Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:12:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh đường không trên bầu trời Miền Bắc  (Đọc 342908 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #80 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2009, 06:52:04 pm »

http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/230/231/231/98602/Default.aspx

Phi công đầu tiên bắn gục B-52 (kỳ 2)


Thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng khi Quân chủng tổ chức việc nghiên cứu đánh máy bay B-52, chúng ta tổ chức thêm Sở chỉ huy tiền phương B8 trên đất xã Quảng Phương. Nhiệm vụ nghiên cứu đánh B-52 đầu tiên Quân chủng giao cho Sở chỉ huy tiền phương B8. Tại sao Quân chủng đưa ông Đào Đình Luyện, Tư lệnh Binh chủng Không quân vào B3? Vì trên địa bàn Nghệ An có hai sân bay dã chiến phục vụ cho Mic cất cánh và hạ cánh đánh B-52. Khi có sự cố gì thì B3 giải quyết vì B8 ở xa. Còn việc nghiên cứu đánh B-52 từ phương án, thời gian, ra lệnh cất hạ cánh cho phi công đi đánh B-52 đều do Sở chỉ huy B8.
Máy bay B-52-H.

Khi được cấp trên từ Hà Nội thông báo có B-52, Tư lệnh Quân chủng gọi điện báo cho Tư lệnh Binh chủng ở B3. Từ B3, Tư lệnh Binh chủng gọi điện báo cho Sở chỉ huy B8 biết để xử lí. Đêm 20-11, nhận được thông báo từ Quân chủng có B-52 hoạt động, ông Đào Đình Luyện gọi cho ông Trần Mạnh thông báo có đợt đó, để ông Trần Mạnh nghiên cứu và tổ chức trận đánh. B8 là do ông Trần Mạnh chỉ huy cùng ông Trần Hanh - lúc bấy giờ là Phó tư lệnh Binh chủng. Cầm ống nói để chỉ huy lúc đó có hai người là ông Mạnh và ông Hanh. Lúc Vũ Đình Rạng phát hiện B-52 báo về, ông Trần  Hanh cầm bộ đàm động viên phi công: “Bình tĩnh để công kích!”.

Sở chỉ huy tiền phương B8 rất có ý nghĩa không những đối với địa phương trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ mà cả với bộ đội Không quân. Tôi tin là ý tưởng của địa phương sẽ được sự ủng hộ của Bộ tư lệnh Phòng không-Không quân cũng như các cấp chính quyền. Anh em chúng tôi sẽ làm hết sức mình những gì có thể để cùng với địa phương khôi phục lại Sở chỉ huy tiền phương B8.

Khác với những gì tôi tưởng tượng về người đầu tiên bắn gục B-52, Vũ Đình Rạng không già đi mấy so với tấm ảnh cách đây gần ba mươi năm trước.  Ông còn khỏe, người trông rắn rỏi, cặp mắt tinh nhanh ánh lên sự cương nghị. Năm 2000, Vũ Đình Rạng về hưu sau gần 40 năm phục vụ quân đội và đang cùng gia đình sống ở Thủ đô trên khu phố mang tên vị tướng tài ba Lê Trọng Tấn. Con phố vài năm trước còn vắng vẻ nay đông đúc, ồn ã suốt ngày. Ông vẫn hăng hái tham gia các hoạt động chung như ngày nào trong quân ngũ.

Kí ức về một thời trai trẻ, những năm tháng trong quân ngũ hiện về trong ông: “Tôi quê ở xã Nam Thắng huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Nhập ngũ năm 1963, đầu tiên được biên chế về Lữ đoàn lính dù 305. Hai năm sau có đợt tuyển phi công, từ đó cuộc đời tôi gắn với Binh chủng Không quân nhân dân Việt Nam. Tháng 5 năm 1965 tôi được đi đào tạo lái máy bay ở Trường đào tạo lái máy bay ở Liên Xô tại thành phố Krát-xnô-đa. Có hai đoàn cùng đi, mỗi đoàn 60 người. Tôi đi cùng với đoàn đầu tiên do Nguyễn Chính Hậu làm trưởng đoàn. Đoàn thứ hai đi sau một tháng. Thời gian đầu chúng tôi huấn luyện theo chương trình sơ cấp học lái máy bay L29. Theo chương trình khóa đào tạo lái phi công thì sau khi học xong sơ cấp, học tiếp chương trình lái Mic-17 rồi mới học chương trình lái Mic-21. Nhưng do yêu cầu chiến tranh, cần đào tạo gấp nên sau chương trình sơ cấp, trong số 60 người chọn 34 người học chương trình lái Mic-21 trong đó có tôi. Việc học lái Mic-17 trước sau đó mới học lái Mic-21 là có lí do của nó. Mỗi loại máy bay có tính năng riêng. Mic-17 cũng như Mic-21 đều cơ động tốt nhưng Mic-17 tốc độ nhỏ hơn, dùng súng khi công kích là chính. Mic-21 đánh trên cao, tốc độ lớn, đánh địch bằng tên lửa. Đoàn học Mic-21 trong đó có các phi công Lê Thanh Đạo, Nguyễn Tiến Sâm, Phạm Phú Thái, Hà Quang Hưng, Nguyễn Công Huy, Vũ Đình Rạng… Đến cuối khóa chỉ còn 30 người. Có 4 người không đủ điều kiện học Mic-21 chuyển sang học lái Mic-17. Sau ba năm đào tạo, năm 1968 chúng tôi về nước được biên chế về Trung đoàn Sao Đỏ (921) thuộc Sư đoàn Không quân Thăng Long (371). Hồi đó số phi công được đào tạo cũ còn lại không nhiều, có nhiệm vụ dẫn dắt biên đội. Chúng tôi được biên chế vào các đơn vị chiến đấu”.

Trận chiến ngày 20-11-1971 đã lùi xa cùng năm tháng, nhưng trong kí ức Vũ Đình Rạng vẫn còn vẹn nguyên: Sở chỉ huy B8 không rời mắt khỏi tốp B-52. Tư lệnh Đào Đình Luyện từ đài chỉ huy trung tâm hội ý với Phó tư lệnh Trần Mạnh rồi hạ lệnh cho phi công Vũ Đình Rạng xuất kích. Là một phi công giỏi, đã từng chiến đấu ban ngày giáp mặt với máy bay Mỹ, cả bọn không quân của hải quân Mỹ từ hàng không mẫu hạm, được giao nhiệm vụ mới anh rất tự tin. Anh hiểu, được chọn để chiến đấu với B-52 là một thử thách lớn đồng thời cũng là niềm vinh dự của chiến sĩ lái máy bay. Những ngày trực chiến đấu thật hồi hộp. Niềm khát khao được lao lên bầu trời tiêu diệt B-52 để trả thù cho đồng đội, đồng bào ta thường trực trong anh. Tư lệnh không quân Đào Đình Luyện nhắc nhở các bộ phận không được sơ hở, tuyệt đối giữ bí mật, bình tĩnh bảo đảm chỉ huy chiếc Mic-21 của Vũ Đình Rạng đến Sở chỉ huy B8 để từ đó theo lệnh chỉ huy của Sở chỉ huy tiền phương tiến công địch. Vũ Đình Rạng bay rất đúng phương án đã chuẩn bị. Chiếc Mic-21 của Vũ Đình Rạng bay dọc Trường Sơn hùng vĩ theo hướng Đông-Nam cũng là lúc ba chiếc B-52 vượt sông Cửu Long, đang bay thẳng đến mục tiêu gây tội ác trên đường Trường Sơn. Cánh sóng ra-đa do Lê Thiết Hùng chỉ huy bám sát mục tiêu - cả B-52 và chiếc Mic-21 đã hiện lên trên màn hình. Cả sở chỉ huy tiền phương gần như nín thở, hồi hộp chờ đợi. Tình huống trên bản đồ chỉ huy đã rõ, sĩ quan Nguyễn Văn Chuyên trên tay cầm thước hình tam giác có vòng phương vị và vạch sẵn cự li, anh đo khoảng cách từ  B-52 đến Mic-21 và theo dõi chặt chẽ diễn biến trên bàn chỉ huy rồi báo cáo đề nghị thủ trưởng cho tiếp cận địch. Nguyễn Văn Chuyên lệnh cho Vũ Đình Rạng vứt thùng dầu phụ. Lê Thiết Hùng trực tiếp dẫn trên hiện sóng, cho Vũ Đình Rạng vòng trái rồi liên tục thông báo tình hình địch. Đường bay của Vũ Đình Rạng áp dần đường bay tốp B-52. Tư lệnh Đào Đình Luyện trao đổi nhanh với Phó tư lệnh Trần Mạnh rồi nhắc nhở ra-đa quan sát máy bay địch bám đuôi khi Vũ Đình Rạng công kích. Chiếc én bạc của Vũ Đình Rạng còn cách tốp B-52  20km, ông ra lệnh cho sân bay Anh Sơn và Thọ Xuân chuẩn bị cho Rạng hạ cánh sau khi công kích trở về. Vũ Đình Rạng tiếp tục bám sát mục tiêu. Khi khoảng cách giữa Mic-21 với tốp B-52 chỉ còn khoảng 15km, Lê Thiết Hùng lệnh cho Vũ Đình Rạng mở máy ra-đa. Bật công tắc, Rạng reo lên: “Đã thấy B-52 ở cự li 11km, xin cho công kích!”. Trung tá Trần Hanh hạ lệnh: “Cho phép công kích!”. Vũ Đình Rạng tăng tốc độ tiếp cận tốp B-52 nhanh nhất, một chiếc B-52 đã được đưa vào vòng ngắm. Vùng phóng đã xuất hiện, Vũ Đình Rạng nhẩm đếm một, hai, ba… Cho đến khi chỉ còn cách chiếc B-52 dưới 2,5km, đường ngắm ổn định, Vũ Đình Rạng bấm nút phóng, một quả tên lửa lao vút về phía B-52, chớp lửa sáng rực bùng lên từ chiếc “pháo đài bay”. Ông làm động tác thoát li. Sau đó, phát hiện một chiếc B-52 khác, ông đặt máy ngắm và bám sát mục tiêu. Đến cự li cho phép, Vũ Đình Rạng phóng tiếp quả tên lửa còn lại và thoát li về sân bay Anh Sơn hạ cánh an toàn.

Kết quả chính xác trận tiến công của Vũ Đình Rạng thì sau này ông và đồng đội mới rõ. Đoạn đối thoại sau đây giữa Thiếu tá phi công, nhà văn Mỹ F.Wantterhahn, nguyên là phi công tham gia chiến đấu ở chiến trường Việt Nam với 180 lần bay vào vùng trời miền Bắc làm nhiệm vụ hộ tống  các máy bay mang bom đánh vào Hà Nội với Lê Thành Chơn, nguyên sĩ quan dẫn đường ở Sở chỉ huy B3, được ghi lại nói về số phận chiếc B-52 bị Vũ Đình Rạng bắn trúng:

“Trong câu chuyện giữa tôi và F.Wantterhahn, anh ta nói:

- Người Mỹ tuyên bố đã hạ được 103 chiếc Mic-17 và Mic-21 trong khoảng thời gian từ 17 - 6 đến 12 -1 - 1973.

Tôi nói ngay:

- Còn không quân chúng tôi bắn rơi 320 chiếc máy bay Mỹ, trong đó có hai chiếc B-52.

Anh ta nói rất nghiêm chỉnh:

- Ba chiếc B-52, chứ không phải hai.

Tôi khẳng định:

- Chỉ có hai B-52 do hai phi công Mic-21 bắn rơi ngày 27 và ngày 28-12-1972.

F.Watterhahn cười:

- Còn một chiếc  B-52 bị Không quân Bắc Việt bắn bị thương rất nặng, nó về đến Thái Lan mới “tiêu”… Nó hoàn toàn không sử dụng được nữa, mặc dù vẫn còn nguyên vẹn.

Tôi hỏi:

- Sao vậy?

F.Wantterhahn nói:

- Nó bị thủng thùng dầu bên trái, cháy nhưng dập được, một động cơ bị hỏng nặng, nó phải hạ cánh bắt buộc xuống sân bay Nakhom- Phanom.

Tôi mừng quá hỏi:

- Năm nào?

Anh ta nói:

- Cuối năm 1971, tháng 11, chuyện B-52 bị Mic bắn hỏng, đơn vị tôi ai cũng biết.

 F.Watterhahn nói thêm:

- Chiếc B-52 sau đó được tháo ra chở về Utapao… rồi bỏ đi…”. (Người đầu tiên đánh gục B-52 của Lê Thành Chơn)

Đại tá Nguyễn Văn Chuyên bổ sung thêm giúp ta hiểu hơn về những gì đã diễn ra ở Sở chỉ huy B8:

Để hoàn chỉnh phương án đánh B-52, năm 1971, Quân chủng Phòng không-Không quân tập trung lực lượng lớn gồm những cán bộ giỏi nhất về dẫn đường bay, tác chiến, quân báo, khí tượng, ra-đa, thông tin  đến những cán bộ chỉ huy. Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Không quân tiền phương được thành lập. Sở chỉ huy tại thôn Đông Dương, ra-đa B35 dẫn đường cách sở chỉ huy khoảng 2km tại thôn Pháp Kệ cùng với ra-đa đo cao PD11 và phía đông bắc cách sở chỉ huy 7km ở thôn Văn Tiền đặt ra-đa C47. Như vậy là ngoài hai ra-đa phục vụ nghiên cứu đánh  B-52 còn có hai ra-đa phục vụ cho sở chỉ huy đặt ở  huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An và ở giới tuyến 17 Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị của Đại đội 31. Công tác nghiên cứu đánh B-52 được tiến hành khẩn trương, từng bước từng bước một. Công việc đầu tiên của Sở chỉ huy là  làm thế nào để ra-đa ta bắt được B-52 bằng cách thường xuyên mở máy theo dõi. Hằng đêm  mở máy vào các giờ cố định: 19 giờ, 21 giờ, 24 giờ và 5 giờ sáng. Khi nào có tin B-52 vào đánh các mục tiêu đều phải mở máy theo dõi. Nhưng một  tháng đầu không bắt được gì cả. Nhiễu nhòe nhoẹt trước màn hình ra-đa. Sở chỉ huy thường xuyên tập trung nghiên cứu tìm ra lí do. Đến tháng thứ hai, ra-đa bắt được những vệt nhiễu B-52 nhưng chưa hình thành được đường bay B-52. Tháng thứ ba, tình hình không có gì khả quan hơn. Cho đến gần cuối tháng thứ ba, ngày 4-10 ra-đa mới bắt được tương đối B-52. Sở chỉ huy quyết định đưa phi công Đinh Tôn cất cánh từ sân bay Đồng Hới lên đánh. Phát hiện thấy Mic xuất kích, B-52 bay ra. Sau một tháng nghiên cứu tiếp, cho đến 20 tháng 11, Sở chỉ huy quyết định đánh theo phương án mới. Không xuất kích từ sân bay Đồng Hới mà dùng sân bay Anh Sơn làm địa điểm cho Mic-21 xuất kích đánh B-52.

NGỌC PHÚC
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #81 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2009, 06:52:29 pm »

http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/230/231/231/98659/Default.aspx

 Phi công đầu tiên bắn gục B-52 (kỳ 3)


Ngày 20-11-1971, trận đánh đi vào lịch sử.

Ta đảm bảo bí mật bất ngờ cao độ. Khoảng cách bay từ Anh Sơn  vào đến Tân Ấp là 120km, Mic-21 bay thấp để bảo đảm bí mật, người lái không thông báo bất cứ điều gì cho Sở chỉ huy. Sở chỉ huy theo dõi sát khi đến Tân Âp phát hiện B-52, dẫn đường bí mật phát lệnh kéo từ 1.500m lên 10.000m để tiếp cận địch. Ý định ban đầu khi mục tiêu trong tầm ngắm, Mic bắn cùng một lúc hai tên lửa. Vì lúc đó tốc độ Mic của ta là 1.400 km/giờ, còn B-52 tốc độ 950km/giờ. Phi công ta tiếp cận đội hình ba chiếc B-52 bay theo hình bậc thang lệch, Mic ta bắn một phát tên lửa trúng B-52 bay đầu. Theo lý thuyết, nếu bắn một tên lửa trúng thì B-52 sẽ cháy. Nhưng vì  B-52 bị trúng đạn tên lửa là loại B-52H - nghĩa là đã qua 6 lần cải tiến - nên khi một động cơ bị bắn cháy, B-52H có máy tự động cắt dầu rồi tự dập tắt lửa cố trượt dần hạ cánh bắt buộc xuống Thái Lan.
Nữ dân quân bên xác B-52. Ảnh minh họa/Internet.

Mỹ thực sự kinh hoàng, chúng không sao hiểu nổi: Tại sao với độ cao như thế, B-52 được các loại máy bay tiêm kích yểm hộ chặt chẽ như thế, nhiễu từ B-52 từ F-4, F-105 như thế mà Mic vẫn tiếp cận tiến công và phi công Mỹ trên B-52 không biết! Bí mật, bất ngờ chính  là chiến thuật chiến đấu của ta. Ta đánh lừa địch giỏi. Hằng ngày không quân Mỹ thường có 12 ra-đa theo dõi mọi hoạt động của không quân ta. Qua mấy tháng theo dõi hoạt động chúng thấy Mic thường xuất kích mỗi tối một lần. Đêm 20-11-1971, lần này ta xuất kích hai chiếc. Mười bảy giờ, phi công Hoàng Biểu cất cánh từ sân bay Nội Bài theo đường bay cực thấp vào sân bay Vinh. Tiếp đó là phi công Vũ Đình Rạng, theo đường bay thấp vào sân bay Anh Sơn. Mười chín giờ ba mươi phút, phát hiện, qua mạng tình báo có tốp B-52 từ Thái Lan tiến vào nước ta. Trung tá Trần Hanh lệnh ngay cho phi công Hoàng Biểu xuất kích bay về phía tây đón đánh tốp B-52 khi nó tiến vào phía tây Quảng Bình, vào đến khu vực đèo Mụ Dạ, ở độ cao 8.000-10.0000 mét. Khoảng hai mươi phút sau, địch phát hiện thấy máy bay Mic-21 của ta liền quay lại Thái Lan. Được lệnh của Phó tư lệnh Trần Mạnh, Trung tá Trần Hanh lệnh cho dẫn đường Mic-21 của Hoàng Biểu giữ nguyên độ cao 10.000 mét từ đất Lào bay thẳng theo hướng sân bay Nội Bài rồi bí mật xuống sân bay Thọ Xuân. Mỗi lần bay vào nước ta tụi lái B-52 theo dõi rất sát động tĩnh của không quân. Không bỏ sót bất kỳ một động thái nào của chiếc Mic-21 vừa cất cánh và biết chiếc Mic-21 theo hướng ra Bắc, chúng chủ quan, yên chí không còn mối đe dọa nữa nên tốp B-52 vòng quay trở lại. Và thế là một trong ba chiếc đã ăn đòn đau.

Sau trận đánh B-52 của Mic-21 ta thấy có những động thái khác lạ. Trước đó dù lớn dù nhỏ, có Mic đụng độ B-52 đều được thông tin qua các hãng thông tấn nhưng lần này không một hãng thông tấn nào đưa tin. Trước 20 tháng 11, hằng ngày địch dùng B-52 ném bom từ đường 12 (đèo Mụ Dạ) lên đường 20  (Lùm Bùm, Phu la nhích) đến đường số 9. Nhưng sau trận 20 tháng 11, B-52 rút hết, không ném bom đường 12 và đường 20, chỉ ném bom từ nam đường số 9.  Cho đến tháng 4 năm 1972, B-52 trở lại ném bom đường 12 và đường 20.

Về ý nghĩa của trận đánh ngày 20-11-1971, ông Chiêu nhấn mạnh: Trong việc hoạch định kế hoạch dùng B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng thì lực lượng địch tính đến phải đối phó đầu tiên của B-52 là  Mic-17 và Mic-21. Vì chúng tập trung đối phó với lực lượng không quân nên các lực lượng phòng không khác của ta như tên lửa, pháo phòng không và cả súng trường mới có điều kiện đánh tốt, hạ được nhiều máy bay địch. Chúng phải tập trung  đối phó với lực lượng không quân là vì Mic đã vào đến Quảng Bình, Vĩnh Linh, đánh được B-52 thì  Hà Nội, Hải Phòng không quân phải là lực lượng quyết chiến. Cho nên, đêm đầu tiên của chiến dịch “Linebacker II”, không quân Mỹ tập trung lực lượng đánh phá các sân bay.

Từ tháng 11-1971 đến tháng 4-1972, B-52 không tập trung đánh tuyến đường vận chuyển Trường Sơn từ đường số 12 đến đường số 20 tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi viện nhanh cho tiền tuyến miền Nam của ta.

Đánh B-52 không chỉ có lòng yêu nước, ý chí quyết đánh, quyết thắng mà còn phải có kĩ thuật, kinh nghiệm chiến đấu và sự hiểu biết sâu sắc về loại máy bay được không quân Mỹ coi là “Át chủ bài này”. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu thường nhắc nhở bộ đội Phòng không-Không quân trong việc đối phó với loại máy bay chiến lược của không quân Mỹ.

Trước ngày bộ đội tên lửa lần đầu ra quân, Bác đến thăm Quân chủng, người dặn: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay B gì đi nữa, chúng ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định phải thắng”. Năm 1967, bộ đội tên lửa bắn rơi hai B-52, Bác vui nhưng không quên nhắc nhở bộ đội Phòng không-Không quân: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước hết mọi tình huống mà suy nghĩ, mà chuẩn bị. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ thua sau khi chịu thua trên bầu trời Hà Nội”. Không chỉ là những lời tiên tri mà còn là ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược Người truyền đến cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta để làm nên chiến công thần kì sau này-cuối năm 1972.

Vũ Đình Rạng nhớ về những ngày luyện tập trước khi giáp mặt “pháo đài bay” trên vùng trời khu Bốn:

- Phi công Mỹ rất sợ những cánh én bạc của ta, nên dùng B-52 ném bom miền Bắc chúng chỉ có thể đánh vào ban đêm. Phi công ta tiếp cận máy bay Mỹ không chỉ bằng kĩ thuật mà còn bằng mắt thường, loại bỏ kĩ thuật tối tân như gây nhiễu bằng ra đa, kĩ thuật điện tử nghi binh... Chúng chỉ còn tin vào ban đêm làm chỗ dựa để thoát khỏi những cặp mắt tinh tường của phi công ta. Trở ngại lớn nhất tưởng chừng như không thể vượt qua là nhiễu điện từ. Mỗi một chiếc B-52 có 15 máy phát nhiễu đủ loại. Ngoài ra còn có nhiễu có cường độ cực mạnh từ máy bay EB-66 được chúng mệnh danh là nhà máy điện từ di động trên không và từ những máy gây nhiễu của những chiếc máy bay F-4, F-105 bay bảo vệ quanh B-52. Và cũng còn vô số nhiễu tiêu cực phát đi từ chiếc F-4 là những sợi kim loại nhẹ như bông tạo nên một vùng nhiễu quanh B-52 chắn mọi cánh sóng ra-đa của ta được coi là “bức tường nhiễu”.

Những phi công tham gia đánh B-52 ban đêm được lựa chọn. Họ là những người có trình độ bay giỏi, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu như:  Đinh Tôn, Đặng Xây, Vũ Đình Rạng, Trần Cung, Phạm Văn Mạo… Huấn luyện bay ban đêm nâng cao trình độ bay và dẫn đường trong đêm sát với địa hình khu Bốn. Dùng máy bay IL-18 giả làm mục tiêu B-52. Tập bay cao, bay thấp theo địa hình, khi mục tiêu xuất hiện nhanh chóng kéo lên cao, dẫn vòng phía sau mục tiêu tiếp cận, công kích và thoát ly khỏi khu vực chiến đấu. Ban ngày phi công có thể nhìn mục tiêu bằng mắt thường nhưng ban đêm chủ yếu theo sự dẫn đường của sở chỉ huy. Kĩ thuật cất cánh, hạ cánh ban ngày đã phức tạp, ban đêm càng phức tạp hơn, nhất là khi lên xuống các sân bay dã chiến. Kĩ thuật cá nhân phải hết sức chuẩn xác, đặc biệt khi xử lí các tình huống trong chiến đấu. Đánh B-52 trên địa bàn khu Bốn càng khó khăn hơn, địa hình hẹp-phía đông là biển, phía tây là núi. Biển Đông, Hạm đội 7 của Mỹ thường xuyên có mặt với mười hai ra-đa các loại. Mic bay cao thì bị ra-đa địch phát hiện; bay thấp thì dễ bị đâm vào núi. Lưới lửa phòng không của ta đủ các loại ở khắp nơi nên khi Mic hoạt động, vì là xuất kích bí mật không kịp thông báo cho các đơn vị phòng không nên cũng dễ dính đạn phòng không của ta.

Nếu trực thì cứ chập choạng chưa tối hẳn, chúng tôi ra sân bay. Nhận máy bay, còn phương án đánh, sở chỉ huy dẫn dắt theo phương án đã luyện tập. Đánh ban đêm thì chủ yếu đánh bằng khí tài.

Trực đánh B-52 cũng thế. Đêm nào chúng tôi cũng phải trực chiến. Từ sân bay Nội Bài chúng tôi được phân công trực ở các sân bay dã chiến, đến  bằng trực thăng hoặc các phương tiện giao thông khác. Đến sân bay nào thì dùng máy bay đang chiến đấu ở sân bay đấy. Cũng có trường hợp dùng Mic-21 bay từ  Nội Bài vào. Ròng rã mấy năm trời như thế.

Năm 1964, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, chính quyền Mỹ tưởng có thể bằng sức mạnh của không quân, hải quân Mỹ có để khuất phục được nhân dân ta. Chúng đã lầm to. Từ những ngày đầu chúng đã phải đền tội ác bởi lưới lửa phòng không thiên la địa võng của quân và dân ta. Lực lượng không quân non trẻ anh hùng của chúng ta đã giáng cho chúng những đòn chí mạng, thành nỗi ám ảnh của lũ cướp trời từ bên kia Thái Bình Dương. Phi công tù binh giúp ta hiểu tình cảnh  phi công Mỹ ở các căn cứ không quân. Thiếu tá người Mỹ gốc Mê-hi-cô đã khai trong cuộc họp báo ngày 19-12-1972: “Sân bay An-đơ-xơn ở đảo Guam là căn cứ chính của tập đoàn không quân số 8 thuộc Bộ chỉ huy không quân chiến lược. Tập đoàn này do tướng không quân Gê-rôn Giôn-xơn chỉ huy... Chuyến bay nào cũng có máy bay không trở về. Thật đáng sợ! Không khí bao trùm sân bay An-đơ-xơn là không khí căng thẳng. Không nói to, không cười đùa, không chạm cốc. Đó là ba điểm rất quen thuộc của căn cứ. Ai nấy đều lo lắng và sự lo lắng, căng thẳng này đã tăng lên từng ngày một…”. Tâm lí hoang mang, lo sợ thường trực của phi công Mỹ mỗi khi chạm trán với Mic của ta là lí do tại sao trận đánh ngày 20-11-1971 Mic-21 hạ gục B-52 được giới quân sự Hoa Kỳ ỉm đi. Không một đài báo nào, kể cả BBC cũng không một dòng tin ngắn về chiếc B-52 bị thương nặng, rơi trên đất Thái Lan. Chiến thắng của Vũ Đình Rạng như một quả bom tấn ném vào tinh thần đang hoang mang, rệu rã trong phi công Mỹ. Lính Mỹ, nhất là những phi công đang chiến đấu trên chiến trường nghĩ đến thất bại của “Át chủ bài” B-52 thì nỗi kinh hoàng, hoang mang càng tăng lên gấp bội.

Sau chiến công của Vũ Đình Rạng, không quân ta có thêm nhiều bài học bổ ích giúp cho việc hoàn chỉnh phương án đánh B-52. Từ chiến công ngày 20-11-1971 đã góp phần làm nên trận chiến đấu hào hùng “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta trên bầu trời Thủ đô Hà Nội, làm thất bại hoàn toàn chiến dịch “Linebacker II” (Cứu bóng trước khung thành), đập tan ý chí xâm lược nước ta của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, làm tiền đề cho cuộc tiến công và nổi dậy năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau gần 40 năm, chiến công của Vũ Đình Rạng chính thức được tôn vinh. Tháng 7-2009, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân đã chính thức đề nghị Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho ba phi công và một sĩ quan dẫn đường, trong đó có Thượng tá Vũ Đình Rạng và Đại tá Nguyễn Văn Chuyên.

NGỌC PHÚC
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #82 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2009, 06:54:49 pm »

Năm 2000, sách “Quân chủng Phòng không biên niên sự kiện 1953-1998” ghi lại sự kiện trên:

“Ngày 20 tháng 11 năm 1971

Bộ đội Không quân bắn rơi một chiếc B-52.

Hai đại đội 45, 41 trung đoàn ra-đa 291-290 đã bảo đảm dẫn đường cho chiến sĩ lái máy bay Mic-21 Vũ Đình Rạng bắn bị thương một chiếc B-52 ở phía nam Quân khu 4…”.

Kết quả chính xác trận tiến công của Vũ Đình Rạng thì sau này ông và đồng đội mới rõ. Đoạn đối thoại sau đây giữa Thiếu tá phi công, nhà văn Mỹ F.Wantterhahn, nguyên là phi công tham gia chiến đấu ở chiến trường Việt Nam với 180 lần bay vào vùng trời miền Bắc làm nhiệm vụ hộ tống  các máy bay mang bom đánh vào Hà Nội với Lê Thành Chơn, nguyên sĩ quan dẫn đường ở Sở chỉ huy B3, được ghi lại nói về số phận chiếc B-52 bị Vũ Đình Rạng bắn trúng:

“Trong câu chuyện giữa tôi và F.Wantterhahn, anh ta nói:

- Người Mỹ tuyên bố đã hạ được 103 chiếc Mic-17 và Mic-21 trong khoảng thời gian từ 17 - 6 đến 12 -1 - 1973.

Tôi nói ngay:

- Còn không quân chúng tôi bắn rơi 320 chiếc máy bay Mỹ, trong đó có hai chiếc B-52.

Anh ta nói rất nghiêm chỉnh:

- Ba chiếc B-52, chứ không phải hai.

Tôi khẳng định:

- Chỉ có hai B-52 do hai phi công Mic-21 bắn rơi ngày 27 và ngày 28-12-1972.

F.Watterhahn cười:

- Còn một chiếc  B-52 bị Không quân Bắc Việt bắn bị thương rất nặng, nó về đến Thái Lan mới “tiêu”… Nó hoàn toàn không sử dụng được nữa, mặc dù vẫn còn nguyên vẹn.

Tôi hỏi:

- Sao vậy?

F.Wantterhahn nói:

- Nó bị thủng thùng dầu bên trái, cháy nhưng dập được, một động cơ bị hỏng nặng, nó phải hạ cánh bắt buộc xuống sân bay Nakhom- Phanom.

Tôi mừng quá hỏi:

- Năm nào?

Anh ta nói:

- Cuối năm 1971, tháng 11, chuyện B-52 bị Mic bắn hỏng, đơn vị tôi ai cũng biết.

 F.Watterhahn nói thêm:

- Chiếc B-52 sau đó được tháo ra chở về Utapao… rồi bỏ đi…”. (Người đầu tiên đánh gục B-52 của Lê Thành Chơn)

Hư cấu của bác Chơn giờ đã thành sai sót lớn có hệ thống, giờ phải làm sao đây Huh Huh Huh
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
tamking
Thành viên
*
Bài viết: 374


LoneLy


« Trả lời #83 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2009, 07:09:20 pm »

họ cũng hư cấu như mình hà bác
mấy cái clip trên youtube dựng có khi nào mình bắn rơi nó đâu, cho A-1 skyrider hạ Mig-17 nữa chứ Angry
còn có cái clip 4 mig-17 quần 1 F-8 mà không làm gì được
nguyên lời trích dẫn từ một phi công Mĩ của bác Altus : " phi công tiêm kích thì ở đâu cũng nói dóc như nhau thôi"
Logged

Kẻ thù có thể thắng nhiều trận lớn
Nhưng chúng ta sẽ thắng trong cả cuộc chiến
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #84 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2009, 07:52:58 pm »

Họ không thích dựng hoặc có dựng mà ta chưa xem Roll Eyes Không thiếu những trận ta bắn họ rơi tơi tả và họ công nhận điều đó. Tay phi công F-100 claim bắn hạ MiG nhưng đâu có được KQ Mỹ công nhận.

MiG-17 hạ được F thì sao A-1 không hạ được MiG Roll Eyes Trận đó ta đánh quần với A-1, có tổn thất. Họ claim bắn hạ là có cơ sở.

4 MiG-17 không ăn được 1 F-8 tại sao không khi ta thua cả về tính năng máy bay và kinh nghiệm phi công. Bác Lê Hải cựu phi công MiG-17 923 cũng nói là đánh với F-8 luôn ác liệt, hầu như trận nào cũng có tổn thất.

Còn quay lại vụ trên kia thì bản thân bác Rạng đã kể lại trung thực. Bác tiếp cận, bắn, thấy nó nổ rồi quay về mà không biết kết quả. Mọi thứ chỉ rộn lên từ bài của bác Chơn.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
tamking
Thành viên
*
Bài viết: 374


LoneLy


« Trả lời #85 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2009, 07:59:12 pm »

cũng nói là đánh với F-8 luôn ác liệt, hầu như trận nào cũng có tổn thất

trên wiki cho tỉ lệ của F-8 vs Mig là 3:21, trong đó có 9 mig -21 bị hạ

các bác có thể phân tích tại sao F-8 " dữ dằn " như vậy nhưng rất ít nói về nó như F-4, danh hiệu Mig killer cũng dành cho F-4, người Mĩ không trọng dụng nó và lại rút nó ra trong lần đánh tháng 12/1972
Logged

Kẻ thù có thể thắng nhiều trận lớn
Nhưng chúng ta sẽ thắng trong cả cuộc chiến
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #86 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2009, 11:27:06 pm »

Vấn đề là không biết cái đề nghị của Đảng ủy BTL PKKQ kia có dựa vào tiểu thuyết của bác Chơn (mà đoạn về lời kể của F. Watterhahn đã bị chính ông này phủ nhận) hay không thôi. Nếu chỉ căn cứ trên thành thích bắn bị thương B-52, hoặc xác nhận bắn rơi theo thông tin "lưu hành nội bộ" thì chắc không có gì đáng nói.

Còn nếu có dựa trên cơ sở tường thuật của bác Chơn để kết luận B-52 rơi thì ... Tuy nhiên theo tôi hiểu thì từ trước tới nay thủ tục quyết định phong anh hùng của ta không mấy khi cần phía bên kia công nhận chính thức.  Wink
Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #87 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2009, 11:53:05 pm »

Cái vụ "bị thương - phải hạ cánh" thì LS KQNDVN từ năm 94 đã nói. Bài bác Chơn thì hình như xuất hiện đâu quãng 2000.
Khả năng là hiệu ứng từ bài của bác Chơn đã có ảnh hưởng đáng kể.

Mà trong đấy nói là bác Rạng quất quả đầu tiên từ 8km, không hiểu bác chơi K-5 hay K-13 Huh

Thôi, nhà em đi nghĩ câu hỏi cho bác Tuân đây Grin
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #88 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 12:13:23 am »

cũng nói là đánh với F-8 luôn ác liệt, hầu như trận nào cũng có tổn thất

trên wiki cho tỉ lệ của F-8 vs Mig là 3:21, trong đó có 9 mig -21 bị hạ

các bác có thể phân tích tại sao F-8 " dữ dằn " như vậy nhưng rất ít nói về nó như F-4, danh hiệu Mig killer cũng dành cho F-4, người Mĩ không trọng dụng nó và lại rút nó ra trong lần đánh tháng 12/1972

Theo F-8 Crusader Units of Vietnam War thì F-8 hạ 16 MiG-17 và 3 MiG-21, trong đó 1 MiG-17 phi công tự nhảy dù trước khi F bắn.

Cấu hình vũ khí thông thường của F-8 ở VN là canon + 2 AIM-9, còn F-4 là 4 AIM-7 + 4 AIM-9. Với xu thế chuyển từ quần vòng sang không chiến tầm xa bằng AAM thì chuyện đó là dễ hiểu.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
napoleon
Thành viên
*
Bài viết: 521


Không có gì là không thể


« Trả lời #89 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 02:33:40 pm »

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200952/20091221143513.aspx
 
Oai hùng Không quân Việt Nam - Bài 1: MIG 17 xuất kích

21/12/2009 14:35
Biên đội tiêm kích đánh thắng trận đầu (từ trái sang): Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ và Trần Minh Phương - Ảnh: Tư liệu
Cùng với các quân binh chủng khác trong Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam, lực lượng không quân đã góp phần to lớn vào chiến thắng thần thánh của dân tộc trong sự nghiệp giải phóng đất nước.

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2009), Báo Thanh Niên khởi đăng loạt bài về những chiến công như huyền thoại trong thời kỳ kháng chiến, cũng như quá trình hiện đại hóa trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của Không quân Việt Nam ngày nay.

Đầu năm 1963, các học viên học lái máy bay chiến đấu của  QĐND VN ở nước ngoài đã hoàn thành phần bay cơ bản của MIG 17. Ngay lúc đó, Chính phủ Liên Xô quyết định viện trợ cho quân đội ta 36 máy bay tiêm kích, gồm 3 chiếc huấn luyện hai chỗ ngồi UMIG-15 và 33 chiếc MIG 17.

Ngày 30.5.1963, trung tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 18/QĐ thành lập Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 và bổ nhiệm trung tá Đào Đình Luyện làm trung đoàn trưởng.

Sau khi thành lập, trung đoàn vừa tiến hành xây dựng, ổn định về tổ chức, vừa khẩn trương huấn luyện. Trong khi đó, tình hình chiến sự trong nước ngày một căng thẳng.

Sau khi dựng lên "sự kiện vịnh Bắc Bộ", ngày 5.8.1964,  Mỹ mở màn cuộc chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân.

Ngày 6.8.1964, Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 từ nước ngoài đã về đến sân bay Nội Bài. Ngay sau đó, Trung đoàn  921 nhanh chóng ổn định và tập trung vào huấn luyện. Các bài bay ứng dụng chiến đấu, các phương án đánh địch được triển khai tập luyện. Qua hơn nửa năm, các phi công của trung đoàn đã vững vàng, thuần thục các khoa mục chiến đấu trên không trong đội hình biên đội 2 chiếc, 4 chiếc... Thời điểm xuất kích lần đầu của không quân VN không còn xa nữa.

Chiến công đầu tiên

Mig 17 của Không quân Việt Nam - Ảnh: Tư liệu
Ngày 3.4.1965, Bộ tư lệnh quân chủng quyết định cho Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 xuất kích trận đầu. Nhiệm vụ chiến đấu đã được phổ biến đến các chiến sĩ. Phương án tác chiến đã được cấp trên duyệt, được trung đoàn tổ chức cho phi công thực hiện, luyện tập kỹ càng. Hai biên đội tham gia trận đầu tiên, trong đó biên đội trực tiếp chiến đấu gồm Phạm Ngọc Lan số 1 - chỉ huy biên đội, Phan Văn Túc số 2, Hồ Văn Quỳ số 3 và Trần Minh Phương số 4. Biên đội làm nhiệm vụ nghi binh kiềm chế máy bay tiêm kích địch. Các máy bay của biên đội trực chiến đã ở vị trí sẵn sàng.

Lúc 7 giờ sáng, các đài ra-đa của ta phát hiện một tốp máy bay địch vào trinh sát khí tượng và mục tiêu. Sở chỉ huy quân chủng nhận định: có khả năng địch sẽ huy động lực lượng lớn đánh phá cầu Hàm Rồng. Tại Sở chỉ huy quân chủng, đại tá Phùng Thế Tài (tư lệnh) và đại tá Đặng Tính (chính ủy) đều có mặt theo dõi trận ra quân đầu tiên của lực lượng không quân tiêm kích.

Vào lúc 9 giờ 40 phút, 60 lần máy bay cường kích của Hải quân Mỹ cùng lúc bay vào đánh phá cầu Tào, cầu Đò Lèn và cầu Hàm Rồng. Giờ phút xuất kích đã đến. 9 giờ 47 phút, biên đội làm nhiệm vụ nghi binh và yểm hộ được lệnh cất cánh, bay về hướng tây nam thuộc vùng trời Hàm Rồng, Thanh Hóa.

Một phút sau, biên đội tiến công cất cánh hướng 210 độ tiến về vùng trời Thanh Hóa theo đội hình sục sạo. Khu vực chiến đấu là vùng trời Hàm Rồng. Lúc 10 giờ 8 phút biên đội tiến công chỉ còn cách đối phương 45 km, trên hướng có lợi cho việc phát hiện mục tiêu. Sau đó 1 phút, Phạm Ngọc Lan chỉ huy biên đội chuyển từ đội hình cảnh giới sang đội hình công kích và phân làm hai tốp. Tốp thứ nhất gồm số 1 và số 2, tốp thứ hai gồm số 3 và số 4. Từng tốp tạo thế có lợi tiếp cận, bám sát địch. Địch chưa phát hiện được máy bay ta, vẫn bay theo đội hình hàng dọc vào đánh mục tiêu.

Sau khi phát hiện mục tiêu, theo lệnh biên đội trưởng, từng tốp lao vào tiến công. Số 1 và số 2 đã bám được một tốp hai máy bay địch. Địch vẫn không ngờ có máy bay MIG chặn đánh. Vì lần đầu đi chiến đấu, chưa có kinh nghiệm, Phan Văn Túc bay số 2 nhằm một mục tiêu bắn một loạt đạn ở khoảng cách còn khá xa, nên không trúng. Phạm Ngọc Lan thông báo cho số 2 bình tĩnh, giữ đúng vị trí yểm hộ rồi cho máy bay vào tới cự ly bắn có hiệu quả và siết cò. Chiếc F-8U của địch bị trúng đạn bốc cháy lao thẳng xuống đất. Đây là chiếc máy bay phản lực Mỹ đầu tiên bị Không quân VN bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Phạm Ngọc Lan là phi công đầu tiên của Không quân Việt Nam đã lập chiến công bắn rơi máy bay phản lực Mỹ.

Đối phương hoàn toàn bất ngờ trước sự xuất hiện của MIG và hoảng hốt khi máy bay bị bắn rơi, không còn tập trung vào nhiệm vụ đánh phá, buộc phải cơ động tìm cách đối phó.

Cùng trong thời điểm đó, tốp thứ hai của biên đội cũng bám được một tốp khác của đối phương. Được Trần Minh Phương (số 4) yểm hộ, Hồ Văn Quỳ (số 3) lao vào công kích máy bay địch. Loạt đạn bắn ở cự ly quá xa, không trúng, máy bay địch tăng tốc chạy thoát. Máy bay địch bắt đầu quay lại chống trả. Bốn chiếc MIG vẫn tiếp tục quần nhau với tốp F-8 với số lượng đông hơn nhiều lần. Lúc 10 giờ 15 phút, phát hiện thấy bên phải có một máy bay địch ở gần, Phan Văn Túc số 2 báo cáo biên đội trưởng và xin phép vào công kích. Tới cự ly có lợi, Phan Văn Túc bắn liền ba loạt. Chiếc F-8U lạng đi rồi bùng cháy, rơi xuống. Biên đội được lệnh thoát ly chiến đấu về hạ cánh, lúc đó là 10 giờ 17 phút. Biên đội yểm hộ cũng được lệnh trở về.

Bắn hạ “thần sấm”

Đúng như dự kiến, sáng ngày 4.4.1965 địch lại ồ ạt kéo vào. 50 máy bay của Không quân Mỹ tập trung đánh phá cầu Hàm Rồng và Nhà máy điện Thanh Hóa. Lực lượng phòng không bảo vệ mục tiêu nổ súng đánh trả quyết liệt. Bộ tư lệnh quân chủng cho không quân xuất kích theo phương án.

Lúc 10 giờ 20 phút, những biên đội trực chiến được lệnh cất cánh. Biên đội nghi binh bay trước gồm Lê Trọng Long số 1 biên đội trưởng, Phan Văn Túc số 2, Hồ Văn Quỳ số 3 và Trần Minh Phương số 4. Sau khi cất cánh, toàn biên đội được dẫn về khu vực Vụ Bản, Phủ Lý (Nam Hà) làm nhiệm vụ thu hút tiêm kích địch, sẵn sàng yểm hộ biên đội công kích. Hai phút sau biên đội tiến công gồm biên đội trưởng Trần Hanh số 1, Phạm Giấy số 2, Lê Minh Huân số 3 và Trần Nguyên Năm số 4 được lệnh cất cánh. Biên đội được dẫn bay thấp ra hướng đông rồi bất ngờ vào hướng đông - nam. Đến khu vực chiến đấu, toàn biên đội được lệnh kéo lên chiếm độ cao.

10 giờ 30 phút, cùng một lúc các phi công trong biên đội đều báo cáo phát hiện máy bay địch. Một tốp 4 chiếc F-105D đang kéo lên sau khi bổ nhào cắt bom, độ cao và tốc độ ở thế bất lợi. Phát hiện được điều đó, biên đội trưởng lệnh cho số 2 yểm hộ rồi lao tới bám chiếc đi đầu. Đến cự ly cách địch còn khoảng 400m, Trần Hanh siết cò, cả ba khẩu pháo cùng nhả đạn. Chiếc "thần sấm" trúng đạn, lật nghiêng rơi thẳng xuống.

Sau khi phát hiện máy bay ta, tiêm kích Mỹ quay lại, lợi dụng ưu thế về số lượng, tốc độ và hỏa lực tập trung chặn đánh. Tình huống đã được dự kiến nhưng diễn biến quá nhanh và phức tạp. Biên đội buộc phải phân làm hai tốp. Số 1 và số 2 ở phía nam Hàm Rồng, số 3 và số 4 ở phía bắc Hàm Rồng, ít phút sau, được số 4 yểm hộ, Lê Minh Huân số 3 bắn rơi chiếc F-105 thứ hai. Bị đòn đau, đối phương kéo tới đông hơn. Trận không chiến diễn ra ác liệt. Tên lửa không đối không của địch phóng tới từ nhiều phía. Phi công Trần Nguyên Năm đã anh dũng hy sinh. Trần Hanh đã vượt được ra ngoài vòng vây máy bay địch sau nhiều động tác xử lý phức tạp, để tránh tên lửa của địch nên bị mất phương hướng, không xác định được vị trí đang bay. Liên lạc với sở chỉ huy cũng không được trong khi lượng dầu trên máy bay lại sắp cạn. Trần Hanh quyết định không nhảy dù và tìm địa điểm hạ cánh bắt buộc. Nhờ bản lĩnh vững vàng cùng sự bình tĩnh, khéo léo, Trần Hanh đã hạ cánh an toàn xuống một thửa ruộng trong thung lũng thuộc bản Ké Tằm, phía tây tỉnh Nghệ An. Nhân dân địa phương đã chăm sóc rồi đưa anh về cơ quan huyện đội.
Tấn Tú
Logged

Tôi có thể thất bại một trận đánh, nhưng tôi sẽ chiến thắng cả cuộc chiến tranh. Trí thông minh của con người được tính từ trán tới trời.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM