Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 04:31:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhớ lại và suy nghĩ  (Đọc 167547 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #110 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 07:28:33 pm »

Ủy viên nhân dân quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu và cả tôi nữa đều cho rằng trong điều kiện chiến tranh đang nhích gần, cần phải đưa các phương tiện vật chất và kỹ thuật tới gần quân đội, gần người sử dụng. Đã tưởng như vậy là đúng, nhưng sau thì thấy rằng tất cả chúng tôi đã sai. Khi chiến tranh nổ ra, quân địch trong một thời hạn ngắn đã chiếm được những lượng dự trữ vật chất, kỹ thuật của các quân khu, điều đó đã gây khó khăn đối với việc cung cấp cho quân đội và đối với những biện pháp nhằm xây dựng lực lượng dự bị.
Mùa xuân năm 1941, trong khi nghiên cứu các kế hoạch tác chiến, chúng tôi chưa cân nhắc thật đầy đủ các phương thức mới để tiến hành chiến tranh trong giai đoạn đầu. Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu đã cho rằng, chiến tranh giữa các nước lớn như Đức và Liên Xô có thể bắt đầu ở cả hai bên theo trình tự đã có từ trước: quân chủ lực sẽ bước vào chiến đấu mấy ngày sau những trận đánh ở biên giới. Về mặt thời hạn tập trung và điều quân, chúng tôi cho rằng, nước Đức phát-xít cũng ở trong những điều kiện giống như chúng ta. Trên thực tế thì lực lượng cũng như điều kiện rất khác nhau.
Khả năng kinh tế của Đức cho đến khi tiến công Liên Xô như thế nào?
Sau khi nắm được hầu hết các nguồn lực kinh tế và quân sự chiến lược của châu Âu, nước Đức, như chúng ta đều biết, đã trang bị cho lực lượng vũ trang của chúng đầy đủ vũ khí hiện đại, binh khí kỹ thuật và đủ số lượng phương tiện vật chất. Tình hình ở Tây Âu không có các hoạt động tích cực về mặt quân sự đã làm cho bọn Hít-le rảnh rang tập trung tất cả các lực lượng chủ lực của chúng để đánh Liên Xô.
Sát trước chiến tranh, nước Đức cùng với các nước bị Đức chiếm đóng sản xuất được 31,8 triệu tấn thép, một mình Đức khai thác được 257,4 triệu tấn than, và cùng với các nước chư hầu - 439 triệu tấn. Liên Xô thì sản xuất được 18,3 triệu tấn thép, 165,9 triệu tấn than. Chỗ yếu của Đức là khai thác dầu lửa, nhưng trong mức độ nào đó nó đã được bù đắp bằng việc nhập dầu lửa Ru-ma-ni, bằng số dự trữ đã có và nhiên liệu nhân tạo.
Sau khi trắng trợn hủy bỏ những điều hạn chế của hiệp ước Véc-xây, bọn cầm đầu nước Đức, nhằm đảm bảo các kế hoạch xâm lược của chúng, đã hướng toàn bộ chính sách kinh tế vào việc phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược mà chúng dự định tiến hành. Công nghiệp Đức đã chuyển toàn bộ sang kinh tế chiến tranh. Tất cả những việc khác đều lùi lại phía sau.
Nước Đức đã có một tiềm lực kinh tế chiến tranh lớn, trong thời gian tương đối ngắn đã xây dựng hơn 300 nhà máy lớn sản xuất hàng quân sự, mức sản xuất hàng chiến tranh ở Đức năm 1940 đã tăng lên 2/3 so với năm 1939 và 22 lần so với năm 1932. Năm 1941, công nghiệp Đức đã sản xuất hơn 11.000 máy bay, 5.200 xe tăng và xe bọc thép, 30 nghìn pháo các cỡ, gần 1,7 triệu carbin, súng trường và tiểu liên. Thêm vào đó cần tính thêm những lượng dự trữ lớn vũ khí cướp được và sức mạnh sản xuất của các nước chư hầu của Đức và của các nước bị Đức chiếm đóng.
Hồi đó chúng ta đã biết những gì về lực lượng vũ trang mà Đức tập trung để đánh Liên Xô?
Theo các tài liệu của Cục tình báo Bộ Tổng tham mưu Hồng Quân do tướng Ph.I. Gô-li-cốp phụ trách, nước Đức bắt đầu đưa thêm quân tới Đông Phổ, Ba Lan và Ru-ma-ni từ cuối tháng 1-1941. Cục tình báo cho biết, trong tháng 2 và tháng 3, số lượng quân địch đã tăng lên 9 sư đoàn: đối diện với Quân khu Pri-ban-tích có thêm 3 sư đoàn bộ binh; đối diện với Quân khu miền tây có thêm 2 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn xe tăng; đối diện với Quân khu Ki-ép có thêm 2 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn xe tăng; đối diện với Quân khu Ô-đét-xa có 1 sư đoàn bộ binh và 3 trung đoàn xe tăng.
Tin này do Cục trưởng Cục tình báo tướng Ph.I. Gô-li-cốp nêu ra, đã được chúng tôi báo cáo ngay lên I.V.Xta-lin. Tôi không biết tướng Ph.I. Gô-li-cốp còn báo cáo riêng với I.V.Xta-lin những tin tức tình báo gì nữa.
Đến ngày 4-4-1941, quân số tăng thêm của Đức từ biển Ban-tích đến Xlô-va-ki, theo tài liệu của tướng Ph.I. Gô-li-cốp, là 5 sư đoàn bộ binh và 6 sư đoàn xe tăng. Đối diện với Liên Xô, tất cả có 72-73 sư đoàn. Cộng với số lượng đó cần phải tính thêm số quân đội Đức đóng ở Ru-ma-ni và Hung-ga-ri tất cả là 9 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn cơ giới.
Đến ngày 5-5-1941, theo báo cáo của tướng Ph.I. Gô-li-cốp, số lượng quân đội Đức chuẩn bị đánh Liên Xô đã lên tới 103-107 sư đoàn, kể cả 6 sư đoàn đóng ở vùng Đan-xích và Pô-dơ-nan, và 5 sư đoàn ở Phần Lan. Sự phân bố các sư đoàn đó ở các nơi như sau: ở Đông Phổ, 23-24 sư đoàn; ở Ba Lan đối diện Quân khu miền Tây, 29 sư đoàn; ở Ba Lan đối diện Quân khu Ki-ép, 31-34 sư đoàn; ở Pri-các-pát, 14-15 sư đoàn.
Quân địch ráo riết tiến hành công việc chuẩn bị chiến trường: lập đường sắt thứ hai tới Xlô-va-ki và Ru-ma-ni, mở rộng mạng lưới các sân bay và các bãi đỗ máy bay, tăng cường xây dựng các kho quân dụng. Tại các thành phố và các công trình công nghiệp, chúng tổ chức huấn luyện phòng không, xây dựng các hầm trú ẩn và tiến hành các cuộc động viên thử.
Trong số quân đội Hung-ga-ri có tới 4 binh đoàn đóng ở vùng U-crai-na - Pri-các-pát, một phần đáng kể quân đội Ru-ma-ni đóng ở miền Các-pát.
Ở Phần Lan, quân Đức đổ bộ lên cảng A-bô, ở đây từ ngày 10 đến ngày 29 tháng 4, chúng đã đổ bộ tới 22.000 quân, số quân này về sau đã chuyển đến vùng Rô-va-ni-ê-mi rồi đến Kiếc-ki-ne-xơ.
Tướng Ph.I. Gô-li-cốp cho rằng trong thời gian tới, quân đội Đức có thể sẽ còn được tăng thêm bằng lực lượng có thể rút ở Nam Tư.
Đến ngày 1-6-1941, theo tài liệu của Cục tình báo, để chuẩn bị đánh Liên Xô, Đức đã có tới 120 sư đoàn.
Mùa xuân 1941, bọn Hít-le đã yên tâm vì thấy đối phương phía tây không có những hành động đe dọa nghiêm trọng, và cùng thời gian đó lực lượng chủ lực của chúng đã được tập trung dọc suốt từ biển Ban-tích đến biển Đen.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #111 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 07:28:49 pm »

Đến tháng 6-1941, Đức đã đưa tổng số quân đội của chúng lên tới 8,5 triệu người, tăng 3,55 triệu người so với năm 1940, tức là lên tới 208 sư đoàn. Đến tháng 6, các lực lượng vũ trang Liên Xô có gần 5 triệu người, tính cả các đợt nhập ngũ bổ sung.
Hít-le cho rằng thời cơ có lợi để tiến công Liên Xô đã đến. Hắn vội vã và không phải là không có cơ sở. ..
Bộ chỉ huy Đức bắt đầu ồ ạt chuyển quân sang phía Đông từ ngày 25-5-1941. Tới thời gian này đường sắt của đức hoạt động ở mức cao nhất. Riêng từ 25-5 đến giữa tháng 6, đã có 47 sư đoàn Đức, trong đó có 28 sư đoàn xe tăng và cơ giới, được đưa tới gần biên giới Liên Xô.
Còn ở phía chúng ta tình hình diễn ra như sau. Trong suốt tháng 3 và tháng 4 năm 1941, Bộ Tổng tham mưu khẩn trương làm việc để xác định kế hoạch bảo vệ biên giới phía tây và kế hoạch động viên khi chiến tranh nổ ra. Trong khi xác định kế hoạch bảo vệ, chúng tôi báo cáo với I.V.Xta-lin rằng, chúng tôi đã tính toán và thấy quân số hiện có của các Quân khu Pri-ban-tích, miền Tây, Ki-ép, Ô-đét-xa sẽ không đủ để chống lại sự tiến công của quân Đức. Cần phải cấp tốc lấy ngay quân của các đơn vị ở phía trong để thành lập một vài tập đoàn quân và để đề phòng mọi trường hợp bất trắc, đầu tháng 5, phải đưa các đơn vị đó đến Pri-ban-tích, Bê-lô-ru-xi và U-crai-na.
Bốn tập đoàn quân với quân số giảm bớt đã được điều về U-crai-na và Bê-lô-ru-xi - mỗi nơi hai tập đoàn quân dưới hình thức tập hành quân dã ngoại. Chúng tôi được căn dặn là phải hết sức thận trọng và phải có các biện pháp giữ bí mật về cuộc điều động này. Cùng khi đó, I.V.Xta-lin ra chỉ thị phải tăng cường bằng mọi cách công việc xây dựng mạng lưới các sân bay cơ bản và dã chiến. Nhưng chỉ được phép lấy sức người sau khi hoàn thành công việc đồng áng vụ xuân.
Một lần, sau cuộc họp bàn công việc thường lệ, I.V.Xta-lin có hỏi về tình hình gọi thêm quân hậu bị vào quân thường trực. Ủy viên nhân dân quốc phòng trả lời rằng, việc tuyển quân được tiến hành bình thường, quân số tuyển thêm đến cuối tháng 4 sẽ có mặt ở các quân khu gần biên giới. Đầu tháng 5, các đơn vị sẽ bắt đầu huấn luyện số quân này.
Ngày 13-5, Bộ Tổng tham mưu ra chỉ thị điều quân từ các quân khu phía trong sang phía tây. Tập đoàn quân 22 từ U-ran chuyển đến khu Vê-li-ki Lu-ki; tập đoàn quân 21 từ Quân khu Pri-vôn-ga đến Gô-men; tập đoàn quân 19 từ Quân khu Bắc Cáp-ca-dơ đến Be-lai-a Séc-cốp; quân đoàn khinh binh 25 từ Quân khu Khác-cốp đến giáp Tây Đờ-vi-na; tập đoàn quân 16 từ Da-bai-can đến Se-pê-tốp-ca thuộc U-crai-na.
Tổng cộng trong tháng 5, đã có 28 sư đoàn khinh binh và 4 cơ quan tư lệnh tập đoàn quân được chuyển từ các quân khu phía trong tới gần biên giới phía tây.
Cuối tháng 5, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho các tư lệnh quân khu gần biên giới cấp tốc chuẩn bị các sở chỉ huy, và giữa tháng 6 đã chỉ thị đưa các cơ quan chỉ huy các phương diện quân tới các sở chỉ huy đó: Phương diện quân Tây-bắc - tới vùng Pa-nê-vê-gi-xơ; Phương diện quân miền Tây tới vùng O-bu-dơ; Phương diện quân Tây-nam - tới vùng Téc-nô-pôn; Quân khu Ô-đét-xa với tính chất là cơ quan chỉ huy tập đoàn quân tới Ti-ra-xpôn. Cơ quan chỉ huy dã chiến của các phương diện quân và các tập đoàn quân từ ngày 21 đến 25 tháng 6 phải đến các vùng đó.
Đóng gần với đối phương hơn cả có 47 đơn vị bộ binh và 6 đơn vị hải quân biên phòng, 9 đơn vị biên phòng độc lập, 11 trung đoàn quân tác chiến thuộc Bộ Ủy viên nhân dân nội vụ và các sư đoàn khinh binh tuyến I đóng sát biên giới nhưng chưa triển khai đội hình chiến đấu thuộc các tập đoàn quân bảo vệ biên giới.
Tổng cộng ở các quân khu và các hạm đội gần biên giới miền tây có 2,9 triệu người, hơn 1.500 máy bay các loại mới và khá nhiều máy bay các loại cũ, gần 35.000 pháo và súng cối (không có súng cối 50 mm), 1.800 xe tăng hạng nặng và hạng vừa (2/3 là xe tăng các loại mới) và một số đáng kể các xe tăng loại nhẹ hạn chế về sức mạnh.
Việc huấn luyện chiến đấu và tinh thần chiến đấu ở các quân khu gần biên giới không đều nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố: truyền thống của cán bộ chỉ huy trong việc giáo dục bộ đội, tính sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, tính tổ chức và quyết tâm trong việc thực hiện những yêu cầu của điều lệnh chiến đấu. Bây giờ khó mà dựng lại một cách đầy đủ tất cả những gì đã diễn ra ở các quân khu gần biên giới và thuật lại không khí của các nơi đó khi chiến tranh nổ ra. Tôi còn nhớ, trong thời gian đầu làm việc ở Bộ Tổng tham mưu, tôi vẫn nghĩ tới quân khu đặc biệt Ki-ép là nơi tôi mới rời khỏi. Tình hình ở đó ra sao?
Nhân đây tôi muốn trích dẫn vài đoạn trong hồi ký của nguyên soái Liên Xô I.Kh. Ba-gra-mi-an - hồi đó là đại tá trưởng phòng tác chiến Quân khu đặc biệt Ki-ép. Tôi nghĩ rằng những trang hồi ký này phản ánh đúng tình hình công việc trong quân đội với tất cả những khó khăn của những tháng sau cùng trước chiến tranh.
“Chúng tôi vừa mới tiễn đồng chí tư lệnh của mình đi dự Hội nghị Đảng lần thứ XVIII - I.Kh. Ba-gra-mi-an viết - thì Bộ Tổng tham mưu có chỉ thị: tham mưu trưởng quân khu cùng với nhóm các tướng và sĩ quan tham gia vào việc xây dựng kế hoạch bảo vệ biên giới quốc gia phải về Mát-xcơ-va ngay. Cùng với M.A. Puốc-ca-ép lên đường đi Mát-xcơ-va còn có các tướng N.A. La-xkin - tham mưu trưởng không quân, I.I. Tơ-rút-cô - phó tham mưu trưởng quân khu phụ trách các vấn đề tác chiến - hậu cần, D.M. đô-bư-kin - chủ nhiệm thông tin quân khu, đại tá A.A. Coóc-xu-nốp - trưởng phòng giao thông quân sự quân khu, tôi và người phó của tôi - đại tá A.I. Đa-ni-lốp. Đến Mát-xcơ-va mới biết rõ mọi việc: tất cả chúng tôi phải tham gia việc nghiên cứu những biện pháp tác chiến của quân khu.
Công việc của chúng tôi đang tiếp tục thì bỗng có lệnh cho chúng tôi phải trở về Ki-ép ngay để thi hành nhiệm vụ theo chức vụ ở đây, trước hết phải xem xét các kế hoạch bảo vệ biên giới của các tập đoàn quân do các bộ tham mưu các tập đoàn quân đề ra theo chỉ thị của bộ tư lệnh quân khu. Chúng tôi rất mừng là các kế hoạch của các tập đoàn quân không đòi hỏi phải chỉnh lý nhiều. Chỉ cần sửa đổi chút ít.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #112 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 07:29:08 pm »

Song, ít lâu sau - ngay sau khi bọn phát xít bắt đầu chiếm đóng Nam Tư - Bộ Tổng tham mưu chỉ thị dựa vào kế hoạch bảo vệ biên giới nhiều điều bổ sung quan trọng. Bộ tư lệnh quân khu được lệnh phải tăng thêm quân số đảm đương nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ biên giới...
Tướng Kiếc-pô-nô-xơ phàn nàn rằng lực lượng dự bị ở đây đã giảm sút rõ rệt và lực lượng đưa vào “phòng thủ tiêu cực” là quá nhiều so với mức cần thiết. Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh: ngày 18-4, chúng tôi đã chỉ thị cho các tập đoàn quân đưa vào kế hoạch những sự thay đổi đó. Do nguyên nhân này nên trong tháng 4 chúng tôi cũng vẫn chưa “chấm” xong các kế hoạch bảo vệ biên giới của các tập đoàn quân.
Tham mưu trưởng các tập đoàn quân cùng với các cán bộ tham gia xây dựng kế hoạch lại được triệu tập về Bộ tham mưu quân khu. Mọi việc lại được làm lại từ đầu. Khó khăn lớn kéo dài công việc là ở chỗ các tướng và sĩ quan thảo kế hoạch phải tự tay viết tất cả từ trang thứ nhất đến trang cuối cùng...
Việc làm lại các kế hoạch cần phải kết thúc trước ngày 10-5. May thay, đó là sự bổ sung quan trọng lần cuối cùng, chứ không thì các kế hoạch có thể không được dựng xong trước khi bọn phát-xít bắt đầu tiến công.
Trong nửa sau của tháng 4, cơ quan lãnh đạo Hồng quân bắt đầu tích cực thực hiện những biện pháp nhằm tăng cường sức mạnh cho các quân khu gần biên giới. Tôi còn nhớ, ngày 26-4, quân khu chúng tôi nhận được lệnh của Mát-xcơ-va: tới ngày 1-6 phải tổ chức xong 5 lữ đoàn pháo cơ động chống tăng và một quân đoàn đổ bộ đường không. Bốn sư đoàn khinh binh của chúng tôi được cải tổ thành các sư đoàn khinh binh chiến đấu ở rừng núi. Bộ tư lệnh quân khu được báo cho biết, đến ngày 25-5, quân khu được bổ sung thêm cơ quan chỉ huy quân đoàn bộ binh nhẹ thứ 31 từ Viễn Đông tới.
Tháng xuân cuối cùng không hề làm ấm thêm bầu không khí quan hệ quốc tế. Việc I.V. Xta-lin bỗng nhiên được cử làm Chủ tịch Hội đồng các Ủy viên nhân dân được mọi người trong quân khu coi là điều chứng tỏ tình hình quốc tế trở nên phức tạp. Lần đầu tiên trong những năm có chính quyền xô-viết, sự lãnh đạo tối cao của Đảng và Nhà nước tập trung vào một người. Ngoài ra còn những dấu hiệu khác về mối nguy cơ đang tăng nhanh.
Vào nửa sau của tháng 5, chúng tôi nhận được của Bộ tổng tham mưu lệnh tiếp nhận của Quân khu Bắc Cáp-ca-dơ và bố trí nơi đóng quân cho cơ quan chỉ huy quân đoàn bộ binh nhẹ 34 cùng với các đơn vị của nó - 4 sư đoàn khinh binh với quân số 12.000 người mỗi sư đoàn và một sư đoàn khinh binh chiến đấu ở rừng núi.
Một đoàn cán bộ thuộc Quân khu Bắc Cáp-ca-dơ do phó tư lệnh thứ nhất quân khu, trung tướng M.A. Rây-te đứng đầu, sẽ tới để chỉ huy các đơn vị này. Việc bố trí số quân mới tới cũng do Bộ tổng tham mưu quy định. Theo lệnh này thì các đơn vị của Quân khu Bắc Cáp-ca-dơ sẽ bắt đầu tới vào ngày 20-5. Mặc dù mệnh lệnh này không phải là bất ngờ đối với bộ tư lệnh, song vẫn là điều phải lo: trong một thời gian ngắn phải bố trí cho hầu như cả một tập đoàn quân. Do phải làm nhiệm vụ mới khẩn cấp nên chúng tôi đành phải hoãn lại cuộc diễn tập cán bộ chỉ huy và cơ quan tham mưu các tập đoàn quân đã được dự định tiến hành vào nửa thứ hai của tháng 5.
Cuối tháng 5, các đoàn quân cuồn cuộn tới quân khu. Phòng tác chiến trở thành tựa như trạm điều hành, ở đó tập trung toàn bộ tin tức hành quân và tình hình các đơn vị thuộc quân khu Bắc Cáp-ca-dơ tới. Tôi còn nhớ một việc điển hình. Các cán bộ chỉ huy được cử đến nắm các sư đoàn bổ sung cho quân khu, khi báo cáo về khả năng chiến đấu của các sư đoàn này đã nhấn mạnh rằng, tất cả các đơn vị đều tổ chức theo quy chế thời bình do đó thiếu không những một số lớn quân số và cán bộ chỉ huy, mà thiếu cả trang bị kỹ thuật, trước hết là các phương tiện vận tải và phương tiện liên lạc, mà lẽ ra các sư đoàn được nhận khi có lệnh động viên.
Rõ ràng là cả trong vấn đề này, ý muốn nghiêm chỉnh tuân thủ những điều kiện của hiệp ước với Đức phát-xít cũng đã có tác dụng không nhỏ.
Tôi xin nói trước một chút, khi chiến tranh nổ ra, các sư đoàn này được cấp tốc điều đến hướng chiến lược phía tây và trong khi đang hành quân đã buộc phải đánh nhau.
Năm sư đoàn của Quân khu Bắc Cáp-ca-dơ chưa kịp hoàn thành việc tập trung ở phạm vi quân khu chúng tôi, thì đầu tháng 6, Bộ Tổng tham mưu đã báo tin, Ủy viên nhân dân quốc phòng ra lệnh thành lập bộ tư lệnh tập đoàn quân 19 và đến ngày 10-6, bộ tư lệnh này phải tới Chéc-ca-xư. Tập đoàn quân 19 gồm 5 sư đoàn thuộc quân đoàn khinh binh 34 và 3 sư đoàn thuộc quân đoàn khinh binh 25, tất cả đều của Quân khu Bắc Cáp-ca-dơ. Thêm vào đó mệnh lệnh lại quy định rằng, tập đoàn quân mới trực thuộc Ủy viên nhân dân quốc phòng. Tư lệnh Quân khu Bắc Cáp-ca-dơ, trung tướng I.X. Cô-nép được cử chỉ huy tập đoàn quân này.
Ngày hôm sau, Bộ Tổng tham mưu báo cho bộ tư lệnh quân khu chuẩn bị tiếp nhận và bố trí nơi đóng quân cho một tập đoàn quân nữa - tập đoàn quân 16 của trung tướng M.Ph. Lu-kin từ Da-bai-can tới. Kế hoạch dự tính tập trung đủ quân của tướng Lu-kin trên đất Quân khu đặc biệt Ki-ép trong thời gian từ 15-6 đến 10-7.
Như vậy là trong một thời gian rất ngắn, chúng tôi phải tiếp nhận và bố trí cho tập đoàn quân thứ hai nữa ở trong phạm vi quân khu. Điều đó làm mọi người phấn khởi. Không còn phải lo, khi chiến tranh nổ ra, ở phía sau chúng tôi không có quân đội. Bây giờ đã thấy hoàn toàn rõ ràng là Ủy viên nhân dân quốc phòng và Bộ tổng tham mưu đã quan tâm đến điều đó khi ra lệnh chuẩn bị đưa tất cả các lực lượng của quân khu tới trực tiếp gần biên giới
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #113 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 07:29:21 pm »

Trong kế hoạch tác chiến năm 1940 mà sau khi chỉnh lý đã được áp dụng trong năm 1941, có đề ra:
- trong trường hợp có nguy cơ chiến tranh, tất cả các lực lượng vũ trang phải ở trong tư thế hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu;
- lập tức tiến hành ở trong nước việc động viên nhập ngũ;
- phát triển các đơn vị đúng với biên chế thời chiến theo kế hoạch động viên;
- tập trung và triển khai tất cả lực lượng được động viên trên các vùng biên giới phía tây theo kế hoạch của các quân khu gần biên giới và của Bộ tổng tư lệnh.
Những biện pháp đề ra trong kế hoạch tác chiến và động viên nói trên chỉ được thi hành khi có quyết định đặc biệt của Chính phủ. Quyết định đặc biệt đó mãi tới rạng sáng ngày 22-6-1941 mới có. Còn trong những tháng gần sát chiến tranh, các chỉ thị của cơ quan lãnh đạo không thấy đề ra những biện pháp cần tiến hành khẩn cấp trong thời kỳ chiến tranh đặc biệt uy hiếp.
Tất nhiên, nảy ra vấn đề: vì sao cơ quan lãnh đạo do I.V. Xta-lin đứng đầu không thực hiện những biện pháp của kế hoạch tác chiến thời chiến mà mình đã phê chuẩn?
Về những thiếu sót và sự tính sai này, người ta thường quy vào lỗi của I.V. Xta-lin. Tất nhiên, I.V.Xta-lin quả là có những thiếu sót nhưng không thể xem xét nguyên nhân các khuyết điểm đó tách rời những quá trình và hiện tượng lịch sử khách quan, tách rời toàn bộ khối tổng hợp các nhân tố kinh tế và chính trị. Không có gì giản đơn hơn việc trở lại từ đầu để đánh giá các sự kiện khi tất cả mọi hậu quả của nó đã rõ ràng. Và không có gì phức tạp bằng việc phân tích rõ được toàn bộ khối tổng hợp các vấn đề, toàn bộ sự đấu tranh giữa các lực lượng, đối chiếu rất nhiều các ý kiến, các tài liệu và các sự việc ngay trong thời kỳ lịch sử đó.
So sánh và phân tích tất cả những lời của I.V. Xta-lin nói với những người gần gũi trong những lần tôi có mặt, tôi nhận thấy một điều chắc chắn: tất cả ý nghĩ và việc làm của I.V. Xta-lin đều quán triệt một mong muốn: tránh chiến tranh và tin tưởng rằng có thể đạt được điều đó.
I.V. Xta-lin hiểu rất rõ rằng, chiến tranh với một quân thù mạnh và có kinh nghiệm như Đức phát-xít có thể sẽ gây ra cho nhân dân Liên Xô những tai họa như thế nào, vì vậy I.V. Xta-lin cũng như toàn thể Đảng ta cố tìm cách ngăn chặn nó lại.
Bây giờ ngay trước mắt chúng ta, đặc biệt trong những tài liệu được công bố rộng rãi, về cơ bản có đủ những tài liệu báo trước về cuộc tiến công đã chuẩn bị đánh vào Liên Xô và về việc quân đội Đức đã tập trung ở biên giới nước ta, v..v... Nhưng, các tài liệu thu thập được sau khi phát-xít Đức bị đánh bại lại chứng minh rằng, hồi đó, nhiều tin tức, thông báo hoàn toàn thuộc loại khác đã được đưa tới bàn làm việc của Xta-lin. Đây là một ví dụ.
Theo lệnh của Hít-le đưa ra trong cuộc họp ngày 3-2-1941, tổng tham mưu trưởng Đức, thống chế Cây-ten ngày 15-2-1941 đã ra “chỉ thị đặc biệt về việc đánh lạc hướng đối phương”. Để giữ kín việc chuẩn bị cho chiến dịch “Bác-ba-rô-xơ”, cục tình báo và phản gián bộ tổng tham mưu quân Đức đã đề ra và thực hiện rất nhiều biện pháp nhằm tung ra những lời đồn và tin tức giả. Việc điều quân sang phía đông được dựng lên như là “thủ đoạn đánh lạc hướng lớn nhất trong lịch sử để làm cho người ta không chú ý đến những công việc chuẩn bị cuối cùng cho cuộc xâm nhập vào Anh”.
Những tài liệu về địa dư nước Anh được in ra rất nhiều. Nhân viên phiên dịch tiếng Anh được phái thêm đến các đơn vị quân đội. Việc “phong tỏa” một số vùng trên bờ eo biển Măng-sơ, Pa-đơ Ca-le và ở Na Uy được chuẩn bị. Tin về quân đoàn đổ bộ đường không tưởng tượng được tung ra. Những ụ tên lửa giả được bố trí trên bờ biển. Trong quân đội truyền bá tin về khả năng được đi nghỉ trước khi đánh Anh, và về khả năng quân Đức sẽ vượt qua lãnh thổ Liên Xô để đánh Ấn Độ. Để làm cho giả thuyết về việc đổ bộ sang Anh thêm phần đúng sự thật, Đức đề ra những kế hoạch đặc biệt mang mật hiệu “cá mập” và “đinh ba”. Bộ máy tuyên truyền hoàn toàn quay vào việc chống Anh và thôi không chống Liên Xô như thường lệ nữa. Các nhân viên ngoại giao cũng tham gia vào công việc này, v..v...
Những tài liệu về tin tức giả đó cộng với tình trạng thiếu sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang đã làm cho I.V. Xta-lin hết sức thận trọng khi đưa ra thực hiện những biện pháp cơ bản của kế hoạch tác chiến - động viên nhằm chuẩn bị chống lại cuộc xâm lược có thể xảy ra.
I.V. Xta-lin còn tính đến tình hình, do chuyển từ hệ thống địa phương sang hệ thống chính quy, các cán bộ chỉ huy và chính trị phụ trách các đơn vị còn chưa nắm được nghệ thuật chiến dịch - chiến thuật theo cấp mình.
Thi hành nghị quyết của Đại hội Dáng lần thứ XVIII và các chỉ thị sau đó của Ban chấp hành trung ương Đảng về việc lựa chọn, đào tạo và giáo dục các cán bộ lãnh đạo, cho đến mùa hè 1941, các cấp chỉ huy, các cơ quan công tác Đảng, công tác chính trị của quân đội đã tiến hành một khối lớn công tác huấn luyện, giáo dục để nâng cao trình độ lý luận chung và năng lực thực hành của cán bộ. Song vấn đề cán bộ chỉ huy lực lượng vũ trang trong các năm 1940 - 1941 vẫn còn gay go. Việc đề bạt hàng loạt cán bộ chỉ huy trẻ, chưa qua trận mạc lên giữ các chức vụ cao, trong một thời gian nào đó, đã làm giảm sức chiến đấu của quân đội. Sát trước chiến tranh trong khi tiến hành những biện pháp quan trọng và lớn lao về mặt tổ chức, đã cảm thấy thiếu đội ngũ cán bộ chỉ huy giỏi, không đủ chuyên gia, chiến sĩ lái xe tăng, chiến sĩ pháo binh, phi công và đội ngũ nhân viên kỹ thuật hàng không cũng mỏng. Qua đó càng thấy rõ quân số đã tăng lên nhiều. Mọi nhược điểm đó, dự tính đến cuối năm 1941 sẽ có thể khắc phục về căn bản.
Trong khi mong muốn giữ vững hòa bình, coi đó là điều kiện quyết định đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, I.V. Xta-lin thấy rằng, các chính phủ Anh và Mỹ đã làm mọi việc để đẩy Hít-le tới chỗ gây chiến tranh với Liên Xô, rằng, Anh và các nước phương Tây khác bị lâm vào tình trạng chiến tranh nặng nề và muốn cứu mình khỏi tai họa nên hết sức trông chờ vào việc Đức tiến công Liên Xô. Chính vì thế mà I.V. Xta-lin nghi ngờ thông báo của các chính phủ phương Tây cho biết về việc Đức chuẩn bị tiến công Liên Xô.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #114 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 07:29:36 pm »

Chúng ta chỉ cần nhắc đến một số sự việc, mà những tin tức về nó đã làm cho I.V. Xta-lin thêm hoài nghi các thông báo nói trên. Đó là việc đàm phán bí mật với Đức phát-xít ở Luân Đôn, cũng vào năm 1939, khi Liên Xô đang tiến hành các cuộc đàm phán quân sự với Anh và Pháp mà tôi đã kể.
Giới ngoại giao Anh muốn thỏa thuận với bọn Hít-le trong việc phân chia phạm vi ảnh hưởng của nhau trên thế giới. Bộ trưởng thương mại Hát-sơn trong cuộc đàm phán với Vôn-tát - cố vấn mật của chính phủ Đức, một người gần gũi của thống chế Gơ-rinh – đã tuyên bố rằng, đối với hai nước, có ba khu vực rộng lớn để hoạt động kinh tế: hệ thống các thuộc địa Anh, Trung Quốc và Nga.
Cuộc đàm phán này đã bàn tới các vấn đề chính trị và quân sự, các vấn đề tìm kiếm nguyên liệu cho Đức, v..v... Tham gia cuộc đàm phán còn có các nhân vật khác; đại sứ Đức ở Luân Đôn là Điếc-sen báo cáo về Béc-lanh rằng, y nhận thấy có “những chính sách có chiều hướng xây dựng trong giới cầm quyền ở đây”.
Nhân đây tôi thấy rất đúng chỗ để nhắc lại rằng, khi Hít-le định đề nghị với Liên Xô cùng nhau tính đến việc phân chia thế giới ra các phạm vi ảnh hường, thì đã bị Liên Xô bác bỏ thẳng thừng và dứt khoát, thậm chí chúng ta phản đối ngay cả việc nói về vấn đề này. Những tài liệu và những người tham gia vào chuyến đi của V.M. Mô-lô-tốp sang Béc-lanh tháng 11-1940 đã chứng minh việc này.
Như mọi người đã biết, cuối tháng 4, U. Sớc-sin gửi thông điệp cho I.V. Xta-lin. Bức thông điệp đó viết: “Tôi nhận được tin chắc chắn của một người đáng tin cho biết; sau khi cho là Nam Tư đã nằm trong rọ của chúng, tức là vào ngày 20-3, bọn Đức đã điều 3 sư đoàn xe tăng và xe bọc thép trong số 5 sư đoàn đóng ở Ru-ma-ni sang miền Nam Ba Lan. Nhưng khi chúng được tin về cuộc cách mạng ở Séc-bi, việc điều quân này đã bị bãi bỏ. Ngài sẽ dễ dàng đánh giá được ý nghĩa của hành động này”. I.V. Xta-lin không tin vào bức thông điệp này. Năm 1940, có lúc báo chí thế giới đã truyền đi tin đồn về việc giới cầm quyền Anh và Pháp đích thân chuẩn bị tiến công vào Bắc Cáp-ca-dơ, ném bom Ba-cu, Grô-dơ-nưi, Mai-cốp. Sau đó lại xuất hiện các tài liệu xác nhận điều đó. Nói tóm lại, không những chỉ có những việc làm và lời nói chống Liên Xô, chống chủ nghĩa cộng sản - điều đó U. Sớc-sin không hề giấu giếm, mà còn có nhiều sự việc cụ thể khác của hoạt động ngoại giao thời đó đã làm cho I.V. Xta-lin phải thận trọng khi nghe thông báo của các giới đế quốc
Mùa xuân năm 1941, tại các nước phương tây lưu truyền nhiều tin tức khiêu khích về sự chuẩn bị ồ ạt của Liên Xô nhằm gây chiến với Đức. Báo chí Đức tìm mọi cách thổi phồng những tin tức đó và ca thán rằng, những tin tức này gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ Xô-Đức.
- Xem đấy! - I.V. Xta-lin nói - họ đem người Đức ra dọa chúng ta, và lấy chúng ta để dọa Đức, họ xúc xiểm chúng ta và Đức.
Còn đối với hiệp ước không tiến công lẫn nhau đã ký với Đức năm 1939, vào lúc nước ta có thể bị tiến công từ hai mặt - từ phía Đức và từ phía Nhật - thì không có cơ sở nào để nói rằng, I.V. Xta-lin hy vọng vào hiệp ước ấy. Ban chấp hành trung ương Đảng và Chính phủ Liên Xô khẳng định rằng, hiệp ước này không làm cho Liên Xô thoát khỏi nguy cơ một cuộc xâm lược phát-xít, nhưng nó mang lại khả năng tranh thủ thời gian để củng cố quốc phòng ở nước ta, làm cản trở sự thành lập mặt trận thống nhất chống Liên Xô. Dù sao tôi cũng không hề thấy ở I.V. Xta-lin có nhận định gì tỏ ra yên tâm đối với hiệp ước không tiến công lẫn nhau đã ký với Đức.
Ngày 5-5-1941, I.V. Xta-lin phát biểu trước các học viên Học viện của Hồng quân trong cuộc chiêu đãi nhân dịp họ tốt nghiệp.
Sau khi chúc mừng những người đã tốt nghiệp các Học việc quân sự, I.V. Xta-lin đề cập tới những sự biến đổi trong quân đội ở thời gian gần đó.
- Các đồng chí, - I.V. Xta-lin nói - các đồng chí rời quân đội 3-4 năm nay, bây giờ trở lại hàng ngũ, các đồng chí sẽ không nhận ra quân đội nữa. Hồng quân nay đã không phải là Hồng quân của mấy năm trước đây. Chúng ta đã xây dựng được một quân đội mới, trang bị cho nó bằng kỹ thuật quân sự hiện đại. Xe tăng, không quân, pháo binh của chúng ta đã khác trước. Các đồng chí về quân đội sẽ thấy nhiều cái mới.
Tiếp đó, I.V. Xta-lin nói đến những sự biến đổi trong từng loại quân chủng và binh chủng.
- Các đồng chí từ thủ đô về các đơn vị - I.V. Xta-lin nói tiếp – các chiến sĩ và cán bộ chỉ huy Hồng quân sẽ hỏi: tình hình hiện nay đang diễn ra như thế nào? Tại sao Pháp bị bại? Tại sao Anh bị thua mà Đức thì thắng? Có thực quân đội Đức là vô địch không? Tư tưởng quân sự của quân đội Đức đang phát triển. Quân đội chúng được vũ trang bằng kỹ thuật tối tân, được huấn luyện về các phương thức mới tiến hành chiến tranh, có nhiều kinh nghiệm. Sự thật là Đức có quân đội mạnh về mặt kỹ thuật cũng như về mặt tổ chức, những người Đức quan niệm một cách vô ích rằng quân đội của họ là quân đội lý tưởng, vô địch. Không có những quân đội vô địch. Đức sẽ không thể có được thắng lợi dưới những khẩu hiệu “chiến tranh xâm lược”, “ăn cướp”, dưới những khẩu hiệu “chinh phục các nước khác”, “khuất phục các dân tộc và các nước khác”.
Đề cập tới những nguyên nhân thắng lợi về quân sự của Đức ở châu Âu, I.V. Xta-lin nói rằng, quân đội ở một số nước không được quan tâm đúng mức, không được ủng hộ về mặt tinh thần. Đó là yếu tố mới làm tan rã quân đội. Quân nhân bắt đầu bị khinh rẻ. Quân đội cần được nhân dân và chính phủ đặc biệt quan tâm và yêu mến, đó là sức mạnh tinh thần hết sức to lớn của quân đội. Cần phải coi trọng quân đội.
Trường quân sự có trách nhiệm và có thể tiến hành huấn luyện các cán bộ chỉ huy trên cơ sở sử dụng kỹ thuật mới, sử dụng rộng rãi kinh nghiệm của chiến tranh hiện đại. Sau khi vắn tắt đề ra những nhiệm vụ cho pháo binh, bộ đội xe tăng, không quân, kỵ binh, bộ đội liên lạc, bộ binh trong chiến tranh, I.V. Xta-lin nhấn mạnh rằng cần phải cải tiến công tác tuyên truyền, thông tin, báo chí của chúng ta. Để chuẩn bị đối phó với chiến tranh không những cần phải có quân đội hiện đại, mà cần phải chuẩn bị về mặt chính trị.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #115 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 07:29:53 pm »

Như vậy là, chúng ta có thể rút ra kết luận gì từ các tình hình trên đây? Cần đánh giá như thế nào đối với những gì đã làm được trước chiến tranh, những gì mà chúng ta định làm trong thời gian sắp tới và những gì chúng ta không kịp làm hoặc không làm được trong việc củng cố khả năng phòng thủ của Tổ quốc chúng ta? Ngày nay, sau khi tất cả mọi việc đã đi vào quá khứ, khi đánh giá tình hình, chúng ta phải suy xét một cách có phê phán về những điều đã qua, đồng thời phải đặt mình vào thời gian sát trước cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại.
Tôi suy nghĩ nhiều về tất cả những điều đó và đi tới ý kiến như sau:
Tôi nghĩ rằng, công việc phòng thủ đất nước trên các điểm chủ yếu và phương hướng cơ bản, đã được tiến hành một cách đúng đắn. Suốt trong nhiều năm, về mặt kinh tế và xã hội, chúng ta đã làm tất cả hoặc gần như tất cả những gì có thể làm được. Còn đối với thời kỳ từ năm 1939 đến giữa năm 1941, thì trong thời gian này nhân dân ta và Đảng ta đã có những cố gắng đặc biệt, đã đưa tất cả sức lực và phương tiện ra để củng cố quốc phòng.
Công nghiệp phát triển, chế độ nông trang tập thể, toàn dân biết chữ, sự thống nhất giữa các dân tộc, sức mạnh của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, tinh thần yêu nước rất cao của nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng sẵn sàng kết hợp tiền tuyến với hậu phương - đó là cơ sở tuyệt diệu của khả năng phòng thủ đất nước vĩ đại của chúng ta, là nguyên nhân thứ nhất của thắng lợi lớn lao mà chúng ta đã giành được trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít. Mặc dù có những khó khăn và thiệt hại to lớn trong 4 năm chiến tranh, nền công nghiệp của Liên Xô đã sản xuất một số lượng hết sức lớn các loại vũ khí - gần 49 vạn cỗ pháo và súng cối, hơn 10,2 vạn xe tăng và pháo tự hành, hơn 13,7 vạn máy bay chiến đấu, điều đó nói lên rằng, cơ sở của nền kinh tế, đứng về quan điểm quân sự, quốc phòng, đã được xây dựng một cách đúng đắn và vững chắc.
Sau khi đã một lần nữa suy xét về quá trình xây dựng các lực lượng vũ trang của Liên Xô bắt đầu từ thời gian nội chiến, tôi cũng phải nói rằng, trong vấn đề này, về cơ bản chúng ta cũng đã đi con đường đúng. Nền lý luận quân sự xô-viết, những nguyên lý giáo dục và huấn luyện bộ đội, việc trang bị cho quân đội và hải quân, việc đào tạo cán bộ chỉ huy, cơ cấu và tổ chức của các lực lượng vũ trang đã không ngừng được hoàn thiện theo những phương hướng cần thiết. Đạo đức và tinh thần chiến đấu, ý thức giác ngộ và sự trưởng thành về chính trị của quân đội luôn luôn ở một trình độ rất cao.
Tất nhiên, nếu như có thể đi lại cả con đường đó, thì cũng có thể có gì đó cần phải bỏ, không làm. Nhưng bây giờ thì tôi không thể nêu lên được một phương hướng lớn có tính nguyên tắc nào trong việc xây dựng các lực lượng vũ trang của ta mà cần phải xóa đi, vứt bỏ, thay đổi. Còn thời kỳ từ năm 1939 đến giữa năm 1941 thì nói chung, được đánh dấu bằng những biến đổi mà lẽ ra sau đó hai ba năm đã có thể làm cho nhân dân Liên Xô có được một quân đội tuyệt vời
Đối với những nhân tố chủ yếu, cơ bản - và đó chính là những nhân tố cuối cùng quyết định vận mệnh của đất nước trong chiến tranh, những nhân tố quyết định thắng hay bại - thì Đảng và Nhà nước đã chuẩn bị đủ cho việc phòng thủ Tổ quốc.
Tôi nói lên điều này không phải là để rút phần trách nhiệm của mình đối với những sơ suất trong thời kỳ đó. Nhân đây cần nói là bất kỳ người nào biết suy nghĩ chín chắn cũng hiểu rằng, ngay ở vị trí chức vụ cao như Tổng tham mưu trưởng Hồng quân, cũng không thể làm được tất cả mọi việc trong vòng bốn tháng rưỡi. Về một số khuyết điểm của mình tôi đã nói tới, về những khuyết điểm khác tôi sẽ nói sau. Điều quan trọng đối với tôi là giúp cho việc miêu tả tình hình thật đúng với thực tế.
Lịch sử quả là dành cho chúng ta quá ít thời gian hòa bình để có thể xếp đặt mọi việc vào đúng vị trí của nó. Chúng ta bắt đầu làm đúng nhiều việc và chưa kịp làm xong nhiều việc. Chúng ta đã tính sai thời gian có thể nổ ra cuộc tiến công của Đức phát-xít, và đó là nguyên nhân đưa đến những sơ suất trong việc chuẩn bị chống lại những trận đánh đầu tiên.
Những nhân tố tích cực mà tôi đã nói tới, đã phát huy tác dụng liên tục, phát triển ngày càng rộng hơn và mạnh mẽ hơn, trong suốt cuộc chiến tranh từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng, và đã tạo điều kiện cho thắng lợi. Nhân tố tiêu cực - tính sai thời gian - đã gây tác động, rồi dần dần giảm đi, nhưng đã hết sức làm tăng ưu thế khách quan của quân thù, bổ sung ưu thế tạm thời cho chúng và do đó đã gây nên tình hình nặng nề cho chúng ta trong thời gian đầu chiến tranh.
Năm 1940, Đảng và Chính phủ đã thông qua một loạt những biện pháp bổ sung để tăng cường quốc phòng. Song, khả năng kinh tế đã không cho phép trong thời gian ngắn đến như thế có thể thực hiện được trọn bộ những biện pháp đã định về mặt tổ chức và các mặt khác đối với lực lượng vũ trang. Chiến tranh đã đến vào lúc đất nước đang trong giai đoạn cải tổ, vũ trang lại và huấn luyện lại các lực lượng vũ trang, đang xây dựng những lực lượng hậu bị cần được động viên và các lực lượng dự trữ của Nhà nước. Vì không định gây ra chiến tranh và mong cố tránh nó, nhân dân Liên Xô đã dành mọi sức lực vào việc thực hiện các kế hoạch kinh tế hòa bình.
Trong tình hình. nguy cơ chiến tranh đã chín muồi, chúng tôi, các cán bộ quân sự, có lẽ đã không làm tất cả những gì có thể làm, để I.V. Xta-lin thấy rõ là chiến tranh rất gần rồi và để chứng minh sự cần thiết phải thực hiện những biện pháp cấp bách mà các kế hoạch tác chiến và động viên đã đề ra.
Tất nhiên, những biện pháp đó có thể không đảm bảo được thắng lợi hoàn toàn trong việc chống lại cuộc tiến công của quân địch, bởi vì lực lượng đôi bên quá chênh lệch. Nhưng có thể là quân đội ta sẽ bước vào chiến đấu một cách có tổ chức hơn, và, do đó, gây cho địch những tổn thất lớn hơn nhiều nữa. Các trận phòng ngự có kết quả của các đơn vị ở các vùng Vla-đi-mia - Vô-lưn-xcơ, Ra-va - Rút-xcai-a, Pê-rê-mư-slơ và trên các trận địa của Phương diện quân miền Nam đã chứng tỏ điều đó.
Hiện nay, có nhiều giả thiết về vấn đề chúng ta đã biết hay không biết chính xác ngày chiến tranh nổ ra và kế hoạch chiến tranh của Đức.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #116 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 07:30:15 pm »

Tôi không thể nói một cách chính xác rằng I.V. Xta-lin có được báo cáo đúng không, có thực là I.V. Xta-lin đã được báo cáo về ngày nổ ra chiến tranh không. Những báo cáo quan trọng loại này, I.V. Xta-lin có thể đã nhận được riêng, và không cho tôi biết.
Thực ra có một hôm, I.V. Xta-lin nói với tôi:
- Có một người báo cáo với chúng ta những tin rất quan trọng về ý đồ của chính phủ Hít-le nhưng chúng ta có phần nghi hoặc...
Có thể đây là R. Doóc-ghê, người mà sau chiến tranh tôi mới được biết.
Liệu cơ quan lãnh đạo quân sự có thể tự mình và kịp thời phát hiện ra việc quân địch tiến vào những vùng xuất phát tiến công của chúng và từ đó bắt đầu cuộc tiến công vào ngày 22-6 không? Trong những điều kiện hồi ấy, rất khó làm được việc đó.
Thêm nữa, qua các bản đồ và tài liệu sau này chiếm được của địch, chúng ta biết rằng bộ chỉ huy quân Đức mãi đến giờ phút cuối cùng mới tập trung quân ở biên giới, còn bộ đội xe tăng thiết giáp của chúng đóng ở khá xa, mãi đến rạng sáng ngày 22-6 mới được đưa vào các vùng xuất phát.
Tiếc là, ngay từ những tin đã có, không phải lúc nào cũng rút ra được những kết luận đúng để có thể dứt khoát và rõ ràng giúp cho cơ quan lãnh đạo tối cao định phương hướng hành động. Dưới đây là một số tài liệu trong kho lưu trữ của quân đội, có liên quan tới điều đó
Ngày 20-3-1941, Cục trưởng Cục tình báo, tướng Ph.I. Gô-li-cốp đưa lên cơ quan lãnh đạo bản báo cáo về những tin đặc biệt quan trọng. Trong tài liệu này có nêu những phương án về các hướng tiến công có thể có của quân Đức phát-xít khi chúng đánh vào Liên Xô.
Về sau này tôi thấy rõ những phương án đó đã phản ánh đúng quá trình bọn Hít-le nghiên cứu kế hoạch “Bác-ba-rô-xơ”, và một trong những phương án đã phản ánh đúng thực chất của kế hoạch này. Trong bản báo cáo có nói: “ trong số những hoạt động quân sự có thể diễn ra nhất nhằm chống Liên Xô, đáng chú ý những điều dưới đây:
Phương án số 3 theo tài liệu... tháng 2-1941: “... để tiến công Liên Xô, - trong báo cáo viết - đã thành lập ba cụm tập đoàn quân: cụm thứ nhất do chuẩn thống chế Bốc chỉ huy đánh vào hướng Pê-trô-grát; cụm thứ hai do chuẩn thống chế Run-stết chỉ huy đánh vào hướng Mát-xcơ-va và cụm thứ ba do chuẩn thống chế Lê-ép chỉ huy đánh vào hướng Ki-ép. Mở màn cuộc tiến công vào Liên Xô được phác định vào ngày 20-5.
Theo báo cáo ngày 14-3 của tùy viên quân sự của ta, - trong báo cáo nói tiếp, - một thiếu tá Đức đã tuyên bố: chúng ta thay đổi hoàn toàn kế hoạch của chúng ta. Chúng ta tiến sang phía đông, vào Liên Xô. Chúng ta sẽ lấy của Liên Xô lúa mì, than, dầu lửa. Khi đó chúng ta sẽ là vô địch và có thể tiếp tục chiến tranh với Anh và Mỹ...”
Cuối cùng, trong tài liệu này, dựa vào tin của tùy viên quân sự ở Béc-lanh, có nói rằng: “Khởi đầu chiến sự chống Liên Xô sẽ vào khoảng từ ngày 15-5 đến ngày 15-5 năm 1941”.
Song những kết luận rút ra từ các tin đã nêu trong bản báo cáo, về thực chất, lại đã gạt bỏ toàn bộ ý nghĩa của những tin đó. Cuối bản báo cáo của mình, tướng Ph.I. Gô-li-cốp viết:
“1 - Trên cơ sở tất cả những điều và những phương án hành động có thể diễn ra mùa xuân năm nay đã trình bày ở trên, tôi cho rằng, thời gian bắt đầu hành động chống Liên Xô có khả năng chính xác nhất là sau khi đã thắng Anh hoặc đã ký với Anh một hòa ước vinh dự cho Đức.
2 - Tin đồn và những tài liệu nói về cuộc chiến tranh chống Liên Xô tất nhiên sẽ xảy ra vào mùa xuân năm nay cần được coi như là sự đưa tin đánh lừa, do cơ quan tình báo Anh và thậm chí, có thể, do cơ quan tình báo đức tung ra”.
Ngày 6-5-1941, Ủy viên nhân dân hải quân, đô đốc N.G. Cu-dơ-nét-xốp viết thư gửi I.V. Xta-lin: “Tùy viên hải quân ở Béc-lanh, đại tá hải quân Vô-rôn-xốp báo cáo: ... rằng, theo lời một sĩ quan Đức ở trong tổng hành dinh của Hít-le, quân Đức chuẩn bị đến ngày 14-5 xâm nhập vào Liên Xô qua Phần Lan, Pri-ban-tích và Ru-ma-ni. Đồng thời chúng dự định tiến công mạnh bằng không quân vào Mát-xcơ-va và Lê-nin-grát và đổ quân nhảy dù xuống các trung tâm sát biên giới”
Những tin tức nói trong tài liệu này cũng có giá trị đặc biệt. Song những kết luận do đô đốc N.G. Cu-dơ-nét-xốp đề ra với cơ quan lãnh đạo đã không phù hợp với những sự việc do chính đô đốc nêu lên.
“Tôi cho rằng, - trong thư viết, - những tin tức này là những tin tức giả và đặc biệt là chúng tung ra để xem Liên Xô sẽ phản ứng đối với việc đó như thế nào”.
Tình hình căng thẳng đã tăng thêm. Và nguy cơ chiến tranh càng tới gần thì ban lãnh đạo Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng càng làm việc khẩn trương. Các cán bộ lãnh đạo Bộ ủy viên nhân dân quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu, đặc biệt là nguyên soái X.K Ti-mô-sen-cô, trong thời gian này làm việc 18 - 19 tiếng đồng hồ một ngày. Thường thường đồng chí Ủy viên nhân dân quốc phòng ở lại phòng làm việc của mình cho tới sáng.
Ngày 13-6, X.K. Ti-mô-sen-cô, với sự có mặt của tôi, đã gọi dây nói tới I.V. Xta-lin và đề nghị cho phép ra lệnh chuyển bộ đội các quân khu gần biên giới vào tư thế sẵn sàng chiến đấu và triển khai các đơn vị tuyến một theo kế hoạch bảo vệ.
- Chúng tôi sẽ suy nghĩ - I.V. Xta-lin trả lời.
Ngày hôm sau, chúng tôi lại tới I.V. Xta-lin để báo cáo về tình hình đáng lo ngại ở các quân khu và về sự cần thiết phải ra lệnh chuyển quân đội vào tư thế hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu.
- Các đồng chí đề nghị ra lệnh động viên ở trong nước, báo động quân đội ngay và điều quân đội tới biên giới phía tây? Như thế là chiến tranh rồi! Cả hai đồng chí có hiểu điều đó hay là không?
Tuy thế, sau đó I.V. Xta-lin vẫn hỏi:
- Chúng ta có bao nhiêu sư đoàn đóng ở các Quân khu Pri-ban-tích, miền Tây, Ki-ép và Ô-đét-xa?
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #117 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 07:30:27 pm »

Chúng tôi báo cáo rằng, tính đến ngày 1 tháng Sáu ở 4 quân khu gần biên giới phía tây có tất cả 149 sư đoàn và 1 lữ đoàn bộ binh độc lập. Trong số đó:
Quân khu Pri-ban-tích có 19 sư đoàn bộ binh, 4 sư đoàn xe tăng, 2 sư đoàn cơ giới, 1 lữ đoàn độc lập;
Quân khu miền Tây - 24 sư đoàn bộ binh, 12 sư đoàn xe tăng, 6 sư đoàn cơ giới, 2 sư đoàn ky binh;
Quân khu Ki-ép - 32 sư đoàn bộ binh, 16 sư đoàn xe tăng, 8 sư đoàn cơ giới, 2 sư đoàn ky binh;
Quân khu Ô-đét-xa - 13 sư đoàn bộ binh, 4 sư đoàn xe tăng, 2 sư đoàn cơ giới, 3 sư đoàn ky binh.
- Như vậy chẳng lẽ còn ít sao? Theo tài liệu của chúng ta, bọn Đức không có số quân đến như thế - I.V. Xta-lin nói.
Tôi báo cáo rằng, theo tin tinh báo, các sư đoàn Đức được kiện toàn và vũ trang theo biên chế thời chiến. Quân số sư đoàn có từ 15.000 đến 16.000 người. Còn các sư đoàn của chúng ta thậm chí với quân số 8.000 người một sư đoàn, thực tế vẫn yếu hơn các sư đoàn Đức tới hai lần.
I.V. Xta-lin nói:
- Không thể tin ở tình báo trong tất cả mọi việc.
Trong khi I.V. Xta-lin đang nói chuyện với chúng tôi thì A.N. Pô-xcơ-rê-bu-sép, thư ký của I.V. Xta-lin bước vào phòng và báo cáo là N.X. Khơ-rút-xốp từ Ki-ép gọi dây nói tới. I.V. Xta-lin cầm máy nói. Qua những câu trả lời, chúng tôi hiểu là cuộc nói chuyện về nông nghiệp.
- Tốt - I.V. Xta-lin nói.
Chắc là N.X. Khơ-rút-xốp báo cáo, trong màu sắc rực rỡ, về triển vọng tốt của vụ mùa...
Chúng tôi từ Crem-lanh ra về trong lòng nặng trĩu.
Tôi muốn đi bộ một lúc. Lòng tôi không được vui. Trong vườn hoa A-lếch-xan-đrơ cạnh Crem-lanh, trẻ em đang nhởn nhơ chơi đùa. Tôi cũng nhớ đến các con gái tôi và tự dưng cảm thấy đặc biệt sâu sắc rằng, tất cả chúng ta đang gánh vác trách nhiệm lớn lao như thế nào đối với các trẻ em, đối với tương lai của chúng, đối với toàn thể đất nước...
Mỗi một thời hòa bình có những đặc điểm của nó, màu sắc của nó, cái tuyệt vời của nó. Nhưng tôi muốn nói những điều tốt đẹp về thời gian trước chiến tranh. Nó nổi bật ở tinh thần phấn khởi, lạc quan có một không hai, rất đặc biệt, phấn chấn như thế nào đó và đồng thời sốt sắng, giản dị và chân thật trong cách đối xử với nhau. Chúng ta đã bắt đầu sống một cách tốt đẹp, rất tốt đẹp!
Vài nhà kinh tế, nhà triết học hoặc nhà văn nào sẽ có thể miêu tả được một cách xác thực việc, nếu như chiến tranh không cắt quãng còn đường xây dựng, phát triển rộng lớn, hòa bình và mạnh mẽ của những năm đó thì ngày nay đất nước ta đã phồn vinh như thế nào, chúng ta đã vượt lên phía trước xa đến như thế nào...
Tôi đã nói về những biện pháp gì đã được áp dụng để không tạo nên cớ cho Đức gây ra xung đột quân sự. Ủy viên nhân dân quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu và các tư lệnh các quân khu gần biên giới đã được báo trước rằng họ phải chịu trách nhiệm riêng đối với những hậu quả có thể xảy ra do những hành động không thận trọng của quân đội chúng ta. Chúng tôi nhất thiết không được điều quân đội ra tiền duyên theo kế hoạch bảo vệ, nếu không được phép của I.V. Xta-lin.
Ủy viên nhân dân quốc phòng X.K. Ti-mô-sen-cô đã dặn các tư lệnh quân khu phải tiến hành các cuộc huấn luyện chiến thuật của các binh đoàn ở ngay cạnh biên giới quốc gia để có thể đưa quân tới gần các khu vực triển khai đội hình theo kế hoạch bảo vệ. Lời dặn này của đồng chí Ủy viên nhân dân quốc phòng đã được các quân khu thực hiện, song, có một điều cần lưu ý: một phần lớn pháo binh không tham gia vào hành quân.
Vấn đề là pháo binh thuộc các sư đoàn, quân đoàn và pháo cao xạ hồi đầu năm 1941 còn chưa qua các cuộc bắn tập và chưa được huấn luyện đầy đủ cho nên chưa chiến đấu được. Vì vậy, tư lệnh các quân khu đã quyết định đưa một phần pháo binh đi bắn tập ở các thao trường. Do đó, một số quân đoàn và sư đoàn bảo vệ biên giới, khi phát-xít Đức tiến công, đã ở trong tình trạng thiếu một phần đáng kể pháo binh của mình.
Tối 21-6 tham mưu trưởng quân khu Ki-ép – trung tướng M.A. Puốc-ca-ép gọi dây nói cho tôi và báo cáo rằng một lính Đức chạy sang gặp quân biên phòng của ta, tên này đã quả quyết ràng quân Đức đang tới các địa điểm xuất phát tiến công, cuộc tiến công sẽ bắt đầu vào sáng 22-6.
Tôi lập tức báo cáo với Ủy viên nhân dân quốc phòng và I.V. Xta-lin những điều mà M.A. Puốc-ca-ép báo cáo. I.V. Xta-lin nói:
- Mời đồng chí cùng với đồng chí Ủy viên nhân dân quốc phòng tới Crem-lanh.
Mang theo bản dự thảo mệnh lệnh cho quân đội, tôi cùng với Ủy viên nhân dân quốc phòng và trung tướng N.Ph. Va-tu-tin đi vào Crem-lanh. Dọc đường chúng tôi nhất trí với nhau dù thế nào cũng phải đề nghị bằng được quyết định ra lệnh cho quân đội sẵn sàng chiến đấu.
I.V. Xta-lin một mình đón chúng tôi. I.V. Xta-lin rất tư lự.
- Liệu có thể là bọn tướng Đức tung người chạy sang để khiêu khích gây ra xung đột không? - I.V. Xta-lin hỏi.
- Không. - X.K. Ti-mô-sen-cô trả lời - chúng tôi cho rằng người chạy sang đó nói đúng sự thật.
Lúc này các ủy viên Bộ chính trị bước vào phòng làm việc của I.V. Xta-lin.
- Chúng ta sẽ làm gì? - I.V. Xta-lin hỏi.
Không có câu trả lời tiếp theo.
- Cần phải ngay tức khắc ra lệnh chuyển tất cả các đơn vị các quân khu gần biên giới vào tư thế triệt để sẵn sàng chiến đấu - Ủy viên nhân dân quốc phòng nói.
- Các đồng chí đọc xem! - I.V. Xta-lin trả lời.
Tôi đọc bản dự thảo mệnh lệnh. I.V. Xta-lin nói:
- Bây giờ ra mệnh lệnh đó còn sớm, vấn đề còn có thể giải quyết được bằng con đường hòa bình. Cần phải ra mệnh lệnh vắn tắt, trong đó nói rằng, cuộc tiến công có thể nổ ra do hành động khiêu khích của các đơn vị quân Đức. Bộ đội các quân khu gần biên giới không được rơi vào bất kỳ sự khiêu khích nào để khỏi gây ra những rắc rối.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #118 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 07:30:45 pm »

Không để mất thời gian, tôi và N.Ph. Va-tu-tin đi sang phòng bên và nhanh chóng dự thảo chỉ thị của Ủy viên nhân dân quốc phòng.
Trở lại phòng làm việc, chúng tôi đề nghị được phép báo cáo. I.V. Xta-lin, sau khi nghe bản dự thảo và tự mình đọc lại một lần nữa, sửa chữa một số điểm và chuyển bản chỉ thị đó cho Ủy viên nhân dân quốc phòng ký.
Do tầm quan trọng đặc biệt của nó tôi xin đưa ra đây toàn văn bản chỉ thị.
“Gửi các Hội đồng quân sự Quân khu Lê-nin-grát, Quân khu đặc biệt Pri-ban-tích, Quân khu đặc biệt miền Tây, Quân khu đặc biệt Ki-ép, Quân khu Ô-đét-xa.
Sao gửi: Ủy viên nhân dân hải quân.
1. Trong thời gian 22 - 23 tháng 6 năm 1941 có thể xảy ra cuộc tiến công bất ngờ của quân Đức tại các mặt trận thuộc các Quân khu Lê-nin-grát, Pri-ban-tích, miền Tây, Ki-ép, Ô-đét-xa. Cuộc tấn công có thể nổ ra do hành động khiêu khích.
2. Nhiệm vụ của quân ta: không được rơi vào bất kỳ sự khiêu khích nào có thể gây ra những sự rắc rối lớn. Đồng thời Quân đội các Quân khu Lê-nin-grát, Pri-ban-tích, miền Tây, Ki-ép và Ô-đét-xa phải hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng đối phó với sự tiến công bất ngờ có thể xảy ra của quân Đức hoặc quân các đồng minh của chúng.
3. Tôi ra lệnh:
a) Trong đêm 21 rạng ngày 22 tháng 6 năm 1941, bí mật chiếm lĩnh các hỏa điểm các khu phòng thủ vững chắc ở biên giới quốc gia;
b) Trước rạng ngày 22 tháng 6 năm 1941, phân tán toàn bộ không quân kể cả không quân trực thuộc ra các sân bay dã chiến, ngụy trang chu đáo;
c) Tất cả các đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Bộ đội phải đóng phân tán và ngụy trang;
d) Bộ đội phòng không sẵn sàng chiến đấu, không cần huy động thêm quân số dự phòng. Chuẩn bị mọi biện pháp để ngụy trang ánh sáng của các thành phố và các mục tiêu;
e) Không có lệnh đặc biệt không được tiến hành bất kỳ biện pháp nào khác.
Ti-mô-sen-cô. Giu-cốp.
Ngày 21 tháng 6 năm 1941”.
N.Ph. Va-tu-tin mang chỉ thị này đi ngay về Bộ tổng tham mưu để lập tức truyền đi các quân khu. Việc truyền chỉ thị này tới các quân khu được làm xong vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 22-6-1941.
Bản sao chỉ thị đã được chuyển tới Ủy viên nhân dân hải quân.
Với tâm trạng lạ lùng, bàng hoàng khó tả, tôi và X.K. Ti-mô-sen-cô từ chỗ I.V. Xta-lin ra về.
Một mặt, dường như đã làm tất cả những gì phụ thuộc vào chúng tôi để đối phó một cách có chuẩn bị tới mức tối đa với nguy cơ chiến tranh đang đến gần: nhiều biện pháp lớn về mặt tổ chức theo kế hoạch tác chiến - động viên đã được tiến hành; các quân khu phía tây là những quân khu đầu tiên sẽ phải đánh nhau với quân thù, đã được củng cố theo mức có thể làm được; sau nữa, hôm nay đã được phép chỉ thị cho quân đội các quân khu gần biên giới sẵn sàng chiến đấu.
Nhưng, mặt khác, sáng ngày mai quân Đức có thể tiến công, mà nhiều biện pháp quan trọng của chúng ta vẫn chưa được hoàn thành. Và điều đó có thể làm cho cuộc chiến đấu với một quân thù có kinh nghiệm và mạnh sẽ phức tạp thêm nhiều. Chỉ thị, mà lúc này Bộ Tổng tham mưu truyền đi các quân khu, có thể bị chậm.
Trời tối đã lâu. Ngày 21 tháng 6 đang hết. Tôi và X.K. Ti-mô-sen-cô im lặng đi về tới cổng Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng, nhưng tôi cảm thấy rằng cũng những điều lo âu đó đang thu hút mọi suy nghĩ của Ủy viên nhân dân quốc phòng. Bước xuống xe hơi, chúng tôi thỏa thuận mười phút nữa sẽ gặp nhau tại phòng làm việc của đồng chí.
---
[1] Trong nhiều tài liệu, sách và các bài báo có tính chất hồi ký đã nêu lên những sự đánh giá khác nhau về công tác của tôi trong những năm Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Đối với những lời tốt đẹp, tôi xin chân thành cảm ơn các tác giả. Về những thiếu sót và sai lầm của mình, mà tôi mắc phải, cũng như mỗi người, tôi sẽ nói trong cuốn này. Còn về những lời phê phán, đặc biệt là có tính chất cảm tính chung chung, thì tôi đã định không tranh luận, nếu như những lời phê phán đó không liên quan đến những vấn đề chung, mà nhận định sai về những vấn đề đó có thể có hại cho chân lý.
[2] tức là Bê-lô-ru-xi - ND
[3] “Ghi chép của trưởng phòng tác chiến”. I.Kh. Ba-gra-mi-an

Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #119 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 12:44:10 am »

Chương 10
CHIẾN TRANH BẮT ĐẦU

Đêm 21 rạng 22 tháng 6 năm 1941, tất cả các cán bộ Bộ Tổng tham mưu và Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng được lệnh ở lại nơi làm việc. Cần cấp tốc truyền tới các quân khu chỉ thị chuyển bộ đội đóng gần biên giới sang tư thế sẵn sàng chiến đấu. Lúc này tôi và Ủy viên nhân dân quốc phòng liên tiếp nói chuyện với tư lệnh và tham mưu trưởng các quân khu, các đồng chí đó cho chúng tôi biết, có nhiều tiếng động mỗi lúc một tăng ở phía bên kia biên giới. Các tin này do các chiến sĩ biên phòng và các đơn vị bảo vệ tiền tiêu báo cáo về.
Khoảng 12 giờ đêm ngày 21-6, tư lệnh Quân khu Ki-ép M.P. Kiếc-pô-nô-xơ tại sở chỉ huy ở Téc-nô-pôn báo cáo, ngoài người lính Đức chạy sang mà tướng M.A. Puốc-ca-ép đã báo cáo, có thêm một lính Đức nữa thuộc trung đoàn bộ binh 222, sư đoàn bộ binh 74, chạy sang ta. Người này bơi qua một con sông nhỏ, tìm tới các chiến sĩ biên phòng và nói rằng, quân đội Đức sẽ tiến công vào 4 giờ sáng. M.P. Kiếc-pô-nô-xơ được lệnh khẩn cấp đưa quân đội vào tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Mọi việc đều chứng tỏ rằng quân Đức đang tiến gần hơn đến biên giới. Chúng tôi báo cáo tình hình đó với I.V. Xta-lin vào lúc 0 giờ 30 phút đêm. I.V. Xta-lin hỏi, chỉ thị cho các quân khu đã truyền đi chưa. Tôi trả lời là đã.
Sau khi I.V. Xta-lin tạ thế, đã xuất hiện những giả thuyết rằng, trong đêm 21 rạng 22 tháng 6, một số tư lệnh cùng với bộ tham mưu của họ nằm ngủ ngon lành hoặc bình thản vui chơi coi như không có điều gì đáng lo ngại cả. Điều đó không đúng với sự thật Đêm hòa bình cuối cùng hoàn toàn khác hẳn. Như tôi đã nói, Ủy viên nhân dân quốc phòng và tôi, khi từ Crem-lanh trở về, đã nói chuyện nhiều lần với các tư lệnh quân khu - Ph.I. Cu-dơ-nét-xốp, Đ.G. Páp-lốp. M.P. Kiếc-pô-nô-xơ và các tham mưu trưởng các quân khu đó, các đồng chí này đều có mặt ở các sở chỉ huy của mình.
Lúc gần sáng 22-6, Ủy viên nhân dân quốc phòng X.K. Ti-mô-sen-cô, N.Ph. Va-tu-tin và tôi đều có mặt tại phòng làm việc của Ủy viên nhân dân quốc phòng.
Hồi 3 giờ 17 phút, tư lệnh Hạm đội Biển Đen, đô đốc Ph.X. Óc-chi-a-brơ-xki gọi dây nói cho tôi, báo: “Hệ thống cảnh giới của hạm đội báo cáo, ở phía bên kia biển có một số lớn máy bay không rõ của nước nào đang tiến tới gần, hạm đội hiện ở trong tư thế hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu. Tôi chờ lệnh”.
Tôi hỏi đô đốc:
- Quyết tâm của đồng chí thế nào?
- Chỉ có một quyết tâm: đón các máy bay đó bằng hỏa lực phòng không của hạm đội.
Sau khi bàn với X.K. Ti-mô-sen-cô, tôi trả lời Ph.X. Óc-chi-a-brơ-xki:
- Đồng chí cứ xử trí đi và báo cáo với đồng chí Ủy viên nhân dân hải quân.
Lúc 3 giờ 30 phút, tham mưu trưởng Quân khu miền Tây, tướng V.E. Cli-mốp-xkích báo cáo, không quân Đức tấn công các thành phố thuộc Bê-lô-ru-xi. Ba phút sau, tham mưu trưởng Quân khu Ki-ép, tướng M.A. Puốc-ca-ép báo cáo, máy bay Đức tấn công các thành phố biên giới U-crai-na. Lúc 3 giờ 40 phút, tư lệnh Quân khu Pri-ban-tích, tướng Ph.I. Cu-dơ-nét-xốp gọi dây nói báo cáo, không quân địch tấn công Cau-na-xơ và các thành phố khác.
Ủy viên nhân dân quốc phòng chỉ thị cho tôi gọi dây nói tới I.V. Xta-lin. Tôi gọi. Không có ai trả lời. Tôi gọi liên tiếp. Cuối cùng tôi nghe thấy giọng ngái ngủ của tướng trực ban Cục bảo vệ. Tôi yêu cầu mời I.V. Xta-lin tới máy nói.
Ba phút sau I.V. Xta-lin tới máy.
Tôi báo cáo tình hình và đề nghị cho phép bắt đầu đánh trả. I.V. Xta-lin im lặng. Tôi chỉ nghe thấy hơi thở của I.V. Xta-lin.
- Đồng chí hiểu tôi chứ ạ?
Lại im lặng.
Cuối cùng, I.V. Xta-lin hỏi:
- Ủy viên nhân dân quốc phòng đâu?
- Đồng chí Ủy viên nhân dân quốc phòng đang nói chuyện với Quân khu Ki-ép.
- Mời đồng chí cùng với Ti-mô-sen-cô tới Crem-lanh. Đồng chí báo Pô-xcơ-rê-bư-sép triệu tập tất cả các đồng chí ủy viên Bộ chính trị về họp.
Lúc 4 giờ, tôi lại nói chuyện với Ph.X. Óc-chi-a-brơ-xki. Ph.X. Óc-chi-a-brơ-xki với giọng bình tĩnh, báo cáo:
- Cuộc tấn công của máy bay địch bị đánh lui. Âm mưu của địch đánh vào các tàu chiến ta bị đập tan. Nhưng trong thành phố có bị tàn phá.
Tôi muốn nêu lên rằng, Hạm đội Biển Đen do đô đốc Ph.X. Óc-chi-a-brơ-xki chỉ huy, là một trong số những đơn vị đầu tiên của ta đã đối phó một cách có tổ chức chống lại cuộc tấn công của địch.
Lúc 4 giờ 10 phút, các Quân khu miền Tây và Pri-ban-tích báo cáo, quân Đức bắt đầu đánh vào các khu vực đất liền thuộc quân khu.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Hai, 2009, 12:58:46 am gửi bởi daibangden » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM