Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:46:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp  (Đọc 63522 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #30 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2009, 04:30:39 pm »

THÔNG TIN CỦA COGNY, MÀ NAVARRE LẤY LÀM NGHI NGỜ

Cogny mô tả tình hình cho tướng Navarre: Ba đại đoàn địch trong đó có đại đoàn nặng 351 đang lên đường để gặp đại đoàn 316 trong vùng Điện Biên Phủ. Hôm đó, ta bắt được bức điện của bộ phận hậu cần đòi Thanh Hóa cấp 1.000 tấn gạo cho vùng Tây Bắc trước ngày 30 tháng 12. Dưới mắt Navarre là cả bức tranh về hoạt động dự kiến của Việt Minh.

Lúc đó, Cogny trình bày cuộc hành quân mà ông đã chuẩn bị: Viên phó của ông, tướng Masson và đại tá Vanuxem đã dùng máy bay đi trinh sát; mệnh lệnh đã sẵn sàng. Phương tiện thì Cogny cũng có sẵn. Để mặc đại đoàn 308 bắt đầu chuyển quân, Cogny sẽ bám sát 312, tấn công hoặc buộc nó phải quay lại, và sẽ phá hủy cơ sở hạ tầng của vùng Thái Nguyên cách Hà Nội 60 km và Chợ Chu, cách Hà Nội 86 km về phía Bắc. Ông sẽ rút đi trước khi đại đoàn 304 đến, đại đoàn này đang đóng quân ở vùng lân cận, bằng cách lôi kéo 312 về phía đường lộ, xuống phía Nam.

Cái mục này trong nghệ thuật quân sự, liên quan đến việc vận chuyển và tiếp tế cho quân đội, vốn là cơ sở của chiến lược, đại tá Berteil gọi nó là "bảo dưỡng quân đội" và định nghĩa nó như sau, trong tác phẩm “Từ Clausewitz đến chiến tranh lạnh của ông: "Đó là vấn đề cung cấp và tập hợp để sẵn sàng sử dụng tất cả những nguồn hàng cần thiết cho đời sống của binh sĩ và cho diễn biến chiến dịch, hàng ấy phải được phân phối liên tục, một cách phù hợp, cung cấp trước và một cách chắc chắn... Chiến lược và chiến thuật bây giờ có nhịp độ dồn dập. Khối lượng và trọng lượng hàng cần vận chuyển không ngừng tăng lên và đa dạng hóa, chính khả năng bốc dỡ hàng, tức phương tiện vận chuyển và tính linh hoạt của công tác hậu cần quyết định sự cơ động chiến lược".

Chủ nhật ngày 29 tháng 11

Tướng Navarre và tướng Cogny thăm Điện Biên Phủ.

Ngày 12 tháng 11, ở Luxembourg, ông Laniel tuyên bố ông sẽ rất vui mừng tiếp nhận một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột. Có phải là để đáp lại ông chăng? Thông qua tòa đại sứ Thụy Điển ở Bắc Kinh, người ta vừa công bố ở Paris bản dịch năm câu trả lời của ông Hồ Chí Minh cho ông Svante Lorgren, thông tín viên báo Express.

Nội dung chủ yếu lời ông Hồ Chí Minh có thể tóm tắt như sau: Nếu chính phủ Pháp muốn đình chiến, chính phủ Việt Minh sẵn sàng xem xét những đề nghị của Pháp. Chính phủ Pháp có trách nhiệm ngừng cuộc xung đột. Cơ sở để đình chiến là thực sự tôn trọng độc lập của Việt Nam. Việc thương thuyết đình chiến là việc của Pháp và Việt Nam, nhưng sáng kiến của một nước trung lập sẽ được đón nhận tốt. Đế quốc Mỹ muốn chiếm chỗ của Pháp ở Việt Nam.

Trong nội bộ chính phủ Pháp, người ta đã thấy Việt Minh chấp nhận thương lượng, và ông Paul Reynaud, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, bắt đầu muốn tiếp xúc sơ bộ với Trung Quốc hay thậm chí cả với Việt Minh.

Jean Lacouture tiết lộ, trước đó hai ngày, trong một phiên họp đêm, khi Quốc hội sắp có ý kiến về chính sách của chính phủ ở châu Âu, ông Rene Pleven, Bộ trưởng Quốc phòng, rồi ông Joseph Laniel yêu cầu nghị sĩ đảng Xã hội Alain Savary tiếp xúc với Việt Minh để tìm cách thăm dò xu hướng thật của họ. Ông Savary cho biết ông sẵn sàng làm việc đó. Nhưng khi hỏi ý kiến Bộ trưởng Ngoại giao, ông này phủ quyết dự án.

Khi còn là cố vấn Liên hiệp Pháp, ông Savary đã có những tiếp xúc tương tự vào năm 1949, trong một chuyến đi tìm hiểu, dù không được sự đồng ý của Cao ủy Pháp ở Đông Dương, ông Pignon. Người ta đã đến đón ông Savary ở vùng ngoại ô Sài Gòn và sau khi đi bằng tam bản qua vùng của phía bên kia, ông gặp vị tướng của quân phiến loạn (chỉ Việt Minh - ND) chỉ huy vùng phía Nam và nhiều luật sư, bác sĩ đã theo Việt Minh. Họ bảo ông: "ông hãy cố thành công nhanh lên, trước khi chúng tôi thành cộng sản".

Chính vào lúc đó, ông yêu cầu chính phủ cho phép ông gặp ông Hồ Chí Minh. Ông muốn có câu trả lời tại Hà Nội và ông ở Hà Nội. Nhưng trả lời chậm đến quá làm ông nản và quay về Paris, ở đó rốt cuộc ông mới nhận được trả lời. Chính phủ từ chối không cho ông Savary quay lại.

Cũng như bốn năm trước, người ta dừng lại ở đó. Câu trả lời của tướng Navarre cho câu hỏi do chuẩn đô đốc Cebanier chuyển đến cũng góp phần vào thái độ này của chính phủ.

Thứ hai ngày 30 tháng 11

Tướng Cogny gặp đại tá De Castries và cho ông ta đọc chỉ thị mà ông mới viết cho chỉ huy trưởng Điện Biên Phủ: "Ngay từ nửa đầu tháng 12, địch sẽ có thể tiếp cận hệ thống của ta sát hơn và tìm cách chọc thủng bằng những cuộc cường tập hay có nhiều khả năng hơn là những cuộc đột kích sau khi xâm nhập, với quân số tương đương một đại đoàn. Kể từ ngày 25 tháng 12, họ sẽ có khả năng duy trì hoạt động mạnh trên toàn khu vực với quân số hai đại đoàn, trong đó có một đại đoàn tinh nhuệ, có pháo yểm trợ" . Trước một đối thủ cỡ đó, một đối thủ sẽ trừng trị bất cứ sai lầm nào, chàng kỵ sĩ Castries sôi nổi sẽ có thể tỏ rõ tài trí của mình.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #31 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2009, 04:32:12 pm »

THÁNG MƯỜl HAI 1953

Tình hình khí tượng:

Từ ngày 1 đến ngày 4, thời tiết tốt, trừ buổi sáng ở vùng cao.

Thứ ba ngày 1 tháng 12.

Tuyên bố của ông Hồ Chí Minh với báo Expresson được Công bố ở Matxcơva và bị chính phủ Việt Nam kiểm duyệt ở Hà Nội. Tờ nhật báo tiếng Pháp Entente đã ra ở Hà Nội với ba phần tư trang nhất bị đục trắng.

Tướng Navarre vào Sài Gòn và tước mất của lực lượng Bắc Kỳ binh đoàn cơ động số 2 (3 tiểu đoàn, 1 đội pháo và 1 đơn vị công binh) mà ông dành cho cuộc tấn công của mình ở Trung Trung Kỳ.

Sáu máy bay tiêm kích F8F Bearcats lấy từ châu thổ được bố trí ở Điện Biên Phủ. Người ta xây ụ bằng bao cát để bảo vệ chúng. Sáu chiếc khác được đặt ở sân bay Xiêng Khoảng, cách đó 220 km về phía Nam, trong Cánh Đồng Chum. Người ta thúc công binh làm nhanh công tác tu sửa sân bay Viêng Chăn, xa hơn nữa về phía Nam, để đem B26 đến đó vì mùa đông sắp tới, vùng châu thổ (sông Hồng - ND) sẽ chìm dưới đám mây mù dày đặc và một thứ mưa mà người Việt Nam gọi là mưa bụi hay mưa bay (tiếng Việt trong nguyên tác - ND), mưa này giúp lúa mới cấy lớn nhanh. Máy bay cất cánh và hạ cánh sẽ khó khăn hơn, trong lúc ở triền bên kia của vùng cao, trời quang mây hơn. Nhưng các căn cứ không quân bên đó không được trang bị để đón máy bay hạng nặng.

Có dự kiến trong trường hợp Điện Biên Phủ bị đe dọa trực tiếp, 4 trong số 6 máy bay tiêm kích ở đó sẽ bay đi Xiêng Khoảng ngay.

Tuy nhiên số máy bay đó bị hao mòn đến nỗi trong 16 máy bay ít khi nào thấy được 4 chiếc có thể bay với những thùng xăng chở theo, vì chúng tiêu thụ hơn 20 lít mỗi giờ thay vì 16. Từ căn cứ Cát Bi, gần Hải Phòng, chúng phải bay 800 km để đến Điện Biên Phủ và quay về. Điều kiện chiến đấu làm mức tiêu thụ xăng tăng cao đáng kể vì phải bay với tốc độ cao, chúng sẽ không thể ở lại quá mười phút trên bầu trời Điện Biên Phủ. Tướng Navarre không phải không biết điều đó. Chính vì có điều đó nên người ta mới quyết định giữ thường xuyên 6 Bearcats ngay trên sân bay Điện Biên Phủ. Như vậy mọi việc coi như được giải quyết, vì địch sẽ không thể đến gần hơn 8 km.

Máy bay B26 có khả năng lớn hơn. Chúng có đại liên ở mũi và trên tháp pháo, đồng thời chở bom nên có thể làm đủ mọi công tác tại chiến trường: Yểm trợ trực tiếp cho các đơn vị đang chiến đấu, phá đường giao thông và kho tàng, hỗ trợ máy bay vận tải. Thế nhưng chỉ có hai phi đoàn B26 ở Đông Dương, một phi đoàn ở Cát Bi, gần Hải Phòng, phi đoàn Tunisie, phi đoàn kia ở Đà Nẵng, liên phi đoàn Gascogne, tổng cộng là 35 chiếc.

Tướng Navarre cũng biết thế. Có thể ông không biết là mỗi phi đoàn B26 chỉ có ba xe đẩy và một cần trục để gắn bom dưới bụng máy bay và những dụng cụ ấy đang trong tình trạng tồi tệ. Nhưng ông không thể không biết là không có đủ tổ lái cho số máy bay trên và các tổ lái ấy không phải tất cả đều sẵn sàng cho công tác mà người ta sẽ yêu cầu họ.

Có lẽ vì vậy mà ông đã yêu cầu chi viện B26. Song không quân đang trong quá trình đổi mới cơ chế đề phòng cuộc xung đột ở châu Âu đã tuyên bổ không thể đáp ứng yêu cầu của ông vì B26 là loại máy bay chỉ có thể có mặt trong một cuộc xung đột loại chiến tranh thuộc địa.

Bị hao mòn sau cuộc chiến tranh vừa qua (chỉ chiến tranh Thế giới thứ II - ND), chúng hụt hơi khi săn lùng trong rừng rậm của vùng cao để phát hiện các đại đoàn địch trên đường hành quân, các xe tải được ngụy trang bằng cành lá làm chúng lẫn vào cảnh vật chung quanh. Ngay khi được báo tin máy bay sắp đến, các đoàn quân tỏa ra hai bên đường và lẫn vào cây cỏ, xe cộ cùng lánh vào rừng và nằm im. Đường sá thường chỉ sử dụng ban đêm, ban ngày hoàn toàn vắng vẻ, rừng già có vẻ hoang vắng và sông suối chừng như không thể vượt qua.

Người ta thả bom trên những cung đường bắt buộc, có khi không trúng mục tiêu hoặc chỉ gây những thiệt hại nhanh chóng được tu bổ. Ở Điện Biên Phủ, địch đã chiếm lĩnh các triền dốc đầu tiên và hàng đàn B26 bay qua bên cạnh những đoàn bộ binh được ngụy trang hay đã xuống hầm.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #32 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2009, 04:33:09 pm »

Thứ tư ngày 2 tháng 12

Bởi vì người ta tiếp tục bình luận khác nhau về bài phỏng vấn ông Hồ Chí Minh, chính phủ Pháp nhắc lại là mình đã hai lần nêu rõ lập trường của mình và đề nghị Việt Minh cho biết lập trường của họ bằng con đường chính thức. Lập trường ấy sẽ được xem xét, có sự thỏa thuận với các Quốc gia liên kết, thành viên Liên hiệp Pháp, trong tinh thần làm tất cả để tái lập hòa bình lâu dài, bảo đảm độc lập cho các quốc gia, đồng thời tự do và an toàn cho mọi công dân. Đó là một công thức mơ hồ tưởng có thể cứu vãn tất cả cùng một lúc.

Ở Việt Nam, người ta có phản ứng trái ngược nhau, Đức Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố với báo Le Monde là người ta không có bất cứ yếu tố nào cho phép đánh giá những lời tuyên bố ấy đúng là của ông Hồ Chí Minh, chúng có vẻ đáp ứng những mối quan tâm mà chính phủ và Quốc trưởng Việt Nam không thể đánh giá dược. Ngược lại, ông Nguyễn Văn Tâm, Thủ tướng và là cha của tướng Hinh, trình bày một cách ít lúng túng hơn một quan điểm khác hẳn, trong báo L'Express.
Không có nghi ngờ gì nữa về tính xác thực của lời tuyên bố, nó quả là của ông Hồ Chí Minh vì đài phát thanh Việt Minh phát đi phát lại mãi. Theo ông Tâm, sẽ là nông nổi, nếu không chịu biết đến nó và phải làm cho ông Hồ Chí Minh khẳng định đề nghị ngưng bắn ấy bằng cách đề nghị với ông ta những điều cụ thể, rõ ràng.

Trước khi ông Laniel đi dự hội nghị Bermudes, ở đó, cùng với ông G.Bidault, Bộ trưởng Ngoại giao, ông sẽ gặp Tổng thống Eisenhower và ngài Winston Churchill để nghiên cứu thái độ chung cần có trước các vấn đề lớn của thế giới và đặc biệt là ở Đông Dương. Ông M.Jacquet đến gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và hỏi ông phải chăng đã đến lúc thương lượng với ông Hồ Chí Minh.

Ông Laniel trả lời phủ định mà không nói rõ đó là ý kiến của tướng Navarre.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #33 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2009, 04:34:56 pm »

Thứ năm ngày 3 tháng 12

TỔNG TƯ LỆNH CÁC LỰC LƯỢNG TRÊN BỘ, TRÊN BIỂN VÀ TRÊN KHÔNG Ở ĐÔNG DƯƠNG
BỘ THAM MƯU LIÊN QUÂN VÀ CÁC LỰC LƯỢNG TRÊN BỘ
PHÒNG BA


CHỈ THỊ:
Về việc tiến hành các chiến dịch TRONG VÙNG TÂY BẮC BẮC KỲ

I. Thắng lợi của cuộc hành quân Castor đã cho phép ta tái chiếm Điện Biên Phủ và xây dựng ở đó một căn cứ không - bộ binh mà tầm quan trọng đã được nhấn mạnh trong các công văn số 856/3/O/TS ngày 2 tháng 11 và số 886/3/O/TS ngày 14 tháng 11. Theo nguồn tin đáng tin cậy, bộ chỉ huy tối cao của Việt Minh có vẻ vẫn nuôi hy vọng tiếp tục chinh phục xứ Thái và họ đang chuẩn bị đưa lực lượng quan trọng lên Tây Bắc.

Ngay từ bây giờ, một đại đoàn đã đủ sức hoạt động chống lại hai căn cứ Lai Châu - Điện Biên Phủ.

Khoảng cuối tháng 12, lực lượng lớn ấy có thể được tăng cường đáng kể bằng những đơn vị chủ lực của Việt Minh.

II. Để chống lại các dự án ấy của địch, tôi quyết định chấp nhận giao chiến ở Tây Bắc, trong điều kiện chung như sau:

1/ Việc phòng thủ vùng Tây Bắc sẽ tập trung vào căn cứ không - bộ binh Điện Biên Phủ, căn cứ này phải được bảo vệ bằng mọi giá.

2/- Chúng ta sẽ chỉ tiếp tục chiếm đóng Lai Châu khi nào những phương tiện hiện có cho phép ta bảo vệ căn cứ này mà không bị tổn thất. Trong trường hợp bị đe dọa nghiêm trọng, các đơn vị P.T.E.O. của vùng Tây Bắc (Z.O.N.O), gồm các tiểu đoàn Tabor, các đơn vị Bắc Phi, bộ tham mưu Z.O.N.O. sẽ rút bằng đường bộ hay đường không về Điện Biên Phủ và việc phòng thủ xứ Thái trắng sẽ được giao cho các đơn vị bổ sung, tiểu đoàn 301 lính Việt Nam và đơn vị Thái trắng, hoạt động theo kiểu du kích.

Quyết định rút khỏi Lai Châu các đơn vị nêu trên sẽ tùy thuộc tướng tư lệnh F.T.N.V (tức Cogny - ND).

3/ Liên lạc đường bộ giữa Điện Biên Phủ và Lai Châu (cho đến khi các đơn vị ta rút đi) và với Lào-Mường Khoa sẽ được duy trì càng lâu càng tốt.

III. Cuộc chiến đấu sẽ do tướng tư lệnh F.T.N.V điều hành, ông được sử dụng ở Tây Bắc các phương tiện sau đây:

(…)

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #34 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2009, 04:35:04 pm »

IV. Vì lý do địa bàn Tây Bắc ở xa và hậu cần Việt Minh có những vấn đề phải giải quyết, có lẽ trận đánh sẽ diễn ra như sau:

Giai đoạn chuyển quân, các đơn vị Việt Minh và hàng tiếp tế của họ tiến lên Tây Bắc, giai đoạn này có thể kéo dài nhiều tuần.

Giai đoạn tiếp cận và trinh sát, trong giai đoạn này các đơn vị trinh sát sẽ cố gắng xác định giá trị và các điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của ta và các đơn vị chiến đấu sẽ bố trí lực lượng và phương tiện. Giai đoạn này có thể kéo dài từ 6 đến 10 ngày.

Giai đoạn tấn công kéo dài nhiều ngày (tùy phương tiện được sử dụng) và sẽ kết thúc bằng thất bại của cuộc tấn công của Việt Minh.

V. Nhiệm vụ của lực lượng không quân:

1/ Cho đến khi có lệnh mới, nhiệm vụ của các lực lượng không quân là yểm trợ lực lượng ta ở Tây Bắc, đây là nhiệm vụ ưu tiên, phải dùng phương tiện tối đa. Để thực hiện nhiệm vụ này, tướng tư lệnh không quân Viễn Đông sẽ tăng cường cho G.A.T.A.O. Bắc (Thực tế, việc tăng cường này đã được thực hiện (Tg)

2/ Trong toàn giai đoạn chuyển quân và tiếp cận, nỗ lực tối đa về yểm trợ hỏa lực sẽ nhằm vào các hoạt động riêng lẻ và các hoạt động này tập trung tấn công các cuộc chuyển quân (Đặc biệt là các hoạt động vận chuyển bằng cơ giới. (Tg)) ngày và đêm và đường giao thông của Việt Minh đi về hướng Tây Bắc.

Những điểm cần tập trung phương tiện tối đa để tấn công là: 

Trên trục đường 13 và đặc biệt là đầu mối giao thông ở Yên Bái và vùng Tạ Khoa. 

Trên đường 41, vùng Cò Nòi và vùng Hát Lót.

3/ Kể từ khi lưu lượng Việt Minh đã vào vị trí chiến đấu và cuộc tấn công sắp bắt đầu, ưu tiên dành phương tiện tối đa để trực tiếp yểm trợ các đơn vị Tây Bắc.

4/- Về việc thu thập tin tức tình báo, phải theo dõi chặt chẽ cả ngày và đêm việc chuyển quân của các đơn vị lớn của Việt Minh.

- Ưu tiên theo dõi các đơn vị ở mặt Bắc châu thổ (308, 312, 351).

- Ưu tiên hai, sự chuyển quân của đại đoàn 325 về hướng Trung Đông Dương. 

5/ Việc vận chuyển đường không đã được quy định riêng.

6/ Nếu có địa bàn khác hoặc các đơn vị khác hơn là các đơn vị vùng Tây Bắc (Trừ trường hợp có tình thế khẩn cấp đặc biệt nghiêm trọng, đòi hỏi phải hành động lập tức.) xin yểm trợ của không quân, quyền quyết định thuộc về tôi.

Qui định cuối cùng này không liên quan đến các hoạt động phục vụ chiến dịch Ardèche.

Đại tướng NAVARRE
Đã ký:
NAVARRE

P.A. Đại tá BOULANGER
Đã ký:
BOULANGER

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #35 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2009, 08:13:36 pm »

Thứ sáu ngáy 4 tháng 12

Hội nghị Bermudes khai mạc.    

Quốc hội Việt Minh thông qua luật cải cách ruộng đất gồm 38 khoản.

Tại hiện trường, tướng Cogny cùng với Gilles và Castries phác họa hệ thống phòng thủ. Thật vậy, vấn đề không phải là xây dựng các cứ điểm bao quanh sân bay thành một vòng tròn, bởi vì chỉ cần vài phút là pháo sẽ làm  câm họng vài khẩu đại bác - đem đến bằng cách nào kia chứ - mà kẻ thù dám đặt trên các đỉnh núi.

Hướng Đông và Đông Bắc có vẻ nguy hiểm nhất, vì kẻ thù sẽ từ đó hiện ra. Gilles muốn lập một cứ điểm ở điểm cao 781, trên một quả đồi từ đó có thể nhìn thấy gần hết triền núi mà quân Việt phải đi qua để xuống lòng chảo; và ở điểm cao 1066, ngay trên đỉnh núi, từ đó ta sẽ ngăn chặn bước tiến của địch, ta sẽ dùng máy bay ném bom ghìm địch dưới đất và kể cả dùng đạn cầu vồng của pháo 155 nếu địch muốn mở cuộc hành quân để chiếm căn cứ ta.

Cogny muốn chiều ý Gilles về điểm cao 781. Song rốt cuộc ông thích điểm cao 506 hơn, có một con đường tốt nối liền nó với toàn bộ khu căn cứ, trong lúc chỉ có một đường mòn xấu để đến lòng vực sâu chạy dọc phía Nam điểm cao 781. Còn xây một cứ điểm ở điểm cao 1066 thì làm sao có đường vào tiếp tế cho nó? Cogny ngại binh lính bị bố trí ở đó sẽ cảm thấy mình bị hy sinh.

Ngay từ lúc đó, cái quan niệm vẻ một hệ thống liên hoàn để tấn công trong tam giác Điện Biên Phủ - Tuần Giáo - Lai Châu mà người ta nhìn một cách lạc quan cách đó vài ngày nay đã bắt đầu lung lay nhiều. Tin tình báo tới tấp bay về cho biết địch đang chuyển quân để cắt mọi đường rút lui của những đơn vị nào mưu toan đi từ Lai Châu đến Điện Biên Phủ bằng đường mòn Pavie.

Đồng tình với Gilles và Castries, Cogny cho rằng cần tránh đấm một cú điếng người vào Tuần Giáo vì sẽ đấm vào chỗ trống không, ông chỉ dự định mở cuộc hành quân trên đường mòn Pavie để cứu những đơn vị tìm cách rời Lai Châu bằng đường xuyên rừng núi nếu không thể rút bằng đường không được. Bởi vì ông cho rằng cần nhanh chóng chuồn khỏi thủ phủ của xứ Thái nếu ông không muốn các tiểu đoàn ở đó bị mắc kẹt.

Thứ bảy ngày 5 tháng 12

DỰ ÁN RÚT QUÂN KHỎI LAI CHÂU


Trong đêm, ở cách Hải Dương, chỉ huy sở cũ của Cogny, 7 km về phía Nam, trong vùng châu thổ, nghĩa là ngay giữa lòng lực lượng viễn chinh và trong tầm đại bác của ta, đồn Gia Lộc bị 3 tiểu đoàn của trung đoàn 42 tấn công chỉ cứu được bằng sự can thiệp của một đội quân có xe tăng và lực lượng không quân, với 70 lượt máy bay Bearcats. Tình hình khí tượng tồi tệ, nhất là quanh Hà Nội. Đêm không trăng, có lẽ chính vì thế mà địch mở cuộc hành quân. Theo bản thông báo, hai bên đều bị thiệt hại nghiêm trọng.

Ở Điện Biên Phủ, Việt Minh đụng độ mạnh với một toán quân trinh sát do đại tá Langlais, chỉ huy trưởng các đơn vị lính dù tham chiến, chỉ huy trên đỉnh đèo hiểm trở giữa đường mòn Pavie và đường 41. Trận đánh làm chết nhiều người của đôi bên kéo dài hơn một giờ và, theo thông tín viên báo Le Monde, đã đến chỗ đánh giáp lá cà bằng gươm đao. Có thể đoán đó là những đơn vị đã bị ta đuổi khỏi Điện Biên Phủ ngày 20 tháng 11 nay tập hợp lại. Lần đầu tiên súng phòng không địch bắn rơi một chiếc Helcat trên bầu trời Điện Biên Phủ, chiếc Helcat này thuộc phi đội tiêm kích số 11, trên hàng không mẫu hạm Arromanches.

Cogny chuẩn bị rút khỏi Lai Châu. Ông dự kiến sẽ rút quân bất ngờ cả bằng đường bộ và đường không. Sẽ rút bằng đường không vào ngày 6 và 7 tháng 12 các tiểu đoàn Tabor số 2, tiểu đoàn Bắc Phi và ban chỉ huy. Đó sẽ là cuộc hành quân Pollux, anh em với Castor (Castor là tên đặt cho cuộc hành quân chiếm Điện Biên Phủ ngày 20 tháng 11 năm 1953. Trong thần thoại Hy Lạp, Pollux và Castor là hai anh em, con trai của thần Jupiter và nữ thần Léđa. (NDJ ).

Tối 7 tháng 12 lực lượng chủ yếu gồm tiểu đoàn 301 lính Việt Nam, một đại đội của tiểu đoàn 2 lính Thái từ Sìn Hồ xuống và một đại đội lính dù sẽ rời Lai Châu theo đường mòn Pavie và qua đồn Mường Tông để đến Điện Biên Phủ, nơi tất cả sẽ hội quân. Nhưng nếu tình hình cho phép, một phương án khác mang tên Léda, mẹ của Poliux và Castor, dự kiến lực lượng chủ yếu này cũng sẽ rút bằng máy bay.

Tình hình khí tượng:

Từ 5 đến ngày 8 tháng 12, phía Tây châu thổ trời rất nhiều mây dày đặc.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #36 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2009, 08:15:46 pm »

Thứ bảy ngày 5 tháng 12

Castor được thay bằng G.O.N.O. (Groupement opérationnel du nord-ouest, binh đoàn tác chiến vùng Tây Bắc).

Chủ nhật ngày 6 tháng 12

Cuộc hành quân Pollux (rút bỏ Lai Châu).

LỆNH ĐỘNG VIÊN CỦA VIỆT MINH


Đại tướng Tổng tư lệnh gửi toàn thể cán bộ chiến sĩ mặt trận C.

Các đồng chí, 

Cũng như các đồng chí đã làm mùa đông vừa qua để thực hiện mệnh lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Trung ương đảng và Chính phủ, một lần nữa các đồng chí lại sẽ lên đường tiến lên Tây Bắc để:

- Diệt lực lượng địch;

- Giải phóng đồng bào sống dưới ách thống trị của chúng;

- Giải phóng vùng bị địch chiếm.

Hiện nay, địch muốn chiếm đóng một vùng đất rộng lớn ở miền Tây Bắc của ta để chia rẽ đồng bào ta, mua chuộc họ và gây rối loạn ở hậu phương ta.

Chúng ta phải sửa đường, vượt mọi trở ngại, khắc phục mọi khó khăn, chiến đấu không bao giờ nhượng bộ, chiến thắng đói rét, khuân vác nặng nhọc vượt qua núi, qua đèo, xuyên rừng, vượt núi đến tận sào huyệt địch để tiêu diệt chúng và giải phóng đồng bào ta. 

Mùa đông này, nhờ lòng căm thù đế quốc, phong kiến mà chúng ta đã học tập được trong đợt chỉnh quân, chúng ta sẽ củng cố và phát triển những thắng lợi của chiến dịch mùa đông 1952 và chúng ta sẽ chiến thắng.

Các đồng chí, tiến lên!
Ngày 6 tháng 12 năm 1953.
Đại tướng VỠ NGUYÊN GIÁP.


Thứ hai ngày 7 tháng 12

Đại tá De Castries thay tướng Gilles chỉ huy G.O.N.O.

Chỉ thị thứ hai của tướng Navane.

Điện Biên Phủ tiếp nhận các lực lượng từ Lai Châu rút về

Theo viên tham mưu phó phụ trách hành quân là người luôn thúc giục Navarre tiến hành Atlante, Việt Minh đang chiếm lĩnh ở Trung Trung Kỳ một vị trí cho phép họ đe dọa Nam Kỳ. Phải tống họ ra khỏi chỗ đó và, bởi vì quân đội Việt Nam làm không nổi, phải giao nhiệm vụ đó cho lực lượng viễn chinh. Sau đó, ta có thể rút bất cứ lực lượng nào ta muốn để đưa ra Bắc Kỳ và, trong giai đoạn cuối của kế hoạch (tức kế hoạch mang tên Navarre - ND), thanh toán khối cơ động chiến lược của ông Giáp.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #37 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2009, 08:16:48 pm »

Chỉ thị của Navarre dài 10 trang, sau đó có các văn bản phụ. Chiến dịch Atlante có ba giai đoạn về thời gian: Aréthuse, cần 25 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn công binh, 3 đội pháo; Axelle và cuối cùng là Attila, sẽ ngốn mất 45 tiểu đoàn bộ binh và 8 đội pháo.

Dù về phần mình có nuôi ảo tưởng tới đâu, Cogny vẫn tức điên lên khi đọc cái này, vì ông đã cảm thấy ngay là Điện Biên Phủ sẽ ngốn quân của ông ở đồng bằng rồi đến lượt Navarre lại sẽ lấy quân cho Atlante và, vốn bản tính người xứ Normandie, ông rất hà tiện với những gì ông có.

Ở Điện Biên Phủ, Castries có một chỉ huy phó tác chiến, kiêm chỉ huy trưởng pháo binh và một chỉ huy phó phụ trách khu căn cứ, có một ban tham mưu khá lớn, có sáu tiểu đoàn dù được tăng cường thêm một tiểu đoàn Thái từ Lai Châu đến bằng máy bay, hai đại đội DKZ 75, hai đội pháo 105 và một đại đội lính dù có tám súng cối 120.

Lực lượng này chiếm lĩnh các quả đồi trên bờ Đông sông Nậm Rốm, làng Điện Biên Phủ và các đôi gò phía Tây Bắc lòng chảo sẽ mang tên Anne-Marie 1 và 2. Cách bố trí lực lượng sẽ thay đổi khi có quân chi viện đến để phù hợp với nhiệm vụ mà Cogny giao phó ngày 30 tháng 11: Ngăn địch tiếp cận sân bay dưới 8km, trục phòng thủ chính là hướng Đông và Đồng Bắc, săn tin tình báo càng xa càng tốt về phía Đông và ở Bắc và Nam lòng chảo thì săn tin đến khoảng cách vài chục cây số, theo những lối mòn trong vực sâu. Khi nghiên cứu địa thế và bản đồ, có lúc Castries tưởng có thể làm được, nhưng ông sẽ nhanh chóng nhận ra là mình lầm.

Việc rút bỏ Lai Châu đã may mắn được hoàn thành với 183 vòng bay của Dakota, mặc dù phải hủy 40 xe và 300 tấn đạn và bỏ lại tại chỗ 400 lừa, ngựa. Chỉ có lực lượng dân quân là không chuyển đi được bằng máy bay và phải tự lo liệu cách đi về Điện Biên Phủ.

Vị linh mục công giáo của Lai Châu đang ở Hà Nội, đột ngột được cha tuyên úy báo tin, ông đã lập tức đáp một chiếc Dakota trở lên với con chiên của mình, chiếc máy bay chở ông ghé qua Điện Biên Phủ, chở theo vỉ sắt cho sân bay.

Ở Lai Châu, gần như không còn ai, trừ những cô gái xinh đẹp mặc áo thêu, lần cuối cùng mang hoa ra đón ông Cogny cao lớn. Cogny sẽ không bao giờ trở lại Lai Châu nữa. Đi cùng với vợ, con gái và tướng Gilles, lần này ông đến báo cho ngài Đèo Văn Long biết cái gì đang chờ đợi ông ta và thăm dò thái độ của ông ta.

Vóc người vạm vỡ, nhưng lùn, ông già Đèo Văn Long có khuôn mặt giống một mặt trăng bí ẩn. Ông đã thấy trước tai họa và tìm cách thoát ra. Khi cần, nếu có điều kiện và nếu có thể thỏa hiệp với Việt Minh, ông ta sẽ trở mặt chống Pháp, bởi đây sẽ chẳng phải là lần đầu, ông có sá gì chuyện quay lưng hay phản bội. Ông là trưởng tộc của họ Đèo, tổ tiên ông, nguyên là tướng cướp và là quân Cờ Đen, đã chiến đấu chống tiểu đoàn trưởng Lynutey.

Rồi người ta đã thu xếp: Người ta để ngài được độc quyền buôn bán thuốc phiện, lờ đi các áp phe bất chính của ngài và thừa nhận uy quyền của ngài. Một sĩ quan Pháp làm rể của ngài. Long, chữ Hán, nghĩa là rồng. Quyền lực của ông ta có vững chắc không? Nó vững chắc khi nào còn sức mạnh làm chỗ dựa cho nó. Quyền lực tinh thần chăng? Chẳng có ai lầm tưởng như vậy, ngoại trừ dân nuôi lợn.

Thứ ba ngày 8 tháng 12

Hoa Kỳ, Anh và Pháp công bố tuyên bố chung của hội nghị Bermudes: "Chúng tôi đã xem xét tình hình Viễn Đông. Mục tiêu trước mắt của chúng tôi vẫn là triệu tập cuộc hội nghị chính trị đã được dự kiến trong thỏa ước về đình chiến ở Triều Tiên (...) ở Đông Dương, chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực dũng cảm của nước Pháp và ba Quốc gia liên kết đang chiến đấu trong Liên hiệp Pháp để bảo vệ độc lập của Campuchia, Lào và Việt Nam. Chúng tôi thừa nhận đóng góp của họ vào công cuộc bảo vệ thế giới tự do là có tầm quan trọng sống còn. Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng nhau hành động để khôi phục hòa bình và ổn định trong vùng này". 

Cogny đáp xuống Than Uyên, để lại đó trưởng phòng thông tin của ông Tổng ủy viên, ông này sẽ tham gia một chuyến đi vào khu du kích của ta. Cogny đón lên máy bay Brigitte Friang, mới nhảy dù xuống hôm qua. theo kiểu thể thao.

Cogny cho rằng ta rút khỏi Lai Châu sẽ khiến quân Việt lao tới Điện Biên Phủ, nên ông ra sức làm cho cái mà người ta vẫn còn gọi là căn cứ không - bộ binh và người kỵ sĩ chỉ huy nó có tính chất tấn công rõ rệt.

Tình hình khí tượng: Khá thuận lợi từ 9 đến 13 tháng 12

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #38 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2009, 08:18:01 pm »

Thứ năm ngày 10 tháng 12 .

Sau vài ngày trời xấu, nhất là ở châu thổ, hôm nay trời đẹp. Các đơn vị từ Lai Châu rút về và 2 tiểu đoàn của bán lữ đoàn lê dương số 13 được chở đến bằng máy bay khiến lực lượng ở Điện Biên Phủ tăng lên 10 tiểu đoàn bộ binh và có 16 khẩu pháo 105. Đội ĐKZ đã đưa trở về Hà Nội.

Tiểu đoàn 3 của bán lữ đoàn 13 lê dương xây dựng một trung tâm đề kháng sẽ mang tên Him Lam trên ba mỏm đồi của điểm cao 506, nơi đường 41 đổ vào lòng chảo, cách Điện Biên Phủ hơn hai cây số. Quân lê dương vội đào hầm hào, xây đồn lũy ở mỗi quả đồi, thánh đường ngắm bắn của bộ binh, rào dây thép gai và nhất là phát quang cây cỏ che phủ sân bắn của họ. Thật ra, nhờ cây cối rậm rạp vào sâu gần căn cứ, địch có thể đến khá gần Him Lam vào ban đêm, cho đến lưu vực sông Nậm Rốm. Ngay khi vừa ra khỏi lòng chảo, con sông này lập tức trở thành một dòng suối với lưu vực rất hẹp và sâu; nhưng người ta cho rằng địch sẽ bị hãm trong đó bởi hỏa lực đủ loại và đủ cỡ. Mặc dù tầm nhìn về phía bắn bị hạn chế, Him Lam vẫn là trở lực rất gay go trên đường tiến quân của địch từ phía Đông.

Người ta xoay sở để tự tổ chức cuộc sống. Thị trấn Điện Biên Phủ không còn nữa. Những căn nhà sàn rộng lớn lần lượt bị phá ra; bếp ăn và chỉ huy sở được dựng ở những nơi trước kia là chỗ ở của súc vật. Với những cây cột cao, nhà sàn không nóc trông giống những chiếc vỏ tàu thô thiển đang được xây dựng trên một công trường khai quật. Dân địa phương được giữ lại ở gần đó, người ta tập hợp họ ở Nậm Teng, họ dựng lều ở đó, rồi người ta lại bắt họ phá đi.

Cùng với các quan chức và tù trưởng Thái, vị linh mục cũ của Lai châu và cha xứ, cha Guerry - hai người đã được giám mục cho phép làm việc đạo ở Điện Biên Phủ - gặp lại giáo dân của họ và cả tên cướp già Đèo Văn Long đến đánh hơi tình hình để đo lường hiểm họa. Họ cùng nhau tìm chỗ trú ngụ cho dân chúng đã bị đuổi khỏi nhà mình. Ban đầu họ đưa dân lên phía Bắc, sau vì mất an ninh, dân bỏ trốn, họ lại đưa xuống phía Nam. Cách thị trấn cũ 2 km, ở hai bên sông, họ sắp xếp bằng mọi giá, một nghìn gia đình và ở lại với dân một thời gian. Vị linh mục cũ của Lai Châu đi Hà Nội và quay về bằng máy bay, ngồi chồm hỗm bên cạnh chiếc xe đạp của ông, giữa hàng hóa ngổn ngang đủ loại.

Như vậy, cha sẽ có thể đạp xe đạp đến thăm giáo dân và dân ngoại đạo của mình. Thay vào chỗ những căn nhà sàn của Điện Biên Phủ, người ta đào công sự bằng cuốc xẻng. Kích thước đã được ghi sẵn trong qui định về xây dựng trận địa và người sĩ quan nào cũng đã biết rõ từ khi còn học ở học viện quân sự. Một đại đội công binh được giao các công tác lớn, việc lọc và phân phối nước, việc mắc điện chiếu sáng. Đại đội này cũng phủ kín đường băng sân bay chính bằng vỉ sắt.

Thứ sáu ngày 11 tháng 12

Đụng độ dữ dội ở Bản Tau, cách Điện Biên Phủ 9 km.

Thứ bảy ngày 12 tháng 12

Đội tiền tiêu của đại đoàn 316 vào Lai Châu hoang vắng.

Tình hình khí tượng: Mưa phùn từ 14 đến ngày 20 tháng 12. Phía tây châu thổ, trời đầy mây dày đặc.

Buổi tối, tướng Gambiez triệu tập các sĩ quan của đội kỹ thuật.

Tướng Navarre nghĩ rằng cuộc giao chiến lớn sẽ xảy ra ở Điện Biên Phủ. Ở đó, cần có chiến xa trong thời hạn ngắn nhất.
Ta đã có kinh nghiệm ở Cánh Đồng Chum hè vừa qua: Hai máy bay Bristol và sáu Dakota, được trang bị dây chuyền với hệ thống tăngđơ bắt ốc vít để xếp hàng lên máy bay và có sàn chịu nổi trọng tải một tấn mỗi mét vuông, có thể bốc nổi một xe tăng M24. Một toán gồm phần lớn là lính lê dương khéo léo do trung úy Bugeat chỉ huy tháo chiến xa thành 82 bộ phận (có tài liệu nói là 180), trong đó nặng nhất là vỏ thép của xe, nặng hơn 4 tấn, bằng nhiều cần trục và palăng, người ta đưa cái vỏ bọc thép này vào cái mõm rộng hoác của chiếc Bristol, so với máv bay Packet, chiến Bustol có lợi thế là đáp được cả trên đường băng tồi. Một sĩ quan của đoàn chiến xa số 1, đại úy Hervouet được chỉ định chỉ huy đội chiến xa của Điện Biên Phủ, rốt cuộc có 10 xe tăng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #39 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2009, 08:19:17 pm »

Thứ hai ngày 14 tháng 12    

Ông Hồ Chí Minh gửi thư cho nhân dân Việt Nam nhân dịp kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946. Thư có đoạn viết: "Nếu chính phủ Pháp muốn đi đến đình chiến bằng thương lượng, muốn giải quyết vấn đề Việt Nam bằng phương pháp hòa bình, nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng thương lượng".

Thứ ba ngày 15 tháng 12

Navarre được tin đại đoàn 308 mà ông không nghĩ sẽ có mặt sớm đến thế đã vượt sông Đáy ở Tạ Khoa. Nó đã đi phân nửa con đường đến Điện Biên Phủ và sắp đến chỗ đường 13 bis uốn éo lượn theo một thung lũng hiểm trở và chạy bên cạnh đường 41 suốt 500 mét trước khi gặp đường này. Trong các phiếu mục tiêu (dội bom và bắn phá của máy bay - ND), người ta gọi giao lộ này là điểm Mercure. Máy bay tiêm kích và B26 mới thả 52 tấn bom xuống đó. Do địa thế nên địch khó xây dựng một con đường song song để làm lộ trình phụ và do máy bay ném bom cắt đường ở chỗ này, địch đã buộc phải chuyển tải hàng hóa. Tất cả các máy bay đến Điện Biên Phủ đều có nhiệm vụ phụ là theo dõi công tác làm đường của địch. Khi trời xấu, sẽ khó ném bom tiếp tục.

Quân số ở Điện Biên Phủ tăng từ 10 lên 11 tiểu đoàn.

Tướng Cogny ra lệnh cho De Castries xây dựng cứ điểm Hồng Cúm.

Bài của J.J.Servan-Schrerber trong báo Le Monde: Thập tự chinh và cảnh sát

Thứ tư ngày 16 tháng 12

Tướng Navarre đến Hà Nội.

Thứ năm ngày 17 tháng 12

Tướng Navarre thăm Điện Biên Phủ.

Tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 1 pháo thủ Angiêri được bố trí ở Hồng Cúm.

Quyết định lập cứ điểm đồi Độc Lập.

Navarre ký một chỉ thị mới: Lấy cớ một toán phiến loạn (chỉ quân Việt Minh - ND) gồm 1500 tên đang có mặt ở phía Mường Khoa, cách Điện Biên Phủ khoảng 50 km về phía Tây Nam và còn có thể được tăng cường, ông quyết định tiến hành trước ngày 21 tháng 12 một cuộc hành quân có mục tiêu là diệt toán quân ấy rồi giao cho những đơn vị nhẹ lưu động kiểm soát vùng này. Do đó, đại tá De Crèvecoeur đang chỉ huy các lực lượng Lào sẽ hình thành một binh đoàn gồm 3 tiểu đoàn có nhiệm vụ phối hợp với một binh đoàn khác từ Điện Biên Phủ đến tại Sốp Nao.

Lần đầu tiên, tờ Caravelle, tạp chí của lực lượng viễn chinh nói về Điện Biên Phủ và nhắc lại lời một thông tín viên báo chí: "Cuộc chiến tranh lớn bắt đầu". Ngày hôm đó trên sóng đài phát thanh Bắc Kinh, ông Hồ Chí Minh nhắc lại đề nghị thương lượng của ông, chính phủ Pháp vẫn không trả lời. Hoàng đế Bảo Đại yêu cầu ông Nguyễn Văn Tâm, cha của tướng Hinh, tự mình từ chức Thủ tướng và giao cho hoàng thân Bửu Lộc, là anh em họ của ngài, hiện là cao ủy của Việt Nam tại Pháp, lập chính phủ mới.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM