Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 11:58:29 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những thông tin tham khảo về tác chiến phòng không trong KCCM  (Đọc 39144 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Triumf
Đại tá
*
Bài viết: 11033



« Trả lời #20 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2007, 01:21:31 pm »


Máy bay B-52 trong vai trò chiến thuật

John T. Greenwood
B-52 là loại máy bay chiến lược của Mỹ. Trong chiến tranh VN, Mỹ đã phải dùng B-52 vào nhiệm vụ chiến thuật. Dưới đây, xin trích một đoạn trong chương “B-52: máy bay ném bom chiến lược trong vai trò chiến thuật” của cuốn The Vietnam War của John T. Greenwood do NXB Salamande London ấn hành năm 1979.
Sau khi Nixon trúng cử, những chi phí tốn kém cho cuộc chiến tranh, tình trạng không ổn định bên trong nước Mỹ và chính sách “Việt Nam hóa” của chính quyền bắt đầu có ảnh hưởng đến cuộc chiến tranh bằng không quân. Bộ trưởng quốc phòng Laird quyết định giảm số phi xuất của chiến dịch Cung Sáng (Operation Arc Light) xuống 1.600 từ ngày 15-7-1969 rồi 1.400 từ đầu tháng 10. Do những khó khăn về tài chính và quân Mỹ tiếp tục rút khỏi các hoạt động tác chiến trên bộ, số phi suất của chiến dịch Cung sáng giảm xuống còn 1.000 mỗi tháng kể từ ngày 1-6-1971. Khi quyết định này được thục hiện, sư đoàn 3 không quân được đổi tên thành tập đoàn 8 không quân từ tháng 4-1970 – có thể đảm nhiệm tất cả các phi xuất bằng số máy bay ở căn cứ Utapao. Lần đầu tiên trong 5 năm, chỉ có 42 máy bay B-52 làm nhiệm vụ trong chiến dịch Cung sáng. Nhiều máy bay và tổ lái trở về Mỹ đã trở lại với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu chiến lược.
Đầu năm 1972, sự gia tăng hoạt động của đối phương trên hệ thống đường mòn ở Lào và tăng cường lực lượng trên nhiều mặt trận khác ở miền Nam chứng tỏ đối phương sắp mở một cuộc tiến công. Tướng Abram và đô đốc John Mc Kên tổng tư lệnh Thái Bình Dương, yêu cầu tăng cường sự yểm trợ của chiến dịch Cung sáng để ngăn chặn mối đe doạ này. Ngày 8-2, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân cho phép tăng số phi xuất hàng tháng lên 1.200 và ra lệnh đưa thêm 29 máy bay B-52D tới Guam. Lực lượng B-52 giờ đây cho phép tăng số phi xuất lên 1.500 theo yêu cầu của Abram.

Số máy bay B-52 tăng thêm được sử dụng để tăng cường oanh tạc các đường mòn ở Lào, các kho chứa đồ tiếp tế và các bãi xe, trong chiến dịch “Săn lùng VII”.
B-52 oanh tạc miền Bắc 1 lần nữa
Đúng vào ngày thứ sáu, 30-3-1972, đối phương mở màn cuộc tiến công vào các vị trí của Nam Việt Nam ở tỉnh Quảng Trị rồi mau chóng phát triển tới vùng ba biên giới ở Kontum, Playcu và tỉnh Bình Long (Lộc Ninh và An lộc). Hội đồng tham mưu trưởng liên quân lập tức ra lệnh đưa thêm máy bay B-52 tới Guam và tăng số phi xuất hàng tháng lên 1.800. Trong tháng 4, sau 2 lần triển khai nữa, toàn bộ số máy bay B-52D của Mỹ đã được đưa tới chiến trường, đủ để tăng số phi xuất hàng tháng lên 1.800. Một lần nữa pháo đài bay phục vụ cho chiến dịch Cung sáng lên tới con số 105. Tình hình ngày càng xấu đi trên cả 3 mặt trận khiến Hội đồng tham mưu trưởng liên quân phải quyết định đưa thêm 28 máy bay B-52G tới Guam. Tuy chỉ mang được 27 trái bom ở bên trong, các máy bay B-52G có thể bay thẳng từ căn cứ tới Nam Việt Nam mà không cần tiếp dầu trên không. Tuy nhiên, chúng không được trang bị tốt như các máy bay B-52D; các phương tiện gây nhiễu điện tử của chúng gồm các máy phát kém hiện đại và yếu hơn. Nhưng nhờ có thêm số máy bay B-52G, lực lượng 133 máy bay phục vụ cho chiến dịch Cung sáng có thể thực hiện 75 phi xuất hàng ngày và 2.200 phi xuất hàng tháng
(còn tiếp)

Logged

Ô hay nhỉ! Tài nhỉ!
Triumf
Đại tá
*
Bài viết: 11033



« Trả lời #21 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2007, 01:24:08 pm »

Vì hành động xâm lược của đối phương, tổng thống và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã bãi lệnh ngừng ném bom Bắc Việt Nam và cho phép các máy bay chiến thuật và máy bay B-52 mở rộng dần các cuộc oanh tạc ra phía Bắc chừng nào đối phương còn tiếp tục cuộc tiến công. Trong tháng 4-1972, lần đầu tiên kể từ tháng 7-1968, các máy bay B-52 lại được lệnh oanh tạc miền Bắc. Trong 5 phi vụ, máy bay B-52 đã oanh tạc Vinh, sân bay Bái Thượng, khu kho chứa dầu Hải Phòng, và cuối cùng, điểm chuyển tải Hàm Rồng và Thanh Hóa ngay 21và 23 tháng 4. Trong phi vụ oanh tạc Hải Phòng, lần đầu tiên các máy bay B-52 mạo hiểm bay vào khu vực có hỏa lực phòng không mạnh giữa Hà Nội – Hải Phòng. Tuy nhiên, trong phi vụ này, các máy bay đã không bị tổn thương vì tên lửa và pháo phòng không.
Trong 5 tháng, thêm 70 máy bay B-52G được đưa tới Guam. 50 máy bay B-52D ở Utapao, cùng 52 chiếc B-52D và 98 chiếc B-52G ở Andersen (Guam), hàng ngày thực hiện 105 phi xuất (3150 phi xuất hàng tháng) trong khoảng từ tháng 2 đén tháng 6. Như vậy, Bộ tư lệnh không quân chiếc lược (SAC) đã tăng lực lượng của tập đoàn 8 không quân từ 50 lên 200 máy bay B-52 và tăng số phi xuất hàng tháng từ 1.000 lên 3.150.

Đối phó với cuộc tiến công mùa xuân 1972 của đối phương
Nỗ lực oanh tạc trong chiến dịch Cung sáng đã mau chóng được tăng cường trong tháng 4 và 5 năm 1972 để hỗ trợ cho các lực lượng Nam Việt Nam đang bị đối phương gây sức ép mạnh ở tỉnh Quảng Trị, Kon tum và An Lộc, Tây Bắc Sài Gòn. Chuyển mục tiêu oanh tạc từ Lào, Campuchia về VN trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1972, các máy bay B-52 đã thực hiện 6.000 phi xuất. Khối lượng ném bom chính xác đã góp phần chặn đứng rồi đẩy lùi cuộc tiến công dữ dội của đối phương. Trong nỗ lực tiến công lớn cuối cùng của đối phương ở An Lộc vào giữa tháng 5, các máy bay B-52 đã oanh tcạ 91 mục tiêu với 56 phi xuất ném bom các mục tiêu chỉ cách các vị trí của quân đồng minh khoảng 600-800m. Ở đây cũng như ở Kon tum và Quảng Trị, các máy bay thường oanh tạc trúng những lực lượng tập trung của Bắc VN, tiêu diệt một lúc hàng trăm quân địch và nhiều khi cả đơn vị trong một đòn oanh tạc.
Trong tháng 4 ở tỉnh Quảng Trị, đã có lần 2 tốp máy bay B-52 bẻ gãy hoàn toàn các mũi tiến công trên bộ của đối phương khi một máy bay làm nhiệm vụ kiểm soát trên không phía trước đã phát hiện các xe tăng đối phương mạo hiểm theo quốc lộ số 1 tiến xuống Đông Hà. Khu vực này nằm trong ô mục tiêu đã định trong kế hoạch, vì vậy nhân viên kiểm soát trên không phía trước đã gọi B-52 tới. 30 phút sau, 6 máy bay B-52 tới ném bom, tiêu diệt 35 xe tăng và phá hủy một công sự dùng làm sở chỉ huy sư đoàn của đối phương.
Nỗ lực ngăn chặn cuộc tiến công mùa xuân năm 1972 của đối phương đã đòi hỏi phải sử dụng một số lượng lớn, có phối hợp các máy bay kiểm soát trên không, phi pháo, máy bay chiến thuật của không quân Mỹ, máy bay trực thăng vũ trang, máy bay vận tải của lục quân Mỹ và máy bay chiến lược B-52. Một chuẩn tướng thuộc bộ tư lệnh viện trợ vùng 3 sau này nói rằng B-52 “đã trở thành vũ khí có hiệu quả nhất mà chúng ta có thể đánh giá được…” Tướng John Vogt, tư lệnh tập đoàn 7 không quân, đã bình luận rằng B-52 “đã góp phần chủ yếu cho thắng lợi của những nỗ lực phòng thủ chống các lực lượng xâm lược. Hỏa lực mạnh ghê gớm của nó có ý nghĩa quan trọng ở những vùng then chốt như An Lộc và Kon tum”.

Linerbacker: Vùng trời Hà Nội chật hẹp
Nhân tố này hạn chế các đường vào và ra cho các đợt tiến công của máy bay B-52. Để lợi dụng khả năng có gió mạnh thổi từ hướng Tây Bắc, các máy bay bao giờ cũng từ phía Tây Bắc bay vào các mục tiêu lớn ở khu vực Hà Nội. Ngay sau khi trút bom, máy bay phải lượn vòng rất lớn ra phía sau mục tiêu để thoát ra ngoài tầm bắn của tên lửa đất đối không, càng nhanh càng tốt. Theo quy định, các tốp trong đội hình tiến công của máy bay ném bom chỉ được bay ở các độ cao và hướng khác nhau rất nhỏ, các tốp phải bám chặt đội hình để làm giảm khả năng dễ bị tổn thương vì tên lửa đất đối không, để tăng hiệu quả bảo vệ của các phương tiện gây nhiễu điện tử trong đội hình và giữa các tốp là để giữ đội hình trong hành lang có thả sợi nhiễu. Vì các phi công thuộc Bộ tư lệnh không quân chiến lược ít khi bay trong các đội hình lứon vào ban đêm và vì trời HN sẽ đông đặc máy bay nên các phi công được lệnh tránh va chạm bằng cách càng ít thực hiện động tác cơ động càng tốt.
(còn tiếp)




Logged

Ô hay nhỉ! Tài nhỉ!
Triumf
Đại tá
*
Bài viết: 11033



« Trả lời #22 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2007, 01:28:36 pm »

Không đầy 30 phút trước khi chiếc đầu tiên trong số 129 máy bay B-52 dự định sử dụng cho cuộc tiến công ban đêm 18-12-1972, các máy bay F-111 đã oanh tạc 4 sân bay MiG. Các máy bay F-4 rải 2 hành lang sợi nhiễu để che chở cho các máy bay đánh phá các khu liên hợp Đông Anh và Yên Viên ở ngay phía Bắc HN. Đêm đó, cũng như 2 đêm sau, gió từ hướng Tây Bắc thổi mạnh với tốc độ lên tới trên 100 dặm/h đã đẩy các máy bay B-52 bay nhanh vào thung lũng sông Hồng, nhưng cũng thổi bạt sợi nhiễu ra khỏi các hành lang trước khi các pháo đài bay kịp tới. Những chiếc B-52 đầu tiên ném bom các sân bay Hòa Lạc, Kép và Phúc Yên. Một máy bay MiG bị bắn rơi – chiếc đấu tiên được xác định là do máy bay B-52 bắn rơi trong chiến dịch Linerbacker II và trong cả cuộc chiến tranh. Sau đó, Đông Anh và Yên Viên bị ném bom. Chiếc máy bay mang mật danh “Than củi” dẫn đầu 3 chiếc B-52 cất cánh từ Guam đánh vào khu nhà kho Yên Viên – Ái Mỗ, bị 2 tên lửa đất đối không bắn trúng trước khi trút bom và rơi xuống phía Tây Bắc Hà Nội. Đó là chiếc B-52 đầu tiên bị hỏa lực phòng không đối phương bắn rơi trong chiến dịch và là chiếc thứ 2 bị bắn rơi trong cuộc chiến tranh. Đến nửa đêm, 30 máy bay cất cánh từ Guam oanh tạc HN một lần nữa. Một chiếc B-52 khác bị thương nặng vì tên lửa đất đối không khi đang ngoặt ra khỏi mục tiêu và rơi ở Thái Lan, sau khi tổ lái đã nhảy dù. 5 giờ sau, đợt thứ 3 bay vào, thêm 1 máy bay nữa bị bắn rơi. Trong ngày thứ nhất 121 trong số 129 phi xuất dự định đã oanh tạc khu liên hợp Đông Anh và Yên Viên, 3 sân bay MiG, nhà máy xe lửa Gia Lâm và Đài phát thanh HN. Lực lượng phòng không đối phương đã phóng trên 200 quả tên lửa và hàng ngàn phát đạn pháo phòng không, bắn rơi 3 máy bay B-52 và bắn bị thương 2 chiếc khác. Xạ thủ trên các pháo đài bay đã bắn rơi ít nhất là 1 trong số những chiếc MiG đã cố gắng xuất kích một cách không hiệu quả.
Những điểm yếu nghiêm trọng trong việc vạch kế hoạch và thực hiện bộc lộ trong những cuộc oanh tạc ngày thứ nhất đã trở nên rõ rệt một cách bi thảm trong những ngày sau. Các chiến thuật áp dụng trong chiến dịch ném bom mang tên Cung sáng miền Nam không thích hợp với khu vực HN, nơi có hỏa lực phòng không mạnh. 5 phi vụ tiến hành hồi tháng 4, đặc biệt là trận oanh tạc Hải Phòng, đã dẫn các nhà vạch kế hoạch Mỹ tới những nhận định sai lầm. Hệ thống phòng không của HN không phải là yếu – đó là điều đã thấy rõ từ các cuộc oanh tạc trong chiến dịch Linerbacker lần trước, nhưng hiển nhiên điều đó đã được quan tâm quá ít. Do không có thêm các hành lang sợi nhiễu cho mỗi đợt, các máy bay ném bom B-52 đã không tận dụng được sức gió xuôi thổi mạnh. 3 đợt mỗi đêm gây khó khăn cho việc rải sợi nhiễu hay trấn áp tên lửa đất đối không đồng thời giúp cho hệ thống phòng không đối phương có thời gian hồi phục và chuẩn bị đối phó với đợt tiến công mới. Gió thổi mạnh giúp cho các máy bay ném bom bay nhanh tới mục tiêu, nhưng cũng thổi bạt sợi nhiễu, khiến cho các máy bay B-52 phải dựa vào thiết bị gây nhiễu của chính mình để tránh bị radar phát hiện. Hơn nữa, khi ra khỏi mục tiêu, các máy bay B-52 phải ngoặt trở lại bay ngược chiều gió mạnh 100 dặm/h nên tốc độ rút lui chậm lại quá nhiều và hướng gây nhiễu chị chệch, khiến cho radar của các trận địa tên lửa đất đối không lân cận có thể lọt qua những chỗ yếu trong màn nhiễu. Hơn nữa, đội hình máy bay ném bom dài và việc quy định một điểm ngoặt độc nhất cho máy bay khi ra khỏi mục tiêu đã giúp cho máy bay khi ra khỏi mục tiêu đã giúp cho đối phương nhằm trúng điểm ngoặt sau khi những tốp đầu bay qua.
Cuộc chào đón dữ dội của tên lửa đất đối không
Trong ngày thứ 2, chiến thuật chỉ được thay đổi chút ít ở 3 máy bay bị bắn rơi trong 121 phi xuất được coi là mức có thể chấp nhận được. Các máy bay B-52 lại đánh phá Đông Anh, Yên Viên, Đài phát thanh HN, và cả điểm chuyển tải Bắc Giang cùng nhà máy nhiệt điện Thái Nguyên ở phía Bắc HN. Các đợt đánh phá lại được tiến hành cách nhau 4-5 giờ. Không máy bay nào bị bắn rơi, mặc dầu dối phương đã bắn tới ngót 200 quả tên lửa đất đối không.
Các đợt oanh tạc ngày 19-12 đã gây cảm giác tin tưởng 1 cách giả tạo, và chiến thuật đánh phá trong ngày thứ 3 không có gì thay đổi nhiều. Những chiếc đi đầu của đợt tiến công thứ nhất ngày 20-12, hoàn thành nhiệm vụ một cách dễ dàng, nhưng nhiều tên lửa đất đối không đã phóng vào những chiếc đi sau. Tên lửa đã bắn trúng 2 chiếc B-52G khi chúng đang bay ngoặt ra khỏi mục tiêu và cả 2 đã rơi ở Hà Nội. 1 chiếc B-52D bị trúng đạn trước khi trút bom và cố bay được về Thái Lan thì rơi. Đợt oanh tạc cuối cùng bắt đầu vào khoảng nửa đêm về sáng. Các máy bay B-52 oanh tạc Hà Nội cũng được tiếp đón bằng tên lửa một cách dữ dội như dợt đầu. Một chiếc B-52D bị thương nặng bởi tên lửa, rơi ở Lào. 2 chiếc B-52G khác cũng bị tên lửa bắn rơi. Trên 220 quả tên lửa đã được phóng trong đêm 20-12, và 6 chiếc B-52 bị hạ trong vòng 9 giờ. Cho đến nay, người ta đã thấy rõ 2 nhân tố có ý nghĩa khác nhau gây nên tổn thất: 5 chiếc bị bắn rơi khi ngoặt ra khỏi mục tiêu, và 5 chiếc B-52G chưa được cải tiến để mang thêm các thiết bị gây nhiễu mạnh hơn.
Tuy nhiên, trừ số tổn thấy ngày 20-12, các cuộc oanh tạc trong 3 ngày đầu được coi là thành công. Hầu hết các mục tiêu quan trọng đều bị tàn phá nặng. Trên 300 phi xuất đã được thực hiện, với 9 máy bay bị hạ; mức tổn thất chưa đến 3%, tuy nhiên mức tổn thất như trong ngày thứ 3 có thể làm cho chiến dịch ném bom phải mau chóng chấm dứt.

(còn tiếp)

Logged

Ô hay nhỉ! Tài nhỉ!
Triumf
Đại tá
*
Bài viết: 11033



« Trả lời #23 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2007, 01:31:16 pm »

Ngay trước khi chấm dứt nỗ lực cao nhất trong 3 ngày, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã ra lệnh kéo dài chiến dịch ném bom nhưng với quy mô nhỏ hơn. Các kíp lái cho rằng nguyên nhân dẫn tới tổn thất là việc vạch kế hoạch kém và ở chiến thuật, và yêu câu thay đổi. Một ban nghiên cứu chiến thuật ở Utapao đã nghe được những lời phàn này này: phi công trong các kíp bay đặc biệt phàn nàn rằng vòng ngoặt rộng khi ra khỏi mục tiêu khiến máy bay của họ bay chệch ra khỏi màn nhiễu và vì vậy dễ bị trúng tên lửa đất đối không. Họ muốn thu hẹp vòng ngoặt và mau chóng thoát khỏi khu vực mục tiêu ra vịnh Bắc Bộ. Hơn nữa, họ muốn được tự do áp dụng các thủ đoạn cơ động né tránh, bay theo các đường đạn chéo nhau, thu ngắn đội hình ném bom, tiếp cận mục tiêu từ nhiều hướng, ở các độ cao khác nhau và cự ly không nhất định và thay đổi độ cao không theo quy luật để gây lúng túng cho việc đối phó của hệ thống phòng không đối phương.
Áp dụng chiến thuật mới để giảm tổn thất
Bộ tư lệnh không quân chiến lược (SAC) chấp nhận những đề xuất này và còn đưa ra những thay đổi khác, một số trong đó đã được đưa vào kế hoạch oanh tạc ngày thứ 4. Tất cả các phi xuất tiến công các mục tiêu trong chiến dịch Linerbacker II trong ngày 21-12 đều do các máy bay ở căn cứ Utapao thực hiện, trong khi các máy bay ném bom ở căn cứ Guam lại tiếp tục chiến dịch Cung sáng. Trong ngày 22-12, ngày thứ 5 của chiến dịch, các máy bay B-52D chuyển sang phía Đông, tiến công nhà máy xe lửa và khu chứa dầu Hải Phòng. Các máy bay tiến công đã áp dụng chiến thuật mới và tránh được tổn thất tuy bom rơi không thật trúng đích. Tuần thứ nhất của chiến dịch Linerbacker II kết thúc vào ngày thứ 7 của chiến dịch. Nhiều bài học đã được rút ra và tổn thất gây cho đối phương cũng đáng kể, nhưng với cái giá phải trả là 11 máy bay B-52 và nhiều phi công cùng nhân viên phi hành.
Sau 36 giờ tạm ngừng ném bom nhân dịp lễ Noel, ngày 26-12, chiến dịch lại tiếp tục bằng cuộc tiến công được vạch kế hoạch tỷ mỉ và phối hợp chặt chẽ của 120 máy bay B-52 với những đám mây sợi nhiễu bao phủ bầu trời Hà Nội và HP trong khi 7 đợt máy bay ném bom tiên tiếp, oanh tạc 10 mục tiêu khác trong vòng 15 phút. Lực lượng này đòi hỏi trên 100 máy bay yểm trợ, các máy bay F-111 đánh phá các sân bay, trong khi các máy bay A-6 của hải quân Mỹ trấn áp các trận địa tên lửa đất đối không ở khu vực Hải Phòng. 2 đội hình máy bay ném bom dày đặc bay vào HN từ hướng Tây Bắc và Tây Nam qua Lào rồi thoát ra phía vịnh Bắc Bộ, 2 đội hình khác theo hướng ngược lại, bay vào HN từ hướng Đông Bắc và Đông Nam qua vịnh Bắc Bộ và bay qua Lào. Các máy bay tiến công Hải Phòng bay vào từ hướng Đông Bắc và Đông Nam. Các máy bay B-52G dễ bị tổn thương hơn được giao nhiệm vụ đánh phá Thái Nguyên và Hải Phòng.
Chiến thuật mới được áp dụng một cách có hiệu quả. Hệ thống phòng không của đối phương bị dội bom đến mức bão hòa, rối loạn và giảm hiệu lực – tuy tên lửa đất đối không có bắn rơi 1 máy bay B-52 ở Hà Nội. Chiếc thứ 2 rơi ngay gần đường băng trên sân bay Utapao trong khi cố gắng hạ cánh vì đã bị thương rất nặng trong trận đánh. Chỉ trong khoảng thời gian hơn 15 phút, 113 máy bay B-52 đã thực hiện một cuộc oanh tạc tập trung nhất trong lịch sử. Quả thật, đó là một kiệt tác về chiến thuật, cho thấy các bài học rút ra từ cuộc oanh tạc trước đã được áp dụng tốt như thế nào.
(còn tiếp)

Logged

Ô hay nhỉ! Tài nhỉ!
Triumf
Đại tá
*
Bài viết: 11033



« Trả lời #24 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2007, 01:33:20 pm »

Đánh giá kết quả của chiến dịch ném bom bằng máy bay B-52
Cuộc oanh tạc ngày thứ 9 được tiến hành bằng lực lượng 60 pháo đài bay. Một chiếc B-52G cất cánh từ căn cứu Utapao bị thương nặng khi tiến công một trận địa tên lửa, nhưng đại úy phi công đã cố gắng bay được tới Nakhon Phanom ở Thái Lan và cả tổ lái đã nhảy dù. 2 chiếc khác bị thương trong ngày ngày 27-12. Nhưng đó cũng là những chiếc cuối cùng bị thương. 60 máy bay oanh tạc trong 2 ngày thứ 10 và 11 đều trở về an toàn. Trong 2 ngày này, số lượng tên lửa phóng lên đã giảm đi nhiều vì sự kết hợp biện pháp phong tỏa và ném bom đã cắt đứt nguồn tiếp tế tên lửa cho đối phương.
Đến nửa đêm ngày 29-12-1972, tất cả các cuộc oanh tạc ở Bắc vĩ tuyến 20 đều chấm dứt. Trong 11 ngày của chiến dịch Linerbacker II, các máy bay B-52 đã thực hiện 729 phi xuất: 340 từ sân bay Utapao và 389 từ sân bay Guam. Có 15 chiếc B-52 bị bắn rơi, đều do tên lửa đất đối không: 9 chiếc B-52D và 6 chiếc B-52G, 9 chiếc khác bị thương, 29 phi công và nhân viên phi hành tử trận, 33 bị bắt sống và về sau đã được trao trả và 26 được cứu thoát sau trận đánh. Các pháo đài bay đã oanh tạc 34 mục tiêu, trút gần 49.000 trái bom, tổng cộng 13.606.000kg. Trước hỏa lực phòng không mạnh của đối phương và số lượng lớn máy bay tham gia, các cuộc oanh tạc được đánh giá là hết sức chính xác. Theo số liệu công bố của Bắc Viẹt Nam thì có khoảng 1.300-1.600 dân thường bị thương vong. Căn cứ vào khối lượng bom đã thả và số máy bay bị bắn rơi ở Hà Nội thì con số thương vong này quá thấp. Chiến dịch ném bom, biện pháp phong tỏa đường biển, tình trạng bế tắc trên chiến trường là những nhân tố kết hợp buộc Bắc VN phải trở lại cuộc thương lượng ở Paris. Những thiệt hại lớn gây nên bởi chiến dịch Linerbacker II đòi hỏi phải được khắc phục ngay và làm cho Bắc VN phải trì hoãn cuộc tiến công xâm lược Nam VN đến tận năm 1975.
Thêm 1 máy bay B-52 bị hạ trước khi ngừng bắn, chấm dứt hoàn toàn các cuộc ném bom ở VN ngày 27-1-1973. Các cuộc oanh tạc ở Lào còn tiếp tục cho đến giữa tháng 4 và sau đó, các máy bay B-52 chuyển sang đánh phá ở Campuchia cho đến ngày 15-8-1972, khi Quốc hội Mỹ cắt hoàn toàn ngân sách cho cuộc chiến tranh bằng đường không. Trong 8 năm 2 tháng, các máy bay B-52 đã thực hiện tổng cộng 124.532 phi xuất ném bom có hiệu quả vào các mục tiêu đã định, trút trên 2.674.745.000kg bom thường, 18 chiếc B-52 bị đối phương bắn rơi và 13 chiếc khác bị rơi do đâm phải nhau hay do tai nạn.
Ngoài chiến dịch Linerbacker II, ở trận Khe Sanh, trong cuộc tiến công vào dịp tết năm 1968 và cuộc tiến công mùa xuân 1972, hiệu quả của chiến dịch Cung sáng là một vấn đề được quan tâm sâu sắc và thường gây ra các cuộc tranh cãi ngay từ đầu. Tướng Westmoreland và Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ ở VN (MACV) tin rằng các cuộc ném bom đã ngăn chặn việc tập trung lực lượng lớn của đối phương để mở các cuộc tiến công, gây bối rối, phá hủy các căn cứ, cắt đứt đường tiếp tế và giao thông liên lạc, và gây tâm lý hết sức căng thẳng cho binh sĩ đối phương do phải thường xuyên di chuyển và luôn luôn lo ngại bị thương vong vì những cuộc oanh tạc bất ngờ. Những người chỉ huy trên bộ thường suy nghĩ nhiều đến những gì đã không xảy ra về những chiến dịch mà đối phương có thể đã dự định nhưng bị cản trở - nhưng những người chỉ huy không quân Mỹ lại quan tâm hơn đến những thiệt hại và con số thương vong mà họ đã gây cho đối phương. Tuy nhiên, hiệu quả chẳng bao lâu sau đã được đánh giá bằng số tấn bom đã trút xuống những khu vực mục tiêu đã định, xác suất trúng đích, và số phi xuất trong các phi vụ. Cách đánh giá bằng số lượng này được chấp thuận vì thiếu những thực tế rõ rệt chứng minh sự thành công của 124.532 phi xuất oanh tạc các mục tiêu đã định.
(còn tiếp)

Logged

Ô hay nhỉ! Tài nhỉ!
Triumf
Đại tá
*
Bài viết: 11033



« Trả lời #25 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2007, 01:36:44 pm »


Vì ngay sau đó, các hoạt động trên bộ thường được tiếp theo, vì khó khăn của việc trinh sát chụp ảnh sau mỗi cuộc oanh tạc, và lời kể lại mơ hồ của tù binh, Bộ tư lệnh không quân chiến lược đặc biệt muốn thấy khoản đầu tư của mình mang lại hiệu quả lớn hơn chứ không phải chỉ có những khu vực lớn, rừng rậm bị cày xới và hằng hà sa số các loại rắn, khỉ và côn trùng bị giết chết. Họ phải chịu đựng sự tốn kém về máy bay, người lái, nhiên liệu, số giờ bay và năm 1969, 1 vấn đề tinh thần nghiêm trọng trong toàn bộ lực lượng người lái và nhân viên phi hành trên các máy bay B-52D và gia dình họ. Trên hết, những yêu cầu tác chiến ở Việt Nam đã ảnh hưởng đến nhiệm vụ chủ yếu của SAC là răn đe chiến lược vì các cuộc oanh tạc của máy bay B-52 thường được tiến hành ở những vùng rừng núi cách xa nơi có lực lượng bạn, nên các nhà quan sát Mỹ không thể nhìn tháy hiệu quả. Tác động của chiến dịch Cung sáng như thế nào là điều thường bị nghi ngờ. Tuy nhiên, khi các lực lượng lớn của đối phương xuất hiện ở Khe Sanh trong cuộc tiến công vào dịp tết năm 1968, hay ở An Lộc, thì hiệu quả của máy bay B-52 là điều dễ thấy. Đó là những mục tiêu lý tưởng cho khả năng sát thương hàng lọat của các máy bay ném bom này và trong các cuộc tiến công này, các máy bay B-52 đã làm cho Bắc VN và Việt cộng phải trả giá vô cùng đắt. Có lẽ Westmoreland đã đánh giá đúng vai trò của chiến dịch Cung sáng trong cuộc chiến tranh, và hiệu quả cuối cùng của nó khi ông ta viết hồi ký năm 1968 rằng: “Việc sử dụng vũ khí này đã giúp người Mỹ giành chiến thắng trong nhiều trận đánh mà đáng nhẽ phải chiến đấu thêm nhiều trận nữa”./.


Logged

Ô hay nhỉ! Tài nhỉ!
Triumf
Đại tá
*
Bài viết: 11033



« Trả lời #26 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2007, 01:50:19 pm »

Hà Nội sơ tán dân để đánh Mỹ tháng 12-1972
Nguyễn Kim Phong
(Tạp chí Lịch sử Quân sự 12/1987)

Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta (8-1964-1972), những người cầm đầu Nhà trắng và Lầu Năm góc luôn luôn coi Hà Nội, thủ đô nước VNDCCH, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước là một mục tiêu quan trọng nhằm gây sức ép “tối đa” với ta trong những bước phiêu lưu quân sự của chúng. Trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, HN có số dân là 1.021.000 người trên diện tích 586km2, bao gồm 4 khu phố nội thành (nay là 4 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa) và 4 huyện ngoại thành (Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh). Trong đó, chỉ với hơn 37km2, nội thành HN có tới gần 65 vạn người, bình quân 17.000 người/km2. Khu phố Hoàn Kiếm là nơi có mật độ dân số rất cao, hơn 4 vạn người/km2. Nơi đây có nhiều cơ quan, xì nghiệp liền nhau, nhiều rạp hát, rạp chiếu bòng, mậu dịch lớn, chơ to, có khu vực HN cũ, đường sá chật hẹp, nhà cửa xây dựng từ lâu rất nguy hiểm đối với chiến tranh phá hoại của địch. Không những đông, thành phần cấu tạo số dân nội thành cũng rất đa dạng, phức tạp, khó khăn cho công tác vận động sơ tán. Trong số 65 vạn dân ở nội thành, có 106.000 cán bộ, công nhân, viên chức ở các cơ quan, xí nghiệp Trung ương, hơn 42.000 học sinh, sinh viên các trường đại học và trung học chuyên nghiệp của các Bộ mà diện vận động sơ tán thuộc về công tác của Ban sơ tán trung ương. Ngoài 50.000 cán bộ, công nhân viên chức các cơ quan, xí nghiệp địa phương còn 46.000 xã viên các hợp tác xã thủ công, xây dựng…, hơn 10.000 tiểu thương các ngành, gần 9.000 lao động linh tinh khác mà đời sống của họ gắn liền với sinh hoạt của thành phố, hơn 200.000 trẻ em từ 15 tuổi trở xuống. Ngoài ra, còn phải kể đến thường xuyên có hơn 20.000 người vãng lai thành phố hàng ngày.


Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của địch, Hà Nội đã vận động được nhiều người sơ tán ra ngoại thành và đi các tỉnh khác. Kết hợp với việc điều chuyển các cơ sở kinh tế ra ngoài thành phố và thực hiện nhiều biện pháp tích cực, số dân ở nội thành hà Nội đã giảm nhiều. Song, sau khi địch ngừng ném bom chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, tình hình HN tương đối yên tĩnh, và do gặp nhiều khó khăn trong khi sơ tán, nhiều người lớn và trẻ em lại trở về, làm cho dân số thực sự ở nội thành lại tăng lên. Bước vào cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, để chủ động đối phó với địch, ngày 4-5-1972, Thành ủy chủ trương khi địch bắt đầu đánh lại vào thành phố nhưng không liên tục thì vẫn phải đảm bảo sản xuất bình thường, sẵn sàng chiến đấu nhưng phải sơ tán hết người già, trẻ em, những người không có nhiệm vụ chiến đấu, sản xuất ra khỏi thành phố, khoảng 30 vạn (số còn lại khoảng 30-35 vạn). Những người còn ở lại làm nhiệm vụ phải có đủ hầm, hố, sinh hoạt quân sự hóa. Từng cơ quan, xí nghiệp, khối phố… sẵn sàng sơ tán cấp tốc khi có tình hình khẩn trương.
Khi địch đánh vào thành phố tương đối liên tục thì phải sơ tấn khoangr 10-15 vạn người nữa (số còn lại khoảng 20-25 vạn). Và khi địch đánh liên tục, ác liệt vào HN thì phải cấp tốc sơ tán nhân dân, tạm ngừng sản xuất trong nội thành, sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất và chiến đấu thắng lợi với kẻ thù. Trường hopự này chỉ có những lực lượng có nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ trực tiếp cho chiến đấu mới được ở lại nội thành, bao gồm bộ phận nhẹ các cơ quan Thành ủy, Ủy ban hành chính thành phố, các lực lượng vũ trang chiến đấu bảo vệ thành phố (bộ đội chủ lực của Bộ và Hà Nội, các lực lượng dân quân tự vệ, công an nhân dân), các lực lượng cấp cứu phòng không, khắc phục hậu quả, thông tin liên lạc, những cơ sở sản xuất đảm bảo cho chiến đấu như điện, nước… Tất cả các bộ phận khác phải cấp tốc sơ tán, trong thời gian ngắn nhất phải rút ra ngoài.

(còn tiếp)

« Sửa lần cuối: 31 Tháng Mười, 2007, 01:57:54 pm gửi bởi Triumf » Logged

Ô hay nhỉ! Tài nhỉ!
Triumf
Đại tá
*
Bài viết: 11033



« Trả lời #27 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2007, 01:53:30 pm »

Việc vận động, tổ chức sơ tán cho hàng chục vạn người dân ra khỏi thành phố là một vấn đề rất lớn, nó ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm đời sống của mọi người. Vì vậy, trong công tác vận động sơ tán, Hà Nội luôn luôn xác định phải đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng, đi sâu phát động quần chúng, nêu cao vai trò gương mẫu của đảng viên, đoàn viên, cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước để có tác dụng thúc đẩy quần chúng tự giác chấp hành. Trong công tác vận động tổ chức sơ tán, các phương tiện thông tin đại chúng và cán bộ vận động sơ tán ở cơ sở có vai trò quan trọng.
Một đối tượng thường xuyên được chú trọng vận động là 200.000 trẻ em từ 15 tuổi trở xuống. Đây là đối tượng đông đảo, vận động sơ tán tốt không chỉ bảo đảm an toàn cho các cháu, giúp bố mẹ ở lại yên tâm sản xuất, chiến đấu mà còn là bảo vệ tương lai của đất nước, của Thủ đô. Thành phố chủ trương vận động gia đình đưa các cháu về quê, cho đi theo cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã sơ tán. Thành phố còn tổ chức hơn 400 trại sơ tán cho các cháu dưới 6 tuổi, hàng trăm trường trại sơ tán cho các cháu lớn hơn. Nhiều trại được tổ chức với phương thức “học trường làng, ở nhà dân, ăn tập thể”; trợ cấp 3 đồng, 5 đồng, 7 đồng một tháng cho mỗi cháu tùy theo hoàn cảnh gia đình. Công tác sơ tán nhân dân cũng gắn liền với việc điều chuyển các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã ra khỏi thành phố. Mỗi đơn vị sơ tán không chỉ đảm bảo đời sống cho cán bộ, công nhân viên chức, xã viên mà còn đảm bảo cho cả những người ăn theo của họ như con cái, bố mẹ già… Việc điều chuyển này cũng góp phần đáng kể vào việc giảm bớt mật độ dân số của thành phố.
Đối với tiểu thương, để đảm bảo đời sống cho họ, thành phố chủ trương vận động họ chuyển ngành nghề, tìm công ăn việc làm cho họ trong các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã hoặc đơn giản hơn như tổ chức cho họ làm gia công cho Nhà nước: đan len, may quần áo, bóc lạc… làm ở ngoại thành.
Căn cứ vào chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ về công tác sơ tán nhân dân, phân tán các khu côn gnhiệp tập trung ở Hà Nội, Hải Phòng ra các tỉnh, Hà Nội đã liên hệ với các tỉnh bạn để tổ chức cho nhân dân sơ tán, cho các cơ sở sản xuất, bệnh viện, trường học… phân tán đến. Đảm bảo việc cung cấp bình thường các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống đồng bào sơ tán như lương thực, thực phẩm, chất đốt,… Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh bạn, nhất là Hà Tây, Hà Bắc, Hưng Yên, Nam Hà, Vĩnh Phú là nơi có đông đồng bào Hà Nội và các cơ sở kinh tế, văn hóa của Hà Nội so tán đến, đã hết lòng đùm bọc, giúp đỡ với tinh thần thần “nhường cơm, sẻ áo”, chia sẻ những khó khăn của đồng bào, cán bộ Thủ đô.
Các ngành của thành phố cũng có những kế hoạch cụ thể phục vụ công tác sơ tán nhân dân. Sở giao thông vận tải có kế hoạch vận chuyển sơ tán lúc bình thường cũng như khí có tình huống khẩn trương. Trong tình huống thứ ba, để đảm bảo trong thời gian ngắn nhất vận chuyển thoát ra ngoài số lượng lớn nhất, Sở đã có kế hoạch cụ thể căn cứ vào việc điều tra số người trong diện sơ tán cấp tốc từng khu vực, số đầu phương tiện của các công ty vận tải kể cả đường bộ, đường thủy, hiệp đồng với đại diện hành chính từng nơi, bố trí khu vực tập kết dân, hướng đi, phân công cụ thể cán bộ phụ trách… Sở thương nghiệp, Sở lương thực tăng cường mạng lưới thương nghiệp ở ngoại thành, liên kết với các sở hữu quan của các tỉnh bạn để phục vụ đồng bào sơ tán. Sở ý tế đẩy mạnh công tác vệ sinh phòng bệnh và tăng cường lực lượng cán bộ y tế ở ngoại thành, đảm bảo phục vụ tốt công tác sơ tán theo hướng tổ chức nhỏ, phân tán, gần nơi tập trung đồng bào.
(còn tiếp)

Logged

Ô hay nhỉ! Tài nhỉ!
Triumf
Đại tá
*
Bài viết: 11033



« Trả lời #28 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2007, 01:55:10 pm »

Đến này 24-5-1972, khi tình hình bắt đầu căng thẳng, thành phố đã tăng cường vận động đồng bào sơ tán. Đợt này vận động được 214.164 trẻ em, 125.894 người lớn, các cơ quan, xí nghiệp trung ương cũng đưa đi được 60.631 người ra các huyện ngoại thành và các tỉnh bản xung quanh. Các huyện Thanh Trì, Từ Liêm là những huyện không bị cách trở bởi sông Hồng như Gia Lâm, Đông Anh, giao thông tiện lợi với nội thành nên được chọn làm khu vực dự trữ cho việc sơ tán cấp tốc những lực lượng cần sơ tán trong tình huống thứ ba, bao gồm nhiều cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố.
Cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1972, tình hình cuộc đấu tranh giữa ta và địch đã hết sức gay gắt. Ngày 27-11-1972, Bộ Tổng tham mưu đã nhận định: “Có nhiều khả năng địch sẽ đánh phá trở lại toàn miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, kể cả việc dùng B-52 đánh ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng”. Từ 18 giờ ngày 4-12-1972, Thành phố tổ chức ngay việc sơ tán người già, trẻ em và những người không thật cần thiết cho sản xuất, chiến đấu ra khỏi nội thành và cả những trọng điểm ngoại thành như Gia Lâm, Yên Viên, Văn Điển, Châu Quỳ cũng phải sơ tán đến các tỉnh lân cận. Mọi công việc sản xuất và chuẩn bị chiến đấu vẫn được bảo đảm, đồng thời sẵn sàng tiến hành sơ tán cấp tốc khi tình hình diễn ra gay gắt.
Đêm 18-12-1972, địch bắt đầu dùng máy bay B-52 đánh phá ác liệt vào thành phố, mở đầu 12 ngày đêm gây tội ác hủy diệt của chúng đối với Hà Nội. Lệnh sơ tán cấp tốc và triệt để được nhân dân nghiêm túc chấp hành. Sở giao thông vận tải, các đơn vị có phương tiện và ngành vận tải trung ương đã bố trí 182 xe ca, 54 xe tải liên tục vận chuyển, sơ tán nhân dân không thu vé. Trong suốt 12 ngày đêm, lực lượng vận tải của Hà Nội có sự hỗ trợ của ngành vận tải trung ương và các tỉnh bạn đã vận chuyển 295.885 người. Cùng với các phương tiện vận chuyển khác: xe đạp, xích lô, xe máy, đi bộ, 547.895 người đã sơ tán nhanh gọn, có trật tự trong tổng số 65 vạn dân ở nội thành. Đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người do địch có thể gây ra. Thiệt hại nặng nhất ở Hà Nội thời gian này là khu vực Khâm Thiên. Đây là khu dân cư đông đúc, có 5 vạn dân nhưng nhờ sơ tán tốt, thiệt hại về người chỉ xấp xỉ 1%. Các khu vực An Dương, Mai Hương, Tương Mai, thiệt hại về người chưa đến 0,5% số dân. Ở ngoại thành, thiệt hại về người không đáng kể.
Cùng với chiến thanứg bắn rơi 30 máy bay, trong đó có 23 máy bay B-52, 2 máy bay F-111, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái, thành tích sơ tán hơn nửa triệu dân trong thời gian ngắn, nhanh gọn trật tự, đảm bảo an toàn, làm giảm đến mức thấp thiệt hại về người do địch gây ra cũng là một thắng lợi rất đáng tự hào. Dùng 444 lần chiếc máy bay B-52, hơn 1.000 lần chiếc máy bay cường kích đánh phá ác liệt Hà Nội, phá hoại nặng nề tiềm lực kinh tế, quốc phòng ở Thủ đô, đế quốc Mỹ tưởng có thể uy hiếp tinh thần nhân dân Hà Nội, nhưng chúng đã bị thất bại thảm hại. Đế quốc Mỹ buộc phải tới bàn Hội nghị Paris ký hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam./.

Logged

Ô hay nhỉ! Tài nhỉ!
Triumf
Đại tá
*
Bài viết: 11033



« Trả lời #29 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2007, 01:57:13 pm »

Vài nét về giặc lái Mỹ bị bắt ở Bắc Việt Nam
Nguyễn Li
(Tạp chí Lịch sử Quân sự 12.1987)

Người tù binh Mỹ đầu itên ở Bắc Việt Nam là trung úy hải quân Everett Alvarez. Máy bay chiến đấu của Everett Alvarez là một trong 2 chiếc bị bắn rơi ngày 5-8/1964, sau khi ném bom cảng Hải Phòng, theo lệnh của Tổng thống Mỹ Johnson, sau vụ Vịnh Bắc Bộ. Cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ trên miền Bắc Việt Nam bắt đầu. Những vụ ném bom miền Bắc leo thang nhanh chóng, bình quân khoảng 70 lần chiếc/ngày. Số máy bay bị bắn rơi ngày càng nhiều. Phi công Mỹ tiếp tục vào nhà tù ở Bắc Việt Nam. Cuối năm 1965, đã có 61 tù binh Mỹ “may mắn” được vào nhà tù Bắc Việt Nam. Trong năm 1966, đã tăng lên 223 lần chiếc bay đi ném bom miền Bắc Việt Nam trong một ngày. Máy bay Mỹ bị bắn rơi ngày càng nhiều hơn, trung bình cứ 10 ngày có 8 chiếc. Trong năm 1966, lại có thêm 86 phi công Mỹ được đưa về “khách sạn vỡ tim”, một bộ phận của nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.
Vào cuối năm 1967, những cuộc oanh tạc trên miền Bắc đã tăng lên 300 lần chiếc/ngày và hầu như ngày nào cũng có máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, Hải Phògn và những nơi khác. Vào cuối năm 1968, lúc Tổgn thống Mỹ Johnson ra lệnh chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam (31-10-1968), đã có tất cả 927 phi công Mỹ chết, 356 bị bắt làm tù binh và 917 người Mỹ mất ích trong lúc hành sự. Những phi công Mỹ nhảy dù, phần lớn bị thương, bị gãy tay, gãy chân… Nếu không chết, họ đều được miền Bắc cứu chữa. Có người lẩn trốn được, không bị bắt ngay lúc nhảy dù xuống đất. Nhưng rồi lại bị bắt sau vài tuần chui lủi. Ví dụ như đại tá George E. ''Bud'' Day, 40 tuổi, là phi công lái chiếc F-100, bị bắn rói ngày 26-8-1967, tay phải bị gãy 3 chỗ, đầu gối bị trẹo xương, nhưng ông ta đã cố gắng để vượt qua khu phi quân sự, lội qua những cánh đồng lúa, băng qua rừng rậm và sau 12 ngày thì bị bắt.

317 người Mỹ bị cầm tù năm 1970 được đưa đến Hỏa Lò, là lúc họ đang ở tuổi thanh xuân của cuộc đời, trung bình là tuổi 32. Trong số này có 85% đã bay trên 15 phi vụ vào miền Bắc. Trung tá Richard Paul Keirn bị bắn rơi ngày 24 tháng 7 năm 1965, là phi hành của không lực thứ 7, bị bắt ở Việt Nam. Trong chiến tranh thế giới thứ 2, Paul Keirn là phi công lái máy bay B-17, bị bắn rơi trong nhiệm vụ đầu tiên ở nước Đức, bị cầm tù 9 tháng. Khi sang Việt Nam, Paul Keirn lái máy bay F-105 và bị bắn rơi ở ngày thứ 3 khi đến Đông Nam Á.
Trung tá Robison Risner của không lực Hoa Kỳ, bị bắt ngày 16 tháng 9 năm 1965, khi lái chiếc F-105 trên miền Bắc Việt Nam. Risner là một ngôi sao trong chiến tranh Triều Tiên với 109 phi vụ chiến đấu, được Mỹ công nhận là đã hạ 8 MiG. Nhưng đến Việt Nam trong vòng 6 tháng với 5 chuyến bay thì bị bắn rơi. Risner đã cố bay ra biển và được máy bay SA-16 cứu thoát, được báo chí Mỹ in ảnh ca ngợi. Thế nhưng, báo chí Mỹ, sau đó lại không đưa tin Risner tiếp tục bay ra ra miền Bắc và lại bị bắn rơi. Và lần này thì Risner được nhà tù Bắc Việt cứu sống. Risner là tù binh nhiều tuổi nhất và sống 7 năm rưỡi trong nhà tù Bắc Việt Nam.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ trên miền Bắc Việt Nam, lần thứ 2 và trong 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, trong “khách sạn Hilton - Hà Nội”, đã có thêm nhiều tù binh Mỹ. Và thế là đã có đủ mặt những phi công máy bay chiến thuật và phi công B-52, đeo huy hiệu SAC (Bộ chỉ huy không quân chiến lược). Đầu năm 1973, sau hiện định Paris về Việt Nam, tất cả tù binh Mỹ này ra khỏi “khách sạn Hilton - Hà Nội” để trở về Mỹ. Ngày 12/2/1973, tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, 116 quân nhân Mỹ được Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa trao trả cho phía Mỹ trong đợt đầu tiên. Ngày 14/3/1973, lại 106 quân nhân Mỹ được trao trả. Mười nagỳ sau, 14/3/1973, 107 quân nhân và 1 nhân viên dân sự Mỹ lên đường về nước. Đợt cuối cùng trao trả diễn ra ngày19/3/1973. Người cuối cùng từ giã sân bay Gia Lâm là thiếu tá hải quân Alfred Agnew, 33 tuổi, quê ở bang Ilinoi. Agnew lái chiếc máy bay RA5C đi trinh sát tìm kiếm những tên lái B-52 có thể còn sống sót ở vùng rừng núi phía Tây Bắc Hà Nội. Nhưng máy bay của Agnew bị bắn cháy và bị bắt ở Hà Tây sáng ngày 30 tháng 12 năm 1972. Chiếc máy bay sơn trắng C141 của Mỹ cuối cùng mang số hiệu 50.238 cất cánh khỏi sân bay Gia Lâm vào 15h20 ngày 19/3/1973, trả về cho Nixon “những người khách không mời mà đến” của “khách sạn Hilton - Hà Nội”.
Tổng cộng có 511 người Mỹ, trong đó có 503 quân nhân và 18 dân sự được trở về nước. Đó là những bằng chứng biết nói về thất bại sâu cay của con chủ bài không quân Mỹ trên đất Việt Nam./.

Logged

Ô hay nhỉ! Tài nhỉ!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM