Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 24 Tháng Chín, 2023, 09:02:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lửa kinh thành  (Đọc 23050 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« vào lúc: 19 Tháng Hai, 2009, 07:52:43 pm »



Lửa kinh thành

Tiểu thuyết sử thi

Tác giả: Nguyễn Quang Hà
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 2005
Người số hoá: hoacuc

Đêm Trường Sơn yên tĩnh. Nghe rất rõ tiếng vượn trong núi xa gọi nhau. Tiếng nước chảy ngoài khe sau nhà róc rách, trong như tiếng đàn vậy. Còn tất cả chìm trong giấc ngủ, kể cả gió cũng không động tĩnh, xạc xào gì. Duy chỉ có Nguyễn Tá Thành là trằn trọc trên sạp nứa, anh quay qua quay về, không tài nào chợp mắt được. Hai mắt cứ mở chong chong trong đêm. Cuộc gặp gỡ giữa Bí thư Thành ủy Lê Tư Minh với cơ quan tham mưu tối nay cứ thao thức mãi trong anh.

Bí thư kể chuyện ra ngoài Hà Nội, gặp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Nhân nói chuyện Huế, Đại tướng lấy kinh nghiệm của Sài Gòn để tâm sự: “Lúc đầu Sài Gòn lấy vùng ven đánh vào nội đô. Không đánh được thì rút ra Đồng Tháp Mười, lên tận núi Bà Đen, đói khát, lưu lạc. Từ đó mới phải tính đến kế khác, quay lại xây dựng biệt động, từng đội nhỏ đánh sâu từ bên trong. Sài Gòn chia ra sáu cánh, có sáu đội biệt động, mà lúc đầu chỉ có bảy tám người giỏi thành phố biết bắn súng, biết lái xe, biết hóa trang... Khi bắt đầu đánh vào các mục tiêu trong thành phố thì thấy ngay hiệu quả: cả Mỹ lẫn ngụy đều phải bu vào bảo vệ lấy đầu não của nó, bình định rã từng đám, từ đó mới lòi ra cái Đồng Tháp Mười, Củ Chi, Thủ Đức, Gò Vấp, Nhà Bè. Thế là từ chỗ bí, phải tìm cách sao để có ăn, lại tạo ra được cách đánh mới". Từ thực tế ấy, Đại tướng kết luận: "Muốn lòi ra cái địa bàn thì phải đánh vào chỗ cần thiết nhất, đánh vào đầu, vào dạ dày của nó thì chân tay nó rã rời. Anh chặt một nhát vào chân nó thì thấy chảy máu chảy me, nhưng không can chi cả. Vài ngày sau nó lại lành. Nhưng chỉ dùng một cái kim châm một cái vô tim thì nó chết. Tức là phải đánh vào chỗ hiểm. Chỗ hiểm của địch là đâu? Là thành phố, thị trấn, căn cứ đầu não, kho tàng, sào huyệt của chúng...".

Từ chuyện của người, nhìn vào chuyện cụ thể của mình, Bí thư Lê Minh phân tích:

- Suốt mười ba năm qua, chúng ta đã từng bước thắng chính sách tố Cộng, chính sách dồn dân lập ấp chiến lược. Chúng ta đã thắng chiến tranh đặc biệt và bắt đầu đối mặt với chiến tranh cục bộ của Mỹ. Chúng ta đã thắng các chiến dịch lớn của Mỹ-ngụy: "tìm và diệt" rồi "quét và giữ". Những kinh nghiệm của mười ba năm dồn lại, đã đến lúc chúng ta phải đặt ra vấn đề để suy nghĩ: "Phương thức tấn công như thế nào là tốt nhất, và đánh địch bằng cách nào để giành thắng lợi lớn nhất?" trên cơ sở nhận định tình hình chung, chúng ta đã rút ra được kết luận: chiến tranh đã đến lúc phải chuyển phương hướng tấn công vào thành phố. Đó là một yêu cầu khách quan đồng thời chúng ta cũng có đầy đủ khả năng để thực hiện.
Dừng lại một lát, bí thư lướt nhìn từng khuôn mặt đang tiếp xúc với mình, nói tiếp:

- Tách thành phố Huế khỏi tỉnh Thừa Thiên, chuyển ba huyện: Hương Thủy, Phú Vang, Hương Trà cho thành phố làm thế đứng chân vững vàng cho Huế, ấy chính là ta đã từng bước có kế hoạch đưa chiến tranh vào thành phố rồi đó, trong nội thị và các huyện, ta tổ chức các đội biệt động và dân quân du kích là ta đang chuẩn bị lực lượng cho thành phố chứ còn chi nữa - Bí thư khen - Trận đặc công thành đội với hai mươi hai chiến sĩ trang bị thủ pháo và súng nhẹ san phẳng trung tâm vận tải của địch ở đầu cầu An Cựu do anh Đấu chỉ huy, diệt sáu mươi xe, và tiếp theo là trận đánh vào trung tâm huấn luyện Long Thọ, do anh Một chỉ huy, trận này rất khó đánh vì quân đặc công phải vượt sông, thế mà vẫn đánh và thắng. Đó, ta chẳng đánh áp sát vào thành phố rồi là gì. Qua hai trận này tôi rất tin ở lính thành đội chúng ta.
Cuối cùng bí thư giao nhiệm vụ:

- Đánh ngoại vi rồi. Bây giờ các đồng chí hãy chọn một địa điểm, đánh thẳng vào thành phố, trúng chỗ cần đánh. Đã đánh là phải thắng, quyết gây tiếng vang cho thành phố mình. Được không?

Để trả lời câu hỏi này, Thành đội trưởng Thân Trọng Một giao ngay nhiệm vụ cho cơ quan tham mưu. Nói một cách khác là giao trách nhiệm trực tiếp cho tham mưu trưởng Nguyễn Tá Thành. Không còn cách nào khác Nguyễn Tá Thành phải nhận lời. Lời hứa ấy nóng rực trong trái tim đầy trách nhiệm của Thành, chưa tìm được câu trả lời nên Thành không thể nào chợp mắt được.

Bản đồ thành phố giống như đang trải ra trước mắt Thành. Anh nhìn rõ từng tọa độ căn cứ địch đóng. Sư đoàn 1 đại bản doanh trong đồn Mang Cá, nhưng chúng có cả thảy mười ba chỗ đóng quân; các cơ quan quân đội Mỹ tại Huế có tới mười một địa điểm. Riêng ngụy quân đã có mười lăm căn cứ rồi, mười bốn địa điểm đóng quân của cảnh sát. Nếu kể cả bốn mươi hai cơ quan hành chính ngụy kiểu như Tòa Khâm, viện dân biểu, đài phát thanh, ngân khố, tổng số các địa điểm đóng quân của Mỹ, ngụy là một trăm mười bốn đơn vị.

Nếu tính diện tích Huế, chiều dài từ An Cựu đến Bao Vinh, chiều rộng từ Bao Vinh đến An Hòa, từ Vĩ Dạ đến Long Thọ, Huế rộng chừng hai mươi cây số vuông. Vị chi mỗi cây số vuông có năm điểm địch đóng. Dày đặc như vậy, căn cứ nào sẽ là sào huyệt Thành phải chọn cho trận đánh mang tính quyết định mở màn hữu hiệu này?

Những tính toán mung lung đẩy Nguyễn Tá Thành vào giấc ngủ lúc nào không biết. Khi Thành bừng mở mắt thì những tia nắng đã xuyên lá rừng từng tia sáng dài giống như những tia thủy tinh.

*
*    *

Đã là mệnh lệnh quân sự thì "quân lệnh như sơn", dẫu khó khăn mấy, dẫu phải hy sinh tính mạng cũng phải chấp hành. Nghiệp binh là vậy. Nguyễn Tá Thành cùng hai sĩ quan tham mưu có năng lực nhất tạo thành một tổ trinh sát đặc biệt. Nghiên cứu kỹ trên bản đồ xong, ba người bí mật vào thực địa trong nội thành. Đúng một tháng sau, tham mưu trưởng trình với Ban chỉ huy thành đội một kế hoạch đánh vào khách sạn Hương Giang.

Sĩ quan tham mưu trải bản đồ Huế lên mặt bàn. Ba cái đầu chụm lại trên bản đồ ấy.
Thành đội trưởng hỏi:

- Tại sao các anh lại chọn khách sạn Hương Giang?

Tham mưu trưởng đáp:

- Hiện tại khách sạn Hương Giang nổi tiếng là câu lạc bộ sĩ quan Mỹ và câu lạc bộ sĩ quan ngụy. Cứ tối thứ bảy và cả ngày chủ nhật có chừng ba trăm sĩ quan Mỹ, ngụy tề tựu ở đây ăn nhậu, chơi bời trác táng cho bõ những ngày hành quân gian lao. Diệt câu lạc bộ sĩ quan là đánh vào sào huyệt, vào đầu não của chúng.

- Các anh đã điều nghiên chưa?

- Có một người chú của một chiến sĩ biệt động quận Hữu Ngạn đã nhận lời giúp, ông là người đầu bếp có uy tín của khách sạn. Ông đã vẽ bản đồ toàn bộ khách sạn Hương Giang, chúng tôi đã đi điều nghiên, bản vẽ hoàn toàn tin cậy được.

- Con sông Hương và con sông Lợi Nông bọc kín hai phía của khách sạn, giống như hai con hào vừa rộng vừa sâu, chắc đó sẽ phải là hướng tiềm nhập của chúng ta, các anh đã tính chưa?

- Dạ, tính cả rồi ạ.

- Đơn vị nào sẽ đảm trách nhiệm vụ nặng nề này?

- Hai đại đội đặc công của chúng ta. Đơn vị sẽ chọn những người xuất sắc nhất.

- Phương thức tấn công?

- Tập kích bằng hỏa lực mạnh ạ.

Thành đội trưởng chắp hai tay sau lưng, đi đi lại lại trong phòng, gương mặt gầy và nước da đồng hun của ông như sắt lại. Chiếc sẹo dài bên mang trái giật giật. Đó là hình ảnh ông đang lao tâm khổ tứ nhất. Đôi mắt sắc như không nhìn gì, như cũng đang nhìn đâu xa thăm thẳm. Đến trước mặt Nguyễn Tá Thành, ông dừng lại:

- Được, để tôi đi thực địa lại đã rồi quyết cũng không chậm. Vào được rồi nhưng phải tính hướng ra cho gọn gàng, có vậy mới bảo đảm cái gọi là chiến thắng.

Đêm 25 tháng 5 năm 1967, nhằm đúng tối thứ bảy, bốn mươi tay súng B40 cự phách được tuyển chọn từ hai đại đội đặc công thành đội do Nguyễn Văn Thái - đại đội trưởng dẫn đầu xuất quân, thì Ban chỉ huy thành đội đã xuất quân trước đó hai tiếng đồng hồ để làm những gì cần làm của người chỉ huy đối với trận quyết thắng này.

Anh Hoàng Lanh dẫn đội du kích xã Thủy Vân, nơi có con đường mà đội đặc công sẽ hành quân qua. Qua từng ngõ xóm, chó trong các gia đình nhào ra sủa gâu gâu, liền được các anh chị du kích vất cho một gói đồ ăn. "Tham ăn như chó", đúng thật, thấy thức ăn là đớp cái đã, quên cả việc giữ nhà. Chúng không thể ngờ đó là bả chó, ăn xong cứ thế lăn ra chết, không một tiếng rên rẩm. Khi đại đội đặc công được du kích dẫn đường đi qua, tịnh, không một tiếng chó sủa.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Năm, 2020, 05:19:25 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #1 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2009, 07:54:27 pm »

Nguyễn Văn Thái cùng đồng đội đến lò mổ trâu bên bờ sông Lợi Nông đã thấy Ban chỉ huy có mặt đầy đủ ở đó. Nơi bến nước, một sợi dây thừng chắc chắn nối hai bờ sông đã được biệt động quận Hữu Ngạn bí mật căng ra từ bao giờ.

Nguyễn Tá Thành nói rất gọn với Nguyễn Văn Thái:

- Đã đúng giờ xuất phát. Chiến sĩ biệt động đang chờ các anh ở bên kia sông.

Phương tiện qua sông của các chiến sĩ đặc công là những chiếc rổ cỡ lớn bán kính chừng một mét hai, nan đan thưa, bên ngoài được bọc bằng ni lông. Thật nhẹ nhàng và gọn gàng khi hành quân, những "chiếc rổ" ấy khi đặt xuống sông bỗng trở thành những chiếc thuyền thúng. Mỗi thuyền thúng được một người nhẹ nhàng kéo dây qua bờ bên kia. Chiến sĩ biệt động đã ngồi đó chờ họ sẵn sàng.

Nguyễn Văn Thái hỏi:

- Đường tiến quân có vấn đề gì không?

Chiến sĩ đặc công đáp:

- Chúng tôi vừa đi kiểm tra, hoàn toàn an toàn. Anh em đang đứng gác dọc đường chờ các anh.

Đội hình bốn mươi chiến sĩ đặc công giống như một con rắn khổng lồ, trườn từ sông lên đường Nguyễn Công Trứ. Từ Nguyễn Công Trứ rẽ trái vào đường Cô Giang. Từ đường Cô Giang rẽ phải, đó là đường Phạm Ngũ Lão. Đầu đường Phạm Ngũ Lão là đường Lê Lợi. Bên kia đường Lê Lợi là bức tường ngoài cùng của khách sạn Hương Giang.

Biệt động quận Hữu Ngạn hầu như đã làm chủ đoạn mặt đường Lê Lợi từ Tòa Khâm đến đầu Đập Đá.
Cho đến lúc 40 khẩu B40 đã kê lên tường làm bệ bắn thì những ô cửa sổ khách sạn Hương Giang đều sáng trưng. Từ trong ấy, tiếng đàn, tiếng trống, tiếng hát, tiếng cười, tiếng nói lọt ra. Từ trong ấy cuộc vui bất tận của những sĩ quan Mỹ, sĩ quan ngụy đang vùi đầu quên đời, quên lửa đạn. Chúng lấy cuộc vui trác táng vùi lấp nỗi kinh hoàng rình rập từng giây từng phút trên chiến trường. Chúng hoàn toàn không biết, kẻ gây tội ác từng ngày trên làng quê Thừa Thiên đang đứng trước mũi súng của con em họ.

Đầu Đập Đá bên kia, Thân Trọng Một đang ngồi với nhóm hỏa lực, mục tiêu của họ là đồn lính ngụy gác đầu Đập Đá. Thân Trọng Một nhìn giờ, vỗ vai Nguyễn Tá Thành:

- Đúng một phút nữa là giờ G.

Nguyễn Tá Thành cũng đang nhìn chiếc kim giây sáng dạ quang, nhích đi từng tí một. Đúng giờ G quy định, Nguyễn Tá Thành hô:

- Bắn!

Ba quả B40 lao vút trong đêm, đúng mục tiêu đổ sập đồn lính đầu Đập Đá. Đó cũng chính là lệnh phát hỏa của đại đội đặc công bên khách sạn Hương Giang. Nhận được lệnh, cùng một lúc 40 con rồng lửa cùng bay sáng trời, lao thẳng vào câu lạc bộ sĩ quan Mỹ và câu lạc bộ sĩ quan ngụy kề ngay sát đó. Loạt đạn đầu nổ tung, những loạt đạn sau thi nhau bắn vào tòa nhà ba tầng của khách sạn. Những đám lửa thi nhau bùng lên. Từng mảng tường đổ sập, cả câu lạc bộ sĩ quan Mỹ và câu lạc bộ sĩ quan ngụy chìm trong lửa đỏ.
Những tiếng kêu tắt ngấm, không bật thành tiếng.

Cùng lúc lửa đạn giội vào khách sạn Hương Giang, khẩu ĐK 75 bên tổ hỏa lực đầu Đập Đá bắn tới tấp vào đại đội lính Mỹ đóng trên bến Tòa Khâm và mấy cụm cối 80ly, 105ly đặt trên đỉnh núi Ngự Bình, chúng ta rót cả cái từng quả vào những căn cứ địch đã được đánh dấu trên bản đồ.

Bọn ngụy quân ngụy quyền sợ bị đánh úp ở làng, xã đêm đêm chạy lên làng Vĩ Dạ ngủ qua đêm, nghe tiếng súng vỗ mặt, chạy ào ra đường Thuận An, định vọt sang Cồn Hến chạy trốn, không ngờ đã bị các tay súng du kích phục sẵn, bắn ngã gục ngay trên mặt đường.

Tiểu đoàn ngụy đang hành quân dã ngoại ở chợ Mai, nghe tiếng súng trên Huế, hùng hổ xếp đội ngũ tiến về Huế cứu trợ, tiếp ứng. Chúng mới đi được vài trăm mét đã lọt vào ổ phục kích của đội vũ trang an ninh, những tay súng kỳ cựu, mưu trí đã bẻ gãy ý đồ tiếp ứng cho Huế của tiểu đoàn này. Sợ những gì đang đón trước, chúng đành quay lui trong hoảng sợ.

Trận tập kích vào khách sạn Hương Giang rất nhanh gọn, tưởng như thời gian chưa dập bã trầu đã xong. Nguyễn Văn Thái dẫn bộ đội ra đầu Đập Đá đã gặp Trần Phong, đội trưởng đội an ninh vũ trang đang đứng chờ.

Nguyễn Văn Thái hỏi:

- Đường băng qua Đập Đá ra sao?

Trần Phong đáp:

- Đồn lính ngụy đầu cầu bên kia đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Các anh theo tôi.
Trần Phong chạy trước, đại đội đặc công theo Thái chạy sau. Đến Thủy Vân gặp trung đội du kích cầm cáng đứng đợi.

Trung đội trưởng du kích hỏi:

- Thương binh liệt sĩ đâu rồi, để chúng tôi đưa về hậu cứ.

Nguyễn Văn Thái vui vẻ trả lời:

- Cáng thương binh ế rồi. Chúng tôi không một ai làm sao cả.

- Hoan hô các anh! - Bộ đội và du kích ôm chầm lấy nhau trong niềm vui vô hạn.

Ngày 26 tháng 5 năm 1967 là một ngày thành phố Huế náo loạn. Mới tờ mờ sáng cảnh sát đã nhan nhản khắp đường phố, xe nhà binh chạy rần rật, vừa tăng tốc, vừa huýt còi inh ỏi.

Việc đầu tiên là cảnh sát cầm dùi cui, mang súng chặn đoạn đường Lê Lợi từ Tòa Khâm đến đầu Đập Đá phía Vĩ Dạ, không cho dân đi qua khu vực khách sạn Hương Giang. Dân Vĩ Dạ, Chi Lăng muốn qua sông phải đi đò chợ Dinh.

Dân ùn tắc ở hai đầu mũi đường, có cảnh sát đứng ngay trên mặt đường canh gác. Tất cả mọi con mắt đều đổ dồn về khách sạn Hương Giang. Mới chiều qua khách sạn Hương Giang đang còn là một biệt thự mĩ lệ trên bờ sông Hương. Đoạn sông được coi là đẹp nhất kể từ chỗ sông Hương chảy qua thành phố Huế. Nhưng hôm nay đã là một đống đổ nát, chết chóc kinh hoàng.

Một đứa bé không hiểu vô tình hay hữu ý, nó hỏi viên cảnh sát cầm dùi đứng bên:

- Việt Cộng đánh khách sạn Hương Giang đêm qua hả chú?

Viên cảnh sát quay nhìn chằm chằm đứa trẻ đầy nghi ngờ, đáp giọng đe dọa:

- Muốn vô tù hả? Cút cho khuất mắt tao.

Một đoàn xe cam nhông mười chiếc chở đầy lính từ bên Mang Cá qua, bóp còi gạt bọn cảnh sát gác đường, chạy qua cầu Trường Tiền, rẽ thẳng vào khu vực khách sạn Hương Giang đổ nát. Vừa nhảy xuống xe, chúng đã thực hiện nhiệm vụ của mình, ra sức bới đống gạch ngói đổ nát, lôi trong đó ra những xác chết đã cứng đơ, xếp kề nhau nằm theo một hàng dài, giống như đang sắp hàng theo đội hình.

Chừng tám giờ sáng, máy bay trực thăng từ Phú Bài, từ Đồng Lâm bay về, tới tấp hạ cánh xuống sân khách sạn Hương Giang. Bọn lính bới xác lập tức khiêng các xác chết đưa vào máy bay. Chiếc nào đầy, phành phạch bay đi ngay.

Một nhóm người đứng bên đường nhìn theo những chiếc trực thăng bay về hướng nam, chép miệng:

- Sĩ quan Mỹ, ngụy ở câu lạc bộ chết nhiều quá.

Một người khác nói chen vào:

- Đổ nát nhường kia e chết hết, không còn một mống.

Người cảnh sát cầm dùi cui đi tới:

- Giải tán ngay. Các mệ muốn ăn đạn hả?

Nhóm người không muốn rắc rối với dùi cui, tản ra, nói với nhau:

- Trước dân thì hăm dọa. Gặp Việt Cộng thì co vòi lại. Cái thứ nớ liệu mần được chi.

Một người dân từ chợ Cống chạy lên nói với mấy người cảnh sát:

- Các chú ơi, có cái chi lạ lắm.

- Cái chi? - Viên cảnh sát hỏi lại.

- Cứ tới mà coi.

Ba người cảnh sát theo người đàn bà về đường Nguyễn Công Trứ, phía bên này lò mổ trâu nhìn ra sông.
Những chiếc rổ bọc ni lông nổi lềnh bềnh trên sông Lợi Nông. Nhìn kỹ trên mặt sông còn có cả một sợi dây thừng chăng qua sông đang còn đó.

Viên cảnh sát kéo một chiếc rổ lên bờ. Cả nhóm cảnh sát quây quanh xem xét kỹ càng.

Một cảnh sát thốt lên:

- Việt Cộng sáng tạo quá! Hương Giang nát bấy là phải lắm.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #2 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2009, 07:56:27 pm »

Đi đánh Hương Giang về, mới được hai ngày, chưa kịp hồi sức, thành đội trưởng cho chú liên lạc gọi
Nguyễn Tá Thành lên.

- Báo cáo thủ trưởng, tôi có mặt.

- Có điện của ông Lê Minh khen trận Hương Giang đây, cậu đọc đi rồi giữ lấy, khi nào về đại đội đặc công, đọc cho lính chúng nghe với.

Thành nhận điện:

- Tôi tưởng anh Lê Minh đang ở bên Thành ủy ạ?

- Ông ấy đang ở trên tận Khu ủy. Vừa là bí thư Thành ủy, vừa là phó bí thư Khu ủy, nay ông ấy ở nơi này, mai đã ở nơi kia rồi. Thắc mắc điều ấy làm gì? Thôi, đọc thư đi.

Thành mở thư đọc:

"Gửi anh Một và anh chị em thành đội:
Nghe tin đánh thắng câu lạc bộ sĩ quan Mỹ và ngụy, cả Khu ủy vui mừng.

Bộ đội đặc công của thành đội rất giỏi, rất mưu trí. Địch dày đặc trong Huế như thế mà vào được đã khó, đánh xong, không có thương vong, lại rút ra an toàn, thật không phải chuyện dễ.

Trận đánh vào thành phố lần này là cuộc tập dượt của tất cả mọi binh chủng, đặc công, pháo, dân quân du kích, bộ đội địa phương, biệt động đều đã ra quân. Một cuộc phối hợp ngoạn mục.

Nội thành đã có một số trận đánh của tự vệ thành, như trận đánh vào quán ăn Chi Lăng, trạm biến thế điện Đông Ba, trạm xăng Đông Ba. Các trận đánh nhỏ gây chấn động trong thành phố. Trận đánh khách sạn Hương Giang lần này là quả bom giội trên đầu thằng địch. Cứ gọi là đánh tuyên truyền đi, song đã đánh thật trúng sào huyệt, đầu não của chúng. Sẽ gây ra những biến động chính trị không lường được đâu.
Nhân dân Huế đã nổi dậy từ năm 1963, nhưng không có những cú đấm quân sự nên họ không làm chủ được. Thời Phật tử, sinh viên xuống đường lật đổ Diệm Nhu, lật đổ Ngô Đình Cẩn ở Huế nếu ta có một số trận đánh hỗ trợ tại Huế, chắc chắn sinh viên và phật tử Huế có thể làm được nhiều việc đáng kể khác.
Rất mừng Huế đã tìm ra cách đánh. Nói tìm ra cách đánh là nghiên cứu cả đường đi nước bước, tổ chức đội hình, sử dụng loại vũ khí gì thì vừa chứ không phải chỉ tìm cách nổ súng. Chưa đến lúc đưa cả binh đoàn vào, chỉ dùng từng đội biệt động, ngang với từng trung đội thôi, mà vẫn chiến thắng giòn giã.
Đến bây giờ ta đã có thể kết luận: "Huế đã đánh được thành phố". Chắc chắn đó sẽ là một tiền đề rất khả quan cho sau này.

Chúc sức khỏe và chiến thắng!
Hy vọng ở các đồng chí rất nhiều.

Lê Minh".

Nguyễn Tá Thành đọc xong, đặt thư xuống. Thành đội trưởng hỏi:

- Lê Minh nhận định và đánh giá sắc sảo đấy chứ?

Nguyễn Tá Thành đáp:

- Tôi mang máng nhận ra từ nay mục tiêu của chúng ta sẽ là thành phố.

- Đó là cái chắc. Song đánh thế nào thì còn phải tìm. Tới đây chú sẽ bận rộn lắm. Rồi sẽ vắt chân lên cổ
chạy không kịp đâu. Thời gian rảnh rỗi giữa hai trận đánh, cậu tranh thủ về thăm bà già một chút đi.

- Dạ, có lẽ vậy.

- Cho mình gửi lời hỏi thăm bà già nghe. Chiến tranh, có gia đình nào không tan tác đâu. Cố gắng an ủi để bà già bình tâm trước cuộc đời éo le này. - Ông lấy trong xắc ra một gói nhỏ đưa cho Thành - Khu ủy mới bồi dưỡng cho mình một gói sâm này, mình gửi cậu về biếu bà già.

- Anh cũng đang gầy nhom mà.

- Cậu học ở đâu cái thói khách khí ấy thế?

- Thôi, xin cảm ơn anh.

*
*   *

Nguyễn Tá Thành quê ở Hà Trung, huyện Phú Vang. So với những làng quê bên bờ phá Tam Giang, Hà Trung được coi là trù mật. Song trong vùng, Hà Trung vẫn là một làng nghèo.

Dẫu đã là tham mưu trưởng thành đội, Thành vẫn quần đùi, gùi bạt như mọi lính giải phóng khác. Anh theo đường dây giao liên, từ chiến khu, vượt sông Hai Nhánh, băng qua đất Thủy Phương của huyện Hương Thủy, chừng hai giờ sáng, Thành đã đến sân nhà mình. Một mảnh vườn nho nhỏ trồng lẫn lộn cả cây ăn quả với rau xanh hàng ngày. Vẫn chum nước đặt nơi góc sân, bên trên gác chiếc gáo dừa.

Ngôi nhà tranh ba gian, từ khi cha anh đi tập kết, chỉ mấy lần lợp mái lại chứ không có thay đổi gì. Vậy mà sao nó thân thiết với anh quá! Dọc đường chinh chiến, lúc nào nguôi ngoai anh vẫn nhớ về ngôi nhà tranh này đang nằm trong vùng kiểm soát của địch.

Thành nấn ná, gõ thong thả nhè nhẹ năm cái vào cánh cửa gỗ, đã nghe tiếng mẹ trong nhà:

- Hoài ơi, thằng Thành về. Mau mở cửa cho em đi con.

Chị Hoài vùng dậy, châm ngọn đèn nhỏ đặt bên giường mẹ rồi ra mở cửa cho Thành.

- Chị!

- Cậu vô đi. Mấy ngày nay mẹ nhắc tới cậu hoài.

Thành chạy vào, quỳ bên giường mẹ. Mẹ ngồi dậy, lùa hai tay vén tóc, búi thành một búi gọn gàng sau đầu. Rồi cũng dùng hai bàn tay ấy ôm đầu Thành ủ vào lòng mình. Thành hỏi:

- Mẹ vẫn khỏe chứ ạ?

Bà mẹ không trả lời câu hỏi, bỗng dưng hai hàng nước mắt chảy ra:

- Vợ con bồng bé Tâm về bên ngoại rồi.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #3 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2009, 07:58:44 pm »

Thành gỡ tay mẹ, vào trong buồng, bấm đèn pin vào chiếc giường lạnh lẽo trống vắng bỏ không, nơi vợ con anh vẫn nằm. Thường thường, mỗi khi anh về, Dung - vợ anh không kịp sửa lại đầu tóc, chạy ào ra đón anh. Hôm nay không thấy Dung, anh ngờ ngợ, mẹ liền báo cho anh tin chẳng lành. Thành trở lại bên giường với mẹ:

- Lẽ ra mẹ con Dung phải ở lại trông nom mẹ mới phải.

- Con phải hiểu cho vợ con. Dung ở đây không yên được với bọn chúng. Đêm nào chúng cũng phục kích quanh nhà, chúng nói: "Vợ ở mô, thủ đô ở đó", sớm muộn gì con cũng phải về thăm vợ con mình. Chúng muốn bắt con ngay chính cửa nhà mình để vợ con không còn hy vọng gì ở con nữa. Ngày, chúng thay nhau tán tỉnh. Gái một con trông mòn con mắt, Dung ngày càng xinh ra, nhất cái làng này. Mặt khác, lúc này lính ngụy lấy được vợ Việt Cộng là được thăng chức, tăng lương, được cho đi tuần trăng mật ở Đà Lạt, nên bọn lính ngụy xúm vào vợ con như ruồi. Nó xin mẹ bồng bé Tâm đi: "Con không muốn vì con mà làm liên lụy tới mẹ, tới chị Hoài, tới anh Thành. Khi nào anh Thành về mẹ nói với anh ấy rằng một đời con chỉ có anh ấy là chồng. Mười năm, hai mươi năm con cũng chờ anh ấy".

- Đêm mai con sẽ về bên ngoại tìm mẹ con Dung. Tội Dung quá.

Chị Hoài ngồi bên:

- Mẹ và chị cũng đều thương Dung quá, nhưng không biết làm thế nào. Chứ Dung là đứa dâu thảo hiền lắm em ạ.

- Nếu con đưa được mẹ con nó lên rừng thì đưa luôn lên đi cho mẹ yên tâm.

- Có thêm bé Tâm, mẹ con Dung chỉ tổ làm vướng chân anh em trên ấy. Thời chiến tranh lo thân mình còn
chưa xong mà mẹ.

Những ý nghĩ chợt đến, chị Hoài hỏi:

- Cậu có tin gì về ba với em Phố ngoài Bắc không? Mấy đêm nay mẹ cứ hay mơ thằng Phố về lại Hà Trung thăm mẹ.

- Trời, con quên mất - Thành lục chiếc gùi bạt, lôi ra một lá thư - Con có nhận được thư em Phố gửi vào đã mấy tháng nay. Cứ mong về nhà để đọc cho mẹ nghe. Chuyện mẹ con Dung làm con quên khuấy đi mất.
Mẹ vội cầm thư. Hai bàn tay ấp lá thư lên mặt. Mẹ hít hà lá thư ấy như muốn tìm trong đó một chút hơi hám của đứa con út của mình.

Hình như mẹ đã tìm thấy cái điều mẹ cần tìm nên trên gương mặt mẹ, từng nét như dãn nở ra. Lát sau mẹ đưa bức thư cho Hoài:

- Con đọc cho mẹ nghe, Hoài.

Chị Hoài mở thư đọc:

"Mẹ kính yêu.
Anh chị và cháu Tâm rất nhớ.

Mẹ ơi, ba và con nhớ mẹ hoài, không lúc nào ngồi với nhau mà không nhắc tới làng Hà Trung bên bờ phá Tam Giang quê mình, không lúc nào không nhắc tới mẹ. Ba thì cứ hay thở dài: "Tưởng đi tập kết hai năm rồi trở về, ai biết lâu thế này. Biết thế lúc ấy ba đưa cả mẹ và các anh chị mày cùng đi". Nhiều chú đã lấy vợ ngoài Bắc, nhưng ba thì nhất quyết đợi ngày thống nhất về với mẹ. Hiện tại ba vẫn làm trưởng ty nông nghiệp ngoài Thái Bình.

Còn con bây giờ thì gần mẹ lắm rồi. Học xong trung học phổ thông, nhận giấy gọi đi đại học Bách khoa, nhưng con đến trường ghi tên rồi xin hoãn để đi bộ đội. Không đánh Mỹ bây giờ thì chả còn dịp nào để đánh Mỹ nữa. Còn học, không học khóa này thì học khóa khác, con đã có chân trong trường đại học rồi, sợ gì. Con xin vào Trung đoàn 9. Trung đoàn chúng con đang đánh nhau ở Quảng Trị. Chỉ mấy chục cây số nữa thôi, thế nào cũng có lúc con chạy về thăm mẹ.

Điều duy nhất con mong là lúc nào mẹ cũng thật khỏe để khi được gặp mẹ, mẹ lại cõng con đi chơi khắp hàng xóm như ngày nào.

Còn chị Hoài, chị hãy nghe em, đi lấy chồng đi. ở nhà đã có chị Dung với cháu Tâm rồi. Chị Dung ơi, em Phố chưa gặp chị, nhưng chị là vợ anh Thành nên lúc nào em cũng thương chị như chị Hoài vậy. Cháu Tâm ơi, chú Phố muốn gặp cháu lắm. Lúc gặp, không biết chú cháu mình có nhận ra nhau không nhỉ? Chú cũng giống bố Thành của cháu. Cháu cũng lại giống bố Thành. Thế nào chú cháu mình cũng nhận ra nhau mà. Chú thơm bé Tâm, cháu của chú nhé.

Con rất mong ngày gặp mẹ và anh chị.
Con của mẹ. Em của anh chị.
Phố".


- Thằng Phố nói toàn giọng Bắc. Chả còn tí giọng Hà Trung nào - Mẹ rưng rưng nước mắt, lắc đầu.

- Thì em Phố lớn lên từ nhỏ ngoài ấy mà mẹ.

Thành dàn hòa:

- Thì tình cảm của Phố có xa Hà Trung chút nào đâu mẹ. Vẫn da diết đó thôi.

Thư Phố làm bà mẹ mê mẩn, mãi lúc sau mới như tỉnh ra:

- Lúc ba các con đi tập kết, mẹ phải ở nhà để phụng dưỡng ông bà nội, chứ không mẹ con ta cũng đi theo ba ra ngoài Bắc rồi.

Ký ức cũng như trở lại với chị Hoài:

- Chỉ thương ông bà nội, trong chiến dịch tố Cộng, ông cứng cỏi quá, bị chúng đập chết. Ông chết, bà cũng chết theo luôn. Thế là gia đình ta tan tác mỗi người một phương. May mà Thành không đi lính ngụy. Chứ đi lính ngụy thì cha con, anh em bắn nhau là cái chắc.

Tiếng gà chợt gáy như báo trời sắp sáng. Chị Hoài sửa sang lại hầm bí mật cho Thành. Ăn vội mấy miếng, Thành xuống hầm ngay. Hai mẹ con Hoài xì xào với nhau một lúc, mẹ dặn:

- Con về bên ngoại bé Tâm đi. Báo cho Dung biết đêm nay Thành sẽ về thăm. Chắc nó mừng lắm.

- Con đi ngay đây mẹ.

- Đi mau mau mà về nghe con, lỡ ở nhà có chuyện gì mẹ không trở tay kịp.

Chị Hoài đi, gần trưa đã quay về. Vừa nhìn thấy Hoài, mẹ đã hỏi ngay:

- Gặp Dung rồi chứ con?

- Không gặp mẹ ạ.

- Răng?

- Ở bên ngoại, Dung cũng bị bọn lính ngụy bên ấy quậy như bên Hà Trung. Dung bồng con lên Huế ở với bà dì trên ấy rồi.

Bà mẹ thở dài:

- Thật tội nghiệp. Không gặp vợ con, thằng Thành buồn lắm đây.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #4 vào lúc: 07 Tháng Ba, 2009, 06:46:21 am »

Nguyễn Tá Thành vừa ở vùng sâu Hà Trung lên, gặp thành đội trưởng, ông hỏi ngay:

- Sao trông mắt cậu âm u thế? Bà già có chuyện gì rồi à?

Thành đáp:

- Không phải chuyện bà già. Bà gửi lời cảm ơn món quà của anh. Là chuyện của mẹ con Dung.

- Vợ chồng không được gần nhau là rất dễ sinh chuyện.

- Bọn lính ngụy quậy anh ạ. Hết phục kích đến tán tỉnh, Dung không chịu thấu. Để giữ mình, Dung bồng con về bên ngoại, vẫn không yên, Dung bồng con lên Huế tá túc nhà bà dì rồi. Không biết sẽ ra sao. Tôi nghe trong lòng không yên.

- Yên tâm đi. Nó chạy trốn bọn ngụy tức là nó vẫn thủy chung với cậu lắm. Trong chiến tranh, không gia đình nào không có chuyện đâu. Bên nọ cứ nhằm bên kia mà diệt. Không diệt trước mặt được thì diệt sau lưng. Cái chữ ngụy là vậy đó. Ta chẳng gọi chúng bằng một từ ghép là ngụy tặc đó sao. Đã là ngụy tặc thì chẳng còn gì là đạo lý ở đời nữa. Tố Cộng chẳng qua là một chiến dịch công khai diệt cách mạng. Khi đi tập kết, ta có cài lại, bám trụ, nằm vùng trong dân ba trăm đảng viên. Kết cục chúng vừa giết, vừa tống lao của chúng ta mất hai trăm chín mươi tư người. Chỉ còn sáu người, phải vọt lên núi lập chiến khu. Chiến tranh là vậy. Muốn sống chỉ có một con đường là vùng lên, đứng dậy. Gia đình cậu tan tác nằm trong cái tổng thể tan tác chung ấy.

Thành đội trưởng nhón tay rút một điếu thuốc, châm lửa, rít một hơi dài, thong thả nói:

- Mình nói lan man quá phải không. Lâu rồi không có lúc rảnh ngồi tâm sự với nhau mà. Hoàn cảnh cậu không khác gì hoàn cảnh mình thời kháng chiến chống Pháp. Mình nhập ngũ, thoát ly, vợ mình ở nhà cũng bị khống chế kiểu ấy. Một nách hai con, con Hồng với thằng Lạc đấy, như mèo tha con khắp nơi. Cuối cùng phải lấy chồng khác mới yên với chúng. Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng bao giờ. Không tin vào số phận cũng không được Thành ạ. Mỗi đứa chúng mình gắng một chút, góp phần mau giải phóng miền Nam để đoàn tụ gia đình.

- Dạ.

- Mình khuyên cậu, nhưng chính đó cũng là lời động viên chính mình. à, này, tình hình có chuyển rồi đấy, quân khu quyết định cho chuyển hai đại đội đặc công và đại đội pháo binh của thành đội ta lên tiểu đoàn hết. Hai tiểu đoàn đặc công lấy biệt danh là Chị Thừa Một và Chị Thừa Hai. Đang bổ sung quân cho hoàn chỉnh. Vậy là thành đội ta có năm tiểu đoàn cả thảy. Hai tiểu đoàn bộ binh, K4 và K10, hai tiểu đoàn đặc công và một tiểu đoàn pháo.

- Chắc trên đang tính cho thành đội ta những chuyện lớn.

- Để đón thời cơ, cậu phải lo củng cố ba đội biệt động của Thành Nội, quận Tả và quận Hữu. Bên Thường vụ Thành ủy đã cử anh Chính, anh Phan Nam và anh Hoàng Lanh chịu trách nhiệm ba đội biệt động này và xây dựng cơ sở trong thành phố. Với ba huyện Phú Vang, Hương Trà, Hương Thủy, cậu không được thờ ơ với quân ba đội biệt động và các đại đội địa phương huyện. Khi có chuyện gì ở thành phố, đó sẽ trở thành lực lượng quan trọng của chúng ta đó.

- Tôi sẽ phân công từng mảng cho anh em trong cơ quan tham mưu. Mỗi sĩ quan sẽ phải gánh và chịu trách nhiệm một công việc cụ thể.

Thành đội trưởng nhấn mạnh:

- Chuyện cách mạng là phải tính cả sáu mươi vạn dân Thừa Thiên, chứ riêng mấy nghìn tay súng không làm nên cơ nghiệp gì đâu. Phải bám chắc phong trào cách mạng trong quần chúng.

- Dạ, tôi hiểu.

- Muốn lên kế hoạch cho từng bước phát triển, phải nắm thật chắc phong trào quần chúng. Cậu phải quan tâm làm tổng hợp cho mình, khi cần mình sẽ gọi đấy.

- Dạ.

Những việc thành đội trưởng dặn dò đúng là chức năng của tham mưu trưởng. Ông không nhắc thì Thành cũng phải làm. Sự nhắc nhở chi li ấy khiến Thành có một dự cảm sẽ có một cái gì sắp tới. Đúng như Bí thư Lê Minh trong dịp này hay nhắc đi nhắc lại: "Phương hướng tấn công như thế nào là tốt nhất, và đánh địch bằng cách nào để giành thắng lợi lớn nhất". Rõ ràng thành phố đang được đặt lên bàn tính của ông. Chỉ có đánh vào thành phố mới đánh đúng cơ quan đầu não, đánh đúng trung tâm chính trị của địch. Chỉ có đánh vào đó mới phù hợp với yêu cầu của chiến trường lúc này. "Dùng một cái kim châm một cái vô tim thì nó chết". Đó chính là phương châm đánh vào chỗ hiểm.

Trước tình hình đó Nguyễn Tá Thành hết sức lưu tâm tổng hợp những biểu hiện mới, những hiện tượng mới của phong trào quần chúng nội, ngoại thành. Vậy mà phải đến mấy tháng sau thành đội trưởng mới gọi anh lên báo cáo tổng hợp cho ông nghe.

- Có ghi chép cẩn thận đấy chứ? - Ông hỏi.

- Không có thì giờ nên tôi chỉ ghi chép một cách khái quát thôi ạ - Thành đáp.

- Cũng chả có thì giờ nghe kỹ. Rất cần có một cách nhìn thật tổng hợp lúc này.

Tham mưu trưởng Nguyễn Tá Thành khẽ khàng lật từng trang sổ ghi chép của anh, trình bày rành rọt:

- Sau trận ta thắng ở khách sạn Hương Giang, địch co cụm lại, hoảng hốt, lo, đến như khách sạn Hương Giang Việt Cộng còn vào đánh được thì chỗ mô Việt Cộng muốn là tới được. Chúng nói với nhau đầy tâm trạng hoang mang như vậy. Được thế, nông thôn ba huyện ngoại thành vùng dậy đánh bình định.

Trận đầu phải kể là lực lượng K4 do anh Chi chỉ huy đánh vào Dưỡng Mông, tiêu diệt luôn ba đoàn bình định và hai đại đội bảo an. Lúc đó cánh đồng Phú Vang đang vào mùa gặt. Nông dân tay liềm ào lên. Thừa thắng xốc tới, giải phóng luôn một mảng nông thôn từ Dưỡng Mông, Đồng Di, Xuân ổ, Diên Đại, Sư Lỗ, lên tận Vân Thê, Công Lương, Xuân Hòa, Thanh Thủy Chánh. Trước trận này, địa bàn của ta chỉ vẻn vẹn một rẻo gần giáp ranh, vùng sâu chỉ có một vài lõm có hầm bí mật. Vậy mà chỉ đánh một trận trúng đầu não bọn bình định, đã lòi ra một mảng nông thôn liên hoàn Phú Vang, Hương Thủy, tạo địa bàn đứng chân cho thành phố.

Tiếp đó ở phía bắc thành phố, đánh một loạt bình định ở Thanh Lương, Địa Lương, Trúc Lâm... lập tức làm chủ được một mảng lớn Phò Nam, Niêm Phò, Tài Ba, An Xuân, Phước Yên của Phong Điền, Quảng Điền. Bọn địch ở An Đô, Lại Bằng, La Chữ thì lo về An Hòa. Phía bắc đã có chỗ đứng nhìn thẳng vào thành phố.
Hai tiểu đoàn 2, 3 thuộc trung đoàn 3 ngụy có chi đoàn thiết giáp yểm trợ cho bọn bình định ở Phú Thứ, Hương Thủy. Các bà, các chị, các ông già bồng con, bồng cháu nằm ngang giữa ruộng vườn ngăn xe 113 không được chà sát lên hoa màu. Hàng nghìn đồng bào vây chặt đơn vị ngụy đang hành quân, không cho tiến. Chúng phải lùi về trú quân ở quận Phú Thứ. Đêm ấy đội đặc công của thành phố tập kích tiêu diệt một số xe M113 buộc chi đoàn bọc thép này phải quay về. Bọn bình định bỏ cuộc về theo.

Về quân sự thì anh đã biết. Trung đoàn 6 tập kích tiêu diệt gần hết căn cứ trung đoàn 3 ngụy ở Tứ Hạ. Tiểu đoàn 4 và đại đội địa phương Phú Vang tập kích tiêu diệt chi khu Phú Thứ. Lực lượng biệt động quận Hữu Ngạn tập kích các đội Hắc Báo, Phượng Hoàng, quân ở Thủy Phú, Thủy An, Thủy Trường, Thủy Phước. Du kích mật nội thành đánh Gia Hội, An Cựu, Tây Lộc. Đặc biệt một du kích mật làm thợ điện ở căn cứ Phú Bài đã gài mìn phá hủy một kho đạn lớn của Mỹ, đạn nổ vang dội vùng Phú Lương suốt một ngày một đêm.
Thành đội trưởng gật đầu:

- Những trận đánh này có ý nghĩa rất quan trọng cả quân sự lẫn chính trị. Ta đã đưa phong trào du kích vào sau lưng địch và đã chọc cả vào trong thành phố, làm cho cả hậu phương địch mất ổn định. Vậy là từng bước ta đã khẳng định mình có thể "đánh thành phố được".

- Bây giờ tôi mới thấy việc Khu ủy cắt ba huyện cho thành phố là có lý lắm. Nếu không, từng bước một thành phố làm gì có chỗ đứng chân.

- Tôi muốn nghe một chút về nội thành - Thành đội trưởng hỏi.

Nguyễn Tá Thành suy nghĩ một lát rồi nói:

- Ba đội biệt động của ba quận đã thành đội ngũ đáng tin cậy trong đó. Anh Hoàng Lanh, anh Trung Chính, anh Phan Nam đang rất tích cực xây dựng cơ sở cách mạng trong nội thành. Đã hình thành được mỗi khu phố một chi bộ và mỗi đường phố đã có một đội du kích mật. Vì vấn đề bảo mật nên tôi không biết cụ thể từng nhân sự các tổ chức này. Riêng các địa bàn phía nam như Xuân Phú, Diên Thái, Vân Dương, Văn Thê Đập, An Cựu thường xuyên hoạt động áp sát thành phố. Đặc biệt hệ thống giao thông liên lạc từ trong thành phố ra, từ ngoài thành phố vào nội thị đã được tổ chức đường dây nghiêm chỉnh.
Thân Trọng Một tủm tỉm cười:

- Vậy là tất cả đã lặng lẽ dang tay ra đón thời cơ rồi. Không biết chủ trương Khu ủy ra sao đây?

- Phong trào sinh viên trong thành phố cũng rất sôi động anh ạ.

- Đúng là rung động hết cả lên rồi. Thành thử chấm phá đôi nét cơ bản xem nào.

Nguyễn Tá Thành đọc trong bản chép tay của mình:

- Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, về việc đấu tranh làm thất bại âm mưu Mỹ trong việc tổ chức bầu cử tổng thống và nghị viện. Thanh niên, sinh viên Huế đã có nhiều hình thức vận động đồng bào không đi bỏ phiếu vào ngày 3 tháng 9. Sinh viên thì tổ chức mít tinh, biểu tình phản đối trò hề bầu cử, tố cáo sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. Cảnh sát ngụy tung quân ra đàn áp bằng dùi cui, lựu đạn cay vẫn không đẩy lùi được hàng nghìn sinh viên xuống đường.

Thành đội trưởng vỗ đùi:

- Đây chính là lực lượng của chúng ta trong tương lai. Ai nắm được học sinh, sinh viên, trí thức thì thành phố thuộc về người đó.

Nguyễn Tá Thành hào hứng nói tiếp:

- Hội Phật giáo Huế đã vận động, tổ chức được hơn ba nghìn tín đồ Phật giáo hội thảo tại chùa Từ Đàm, có sinh viên tham gia, vạch mặt sự phản bội của thượng tọa Thích Tâm Châu và phản đối kết quả bầu cử ngày 3 tháng 9 của Mỹ, Thiệu - Kỳ. Nhiều nhà sư tuyên bố sẵn sàng tự thiêu để đấu tranh cho độc lập dân tộc và đạo phép.

Thành đội trưởng vui hẳn lên:

- Đừng quên rằng cho đến tận hôm nay Phật giáo Việt Nam vẫn đi song hành với lịch sử dân tộc. Nếu quên điều đó chúng ta sẽ có tội với đất nước - Nhìn Nguyễn Tá Thành, thành đội trưởng nói thêm - ở Huế còn một tình hình nữa mà tham mưu trưởng chưa báo cáo, đó là mặt trận Đường Chín đã mở. Lính Đường Chín bị thương tràn về Huế trở thành một đám kiêu binh. Chúng vào chợ Đông Ba thích gì lấy nấy, thích gì ăn nấy, không trả cho dân một đồng. Dân không dám nói gì nhưng căm lắm. Bị o ép, kìm kẹp đủ điều, lòng dân hướng về cách mạng. Thành ạ, tình hình tổng quát mà chúng ta vừa điểm qua rất có lợi cho một thời cơ mới. Mình tin là rồi đây Khu ủy sẽ có những quyết định, và quyết định ấy chắc chắn sẽ hướng vào thành phố.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #5 vào lúc: 07 Tháng Ba, 2009, 06:47:37 am »

Những dự liệu của thành đội trưởng không phải chờ lâu. Tháng 10 năm 1967 Khu ủy mở hội nghị tại Động Chuối (một địa chỉ bên thượng nguồn dòng sông Ô Lâu, thuộc huyện Phong Điền, phía bắc Huế giáp với Quảng Trị). Trong hội nghị này, Khu ủy bàn và quyết định kế hoạch đánh Huế.

Ở hội nghị về, Bí thư Thành ủy Lê Minh về thẳng cơ quan thành đội, gặp Ban chỉ huy thành đội, ông nói:

- Trên tình hình những biến động mới ở Huế sau trận đánh vào khách sạn Hương Giang, Khu ủy nhận định, thời cơ đã đến. Đây là một kế hoạch do khu ủy chủ động đề ra theo gợi ý của anh Nguyễn Chí Thanh năm trước là ta phải đánh vào chỗ hiểm của địch. Có đánh vào chỗ hiểm thì mới nhanh chóng giải quyết được chiến cuộc. Thời gian đánh vào Huế Khu ủy chưa quyết định cụ thể, nhưng sẽ vào mùa xuân này hay sau mùa xuân một ít vì thời điểm đó thời tiết tốt, rất thuận lợi cho việc hành quân. Mục đích đánh Huế lần này là nhằm buộc địch co cụm lại, ta sẽ có cơ hội giành lấy đồng bằng, gây cho địch một tổn thất đích đáng ngay tại sào huyệt của chúng, và để cho thanh niên Huế, trí thức Huế thức tỉnh, không thể ngoan ngoãn mãi, nằm im mãi, địch muốn làm gì thì làm.

Nhìn anh em một lượt như để thăm dò thái độ từng người, bí thư nói tiếp:

 - Vấn đề đầu tiên Khu ủy đặt ra là: Thứ nhất, đánh và rút ra ngay trong đêm; thứ hai, hoặc đánh rồi giữ? Và nếu thế thì giữ bao lâu?

Đánh rồi rút ra ngay trong đêm không có gì phải bàn, nhưng đánh rồi giữ và giữ mấy ngày là vấn đề đã khác rồi. Muốn giữ, trước hết phải có lực lượng và đủ vũ khí để đương đầu với xe tăng địch. Song Khu ủy đã quyết: Phải giữ để gây chấn động thực sự. Do đó có ý sẽ đánh và giữ Huế trong một đêm một ngày. Có ý giữ ba ngày, năm ngày. Phá nát nó rồi ra. Tôi được Khu ủy cho nghiên cứu để làm kế hoạch giữ Huế trong năm ngày.

Thành đội trưởng giơ tay xin phát biểu ý kiến. Ông rất thận trọng nói:

- Muốn thắng địch phải biết địch biết ta thì trăm trận trăm thắng. Lực lượng địch ở Huế bây giờ khá dày đặc. Ngoài sư đoàn 1 ngụy do Ngô Quang Trưởng làm sư trưởng, còn có trung đoàn thiết giáp ngụy đóng ở Tam Thai, hai tiểu đoàn dù đóng ở An Hòa, xa hơn, trung đoàn 3 ngụy đóng ở Tứ Hạ, sư kỵ binh bay của Mỹ một phần đang đóng tại căn cứ Đồng Lâm. Một nửa sử thủy quân lục chiến Mỹ đang đóng ở Phú Lộc, Phú Bài. ấy là ta chưa tính tới pháo hạm ngoài khơi, máy bay và bom đạn trên trời. Rồi lực lượng Mỹ, ngụy từ Đường Chín, Đông Hà ép vào, từ Đà Nẵng ép ra. Tôi nói vậy không phải chưa đánh đã chờn, mà ta phải tính.

Bí thư Lê Minh trả lời:

- Tại chỗ, thành đội chúng ta đã có một trung đoàn. Khu sẽ tăng cường thêm cho Huế hai tiểu đoàn, đồng thời giao hẳn đoàn ở Phú Lộc và Trung đoàn 6 ở Phong Quảng cho Huế. Như vậy toàn bộ lực lượng của chúng ta hành quân vào Huế dự kiến là bốn ngàn hai trăm người. Chúng ta không thể quên một lực lượng hai mươi ngàn lính Mỹ, ngụy đang đóng trên đất Thừa Thiên, quả thật đây là điều đáng ngại khi phải đối mặt với chúng trong năm ngày.

Bí thư nói tiếp:

- Từ nay đến khi nổ ra chiến sự, chúng ta đủ thời gian để củng cố và xây dựng lực lượng của mình, sao cho đủ sức đánh và giữ Huế trong năm ngày. Một điều quyết định thắng lợi của chúng ta là phải giữ được bí mật ý đồ chiến thuật đến khi xuất phát, lúc ấy các chiến sĩ ta mới biết chính xác mình làm gì. Bí mật là thắng lợi năm mươi phần trăm rồi. Quyết định của Khu ủy là vậy. Cụ thể ra sao là ở các đồng chí. Các đồng chí bàn đi. Tôi xin nói lại quyết định của hội nghị Khu ủy lần này là Khu ủy rất tin vào Huế chúng ta.

*
*   *

Bây giờ đang là cuối tháng mười. Nếu trận đánh Huế vào mùa xuân, thời gian chỉ còn ba tháng nữa. Một trận đánh lớn như thế, e chuẩn bị phải gấp gáp mới kịp. Tính toán phác qua đôi điều, thành đội trưởng liền mời trưởng ban, phó ban của ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần tới họp.

Phòng họp của Ban tham mưu giữa chiến khu rất tuềnh toàng. Mái lợp lá nón. Bốn phía tường chỉ thưng nửa dưới, còn nửa trên để trống với hàng song rất thưa có thể chui người qua được. Lính ta gọi đó là hội trường dã chiến. Vì nếu cần, có thể vất ngay, làm cái khác. Xung quanh là rừng già. Gió thoáng là mát.
Những thành viên mời họp đã có mặt đầy đủ. Thành đội trưởng vào ngay việc triển khai nghị quyết của Khu ủy:

- Hôm nay tôi phổ biến cho các anh một việc hệ trọng, đó là quyết định của Khu ủy, sau tết Mậu Thân này chúng ta chọc thẳng vào tim địch. Nếu ý đồ này để lộ, chúng ta sẽ bị địch bóp chết từ ngay trong trứng. Vì vậy kế hoạch đánh Huế chỉ được quán triệt trong cán bộ chỉ huy. Còn lính tráng không được phổ biến tinh thần này.

Ông nói tiếp:

- Việc của ban chính trị là động viên quân lính sẵn sàng đón thời cơ. Khi thời cơ đến, quyết tâm giành thắng lợi lớn nhất. Việc của cơ quan hậu cần là lo đủ súng đạn để chiến đấu suốt thời gian giữ Huế, đồng thời phải lo đủ gạo bồi dưỡng cho bộ đội có sức khỏe, luôn mang vác được ba mươi cân trên vai. Tôi nghe ngoài Trung đoàn 6, mỗi tiểu đoàn chỉ còn bảy mươi người khỏe mạnh, số còn lại đang bị sốt rét dày vò. Lính ăn no, ăn ngon, sức của tuổi trẻ được vực dậy sẽ đẩy lùi hết bệnh tật. Còn cơ quan tham mưu cùng ban chỉ huy phải lo thế trận của mình với những mũi tiến quân trong Huế. Hai căn cứ mà chúng ta phải quyết giành thắng lợi là diệt cho được trung đoàn 7 xe bọc thép ở Tam Thai và sư đoàn 1 trong Mang Cá. Nếu không giải quyết xong hai căn cứ này, xe tăng sẽ nghiền nát, còn sư đoàn 1 sống sót sẽ đánh chúng ta từ trong ra, tất cả sẽ rất khó lường.

Cuối buổi họp ông dặn kỹ:

- Các cơ quan về lên kế hạch hành động cụ thể của cơ quan mình rồi báo cáo ngay lên Ban chỉ huy thành đội. Trận đánh này chúng ta không được bàn lùi. Chỉ được bàn tới. Khó khăn đến đâu thì vượt lên đến đấy. Khó khăn nào ban không vượt qua được thì báo cáo lên Ban chỉ huy.
ở cuộc họp ra, thành đội trưởng gặp riêng Nguyễn Tá Thành:

- Lên kế hoạch tác chiến xong, cậu không được quan liêu tin vào mấy cái báo cáo, mà phải nhìn tận mắt, bắt tận tay rồi lên báo cáo cho tôi. Mỗi huyện ngoại thành ngoài đại đội bộ đội địa phương đã có sẵn phải củng cố bổ sung sao đó để mỗi huyện có được hai đại đội biệt động và một đại đội đặc công. Rồi đây, chúng ta sẽ bận bịu trong thành phố. Có những việc huyện sẽ phải tự gánh vác cho mình, không có đủ lực lượng ấy, chúng ta không thể với tay vào thành phố được đâu. Nhớ không?

Thành đáp:

- Dạ, nhớ!

- Điều cần nhớ số một là bất cứ lúc nào cũng không được quan liêu. Cứ tin vào mấy thứ giấy tờ sẽ có lúc mang vạ đấy.

Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #6 vào lúc: 07 Tháng Ba, 2009, 06:49:31 am »

Các sĩ quan tham mưu chụm đầu với nhau suốt nửa tháng trời mới phác họa được một bản đồ tấn công vào Huế trong mùa xuân này. Để trình báo cáo kế hoạch tác chiến với Ban chỉ huy, các sĩ quan phân công nhau về tận các tiểu đoàn lên kế hoạch cụ thể của từng tiểu đoàn một. Phân công tham mưu phó trực ở nhà, Nguyễn Tá Thành bắt đầu lặn lội về từng mũi công tác xem xét cụ thể tình hình.

Thành lo nhất là sức khỏe của lính. "Thực túc binh cường". Trước đây khi địch còn làm chủ nông thôn, ta mới có một vài địa bàn lõm và rẻo đất ven rừng, lại bị càn quét liên miên, bộ đội cũng thiếu ăn liên miên, bữa no bữa đói. Bám vào nương rẫy của đồng bào miền Tây là chính, độn thêm rau rừng, cá suối. Có lúc khổ đến nỗi đồng bào nhường cả rẫy cho bộ đội, dìu dắt vợ con vào mãi sâu, đào củ rừng sống qua ngày. Từ ngày thọc sâu vào đánh thành phố và dẹp từng mảng bình định, nông thôn được mở ra, các tiểu đoàn chia nhỏ từng đại đội về ở hẳn dưới đồng bằng, cơm dân nuôi tại chỗ. Bộ đội anh nào anh nấy phởn phơ hẳn ra.

Nay chuẩn bị cho kế hoạch đánh Huế, cả thành đội và Thành ủy, việc chuyển gạo lên rừng giống như cả một chiến dịch. Chưa bao giờ thấy Thành ủy cấp tài chính cho việc mua gạo hào phóng như lúc này. Xin bao nhiêu bí thư ký "roẹt", cấp liền.

Nghe nói ngoài Hương Trà, không khí mua gạo chuyển lên rừng rất rầm rộ, Nguyễn Tá Thành cùng chú liên lạc ra tận chiến khu Hương Trà, gặp anh Hường Thọ bí thư huyện ủy. Anh Hường Thọ tiếp Thành ngay trong ngôi nhà thùng, vừa là nơi ở, vừa là nơi làm việc của anh.

Nguyễn Tá Thành hỏi ngay:

- Nghe nói Hương Trà chuẩn bị lương thực cho chiến khu khá lắm.

Anh Hường Thọ đáp:

- Tối nay mời anh lên xem đường chuyển gạo ở Cổ Bi của chúng tôi.

Nhìn đồng hồ, đã năm giờ chiều, bí thư mời Thành ăn cơm chiều, rồi cả hai người đi ra cửa rừng xuống núi, thẳng về phía Cổ Bi. Vừa đi, anh Hường Thọ vừa tâm sự:

- Nếu lệnh mua gạo chuyển lên chiến khu như kiểu này cách đây một năm thì chúng tôi chịu. Chỉ riêng địch càn, phục kích liên miên cũng đã không thể đi lọt chứ chưa nói gì tới việc vận động nhân dân mua gạo. Anh có nhớ thời ngụy quyết đánh chúng ta bằng lương thực không? Chúng đột xuất càn, vào từng nhà, bắt đem hũ gạo ra đong. Thấy nhiều, chúng chất vấn: "Trữ gạo cho Việt Cộng hả?". Không nhà nào được trữ gạo ăn quá ba ngày. Năm nay tình thế mở ra, riêng Hương Trà, hai tuyến chuyển gạo lên rừng, mỗi đêm ít thì một trăm thùng, nhiều thì hai trăm thùng.

Trời vừa tối hẳn thì hai người đã xuống đến làng Cổ Bi. Làng Cổ Bi thuộc xã Phong Sơn, giáp giới phía bắc Hương Trà, nằm ngay bên bờ sông Bồ, một trong những con sông lớn của Thừa Thiên.

- Kìa, anh coi.

Đứng trên bờ sông nhìn xuống, ba chiếc đò nhỏ và hàng chục chiếc ghe sát bên, nhân dân vác từng bao cát đựng gạo, người nọ chuyển tay người kia đưa lên đò.

Anh Hường Thọ nói:

- Ngay dưới Cổ Bi là làng Hiền Sỹ. Địch cho đóng đồn ngay đầu làng Hiền Sỹ. Lính đồn Hiền Sỹ thường xuyên lên bến đò Cổ Bi này phục kích, vì từ chiến khu Khe Trái, cán bộ, bộ đội ta hay tới bến đò này để về đồng bằng. Đò đầy gạo rồi kìa. Ta thử lên một chuyến đò xem việc đưa gạo lên chiến khu như thế nào.
Anh Thọ dắt tay anh Thành lên một chiếc đò. Nhờ ánh trăng đêm, chủ đò nhận ngay ra anh Hường Thọ:

- Chào chú. Đêm nay chú ngược chiến khu ạ.

- Anh cho chúng tôi đi nhờ đò được chứ?

- Ai chớ, bí thư thì chúng tôi sẵn lòng.

Thấy bí thư có khách, chủ đò vồn vã, nhưng vẫn dè dặt, dẹp một chỗ ở mũi đò cho hai người ngồi.

Ba con đò chèo tay cùng năm, sáu chiếc ghe tíu tít men bờ ngược sông. Bắt đầu từ đây trở lên không còn có bom đạn, thật là một vùng bình yên.

- Trước đây đoạn sông Bồ gần thượng nguồn này không được yên ả vậy đâu - Anh Hường Thọ nói - Chặng đường chúng ta từ chiến khu về, bo bo địch tuần tiễu suốt ngày đêm. Hễ thấy cái gì nghi nghi bên bờ là xả súng bắn đến nát bấy thì thôi, không những thế chúng còn gọi cả trực thăng lên quần đảo. Trong vòng nửa năm nay chúng co cụm lại rồi. Đến cả cái đồn Hiền Sỹ, ngày cũng không dám hung hăng sục sạo, đêm
thì nằm trong hầm im thin thít sợ bộ đội về tập kích bất ngờ.

Nguyễn Tá Thành hỏi:

- Đã bao giờ địch phát hiện ra một chuyến gạo lên rừng của mình chưa?

Anh Hường Thọ nói:

- Phải nói là thời cuộc khác rồi nên tình thế cũng khác rồi. Địch cho đóng đồn Mõm Xanh chủ yếu để ngăn chặn tuyến đường của ta từ rừng về. Vợ tên đồn trưởng là người Hương Trà. Chúng tôi về gặp vợ hắn nói: "Đồn Mõm Xanh xây lô cốt xi măng, B40 bắn sập cả khách sạn Hương Giang, liệu đồn Mõm Xanh có chịu nổi ba quả B40 không? Chị hãy nói với chồng chị rằng bộ đội giải phóng để lúc nào được yên lúc đó. Chỉ cần chồng chị hiểu việc ai nấy làm. Chúng tôi không đụng tới đồn Mõm Xanh thì chồng chị cũng đừng đụng tới chúng tôi. Chuẩn bị cho quân giải phóng ăn tết, chúng tôi phải chuyển gạo lên cho bộ đội ăn tết. Đừng cản trở chúng tôi đó nghe. Đụng tới chúng tôi thì cứ liệu hồn". Đúng là vợ tên đồn trưởng có nói với chồng thật. Từ đó mình hầu như tự do đi lại trên con đường này. Có bữa anh em mình kéo nhau chuyển gạo lên sớm, lính trong đồn ra nói: "Các ông các bà ơi, có lên thì lên muồn muộn mà khi về thì về sơm sớm cho chúng con nhờ, kẻo trên biết, chuyển chúng con đi nơi khác thì phiền lắm". Ngay cả ở đồn Tứ Hạ, chúng có thấy anh em mình đi, về cũng mặc, không đả động gì cả.

Thành đồng tình:

- Được vậy, đúng là tình thế đã khác.

- Cái cách lộ ra cho bọn địch biết "chuyển gạo lên cho bộ đội ăn tết mừng chiến thắng" thế mà hay. Phía nam Hương Trà, chúng tôi mua gạo tập trung ở Thanh Lương, rồi dân công Hương Thanh chuyển lên giáp ranh. Từ giáp ranh bộ đội ra nhận đưa vào rừng gạo, lợn và cả bò nữa. Đủ cả lương thực, thực phẩm. Nghe nói có ngày cả chợ Đông Ba hết thịt vì nhân dân cả bắc, nam sông Hương đều tập trung cho chiến dịch chuyển gạo lên rừng.

Sông Bồ đoạn gần thượng nguồn hẹp dần. Bỗng ba chiếc đò ngược xôn xao hẳn lên. Mọi người trong đò đứng lên hết trong các khoang, giơ tay vẫy rối rít. Thì ra trong ánh trăng nhìn rất rõ ba con đò khác ngược chiều đang từ chiến khu về, chở đầy bộ đội. Bộ đội, dân công gặp nhau thật hồ hởi:

- Chúng em chào các anh bộ đội!

- Nào, các em, hãy cho địa chỉ đi để khi nào về được Huế, anh sẽ tìm đến tận nơi mà.

- Chúng em chở gạo lên cho các anh ăn no đánh thắng đây. Mừng không? Nếu mừng thì hãy hát lên một
bài cho chị em dân công nghe nào.

Không phải một anh bộ đội hát mà tất cả, không ai bảo ai cùng cất lên: "Giải phóng miền Nam chúng ta cùng cất tiến bước. Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước. Ôi xương tan máu rơi, lòng hận thù ngất trời. Sông núi bao nhiêu năm cắt rời. Đây Cửu Long hùng tráng. Đây Trường Sơn vinh quang. Thúc giục lòng ta xung phong đi giết thù...".

Cả sáu chiếc đò cùng vỗ tay theo nhịp hát. Hát xong, một anh bộ đội, khoanh tay làm loa:

- Nghe nói các em gái Huế hò hay lắm. Em nào hò một bài cho các anh nghe nào.

Nghe đò sau cười khúc khích. Một giọng nữ cất lên trong vắt: "Ơ ơ ơ... Đò từ Đông Ba đò qua Vĩ Dạ, đò từ Đập Đá tới ngã ba Sình. Nhịp chèo bóng xế chênh chênh. Nghe câu mái đẩy nặng tình nước non".
Nguyễn Tá Thành giật mình, sao cái giọng hò giống Dung đến thế? Thành đứng lên tìm dáng cô gái hò, nhưng các cô đứng nhốn nhao, lao xao, dù trăng sáng đến thế mà anh cũng không nhận ra. Lòng Thành nôn nao nhớ đến vợ con. Nếu trận này vào Huế, anh sẽ đi tìm Dung trong niềm vui chiến thắng ấy.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #7 vào lúc: 07 Tháng Ba, 2009, 06:51:31 am »

Cả sáu chiếc đò lỏng tay lái, nghiêng mái chèo. Đã gần như đứng hẳn lại quấn lấy nhau. Trong ánh trăng những đôi mắt tìm đôi mắt. Những chiếc đò cũng dùng dằng không muốn đi. Mãi rồi mới chia tay được.
Tiếng cô gái như níu những chiếc đò lại:

- Các anh ơi, nhớ nghe. Nếu về đánh Huế, hãy nhớ tìm chúng em đó nghe.

Tiếng chàng trai đáp lại:

- Nhớ rồi. Nhớ sông Bồ lắm các em ơi.

Ba chiếc đò ngược lên vùng chiến khu Khe Trái thì dừng lại. Đò cập bến. Những cô dân công thành thạo bốc gạo lên bờ, khuân vào kho núp sâu trong tán lá rừng. Hết gạo, lập tức ba chiếc đò bị dìm xuống đáy sông.

Anh Hường Thọ nói với anh Thành:

- Dìm đò xuống sông ngày mai tha hồ trực thăng quần đảo cũng không thấy dấu vết gì. Đêm mai họ lại chở bộ đội xuôi dòng anh ạ.

Thành gật gù:

- Đúng là không khí chiến dịch anh Thọ ạ.

- Cả chục năm nay sông Bồ mới có được không khí này đấy. Làm gì mà lòng dân không nao nức.

*
*  *

Sáng hôm sau anh Hường Thọ rủ anh Thành về chiến khu Hương Trà. Anh Thành giữ anh Thọ lại:

- Khe Trái cũng là chiến khu của Trung đoàn 6. Tới đây Trung đoàn 6 sẽ phối hợp với chúng ta đánh Huế! Ta ghé trong đó xem không khí của họ thế nào.

Khe Trái, vùng núi rất có địa thế quân sự, lấn khá sâu vào Trường Sơn. Rừng nguyên thủy ở đây dường như đang còn nguyên dạng, chưa bị bom đạn, chưa bị biến dạng bởi bàn tay con người. Ngoài trời nắng nhưng đi trong rừng, dưới các bóng cây, thỉnh thoảng lắm mới có một tia nắng mặt trời lọt được vào. Đây đó tiếng chim rừng ríu ran. Trong gió mát rượi mùi xanh cây lá.

Đang đi, anh Hường Thọ níu tay áo anh Thành dừng lại, chỉ bên góc rừng. Đó là bãi tập của lính Trung đoàn 6. Hai người với hai chú liên lạc làm như nhóm người đi công tác trên đường dừng chân nghỉ lại. Kỳ thực bí thư huyện ủy Hương Trà và tham mưu trưởng thành đội gặp được một bãi tập thì rất mừng, muốn xem Trung đoàn 6 triển khai quân ra sao.

Cả bốn thầy trò ngồi bên suối đá. Trên bãi tập kia dựng hai bức tường bằng những khúc gỗ và bãi hàng rào dây thép gai. Lính nai nịt gọn gàng, vai mang súng, lưng thắt dây lưng to bản đeo đầy lựu đạn và đạn xung quanh. Họ khéo léo lách mình dưới lớp hàng rào dây thép gai bùng nhùng, rồi bất ngờ leo tường. Leo bằng đủ mọi cách: người nọ lấy vai mình làm thang cho người kia, leo bằng sào và leo cả bằng thang nữa. Họ tập đủ mọi tình huống để khi vào trận không bị ngỡ ngàng.

Tít mãi góc xa là bãi tập vượt sông. Một con suối lớn đã được ngăn lại bằng đá, nhìn rất rõ những dấu vết vừa mới đắp xong. Bộ đội tập bơi tay không, tập bơi có phao. Phao chính là chiếc ba lô của mình được bọc bên ngoài một tấm ni lông. Và cuối cùng là tập bơi vũ trang, nghĩa là bơi có trang bị súng ống.
Không khí cả bãi tập vượt tường và bãi tập bơi đều rất hăng hái, rộn ràng.

Phát hiện ra có người đang xem bộ đội tập, có hai người lính từ bãi tập đi tới chỗ thầy trò Hường Thọ, Tá Thành ngồi. Tránh sự nghi kỵ, anh Hường Thọ xử lý rất nhanh, anh đứng dậy khoan thai bắt tay anh bộ đội và tự giới thiệu:

- Tôi Nguyễn Hường Thọ, bí thư huyện ủy Hương Trà vừa từ trên Khu ủy về tắt qua đây, thấy bộ đội tập chăm chỉ quá, ngồi xem thật hài lòng.

Một anh bộ đội nói:

- Đại đội chúng tôi ở Trung đoàn 6, nghe tên anh Hường Thọ lâu rồi, bây giờ mới được gặp. Tưởng người lạ, ra mời đi, ai ngờ người quen. Doanh trại ở xa không mời các anh vào chơi được, tiếc quá!

Anh Hường Thọ hỏi:

- Chương trình luyện tập thường năm đấy chứ?

- Đây là bài tập đột xuất theo yêu cầu của trung đoàn. Anh em vừa tập vừa xì xào bàn tán chỉ có đánh vào thành phố mới tập leo tường. Anh em còn võ đoán: Chúng ta đang bơi qua sông Hương vào đánh Huế đây. Họ hỏi tôi: "Có phải vậy không thủ trưởng?". Tôi thực lòng đáp: "Tôi cũng không hơn gì các bạn, chỉ biết tập theo lệnh trung đoàn. Còn nếu được đánh vào Huế thì đó là mơ ước của chúng ta chứ gì". Nghe nói được đánh vào Huế, anh em đã vỗ tay rần rần.

Anh Hường Thọ đáp:

- Không sớm thì muộn, thế nào cũng sẽ đến lúc chúng ta đánh vào Huế.

Anh bộ đội hỏi:

- Anh người Hương Trà chắc đã vào Huế nhiều lần. Huế đẹp lắm hả anh?

- Ít nhất Huế cũng là một kinh đô rồi. Các bậc vua chúa bao giờ cũng tìm một vùng đất đắc địa để làm kinh đô cho triều đại mình.

- Anh em chúng tôi mong được vào Huế lắm.

- Trước khi vào Huế, qua Hương Trà, cứ hỏi Nguyễn Hường Thọ. Tôi nhất định đưa các bạn thăm Huế.
Điều kỳ diệu nhất trong chiến tranh là những người lính. Bất kỳ ở đâu, gặp nhau là gần nhau ngay. Có lẽ sợi dây rất dễ bắt dính họ với nhau là mục đích cầm súng. Trước mắt họ là chiến trận và hy vọng chiến thắng. Ngoài ra trong họ, trong cái cá nhân của từng người không có nhu cầu đòi hỏi gì. Vì vậy cuộc gặp gỡ nào cũng có cái gì đó lưu luyến.

Ngày hôm sau anh Hường Thọ và anh Tá Thành mới về đến chiến khu Hương Trà. Vừa đặt chân tới ngôi nhà thùng của mình, như chợt nhớ ra, anh Hường Thọ vui rối rít:

- Tôi phải khoe anh cái này, rất đặc biệt.

- Nếu đặc biệt thì cho tôi xem với.

Anh Thọ dẫn anh Thành tụt dốc. Đến gần ngôi nhà từ trong đó vọng ra tiếng xành xạch, anh Thọ hỏi:

- Có nhận ra tiếng gì không?

- Ở chiến khu cũng có máy may à?

- Chiếc máy may của bà Thân mua cho con gái là o Mão để làm nghề sinh sống, nhưng biết chiến khu cần, bà không ngần ngừ, trao cho chiến khu ngay.

Hai người đã đứng trước máy may, Nguyễn Tá Thành nhận ngay ra sản phẩm của máy may đang bày ra trước mắt anh, đó là lá cờ của Mặt trận Liên minh Dân chủ. Ngôi sao vàng giữa nền đỏ. Hai bên nền đỏ là nền xanh da trời. Anh Thọ giới thiệu:

- Chị Lê Thị Cam, thường vụ huyện ủy Hương Trà, thợ may duy nhất của lá cờ này.

Thành bắt tay chị Cam. Chào khách xong chị Cam lại cắm cúi vào công việc của mình.

Khi ra đến ngoài cửa anh Thọ mới cho biết:

- Lá cờ này rộng tới chín mươi mét vuông. Ngoài Bắc chỉ gửi vải đỏ, vải vàng vào. Vải xanh phải mua thêm ở Huế. May xong chúng tôi sẽ làm lễ trao cờ cho Trung đoàn 6. Trung đoàn 6 sẽ chịu trách nhiệm treo chính lá cờ này lên đỉnh kỳ đài Ngọ Môn.

- Cứ nghĩ tới việc nhìn lá cờ Mặt trận Liên minh Dân chủ này treo lên đỉnh kỳ đài Huế lòng đã thấy rạo rực lên rồi. - Nguyễn Tá Thành nói.

- Đó sẽ là một trong những ngày vui nhất ở Huế của chúng ta, anh Thành ạ.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #8 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2009, 09:13:27 pm »

Từ chiến khu Hương Trà, Nguyễn Tá Thành cùng chú liên lạc theo đường giao liên ven rừng về thẳng làng Thanh Thủy Chánh của huyện Hương Thủy. Đúng lúc cả làng Thanh Thủy Chánh cùng kéo nhau ra dỡ hàng rào ấp chiến lược, chất làm ba đống, đốt lửa cháy đùng đùng.

Người đội trưởng du kích lồng lá cờ của Mặt trận Giải phóng vào cán, cắm ngay trước đống lửa đang cháy. Bà con dân làng đứng quanh đó rất đông. Anh nói:

- Làng Thanh Thuỷ Chánh chúng ta được giải phóng rồi. Hàng rào ấp chiến lược đã kìm kẹp dân làng ta cả chục năm giờ đốt nó để khẳng định rằng không bao giờ chúng ta chịu quay về dưới ách kìm kẹp ấy nữa. Để giữ làng quê giải phóng của mình, tôi kêu gọi tất cả thanh niên làng hãy vào du kích, tự vệ, hãy cầm súng, hễ giặc đến thì chúng ta đánh. Bà con có đồng ý không?

Cả làng vỗ tay hưởng ứng.

Một chiếc bàn, một chiếc ghế được khiêng ra. Cô du kích mặc bộ đồ đen, đầu đội mũ tai bèo. Lưng đeo thắt lưng to bản, lủng lẳng mấy quả lựu đạn, vai khoác súng AK, dáng trông rất khỏe mạnh. Cô ngồi trên ghế, trước bàn, dõng dạc:

- Thanh niên làng Thanh Thủy Chánh, những ai xin vào du kích giữ làng cho tôi ghi tên.

Từng thanh niên đến ghi tên mình.

Một thanh niên vừa ghi tên xong, quay ra gặp Nguyễn Tá Thành, Thành giữ lại hỏi:

- Tại sao anh ghi tên vào du kích?

Người thanh niên đáp:

- Lớn lên bị giặc hăm dọa, dụ dỗ, đe nẹt đủ điều, em chán lắm rồi. Bây giờ em chỉ muốn hòa bình thôi. Mẹ em thường bảo: "Hòa bình, hết bom đạn ăn cháo cũng cam". Em mong hòa bình, em vào du kích để chiến
đấu cho hòa bình.

- Em không sợ địch quay lại đàn áp à?

- Địch quay lại thì du kích chúng em đánh. Em chỉ lo các anh không đủ súng đạn phát cho chúng em thôi.
Hai tiểu đội du kích Thanh Thủy Chánh được ra đời ngay trong đêm đốt rào ấp chiến lược. Dưới ánh trăng khuya, trước sân đình, đội du kích được tập hợp, họ được dạy ném lựu đạn, bò toài và bắn súng ngay trong đêm ấy. Phụ nữ và thiếu niên đứng xem rất đông. Nguyễn Tá Thành hòa trong đám đông ấy. Anh nghĩ phong trào xây dựng lực lượng vũ trang huyện bắt đầu từ khí thế này đây. Không lâu nữa họ sẽ thoát ly. Điều quan trọng là đội du kích còn lại trong làng phải sống sao cho hợp pháp. Khi cần xuất hiện thì xuất hiện, còn phải giấu mình trong nhân dân, nếu không, rất dễ bị đàn áp. Nguy hiểm nhất là bọn điệp ngầm cài trong dân. Cứ nhìn khí thế đêm nay cũng đã thấy dân Thanh Thủy Chánh là dân cách mạng toàn tòng. Hương Thủy làm công tác vận động quần chúng tham gia cách mạng vậy là rất giỏi.

Khuya, Nguyễn Tá Thành về nhà cơ sở ở Lang Xá Bàu, gặp ngay anh Hoàng Lanh, thường vụ Thành ủy, phụ trách phong trào nội thành phía nam sông Hương. Theo sau anh là mấy chục thanh niên nam nữ từ trong thành phố ra. Thành chưa kịp hỏi, anh Hoàng Lanh đã bảo:

- Những thanh niên có điều kiện, tôi đưa ra ngoại ô, huấn luyện cả quân sự, cả chính trị, với tinh thần sẵn sàng đón thời cơ giải phóng Huế.

Thành hỏi:

- Còn những cơ sở không đưa ra ngoài học tập được thì sao?

- Từng khu phố đã có tổ đảng bí mật trong đó. Họ sẽ huấn luyện truyền tai nhau. Riêng đối với các cơ sở nòng cốt, nhất là cơ sở trí thức, chúng mình phải đến tận nơi, làm việc cụ thể, tỉ mỉ với họ.

- Liệu có đủ lực lượng cho thời cơ không?

- Chúng mình đang tính đây. Rất may dân Huế với dân ngoại thành có quan hệ họ hàng với nhau rất chặt. Đợt này chúng mình sẽ đưa cơ sở từ ngoài vào thành phố. Có người vào để làm ăn với họ hàng. Có người vào làm thuê, học việc, làm con sen, con ở, cũng có cả cơ sở cạo trọc đầu giả vào chùa đi tu. Nói tóm lại, sau đó bất kỳ ngóc ngách nào trong thành phố cũng có cơ sở của ta tại chỗ hoặc từ ngoài ném vào.
Anh Hoàng Lanh thuộc thế hệ kháng chiến chống Pháp, rất có uy tín trong quần chúng, lớp ông già của Thành, được cài lại, là số ít người còn sống qua chiến dịch tố Cộng của Mỹ - Thiệu. Thành lớn lên trong kháng chiến chống Mỹ, coi anh Hoàng Lanh là bậc đàn anh. Anh Lanh cũng rất thương Thành, coi là bạn vong niên. Hai người lâu không gặp nhau, hết chuyện gần đến chuyện xa, chuyện chung đến chuyện riêng.

Anh Hoàng Lanh hỏi:

- Lâu nay bà già vẫn khỏe đấy chứ?

Nguyễn Tá Thành đáp:

- Dạ khỏe. Chỉ có vợ em bị bọn lính ngụy o ép quá, về bên ngoại cũng không yên, phải lên Huế ở với bà dì...

- Làm gì với bà dì trên Huế?

- Vợ em ngoài ruộng đồng, có nghề chằm nón. Nghe lên Huế cũng chằm nón sống và nuôi con anh ạ. Nếu tình hình thuận lợi, anh cho em gặp vợ em với.

Anh Lanh vui vẻ:

- Các xã ngoại thành áp chặt vào thành phố, tạo nên một đường dây liên hoàn kỳ diệu. Chúng mình vào thành phố như đi chợ ấy mà. Biết đâu Dung sẽ trở thành một cơ sở trong đó của mình. Để mai, mình sẽ đưa mẹ con Dung ra cho Thành gặp.

- Nếu được thế thì tốt quá !

- Mẹ con Dung ở chỗ nào vậy?

- Ở nhà bà dì em, 80 Phan Chu Trinh.

- Ngay gần chợ An Cựu. Mình sẽ tổ chức cho Dung về Tam Tây rồi ra Lang Xá Bàu. Được chứ?

Gần sáng, đề phòng mọi bất trắc, dù ở vùng du kích, vẫn thuộc vùng kiểm soát của địch, Nguyễn Tá Thành không chủ quan, anh vẫn xuống hầm bí mật đàng hoàng.

Nằm trong hầm Thành miên man nhớ tới Dung, nhớ tới một thời con nít học ở trường làng. Làng chỉ có hai lớp thôi, lớp bốn và lớp năm. Thành học lớp bốn. Dung học lớp năm. Bữa đi chơi lang thang, Thành bắt gặp một bọn con trai xin kẹo, Dung không cho, hai tay giữ chặt lấy túi. Bọn con trai xông vào cướp. Thành lao vào đánh bọn con trai tan tác, Thành đưa Dung về nhà. Dung bảo: Mẹ em vừa cho em tiền mua xong, chưa kịp ăn, giờ em chia cho anh một nửa. Thành cười, không nhận. Từ đó hai đứa chơi với nhau rất thân. Đi học cũng đi với nhau. Kể cả đi lấy rau heo Dung cũng đòi đi với Thành. Thành lấy xong phần của mình bao giờ cũng lấy giúp Dung đầy rổ. Đến lúc tập kết, hai ông già lại cùng ra đi. Dung và Thành càng thân nhau. Và rồi đến tuổi trưởng thành, Thành đòi mẹ đi hỏi và cưới Dung cho mình.

Tín hiệu trên hầm cắt ngang dòng suy nghĩ của Thành. Anh mở nắp hầm trèo lên, vào nhà đã thấy cả mẹ con Dung và anh Hoàng Lanh ở đấy.

Anh Lanh bảo:

- Vợ chồng Thành cứ vào buồng mà nói chuyện cho tự nhiên. Anh sẽ cảnh giác ngoài này cho. Nếu có động tĩnh gì anh sẽ báo.

Vừa khép cửa buồng, Dung đã lao tới dang hai tay ôm chặt cha con Thành đang bồng nhau. Hai tay Dung rờ đầu tóc, rờ tai rờ mặt anh như một người mù lâu ngày gặp lại người thân:

- Em nhớ anh quá!

Bé Tâm thêm vào:

- Đêm nào mẹ cũng kể chuyện ba cho con nghe rồi mẹ khóc, khẽ gọi tên ba đó ba ạ...
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #9 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2009, 09:15:30 pm »

Thành quàng tay vít đầu Dung vào ngực mình:

- Anh cũng rất nhớ em. Vừa rồi anh có về nhà. Chỉ có chị Hoài với mẹ, không thấy em đâu, anh nghi quá, lo quá. Lúc mẹ bảo em bị bọn lính ngụy quậy quá, về tránh bên ngoại rồi. Anh chạy vào buồng, bấm đèn pin soi, chiếc giường vắng teo. Em biết không, đến tận lúc ấy lòng anh buồn ngổn ngang. Những lần trước, nghe anh về, em bỏ con chạy ra với anh ngay. Anh vào, bé Tâm đang ngủ, không biết gì. Thế là anh ôm cả hai mẹ con vào lòng mình như hôm nay - Thành cúi xuống hỏi con - Bé Tâm có nhớ ba không?

- Con nhớ ba nhất nhà... Lúc con đói, con thèm được ba mua quà cho ăn. Lúc con buồn ngủ, con mong có ba bồng con vào giường, ru con ngủ. Vậy mà ba đi hoài. Bao giờ ba về hả ba?

- Ngày mai hòa bình ba về ở luôn với Tâm. Được không?

- Ba ở luôn với mẹ với bà, với o Hoài nữa chớ.

- Nhất định rồi.

Dung kể:

- Có mấy tên lính ngụy hắn kể hắn giàu lắm. Nếu em đồng ý lấy hắn, hắn sẽ đưa em lên Huế, làm chủ cả một quầy hàng đồng hồ trên đường Trần Hưng Đạo trước cổng chợ Đông Ba. Hắn bảo đó là quầy hàng cha mẹ hắn làm của hồi môn cho con dâu. "Em không phải làm gì hết, em là một bà hoàng của anh. Chứ em làm vợ của một tên Việt Cộng, không chết nay cũng chết mai. Góa bụa nuôi con thì khổ lắm". Em nhổ nước bọt trước mặt hắn, hắn vẫn cười hề hề: "Trông em giận dữ càng đẹp gấp mười lần". Hắn càng nói, em càng ghét, càng nhớ anh vô ngần.

Thành thủ thỉ:

- Gia đình ta mỗi người một cảnh khổ. Ba với em Phố thì biền biệt xa nhà. Mẹ không góa bụa mà như góa bụa. Chị Hoài bao nhiêu thanh niên tới cầu hôn, chị không gật đầu ai chỉ một lòng nuôi dưỡng mẹ. Em thì bị dằn vặt đủ điều, bọn lính ngụy lăm le bứt em ra khỏi anh. Bé Tâm thì thèm bố. Còn anh lúc nào cũng nhớ nhà, nhớ mẹ con em.

- Trong lúc đó công việc ngập đầu ngập cổ anh.

- Em chạy vạy trên thành phố có đủ sống không?

- Em chằm nón và mua một tủ nhỏ bán vặt mấy mặt hàng cho chị em phụ nữ, hai mẹ con cũng đủ sống.
Em định đưa mẹ lên thành phố sống với em được không anh?

- Chắc chị Hoài không chịu.

- Em mong đất nước bình yên để em về chăm sóc mẹ thay cho chị Hoài. Chị Hoài đã hy sinh cả đời mình
cho cả gia đình.

Thành càng ôm chặt Dung trong vòng tay mình:

- Anh cứ muốn được mãi mãi ôm em như thế này.

Dung gật đầu:

- Em cũng vậy.

Vừa lúc đó có tiếng gõ vào cửa buồng. Trong tích tắc, anh Hoàng Lanh đẩy cửa buồng ra:

- Thành ơi, du kích báo có một trung đội lính ngụy súng ống đầy đủ đang đến trước cửa Lang Xá Bàu. Em phải xuống hầm ngay.

Thành buông tay, rời vợ:

- Hãy thông cảm cho anh.

Thành chạy ra hầm, chủ nhà đã mở cửa đợi anh. Thành xuống hầm. Lập tức cửa hầm được đậy lại.

Bọn ngụy về Lang Xá Bàu, mai phục suốt hai đêm một ngày để bắt cán bộ. Nhưng vô hiệu, chúng đành kéo nhau về quận.

Thành lên hầm, anh Hoàng Lanh nói:

- Chiến tranh có chừa ai đâu. Gia đình tan hoang, hạnh phúc tan tác, có dịp anh sẽ lại đưa Dung về em.
Thành cảm kích:

- Gặp Dung vậy cũng tốt lắm rồi anh ạ. Vợ chồng đã nói được với nhau những điều cần thiết.

Tối ấy Thành theo đường dây lên rừng.

Anh vừa chân ướt chân ráo đến cơ quan, chưa kịp tắm táp, rửa ráy thì cơ yếu đem đến cho anh một bức điện đánh từ Quảng Điền lên.

Nguyễn Tá Thành đọc ngay:

"Ban an ninh huyện Quảng Điền cử một tổ mặc trang phục quân giải phóng mang thư, cả cờ và súng vào gặp bọn quận Quảng Điền để kêu gọi chúng đừng đàn áp nhân dân. Quận trưởng đi vắng, quận phó không dám tiếp, điện báo lên tỉnh. Tên tỉnh trưởng Phan Văn Khoa lại mời lên tỉnh tiếp với điều kiện là chỉ đi tay không. Các đồng chí ta không chịu, chỉ để súng lại và cứ mang cờ giải phóng vào thành phố.

Phan Văn Khoa mời đoàn vào phòng khách. Hai bên nói chuyện và tranh luận. Tổ an ninh Quảng Điền vẫn chỉ một mực yêu cầu quân đội Sài Gòn không được đàn áp nhân dân. Vì nhân dân không có tội gì cả, đã nghèo khổ và cùng cực lắm rồi. Hai bên không ai chịu ai. Nhưng Khoa vẫn để anh em ở lại một đêm, rồi Khoa cho xe đưa về lại Quảng Điền".

Đọc xong, Nguyễn Tá Thành cầm thẳng bức điện lên thành đội trưởng và đọc cho ông nghe.

- Tâm lý địch đã mềm đến thế là cùng - Thành đội trưởng nói - Thời cơ đúng là đã chín muồi để chúng ta đánh vào Huế - Cậu đã xem xét các đơn vị của thành đội chúng ta tập tành ra sao chưa?

- Tôi mới đi Hương Thủy, Hương Trà về. Cơ quan tham mưu đã phân công đồng chí tham mưu phó trực tiếp lo việc luyện tập của các tiểu đoàn. Chúng tôi thường xuyên liên lạc bằng điện thoại với nhau. Đồng chí tham mưu phó báo cáo các đơn vị đã bắt tay vào mùa luyện tập mới.

- Luyện tập bài bản nhưng chưa thể công bố cho lính biết mục tiêu tới đây của chúng ta đâu nhé.

- Không khí chung của các huyện là sẵn sàng đón thời cơ thôi ạ.

- Đúng. Lộ bí mật thì sẽ ra cám đấy.

Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
Trang: 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM