Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:52:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhớ lại và suy nghĩ  (Đọc 167030 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #100 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 07:24:04 pm »

Các Bộ Ủy viên nhân dân mới (Bộ giao thông xe hơi, Bộ xây dựng, v..v...) được thành lập, có liên quan trực tiếp tới việc củng cố quốc phòng. Công tác của Hội đồng kinh tế thuộc Hội đồng các Ủy viên nhân dân Liên xô được cải tiến. Trên cơ sở của Hội đồng này đã thành lập các ủy ban công nghiệp quốc phòng, luyện kim, nhiên liệu, cơ khí, v..v... Các nhà hoạt động lớn của Nhà nước, các Phó chủ tịch Hội đồng các Ủy viên nhân dân Liên Xô - N.Đ. Vô-dơ-ne-xen-xki, A.N. Cô-xư-ghin, V.A. Ma-lư-xép, v..v... được cử làm chủ nhiệm các ủy ban.
Tất cả những sự thay đổi đó là cần thiết để đáp ứng với khối lượng công việc ngày càng lớn, với những yêu cầu của việc chuẩn bị phòng thủ tích cực chống ngoại xâm, mà khả năng xảy mỗi tháng thêm tăng.
Để thích ứng với điều kiện lúc đó và do có “đạo luật toàn dân làm nghĩa vụ quân sự”, cơ quan quân sự trung ương, các cơ quan quân sự địa phương cũng được hoàn thiện. Tại các nước cộng hòa tự trị, các tỉnh và các biên khu, thành lập các ủy ban quân sự và áp dụng quy chế hoạt động mới của các ủy ban đó.
Những vấn đề có tính nguyên tắc và lớn trong Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng được đem ra xem xét tại Hội đồng quân sự trung ương Hồng quân. Chủ tịch Hội đồng quân sự trung ương là Ủy viên nhân dân quốc phòng, ủy viên của Hội đồng là các Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng và một ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản liên bang (b). Những vấn đề đặc biệt quan trọng thường được báo cáo và quyết định với sự có mặt của I V. Xta-lin và các ủy viên khác trong Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản liên bang (b).
Nghị quyết của Ban chấp hành trung ương Đảng và Chính phủ Liên Xô ngày 8-3-1941 quy định rõ việc phân công trách nhiệm trong Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng Liên Xô. Ủy viên nhân dân quốc phòng lãnh đạo Hồng quân thông qua Bộ Tổng tham mưu, các Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng và thông qua hệ thống các tổng cục và các tổng vụ. Tổng cục xe bọc thép, văn phòng Bộ, Tổng cục tài vụ, Tổng cục cán bộ và ủy ban phát minh sáng chế trực tiếp đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy viên nhân dân quốc phòng.
Trước chiến tranh, trách nhiệm trong Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng được phân công như sau:
- Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng, đại tướng G.K. Giu-cốp phụ trách Cục liên lạc, Cục cung cấp nhiên liệu, Tổng cục phòng không, Học viện Bộ Tổng tham mưu và Học viện M.V. Phơ-run-dê.
- Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng thứ nhất, nguyên soái Liên Xô X.M Bu-đi-on-nưi phụ trách Tổng cục hậu cần, Cục quân y và Cục thú y của Hồng quân, ngành vật tư.
- Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng về pháo binh, nguyên soái Liên Xô G.I. Cu-lích phụ trách Tổng cục pháo binh, Cục chống vũ khí hóa học và Học viện pháo binh.
- Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng, nguyên soái Liên Xô B.M. Sa-pô-sni-cốp phụ trách Tổng cục công binh, Cục xây dựng công trình phòng thủ.
- Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng phụ trách huấn luyện quân sự, đại tướng K.A. Mê-rét-xcốp làm công tác thanh tra tất cả các quân chủng, phụ trách Cục nhà trường quân sự và Cục quân huấn Hồng quân.
- Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng, đại tướng P.V. Rư-cha-gốp, chủ nhiệm Tổng cục không quân của Hồng quân.
- Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng, chính ủy tập đoàn quân bậc một A.I. Da-pô-rô-giét, chủ nhiệm Tổng cục tuyên truyền chính trị Hồng quân, phụ trách các cơ quan xuất bản và văn hóa giáo dục Hồng quân, Học viện quân chính V.I. Lê-nin, Học viện quân pháp và các trường quân chính.
Tôi muốn nhắc lại rằng, người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu Hồng quân, từ năm 1931 là nguyên soái Liên Xô A.I. Ê-gô-rốp, từ năm 1937 là nguyên soái Liên Xô B.M. Sa-pô-sni-cốp, từ tháng 8-1940 là đại tướng K.A. Mê-rét-xcốp.
Bây giờ chúng ta xem các lực lượng vũ trang của chúng ta ở thời gian sát trước chiến tranh như thế nào. Để tiện cho người đọc và để dễ rút ra kết luận, tốt hơn là trình bày tất cả những điều đó theo trình tự: những gì nhân dân, Đảng và Chính phủ đã làm được, những gì chúng ta định làm trong thời gian tới và những gì chưa kịp làm hoặc không làm được. Tất nhiên, chỉ sử dụng một số ít tư liệu để nêu lên những nét cơ bản.
Bộ binh. Tháng 4-1941 đã thực hiện quy chế thời chiến đối với bộ binh. Sư đoàn bộ binh - binh đoàn bộ đội hợp thành cơ bản của Hồng quân - gồm ba trung đoàn bộ binh và hai trung đoàn pháo, một tiểu đoàn chống tăng và một tiểu đoàn pháo cao xạ, một tiểu đoàn công binh và một tiểu đoàn liên lạc, các đơn vị hậu cần và cơ quan. Theo quy chế thời chiến, một sư đoàn có gần 14.500 người, 78 pháo dã chiến, 54 đại bác chống tăng và đại bác 45 mm, 12 pháo cao xạ, 66 súng cối 82 - 120 mm, 16 xe tăng loại nhẹ, 13 xe bọc thép, hơn 3.000 ngựa. Các sư đoàn bộ binh được hoàn chỉnh như vậy có thể là đơn vị chiến đấu khá cơ động và mạnh.
Năm 1939 - 1940 và nửa đầu năm 1941, bộ binh đã có hơn 105.000 trung liên, thượng liên, đại liên và trọng liên, gần 85.000 tiểu liên. Đó là còn do việc sản xuất vũ khí bộ binh - pháo binh trong thời gian này có phần bị giảm xuống. Nguyên nhân là vì đã thôi không sản xuất các loại cũ mà sản xuất hàng loạt loại mới lại gặp khó khăn vì nó phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật đặc biệt
Giữa tháng 3, X.K. Ti-mô-sen-cô và tôi đề nghị I.V. Xta-lin cho phép động viên thêm quân số hậu bị dành cho các sư đoàn bộ binh để có thể cấp tốc huấn luyện theo yêu cầu chiến đấu hiện đại. Lúc đầu đề nghị của chúng tôi không được chấp nhận; chúng tôi được giải thích lại là, việc động viên quân số dự bị với quy mô đó có thể là cái cớ cho bọn Đức khiêu khích chiến tranh. Song, cuối tháng 3 đã có quyết định động viên 50 vạn chiến sĩ và hạ sĩ quan và đưa quân số đó đến bổ sung cho các quân khu vùng biên giới nhằm nâng quân số các sư đoàn bộ binh lên, dù chỉ là lên tới 8.000 người.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #101 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 07:24:32 pm »

Để không trở lại vấn đề này nữa, tôi xin nói ngay rằng, ít ngày sau đã có quyết định động viên 30 vạn quân hậu bị để bổ sung các quân nhân chuyên nghiệp cho các khu phòng thủ vững chắc và các quân chủng, binh chủng khác, cho pháo binh dự bị của Bộ tổng tư lệnh, cho công binh, bộ đội liên lạc; bộ đội phòng không và hậu cần của không quân. Như vậy là sát trước chiến tranh, Hồng quân đã được bổ sung thêm gần 80 vạn người. Việc tuyển quân dự định sẽ tiến hành vào tháng 5 - tháng 10 năm 1941.
Tính đến sát trước chiến tranh, tại các quân khu vùng biên giới, trong tổng số không ít các đơn vị - 170 sư đoàn và 2 lữ đoàn - có 19 sư đoàn với quân số 5.000 - 6.000 người mỗi sư đoàn, 7 sư đoàn kỵ binh với quân số 6.000 người mỗi sư đoàn, 144 sư đoàn với quân số 8.000 – 9.000 người mỗi sư đoàn. Tại các quân khu phía trong, đa số các sư đoàn cũng có quân số theo biên chế giảm bớt, và nhiều sư đoàn bộ binh vừa mới được thành lập và đang bắt đầu huấn luyện.
Bộ dội xe tăng thiết giáp. Trên kia, khi nói về công nghiệp sản xuất xe tăng của Liên Xô, tôi đã nhấn mạnh đến nhịp độ phát triển cao của nó và trình độ khá hoàn thiện về cơ cấu của các xe của ta. Tới năm 1938, so với thời gian đầu những năm 30, mức sản xuất xe tăng đã tăng hơn 3 lần. Để đáp ứng nhu cầu mới của công cuộc phòng thủ đất nước, Ban chấp hành trung ương Đảng và Chính phủ Liên Xô đã đề ra cho các công trình sư và những người sản xuất xe tăng nhiệm vụ chế tạo những xe tăng có lớp vỏ bảo vệ bằng thép khỏe hơn, súng mạnh hơn, có sức cơ động cao và sử dụng được bền hơn. Trong những năm 1939 - 1940, nhiệm vụ này được hoàn thành một cách rực rỡ.
Các nhóm công trình sư tài giỏi dưới sự lãnh đạo của G.Ya. Cô-tin đã chế tạo xe tăng hạng nặng KV, dưới sự lãnh đạo của M.I. Cô-skin, A.A. Mô-rô-dốp và N.A. Cu-che-ren-cô đã chế tạo xe tăng hạng vừa T-34 nổi tiếng. Những người sản xuất động cơ đã chế tạo
động cơ đi-ê-den cực mạnh V-2 cho xe tăng. Các xe tăng KV và T-34 là những xe loại tốt nhất được chế tạo sát trước chiến tranh. Và trong quá trình chiến tranh, các xe tăng này đã giữ vững ưu thế đối với những xe tăng loại tương đương của quân địch. Vấn đề là làm thế nào để nhanh chóng sản xuất nó ra hàng loạt.
Theo chỉ thị tháng 12-1940 của Ban chấp hành trung ương Đảng, sau khi nghiên cứu tình hình sản xuất các xe tăng loại mới, Hội đồng quốc phòng đã báo cáo với Ban chấp hành trung ương Đảng rằng, do một số nhà máy không hoàn thành kế hoạch và có những khó khăn lớn trong quá trình sản xuất nên việc trang bị xe tăng KV và T-34 cho quân đội hết sức chậm. Chính phủ đã đề ra những biện pháp khắc phục. Cùng một lúc, Ban chấp hành trung ương Đảng và Hội đồng các Ủy viên nhân dân đã thông qua quyết định “tổ chức sản xuất hàng loạt các xe tăng ở Pô-vôn-gie và U-ran”. Quyết định này có ý nghĩa đặc biệt đối với công cuộc phòng thủ đất nước.
Từ tháng 1-1939 đến ngày 22-6-1941, Hồng quân đã được trang bị hơn 7.000 xe tăng, riêng năm 1941 nền công nghiệp đã cung cấp gần 5.500 chiếc tất cả các loại. Về xe tăng KV và T-34, tới đầu chiến tranh các nhà máy đã sản xuất được 1.861 chiếc. Tất nhiên, số lượng đó là ít. Thực tế là mãi đến 6 tháng cuối năm 1940, loại xe tăng này mới bắt đầu được đưa tới bộ đội các quân khu vùng biên giới.
Cùng với những khó khăn về số lượng lại có thêm những vấn đề về tổ chức. Có thể người đọc còn nhớ rằng quân đội ta đã là quân đội đi đầu trong việc thành lập các đơn vị cơ giới lớn – binh đoàn, lữ đoàn và quân đoàn. Song vì không coi trọng kinh nghiệm sử dụng các đơn vị cỡ đó trong điều kiện đặc biệt ở Tây Ban Nha, nên chúng ta đã giải tán các quân đoàn cơ giới. Tuy vậy, ngay từ trận đánh ở Khan-khin Gôn, nhờ tích cực sử dụng các đơn vị xe tăng cơ động, chúng ta đã giành được nhiều thắng lợi. Quân Đức dã sử dụng rộng rãi các xe tăng lớn trong khi đi xâm lược các nước châu Âu.
Cần thiết phải gấp rút lập lại các đơn vị xe tăng thiết giáp lớn.
Năm 1940, bắt đầu xây dựng các quân đoàn cơ giới, sư đoàn xe tăng và cơ giới mới. Chín quân đoàn cơ giới đã được thành lập. Tháng 2-1941, Bộ Tổng tham mưu đã đề ra kế hoạch thành lập nhiều đơn vị xe tăng thiết giáp và cơ giới hơn so với nghị quyết năm 1940 của Chính phủ.
Tính đến số lượng bộ đội xe tăng cơ giới trong quân đội Đức, Ủy viên nhân dân quốc phòng và chúng tôi đã đề nghị nên lấy các lữ đoàn xe tăng hiện có và thậm chí cả các binh đoàn kỵ binh là những đơn vị về mặt “tinh thần cơ động” gần hơn cả với bộ đội xe tăng để xây dựng các quân đoàn cơ giới.
I.V. Xta-lin chắc là chưa có ý kiến dứt khoát về vấn đề này nên do dự. Thế là thời gian trôi qua và mãi tháng 3-1941 mới có quyết định thành lập 20 quân đoàn cơ giới mà chúng tôi đề nghị.
Song, chúng tôi đã không tính đúng khả năng khách quan của ngành công nghiệp xe tăng của ta. Để trang bị đầy đủ các quân đoàn cơ giới mới, chỉ riêng xe tăng loại mới đã cần có 16.600 chiếc, còn tổng số các loại xe tăng thì cần 32.000. Trong một năm, thực tế là trong bất kỳ điều kiện nào, cũng không thể lấy đâu ra được số lượng xe tăng như thế, cán bộ kỹ thuật, chỉ huy cũng không đủ.
Như vậy là, đến đầu chiến tranh chúng ta mới trang bị được non nửa số quân đoàn đã thành lập. Và chính những quân đoàn này đã đóng vai trò to lớn trong việc đánh lui những trận tấn công đầu tiên của quân thù. Còn những quân đoàn cơ giới và xe tăng đang ở thời kỳ thành lập khi chiến tranh bắt đầu, thì đã được sử dụng để tổ chức lực lượng dự bị chiến lược và hoạt động của nó chủ yếu là ở giai đoạn thứ hai của chiến tranh.
Pháo binh. Theo tài liệu lưu trữ chính xác, từ ngày 1-1-1939 đến ngày 22-6-1941, Hồng quân đã nhận của ngành công nghiệp 29.637 pháo dã chiến, 52.407 súng cối, tổng số pháo và súng cối tính cả đại bác trên xe tăng là 92.578. Phần lớn số vũ khí này trang bị cho pháo binh trực thuộc, nằm trong biên chế các bộ đội và binh đoàn. Pháo binh trực thuộc ở các quân khu biên phòng, về cơ bản, được trang bị đủ pháo theo biên chế.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #102 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 07:26:09 pm »

Sát trước chiến tranh, chúng ta có 60 trung đoàn lựu pháo và 14 trung đoàn pháo nòng dài. Pháo binh dự bị thuộc Bộ Tổng tham mưu chiếm khoảng 8% toàn bộ pháo binh. Số lượng đó thật hoàn toàn không đủ.
Mùa xuân năm 1941, chúng ta bắt đầu thành lập 10 lữ đoàn pháo chống tăng, nhưng cho đến tháng 6 chưa được trang bị đủ. Thêm nữa sức kéo của pháo binh còn yếu nên không cho phép cơ động ra ngoài các đường lớn, đặc biệt là vào tiết thu đông. Tuy vậy, các lữ đoàn pháo chống tăng đã đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu diệt xe tăng địch. Trong một số trường hợp, đó là phương tiện duy nhất vững vàng để chặn những cuộc tiến công lớn bằng xe tăng của giặc.
Là người báo cáo chính về các vấn đề pháo binh, nguyên soái G.I. Cu-lích không phải bao giờ cũng trình bày đúng với I.V. Xta-lin về hiệu lực của loại này hay loại khác của vũ khí pháo binh và súng cối. Lúc đầu chiến tranh, Tổng cục pháo binh đã không thấy hết tính năng, tác dụng của vũ khí phản lực mạnh như BM-13 (Ca-chiu-sa), mà những loạt bắn đầu tiên của nó ở vùng Oóc-sa đã làm cho các đơn vị quân địch phải bỏ chạy. Hội đồng quốc phòng mãi đến tháng 7 mới ra quyết định sản xuất hàng loạt loại vũ khí này. Cần phải nêu lên tinh thần khẩn trương và lao động sáng tạo của những người sản xuất ra vũ khí của ta. Họ đã làm tất cả những gì có thể làm được để chỉ 10 - 15 ngày sau khi nổ ra chiến tranh, quân đội ta đã có những số vũ khí đầu tiên thuộc loại mạnh đó.
Lẽ ra cũng có thể làm ra được nhiều súng cối hơn nữa. Kế hoạch sản xuất đã được nêu ra trong nghị quyết của Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng ngày 30-1-1940 “về việc tăng mức sản xuất súng cối và đạn súng cối”. Song, mãi đến sát trước chiến tranh, quân đội mới bắt đầu nhận được số lượng cần thiết súng cối 82 mm và 120 mm. Tháng 6-1941, về mặt số lượng và chất lượng, các súng cối của ta đã vượt khá xa các súng cối Đức.
I.V. Xta-lin coi pháo binh là phương tiện quan trọng nhất của chiến tranh, chú trọng nhiều đến việc hoàn thiện nó. Ủy viên nhân dân Bộ vũ khí trong thời gian chiến tranh là Đ.Ph. U-xti-nốp, Ủy viên nhân dân Bộ đạn dược trước chiến tranh và trong thời chiến tranh là B.L. Van-ni-cốp, các tổng công trình sư các loại pháo binh là tướng I.I. I-va-nốp và tướng V.G. Gra-bin. I.V. Xta-lin biết rõ tất cả các đồng chí này, thường xuyên gặp họ và hoàn toàn tin tưởng vào tài năng của họ.
Binh chủng thông tin, công binh, đường sắt và đường bộ. Từ giữa năm 1940, tiểu ban thuộc Ban chấp hành trung ương Đảng và Hội đồng Ủy viên nhân dân Liên Xô đã nhận xét đúng rằng, số lượng công binh trong thời bình không thể đảm bảo cho nó triển khai công tác ở mức bình thường trong thời chiến.
Vào thời kỳ sát trước chiến tranh, quân số các đơn vị thông tin và công binh chủ lực đã được tăng lên, nhiều đơn vị mới được thành lập, việc huấn luyện chung của công binh được cải tiến, cơ cấu và quân số chiến đấu của các đơn vị bộ đội thông tin được nâng cao; các đồng chí phụ trách thông tin binh đoàn đã chú ý nhiều hơn đến việc chuẩn bị hoạt động trong điều kiện thời chiến; công binh và bộ đội thông tin bắt đầu có trang bị kỹ thuật công binh và phương tiện liên lạc mới. Song đến trước khi chiến tranh bắt đầu, chúng ta cũng chưa kịp khắc phục hết những thiếu sót trong công binh và bộ đội thông tin..
Cuối tháng 2, cùng với Ủy viên nhân dân quốc phòng, chúng tôi đã xem kỹ lại công việc xây dựng các khu phòng thủ dọc theo biên giới, tình hình đường sắt, đường cái lớn, đường đất và tình hình phương tiện thông tin liên lạc. Chúng tôi đã được nghe các tướng N.Ph. Va-tu-tin, G.K. Ma-lan-đin và A.M. Va-xi-lép-xki báo cáo rành rọt về các vấn đề đó. Về cơ bản có thể kết luận như sau:
Mạng lưới đường cái lớn ở tây Bê-lô-ru-xi và tây U-crai-na còn xấu. Nhiều cầu không chịu được xe tăng hạng vừa và pháo binh, còn các đường qua làng mạc thì cần sửa chữa lớn.
N.Ph. Va-tu-tin, Phó tổng tham mưu trưởng thứ nhất, đã báo cáo tỉ mỉ với Ủy viên nhân dân quốc phòng về tình hình đường sắt ở tất cả các quân khu vùng biên giới.
- Các đường sắt gần biên giới chưa thể phục vụ nhiều cho việc chuyên chở lớn của quân đội - N.Ph. Va-tu-tin báo cáo - Những con số sau đây chứng tỏ điều đó. Hệ thống đường sắt của Đức chạy đến biên giới Lít-va có khả năng thông 220 chuyến xe trong một ngày đêm, còn trên hệ thống Lít-va của ta chạy đến biên giới Đông Phổ chỉ có thể chạy được 84 chuyến. Tình hình ở tây Bê-lô-ru-xi và tây U-crai-na cũng không khá hơn. Ơ đây các tuyến đường sắt của ta ít hơn gần hai lần so với của địch. Bộ đội đường sắt và các đội xây dựng trong năm 1941, rõ ràng là không thể hoàn thành được những công việc cần làm.
Nghe xong báo cáo, Ủy viên nhân dân quốc phòng cho biết, năm 1940 thi hành chỉ thị của Ban chấp hành trung ương Đảng, Bộ Ủy viên nhân dân giao thông đã lập kế hoạch 7 năm tu bổ kỹ thuật trên các đường xe lửa phía tây. Tuy vậy lúc này vẫn chưa làm được gì, ngoài việc sửa lại các đường và những công việc cải tạo thông thường để có thể chuyên chở quân đội và bốc dỡ vũ khí với quy mô lớn hơn.
Chúng tôi được biết rằng tư lệnh Quân khu miền Tây, Đ.G. Páp-lốp ngày 18-2-1941 đã gửi báo cáo số 867 lên I.V. Xta-lin, và V.M Mô-lô-tốp và X.K. Ti-mô-sen-cô. Đ.G. Páp-lốp đề nghị dành một số khá lớn phương tiện để đắp các đường cái lớn và đường đất, và trong báo cáo có đoạn viết:
“Tôi cho rằng nhất thiết phải chuẩn bị đầy đủ chiến trường miền tây trong năm 1941, vì vậy theo ý kiến tôi, kéo dài việc xây dựng ra trong mấy năm là điều dứt khoát không thể được”.
Tư lệnh binh chủng thông tin Hồng quân, thiếu tướng N.I. Ga-ích, báo cáo với chúng tôi rằng, hiện nay không đủ phương tiện thông tin liên lạc hiện đại và thiếu lượng dự trữ phương tiện đó để sử dụng khi tổng động viên cũng như để phòng bị lâu dài.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #103 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 07:26:25 pm »

Thực vậy, mới có 39% mạng lưới ra-đi-ô của Bộ Tổng tham mưu được trang bị đài vô tuyến loại RAT, 60% đài vô tuyến loại RAF và các đài thay thế nó là 11-AK, v..v..., 45% các máy nạp điện, v..v... Quân khu gần biên giới miền Tây chỉ có các đài vô tuyến ở mức 27% so với yêu cầu, Quân khu Ki-ép - 30%, Quân khu Pri-ban-tích – 52%. Các phương tiện liên lạc khác bằng ra-đi-ô và điện thoại cũng ở trong tình trạng tương tự.
Trước chiến tranh đã có quan niệm cho rằng, trong thời chiến, để lãnh đạo, chỉ huy các phương diện quân, các quân khu phía trong và bộ đội dự bị của Bộ tổng tư lệnh, chủ yếu sẽ dùng các phương tiện liên lạc của Bộ Ủy viên nhân dân bưu điện và của bộ đội thuộc Bộ Ủy viên nhân dân nội vụ. Các đầu mối liên lạc của Bộ tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu và các phương diện quân sẽ có đủ mọi phương tiện cần thiết do các cơ quan thuộc Bộ ủy viên nhân dân bưu điện ở các địa phương phục vụ. Nhưng về sau mới thấy là các cơ quan đó chưa được chuẩn bị đầy đủ để làm việc trong điều kiện chiến tranh.
Tôi được biết về tình hình bộ máy liên lạc thông tin địa phương bởi vì, trong một số lần hành quân và diễn tập cán bộ chỉ huy và cơ quan tham mưu, tôi đã sử dụng các phương tiện của họ. Ngay từ khi ấy chúng tôi đã không tin rằng, các cơ quan liên lạc thông tin địa phương có thể đảm bảo vững vàng việc liên lạc của lực lượng vũ trang trong thời chiến.
Tất cả tình hình trên là nguyên nhân đưa đến một thiếu sót trong công tác huấn luyện cán bộ chỉ huy, cơ quan tham mưu binh đoàn và tập đoàn quân: cán bộ ta không quen chỉ huy bộ đội trong những điều kiện tình hình phức tạp và thay đổi nhanh chóng của chiến tranh. Anh em đã tránh không muốn sử dụng đường liên lạc vô tuyến và ưa dùng liên lạc đường dây. Điều đó đã dẫn đến hậu quả như thế nào trong những ngày đầu chiến tranh, mọi người đều đã rõ. Mạng liên lạc vô tuyến nội bộ trong các đơn vị máy bay chiến đấu, trong mạng lưới các sân bay, trong các đơn vị xe tăng là những nơi nói chung không dùng liên lạc đường dây, cũng không được đảm bảo thật tốt.
Cần phải có những biện pháp khẩn cấp để ổn định mạng lưới dây nói - điện tín, mạng lưới ra-đi-ô và ra-đi-ô chuyển tiếp. Mạng lưới đường dây ngầm cần thiết để phục vụ các cơ quan chiến dịch và chiến lược hoàn toàn không có.
Những lần bàn bạc về các vấn đề này với Bộ Ủy viên nhân dân bưu điện đều không có kết quả. Và không phải là vì có người cho đó là công việc thừa nên không làm, trái lại, vấn đề cải tiến tổ chức liên lạc đã rõ ràng là hoàn toàn cần thiết. Bộ Ủy viên nhân dân bưu điện đã không đủ sức thực hiện các yêu cầu của quân đội. Những việc làm được vào cuối năm 1940 - đầu năm 1941 để hoàn thiện sự liên lạc trong từng địa phương và của một số trung tâm với Mát-xcơ-va, không đủ để hoàn thành nhiệm vụ đã đặt ra.
Sau khi nghe báo cáo của chúng tôi, X.K. Ti-mô-sen-cô nói:
- Tôi đồng ý với sự nhận định tình hình của các đồng chí. Nhưng tôi nghĩ rằng khó mà có thể làm được gì hơn, để ngay bây giờ loại trừ được tất cả những thiếu sót đó. Hôm qua tôi gặp I.V. Xta-lin. I.V. Xta-lin đã nhận được điện của Đ.G. Páp-lốp và đã chỉ thị trả lời Đ.G. Páp-lốp rằng, những yêu cầu của đồng chí đó rất chính đáng, song hiện nay chúng ta không có khả năng đáp ứng những yêu cầu đó.
Lực lượng không quân. Tôi đã có nói, Đảng và Chính phủ luôn luôn hết sức chú trọng đến việc phát triển không quân xô-viết. Năm 1939, Hội đồng quốc phòng quyết định xây dựng 9 nhà máy mới sản xuất máy bay và 7 nhà máy mới sản xuất động cơ máy bay, và có thêm 7 nhà máy thuộc các ngành khác trong nền kinh tế quốc dân được chuyển sang chế tạo sản phẩm dùng cho máy bay. Cũng trong năm đó, các xí nghiệp đều được trang bị máy móc loại một và đến cuối năm 1940, công nghiệp sản xuất máy bay so với năm 1939 đã tăng lên 70%.
Cùng một lúc với việc xây dựng các xí nghiệp mới để sản xuất động cơ máy bay, chúng ta đã xây dựng thêm những nhà máy sản xuất thiết bị máy bay trên cơ sở những xí nghiệp thuộc các ngành khác trong nền kinh tế quốc dân được chuyển cho công nghiệp sản xuất máy bay.
Theo số liệu lưu trữ chính xác, từ ngày 1-1-1939 đến ngày 22-6-1941, Hồng quân đã nhận được của ngành công nghiệp 17.745 máy bay chiến đấu, trong số đó có 3.719 chiếc thuộc các loại mới.
Giai đoạn phát triển mới của không quân bắt đầu. Thực tế là, Viện nghiên cứu hàng không khí động lực trung ương đã hoàn toàn được cải tổ các cơ quan thiết kế mới của không quân được thành lập. Các công trình sư có tài X.V. I-li-u-sin, A.I. Mi-côi-an, X.A. La-vốt-kin, V.M. Pét-li-a-cốp, A.X. Ya-cốp-lép, cùng với các tập thể trẻ tuổi của mình, đã chế tạo cho không quân các máy bay tiêm kích Yak-1, Mig-3, LAGG-3, máy bay cường kích IL-2, máy bay phóng pháo PE-2 và nhiều loại khác - tất cả gần 20 loại. Cuối năm 1940 - đầu năm 1941, đã tích cực phấn đấu để nhanh chóng sản xuất hàng loạt các loại máy bay tốt nhất. Ban chấp hành trung ương Đảng, I.V. Xta-lin dành nhiều thì giờ làm việc với các công trình sư máy bay. Có thể nói không quân đã được sự chú ý đến say mê của I.V. Xta-lin.
Song nền công nghiệp vẫn không theo kịp đòi hỏi của thời đại. Về số lượng, sát trước chiến tranh, các máy bay của không quân phần lớn là kiểu cũ. Khoảng 75 - 80% tổng số máy bay của ta kém hơn các máy bay cùng loại của phát-xít Đức về các chỉ tiêu kỹ thuật bay. Về không quân hiện đại, chúng ta chỉ có máy bay mới, nhưng thiết bị kỹ thuật hàng không hiện đại thì mới kịp trang bị cho 21% các đơn vị không quân.
Thực ra số lượng các binh đoàn không quân tăng lên rất nhanh - đến tháng 6-1941, tổng số các trung đoàn không quân đầy đủ biên chế tăng hơn nhiều so với năm 1939. Đơn vị kỹ thuật cao nhất của không quân tiêm kích, cường kích và ném bom là sư đoàn, chủ yếu là các sư đoàn hỗn hợp, gồm bốn - năm trung đoàn. Mỗi trung đoàn có bốn - năm đại đội.
Hệ thống tổ chức không quân đó đã cho phép đảm bảo hợp đồng chiến đấu tốt hơn giữa các binh chủng không quân và giữa không quân với lực quân. Sát trước chiến tranh, tương quan giữa các binh chủng quan trọng nhất của lực lượng không quân như sau: các tnmg đoàn ném bom - 45%, các trung đoàn tiêm kích - 42%, các trung đoàn cường kích, trinh sát, v..v... - 13%.
Cuối năm 1940, Ủy viên nhân dân quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu cùng với tư lệnh và bộ tham mưu không quân đã nghiên cứu và báo cáo lên Ban chấp hành trung ương Đảng những đề nghị nhằm cải tổ và trang bị lại lực lượng không quân. Những đề nghị của chúng tôi được xét và chuẩn y ngay.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #104 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 07:26:41 pm »

Quyết định “Về việc cải tổ lực lượng không quân của Hồng quân” đề ra việc thành lập các đơn vị mới (106 trung đoàn không quân), mở rộng và kiện toàn các trường không quân, trang bị lại các phi đoàn chiến đấu bằng các máy bay loại mới. Đến cuối tháng 5-1941, đã thành lập và trang bị gần hoàn chỉnh 19 trung đoàn.
Ít lâu sau, lực lượng không quân lại được kiện toàn thêm một bước... Ngày 10-4-1941, Ban chấp hành trung ương Đảng và hội đồng các Ủy viên nhân dân Liên Xô ra quyết định cải tổ hệ thống hậu cần không quân. Hệ thống hậu cần mới của lực lượng không quân được tổ chức theo nguyên tắc khu vực đất đai: cơ quan hậu cần thuộc các phi đội và phi đoàn chiến đấu được giải thể, thay vào đó chúng ta thành lập các khu căn cứ không quân và các tiểu đoàn phục vụ sân bay. Các khu căn cứ không quân trở thành cơ quan hậu cần của không quân trực thuộc các tập đoàn quân, quân khu, phương diện quân.
Trong thành phần các khu căn cứ, thì mỗi sư đoàn có một sân bay trong đó mỗi trung đoàn không quân có một tiểu đoàn phục vụ sân bay. Không quân trinh sát và không quân trực thuộc các binh chủng vẫn có cơ quan hậu cần riêng của mình. Việc chuyển sang hệ thống tổ chức hậu cần mới, cơ động hơn của không quân được dự định sẽ thực hiện xong vào tháng 7-1941. Nhưng thực tế là tất cả những việc đó được hoàn thành trong quá trình chiến tranh.
Căn cứ vào tính chất của việc chiến đấu sắp diễn ra, chúng tôi nhận thấy cần tăng thêm nhiều bộ đội đổ bộ đường không. Tháng 4-1941 bắt đầu thành lập 5 quân đoàn đổ bộ đường không. Đến ngày 1-6-1941 đã có đủ số quân, song phương tiện kỹ thuật chiến đấu thì còn thiếu. Vì vậy trong thời gian đầu chiến tranh, trong các quân đoàn mới chỉ có các lữ đoàn quân đổ bộ đường không cũ đảm đang được nhiệm vụ của bộ đội đổ bộ đường không, còn phần lớn các đơn vị mới khác được sử dụng như bộ binh.
Tháng 2-1941, Ban chấp hành trung ương Đảng và Hội đồng các Ủy viên nhân dân Liên Xô phê chuẩn kế hoạch xây dựng thêm sân bay. Dự định sẽ xây dựng ở các khu miền Tây 190 sân bay mới. Đến đầu chiến tranh, công việc xây dựng này được tiến hành rất khẩn trương, song phần lớn sân bay chưa làm xong.
Nói chung, chiến tranh nổ ra vào lúc lực lượng không quân ta đang trong giai đoạn cải tổ lớn, giai đoạn chuyển sang trang bị vật chất mới và huấn luyện lại cho phi công và nhân viên kỹ thuật. Chỉ có một số phi đoàn được huấn luyện kịp để hoạt động trong những điều kiện thật phức tạp và mới có không quá 15% các đơn vị được huấn luyện để hoạt động ban đêm. Bộ tư lệnh không quân chú trọng nhiều tới việc huấn luyện lại phi công theo trang bị vật chất mới, song đã có phần coi nhẹ việc duy trì sự sẵn sàng chiến đấu theo trang bị vật chất cũ.
Chỉ vẻn vẹn một năm đến một năm rưỡi sau, không quân ta đã hoàn toàn đổi mới, có sức chiến đấu rất mạnh mẽ.
Bộ đội phòng không. Mối uy hiếp của cuộc tiến công bằng không quân vào Liên Xô trong những năm trước chiến tranh đã tăng lên rõ rệt. Vì vậy Ban chấp hành trung ương Đảng đã nâng cao yêu cầu đối với việc bảo vệ bầu trời, đề ra những biện pháp cụ thể để tăng cường đáng kể công cuộc phòng không. Trước hết những cải tiến quan trọng về mặt tổ chức đã được tiến hành, vì hệ thống phòng không được áp dụng từ năm 1932 nay đã quá cũ.
Các vùng phòng không được thành lập trong tất cả các quân khu cụ thể là có các vùng phòng không Bắc, Tây-bắc, Tây, Ki-ép, Nam, Bắc Cáp-ca-dơ, Da-cáp-ca-dơ, Trung Á, Da-bai-can, Viễn Đông, Mát-xcơ-va, O-ri-ôn, Khác-cốp. Các vùng phòng không lại chia thành các khu vực phòng không gồm các trận địa phòng không. Trong một vùng phòng không, có các binh đoàn và đơn vị bảo vệ thành phố và bảo vệ mục tiêu.
Trách nhiệm của tư lệnh các quân khu đối với việc phòng không được nâng cao, tuy vậy các đơn vị máy bay của quân khu được tách ra làm nhiệm vụ phòng không vẫn thuộc dưới quyền chỉ huy của lực lượng không quân quân khu. Tất nhiên, tốt hơn cả là có sự thống nhất về lãnh đạo và tập trung về chỉ huy phòng không trên phạm vi toàn quốc. Điều này được thực hiện vào tháng 11-1941.
Lực lượng phòng không được vũ trang bằng gì và như thế nào?
Đến tháng 6-1941, số đơn vị trung cao có đủ súng chiếm 85%, số đơn vị tiểu cao - 70%. Máy bay tiêm kích còn thiếu 40% (trước chiến tranh có 39 trung đoàn không quân được tách ra làm nhiệm vụ phòng không nhưng thực ra nó vẫn dưới quyền chỉ huy của các tư lệnh không quân quân khu và về sau được sử dụng vào các nhiệm vụ chiến đấu khác), trang bị súng máy, cao xạ mới được 70%, về khí cầu phòng không và đèn chiếu mới có độ một nửa.
Bộ đội phòng không thuộc các quân khu gần biên giới miền Tây cũng như Mát-xcơ-va và Lê-nin-grát được trang bị tốt hơn cả. Các quân khu miền Tây nhận được nhiều vật tư mới hơn các quân khu khác. Về pháo cao xạ, họ được trang bị tới 90 – 95%, lại có các phương
tiện mới để phát hiện và theo dõi quân địch trên không. Bộ đội bảo vệ Mát-xcơ-va, Lê-nin-grát và Ba-cu nắm trong tay 40% tổng số pháo trung cao xạ. Ở đó cũng có tới 30 trạm ra-đa RUX-2 hoạt động.
Căn cứ vào báo cáo của chúng tôi, Ban chấp hành trung ương Đảng và Hội đồng các Ủy viên nhân dân Liên Xô đã ra quyết định thành lập các quân đoàn máy bay tiêm kích để tăng cường sức phòng không của thủ đô và Lê-nin-grát. Các quân đoàn này, như chúng ta đều biết, đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đánh lui những cuộc tiến công của không quân phát-xít vào Mát-xcơ-va và thành phố Lê-nin.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #105 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 07:26:56 pm »

Tới khi nổ ra chiến tranh, hệ thống phòng không mới chưa được kiện toàn đầy đủ, việc trang bị kỹ thuật chiến đấu chỉ mới được bắt đầu, ranh giới “vùng bị uy hiếp” (phạm vi không quân ném bom của địch có thể tới được) quy định không chính xác. Vận tải không được hoàn bị.
Hải quân. Sau khi nhận chức vụ Tổng tham mưu trưởng, vì thời gian quá ngắn và vì quá bận các công việc liên quan trực tiếp tới Hồng quân, nên tôi không thể tìm hiểu đến nơi đến chốn tình hình hải quân. Song tôi được biết rằng đội ngũ hải quân được chuẩn bị tốt, các tư lệnh hạm đội, giang đội và các bộ tham mưu các đơn vị đó đều sẵn sàng chiến đấu. Bộ tham mưu trung ương hải quân hồi đó do đô đốc I.X. I-xa-cốp đứng đầu. Đô đốc I-xa-cốp là người tài, có đầu óc sáng tạo và có nghị lực.
Nhịp độ trang bị của hải quân tăng nhanh. Chỉ trong 11 tháng của năm 1940 đã hạ thủy 100 tàu các loại bao gồm tàu khu trục, tàu ngầm, tàu quét mìn, tàu phóng ngư lôi, tất cả đều có tính năng chiến đấu cao. Gần 270 tàu các loại được đóng vào sát cuối năm 1940. Những căn cứ hải quân mới được xây dựng, các khu vực ở Biển Ban-tích, Biển Bắc và Biển Đen được củng cố thêm. Trên tất cả các hạm đội, các đơn vị đều được bổ sung nhiều tàu mới, các đơn vị tàu khu trục lớn và phóng ngư lôi mới được thành lập. Sát trước chiến tranh, hải quân đã có lực lượng tàu ngầm và tàu nhẹ trên biển được huấn luyện tốt, có khả năng thi hành đắc lực những nhiệm vụ chiến đấu.
Sát trước chiến tranh, trong biên chế chiến đấu của hải quân có gần 600 tàu chiến đấu, trong đó có 3 thiết giáp hạm, 7 tuần dương hạm, 49 tàu khu trục, 211 tàu ngầm, 279 tàu phóng ngư lôi, hơn 1.000 nòng pháo phòng thủ bờ biển, trên 2.500 máy bay.
Hải quân hiện đại đòi hỏi chi phí rất tốn kém. Đặc biệt tốn là các tàu lớn, nhưng chính vì nó lớn nên lại là mục tiêu tốt cho không quân và tàu phóng ngư lôi tiến công. Năm 1939, Hội đồng quốc phòng thuộc Hội đồng các Ủy viên nhân dân Liên Xô đã thông qua một quyết định rất đúng: giảm bớt và sau đó đình chỉ hẳn việc đóng các chiến hạm hạng nặng đòi hỏi chi những món tiền khổng lồ, tốn nhiều kim loại và thu hút một số lớn kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân ngành công nghiệp đóng tàu.
Mặt khác, việc phòng thủ bờ biển và phòng không, việc vũ trang thủy lôi và ngư lôi không được chú ý đúng mức. Khuyết điểm nghiêm trọng nữa của Bộ Ủy viên nhân dân hải quân là không đánh giá đúng vai trò của hạm đội phía Bắc mà lẽ ra nó phải đóng vai trò cực lớn trong chiến tranh.
Nói chung, sát trước chiến tranh, hải quân Liên Xô được mọi người tin tưởng và đã đánh trả quân địch một cách đích đáng.
Trong cuốn sách “Sát trước chiến tranh” của mình, đô đốc N.G. Cu-dơ-nép-xốp có viết về việc tôi được cử làm Tổng tham mưu trưởng như sau: “Lúc đầu tôi nghĩ, chỉ có quan hệ giữa tôi và G.K. Giu-cốp không được ổn, còn người bạn đồng nghiệp của G.K. Giu-cốp là I.X. I-xa-cốp, Tham mưu trưởng Bộ tham mưu trung ương Hải quân sẽ tâm đồng ý hợp với G.K. Giu-cốp. Song, I-xa-cốp cũng không tâm đồng ý hợp gì”.
Bây giờ tôi không còn nhớ các đồng chí nói trên “không tâm đồng ý hợp” với tôi hay là tôi “không tâm đồng ý hợp” với các đồng chí đó, - điều này hoàn toàn không có nghĩa lý gì c
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #106 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 07:27:18 pm »

Chiến lược quân sự được xây dựng chủ yếu trên điều khẳng định đúng đắn rằng, chỉ có thể đánh tan được quân xâm lược bằng hành động tiến công. Nhưng trong khi đó các hình thức chiến đấu khác, - tao ngộ chiến, rút lui bắt buộc, chiến đấu trong điều kiện bị bao vây (tất nhiên, không tính theo từng tài liệu riêng biệt, mà theo phương hướng chung giảng dạy các môn quân sự) - không được chú ý đầy đủ.
Sau khi bắt đầu trở lại làm việc ở cơ quan Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng, tôi liền chú ý ngay xem, trong khi xây dựng điều lệ và điều lệnh chúng ta đã quán triệt các quan điểm mới, tiên tiến về tính chất và các phương thức tác chiến như thế nào. Cục quân huấn Hồng quân cũng như các tổng cục phụ trách các quân chủng, binh chủng thuộc lực lượng vũ trang trong hai năm gần đó đã ban hành hàng chục điều lệnh và điều lệ quan trọng. Song, không phải tất cả những điều đó đã được đưa ra áp dụng trong các đơn vị, nhiều quy định vẫn còn là tạm thời.
Nói chung, có thể nói, lý luận quân sự được nêu lên trong các tác phẩm, bài giảng của những năm đó và được cô đúc lại trong các điều lệnh cơ bản đáp ứng với yêu cầu của thời đại. Song, việc làm vẫn chậm hơn lý thuyết ở mức nhất định.
Nghiên cứu những vấn đề chiến dịch và chiến lược, tôi đi tới kết luận là, trong công cuộc phòng thủ một nước lớn như nước ta, đã có nhiều thiếu sót quan trọng. Các cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong Bộ Tổng tham mưu cũng cùng ý kiến đó, các đồng chí ấy còn cho tôi biết rằng, các đồng chí trước đây đảm đương chức vụ của tôi cũng đã nhiều lần nêu lên vấn đề này.
Việc quân đội Đức tập trung một số lượng lớn ở Đông Phổ, Ba Lan và vùng Ban-căng đã làm cho chúng tôi rất không yên tâm. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang ta đóng ở các quân khu phía tây chưa hoàn toàn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, điều đó thật đáng lo ngại.
Sau khi suy nghĩ kỹ mọi mặt về tình hình, tôi cùng với N.Ph. Va-tu-tin đã báo cáo tỉ mỉ với Ủy viên nhân dân quốc phòng về những thiếu sót trong công tác tổ chức và tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân đội ta, về tình hình các lượng dự trữ đã được động viên, đặc biệt là về trái phá và bom. Ngoài ra, chúng tôi cũng nêu lên tình hình nền công nghiệp không thực hiện kịp các đơn đặt hàng của chúng tôi về phương tiện kỹ thuật chiến đấu.
- Tất cả những điều đó, cấp trên đã biết rõ. Tôi cho rằng vào lúc này đất nước ta không thể cung cấp cho ta nhiều hơn nữa - X.K. Ti-mô-sen-cô nói
Một hôm, X.K. Ti-mô-sen-cô gọi tôi tới và nói:
- Hôm qua tôi gặp I.V. Xta-lin để bàn về vấn đề súng cối phản lực. I.V. Xta-lin có hỏi, anh đã nhận việc của K.A. Mê-rét-xcốp bàn giao chưa và trong công tác mới anh thấy thế nào? I.V. Xta-lin chỉ thị anh tới báo cáo.
- Cần phải chuẩn bị những vấn đề gì? - Tôi hỏi.
- Tất cả các vấn đề - Ủy viên nhân dân quốc phòng trả lời - Nhưng anh cần biết là I.V. Xta-lin sẽ không nghe báo cáo dài dòng đâu. Những gì mà anh nói với tôi trong suốt mấy tiếng đồng hồ thì chỉ cần báo cáo với I.V. Xta-lin chừng mươi phút.
- Trong mươi phút thì tôi biết báo cáo những gì? Các vấn đề đều lớn, đòi hỏi phải được đặc biệt quan tâm. Bởi vì cần hiểu rõ tầm quan trọng của những vấn đề đó và phải quyết định về những biện pháp cần thiết của Nhà nước.
- Những điều mà anh dự định báo cáo, về căn bản I.V. Xta-lin đã biết, - Ủy viên nhân dân quốc phòng nói - Vì vậy, hãy cố gắng chỉ đề cập tới những vấn đề mấu chốt thôi.
Sau khi đã chuẩn bị một loạt vấn đề để báo cáo, tối thứ bảy tôi tới nhà riêng của I.V. Xta-lin. Ở đây đã có mặt nguyên soái X.K. Ti-mô-sen-cô, nguyên soái G.I. Cu-lích. Một số các đồng chí ủy viên Bộ chính trị cũng có mặt.
Sau khi chào hỏi, I.V. Xta-lin hỏi tôi đã biết súng cối phản lực “Ca-chiu-sa” chưa.
- Tôi mới nghe nói, nhưng chưa nhìn thấy. - Tôi trả lời.
- Vậy thì đồng chí cùng với Ti-mô-sen-cô, Cu-lích và A-bô-ren-cốp trong những ngày tới, cần đến trường bắn để xem bắn thử. Còn bây giờ đồng chí cho chúng tôi biết về công việc của Bộ Tổng tham mưu.
Sau khi nhắc lại vắn tắt những điều mà tôi đã báo cáo với Ủy viên nhân dân quốc phòng, tôi nói rằng, do sự phức tạp của tình hình quân sự và chính trị, cần phải có những biện pháp cấp bách và kịp thời để khắc phục những thiếu sót hiện có trong việc bảo vệ biên giới phía tây và trong các lực lượng vũ trang.
V M. Mô-lô-tốp ngắt lời tôi:
- Sao, đồng chí cho rằng chúng ta sẽ phải đánh nhau với Đức à?
- Hãy khoan... - I.V. Xta-lin cản lời V.M. Mô-lô-tốp.
Sau khi nghe xong báo cáo, I.V. Xta-lin mời mọi người ăn cơm.
Câu chuyện bị ngắt quãng lại tiếp tục. I.V. Xta-lin hỏi, tôi đánh giá không quân Đức như thế nào. Tôi nói điều mà tôi đã từng suy nghĩ:
- Không quân Đức không phải là kém, đội ngũ phi công Đức có thực tiễn chiến đấu khá tốt trong hợp đồng với bộ binh. Còn về mặt vật chất, các máy bay tiêm kích và ném bom của ta không hề kém máy bay Đức, có phần còn hơn. Chỉ tiếc rằng nó quá ít.
- Đặc biệt là ít máy bay tiêm kích - X.K. Ti-mô-sen-cô bổ sung.
Có ai đó đưa ra nhận xét:
- Xê-mi-on Kôn-xtan-ti-nô-vích Ti-mô-sen-cô chỉ nghĩ nhiều đến không quân phòng ngự.
Ủy viên nhân dân quốc phòng không đáp lại. Tôi cho rằng vì hơi nặng tai nên X.K. Ti-mô-sen-cô không nghe rõ hết.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #107 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 07:27:36 pm »

Bữa ăn rất giản dị. Món thứ nhất: súp rau U-crai-na; món thứ hai: mì mạch đen nấu rất ngon và nhiều thịt nhừ; món thứ ba: nước quả và quả tươi. I.V. Xta-lin vui vẻ, nói đùa nhiều, uống rượu vang nhẹ Gru-di-a “Khơ-văn-chơ-ca-ra” và mời khách rượu vang đỏ, nhưng khách chọn rượu cô-nhắc.
Cuối cùng, I.V. Xta-lin nói rằng, cần phải suy nghĩ và nghiên cứu những vấn đề cấp thiết nhất và đưa ra Chính phủ quyết định. Nhưng trong khi đó cần xuất phát từ những khả năng thực tế của ta chứ đừng vẽ vời ra những thứ mà hiện nay chúng ta không thể bảo đảm được về mặt vật chất.
Đêm khuya, tôi trở về Bộ Tổng tham mưu, ghi lại tất cả những gì I.V. Xta-lin đã nói, và thảo ra những vấn đề cần được giải quyết trước tiên. Những đề nghị này đã được đưa trình Chính phủ.
Ngày 15 - 20 tháng 2-1941, Hội nghị toàn liên bang của Đảng Cộng sản liên bang (b) lần thứ XVIII họp. Tôi được dự Hội nghị này. Hội nghị đã đặc biệt lưu ý các tổ chức Đảng về những nhu cầu của công nghiệp và giao thông vận tải, đặc biệt là của các xí nghiệp quốc phòng. Những nhu cầu này được nâng cao hơn. Trong các nghị quyết của Hội nghị có nêu lên rằng, các cán bộ lãnh đạo, các Bộ Ủy viên nhân dân công nghiệp hàng không, công nghiệp hóa chất, đạn dược, công nghiệp điện và nhiều ngành kinh tế quốc dân khác phục vụ quốc phòng cần phải rút ra những bài học qua những lời phê bình của Hội nghị để làm tốt hơn nữa công việc của mình. Vào trường hợp ngược lại, họ sẽ bị cách chức.
Kế hoạch kinh tế quốc dân thời bình cuối cùng cho năm 1941 do Hội nghị thông qua đã chủ trương phát triển mạnh hơn nữa ngành công nghiệp quốc phòng.
Tại Hội nghị, nhiều cán bộ quân sự được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng và vào Ban kiểm tra trung ương: I.V. Chiu-lê-nép, M.P. Kiếc-bô-nô-xơ, I.X. Yu-ma-xép, V.Ph. Tờ-ri-bút, Ph.X. Óc-chi-a-brơ-xki và các đồng chí khác. Tôi cũng được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng, đó là sự tin cậy cao quý của Đảng đối với tôi.
Sát trước chiến tranh, trong Bộ Tổng tham mưu chúng tôi có một tập thể làm việc thân thiết, đoàn kết chặt chẽ, gồm các tướng lĩnh và sĩ quan có trình độ và có kinh nghiệm. Tôi chỉ xin nêu lên một số đồng chí.
Phó tổng tham mưu trường thứ nhất là trung tướng N.Ph. Va-tu-tin, một người được cả nước biết là một cán bộ hết sức cần cù và có tầm suy nghĩ rộng lớn về chiến lược. Phó tổng tham mưu trưởng chuyên trách về vấn đề tổ chức là trung tướng V.Đ. Xô-cô-lốp-xki, nguyên tham mưu trưởng Quân khu Mát-xcơ-va; đồng chí được cử làm Phó tổng tham mưu trưởng từ đầu mùa xuân năm 1941. Trong những năm chiến tranh, Va-xi-li Đa-ni-lô-vích Xô-cô-lốp-xki tỏ ra có năng khiếu của nhà chỉ huy quân sự lớn. Phụ trách Cục tác chiến là thiếu tướng G.K. Ma-lan-đin, một chuyên gia về tác chiến có kiến thức cao và có tài. Ở đây còn có thiếu tướng A.M. Va-xi-lép-xki.
Trong thời gian chiến tranh A.M. Va-xi-lép-xki đã là một tướng lĩnh lỗi lạc của lực lượng vũ trang chúng ta. A.M. Va-xi-lép-xki đã lãnh đạo nhiều chiến dịch rất lớn và xuất sắc. Sát trước chiến tranh, tại Bộ Tổng tham mưu, A.M. Va-xi-lép-xki đã phụ trách kế hoạch tác chiến của hướng tây-bắc và hướng tây.
Ngoài các cán bộ quân sự nói trên, trong Bộ Tổng tham mưu còn có nhiều nhà chỉ huy quân sự khác có tài và có nghị lực, bằng tinh thần lao động sáng tạo của mình, họ đã góp phần làm cho tập thể Bộ Tổng tham mưu có được khả năng làm việc lớn. Bộ Tổng tham mưu phụ trách những việc lớn về tác chiến, về tổ chức và động viên, là bộ máy chủ yếu của Ủy viên nhân dân quốc phòng. Khi chiến tranh nổ ra, nó trở thành bộ máy của Đại bản doanh của Bộ tổng tư lệnh.
Song trong công tác của bản thân Bộ Tổng tham mưu cũng có những thiếu sót. Ví dụ, nếu nghiên cứu tình hình công tác trong mùa xuân năm 1941 thì thấy rằng, Bộ Tổng tham mưu cũng như Ủy viên nhân dân quốc phòng và tư lệnh các quân chủng, binh chủng đã không chuẩn bị các sở chỉ huy để khi xảy ra chiến tranh có thể từ đó chỉ huy các lực lượng vũ trang, nhanh chóng truyền các mệnh lệnh của Bộ tổng tư lệnh tới quân đội, nhận và nghiên cứu các báo cáo của các đơn vị.
Trong những năm trước chiến tranh, đã bỏ qua việc xây dựng các sở chỉ huy. Đến khi chiến tranh nổ ra, Bộ tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu, tất cả các bộ tham mưu các quân chủng, tổng cục đều phải thực hiện sự lãnh đạo từ các phòng làm việc của mình trong thời bình, điều đó làm trở ngại nhiều cho công việc.
Đến đầu chiến tranh, chúng ta vẫn chưa giải quyết xong vấn đề cơ quan của Đại bản doanh và Bộ tổng tư lệnh, ví như: cơ cấu bộ máy, dự kiến bổ nhiệm cán bộ, trụ sở, cơ quan phục vụ và các phương tiện vật chất, kỹ thuật.
Trong 5 năm trước chiến tranh đã thay đổi 4 Tổng tham mưu trưởng. Việc thay đổi cán bộ lãnh đạo luôn như vậy gây nhiều trở ngại cho việc nắm vững hoàn toàn đầy đủ công cuộc phòng thủ đất nước và làm cho không thể suy tính sâu xa về tất cả mọi chi tiết của cuộc chiến tranh sắp nổ ra.
Những vấn đề cơ bản gì đã được chuẩn bị ở Bộ Tổng tham mưu trong những tháng đó?
Hiện nay, một số tác giả các hồi ký về chiến tranh nói rằng, trước chiến tranh chúng ta không có các kế hoạch động viên lực lượng vũ trang và các kế hoạch triển khai chiến lược. Tất nhiên và thực tế là tại Bộ Tổng tham mưu đã có các kế hoạch tác chiến và động viên lực lượng vũ trang. Việc nghiên cứu đề ra và điều chỉnh các kế hoạch đó được tiến hành liên tục. Sau khi thành hình, các kế hoạch đó được báo cáo ngay lên cơ quan lãnh đạo Nhà nước và khi được phê chuẩn, lập tức được đưa tới các quân khu. Sát trước chiến tranh, Cục tác chiến - các tướng G.K. Ma-lan-đin, A.M. Va-xi-lép-xki, A.Ph. A-ni-xốp và các đồng chí khác - đã dành nhiều thì giờ để làm các kế hoạch tác chiến và động viên. Trước khi tôi tới Bộ Tổng tham mưu, việc nghiên cứu đề ra các kế hoạch được tiến hành dưới sự lãnh đạo chung của nguyên soái Liên Xô B.M. Sa-pô-sni-cốp, sau đó là đại tướng K.A. Mê-rét-xốp và trung tướng N.Ph. Va-tu-tin.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #108 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 07:27:59 pm »

Ngay từ mùa thu năm 1940, kế hoạch tiến hành chiến tranh xây dựng trước đây đã được đem ra nghiên cứu lại để làm cho nó có căn cứ hơn và cho nó sát với những nhiệm vụ phải giải quyết trong trường hợp bị tấn công. Nhưng trong kế hoạch, có những sai lầm về chiến lược do một nhận định không đúng gây ra.
Hướng nguy hiểm nhất về mặt chiến lược đã được coi là hướng tây-nam, tức là U-crai-na - chứ không phải hướng tây - tức là Bê-lô-ru-xi mà ở đó tháng 6-1941, bộ chỉ huy tối cao của Hít-le đã tập trung và tung vào những cụm bộ binh và không quân mạnh nhất của chúng.
Vì vậy ngay trong những ngày đầu chiến tranh đã phải điều tập đoàn quân 19, nhiều đơn vị và binh đoàn của tập đoàn quân 16, từ trước vẫn đóng ở U-crai-na hoặc mới chuyển về đó sang hướng tây[2] và các đơn vị này vừa đánh vừa chuyển thuộc Phương diện quân miền Tây. Tình hình đó tất nhiên đã có ảnh hưởng tới quá trình chiến đấu phòng ngự ở hướng tây.
Mùa xuân 1941, từ tháng 2 đến tháng 4, khi đề ra kế hoạch tác chiến, chúng tôi đã không triệt để sửa chữa điều dự tính sai đó. I.V. Xta-lin tin rằng trong cuộc chiến tranh với Liên Xô, bọn Đức trước nhất sẽ nhằm vào chiếm U-crai-na, vùng Đô-nết, để làm cho nước ta bị mất những miền kinh tế hết sức quan trọng, còn chúng thì chiếm được vựa lúa mì U-crai-na, than Đôn-bát, rồi tiếp đó dầu lửa Cáp-ca-dơ. Mùa xuân 1941 khi xét kế hoạch tác chiến, I.V. Xta-lin đã nói: “Không có những nguồn sống hết sức quan trọng đó, bọn Đức phát-xít sẽ không thể tiến hành một cuộc chiến tranh lâu dài và lớn được.”
I.V. Xta-lin có uy tín hết sức lớn đối với tất cả chúng tôi, khi đó không ai nghĩ đến chuyện nghi ngờ những lập luận và nhận định tình hình của I.V. Xta-lin. Tuy rằng sự phán đoán đó của I.V. Xta-lin cũng có cơ sở của nó, nhưng nó đã không tính đến những kế hoạch của quân địch nhằm tiến hành cuộc chiến tranh chớp nhoáng chống Liên Xô.
Phương án cuối cùng về kế hoạch động viên các lực lượng vũ trang (các vấn đề về tổ chức và vật chất) đã được phê chuẩn hồi tháng 2-1941 và mang ký hiệu MP-41. Đến ngày 1-5-1941, kế hoạch này đã được phổ biến tới các quân khu kèm theo chỉ thị điều chỉnh các kế hoạch tác chiến cũ.
Năm 1940, đã có quyết định đưa ngay một phần quân đội các quân khu phía tây sang các vùng lãnh thổ miền tây mới thống nhất vào Liên Xô. Mặc dù các vùng này chưa được chuẩn bị đúng mức cần thiết để phòng thủ, các đơn vị tuyến một của bộ đội các quân khu phía tây đã sang đóng ở đó.
Ở đây tôi muốn đề cập tới vấn đề những khu phòng thủ vững chắc mới và cũ. Việc xây dựng các khu phòng thủ mới ở biên giới phía tây được khởi công vào đầu năm 1940. Dự án xây dựng các khu đó được I.V. Xta-lin duyệt theo báo cáo của K.E. Vô-rô-si-lốp.
Đến đầu chiến tranh đã xây được gần 2.500 công sự bê-tông cốt sắt, trong số đó 1.000 công sự được trang bị pháo binh phòng ngự, còn 1.500 công sự có súng máy. Song việc xây dựng các khu phòng thủ chưa làm xong hoàn toàn.
Nếu nói về U-crai-na, thì trong tháng 6-1941, các khu được chuẩn bị chiến đấu tốt nhất là các khu Ra-va - Ru-xki và Pê-lê-mư-slơ, trong những ngày đầu chiến tranh các khu này đã đóng vai trò rất tích cực mà tôi sẽ nói tới sau.
Bây giờ tôi muốn nói rõ vấn đề bỏ trang bị pháo binh ở các khu phòng thủ vững chắc cũ.
Từ tháng 2 đến tháng 3 năm 1941, Hội đồng quân sự trung ương của Hồng quân đã hai lần thảo luận việc nhanh chóng hoàn thành công cuộc xây dựng và trang bị các khu phòng thủ mới. Tôi còn nhớ kỹ những cuộc bàn luận gay gắt diễn ra trong Hội đồng. Nhưng bàn luận gì thì bàn luận vẫn không tìm ra cách giải quyết cụ thể để xúc tiến việc sản xuất pháo binh phòng ngự và đảm bảo những thiết bị cần thiết cho các khu phòng thủ. Vì vậy, Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng chuyên trách về vũ khí, nguyên soái G.I. Cu-lích và Phó Ủy viên nhân dân quốc phòng chuyên trách về khu phòng thủ, nguyên soái B.M. Sa-pô-sni-cốp, cũng như ủy viên Hội đồng quân sự trung ương A.A. Giơ-đa-nốp đã đề nghị lấy một phần pháo binh phòng ngự ở một số khu phòng thủ cũ để trang bị cho các khu mới đang được xây dựng. Ủy viên nhân dân quốc phòng, nguyên soái Ti-mô-sen-cô và tôi không tán thành đề nghị đó với lý do là các khu phòng thủ cũ còn có thể được dùng tới.
Vì không nhất trí trong Hội đồng quân sự trung ương nên vấn đề được báo cáo lên I.V. Xta-lin. I.V. Xta-lin đồng ý với ý kiến của G.I. Cu-lích, B.M. Sa-pô-sni-cốp, A.A. Giơ-đa-nốp và đã chỉ thị lấy một phần pháo ở các nơi thứ yếu đưa sang các hướng tây và tây-nam.
Các khu phòng thủ cũ được xây dựng trong các năm 1929-1935. Các lô-cốt chủ yếu đều có súng máy. Trong năm 1938-1939, nhiều lô-cốt được tăng cường hệ thống pháo binh. Theo quyết định của Hội đồng quân sự trung ương Hồng quân, ngày 15-11-1939, quân số các khu phòng thủ cũ đã giảm bớt hơn 1/3. Bây giờ ở một số nơi, lại lấy vũ khí đi.
Song, sau khi báo cáo lần thứ hai với I.V. Xta-lin, chúng tôi được phép giữ lại một phần vũ khí ở những nơi bị lấy vũ khí đi.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #109 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 07:28:17 pm »

Về các khu phòng thủ được bắt đầu xây dựng trong các năm 1938-1939, ngày 8-4-1941, Bộ Tổng tham mưu đã ra các chỉ thị số UN/584814 và UN/584815 cho các tư lệnh Quân khu đặc biệt miền Tây và Quân khu Ki-ép với nội dung như sau:
“Cho đến khi có chỉ thị đặc biệt, các khu phòng thủ Xlút-xcơ, Xê-be-giơ, Xê-bê-tốp, I-di-a-xláp, Sta-rô-côn-xtan-ti-nốp, Ô-xtơ-rô-pôn-xcơ vẫn giữ nguyên trạng thái cũ.
Để sử dụng các khu phòng thủ nói trên khi chiến tranh nổ ra, cần phải chuẩn bị và tiến hành các biện pháp sau đây:
- Thành lập bộ máy chỉ huy các vùng phòng thủ vững chắc.
- Để củng cố hệ thống hỏa lực pháo và súng máy ở mỗi khâu phòng thủ và mỗi điểm tựa, cần có các công sự bằng đất và gỗ hoặc bằng bê-tông đá hộc, các công sự này cần được xây dựng trong 10 ngày đầu từ khi chiến tranh nổ ra bằng lực lượng của bộ đội dã chiến...
- Căn cứ theo các dự án và hướng dẫn kỹ thuật của Cục xây dựng các khu phòng thủ của Hồng quân, cần tính toán nhu cầu về vũ khí và thiết bị bên trong đơn giản nhất...
- Khi tính toán lực lượng, phương tiện và các kế hoạch xây dựng, cần chú ý đến các công sự bê-tông cốt sắt đã được xây dựng trong các năm 1938-1939 ở các vùng Lê-ti-chép, Mô-ghi-lép, Yam-pôn-xcơ, Nô-vô-grát, Vô-lưn-xcơ, Min-xcơ, Pô-lốt-xcơ và Mô-dưa...
Cục trưởng Cục xây dựng khu phòng thủ có trách nhiệm đề ra và đến ngày 1-5-1941 gửi cho các quân khu những điểm hướng dẫn kỹ thuật để đặt vũ khí và thiết bị bên trong giản đơn nhất trong các công sự năm 1938-1939”.
Các khu phòng thủ tại biên giới cũ không bị hủy và vũ khí ở đó không bị lấy đi như trong một số hồi ký và tài liệu nghiên cứu lịch sử đã nói. Các khu đó vẫn được giữ lại ở tất cả những nơi và hướng trọng yếu, lại còn được dự định tăng cường thêm. Nhưng quá trình diễn biến chiến sự trong thời gian đầu chiến tranh đã không cho phép thực hiện đầy đủ những biện pháp dự định và không cho phép sử dụng các khu phòng thủ cũ theo đúng ý nghĩa của nó.
Còn về các khu phòng thủ mới, Ủy viên nhân dân quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu đã nhiều lần ra chỉ thị cho các quân khu phải đẩy mạnh việc xây dựng. Hàng ngày có gần 14 vạn người làm việc để củng cố công trình quốc phòng trên các biên giới mới. I.V.Xta-lin cũng thúc giục chúng tôi phải làm nhanh công việc này.
Tôi xin nêu ra một chỉ thị số UA/584838 ngày 14-4-1941 của Bộ Tổng tham mưu về vấn đề này:
“Mặc dù đã có nhiều chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu Hồng quân, việc xây nắp hầm tránh bom đạn cho các công sự chiến đấu lâu dài và chuẩn bị cho các công sự đó sẵn sàng chiến đấu được tiến hành hết sức chậm chạp.
Ủy viên nhân dân quốc phòng ra lệnh:
1. Toàn bộ vũ khí dành cho các vùng phòng thủ trong phạm vi quân khu cần được bố trí xong trong các công sự chiến đấu và chuẩn bị cho các công sự sẵn sàng chiến đấu.
2. Nếu thiếu thiết bị đặc biệt thì tạm thời (che lấp giản đơn) đặt các thượng liên, đại liên vào các hầm có lỗ châu mai và nơi nào có thể, đặt cả các pháo vào ụ súng.
3. Đưa các công sự vào tư thế sẵn sàng chiến đấu dù còn thiếu các thiết bị khác theo quy định, nhưng nhất thiết phải có các cửa bằng thép, bằng kim loại và có chấn song.
4. Tổ chức việc trông nom và bảo vệ chu đáo các thiết bị trong công sự.
5. Cục trưởng Cục xây dựng khu phòng thủ của Hồng Quân có trách nhiệm gửi ngay tới các quân khu những chỉ thị kỹ thuật về việc đặt các thiết bị tạm thời trong các công sự bê-tông cốt sắt.
Đến ngày 25-4-1941 phải báo cáo lên Bộ tổng tham mưu Hồng quân về những biện pháp đã tiến hành.
Tổng tham mưu trưởng Hồng quân
Đại tướng GIU-CỐP đã ký
Sao nguyên bản: Cục trưởng Cục các khu phòng thủ
Bộ Tổng tham mưu Hồng quân
Thiếu tướng X. SI-RI-A-EP”
Tháng 3-1941, Bộ Tổng tham mưu hoàn thành việc nghiên cứu kế hoạch động viên đối với công nghiệp sản xuất sản phẩm quốc phòng trong trường hợp chiến tranh nổ ra. Tôi và Phó tổng tham mưu trưởng, tướng V.Đ. Xô-cô-lốp-xki báo cáo kế hoạch này với Chủ nhiệm ủy ban quốc phòng thuộc Hội đồng các ủy viên nhân dân.
Bộ Tổng tham mưu còn có một bản báo cáo đặc biệt nói về đạn dược gửi lên Ban chấp hành trung ương Đảng và Hội đồng các ủy viên nhân dân. Bản báo cáo này chuyên nói về việc bảo đảm đạn dược cho pháo binh. Chúng tôi nêu lên tình hình hết sức nghiêm trọng đối với đạn trái phá và đạn cối. Đạn lựu pháo, cao xạ và pháo chống tăng không đủ. Đặc biệt đạn cho các loại pháo tối tân rất thiếu.
I.V. Xta-lin ra chỉ thị phải nghiên cứu bản báo cáo của chúng tôi và cùng với Bộ Ủy viên nhân dân đạn dược và Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng báo cáo xem trên thực tế, những gì cần phải làm và có thể làm được.
N.A. Vô-dơ-nê-xen-xki và các đồng chí khác cho rằng những yêu cầu của chúng tôi quá cao và đã báo cáo với I.V. Xta-lin là yêu cầu về năm 1941 cần được giải quyết nhiều nhất là 20%. Đề nghị này được phê chuẩn.
Song, sau khi nghe báo cáo lần thứ hai, I.V. Xta-lin đã chỉ thị ra chỉ lệnh đặc biệt, trong nửa sau năm 1941- đầu 1942 phải sản xuất đạn dược nhiều hơn nữa.
Trong suốt mùa xuân năm 1941, các cơ quan hậu cần trung ương thuộc Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng đã tích cực lo việc tăng thêm kho dự trữ lâu dài cho tất cả các quân khu gần biên giới phía tây. Số kho này lấy ở số dự trữ của nhà nước về nhiên liệu, lương thực và các vật dụng. Các kho đạn pháo binh quân khu nhận được thêm nhiều đạn dược do các kho của Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng cung cấp.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM