Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 11:12:47 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp  (Đọc 63765 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #80 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2009, 03:40:29 pm »

Chủ nhật ngày 28 tháng 3 

Tướng Navarre rời Hà Nội

Ở Sài Gòn, Geneviève de Galard đến.

Vào 3 giờ 45 phút sáng, chiếc Dakota số 434, thuộc phi đội Béara, cất cánh tại sân bay Gia Lâm hồi 2 giờ, hạ cánh xuống Điện Biên Phủ, nơi xác hai chiếc máy bay bị bắn rơi hồi chiều còn tiếp tục cháy. Vì bẻ tay lái máy bay quá gấp thiếu tá Blanchét đưa máy bay vào rào dây thép gai ven sân bay và mắc kẹt trong đó. Người ta đưa 19 thương binh lên trong lúc thợ máy chỉ huy việc sửa chữa. Trong lúc máy bay nổ máy trở lại, pháo địch bắn thủng bình dầu bên động cơ phải. Người ta lại phải đem thương binh xuống và cô tiếp viên đưa họ về chỗ Grauwin. Ông nhận ra cô vì cô cũng đã từng đến đó: Cô tên Geneviève de Galard. Máy bay sẽ sẵn sàng lên đường trước 12 giờ trưa.

Vào mờ sáng, trời đầy sương mù, chiến hào địch bò đến chân đồi D1 và 2, tiểu đoàn 3 lê dương dùng chiến xa mở đường đi Hồng Cúm.

Đại úy Bougereau đi tiếp tế cho một đồn ở châu thổ bị tử thương khi đang cầm lái, người hoa tiêu cố gắng đáp được an toàn xuống một sân bay.

Ở Điện Biên Phủ, khoảng 12 giờ trưa sương tan, nhưng chiếc Dakota của Blanchet vẫn chưa sẵn sàng. Vào 13 giờ, pháo địch lại bắn trúng nó ở phía trước và nó bốc cháy. Phi đội trưởng phi đội Béarn báo bằng máy vô tuyến cho Blanchet là ông sẽ đến đón anh ta trong đêm mai. Khoảng 15 giờ, đạn cối làm nổ kho pháo sáng, rốc két và tên lửa.

Hàng được thả ban ngày từ độ cao 2600 mét để tránh đạn phòng không, kết quả rất tồi vì gió, vì sự náo loạn của chiến trường và vì không có phương tiện định hướng nào. Hàng rơi cách điểm qui định đến 15km, vào chỗ bọn Việt. Việc sản xuất thiết bị thả dù rơi chậm được tiến hành ở Sài Gòn và Hà Nội với nhịp độ 1000, rồi 2000 sản phẩm mỗi ngày.

Ban đêm, trời bắt đầu bão. Ở châu thổ, mây xuống thấp, tầm nhìn hoàn toàn bị bít. Có lúc, trời mưa đá. Trong số ba phi công đi đón thương binh ở cách Hà Nội 100 km, chỉ có trung sĩ Schneider trở về căn cứ, với chiếc Morane rớt mất ngôi sao. Đại úy Barbey bị rơi máy bay xuống ruộng gần một đồn lính, trong lúc trung sĩ Leloutre bị va đập mạnh và máy bay bốc cháy, ngay bên cạnh.

Đêm đó, phi đội trưởng phi đội Béarn không thể đến đón tổ lái của Blanchet được.

Chập tối, thiếu tá Vadot gọi Langlais đề chỉ cho ông một cuộc hành quân dưới ánh đuốc, tiến lên các quả đồi phía Đông Bắc, xa dần dưới màn mưa. Cuộc chuyển quân ấy của bọn Việt có nghĩa gì? Vadot buồn rầu nói: "Quân Việt cút rồi, chúng sẽ làm mất đứt trận đánh của ta?".

Langlais không trả lời. Ông sửng sốt nhìn những ngọn đuốc và ánh sáng có vẻ đang xa rời lòng chảo đau thương và tiến lên các đỉnh núi đầy mây phủ. Nhưng tại sao có đoàn quân đi diễu hành ấy? Nó ngụy trang quỷ kế nào?

Đêm hôm ấy, một lần nữa thiếu tá Marlinet tìm cách đến Điện Biên Phủ. Ông sắp đến. Ông báo qua máy vô tuyến là ông sắp chọc thủng lớp mây. Blanchet can ông. Chỉ dựa vào sự phán đoán, không có gì khác hướng dẫn, giữa đêm mưa dày đặc, tối đen, ông làm sao mà xác định được đúng lúc và ở độ cao cần thiết đâu là vị trí sân bay, một sân bay hoàn toàn không còn cọc tiêu soi sáng và chung quanh toàn là những bãi dây thép gai? Chỉ cần một chút lầm lẫn trong tính toán, ước lượng là đâm đầu vào mỏm núi. Thực tế, thiếu tá Martinet đành bỏ cuộc.

Đề phòng trường hợp xấu nhất, Grauwin xin chia đội phẫu thành ba trạm riêng biệt, có thể hồi sức và mổ mà khỏi phải chuyển thương binh đi vì chuyển đi ngày càng nguy hiểm: Trạm phẫu đồi C, với trung úy quân y Vidal, bố trí bên kia sông cùng với Bigeard, trạm này có thể mổ 10 ca cấp cứu nhưng nếu địch tấn công sẽ nhanh chóng bị tràn ngập, trạm phẫu ở Hồng Cúm, được trang bị rất tốt và trạm phẫu Nà Hống, đối diện bệnh xá, với trung úy quân y Hantz, mổ được 20 ca mỗi ngày.

Ở Washington, thượng nghĩ sĩ Wiley tuyên bố. "Chúng ta sẽ lúng túng kinh khủng nếu người Pháp không tiếp tục cuộc chiến " .
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #81 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2009, 03:41:59 pm »

Thứ hai ngày 29 tháng 3

Tình hình khí tượng: Bão ở châu thổ.

Chiến hào Việt Minh vây quanh đồi D1 và 2 và điểm cao 206.

Diễn văn của ông Dulles ủng hộ Mỹ can thiệp.

Ở Paris, Hội đồng Quốc phòng hạn chế quyết định cử Đại tá Brohon đi Sài Gòn.

Về phần mình, cũng đánh hơi thấy tình hình diễn biến xấu, Bảo Đại sau khi ở Hà Nội hai ngày tỏ thái độ chống đối cuộc thương thuyết mà ông ta đoán là sắp diễn ra và sẽ làm ông ta mất vương quốc của mình. Ông lập một Hội đồng Chiến tranh hạn chế nhằm hướng cuộc đấu tranh của Việt Nam chống cộng sản.

Trong báo Caravelle số ra ngày hôm đó, bảy bức ảnh về Điện Biên Phủ thay thế những trang biếm họa xuẩn ngốc thường chiếm hết trang bìa thứ tư.

Quay về Sài Gòn, tướng Navarre gửi thư này cho Cogny, sau khi ở vài ngày với ông ta.

Navarre đã tự viết bên trái, phía trên:

Thư riêng, tối mật. Thư số 1467/GENE/CC, đề ngày 29 tháng 3 năm 1954, của tướng Navarre gởi tướng Cogny.

Qua thư số 132/FTNV/GENE/TS đề ngày 25 tháng 3 năm 1954 anh đã thấy cần lưu ý tôi một lần nữa rằng anh cho là anh được cấp phương tiện không đủ để hoàn thành nhiệm vụ.

Về vấn đề này, tôi chỉ có thể nhắc lại với anh điều tôi đã nói nhiều lần: Chúng ta đang ở trong cuộc chiến tranh tổng lực, trong đó bổn phận trên hết của tôi là phân bố lực lượng giữa các thuộc cấp lớn của tôi tùy theo nhiệm vụ mà tôi đã giao cho họ và tôi là người duy nhất đánh giá.

Trong sự phân bố lực lượng ấy, rõ ràng là anh được ưu đãi hơn hầu hết các tư lệnh vùng khác. Cứ liên tục yêu cầu tôi chi viện như vậy, có nghĩa là yêu cầu tôi cái mà anh biết là tôi không cấp cho anh được, hay tôi chỉ có thể cấp cho anh bằng cách bắt các chiến hữu của anh phải chịu thiệt thòi. Trong trường hợp như vậy, người chỉ huy tỏ ra thực sự có cá tính chính là người tìm mọi cách hoàn thành nhiệm vụ với lực lượng được giao.

Vả lại tôi cho rằng lực lượng mà anh có rất đủ để anh thực hiện nhiệm vụ hiện nay (Chỗ này, Navarre đi vào chi tiết một cách xúc phạm và chỉ trích Cogny như người ta phê bình một tiểu đoàn trưởng. Ấy thế mà, nếu có một người hiểu rõ châu thổ, hiểu người ta làm sao để trụ lại và có thể làm gì ở đó, thì người ấy chính là Cogny chứ không phải Navarre hay các sĩ quan phụ tá của ông. Navarre lưu ý Cogny là chính Cogny phải biết phân biệt đâu là cái chủ yếu, đâu là cái thứ yếu và tùy theo đó mà sử dụng phương tiện của mình - Tg))

Trong bất kỳ trường hợp nào, tôi cũng không chấp nhận để xảy ra những tình huống anh dự kiến trong thư ngày 25 tháng 3: Trong trường hợp đó anh sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về anh sử dụng không tốt phương tiện của anh.

Tương quan lực lượng mà anh có hiện nay so với phương tiện của địch rõ ràng là thuận lợi cho anh, so với tương quan mà anh cho là chấp nhận được hồi mùa thu vừa qua khi anh dự kiến giả thiết: Việt Minh dùng lực lượng lớn tấn công châu thổ. Nếu chỉ có sự phổi hợp giữa các đơn vị địa phương, các trung đoàn độc lập và chỉ một mình đại đoàn 320 mà đã gây khó khăn cho anh đến thế, người ta có quyền tự hỏi, mặc dù anh có thêm ba hay bốn binh đoàn cơ động và vài ba tiểu đoàn nữa, chuyện gì sẽ xảy ra nếu các đại đoàn 304, 308, 312, và 351 hiện đang mắc kẹt ở các mặt trận khác, nếu chúng tập trung tấn công châu thổ cùng với quyết tâm cao như thế: Chắc hẳn chỉ sau vài tuần là anh báo cho tôi biết anh sắp phải bỏ Hà Nội đến nơi.

Với lực lượng tương đối ít so với lực lượng mà họ đã có thể dùng để tấn công châu thổ, nếu họ giữ kế hoạch ban đầu của họ, mà Việt Minh đã có khả năng gây khó khăn cho anh đến thế, thì rõ ràng Điện Biên Phủ đóng vai trò rất quan trọng. Từ tháng 11 đến tháng 3, Điện Biên Phủ với 12 tiểu đoàn đã cầm chân 33 tiểu đoàn chủ lực địch (chưa nói đến lực lượng tương đương nhiều đội pháo và nhiều đoàn nặng trong khi ta chỉ có lực lượng tương đương ba hay bốn). Chắc chắn là Điện Biên Phủ đã giúp ta tránh được một tai họa thực sự, nếu chấp nhận những lo lắng của anh hiện nay là có cơ sở.

Tôi muốn khen ngợi sự tinh tường, nhạy bén của anh: Tôi không quên là xưa nay anh vẫn luôn đánh giá đúng vai trò quan trọng hàng đầu của Điện Biên Phủ và ngay từ khi tôi mới nắm quyền Tổng tư lệnh cũng như nhiều lần sau đó anh đã khuyên tôi chiếm Điện Biên Phủ thay cho Nà Sản và Lai Châu.

Vì thế, tôi càng ngạc nhiên không hiểu vì sao anh từng chờ đợi và mong muốn có trận Điện Biên Phủ, mà anh lại không thúc đẩy tích cực hơn việc chuẩn bị và tiến hành trận đánh ấy.

Tôi không nghi ngờ gì về sự quan tâm và bản thân anh dành cho trận này, nhưng không thể chối cãi là ở ban tham mưu và cấp dưới của anh, người ta đã không biết dành cho nó sự chú ý cao hơn lệ thường ở châu thổ và đã không chú trọng đúng mức đến Điện Biên Phủ dù tôi đã dành ưu tiên số 1 cho vị trí này.

Điều đó đã dẫn đến một số thiếu sót mà trong trận đánh hiện nay ta phải chịu hậu quả, dù một vài khiếm khuyết đã được uốn nắn: Không có phối hợp đầy đủ giữa ban tham mưu của anh và ban tham mưu GATAC - Bắc (đặc biệt là do không hình thành một ban tham mưu tác chiến chung), chuẩn bị dàn pháo không đầy đủ, thiếu chỉ đạo cụ thể về việc xây dựng trận địa.

Kết luận, tôi yêu cầu anh vui lòng nhớ cho là:

- Một mặt, là thành viên một tập thể, anh cần luôn luôn nhớ trong trí nhớ- và các cộng sự viên của anh cũng yên trí - rằng vai trò của anh và của họ nằm trong cái chung của tổng thể.

Mặt khác, quyền tư lệnh của anh, và do đó, địa bàn hoạt động của các cộng sự viên của anh bao gồm toàn Bắc Kỳ và trong những hoàn cảnh nào đó, châu thổ có thể tạm thời mất vị trí hàng đầu trong sự quan tâm của các anh.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #82 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2009, 03:43:17 pm »

Thứ ba ngày 30 tháng 3

Đồi D, đồi Yên Ngựa và Hồng Cúm bị tấn công.

Đồi C, đồi D1 và đồi D2 thất thủ. Ta tấn công cao điểm 105 và phản công ở đồi C2

Ở Washington, ông Dulles tiếp đại sứ Anh, Ấn Độ, Tân Tây Lan và Philippin để xem xét tình hình Viễn Đông.

Vấn đề tiếp tế và chi viện ngày càng đáng lo ngại. Tập đoàn cứ điểm giống như người bệnh phải truyền huyết tương mà huyết tương ấy lại bị rơi vãi mất một phần ở dọc đường. Hai ngày một lần, một chuyến máy bay đặc biết chở ra Hà Nội thiết bị thả dù rơi chậm chế tạo ở Sài Gòn. Vì không dự kiến được những điều bất ngờ như vậy nên mọi chuyện phải tự xoay sở, lộn xộn gia tăng, làm cho những người bị bao vây cảm thấy bộ chỉ huy không đối phó nổi với tình hình.

Tuy nhiên, cơ quan phụ trách trang thiết bị vẫn ra sức sáng tạo để giải quyết các vấn đề nảy sinh: Chính quốc gửi riêng phần mình 140.000 thiết bị cháy để thả dù rơi chậm; các thùng hàng thả ban đêm được đánh dấu bằng sơn có huỳnh quang, dù nặng thiếu, được thay bằng những chùm dù nhẹ dính nhau. Nhưng căn cứ vẫn ngày càng bị bóp nghẹt. Thêm một chiếc Dakota bị súng phòng không bắn rơi vào chiến tuyến của địch .

Đại uý Bizard đã phải rời chức tiểu đoàn phó tiểu đoàn 5 lính dù Việt Nam để chỉ huy đại đội 1 được cử lên cao điểm 206. Buổi chiều, Langlais báo cho Bizard biết tối nay anh sẽ bị tấn công và gửi cho anh một thùng vang đỏ. Thấy mình được chăm sóc ân cần đến thế, Bizard lường được mối đe dọa nghiêm trọng đến mức nào. Sáng sớm, đại đội anh đã lấp các chiến hào mà bọn Việt đào về phía vị trí của anh. Bizard còn cẩn thận nhét dưới đó những cuộn dây thép gai và gài lựu đạn để cản trở công tác đào, sửa của địch.

Ba trong số tám khẩu súng cối lấy được ngày 13 và 14 tháng 3 ở Him Lam và Độc Lập được giao cho khẩu đội trưởng Nguyễn Minh Tư. Chúng đã được thử một cách chính xác đến nỗi chúng bắn ra phía trước toán bộ binh mà chúng yểm trợ đồi ở D1 có 10 mét.

Đại uý Hiền, cựu tham mưu trưởng trung đoàn 57, đã được lệnh đóng quân ở phía Tây Hồng Cúm để cắt mọi đường rút lui về phía Lào. Lúc đó, ông ghi sổ tay: "Trời đất rung chuyển, Điện Biên Phủ là ngày hội lớn. Hàng nghìn tia sáng rực rỡ. Đại bác và đại liên chào mừng bộ đội ta. Tôi đã đi thăm vùng Noọng Nhai ở phía bắc Hồng Cúm. Tôi ít khi khóc, nhưng mắt tôi nhòe lệ trước cánh nghèo đói của đàn bà, trẻ con bị bọn Tây (Cần nhớ Tây là tên gọi chung người châu Âu. (TG)) gom về bản. Họ ăn mặc rách rưới, xúm nhau nhìn đồn giặc bị đốt cháy. Tôi không biết làm gì bây giờ để trả lại cho các em những gì các em mất mát...

Ở Hồng Cúm, đạn đủ cỡ làm rung chuyển mặt đất. Máy bay quay vòng như đàn bò bị đưa vào lò mổ. Chúng tìm cách tránh đạn, nhưng đại bác và đại liên của ta săn đuổi chúng, đạn xé gió như xé vải. Pháo ta gây thành những đám cháy trên đồi. Pháo Tây chỉ thỉnh thoảng mới đáp lại. Ánh sáng tên lửa sáng rực cả cỏ cây. Làn đạn đỏ chằng chịt, địch chỉ bắn hú họa. Đây là bài học cho những kẻ từng huênh hoang là đã nghiền nát pháo ta. Liệu Castries có còn khoác lác là hệ thống hỏa lực của hắn đủ bảo vệ các tiền đồn xa nữa hay không? Hắn ta có còn hy vọng được gắn hai sao để thưởng về hệ thống phòng thủ của hắn không? Tối nay, chúng ta sẽ chứng minh là hắn sai lầm..."

Đại đội trường Đặng Võ đã bố trí đơn vị mình xong vào 18 giờ. Họ phục trong bùn, có nhiệm vụ chiếm đồi C2. Và Đặng Võ chỉ có mỗi ý tưởng ấy trong đầu. Đặng Võ là một chàng trai cao lớn 27 tuổi, đường nét gân guốc, tóc luôn xõa xuống che cả mắt. Lại còn cận thị nữa, anh phải mang kính.

Vào lúc 18 giờ 45 phút, trời chập choạng tối, đại đoàn 312 và 316 tấn công trên sáu tuyến. Đạn pháo từ Hồng Cúm rơi trúng tiểu đoàn anh. Mắt kính của đại đội trưởng Đặng Võ bị hơi đạn súng cối thổi văng đi mất; anh sờ soạng tìm và may mắn tìm thấy. Anh cho một tổ bộc phá mở rào dây thép gai. Và rồi anh ra lệnh xung phong bằng cách hô to tiếng thét đầu tiên: "Xung phong” (Tiếng Việt trong nguyên bản. Tác giả có ghi chú cách đọc cho người Pháp. “Saun fane"(ND))

Thứ tư ngày 31 tháng 3

Mất C2 và D2 (ta giành lại, rồi lại bị mất). Rút bỏ A3 và D3.

Trạm phẫu số 4 được thả dù xuống.

Tướng Navarre đến Hà Nội.

Ông Alain Savary rời Matxcơva mà không tiếp xúc được với ông Hồ Chí Minh.

Tổng thống Eisenhower buộc ông Dulles cải chính: Hoa Kỳ chống lại sự can thiệp.

Đợt đầu lao lên đụng mìn. Khi đợt pháo hai lao tới, tôi bấm cò súng, không còn đợt hai; đợt ba vừa xuất hiện vừa hò hét, bình napan nổ tung, không còn đợt ba; số phận đợt bốn được giải quyết bằng súng máy. Sau đó, rồi thì đợt năm đã vào được trong công sự chúng tôi. Phải chuồn thôi.

Henri AMOUROUX.

Thập tự trên Đông Dương

Tác giả chép rằng đây là lời một sĩ quan đã trốn khỏi Điện Biên Phủ sau 29 ngày lặn lội trong rừng, thiếu úy Makowiak.

Lưu ý rằng Makowiak không nói khi địch xung phong đợt năm "phải đánh giáp lá cà" mà nói: "Phải chuồn thôi?" Một lần nữa, đại tá Ardant de Picq nói đúng khi ông bảo rằng giữa hai bên không có tiếp xúc.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #83 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2009, 12:51:03 pm »

THÁNG TƯ 1954

Tình hình khí tượng: Từ 1 đến 19 tháng 4, gió mùa Đông Bắc ở các tầng mây thấp và gió Tây trên cao. Sương mù khô rất nhiều ở vùng thượng du, tầm nhìn xa chỉ được 1 hay 2 km. Tình hình châu thổ tốt.

Thứ năm ngày 1 tháng 4 
Đại tá Brohon đến Sài Gòn và lập tức đi Hà Nội với ông Dejean.

CHỈ THỊ ĐẶC BIỆT CỦA TƯỚNG NAVARRE
GỬI
TƯỚNG TƯ LỆNH LỰC LƯỢNG TRÊN BỘ BẮC VIỆT NAM

Diễn tiến của trận Điện Biên Phủ đã đến giai đoạn phải hình dung mọi tình huống và chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm phải nhận được chỉ thị tuyệt đối rõ ràng về thái độ mà ông ta cần có trong các tình huống ấy.

Chúng ta cần và có thể hy vọng rằng Việt Minh bị tiêu hao sau những tổn thất to lớn vừa qua, hoặc sẽ thất bại trong cuộc tấn công mới, hoặc sẽ thôi không tấn công nữa. Nhưng, trong hai tình huống trên đây, họ cũng phải mất một thời gian mới nới vòng vây. Thậm chí có thể là, trong trường hợp ấy, họ còn siết chặt vòng vây tối đa, tìm mọi cách để ngăn cản việc thả hàng tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm.

Theo giả thiết này, hai trung tâm đề kháng (cụm cứ điểm trung tâm và cụm cứ điểm Isabelle (Tức phân khu trung tâm (Mường Thanh) và phân khu Nam (Hồng Cúm). - ND)) sẽ phải tự tổ chức để kéo dài càng lâu càng tốt trong điều kiện khó khăn, biết rằng họ chỉ có thể trông cậy ở sự chi viện rất ít ỏi và có thể cả sự tiếp tế cũng bị hạn chế.

Cần phải cho đội quân đồn trú biết tình hình này.

Phải giải thích cho họ là chừng nào sự đề kháng còn kéo dài thì mọi hy vọng vẫn còn và sẽ đến lúc Việt Minh phải nới vòng vây, vì mùa mưa đến.

Cần làm cho anh em lên tinh thần, vì họ phải biết rằng họ đang bảo vệ danh dự của nước Pháp và Việt Nam (của Bảo Đại - ND); rằng toàn thế giới đang chú mục vào họ; và bằng sự đề kháng đến cùng, bằng những tổn thất họ gây ra cho Việt Minh, họ đang trì hoãn tối đa thời điểm mà 30 tiểu đoàn cùng nhiều đội pháo và tiểu đoàn nặng mà họ đang cầm chân ở đây sẽ được rảnh tay trở lại. Trong bất kỳ trường hợp nào, cũng không được nhắc đến chuyện đầu hàng.

Tuy nhiên cần có biện pháp để không một khẩu đại bác, và nhất là không một chiến xa nào rơi vào tay địch mà không bị hủy diệt hoàn toàn; và hàng dự trữ, đặc biệt là đạn, phải được hủy trước khi địch chiếm.

Phải cho đại tá de Castries biết là ta sẽ làm tất cả để giải tỏa thương binh và thả dù xuống cho ông ta đủ quân để bổ sung lại các tiểu đoàn dù và quân chi viện trong phạm vi một tiểu đoàn dù và một đội ĐKZ 75, nhưng phải báo trước cho ông ta biết là tình hình chung không cho phép tôi nghĩ đến việc vượt quá giới hạn đó, chỉ để kéo dài đề kháng.

Tôi sẽ chỉ giao cho ông ta sử dụng thêm phương tiện và đặc biệt là toàn bộ hay một phần binh đoàn không vận cuối cùng của tôi - khi nào tôi tin chắc được rằng có thêm lực lượng ấy sẽ phải mang thắng lợi về cho chúng ta.

Tôi biết rõ đại tá de Castries, nên tôi chắc chắn là ông ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ đến cùng và quân đội dưới quyền sẽ noi gương ông ta.

Cần cho chỉ huy trưởng cụm cứ điểm Hồng Cúm biết những chỉ thị này đề phòng trường hợp, vào lúc nào đó, ông ta sẽ phải tự vệ đơn độc.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #84 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2009, 12:52:01 pm »

THƯ CỦA NAVARRE GỬI COGNY
(MANG SỐ 85 CỦA BỘ CHỈ HUY TIỀN PHƯƠNG)

Đáp lại thư số 138 ngày 31 tháng 3, tôi trân trọng cho anh biết là, ngay từ 30 tháng 3, tôi đã ra lệnh dùng mọi biện pháp để toàn bộ tiềm lực về C47 quân sự được giao cho Gatac Bắc sử dụng để tạo điều kiện cho họ bảo đảm vận chuyển cho G.O.N.O lượng hàng tối đa.

Mặt khác, tôi đã lưu ý chính phủ và tướng Ely về việc cần hết sức cấp bách thay những máy bay C47 bị diệt.

Về vấn đề thiết bị cần thiết để thả hàng từ cao và làm cho dù bung chậm, tôi có thể cho anh biết ngay từ ngày 16 tháng 3 tôi đã cho nghiên cứu, ở C.A.E.O. và T.A.P.I.

488 thiết bị mở dù cơ học đã được gửi đi Hà Nội sáng 31 tháng 3, sau khi kiểm tra ở Sài Gòn.

Thiết bị mở dù rơi chậm bằng kỹ thuật hỏa pháo đã bắt đầu chế tạo và sẽ ra lò kể từ ngày 1 tháng 4 với nhịp độ 1000 chiếc mỗi ngày. Ở Đông Dương có 16.000 thiết bị cháy theo mẫu qui định. Ngoài ra có dự kiến sẽ thí nghiệm về những mẫu thiết bị cháy khác có ở Đông Dương với số lượng nhiều hơn.

Do đó, theo tôi vấn đề này đang sắp được giải quyết thỏa đáng. Tôi chỉ lấy làm ngạc nhiên là, với tư cách là người chịu trách nhiệm điều hành và yểm trợ trận Điện Biên Phủ, anh đã đợi tới ngày 26 tháng 3 mới nghĩ đến vấn đề tiếp tế bằng cách thả hàng từ trên cao và mới báo động tôi về những khó khăn của anh (Chú thích của tác giả: Hai ngày sau, Cogny trả lời Navarre là ông đã yêu cầu cơ quan phụ trách trang bị sản xuất thiết bị cho dù mở chậm vào ngày 19 tháng 3 chứ không phải ngày 26, rằng việc thể nghiệm dưới đất đã tiến hành ngày 21 và trên không ngày 22 và lắp đặt thiết bị trong trung lâm hậu cần không quân ngày 24. Ông nhấn mạnh rằng kỹ thuật thả hàng chỉ thuộc trách nhiệm bộ phận hậu cần không quân và trong chuyện này, cũng như trong việc cung cấp thùng đựng napan, bản thân Cogny chỉ tìm cách tạm đối phó với tình hình thiếu hụt mà thôi. )

Cogny viết tay bên đoạn cuối:

"Không phải thuộc trách nhiệm chúng tôi. Chúng tôi đã lo chuyện đó để gỡ bí cho Trung tâm hậu cần Không quân (C.R.A) vì họ chỉ còn thiết bị mở dù chậm đủ dùng trong vài ngày. Không phải là khó khăn của chúng tôi, mà của bộ phận hậu cần Không quân không thuộc quyền quản lý của chúng tôi. Tôi chịu trách nhiệm "yểm trợ" trận đánh, chứ không chịu trách nhiệm việc vận chuyển hay thả dù lực lượng yểm trợ đó".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #85 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2009, 12:53:00 pm »

THƯ TRẢ LỜI THỨ NHẤT CỦA COGNY CHO BỨC THƯ CỦA NAVARRE
(Thư số 253/CAB/FTNV)

Trong văn thư 1467/GENF/CC ngay 29 tháng 3 năm 1954 mà đến hôm nay tôi mới nhận dược, ông tỏ ra ngạc nhiên vẻ yêu cầu của tôi xin chi viện cho Bắc Kỳ và nhắc tôi là người chỉ huy có bổn phận phải hoàn thành nhiệm vụ với phương tiện mình được cung cấp.

1/ Tôi tự thấy trong lương tâm mình là tôi đã làm đúng bổn phận ấy và lời phê bình của ông đối với hoạt động của bản thân tôi và ban tham mưu của tôi theo tôi là không có căn cứ. Ngay sau khi tình hình cho phép tôi tập hợp tư liệu cần thiết, tôi sẽ trình cho ông ý kiến phản bác hoàn toàn những lập luận của ông. Mặt khác, tôi cũng sẽ làm rõ, trên cơ sở tư liệu, lập trường của tôi đối với Điện Biên Phủ.

Ngay từ bây giờ, đương nhiên là bởi ông thiếu tin cậy tôi; sự thiếu tin cậy ấy được phát biểu bằng cách như thế và vào thời điểm này, cho nên tôi không còn tự nguyện phục vụ dưới quyền ông nữa.

Tuy nhiên, tôi không yêu cầu ông cho tôi ngưng ngay lập tức quyền chỉ huy mà ông đã giao cho tôi bới vì tôi không thể bày tỏ nguyện vọng rời vị trí chiến đấu ngay giữa trận đánh. Ông sẽ cử người thay tôi nếu ông đánh giá tôi không đủ sức hoàn thành công tác.

2/ Người chỉ huy còn có một bổn phận khác, đó là bổn phận soi sáng cho cấp trên. Tói đã thi hành bổn phận ấy khi tôi bày tỏ với ông những yêu cầu mà tôi nghĩ rằng các vị tư lệnh vùng khác cũng nêu yêu cầu của họ như vậy.

Chỉ duy nhất một mình ông có quyền chọn lựa, như ông đã nhấn mạnh, và xác định thứ tự ưu tiên. Ở cấp bậc của tôi, tôi thấy điều đó không liên quan gì đến tình đồng đội trong chiến đấu. Tôi cũng không cần phải biết và phải đánh giá những lực lượng mà tôi xin ông có thể được cấp đến mức nào.

3/ Ông đánh giá lực lượng tôi có tại châu thổ là "rất đầy đủ” để hoàn thành nhiệm vụ hiện nay của tôi. Về phần tôi, tôi đánh giá lực lượng ấy không đủ để đối phó đồng thời với ba nguy cơ:

a). Tuyến đường sinh tử Hà Nội - Hải Phòng bị cắt;

b). Cơ sở hạ tầng của ta ở châu thổ bị phá vỡ từng mảng.

c). Địch đóng thêm những căn cứ mới trực tiếp đe dọa Hà Nội.

Chúng tôi đã và sẽ còn chấp nhận hy sinh để đối phó với nguy cơ thứ nhất. Tuy nhiên hai nguy cơ kia rất nghiêm trọng. Nguy cơ cuối cùng gần trực tiếp với nguy cơ đáng sợ mà tôi đã nói với ông, địch nhanh chóng rút các đơn vị ở Điện Biên Phủ về: "Cần thêm ba binh đoàn cơ động ở châu thổ, trong đó cần hai binh đoàn trong vòng tám ngày, để tránh một tai họa toàn cục tiếp theo tai họa mà chúng ta có bổn phận phải hình dung ở Điện Biên Phủ".

Thư đã dẫn của ông không nói về điểm này.

Trong trường hợp Điện Biên Phủ thất thủ, tôi sẽ lập tức nêu lại với ông yêu cầu này và đề nghị ông vui lòng chuyển lên cấp trên.

Thật vậy, tôi không thể chỉ dựa vào sự đánh giá của bản thân ông, tiếp theo sự đánh giá mà ông vừa bày tỏ, để nhận "hoàn toàn trách nhiệm" về tình hình mà chúng ta sẽ phải đối phó, và tình hình ấy sẽ là hậu quả của sự chọn lựa sắp tới của ông giữa Bắc Kỳ và các vùng lãnh thổ khác.

Tôi hân hạnh báo cho ông biết như vậy ngay từ bây giờ
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #86 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2009, 12:54:19 pm »

THƯ TRẢ LỜI THỨ HAI CỦA COGNY
(139/FTNV/GENE/TS)

(Theo cách nói của Cogny là "không gửi đi", nhưng được lưu trữ do cuộc nói chuyện sau khi Cogny viết thư này.)

Quyết định của ông, đã được ông nhắc lại nhiều lần, là chấp nhận giao chiến tại Điện Biên Phủ, bằng lực lượng 12 tiểu đoàn chống lại gần như toàn bộ lực lượng chủ lực của Việt Minh và ý chí quyết thắng của ông đương nhiên buộc ông phải giải quyết trước ba vấn đề: Tiếp tế, giải tỏa thương binh và vận chuyển lực lượng chi viện.

Vì đây là trận đánh diễn ra cách căn cứ ta ở châu thổ đến 300 km, giải pháp duy nhất là không vận. Bởi không quân không phụ thuộc dưới quyền tôi về bất cứ phương diện nào, chính là bộ tư lệnh liên quân của ông phải quyết định trong lĩnh vực này.

Thế mà, vào lúc diễn ra giai đoạn 2 của trận đánh và vào lúc có thể là số phận của cả trận đánh đang được quyết định, tôi buộc phải nhận xét là ta đang còn tìm kiếm và áp dụng vội vã những giải pháp tạm bợ. Những giải pháp này chỉ giải quyết vấn đề tiếp tế một cách không hoàn hảo, chưa hề giải quyết được vấn đề giải tỏa thương binh và vận chuyển lực lượng tiếp viện cần thiết.

Tình hình càng bi thảm hơn vì, kể từ ngày 13 tháng 3, bắt đầu trận đánh, mức độ tiếp tế đã tăng gấp đôi, từ 6 lên 12 kg/người/ ngày tức là tổng cộng từ 75 lên 150 tấn/ ngày (Ngày 30 và 31 tháng 3, ta đã bắn 9.500 quả đạn 105, 1.500 quả đạn 155, 8.700 quả đạn 120. Dự trữ đạn dược vào ngày 1 tháng 4 là: 10.500 quả đạn 105, 1.100 quả đạn 155, 4.400 quả đạn 120. -TG)

Dù sao đi nữa, thực tế trong những ngày trước ngày 13 tháng 3, do tình hình thời tiết không thuận lợi, việc nâng lượng hàng tiếp tế lên (ghi chú: Trước đó giảm bớt vì giành ưu tiên cho Mường Sài và Luông Prabăng) chỉ được thực hiện xấp xỉ mức qui định. Nhưng, nhất là từ 14 tháng 3, chỉ thực hiện được trung bình 110 tấn/ngày, vì một phần tiềm lực vận chuyển phải dành cho việc yểm trợ hỏa lực dưới dạng rải napan. Cuối cùng, bốn ngày gần đây nhịp điệu vận chuyển đã trở nên tồi tệ hết mức - trung bình chỉ có 60 tấn/ngày - cần nhớ có 70 tấn đã thả xuống chỗ quân phiến loạn (ghi chú: Trong đó có từ 600 đến 700 quả đạn 105 HM2).

Vì thiếu kỹ thuật, thiếu phương tiện đặc biệt (ghi chú: Thiết bị để thả dù rơi chậm, được chế tạo vội vã tại chỗ và không được thử nghiệm đàng hoàng) và thiếu máy bay vận tải nên không thể tiếp tế đầy đủ cho G.O.N.O. về thực phẩm và đạn dược. Có thể số phận của G.O.N.O. tùy thuộc vào đó, ngay trong đêm nay.

Liên quan đến việc giải tỏa thương binh, có thể nói là ta không có dự kiến và thực hiện tổ chức vật chất nào ở qui mô cần thiết. Việc các đường băng ở Điện Biên Phủ gần như thường xuyên bị vô hiệu hóa khiến ta chỉ thỉnh thoảng mới đón được thương binh, và tôi không nói đến những kinh nghiệm thê thảm của trực thăng do số lượng máy bay thiếu và thiếu cả phi công đủ trình độ.

Cuối cùng, từ 26 tháng 3 đến nay, không đón được thương binh nào nữa. Lúc ấy, còn 120 thương binh ở Điện Biên Phủ. Bây giờ đã có thêm những tổn thất nặng nề của các trận đánh gần đây, tổn thất mà tôi cũng không đánh giá được số lượng.

Trong những điều kiện như vậy, việc vận chuyển quân tiếp viện cũng gặp khó khăn rất lớn, đặc biệt là không thể cho quân nhảy dù ồ ạt được.

Thế mà theo ý tôi, không nên quên rằng việc tiếp cứu cho một căn cứ bị bao vây chỉ dựa vào hai cách:

- Hoặc bù đắp tổn thất bằng cách mang quân chi viện đến .

- Hoặc hành động từ bên ngoài để giải vây.

Tôi đã nói về cách thứ nhất. Còn cách thứ hai, sau khi đại đoàn 308 tấn công Mường Sài, với mục đích hiển nhiên là cô lập Điện Biên Phủ với các lực lượng ta ở Lào, thì lực lượng này không chuyển quân được về hướng Mường Khau hay Sốp Nao là nơi chúng có thể can thiệp, tấn công vào hậu phương của lực lượng chủ lực Việt Minh.

Như thế là trên cả ba bình diện tiếp tế, giải tỏa và đưa quân chi viện đến, ta đang chứng kiến trung tâm đề kháng của ta ngày càng bị bóp nghẹt nhanh hơn, sự bóp nghẹt này đã được dự kiến trong chỉ thị đã dẫn của ông.

Về phương diện hàng không, không có biện pháp có giá trị nào để đối phó; bởi vì hoạt động của phòng không đối phương và số lượng máy bay vận tải hạn chế không cho phép ông chấp nhận nguy cơ tổn thất về máy bay và tổ lái.

Tuy nhiên, bổn phận tối thiểu buộc tôi phải tổng kết tình hình thiếu kém đó trên phương diện hậu cần.

Thật vậy, tôi hân hạnh báo cáo với các ông rằng tôi nghĩ chắc chắn là chỉ một mình sự thiếu kém này, và có lẽ là ngay trước mắt đây thôi, sẽ quyết định kết quả của một trận đánh, mà số phận của toàn Đông Dương có nguy cơ phụ thuộc vào trận đánh này.

Ghi chú: Thư này không ký tên
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #87 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2009, 12:55:40 pm »

Thứ 6 ngày 2 tháng 4

Đại tá Brohon nói chuyện hôm qua và sáng nay trong cuộc họp mật về kế hoạch "Vautour" trở về Sài Gòn rồi về Paris ngay tối đó.

Mất 105 và giải vây được 206. Ta chiếm lại A1.

Sau một đêm dữ dội nữa, áp lực địch giảm bớt ở đồi A1 và tăng lên ở 206. Vào 8 giờ, đại úy Bizard nhờ quân chi viện đã xây dựng lại đại đội của mình, nhưng không lấy lại được 105. Quân Việt đã biến cứ điểm thành hang chuột chũi, song anh giải vây được cho 206:

Ở Hồng Cúm, sáu trên chín khẩu 105 còn bắn được có đủ đạn để bắn. Các toán trinh sát tìm cách liên lạc với phân khu trung tâm bắt được liên lạc cách căn cứ 1km về phía Bắc và 500 mét về phía Tây.

Lợi dụng lúc tạm yên, trung tá Langlais thay đổi hệ thống phòng thủ. Ông dùng lính Marốc ở đồi C để giữ Nà Hống, bây giờ mang tên Lili; gom lại số quân lê dương ở gần chỉ huy sở. Tiểu đoàn 1 lính dù lê dương trước đây có hai đại đội ở C2 bây giờ phụ trách mặt Đông Nam và đồi Yên Ngựa.

Cuối cùng, Langlais chia phân khu trung tâm thành hai khu vực Đông và Tây ở hai bên dòng sông và giao một khu vực cho viên phó cũ của ông thiếu tá Vadot, khu vực kia giao cho trung tá Veineau. Bigeard, mà đại tá de Castries mong muốn giữ cạnh mình, để tránh đụng chạm với Langlais, sẽ giao tiểu đoàn của ông cho thiếu tá Thomas, phụ trách các trận phản công. Đại tá Lemeunier phụ trách phòng thủ. Công tác thu nhặt và phân phối hàng tiếp tế từ trên trời rơi xuống, một trung sĩ nhất lê dương đảm nhiệm với đầy đủ uy thế: Trung sĩ nhất Rasp.

CHỈ CÓ BOM A MỚI CỨU NỔI ĐIỆN BIÊN PHỦ

Ngày hôm ấy, 107 vòng bay B26, 100 vòng máy bay tiêm kích, 30 vòng C119 và 4 Dakota rải napan, yểm trợ tập đoàn cứ điểm. Ta tấn công ba trận địa pháo mà không biết đó có phải là trận địa pháo giả hay không. Bộ binh Việt Minh bám sát các vị trí đến nỗi việc ném bom trở thành phức tạp và mất một phan hiệu lực. Ngoài ra, các tồ lái thường bị chuyển khỏi những mục tiêu mà họ đã nghiên cứu để hướng đến những mục tiêu khác mà họ không biết rõ bằng.

Dù có số lượng đông gấp đôi, liệu máy bay có cứu nổi Điện Biên Phủ không? Điều ấy ít có khả năng. Nếu Navarre có nhiều máy bay hơn, diễn biến tình hình hẳn cũng không thay đổi, bởi không ai trông thấy các đại đoàn hay các khẩu pháo của Việt Minh đến phía trên lòng chảo và không một bệ ngắm oanh tạc nào phát hiện được một trận địa pháo.

Còn napan, dù có trút khối lượng gấp đôi cũng không xóa sổ được những người lính bộ binh đã đào sâu ngập cán cuốc cán xẻng của mình để chui xuống công sự. Nếu số Dakota tăng gấp đôi, lực lượng chủ lực địch sẽ được tiếp tế đầy đủ, vì gần phân nửa các thùng hàng rơi ngoài vị trí Pháp; và tổn thất về máy bay sẽ lớn hơn, bởi vì máy bay tiêm kích không diệt nổi súng phòng không đang bắn hạ chúng.

Ở trường Stait College tại Camberley, trưởng phòng nhì cũ của Salan và de Lattre thú nhận trong buổi diễn thuyết: Atlante thất bại, không gây được bất ngờ, các đơn vị phiến loạn từ chối giao chiến và có sự đe dọa trầm trọng đè nặng lên các vùng giải phóng (tức vùng quân Pháp vừa càn quét ND).

Trên báo Le Monde, Robert Guillain đánh giá còn nghiêm khắc hơn về kế hoạch Navarre: "... Atlante là một thất bại vang dội. Chiến tranh công khai giữa bộ chỉ huy quân sự Việt Nam và bộ máy hành chính của Bảo Dại, hai bên giành nhau để bắt dân đóng góp và thu tiền mỗi cuộc hành quân, các tiểu đoàn khinh binh không chịu bảo vệ dân; và cuối cùng, tình hình quân sự rất mong manh trước nguy cơ Việt Minh ồ ạt quay lại, đó là những kết quả đạt được trong lúc Điện Biên Phủ đang hấp hối..."
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #88 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2009, 12:57:09 pm »

Thứ bảy ngày 3 tháng 4    

Cao điểm 206 bị tấn công vào chập tối, được giải vây khoảng nửa đêm.

Tiểu đoàn 2, trung đoàn 1 lính dù thuộc địa nhảy dù xuống.

Khủng hoảng nội các ở Campuchia.

Ông Henri Bonnet, đại sứ Pháp ở Hoa Kỳ, được ông Dulles tiếp. Các lãnh tụ ở quốc hội nghe ông Dulles và ông Radford.

Thượng nghị sĩ Knowland tuyên bố: "Đối với Đông Dương, thế giới tự do có giải pháp khác hơn là việc gửi lực lượng trên bộ của Hoa Kỳ sang".

SỐ LIỆU THỐNG KÊ Ở HỒNG CÚM


Quân còn chiến đấu được:

- Tiểu đoàn 2, trung đoàn 1 pháo thủ Angiêri: 545

- Tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 lê dương ở Đông Dương: 426

- Tiểu đoàn 3 lính Thái: 410

- Tiểu đoàn 3, trung đoàn 10 pháo binh thuộc địa: 116

- Tiểu đoàn 5, trung đoàn 7 pháo thủ Angiêri: 116 .

Tổng cộng: 1613

TƯỚNG NAVARRE TRẢ LỜI COGNY
Số 72/GENE/CC

1/ Tôi ghi nhận nguyện vọng của anh không kéo dài thời hạn công tác sau khi chiến dịch hiện nay kết thúc. Vả lại nguyện vọng này trùng hợp với quan điểm cá nhân của tôi

2/…

3/ Tôi thấy không cần tiếp tục tranh luận về việc lực lượng đã cấp cho anh trong chiến dịch này có đủ hay không đủ. Lập trường của tôi về vấn đề này không thay đổi.

4/ Trong tình huống giả thiết mà anh gợi ra, và tôi vẫn hy vọng vững chắc là nó sẽ không xảy ra, tức là Điện Biên Phủ thất thủ, tôi sẽ tùy tình hình mà hành động. Như tôi đã nói miệng với anh, tôi sẽ tìm cách xây dựng lực lượng dự bị và sử dụng chúng tùy tình hình chung. Anh có thể chắc chắn là trong giả thiết ấy, việc duy trì các vị trí chủ yếu của ta ở châu thổ, như từ xưa đến nay, vẫn là một trong những mối quan tâm chính của tôi.

Chủ nhật ngày 4 tháng 4.

Đại tá Brohon về Paris và Hội đồng Quốc phòng hạn chế họp.

Trong đêm, địch tấn công dữ dội 206

Các tuyến đường còn trống (không có hỏa lực địch) bị thu hẹp, lực lượng phòng không địch vẫn bất khả xâm phạm và ngày càng có hiệu quả khiến những người đi tiếp tế phải thận trọng hơn, việc thả dù ngày càng thiếu chính xác

Kể từ 30 tháng 3, trung đoàn 57 đã nhặt được chỉ riêng phần mình 776 thùng hàng gồm đạn 105, thực phẩm và chất đốt được thả dù quanh Hồng Cúm, tức là khoảng 60 tấn. Trọng tải của 24 Dakota. Nếu tính toàn bộ số hàng được thả xuống Điện Biên Phủ, người ta có thể ước đoán trong năm ngày đã mất ít nhất là bằng trọng tải của 70 chiếc Dakota. Thế mà, lúc đó, khả năng sử dụng Dakota chỉ còn giới hạn ở 18 máy bay mỗi ngày cất cánh ở Hà Nội với nhịp độ 30 phút một chiếc.

Langlais đê xuất với Hà Nội ý kiến mà một sĩ quan ở Điện Biên Phủ trình ông xem xét: Đặt chất nổ trong các quả đạn pháo 105 thế nào để làm nổ tung các khẩu pháo của quân Việt.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #89 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2009, 12:58:19 pm »

Thứ hai ngày 6 tháng 4

Người ta ghi nhận súng phòng không Việt Minh hoạt động mạnh hẳn lên.

Chính phía Mỹ trả lời phủ định. Ông Dulles tuyên bố: "Sự tồn tại sức mạnh hùng cường của Mỹ và việc Hoa Kỳ sẵn sàng sử dụng sức mạnh ấy là biện pháp cứu lấy thế giới tự do chống lại mối đe dọa cộng sản".

ĐIỆN CỦA TƯỚNG COGNY
GỬI CHỈ HUY TRƯỞNG G.O.N.O

Nhiệm vụ của không quân chống các trận địa pháo địch thường xuyên bị anh chuyển sang mục tiêu khác. Stop. Chỉ có anh phán xét thứ tự ưu tiên và tôi chắc chắn rằng mọi sự chỉ đạo của anh đều có ý thức. Stop. Tuy nhiên tôi lưu ý anh về sự mất năng suất của số bom đặc biệt chống pháo mà lượng hàng cung ứng rất ít và về cuộc tấn công đã bắt đầu lại bị ngắt quãng khiến các mục tiêu pháo có điều kiện lẩn tránh. Stop. Trong chừng mực có thể dự kiến tình hình, anh nên báo trước là anh không cần chống pháo trong thời gian nào đó. Stop và hết.

Đạn dự trữ còn 371 quả đạn 155, 7500 quả 105 và 1500 quả 120. Ở Hồng Cúm, người ta tính đến chuyện phân phối hạn định khẩu phần lương thực. Dù việc thả hàng không chính xác, người ta vẫn tìm cách cứ khoảng 50 Dakota lên Điện Biên Phủ mỗi ngày, mà vẫn không nâng được mức hàng tiếp tế lên.

Trong vòng không đầy một tháng, ta mất hai tiểu đoàn Thái, một tiểu đoàn thuộc bán lữ đoàn 13 lê dương, 2 tiểu đoàn Angiêri, nửa tiểu đoàn Ma rốc. Ngoài ra tiểu đoàn 8 xung kích, tiểu đoàn 5 lính dù Việt Nam, tiểu đoàn 6 lính dù thuộc địa và tiểu đoàn 1 lính dù lê dương đã giải thể. Tiểu đoàn mới được thả dù xuống cũng đã bị thử thách nghiêm trọng.

Đại tá De Castries chính thức giao quyền chỉ huy các lực lượng phản công cho Bigeard. Bigeard dùng chung hầm chỉ huy với Langlais. Hai người tổ chức lại việc phòng thủ, co tính đến tình hình bi thảm và giá trị của người chỉ huy; bởi bây giờ, không ai còn nghi ngờ gì nữa, vấn đề là chiến đấu đến cùng để bảo vệ tính mạng và sự tự do của chính mình. Các quả đồi phía Đông giao cho Bréchignac, bờ trái sông Nậm Rốm giao cho Cheynal, Bắc phân khu trung tâm giao cho Guiraud, khu Epervier giao cho Tourret, phía Nam và phía Tây giao cho Vadot.

Thứ ba ngày 6 tháng 4

Ngày yên tĩnh. Địch quấy rối vài lần.

Tướng Navarre rời Hà Nội đi Sài Gòn.

Thứ tư ngày 7 tháng 4

Tổng thống Eisenhower tuyên bố: "Ít có cơ may cho một giải pháp thương lượng ở Genève, nhưng Hoa Kỳ sẽ không hành động đơn phương, hành động của Hoa Kỳ phải là kết quả sự đồng tình của dư luận. Phương Tây không thể chấp nhận bỏ mặc Đông Dương cho cộng sản".

Ông Penn Nouth lập nội các mới ở Campuchia. Tướng Lauzin đề nghị hoạt động của Mỹ ở Điện Biên Phủ diễn ra vào ban đêm.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM