Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:13:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cao điểm cuối cùng  (Đọc 112010 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« vào lúc: 21 Tháng Hai, 2009, 11:18:25 am »



Tác giả: Hữu Mai
Nhà xuất bản: Văn học
Số hóa: Cám_hn, Russian Weapons.


Tựa


  Nhà xuất bản Văn học đã đưa tôi đọc cuốn “Cao điểm cuối cùng” được tác giả sửa chữa và bổ sung thêm trước khi in lại lần thứ hai, để góp ý kiến, đồng thời Nhà xuất bản cũng yêu cầu tôi viết lời giới thiệu cuốn sách này với bạn đọc nhân dịp kỷ niệm mười năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

  Tôi không phải là nhà văn, cũng không phải là nhà nghiên cứu văn học. Tôi chỉ là một người chỉ huy quân sự có mặt tại mặt trận Điện Biên Phủ. Nhưng tôi rất vui lòng làm công việc này, vì cuốn sách đã đem lại cho tôi nhiều xúc cảm, gợi cho tôi một số suy nghĩ, và cũng vì tôi nhận thấy việc làm này có thể giúp ích phần nào đối với bạn đọc.

  Từ ngày quân dân ta chiến thắng tại Điện Biên Phủ, mười năm đã qua. Công việc trước mắt bận rộn khiến tôi ít có dịp hồi tưởng lại những ngày đầu xuân, đọc lại cuốn sách này, tôi đã thấy hiện ra trước mắt khung cảnh hùng vĩ của Điện Biên Phủ, tôi đã gặp lại ở đây những người đồng chí, những người bạn chiến đấu đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi, cùng chịu đựng và vượt qua những thử thách trong mùa xuân năm đó.

  Mùa xuân 1954, cuộc kháng chiến của chúng ta đã bước sang năm thứ chín. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta càng đánh càng mạnh, càng trưởng thành. Cuộc phát động quần chúng đấu tranh đòi Cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng” đang thổi vào lòng người dân Việt Nam cũng như người chiến sĩ trong quân đội một luồng gió phấn khởi, mạnh mẽ. Những chiến thắng liên tiếp của chúng ta trong nhiều năm đã làm cho đế quốc Pháp ngày càng suy yếu. Nhưng một kẻ thù nguy hiểm hơn, là đế quốc Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ, đã nhảy tới ra sức hà hơi cho Pháp, thúc đẩy Pháp tiếp tục và mở rộng cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

  Kế hoạch Na – va thể hiện âm mưu thâm độc của bọn thực dân hiếu chiến Pháp cấu kết với đế quốc Mỹ, nhằm giành lại quyền chủ động, trong mười tám tháng, bình định xong miền Nam và chuyển toàn bộ lực lượng ra Bắc để tiêu diệt chủ lực ta, hòng đặt lại ách thống trị lên đầu lên cổ nhân dân ta một lần nữa. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được hình thành và trở nên xương sống của kế hoạch Na – va. Đó là một hệ thống gồm bốn mươi chín cứ điểm kiêm cố mà các nhà quân sự có tiếng tăm của Pháp và bọn cố vấn Mỹ đã nhiều lần lớn tiếng tuyên bố là “bất khả xâm phạm”.

  Sau ba tháng bao vây và năm mươi nhăm ngày liên tục chiến đấu, chiều mồng 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân đội ta đã pháp phới bay trên nóc hầm sở chỉ huy của tướng Đờ Cát – tơ – ri. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị san phẳng. Giấc mộng của thực dân Pháp và âm mưu can thiệp để mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ trên đất nước này bị ta vỡ. Chúng buộc phải ngừng bắn và ký kết hiệp nghị Giơ – ne – vơ năm 1954, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

  Ba tiếng  Điện Biên Phủ đã trở nên vô cùng thân thiết và thành niềm tự hào của chúng ta. Điện Biên Phủ mở ra một trang mới chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân ta, và đã trở thành đề tài của nhiều nhà văn, nhà thơ.

  Là một cán bộ trong quân đội, Hữu Mai đã có mặt ở Điện Biên Phủ những ngày đó. Anh đã dựng lại trong “Cao điểm cuối cùng” cuộc chiến đấu trên đồi A1, nơi quân địch đã gọi là “chiếc chìa khóa sống của Điện Biên Phủ”. Chúng đã dồn hết sức lực ra để bảo vệ quả đồi này khi bọ đội ta tiến đánh, vì chúng biết rõ nếu để mất quả đồi này là toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sẽ bị tiêu diệt.

  Những trang sách của Hữu Mai đã làm sống lại khung cảnh hùng vĩ, khốc liệt và vô cùng anh dũng của Điện Biên Phủ mùa xuân năm 1954, với những chiến hào bùn lầy đọng máu mà chúng tôi hiểu rõ giá trị của từng tấc đất, những rừng hoa ban, nơi chúng tôi đã chia nhau miếng củ mài, bát canh rau tàu bay, cũng như san sẻ với nhau những lo lắng trước khó khăn, những niềm vui khi chiến thắng. Nhưng đáng quý hơn là tác giả đã giúp chúng tôi gặp lại ở đây những người bạn chiến đấu năm xưa. Những nhân vật trong “Cao điểm cuối cùng”, từ người chiến sĩ cũ, người chiến sĩ mới, đến những cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, các đồng chí tư lệnh trưởng đại đoàn…, những người có tên hay không có tên trong cuốn sách đều gợi cho tôi hình ảnh thân thiết của những con người thực tại Điên Biên Phủ ngày đó. Đó là những con người bình thường, giản dị, yêu cuộc sống nhưng không sợ hy sinh, những người hiền lành, còn bỡ ngỡ trước một cuộc chiến tranh hiện đại, nhưng lại chiến thắng những kẻ địch hung dữ xảo quyệt có trong tay nhiều vũ khí tối tân.

  Qua những nhân vật này, người viết đã nêu lên được trong cuốn sách, vai trò lớn lao của quần chúng. Đó là những người dân bị áp bức, được sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng đã cầm vũ khí đứng lên quyết định vận mệnh của dân tộc mình.

  Hữu Mai đã nói được vì sao những người nông dân như Khỏe, Quân, Cương, Chư, Ngọ… đã không chịu lùi bước trước mọi thử thách hiểm nghèo của cuộc chiến đấu. Con đường đi của những người tiểu tư sản như Tuấn, như Vinh có khúc khuỷu, quanh co, chông gai hơn, nhưng cuối cùng họ vẫn đi tới đích… Tác giả đã nói được vì sao những cậu học sinh lớn lên trong Cách mạng, không phải chịu sự áp bức bóc lột, vừa rời khhori ghế nhà trường đã bước ngay vào một cuộc chiến đấu hiểm nghèo bậc nhất này, vẫn thích ứng với hoàn cảnh, vẫn lập nên được những chiến công vẻ vang… Với sự giáo dục của Đảng, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã thấm nhuần vào mỗi người dân, làm cho họ cảm thấy tủi nhục khi phải lùi bước trước kẻ thù, và sự xấu hổ khi phải thua kém bạn đồng đội trong cuộc thi đua tiêu diệt bọn cướp nước.

  Nhiều lần, trong cuốn sách, ta thấy tác giả đã miêu tả tỉ mỉ, bằng một thái độ cảm phuc, những hành động dũng cảm của những người chiến sĩ vô danh. Họ là những người bị lạc khỏi đơn vị trong khi đánh nhau, những người được bổ sung ra mặt trận giữa hai đợt chiến đấu. Trong lúc  không có người chỉ huy, không có ai biết tên tuổi họ, họ vẫn chiếm giữ trong đồn địch, tìm súng đạn của chúng bổ sung cho mình, tìm thức ăn ăn cho đỡ đói, rồi tự mình tìm cách xông lên tiêu diệt kẻ thù. Họ đã nêu cao tinh thần anh dũng độc lập chiến đấu, họ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trên chiến trường Điện Biên bao la và khốc liệt này, những chiến công của những người chiến sĩ vô danh vô cùng to lớn. Những con người đó chỉ có thể xuất hiện một cách đẹp đẽ như vậy trong chế độ chúng ta. Tác giả đặt biệt chú ý đến họ. Do đó, anh đã nói lên được một cách đúng đắn vai trò của quần chúng, vai trò của những người quyết định chiến thắng. Họ đã tiếp tục truyền thống của ông cha ngày xưa trong cuộc chiến tranh chống xâm lăng và đang xây đắp thêm những truyền thống mới của quân đội ta.

  Tác giả cũng đã tỏ ra không giản đơn khi viết về chủ đề này. Ngày đó, cuộc chiến tranh đã đặt trước quân dân ta những nhiệm vụ khó khăn vượt rất xa sức mình. Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta chỉ mới đánh những cứ điểm do một tiểu đoàn địch chiếm đóng. Đến chiến dịch này, chúng ta phải đánh một tập đoàn cứ điểm với quân số tương đương hai mươi bốn tiểu đoàn. Kẻ địch có máy bay, xe tăng, pháo 155 ly, súng phun lửa và súng liên thanh có tia hồng ngoại. Đổi lại, ngoài một số pháo ít ỏi, chúng ta chỉ có toàn vũ khí nhẹ, những gói thuốc nổ và những tri thức quân sự rút ra trong quá trình kháng chiến.

 
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Ba, 2021, 11:33:26 am gửi bởi ptlinh » Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #1 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2009, 11:20:26 am »

  Những thử thách của cuộc chiến đấu ở đây rất gay gắt. Chỉ cần lùi về phía sau một bước trong một phút yếu hèn là người cán bộ, người chiến sĩ có thể trở thành một tên đào ngũ xấu xa. Trước một cuộc chiến đấu như vậy, những diến biến tư tưởng chung của bộ đội hay của từng người không giản đơn. Nhiều người đã đi vào cuộc chiến đấu một cách thanh thản. Nhưng cũng có những người mỗi khi vượt qua một thử thách đã phải trải qua những cuộc đấu tranh gay go. Tác giả đã đi sâu vào những diến biến nội tâm phức tạp này. Anh không giấu giếm là có những kẻ đã lùi bước trong cuộc đấu tranh. Anh cũng đã nói lên những dấu hiệu sút kém về tinh thần của một số người sau ngày cuộc chiến đấu gặp khó khăn. Nhưng anh đã nói rõ, trong lúc đó, bàn tay mẹ hiền của Đảng luôn luôn ở bên chúng ta, nâng chúng ta dậy, chỉ con đường vinh quang cho chúng ta đi, và chung quanh ta lúc nào cũng có sự tiếp sức lớn lao của quần chúng. Tác giả tỏ ra rất coi trọng nghị lực, tinh thần tự đấu tranh của từng người trong trường hợp đứng trước thử thách. Do đó, những người có tâm hồn còn ít nhiều yếu đuối như Tuấn, như Vinh, cuối cùng vẫn vượt qua những thử thách gay go nhất. Qua nhân vật Tuấn, tác giả muốn nói: “Chúng ta phải luôn luôn tự đấu tranh với sự yếu hèn trong con người của mình, đừng có bao giờ để nó lấn ta, những lúc khó khăn nhất cũng là những bước thử thahcs ý chí sắt đá của con người. Anh muốn chứng minh trong khi đề cập đến cuộc đấu tranh này tác dụng to lớn của sự giáo dục lý tưởng chiến đấu của Đảng.

  Kẻ địch trong cuốn sách đã được diễn tả sinh động với tính chất nham hiểm, quỷ quyệt, ngoan cố trong cuộc chiến đấu và những mặt trái xấu xa của chúng. Nhiều sự thật lịch sử ở đây đã được tôn trọng. Qua đó tác giả càng làm nổi rõ hơn sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ huy sáng suốt và đầy tinh thần trách nhiệm của cán bộ ta, trí tuệ của quần chúng và tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân đội ta.
Tuy tập trung vào miêu tả cuộc chiến đấu, nhưng qua một vài nét phác nhanh, một đôi hình ảnh đậm đà về người dân công địch hậu, tác giả cũng đã làm cho người đọc thấy được một phần sự đóng góp lớn lao của nhân dân ta, một yếu tố đã góp phần quyết định chiến thắng.
Hữu Mai không chỉ có phản ánh cuộc chiến đấu, anh còn muốn tìm tòi phân tích, giải thích vì sao chúng ta đã giảnh được chiến thắng. Anh không phải chỉ viết về tinh thần chiến đấu anh dũng của quân đội, mà người đọc còn thấy anh đề cập đến một vấn đề về công tác chính trị, công tác lãnh đạo tư tưởng, vấn đề chiến thuật, vấn đề tổ chức, chỉ huy bộ đội…

  Ngày đó, quân đội thực dân xâm lược Pháp đã giội xuống đầu chúng tôi tất cả những thứ sắt thép mà chúng tôi và đế quốc Mỹ đã mang đến đất nước ta. Cuộc chiến đấu phải kéo dài hơn dự định. Bộ đội ta đã phải trả giá đắt mỗi tấc đất giành giật lại trong tay kẻ thù. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trước sự sống còn của dân tộc, vì tự do ngày hôm nay của chúng ta và ngày mai của những thế hệ mai sau, bộ đội ta đã siết chặt đội ngũ tiến lên phía trước, lớn lên trong khói đạn, và cuối cùng đã chiến thắng.

  Đây là sự chiến thắng của đường lối quân sự đúng đắn, của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Có lẽ đó là điều chủ yếu chúng ta thấy tác giả muốn nói lên trong cuốn sách này. Anh muốn ca ngợi tinh thần chiến đấu hy sinh anh dũng của bộ đội như anh đã ghi lại ở trang đầu cuốn sách lời nói của Hồ Chủ Tịch:

  “Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

  Anh đã đạt được mục đích của anh. Anh đã chứng minh được yếu tố quyết định thắng lợi của quân đội ta là “con người” là “tinh thần hy sinh chiến đấu cho chính nghĩa”. Bản anh hùng ca Điện Biên PHủ đã nói thêm một cách hùng hồn rằng không có một quân đội xâm lược thiện chiến nào có hể chiến thắng và khuất phục nổi một dân tộc khi họ đã đoàn kết và quyết tâm đấu tranh vì chính nghĩa giành lại độc lập tự do.

*
*    *


  Là một chiến sĩ Điện Biên Phủ, tôi đã tìm thấy qua “Cao điểm cuối cùng” một người thân thiết xa cách từ lâu. Cuốn sách đã rung động tôi vì nó đã phản ánh được khá trung thực cuộc chiến đấu và những con người đã viết nên một trang sử chói lọi của dân tộc. Tính chân thực đặc biệt của bối cảnh lịch sử, sự việc diễn biến và các nhân vật được xây dựng nên trong cuốn tiểu thuyết đã làm cho nó trở nên hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, đồng thời tạo ra cho “Cao điểm cuối cùng” trong một chừng mực nào đó, giá trị một sử liệu.

  Tuy nhiên, trong khi miêu tả phân tích tinh vi những diễn biến tâm lý, tình cảm của các nhân vật cán bộ, đặc biệt là những cán bộ tiểu tư sản, Hữu Mai đã tỏ ra còn bị hạn chế khi đi sâu vào tâm hồn của những cán bộ, những chiến sĩ xuất thân từ những thành phần cơ bản. Điều đó đã hạn chế một phần sự thành công của anh.

  Đó là những điều tôi muốn nói với các bạn trước khi đọc cuốn sách này.


Hà nội, ngày 20 tháng 2 năm 1964
Thượng tướng
HOÀNG VĂN THÁI

« Sửa lần cuối: 21 Tháng Hai, 2009, 11:22:51 am gửi bởi Russian Weapons » Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #2 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2009, 11:24:54 am »

PHẦN THỨ NHẤT



I.



  Mùa xuân năm ấy, khi những cây ban bên sườn núi trút hết lớp lá hình chân ngựa rách rưới, nở rộ đầy cành những bông hoa trắng năm cánh, thì cuộc chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Sau khi tiêu diệt các đồn Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, gọt được lần vỏ ngoài của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chúng ta chuyển sang giai đoạn hai của chiến dịch tiến đánh vào khu trung tâm.

  Ba mươi tư vị trí địch, trong đó có sở chỉ huy của tướng Đờ Cát và sân bay, nằm chen chúc nhau giữa cánh đồng. Những ngôi nhà sàn, quê hương của những điệu xòe và cây đàn tính, những vườn cam, bưởi mơ, muỗm trĩu quả đã bị san bằng không còn sót lại một chiếc cột, một thân cây. Tất cả đã trở thành công sự địch. Con sông Nậm Rốm mọi năm vào mùa này, trong xanh, êm đềm chảy ngang các bản mường, giờ đen ngòm gai góc vì phủ đầy dây thép gai và mìn của địch. Năm quả đồi phía đông tô đẹp cho cánh đồng, chỉ còn là những ụ đất lớn đỏ hỏn, nhớp nhúa, bệnh tật. Dù tiếp tế các màu rơi đầy trên những vị trí. Từ trên cao trông xuống, cả khu trung tâm của địch như một miếng thịt khổng lồ, bầy nhầy đọng máu, ruồi nhặng bâu đặc.

  Trong khi địch chặt hết cây cối, đốt trụi từng búi lau, từng đám cỏ gianh quanh vị trí để phơi mình ra giữa trời, thì quân ta cố gắng náu mình thật kín đáo dưới đám rừng xanh đậm của những rặng núi bao quanh cánh đồng. Đường hào trục nối liền các vị trí trú quân của ta, nằm vắt trên những quả đồi, giấu mình đỏ son dưới bóng um tùm của những cây dẻ vỏ khô mốc nứt nẻ, những rừng vầu, trúc, nứa, tre xanh ứ nước. Nó đổ dồn từ trên núi cao xuống cánh đồng. Địch đã giội hàng loạt bom napan ở cửa rừng, thiêu cháy những quả đồi cỏ gianh, để tìm những đường hào ăn về vị trí tập kết của quân ta. Nhưng những con hào khôn ngoan vẫn giấu mình dưới dàn cây ngụy trang hễ đổi sắc là được thay ngay. Chúng men theo những quả đồi trọc bù xù những câu chó đẻ rồi tỏa ra ngang dọc trên mặt cánh đồng. Vào thời gian này, trận địa chiến hào của ta đã trở thành một sợi dây thòng lọng khổng lồ vây quanh tập đoàn cứ điểm. Địch đã không tiếc bom đạn để ngăn chặn bước tiến của những đường hào. Nhưng cứ sau mỗi đêm, những con hào không biết chết ấy, lại mọc thêm chân thêm tay, lại ngóc đầu bò đến gần các vị trí của chúng hơn.

  Trưa hôm nay, bầu trời Điện Biên vẫn còn thâm tím vì những trận mưa dầm dề mấy ngày qua. Từ buổi sớm mưa đã ngớt, nhưng mặt trời vẫn chưa ngoi lên khỏi biển mây xám đục. Đất ướt sũng nước mưa, thở ra một thứ hơi nồng oi ả, nặng trịch. Những rặng núi cao dần lên từng đợt bao quanh cánh đồng Mường Thanh bốc hơi nghi ngut. CẢ cái lòng chỏa khổng lồ này vẫn u uẩn trong một thứ mù trắng pha sắc xám nhiều lúc vẩn lên dữ dội.

  Thường thường vào buổi trưa, những đường hào trên trận địa nằm im phơi mình sưởi nắng mặt trời, hay ngủ lặng dưới rừng cây. Nhưng trưa nay nó đang cuộn lên, dướn mình về phía địch.
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #3 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2009, 11:26:54 am »

  Lệnh tiến quân đến sau bữa cơm sáng.

  Các chiến sĩ, từ những hầm hố bám chân rết dọc theo đường hào trục, đã dồn ra chật chiến hào. Hôm nay, họ chỉ mang theo trang bị chiến đấu. Ba lô, chăn màn, quần áo, những đồ dùng giản dị của họ đã gửi cả lại cho bộ phận hậu cần phía sau. Tuy bớt nặng nề đôi chút, nhưng họ vẫn không gọn gàng hơn bao nhiêu. Súng, đạn, bộc phá, thủ pháo, lựu đạn, cơm nắm, ống tre đựng nước... lỉnh kỉnh đầy trên người. Để đôi cánh tay được dễ dàng sử dụng vũ khí, các chiến sĩ đã tìm mọi cách, đeo hoặc cột chặt những thứ đem theo vào người. Bộc phá khối đánh lô cốt đeo trên lưng như ba lô. Những quả thủ pháo tròn khó buộc quai, được nhốt trong những chiếc rọ nhỏ đan bằng tre, lồng vào thắt lưng, bám một vòng quanh bụng. Xẻng, cuốc đều được buộc dây đeo trên người.

  Tiếng lựu đạn va nhau lục cục. Tiếng thép của lưỡi xẻng mỏng chạm vào nòng súng lanh canh. Người ta còn nghe cả tiếng sột soạt của những bộ quần áo chưa giặt hết hồ. Hầu hết các chiến sĩ đều mặc quần áo mới. Họ đã có thói quen dành những bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất cho những ngày đặc biệt này. Có người, vì nghĩ đến những điều thiết thực, thứ vải mới sẽ bảo vệ cho họ phần nào trước những mấu dây thép gai. Có người, vì nghĩ đến những điều xa xôi..., mình sẽ ngã trên chiến trường, phải bước sang thế giới bên kia với một bộ quần áo đẹp.

  Cũng vẫn là những chiến sĩ bình thường mọi ngày, nhưng hôm nay họ uy nghiêm lạ thường. Sương nắng, đói rét, thiếu thốn, bom đạn của chiến trường đã tạo trên người họ những nét giống nhau. Mấy tháng nay họ ăn, ngủ, làm việc, học tập ngay trong tầm súng cối cỡ nhỏ của địch. Đêm đêm, lần vào gần vị trí địch kiến thiết trận địa dưới những trận bão đại bác. Ban ngày mọi sinh hoạt đều tiến hành trong những căn hầm nhỏ hẹp không thể đứng thẳng người, có khi hàng tuần không rửa mặt, rửa chân tay. Ca, bát sau bữa cơm, chỉ lau bằng lá tre ráp. Trời mưa to, vừa ngủ ngồi vừa tát nước từ chiến hào tiêu không kịp chảy vào hầm. Mỗi đêm đi đào trận đại về, đơn vị lại vắng thêm một vài người, Họ nghiến răng chờ những ngày chuẩn bị căng thẳng này qua đi. Và hôm nay, giờ chiến đấu đã đến. trong tâm hồn họ bỗng chốc được lọc đi những cấn sạn, được rút đi những sợi dây bé nhỏ thường làm vướng mắc họ trong cuộc sống hàng ngày. Đầu óc họ trở nên trong sáng, minh mẫn. Đôi khi một kỷ niệm xưa cũ đột ngột hiện ra trong đáy sâu thẳm của ký ức, một người thân, một gnafy đen tối, một mái nhà tranh... nhưng rồi mọi suy nghĩ đều mau chóng quay về tụ tập quanh nhiệm vụ lát nữa họ sắp phải làm. Họ nghĩ dến những trường hợp chiến đấu khó khăn sẽ xảy ra, và lúc đó họ phải dùng khẩu súng, lưỡi lê như thế nào... Tinh thần họ thẳng căng những tình cảm tốt đẹp. Cơ thể khô héo mệt mỏi của họ bỗng như được tắm trong một thứ nước lạ kỳ tươi tốt hẳn lên, tràn đầy sức sống.

  Con chim hót như tiếng người huýt sào thường đến khua động sự yên tĩnh của khu rừng này vào những buổi trưa, vừa về đậu trên cảnh dẻ, thấy quang cảnh nhộn nhạo ở đây, nó xù lông, giương đôi mắt đen tròn nhìn mọt lúc, rồi vỗ cánh bay đi.

  Gió đưa lại mùi hăng hăng của những trái bom napan, mùi khét nồng của những búi chó đẻ bị thiêu cháy, và đôi khi, mùi khắm lặm của một con trâu lạc bị chết vì đạn đại bác.

  Chân đại liên ba chạc kềnh càng, nòng “mác – xim”, bộc phá ống, súng trường, tiểu liên... tua tủa như một hàng chông vừa dựng lên miệng chiến hào. Dòng người cuồn cuộn đổ xuống núi.
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #4 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2009, 11:30:06 am »

II.



  Xuống đến cánh đồng, tốc độ tiến quân của bộ đội chậm hẳn lại. Nhiều đoạn hào nước ứ cao tới bụng, đỏ lầm như son. Mỗi lần các chiến sĩ cất chân lại nhấc theo từng tảng đất nặng như cùm. Miếng bạt rải nằm cuộn lần trắng ra ngoài, đeo chéo người làm tín hiệu nhận nhau ban đêm, đã nhuốm màu hồng.

  Đến đây, đường hào tỏa thành nhiều nhánh. Ta không còn đủ sức để giấu hàng trăm cây số giao thông hòa dưới mặt đất. Giàn cây ngụy trang trên đầu họ lá đã khô quắt, chỉ còn dùng để che mắt quân địch ở trên cao điểm khi bộ đội vận động dưới chiến hào.

  Vị trí địch đã hiện ra trước mắt họ, giữa cánh đồng. Hai quả đồi đứng chạm chân nhau nổi lên màn sương mù vẩn đục, một màu đen mốc, một màu đỏ gạch, trông giống như cặp mắt dữ tợn của một người chột say rượu.

  Những ống bộc phá đen sì, những nòng súng lành lạnh, nhiều  lúc nằm im không nhúc nhích trên những đôi vai gầy. Đoàn quân gần như không tiến được nữa.

  Đã thế, giữa lúc này lại có lệnh của trung đoàn, tiểu đoàn 2 hành quân trước phải đi nép sang bên cho tiểu đoàn 1 ở phía sau vượt lên. Đường hào lầy lội vốn đã hẹp, lại càng trở nên chật chội. Hai hàng quân đan vào nhau, tiếng gọi nhau nổi lên í ới. Tiểu đoàn 2 đi trước phải nhường đường, khích đơn vị chủ công:

  - Lề mề! Lề mề! bọc giấy bóng kính mãi quen rồi giờ gọi đến không muốn đi phỏng?

  - Có vào trước thì quén cho gọn cái rào, đừng ỉa nhây ỉa nhớp ra rồi bắt anh em dọn!

  Các chiến sĩ chủ công không chịu kém lời:

  - Tán phét mãi đi, lát nữa gọi đến tên không lên chúng tớ bảo cho...

  Những đôi bạn ở hai đơn vị gặp nhau...

  - Cậu đấy à? Anh dũng lập công nhé!

  - Lát nữa gặp nhau trên đồn, sẽ liên hoan.

  - Cứ như trận Bản Ngà là được.

  Đúng ngày này năm ngoái, họ đã tiêu diệt đồn Bản Ngà. Trận đánh tuyệt đẹp, tiêu diệt gần hai đại đội mà đơn vị hầu như không bị thương vong.

  Lại đùa bỡn nhau...

  - Mắt chuột gặm thế kia, đi có nhớ đường về không?

  - Đừng lo... Cần dặn vợ con gì bảo tớ, tới nói họ.

  - Cầm hộ cái “Nicơle” này... – Một anh trai vừa nói vừa chìa chiếc đồng hồ đeo ở cổ tay, lót bằng một miếng nỉ đỏ.

  - Hàng đế quốc tớ không thèm cầm. “Nicơle” của cậu đổi nửa điếu thuốc lào cũng không đắt.
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #5 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2009, 11:33:54 am »

  Thấy bộ đội bị mắc nghẽn lâu, tiểu đoàn trưởng Vinh lách qua các chiến sĩ tiến lên phía trước. Dáng đi của anh uyển chuyển, nhanh nhẹn. Cũng vẫn là bộ quân phục màu xanh lá cây, nhưng quần áo anh bó sát lấy người rất gọn gàng. Chiến hào nhiều chỗ ngập lội mà đội giày của anh gần như không dính bùn, mỗi nước anh đi lại kêu ót ét. Vinh gặp Quỳ, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn chủ công, ở ngã ba giao thông hào. Họ nhìn nhau. Cái nhìn khá nhiều ý nghĩa. Lát nữa hai người cùng trực tiếp nắm hai mũi quân xông lên đồn địch. Họ đều là cán bộ tiểu đoàn từ lâu. Nhưng đây là trận đánh đồn đầu tiên, đơn vị của họ nằm trong đội hình chiến đấu của cả đại đoàn.

  - Đơn vị cậu lên được mấy C rồi? – Vinh hỏi trước.

  - Hai C.

  Vinh ra lệnh:

  - Truyền lên: D2 tránh sang bên, nhường D1 lên trước!

  Lệnh này bộ đội đã biết từ ban nãy. Nhưng Vinh cứ nhắc lại một lần nữa trước mặt Quỳ để nói: đơn vị cậu ra chậm làm phiền tụi mình đấy, nhưng bọn mình vẫn hết lòng phục vụ cho chủ công. Mặc dù lệnh của anh được truyền lên, hàng quân vẫn không nhúc nhích.

  Vinh dừng lại chỗ Quỳ, ghếch chân lên một mô đất, tháo tuột sợi dây dù cuốn loăn xoăn ở đầu bao súng, buộc chặt vào ống quần. Anh nhảy lên nhiều lần xem khẩu súng còn đập vào bắp đùi nữa không. Trái với thái độ hoạt động sôi nổi của anh, tiểu đoàn trưởng Quỳ vẫn đứng im lặng, cổ thu lại trong chiếc dù ngụy tran gloaf xòa, mắt nhìn đi đâu. Anh ta như đang bận tâm vì một điều gì ở xa xôi lắm. Quỳ rút tay khỏi túi xem đồng hồ, rồi lặng lẽ cho tay vào túi quần. Thường ngày Quỹ vẫn ít nói. Anh ta tỏ vẻ ít bận tâm đến chung quanh và giữ im lặng ngay cả khi có những việc động chạm tí chút đến mình. Thái độ này làm cho Vinh thấy anh ta có cái gì sâu sắc, chính chắn hơn mình. Vinh vẫn phải nhìn Quỳ bằng cặp mắt nể nang. Nhưng bộ mặt lạnh lẽo có vẻ kiêu kỳ của người tiểu đoàn trưởng chủ công lúc này làm Vinh khó chịu. Vinh nghĩ thầm, hay anh ta coi thường mình chăng?

  Nhiệm vụ chính của bộ chỉ huy chiến dịch đề ra cho đợt tiến công thứ hai này là phải tiêu diệt toàn bộ dãy đồi khu Đông gồm năm cao điểm. Năm quả đồi mọc giữa cánh đồng Mường Thanh đã trở nên một bức thành thiên nhiên kiên cố, che cở cho gần ba mươi vị trí địch nép mình dưới chân, chặn ngang đường tiến quân của ta, và khống chế một vùng rộng lớn trên trận địa. Đơn vị Trường Sơn được giao nhiệm vụ đánh chiếm quả đồi ghi trên bản đồ tác chiến bằng ký hiệu A1.
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #6 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2009, 11:37:35 am »

  Trong hội nghị phổ biến kế hoạch tác chiến ở trung đoàn, trung đoàn trưởng Lê Trang chủ chương đánh một mũi. Theo kế hoạch này, tiểu đoàn 2 của Vinh sẽ đi sau tiểu đoàn 1 của Quỳ, là tiểu đoàn chủ công của trung đoàn. Chủ trương của trung đoàn trưởng bị Vinh phản đối. Anh nói đánh như vậy không chia cắt địch, không buộc chúng phải phân tán đối phó, phạm vào sai lầm về chiến thuật. Còn một điều quan trọng khiến anh không tán thành kế hoạch này mà anh không nói ra. Từ khi chiến dịch mở màn, lần này đại đoàn anh mới bắt đầu ra quân. Các đơn vị bạn đều đã chiến thắng ròn rã, tiêu diệt những cứ điểm Him Lam, Độc Lập... Sau những ngày học tập, kiểm điểm, anh muốn để mọi người thấy bản thân mình có một sự đổi mới. Bây giờ trung đoàn lại phân công cho tiểu đoàn anh làm đội hình thứ hai. Anh không lạ gì cái nhiệm vụ hẩm hiu này... Khi người ta vào chiếm đồn, bắt tù binh, thu chiến lợi phẩm, thì mình nằm bên ngoài để hứng đại bác. Theo sự tính toán của anh, đánh một cao điểm như A1, chả cần phải đưa đến cái đội hình thứ hai vào đồn. Mà dù có được đánh đấm tí chút, công lao cũng chẳng ra gì. Điều suy tính đó cộng với quan niệm về chiến thuật của anh, đã làm anh phản đối kế hoạch tác chiến của trung đoàn trưởng khá gay gắt. Một số cán bộ đồng ý với anh. Một số tán thành ý kiến của trung đoàn trưởng; họ cho rằng lần này đánh một lúc năm cao điểm ở gần nhau, dù ở A1 chỉ đánh một mũi, cũng vẫn là có điểm có diện, làm phân tán sự đối phó của địch rồi.
Tan buổi họp, Vinh vùng vằng đi ra mặt đỏ gay. Chính ủy đại đoàn đứng chờ anh, cặp mắt thông minh xoáy vào anh rất chăm chú. Chính ủy hỏi:

  - Đồng chí đã quyết tâm đánh chưa?

  - Đi tới đây là chỉ để đánh giặc, bây giờ được đánh, đồng chí bảo tại sao lại không quyết tâm! Nhưng tôi không tán thành đánh một mũi.

  - Như vậy, nếu trung đoàn cứ chủ trương đánh một mũi thì đồng chí có quyết tâm không?

  Vinh hơi lúng túng, nhưng rồi anh nói:

  - Bao giờ tôi cũng quyết tâm tiêu diệt địch, nhưng đánh như thế là đem quân đi mà nướng...

  Anh vẫn có lối nói ngổ ngáo, táo tợn. Chính ủy không tỏ vẻ khó chịu, cầm tay áo anh, kéo anh tới một gốc cây, bảo anh ngồi bình tĩnh trình bày lại mọi ý kiến của mình về kế hoạch tác chiến của trung đoàn. Nghe xong, chính ủy ngẫm nghĩ rồi hỏi Vinh:

  - Bây giờ đánh hai mũi, giao cho tiểu đoàn đồng chí phụ trách một mũi, đồng chí có nhận không?

  Vinh mừng rơn nhưng không tỏ ra thái độ, chỉ giả nhời một cách mà anh cho là đúng mực:

  - Tất nhiên trên giao thì chúng tôi nhận.

  Chính ủy nhìn thẳng vào mắt Vinh, bộ mặt anh hiền hậu dễ gần, nhưng cái nhìn của anh đôi khi nhọn và sắc như một mũi khoan.

  - Nhưng nếu vẫn đánh một mũi và cứ phân công cho các đồng chí đi sau tiểu đoàn 1 thì sao?

  Vinh đành phải nói:

  - Chúng tôi vì trách nhiệm đối với trận đánh mà phát biểu... Nếu trên chấp nhận ý kiến của chúng tôi đánh hai mũi thì giao làm nhiệm vụ gì chúng tôi cũng nhận. Nhưng... đồng chí nghĩ đã đi đánh giặc thì người cán bộ nào lại không muốn xông lên trước hơn là đứng nhìn người ta xung phong xong rồi chạy theo...

  Cuối cùng, chính ủy nói với anh:

  - Tôi sẽ về trao đổi lại với đảng ủy về ý kiến của đồng chí. Đồng chí chuẩn bị bộ đội sẵn sàng làm nhiệm vụ trong cả hai trường hợp, hoặc cứ như cũ, hoặc đánh hẳn một mũi. Trên quyết tâm đánh cách nào thì mình cũng phải quyết tâm. Đừng nói lung tung ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng anh em.

  Mấy hôm sau, Vinh được trung đoàn trưởng gọi điện thoại cho biết kế hoạch tác chiến đã thay đổi, sẽ đánh hai mũi, và tiểu đoàn của anh sẽ phụ trách mũi diện. Buông điện thoại, Vinh quật mạnh chiếc mũ nồi xuống cạnh máy, reo lên: “Thế là được việc Đảng, Chính phủ rồi!”. Đó là một thói quen bộc lộ tình cảm khi anh có điều gì thích thú...

  Đêm nay, Vinh đã nghĩ thầm, phải làm mọi cách cho đơn vị anh vào đồn trước tiểu đoàn 1. Thái độ của người bạn bên tiểu đoàn chủ công chọc vào lòng tự ái của anh, khiến anh càng quyết tâm hơn. Vinh lấy thuốc lá. Bao thuốc chỉ còn một điếu, anh ngắt đôi đưa cho Quỳ một nửa và nói:

  - Đàn anh và từ từ cho đàn em bên này theo với!

  Quỳ nhếch mép cười nửa miệng. Cái cười của cậu ta thật là khó chịu.
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #7 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2009, 11:48:37 am »

III.



  Khi họ nhìn rõ những cột dây thép gai trên đồn địch thì trời đã ngả chiều. Cũng may, chưa bị chậm quá so với giờ nổ súng đã quy định. Dọc đường tiến quân, họ không bị đại bác địch cản trở. CÁc chiên sĩ đều ướt từ nửa người trở xuống. Những đồng chí thấp bé bị ướt tới ngực. Họ dừng lại ở đầu suối Pom Loi.

  Tới đây đã gần vị trí địch lắm rồi, nghển cổ lên khỏi chiên shoaf có thể đếm được những ụ súng, những lỗ châu mai trên đồn. Chiến hào của ta mới chỉ đào được đến đây. Lệnh của trên là phải đào giáp tận hàng rào dây thép gai của địch. Nhưng việc đào trận địa ngay dưới chân đồn bị địch gây nhiều khó khăn. Một số cán bộ đã đề nghị đào bắt vào con suối cạn này, và lợi dụng dòng suối tiến vào đồn. Những người đã chiến đấu có kinh nghiệm đều biết mỗi con suối, mõi tử giác quanh đồn địch, thường được pháo binh của chúng tính toán kỹ lưỡng. Nhưng vì chưa làm được hơn, hôm nay họ vẫn phải để bộ đội tiến quân theo dọc suối này.

  Tiểu đoàn trưởng Vinh và chính trị viên tiểu đoàn Tuấn tới đại đội 1, gặp tiểu đoàn phó Quân đang ngồi nói chuyện với đại đội trưởng Khỏe và trung đội trưởng Cương. Tiểu đoàn phó thấy Vinh tới, thái độ hơi lúng túng. Anh lảng tránh cặp mắt của Vinh, đứng dậy lủi về phía sau. Theo sự phân công trong ban chỉ huy tiểu đoàn Vinh đi với đại đội 1 vào đồn trước, còn Quân đi với đại đội 3 vào sau cùng. Tiểu đoàn phó không vừa lòng với sự phân công này. Anh đã ở với đại đội 1 năm, sáu năm nay, thuộc tính nết và khả năng chiến đấu của từng cán bộ, chiến sĩ. Sau khi được đề bạt lên chỉ huy tiểu đoàn, anh vẫn không muốn xa nó. Nhiều đêm, anh bỏ tiểu đoàn bộ xuống đại đội ngủ chung với các chiến sĩ. Trong lúc chiến đấu này, anh càng không muốn xa nó. Nhưng nể người chỉ huy của mình, anh nhận phân công không nói năng gì.

  Vinh hỏi đại đội trưởng Khỏe:

  - Đã kiểm tra bộc phá kỹ chưa?

  - Đã.

  - Bảo đảm nổ giòn chứ?

  - Bảo đảm.

  Vinh đặt hai tay lên đôi vai u tròn của người đại đội trưởng có bộ mặt to ngang rắn câng câng, đôi mắt nhỏ và xếch:

  - Nắm chắc lấy đảng viên và chiến sĩ thi đua mở cửa đột phá cho thật nhanh! Vào sau tiểu đoàn 1 là nhão chuyện...

  Người đại đội trưởng có lẽ không hiểu hết những ý tứ trong câu nói của Vinh, anh trả lời tiểu đoàn trưởng bằng một tiếng "vâng" nghiêm trang.
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #8 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2009, 11:51:33 am »

  Trung đội trưởng bộc phá Cương ngồi bên anh bỗng nói:

  - Mở xong cửa đột phá, tiểu đoàn cho chúng tôi củng cố bộ đội vào đồn luôn.

  Vinh nhìn người cán bộ hơi chăm chú. Anh ta có đôi mắt nhiều lòng đen, và nước da mịn như da con gái đang đỏ ửng lên. Ngồi bên người đại đội trưởng dáng dấp dữ tợn, trông anh ta chả có vẻ gì là con nhà quân sự. Người cán bộ này mới về tiểu đoàn anh ít lâu nay. Nghe nói trước kia anh ta chiến đấu khá lắm, nhưng Vinh chưa hình dung ra được lúc đánh nhau, người có cái tướng con gái đó sẽ làm như thế nào.
Cái nhìn khó hiểu của tiểu đoàn trưởng khiến anh ta ngượng nghịu, bàn tay hơi thô cứ xoay mãi chiếc đèn gìn. Vinh nói:

  - Đồng chí cố gắng mở cửa đột phá cho tốt. Mở được cửa đột phá là coi như đồng chí làm tròn nhiệm vụ trong trận đánh này rồi.

  Vinh không tin trung đội này sau khi mở xong cửa đột phá lại còn đủ sức tiếp tục cuộc chiến đấu trong đồn địch.

  Từ phía Hồng Cúm vọng lại một loạt tiếng nổ rền như tiếng sấm. Nó bắn đi đâu giờ này? Những vành tai như mở rộng để thu những tiếng động từ xa vọng lại, không lâu, những thỏi đại bác đã rít  gió trên đầu, xoèn xoẹt lao xuống, dựng lên những đụn khói suốt dọc suối. Tiếng nổ muốn xé màng tai mọi người.

  Vinh quát:

  - Tản ra! Cán bộ sao túm tụm cả một chỗ thế này?

  Địch tiếp tục bắn hết loạt đại bác này đến loạt khác. Kẻ địch như đã biết trước kế hoạch tiến quân của ta. Những viên đạn đi chệch nhất chỉ rơi không cách dòng suối quá năm chục mét. Đường đi phía trước đã bị ngăn bằng một hàng rào thép lửa. Khói đại bác lùa vào chiến hào mù mịt. Đội hình ở đây khá dày. Các chiến sĩ, người tạm lánh vào những hầm ếch dọc chiến hào, người nằm phủ phục lấy thân mình che những ống và những khối thuốc nổ. Trận oanh tạc như có chuẩn bị từ trước, đến hơi bất thần, quạt thốc vào hàng quân một luồng gió lạnh. Đây đó, những câu nói để làm yên lòng nhau:

  - Mẹ mày, có ít đạn mới thả dù bắn hết đi! Lát nữa không bắn được thì ông bảo!

  - Đấy? Nó lại đánh trống tế bố nó!

  Có lẽ là lời một đồng chí tổ trưởng tổ ba người nói với một chiến sĩ tân binh...

  - Ngẩng đầu lên mà nhìn? Bình tĩnh! Lát nữa mình làm gì cậu cứ làm thế!

  Giữa những giờ phút căng thẳng đó, bỗng thấy tiếng đại bác nổ dồn dập một cách khác thường. Có người đã phân biệt được những loạt tiếng pháo nổ đầu nòng từ dãy núi phía sau lưng họ vọng lại:

  - Đại bác của ta...!

  - Pháo ta bắn rồi anh em ơi?

  Một số chiến sĩ đang nằm ép mình trên đất bùn, bật dậy như chiếc lò xo, bám lấy miệng giao thông hào, nghển cổ nhìn về phía đồn địch, quên cả nguy hiểm. Đúng là lựu pháo của ta cũng bắt đầu nhả đạn. Lúc đầu còn thấy những đám khói đen sủi lên trên đồn, lát sau cả quả đồi đỏ ối đã chìm trong một đám mây xám đặc sệt, luôn luôn lóe ra những ánh chớp lửa.
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #9 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2009, 11:53:22 am »

  Những xao xuyến trong hàng quân dịu hẳn đi. Những người ban nãy chỉ gục đầu xuống đất để tránh pháo địch đã ngửng mặt lên, nhìn về phía trước. Tuy nhiên, đại bác địch bắn mỗi lúc một thêm dữ dội. Ngoài việc rải đạn theo dọc suối, chúng còn dựng cả một hàng rào lửa quanh vị trí.

  Cả thung lũng Mường Thanh sôi lên ầm ầm.

  Biết đường tiến quân đã bị lộ, không thể chờ đại bác địch thôi bắn, đại đội trưởng Khỏe nhảy ra khỏi hầm ếch, lao lên đầu suối cạn, ra lệnh cho bộ đội vượt nốt chặng đường cuối cùng:

  - Tiến!...

  Tiếng nói của anh được truyền rất nhanh từ đầu đến cuối hàng quân. Các chiến sĩ xách súng, bộc phá nhỏm dậy. Cả những người đã quen với chiến đấu, phút này bỗng thấy người ướn lạnh, thoáng rùng mình. Cái rùng mình ở giờ phút họ lao vào cuộc chiến đấu vinh quanh và hiểm nghèo bậc nhất.

  - Mỗi người cách nhau năm thước, vượt thật nhanh!

  Đại đội trưởng Khỏe khom lưng, đứng áp người một bên vách hào. Bóng anh bị những làn khói xám xóa nhòa đi rồi lại hiện ra ở chỗ cũ.

  - Nó bắn! Nằm xuống!

  - Vượt nhanh? Tổ ba người nắm lấy nhau!...

  Các chiến sĩ làm theo đúng lệnh anh. Cách chỗ anh một quãng, chính trị viên đại đội Thọ không biết đã lên tự lúc nào, đang động viên những người chạy qua:

  - Học tập rồi, giờ là chiến đấu, quyết tâm!

  Cả khúc suối mờ mịt khói đại bác. Chỉ chạy được mươi bước, các chiến sĩ lại phải lao người gục mặt xuống sỏi đá để tránh một đợt pháo mới của địch. Họ đưa tay lên xoa mặt tưởng vừa bị bùn đất bắn vào, chợt nhận ra đấy chỉ là những mảnh thi thể nát vụn của bạn đồng đội. Những búi tre bị đại bác chém đổ ngang dòng suối làm chậm thêm bước tiến của họ trên quãng đường nguy hiểm. Một chiến sĩ đại bác tiện cụt chân, vươn tay bám lấy một gốc tre, lê người nép vào bên bờ suối mặt trắng bệch, miệng vẫn gào:

  - Nằm sang bên! Nằm sang bên! Dành đường cho anh em lên!

  Nhiều thương binh nghiến răng ken két để khỏi bật tiếng kêu rên.

  Dọc suối có một ngách hào không biết ai đào từ trước. Mặt trống của nó quay ra đúng quãng đại bác địch rơi nhiều. Mấy chiến sĩ đến đấy thấy đại bác lao xuống, vội nhảy vào ngồi trong đó, đều bị thương. Đại đội trưởng Khỏe nhiều lần thét lên bảo những người đi sau đừng vào đó nữa. Nhưng ít người nghe rõ tiếng anh. Cái hầm trú ẩn thật nguy hiểm. Khỏe chưa biết giải quyết thế nào, chợt lại thấy một bóng người ôm theo một đồng chí khác chui vào hầm. Khỏe gọi tướng lên, anh ta vẫn không ngoái lại. Đặt bạn nằm trong hầm xong, người đó quay đầu chạy xuống, Khỏe nhận ra cái miệng đen sì những râu của chính trị viên. Anh hỏi:

  - Chỗ ấy đại bác địch bắn nhiều, sao lại đưa thương binh vào?

  - Không. Đặt vào đấy một đồng chí tử sĩ, lát nữa chúng mình lên hết, anh em đơn vị bạn đi sau, khỏi nhảy vào.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM