Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:56:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quê hương rừng thẳm sông dài  (Đọc 24610 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« vào lúc: 22 Tháng Hai, 2009, 03:36:18 pm »

 Link xem tại: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n2n1n4ntn31n343tq83a3q3m3237nvn
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Ba, 2021, 11:31:59 am gửi bởi ptlinh » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #1 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2009, 03:36:56 pm »

Chương 1
MỖI chiều, mặt trời lặn dần sau mấy rặng cây dầu, cây sao bên kia sông Đồng Nai, trước nhà tôi. Bóng cây từ bên kia sông ngả dài dần ra giữa sông như những cái lưỡi đen khổng lồ đang uống nước. Hôm thì nước lớn, dòng sông trong xanh mát ngọt, bữa thì nước ròng sông cuốn theo dòng rác rưởi gỗ mục, thân chuối bập bềnh. Vậy mà những cái lưỡi đen kia vẫn cứ phải uống như để thỏa cơn khát suốt một ngày nắng hạ.
Trời vừa sập tối thì gia đình tôi cũng vừa ăn cơm chiều xong. Mẹ tôi đi rửa chén bát. Chị Sáu tôi chừng 10 tuổi, bế em tôi đặt lên chiếc võng ru nó ngủ. Hôm nào chị cũng bắt đầu bằng câu hát mà tôi đã thuộc lòng:
“Ầu ơ ơ... Ví dầu cầu ván đóng đinh..
Cầu tre lắt lẻo lập ghềnh khó đi, ơ ơ”
Cha tôi người không to cao lắm, cái mũi lúc nào cũng đỏ hơn mũi của những người khác trong làng tôi, tóc ít, gom lại sau ót thành một cái đầu tóc nhỏ hơn của mẹ tôi rất nhiều. Ông ăn cơm xong trước cả nhà và tự rót một bát nước chè Huế thật to mà uống. Bát nước nóng hơi còn lên nghi ngút, thế mà ông vẫn uống cạn một hơi.
Tôi thường hay đứng cà rà bên cha tôi sau mỗi bữa cơm chiều. Không phải chỉ để xem ông uống nước chè Huế nóng, vấn điếu thuốc bằng lá cò ke[1], hay xem ông quấn chiếc khăn lông to lên đầu, mà còn để len lén nói nhỏ với ông:
- Tía, bữa nay tía cho tui theo với.
Nhưng ông già ác thật, mình chỉ nói nhỏ cho mình ông nghe thôi, vậy mà ông trả lời rất to cho cả mẹ và chị tôi nghe:
- Không được, tối nay tía đi xa lắm, con đi không nổi đâu, ở nhà với má mày.
Tôi còn đang bực tức với cha tôi thì mẹ tôi từ dưới bếp đã mắng lên như búa bổ:
- Thằng Ngộ lại đòi đi nữa hả? Hồi chiều đã dặn rồi. Bằng ngón tay út người ta mà cũng đòi đi học võ. Mà bảo tối nay má kể chuyện đời xưa cho hai chị em mày nghe kia mà, quên rồi hả?
Tôi lặng yên không dám hó hé một tiếng nào nữa. Chị tôi vừa co chân đạp mạnh vào vách tường để đưa võng vừa nhìn tôi cười như chọc tức tôi. Cha tôi rút cây côn bằng tre già bóng loáng dựng bên cửa rồi bước ra đi. Tôi muốn chạy theo lắm. Có lần tôi cứ chạy bừa theo cha tôi như vậy mà mẹ tôi không hay, rồi sau bà cũng phải chịu. Nhưng lần này thì chị tôi cứ ngó chừng tôi mãi, liệu bề khó thoát tôi đành phải ngồi phịch xuống đất nhìn ra bờ sông. Bất giác tôi thèm được như dòng nước sông Đồng Nai tự do chảy lên chảy xuống không có cha mẹ nào ngăn cản được.
*
Tôi không sao hiểu nổi những thói quen kỳ dị của người lớn. Cha tôi thì hay ăn ớt hiểm cả trái mà không la cay, uống nước trà nóng còn bốc hơi mà không nóng, miệng hút thuốc bằng lá cò ke và thỉnh thoảng lại uống cả hai xu rượu mà không sao cả. Hôm nào có được hai xu rượu trong bữa ăn chiều thì thấy ông vui hẳn lên. Ăn cơm xong, ông không xách côn đi liền mà còn múa một vài đường võ ngoài sân cho chúng tôi xem trước, hay lắm. Mẹ tôi không hút thuốc, không uống rượu thì lại hay ăn trầu. Hôm nào muốn nghe chuyện đời xưa tôi cũng phải ngồi chờ bà rất lâu. Rửa chén bát xong, bà thổi lửa thắp đèn bưng lên để trên chiếc bàn giữa nhà. Vừa ngồi xuống ván là bà với tay lấy một lá trầu trong cái rổ trầu để sẵn trên ván. Mẹ tôi bao giờ cũng ngắt đuôi lá trầu bỏ đi rồi mới têm vôi vào, xếp lại kỹ như gói bánh rồi mới bỏ vào miệng với một miếng cau khô mà nhai, trông ngon lành như trẻ con nhai ổi. Trước ánh đèn dầu, mắt bà sáng ra, mặt bà đỏ ửng lên như trẻ hẳn lại. Lúc ấy cũng là lúc em tôi đã ngủ say, chị tôi cũng thôi hát ru, chỉ còn chiếc võng đu đưa phát ra tiếng cọt kẹt trên đầu cột thì mẹ tôi mới bắt đầu nói:
- Hồi xưa... ông bà mình từ ngoài Huế đi vào khai phá rừng này. Lúc ấy chưa có đường xá gì đâu, chỉ có đồng hoang rừng rậm. Họ đi lần theo chiều nước ròng của con sông này. Đi đến đâu thì phá rừng lập làng, lập ấp đến đó. Sanh cư lập nghiệp mãi mới thành tỉnh Biên Hòa của mình đây cũng như các tỉnh khác của xứ Nam Kỳ. Từ ngoài Huế vào đây, có lẽ vì thấy vùng này đồng rộng mà nhiều nai nhất nên ông bà mình đặt tên cho con sông này là sông Đồng Nai. Biên Hòa ngày xưa còn có tên là Biên Hùng gồm luôn cả hai tỉnh Bà Rịa và Thủ Dầu Một. Quận Tân Uyên mình thì mới cách đây vài năm còn có tên là Thủ Đôn Sứ giàu có lắm con à. Dưới sông thuyền bè tấp nập, trên bờ xe ngựa dập dìu, nhà ngói, đình chùa san sát, hội hè linh đình chứ không buồn như bây giờ đâu.
Tới đời ông nội ông ngoại con thì giặc Tây lên cướp nước mình. Tụi Tây ở xa lắm, nó đi bằng tàu chiến sang đây không được mấy thằng, nhưng vì nó có tàu sắt và súng lớn nên mình địch không lại. Vua của mình thì hèn nhát, mới thua có mấy trận là đã đầu hàng ký giấy dâng cho Tây trước hết là ba tỉnh miền Đông là tỉnh mình, tỉnh Gia Định, tức là Sài Gòn bây giờ và Định Tường là Mỹ Tho bây giờ rồi dần dần đánh hết cho Tây. Ông bà mình lúc đó giận vua và thù Tây ghê lắm. Dân mình nổi dậy chống Tây và giết giặc khắp nơi, nhưng chỉ có gậy gộc, giáo mác, hỏa mai và dùng võ thì không chống lại nổi với tàu sắt, tàu đồng nên đành chịu mất nước. Hồi đó vùng này chống Tây lâu lắm, chín mười năm sau ngày vua mình đầu hàng giặc. Trong quận Tân Uyên này bây giờ cũng còn nhiều dấu tích rồi thủng thẳng má sẽ kể hết cho con nghe...
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #2 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2009, 03:37:22 pm »

Em tôi thức giấc khóc oe lên. Chị tôi vừa co chân đạp mạnh vào vách để đưa mạnh chiếc võng vừa cất giọng hát lớn:
- U ù ơ ơ. Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rời bậu ra.
Chiếc võng chao qua chao lại làm hai đầu cột lại kêu cót két rất to. Mẹ tôi lại têm thêm một miếng trầu khác rồi nhấc tấm cửa tre khép lại, không hiểu vì sợ gió lạnh hay vì sợ tắt ngọn đèn dầu.
- Ờ quên nữa, thằng Ngộ đi đái đi con, không tối khuya đái dầm trôi mất cha mày đa.
Tôi ngoan ngoãn vâng lời hé cửa chạy ra gốc xoài trước sân nhà. Khi tôi trở vào thì mẹ tôi tiếp tục kể:
- Cách chợ Tân Uyên chừng cây số có một cái gò cao trên bờ sông gọi là Gò Lũy. Chỗ đó ngày xưa, sau khi giặc chiếm Biên Hòa, ông bà mình kéo về dựng lên các đồn kháng chiến đầu tiên của vùng này. Đồn nằm trên gò cao có súng đại bác chĩa ra bốn phía như một con nhím xù lông nhọn ra nằm chịu trận khi bị rượt vây. Sông Đồng Nai ở đoạn này tuy sâu nhưng hẹp. Tàu Tây chạy qua đây phải chạy sát bờ nên dễ bị ăn đạn súng thần công của ta. Nhờ đồn lũy kiên cố nên mãi mấy năm sau, khi các quận khác như Bà Rịa, Thủ Dầu Một đã thất thủ mà Tân Uyên vẫn còn trong tay đồng bào và nghĩa quân ta. Về sau giặc cho quân kéo lên ba mặt. Một cánh bộ binh đi từ Biên Hòa lên Bình Ninh bên kia sông, một cánh khác từ Thủ Dầu Một sang bọc hậu sau Gò Lũy, phối hợp với đoàn tàu chiến, bắn đại bác như mưa vào đồn mình. Vậy mà đánh suốt một ngày chúng vẫn không hạ được đồn, không tiến được vào chợ Tân Uyên.
Thế ta yếu, thấy liệu không giữ nổi ngày sau nên trong đêm ấy nghĩa quân liền nổi lửa thiêu hủy cả đồn và thị trấn này rồi rút theo sông Đồng Nai lui về làng Mỹ Lộc. Làng Mỹ Lộc xưa gồm ba xã Tân Tịch, Tân Hòa và Mỹ Lộc bây giờ nằm cách Tân Uyên chừng bốn năm cây số. Về đây nghĩa quân không đóng quân ở bờ sông nữa mà xây đồn dựa lưng vào rừng sâu trên một cái gò cao ngày nay gọi là Gò Đồn, nơi tía mày đang dạy võ cho học trò đó. Ông bà mình tiếp tục chiêu binh mãi mã tụ tập anh hùng nghĩa sĩ rất đông. Đồng bào khắp nơi trong tỉnh kéo về đây tình nguyện gia nhập hàng ngũ nghĩa quân, vừa để tránh nạn giặc Tây. Ông ngoại, bà ngoại con hình như cũng không phải người gốc ở Mỹ Lộc mà ở đâu vùng chợ Búng, Lái Thiêu theo cha mẹ về vùng rừng này sau khi Lái Thiêu, Thủ Dầu Một bị giặc chiếm.
Tây thì đóng ở Tân Uyên, vậy mà ở Mỹ Lộc nghĩa quân này một đông thêm, đồn Mỹ Lộc ngày càng kiên cố. Ngày đêm tiếng quân reo, tiếng ngựa hí, tiếng loa vang trời dậy đất ở góc rừng ấy. Bộ binh của giặc thì chưa dám đánh đường rừng. Tàu chiến của chúng cũng chưa dám chạy trên khúc sông nhiều đá ngầm này, vì vậy mà Tây đành để cho nghĩa quân bành trướng thế lực ở đây một thời gian rất lâu. Nghĩa quân ta đi bộ, đi thuyền, cưỡi ngựa đánh giặc khắp nơi trong tỉnh. Tháng nào cũng bắt được Tây và Việt gian phản quốc đem về xử tội làm lễ tế cờ tại đồn Mỹ Lộc cho đồng bào coi. Bà ngoại bây kể lại tụi Tây cũng nhiều thằng hèn nhát lắm. Bị bắt, sợ chết nó cũng bắt chước Việt gian phản quốc chắp tay lạy nghĩa quân sát đất để xin tha.
- Mình có tha thằng nào không hả má?
- Có nhiều chớ. Nhưng mỗi lần tha phải ra dấu cho nó hiểu phải đi về Tây đi, hễ bị bắt lại lần sau thì không tha nữa. Trước khi thả phải xăm lên mặt nó một chữ nhất để biết mà phân biệt nó với những thằng bị bắt sau này. Nếu không làm sao mà phân biệt được, tụi nó giống nhau lắm, trắng nõn, mũi cao, mắt đục, tóc vành hoe, nói chuyện thì nghe như pháo nổ.
Hồi đó ông bà mình thù Việt gian cũng như thù Tây vậy, có khi còn hơn nữa. Người ta nói rằng nếu không có Việt gian thì giặc Tây dù có nhiều súng đạn cũng như điếc như mù không làm gì được dân mình đâu
- Nhưng tại sao người ta lại đi làm Việt gian hả má?
Chị tôi lại hỏi. Mẹ tôi có vẻ lúng túng. Bà nhổ miếng bã trầu xuống đất rồi mới trả lời:
- Việt gian là... do chó chết đầu thai lên thành người. Ngày thường thì họ giống như người, không ai biết gốc tích của họ. Nhưng khi nước loạn tánh chó của họ mới lộ ra, họ không còn biết gì đến nhân nghĩa, sợ chết, chạy theo cơm thừa canh cặn của giặc. Có nhiều thằng theo Tây mãi rồi cũng bị Tây giết. Có nhiều thằng cũng được Tây phong cho làm chức này chức nọ. Nhưng tất cả những thằng Việt gian bị mình giết đều đầu thai lại làm chó, có thằng lúc sắp chết còn tru lên giống hệt như chó tru vậy...
Con chó vàng đang nằm ngủ bên cạnh cửa nghe mẹ tôi nói tự nhiên ngóc đầu nhìn lên. Không thấy ai cho ăn gì, lại thấy tôi mở mắt nhìn nó một cách khác thường, nó ngoắc đuôi mấy cái rồi lim dim ngủ lại. Trước đây tôi thân nó lắm, nay bỗng thấy sợ và ghét nó. Tôi tự hỏi sao người ta không giết hết chó đi? Có phải chó càng bị giết nhiều thì càng đầu thai nhiều Việt gian? Có lẽ vậy mà dân làng tôi nuôi chó giữ nhà mà không giết chó bao giờ? Tôi rất thỏa mãn cách tự giải đáp của mình và tự nhiên thấy hết buồn ngủ.
- Má nói ở Gò Đồn có nghĩa quân, có ngựa, có loa sao hôm trước con đi với tía lên đó không thấy gì hết. Chỉ thấy trâu ăn cỏ trên gò mà thôi.
- Cái thằng hỏi kỳ cục quá! Má nói chuyện đời xưa chứ đâu phải chuyện bây giờ đâu. Để má kể tiếp cho mà nghe.
- Ừ...
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #3 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2009, 03:37:42 pm »

- Bây chưa buồn ngủ thì má kể nữa. Đồn Mỹ Lộc là đồn cuối cùng của nghĩa quân ở vùng này, mới mất cách đây chừng bốn chục năm thôi. Năm ấy là năm Thìn, cũng là năm bà ngoại sanh má. Trước năm mất đồn, ông bà và nghĩa quân ở vùng này đã phải trải qua mấy năm mất mùa thiếu đói dữ lắm. Hồi đó cũng như bây giờ, vùng này chỉ có một ít ruộng nương ven hai bờ sông còn phần lớn đất đai là rừng thẳm. Lúa khoai thì ít mà nghĩa quân này một đông. Đồng bào các nơi khác lánh nạn về ngày càng nhiều thì làm sao mà đủ ăn được. Tụi Tây biết vậy càng ra sức bao vây chặn hết các ngả đường chở lương thực từ nơi khác về. Nghĩa quân và đồng bào phải vào rừng sâu tìm củ nầng, củ nho rừng, quả cám, măng le và rau rừng ăn đỡ đói. Cái nghề võ mà thiếu ăn thì tập luyện có ra gì. Nghĩa quân được lệnh phân tán dần dần, đi từng toán nhỏ về hướng tây, nơi có nhiều lúa. Đồn Mỹ Lộc thu hẹp lại dần dần từ mấy nghìn quân chỉ còn năm trăm người toàn là những người có cha mẹ vợ con ở huyện Tân Uyên này. Họ tự cho mình có bổn phận bảo vệ vùng đất quê hương này đến cùng. Năm Thìn ấy vùng này bị một trận bão to chưa từng có. Nước sông Đồng Nai dâng lên ngập cả ngọn dừa. Dòng sông hóa thành một biển nước mênh mông. Nước dâng lên tận chân đồn Mỹ Lộc. Đồng bào trong làng dắt díu đùm bọc nhau vào rừng tránh lụt và kiếm thức ăn. Nhân cơ hội này giặc Tây mang tàu chiến lên đánh đồn. Liệu không giữ nổi đồn trong lúc nghĩa quân đói rét và lũ lụt, tướng Hoàng Lễ bèn ra lệnh bỏ đồn rút lên những ngọn đồi cao hơn ở vùng Lạc An. Có hơn một trăm nghĩa quân, phần đông là người làng mình không chịu tuân lệnh, xin tình nguyện ở lại đồn quyết tử với giặc. Tướng Hoàng Lễ buộc lòng phải đồng ý. Trước khi rút đi, ông làm lễ để tang cho số nghĩa quân ở lại. Trong buổi lễ, nghĩa quân cùng đồng bào đều khóc như mưa. Người chỉ huy toán nghĩa quân ở lại tên là Hoàng Hồ, con trai của Hoàng Lễ, văn võ song toàn, một mình ông có thể đương cự với trăm người như không. Ông ra lệnh cho nghĩa sĩ bỏ hết súng chỉ dùng gươm giáo, mã tấu và dao găm mai phục thật kỹ trong đồn bỏ trống cửa. Giặc Tây đến làng mình thì thấy đồn vắng lặng, không một tiếng súng nổ, không một tiếng trống thúc, không một ngọn cờ bay. Nhìn về phía Lạc An, trên ngọn núi Bà Én thì quân reo, cờ phất, loa vang như sẵn sàng nghênh chiến. Giặc ngỡ quân ta bỏ đồn rút hết nên nhảy ra khỏi tàu đổ bộ vào đồn để tịch thu vũ khí lương thực và triệt hạ đồn. Toán quân đầu của chúng bị quân mai phục của ta đánh bất ngờ, trở tay không kịp bị tiêu diệt gần hết. Biết mắc mưu của ta, giặc dùng đại bác bắn xối xả vào đồn như mưa bão, sấm sét. Tiếng đạn nổ vang trời dậy đất.
Biết không thể nào cự nổi với giặc, Hoàng Hồ tập trung số nghĩa quân còn lại nói rằng: “Trận này ta thua giặc là tại trời chứ không phải tại ta. Nay ta chết vì nước, phải chết cho oanh liệt. Đây ta cho mỗi người một liều độc dược, các ngươi hãy cùng ta uống trước khi giặc đổ bộ vào đồn”. Mười hai cánh tay đưa ra nhận mười hai liều thuốc rồi cùng một lượt bỏ vào miệng nuốt. Mười hai cặp mắt nhìn nhau, người ngã trước kẻ ngã sau đến người cuối cùng thì giặc đã vào đến cửa... Đồng bào thương tiếc các nghĩa sĩ thường gọi gò này là gò Trăm quân. Sau giặc chiếm vùng này, chúng cấm không cho gọi tên đó và đổi tên gọi là gò Cây Trâm, mượn cớ ở đây có nhiều cây trâm. Đồng bào rủ nhau đốn hết trâm làm củi rồi gọi lại nơi đó là Gò Đồn cho đến bây giờ.
Mẹ tôi ngừng kể, đêm đã khuya, từng chiếc lá xoài rơi ngoài sân nghe lách tách. Ngọn đèn đầu mờ dần, con thạch sùng tắc lưỡi hồi dài như muốn nói lên nỗi thương tiếc và cảm phục của mẹ tôi đối với nghĩa quân. Tôi kê đầu lên bắp vế của mẹ, ngủ quên lúc nào không biết.
*
Nhà tôi hôm nay dường như có chuyện gì khác thường lắm. Mẹ tôi đi đâu từ sớm mãi đến xế chiều mới về. Như thế là bà về sớm hơn ngày thường. Cũng khác mọi ngày là không gánh gánh hàng trên vai, lại mặc quần áo rất diện, coi trẻ hẳn ra. Bà đã đi cả ngày mới về mà cái áo dài xuyến đen bà mặc vẫn còn nguyên lằn xếp như mới lấy trong rương ra. Tôi biết là bà sợ tôi đòi theo nên đã trốn tôi đi lén. Tôi giận, thấy mẹ về không thèm mừng, đứng quay mặt chỗ khác. Bà không nói gì, rón rén bước đến sau tôi rồi thò tay đưa ra trước mặt tôi một cái bánh cúng[2]. Tôi sợ không cầm thì mẹ cho chị Sáu mất liền vội vồ lấy rồi mới nói dỗi:
- Con không thèm ăn đâu. Má trốn con đi ăn giỗ, không cho con theo. Lại cúng cơm cho bà ngoại ở nhà cậu Năm chớ gì? Ai không biết mà giấu!
Chị Sáu tôi cười ngất:
- Mày ngu quá! Má đi chùa cúng rằm mà không biết. Cúng cơm bà ngoại gì mà cúng hoài vậy. Mấy bữa trước cúng rồi, mày được đi chớ tao phải ở nhà ẵm em, mày quên rồi à?
Tôi sực nhớ ra hôm nay là ngày rằm. Thật đúng vậy, vì không những tôi được ăn bánh cúng mà còn sắp được ăn một bữa cơm ngon nữa. Mẹ tôi đang kêu chị Sáu tôi đi nấu nước để làm gà nữa kia. Con gà mái bị mẹ tôi cắt tiết còn đang giãy đành đạch mà mẹ tôi đã vội bảo tôi:
- Thằng Ngộ lấy chai đi mua cho tía mày hai xu rượu đi. Ổng về tới bây giờ đa con.
Nhà chú Sú, chỗ bán rượu, cách nhà tôi độ vài trăm thước. Tôi là khách hàng quen thuộc của chú. Lần nào cũng vậy, tôi xách cái chai xị có nút bằng bần và chỉ mua đúng hai xu rượu thôi. Chú Sú đã quen với cách mua rượu của tôi. Khi tôi từ nhà chạy thẳng một mạch tới quán của chú chỉ cần đưa cái chai và hai đồng xu ra là chú đong rượu vào rồi đưa chai lại cho tôi xách về mà không phải nói năng gì cả. Bận về, phần vì mệt, phần vì phải cầm chai rượu sợ đổ, tôi không chạy nữa. Tôi đi chầm chậm và nghĩ mông lung. Cái chú Sú này sao ổng hay quá, không nói gì hết cũng biết mình mua hai xu rượu mà bán. Không lẽ tại chú ta là người Tàu? Ừ! Khôn lanh như vậy mới giàu được. Nghe nói má còn thiếu nợ ổng tới mấy đồng bạc gạo lận. Mà sao thiếu tiền gạo mà má còn mua rượu. Rượu có ngon không? Tôi mở nút chai ra ngửi thử. Hơi rượu nồng bốc lên cay cả mắt. Có lẽ phải uống mới ngon chăng? Tôi đứng lại, nhè nhẹ nghiêng chai rót một chút rượu vào miệng. Rượu nóng như đốt cả lưỡi. Tôi vội phun phèo phèo xuống đất vừa nhìn theo xem có khúc lưỡi nào của mình bị cháy rụng theo không. Không có, chỉ có nước miếng thôi. Yên trí, tôi đậy nút chai lại xách về như không có chuyện gì xảy ra.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #4 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2009, 03:38:24 pm »

Thường ngày mấy ngón tay của mẹ tôi hay dính đỏ cốt trầu nên tôi rất khó chịu. Vậy mà hôm nay sao tay bà sạch thế! Mấy ngón tay bà xé thịt gà luộc thấy mà mê. Mỡ gà béo ướt đượm mấy ngón tay mẹ tôi. Mùi giấm, chanh, hành, tiêu xông lên, ngửi không cũng muốn chảy nước miếng. Mẹ tôi bốc một miếng thịt cho tôi ăn thử. Miếng thịt nhỏ quá, tôi chỉ muốn liếm mấy ngón tay của bà cho đỡ thèm, nhưng mẹ tôi đã lấy tay về và tiếp tục xé thịt. Cái đầu và hai cái đùi gà mẹ tôi không xé ra mà để qua một bên. Đó là phần để cha tôi nhắm rượu. Những thứ đó là bất khả xâm phạm, có lẽ chừng nào lớn bằng tía tôi mới được gặm nguyên một cái đùi gà như vậy chăng? Nhưng tôi không phải ao ước lâu, mới ngồi vào mâm là cha tôi đã cho tôi ngay một cái đùi gà:
- Đây là tía thưởng con sáng nay không đòi đi theo má, ở nhà không nhõng nhẽo với chị mà tối nay cũng không đòi đi theo tía nữa, nghe không.
Má tôi cản:
- Mình ăn đi mà, tối nay nó có phần xôi chè nữa. Để cái đùi đó cho tía uống rượu cho ngon con.
Liếc thấy cha tôi nheo nheo một con mắt, tôi hiểu ý cắm cúi gặm hết cái đùi gà.
Trăng đã lên, soi sáng góc rừng Gò Đồn. Cũng như mọi đêm rằm khác, hễ trăng vừa sáng là nước sông đã lên đầy bến, ngập cả cái cầu tắm của nhà tôi. Tưởng như mọi lần, ăn cơm xong tôi ra sân chờ xem cha tôi múa võ vì hôm nay ông đã uống hai xu rượu lại còn ăn thịt gà nữa. Nhưng ăn xong ông vội vã uống nước, đốt điếu thuốc rồi xách côn đi ngay về phía bìa rừng. Thôi đành vậy. Tôi thất vọng lững thững ra sau vườn nghe dế gáy cho vui. Tôi trèo lên gốc ổi ở cuối vườn, ngồi lên chạc ba, lưng dựa vào nhánh cây lớn nhất ngắm trăng lên. Trăng rằm đẹp lắm, tròn như một cái mâm bằng vàng chạm hình cây đa chú Cuội bằng ngọc xanh. Mình mà lên được trên đó chắc chú Cuội tha hồ mừng. Ngồi mãi một mình dưới gốc đa chắc buồn lắm. Nhưng có phải chú ở một mình đâu. Lúc nào cũng có nhiều cảnh vật bằng mây đến chơi với chú. Các đám mây hình như con thú này, con thú khác, có khi giống như mặt ông Thiện, lúc giống mặt ông Ác. Khi lại giống như một bông hoa, lúc thì giống nguyên một tảng núi khổng lồ bay ngang chân chú Cuội, như muốn che lấp cả chị Hằng. Không biết có đám mây nào giống món gà xé phay hay giống mâm xôi chè không há?
Nhớ đến xôi chè tôi liền leo xuống và chạy vào nhà. Mẹ tôi đã dọn dẹp dưới bếp xong xuôi. Em tôi đã ngủ say. Chiếc võng đung đưa nhẹ nhẹ phát ra tiếng kêu khe khẽ ở đầu cột.
- Xôi, chè đâu má?
Mẹ tôi cười:
- Mới ăn cơm xong mà đói rồi à? Xôi chè phải đợi cúng xong mới ăn chớ. Mà khuya mới cúng lận. Đứa nào thức nổi thì ăn, không thì sáng mai dậy ăn cũng được.
- Má kể chuyện đời xưa nữa thì con thức được ngay.
- Con cũng vậy! - Chị tôi nói.
Mẹ tôi bỏ miếng trầu và têm xong vào miệng chầm chậm nhai rồi bắt đầu.
- Ờ... Hồi xưa...
Nhưng bà bỗng ngừng ở đó, rồi quay sang chuyện khác:
- Hồi sáng này má đi lễ chùa mà giận quá tao bỏ về luôn. Có nhiều bà cũng như má, họ mang cả nhang đèn bánh trái về tối nay cúng riêng.
Thấy hai chị em tôi tỏ vẻ không hiểu, bà giảng giải:
- Nào giờ chùa này thờ một ông Phật khác, năm nay tượng cũ dời đi đâu rồi, thay vào đó là một cái tượng lạ hoắc. Ông thầy chùa già cũ cũng đổi đi rồi, một thằng học trò trẻ thay thế, thấy mà ghét.
Bà im lặng một hồi lâu, ngồi trên ván nhai trầu. Tôi định lên tiếng giục thì mẹ tôi cất lời:
- Chuyện về cái chùa làng Tân Hòa là như vầy: “Lúc còn nghĩa quân và đồn Mỹ Lộc, ông bà mình sợ nhất là tàu chiến của giặc từ Tân Uyên chạy lên vùng này bắn phá. Đồng bào và nghĩa quân cùng nhau hiệp lực đắp một cái đập ngáng sông tại làng Tân Hòa, cách Tân Uyên chừng ba cây số! Bây giờ giữa sông cũng còn mấy tảng đá lớn nằm giữa sông mà lúc nào nước ròng ai cũng thấy. Đó là dấu tích của cái đập khổng lồ ngày xưa đó. Bên cạnh đập là xóm Đèn, chính là nơi ông bà mình dùng dầu chai và tre nứa khô làm đèn, kết lại thành những bè lửa thả đầy sông đón đốt tàu địch. Cũng ở gần đó có cái chùa của làng Tân Hòa nằm trên ngọn đồi cao bên bờ sông mà trước nay mình vẫn gọi là chùa ông Mõ, đồng bào mình đi lễ ở chùa này nhiều nhất là tết và những ngày rằm. Hồi đó, dọc theo hai bờ sông, ông bà mình và nghĩa quân canh gác tàu địch rất kỹ. Từ Tân Uyên lên đến Lạc An cứ mỗi cây số là có hai trạm gác ở hai bên bờ sông. Phần lớn người ta báo hiệu bằng mõ tre, khi báo động thì đánh ba tiếng liên tiếp thành từng hồi: cóc, cóc, cóc... cóc, cóc, cóc... đánh đến khi nào tàu giặc qua khỏi trạm gác mới thôi. Khi nào thấy tàu giặc rút về thì đợi cho chúng qua khỏi trạm gác đánh mõ báo an bằng hiệu mõ ba hồi dài kèm ba dùi ngắn đánh thong thả. Trạm gác xóm Đèn là trạm gác chính vì nó ở gần Tân Uyên nhất. Gác trạm xóm Đèn là hai vợ chồng già rất cần mẫn lại gan dạ. Dù đứng trên đồi cũng nhìn được hết khúc sông Đồng Nai từ Tân Uyên đến Tân Tịch rồi, nhưng ông đã cẩn thận cất một cái chòi gác trên ngọn cây dầu to trên đồi. Ngày đêm ông bà thay nhau trèo lên ôm mõ ngồi gác trên đó, dù trời mưa nắng không bao giờ vắng mặt. Vừa canh gác vừa cuốc đất trồng khoai, bắp, đan rổ rá để sinh sống. Mỗi khi thấy gì khả nghi thì ông lại gọi bà hay bà kêu ông lên ngó lại cho chắc chắn để đánh mõ báo động. Đồng bào và nghĩa quân rất tin tưởng hiệu mõ của trạm xóm Đèn. Nhờ nó mà nhiều lần dân mình kịp tránh được giặc và mai phục đánh lại chúng. Có món ăn nào ngon, hay săn được thú rừng mọi người thường đem biếu hai vợ chồng già như để tiếp thêm sức cho canh gác tốt. Bọn Tây ở Tân Uyên dần dần cũng biết chuyện. Chúng rắp tâm trừ diệt trạm gác này để có thể dễ dàng đánh sâu vào vùng căn cứ của nghĩa quân.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #5 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2009, 03:38:43 pm »

Một ngày kia đoàn tàu chiến giặc từ Tân Uyên kéo lên. Mõ báo động thúc vang hồi, lần này tiếng mõ của trạm xóm Đèn đánh mãi không thôi, mỗi lúc càng to, càng gấp. Đồng bào hai bên bờ sông đã tản cư vào rừng hết. Nghĩa quân đồn Mỹ Lộc đã chuẩn bị sẵn sàng nghênh chiến từ lâu mà tiếng mõ vẫn thúc liên hồi. Trên ngọn cây dầu cao hơn ngọn dừa trước nhà mình hai vợ chồng ông gác nhìn thấy rõ từng chiếc tàu giặc chạy từ Tân Uyên lên Tân Tịch, ống khói đen xì phun khói mịt mù, chân vịt đạp nước cuộn sóng trắng xóa sau lái. Cả khúc sông xanh nổi sóng to như đang cơn bão táp. Những chiếc ghe, xuồng của đồng bào chưa kịp giấu bị sóng đập nhảy chồm chồm như muốn lên bờ chạy trốn bầy thú dữ. Súng đại bác của giặc bắn xối xả vào hai bên bờ sông. Những ngọn dừa trúng đạn gục đầu, rũ lá tả tơi. Mấy trái đạn đại bác bay sạt qua ngọn cây dầu làm lá cành đổ xuống rào rào. Hai ông bà thay phiên nhau đánh mõ. Đánh rũ cả tay mà chiếc tàu cuối cùng của giặc vẫn chưa qua khỏi trạm gác. Nó lại quay mũi vào bờ. Biết chúng muốn đổ quân lên bờ, ông già bèn bảo vợ leo xuống chạy đi báo cho nghĩa quân chặn đánh. Bà chần chừ muốn giành ở lại đánh mõ để ông chạy đi. Giằng co một hồi, bà phải chịu xuống thang đi báo cho nghĩa quân.
Bọn giặc đổ quân lên bờ nghênh ngang kéo nhau lên đồi. Cuối cùng chúng xúm lại đứng ngay dưới gốc dầu, vậy mà trên ngọn dầu tiếng mõ báo động vẫn đánh vang rền. Thằng chỉ huy râu xồm chĩa súng nhắm vào ông già và nói gì đó. Một thằng Việt gian thông ngôn lại: “Đánh mõ báo an rồi xuống đầu hàng ngay lập tức, ông lớn sẽ cho làm quan. Không nghe thì chết đừng có trách”. Thằng thông ngôn nói đi nói lại câu nói tới ba lần rát cổ họng mà tiếng mõ báo động mỗi lúc một hăng và mạnh lên như muốn át đi những lời dơ bẩn ở dưới gốc dầu vọng lên tai ông lão. Một phát súng nổ. Cánh tay mặt của ông lão vừa giơ lên bỗng buông thõng xuôi theo thân hình gầy ốm, bàn tay bỗng chốc buông lơi cây dùi lại vội vàng nắm chặt lại. Một dòng máu đỏ tươi chảy dọc theo cánh tay xuống đầu dùi nhỏ giọt xuống đất. Ông già dường như đứng sững trên chòi gác trong giây lát. Bất thình lình cánh tay trái của ông đang cầm cái mõ bằng tre già bóng loáng đưa thẳng lên trời, rồi cả thân hình ông lão đột ngột lao thẳng từ ngọn dầu xuống chỗ thằng Tây râu xồm đứng. Thằng Tây hốt hoảng bóp cò súng. Nhưng không ai nghe tiếng súng nổ, chỉ nghe tiếng gõ rùng rợn của chiếc mõ tre đập xuống đầu tên giặc. Thằng Tây râu xồm chết không kịp nháp, óc nó phụt ra trắng xóa gốc cây dầu.
Cùng lúc đó nghĩa quân ta vừa kéo tới, cung tên, đạn súng kíp của nghĩa quân cùng tiếng hò la tiếp ứng làm cho quân giặc hốt hoảng. Chúng vội vàng khiêng xác tên chỉ huy chạy vội ra sông rút xuống tàu mang theo nỗi kinh hoàng khiếp đảm khi tận mắt thấy cái chết của lão nông dân miền đất này. Khi bà vợ ông lão và toán nghĩa quân kéo đến dưới gốc dầu thì ông lão đã trút hơi thở cuối cùng. Bàn tay trái của ông vẫn còn nắm chặt cái mõ tre đẫm máu. Người ta chôn ông trên ngọn đồi và lập chùa để thờ cúng ông. Mấy năm trước má đi chùa còn thấy tượng của ông, một tay cầm cái mõ tre sơn đỏ đưa lên trời. Ai đến chùa cũng được nghe ông sư già giữ chùa kể lại sự tích ngôi chùa từ chuyện hai vợ chồng ông mõ già như má kể cho con nghe vậy. Vậy mà năm nay đi lễ má thấy người ta không để ông sư già ở đó nữa. Cả cái tượng ông mõ cũng bị đem đi đâu không biết, thay vào đó là tượng một người khác có cái mồm dài như mõm Trư Bát Giới vậy. Ông thầy chùa mới, đầu trọc chưa có một cái “sẹo ngồi hương” nào, con mắt láo liêng thấy là phát ghét rồi. Ông này nói với má và mấy bà là tượng này mới thỉnh từ trong rừng về, linh thiêng hơn tượng ông Phật cũ. Má nghe nói, giận quá bỏ về luôn. Mình có lòng thì cúng ở nhà cũng được, không cần chi phải ra chùa nữa...
Sực nhớ tới nồi chè đang nấu, mẹ tôi vội bước xuống bếp. Tôi chạy theo bà. Nồi chè đang sôi ùng ục trên bếp lửa làm cho bụng tôi cũng muốn kêu theo. Trăng đã lên cao, ngoài sân bóng cây xoài đã thu dần về dưới gốc. Dưới sông nước ròng đã để lộ cây cầu tắm và bãi cát trắng lấp lánh. Dòng sông lặng lẽ trôi. Không gian yên ả vô cùng. Những chiếc tàu sắt đen sì chở bọn quỉ dữ râu xồm chạy ngược dòng sông đi phun khói lửa, phun chết chóc đau thương vào hai bờ sông quê tôi bây giờ ở đâu? Tôi chỉ thấy mây trắng trời xanh, trăng vàng và dòng nước lặng lẽ trôi. Nhưng cái chùa ông Mõ vẫn còn đó và chuyện về ông mà mẹ tôi kể thì như mới vừa xảy ra hôm qua thôi.
Chị Sáu dường như cũng có những ý nghĩ vẩn vơ như tôi. Tôi thấy chị ngồi im một hồi trước bậc cửa, ngửa mặt nhìn trời rồi mới đứng lên đi xuống bếp. Ba mẹ con tôi ngồi quanh bếp lửa cháy bập bùng. Nồi chè sắp chín bốc hơi thơm phức. Cạnh bếp là chõ xôi đã chín sẵn còn để ủ bên bếp lửa cho nóng. Đang yên lặng tôi sực nhớ ra và hỏi mẹ tôi.
- Rồi còn ông Hoàng Lễ và nghĩa quân đi về núi Bà Én nay có còn ai không má? Hôm trước má nói là mình còn tới tám trăm quân kéo lên Lạc An mà.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #6 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2009, 03:39:27 pm »

- Làm gì có còn ai. Từ đó đến nay đã hơn bốn chục năm rồi... Ông Hoàng Lễ thì sau trận bão lụt và trận Gò Đồn ấy rất buồn rầu. Đồn Mỹ Lộc mất, ông mất luôn đứa con trai tài giỏi cùng một trăm dũng sĩ nghĩa quân. Quân thiếu lương như ngựa thiếu cỏ. Chờ đợi sự tiếp viện của quân triều đình không được, ông bèn liều mạng đem quân đi đánh một trận sau cùng quyết một mất một còn với bọn giặc ở Tân Uyên. Từ Lạc An, Chánh Hưng quân ta người cưỡi ngựa, kẻ chạy chân, tốp trên bộ, tốp dưới thuyền cờ dong trống giục ào ào kéo về Tân Uyên như cơn nước lũ. Ông Hoàng Lễ cưỡi ngựa đi đầu vừa đến xóm Thiện Tân thì có một người đàn bà chạy ra trước đầu ngựa của ông, cản đường quân lại. Bà ta ôm lấy đầu ngựa của ông mà nói: “Ngài hãy dừng quân lại, xin nghe tôi nói đôi lời phân giải. Thời Trời nay chưa giúp ngài đâu. Ngày này không tốt, giờ này không lành, xuất quân đi không có lợi. Ngài mang quân về đợi thuận trời mới thắng được, chứ cứ tiến quân đi tôi e đi thì đại lộ mà về tiểu lộ đó...”. Ông Hoàng Lễ biết đây là bà cô làm nghề bói toán lên đồng trong làng nổi tiếng là linh nghiệm. Nhưng lòng đã quyết, trở về e nhụt chí toàn quân. Ông bèn ra lệnh cho quân lính lôi người đàn bà tránh qua một bên, lấy đường cho quân đi. Không cản được đoàn quân, bà cô đã treo cổ tự tử ngay một gốc cây bên đường. Ông Hoàng Lễ vẫn thản nhiên đốc quân tiến tới. Lần ấy quân đi không về, tướng Hoàng Lễ bị giặc giết, nghĩa quân cũng tan rã luôn. Số còn lại rút chạy vào rừng rồi cũng bị chết dần chết mòn hết. Dân đi rừng bây giờ thỉnh thoảng cũng còn gặp mồ mả hay dấu tích ruộng nương của họ giữa rừng. Cũng sau trận ấy dân làng mang xác bà cô làng Thiện Tân về chôn cất. Về sau người ta lập miếu thờ bà gọi là miếu Bà C
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #7 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2009, 03:40:53 pm »

Nghĩa quân không còn nhưng đồng bào mình vẫn tưởng như ở đâu đó trên nguồn sông trong rừng thẳm vẫn còn ẩn náu những người anh hùng của mình. Vào những đêm trăng thanh gió mát như đêm nay, người ta chừng như vẫn còn nghe tiếng quân reo, ngựa hí, loa vang vọng từ Gò Đồn, Mỹ Lộc. Người ta nói rằng đó là vong hồn nghĩa quân trở về tập trận. Bởi vậy, vào những đêm rằm dân làng mình thường nấu xôi chè, đốt giấy tiền vàng bạc cho nghĩa quân. Nhà mình cũng sắp cúng đây, má cúng cho cậu Mười luôn thể. Chè chín rồi, dọn mâm chén ra đi con, Sáu.
Cậu Mười Rậm em ruột má tôi không phải là nghĩa quân. Má tôi thương cậu Mười lắm. Cậu tôi giỏi võ nhất làng. Mấy năm sắp lấy vợ thì cậu tôi bỏ nhà đi, nghe nói đi theo Thiên Địa Hội gì đó. Sau đó người ta đồn là cậu tôi bị Tây bắt và giết chết ở Sài Gòn. Không biết cậu chết ngày nào nên mỗi dịp cúng nghĩa quân vào rằm tháng bảy là mẹ tôi vái cúng luôn cho cậu Mười Rậm. Mẹ tôi lấy chiếc áo dài đen mặc lúc đi chùa về còn treo trên vách mặc vào người. Bà đốt ba cây nhang đứng trước mâm xôi chè bốc hơi nghi ngút, trịnh trọng đưa ba cây nhang lên ngang mày, cúi xuống xá một cái dài rồi cắm nhang vào cái ly đựng đầy gạo đặt trong mâm cúng bên cạnh cây đèn hột vịt. Khói nhang khói đèn dầu, hơi nóng từ mấy chén xôi, chén chè bốc lên quyện vào nhau thành một mùi khó tả. Tôi thấy vừa tò mò, vừa sờ sợ. Mẹ tôi đứng trước mâm cúng chắp hai tay trước ngực vái:
- Linh ai ông bà, vong hồn nghĩa quân, vong hồn cậu Mười nó.
- Có tôi đây!
Cha tôi từ ngoài sân bước vào, vừa, nói vừa cười hì hì. Ông xách cây côn đứng ngay sau lưng mẹ tôi. Tôi thấy mẹ tôi cố nín cười, ráng giữ vẻ nghiêm trang khấn vái âm thầm trong miệng. Vái xong bà vén tà áo dài ngồi xuống đất, lạy ba lạy. Chờ bà vừa đứng lên là cha tôi tiếp tục nói đùa:
- Vô tửu bất thành lễ rồi, cúng nghĩa quân mà không có rượu thì... nghĩa quân nào chứ nghĩa quân này không chứng cho đâu.
Nói rồi ông lại cười ồ lên. Mẹ tôi đã muốn cười nhìn lại làm ra vẻ bực tức nói:
- Đến chết cái nết không chừa. Không chịu cúng thì để người ta cúng, cứ phá đám hoài... Thôi, ông bà hưởng rồi đó, các con ăn đi.
Em tôi chợt thức giấc, khóc ré lên. Cha tôi bước tới kéo võng đưa nó để chị và mẹ tôi ngồi ăn xôi chè. Giữa khuya, giọng ồ ề của cha tôi hát ru em tôi ngủ buồn như tiếng khóc trong một đám tang
“Ù... ù... ơ... ơ... Than ôi! Một trận khói tan ơ ờ...
Ngàn năm tiết rỡ... ơ ờ...
Binh tướng nó hãy còn đóng sông Bến Nghé ơ ờ, làm cho bốn phía mây ơ ờ đen...
Ông cha ta còn ở đất Đồng Nai, ai cứu đặng một phường con đỏ ơ ờ...
Thác mà trả hết nước non rồi nơ ơ ờ... danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen ơ ờ...
Thác mà ưng đình miếu để thờ ơ ờ, tiếng hay trải muôn đời ai cũng mộ ơ ờ...
Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc ơ ờ... linh hồn theo giúp chúng tôi ơ ơ ơ...
Sống thù Tây, thác cũng thù Tây ơ ơ ờ ờ chè xôi đó, có linh xin hưởng ơ ờ...
Cả nhà cười ồ lên, cả mẹ tôi cũng không làm nghiêm được nữa. Bài văn tế này là cha tôi ru em riết, cả nhà ai cũng thuộc, không ngờ hôm nay ông bịa ra mấy câu chót nghe như trong bài thiệt vậy.
Tiếng con tắc kè kêu như từng nhát búa bổ vang trên ngọn dừa trước sân. Chị tôi lẩm bẩm đếm theo:
- Rủi, may, may, rủi, may...
Tôi leo lên phản nằm gần cha, rúc đầu vào nách ông như là con rúc vào cánh mẹ. Đang thiu thiu ngủ tôi nghe cha tôi nói:
- May quá hôm nay anh em mình đi tập kể cả tôi nữa là đúng một trăm người, không dư không hơn. Nếu cho thằng Ngộ này đi theo là đâu đúng số một trăm. Không biết đến bao giờ mới có được bữa tập có ý nghĩa như vậy.
Trong lúc mơ màng tôi bỗng thoáng nghe văng vẳng tiếng mẹ kể “Nghĩa sĩ Gò Đồn lúc đó ở lại một trăm quân...”. Vậy là hôm nay cha tôi cũng đi cúng nghĩa quân mà cúng theo cách của ông. Tôi nghe ông thở mấy hơi dài có vẻ thỏa mãn. Quay qua gác chân lên bụng ông, tôi ngủ lúc nào không biết.
 
---
[1] một thứ lá cây rừng còn tươi, cuốn cháy
[2] loại bánh tét nhỏ, dài độ một gang
[3] Theo một tư liệu khác cũng của tác giả, ông kể lại nguồn gốc của ngôi miếu này với một sự tích như sau:
Tướng Hoàng Lễ vốn là một ông quan trong triều đình Huế, do lấy cô đào hát Huyền Cơ làm vợ, không tuân thủ theo luật nhà vua nên phải treo an từ quan chớ không chịu bỏ vợ. Ông bị trục xuất ra khỏi kinh thành và lưu lạc vào Gia Định sinh sống. Giặc Pháp xâm lược nước ta, con trai ông là Hoàng Hồ và ông được dân chúng tôn lên làm Tổng dốc, đứng ra chống giặc. Giặc Pháp cho tay sai mang giấy phủ dụ của triều đình giả gọi ông về triều hồi phục tước cũ. Mừng rỡ, Hoàng Lễ chuẩn bị ra đi, trở ra Huế. Con ông là Hoàng Hồ và vợ là Huyền Cơ ra sức ngăn cản. Nhưng kẻ tôi trung mù quáng vẫn kiên quyết lên đường. Vợ ông, bà Huyền Cơ thấy chồng đã lên ngựa đi vội vã cầm chiếc áo bào của ông chạy theo, qua đến bên kia sông thì ngựa ông đã xa rồi. Bà Huyền Cơ rút dao tự sát Con bà là Huàng Hồ mang xác mẹ về mai táng và lập miếu thờ bên kia sông.
Tướng Hoàng Lễ cũng không về đến Huế. Đi dọc đường sức cùng lực kiệt, lại ân hận vì không nghe vợ khuyên can, ông viết một bức thư tuyệt mệnh dắt vào mình, tự trói mình lên lưng ngựa rồi chết. Con ngựa quen đường quay lại làng Tân Tịch, nơi Hoàng Hồ cùng nghĩa binh đóng tại đồn Mỹ Lộc. Người ta lại an táng ông tướng bên này sông và cũng lập ngôi miếu thờ đối diện với miếu thờ vợ ông ở bên kia sông.
Vào một đêm mưa bão, dòng sông nổi sóng đánh sạt lở bờ bên kia. Ngôi miếu thờ bà Huyền Cơ theo sóng tấp vào bở bên này. Cơn bão tan, dân làng dựng lại cái miếu thờ chung cả hai người ở bên này sông gọi là miếu Bà Cô (hay miếu Bà Cơ). Cũng theo lời tác giả thì trong ngôi miếu này trước kia có cả chiếc áo bào của ông tướng mà bà mang theo.

Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #8 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2009, 07:47:56 pm »

Chương 2

CON đường đá đỏ như pha son chạy theo bờ một con sông quanh co xanh biếc. Thỉnh thoảng có một chiếc cầu gỗ ván bắc qua con suối hay con rạch chảy từ trong rừng trong ruộng ra sông. Hai bờ suối, cây rừng, tre gai nối ngọn nhau che phủ dòng nước. Hai bên đường, những mái nhà ngói, nhà tranh thấp thoáng sau vườn cây trái. Ngang qua những cái đình, chùa hay qua “nhà việc” của làng thường gặp những cái cổng gạch cao rộng. Con đường mát rượi dưới những bóng dừa, xoài, mít, bưởi. Đi trên đường, khách bộ hành có thể thấy một trái xoài mới rụng trên đường đá đỏ như mặt trời mọc. Đôi nơi lại bị một quả dừa khô bất ngờ rơi xuống ngay bên cạnh làm giật mình, nổi da gà. Vào mùa xuân khi bưởi ra hoa, ai đi qua đây cũng hít đầy lồng ngực mùi hoa bưởi ngọt ngào, thơm ngát. Vườn nhà này nối tiếp vườn nhà kia. Nhà nào cũng có bưởi, không có một vườn thì cũng được năm ba gốc. Thỉnh thoảng có những đám ruộng nằm sát đường. Đám thì trồng mía, đám thì trồng khoai trông như những cái cửa sở nhìn từ sông Đồng Nai ra bên đường này, hoặc nhìn tận bìa rừng bên kia đường. Dòng sông rộng lớn luôn biến đổi. Nước lớn thì chảy lên, nước ròng chảy xuống. Hôm nào mưa to gió lớn hay vào mùa lũ, dòng sông chảy cuồn cuộn như lòng người sôi sục căm thù, lúc yên tĩnh nó lại phẳng như mặt hồ trầm ngâm suy nghĩ. Rừng nhìn xa như một vành móng nhựa khổng lồ màu ngọc biếc bao quanh hết hướng đông-đông bắc của xóm làng, đồng ruộng vùng này. Màu xanh của rừng giáp với chân mây, mỗi ngày mặt trời như từ cánh rừng xa nhô lên chầm chậm, khó nhọc, đỏ mặt tía tai. Xóm làng ruộng vườn dường như đứng dừng lại trước bìa rừng, con đường đá đỏ dài vài chục cây số cũng dừng lại đó như một tội nhân kiệt sức và đuối lý trước vành móng ngựa.
Quê ương Tân Uyên rừng thẳm sông dài của tôi đó. Dân làng tôi từ đời nào tới nay đã quen với tiếng khỉ ho cò gáy, tiếng cọp thét beo gầm và tiếng thác Trị An đồ ầm ầm trong những đêm thanh vắng. Củi thì lên rừng kiếm, nước thì xuống sông gánh, nhưng gạo thì dân làng tôi chỉ đủ ăn một năm có mấy tháng mà thôi. Rừng thiêng sông dữ luôn luôn đe dọa cuộc sống của người dân. Ngơi tay cày cuốc là cây rừng cỏ dại trở về. Ngủ quên một giấc có thể mất cả một mùa vì bị voi dày, bị heo rừng phá sạch. Mỗi năm một mùa nước lũ, hồi hộp lo sợ từng phút từng giờ. Dân làng tôi lam lũ làm ăn, chỉ còn biết chắp những bàn tay đã chai sạn vì cầm cán cuốc, chuôi cày lại mà vái Trời, vái Phật. Những đêm tối trời, nhìn về phía nam cũng thấy được ánh đèn điện của thị xã Biên Hòa, của thành Sài Gòn ửng đỏ một góc trời. Đó là ánh sáng của văn minh, hay là ánh mắt diều hâu của các quan cai trị đang dòm ngó làng quê tôi một cách thù hằn đánh ghét. Vùng sáng ấy cùng với vệt thẫm đen của rừng thiêng xô tới như muốn bóp bẹp xóm làng đồng ruộng quê tôi đến nghẹt thở.
*
Năm tôi lên 10, mỗi lần nghe chị tôi hỏi mẹ:
- Sao mà mình nghèo khó, đói rách, nợ nần mãi vậy má?
Mẹ tôi thường trả lời:
- Tại Trời, tại Phật, tại phận má nghèo.
Nhưng cũng có khi mẹ tôi nói một câu nghe khó hiểu:
- Tại tụi Tây, tại mình mất nước!
Tây là ai, mất nước là như thế nào? Từ ngày biết chạy chơi tôi đã đi khắp hết làng Tân Tịch này rồi. Tôi còn theo mẹ đi khắp các làng lân cận Tân Hòa, Mỹ Lộc, Trường Lang trong lúc mẹ tôi gánh hàng đi bán cau khô, vải, mắm. Tôi còn được bà cho theo đi chợ Tân Uyên, chợ Cây Đào, chợ Lợi Hòa trong huyện để mua hàng. Nào tôi có thấy thằng Tây nào đâu? Ngay cả ma Tây, quỉ Tây người ta nói ở vùng này nhiều lắm vì ngày xưa giặc Pháp bị giết ở đây rất nhiều, mà tôi cũng không thấy tên nào. Mẹ tôi dặn hễ gặp ma Tây thì nắm chặt hai ngón tay cái lại rồi hô lớn: “nghĩa quân” là ma Tây sẽ biến mất. Thường khi trời tối, đi đâu chơi trong làng tôi cũng thường nhớ lại lời mẹ dặn, nắm chặt hai tay chờ xem gặp ma Tây là hô lên. Nhưng tôi chưa có dịp nào thực hiện được mong muốn hét lên cho ma Tây hoảng sợ. Ở làng tôi có bà Ba Thôn da trắng tóc vàng mũi cao, mắt đục như nước trong vũng trâu đằm. Người ta bảo bà giống Tây như hệt. Nhưng bà dễ thương lắm, thường đến nhà tôi ăn trầu nói chuyện với mẹ tôi cũng như người mình vậy. Mẹ tôi nói bà Ba Thôn cùng một tuổi Thìn với mẹ tôi, sanh vào năm nước lụt và nghĩa quân thất trận, mất đồn Mỹ Lộc đó, mẹ của bà là một cô gái làng bị tụi Tây bắt được hãm hại làm cho mang thai và sinh ra bà. Sinh con xong người mẹ nhảy xuống sông tự tử. Bà con nuôi đứa trẻ lớn lên như nuôi lớn một mối hận thù. Bà Thôn lớn lên như mọi người khác trong làng, cũng biết cấy gặt, rồi cũng có chồng có con và cũng nghiện trầu như mẹ tôi vậy.
Vậy nếu tụi Tây có thì chắc là ở xa và chắc ít hơn người mình. Vậy sao mẹ tôi lại nói mình nghèo khổ là do tụi Tây, tại mình bị mất nước. Điều ấy dần dần lớn lên tôi mới lý giải hết được.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #9 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2009, 07:48:15 pm »

*
Một hôm tôi nghỉ học, đang chơi lò có với em tôi ngoài sân thì nghe chó sủa om từ xóm dưới lan dần lên xóm trên. Ở làng tôi mỗi lần chó sủa lan như vậy là ai cũng biết là có một trong hai người đang đi tới, đó là anh Hai Tán và người thứ hai là hương quản Chinh.
Anh Hai Tán rất hay ăn thịt chó. Ở làng tôi nhà nào muốn bán chó hay làm thịt chó đều nhờ đến anh. Anh bắt chó, cắt tiết, làm lông rất tài mà nấu đồ nhậu bằng thịt chó cũng ngon. Dần dà mấy con chó trong làng hễ thấy mặt, thậm chí nghe hơi anh là chúng sủa rùm lên, inh ỏi từ làng trên đến xóm dưới. Chắc tụi chó ghét và sợ anh lắm, còn tôi thì thương anh lắm vì anh là bạn thân của cha tôi. Anh thường gọi cha tôi là chú Hai. Đi cưa gỗ mướn thì cha tôi và anh cưa chung một cặp. Cha tôi làm thợ chính đứng trên. Anh làm thợ phụ ngồi phía dưới. Mẹ tôi thì không thích anh lắm vì anh thường ăn thịt chó và hay bỏ việc đi nhậu làm cha tôi cũng phải nghỉ theo.
Còn người thường bị chó sủa thứ hai là hương quản Chinh. Thằng cha này cái mặt khó thương lắm. Mặt thằng chả mập phì, lấp cả hai mắt. Bộ râu lúc nào cũng mướt rượt vuốt ngược lên hai gò má. Đi đâu nó cũng đội một cái nón lông, tay xách một cây ba ton để dọa chó. Hôm nào hương quản Chinh xách theo cây súng hai nòng thì trẻ con chạy theo coi thành đàn như coi múa lân. Mỗi lần vậy hương quản Chinh tỏ vẻ bực bội, thỉnh thoảng lại đưa súng dọa:
- Tao bắn chết hết.
Bọn trẻ con và chó bỏ chạy tán loạn.
Tôi ghét hương quản Chinh còn hơn cả chó. Nó là chủ nợ của cha tôi. Mới hôm qua vợ nó sang nhà tôi đòi nợ. Mẹ tôi mới đẻ em nhỏ còn nằm trong ổ vậy mà con vợ hương quản ngồi chồm hổm trên bộ ván giữa nhà tôi, xỏ mồm vào buồng đòi nợ chèo chẹo nghe nhức cả xương. Nó têm trầu ăn, xỉa thuốc của mẹ tôi không biết bao nhiêu mà kể, lại còn nhổ cốt trầu ra bẩn cả nhà. Ra về nó còn quơ chiếc chiếu mới nhất của nhà tôi xách đi. Chị Sáu tôi phải chạy theo khóc lóc năn nỉ mãi nó mới quăng trả.
Tiếng chó sủa đồn lan đến xóm tôi rồi. Con chó vàng nhà tôi cũng đã chạy ra đường. Tiếng con vàng sủa khác hẳn tiếng chó của xóm này. Nó vừa sủa vừa tru rất dài. Mẹ tôi thường bảo nhà nào có chó sủa như vậy làm ăn không khá. Cha tôi thương tài săn thỏ đêm của nó nên cứ muốn giữ nuôi mãi đến bây giờ. Con chó đã chạy về đến sau nhà, vừa thụt lùi vừa sủa. Nhất định là nhà tôi có khách.
- Nhà có ai không đánh chó cho tôi vô coi!
Đúng là cái giọng hống hách của hương quản Chinh rồi. Cha tôi biết không tránh mặt kịp, đành lên tiếng trả lời:
- Mời chú hương quản cứ việc vô, đồ chó này chỉ giỏi ăn hiếp mấy con thỏ đế chớ không làm gì nổi ai đâu.
Trong lúc cha tôi lấy cái áo mặc vào, hương quản Chinh chống cây ba ton đứng giữa nhà ngó quanh ngó quất. Chị tôi lưỡng lự một hồi mới chịu lấy chiếc chiếu trải lên bộ ván mời nó ngồi. Hôm qua trời mới mưa, đầu cây ba ton của nó còn lấm sình, vậy mà nó để cây ba ton lên chiếc chiếu mới của nhà tôi. Con chó đã thôi không sủa nữa. Không khí trong nhà tôi bỗng yên lặng đến đáng sợ. Cha tôi chờ hương quản Chinh lên tiếng đòi nợ và nghĩ cách trả lời cho trôi. Hương quản Chinh dường như muốn giữ vẻ quan trọng nên chưa thèm nói. Chắc nó muốn cha tôi phải thưa gửi nó trước.
- Bớ đò... qua rước giùm... Bớ đò. Hú... ú...
Tiếng gọi đò bên kia sông đã phá tan sự im lặng nặng nề trong nhà. Cha tôi bảo chị Sáu.
- Con Yển chèo đò qua rước người ta con. Thằng Ngộ dắt em xuống nhà nấu nước. Nước sôi thì kêu tía xuống pha trà cho chú... ờ... cho thầy hương quản uống.
Thường này thế nào tôi cũng giành chèo đò để chị tôi nấu nước. Nhưng hôm nay, cảm thấy có chuyện quan trọng tôi cũng muốn ở nhà nghe xem hương quản Chinh nói chuyện gì. Chị Sáu tôi cũng chần chừ mãi, đợi cho người bên kia sông gọi giục mấy lần nữa mới xách nón xuống bến. Gần xuống tới nơi, chị còn trở lên ghé tai tôi nói nhỏ:
- Ở nhà nếu em thấy nó lấy chiếc chiếu của mình đi thì phải khóc lên giựt lại cho được nghen. Tối nay mưa lạnh lắm, chỉ có một chiếc chiếu để đắp đó. Đợi chị về mới được đi chơi đó đa...
Chị tôi đi rồi tôi dán mũi vào vách nhìn lên nhà coi chừng chiếc chiếc, quên cả chụm lửa nồi nước.
Hương quản Chinh ngồi xếp bằng trên bộ ván, vuốt râu hồi lâu rồi mới bắt đầu nói:
- Anh tưởng hôm nay tôi đến đòi nợ anh nữa hả?
Cha tôi chưa kịp trả lời, nó đã nói tiếp:
- Chuyện đòi nợ là chuyện nhà, để đàn bà nó lo. Tôi còn phải lo việc dân, việc quan, việc làng, việc nước chớ.
Hương quản nói tới đó híp mắt cười, tự tán thưởng cho câu giáo đầu có vẻ văn chương của nó. Được dịp tốt, cha tôi không bỏ qua việc hẹn nợ, ông nói:
- Việc nợ nần thì hôm qua vợ tôi đã nói hết với thím hương quản rồi. Thật là chưa có một đồng một cắc nào trả nợ lúc này được. Hôm nay nếu chú có đòi nữa thì cũng mất công vô ích mà thôi. Còn có chuyện gì quan trọng mà chú tới nhà bữa nay thì chú cứ nói.
- À, chuyện này không quan trọng lắm, nhưng nếu anh chịu làm thì có lợi cho anh, cho tôi, cho cả làng mình nữa. Thôi, vòng vo cũng vậy. Tôi thay mặt Ban hương chức tới đây chỉ bảo cho anh nghe để anh ra lãnh chức hương tuần ở làng mình đó. Ban đầu thì làm nhỏ nhỏ vậy, sau lần lần lên. Nhứt là có tôi làm hương quản, anh giúp việc cho tôi thì anh lên thay tôi... mấy hồi. Ở đời này “nắng bề nào che theo bề nấy”, phải có chút chức phận trong làng trong xóm, thì làm ăn mới được, chớ cứ như anh thì nghèo khó hết đời...
Cha tôi dường như hết muốn nghe, ngắt lời nó:
- Tưởng việc gì chớ việc đó thì tôi đã nói với chú nhiều lần, mà chú cũng biết ý tôi từ lâu rồi. Tới chết tôi cũng không thể nào làm lành, làm lính cho Tây đâu.
Logged
Trang: 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM