Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 09:43:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đối ngoại quân sự trong KCCM  (Đọc 27683 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« vào lúc: 18 Tháng Hai, 2009, 09:11:53 pm »

  Đây là topic tổng hợp các thông tin về hoạt động đối ngoại quân sự của Việt Nam trong Kháng chiến chống Mỹ, tài liệu chủ yếu dựa trên bộ sách "Biên niên sự kiện BTTM trong KCCM 1954-1975". Vì hiện mới có một số ít năm nên xin được bổ sung sau khi có tài liệu!

  Những đoạn trích trong topic này chủ yếu sẽ liên quan đến vấn đề viện trợ quân sự và lực lượng chuyên gia, quân tình nguyện của các nước anh em hoạt động ở Việt Nam. Riêng đối với nước bạn Lào và Campuchia thì không đưa vì thực tế lúc đó cả Đông Dương là một chiến trường chung và quân đội ba nước hoạt động tác chiến thống nhất dưới một chiến lược chung, thông qua những kế hoạch chung.

  Vì tài liệu hoàn toàn ở phía ta nên rất mong có sự kiểm tra, đối chiếu từ nhiều nguồn của các bạn, xin cảm ơn!

------------------------------------


 
NĂM 1966


 Từ ngày 2 đến ngày 22 tháng 2

 
Hội đàm giữa BTTM Quân đội nhân dân Việt Nam và đại biểu BTTM Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc
về vấn đề Trung Quốc cung cấp hậu cần cho bộ đội Việt Nam hoạt động ở Thượng Lào năm 1966.


  Tại Côn Minh - Trung Quốc, Đoàn đại biểu BTTM Quân đội nhân dân Việt Nam do Trung tá Đặng Quốc Tuyển, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu Tây Bắc và Đoàn đại biểu BTTM Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc do Trần Kế Thọ, Phó Cục trưởng Hậu cần Quân khu Côn Minh dẫn đầu đã hội đàm về vấn đề Trung Quốc giúp bộ đội Việt Nam hoạt động ở Thương Lào trong năm 1966.

  Cuộc hội đàm tiến hành trong không khí chân thành, hữu nghị và hai bên đã nhất trí ký kết văn bản tại Côn Minh (Trung Quốc) vào ngày 22 tháng 2 năm 1966.

  Theo văn bản, quân số bộ đội của Việt Nam hoạt động ở vùng Thượng Lào là 1.890 người, ngoài ra có thêm 310 quân cơ động, tổng quân số là 2.200 người. Trung Quốc đồng ý cung cấp lương thực, thực phẩm, quân nhu, quân trang theo tiêu chuẩn phía Việt Nam đề nghị. Về những vật chất như đạn dược, khí tài công binh và thông tin, phụ tùng, thuốc men, v.v... trung Quốc cung cấp cho bộ đội Việt Nam đủ hoạt động ở Thượng Lào trong thời gian một năm.

  Số lượng vật chất Trung Quốc cung cấp trong năm 1966 được cụ thể hóa ở phần phụ lục chi tiết gồm đạn các loại, thuốc, quân trang, lương thực, vải, kim chỉ.

TTLTBQP, Phông BTTM, Hồ sơ 1035
 

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2009, 09:34:43 pm »

 Ngày 23 tháng 6


 
BTTM hai nước Việt Nam và Trung Quốc ký kết văn bản về việc Trung Quốc viện trợ không hoàn lại cho miền Nam Việt Nam
những thiết bị sản xuất, sửa chữa của binh công xưởng quân khu và trạm quân giới cấp tỉnh.


  Trên cơ sở kết quả hội đàm giữa chính phủ hai nước Việt - Trung từ ngày 1 đến 18 tháng 1 năm 1966 về việc Trung Quốc viện trợ cho miền Nam Việt Nam các thiết bị của 7 binh công xưởng cấp quân khu và 40 trạm quân giới cấp tỉnh. Đến ngày 23 tháng 6, tại Bắc Kinh đại diện BTTM quân đội hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức ký biên bản thực hiện.

TTLTBQP, Phông BQP, Hồ sơ 1017
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2009, 09:52:00 pm »

 Ngày 24 tháng 8


 
Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng tiếp Đoàn cán bộ quân sự Cu Ba


  Đoàn đại biểu quân sự Cu Ba gồm 33 đồng chí thuộc bộ đội không quân, tên lửa, cao xạ pháo, quân y và điện ảnh sang Việt Nam nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm chiến đấu chống đế quốc Mỹ. Trong khi đang nghiên cứu thực tế chiến đấu ở một trận địa tên lửa, 6 đồng chí đã hy sinh.

  Trước khi đoàn bạn về nước, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã gặp mặt và nói chuyện thân mật với đoàn. Trong buổi gặp mặt, Trưởng đoàn Cu Ba phát biểu: Được sự giúp đỡ của quân đội và nhân dân Việt Nam, Đoàn cán bộ quân sự đã hoàn thành công việc vượt mức yêu cầu đặt ra. Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, chúng tôi rút ra được những bài học quý giá về sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, thấy rõ sức mạnh của chiến tranh nhân dân và vai trò của nhân dân trong chiến tranh; thấy rõ tinh thần chiến đấu, vượt mọi khó khăn của quân đội và nhân dân Việt Nam; quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ, quan hệ giữa quân đội với nhân dân rất mật thiết; qua thực tế chiến đấu, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm sáng tạo.

  Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng biểu dương tinh thần học tập của Đoàn cán bộ quân sự Cu Ba và tình đoàn kết hữu nghị của đoàn dành cho quân và dân ta; đồng chí Tổng Tham mưu trưởng còn trao đổi với đoàn bạn về những nhân tố cơ bản của chiến tranh nhân dân ở Việt Nam; căn dặn bạn cần giữ bí mật những gì đã nghiên cứu và vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của Cu Ba.

Sổ công tác của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Sđd
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2009, 07:59:51 pm »

 Ngày 21 tháng 9


 
Kết luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về đề nghị của Triều Tiên cử một số phi công sang Việt Nam chiến đấu


  Tại Hội nghị Thường trực Quân ủy Trung ương ngày 21 tháng 9 năm 1966, đồng chí Phùng Thế Tài - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân báo cáo: Bạn đề nghị cử một đơn vị không quân tình nguyện sang Việt Nam chiến đấu, sẽ tổ chức thành từng đại đội nằm trong đội hình trung đoàn không quân của ta, mặc quân phục Việt Nam, cùng sử dụng một sân bay. Bạn có thể đưa sang nhiều nhân viên kỹ thuật, nhưng vấn đề bảo đảm kỹ thuật mặt đất, bảo đảm vật chất hoàn toàn do ta phụ trách.

  Sau khi Thường trực Quân ủy Trung ương thảo luận, đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì hội nghị kết luận: Bộ đội không quân Triều Tiên mang danh nghĩa là chuyên gia, nhưng thực chất là quân tình nguyện. Vì vậy, ta phải đoàn kết tôn trọng bạn, nhưng phải giữ vững chủ quyền. Trong quá trình huấn luyện và chiến đấu, ta cần chỉ rõ phạm vi hoạt động của bạn, chỉ định sân bay chính, sân bay dự bị. Trong chỉ huy, ta là cấp trên của bạn, nhưng tại trung đoàn bạn sẽ trực tiếp chỉ huy, có đại diện của ta để giao nhiệm vụ. Đại tướng yêu cầu hiệp đồng giữa hai bên phải rõ ràng, rành mạch để tránh những phức tạp không đáng có về sau.

TTLTBQP, Phông QUTƯ, Hồ sơ 433
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2009, 08:32:42 pm »

 Ngày 30 tháng 9


Ký Nghị định thư về việc Triều Tiên cử một số phi công sang chiến đấu chống đế quốc Mỹ
trong cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc Việt Nam


  Theo thỏa thuận về nguyên tắc giữa hai Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Lao động Triều Tiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo ngày 21 tháng 9 năm 1966 của Thường trực Quân ủy Trung ương, từ ngày 24 đến 30 tháng 9 năm 1966 tại Hà Nội, Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam do đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng làm trưởng đoàn và Đoàn đại biểu quân sự Triều Tiên do đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Xuê Quang làm trưởng đoàn, tiến hành hội đàm trong bầu không khí chân thành và đã ký Nghị định thư gồm 6 vấn đề cụ thể sau:

  1- Cuối tháng 10 hoặc trong tháng 11 năm 1966 phía Triều Tiên sẽ cử sang Việt Nam số chuyên gia đủ để phụ trách 1 đại đội máy bay MiG17 của Việt Nam (đại đội gồm 10 chiếc máy bay). Cuối năm 1966 hoặc đầu năm 1967, khi phía Việt Nam chuẩn bị đủ máy bay, phía Triều Tiên sẽ đưa sang Việt Nam số chuyên gia đủ để phụ trách đại đội MiG17 thứ hai của Việt Nam. Trong năm 1967, khi nào phía Triều Tiên đã chuẩn bị xong chuyên gia và phía Việt Nam chuẩn bị được máy bay, phía Triều Tiên sẽ cử thêm sang Việt Nam một số chuyên gia đủ để pụ trách 1 đại đội máy bay MiG21 của Việt Nam.

  2- Để thuận tiện cho việc quản lý nội bộ và chỉ huy chiến đấu, các chuyên gia Triều Tiên sẽ tổ chức thành các đại đội và tiến tới một trung đoàn. Khi chưa tổ chức thành trung đoàn, các đại đội chuyên gia Triều Tiên sẽ biên chế vào một trung đoàn của không quân Việt Nam và ẽ bố trí ở cùng sân bay với trung đoàn đó. Khi phía Triều Tiên đã có đủ 3 đại đội sẽ tổ chức thành 1 trung đoàn và sẽ bố trí ở sân bay riêng.

  3- Các đại đội chuyên gia nằm trong trung đoàn không quân Việt Nam sẽ do Ban chỉ huy trung đoàn đó chỉ huy và dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân Việt Nam.

  4- Việc tổ chức hiệp đồng giữa các đơn vị không quân, giữa không quân và cao xạ, tên lửa sẽ tiến hành theo sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân Việt Nam.

  5- Mọi vấn đề bảo đảm chỉ huy, bảo đảm kỹ thuật như: Bảo đảm thông tin, bảo đảm kỹ thuật cho máy bay, v.v... đều do phía Việt Nam phụ trách.

  6- Phía Triều Tiên sẽ chuẩn bị về mặt huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật cơ bản cho các chuyên gia tại Triều Tiên, khi sang Việt Nam chỉ tiến hành huấn luyện ứng dụng cho thích hợp với điều kiện chiến trường, thời tiết và đối tượng tác chiến.

  Ngoài ra, Nghị định còn thống nhất các vấn đề về bảo đảm cho các chuyên gia Triều Tiên về nhà ở, sinh hoạt vật chất, phương tiện đi lại, phục vụ y tế, chế độ chính sách và khen thưởng.

TTLTBQP, Phông BQP, Hồ sơ 1119
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Hai, 2009, 09:54:16 pm gửi bởi dongadoan » Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2009, 08:50:46 pm »

NĂM 1967


 Ngày 30 tháng 1


BTTM hướng dẫn Mặt trận Tây Nguyên nội dung làm việc
với Đoàn cán bộ quân sự Trung Quốc vào nghiên cứu tình hình miền Nam



  Theo đề nghị của Trung Quốc, Trung ương đã đồng ý cho Trung Quốc đưa một số đoàn cán bộ quân sự vào nghiên cứu tình hình miền Nam. Riêng vào Tây Nguyên có 2 đoàn, đoàn 1 đã đến Cam-pu-chia ngày 29 tháng 1, đoàn 2 sẽ đến ngày 5 tháng 2 năm 1967.

  Bộ yêu cầu Mặt trận Tây Nguyên liên hệ và chuẩn bị tiếp nhận đoàn vào chiến trường Tây Nguyên với thái độ làm việc thân tình, hết sức giúp đỡ, biểu thị tình cảm nồng nhiệt; thông báo toàn diện về kinh nghiệm ta đánh Mỹ cũng như thực tế hoạt động của chúng, nhưng không đề cập cụ thể về vấn đề trang bị và tổ chức lực lượng của ta.

  Quá trình làm việc, ta không đề cập quan hệ Liên Xô - Trung Quốc, không ca tụng cách mạng văn hóa, không nói vấn đề nội bộ của Trung Quốc; không đề cập thương lượng hòa bình, chỉ coi đó là sách lược, còn về chiến lược ta sẽ đánh Mỹ đến độc lập hoàn toàn.

Điện lưu tại Cục Cơ yếu - BTTM
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2009, 07:19:54 pm »

 Ngày 21 và ngày 22 tháng 3


Thủ trưởng BTTM họp bàn về: Đặt hàng viện trợ quân sự, chấn chỉnh cách làm việc của BTTM
và tổ chức lực lượng vũ trang năm 1967


  Trong hai ngày, các đồng chí Văn Tiến Dũng, Trần Quý Hai, Nguyễn Văn Vịnh, Trần Sâm đã thảo luận 3 vấn đề quan trọng.

  Chuẩn bị đặt hàng viện trợ quân sự của các nước XHCN trong giai đoạn 1968 - 1970, Thủ trưởng BTTM thống nhất phương hướng và yêu cầu viện trợ theo hướng đồng bộ hóa trang bị hiện có, bổ sung tiêu hao và sửa chữa bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, chuẩn bị cho kế hoạch phát triển lực lượng thời chiến và đáp ứng yêu cầu chống chiến tranh phá hoại; bảo đảm cho các cơ sở nghiên cứu và dự tính sản xuất trang bị cho những năm tiếp theo. Kế hoạch đề nghị viện trợ của ta đặt yêu cầu chung cho cả 3 năm. Từ đó dự tính yêu cầu cụ thể trong năm 1968 và phân chia thành yêu cầu viện trợ với từng nước XHCN.

  Do tình hình chiến sự phát triển, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc với nhiều thủ đoạn thâm độc, BTTM bổ sung kế hoạch đặt hàng viện trợ năm 1967. Với Trung Quốc, ta đề nghị bạn cho sử dụng cảng biển, sân bay trong trường hợp các sân bay của ta không hoạt động được, giúp ta mở thêm đường sắt, đường bộ, kéo dài đường ống dẫn dầu của ta tới sát biên giới Trung Quốc, lên án Mỹ mạnh mẽ hơn. Ta đề nghị Liên Xô giúp tăng cường khả năng quốc phòng, giữ vững cảng Hải Phòng và vận tải đường biển.

  ...

Sổ công tác của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Sđd
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2009, 07:40:15 pm »

 Ngày 5 tháng 5


BTTM quân đội ta đề nghị BTTM các lực lượng vũ trang Liên Xô nhanh chóng gửi sang Việt Nam
các khí tài trinh sát vô tuyến điện


  Theo thỏa thuận (tháng 4 năm 1967) giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ QP Việt Nam DCCH và nguyên soái A-gơ-ren-sơ-cô - Bộ trưởng BQP Liên Xô về việc Liên Xô giúp đỡ chuyên gia và trang bị kỹ thuật cho ngành trinh sát vô tuyến điện của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngay sau đó BTTM Liên Xô đã cử đoàn cán bộ trinh sát vô tuyến điện sang Việt Nam nghiên cứu trong thời gian nhanh nhất.

  BTTM cũng đề nghị BTTM các lực lượng vũ trang Liên Xô gửi cho Việt Nam trong thời gian nhanh nhất một số khí tài trinh sát vô tuyến đã ghi trong bản phụ lục kèm theo và chuyên gia về POCT, RPC, P136 và Tê-lê-týp siêu tần số tiếp sức để giúp Việt Nam sử dụng được những khí tài sắp đưa sang Việt Nam.

  BTTM cũng lưu ý BTTM các lực lượng vũ trang Liên Xô nghiên cứu giúp đỡ Việt Nam khai thác mật mã của Mỹ theo như đề xuất của Bộ trưởng Bộ QP Việt Nam với Bộ trưởng BQP Liên Xô.

TTLTBQP, Phông BTTM, Hồ sơ 1069
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2009, 09:50:20 am »

 Ngày 8 tháng 5


BTTM báo cáo Thường trực Quân uỷ Trung ương về đề nghị các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ quân sự năm 1968


  Tổng hợp thống kê viện trợ quân sự từ năm 1956 đến cuối năm 1967, các nước xã hội chủ nghĩa đã viện trợ cho Việt Nam ước tính khoảng 1.059,6 triệu rúp và 1.121 triệu nhân dân tệ, tương ứng khoảng 7 tỷ đồng Việt Nam, cụ thể :

  Liên Xô, viện trợ 949 triệu rúp (năm cao nhất 315 triệu, năm 1964 gián đoạn). Hàng viện trợ chủ yếu cho các binh chủng kỹ thuật, thiết bị bảo đảm kỹ thuật, xưởng và trạm sửa chữa. Năm 1963 Liên Xô bắt đầu viện trợ cho Miền Nam nhưng còn hạn chế, từ năm 1966- 1967 viện trợ nhiều hơn và có loại pháo mới ĐKZ- B. Nhìn chung, Liên Xô viện trợ nhiều, nhất là những năm 1965 - 1967, có nhiều loại vũ khí tương đối hiện đại, nhưng phần lớn đã qua sử dụng, trừ MiG21, ĐKZ- B. cao xạ 23 ly, xe kéo pháo bánh xích, ô tô.

  Trung Quốc, viện trợ cho ta từ kháng chiến chống Pháp đến nay, chủ yếu là vũ khí bộ binh, trang bị bộ binh, máy bay chiến đấu, tàu hải quân, xưởng sản xuất, sửa chữa và vật tư hậu cần. Từ 1961 Trung Quốc viện trợ cho lực lượng vũ trang Miền Nam đáp ứng hết đựoc yêu cầu mà Việt Nam đề nghị. Phần lớn trang bị viện trợ của Trung Quốc là mới sản xuất, mới cải tiến, chất lượng tốt. Ngoài ra còn vận chuyển vũ khí quá cảnh.

  Triều Tiên, trong những năm gần đây viện trợ không tính tiền, chủ yếu là vũ khí bộ binh, thiết bị về xây dựng công trình, vật tư hậu cần, trị giá khoảng 3,3 triệu rúp.

  Các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu, từ năm 1965 - 1967 viện trợ ước tính 116,2 triệu rúp. Hàng viện trợ chủ yếu là vũ khí bộ binh, phaó cao xạ, pháo mặt đất, khí tài thông tin, công binh và xe ô tô các loại. phần lớn các trang bị cũ đã qua sử dụng, không đồng bộ.

  Ngoài ra các nước Cu Ba, An-ba-ni, Mông Cổ cũng viện trợ một số vật tư hậu cần.

  Trong báo cáo phương hướng đề nghị viện trợ cho năm 1968, Bộ Tổng tham mưu đề xuất yêu cầu:

  Viện trợ theo hướng bảo đảm yêu cầu cao nhất cho nhiệm vụ chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, tăng cường trang bị thật mạnh cho các lực lượng vũ trang miền Nam và chuẩn bị một bước trang bị vật chất cho kế hoạch đối phó với chiến tranh cục bộ ra cả nước. Yêu cầu viện trợ là loại mới, tốt, hiện đại, đang còn sản xuất và sử dụng lâu dài, có đủ bộ phụ tùng thay thế và nguồn bổ xung.

  Với miền Bắc, bảo đảm trang bị đồng bộ cho khí tài hiện có và còn sử dụng lâu dài như: Máy chỉ huy, rađa, máy nổ cho cao xạ, tên lửa, thông tin, xe kéo pháo và vận tải, thiết bị kiểm tra và kiểm nghiệm, đo lường bảo quản. Bổ xung kịp thời cho tiêu hao trong huấn luyện, công tác và chiến đấu, bảo đảm cho khí tài và được triển khai hoạt động liên tục: Duy trì 13.000 ô tô vận tải và xe kéo pháo, 4 cơ số đạn con, 6 cơ số đạn pháo, 12 cơ số đạn cao xạ. Bổ sung đủ những trang bị khí tài còn thiếu trong biên chế và chuẩn bị một bước cho kế hoạch chiến tranh mở rộng ra cả nước. Kiện toàn và tăng cường trang thiết bị bảo đảm kỹ thuật và nhu cầu sinh hoạt cho lực lượng hiện nay .

  Với miền Nam, tăng cường trang bị cho chủ lực, bộ đội địa phương , dân quân du kích, đủ trang bị cho 250.000 bộ đội tập trung và 500.000 dân quân du kích, với tỉ lệ hai người một súng, trong đó tăng cường tiểu liên AK, súng chống tăng và xe cơ giới, súng cối, hoả tiễn, vô tuyến điện cho các phân đội nhỏ, bổ xung trang bị khí tài tiêu hao hàng năm và có lượng dự trữ, trang bị đạn để đánh được 2-3 năm, bảo quản quân trang quân y cho 300.000 người và một phần thực phẩm cần thiết. Từ yêu cầu trên Bộ Tổng Tham mưu đề nghị Thường trực Quân uỷ Trung ương cho ý kiến:

  1- Hướng và yêu câù cụ thể viện trợ cho năm 1968.

  2- Lần này ta nên đặt với Trung Quốc bổ sung viện trợ cho kế hoạch đề phòng chiến tranh cục bộ ra cả nước?

  3- Từ 1965 - 1967 quân đội không có đoàn đại biểu đặt viện trợ quân sự riêng biệt, mà nằm trong thành phần đoàn của Nhà nước. Năm 1968 có lập đoàn riêng không? Riêng đối với Liên Xô và Đông Âu Quân đội vẫn cử người tham gia đoàn chung với nhà nước, với Trung Quốc nếu chỉ đặt viện trợ quân sự cho năm 1968 thì vẫn thực hiện như trước. Nhưng nếu có bàn những vấn đề quân sự chung và bổ xung viện trợ dài hạn thì nên lập đoàn riêng.

TTLTBQP, Phông BTTM, Hồ sơ 11150
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2009, 10:11:18 am »

 Ngày 16 tháng 5


BTTM gửi thư cho BTTM quân đội Hung-ga-ri cảm ơn và đề nghị giúp đỡ viện trợ quân sự cho Việt Nam


  Sau khi cảm ơn sự ủng hộ của Đảng, Chính phủ, nhân dân và quân đội nước Cộng hòa nhân dân Hung-ga-ri về chính trị, tinh thần và giúp đỡ vũ khí trang bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.

  BTTM đánh giá cao chất lượng vũ khí trang bị của Hung-ga-ri như pháo cao xạ 57 ly, súng trường bắn tỉa..., và thông báo cho bạn về tình hình chiến sự đang phát triển theo hướng nghiêm trọng, khi đế quốc Mỹ đang leo thang đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam.

  BTTM đề nghị Hung-ga-ri tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ về chính trị, tinh thần, tăng cường viện trợ trang bị khí tài và vật chất cho Việt Nam, đồng thời cũng nêu lên một số yêu cầu thiết thực để bạn nghiên cứu trước khi quyết định giúp đỡ theo khả năng. Cụ thể, BTTM đề nghị bạn giúp: Trang bị cho một trung đoàn pháo cao xạ 57 ly (6 đại đội) với đầy đủ vũ khí, khí tài; 30 máy chỉ huy cho pháo cao xạ 57 ly và 100 ly; 10.000 tiểu liên AK có lê, 1.000 khẩu AK báng gấp; 500.000 đạn bộ binh, 300.000 đạn cao xạ 37 ly, 200.000 đạn cối 82 và một số loại trang bị kỹ thuật khí tài như xe kéo, máy vô tuyến điện, thiết bị sửa chữa ra-đa, hóa nghiệm, phụ tùng thay thế.

TTLTBQP, Phông BTTM, Hồ sơ 1147
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Hai, 2009, 07:53:45 pm gửi bởi dongadoan » Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: 1 2 3 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM