Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:49:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp  (Đọc 63519 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #110 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2009, 01:07:33 pm »

Chủ nhật ngày 25 tháng 4

Sân bay Điện Biên Phủ mất luôn.

Trong một thông báo, Bảo Đại chống lại mọi "dự án giải quyết xung đột mà xâm phạm sự thống nhất của Việt Nam".

Hội đồng chính phủ họp bất thường ở Luân Đôn.

Quyết định số 18 ngày 17 tháng 4 xuất hiện trên Công báo, tuyên dương trước toàn quân đội quân đồn trú ở Điện Biên Phủ, bao gồm việc thưởng huy chương chiến công hình chữ thập T.O.E. với nhành lá cọ:

"Từ nhiều tuần qua, dưới quyền chỉ huy của đại tá De Castries, các lực lượng Liên hiệp Pháp đồn trú tại Điện Biên Phủ ngày đêm đẩy lùi những đợt tấn công quyết liệt của kẻ địch đông hơn nhiều về số lượng.

Sự hy sinh anh hùng của các tử sĩ và sự bám trụ bền bỉ của các chiến sĩ mang lại vinh quang mới cho vinh dự của quân đội ta.

Đoàn kết một lòng quyết thắng, sĩ quan, hạ sĩ quan, cai đội và binh sĩ xứng đáng được toàn thế giới tự do cảm phục, nước Pháp tự hào và biết ơn. Lòng dũng cảm của họ là tấm gương mãi mãi đáng tuyên dương."

Một lần nữa, Cogny yêu cầu Navarre xây dựng lại các binh đoàn cơ động ở châu thổ. Chỉ có thể thả xuống tập đoàn cứ điểm phân nửa khối lượng hàng dự kiến để tái bổ sung các kho dự trữ đạn, máy bay tiêm kích ngừng nhiệm vụ tìm và diệt các trận địa pháo địch để yểm trợ trực tiếp cho quân đồn trú.

TRẢ LỜI CỦA COGNY

1) Tôi đánh giá Điện Biên Phủ đề kháng được từ hai đến ba tuần nếu có chi viện, với điều kiện địch tiếp tục chiến thuật hiện nay mà không phát động tổng tấn công. Nếu ngưng chi viện bây giờ, thời hạn sẽ chỉ được tám ngày, vì lý do suy sụp tinh thần.

2) Trả lời ở phần 5.

3) Gởi binh tình nguyện trong vòng một tuần, sau đó gửi một tiểu đoàn dù hay lê dương.

4) Condor hạn chế nhưng ích lợi, cần bắt đầu không chậm trễ.

5) Tôi trả lời câu 2 của ông. Kéo dài thời gian có lợi gì, hay nói cách khác, mục đích cần đạt là gì?

Tôi hoàn toàn bác bỏ giả thiết chỉ đơn thuần gia tăng giá trị đạo lý của sự hy sinh. Chỉ cái lợi duy nhất là bảo vệ đến cùng danh dự quân nhân bằng cách chi viện Điện Biên Phủ đến giờ phút chót sẽ có quá nhiều nguy cơ bị mất trong sự tan rã chung tiếp theo đó. Cần phải, hoặc bảo đảm có cái gì bù lại cụ thể, hoặc đạt được ngừng bắn và dù thực hiện khả năng nào trong hai khả năng trên, cũng phải làm trước khi Điện Biên Phủ thất thủ.

Kéo dài sự đề kháng của G.O.N.O. cần cho phép có hành động quyết định để cứu Điện Biên Phủ hoặc ít nhất là sắp xếp lực lượng ta thế nào để khỏi mất các vị trí chủ yếu ở Bắc Kỳ do hậu quả của Điện Biên Phủ.

Châu thổ không chỉ có ưu tiên về tầm quan trọng chiến lược ở mức quốc tế và còn phải ưu tiên vì hậu quả của Điện Biên Phủ là các đại đoàn Việt Minh chiến thắng quay về và ở đây có phản ứng dữ dội của một vùng người đông như' kiến.
Tôi đã nhiều lần nhắc lại đề nghị này với ông vào các ngày 22, 23 và 24 tháng 4.

Tôi yêu cầu quyết định những điều này một cách hết sức khẩn cấp, tôi biết rằng một trong hai quyết định này không tùy thuộc ông. Các quyết định trên nhằm cứu Điện Biên Phủ trong bước 1 và châu thổ trong bước 2. Tôi giữ nguyên lập trường của mình.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #111 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2009, 01:08:30 pm »

Thứ hai ngày 28 tháng 4    

Khai mạc hội nghị Genève.

MỘT PHI CÔNG BỊ BẮT LÀM TÙ BINH

Vì trời đẹp nên máy bay lên đường ồ ạt, lần đầu máy bay Corsairs được dùng tấn công đường giao thông. Người ta quyết định dùng Packet ở độ cao hơn và thả dù rơi chậm, thả dù trong bốn lượt máy bay bay qua bay lại . Nhưng những lần này bay thử ở Viêng Chăn xác nhận mất hàng đến 50%, trong điều kiện bình thường, không có phòng không.

Hai chiếc B26 bị bắn rơi trong vùng địch và 50 máy bay trúng dạn. Khoảng 10 giờ 30 phút, các trận địa đại liên 12,7 của trung đoàn 367 bắn trúng một chiếc Hellcat, chiếc này đáp xuống các triền dốc đầu tiên, cách các vị trí Bản Kéo cũ một kilômét về phía Tây. Phi công không bị thương, nhưng bị bắt sống. Người ta dẫn anh đến chỉ huy sở của tiểu đoàn trưởng Phúc. Cho đến nay, Phúc chưa bao giờ được gặp phi công của những chiếc máy bay anh bắn hạ: Đó là lái phụ Robert, phi công trẻ tuổi nhất phi đội 11F, mặc đồ bay và gilê cứu hộ, đội chiếc mũ cát to tướng màu trắng, anh đã gỡ kính lên trên vành mũ, thoáng chút ria mép. Tiểu đoàn trưởng Phúc phẫn nộ hỏi:

- Sao anh lại có thể làm nhiều điều dã man đến thế? Tại sao anh giết nhiều người thế? Chúng tôi chiến đấu vì chính nghĩa và chính vì thế chúng tôi không giết anh. Nếu anh ở trong một trận đánh giữa đế quốc với nhau, anh tưởng họ sẽ để cho anh sống hả?

Viên phi công trả lời :

- Tôi không muốn có cuộc chiến tranh này.

- Thế tại sao anh lại tham gia?

- Tôi là người lính. Tôi tuân theo mệnh lệnh.

Người lái phụ nói thêm là sau chiến tranh, anh sẽ rời quân đội. Anh bay trên bầu trời Điện Biên Phủ lần này là lần thứ chín và lần nào cũng trúng đạn.

Tiểu đoàn trưởng Phúc nhìn anh ta, không biết nói gì nữa. Anh lái phụ có vẻ rất xúc động và đau khổ, như thể anh vừa từ hành tinh khác rơi xuống đây. Anh ta đứng im trước mặt tiểu đoàn trưởng, mặt nạ oxy toòng teng trước ngực. Có cái gì đó mà tiểu đoàn trưởng không hiểu được trong những tên đế quốc này. Cũng không hiểu rõ vì sao, Phúc bỗng bước về phía viên phi công và bắt tay anh ta.

Ở Hồng Cúm, đại đội 7 tiểu đoàn 1 pháo thủ Angiêri tìm cách xung phong lên các đường hào bao quanh rào dây thép gai của sân bay phụ (tức sân bay Hồng Cúm - ND). Nó bị đánh bật trở về căn cứ xuất phát với sáu người chết và 22 người bị thương. Ở phân khu trung tâm hầu như không còn khả năng xoay sở nữa, Langlais cho chôn các chiến xa để biến chúng thành lô cốt. Mấy cơn mưa giông cuối cùng đã làm lòng chảo ngập úng. Ở cả hai bên, người ta chiến đấu với nước lên tới đùi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #112 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2009, 01:09:35 pm »

TRẢ LỜI CỦA TỔNG TƯ LỆNH ĐIỆN SỐ 679

Tôi trả lời đoạn 5 trong công điện số 01/01 của anh. Nếu tôi hiểu đúng, anh cho rằng việc tăng cường cho Điện Biên Phủ chỉ đáng làm, nếu như sự kéo dài đề kháng cho phép chắc chắn về kết quả thuận lợi.

Tôi không chia sẻ quan điểm ấy và tôi cho rằng kể cả danh dự quân nhân và hy vọng, dù không chắc chắn, về một kết quả thuận lợi cũng đáng để hy sinh thêm. Thế mà, có thể hy vọng kết quả thuận lợi do có hội nghị Genève, hội nghị có thể đưa đến hoặc là ngừng bắn, hoặc là Mỹ can thiệp trong trường hợp (hội nghị) thất bại. Do đó, tôi quyết định kéo dài tối đa sự đê kháng ở Điện Biên Phủ.

Để kéo dài đề kháng, anh đề nghị tập hợp khối cơ động lớn ở châu thổ. Tôi thấy rõ làm như vậy sẽ có lợi cho châu thổ trong trường hợp giả thiết nghiêm trọng mà anh hình dung trở thành sự thật. Nhưng các giả thiết ấy không chắc chắn và xa vời. Những phản ứng của "vùng người đông như kiến" chỉ đơn thuần là giả định, còn các đại đoàn Việt Minh chỉ có thể quay về can thiệp ở châu thổ sau thời hạn từ 1 tháng đến 6 tuần sau khi Điện Biên Phủ thất thủ.

Ngược lại, tôi coi hoàn toàn là ảo tưởng việc dùng lực lượng cơ động lớn mà anh hình dung là có lợi cho Điện Biên Phủ. Theo tôi nghĩ, chắc đó là cuộc hành quân Phủ Doãn mà anh đã lập phiếu gửi cho tôi.

Thế nhưng tôi ghi nhận hai điều :

1) Theo chính anh thú nhận, cuộc hành quân ấy không mang lại sự ủng hộ tinh thần nào cho tập đoàn cứ điểm.

2) Nó cũng không ảnh hưởng gì đến việc tiếp ứng và sẽ chỉ tác động đến tập đoàn cứ điểm vào khoảng 20 tháng 5, tức là qua khỏi thời hạn mà anh cho là còn cầm cự được.

3) Bản thân cuộc hành quân ấy có kết quả hết sức không chắc chắn, bởi dự án của anh chỉ bảo đảm những hoạt động cách quãng trên tuyến đường giao thông Việt Minh, vả chăng, tuyến đường này có thể dời lên phía Bắc, mục tiêu duy nhất có giá trị, như chính anh thừa nhận hồi tháng 12, là Yên Bái, mà chúng ta không với tới được.

4) Cho là ta có cắt đường giao thông đi nữa, thời gian cắt đường cũng ngắn, bởi vì, từ chính sự nghiên cứu của anh cũng rút ra khả năng ta gặp ở J. 10, 12 hoặc có thể là 18 tiểu đoàn địch ngay trên chính đường giao thông của ta. Như thế sẽ là tái bản cuộc hành quân Lorraine.

Vả lại không thể tập hợp khối cơ động ấy mà không đưa đến thảm họa trên phần còn lại của Đông Dương. Vì thế hiện nay không đặt vấn đề ấy được.

Chỉ trong trường hợp những giả thiết mà anh hình dung trở thành khả năng thực sự, tôi mới đồng ý hy sinh một bộ phận của Đông Dương cho châu thổ, nếu đó cũng là ý kiến của ông Tổng ủy viên, là người chịu trách nhiệm về phòng thủ chung nhìn từ góc độ chính trị - quân sụ. Từ đây đến đó, đối với châu thổ, anh phải hoàn thành nhiệm vụ với phương tiện hiện có, vấn đề để bảo toàn cái chủ yếu.

Và Navarre kết thúc bằng cách giữ vững nguyên tắc về cuộc hành quân Cordor.

Tình hình khí tượng: Rất xấu vào các ngày 27, 28 và 29 tháng 4, khiến cho việc tiếp tế đường không bi giới hạn hoặc đình chỉ hẳn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #113 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2009, 01:10:23 pm »

Ngày 27 tháng 4 năm 1954

Quyền chỉ huy cuộc hành quân Condor được giao cho đại tá de Crèvecoeur, chỉ huy trưởng các lực lượng Lào. Cuộc hành quân Condor sử dụng ba binh đoàn: Binh đoàn Godard, gồm ba tiểu đoàn, hiện ở vùng Nậm Cô, về phía H.Den, sẽ gặp tại vùng Mường Hiệp một binh đoàn thứ hai gồm hai tiểu đoàn từ Nậm Bắc đến. Cuối cùng, một binh đoàn thứ ba sẽ được thả dù xuống Mường Nhạ khi hai binh đoàn kia đến đó. Binh đoàn Godard phải đi xa hơn 50 km, binh đoàn Nậm Bắc vượt đoạn đường dài hơn gấp đôi trước khi đến Mường Nhạ, chỗ này cách Điện Biên Phủ khoảng 50 km nữa. Điều đó không phải là không thực hiện được, nhưng những đoạn đường ấy phải đi bộ, qua những con đường mòn rất xấu và phải giành giật với du kích Việt Minh.

Bây giờ chỉ còn lực lượng từ trên trời là cứu giúp được cho Điện Biên Phủ. Người ta thống kê số người không có bằng cấp nhảy dù xin tình nguyện nhảy: Có 745 người. Không phải tất cả số đó đều rơi đúng phòng tuyến ta. Ngày hôm đó, ước lượng tổn thất cho thấy, ban ngày, máy bay Packet để mất 65 tấn hàng và Dakota để mất 20, ban đêm, Packet để mất 24 tấn và Dakota mất 50 quân chi viện.

Về phương diện toán học, số phận Điện Biên Phủ đã được quyết định kể từ khi mất Him Lam và Độc Lập. Gilles đã từng nói với ông bạn thân Castries: "Nếu cậu để mất một tấc đất, thì cậu tiêu đời..."

Bây giờ chỉ còn đếm những ngày hấp hối. 

Ở Genève, ông Foster Dulles giữ kín câu trả lời cho câu hỏi mà hôm qua chính Bộ của ông đã nêu, về việc can thiệp vào Điện Biên Phủ mà không có sự đồng ý của Anh. Có phải ông yêu cầu Anh chỉ tham gia vào một lời tuyên bố về ý đồ bề ngoài là vô thưởng vô phạt, chỉ khẳng định lại sự đoàn kết về tinh thần? Chỉ có một điều chắc chắn, sáng hôm đó, đô đốc Radford khi quay về Washington còn hy vọng ra lệnh cho B29 ở Philippin cất cánh, chở đầy bom cho Điện Biên Phủ. Hy vọng ấy chỉ còn sống sót vài giờ.

Ở Tokyo, đô đốc Charles E.Lambe, thuộc Hải quân Hoàng gia, và phó đô đốc William Callaghan. thuộc quân Hoa Kỳ, cả hai là tư lệnh hải quân Anh và Mỹ ở Viễn Đông đã gặp nhau.

Vào lúc màn đêm lại sắp sửa buông xuống thung lũng đau thương, đại sứ Pháp ở Luân Đôn đến gặp ông Winston Churchill. Vị chính khách lão thành thậm chí không để ông ta mở lời: ông Churchill không muốn nghe gì về vụ đó nữa. Giọng vỡ ra vì xúc động, không biết xúc động thật hay giả vờ ông tỏ ý tiếc là không giúp được gì cho những người đang chiến đấu bảo vệ phương Tây ở Điện Biên Phủ; rồi ông rời phố Downing để đến Hạ viện, nơi tràn ngập không khí lo âu. Ông Attlee hỏi ông còn muốn nói gì không, về cuộc gặp giữa các Bộ trưởng Ngoại giao tại Paris, ông Churchill tuyên bố là Điện Biên Phủ gây căng thẳng dữ dội trong tâm trí nhiều người, nhưng sự ồn ào quanh trận đánh ấy không được làm mất ý niệm về sự cân bằng trên thế giới và Luân Đôn không cam kết gì mới trên bình diện chính trị hay quân sự. Khi ông nói thêm là chính phủ Hoàng gia từ chối không hứa bất cứ điểm gì về hành động quân sự ở Đông Dương trước khi biết kết quả hội nghị Genève, người ta hoan hô ông.

Giọng điệu đó cũng được Tổng thống Eisenhower nói theo; nó là hồi chuông báo tử của Điện Biên Phủ. Người ta bàn luận nhiều về việc này ở Paris tối hôm đó. Phần lớn những nhà bình luận chính trị nghĩ rằng nếu ông Churchill không kìm hãm sự can thiệp của Mỹ, hy vọng hòa bình ở Đông Dương có lẽ đã hóa thành tro bụi.

Thậm chí trong một vài giới, người ta còn tuyên bố là vị chính khách Anh đã là cứu tinh của phương Tây lần thứ hai. Thật vậy không thể hiểu làm sao mà bom A của đô đốc Radford lại không đưa Trung Quốc vào cuộc chiến tranh mới. Từ gần một năm qua, ông Mayer đã giao cho tướng Navarre tìm một lối thoát danh dự. Người ta không thể hình dung cuộc xung đột kết thúc mà lại không bắt đầu các cuộc thương lượng mà cho đến nay, ông Georges Bidault, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, vẫn tìm mọi cách phá hỏng.

Ở Hà Nội, báo chí Quốc gia nhắc lại lời Bảo Đại lên án dự án rút lực lượng viễn chinh khỏi Bắc Kỳ và kết tội nước Pháp phản bội. Nguyên tắc của việc mang lại hòa bình cho Việt Nam không thể không là nền tảng của sự thỏa thuận với Việt Minh; nhưng, cho đến cùng, người ta cứ khẳng định là không thể có chuyện đó, và những người nào dự kiến thu xếp như vậy đều sai lầm. Ngoại giao chỉ là nghệ thuật nói dối nâng đến tuyệt đỉnh.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #114 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2009, 01:11:31 pm »

TRẢ LỜI CỦA TƯỚNG COGNY ĐIỆN 04/01

1) Hân hạnh lưu ý ông là tôi không bao giờ nói việc tăng cường cho Điện Biên Phủ chỉ có cơ sở nếu như kéo dài đề kháng cho phép chắc chắn có kết quả thuận lợi.

2) Tôi nhắc lại và nói rõ quan điểm của tôi: Mục đích cần đạt không thể chỉ là giá trị đạo lý của sự hy sinh.

Tôi nghĩ rằng ông không vì vậy mà nghi ngờ về việc danh dự quân nhân vẫn có giá trị cao quý nhất đối với tôi. Nhưng tăng cường lợi ích tinh thần bằng cách kéo dài đề kháng, nhờ chi viện đến cùng, có quá nhiều nguy cơ bị mất tất cả trong sự tan rã chung sẽ tiếp diễn sau khi Điện Biên Phủ thất thủ nếu như thời hạn kéo dài không được bù đắp cụ thể. Trong điều kiện ấy, sẽ có lợi cho việc bảo vệ danh dự quân nhân hơn, nếu như ta đạt được ngừng bắn trước.

Do đó, tôi yêu cầu thời gian ta kéo dài phải được bù đắp.

Về mặt đó, riêng tôi không tán thành những "hy vọng" mà ông nói đến, các hy vọng ấy thành hiện thực quá muộn sẽ làm chúng ta rơi vào tình hình xấu rất nghiêm trọng.

Vì thế, tôi chỉ dựa vào mấy khả năng sau đây, có được do sự kéo dài đề kháng.

a) Có hành động quyết định để cứu Điện Biên Phủ (hành động ồ ạt bằng không quân và hoạt động trên bộ ở phía Bắc châu thổ).

b) Ít nhất là sắp xếp lại toàn bộ lực lượng để tránh cho các vị trí chủ yếu ở Đông Dương khỏi bị mất do hậu quả của Điện Biên Phủ.

Thứ tư ngày 28 tháng 4

Đội quân Crèvacoeur chiếm lại Mường Khoa.

Ở Paris, ông Laniel và ông Nguyễn Trung Vinh ký tuyên bố chung Pháp - Việt. Pháp và Việt Nam "xác nhận hai nước đồng tình giải quyết quan hệ với nhau trên cơ sở hai hiệp ước cơ bản. Hiệp ước thứ nhất công nhận nền độc lập hoàn toàn, chủ quyền đầy đủ và trọn vẹn của Việt Nam. hiệp ước thứ hai xác lập sự liên kết Pháp - Việt trong Liên hiệp Pháp. Trên cơ sở bình đẳng và nhằm phát triền sự hợp tác giữa hai nước". Nhưng bản thân các hiệp ước chưa được ký kết; đến ngày 4 tháng 6 năm 1954 mới ký.

Bài của J.J Servan - Schreiber trên báo le Monde: "Không còn ai nữa hay sao ?"

Thứ năm ngày 29 tháng 4

Tổng thống Eisenhower tuyên bố ở Hội đồng An ninh: "Chính phủ Mỹ sẽ đợi biết kết quả hội nghị Genève trước khi có những sáng kiến mới nhằm giúp đỡ Pháp ở Đông Dương".

David Lawrence viết trên báo New York Herald Tribune: "Như vậy, vấn đề quan trọng đối với Pháp là quyết định xem họ coi việc mất Điện Biên Phủ là dấu chấm hết hay chỉ là một thất bại có tác dụng động viên việc tăng cường tấn công và phòng thủ với tất cả những phương tiện thích hợp để tạo ra chiến thắng quân sự".

Đêm đó, 60 lính lê dương nhảy dù xuống Hồng Cúm.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #115 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2009, 02:12:39 pm »

ĐIỆN CỦA NAVARRE

Hôm nay tôi chỉ trả lời đoạn 3, tức là hoạt động tấn công ở Phủ Doãn. Trước hết, anh lưu ý là cuộc tấn công ấy không hề do anh đề xuất, mà anh đã nghiên cứu theo lệnh tôi trong số những khả năng khác, sau cuộc họp khi tôi triệu tập anh.

Tôi hoàn toàn giữ nguyên quan điểm của mình, vả chăng quan điểm này là kết quả của chính những nhận xét của anh, là cuộc tấn công ấy sẽ không hề cắt được đường giao thông của Việt Minh. Để cắt được đường, phải lên tận Yên Bái, bởi vì địch có thể dùng lộ trình xe đi được qua Thủ Yên Quảng - Nam Yên - Ngọc Trĩ - Vũ Khê. Vả lại không thể tập hợp phương tiện mà anh cho là cần thiết trong thời hạn chấp nhận được mà không hy sinh những vị trí chủ yếu trong phần còn lại của Đông Dương.

ĐIỆN CỦA COGNY GỬI NAVARRE

Các bức điện ngày 24 và 26 của tôi vẫn chưa được trả lời. Kết quả thả hàng và người xuống G.O.N.O ngày 28 tháng 4, đêm 28 và ngày 29 xuống Điện Biên Phủ là con số không, xuống Hồng Cúm được 22 tấn; Tình hình cực kỳ căng thẳng về lương thực và đạn bộ binh. Chỉ có thể thả hàng bằng C119 ở độ thấp, tất cả các phương tiện khác đều phá sản vì tình hình khí tượng hiện nay. Ngoài ra, tình hình này có thể tái diễn ngày càng nhiều hơn. Vấn đề bây giờ là sự tồn tại của G.O.N.O. Hân hạnh xin quyết định của ông và xin phép nhấn mạnh là yêu cầu hết sức cấp bách.

Thứ sáu ngày 30 tháng 4

Ở Hà Nội, Hội đồng thành phố bác bỏ việc Quốc gia Việt Nam nằm trong Liên hiệp Pháp.

Walter Lipmann, trong báo New York Herald Tribune nhấn mạnh "tính chất bi thảm của tình hình".

Ông Bidault đồng ý với ông Môlôtôv để Liên Xô và Trung Quốc mời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Genève. Về phía họ, các nước phương Tây mời Quốc gia Việt Nam, Campuchia và Lào.

MỪNG NGÀY KỶ NIỆM CAMERONE

Trời đẹp trở lại khiến tất cả các máy bay lại lao lên Lòng Chảo. Các tổ lái Packet người Mỹ trở lại cầm lái. Cùng với máy bay Dakota, họ thả 233 tấn hàng tiếp tế, trong đó gần phân nửa rơi xuống vị trí địch, bất chấp mọi biện pháp thận trọng của ta. Một kho dự trữ bốn ngày lương thực và một kho chứa 3000 quả đạn 105 bị pháo địch hủy diệt. Hai mươi chiếc Corsair thuộc lực lượng không quân của hải quân xuất hiện trên bầu trời Điện Biên Phủ.

Hai sĩ quan, 14 hạ sĩ quan và độ 50 binh lính tình nguyện nhảy dù xuống Điện Biên Phủ từ Trung Kỳ và Sài Gòn ra Hà Nội. Navarre yêu cầu Cogny lấy thêm người từ các đơn vị châu thổ; nhưng Cogny trả lời không lấy thêm được nữa vì các tiểu đoàn lê dương của ông không đầy 400 người và Langlais tỏ ra rất miễn cưỡng, không muốn nhận lính Bắc Phi. Còn quân chi viện người Việt, Langlais đòi hỏi họ phải phục vụ ít nhất hai năm và phải có cán bộ khung đi cùng.

Dù sao, Navarre cấm không được động đến tiểu đoàn dù mà ông dành cho kế hoạch Condor. Cogny đáp là tập đoàn cứ điểm nhận được không đầy 80 đến 100 quân chi viện mỗi ngày, con số này cũng ít khi đạt được, hoặc vì thời tiết không cho phép thả dù hoặc vì, tới giờ chót, một số người tình nguyện không chịu lên máy bay hoặc không chịu nhảy dù.

Ở chỉ huy sở, trung tá Lemeunier, với tư cách là người sĩ quan lê dương kỳ cựu nhất Dông Dương, chủ tọa lễ kỷ niệm lần thứ 91 trận Camerone. Tướng de Castries, Langlais, Bigeard và Geneviève de Galard, đội mũ trắng, là khách mời của ông. Castries và Langlais thành hạ sĩ, Bigeard và cô Galard thành binh nhất danh dự. Họ cụng ly với những người đỡ đầu của mình trong những cái ca có khắc số quân của họ và đựng đầy vang đông lạnh đậm đặc 24 độ. Bigeard đứng nghiêm chào các trung sĩ lê dương.

Ở Hồng Cúm nơi đại tá Lalande cất giọng hát: "Tiens t’auras du boudin...", mục sư Tissot và cha Guidon cũng được phong làm binh nhất danh dự. Ai đó mở đài. Một giọng nói từ Huế: "Trong ngày kỷ niệm Camerone này, chúng ta đặc biệt nhớ về các đồng đội ở Điện Biên Phủ..."

Ở đồi A1, đại úy Capeyron gọi các trung đội trưởng của mình. Sau khi đọc nhật lệnh của trung tá Lemeunier, theo truyền thống, trong lỗi lầm, anh lính lê dương ít tuổi nhất và ở cấp bậc thấp nhất đọc bài tường thuật lại trận Camerone. "Quân đội Pháp ở Mexique bao vây Puebla..."
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #116 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2009, 02:14:04 pm »

Câu chuyện về đại úy Danjou với lực lượng 60 người kháng cự trong 11 giờ liền chống lại các cuộc tấn công của 2000 quân địch và tử trận tại chỗ, vào ngày 30 tháng 4 năm 1863, để cứu một đoàn công voa, ai mà còn không tin rằng nó có thể cũng sẽ là câu chuyện của Điện Biên Phủ?

"Những chiến sĩ Pháp ấy thà hy sinh tính mạng chứ không từ bỏ lòng dũng cảm..." Giọng đọc rõ ràng là người ngoại quốc làm người ta mỉm cười. Nếu chỉ có một người lính Pháp trên năm người lính tại Điện Biên Phủ, đó là lỗi tại ai? Khác với nhiều tên lính Bắc Phi, lính Thái và lính Việt Nam khác, ít nhất, những người lính này vẫn sẽ trung thành: Quân đội lê dương là tổ quốc họ.

Capeyron nói:

- Rồi các cậu sẽ thấy, ta sẽ kỷ niệm Camerone theo kiểu của tớ.

Capeyron xin pháo và súng cối bắn vào các đường hào mà quân Việt đào tiến về phía anh ta và chúng phủ bằng gỗ tròn, pháo phá sập 50 mét hào. Sau đó họ "ăn lễ" bằng một ít cơm và thịt bò đóng hộp. Vang đông lạnh được thay bằng một chút rượu chát đỏ: Người ta đã thả dù được một chai cho 40 người. Mỗi anh lính lê dương được hai điếu Lucky. Bỗng Capeyron ngừng nhai và dỏng tai lên. Anh bảo :

- Nghe kìa, chúng lại tiếp tục.

Người ta lại nghe tiếng cuốc xẻng sẽ sàng, lì lợm đang đào lật đất 

Ban đêm, 19 chiếc B26, 4 chiếc Privateer và 9 chiếc Packet trút hàng tấn napan ở ven lòng chảo. Những dòng thác lửa bỗng tràn xuống từ đỉnh đồi, uốn lượn và mất hút trong đêm tối.

KHÔNG QUÂN CHI TIẾT VỀ THẢ DÙ .

C47

ban ngày từ 9500 bộ với dù bung chậm, trung bình bay qua 10 lượt.

ban đêm từ 2800 bộ để người nhảy dù xuống qua hai lượt bay.

C119

ban ngày Tổ lái người Mỹ: Từ 4500 bộ cho đến 25 tháng 4, thả dù bình thường chỉ trong một lượt bay. Kể từ 25 tháng 4, từ 9000 bộ với dù bung chậm, thả trong ba lượt bay.

ban đêm Tổ lái người Pháp: Từ 3500 bộ, bình thường chỉ trong một lượt bay.

Địa bàn thả dù ngày càng thu hẹp, phòng không địch ngày càng có hiệu quả, dù bung chậm hoạt động không đều, cho nên lượng hàng bị mất được tính một cách rất khoan nhượng là:

15%: đối với máy bay C47

Từ 40% đến 50% đối với máy bay C119.

Về cuối người ta thậm chí không còn nhặt được các thùng hàng rơi bên trong các vị trí.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #117 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2009, 02:15:12 pm »

ĐIỆN SỐ 1467 CỦA TỔNG TƯ LỆNH

Chỉ có thể gửi thêm một tiểu đoàn dù chi viện cho Điện Biên Phủ khi có lệnh mới của tôi, tùy theo quyết định về vấn đề Condor và trong trường hợp không có cuộc hành quân này.

Báo cáo của đại tá Nicot

"Tổng số người nhảy dù xuống Điện Biên Phủ từ 14 tháng 3 đến 5 tháng 5 lên tới 4326 trong đó có khoảng 3000 vào ban đêm. Những chuyến nhảy dù này được thực hiện trong điều kiện đặc biệt khó khăn tại những địa bàn có lực lượng phòng không của quân phiến loạn hoạt động, trong đêm đen, trong một lòng chảo rộng từ 4 đến 6 km, dài 15 km, từ độ cao thấp hơn các dãy núi chung quanh.

Tình hình khí tượng thường là không thuận lợi, cọc tiêu không thấy rõ, nhất là ở Hồng Cúm, sự luân phiên trực máy vô tuyên ở Điện Biên Phủ không rõ ràng và một phần người nhảy dù hoàn toàn không được huấn luyện khiến vào giờ chót họ không chịu nhảy, tất cả đã dẫn đến tình trạng nhiều khi phải chở một phần người nhảy dù quay trở về căn cứ, dù đã có nhiều lượt bay qua lại trên địa bàn quy định."

THƯ SỐ 79/GENE/CC/TS CỦA TƯỚNG NAVARRE GỬI COGNY

Tôi được biết về nhiều bức điện của thông tín viên báo chí từ Hà Nội trình bày tình hình quân sự dưới góc độ bi quan rõ ràng là quá đáng
Những bức điện ấy chỉ có thể gây hoang mang cho những người được đọc và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với tinh thần binh sĩ. Chúng biểu thị không khí chủ bại đang ngự trị hiện nay tại Hà Nội, mà tôi đã nhận được nhiều dấu hiệu cho thấy có không khí ấy.

Đáng buồn thay, mọi nguồn tin đều cho biết là không khí ấy bắt nguồn từ giới thân cận với anh em bộc lộ qua những lời lẽ không thận trọng đã phát biểu với báo chí hay với các nhân vật khác.

Cũng có những tiết lộ không kín đáo, ảnh hưởng đến bí mật hành quân. Những tiết lộ này thường cũng hình như chỉ có thể xuất phát từ những người chung quanh anh.

Tôi nhắc anh nhớ, không những nghĩa vụ hàng đầu của người chỉ huy trong lúc khó khăn là tự mình nêu gương kỷ luật và bình tĩnh, mà người chỉ huy còn phải đòi hỏi điều đó ở thuộc cấp của mình.

Còn đối với báo chí, anh vừa có quyền vừa có bổn phận phải ngăn cấm họ công bố những thông tin có tác dụng báo tình hình cho địch và không được để họ công khai nêu là lấy tin từ anh hay từ cấp dưới của anh mà không được aah đồng ý.

Tình hình tôi vừa lưu ý anh đòi hỏi phải được nhanh chóng khắc phục. Anh phải có biện pháp cần thiết và tôi coi anh là người chịu trách nhiệm về việc ấy.

Cogny tự biện minh bằng một bức điện dài gồm 5 phần vào ngày 1 tháng 5, mà Navarre trả lời ngày 2 tháng 5 bằng một điện văn thô bạo: 

Đã nhận được điện 17/06 và 10/01 mà tôi sẽ không trả lời. Tôi hoàn toàn giữ nguyên lập trường của mình. Đã ra lệnh cho cơ quan An ninh quân sự điều tra về nhưng tiết lộ bí mật.

Vài ngày trước đó, ngày 26 tháng 4. tướng Navarre đã gửi hai bức thư hăm dọa cho Cogny nhân bài của Max Olivier trên báo de Figaro ngày 23 tháng 4 và ông Charles Favrel trên le Monde, ngày 22 tháng 4. (Chú thích: Ngày 30, Cogny trả lời lá thư ngày 26 tháng 4 bằng một thư dài trong đó ông tự minh oan và ném cho Navarre vài lời độc địa. – TG)

Navarre coi bài viết của ông Favrel là "ghê tởm". Favrel tuyên bố với cơ quan báo chí và thông tin tại Sài gòn là những ý tưởng ông trình bày trong bài báo "cũng là suy nghĩ của nhiều sĩ quan cấp tướng ở Đông Dương."
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #118 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2009, 02:16:22 pm »

THÁNG NĂM 1954


Thứ bảy ngày 1 tháng 5

Langlais và Bigeard tổ chức lại công cuộc phòng thủ

Ở Điện Biên Phủ còn ba ngày lương thực, 275 quả đạn 155, 14000 quả 105 và 5000 đạn súng cối 120.

Có lẽ trong một cuộc điện đàm song công với tướng Navarre, Castries đề nghị một kế hoạch rút toàn bộ quân đồn trú.

Langlais cho rằng muốn chiến thắng cần phải cầm cự thêm một tháng nữa. Ông chuẩn bị cho phương án ấy và đòi quân chi viện từ Hà Nội. Tuy nhiên, Langlais không có ảo tưởng. Con người kinh khủng ấy có nghị lực như nhà quý tộc Montluc bị hãm trong Sienne, biết mình có thể chết và quyết chết trong danh dự, để tiếp tục xứng đáng với Chúa của mình và với danh tiếng của mình. Cũng như Montlu, Langlais không bao giờ nghĩ tới cái chết của mình mà chỉ nghĩ đến cách sẽ bẻ gãy quân thù.

Phải chăng là linh tính? Một lần nữa, cùng với Bigeard, ông sắp xếp lại các đơn vị bây giờ chỉ còn đứng kín một hình vuông mỗi cạnh dài 1500 mét, lấy tàn quân của các tiểu đoàn trộn lẫn vào nhau, chỉ định cấp chỉ huy là những người vững vàng nhất và tìm được cách có lực lượng dự trữ nhỏ bé, Một sĩ quan không quân, đại úy Charnod, với khoảng 100 quân, giữ cứ điểm Junon. Ngày hôm đó, được thay phiên, đại úy Capeyron trở lại cứ điểm 311A. Năm phút sau khi bàn giao và dặn dò người kế nhiệm ở đồi A1, đại úy Chouner, Capeyron hay tin anh ta đã chết. Capeyron kêu lên: "Không thể như thế. Tôi vừa mới rời anh ta mà." Capeyron quay lên và quả thật, trông thấy anh ta tử trận vì một quả đạn cối.

Buổi chiều, ta phát hiện có dấu hiệu địch sẽ tấn công. Nhưng mãi đến khi mảnh trăng thượng tuần bị đêm đen nuốt chửng từ lâu, pháo mới bắn chuẩn bị một cách dữ dội ở Hồng Cúm vào 21 giờ, trong lúc hầm trung tâm chỉ bị súng cối bắn. Vào 22 giờ, địch tấn công ở mặt Bắc, Đông và Tây của phân khu trung tâm, và nhất là ở đồi D3, đạn cối cày đất biến thành mớ hỗn độn khủng khiếp trộn lẫn xác chết và bùn nhão, ở đó, tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 2 lính dù thuộc địa đã lãnh đạn từ ngày 10 tháng 4. Hai đại đội bị tràn ngập và bị xóa sổ cùng với hai người chỉ huy, trung úy Périou và trung úy de Marsangy, trong lúc trung đoàn 57 lao lên các vị trí phòng thủ ở Tây Hồng Cúm. Một lần nữa, ông Giáp mở cuộc tấn công vào tối thứ bảy.

Không quân xuất hiện, nhưng can thiệp chỉ có hiệu quả dưới ánh sáng trắng của pháo sáng, bởi vì quân tấn công đang ở gần quân đội bên ta. Máy bay B26 rải bom napan và bom Mỹ Hail Leaflet, chứa hàng nghìn móc sắt nhỏ xíu đầu nhọn và sắc nhằm ghim vào bàn chân của quâ n tấn công.

Địch bắt đầu tấn công đồi D3 và đến nửa đêm, cứ điểm này thất thủ.

Chủ nhật ngày 2 tháng 5

Mưa giông, mưa như trút nước.

Tướng Navarre đến Hà Nội vào 16 giờ 20 phút mà không báo trước. 

Ta phản công lấy lại tất cả các vị trí ở Hồng Cúm.

Tiểu đoàn 1 lính dù thuộc địa bắt đầu nhảy dù xuống

Ở Colombia, bản tuyên bố chung kết thúc cuộc hội nghị giữa Ấn Độ Pakistan, Miến Điện, Inđônexia và Xây Lan nêu rõ: “công cuộc đề kháng của các quốc gia tham dự hội nghị chống lại mọi sự can thiệp từ bên ngoài của các tổ chức cộng sản, chống cộng và các tổ chức khác."
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #119 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2009, 02:17:23 pm »

MẤT ĐỒI D3, CAO ĐIỂM 105, ĐỒI D2, TÁI CHIẾM HỒNG CÚM

Vào 2h sáng đến lượt D2 thất thủ, cứ điểm này do một đại đội của tiểu đoàn 6 lính dù thuộc địa và phần còn lại của tiểu đoàn pháo thủ giữ 105 bị địch chiếm. Địch lại tiếp tục tấn công đồi D3 và cứ điểm sát sân bay Mường Thanh, nhưng quân lê dương vẫn bám trụ.

Vào 2 giờ 30 phút, ở Hồng Cúm, cứ điểm phía Tây bị tràn ngập; vào 4 giờ, mất cứ điểm phía Đông. Đại tá Lalande tổ chức phản công ở đó với đại đội II của tiểu đoàn 3 lê dương, một trung đội của tiểu đoàn pháo thủ số 1 và chi đội xe tăng của nó.

Vào 12 giờ trưa, địch rút lui, bỏ lại khoảng 100 xác chết và vũ khí, ta chiếm lại từng cứ điểm ở Hồng Cúm. Vì không còn quân dự bị nên không thể phản công D3, 105 và D2.

Người ta yêu cầu đại úy Capeyron tái thiết cao điểm 105 với sự hỗ trợ của lính Ma rốc. Anh cùng đại đội của mình lao vào đường hào ngập nước và chạm trán với quân Việt, lính Ma rốc không chịu theo. Capayron xin chiến xa, nhưng một giờ rưỡi sau đó, người ta ra lệnh cho anh rút lui. Anh mang về 23 người chết và bị thương.

BIÊN BẢN VIẾT TAY CỦA ĐẠI TÁ BASTIANI

Tại văn phòng tướng Navarre ở Hà Nội dã diễn ra cuộc họp có các sĩ quan của E.M.I.F.T., đại tá de Crèvecoeur, tướng Cogny và các sĩ quan của F.T.N.V.

Tướng Navarre tuyên bố: Ông “thấy không có nghĩa vụ tiếp tục cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ”. Tuy nhiên, vì không loại trừ sẽ có lệnh ngừng bắn từ Genève, vấn đề là cần tiếp tục đề kháng một thời gian nữa. Do đó, ông quyết định thả dù một tiểu đoàn mà ông giao cho tướng Cogny sử dụng. Sau đó, bởi vì chính phủ không muốn có sự đầu hàng (ở Điện Biên Phủ) và bản thân ông, tướng Navarre không nghĩ đến việc để cho G.O.N.O phải chết, nên ông nghĩ đến việc làm sao cho đội quân đồn trú thoát ra. Cuộc hành quân thoát khỏi Điện Biên Phủ phải tiến hành một cách cứng rắn hay mềm dẻo, các khu di tích hình thành một hành lang an toàn.

"Có thể thực hiện trong hai, ba ngày sắp tới". Ông đánh giá: "Việt Minh không có hậu cần ở Lào nên sẽ phải mất 24 giờ sau mới phản ứng". Ông "quyết định bỏ lại thương binh và các cán bộ y tế". Ông "tin chắc là Việt Minh sẽ trả lại họ cho ta, chắc rằng Việt Minh sẽ làm một cử chỉ (thiện chí là trả thương binh và cán bộ y tế)". Còn về phần đại tá de Castries. Ông "sẵn sàng ra lệnh cho ông ta rời căn cứ thoát đi". Do đó, Navarre chỉ thị một cuộc họp để nghiên cứu vấn đề thoát khỏi Điện Biên Phủ và rút quân theo ngả Lào. Người ta lặp lại vấn đề cách thả dù hai tiểu đoàn lính dù cuối cùng của ta để đi đón đội quân đồn trú tại Điện Biên Phủ ra hay không?

Thứ hai ngày 3 tháng 5

Tình hình khí tượng rất xấu làm hạn chế hoạt động đường không. Mặc dù vậy, 150 người tình nguyện vẫn nhảy dù vào đêm.

Ông Dejean đến Hà Nội vào 19 giờ 30 phút.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM