Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:03:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhớ lại và suy nghĩ  (Đọc 167036 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #180 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 01:28:53 am »

Tính chất chung những hành động của địch trong thời kỳ đó được quy định trong mệnh lệnh của Hít-le ngày 3-1-1942 như sau: “Bám chặt lấy từng vùng dân cư, không lùi một bước, phòng ngự đến viên đạn cuối cùng, đến quả lựu đạn cuối cùng. Đó là yêu cầu đối với chúng ta trong lúc này”.
“Các ngài chỉ huy! - Tư lệnh sư đoàn bộ binh 33 Đức viết trong mệnh lệnh của y. - Tình hình chiến sự chung nghiêm khắc đòi hỏi các đơn vị chúng ta trên tuyến sông La-ma không được rút nữa và sư đoàn có nhiệm vụ phòng ngự cố thủ ở đây. Phải bảo vệ những trận địa trên sông La-ma đến người cuối cùng. Đây là vấn đề sống còn của chúng ta...”.
Căn cứ vào đâu mà bộ chỉ huy Hít-le lại yêu cầu các đơn vị của chúng kiên quyết dừng lại trên tuyến La-ma?
Vì chúng cho rằng có thể tạm thời trụ lại, dựa vào những trận địa phòng ngự do quân ta xây dựng trong tháng 10, 11. Các trận địa đó nằm ở hai bên sông La-ma, chạy từ phía bắc đến phía nam và, xa hơn nữa, nối liền với những trận địa trên các sông Ru-da và Na-ra.
Ngoài ra, đến giữa tháng 12, quân địch đã đưa từ hậu phương đến đây nhiều sư đoàn các loại, từ tinh nhuệ chọn lọc đến hậu bị và cả các sư đoàn rút từ các nước bị chúng chiếm đóng, vì vậy chúng có lực lượng để củng cố thêm các trận địa phòng ngự đó. Và khi các đơn vị địch rút lui từ Mát-xcơ-va về tới tuyến các con sông nói trên thì các tuyến phòng ngự đã được xây dựng xong.
Ngày 10-1, sau một tiếng rưỡi pháo bắn chuẩn bị, các đơn vị Phương diện quân miền Tây (tập đoàn quân 20, một bộ phận tập đoàn quân xung kích 1, quân đoàn kỵ binh 2 của I.A. Pơ-li-ép, lữ đoàn xe tăng 22, năm tiểu đoàn trượt tuyết) đã bắt đầu tấn công nhằm chọc thủng mặt trận ở khu Vô-lô-cô-lam-xcơ. Kết quả sau 2 ngày chiến đấu kiên cường đã phá vỡ được phòng ngự địch. Trong trận này quân đoàn kỵ binh của tướng I.A. Pơ-li-ép cùng với 5 tiểu đoàn trượt tuyết và lữ đoàn xe tăng 22 được sử dụng vào mũi đột phá.
Ngày 16 và 17 tháng 1-1942, bộ đội cánh phải phương diện quân có các đội du kích hoạt động phối hợp đã chiếm Lô-tô-si-nô, Sa-khốp-xcai-a và cắt đứt đường xe lửa Mát-xcơ-va - Rơ-giép.
Lẽ ra cần đưa thêm lực lượng vào để phát triển thắng lợi. Nhưng tình hình xảy ra lại khác hẳn.
Ngày 19-1, chúng tôi nhận được mệnh lệnh rút tập đoàn quân xung kích 1 về làm dự bị cửa Đại bản doanh. Cả tôi và V Đ Xô-cô-lốp-xki đều gọi dây nói về Bộ Tổng tham mưu yêu cầu để tập đoàn quân đó lại. Câu trả lời duy nhất nhận được: đây là mệnh lệnh của Tổng tư lệnh tối cao. Tôi gọi dây nói đến I.V. Xta-lin. Tôi nghe thấy: “Chấp hành đi, không bàn luận gì nữa”. Khi tôi tuyên bố rằng nếu rút tập đoàn quân đó đi thì lực lượng xung kích sẽ trở nên yếu, Tổng tư lệnh tối cao trả lời: “Đồng chí có nhiều quân rồi. Thử tính xem, đồng chí có bao nhiêu tập đoàn quân?”
Tôi nói rằng, mặt trận của chúng tôi rất rộng, hiện nay hướng nào cũng đang tác chiến ác liệt, không thể xếp sắp lại đội hình ngay được, vì vậy đề nghị, trước khi kết thúc trận tấn công này, không nên rút tập đoàn quân xung kích 1 ra khỏi đội hình cánh phải của Phương diện quân miền Tây, không nên làm giảm sức ép đối với quân địch ở khu vực đó.
I.V Xta-lin đặt máy nói xuống, không trả lời. Cuộc nói chuyện với B.M. Sa-pô-sni-cốp về vấn đề đó cũng không đi đến kết quả gì hơn.
- Bạn thân mến, - B.M.Sa-pô-sni-cốp nói - tôi không thể làm gì khác được, đó là quyết định trực tiếp của Tổng tư lệnh tối cao.
Chúng tôi buộc phải rải tập đoàn quân 20 trên một chính diện rộng. Lực lượng bên cánh phải bị yếu đi, cho nên cuộc tấn công ở đây chỉ tới Gơ-giát-xcơ thì bị hệ thống phòng ngự có tổ chức của quân địch chặn lại và quân ta không thể tiến lên được nữa.
Các tập đoàn quân 5 và 33 tấn công ở khu giữa của phương diện quân đến ngày 20-1 giải phóng được Ru-da, Đô-rô-khô-vô Mô-gia-ích, Vê-rê-i-a. Các tập đoàn quân 43 và 49 tới vùng Đô-ma-nốp và tác chiến với các đơn vị địch ở Yu-khơ-nốp.
Ở đây tôi muốn nói tỉ mỉ về hành động của các đơn vị Quân đội Xô-viết ở Vi-a-dơ-ma. Từ ngày 18 đến ngày 22 tháng 1, trong khu Giê-la-nhe, phía nam Vi-a-dơ-ma 40 km, chúng ta đã thả 2 tiểu đoàn của lữ đoàn dù 201 và trung đoàn đổ bộ đường không 250 xuống chiếm giữ các đường tiếp tế của địch. Tập đoàn quân 33 của trung tướng M.G. Ê-phơ-rê-mốp được lệnh mở cửa đột phá và, hiệp đồng với quân đoàn kỵ binh 1 của P.A. Bê-lốp, quân đổ bộ đường không, các đội du kích và quân đoàn kỵ binh 11 của Phương diện quân Ca-li-nin, đánh chiếm Vi-a-dơ-ma.
Ngày 27-1, quân đoàn kỵ binh của tướng P.A. Bê-lốp đã vượt qua đường cái Vác-xô-vi ở phía tây-nam Yu-khơ-nốp 35 km và ba ngày sau đã bắt liên lạc được với bộ đội đổ bộ đường không và các đội du kích ở phía nam Vi-a-dơ-ma. Ngày 1-2, 3 sư đoàn bộ binh (113, 338 và 160) thuộc tập đoàn quân 33 do trung tướng M.G. Ê-phơ-rê-mốp trực tiếp chỉ huy cũng tới vùng này và đánh địch ở vùng ven Vi-a-dơ-ma. Để tăng cường cho quân đoàn kỵ binh 1 của tướng P.A. Bê-lốp và thực hiện hiệp đồng tác chiến với quân đoàn kỵ binh 11 của Phương diện quân Ca-li-nin, Đại bản doanh ra lệnh thả xuống khu Ô-đê-rê-chi quân đoàn đổ bộ đường không 4 nhưng vì thiếu máy bay vận tải nên thực tế chỉ thả được lữ đoàn 8 với quân số 2.000 người.
Phát triển tấn công từ khu Na-rô Phô-min-xcơ theo hướng chung về Vi-a-dơ-ma, tập đoàn quân 33 trong ngày cuối cùng của tháng Giêng đã nhanh chóng tới khu San-xki Da-vốt và Đô-ma-nốp, là một khu phòng ngự rất rộng mà địch bỏ trống. Nhận thấy hệ thống phòng ngự của địch không dày đặc và liên tục, chúng tôi cho rằng địch ở hướng này không đủ lực lượng giữ Vi-a-dơ-ma, do đó chúng tôi hạ quyết tâm: trong lúc quân địch chưa kịp đưa lực lượng dự bị tới phải chiếm lại Vi-a-dơ-ma trong hành tiến, và mất Vi-a-dơ-ma, bọn địch ở đây sẽ rơi vào tình trạng hết sức khó khăn.
Trung tướng M.G. Ê-phơ-rê-mốp quyết định trực tiếp dẫn đầu đoàn xung kích của tập đoàn quân tiến thật nhanh vào Vi-a-dơ-ma. Ngày 3 và 4 tháng 2, khi bộ phận chủ lực gồm 2 sư đoàn của đoàn xung kích đột phá tới gần Vi-a-dơ-ma thì bị quân địch đánh vào phía sau mũi đột phá, cắt đôi đội hình ra và địch khôi phục lại trận địa phòng ngự dọc theo sông U-gơ-ra. Thê đội 2 của tập đoàn quân lúc đó đành phải dừng lại ở khu San-xki Da-vốt còn quân bạn bên trái, tập đoàn quân 43 - ở khu Mê-đư-nhơ. Tập đoàn quân 43 không thể chi viện kịp thời cho đoàn xung kích của tướng M.G. Ê-phơ-rê-mốp theo như mệnh lệnh của Bộ tham mưu phương diện quân.
Quân đoàn kỵ binh của P.A. Bê-lốp bước vào chiến đấu ở hướng Vi-a-dơ-ma, tiến ra khu Vi-a-dơ-ma và sau khi bắt được liên lạc ở đó với các đơn vị của M.G. Ê-phơ-rê-mốp, thì bản thân cũng bị cắt đứt đường tiếp tế.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #181 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 01:30:03 am »

Vào khoảng thời gian đó, bộ tư lệnh Đức đã rút quân từ Pháp và các mặt trận khác ném vào Vi-a-dơ-ma những lực lượng dự bị rất lớn và đã ổn định lại được phòng ngự của chúng, nên chúng ta không sao chọc thủng được.
Kết quả là, chúng ta phải để tất cả các đơn vị đó ở lại vùng sau lưng địch, trong vùng rừng phía tây-nam Vi-a-dơ-ma, nơi có rất nhiều đơn vị du kích.
Trong thời gian suốt hai tháng trời ở lại vùng sau lưng địch, quân đoàn của P.A. Bê-lốp, các đơn vị của M.G. Ê-phơ-rê-mốp, các đơn vị đổ bộ đường không, cùng với du kích, đã đánh cho địch những đòn đau, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện của chúng.
Ngày 10-2, lữ đoàn 8 quân đổ bộ đường không và các đội du kích đã chiếm khu Moóc-sa-nô-vô - Đi-a-ghi-lê-vô, ở đó họ đã diệt được cơ quan tham mưu sư đoàn xe tăng 5 Đức và thu được nhiều chiến lợi phẩm. Cùng trong ngày đó, chúng tôi đã báo cho tướng P.A. Bê-lốp và tướng M.G. Ê-phơ-rê-mốp biết tin trên. Chúng tôi cũng lệnh cho các đồng chí đó phối hợp hành động với chỉ huy lữ đoàn 8 quân đổ bộ đường không, cơ quan tham mưu của lữ đoàn đóng ở Đi-a-ghi-lê-vô.
Sau khi bắt được liên lạc vô tuyến với P.A. Bê-lốp và M.G. Ê-phơ-rê-mốp, bộ tư lệnh phương diện quân đã cố gắng đến mức cao nhất tổ chức việc tiếp tế đạn dược, thuốc men và lương thực bằng đường không cho các đơn vị đó. Một số lớn thương binh được chuyển vận bằng máy bay. Thiếu tướng V.X. Gô-lút-kê-vích, trưởng phòng tác chiến bộ tham mưu phương diện quân và các đồng chí cán bộ thông tin vẫn đáp máy bay nhiều lần vào đó công tác.
Đầu tháng Tư, tình hình khu Vi-a-dơ-ma trở nên khó khăn phức tạp hơn nhiều. Quân địch, sau khi tập trung được những lực lượng lớn, bắt đầu dồn quân ta lại, muốn trong mùa xuân thủ tiêu “cái dằm” nguy hiểm đối với chúng. Cuối tháng Tư, trời bắt đầu hửng nắng làm tan băng tuyết đồng thời làm giảm sút khả năng vận động và gây khó khăn cho việc giao thông liên lạc với các khu du kích - nguồn cung cấp lương thực cho bộ đội và thức ăn cho ngựa.
Theo đề nghị của tướng P.A. Bê-lốp và tướng M.G. Ê-phơ-rê-mốp, bộ tư lệnh phương diện quân cho phép rút bộ đội ra để trở về với những lực lượng chủ yếu của ta. Thực hiện việc rút quân ấy, chúng tôi đã quy định dứt khoát là phải rút bằng đường rừng qua các khu du kích, theo hướng chung về Ki-rốp, ở đó tập đoàn quân 10 sẽ chuẩn bị đột phá, làm yếu hệ thống phòng ngự của địch và mở cửa phối hợp.
Quân đoàn kỵ binh của tướng P.A. Bê-lốp và các đơn vị đổ bộ đường không đã thi hành mệnh lệnh rất chính xác. Theo đường vành móng ngựa, khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm 1942, các đơn vị đó đã tới khu vực của tập đoàn quân 10. Khéo tránh những đơn vị lớn quân địch và kiên quyết tiêu diệt những đơn vị nhỏ của chúng trên đường rút, anh em đã vượt qua cửa đột phá của tập đoàn quân 10 và ra tới vùng đóng quân của phương diện quân. Trong thời gian hoạt động ở sau lưng địch và lui quân, đã bị mất một số lớn vũ khí nặng và phương tiện kỹ thuật. Nhưng phần lớn người đã ra được và về tới đơn vị. Cuộc gặp gỡ giữa những người rút từ phía sau quân địch ra và những người bảo đảm đường rút cho họ thật vui mừng biết bao? Chiến sĩ và cán bộ khôn cầm được nước mắt: đó là những giọt nước mắt sung sướng và của tình bạn chiến đấu.
Trung tướng M.G. Ê-phơ-rê-mốp thấy con đường rút nói trên đối với đơn vị mình đã mệt mỏi là dài quá, nên đã liên lạc thẳng với Bộ Tổng tham mưu đề nghị cho phép vượt khỏi vòng vây bằng con đường ngắn nhất - qua sông U-gơ-ra.
Lúc đó I.V. Xta-lin cũng gọi dây nói hỏi tôi, có đồng ý với đề nghị của Ê-phơ-rê-mốp không. Tôi kiên quyết tỏ ý không tán thành. Nhưng Tổng tư lệnh tối cao nói rằng, nên đồng ý với Ê-phơ-rê-mốp, vì đó là một tư lệnh tập đoàn quân có kinh nghiệm. Đại bản doanh lệnh cho phương diện quân tổ chức trận đánh để đón đoàn quân của Ê-phơ-rê-mốp. Trận đánh đó do tập đoàn quân 43 chuẩn bị và thực hiện, song không thấy phía đơn vị của tướng M.G. Ê-phơ-rê-mốp đánh phối hợp ra.
Sau này mới được biết là quân Đức đã phát hiện thấy và vây đánh đơn vị của ta trên đường đi về phía sông U-gơ-ra. Tư lệnh tập đoàn quân M.G. Ê-phơ-rê-mốp chiến đấu như một người anh hùng chân chính. Bị thương nặng và không muốn rơi vào tay địch, đồng chí đã tự sát. Cuộc đời của một người chỉ huy quân sự có tài và vô cùng dũng cảm, cùng với một phần lớn chiến sĩ anh hùng của đơn vị đã hy sinh đau đớn như thế đấy.
Trung tướng M.G. Ê-phơ-rê-mốp bắt đầu chỉ huy tập đoàn quân từ ngày 25-10-1941, khi quân Đức tiến đến Mát-xcơ-va. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Mát-xcơ-va, cán bộ và chiến sĩ thuộc tập đoàn quân của đồng chí đã chiến đấu dũng cảm, không cho địch vượt qua tuyến phòng ngự của mình. Tướng M.G. Ê-phơ-rê-mốp được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ vì đã dũng cảm chiến đấu trong chiến dịch lịch sử bảo vệ Mát-xcơ-va. Hy sinh trong trận này còn có cả thiếu tướng P.N. A-phơ-rô-xi-mốp, tư lệnh pháo binh của tập đoàn quân, một cán bộ pháo binh rất có năng lực, một người có tâm hồn cao cả, và nhiều đồng chí cán bộ chỉ huy và cán bộ chính trị rất xuất sắc trong các trận đánh bảo vệ Mát-xcơ-va.
Ngày nay nghiêm khắc kiểm điểm lại những sự kiện năm 1942, tôi thấy rằng, chúng tôi có khuyết điểm trong việc đánh giá tình hình trong khu Vi-a-dơ-ma. Chúng tôi đã đánh giá khả năng của ta quá cao và đánh giá địch thấp. “Quả hồ đào” ở đó còn vững chắc hơn những điều ta dự kiến...
Vào tháng 2 và 3, Bộ tổng tư lệnh yêu cầu đẩy mạnh tấn công trên mặt trận hướng tây, nhưng lúc này ở các phương diện quân lực lượng và phương tiện đã cạn.
Nói chung, những nguồn dự trữ của nước ta hồi đó còn bị hạn chế nhiều. Nhu cầu của các đơn vị chưa được thỏa mãn đúng theo yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ. Mỗi khi được gọi về Đại bản doanh, chúng tôi phải hỏi xin Tổng tư lệnh tối cao từ khẩu súng chống tăng cá nhân, tiểu liên, mươi, mười lăm đại bác chống tăng, đến những đạn pháo và cối cần thiết tối thiểu. Tất cả những thứ nhận được đều đứa ngay lên ô-tô và chuyển đến những tập đoàn quân nào cần nhất.
Đạn dược được cung cấp rất ít. Ví như trong 10 ngày đầu của tháng Giêng, so với số lượng đề nghị thì phương diện quân chỉ nhận được 1% đạn cối 82 mm, 20-30% đạn pháo. Còn cả tháng Giêng thì chúng tôi nhận được 2,7% đạn cối 50 mm, 36% đạn cối 120 mm, 55% đạn cối 82 mm, 44% đạn pháo. Kế hoạch đạn dược trong tháng 2 hoàn toàn không thực hiện được. Trong 10 ngày đầu tháng, chúng tôi không nhận được một toa xe nào trong số 316 toa dự trù theo kế hoạch. Vì không có đạn nên đã phải đưa một bộ phận pháo phản lực về hậu phương.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #182 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 01:30:23 am »

Nói ra thì khó ai tin được, nhưng đúng là chúng tôi đã phải quy định mỗi khẩu pháo trong một ngày chỉ được bắn 1-2 quả đạn. Các đồng chí thấy không, đó là trong lúc tấn công đấy! Báo cáo của phương diện quân lên Tổng tư lệnh tối cao ngày 14-2-1942 có nói:
“Theo kinh nghiệm các trận đánh, tình trạng thiếu đạn dược không cho phép chúng ta đùng pháo binh trong tấn công. Kết quả là hệ thống hỏa lực địch không bị tiêu diệt và các đơn vị của chúng ta đánh vào quân địch phòng ngự ít bị chế áp, đã bị thiệt hại lớn mà không đạt được kết quả mong muốn”.
Vào cuối tháng 2 đến tháng 3 năm 1942, Đại bản doanh quyết định tăng cường và củng cố các phương diện quân hoạt động trên hướng tây về người và phương tiện, nhưng lúc đó thì đã chậm rồi.
Quân địch rất chú ý đến sự phát triển của tình hình, đã tăng cường nhiều cho quân của chúng ở Vi-a-dơ-ma, và dựa vào những trận tuyến được xây dựng kiên cố từ trước, chúng bắt đầu hoạt động tích cực chống lại bộ đội thuộc các Phương diện quân miền Tây và Ca-li-nin.
Các đơn vị ta đã thấm mệt và suy yếu, nên vượt qua sự kháng cự của quân giặc ngày càng trở nên khó khăn. Chúng tôi đã báo cáo và đề nghị nhiều lần cho quân ta dừng và trụ lại trên những tuyến đã chiếm được nhưng đều bị Đại bản doanh bác bỏ. Trái lại, trong chỉ thị ngày 20-3-1942, Tổng tư lệnh tối cao lại đòi hỏi phải kiên quyết hơn nữa để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra trước đây.
Cuối tháng 3 - đầu tháng 4, các phương diện quân ở mặt trận hướng tây cố gắng thực hiện chỉ thị tiêu diệt cả cụm địch ở Rơ-giép, Vi-a-dơ-ma, song những cố gắng đó không đem lại kết quả. Cuối cùng, Đại bản doanh buộc phải chấp nhận đề nghị của chúng tôi, chuyển sang phòng ngự trên tuyến Vê-li-ki-lu-ki - Vê-li-giơ - Pô-gô-rê-lôi-ê Gô-rô-đi-sê - Gơ-giát-xcơ - sông U-gơ-ra – Xát-đê-men-xcơ - Ki-rốp - Liu-đi-nô-vô - Khôn-mi-si - sông Ô-ca.
Các đơn vị của Phương diện quân miền Tây trong thời kỳ tiến công mùa đông, đã tiến được 70 đến 100 km và đã cải thiện được một phần tình hình chung về mặt chiến dịch và chiến lược trên hướng tây.
Những kết quả chung đạt được trong chiến dịch lịch sử vĩ đại gần Mát-xcơ-va là một nguồn cổ vũ đối với chúng ta và là một đòn nặng đánh vào quân địch.
Tướng Đức Vét-phan mô tả trận đánh gần Mát-xcơ-va, đã phải thú nhận rằng: “Quân đội Đức trước đây được coi là không thể bị đánh bại, nay sắp bị tiêu diệt”. Các tướng khác của quân Đức như K. Ti-pen-xkiếc, G. Bliu-men-tơ-rít, Ph. Bai-éc-bê-in, Ph. Man-tây-phen và v..v... đều tuyên bố như vậy.
Cái gì đúng thì vẫn đúng. Trong cuộc chiến đấu ở Mát-xcơ-va, bọn Hít-le đã mất tổng cộng hơn nửa triệu tên, 1.300 xe tăng, 2.500 đại bác, trên 15.000 ô-tô và nhiều phương tiện kỹ thuật khác. Quân của chúng bị đánh bật khỏi Mát-xcơ-va từ 150 đến 300 km về phía tây.
Cuộc phản công mùa đông năm 1941-1942 đã diễn ra trong điều kiện thời tiết phức tạp mùa đông, nhưng chủ yếu nhất là nó được tiến hành trong khi chúng ta không có ưu thế về quân số so với địch. Cũng trong thời kỳ đó, các phương diện quân không có đủ những binh đoàn xe tăng và cơ giới thật mạnh, và nếu không có nó, theo kinh nghiệm thực tế của chiến tranh, thì không thể tiến hành những chiến dịch tấn công quy mô lớn nhằm thực hiện những mục đích kiên quyết. Vượt quân địch đang vận động, nhanh chóng vu hồi đánh vào sườn chúng, cắt đứt đường liên lạc với hậu phương, bao vây và chia cắt các đơn vị lớn của địch, tất cả những nhiệm vụ đó chỉ có thể thực hiện được, nếu có sự trợ lực của những binh đoàn xe tăng và cơ giới mạnh.
Trong cuộc chiến đấu ở Mát-xcơ-va, lần đầu tiên trong 6 tháng chiến tranh, Hồng quân đã làm cho các đơn vị chủ lực của Hít-le phải chịu những thiệt hại lớn nhất. Trước đó, lực lượng vũ trang Xô-viết đã mở nhiều chiến dịch quan trọng làm chậm bước tiến của quân đội Đức trên cả 3 hướng tấn công chủ yếu của chúng. Nhưng về quy mô và kết quả, các chiến dịch đó vẫn chưa bằng cuộc chiến đấu ở ngay chân tường Thủ đô Xô-viết này.
Giỏi đánh phòng ngự, phản kích thắng lợi và chuyển nhanh sang phản công, đó là những nét đã làm giàu thêm nghệ thuật quân sự Xô-viết đánh dấu sự trưởng thành về chỉ đạo chiến lược và chiến dịch, chiến thuật của những người chỉ huy quân sự Xô-viết, sự tiến bộ về bản lĩnh chiến đấu của các chiến sĩ trong tất cả các binh chủng.
Việc tiêu diệt các đơn vị của Hít-le gần Mát-xcơ-va có ý nghĩa quốc tế lớn. Quần chúng nhân dân các nước liên minh chống phát-xít đã vô cùng hào hứng khi nhận được tin chiến thắng lừng lẫy của lực lượng vũ trang Xô-viết. Với những thắng lợi đó nhân loại tiến bộ lại có thêm căn cứ để tin sẽ được giải phóng khỏi ách nô dịch phát-xít.
Thất bại của quân Đức ở Lê-nin-grát, Rô-xtốp, trong khu Ti-khơ-vin và cuộc chiến đấu ở Mát-xcơ-va đã làm chấn động các giới phản động Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ, buộc chúng phải có chính sách thận trọng hơn đối với Liên Xô.
Quân phát-xít Đức chuyển sang phòng ngự. Để khôi phục lại sức chiến đấu, giới lãnh đạo quân sự, chính trị nước Đức bắt buộc phải thi hành một loạt biện pháp tổng hợp và chuyển sang mặt trận Xô - Đức một số lượng đáng kể những đơn vị lấy ở Pháp và ở các nước bị chúng chiếm đóng. Đã đến lúc Đức phải dùng thủ đoạn gây sức ép đối với chính phủ các nước chư hầu của chúng, bắt họ phải gửi sang mặt trận Liên Xô những binh đoàn mới và những nguồn vật chất bổ sung, làm cho tình hình chính trị bên trong các nước đó thêm xấu đi.
Sau trận tiêu diệt quân Hít-le ở Mát-xcơ-va, không những bọn binh lính, mà cả nhiều tên sĩ quan và tướng đã thấy rõ sức mạnh của nhà nước Xô-viết, thấy rõ lực lượng vũ trang Xô-viết là vật chướng ngại không thể vượt qua trên con đường thực hiện những mục đích do chính phủ Hít-le đề ra.
Nhiều lần người ta hỏi tôi về vai trò của I.V. Xta-lin trong cuộc chiến đấu ở Mát-xcơ-va.
I.V. Xta-lin ở Mát-xcơ-va trong suốt thời gian đó để tổ chức lực lượng và phương tiện tiêu diệt quân giặc. Cần thấy vị trí xứng đáng của Xta-lin. Đứng đầu Hội đồng quốc phòng Nhà nước và dựa vào bộ máy lãnh đạo của các Bộ ủy viên nhân dân, Xta-lin đã làm một khối lượng công việc khổng lồ để tổ chức các lực lượng dự bị chiến lược và những phương tiện vật chất kỹ thuật cần thiết. Có thể nói là bằng tính nghiêm khắc triệt để của mình, Xta-lin đã đạt được những kết quả hầu như không thể đạt được.
Nếu có ai hỏi tôi: điều gì nhớ nhất trong cuộc chiến tranh vừa qua, tôi luôn luôn trả lời, đó là cuộc chiến đấu ở Mát-xcơ-va. Trong những điều kiện khắc nghiệt, thường hết sức phức tạp và khó khăn, quân đội ta đã được tôi luyện, thêm can trường, tích lũy được kinh nghiệm và sau khi có được một số lượng phương tiện kỹ thuật cần thiết tối thiểu, đã chuyển từ một lực lượng đang rút lui, phòng ngự, thành lực lượng tiến công rất mạnh. Con cháu chúng ta được hường nhiều thuận lợi, may mắn sẽ không bao giờ quên công tác tổ chức lớn lao của Đảng, sự nghiệp lao động anh hùng của nhân dân Xô-viết và những chiến công của các chiến sĩ trong thời kỳ đó.
Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người tham gia chiến đấu còn sống, tôi cúi đầu trước kỷ niệm chói lọi của những người đã hy sinh thân mình, chiến đấu không cho quân địch lọt vào Thủ đô, trái tim của Tổ quốc, thành phố anh hùng Mát-xcơ-va. Chúng ta còn chịu những người đó món nợ không bao giờ trả được.
---
[1] Ngày 30-6-1941, thành lập Hội đồng quốc phòng Nhà nước đứng đầu là I.V. Xta-lin. Ngày 10-7-1941, Hội đồng quốc phòng quyết đinh thành lập 3 Bộ tổng tư lệnh trên các hướng mặt trận: Mặt trận hướng tây-bắc do K.E. Vô-rô-si-lốp làm Tổng tư lệnh, mặt trận hướng tây do S.M. Ti-mô-sen-cô, mặt trận hướng tây-nam do Bu-di-on-nưi. Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh chuyển thành Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao và ngày 8-8, I.V. Xta-lin làm Tổng tư lệnh tối cao trong Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao - ND.
[2] Trong tháng 8 - 9 năm 1941, lại cải tổ việc chỉ huy quân đội và bãi bỏ việc thành lập Bộ Tổng tư lệnh trên các hướng mặt trận. Nguyên soái X.M. Bu-di-on-nưi rút về làm tư lệnh Phương diện quân Dự bị, bố trí ở phía sau Phương diện quân miền Tây để tăng thêm chiều sâu phòng ngự trên hướng Mát-xcơ-va – ND.
[3] ngày nay đồng chí Ghét-man đã là đại tướng - TG
[4] tư lệnh tập đoàn quân 16 ở hướng Vô-lô-cô-lam-xcơ – ND.
[5] tức Gô-vô- rốp – ND.
[6] đòn đánh vào Mát-xcơ-va – ND.
[7] Ph. Mê-len-tin: Những trận đánh xe tăng năm 1939-1945

Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #183 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 03:44:14 am »

Chương 13
VẪN CÒN THỬ THÁCH GAY GO

Năm 1942, do nhiều nguyên nhân, nước ta lại gặp phải những thử thách gay go. Nhưng, cũng như hồi năm 1941, trong chiến dịch bảo vệ Mát-xcơ-va, nhân dân và các lực lượng vũ trang Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Đảng Lê-nin, đã anh dũng vượt qua khó khăn, tiêu diệt cánh quân chiến lược hết sức lớn của Đức ở vùng giữa sông Đông và sông Von-ga, mở đầu giai đoạn đuổi quân phát-xít Đức ra khỏi bờ cõi Tổ quốc ta.
Để hiểu sâu hơn những sự kiện xảy ra ở miền Nam nước ta, cần biết sơ lược tình hình chính trị - quân sự hồi đầu mùa hè năm 1942.
Cuối mùa xuân 1942, tình hình trong nước và vị trí quốc tế của Liên Xô có khá hơn đôi chút. Mặt trận chống phát-xít tiếp tục mở rộng và củng cố. Tháng Giêng, 26 nước đã ký bản tuyên bố, cùng nhau thỏa thuận sử dụng mọi lực lượng và phương tiện chống lại các nước xâm lược và nguyện không ký kết hòa ước riêng rẽ hay đình chiến với chúng. Với Mỹ và Anh, đã có sự thỏa thuận mở mặt trận thứ hai ở châu Âu năm 1942. Tất cả những điều ấy cùng với những tình hình khác, đặc biệt là việc tiêu diệt quân Đức ở Mát-xcơ-va, phá tan kế hoạch chiến tranh chớp nhoáng đánh Liên Xô của bọn Hít-le, đã cổ vũ mạnh mẽ các lực lượng chống phát-xít trong tất cả các nước.
Trên mặt trận Xô-Đức tạm yên tiếng súng. Cả hai bên đều chuyển sang phòng ngự. Ở các trận địa phòng ngự, bộ đội lo đào chiến hào, xây công sự, đặt mìn trên những cửa ngõ vào tiền duyên, mắc dây thép gai và làm các công việc khác về củng cố phòng ngự. Cán bộ chỉ huy và các cơ quan tham mưu của ta nghiên cứu bố trí hệ thống hỏa lực tổ chức hiệp đồng giữa các binh chủng và nhiều vấn đề khác. Đại bản doanh, Bộ Tổng tham mưu và các đơn vị đều lo tổng kết giai đoạn chiến tranh vừa qua, kiểm điểm ưu, khuyết điểm của bộ đội ta, tìm hiểu sâu thêm nghệ thuật quân sự của địch, các mặt mạnh, yếu của chúng.
Phấn khởi trước thắng lợi to lớn của Hồng quân ở vùng Mát-xcơ-va, thắng lợi có ý nghĩa mở đầu bước ngoặt cơ bản trong chiến tranh, nhân dân Liên Xô đã thực hiện có kết quả việc chuyển nền kinh tế quốc dân thời bình thành kinh tế thời chiến. Quân đội Liên Xô được trang bị ngày càng nhiều xe tăng, máy bay mới, pháo, vũ khí phản lực và đạn dược.
Ở hậu phương, lực lượng dự bị chiến lược mới gồm đủ các binh chủng đã được xây dựng. Những thành tựu của công nghiệp xe tăng và pháo cho phép Bộ Tổng tư lệnh tối cao xây dựng các quân đoàn và tập đoàn quân xe tăng có khí tài mới nhất lúc bấy giờ.
Quân đội ta được trang bị pháo chống tăng cải tiến 45 mm, pháo 76 mm mới. Các lữ đoàn và sư đoàn chống tăng mới được thành lập để đánh các binh đoàn xe tăng lớn. Có nhiều biện pháp tổ chức phòng không trong bộ đội nói riêng và trong cả nước nói chung. Không quân của chúng ta đã có khả năng để bắt tay vào thành lập những tập đoàn quân. Tháng 6, chúng ta đã có 8 tập đoàn quân không quân. Các binh đoàn không quân tầm xa và các quân đoàn dự bị của Bộ Tổng tư lệnh được bổ sung thêm rất nhiều. Tổng quân số bộ đội tại ngũ tăng lên tới 5.534.500 người, xe tăng có 4.959 chiếc, pháo và cối có 40.798 khẩu, máy bay có 2.480 chiếc. Khắp các đơn vị đều triển khai huấn luyện chiến đấu, nghiên cứu nắm vững kinh nghiệm chiến tranh và khí tài mới.
Bộ chỉ huy phát-xít Đức cũng chuẩn bị chiến cục mùa hè; chúng vẫn coi mặt trận Liên Xô là chủ yếu. Bọn Hít-le ngày càng điều sang mặt trận phía đông nhiều lực lượng đồng minh của chúng.
Phát-xít Đức và các đồng minh của chúng trên các mặt trận từ Ba-rên-xép đến Biển Đen có 217 sư đoàn và 20 lữ đoàn trong đó có 178 sư đoàn, 8 lữ đoàn và 4 phi đoàn không quân là Đức thuần túy. Trên các mặt trận khác và trong các nước bị chiếm đóng, vì chưa mở mặt trận thứ hai, bọn Đức chỉ giữ ở đây không quá 20% số quân của chúng.
Đến tháng 5-1942, trên mặt trận Xô-Đức, kẻ thù đã có một đội quân hơn sáu triệu người (trong đó có 81 vạn quân thuộc các nước đồng minh của nó), 3.230 xe tăng và pháo tấn công, gần 57.000 khẩu pháo và cối, 3.400 máy bay chiến đấu. Về người, pháo và cối, quân Đức vẫn chiếm ưu thế như trước. Chúng ta có hơn một ít về số lượng máy bay và xe tăng, nhưng về chất lượng thì phần lớn xe tăng của ta hãy còn kém xe tăng Đức.
Nhìn chung, chiến lược quân sự và chính trị của Hít-le thời kỳ trước mắt năm 1942 là nhằm tiêu diệt quân ta ở phía nam, chiếm vùng Cáp-ca-dơ, tiến đến sông Von-ga, chiếm Xta-lin-grát (nay là Von-ga-grát), A-xtơ-ra-khan và tạo điều kiện tiêu diệt Nhà nước Liên Xô.
Trong khi đặt kế hoạch tiến công mùa hè năm 1942, bộ chỉ huy Đức tuy vẫn có ưu thế về lực lượng và phương tiện so với các lực lượng vũ trang Liên xô, nhưng đã không còn khả năng cùng một lúc tiến công trên tất cả các hướng chiến lược như chúng đã làm năm 1941, theo kế hoạch “Bác-ba-rốt-xơ”.
Đến mùa xuân 1942, quân Đức đã bị căng ra từ Ba-rên-xép đến Biển Đen. Do đó mật độ chiến dịch của chúng giảm sút rõ rệt. Nhờ thi hành một loạt chủ trương tổng hợp, bọn chỉ huy Đức đã xây dựng được cụm tập đoàn quân “Nam” và tập trung vào đó những lực lượng trội hơn lực lượng ta ở hướng tây-nam.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Hai, 2009, 03:46:39 am gửi bởi daibangden » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #184 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 03:44:32 am »

Chỉ thị của Hít-le số 41 ngày 5-4-1942 dự kiến chiếm đoạt những vùng công nghiệp, nông nghiệp trù phú nhất của Liên Xô để có nguồn kinh tế bổ sung (trước hết là dầu hỏa ở Cáp-ca-dơ) và chiếm thế chiến lược áp đảo có lợi, nhằm đạt những mục tiêu quân sự - chính trị của chúng.
Hít-le và vây cánh hy vọng rằng, hễ quân Đức hoạt động có kết quả ở phía nam nước ta thì chúng có thể đánh ngay vào cả các hướng khác và lại tấn công Lê-nin-grát, Mát-xcơ-va. Trên hướng chiến lược Mát-xcơ-va, chúng dự tính chỉ mở các chiến dịch tiến công bộ phận để thanh toán số quân Liên Xô đã lấn sâu vào khu vực phòng ngự của Đức. Làm như thế nhằm hai mục đích: thứ nhất, cải thiện thế chiến dịch của quân đội chúng; thứ hai, làm cho bộ chỉ huy Liên Xô không chú ý đến hướng chiến lược phía nam, nơi chúng chuẩn bị đòn chủ yếu. Đặt kế hoạch chiếm Cáp-ca-dơ và Von-ga, bọn Hít-le âm mưu cắt đứt đường giao thông của Liên Xô với các đồng minh của mình thông qua Cáp-ca-dơ.
Mùa xuân năm 1942, tôi thường có mặt ở Bộ Tổng tư lệnh, tham gia thảo luận ở chỗ Tổng tư lệnh tối cao về nhiều vấn đề chiến lược quyết định, vì vậy tôi biết rõ đồng chí Tổng tư lệnh đánh giá tình hình lúc bấy giờ như thế nào và triển vọng của chiến tranh trong năm 1942 ra sao.
Rõ ràng là Tổng tư lệnh không thật tin những cam kết của Sớc-sin và Ru-dơ-ven về việc mở mặt trận thứ hai ở châu Âu, nhưng vẫn hy vọng họ sẽ làm một cái gì với mức độ nào đó ở các vùng khác. I.V. Xta-lin tin Ru-dơ-ven nhiều hơn Sớc-sin.
Tổng tư lệnh phán đoán rằng mùa hè năm 1942, bọn Đức sẽ có đủ sức mở những chiến dịch tiến công lớn cùng một lúc trên hai hướng chiến lược, mà có khả năng nhiều nhất là hướng Mát-xcơ-va và hướng nam. Còn ở phía bắc và tây-bắc, Xta-lin nói, có thể chúng có những hoạt động không đáng kể. Có khả năng chúng cố cắt những chỗ lồi ra trên tuyến phòng ngự của ta và cải tiến việc bố trí quân của chúng.
Trong hai hướng mà theo ý Tổng tư lệnh, địch có thể triển khai những chiến dịch tiến công chiến lược, đồng chí lo nhất cho hướng Mát-xcơ-va, ở đây địch tập trung hơn 70 sư đoàn.
Về các kế hoạch mùa xuân và đầu mùa hè 1942 của ta, Xta-lin cho rằng, hiện nay chúng ta không đủ lực lượng và phương tiện mở những chiến dịch tiến công lớn. Trước mắt, đồng chí cho rằng, chỉ nên phòng ngự chiến lược tích cực, nhưng đồng thời mở một loạt chiến dịch tiến công bộ phận ở Crưm, ở khu vực Khác-cốp, trên hướng Lơ-gốp - Cuốc-xcơ và Xmô-len-xcơ, và cả ở các khu vực Lê-nin-grát và Đê-mi-an-xcơ.
Tôi được biết, ý kiến của B.M Sa-pô-sni-cốp về nguyên tắc thì giống ý kiến của Xta-lin, nhưng về kế hoạch hành động của quân ta thì đồng chí chủ trương đầu mùa hè chỉ nên phòng ngự chiến lược tích cực, tiêu hao và làm suy yếu kẻ địch, để sau đó, khi đã tích lũy lực lượng dự bị rồi thì chuyển sang phản công rộng rãi. Tôi ủng hộ Sa-pô-sni-cốp, nhưng cho rằng, ngay đầu mùa hè, ở hướng tây, nhất định cần tiêu diệt cánh quân Rơ-giép - Vi-a-dơ-ma, ở đây, quân Đức đang giữ một bàn đạp rộng lớn và có nhiều lực lượng.
Đại bản doanh và Bộ Tổng tham mưu cho rằng, hướng đặc biệt nguy hiểm là hướng O-ri-ôn - Tu-la và hướng Cuốc-xcơ - Vô-rô-ne-giơ vì từ đấy địch có thể đánh Mát-xcơ-va bằng cách vu hồi Thủ đô từ phía tây-nam. Với tưởng định ấy, để bảo vệ Mát-xcơ-va từ hướng tây-nam, Đại bản doanh hạ quyết tâm đến cuối mùa xuân sẽ tập trung phần lớn lực lượng dự bị của Bộ ở khu vực thuộc Phương diện quân Bri-an-xcơ.
Phương diện quân Bri-an-xcơ được bổ sung nhiều lực lượng và phương tiện. Giữa tháng 5, nó có thêm 4 quân đoàn xe tăng, 7 sư đoàn bộ binh, 11 lữ đoàn bộ binh độc lập, 4 lữ đoàn xe tăng độc lập và một số lớn pháo binh. Ngoài ra, còn phối thuộc cho Phương diện quân Bri-an-xcơ tập đoàn xe tăng 5, lực lượng dự bị của Bộ tổng tư lệnh, để phản kích mạnh mẽ quân địch khi chúng tiến công vào khu vực phương diện quân đó.
Về cơ bản, tôi đồng ý với dự kiến chiến dịch - chiến lược của Tổng tư lệnh, nhưng không thể đồng ý về số lượng các chiến dịch bộ phận do phương diện quân tiến hành, vì nó sẽ ngốn mất lực lượng dự bị của ta, do đó gây khó khăn cho việc chuẩn bị tổng tiến công sau này.
Báo cáo ý kiến của mình, tôi đề nghị với Xta-lin và Bộ Tổng tham mưu, như đã nói trên, trước hết đánh thật mạnh vào hướng chiến lược phía tây để tiêu diệt cánh quân địch ở Vi-a-dơ-ma - Rơ-giép. Lực lượng sử dụng là các Phương diện quân miền Tây, Ca-li-nin và các phương diện quân gần đấy, cùng là không quân của Bộ Tổng tư lệnh tối cao và lực lượng phòng không Mát-xcơ-va. Việc tiêu diệt quân địch ở hướng tây nhằm làm suy yếu nghiêm trọng quân Đức, buộc chúng bỏ các chiến dịch tiến công lớn, ít ra cũng trong thời gian trước mắt.
Tất nhiên, về sau này nhìn lại mà đánh giá tình hình, kết luận ấy chưa hẳn là điều không phải bàn cãi, nhưng lúc ấy, trong điều kiện chưa có thật đầy đủ số liệu về địch thì tôi tin chắc là tôi đúng.
Vì đây là vấn đề phức tạp, Xta-lin ra lệnh thảo luận về tình hình chung và các loại phương án hoạt động có thể của quân ta trong chiến cục mùa hè.
Cuộc hội nghị này họp vào cuối tháng 3 tại Hội đồng quốc phòng; tham dự có Vô-rô-si-lốp, Ti-mô-sen-cô, Sa-pô-sni-cốp, tôi và Ba-gra-mi-an.
Sa-pô-sni-cốp đọc bản báo cáo rất súc tích và căn bản phù hợp với dự kiến của I.V. Xta-lin. Nhưng, xét thấy địch có ưu thế về quân số và chưa có mặt trận thứ hai ở châu Âu, Sa-pô-sni-cốp đề nghị là trước mắt chỉ nên tích cực phòng ngự. Các đội dự bị chiến lược cơ bản cứ để nguyên, tập trung vào hướng giữa và một phần ở khu Vô-rô-ne-giơ là nơi mà Bộ Tổng tham mưu cho rằng mùa hè năm 1942, có thể xảy ra những sự kiện chủ yếu.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #185 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 03:44:48 am »

Khi nghiên cứu kế hoạch chiến dịch tiến công do bộ chỉ huy hướng tây-nam trình bày (dùng lực lượng của các Phương diện quân Bri-an-xcơ, Tây-nam và Nam), nguyên soái Sa-pô-sni-cốp cố nêu rõ những khó khăn trong việc tổ chức chiến dịch đó, nhưng Tổng tư lệnh tối cao ngắt lời và nói:
- Chúng ta không thể ngồi khoanh tay phòng ngự chờ bọn Đức đánh trước! Chính chúng ta cần đánh chúng những đòn phủ đầu trên chính diện rộng và thăm dò sự chuẩn bị của địch. Giu-cốp có ý kiến triển khai tiến công ở hướng tây, còn trên các mặt trận khác thì phòng ngự. Tôi nghĩ rằng đó là một biện pháp nửa vời.
Đến lượt X.K Ti-mô-sen-cô nói. Trình bày xong tình hình ở hướng tây-nam, đồng chí nói tiếp:
- Quân ta ở hướng tây-nam hiện giờ có thể và nhất thiết cần đánh bọn Đức ở đó một đòn phủ đầu làm phá sản kế hoạch của chúng định tiến công vào các Phương diện quân Nam và Tây-nam, nếu không thì sẽ tái diễn cái cảnh hồi đầu chiến tranh. Còn việc chuyển sang tiến công ở hướng tây, tôi ủng hộ Giu-cốp. Như thế sẽ giam chân lực lượng của địch.
K.E. Vô-rô-si-lốp ủng hộ ý kiến của X.K. Ti-mô-sen-cô.
Tôi lại báo cáo ý kiến của tôi không tán thành triển khai nhiều chiến dịch tiến công. Sa-pô-sni-cốp, theo tôi biết, cũng không tán thành mở các chiến dịch tiến công bộ phận, lần này, tiếc rằng lại im lặng. Kết thúc hội nghị, Tổng tư lệnh tối cao chỉ thị chuẩn bị và tiến hành ngay trước mắt những chiến dịch bộ phận ở Crưm, trên hướng Khác-cốp và ở một số nơi khác. Sau hội nghị ở Đại bản doanh, chúng tôi ai nấy về vị trí của mình.
Tình hình tháng 5 và tháng 6 cho thấy Đại bản doanh đã tính sai. Lực lượng vũ trang của chúng ta ở phía nam lại gặp khó khăn nghiêm trọng. Cuối tháng 4, quân ta tiến công ở Crưm không thành công. Bộ đội ở mặt trận Crưm do trung tướng Đ.T. Cô-dơ-lốp chỉ huy không đạt được mục tiêu, bị tổn thất lớn. Đại bản doanh chỉ thị cho bộ tư lệnh phương diện quân chuyển sang phòng ngự quyết liệt.
Ngày 8-5, địch tập trung lực lượng xung kích đánh vào mặt trận Crưm và huy động nhiều máy bay đến chọc thủng được trận địa phòng ngự. Bộ đội ta lâm vào tình thế rất gay go, phải bỏ Kéc-sơ.
Thất bại ở khu vực Kéc-sơ gây khó khăn cho Xê-va-xtôn-pôn; tại đây các chiến sĩ bảo vệ thành phố đã chiến đấu ác liệt từ tháng 10. Chiếm xong Kéc-sơ, bộ chỉ huy quân Đức tập trung tất cả lực lượng đánh Xê-va-xtôn-pôn.
Sau 9 tháng bị vây hãm, sau những trận chiến đấu dài ngày và quyết liệt trong đó các chiến sĩ hải quân, lục quân ta đã phát huy truyền thống vinh quang bất diệt, ngày 4-7, quân ta phải bỏ Xê-vô xtôn-pôn.
Crưm mất toàn bộ, điều đó làm cho tình hình chung của chúng ta gay go thêm rất nhiều và tất nhiên làm cho tình hình của địch thuận lợi lên vì nó đã có thể dành ra một trong những tập đoàn quân có sức chiến đấu và có rất nhiều phương diện tăng cường.
Ngày 3-5, Phương diện quân Tây-bắc bắt đầu tấn công vào tập đoàn quân 16 của Đức ở Đê-mi-an-xcơ. Cuộc chiến đấu kéo dài suốt cả tháng nhưng không kết quả. Dĩ nhiên kẻ địch cũng có bị thiệt hại nặng.
Một lần nào đó, nói chuyện qua điện thoại về tình hình mặt trận Crưm và hướng Tây-nam, Tổng tư lệnh nói:
- Anh thấy đấy, phòng ngự đưa đến kết quả thế nào... Chúng ta phải khiển trách nặng Cô-dơ-lốp, Mê-khơ-lít và Cu-lích vì họ không thận trọng, để cho những người khác sau này đừng có cẩu thả. Ti-mô-sen-cô sắp bắt đầu tiến công. Anh thế nào, không thay đổi ý kiến về phương thức hành động ở phía nam à?
- Thưa không! Tôi cho rằng ở phía nam cần dùng không quân và hỏa lực mạnh để đánh địch, hãy dùng phòng ngự kiên cường làm cho chúng bị thất bại, rồi sau đó chuyển sang tiến công.
Ngày 12-5, Phương diện quân Tây-nam chuyển sang tiến công ở hướng Khác-cốp bằng hai mũi: một mũi từ khu vực Vô-chan-xcơ, một mũi từ khu đất nhô Bác-ven-cô-vô.
Phương diện quân Nam có trách nhiệm phục vụ cho chiến dịch trên khu vực Lô-dơ-vai-a - Bác-ven-cô-vô - Xla-vi-an-xcơ. Nhưng bộ chỉ huy hướng tây-nam không tính đến mối đe dọa từ phía Cra-ma-toóc-xcơ. Ở đây Đức đã tập trung được một cánh quân lớn để tiến công.
Bộ đội phương diện quân Tây-nam, tiến công từ mũi nhô Bác-ven-cô-vô, đã chọc thủng trận địa phòng ngự của địch, và sau ba ngày đêm, ở tất cả các khu vực, đã tiến lên được 25 - 50 km. Nhưng chiến dịch không tiếp tục phát triển được.
Sáng ngày 17-5, 11 sư đoàn thuộc đạo quân “Cơ-lây-xtơ” bắt đầu tiến công từ vùng Xla-vi-an-xcơ - Cra-ma-toóc-xcơ, đánh vào các tập đoàn quân 9 và 57 của Phương diện quân Nam. Sau khi chọc thủng trận địa phòng ngự, trong hai ngày đêm, địch tiến được 50 km và thọc đến sườn của cánh trái Phương diện quân Tây-nam ở khu vực Pê-tơ-rốp-xcơ.
Giữa tháng 5, tôi có mặt trong cuộc nói chuyện của Xta-lin với tư lệnh phương diện quân và nhớ rõ là Xta-lin tỏ ý rất băn khoăn về cánh quân địch ở Cra-ma-toóc-xcơ.
Ngay tối hôm đó, Tổng tư lệnh lại nói chuyện về việc này với ủy viên Hội đồng quẩn sự phương diện N.X. Khơ-rút-xốp; ý kiến của Khơ-rút-xốp cũng giống bộ tư lệnh Phương diện quân Tây-nam: nguy cơ từ phía cụm quân địch ở Cra-ma-toóc-xcơ đã bị thổi phồng, và không có lý do gì để phải chấm dứt chiến dịch.
Đến chập tối 18-5, tình hình thêm gay go làm cho quyền Tổng tham mưu trưởng Va-xi-lép-xki rất lo lắng, và đồng chí báo cáo ngay với Tổng tư lệnh là bộ đội ta cần chấm dứt tiến công và đưa lực lượng cơ bản của cánh quân Bác-ven-cô-vô quay trở lại đánh quân địch ở Cra-ma-toóc-xcơ.
Tổng tư lệnh căn cứ vào ý kiến của Hội đồng quân sự Phương diện quân Tây-nam là cần tiếp tục tiến công nên đã bác ý kiến của Va-xi-lép-xki. Hiện nay có người nói rằng, Hội đồng quân sự các Phương diện quân Nam và Tây-nam đã bày tỏ với Tổng tư lệnh tối cao về những lo ngại của mình; nói như vậy là không đúng với thực tế. Tôi khẳng định điều này vì chính tôi đã có mặt trong các buổi trao đổi ý kiến của Tổng tư lệnh.
Ngày 19-5, Hội đồng quân sự phương diện quân Tây-nam đã hiểu là tình hình trở nên quá gay go và bắt đầu tìm cách đánh lui những đòn công kích của địch, nhưng muộn rồi.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #186 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 03:45:06 am »

Ngày 22-5, các tập đoàn quân 6, 57, một phần lực lượng của tập đoàn quân 9 và cụm chiến dịch của tướng L.V. Bốp-kin bị vây hoàn toàn. Nhiều đơn vị đã chọc thủng được vòng vây, nhưng một số khác không thoát nổi, họ đã không chịu đầu hàng mà chiến đấu đến giọt máu cuối cùng.
Trong những trận chiến đấu ấy, nhiều đồng chí đã hy sinh như phó tư lệnh phương diện quân, tướng Phê-đo Ya-cốp-lê-vích Cô-xten-cô - anh hùng trong nội chiến và Chiến tranh giữ nước, trước kia là trung đoàn trưởng trung đoàn 19 Ma-nứt-xcô thuộc sư đoàn 4 Cô-dắc sông Đông, tướng K.P. Pốp-lát, tư lệnh tập đoàn quân 6 và tướng Bốp-kin, tư lệnh cụm chiến dịch; tôi đã cùng hai đồng chí này học ở lớp bổ túc cao cấp. Đây là những cán bộ chỉ huy rất giỏi và là những người con trung thành của Đảng và Tổ quốc ta.
Phân tích nguyên nhân không thành công của chiến dịch Khác-cốp thì ta dễ dàng nhận thấy rằng, nguyên nhân cơ bản làm cho bộ đội hướng tây-nam thất bại là không đánh giá đúng nguy cơ nghiêm trọng chứa đựng ngay tại hướng chiến lược tây-nam, vì ở đây không tập trung đầy đủ lực lượng dự bị cần thiết của Đại bản doanh.
Giá như tại các tuyến hậu phương chiến dịch của hướng tây-nam có một số tập đoàn quân dự bị của Đại bản doanh thì mùa hè năm 1942, bộ đội ta trên hướng tây-nam có thể không bị tổn thất to lớn như vậy.
Tháng 6 vẫn tiếp tục những trận đánh ác liệt trên toàn hướng tây-nam. Bị địch đánh, quân ta rút lui đến sông Ô-xcôn với những tổn thất lớn, và cố gắng bám lại ở các tuyến sau.
Ngày 28-6, địch bắt đầu tiến công rộng rãi hơn. Chúng đánh từ Cuốc-xcơ trên hướng Vô-rô-ne-giơ vào các tập đoàn quân 13 và 40 của Phương diện quân Bri-an-xcơ Ngày 30-6, tập đoàn quân 6 của Đức sau khi chọc thủng trận địa phòng ngự của các tập đoàn quân 21 và 28, đã từ Von-chan-xcơ chuyển sang tiến công vào hướng Ô-xtơ-rô-gốt-xcơ. Tình hình bộ đội ta trên hướng Vô-rô-ne-giơ xấu hẳn đi. Một phần lực lượng bị bao vây.
Trong hồi ký của mình, nguyên soái Liên Xô Va-xi-lép-xki đã viết:
 “Đến cuối ngày 2-7, tình hình trên hướng Vô-rô-ne-giơ xấu hẳn đi. Trận địa phòng ngự chỗ tiếp giáp giữa hai Phương diện quân Bri-an-xcơ và Tây-nam bị chọc thủng sâu đến 80 km. Lực lượng dự bị mà các phương diện quân này nắm ở hướng ấy đều được tung vào chiến đấu. Rõ ràng là có nguy cơ quân xung kích của địch sẽ chọc thẳng tới sông Đông và chiếm Vô-rô-ne-giơ.
Để ngăn địch vượt sông Đông và kìm hãm đà tiến của chúng, Bộ Tổng tư lệnh rút trong lực lượng dự bị của mình giao cho tư lệnh Phương diện quân Bri-an-xcơ hai tập đoàn quân bộ đội hợp thành[1], ra lệnh triển khai ở hữu ngạn sông Đông trong khu vực Da-đôn-xcơ - Páp-lốp-xcơ. Đồng thời giao thêm cho phương diện quân ấy sử dụng tập đoàn quân xe tăng 5 để cùng các binh đoàn xe tăng của phương diện quân phản kích vào sườn và hậu phương quân phát-xít Đức đang tiến công vào Vô-rô-ne-giơ... Nếu tập đoàn quân xe tăng 5 đánh quyết liệt và kịp thời .. Thì có thể làm thay đổi hẳn tình hình có lợi cho ta.
Nhưng trong suốt ngày 3-7, tập đoàn quân xe tăng 5 không được bộ tư lệnh phương diện quân giao nhiệm vụ. Do đó, được Đại bản doanh phân công, tôi phải đến ngay vùng En-xa để thúc giục việc đưa tập đoàn quân xe tăng 5 vào chiến đấu, trước đó tôi đánh điện truyền đạt nhiệm vụ cho tư lệnh tập đoàn quân và tư lệnh phương diện quân tổ chức phản kích và yêu cầu lập tức chuẩn bị ngay.
Mặc dầu được Đại bản doanh và Bộ Tổng tham mưu ra sức chi viện, tình hình ở Phương diện quân Bri-an-xcơ vẫn ngày càng trở nên gay go, và tình hình ngày càng xấu thêm, một phần rất lớn là do những thiếu sót trong việc chỉ huy bộ đội ở khâu phương diện quân và tập đoàn quân. Do đó, Đại bản doanh phải có biện pháp tổ chức, chia phương diện quân Bri-an-xcơ ra làm hai. Tư lệnh phương diện quân mới, Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ là N.Ph.Va-tu-tin; tư lệnh Phương diện quân Bri-an-xcơ là K.K. Rô-cô-xốp-xki thay cho Ph.I. Gô-li-cốp.”
Các tập đoàn quân bộ đội hợp thành 6, 60 và tập đoàn quân xe tăng 5 do Đại bản doanh điều đến đã tham gia chiến đấu ở Vô-rô-ne-giơ, khiến việc phòng ngự được vững chắc thêm phần nào, nhưng vẫn không thủ tiêu được nguy cơ nghiêm trọng là địch sẽ chọc thẳng qua sông Đông và đánh dọc sông đó về phía Xta-lin-grát.
Do ta mất Crưm, do bộ đội ta bị thất bại ở Bác-ven-cô-vô, ở Đôn-bát và ở gần Vô-rô-ne-giơ, nên địch lại giành được chủ động chiến lược, và chúng đã điều thêm các đội dự bị mới mà tiến ào ạt đến sông Von-ga và vùng Cáp-ca-dơ. Giữa tháng 7, sau khi đẩy bật quân ta qua bên kia sông Đông từ Vô-rô-ne-giơ đến Clết-xcai-a và từ Xu-rô-vi-ki-nô đến Rô-xtốp, địch tiến đánh ở khúc ngoặt sông Đông hòng tiến về Xta-lin-grát.
Do bộ đội ta phải rút lui nên các vùng hết sức giàu có là vùng sông Đông và Đôn-bát rơi vào tay quân thù. Lúc này trực tiếp có nguy cơ là quân địch tiến đến sông Von-ga và đến bắc Cáp-ca-dơ, có thể mất cả Cu-ban và tất cả các đường giao thông nối liền với Cáp-ca-dơ, mất vùng kinh tế rất quan trọng cung cấp dầu hỏa cho quân đội và cho công nghiệp.
Tổng tư lệnh tối cao ra mệnh lệnh nổi tiếng số 227. Mệnh lệnh ấy quy định các biện pháp cứng rắn đối với những kẻ phao tin đồn nhảm và những người vi phạm kỷ luật, kiên quyết lên án tư tưởng “rút lui”. Trong mệnh lệnh, nói rõ rằng điều lệnh sắt đối với bộ đội đang chiến đấu phải là: “không lùi một bước!”. Công tác chính trị và công tác Đảng được đẩy mạnh để tăng thêm hiệu lực cho mệnh lệnh này.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #187 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 03:45:23 am »

Ban chấp hành trung ương Đảng, sau khi tổng kết công tác Đảng và công tác chính trị trong các phương diện quân và các hạm đội đã ra nhiều nghị quyết cải tiến công tác tổ chức Đảng và công tác chính trị quần chúng trong bộ đội. A.X. Séc-ba-cốp, Bí thư Ban chấp hành trung ương, bí thư đảng bộ Mát-xcơ-va, được cử làm Chủ nhiệm Tổng cục chính trị thay L.Đ. Mê-khơ-lít. Ban chấp hành trung ương đã tổ chức nhiều đợt động viên đặc biệt các đảng viên và đoàn viên vào củng cố lực lượng vũ trang. Đến cuối năm 1941, trong quân đội và hải quân có 1,3 triệu đảng viên, gấp đôi thời kỳ đầu chiến tranh. Ban chấp hành trung ương yêu cầu Hội đồng quân sự các phương diện quân và tập đoàn quân cải tiến công tác vận động giáo dục chiến sĩ và cán bộ để đề cao kỷ luật một cách rõ rệt, nâng cao ý chí kiên cường và sức mạnh chiến đấu của bộ đội.
Tháng 6, Ban chấp hành trung ương Đảng kiểm điểm toàn bộ tình hình công tác chính trị trong Hồng quân và đề ra nhiều biện pháp cải tiến hơn nữa công tác này. Ban chấp hành trung ương yêu cầu các cơ quan chính trị triển khai rộng rãi hơn nữa công tác tư tường và công tác chính trị trong các đơn vị. Tất cả các cán bộ chỉ huy và cán bộ chính trị, kể cả cao cấp, đều phải đích thân tiến hành tuyên truyền, giáo dục bộ đội. Việc lãnh đạo toàn bộ công tác quan trọng và khó khăn này được tăng cường, nhiều cán bộ chính trị có năng lực biểu hiện tốt trong các đơn vị chiến đấu, được điều về công tác tại Tổng cục chính trị Hồng quân công nông; mở nhiều cuộc Hội nghị các ủy viên Hội đồng quân sự và chủ nhiệm các cơ quan chính trị toàn quân; nhiều đồng chí Bí thư Ban chấp hành trung ương như M.I. Ca-li-nin, E.M. Ya-rô-xláp-xki, Đ.D. Ma-nu-in-xki và nhiều cán bộ quan trọng của Đảng và Nhà nước đã đến nói chuyện với các hội nghị đó, nhiều đồng chí cán bộ tuyên giáo cao cấp đã thường xuyên đến thăm và nói chuyện với các đơn vị đang chiến đấu ở nơi gay go nhất.
Bộ đội Phương diện quân Tây-nam trong quá trình rút lui khỏi Khác-cốp đã bị tổn thất lớn và không đủ sức kìm hãm đà tiến của địch. Phương diện quân Nam cũng vì lý do ấy, không thể chặn đứng quân thù trên hướng Cáp-ca-dơ.
Lúc bấy giờ cần phải chặn đường bọn Đức tiến đến sông Von-ga. Bộ Tổng tư lệnh cho thành lập vào ngày 12-7 một phương diện quân mới là Phương diện quân Xta-lin-grát, gồm tập đoàn quân 62 do thiếu tướng V.Ya. Côn-pắc-si chỉ huy, tập đoàn quân 63 của trung tướng V.I. Cu-dơ-nét-xốp, tập đoàn quân 64 và cả tập đoàn quân 21 của Phương diện quân Tây-nam đã giải thể.
Toàn bộ Hội đồng quân sự Phương diện quân Tây-nam cũ tiếp nhận Phương diện quân Xta-lin-grát mới thành lập. Để tăng cường cho phương diện quân này, còn chuyển giao thêm hai tập đoàn quân xe tăng 1 và 4 mới thành lập và những đơn vị còn nguyên vẹn của các tập đoàn quân 28, 38, và 57. Đội tàu chiến sông Von-ga cũng được phối thuộc về chiến dịch cho bộ tư lệnh phương diện quân.
Trên các đoạn đường vào Xta-lin-grát đều triển khai các loại công sự phòng thủ. Giống như khi phòng thủ Mát-xcơ-va, hàng vạn nhân dân đã đến xây dựng các công sự và lao động quên mình, chuẩn bị bảo vệ thành phố. Tỉnh ủy và thành ủy Xta-lin-grát ra sức xây dựng và huấn luyện dân quân và các đội tự vệ công nhân, tổ chức lại sản xuất để phục vụ tiền tuyến, sơ tán trẻ con, người già và của cải của Nhà nước ra khỏi thành phố.
Tới ngày 17-7, Phương diện quân Xta-lin-grát chiếm lĩnh tuyến phòng ngự sau đây: Páp-lốp-xcơ trên sông Đông, kéo dài theo tả ngạn sông Đông đến Xê-ra-phi-mô-vích, tiếp đó là Chét-xcai-a, Xu-rô-vi-ki-nô đến tận Véc-khơ-ne - Cuốc-mô-yác-xcai-a.
Trong khi rút lui, Phương diện quân Nam bị tổn thất đến mức không thể khôi phục được. Bốn tập đoàn quân của nó chỉ còn lại hơn 10 vạn người. Để củng cố cơ quan lãnh đạo bộ đội ở hướng bắc Cáp-ca-dơ, Đại bản doanh giải thể Phương diện quân Nam và toàn bộ số quân còn lại của nó chuyển giao cho Phương diện quân Bắc Cáp-ca-dơ, và cử nguyên soái Liên Xô Bu-di-on-nưi làm tư lệnh.
Các tập đoàn quân 37 và 12 của Phương diện quân Bắc Cáp-ea-dơ có nhiệm vụ giữ hướng Xta-vrô-pôn, các tập đoàn quân 18, 56 và 47 giữ hướng Cra-xnô-da.
Cuối tháng 7, đầu tháng 8, tình hình trên hướng Bắc Cáp-ca-dơ rõ ràng không có lợi cho ta. Kẻ địch có ưu thế, đang tiến vững chắc. Chẳng bao lâu, quân Đức đã tiến đến sông Cu-ban.
Tháng 8, hai bên đánh nhau ác liệt ở hướng Mai-cốp.
Ngày 10-8, quân địch chiếm Mai-cốp, ngày 11-8, chiếm Cra-xnô-da.
Giữa tháng 8, sau khi chiếm được Mô-dơ-đốe, địch tiến đến sông Tê-réc. Đến ngày 9-9, sau khi đánh bật được tập đoàn quân 36 của ta, quân Đức chiếm hầu hết các đèo. Xu-khu-mi bị đe dọa nghiêm trọng.
Trong những ngày thử thách gay go và có nguy cơ sống còn ấy, nhân dân các dân tộc Cáp-ca-dơ không hề dao động, họ vững tin ở lực lượng và sức mạnh của gia đình các dân tộc Xô-viết.
Các đảng bộ Gru-di, Ác-mê-ni và A-giéc-bai-gian, thi hành chỉ thị của Hội đồng quốc phòng, đảm nhiệm việc cung cấp và phục vụ các đơn vị chiến đấu. Theo lời kêu gọi của Ban chấp hành trung ương Đảng Gru-đi, A-giéc-bai-gian và Ác-mê-ni, các đội vũ trang được thành lập, nhiều người tình nguyện gia nhập Hồng quân. Các chủ trương ấy góp phần củng cố các phương diện quân đang tham chiến. Những tính toán của bọn Hít-le cho rằng, khi quân Đức đến thì nhân dân vùng Cáp-ca-dơ sẽ tách khỏi Liên Xô, đã bị phá sản thảm hại.
Các đội du kích người Cáp-ca-dơ am hiểu địa hình đã giúp đỡ rất nhiều cho bộ đội chủ lực. Những cuộc tập kích rất táo bạo của họ làm cho quân thù hoảng sợ, gây cho chúng những thiệt hại lớn.
Đến cuối tháng 7, Phương diện quân Xta-lin-grát bao gồm 38 sư đoàn, trong đó chỉ nửa số sư đoàn có quân số từ 6.000 đến 8.000 người, số sư đoàn còn lại chỉ có 1.000 đến 3.000 người, tức là chỉ bằng 16 sư đoàn đúng biên chế. Số quân ít ỏi ấy phải triển khai trên chính diện 530 km.
Trong thời kỳ đó, phương diện quân này có cả thảy 18,7 vạn người, 360 xe tăng, 337 máy bay, 7.900 khẩu pháo và cối.
Để đánh với phương diện quân này, địch tập trung 25 vạn người, gần 740 xe tăng, 1.200 máy bay, 7.500 khẩu pháo và cối, như vậy so sánh lực lượng là địch hơn ta: về người 1,4:1, về pháo và cối 1:1; về xe tăng 2:1; về máy bay 3,5:1.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #188 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 03:45:40 am »

Về sau, do bộ đội ta chống cự ngoan cường trên các đường ở cửa ngõ Xta-lin-grát, địch buộc phải rút từ hướng Cáp-ca-dơ tập đoàn quân xe tăng 4 để đánh từ phía Ca-chi-ôn-ni-cốp sang và triển khai thêm một phần lực lượng của bọn chư hầu.
Theo chỉ thị số 45 ngày 23-7-1942 của bộ chỉ huy tối cao Đức, cụm tập đoàn quân “B”, được các đơn vị ở phía bắc dọc theo trung lưu sông Đông che chở (ở đây quân đội Hung, Ý, Ru-ma-ni triển khai kế tiếp nhau), có ý định cấp tốc đánh chiếm Xta-lin-grát, Át-xtra-khan và bám chắc sông Von-ga, cắt đứt Cáp-ca-dơ với trung tâm Liên Xô. Lực lượng cơ bản của phi đoàn không quân 4 (1.200 máy bay chiến đấu) được dành riêng để bảo đảm nhiệm vụ ấy.
Ngày 26-7, bộ đội thiết giáp và cơ giới của Đức chọc thủng trận địa phòng ngự của tập đoàn quân 62 và tiến về Ca-men-ski. Để đánh lui số quân thâm nhập này, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cấp tốc đưa vào chiến đấu các tập đoàn quân xe tăng 1 và 4 đang xây dựng mà chỉ có 240 xe tăng, và hai sư đoàn bộ binh; số quân này không thể chặn đứng được quân địch, nhưng đã kìm hãm được phần nào bước tiến của chúng.
Tất nhiên, đưa những đơn vị đang trong thời kỳ hình thành ra chiến đấu là không đúng, nhưng lúc bấy giờ Bộ Tổng tư lệnh không có cách nào khác, vì lực lượng chặn địch tiến vào Xta-lin-grát còn yếu. Nhưng trận chiến đấu ác liệt cũng đã xảy ra ở khu vực tập đoàn quân 64, nhưng ở đây địch cũng không lọt được vào Xta-lin-grát. Suốt nửa đầu tháng 8, trên các đường dẫn vào thành phố luôn có chiến sự quyết liệt. Bộ đội ta dựa vào các tuyến công sự, anh dũng giữ từng tấc đất, phản kích, tiêu hao, làm suy yếu quân địch đang xông vào Xta-lin-grát.
Do bộ đội của Phương diện quân Xta-li-grát rải ra dài tới 700 km và đã nảy ra những khó khăn về chỉ huy, Đại bản doanh quyết định chia nó ra làm hai: Phương diện quân Xta-lin-grát và Phương diện quân Đông-nam. Công việc ấy tiến hành vào ngày 5-8.
Tư lệnh phương diện quân Xta-lin-grát vẫn là trung tướng V.N. Goóc-đốp, người vừa mới thay cho nguyên soái Liên Xô Ti-mô-sen-cô; tham mưu trưởng là thiếu tướng Đ.N. Ni-ki-sép. Phương diện quân này gồm các tập đoàn quân 63, 21, 62 và tập đoàn quân xe tăng 4 với cả tập đoàn không quân 16 đang tổ chức do thiếu tướng X.I. Ru-đen-cô chỉ huy.
Phương diện quân Đông-nam gồm các tập đoàn quân 57, 51, 64, tập đoàn quân cận vệ 1 và tập đoàn không quân 8. Thượng tướng A.I. Ê-rê-men-cô được cử làm tư lệnh phương diện quân này.
Ngày 12-8, Hội đồng quốc phòng cử thượng tướng, Tổng tham mưu trưởng A.M. Va-xi-lép-xki đến tổ chức phối hợp hành động cho bộ đội ở Xta-lin-grát. Về mặt chiến dịch, Phương diện quân Xta-lin-grát thuộc quyền của tư lệnh Phương diện quân Đông-nam.
Sau một đợt chiến đấu ác liệt, ngày 23-8, quân đoàn xe tăng 14 của địch tiến vào khu vực Véc-chi-ác-si, cắt đôi trận địa phòng ngự Xta-lin-grát, tiến đến sông Von-ga ở khu vực La-tô-sin-ca - Rư-nốc. Tập đoàn quân 62 bị cắt rời khỏi lực lượng cơ bản của Phương diện quân Xta-lin-grát, vì vậy phải cho sát nhập vào Phương diện quân Đông-nam.
Máy bay ném bom của Đức đánh phá dã man Xta-lin-grát, biến thành phố thành đống gạch ngói đổ nát. Thường dân bị chết, các xí nghiệp công nghiệp và các công trình văn hóa bị phá hủy.
Sáng 24-8, một phần lực lượng của quân đoàn xe tăng 14 chuyển sang tiến công vào hướng Nhà máy chế tạo máy kéo, nhưng không kết quả. Ở đây, công nhân vũ trang của các nhà máy Xta-lin-grát đã tham gia chiến đấu quyết liệt.
Cùng lúc đó, bộ đội của Phương diện quân Xta-lin-grát rút lên phía tây-bắc, đã đánh địch từ bắc xuống nam, buộc địch phải triển khai số lực lượng rất lớn dự định dùng để chiếm Xta-lin-grát. Cuộc hành quân đó đã làm suy yếu khá nhiều đòn tiến công của địch vào thành phố; quân đoàn xe tăng 14 của chúng bị cắt rời hậu phương và suốt mấy ngày liền phải nhận tiếp tế bằng đường không.
Sau khi đưa hết chủ lực qua sông Đông, địch mở một cuộc tiến công mãnh liệt có không quân bắn phá rất mạnh để yểm hộ.
Đến 30-8, bộ đội Phương diện quân Đông-nam, bị lực lượng địch trội hơn áp đảo, phải lùi về vùng ven phía ngoài, rồi về vùng ven phía trong. Các tập đoàn quân 62 và 64 chiếm lĩnh trận địa phòng ngự trên tuyến Rư-nốc - Oóc-lốp-ca - Gum-rắc - Pét-san-ca - I-va-nốp-ca. Lúc ấy tập đoàn quân 62 do trung tướng A.I. Lô-pa-tin chỉ huy. Đồng chí đã làm tất cả mọi việc thuộc trách nhiệm của mình và thậm chí còn hơn thế nữa, vì như mọi người đều biết, quân địch ở đây dùng số lượng đông hơn đánh vào tập đoàn quân của đồng chí. Tuy vậy, đồng chí vẫn biết nhìn xa, bảo toàn được tập đoàn quân 62 để tránh địch trong điều kiện của thành phố, ở đây về sau chúng đã bị tiêu hao dần rồi bị tiêu diệt.
Trong thời gian gay go đối với Xta-lin-grát ấy, Đại bản doanh đã ra lệnh mở ở hướng tây những chiến dịch tiến công bộ phận nhằm giam chân các đội dự bị của địch, không cho chúng tung các lực lượng đó vào vùng Xta-lin-grát.
Tại phương diện quân miền Tây, lúc đó do tôi chỉ huy, tình hình diễn biến như sau:
Tại cánh trái của phương diện quân, vào đầu tháng 7, các tập đoàn quân 10, 16, và 61 mở cuộc tiến công từ tuyến Ki-rốp - Bôn-khốp về phía Bri-an-xcơ. Trên cánh phải, ở khu vực Pô-gô-rê-lôi-ê Gô-rô-đi-sê; tháng 8, tập đoàn quân 20 có tăng cường đã hiệp đồng với cánh trái của phương diện quân Ca-li-nin, tiến hành một cuộc tiến công thắng lợi nhằm tiêu diệt quân địch ở vùng Xư-chép-ca - Rơ-giép.
Sau khi chọc thủng trận địa phòng ngự của Đức và tiến đến đường sắt Rơ-giép - Vi-a-dơ-ma, cuộc tiến công của Phương diện quân miền Tây bị chặn lại, và thành phố Rơ-giép vẫn trong tay quân địch.
Ở khu vực Pô-gô-rê-lôi-ê Gô-rô-đi-sê - Xư-chép-ca, quân địch bị thiệt hại nặng. Để chặn đòn tiến công của Phương diện quân miền Tây, bộ chỉ huy Đức phải vội vã tung vào đấy nhiều sư đoàn mà chúng dành để phát triển tiến công trên hướng Xta-lin-grát và Cáp-ca-dơ.
Tướng Đức K. Ti-pên-xkiếc đã viết về việc này như sau: “Ba sư đoàn xe tăng và mấy sư đoàn bộ binh sửa soạn tung ra chống Phương diện quân Nam đã phải giữ lại, lúc đầu là để hạn chế chỗ bị chọc thủng, mà tiếp đó là để phản kích nữa; chỉ bằng cách đó, ta mới chặn được việc địch chọc thủng phòng tuyến
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #189 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 03:45:57 am »

Giá trong tay chúng tôi có một - hai tập đoàn quân thì đã có thể hiệp đồng với Phương diện quân Ca-li-nin do tướng I.X. Cô-nép chỉ huy, không những tiêu diệt cánh quân Rơ-giép, mà cả cụm quân Đức Rơ-giép - Vi-a-dơ-ma, và cải thiện khá nhiều tình hình chiến dịch trên toàn bộ hướng chiến lược phía tây. Tiếc rằng, khả năng hiện thực ấy, Tổng tư lệnh tối cao đã bỏ lỡ.
Nói chung, tôi phải nói rằng, Tổng tư lệnh tối cao đã nhận ra tình hình bất lợi hồi mùa hè 1942 là hậu quả của sai lầm bản thân đồng chí khi phê chuẩn kế hoạch hoạt động của quân ta trong chiến cục hè 1942. Và đồng chí không đổ lỗi cho bất cứ ai, trong số những người lãnh đạo của Đại bản doanh và Bộ Tổng tham mưu.
Ngày 27-8-1942, khi tôi đang ở Pô-gô-rê-lôi-ê Gô-rô-đi-sê, nơi chúng tôi đang mở chiến dịch tiến công, A.N. Pô-xcơ-rê-bư-sép gọi điện thoại cho tôi. Đồng chí cho biết hôm qua, 26-8, Hội đồng quốc phòng đã nghiên cứu tình hình phía nam và quyết định cử tôi làm Phó Tổng tư lệnh tối cao.
Đồng chí dặn tôi đúng 14 giờ có mặt ở sở chỉ huy đợi điện thoại của Xta-lin. Đồng chí hết sức ít nói, đối với tất cả các câu hỏi của tôi đồng chí đều trả lời: “Tôi không biết. Điểm này có lẽ bản thân đồng chí Tổng tư lệnh sẽ nói”. Nhưng qua những câu đó tôi cũng hiểu rằng, Hội đồng quốc phòng hết sức lo lắng về kết quả chiến sự ở khu vực Xta-lin-grát.
Sau đó một lúc, Tổng tư lệnh gọi điện cho tôi qua máy cao tần. Sau khi hỏi tình hình tại Phương diện quân miền Tây, đồng chí nói:
- Đồng chí cần về gấp Đại bản doanh. Để tham mưu trưởng làm việc này thay đồng chí - Đồng chí nói tiếp - Đồng chí nghĩ xem nên cử ai làm tư lệnh thay đồng chí.
Cuộc nói chuyện chỉ đến đây là thôi. I.V. Xta-lin không nói đến việc cử tôi làm Phó tổng tư lệnh. Có lẽ, đồng chí muốn tuyên bố việc ấy khi trực tiếp gặp tôi. Nói chung, Tổng tư lệnh chỉ nói qua điện thoại những điều cực kỳ cần thiết lúc ấy thôi. Đồng chí cũng căn dặn chúng tôi hết sức thận trọng khi nói điện thoại, đặc biệt ở vùng bộ đội đang chiến đấu, không có phương tiện cố định để giữ bí mật các cuộc nói chuyện.
Tôi đi thẳng về Mát-xcơ-va, không ghé lại bộ tư lệnh phương diện quân.
Tối khuya hôm ấy tôi đã có mặt ở điện Crem-lanh. Xta-lin đang làm việc trong phòng. Vài ủy viên Hội đồng quốc phòng cũng đang ở đấy.
Tổng tư lệnh nói, tình hình của chúng ta ở phía nam đang gay go và có thể bọn Đức sẽ lấy được Xta-lin-grát. Tình hình ở Bắc Cáp-ca-dơ cũng không khá hơn. Hội đồng quốc phòng quyết định bổ nhiệm Giu-cốp làm Phó Tổng tư lệnh tối cao và cử về khu vực Xta-lin-grát. Hiện giờ, ở Xta-lin-grát có Va-xi-lép-xki, Ma-len-cốp và Ma-lư-sép. Ma-len-cốp sẽ ở lại với Giu-cốp, còn Va-xi-lép-xki phải về Mát-xcơ-va ngay.
- Bao giờ đồng chí có thể lên đường được? - Tổng tư lệnh hỏi tôi.
Tôi đáp là tôi cần có một ngày đêm để nghiên cứu tình hình và ngày 29 có thể bay về Xta-lin-grát.
- Thế thì tốt lắm. Thế đồng chí có đói không? - Đột nhiên Xta-lin hỏi - Nên ăn uống chút ít.
Nước chè và mươi miếng bánh mì kẹp giò được mang đến. Trong khi uống nước, Xta-lin thông báo sơ lược tình hình lúc 20 giờ ngày 27-8. Sau khi kể lại vắn tắt những gì đã xảy ra ở Xta-lin-grát, Xta-lin nói, Đại bản doanh quyết định giao cho Phương diện quân Xta-lin-grát tập đoàn quân 24, tập đoàn quân cận vệ 1 và tập đoàn quân 66.
- Vì tình hình ở Xta-lin-grát rất nguy hiểm, - Tổng tư lệnh nói,- chúng tôi đã ra lệnh điều gấp tập đoàn quân cận vệ 1 do Mốt-ca-len-cô chỉ huy xuống vùng Lô-dơ-nôi để bắt đầu từ sáng ngày 2-9 nó sẽ cùng với các đơn vị khác của Phương diện quân Xta-lin-grát phản kích cánh quân địch đã thọc tới sông Von-ga, và liên lạc với tập đoàn quân 62. Đồng thời, sẽ điều thêm cho Phương diện quân Xta-lin-grát tập đoàn quân 66 của tướng Ma-li-nốp-xki và tập đoàn quân 24 của tướng Cô-dơ-lốp.
Tổng tư lệnh quay sang nói với tôi:
- Đồng chí cần có biện pháp để ngày 2-9, tập đoàn quân cận vệ 1 của tướng Mốt-ca-len-cô có thể phản kích được, đồng thời yểm hộ cho các tập đoàn quân 24 và 66 tiến ra khu vực xuất phát. Đưa ngay tức khắc hai tập đoàn quân ấy vào chiến đấu, nếu không chúng ta sẽ mất Xta-lin-grát.
Bấy giờ rõ ràng là trận chiến đấu bảo vệ Xta-lin-grát có ý nghĩa quân sự và chính trị cực kỳ to lớn. Nếu Xta-lin-grát thất thủ, quân địch có khả năng cắt miền nam khỏi miền trung. Chúng ta có thể mất Von-ga - động mạch đường thủy tối hệ trọng để đưa hàng dồn dập từ Cáp-ca-dơ về .
Bộ Tổng tư lệnh tối cao điều về Xta-lin-grát tất cả những gì có thể điều, trừ những lực lượng dự bị chiến lược đang hình thành dành cho việc tiếp tục chiến đấu về sau. Có nhiều chủ trương cấp bách nhằm tăng cường sản xuất máy bay, xe tăng, vũ khí, đạn dược và các phương tiện vật chất khác để kịp thời sử dụng mà tiêu diệt số quân địch đã đến khu vực Xta-lin-grát.
Ngày 29-8, chúng tôi lên đường từ sân bay Trung ương Mát-xcơ-va, và 4 giờ sau hạ cánh xuống sân bay dã ngoại ở khu vực Ca-mư-sin trên sông Von-ga. A.M. Va-xi-lép-xki ra đón tôi và thông báo ngay tình hình mới nhất. Chuyện trò vài câu, chúng tôi đi ngay về cơ quan bộ của Phương diện quân Xta-lin-grát ở Ma-lai-a I-va-nốp-ca.
Gần 12 giờ, chúng tôi đến bộ tham mưu phương diện quân. Trung tướng Goóc-đốp đang ở trận địa tiền duyên. Tham mưu trưởng Ni-ki-sép và trưởng phòng tác chiến Ru-khơ-le báo cáo tình hình. Nghe báo cáo, tôi có cảm giác họ không thật tin là chúng ta có thể chặn đứng quân địch ở khu vực Xta-lin-grát.
Tôi gọi điện cho Goóc-đốp đang ở bộ tham mưu tập đoàn quân cận vệ 1, báo đồng chí ấy chờ ở cơ quan của tư lệnh tập đoàn quân Mốt-ca-len-cô, tôi và A.M. Va-xi-lép-xki sẽ đến đấy.
Tại sở chỉ huy tập đoàn quân cận vệ 1, chúng tôi gặp tướng Goóc-đốp và Mốt-ca-len-cô. Báo cáo của hai đồng chí và bản thân các đồng chí gây phấn khởi cho chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy các đồng chí đó biết rõ lực lượng địch và khả năng bộ đội của mình. Sau khi thảo luận về tình huống không và tình hình bộ đội ta, chúng tôi kết luận rằng không thể chuẩn bị kịp cho các tập đoàn quân đang tập trung ở đây phản kích trước ngày 6-9. Tôi báo cáo ngay về Đại bản doanh. Nghe xong, Tổng tư lệnh nói, đồng chí không có ý kiến gì khác.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM