Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:09:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cao điểm cuối cùng  (Đọc 112193 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #240 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2009, 01:25:48 pm »

  Có những tiếng cười giòn giã từ phía trước vang lại. Tuấn đi lại nơi có ánh lửa, lố nhố bóng người. Mấy chiến sĩ đang ngồi quây quanh một cụ già dân công, Tuấn cũng sà vào ngồi cạnh đống lửa. 

  Một chiến sĩ mặt láu lỉnh, răng trắng bóng, nói:

  - Bố ơi? Bố đun nước thế này không sợ "Hen-cát" nó cù cho à?

  Tuấn để ý nhìn, nhận ra ông cụ bắc bếp nấu nước ngay trước mũi một chiếc máy bay đổ bẹp rúm. Cảnh này gợi cho anh một ý nghĩ vui vui.

  - Nó cù thì sẵn nước sôi đây các anh làm lông nó luôn. Ấy chỉ có dân công đi chiến dịch Điện Biên Phủ này mới được lắm cái sướng... Chiều hôm kia, một anh lái xe thồ trong bọn chúng tôi được bắt tay Đại tướng đấy! Tôi với anh ta đang ngồi dưới sông vo gạo thì có một người đội mũ "cát", đi đôi ủng đen qua cầu Mường Thanh. Mình chưa biết là ai, nhưng nó trẻ tinh mắt nhận ngay ra là Đại tướng. Anh ta vứt luôn cả nồi cả gạo dưới bờ sông, chạy lên đón đường. Rồi anh ta chìa luôn tay ra nói: "Anh cho em bắt tay anh một cái", Đại tướng cười nắm tay anh ta rồi còn khen: "Các đồng chí xe thồ chiến dịch này khá lắm!". Cậu ta sướng quá, chạy xuống kể lại với tôi. Mình ngồi nghe cứ tiếc ngẩn người. Lúc ấy mà tôi biết là Đại tướng thì tôi cũng chạy lên. 

  Nhìn bộ mặt cụ già khi nhắc lại chuyện này còn ngẩn ngơ, mọi người đều cười. Một chiến sĩ nói:

  - Chúng cháu cũng tiếc hộ cụ đấy!

  Một người khác hỏi:

  - Cụ lên đây đã lâu chưa?

  - Lên được hai tuần thì các anh nổ súng Trần Đình.

  - Cụ ở tỉnh nào?

  - Đông Anh, Vĩnh Phúc. Tôi ở xã Nam Hồng.
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #241 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2009, 01:28:17 pm »

  Thấy các chiến sĩ vẫn thản nhiên, cụ hỏi lại:

  - Các anh có biết xã Nam Hồng không? Không biết à? Ồ... nếu không ai biết thì các anh đồng chí là bộ đội đóng ở miền ngược rồi. Bộ đội ở trung du, hậu địch thì ai cũng phải biết tiếng xã Nam Hồng. Xã tôi ấy à ba bề bốn bên toàn là bốt địch, nhưng vẫn tự do. Địch về không bao giờ đóng lâu được qua ba ngày. Tám năm kháng chiến, dân tôi chưa chịu tề một ngày nào. Nó làm dữ lắm! "Dê-em", tàu bò, lội nước nó càn đi càn lại như ta bừa đám mạ ấy. Làng tôi trước kia, cây cối xanh như rừng, bây giờ cũng đỏ hon hỏn như cái đồn Điện Biên này. Thế mà dân tôi vẫn cứ ở được, vẫn giết được giặc, chiến dịch vẫn góp được người được của với Chính phủ không chịu thua kém bà con hàng huyện, hàng tỉnh, các anh bảo dân tôi có cứng không nào? 

  Cụ già tháo chiếc khăn mặt buộc tùm hum trên đầu. Những sợi tóc vuốt ngược chắc ngày xưa tốt lắm, bây giờ đã gần trắng hết. Ánh lửa soi rõ những đường răn đánh võng hai bên mang tai. 

  - Tôi ở nhà cũng vào du kích! Cũng mấy thâm niên du kích rồi. Bắn súng to thì tôi thua các anh, nhưng đánh mìn, đánh chông thì ở đây ít anh ăn được tôi... Xong trận Điện Biên này thì các anh về xuôi chứ? Về với dân tôi! Tôi lại đi với các anh. Tôi sẽ cố sống lấy vài chục năm nữa với các anh. Kìa nước sôi rồi! 

  Cụ già quờ quạng bàn tay to hằn những đường gân, định tìm một thứ gì lót tay. Một chiến sĩ đã nhanh nhẹn nhích lại bên bếp, lùa hai thanh gỗ nhỏ, nhấc chiếc vỏ hộp bánh chiến lợi phẩm đầy nước, đặt xuống đất.

  Câu chuyện giữa cụ già dân công với các chiến sĩ làm cho Tuấn vui hẳn lên. Cụ già này ở xã Nam Hồng. Hai tiếng "Nam Hồng" quen quen, hình như Tuấn đã nghe ai nói một đôi lần... Tuấn ngồi ghé lại bên cụ dân công, nhìn vào cặp mắt đục lờ nhưng vẫn nhấp nhánh một niềm vui của cụ, rồi hỏi: 

  - Năm nay cụ thọ bao nhiêu rồi?

  - Anh hỏi tuổi tôi à?.. Cảm ơn anh. Ờ ờ...

Sáu chục xuân thu, người vẫn khỏe
Một con bộ đội sử ghi công.

  Tuổi tôi đấy! Năm nay ăn Tết chiến dịch, tôi vừa gánh gạo cho các anh vừa nghĩ hai vế câu đối chơi. Tôi năm nay tuổi thực thì sáu mươi hai, nhưng trong câu đối tôi chỉ lấy sáu chục thôi. "Sáu chục xuân thu, người vẫn khỏe...". Các anh trông tôi có khỏe không nào? Suốt từ khi đi phục vụ chiến dịch đến giờ, tôi không bỏ buổi nào, trời tạnh cũng như trời mưa, cứ đều đều trên vai ba mươi ký. Thanh niên nhiều người gánh khỏe hơn. Nhưng tôi, tôi cứ lấy mức ấy thôi. Có nhiều anh chưa già cũng lấy nê già, chưa yếu cũng kêu rằng yếu, muốn đòi con cái đi phục vụ về giúp đỡ mình. Tôi thì tôi khỏe, tôi cứ nói là tôi khỏe. Ờ ờ... "Một con bộ đội sử ghi công..." Chữ "sử" là to lắm! Việc đời cái gì hay nhất mới đưa vào sử. Tôi chỉ có một đứa con trai, tôi cho nó đi từ năm nó mười sáu tuổi đến giờ. Tôi còn khỏe, Đảng cần nó đi, nó cứ đi. Ai hỏi con tôi công tác gì? Cấp bộ gì? Tôi không cần phô trương. Tôi chỉ nói nó là Trần Quách Cương, ở bộ đội. Thế thôi... Thế là vinh dự lắm rồi! Nào các anh, mỗi người chúng ta làm ngụm nước cơm cháy liên hoan nào. Ngon hơn chè Chính Thái ướp sen đấy...

  Tuấn giương to mắt nhìn cụ già. Anh ngồi lặng đi một lúc. Nên nói với cụ như thế nào đây? Nhưng không thể không nói điều đó với cụ! Anh sẽ nói hết với cụ, người con yêu độc nhất của cụ đã chiến đấu như thế nào... Anh tin rằng cụ sẽ chịu đựng được. Anh nắm lấy bàn tay to và xương xẩu của cụ rồi nói: 

  - Cháu ở cùng đơn vị với đồng chí Cương... Đêm nay, cháu sẽ đón cụ về đơn vị chơi với chúng cháu. Cụ sẽ coi tất cả chúng cháu như con trong nhà. Cháu sẽ nói chuyện với cụ nhiều... Nhất định rồi chúng cháu sẽ về trung du, về xã Nam Hồng cùng cụ.

  Vừng trăng lưỡi liềm như một con thuyền bập bềnh trôi trên nền trời, những đám mây đen dông bão đã chuyển sang màu sáng bạc. Ánh trăng đêm nay chuốt xuống những người ngồi quanh đống lửa một màu đẹp lạ lùng. 

  Cuộc tấn công ở khu Đông bắt đầu khi những cành ban trút lá để đơm hoa. Đêm nay hoa ban vẫn nở trắng rừng Tây Bắc.

Viết xong lần đầu 17-4- 1961


Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM