Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 12:39:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cao điểm cuối cùng  (Đọc 112179 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #30 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2009, 08:26:27 pm »

  Lúc đó Ngọ mới hiểu tại sao anh ta có vẻ mặt như ngây ngô, hai tai anh ta đã bị đại bác làm điếc đặc. Sợ nguy hiểm cho anh ta, Ngọ ra hiệu cho anh ra khỏi đồn.

  - Không... Không ... Đánh xong tôi mới về.

  Tiếng anh ta oang oang. Có lẽ sợ Ngọ vẫn chưa nghe rõ câu nói của mình, anh ta lại tiếp:

  - Tai điếc, tay không điếc đâu! - Anh vừa nói vừa xua tay, rồi lại vỗ vào khẩu súng.

  Mặt đất vẫn rung lên đều đều, một thứ chấn động là lạ, không giống như sự rung chuyển khi đại bác nổ. Những tiếng ầm ì từ xa vẳng lại mỗi lúc một gần. Lát sau, có những tiếng nổ rất đanh, như xé màng tai. Ngọ từ trong hầm vừa bước ra ngoài hào mắt bỗng bị lóa đi vì một đám lửa lớn. Cả người anh nóng rát như bị vứt vào trong một lò than. Anh ngó đầu nhìn về phía đỉnh đồi thấy một ngọn đèn pha sáng rực. Định thần nhìn kỹ, một chiếc xe tăng đen sì đang tiến chầm chậm về phía anh, vừa đi vừa tuôn ra những tiếng nổ rất đinh tai. Ngay lúc đó, Ngọ lại thấy một lưỡi lửa đỏ liếm dài trên mặt đất phía bên phải, tỏa ra một mùi hăng hăng như mùi bom napan. Ngọ chưa hiểu ra sao thì có người nói to bên tai: 

  - Đồng chí cho tôi lại diệt thằng mang súng phun lửa.

  Anh quay lại thấy người chiến sĩ bị điếc vì đại bác đứng sau lưng mình.

  - Nó ở chỗ nào, đồng chí chỉ cho tôi!

  - Không nghe thấy gì đâu, tôi đi đây...

  Ngọ biết mình nói với anh ta thì mình lại nghe. Ngọ chỉ vào tai anh ta và xua tay ra hiệu. Anh ta lắc đầu.

  - Không việc gì đâu. Tôi trông thấy nó rồi.

  Anh ta cầm thủ pháo trong tay chạy vụt đi theo con đường hào bên trái. Ngọ không kịp làm gì thêm, chiếc xe tăng đang tiến lại phía anh môi lúc thêm gần. Bất giác Ngọ sờ tay lại sau lưng tìm quả bộc phá đánh tăng. Nó đã rơi đâu tự lúc nào. 

  Bên phía Phấn con bố trí, đồng chí lang má đang vội vã hướng dẫn nốt cho người tân binh những điểm cuối cùng trong bài học về bắn trung liên. 

  - ... Bấm hết nấc buông ra ngay là đi ba viên một... Khi nào nóng quá thì đái vào nòng... Bắn nó rồi thì phải di chuyển vị trí luôn không nó truy lại ... Cậu giữ lấy súng, tớ đi đây... 

  Anh tháo thêm một quả thủ pháo ở thắt lưng của Phấn, nhảy lên giao thông hào và từ từ trườn người về phía xe tăng địch. Hai quả thủ pháo nổ dữ dội. Chiếc xe tăng gầm lên rồi thụt lùi về phía sau. Ngọn đèn trên xe quay gần về phía anh lang má. Tìm được kẻ địch rồi, nòng súng xe tăng bắt đầu chúc xuống. Cái nòng súng như chiếc vòi hút máu của một con quái vật...
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #31 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2009, 08:50:10 pm »

VII.


  Tối nay, trong những phút chiến đấu ác liệt Tuấn thấy mình đã khác với con người của chính mình cách đây chưa đầy một tháng. Không phải cái hố sâu thăm thẳm và giá ngắt của Thần chết bớt đe dọa anh. Nhưng anh đã nhận thấy rõ ràng, thà chịu đựng những phút rờn rợn, toát người ở nơi bom đạn, còn dễ chịu hơn chúi đầu trong một căn hầm phía sau, để chịu những giày vò cắn rứt trong tâm hồn. Anh đã tìm thấy sự yên tĩnh và nguồn vui ngay trong hoàn cảnh chiến đấu gay go khốc liệt này. 

  ... Sau cuộc học tập chính trị mùa hè năm 1953, Tổng cục chính trị có chủ trương đưa một số cán bộ và đơn vị chiến đấu về để tăng thêm chất lượng cho cơ quan, đồng thời đưa một số cán bộ ở cơ quan lâu ngày ra thử thách, rèn luyện trong chiến đấu. Từ đoàn văn công của Tổng cục chính trị, Tuấn vác ba lô về tiểu đoàn 2, nhận chức chính trị viên phó tiểu đoàn. Như vậy anh nhận chức vụ mới thấp hơn chức vụ cũ của mình một chút. Đó là một cách để anh rèn luyện làm quen dần với công tác mới. Hồi mới về đơn vị, trong những buổi học tập quân sự của cán bộ, người ta thấy anh chỉ ngồi nghe không nói. Những cán bộ chưa biết anh, hỏi các bạn anh là ai, thường được người kia trả lời: "Cán bộ văn nghệ đấy? Mới ở Tổng cục thuyên chuyển về tiểu đoàn 2". Một thời gian ngắn, anh đã có ý kiến góp vào các cuộc thảo luận. Anh còn ít nói, nhưng ý kiến anh thường không sai vì những lập luận của anh bao giờ cũng giống với sự hướng dẫn của trên. ít lâu sau, anh đã tham gia vào những cuộc tranh cãi sôi nổi, với nhiều lý lẽ sắc sảo như những người cán bộ chính trị khác. 

  Mọi người không còn nhìn anh bằng cặp mắt khang khác với một người cán bộ văn nghệ ở cơ quan mới chuyển sang công tác quân sự. Cả những đồng chí cán bộ tổ chức ở đại đoàn, xuống theo dõi tình hình, cũng đã coi anh như một người cán bộ chính trị bình thường ở đơn vị. Trước khi lên đường đi chiến dịch, đồng chí chính trị viên tiểu đoàn mắc bệnh phải ở lại hậu phương, người ta không ngần ngại cử anh thay thế. Trường hợp này cũng không phải là đặc biệt, nhiều cán bộ chính trị của ta đã ra nắm đơn vị chiến đấu như vây.

  Anh cố gắng làm quen với cuộc chiến đấu còn quá xa lạ... Trên đường hành quân chiến dịch, được phổ biến ta sẽ đánh địch ở Điện Biên Phủ, địch ở đây đóng thành một tập đoàn cứ điểm trên cánh đồng, có thể ta sẽ đánh địch bằng cách đào trận địa ban đêm xuyên thăng vào các vị trí địch; tự nhiên người chính trị viên này từ đó luôn luôn bận tâm đến chiếc đèn pin của mình... Anh có một chiếc đèn pin không được tốt lắm, nhiều lúc xoay đi xoay lại mãi nó vẫn không sáng, nhưng có khi để nằm yên trong balô trên đường hành quân tự nhiên nó bật sáng, và tiêu thụ gần hết đôi pin của anh mới mua. Anh lo nhỡ trong khi mình đi kiểm tra trận địa giữa cánh đồng, với tính đãng trí xưa nay của anh, chiếc đèn pin sau lưng anh bật sáng, luồng ánh sáng nguy hiểm của nó sẽ kéo theo một cơn mưa đại bác địch xuống trận địa, làm thương vong một số lớn bộ đội... Điều lo lắng cứ ám ảnh cho tới lúc anh thực tế đã đem theo đèn pin đi kiểm tra đơn vị đào trận địa trên cánh đồng.
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #32 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2009, 08:50:59 pm »

  Anh đã làm quen với trận chiến đấu đầu tiên như thế này... Đêm hôm đó đơn vị đào chiến hào vào giáp vị trí địch. Ngày công kích tới gần. Lệnh của trên, nếu địch đánh ra thì phải dùng hỏa lực đuổi địch và tiếp tục đào vào. Nửa đêm, anh đang ngồi vói tiểu đoàn trưởng ở sở chỉ huy tiểu đoàn, đại đội 3 ở trận địa báo cáo về, địch đánh ra rất mạnh. Anh nghĩ lúc khó khăn này mình phải có mặt ở đó. Nhưng nghe pháo địch nổ liên hồi, anh thấy hiện ra trước mắt con đường hào bị bắn phá giập nát không ocnf nơi trú ẩn, bộ đội thương vong nằm ngổn ngang, anh ngần ngại... Anh mong cho kẻ địch bị đánh lui chóng chóng, để mình đỡ phải có mặt ngoài đó. Nhưng cuộc xung đột vẫn kéo dài. Tiểu đoàn trưởng báo cáo tình hình về trung đoàn. Tuấn lắng tai nghe. Anh lại mong trung đoàn thấy tình hình khó khăn, sẽ ra lệnh cho đại đội 3 rút lui. Nhưng lệnh của trung đoàn là cử tiếp tục làm nhiệm vụ. Nửa giờ sau, ngoài trận địa báo cáo, địch vẫn liên tiếp tấn công ra. Anh lại mong cho tiểu đoàn trưởng sốt ruột sẽ ra ngoài đó, để anh ở nhà nắm tình hình chung, giữ liên lạc với trung đoàn. Nhưng tiểu đoàn trưởng vẫn thản nhiên, không tỏ dấu hiệu gì là mình sẽ ra trận địa. Nhiều ý nghĩ quay cuồng trong đầu anh... Đi thì bao nguy hiểm đang chờ anh. Cứ ngồi đây, không ai thúc giục anh phải đi. nhưng trách nhiệm của người chính trị viên cắn rứt. Sau này kiểm điểm..., khó khăn như vậy mà cả ban chỉ huy tiểu đoàn đều ngồi nhà? Tiểu đoàn trưởng còn có lý do, anh ta phải ở sở chỉ huy chung, để theo dõi chỉ huy chung, báo cáo và nhận mệnh lệnh của trên... Còn anh, có việc gì bắt anh cứ phải ngồi đây? Nếu người ta nghi ngờ tiểu đoàn trưởng ngại đại bác, anh ta còn có cả quá trình chiến đấu cũ để làm người ta phải cân nhắc. Chứ còn anh, anh không có gì có bênh vực, che giấu cái điều đáng hổ thẹn, xấu xa của mình. Mặc dầu anh đã có nhiều cố gắng, người ta sẽ nhìn thấy rõ anh vẫn chỉ là một anh lính giấy" không hơn. Những tính toán như vậy chưa đủ đem lại cho anh quyết tâm. Đến khi nhớ tới chiều hôm trước, anh đã nhân danh bí thư đảng ủy tiểu đoàn tới động viên chi bộ đại đội này cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đêm nay, anh quả quyết đứng dậy, bảo tiểu đoàn trưởng ở nhà, mình ra trận địa. 

  Liên lạc viên của tiểu đoàn đã đi công tác hết, mình anh mò mẫm theo đường giao thông hào lầy lội, nhiều quãng bị sạt vì đại bác. Phía trước, dịch bắn pháo sáng liên tiếp. Trận địa đại đội 3, khói đại bác phủ mờ như sương. Những bóng tối nhấp nhô... Những vũng nước mưa phản chiếu ánh sáng như những mảnh gương vỡ ai rải làm chướng ngại trên đường. 

  Chiến hào vắng ngắt. Trừ bộ phận bố trí ở ngoài cùng đang chiến đấu với địch, ở phía sau, anh em đã chui cả vào hầm ếch để tránh pháo. Thỉnh thoảng anh lại giật mình vì một quả đại bác nổ gần. Sắp tới trận địa: anh đang định dừng bước, thì thấy một bóng người đứng ở ngách hào phía trước. Tới gần, anh nhận ra đồng chí đại đội phó của đơn vị này. Người cán bộ chào anh. Tuấn hỏi: 

  - Anh em đâu? Gần đến nơi chưa? - Tuấn cố nói bằng một giọng bình tĩnh.

  - Báo cáo anh, còn khoảng một trăm thước nữa.
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #33 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2009, 08:51:45 pm »

  Tuấn không hỏi thêm, với vẻ thản nhiên, anh tiếp tục đi. Anh nghe có những bước chân nhè nhẹ sau lưng. Không cần phải ngoái lại, Tuấn cũng biết là người cán bộ đang đi theo mình. Tuấn im lặng tiến ra phía trước, với vẻ bình thản của một người đang đi về nhà. Đồng chí đại đội phó đi sau anh chắc không thể biết được là nếu không có anh ở sau lưng, Tuấn đã dừng lại rồi. Chính vì có anh ta mà Tuấn cứ đều chân bước mãi. Có lúc Tuấn nhận thấy mình đã liều lĩnh đi quá xa. Nhưng anh không thể hỏi người cán bộ đi sau anh đã đến đâu rồi, vì cảm thấy câu hỏi đó là thú nhận sự hèn nhát của mình. Anh cứ đi cho tới khi đồng chí đại đội trưởng từ một căn hầm nhô ra cản anh lại, báo cáo chỗ đó đã nằm trong tầm lựu đạn của địch. Và anh ở lại trận địa với bộ đội suốt đêm... Sau đêm đó, Tuấn được coi là một người cán bộ chính trị sâu sát, xông xáo. Mọi người không hiểu được những diễn biến tư tưởng của anh. Nhưng có hề chi! Miễn là cuối cùng anh có được những hành động như thế! Còn đi sâu vào tư tưởng thì thiếu gì những chuyện lắt léo khác, ngay cả ở những người xưa nay đã nổi tiếng vì dũng cảm. Tuấn rút ra cho mình những nhận xét để chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu sau này... Trận địa không đáng ghê sợ như khi người ta ở xa tưởng tượng đến nó. Thần kinh của mình cũng không đến nỗi tồi, nó cũng tạm đủ sức chịu đựng những tiếng rú rít của bom đạn. Cứ lăn vào việc rồi cái gì cũng sẽ quen đi... 

  Tuấn thuộc loại người có cuộc sống bề ngoài trầm lặng, bên trong nhiều khúc mắc. Mỗi chuyện ở trong đầu anh thường đọng lại và bị anh trăn trở nhiều lần. Anh nhiều tính toán. Nhưng sự tính toán đó trong phần lớn trường hợp đã làm cho anh thành một người biết điều. Mỗi lần làm được một việc khó khăn, tư tưởng anh thường phải trải qua những cuộc vật lộn khá gay go giữa cái tốt và cái xấu. Nhưng anh rất xem thường những tâm hồn hèn kém, thiếu nghị lực. Mấy hôm nay, Tuấn phải xuống các đơn vị hướng dẫn và theo dõi tình hình học tập thư động viên của đồng chí Đại tưởng Tổng tư lệnh gửi tới trước giờ chiến đấu. "Tất cả cán bộ và chiến sĩ đều phải thấm nhuần quyết tâm của trên, khi ra trận phải kiên quyết dũng mãnh đánh nhanh giải quyết nhanh, đánh mạnh như vũ bão, không để mất một cơ hội nào để tiêu diệt địch. Người trước ngã, kẻ sau lên, cán bộ và đảng viên làm gương cho toàn quân, mỗi một chiến sĩ đều làm gương trong khi xung phong giết giặc, mỗi người đều có một khí thế rất lớn, không sợ khó khăn, không sợ thương vong, làm cho quân địch thấy bóng quân ta là phải kinh khủng... " Trong khi giải thích cho cán bộ và chiến sĩ những điều như thế, một câu hỏi cứ xoáy trong đầu anh: “Liệu mình có thực hiện được yêu cầu của trên không?". Anh bị nó giày vò. Khó khăn này đến với anh nhiều lần từ khi anh chuyển sang công tác mới. Là người giáo dục bộ đội, duy trì chính sách, anh không thể không nói ra những điều tốt đẹp của Đảng. Có người khi làm công việc này, họ không bận tâm gì, với họ nói cứ nói, còn mình có làm được như lời mình nói hay không, lại là chuyện khác. Nhưng anh không giống những người đó. Anh nghĩ khuyên người khác làm những điều mà mình sẽ không làm, là một trò bịp bợm. Anh biết trước trong trận đánh tới mình sẽ gặp những thử thách chưa từng thấy. Và cuối cùng anh tự bảo mình, không thể làm khác những điều mình đã nói. Hôm nay, anh bước vào cuộc chiến đấu với một tâm hồn thanh thản...
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #34 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2009, 08:53:38 pm »

  Trong những giờ chiến đấu vừa qua, mỗi lần một nguy hiểm giội qua người, thấy mình vẫn sống, Tuấn cảm thấy đầu óc nhẹ nhàng hơn, bình tĩnh hơn. Tuấn đã làm tròn nhiệm vụ ban chì huy phân công cho anh ở ngoài đồn. Anh tổ chức những đồng chí đến chậm, những người lạc đơn vị, những người bị thương nhẹ... thành những bộ phận nhỏ, đưa vào đồn tăng viện. Anh động viên những thương binh còn có thể đi được, tự mình lui về phía sau. Anh đôn đốc tải thương lên cửa đột phá đưa thương binh ra. 

  Đến lúc này, những người còn chiến đấu được đều đã vào trong đồn, tiếng rên của những chiến sĩ bị thương chưa đưa được về sau, làm anh rát ruột. Trong đồn, liên thanh, lựu đạn vẫn nổ như ngô rang, chứng tỏ cuộc chiến đấu còn tiếp diễn gay go. Anh nhớ lại thái độ chần chừ, không bình thường của đồng chí tiểu đoàn trưởng khi nãy. Đại bác chen bắn mạnh ở cửa đột phá, một giờ rồi chưa có một thương binh nào ra thêm. Và nếu có ra được nữa thì những người gần chết lịm đi trên những chiếc cáng thương đó, cũng không thể giúp anh hiểu rõ tình hình trong đồn. Anh nảy ra ý nghĩ phải lên đồn xem ra sao. Tuấn gọi đồng chí cán sự chính trị tiểu đoàn bảo anh ta thay mình giải quyết mọi công việc ở đây. Anh buộc chặt lại dây giày, dây mũ. 

  Dưới ánh sáng đèn dù, đường qua cửa mở nằm giữa những bãi dây thép gai, như có anh thợ cạo tinh nghịch chạy một đường "tông đơ" trên cái đầu tóc mọc bù xù. Đồn địch như một đống tro lớn thỉnh thoảng lại bị ai ném vào một hòn đá, bụi lầm lên. Tuấn dùng hết sức chạy nhanh lên chiếc lô cốt đầu tiên. Đường dốc trơn làm anh ngã chúi mấy bận. 

  Anh dừng lại thở, ngó quanh tìm một bóng thân thuộc trong đường giao thông hào. Chợt anh nhìn thấy một xác người cụt cả hai chân, nằm cạnh ụ súng gần đó. Tuấn vẫn chưa tránh khỏi choáng váng khi nhìn vào những vết thương, anh đã toan bỏ qua, bước chân đi. Không biết một sức gì thúc đẩy, bắt anh phải quay lại cúi xuống xem người đó là ai. Anh buột miệng kêu lên: 

  - Đồng chí Đặng!

  Và anh suýt giật bắn người khi thấy đôi mắt của xác chết chằm chằm nhìn anh như mắt người sống. Đôi môi mỏng nhợt nhạt của người đó mấp máy. Anh đỡ hoảng hốt và nhận ra đồng chí này chưa chết. Trong thời gian học tập chính trị, anh đã đi sát theo dõi trung đội của đồng chí này. Người trung đội trưởng đó chiến dịch trước, trong trận Nà Si đã tụt lại sau bộ đội không làm tròn nhiệm vụ mở cửa đột phá.
Trước ngày đi chiến đấu, Tuấn đã gặp anh, nhắc nhở cố gắng thực hiện quyết tâm. Thấy miệng đồng chí mấp máy, biết anh định nói gì,
Tuấn ngồi ghé xuống bên. 

  - Sửa chữa được khuyết điểm... r..ô..ồ...i i! - Tiếng nói của anh ta thều thào như một tiếng thở dài.

  Cổ họng Tuấn như tắc lại. Nghẹn ngào một lát Tuấn nói:

  - Hoan nghênh tinh thần chiến đấu của đồng chí... Đồng chí nằm tạm đây một lúc, tôi tìm người đưa đồng chí ra ngoài.

  Một nụ cười nhợt nhạt nở trên môi người thương binh.

  - Đồng chí đau lắm phải không? Cố gắng một lát nữa. Tôi đi gọi tải thương đến ngay.

Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #35 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2009, 08:54:55 pm »

  Người trung đội trưởng không nói gì, miệng vẫn giữ nguyên nụ cười Tuấn nhìn kỹ thấy hai mắt anh đờ ra. Anh ngồi lặng một lúc bên xác người đồng chí. Tuấn cầm chiếc mũ nan rơi bên cạnh, đậy lên mặt đồng chí Đặng, rồi nhảy xuống giao thông hào, đi sâu vào phía trong.

  - Đơn vị nào đấy...? Lên được bao nhiêu người?

  Tuấn nhận ra tiếng nói oang oang của tiểu đoàn trướng. Nói to với anh ta thành một cố tật. Anh đáp:

  - Tuấn đây.

  Vinh nhìn Tuấn như có vẻ ngác nhiên vì sự có mặt của anh lúc này.

  - Dưới ấy còn đơn vị nào nữa không?

  - Không. Chỉ còn toàn thương bệnh nặng, tải thương đang chuyển dần về phía sau.

  Tuấn đến bên Vinh hỏi nho nhỏ:

  - Tình hình thế nào?

  - Hết quân rồi! Chỉ còn mấy người đây thôi...

  Tiếng Vinh vẫn oang oang. Tuấn ngửi thấy miệng Vinh sặc mùi rượu. Anh ghé sát tai Vinh:

  - Nói nho nhỏ không anh em nghe ảnh hưởng.

  Sau khi bộ đội vào đồn. tiện gần lên đến đỉnh đồi, Vinh cho rằng mình đã nắm được ba phần tư thắng lợi. Tuy biết rõ địch đã có một thời gian dài để kiến thiết công sự nhưng Vinh vẫn nghĩ, dù sao cũng chỉ là những công sự dã chiến. Vấn đề anh tự đặt cho mình là phải làm sao đánh thật nhanh tới sở chỉ huy địch trước tiểu đoàn của Quỳ. Nhưng thằng địch và cách bố trí của nó trong đồn này không giống thằng địch và cách bố trí của địch ở những nơi khác anh đã gặp Những đợt tấn công quyết liệt và liên tiếp của tiểu đoàn anh không đạt dược kết quả bao nhiêu. Ngược lại, bộ đội anh còn bị tiêu hao nặng. Kẻ địch khi ẩn khi hiện như những bóng ma. Ta đã phí nhiều sức lực, thuốc nổ, đạn và lựu đạn để đánh vào những chỗ không người. Và từng lúc chúng lại hiện ra ở những chỗ bất ngờ, xả súng bắn vào ta rồi lại biến đi. Trong những trận đánh trước, nếu ta đã lọt vào đồn địch, thì không phải lo trọng pháo của chúng nữa, nhưng lần này địch đã dùng mọi cỡ pháo lớn nhỏ để sát thương quân ta ngay trong đồn của chúng. Quá nửa đêm, tiểu đoàn 2 không còn đủ sức mở những đợt tấn công mạnh mẽ vào quân địch. Và cũng là lúc địch bắt dầu phản kích. Dựa vào pháo lớn, xe tăng, súng phun lửa và lực lượng cơ động của Mường Thanh lên tiếp viện, những đợt phản kích của địch khá mạnh và khá liên tục. Cán bộ, chiến sĩ ta còn lại trong đồn phải dàn thành một tuyến mỏng trên các vị trí đã chiếm được để chống địch phản kích. Họ tổ chức thành những bộ phận nhỏ tự động tác chiến. Chỗ Vinh đứng chỉ còn có bảy người, kể cả anh  đại đội trưởng Khỏe. Người đại dội trưởng này bắt đầu làm công việc của một tiểu dội trưởng, một chiến đấu viên. Đạn địch hình như tránh anh ta. Do sự chiến đấu gan dạ của anh, những đợt phản kích của địch về hướng này đều bị đánh lui. Có một điều lạ, cứ sau khi đánh địch xong lại không thấy anh ta đâu. Vinh lúng túng không biết trong tình hình này nên giải quyết thế nào. Quân số còn rất ít, tấn công địch thì không có lực lượng, chả nhẽ cứ cố thủ bám lấy mấy đường hào chờ địch tiêu diệt đến người cuối cùng? Có nên rút không?... Vinh muốn đem việc đó bàn với Khỏe, nhưng anh tự hỏi mình có nên đưa vấn đề này ra với cấp dưới...
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #36 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2009, 08:58:47 pm »

  Giữa lúc ấy, Vinh bỗng thấy gian hầm bên cạnh có ánh đèn sáng. Vinh sục vào thấy Khỏe lúi húi trong đó. Không biết anh ta làm thế nào kiếm được cả bình pin và bóng đèn, dấu dây thép sáng chưng. Khỏe đang gạt chiếc rầm đổ, kẻo ra mấy hòm lựu đạn mắc kẹt. Thấy tiểu đoàn trưởng vào dáng điệu tư lự mỏi mệt, Khỏe dúi vào tay Vinh một cái chai và nói: 

  - Anh làm tý cho nó nóng người.

  Vinh nhìn nhãn hiệu ngoài chai, một loại rượu nặng của Pháp. Anh ghè vỡ cổ chai vào hòm đạn và tu một phần ba chai rượu như uống nước suối. Giá mọi khi uống như vậy thì say lắm, nhưng lúc này Vinh vẫn thấy mình tỉnh táo. Từ ụ súng gần đó thỉnh thoảng lại vọng tới những tiếng lóng lạ tai của người chiến sĩ điện thanh. Nhờ có phương tiện thông tin này, sau khi vào dồn, Vinh đã liên lạc được với trung đoàn. Anh báo cáo kịp thời với cấp trên tất cả tình hình, nhưng không có triệu chứng gì tỏ ra cấp trên sẽ cho đơn vị anh rút lui... Giữa lúc ấy chính trị viên tiểu đoàn lên gặp anh... 

  Nghe tiểu đoàn trưởng nói sơ qua tình hình. Tuấn hỏi:

  - Tại sao địch vẫn cứ bắn đại bác vào trong đồn?

  - Không hiểu ra thế nào?

  Tuấn hỏi tiếp:

  - Những hầm như thế này có chịu được đại bác không?

  - Đấy... sang bên cạnh mà xem... Còn mấy chiếc này cũng sắp sập nốt với nó bây giờ.

  - Nó bắn vào đồn như vậy chắc nó phải có chỗ ẩn nấp tốt?

  - Tất nhiên rồi!

  Qua những câu trả lời như thế của tiểu đoàn trưởng, Tuấn hỏi sang chuyện khác:

  - Từ tối đến giờ chính ủy trung đoàn có chỉ thị gì không?

  - Có nhắc quyết tâm. À... còn dặn làm đúng chính sách thương binh.
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #37 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2009, 09:02:18 pm »

  Tuấn lần theo những ngách hào chật hẹp, tanh lợm mùi vỏ đồ hộp, mùi máu và mùi thuốc súng. Thương binh nằm khắp mọi nơi. Nhận ra Tuấn, các chiến sĩ lộ vẻ vui mừng. 

  - Chính trị viên cũng lên đây với anh em chúng tôi à?...

  Câu nói chắc là thực thà của người chiến sĩ đến với Tuấn vừa như một lời khen, vừa như một lời phê bình. Đúng là mình chưa thực gắn bó với họ. Các chiến sĩ nêu cho anh nhiều câu hỏi rất khó trả lời: 

  - Sắp giải quyết xong đồn chưa đồng chí?

  - Tình hình thế nào mà cứ để nó phản kích mãi?

  - Anh em ở ngoài vào hết chưa?...

  Anh nhận thấy họ có nhiều thắc mắc, nhưng họ đều nghĩ là trước sau cũng tiêu diệt được đồn. Tuấn đi về phía có tiếng người kêu to. Đến gần, anh nghe một giọng nói như giọng nói của người say rượu: 

  - Cán bộ đâu? Học tập rồi mà bỏ anh em đây à? Chính sách để đâu?

  Một người đứng quay lưng lại phía Tuấn, đang nói với anh ta.

  - Làm thằng chiến sĩ bị thương một tí mà kêu gào như trẻ con! Không trông thấy tù binh ngồi lù lù kia à?

  Người đó nói xong quay ngoắt lại, đi về phía Tuấn. Tuấn nhận ra đại đội trưởng Khỏe, đôi mắt sâu đầy vẻ cáu giận. Khỏe thấy anh chỉ nói: "Đồng chí đã lên" rồi đi thẳng. Tuấn nghĩ mình phải gặp người thương binh này. Đến gần, thấy chính trị viên Thọ đang ngồi bên anh ta. Thọ nhìn Tuấn mỉm cười, gật đầu chào, miệng vân tiếp tục nói: 

  - ... Không cán bộ thì ai đang ngồi cạnh đồng chí? Cán bộ đang chiến đấu cả ngoài kia. Lát nữa tóm được thằng quan tư, bắt nó đến đây khênh đồng chí ra ngoài. Đừng la nữa, tây nó cười cho? Đưa tay đây, tôi băng lại nào! 

  Giọng nói của người chinh trị viên đại đội nửa như dỗ dành, nửa như vui đùa.

  - Đây này... cả chính trị viên tiểu đoàn cũng đến thăm đồng chí. Đồng chí xem có phải chính trị viên tiểu đoàn không nào?

  Tuấn lại bên người chiến sĩ.

  - Đồng chí không nên nói như vậy, cán bộ không bỏ đồng chí. Chúng tôi lúc nào cũng ở bên các đồng chí.

  Người thương binh reo to:

  - A! Đồng chí bí thư đây rồi! Tôi trông thấy đồng chí là tôi trông thấy Đảng... Căm thù giai cấp để đâu? Không diệt xong đồn thì tôi không về. Còn thằng nào đánh thằng ấy, còn răng nào bừa răng ấy! Xê ra cái thằng ma rốc này...
Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #38 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2009, 09:04:00 pm »

  Anh ta dùng cánh tay còn lại đẩy người chính trị viên đại đội. Thọ vẫn bình tĩnh:

  - Kìa, đồng chí lại nhầm. Chính trị đây mà! Thọ râu đây, Ma rốc làm gì có áo trấn thủ như thế này!

  Lúc đó Tuấn mới nhận ra vết thương quá nặng đã làm người thương binh mê sảng. Anh ta không chịu nhận người ngồi bên là chính trị viên, cứ xua quầy quậy. Nhưng anh ta lại nhận Tuấn là đồng chí bí thư. Thọ đưa miếng gạc bông và cuốn băng cho Tuấn: 

  - Vậy thì đồng chí bí thư đồng chí băng hộ đồng chí đó!

  Người thương binh ngoan ngoãn chìa cánh tay bị thương ra cho Tuấn. Lần đầu trong đời Tuấn làm công việc này, băng cho một người chiến sĩ bị thương trên mặt trận. Chạm vào những chỗ đau của người thương binh, Tuấn thấy buốt tận ruột. Có lúc anh xây xầm mặt mày. Làm xong, Tuấn vui mừng như vừa vượt được một khó khăn, thấy mình gần với anh em hơn. Khi người thương binh đã chịu nằm im, hai người kẻo nhau ra một quãng hào vắng. Thọ nói: 

  - Thương binh rất nhiều, cửu thương, y tá không còn ai, anh em phải bố trí chống địch phản kích, tôi đi băng cho anh em mãi vẫn không xuể. Đồng chí cho ý kiến nên giải quyết thế nào? 

  Tuấn chợt nhớ ra một số đồng bào bị địch bắt vừa được ta giải phóng, anh đã gặp họ ngồi trong các giao thông hào:

  - Ta có thể nhờ các đồng bào khiêng dần anh em ra ngoài không?

  - Ngoài cửa đột phá địch bắn dữ lắm, không hiểu họ có chịu đi không?

  - Thử gắng động viên họ xem!

  Thọ định đi thì Tuấn giữ lại:

  - Tình hình địch như thế nào mà lại không đánh được?

  - Trên đỉnh đồi, địch có một chiếc lô cốt cố thủ. Có lẽ khi ta đánh, địch thụt cả vào trong đó rồi dùng đại bác tiêu hao ta, khi thấy ta yếu là chúng xông ra phản kích. Từ nửa đêm đến giờ, quân chúng phản kích mạnh. Có anh em nói hay là bọn chúng có đường hầm đào từ Mường Thanh lên, điều này tôi chưa tin hẳn... 

  Tình hình không sáng rõ được thêm bao nhiêu, Tuấn và Thọ cùng đi gặp đồng bào bị địch bắt mới được giải phóng. Sau khi được động viên, họ sốt sắng nhận đưa thương binh ra ngoài. Những chiếc cáng thương binh vượt qua cửa đột phá rất khó khăn.

  Tuấn tìm vào hầm người chiến sĩ diện thanh. Anh định báo cáo tình hình với trung đoàn và xin chỉ thị mới. Anh đã thấy nghi ngại người bạn tiểu đoàn trưởng của mình. Người chiến sĩ điện thanh nhận ra anh vội nói: 

  - Báo cáo đồng chí, trung đoàn vừa gọi xong. Lệnh của trung đoàn là: Giữ vững trận địa, điều tra kỹ tình hình địch chờ bộ đội lên thêm, quyết tâm tiêu diệt A1 đến cùng. 

  Những lời nói của người chiến sĩ lưu loát và nóng hổi như tiếp cho Tuấn một sức mạnh.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Hai, 2009, 09:05:31 pm gửi bởi Russian Weapons » Logged
Russian Weapons
Thành viên
*
Bài viết: 636


« Trả lời #39 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2009, 09:07:21 pm »

  Tiếng tiểu liên nổ ran. Địch lại phản kích. Khỏe bê một hòm lựu đạn đặt đánh uỵch trên bờ hào và nhanh nhẹn nhảy lên mặt đồn. Anh nép mình sau một mô đất quẳng lựu đạn liên tiếp về phía quân địch. 

  Vinh đang loay hoay tìm chỗ đặt tiểu liên bắn địch, bỗng thấy một vật rơi bộp cạnh chân. Do một phản ứng rất nhanh, anh chàng tay hất mình lên trên giao thông hào. Anh mới tung được thân người lên, đầu vẫn ngả vào trong hào, quả lựu đạn của địch đã nổ. Ngồi được lên miệng hào, thấy hòm lựu đạn của Khỏe, anh nhặt ném về phía địch tới tấp. Một lát bọn chúng lại biến đi. 

  Vinh bị mấy mảnh lựu đạn nhỏ bắn vào dầu. Tiểu đội trưởng Huy chạy lại giở cuộn băng cá nhân băng cho Vinh. Vinh mệt mỏi ngồi dựa lưng vào vách hầm. Anh cảm thấy như có dăm bảy chiếc đinh lớn đóng vào đầu mình. Mình đã là một thương binh. Có thể về quân y được rồi. Nhưng anh lại nghĩ, nếu về đến đó, những vết thương của mình chỉ rất nhẹ...? Giá bây giờ chính trị viên tới bắt anh phải rút lui về phía sau, anh đi sẽ yên tâm hơn. Nhưng Tuấn chỉ vào hỏi thăm qua loa vết thương của anh rồi bàn phải củng cố chờ tăng viện tiếp tục tiêu diệt đồn. Lúc đó anh lại tìm cách tự động viên mình. Chả nhẽ anh em còn cả đây, chưa hoàn thành nhiệm vụ mà mình lại bỏ về? Vừa rồi mình đã ném gần chục quả lựu đạn vào bọn địch, chính một mình đã thấy những quả lựu đạn của mình xua chúng chạy như gà. Đã mấy tiểu đoàn trưởng làm được như mình? Đã cố được thế thì ta cố thêm tí nữa. Chết được người cũng có dễ đâu! Vừa rồi mình chẳng đã chỉ cách cái chết không đầy một gang là gì!... Vinh cứ tự khuyến khích mình như vậy. Bỗng anh chú ý đến một đôi giầy đinh nằm trong bóng tối. Lúc này đã bình tĩnh hơn, nên anh nhớ tới đôi giày anh đang dùng là chiến lợi phẩm từ chiến dịch trước, vẹt gót và méo mó cả rồi. Đã có lúc anh nghĩ là phải thay nó. Một đôi giày tốt rất cần cho anh khi vượt rào gai, khi xông xáo trong đồn. Nhân tiện thử xem nếu vừa thì thay luôn. Vĩnh nhích lại gần cầm lấy một chiếc giày. Anh giật mình rụt tay lại như người chạm phải điện. Đôi giày cưỡng lại tay anh. Đúng là nó còn mắc ở chân người. Tên lính địch này chết hay còn sống? Vinh vội vớ chiếc đèn pin bấm vào xó tối. Một thằng tây nằm dài ở góc hầm đang đảo đôi mắt trắng dã, nhìn về phía anh, bất chợt gặp ánh đèn nó nhíu mắt lại. Biết đã lộ, nó vội nói ngay bằng một giọng ồm ồm: 

  - Tôi bị sốt rét... Từ lúc các ông vào đến giờ tôi vẫn nằm im như thế này. Tôi không bắn một phát súng nào... Công việc của các ông đã xong chưa?

  Giọng nói của nó tuy đượm vẻ sợ sệt, vẫn làm Vinh lạnh gáy. Cái đồn địch này như một bát quái trận đồ. Địch xuất hiện ở bất kỳ một ngóc ngách nào. Từ trong những xó tối kia, một ánh lửa có thể bất thần lóe lên, và một viên dạn xuyên qua ngực anh... Vinh soi đèn  khắp chung quanh rồi hỏi nó: 

  - Còn đứa nào trong này nữa không?

  - Không.

  - Đứng ngay dậy, đi ra ngoài!
 
  Nó lổm ngổm chui ra khỏi hầm, không đợi Vinh phải ra lệnh,  nó vươn cổ ngả đầu về phía trước, giơ cao hai tay, tiếng nói của nó  rên rỉ như khóc: 

  - Tôi xin thề với ông tôi không phải là người Pháp. Mẹ tôi là người Angiêri... Tôi đẻ ở Công Xtăng Tin.

  - Im đi! Tao không bắn mày đâu. Tao đưa mày ra kia ngồi với bọn chúng mày.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM