bị F-105 sẽ thực hiện các phi vụ Iron Hand như thường lệ. Không đoàn 8 trang bị F-4C trở thành Lực lượng phía Tây, có nhiệm vụ nhử MiG và khống chế vùng trời các khu vực nghi ngờ cũng như sân bay Phúc Yên và Gia Lâm. Không đoàn 366 trang bị F-4C trở thành lực lượng phía Đông, có nhiệm vụ khống chế sân bay Kép và Cát Bi cũng như các hành lang bay về phía bắc.

Lực lượng phía Tây sử dụng 1 thủ đoạn phức tạp nhằm ngụy trang F-4C thành các phi đội không kích F-105 với hy vọng MiG sẽ bị lừa, bay lên tấn công vào những gì họ tưởng là những chiếc F-105 mang bom nhưng thực ra sẽ là F-4 mang tên lửa đối không. Để thực hiện điều này, F-4 sẽ bay với cùng các thông số như F-105: cùng thời gian, cùng độ cao, cùng tốc độ, cùng hành lang bay, cùng khu tiếp liệu, cùng mật danh và phương thức thông tin liên lạc. Ngoài ra lần đầu tiên F-4C mang theo máy gây nhiễu QRC-160 để tín hiệu của họ sẽ xuất hiện trên màn radar giống như F-105.

Lực lượng Bolo gồm 14 biên đội F-4C (7 biên đội thuộc không đoàn 8 xuất phát từ căn cứ Ubon, 7 biên đội thuộc không đoàn 366 xuất phát từ căn cứ Đà Nẵng), 6 biên đội F-105 Iron Hand, cùng các biên đội KC-135, EC-121 và EB-66 hỗ trợ do 4 biên đội F-104 thuộc phi đoàn 435 ở Ubon hộ tống. Tổng cộng 56 F-4C, 24 F-105 và 16 F-104 tham gia chiến dịch. Với tính toán rằng MiG có thể bay trong khoảng 50 phút và không chiến trong 5 phút, thời gian tới mục tiêu của các biên đội được giãn cách 5 phút để đảm bảo F-4C sẽ duy trì khống chế được khu vực mục tiêu trong ít nhất 55 phút.

Dựa trên kế hoạch và dự báo khí tượng, ngày mở màn chiến dịch được chọn là 2/1/1967. Trước khi bắt đầu 3 ngày, toàn bộ các tổ bay được phổ biến về nhiệm vụ. Các phi công F-4 được phổ biến là không nên cố thử quần vòng với MiG. Các biên đội bay sau phải cảnh giới cho đồng đội, nhưng các biên đội bay trên vùng trời mục tiêu được phép sử dụng tên lửa không hạn chế, bất cứ máy bay lạ nào xuất hiện sẽ được coi là địch.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #211 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2010, 06:49:45 pm »

Nỗi uất ức của KQ Mỹ, chúng ta có thể thông cảm khi xem những hình ảnh sau:

Sân bay Nội Bài







Sân bay Kiến An



Tất cả đều là không ảnh từ máy bay trinh sát.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #212 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 08:27:32 pm »

Diễn biến chiến đấu


Ngày 2/1/1967, điều kiện khí tượng trên khu vực mục tiêu không tốt, dự báo có mây và sương mù nên thời điểm bắt đầu chiến dịch được hoãn lại 1 giờ để chờ thời tiết khá hơn. Lúc 12h25, các biên đội Olds (do Robin Olds chỉ huy), Ford và Rambler lần lượt cất cánh. Đến 12h55, tới lượt các biên đội Vespa, Plymouth, Lincoln và Tempest. Ngoài lực lượng Bolo, tất cả các phi vụ khác đều hủy bỏ để dụ MiG tập trung vào trận đánh này.

Khi tới khu vực tiếp nhiên liệu, Tempest 1 phát hiện có vấn đề trong tiếp dầu và do đó cùng với Tempest 2 quay về. Sau đó toàn bộ biên đội Tempest cũng rút lui do các phi công phát hiện máy gây nhiễu ECM của họ bị trục trặc.

Lúc 15h00 biên đội Olds tới mục tiêu, tiếp theo là Ford lúc 15h05 và Rambler lúc 15h10. Để nghi binh, các phi công F-4 bắt chước cách liên lạc của F-105 như yêu cầu kiểm tra Doppler (trong khi F-4 trang bị INS) hay Olds yêu cầu biên đội "green up" (thuật ngữ về kích hoạt bom của phi công F-105).

Biên đội Olds dự kiến sẽ đụng MiG ở khu vực sông Hồng hay sân bay Nội Bài. Tuy nhiên do điều kiện thời tiết không thuận lợi, KQ BVN không tính đến 1 cuộc không kích nên phản ứng của họ đối với lực lượng Bolo chậm hơn nhiều so với dự kiến. Biên đội Olds bay tuần trên các hành lang phía trên và tây nam Phúc Yên không thấy có MiG và chuyển hướng lên phía tây bắc. Biên đội thứ 2 tiến vào khu vực vài phút sau đó. Do MiG chưa xuất hiện, Olds phải hủy bỏ lựa chọn khai hỏa không hạn chế để khỏi bắn lầm vào nhau.

Màn mây khiến Lực lượng phía Tây không thể khống chế được các sân bay mà MiG có thể lợi dụng để phục hồi. Nó cũng giúp MiG dễ dàng rút khỏi trận đánh bằng cách bổ nhào vào trong mây. Thời tiết cũng ảnh hưởng tới Lực lượng phía Đông có nhiệm vụ khống chế sân bay khi họ không thể tiến vào khu vực tác chiến và không phát hiện được MiG.

Khi bay về hướng tây bắc Phúc Yên, biên đội Olds phát hiện trên màn radar tín hiệu bay thấp và nhanh ở cự ly 17 dặm trên hướng 12h. Olds 3 được cử bám theo nhưng sau khi leo tới đỉnh màn mây, Olds 3 mất dấu khi chiếc máy bay kia lướt qua phía dưới biên đội. Olds 1 trở lại vị trí dẫn đầu và leo cao tới 12000ft hướng về phía dãy Tam Đảo. Biên đội Ford tiến vào khu vực và phát hiện MiG đang tiếp cận biên đội Olds ở hướng 6h. Trận không chiến tốc độ cao bắt đầu và diễn ra trong 15 phút, toàn bộ trong khu vực bán kính 15 dặm với tâm là sân bay Nội Bài. Các phi công MiG tỏ ra quyết liệt.

Olds 3 thấy 1 MiG ở góc 6h, Olds 1 thấy 1 MiG ở góc 8h và Olds 2 thấy 1 MiG ở góc 10h. Cả 3 ngoặt sang trái và lách vào giữa chiếc MiG thứ 2 và thứ 3. Olds 1 bắn 2 quả AIM-7E không dẫn thành công, trong khi MiG số 3 tiến vào góc 6h của 3 chiếc F-4. Olds 1 bắn tiếp 2 AIM-9 ngay lập tức bị lái vào mây. Lúc này Olds 2 khóa được mục tiêu bằng quang học (boresight), chuyển sang radar và bắn liền 2 AIM-7E. Quả thứ 1 rời bệ nhưng không quan sát được, quả thứ 2 lái theo MiG (khoảng cách 1,5-2 hải lý) và nổ ngay phía trước cánh đuôi. 1 quả cầu lửa bùng lên, MiG lao qua nó vài giây và rồi bung những mảnh lớn trên thân ra. Chiếc MiG xoáy tròn và xoay một cách chậm chạp cho đến khi biến mất trong mây.

Khoảng 60s sau Olds 4 hạ chiếc MiG thứ 2. Họ truy theo chiếc MiG có vẻ là đang định bám đuôi Olds 3. Nhận được tín hiệu AIM-9 yếu, Olds 4 tăng thêm nguồn, leo cao thêm 1 chút và tín hiệu trở nên hoàn hảo. Olds 4 khai hỏa sau khi công tắc radar-nhiệt được chuyển sang vị trí nhiệt, tên lửa được dẫn thẳng vào chiếc MiG. Tên lửa đâm vào phía trước đuôi, MiG trở nên mất điều khiển và rơi nhanh xuống, tỏa theo 1 vệt khói.

Lúc này chiến thuật của MiG trở nên rõ ràng. Được dẫn đường từ mặt đất, 2 chiếc MiG tấn công từ hướng 10h và 12h, trong khi những chiếc khác đồng loạt xuất hiện từ hướng 5h đến 7h. Mục đích của chiến thuật này là buộc F-4 phải vòng lại để đối phó với MiG ở phía sau, tạo điều kiện cho những chiếc MiG ở hướng 10h và 12h vào thế tấn công vào sau lưng F-4.

Olds 1 thấy 1 MiG xuất hiện ở hướng 6h, có vẻ do tình cờ hơn là chủ định. Olds 1 ngoặt gấp về bên trái để thu hút sự chú ý của phi công MiG, chờ Olds 3 và 4 tấn công chiếc này. Cùng lúc đó Olds 1 thấy 1 MiG khác lao ra từ trong mây với vòng ngoặt rộng ở hướng 11h, cự ly 1,5 dặm. Olds 1 bỏ qua chiếc MiG đầu tiên và khai hỏa vào chiếc thứ 2 nhưng MiG biến mất vào trong mây. Olds 1 thấy 1 MiG khác ở hướng 10h đang di chuyển từ phải sang trái so với chiếc F-4. Olds 1 bật tăng lực toàn phần, ngóc mũi lên 45 độ, lượn sang phải và tiến vào vòng lượn của chiếc MiG. Olds 1 leo cao phía trên, chờ cho chiếc MiG hoàn thành thêm vòng lượn của mình rồi đảo xuống phía sau. Ở góc khoảng 20 độ và cự ly 4500-5000ft phía sau, Olds 1 bắn 2 AIM-9, 1 trong đó trúng vào cánh. MiG chìm trong lửa, rơi xuống và biến mất trong mây. Không ai quan sát thấy phi công nhảy dù. Sau khi kiểm tra nhiên liệu, Olds ra lệnh cho biên đội quay về.

Lúc 15h04, biên đội Ford bị 3 MiG tấn công - 2 từ hướng 10h và đồng thời 1 từ hướng 6h. Ban đầu Ford 1 định phản công 2 chiếc MiG ở phía trước, nhưng sau khi phi công phụ phát hiện MiG ở phía sau và đã vào đến tầm tên lửa đối với Ford 3 và 4, Ford 1 vội vã ngừng tấn công. Ford 1 vòng gấp sang phải và thấy chiếc MiG bay thấp phía dưới. Khi Ford 3 và 4 ngoặt phải gấp theo cảnh báo của Ford 1, MiG cũng ngoặt trái không rõ nguyên nhân. Ford 1 thực hiện vòng ngoặt barrel roll để tách ra và bắn 1 AIM-9. Tên lửa trượt khi MiG tăng tốc và ngoặt gấp sang trái. Ford 1 yêu cầu Ford 2 bám theo trong khi chuyển sang 2 chiếc MiG ban đầu giờ đang ở trong tầm bắn ở vị trí đối đầu. Ford 1 nhận được tín hiệu tốt và lần lượt bắn 2 AIM-9 sau đó chuyển về vị trí hộ vệ cho Ford 2. Kết quả tên lửa bắn không rõ.

Ford 2 cơ động vào vị trí 6h ở cự ly 3500ft so với MiG. Ford 2 bắn 1 AIM-9B trúng vào đuôi chiếc MiG. MiG chậm chạp xoáy tròn rơi xuống và sau đó bùng cháy, biến mất trong mây. Sau đó biên đội Ford cũng rời khu vực.

Rambler, biên đội thứ 3 của Lực lượng phía Tây giao chiến 2 trận độc lập. Rambler 1 đã theo dõi Olds và Ford trên radio và hỏi xem có cần hỗ trợ không nhưng đều không nhận được phản hồi. Gần Phúc Yên, Rambler 2 thấy MiG ở hướng 3h, cự ly 6 hải lý xuất hiện từ trong mây đang bay hướng 20 độ với 1 vòng ngoặt trái đơn giản. Tuy nhiên do trục trặc radio nên Rambler 2 không thông báo được cho biên đội và tự mình đi trước - 1 phương án đã được phổ biến trước cho các thành viên trong 1 biên đội khi gặp MiG. Rambler 4 cũng thấy biên đội 4 MiG-21 và thêm 2 chiếc nữa ở phía sau, cự ly 2-3 dặm. Rambler 1 thấy 2 MiG trong số đó bay qua ở vị trí 3h, khoảng 4000ft phía dưới và cự ly 2 hải lý. Khi biên đội Rambler đến gần, MiG đi đầu ngoặt trái và Rambler 1 bám theo. Điều này đặt Rambler 4 ra ngoài đội hình, và họ phải leo cao để tránh các thành viên khác của biên đội đang hướng vào họ.

Bay với tốc độ 540 knot ở độ cao 16000ft, Rambler 4 thấy 4 MiG-21 bay theo đội hình lỏng lẻo ở hướng 2h phía dưới, cự ly 608 dặm. Khoảng 2 dặm phía sau có thêm 2 chiếc nữa. Trượt sang phải, Rambler 4 bật tăng lực và khóa được mục tiêu bằng quang học. Rambler chọn chế độ radar, bám theo chiếc MiG và bắn 2 AIM-7. Ở 12000ft, Rambler 4 quan sát thấy quả thứ 2 nổ ở đuôi chiếc MiG, kéo theo 1 quả cầu lửa và 1 chiếc dù.

Trong khi đó, Rambler 1 và 2 đang tấn công MiG số 1 và 2 thuộc biên đội 4 chiếc thì 2 chiếc MiG khác cơ động nhằm giành ưu thế, ban đầu là thu hút sự chú ý của F-4. 1 chiếc bay qua phía dưới giữa 2 chiếc F-4, trong khi chiếc kia khai hỏa cannon nhưng không có kết quả. Rambler 1 ngoặt phải và sau đó vòng lại trái để tiếp tục tấn công 2 MiG ban đầu, trong khi đó mất dấu Rambler 2, lúc này đã nhập với Rambler 4 mà anh ta tưởng lầm là Rambler 1. Rambler 1 bám sát 2 chiếc MiG và bắn 3 AIM-7, quả thứ 2 nổ ở đầu cánh, MiG bốc cháy và phi công nhảy dù.

Rambler 3 đang tấn công 1 MiG, có thể là số 4 trong biên đội. Rambler 3 khóa mục tiêu ở cự ly 2,5 dặm và bắn 2 AIM-7 từ cự ly 1,5 dặm. Quả thứ 1 không dẫn và quả thứ 2 theo chiếc MiG biến vào trong mây, không quan sát được kết quả.

Vài phút sau, biên đội Rambler có trận đánh thứ 2. Rambler 1 phát hiện 3 tín hiệu radar ở bên phải 30 độ và cự ly 12 dặm. Rambler 1 ngoặt phải để xác định và sau đó quan sát thấy thêm 2 MiG ở hướng 10h hoặc 11h, cự ly 3 dặm đang ngoặt trái. Rambler 1 định bám theo và bắn AIM-9 nhưng không thành vì ngay lúc đó Rambler 3 cảnh báo đang có MiG bám đuôi 1 chiếc F-4. Rambler 1 thấy 1 MiG ở hướng 7h, cự ly 700ft đang khai hỏa. Rambler 1 ngoặt gấp vào chiếc MiG, sau khi cải bằng anh ta mất dấu cả chiếc MiG lẫn trợ thủ của mình.

Rambler 2 và 4 bám đuôi 2 chiếc MiG, MiG tách ra, 1 sang trái và xuống, 1 sang phải và lên. Rambler 2 bắn 2 AIM-7 vào chiếc MiG, quả thứ 2 bắn trúng và chiếc MiG phát nổ. Rambler 2 bay qua đám mảnh vụn gây ra 1 số hư hại cho phần dưới của máy bay và nhìn thấy phi công MiG nhảy dù. Rambler 2 tiếp tục bắn 1 AIM-7 vào 1 MiG khác nhưng tên lửa bay qua cách 2000ft phía trước chiếc MiG.

Rambler 4 bắn 2 AIM-7 vào chiếc MiG mà họ truy đuổi nhưng không quả nào trúng. Rambler 4 sau đó bắn tiếp 4 AIM-9, 2 quả nổ gần MiG, và khi bắn nốt 2 quả kia, Rambler 4 được cảnh báo có MiG phía sau. Rambler 4 ngoặt gấp về bên phải và không quan sát được kết quả tên lửa.

Rambler 2 thấy thêm 2 MiG nhưng không thể tấn công vì radio trục trặc và anh ta không muốn phá vỡ đội hình với Rambler 4. Rambler 3 tấn công chiếc MiG đang truy đuổi Rambler 1 và bắn 1 AIM-7 khi chiếc MiG bổ nhào vặn xoắn về bên trái nhưng tên lửa có vẻ đã không nổ vì không quan sát được gì. Trước khi biên đội rời khu vực, 1 MiG tấn công Rambler 2 bằng cannon và 8-10 loạt rocket, nhưng Rambler 2 ngoặt trái gấp và thoát.    

Trận đánh đến đây là kết thúc, các biên đội còn lại của Bolo đều không gặp MiG.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Mười, 2010, 09:04:14 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #213 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 08:30:30 pm »

LS dẫn đường KQ của ta viết về trận này như sau:

Bước sang năm 1967, ta tiếp tục trực chiến từng biên đội và đều mang tên lửa. Trưa 2 tháng 1 năm 1967, địch tăng cường hoạt động ở phía Sầm Nưa và nhiều tốp đã hướng về Phú Thọ. Có thể chúng sẽ vào đánh Hà Nội theo các đường bay như mấy ngày đầu tháng 12 năm ngoái. Địch qua Phù Yên, Trung đoàn 921 xin đánh. 13 giờ 56 phút, biên đội thứ nhất: Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Đức Thuận, Nguyễn Đăng Kính và Bùi Đức Nhu rời đất và xuyên lên trên mây. Các trực ban dẫn đường: Nguyễn Văn Chuyên, Đào Ngọc Ngư tại Sở chỉ huy Quân chủng và Tạ Quốc Hưng tại sở chỉ huy Trung đoàn 921 thực hiện dẫn phối hợp. Biên đội thứ nhất đến Phù Ninh thì gặp 4 F- 4 từ Phú Thọ vào. Ta đuổi địch về đến phía tây của sân bay Nội Bài lại gặp 4 F-4 nữa. Trong tình thế rất khó khăn, cả 4 chiếc của ta đều bị địch bắn và phải nhảy dù. Đúng lúc đó biên đội thứ hai: Nguyễn Ngọc Độ-số 1, Đặng Ngọc Ngự-số 2, Đồng Văn Đe-số 3 và Nguyễn Văn Cốc-số 4 cất cánh. Vừa lên khỏi mây, biên đội thứ hai được dẫn vào tiếp địch với góc 120 độ. Số 1 phát hiện cả F-4 và F- 105, cự ly 8km. Sau đó hai bên quần nhau, số 1 bị địch bắn, nhưng nhảy dù an toàn, các số còn lại tách tốp thoát ly về hạ cánh.

Như vậy, tổng kết trận đánh, KQ Mỹ chính thức claim bắn hạ 7 MiG-21 do các tổ bay sau:

1.   F-4C 63-7589/FY mật danh Olds 2 thuộc phi đoàn 555 do trung úy Ralph F. Wetterhahn và trung úy Jerry K. Sharp, dùng AIM-7E.
2.   F-4C 63-7683/FY mật danh Olds 4 thuộc phi đoàn 555 do đại úy Walter S. Radeker III  và trung úy James E. Murray III, dùng AIM-9B.
3.   F-4C 63-7680/FP mật danh Olds 1 thuộc phi đoàn 555 do đại tá Robin Olds và trung úy Charles C. Clifton, dùng AIM-9B.
4.   F-4C 63-7710/FY mật danh Ford 2 thuộc phi đoàn 555 do đại úy Everett T. Raspberry, Jr.và trung úy Robert W. Western, dùng AIM-9B.
5.   F-4C 64-0838/FG mật danh Rambler 4 thuộc phi đoàn 433 do thiếu tá Philip P. Combies và trung úy Lee R. Dutton, dùng AIM-7E.
6.   F-4C 64-0720/FG mật danh Rambler 1 thuộc phi đoàn 433 do đại úy John B. Stone và trung úy Clifton P. Dunnegan, Jr, dùng AIM-7E.
7.   F-4C 63-7652/FG mật danh Rambler 2 thuộc phi đoàn 433 do trung úy Lt. Lawrence J. Glynn, Jr. và trung úy Lawrence E. Cary, dùng AIM-7E.

Phía ta công nhận 5 MiG-21 của e921 bị bắn rơi, phi công nhảy dù an toàn, gồm:
1.   Vũ Ngọc Đỉnh.
2.   Nguyễn Đức Thuận.
3.   Nguyễn Đăng Kính.
4.   Bùi Đức Nhu.
5.   Nguyễn Ngọc Độ.

Trang này cho biết tài liệu VN thừa nhận ngoài 5 MiG bị bắn rơi còn 1 chiếc nữa phi công phải nhảy dù do hết dầu. Hiện em chưa tìm được tài liệu nào xác nhận điều này.

Về mặt chiến thuật, theo Clashes thì trong Bolo KQ Mỹ đã đạt được những ưu thế sau:
- Phi công có kinh nghiệm và được chuẩn bị tốt.
- Các trận không chiến diễn ra ở cao độ tương đối lớn (trên 10.000ft), nhờ đó tên lửa và radar hoạt động tốt.
- MiG dễ bị quan sát do trời trong với những đám mây đặc phía dưới và dễ bị nhận diện do màu sơn bạc trong khi F-4 sơn ngụy trang.
- Các trận đánh diễn ra với tốc độ cao và ít diễn ra cơ động gần.
- F-4 bắn nhiều AIM-7 dưới điều kiện lý tưởng: khóa mục tiêu hoàn toàn, không bị nhiễu địa vật.
- Ngay từ đầu trận đánh F-4 đã ở phía trên cao so với MiG.

Trong chiến dịch hiệu suất của tên lửa khá cao - tương đương với mức được kỳ vọng với 4/20 AIM-7 và 3/12 AIM-9 trúng mục tiêu và tỷ lệ này cho thấy phi công đã sử dụng tên lửa đúng cách. Tỷ lệ của AIM-9B đặc biệt ấn tượng, vì có 3 quả được chủ định bắn ở ngoài vùng hiệu quả để thu hút 1 chiếc MiG đang tấn công 1 F-4 nên tỷ lệ thành công của AIM-9B có thể được tính là 33%.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Mười, 2010, 06:03:34 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #214 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 08:35:28 pm »



Robin Olds, tư lệnh không đoàn 8 KQ Mỹ, tác giả của chiến dịch Bolo. Cựu phi công ace của WW2 với 12 chiến công (trong CTVN Olds claim bắn hạ thêm 4 MiG).



Tổ bay Olds 2.



Tổ bay Ford 2.



Tổ bay Rambler 2.



F-4C 64-0838.



F-4C 63-7589.



F-4C 63-7680.



F-4C 63-7683.



F-4C 63-7720.



F-4C 64-0720.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #215 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2010, 08:58:50 pm »











Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #216 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2010, 05:58:56 pm »

Địch qua Phù Yên, Trung đoàn 921 xin đánh. 13 giờ 56 phút, biên đội thứ nhất: Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Đức Thuận, Nguyễn Đăng Kính và Bùi Đức Nhu rời đất và xuyên lên trên mây. Các trực ban dẫn đường: Nguyễn Văn Chuyên, Đào Ngọc Ngư tại Sở chỉ huy Quân chủng và Tạ Quốc Hưng tại sở chỉ huy Trung đoàn 921 thực hiện dẫn phối hợp. Biên đội thứ nhất đến Phù Ninh thì gặp 4 F- 4 từ Phú Thọ vào.

Đọc một số phân tích trận này của đối phương và của cả LX thấy lặp đi lặp lại một ý là từ lúc 921 xin cất cánh đến khi SCH QC quyết định lâu quá. Khi SCH cho phép xuất kích thì F-4 đã khống chế sân bay Nội Bài, đôi nào lên khỏi mây bị bắn rơi luôn đôi đó chứ không thấy nói ta đuổi địch gì cả. Sách ta hình như có nói ta bắn rơi 2 F-4?

Mục tiêu của tụi Mỹ là bắn hạ hoặc khống chế không cho MIG quay về hạ cánh để cho hết dầu, nhưng đánh nhau ngay ở Nội Bài như thế thì nếu có trường hợp hết dầu thì chắc nhiều khả năng là bị mảnh vào thùng dầu hơn.
Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #217 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2010, 07:45:40 pm »

Đọc mô tả thì máy bay ta cũng quần nhau với bọn F được 1 lúc trước khi bị bắn hạ đấy chứ. Trận này các tài liệu chính thức của ta đều công nhận là thua trắng cả.

Tập phim của History Channel về Bolo:
http://www.youtube.com/watch?v=qTvunIg5mqg&feature=related
http://www.youtube.com/watch?v=vXa1v7zlfAc&feature=related
http://www.youtube.com/watch?v=ZMJEp6XoiXw&feature=related
http://www.youtube.com/watch?v=Hz1mHYvyXzk&feature=related
http://www.youtube.com/watch?v=Hz1mHYvyXzk&feature=related
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #218 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2010, 05:50:07 pm »

Theo Clashes và Aces&Aerial Victories:

Mặc dù bị tổn thất, trong ngày 3/1 và 4/1 MiG-21 BVN tiếp tục truy đuổi 1 máy bay trinh sát khí tượng RF-4C, buộc nó phải hủy bỏ nhiệm vụ. Ngày 5/1, không đoàn 8 quyết định lập thêm 1 cái bẫy nữa và cử 1 biên đội 2 F-4C bay sát nhau với tuyến đường tương tự được máy bay trinh sát sử dụng. Mục đích của việc này là để radar BVN lầm tưởng đây là 1 máy bay trinh sát duy nhất. Biên đội hoạt động trên khu vực được phép khai hỏa không hạn chế, bay ở độ cao 7000-7500ft nhưng hôm đó MiG không xuất hiện.

Ngày 6/1, biên đội Crab gồm 2 F-4C làm nhiệm vụ hộ tống 1 phi vụ không kích của F-105. Khi phi vụ này hủy bỏ do thời tiết, Crab được giao tiếp tục nhiệm vụ nhử mồi như hôm trước. Chiến thuật được lên kế hoạch trước là phát hiện MiG trên radar, cơ động F vào phạm vi bắn của AIM-7.

Crab phát hiện 4 MiG ở phía đông bắc Hà Nội 25 dặm và ngay lập tức tấn công. Crab 1 bắn 2 AIM-7 vào chiếc MiG dẫn đầu, quả thứ 2 trúng vào giữa thân và nổ. MiG bốc cháy và rơi xuống 1 cách không kiểm soát. Crab 2 cũng bắn 1 AIM-7D vào chiếc MiG đi đầu nhưng tên lửa không dẫn. Crab 1 tiếp tục tấn công MiG số 2, MiG bổ nhào vào trong mây. Quan sát thấy MiG số 3 và 4 ở vị trí 6h so với Crab 2, Crab 1 thực hiện barrel roll vào phía sau nhưng 2 chiếc MiG này cũng biến mất vào trong mây. Crab 1 tiếp tục ngoặt phải gấp, tin rằng MiG sẽ tiếp tục vòng lượn của mình.

Khi MiG số 3 và 4 xuất hiện từ trong mây, Crab 1 cơ động vào phía sau nhưng MiG quan sát thấy và vòng trở lại đối phó. Crab 1 nhằm vào MiG số 4 và lần lượt bắn 2 AIM-9B. Quả thứ 1 đi trượt 300-400ft phía sau chiếc MiG, quả thứ 2 sượt qua sát đuôi nhưng không nổ. 2 chiếc MiG vòng lại và trận đánh lúc này biến thành 1 loạt vòng lượt cắt kéo tốc độ thấp, Crab 1 tiếp tục bắn 1 AIM-9B nhưng trượt. MiG số 3 có vẻ đã nhận thấy bị rơi vào thế bất lợi và rời khu vực, MiG số 4 vẫn tiếp tục cơ động cắt kéo.

Crab 2 tiếp cận và khóa được mục tiêu vào chiếc MiG đang ngoặt leo cao về bên phải. Crab 2 di chuyển vào vị trí 5h, bắn 1 AIM-7D khóa mục tiêu hoàn toàn. MiG tiếp tục leo cao đến mức gần như thẳng đứng và có vẻ bị thất tốc. Khi quan sát tiếp, Crab 2 thấy MiG chúc mũi xuống 80 độ và xoay chậm chạp, tiếp đó cả 2 thấy phi công nhảy dù. Tên lửa do Cảb 2 bắn có vẻ không nổ nên MiG hoặc bị tắt động cơ, hoặc phi công mất điều khiển.


Theo USAF F-4 MiG Killers, F-4C 64-0389/FY mật danh Crab 1 do đại úy Richard Pascoe và trung úy Norman Wells, F-4C 64-0849/FY mật danh Crab 2 do thiếu tá Thomas Hirsch và trung úy Roger Strasshimmer. Cả 2 đều thuộc phi đoàn 555, không đoàn 8 KQ Mỹ ở căn cứ Ubon.





F-4C 64-0839/FY





F-4C 64-0849/FY

Theo LS dẫn đường KQ:

Ngày 6 tháng 1 năm 1967, kíp trực ban dẫn đường Quân chủng: Nguyễn Văn Chuyên dẫn tại sở chỉ huy, Phạm Từ Tịnh trên hiện sóng và Trung đoàn 921: Phạm Minh Cậy, Trần Đức Tụ dẫn tại sở chỉ huy. Biên đội Trần Hanh-số 1, Mai Cương (Mai Văn Cương)-số 2, Đồng Văn Đe-số 3 và Nguyễn Văn Cốc-số 4 được dẫn tiếp địch với góc vào 20 độ tại khu vực Việt Trì-phú Thọ. Số 1 phát hiện 2 F-4, 9km, nhưng bị nhiều tốp địch khác bám theo. Số 2 và số 3 đều bị địch bắn, nhưng số 2 nhảy dù an toàn, còn số 3 hy sinh.

Như vậy, chỉ trong hai ngày, MiG-21 bị tổn thất quá lớn, Quân chủng quyết định Trung đoàn 921 tạm ngừng xuất kích để rút kinh nghiệm. Những nguyên nhân chủ yếu là: Đã không phát hiện được thủ đoạn của địch là cho tiêm kích giả làm cường kích để nhử không quân ta lên đánh và dùng lực lượng tiêm kích đánh chính của chúng phục kích tại khu vực để bám theo máy bay ta khi xuyên lên trên mây. Ta chưa lường hết ảnh hưởng của điều kiện thời tiết và khả năng đánh địch bằng đội hình 4 chiếc của MiG-21. Dẫn đường cho biên đội Đỉnh-Thuận-Kính-Nhu cất cánh muộn, chỉ huy có tư tưởng nóng vội. Bộ Tư lệnh Binh chủng Không quân (được thành lập ngày 24 tháng 3 năm 1967) chỉ đạo cho các cơ quan và Trung đoàn 921 tập trung nghiên cứu, xây dựng cách đánh và cách dẫn đôi bay MiG-21 để tiếp tục đánh địch.


Theo LS e921:

Để đối phó với không quân tiêm kích của ta, không quân Mỹ đã áp dụng nhiều thủ đoạn chiến thuật mới. Do ta không nắm được ý đồ và thủ đoạn của chúng, lại nóng vội nên chỉ trong tháng 1 năm 1967, trung đoàn cho 3 biên đội xuất kích, không những ta không bắn rơi địch trái lại ta bị tổn thất 7 máy bay và 1 phi công hi sinh.

Trong nhiều ngày liền, địch vẫn áp dụng chiến thuật ấy, phục sẵn ở phía trên mây, các máy bay ta vừa cất cánh chưa kịp tập hợp đội hình chưa tới độ cao đã bị tấn công từ mọi phía, máy bay rơi, phi công phải nhảy dù.

Đứng trước tình hình đó, Quân chủng tạm thời cho Trung đoàn 92 1 dừng bay để rút kinh nghiệm tìm ra điểm yếu và sơ hở của mình. Trung đoàn tổ chức họp rút kinh nghiệm hai ngày liền để tìm ra nguyên nhân, rút ra bài học, tìm biện pháp khắc phục lấy lại khí thế và uy tín của đơn vị, nhất là cho MiG-21.

Sau khi bàn bạc, phân tích nghiên cứu về âm mưu, thủ đoạn, chiến thuật mới của địch, đồng thời tổng hợp tài liệu tin tức từ trên xuống dưới kể cả tin tức của mảng tình báo quốc gia, Quân chủng, trung đoàn mới thực sự nắm bắt được tình hình. Đó là do những hoạt động ráo riết và có hiệu quả ngày càng lớn của không quân ta trong thời gian vừa qua, đế quốc Mỹ lo ngại đã quyết định mở một chiến dịch đánh thẳng vào không quân ta lấy tên là "Quét sạch bầu trời".

Không quân Mỹ huy động một lực lượng lớn F-4 được trang bị hiện đại chuyên làm nhiệm vụ tiêm kích, tổ chức huấn luyện một tuần liền ở Thái Lan. Khi vào miền Bắc Chúng bay theo đội hình cường kích tốc độ chậm, ít di chuyển. Chúng ta không phát hiện ra chúng vì chúng bay nhiều tốp, máy bay ta ở tầng nào cũng gặp địch, chúng đã chiếm độ cao ưu thế. Đây là bài học lớn về nắm địch không những cho cán bộ chỉ huy các cấp mà cho cả đội ngũ phi công dẫn đường và sĩ quan tham mưu của ta. Khi máy bay ta vừa cất cánh mới xuyên mây lên, chưa kịp tập hợp đội hình tốc độ còn chậm, khó cơ động lại bị bất ngờ không tránh được tên lửa địch vì vậy tổn thất là khó tránh. Ta phải dừng lại chưa xuất kích để tìm ra cách đánh mới.


Như vậy trong trận này KQ Mỹ claim 2 MiG-21, phía ta công nhận (1 phi công hy sinh).
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #219 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2010, 06:47:25 pm »

Từ đầu năm 1967, mặt trận đối không trên bầu trời miền Bắc bắt đầu có sự tham gia của KQ CHDCND Triều Tiên.

http://www.quansuvn.net/index.php/topic,5366.msg79361.html#msg79361

Tại Hội nghị Thường trực Quân ủy Trung ương ngày 21 tháng 9 năm 1966, đồng chí Phùng Thế Tài - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân báo cáo: Bạn đề nghị cử một đơn vị không quân tình nguyện sang Việt Nam chiến đấu, sẽ tổ chức thành từng đại đội nằm trong đội hình trung đoàn không quân của ta, mặc quân phục Việt Nam, cùng sử dụng một sân bay. Bạn có thể đưa sang nhiều nhân viên kỹ thuật, nhưng vấn đề bảo đảm kỹ thuật mặt đất, bảo đảm vật chất hoàn toàn do ta phụ trách.

  Sau khi Thường trực Quân ủy Trung ương thảo luận, đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì hội nghị kết luận: Bộ đội không quân Triều Tiên mang danh nghĩa là chuyên gia, nhưng thực chất là quân tình nguyện. Vì vậy, ta phải đoàn kết tôn trọng bạn, nhưng phải giữ vững chủ quyền. Trong quá trình huấn luyện và chiến đấu, ta cần chỉ rõ phạm vi hoạt động của bạn, chỉ định sân bay chính, sân bay dự bị. Trong chỉ huy, ta là cấp trên của bạn, nhưng tại trung đoàn bạn sẽ trực tiếp chỉ huy, có đại diện của ta để giao nhiệm vụ. Đại tướng yêu cầu hiệp đồng giữa hai bên phải rõ ràng, rành mạch để tránh những phức tạp không đáng có về sau.


http://www.quansuvn.net/index.php/topic,5366.msg79372.html#msg79372

Theo thỏa thuận về nguyên tắc giữa hai Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Lao động Triều Tiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo ngày 21 tháng 9 năm 1966 của Thường trực Quân ủy Trung ương, từ ngày 24 đến 30 tháng 9 năm 1966 tại Hà Nội, Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam do đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng làm trưởng đoàn và Đoàn đại biểu quân sự Triều Tiên do đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Xuê Quang làm trưởng đoàn, tiến hành hội đàm trong bầu không khí chân thành và đã ký Nghị định thư gồm 6 vấn đề cụ thể sau:

  1- Cuối tháng 10 hoặc trong tháng 11 năm 1966 phía Triều Tiên sẽ cử sang Việt Nam số chuyên gia đủ để phụ trách 1 đại đội máy bay MiG17 của Việt Nam (đại đội gồm 10 chiếc máy bay). Cuối năm 1966 hoặc đầu năm 1967, khi phía Việt Nam chuẩn bị đủ máy bay, phía Triều Tiên sẽ đưa sang Việt Nam số chuyên gia đủ để phụ trách đại đội MiG17 thứ hai của Việt Nam. Trong năm 1967, khi nào phía Triều Tiên đã chuẩn bị xong chuyên gia và phía Việt Nam chuẩn bị được máy bay, phía Triều Tiên sẽ cử thêm sang Việt Nam một số chuyên gia đủ để pụ trách 1 đại đội máy bay MiG21 của Việt Nam.

  2- Để thuận tiện cho việc quản lý nội bộ và chỉ huy chiến đấu, các chuyên gia Triều Tiên sẽ tổ chức thành các đại đội và tiến tới một trung đoàn. Khi chưa tổ chức thành trung đoàn, các đại đội chuyên gia Triều Tiên sẽ biên chế vào một trung đoàn của không quân Việt Nam và ẽ bố trí ở cùng sân bay với trung đoàn đó. Khi phía Triều Tiên đã có đủ 3 đại đội sẽ tổ chức thành 1 trung đoàn và sẽ bố trí ở sân bay riêng.

  3- Các đại đội chuyên gia nằm trong trung đoàn không quân Việt Nam sẽ do Ban chỉ huy trung đoàn đó chỉ huy và dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân Việt Nam.

  4- Việc tổ chức hiệp đồng giữa các đơn vị không quân, giữa không quân và cao xạ, tên lửa sẽ tiến hành theo sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân Việt Nam.

  5- Mọi vấn đề bảo đảm chỉ huy, bảo đảm kỹ thuật như: Bảo đảm thông tin, bảo đảm kỹ thuật cho máy bay, v.v... đều do phía Việt Nam phụ trách.

  6- Phía Triều Tiên sẽ chuẩn bị về mặt huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật cơ bản cho các chuyên gia tại Triều Tiên, khi sang Việt Nam chỉ tiến hành huấn luyện ứng dụng cho thích hợp với điều kiện chiến trường, thời tiết và đối tượng tác chiến.

  Ngoài ra, Nghị định còn thống nhất các vấn đề về bảo đảm cho các chuyên gia Triều Tiên về nhà ở, sinh hoạt vật chất, phương tiện đi lại, phục vụ y tế, chế độ chính sách và khen thưởng.


Ngày 9/2/1967, thượng tá Hoàng Ngọc Diêu, quyền TMT QC PKKQ ký quyết định 14/TM-QL điều trung đoàn 923 rời khỏi sân bay Kép, bàn giao lại căn cứ cho trung đoàn KQ Triều Tiên (mang mật danh đoàn Z). Trung đoàn 923 trở về đóng tại sân bay Gia Lâm, đồng thời có 1 bộ phận cơ động chiến đấu từ sân bay Kiến An và Hòa Lạc. Ngày 27/3/1967, QC PKKQ ra quyết định 60/TM-QL điều 6 MiG-17F K56 và 2 MiG-17PF của trung đoàn 923 cho KQ TT.

Để đảm bảo hoạt động của KQ TT, trung đoàn 927 (đoàn Z) được thành lập do thiếu tá Đỗ Hữu Nghĩa làm trung đoàn trưởng, thiếu tá Mai Đức Toại làm chính ủy. Đoàn Z đảm nhiệm chiến đấu trên vùng trời đông bắc và tuyến giao thông Hà Nội-Lạng Sơn.



Chụp ảnh lưu niệm với đoàn không quân CHDCND Triều Tiên tại sân bay Kép ngày 4-6-1968. Người ngồi hàng đầu (thứ tư từ phải sang) là chính ủy Bộ tư lệnh không quân Phan Khắc Hy. Bên phải và bên trái ông Phan Khắc Hy là đoàn trưởng và đoàn phó đoàn không quân CHDCND Triều Tiên (Báo Tuổi trẻ).

Ngày 24/3/1967, theo quyết định số 014/QĐ-QP của BQP, BTL KQ thuộc BTL PKKQ được thành lập do thượng tá Nguyễn Văn Tiên, PTL QC PKKQ làm TL, thượng tá Phan Khắc Hy, phó chủ nhiệm chính trị QC PKKQ làm chính ủy, thượng tá Hoàng Ngọc Diêu làm PTL kiêm TMT và thượng tá Đào Đình Luyện làm PTL về huấn luyện.

Theo quyết định 492/TM-QL ngày 1/5/1967 do đại tá Phùng Thế Tài, TL QC PKKQ ký, BTL KQ mang phiên hiệu công khai là sư đoàn 371 (đoàn Thăng Long), biên chế gồm các trung đoàn 919, 921, 923, Z; quản lý 7 sân bay Nội Bài, Gia Lâm, Kép, Hoà Lạc, Kiến An, Thọ Xuân, Vinh. Trong đó tiêm kích có trung đoàn 921, 923 (VN) và Z (TT), phi công MiG có 64 người và 1600 thợ máy.


Lực lượng không quân tiêm kích của KQ và HQ Mỹ tham gia chiến tranh phá hoại miền Bắc ở thời điểm này (3/1967) như sau:

KQ Mỹ:
- Căn cứ Đà Nẵng (VN) có không đoàn 35 với 3 phi đoàn F-4.
- Căn cứ Ubon (TL) có không đoàn 8 với 1 phi đoàn F-104 và 3 phi đoàn F-4.
- Căn cứ Takhli (TL) có không đoàn 355 với 3 phi đoàn F-105.
- Căn cứ Korat (TL) có không đoàn 388 với 1 phi đoàn F-4 và 3 phi đoàn F-105.

HQ Mỹ:
- TSBTiconderoga có không đoàn 19 với 2 phi đoàn F-8.
- TSB Kitty Hawk có không đoàn 11 với 2 phi đoàn F-4.
- TSB Enterprise có không đoàn 9 với 2 phi đoàn F-4.
- TSB Hancock có không đoàn 5 với 2 phi đoàn F-8.
- TSB Bon Homme Richard có không đoàn 21 với 2 phi đoàn F-8.

Ngoài ra mỗi TSB thường có 2 phi đoàn A-4, có thể có 1 phi đoàn A-1 hoặc A-6.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Mười, 2010, 06:55:06 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM