Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 09:37:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp  (Đọc 63751 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #60 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2009, 09:28:13 pm »

Thứ năm ngày 18 tháng 2

Tướng Navarre thăm Điện Biên Phủ. Cùng đi có tướng Cogny, quân y trưởng Jeansette và đại tá quân y Terramorsi.

Theo Bertail, là người có mặt trong cuộc hội đàm của họ ngày hôm đó, hình như tướng Cogny có hỏi tướng Navarre xem ta có thể tiến hành một cuộc hành quân nghi binh để buộc Việt Minh phải tấn công không. Không có gì xác nhận khẳng định này trong các tư liệu mà tôi có.

Thông báo kết thúc hội nghị Berlin được công bố. Về vấn đề Đông Dương, các Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Pháp, Anh và Liên Xô thừa nhận vấn đề tái lập hòa bình sẽ được xem xét tại hội nghị Genève. Đại diện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các quốc gia có liên quan khác sẽ được mời đến hội nghị này.

Navarre khẳng định mấy ngày trước đó ông Pleven có nói với ông: "Chắc hẳn chúng ta sẽ chấp nhận nguyên tắc một cuộc hội nghị, nhưng Việt Minh sẽ không dự và Trung Quốc cũng không".

Khi loan tin hội nghị Genève, chính phủ có vẻ làm theo mong muốn của tướng Navarre, mà đô đốc Gabanier đã hỏi ý kiến ngày 26 tháng 11. Lúc đó, Navarre trả lời không với bất cứ đề nghị thương lượng nào, nhưng lập luận của ông cho phép chính phủ bây giờ hy vọng vào một bản đồ chiến sự phù hợp với mong ước của mình; bởi vì Navarre đã khẳng định vào mùa xuân tình hình quân sự sẽ khá hơn mùa thu.

Không có gì làm chính phù ái ngại tình hình ngược lại. Và cũng không có gì làm tướng Navarre và đại sứ Dejean hiểu rằng hội nghị Berlin sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, việc phổ biến thông báo Berlin khiến cho trong giới cầm quyền Việt Nam tối hôm đó có những lời bình luận cay đắng. Không ai nghi ngờ về việc hội nghị Genève sẽ mang lại hòa bình, và hòa bình sẽ dẫn nước Pháp tới chỗ rút lực lượng viễn chinh của mình khỏi Đông Dương, dù là rút từng bước.

Thứ sáu ngày 19 tháng 2

Ông Pleven thăm Điện Biên Phủ. Cùng đi, có ông de Chevigné, các vị tướng Ely, Fay, Bodet, Cogny, và đại tá Brohon.

Ở Sài Gòn, tướng Navarre họp báo.

Thứ hai ngày 22 tháng 2

Đêm hôm đó, trong lúc Grauwin đánh một ván bài belete với các y tá của ông, sau khi đã mừng lễ thánh Isabelle ở bàn ăn của trung tá Lalande, xe cứu thương chở từ Độc Lập đến một anh lính Angiêri bị một loạt đạn tiểu liên vào bụng. Chiếc Dakota lượn quanh trên Điện Biên Phủ không thể ngưng nhiệm vụ của mình và phải năm giờ sau mới có một chiếc khác để đưa anh thương binh về bệnh viện Hà Nội. Thời gian quá dài, Grauwin giải phẫu cho pháo thủ Ben Azziz và cứu sống anh ta.

Hôm qua, trong bài ca nhập lễ vào ngày chủ nhật lục tuần, cha tuyên úy Isabelle đã kêu lên: "Lạy chúa, chúa hãy đứng lên, để cứu giúp và giải thoát chúng con". Giáo hội sắp vào thời kỳ tưởng niệm khổ hình của chúa, nghi lễ ngày càng bi thương hơn. Chủ nhật tuần trước, bài ca nhập lễ còn kinh khủng hơn: "Tiếng rên siết tử thần vây quanh tôi. Người ta không còn hát bài ca ngợi chúa, suy tư hướng về sự cứu rỗi thông qua đau khổ và cái chết.

Ở New Delhi, ông Nehru đề nghị đình chiến ở Đông Dương trước hội nghị Genève và kêu gọi ngừng bắn. Nhưng, đối với bộ tham mưu Pháp, ngừng bắn chỉ có thể là kết luận chứ không thể là khởi đầu của một cuộc thương lượng.

Phía Tây Điện Biên Phủ, các tiểu đoàn dù của trung tá Langlais đã tiến cách tập đoàn cứ điểm mười cây số mà không gặp khó khăn gì, trong lúc ở các triền núi phía Bắc và Đông Bắc, ta và địch ngày càng tiếp cận sát hơn và chắc chắn đại đoàn 308 đã nhanh chóng trở về vị trí cũ trong các lực lượng bao vây. Ta phát hiện địch bố trí các trạm quan sát cho pháo binh và phòng không.

Tại cơ sở của trạm phẫu, Grauwin lập danh mục các chai huyết tương, huyết thanh và protêin, các đơn vị pênixilin và gam xtréptomicin, các bình ôxy, dụng cụ truyền máu và giường bệnh. Bên cạnh đó, có một hố lộ thiên trong đó quan tài rỗng được xếp chỉ cách phòng tiệt trùng vài mét. Trước cửa, trong hai chiếc thùng được chôn phân nửa dưới đất, ba lít máu được giữ lạnh trong nước đá do máy bay chở tới mỗi sáng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #61 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2009, 09:29:17 pm »

Thứ ba 23 tháng 2

Đại đoàn 308 dừng bước trên đường tiến về Luông Prabăng.

Thứ năm ngày 25 tháng 2

Trong quyển Bi kịch Đông Dương (Le Drame Indochinois, trang 80) ông Joseph Laniel viết:

Một lúc sau, trước Quốc hội, chủ tịch Pleven báo cáo chuyến đi thăm tập đoàn cứ điểm của ông với lời lẽ như sau: "Điều tôi biết là ngày 19 tháng 2, khi tôi đi thăm tập đoàn cứ điểm, tất cả những người phòng thủ căn cứ đều hoàn toàn tin tưởng ở sự bố trí phòng thủ của họ và tin vào phương tiện mà họ có, và không ai nghĩ đến việc rút bỏ tập đoàn cứ điểm. Điều tôi biết là không có vị chỉ huy quân sự nào trong số những người tôi tham khảo ý kiến lại đề nghị rút quân...

Trong trường hợp này, ông Pleven dùng đến một kỹ xảo về diễn đạt không có tên gọi nào khác hơn là nói dối.

Ông Dejean ở Hà Nội, ông Pleven ở Vũng Tàu.

Tình hình khí tượng: Từ 25 tháng 2 đến 4 tháng 3, chủ yếu là gió mùa đông bắc thổi, trời rất nhiều mây, độ cao tối đa của máy bay ở mức thấp. châu thổ có mưa phùn.

Tướng Navarre cho ra đời chỉ thị 222 kiểm điểm tình hình và xác định ý đồ của mình một cách bình thản. Giai đoạn 1 của Atlante vừa chấm dứt, giai đoạn 2 sắp bắt đầu, nhưng chỉ chiếm vị trí thứ ba trong thứ hạng ưu tiên về sự yểm trợ của không quân. Bố trí lực lượng của địch có vẻ đã bị căng ra tối đa ở khắp nơi. Những điểm quan trọng trước mặt có địch, ta phải giữ vững, khi địch rút quân phải bám sát theo. Bất cứ nơi nào tương quan lực lượng cho phép, ta phải giành và quét sạch lãnh thổ, xóa bỏ mọi di hại do các đơn vị Việt Minh đi qua để lại. Cần chuẩn bị không chậm trễ các cuộc hành quân truy kích nhằm tiêu diệt các đơn vị Việt Minh dám phiêu lưu, nhằm chặn đường giao thông và hủy diệt kho tàng của chúng..."

Navarre công nhận địch có vẻ muốn đeo đuổi ý định diệt Điện Biên Phủ, và về phần mình, ông nhắc lại là ông quyết tâm chấp nhận cuộc giao chiến và thắng trận. Nhằm mục đích đó, ông lại dành ưu tiên số một cho Điện Biên Phủ và, như Cogny đã yêu cầu, ông ra lệnh bổ sung đầy đủ các đơn vị và công tác tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm. Ba, rồi năm tiểu đoàn dù được tập hợp tại Hà Nội sẵn sàng được tung vào trận đánh.

Trong trường hợp các đại đoàn của ông Giáp tự ý hoặc bị buộc phải rút đi, ông cho nghiên cứu những chiến dịch nhằm gây tổn thất nghiêm trọng cho chúng, diệt căn cứ Tuần Giáo và cắt đường liên lạc của chúng. Cuối cùng, ông dự kiến nếu đại bộ phận quân chủ lực Việt Minh lao vào tấn công châu thổ, ông sẽ rút về một phần quân đồn trú tại Điện Biên Phủ. Việc kiểm soát Bắc Lào được giao cho các lực lượng khinh binh mà sau này ta sẽ đưa đi đến tận Mường Khoa.

Dù hay đẹp đến đâu, ông thức cũng ít khi vượt qua được sự kiện. Thông thường, nó chỉ có giá trị khi nó lao vào đúng trung tâm sự kiện, khi các vị chỉ huy nắm chắc thực tế. Ta chưa ở trình độ ấy, bởi Navarre không chắc chắn ông Giáp sẽ tấn công Điện Biên Phủ hay không.

Hôm ấy, ta được biết kế hoạch cung cấp gạo của địch bao gồm cả tháng ba và tháng tư.

Thứ sáu ngày 26 tháng 2

Tướng Fay trở về Paris.

Đền Lạc Đạo ở châu thổ bị một tiểu đoàn tấn công vào ban đêm và Cogny đòi đưa về một trong ba binh đoàn cơ động bị lấy đi cho Atlante với năm tiểu đoàn dù.

Đại tá chỉ huy trưởng công binh ở Hà Nội được lệnh đi Điện Biên Phủ để nghiên cứu việc xây dựng một cây cầu nhằm làm cầu dự bị cho cây cầu đang có và nghiên cứu làm sao bảo vệ các kho hàng khỏi bị ngập khi nước dâng cao. Đồng thời, vẫn theo lệnh Navarre, người ta tính toán khả năng giảm phần lớn quân số của Điện Biên Phủ.

Trong một báo cáo miệng được rào đón thận trọng, tướng Ely tỏ ý không thể hy vọng có giải pháp quân sự quyết định cho vấn đề Đông Dương và ta chỉ có thể tìm cách xác lập một tình hình cho phép có giải pháp chính trị cho vấn đề. Ông cẩn thận không muốn phê phán Navarre một cách nặng nề - vì ai biết được, cũng có thể ông ta lại gặt hái vinh quang bất ngờ - ông nói rõ không quyền lực nào có thể can thiệp vào việc điều hành chiến dịch mà không gây nguy hiểm. Vốn là người có ảnh hưởng đối với cấp trên, ông khéo léo đưa ông Pleven đến chỗ đồng tình với ý kiến của ông.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #62 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2009, 09:30:19 pm »

Thứ bảy ngày 27 tháng 2

ĐÔNG DƯƠNG DƯỜI MẮT JACQUET

Ở Paris, báo L'Express giới thiệu tình hình Đông Dương chịu ảnh hưởng cách nhìn của ông Marc Jacquet, nếu không phải chính ông ta viết bài ấy. Ông Tổng trưởng phụ trách các Quốc gia liên kết có vẻ muốn xác định thời gian trong cách đánh giá của ông: Việt Minh chưa đủ sức dàn trận đánh nhau với lực lượng viễn chinh; bù lại, họ luôn luôn ở ngoài tầm các cú đánh của ta; sự có mặt của ta ngày càng sa sút. Ông Giáp chưa đến giai đoạn tổng phản công, nhưng ông ta liên tục mạnh lên, điều đó trở thành mối đe dọa; viện trợ Trung Quốc tăng lên. Quân đội Quốc gia Việt Nam chỉ là bộ phận phụ thuộc vào quân đội Pháp và không có điều kiện tinh thần cho nó phát triển đầy đủ; chế độ Bảo Đại bất lợi cho chính nghĩa của sự can thiệp (của quân đội Pháp - ND) và làm ung thối tình hình chính trị. Chỉ có hy vọng giải quyết bằng thương lượng và ngay từ bây giờ phải tìm cách tiếp xúc. Nếu cân bằng quân sự được duy trì, trong năm nay có thể có hưu chiến.

Từ 1945 đến mùa xuân 1953, lực lượng viễn chinh đã mất 34.641 người, trong đó có 28.141 lính Bắc Phi hay lê dương, 32.000 người Việt Nam, Lào hay Campuchia đã bị giết. Cuộc chiến tranh tốn gần 2.000 tỉ. Từ 1952, Mỹ đã cung cấp hơn 1000 tỷ viện trợ.

Trên sân cỏ dinh Norodom, ông Rene Pleven trao cho tướng Navarre - và ôm chặt lấy ông ta rất lâu - huân chương Bắc đẩu bội tinh hạng nhất và huân chương chiến công hình chữ thập với nhành lá cọ.

Chủ nhật ngày 28 tháng 2

Đại đoàn 308 trở lại vị trí của mình trong các lực lượng Việt Minh bao vây Điện Biên Phủ.

Phái đoàn Pleven rời Đông Dương.

Một toán trinh sát đụng độ với địch ở cách Điện Biên Phủ năm cây số về phía Đông Nam.

Hôm qua, tướng Cogny đề nghị một cuộc hành quân mới ở Lạng Sơn nhằm gây rối loạn trên con đường tiếp viện từ Trung Quốc sang. Một trung đoàn phòng không và khối lượng đạn dược quan trọng vừa vượt qua biên giới và ở châu thổ, Việt Minh rút thêm từ lực lượng nhân sự dự trữ và các đơn vị bộ đội địa phương ở châu thổ. Bấy giờ xe tải chạy ngày đêm về hướng Điện Biên Phủ.

Ban đêm, Việt Minh đánh một cú ở Nam Định. Ở Điện Biên Phủ, tướng Cogny ra lệnh bắt đầu chuyển khỏi vùng nước ngập, những kho hàng phải mang lên lưng đồi C. Hai chiếc Bearcat đụng nhau khi hạ cánh: Các phi công bị thương, một trong hai chiếc máy bay bị đứt làm đôi, chiếc kia hỏng nặng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #63 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2009, 09:32:17 pm »

THÁNG BA 1954

Tinh hình khí tượng: Có từng đợt gió mùa Đông Bắc khiến trời rất nhiều mây và mưa phùn, độ cao tối đa của máy bay thấp, xen kẽ với những đợt khí lạnh. Cho đến ba phần tư, châu thổ có mưa phùn.

Thứ hai ngày 1 tháng 3

Ông Pleven về đến Paris và tuyên bố với báo chí: "Không có vấn dề quân sự ở Đông Dương, chỉ có vấn đề chính trị".

Đụng độ ở phía Tây Điện Biên Phủ.

Thứ ba ngày 2 tháng 3

Người ta đang xây dựng binh đoàn dù để có thể sẵn sàng tung ngay vào trận Điện Biên Phủ, nếu trận đánh xảy ra.

Navarre dự kiến tiểu đoàn 5 lính dù Việt Nam, 1 tiểu đoàn lính dù thuộc địa và tiểu đoàn 6 lính dù thuộc địa sẽ có mặt ở Hà Nội ngày 6 tháng 3. Sau đó không lâu sẽ là tiểu đoàn 3 Việt Nam và tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn lính dù thuộc địa số 1. Navarre nghĩ là cuộc tấn công có thể xảy ra, dù không phải ngay lập tức. Tiểu đoàn 6 lính dù thuộc địa, tức là Bigeard.

Thứ tư ngày 3 tháng 3

Tướng Navarre đến Hà Nội.

Thứ năm ngày 4 tháng 3

Tướng Navarre thăm Điện Biên Phủ cùng tướng Cogny và đại tá Revel. Đại tá de Castries không thấy cần tăng cường quân đồn trú.

Ban đêm, một đội cảm tử Việt Minh tấn công sân bay Gia Lâm.

Tình hình khí tượng: Từ 5 đến 9 tháng 3 trời đẹp.

Thứ sáu ngày 5 tháng 3.

Tướng Navarre về Sài Gòn.

Ở Đông Bắc Điện Biên Phủ, tiểu đoàn 1 lính dù lê dương gặp sức đề kháng quyết liệt của Việt Minh ở điểm cao 781.

Ở Paris, bắt đầu cuộc thảo luận về Đông Dương tại Quốc hội.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #64 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2009, 09:32:26 pm »

Thứ bảy ngày 6 tháng 3

Đến từ đèo Pha Đin, 50 khẩu đại liên 12,7 Mỹ được trang bị cho tiểu đoàn phòng không dưới quyền tiểu đoàn trưởng Phúc chiếm lĩnh các mỏm đôi phía bắc Him Lam.

Quân Angiêri đóng giữ đôi Độc Lập thấy điểm cao 633 ở phía trước họ một cây số có nhiều địch đóng và ở phía Đông Bắc, tiểu đoàn 1 lính dù lê dương không lên được điểm cao 781 nơi Gilles từng có ý định xây dựng một cứ điểm, ở cách Điện Biên Phủ ba cây số về phía Đông. Các cuộc hành quân này đã phải trả giá đắt vì, cũng như ông đã nhắc ngày 17 tháng 2, Cogny lại đánh điện yêu cầu Castries bảo toàn quân số và hạn chế hoạt động ở những cuộc trinh sát nhỏ, trừ khi có điều kiện gây cho địch nhữg tổn thất rất nghiêm trọng.

Ở Paris, rốt cuộc ông Georges Bidault nhận được lệnh của ông Laniel yêu cầu ông cho ông Alain Savary lên đường đi Matxcơva, ông Savary sẽ là khách của đại sứ Pháp, ông Louis Joxe.

Ông Bidault lấy làm tiếc rẻ về việc ông Savary có nhiệm vụ tiếp xúc với Việt Minh, ông nói với ông Savary bằng giọng lạnh nhạt:

- Ông Hồ Chí Minh đến bước đường cùng rồi. Sự can thiệp của ông sẽ hà hơi tiếp sức cho ông ta.

Trên diễn đàn Quốc hội, ông Laniel xác định điều kiện nước Pháp chấp nhận ngừng bắn. Ông nói thêm: "Nếu trước Genève mà ta nhận được đề nghị cụ thể, ta sẽ xem xét đề nghị ấy trong tinh thần như tôi vừa xác định".

Trong một bức thư được đọc tại một hội nghị bí mật của nhóm M.R.P. ba ngày sau, ông de Chevigné viết cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng? "Điện Biên Phủ trở thành một tập hợp những công sự bị bao vây mà hiện nay ta không thể hình dung nó được cứu thoát nổi". Tướng Salan mang đến ông Pleven một kế hoạch thoát ra khỏi tập đoàn cứ điểm bằng lực lượng mạnh, có ước tính tổn thất của chiến dịch. Ông đề nghị quân đồn trú rút về Hồng Cúm trong lúc một đội quân mạnh từ Lào sẽ đến tiếp ứng.

Trong đêm tối ngày 4 rạng ngày 5 tháng 3, vào lúc trăng lặn, khoảng hai giờ sáng, một toán quân chủ lực cải trang thành "cu ly" đã vượt sông Hồng và len lỏi vào tận sân bay Gia Lâm. Độ chục chiếc máy bay vận tải và một nhà kho kiêm xưởng sửa chữa bị phá hoại bằng chất nổ. Sân bay báo động, những kẻ tấn công chỉ thiệt mất một người bị mắc kẹt trong rào dây kẽm gai, anh ta tự sát bằng chất nổ để khỏi bị người Pháp bắt sống. Ấy thế mà, mới đêm trước, trời mưa gió ẩm và rét, tiểu đoàn 5 lính dù Việt Nam mới đóng quân ven sông Hồng gần Hà Nội.

Đêm sau, khoảng 12 máy bay dân sự, với phí tổn mười tám ngàn đồng một giờ bay, đến căn cứ Đà Nẵng chở hàng tấn khung giường dành cho Hải Phòng. Số khung giường này chờ ở đó từ nhiều năm và hoàn toàn có thể chở ra bằng tàu biển.

Một đội pháo 75 mà một trong các khẩu đội trưởng là anh chàng Tư cao lớn lại tấn công bãi đậu và đường băng của sân bay Điện Biên Phủ. Nhiều máy bay bị trúng đạn. Cất cánh dưới làn đạn cối. máy bay tiêm kích cố gắng tấn công các trận địa pháo mà đại bác của đại tá Piroth không đủ sức nghiền nát. Một lá thư của Tổng tư lệnh xuất hiện trên báo Caravelle và chấm dứt bằng giọng lạc quan rõ rệt khi báo tin ta sắp chuyển sang thế tấn công.

Đêm sau, một đội cảm tử vào sân bay quân sự Cát Bi, gần Hải Phòng, làm nổ 4 chiếc B26 và 6 chiếc Morane. Trước đó hai ngày, Cogny bảo Bigeard:

- Anh hãy đi Cát Bi và cố mà làm chủ tình hình.

Nhưng chỉ huy trưởng sân bay, đã có quân lê dương bảo vệ, tiếp Bigeard một cách lạnh nhạt và Bigeard ra ở bên ngoài sân bay. Vào lúc sân bay bị tấn công, ông lao tới với các đại đội của mình, chặn đứng các đội cảm tử đang sắp làm nổ luôn mấy chiếc Packets và tránh được thảm họa.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #65 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2009, 09:11:03 pm »

Thứ hai ngày 8 tháng 3.

NAVARRE TỰ MÃN

Sân bay Bạch Mai, sân bay quân sự của Hà Nội có lẽ chưa bị tấn công vì đó là sân bay được bảo vệ tốt nhất Đông Dương. Đại tá Duranthon, chỉ huy trưởng sân bay đã có nhiều biện pháp cẩn mật. Ban đêm, không có ai, kể cả bản thân ông, được đến gần các bãi đậu máy bay mà không phải vượt qua nhiều trạm gác. Sân bay sáng rực hơn cả đại lộ Champs-Elysées, có nhiều lớp rào dây thép gai và 1 bức tường bao quanh. Duranthon đã cho xây bức tường này bằng kinh phí riêng, bất chấp nhiều lời phê bình của các cấp hành chánh đối với ông.

Trong bản hướng dẫn số 224, giống như là dành cho học viên sĩ quan cấp tướng đang học lớp cao cấp tại Học viện quân sự, tướng Navarre trình bày lý thuyết của mình về việc bảo vệ các khoảng không gian rộng lớn, ca ngợi những hoạt động gần đây trên vùng cao và tự ban khen mình. Ông và viên tham mưu phó hành quân của ông trở thành lý thuyết gia của hệ thống phòng thủ con nhím.

Bằng những câu văn dài dòng, bóng bẩy, chải chuốt, ông cắt nghĩa rằng phương pháp xây dựng đồn bót lẻ tẻ, quân số thấp, bị cô lập đã cổ lỗ từ hàng trăm năm nay và được thay bằng các cụm cứ điểm được không quân yểm trợ, có khả năng tỏa rộng ảnh hưởng ra, nhất là nếu tranh thủ được nhân dân quanh vùng có cảm tình với ta, ta cần kiểm soát dân và xây dựng các khu du kích. "Khi địch dùng quân số lớn một cách ồ ạt, họ bắt buộc phải tiến hành hẳn những chiến dịch bao vây kéo dài, khó khăn và tốn kém, đòi hỏi có đông quân, không thể không tránh khỏi máy bay quan sát và như thế, biến thành những mục tiêu dễ bị tấn công".

Nhà sử học tưởng chừng nhận ra ở đó văn phòng của đại tá Berteil, tác giả quyển Từ Clausewitz đến chiến tranh lạnh. Tác giả tỏ ra có óc tổng hợp đáng nể, nhưng có lúc nặng nề và chẳng bao giờ thuyết phục được. Đại tá Berteil gò ép sự kiện theo ý mình thay vì xuất phát từ sự kiện để lập luận. Đọc ông ta, không thấy ý tưởng móc xích với nhau một cách lôgic và tự nhiên như trong quyển Theo đường gươm (Le Fil de L'epée) của Charles De Gaulle. Tất nhiên là tác giả có tích lũy, nhưng người đọc không thấy thán phục, cũng không thấy bị lôi cuốn. Hiệu quả không tương xứng với nỗ lực và kết luận luôn có vẻ khiên cưỡng.

Tướng Navarre yêu cầu tất cả các tư lệnh vùng gửi cho ông các chương trình ứng dụng những nguyên tắc ấy.

Hôm đó, phòng nhì của Cogny ghi nhận những dấu hiệu địch sẽ tấn công khoảng ngày 15 tháng 3. Navarre chấp nhận khả năng này, nhưng bảo đảm là địch gặp khó khăn rất nghiêm trọng trong việc bố trí các phương tiện của họ và chỉ có thời hạn khó ngắn ngủi. Không quân được lệnh tìm trung đoàn 367 đã xuất phát từ Cao Bằng ngày 3 tháng 3, với 150 xe cơ giới chở theo 10.000 quả đạn pháo 105. Ta dự kiến đoàn quân này sẽ đến điểm Mercure ngày 12 tháng 3 và Tuần Giáo ngày 15.

Ở Matxcơva, ông Alain Savary đã tiếp xúc với tòa đại sứ của Việt Minh, nhưng mọi sự kéo dài ra. Trước khi tiếp ông Savary, ông Hồ Chí Minh cần biết tình hình quân sự tiến triển ra sao. Ông không còn gấp lắm nữa.

Ở Paris, bắt đầu cuộc thương lượng về nền độc lập của Việt Nam. Hoàng thân Bửu Lộc tuyên bố. "Tôi đến đây để thương thuyết (...) Tóm tắt lập trường của Việt Nam trong cuộc thương thuyết, tôi xin nói là nó thu gọn trong công thức này: Hoàn toàn độc lập, hoàn toàn tự trị, rồi sau đó là hợp tác".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #66 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2009, 09:12:23 pm »

Thứ ba ngày 9 tháng 3

Ở Quốc hội, cuộc thảo luận về Đông Dương chấm dứt. Laniel được tín nhiệm với 333 phiếu thuận và 271 phiếu chống.

Người ta được biết ngày 15 tháng 3 được chọn để tấn công đường Hà Nội - Hải Phòng, các sân bay ở châu thổ và có lẽ là cả Điện Biên Phủ nữa. Cogny vội xin thêm ba tiểu đoàn, trong đó có hai tiểu đoàn dù, và chiến xa M24 cho binh đoàn thiết giáp của ông, mà tiềm lực liên tục giảm ở Paris,

Ởng Marc Jaequet có cảm tưởng từ khi phái đoàn Pleven qua Sài Gòn, có một đường dây bí mật khác cung cấp trực tiếp cho tướng Ely những thông tin không phải dành cho ông.

Tình hình khí tượng: Từ 10 đến 13 tháng 3, mưa phùn.

Thứ tư ngày 10 tháng 3

Một lần nữa, Navarre cảnh cáo Cogny là ông ta sẽ không được cấp thêm bất cứ phương tiện nào nữa cho châu thổ và đặt các phương tiện phòng thủ các căn cứ không quân dưới quyền ông ta. Ông ra lệnh tiến hành các hoạt động không quân trên đường 41 để gây trở ngại cho các phương tiện tấn công của địch. Hai tiểu đoàn dù sẵn sàng rời Xênô đi Hà Nội, nhưng họ sẽ chỉ nhận được lệnh hành quân trong trường hợp có tình hình nghiêm trọng; bởi vì họ ra đi sẽ ảnh hưởng đến diễn tiến của Atlante.

Thứ năm ngày 11 tháng 3

Ở Paris, Hội đồng Quốc phòng quyết định thành lập một Hội đồng Chiến tranh hạn chế và cử tướng Ely đi Washington.

Ngay từ sáng, tại Điện Biên Phủ, Him Lam bắt đầu bị bao vây. Dùng ống nhòm, người ta thấy lính Việt nhảy lên để thoát khỏi những phát đạn 105, rồi cuốc đất để ẩn nấp. "Chiến hào. Chúng đào chiến hào để nấp?...". Đó là tiếng kêu lan khắp tập đoàn cứ điểm. Khói đạn giống như lớp sương mù ở bên kia dãy đồi đầu tiên.

Đại tá de Castries lưu ý Cogny về sự kiện này, coi dó là dấu hiệu địch sắp tấn công. Coglly trả lời ông ta: "Chia sẻ quan điểm của anh. Tôi thấy hình như cần coi là đúng giả thiết cho rằng địch sẽ tấn công từ căn cứ tiếp cận tối đa vị trí ta. Khả năng địch hành động vào khoảng ngày 13 tháng 3 được khẳng định. Không quân sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của anh, ưu tiên tuyệt đối. Vì tình hình khí tượng ở châu thổ, sẽ tăng cường máy bay ném bom ở các căn cứ ngoại vi. Như vậy, anh sẽ thường xuyên được mười một B26 và hai Privateers phục vụ".

Đại đoàn 316 được lệnh cử một tổ chiến sĩ ưu tú đi trinh sát hệ thống phòng thủ quanh cụm pháo và xe thiết giáp của tập đoàn cứ điểm vào đêm sau và đêm 12 rạng ngày 13 tháng 3 thì đi nghiên cứu lộ trình để diệt các khẩu pháo và chiến xa.

Navarre ra lệnh cho chỉ huy trưởng không quân dành sẵn một phi đội gồm 40 Dakota dân sự ở châu thổ và 15 chiến ở Xênô sẵn sàng bay hai vòng mỗi ngày để thả xuống lập tức 3 tiểu đoàn dù. Từ hôm qua, sau bốn ngày đẹp trời, mưa phùn lại phủ kín đồng bằng. Chuyên viên khí tượng thông báo tình hình này sẽ kéo dài ba ngày. Thời gian này gió sắp chuyển mùa, thời tiết sẽ có nhiều thay đổi trên đường lên Điện Biên Phủ.

Đại úy Bordier, "ông Bordier" như Langlais gọi ông ta, đi Hà Nội trám răng và gặp cha vợ ỏng ta, ngài Đèo Văn Long. Người ta sẽ không còn thấy ông trở lại.

Thứ sáu ngày 12 tháng 3

Pháo binh Việt Minh quấy rối ở sân bay và các cứ điểm phía Bắc.

Tướng Cogny thăm Điện Biên Phủ.

Đại úy Noel, trưởng phòng nhì của G.O.N.O., báo 17 giờ ngày mai địch sẽ tấn công.

Ban đêm, một đội cảm tử Việt Minh phá đường băng có lót vỉ sắt của sân bay Điện Biên Phủ.

Ở Sài Gòn, buồi chiều tin điện của Lucien Bodard bị kiểm duyệt và bảy tin khác bị giữ lại. Có lẽ bị kiểm duyệt Pháp chú ý, và đã bị nhà cầm quân Việt Nam giữ lại. Hội nhà báo phản đối với Thủ tướng Việt Nam và đánh một bức điện cho ông Laniel.

Sau này Robert Guillain than phiền là tướng Navarre đã giao công tác báo chí cho một sĩ quan dễ thương, nhưng hoàn toàn không có năng lực, là tổng tư lệnh luôn luôn từ chối trả lời các câu hỏi được viết ra của phóng viên và chỉ có một lần duy nhất mà ông quan tâm đến một vụ việc báo chí, đó là khi ông mất thì giờ vào cuộc cãi vã hài hước giữa một nữ phóng viên Mỹ và một viên cảnh sát.

Ở Hà Nội, sĩ quan báo chí nói với các nhiếp ảnh viên và chuyên viên quay phim dưới quyền ông như thế này khi chỉ tay vào Điện Biên Phủ trên bản đồ:

- Chỗ này sẽ .cung cấp cho các anh công việc làm thú vị các anh sẽ có dịp tỏ rõ năng lực và tài tháo vát của mình.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #67 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2009, 09:13:59 pm »

Thứ bảy ngày 13 tháng 3

Việt Minh bắt đầu tấn công vào 17 giờ 30 phút

Trung tá Gaucher tử thương.

Him Lam bị tấn công đầu tiên.

Ở Điện Biên Phủ, có dự trữ chín ngày lương thực, tám ngày về chất đốt, hơn 27.000 quả đạn 105, gần 3.000 quả đạn 155, 9 cơ số đạn cho pháo 75 của chiến xa và gần 23.000 quả đạn cối 120.

Một bức điện của Navarre mang số 476 và đề ngày hôm đó yêu cầu Cogny có biện pháp cần thiết để hạn chế nguy hiểm cho máy bay vận tải và gợi ý ông chỉ nên cho thả dù hàng hóa (thay vì để máy bay phải hạ cánh xuống Điện Biên Phủ - ND), đấy là giải pháp dự kiến trong tình hình  căng thẳng. Ngày 13 tháng 3, Navarre tự nhủ tình hình căng thẳng có thể kéo dài hơn người ta tưởng.

Từ Điện Biên Phủ về, đại úy hải quân Doé De Maindreville bị hết xăng, chiếc Bearcat của anh rơi xuống một tảng đá trong vịnh Hạ Long. Anh thuộc phi đội 11 của phi đoàn Arromanches

Chủ nhật ngày 14 tháng 3 

Tình hình khí tượng: Mưa giông tại Điện Biên Phủ.

Him Lam thất thủ trước bình minh.

Hưu chiến từ 8 giờ đến 12 giờ trưa.

Tướng Navarre đến Hà Nội, có tướng Lauin cùng đi.

Vào 20 giờ, địch tấn công đến đồi Độc Lập.

Hai tiểu đoàn lính dù đã sẵn sàng ở Hà Nội, một tiểu đoàn thứ ba ở Xêno, nhưng việc chuyên chở đạn có vẻ cấp bách hơn chở lính, tình hình khí tượng cũng như số lượng máy bay buộc người ta phải chọn. Navarre quyết định dành 43 vòng bay của Dakota để tiểu đoàn 5 lính dù Việt Nam nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Tiểu đoàn này đã bị thay một lần vì Castries chê nó mềm yếu, dù có cán bộ khung người Âu.

Người ta xin ý kiến Castries về trường hợp Brigitte Friang. Cô muốn nhảy dù xuống Điện Biên Phủ một lần nữa đề tường thuật trận đánh, nhưng Castries từ chối. Bốn khẩu pháo 105 được giải tỏa thêm cho đại tá Piroth để thay các khẩu bị hỏa lực địch phá hỏng. Cho đến tối, các đại đội lính dù, do đại úy Botena chỉ huy, nhảy dù từ độ cao thấp giữa làn đạn cối và pháo 105 dữ dội đến nỗi chiếc máy bay điều khiển cuộc nhảy dù phải thay đổi địa bàn thả dù. Phần lớn lính dù bị phâa tán khắp nơi, bị dùng để lấp chỗ trống trong hệ thống phòng thủ chứ không hề hình thành được lực lượng phản công.

Đại tá de Castries viết cho vợ một lá thư mà ông giao cho chiếc máy bay nào sẽ cất cánh đầu tiên: "Quân Việt tấn công bọn anh từ hôm qua. Tình hình hoàn toàn không giống như anh mong muốn. Pháo địch giã bọn anh. Một trung tâm đề kháng đã thất thủ, chỉ huy trưởng bị giết. Thời tiết xấu Bọn anh ít thấy máy bay. Sân bay nằm dưới hỏa lực địch. Nhiều máy bay bị bắn cháy và vì thế, không còn chiếc nào dám hạ cánh nữa".

Chiếc B26 mang số 487, phi công, đại úy Aubel, có nhiệm vụ phá đường giao thông, bị súng phòng không bắn rơi .

Hai chiếc trực thăng đáp xuống để đón thương binh bị bắn hỏng.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #68 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2009, 09:15:00 pm »

Thứ hai ngày 15 tháng 3

Cứ điểm Độc Lập thất thủ.

Tiểu đoàn 3 lính Thái trốn khỏi đồn Bản Kéo.

Trung tá Piroth tự sát.

Địch bắt đầu bao vây đồi D.

Castries chỉ còn 12.600 quả đạn 105, 10.000 quả đạn cối 120 và 600 quả đạn 155. Sáu khẩu pháo 105 bị diệt và tổn thất về nhân mạng tương đương với số pháo thủ của 16 khẩu, tức là hơn phân nửa quân số. Tiêu thụ đạn nhiều đến nỗi cung cấp không kịp, kho đạn đặt ở cực Nam của phân khu trung tâm, nó không được che chắn sau dãy đá tảng ở bờ bên kia sông Nậm Rốm, mặc dù người ta vẫn cẩn thận chia nhỏ nó ra và cách làm này cho đến nay tỏ ra có hiệu quả; đạn pháo vẫn gây nhiều đám cháy trong kho đạn khiến người ta sợ lúc nào đó nó sẽ bùng nổ.

Tình hình khí tượng: Tình hình khá hơn, trời đẹp gần như liên tục cho đến cuối tháng.

Thứ ba ngày 16 tháng 3
Thả dù tiểu đoàn 6 lính dù thuộc địa (chỉ huy: Bigeard) và trạm phẫu số 3 (trung úy quân y Rezillot) dành cho Hồng Cúm.

MƯA NHÂN TẠO SẼ CỨU ĐIỆN BIÊN PHỦ

Nơi đi:
Tổng Tư lệnh - Hà Nội.

Điện số 43/cab.CC 

Gửi riêng cho tướng Gambiez.
Cần đánh bằng mật mã.

“Hoàn toàn không hiểu vì sao đại tá Gentil cho là cần có thời hạn mới thực hiện được mưa nhân tạo trong khi không có cản trở kỹ thuật nào. Stop. Hãy điện cho tướng Bodet để nhấn mạnh cần thực hiện nhanh chóng, nếu thành công có thể có hiệu quả quyết định đối với việc kết thúc chuyện Điện Biên Phủ, nếu sự việc này kéo dài. Stop. Thực hiện sau cuối tháng 4 sẽ không còn tác dụng gì. Stop. Vì nó có thể thực hiện, nếu công tác này cần được thực hiện tích cực, mạnh mẽ. Stop. Ký tên: NAVARRE. Stop và hết.

Ở Sài Gòn và Xênô giống như đường xe điện ngầm vào giờ cao điểm. Dakota chở thêm lực lượng tiếp viện đến Hà Nội, các tổ lái không còn thì giờ ngủ nữa. Tuy vậy, Navarre vẫn gửi một bức thư xúc phạm cho tướng Lauzin để lưu ý ông ta là hàng không vận tải quân sự của ông ta bị trễ mất 400 giờ so với dự kiến trong mười ngày đầu tháng 3 và áp đặt cho ông ta số giờ bay cao hơn số giờ đã hứa. Ông cay đắng nhắc rằng thợ máy của hải quân làm việc 60 giờ mỗi tuần và dọa rằng, trong trường hợp kế hoạch ông đề ra không được thực hiện, ông sẽ lấy sáu chiếc Dakota quân sự để giao cho các tổ lái dân sự.

Ở châu thổ, thời tiết đỡ xấu hơn và có nhiều máy bay chiến đấu hơn đi rải bom và napan xuống các vị trí địch. Hai chiếc Morane bị diệt tại sân bay và một quả đạn pháo bắn trúng làm cháy kho napan còn lại. Làn khói đen của đám cháy bốc cao tận trời xanh. với những xác máy bay gãy cánh, thủng bụng, đường băng sụp lở, lởm chởm như lưới cưa, sân bay có vẻ như đã bị hủy diệt hoàn toàn. Căn cứ của họ bị pháo đánh sập, nên lính không quân phải chuyển sang đại đội 4 của tiểu đoàn 1 lính dù lê dương với người chỉ huy là đại úy Charnod.

Một chiếc máy vô tuyến điện mới thả dù xuống hơi mạnh nên bị ảnh hưởng khi sử dụng. Cogny báo cho đại tá de Castries biết là ông dành sẵn một tiểu đoàn dù trong tình trạng báo động để phục vụ Điện Biên Phủ khi cần. Tất cả các máy bay trực thăng sử dụng được đều tập trung tại sân bay Mường Sài để sẵn sàng giải tỏa thương binh.

Ông Jacquet nghe một viên chức trong văn phòng ông kể lại hoàn cảnh cái chết của trung tá Piroth, yêu cầu tướng Navarre nói rõ thêm. Navarre trả lời bằng bức điện ngắn gọn: "Xin xác nhận lại bức điện trước của tôi: Trung tá Piroth hy sinh anh dũng".

Bên cạnh các ngọn đồi C và D, Việt Minh xây dựng những trận địa pháo bằng cách chôn vũ khí nặng dưới lô cốt để tránh đạn của ta và đẩy xa các giao thông hào của họ đến tận phân khu trung tâm và các đồn tiền tiêu của phân khu này.

Vào 22 giờ, cứ điểm Hồng Cúm có sân bay phía Nam bị trung đoàn 57 tấn công, nhưng cuộc tấn công bị chặn đứng tại vòng rào dây thép gai. Nhiều người bị thương bị bắt làm tù binh. Còn lại, đêm yên tĩnh.

Cogny báo cho Castries biết chỉ còn gửi được một tiểu đoàn đến cho ông ta. Castries trả lời việc thả dù bữa trước và suốt ngày nay đã làm mọi người lên tinh thần, ông ta mong rằng sau này sẽ sử dụng lực lượng ấy, còn hiện nay, cái chính là giữ vững.

Ở Paris, khi nghe tin cứ điểm Độc Lập thất thủ, ông De Chevigné nhớ lại những gì thiếu tá De Mecquenem từng nói với ông về tầm quan trọng của vi trí này, ông nghĩ "Hỏng rồi...".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #69 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2009, 09:15:56 pm »

Ngày 17 tháng 3 năm 1954

Đại tá de Castries có vẻ chấp nhận một cách nhẫn nhục việc mất cứ điểm Độc Lập và Bản Kéo, nhờ hai cứ điểm này mới bảo đảm được việc sử dụng không quân một cách an toàn. Để tự biện minh, ông cho rằng lấy lại những vị trí quan trọng đến thế sẽ phải tổn thất ghê gớm và sẽ thu hút hết lực lượng dự bị mà, trái với lời cam kết của ông, cho đến nay ông chỉ dùng để lấp lỗ trống.

Về phần Cogny, ông cho rằng tiểu đoàn lính Thái đã bỏ Bản Kéo không chiến đấu trước đây đã từng tỏ rõ giá trị của mình và có thể tin cậy nó được. Vậy thì sự thật là sao? Có phải, như Navarre khẳng định, là Castries đã nhiều lần yêu cầu rút tiểu đoàn Thái về trước ngày 13 tháng 3 mà Cogny cứ giả điếc để không phải rút bớt của châu thổ những lực lượng thiện chiến hơn.

Ở Hồng Cúm, trung tá Lalande thừa hưởng được 250 lính Thái chạy về đó và ông dùng quân lê dương để làm cán bộ khung cho họ. Trạm phẫu số 6 nhảy dù xuống, cùng với trạm trưởng, trung úy quân y Vidal.

Buổi tối, tắt hết đèn, thiếu tá Darde hạ cánh chiếc Dakota của mình chỉ dựa vào mấy cọc tiêu soi sáng. Vì không thể ước lượng độ cao ngay sát đường băng, nên hạ cánh ban đêm mạo hiểm như trò xiếc. Thiếu tá Darde hoài công chờ đợi dưới làn đạn mất năm phút mà xe cứu thương vẫn không đến, anh đành bay trở lên với chiếc máy bay rỗng không.

Castries vẫn không nghe lời yêu cầu khẩn khoản của Grauwin và Langlais; ông từ chối không chịu trả thêm một lần nữa thương binh của quân Việt. Bực bội và căng thẳng, ông tự giam mình trong hầm chỉ huy, một trong số rất ít hầm được bảo vệ bằng tôn thép. Ông xạc cho Grauwin một trận, với giọng thô bạo, khi Grauwin đến xin ông cho công binh yểm trợ để dựng lại phòng định bệnh của bệnh xá bị pháo đánh sập.

Tướng quân y Trapnell gặp tướng Lauzin ở Bạnh Mai. Ông nói với Lauzin rằng Washington lo lắng về số thợ máy Mỹ làm việc cho ta, nhất là sau vụ căn cứ Đồ Sơn bị tấn công đêm 31 tháng 1 rạng 1 tháng 2 và Cát Bi bị tấn công đêm 7 tháng 3. Ông yêu cầu bảo vệ nhân viên Mỹ hoặc chuyển họ về Đà Nẵng hay Nam Kỳ.

Đêm 15 rạng 16 tháng 3, thợ máy ở Đồ Sơn rời trại và tự ý ra phía bờ biển để thoát khỏi cuộc tấn công của một đội cảm tử địch rất đông và mạnh.

Tướng Navarre trả lời rằng ông đã ra lệnh thi hành mọi biện pháp cần thiết, nhưng nhân viên Mỹ phải chấp nhận một phần nguy hiểm do hình thức cuộc chiến tranh này.

Sau khi các sân bay Gia Lâm và Cát Bi bị tấn công, người ta không kết luận các chỉ huy trưởng căn cứ có khuyết điểm gì nghiêm trọng, nhưng họ đã đánh giá tình hình không chính xác. Cuộc điều tra cho thấy hệ thống rào thép gai có chỗ vẫn qua lọt, lính gác không đủ, bãi đậu không được bảo vệ, ánh sáng không bảo đảm tốt, kế hoạch phòng thủ không thích hợp. Tướng Navarre giáng kỷ luật khiển trách cho hai chỉ huy trưởng căn cứ: Đối với Cát Bi là trung tá Brunet, một sĩ quan lái máy bay tiêm kích rất xuất sắc và đối với Gia Lâm là trung tá Descaves. ở Đồ Sơn, chính người tiền nhiệm lãnh kỷ luật.

"Ngoài ra, tôi yêu cầu các vị làm cho ban tham mưu và lực lượng tại sân bay đặt dưới quyền các vị thấm nhuần tinh thần chiến đấu. khiến họ nhìn vấn đề theo hướng trước hết phải phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, bất chấp cực nhọc, họ phải đương đầu với khó khăn như đồng đội của họ trong binh chủng lục quân đã chiến đấu không ngừng từ nhiều tháng qua".

Rốt cuộc, để bảo vệ các căn cứ không quân, người ta bằng lòng với việc đòi lục quân cung cấp thêm 3 đại đội.

Nhật lệnh của tướng Navarre gửi lực lượng không quân.

Một số kho xăng và kho đạn ở Điện Biên Phủ bị hủy diệt.

Ông Dejean đến Hà Nội.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM