Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:38:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhớ lại và suy nghĩ  (Đọc 167007 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #60 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:26:36 pm »

Khi kiểm điểm buổi tập, các hành động của hai bên đều được xem xét rất tỉ mỉ và những sai lầm của trung đoàn kỵ binh 20 – tính tiêu cực không thể tha thứ được trong khi trinh sát “đối phương” - đã được đặc biệt đem ra phân tích. Còn các hành động của trung đoàn kỵ binh 21 thì được nêu lên làm mẫu mực cho việc huấn luyện động tác đánh lừa địch.
Cuộc tập trận này đã được những người tham dự ghi nhớ lâu dài và sau đây còn được làm lại dưới nhiều phương án khác nhau.
Trong huấn luyện và giáo dục cho các đơn vị, việc trau dồi bản lĩnh xác định các mục tiêu và nhiệm vụ trong những điều kiện phức tạp đã được đặc biệt chú ý. Để làm việc đó, chúng tôi đã dùng biện pháp gì?
Thông thường, tôi giữ tuyệt mật ý đồ của cuộc tập trận. Trung đoàn tham gia huấn luyện nhận lệnh báo động và được báo cho biết khu vực tập kết. Ở khu vực này, cấp chỉ huy trung đoàn được phổ biến về tình huống chiến thuật và được giao mệnh lệnh chiến đấu đòi hỏi phải tiến hành một cuộc hành quân - cơ động qua những khu vực khó vượt, lầy lội hay rừng núi. Đường hành quân được chọn sao cho đơn vị phải làm nhiều việc để dọn và đắp đường, lát những chỗ lầy lội và bắc cầu qua sông, qua suối bằng nguyên vật liệu có trong tay. Đã thế lại thường không được tăng cường công binh để rèn luyện cho chỉ huy các cấp biết cách tự lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn bằng các phương tiện ở ngay tại chỗ.
Những cuộc tập luyện như vậy là rất mệt về thể lực. Đôi khi cán bộ chiến sĩ mệt nhoài ra vì thường mất ngủ và ăn uống thất thường trong vài ngày đêm liền. Nhưng chiến sĩ và sĩ quan hân hoan biết chừng nào khi đơn vị của họ hoàn thành được một nhiệm vụ khó khăn nhất, đạt được mục tiêu đã đề ra! Lần sau, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, họ sẽ không nghi ngờ gì về khả năng đạt được mục tiêu mà họ cần đạt. Cán bộ chỉ huy, các cơ quan tham mưu và toàn thể cán bộ và chiến sĩ sẽ có được thói quen thực tế là tích cực vượt qua bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.
Những buổi liên hoan thân mật do các cán bộ chính trị tổ chức sau các cuộc tập trận đã giúp rất nhiều cho việc giáo dục phẩm chất đạo đức trong chiến sĩ và sĩ quan. Những người tham gia “các trận đánh” cùng nhau trao đổi cảm tưởng, phê bình những thiếu sót, thân ái chế diễu những ai đã tiêu cực trước trở ngại hay do vô ý hoặc sơ suất của mình mà gây thêm khó khăn.
Nhờ những cố gắng của toàn thể cán bộ và chiến sĩ trong sư đoàn, trong năm 1935 công việc xây dựng đã hoàn thành: tất cả các trung đoàn đều đã có nơi ăn ở và cơ sở vật chất huấn luyện tốt. Đội ngũ ngựa chiến của sư đoàn cũng được tăng cường và củng cố.
Đến khoảng thời gian này mọi mặt huấn luyện chính trị và quân sự đã đạt được những kết quả không đến nỗi tồi. Một số bộ đội và phân đội đã đạt được những tiêu chuẩn cao về kỷ luật, về công tác phục vụ và về trình độ tổ chức chung.
Năm 1935, ở sư đoàn chúng tôi đã có những sự kiện lớn rất đáng ghi nhớ. Một là, trong các buổi thao diễn kiểm tra, tất cả các trung đoàn thuộc sư đoàn đều đạt điểm cao, kể cả trong khoa mục khó khăn nhất trong huấn luyện kỵ binh là khoa mục huấn luyện xạ kích. Thứ hai là, do các thành tích trong huấn luyện, sư đoàn được tặng thưởng huân chương cao nhất của Chính phủ - Huân chương Lê-nin.
Nhiều sĩ quan, hạ sĩ quan và chiến sĩ cũng được tặng thưởng huân chương và huy chương. Cả tôi cũng được thưởng Huân chương Lê-nin. Tất cả những điều đó đã làm tôi cảm động sâu sắc. Đọc xong lệnh tặng thưởng huân chương, tôi đã suy nghĩ kỹ càng xem chúng tôi phải làm gì để nâng cao hơn nữa trình độ huấn luyện quân sự và tình hình chung của sư đoàn.
Đối với chúng tôi, những quân nhân, năm ấy còn đáng ghi nhớ vì Đảng đã có thêm một biện pháp nữa để nâng cao uy tín của các cán bộ chỉ huy - thực hiện chế độ phong quân hàm. V.K.Bliu-khe, X.M. Bu-đi-ôn-nưi, K.E. Vô-rô-si-lốp, A.I. Ê-gô-rốp, M.N. Tu-kha-chép-xki đã trở thành những nguyên soái đầu tiên của Liên bang Xô-viết.
Việc Xê-mi-ôn Mi-khai-lô-vích Bu-đi-ôn-nưi đến sư đoàn là một sự kiện lớn. Xê-mi-ôn Mi-khai-lô-vích đã kiểm tra tỉ mỉ công tác huấn luyện quân sự của sư đoàn, đặc biệt là tình hình huấn luyện ngựa chiến, xạ kích và chiến thuật. Tất cả các buổi diễn tập để kiểm tra đã diễn ra một cách xuất sắc và dường như một lần nữa xác nhận kết quả cao của công tác huấn luyện cán bộ và chiến sĩ.
Để nhận Huân chương Lê-nin, sư đoàn đã tập trung theo đội hình kỵ binh tại một trong những bãi trống của thành phố. Toàn thể cán bộ và chiến sĩ đều phấn khởi, mỗi đơn vị đều tập hợp bên cạnh lá quân kỳ bay phấp phới mà cán bộ, chiến sĩ thuộc thế hệ trước đây đã giương cao trong các trận chiến đấu với bọn bạch vệ và Ba Lan trắng.
Trong sự yên lặng trang nghiêm, sau cuộc diễu binh danh dự và sau khi nhận báo cáo, X.M. Bu-đi-ôn-nưi bước lên lễ đài. Theo hiệu lệnh của đồng chí, cùng với đội bảo vệ cờ, tôi tiến lại gần lễ đài, tay cầm quân kỳ của sư đoàn. X.M. Bu-đi-ôn-nưi gắn Huân chương Lê-nin vào quân kỳ và chúng tôi cầm cờ phi nước kiệu dã chiến trước hàng quân.
Hàng ngàn tiếng “hoan hô” và hàng loạt súng đại bác hùng dũng bắn chào đã nói lên lòng biết ơn chân thành nhất của toàn thể cán bộ và chiến sĩ của sư đoàn đối với Đảng và Chính phủ đã lấy phần thưởng cao quý để biểu dương những cố gắng của chiến sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan trong diễn tập và huấn luyện chiến đấu thời bình
Sau khi đi duyệt đội hình xong, Xê-mi-ôn Bu-đi-ôn-nưi đã phát biểu đôi lời với sư đoàn. Đồng chí đã rất xúc động. Mà không xúc động sao được! Chính cái sư đoàn do đồng chí gây dựng đã được nhận phần thưởng cao quý nhất. Cần phải nói rằng các chiến sĩ kỵ binh, đặc biệt là những ai đã cùng đồng chí trải qua bước đường khó khăn của thời nội chiến, rất quý trọng X.M. Bu-đi-ôn-nưi.
Sau những lời nói tốt đẹp và nồng nhiệt của X.M. Bu-đi-ôn-nưi, tôi lên phát biểu ý kiến và thay mặt toàn thể quân nhân của sư đoàn, tôi yêu cầu Xê-mi-ôn Mi-khai-lô-vích báo cáo lại với Ban Chấp hành trung ương Đảng và Chính phủ rằng, sư đoàn 4 sẽ trân trọng giữ vững và phát triển thêm truyền thống chiến đấu, luôn luôn sẵn sàng hoàn thành bất kỳ mệnh lệnh nào của Tổ quốc.
Kết thúc buổi lễ là cuộc diễu hành trọng thể của các đơn vị.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #61 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:26:55 pm »

Duyệt binh xong, tư lệnh sư đoàn mở tiệc chiêu đãi, trong buổi chiêu đãi, Xê-mi-ôn Mi-khai-lô-vích và các chiến sĩ Hồng quân cũ đã kể lại các chuyện thời nội chiến, các cuộc hành quân chiến đấu và nhắc tới các anh hùng không còn sống cho đến ngày nay. Và lần này người kể chuyện hay nhất là thành viên kỳ cựu của sư đoàn, Va-xi-li Va-xi-h-ê-vích Nô-vi-cốp, trung đoàn trưởng trung đoàn cơ giới 4. Trí nhớ lạ lùng đã giúp cho đồng chí giữ được cả những chi tiết nhỏ nhất của đời sống chiến đấu.
Trong những năm sau, khi tôi còn chỉ huy sư đoàn, Xê-mi-ôn Mi-khai-lô-vích đã đến thăm sư đoàn 3 lần nữa và lần đến thăm nào cũng đều làm cho cán bộ và chiến sĩ vô cùng thích thú. Cần nói rằng X.M. Bu-đi-ôn-nưi biết chuyện trò với chiến sĩ và cán bộ. Đương nhiên là đồng chí không điều khiển các buổi học, các buổi tập trận hay các buổi diễn tập tham mưu của cán bộ và chiến sĩ. Nhưng không ai vì thế mà trách đồng chí cả.
Đồng chí tư lệnh Quân khu Bê-lô-ru-xi I.P. U-bô-rê-vích cũng đã đến thăm sư đoàn vài lần. Đồng chí là một chỉ huy quân sự Xô-viết chân chính, hoàn toàn nắm vững nghệ thuật chiến dịch - chiến thuật. Đồng chí đến các đơn vị lúc người ta ít chờ đợi nhất. Mỗi lần đồng chí đến thường mở đầu bằng lệnh báo động các trung đoàn và đều kết thúc bằng các buổi học chiến thuật hoặc bằng một buổi học tập chỉ huy.
Lần đầu tiên I.P. U-bô-rê-vích đến sư đoàn là trong năm 1934. Sau khi đã chào hỏi tôi xong, đồng chí nói rằng đồng chí đến để kiểm tra xem sư đoàn học tập ra sao. Tôi trả lời rằng tôi rất mừng, mặc dù, thành thật mà nói, tôi đang hồi hộp.
- Bây giờ cho đồng chí 4 tiếng đồng hồ, - I.P. U-bô-rê-vích nói. - Hãy cho trung đoàn kỵ binh 21 ra dã ngoại và trình bày xem sư đoàn đã đạt được kết quả gì. Khoa mục do đồng chí tùy ý lựa chọn. Tôi sẽ chờ người cán bộ giúp việc đồng chí tại phòng tham mưu sư đoàn bộ binh 4.
- Thời gian như vậy là ít, không đủ để tổ chức một cuộc tập chiến thuật, - tôi thử hỏi vặn lại - Thậm chí chúng tôi không kịp hướng dẫn cho các đạo diễn và chỉ định đơn vị làm “đối phương”.
- Đúng, thời gian không nhiều, - I.P. U-bô-rê-vích tán thành, - nhưng trong chiến đấu vẫn có thể xảy ra như thế.
Tôi hiểu rằng có phản đối nữa cũng là vô ích và cần phải hành động.
Sau khi dùng điện thoại chuyển đạt cho trung đoàn trường trung đoàn kỵ binh 21 I.N. Mu-dư-chen-cô khẩu lệnh tập báo động và vị trí xuất phát, tôi dựa vào bản đồ đọc một mệnh lệnh chiến thuật ngắn. Trong khi mệnh lệnh đang được đánh máy, tham mưu trưởng sư đoàn và một trợ lý tham mưu đã nhanh chóng chuẩn bị các bản đồ nhiệm vụ và đích thân mang tới trung đoàn 21 để thông giáo cho các cán bộ chỉ huy. Đúng thời gian quy định, tất cả đều đã sẵn sàng.
Đúng 4 tiếng đồng hồ sau, I.P. U-bô-rê-vích cùng với người cán bộ giúp việc của tôi phái đến đã đến thao trường tới vị trí xuất phát.
Chào hỏi trung đoàn trưởng trung đoàn 21 xong, đồng chí ra lệnh báo cáo tình huống và quyết tâm.
I N. Mu-dư-chen-cô đã báo cáo được quyết tâm của mình với I.P. U bô-rê-vích. Nhìn thấy tư lệnh mỉm cười, tôi hiểu rằng bước đầu của buổi tập đã làm đồng chí ưng ý.
- Chúng ta cùng đi ngựa theo dõi trung đoàn hành động, - đồng chí cười, nói.
Cuộc tập trận diễn ra trong 5 tiếng đồng hồ. Trong thời gian đó, đồng chí tư lệnh đã kịp đi kiểm tra tất cả các tiểu đoàn của trung đoàn đang hoạt động với tư cách làm “đội tiền tiêu của sư đoàn”. Đồng chí đã cưỡi ngựa vượt trên 80 km và khi rõ ràng là đã mệt, đồng chí hạ lệnh ngừng tập.
Sau khi nhận xét buổi tập xong, I.P. U-bô-rê-vích cảm ơn mọi người dự tập và sau đó, lúc chia tay với các đồng chí lãnh đạo sư đoàn, đã nói:
- Hãy huấn luyện các trung đoàn theo kiểu hiện đại. Chúc các đồng chí thành công. Tôi không thể nấn ná được, tôi vội đến biên giới quốc gia, nhưng tôi sẽ trở lại sư đoàn trước khi tập dã ngoại.
Mọi người đều hài lòng vì các kết quả của buổi tập và thành thật mà nói, cả vì I.P. U-bô-rê-vích không có thời gian để lưu lại sư đoàn lâu hơn nữa.
Tôi đã tham dự nhiều cuộc tập trận của quân khu. Nhưng thu nhận được những kinh nghiệm đặc biệt quý giá về mặt chiến dịch - chiến thuật là khi tôi tham dự các cuộc tập trận lớn của quân khu. Cần phải đánh giá đúng sự cống hiến của I.P. U-bô-rê-vích, của tham mưu trường quân khu B.I. Bô-brốp, trưởng ban quân huấn quân khu N.A. Su-mô-vích và của toàn thể các cơ quan quân khu bộ, các đồng chí đã biết tổ chức những buổi tập dã ngoại rất có ích, biết thành thạo phân định hành động của các bên diễn tập và nhận xét kết quả của buổi tập.
Đặc biệt in sâu vào trí nhớ tôi là cuộc tập trận năm 1936, và nói riêng cuộc vượt sông Bê-rê-đi-na. Chính trên con sông này, năm 1812, Na-pô-lê-ông đã chôn nốt tàn quân của mình trong lúc rút khỏi nước Nga.
Chúng tôi được tin đồng chí Ủy viên nhân dân quốc phòng K.E. Vô-rô-si-lốp và nhiều cán bộ quân sự khác cũng đến tham dự cuộc tập trận. Đương nhiên là trung đoàn nào, binh đoàn nào cũng mong chờ K.E. Vô-rô-si-lốp đến thăm đơn vị mình. Còn chúng tôi, những cán bộ của sư đoàn Cô-dắc sông Đông mang tên của đồng chí, chúng tôi cho rằng lẽ tự nhiên là đồng chí Ủy viên nhân dân sẽ đến thăm sư đoàn mình. Nhưng lúc nào? Chúng tôi mong muốn rằng đồng chí sẽ đến trong một ngày đẹp trời, khi toàn thể chúng tôi có vẻ vui hơn, đẹp đẽ hơn. Tiếc thay, như thường xảy ra vào mùa thu, trời cứ mưa sụt sùi, dai dẳng.
Sau khi đã tập trung các trung đoàn của sư đoàn ở vùng vượt sông và đã giấu quân chu đáo trong những khu rừng cách sông 4 - 5 km, chúng tôi triệu tập các đồng chí chỉ huy đến sở chỉ huy để trực tiếp chỉ thị về nhiệm vụ hợp đồng chiến thuật với các đơn vị bên cạnh sau khi vượt sông. Chúng tôi chưa kịp mở bản đồ thì một đoàn ô-tô đã chạy gần tới sở chỉ huy. K.E. Vô-rô-si-lốp, A.I. Ê-gô-rốp và I.P. U-bô-rê-vích từ chiếc xe đầu tiên bước xuống. Tôi trình diện với đồng chí Ủy viên nhân dân quốc phòng và báo cáo ngắn gọn về việc sư đoàn 4 đang chuẩn bị vượt sông và các trung đoàn trường đang có mặt tại đây để nhận những chỉ thị cuối cùng.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #62 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:27:14 pm »

- Được, - đồng chí Ủy viên nhân dân nói, - chúng tôi sẽ nghe những chỉ thị của đồng chí.
K.E. Vô-rô-si-lốp chú ý rất tỉ mỉ đến kỹ thuật cho xe tăng chạy qua quãng sông sâu quá chiều cao của xe tăng BT-5 để vượt sông. Sau khi đồng chí trung đoàn trưởng trung đoàn cơ giới đã báo cáo tỉ mỉ, đồng chí Ủy viên nhân dân nói với các trung đoàn trưởng và chính ủy trung đoàn mà đồng chí quen biết từ thời ở tập đoàn quân kỵ binh:
- Kỵ binh của chúng ta đã thay đổi biết bao? - Đồng chí nói, - trong thời gian nội chiến, chúng tôi cùng với Bu-đi-ôn-nưi chỉ có vài chiếc xe bọc thép cổ lỗ sĩ cho toàn tập đoàn quân kỵ binh, nhưng giờ đây mỗi sư đoàn kỵ binh đều có cả một trung đoàn xe tăng tuyệt diệu có khả năng lội qua những quãng sông, chướng ngại phức tạp. Này anh bạn cố tri ơi, anh nghĩ thế nào về xe tăng, - đồng chí Ủy viên nhân dân nói với Phê-đo Ya-cốp-lê-vích Cô-xten-cô - chúng có làm cho chúng ta lúng túng không? Có thể là ngựa lại đáng tin cậy hơn đấy.
- Không phải thế, Kli-men Ê-phrê-mô-vích ạ - Ph.Ya. Cô-xten-cô trả lời - chúng ta không quên ngựa, gươm kiếm và giáo mác. Thiết nghĩ rằng chôn vùi kỵ binh lúc này là quá sớm, kỵ binh còn phục vụ được cho Tổ quốc. Nhưng chúng ta phải thực sự quan tâm đến xe tăng, đó là một binh chủng cơ động mới.
- Thế còn đồng chí chính ủy nghĩ thế nào? - đồng chí Ủy viên nhân dân hỏi A.X. Din-chen-cô mà đồng chí cũng quen biết từ hồi ở tập đoàn quân kỵ binh I.
- Tôi nghĩ rằng Phê-đo Ya-cốp-lê-vích đã báo cáo đúng với đồng chí, - A.X. Din-chen-cô trả lời và nói thêm, - tôi sẽ là một chính ủy tồi hay nói cho đúng hơn, một chính ủy vô tích sự của trung đoàn cơ giới nếu tôi hoài nghi về tương lai rộng lớn của kỹ thuật xe tăng, xe bọc thép. Theo tôi, thì cần phải mạnh dạn hơn nữa trong việc phát triển bộ đội cơ giới, đặc biệt là các binh đoàn xe tăng mà chúng ta hiện đang có ít.
- A-lếch-xăn-đrơ I-lích, - K.E. Vô-rô-si-lốp nói với đồng chí Tổng tham mưu trưởng, - chúng ta không quấy rầy bộ tư lệnh sư đoàn nữa. Tôi xin chúc toàn thể các đồng chí thành công, chúng ta sẽ còn gặp nhau và sẽ nói chuyện với nhau nữa.
Chúng tôi hiểu rằng, đồng chí Ủy viên nhân dân sẽ đích thân theo dõi cuộc vượt sông, vì cả đoàn xe đã chuyển bánh về khu vực hoạt động sắp tới của sư đoàn chúng tôi. Sau khi pháo binh đã bắn chuẩn bị trong 30 phút, các đơn vị xung kích của các trung đoàn thuộc sư đoàn đã dàn hàng ngang tiến gần đến con sông. Một biên đội máy bay bay thấp dọc sông thả hỏa mù để che mắt “đối phương” không cho chúng thấy hoạt động của thê đội đổ bộ đầu tiên. Khi khói mù bắt đầu tan, các tiểu đoàn xung kích đã bám chắc được bờ sông bên kia. Đó đây vẳng lên tiếng hô “hu-ra”, tiếng súng máy và tiếng đại bác nổ giòn và khi khói mù đã tan hẳn, người ta thấy rõ 15 xe tăng của trung đoàn cơ giới đã rú máy ầm ầm nhô lên phía bờ của “đối phương”, rồi vừa chạy vừa bắn, nhanh chóng tiến gần tới các phân đội đang tấn công trên bàn đạp vừa chiếm được. Chẳng bao lâu sau, toàn bộ sư đoàn đã ở phía bờ bên kia và tiếp tục tiến quân thắng lợi sau khi đã quật đổ “đối phương”.
Trong buổi phân tích cuộc tập trận, đồng chí Ủy viên nhân dân đã đánh giá cao sư đoàn chúng tôi, khen ngợi sư đoàn đã tổ chức vượt sông tốt và khen ngợi tinh thần sáng tạo của các chiến sĩ xe tăng đã chạy vượt qua được một con sông sâu như sông Bê-rê-đi-na.
Tại các cuộc họp trung đoàn, chúng tôi đã kể lại cho chiến sĩ, hạ sĩ quan và cán bộ chỉ huy biết những nhận xét đó. Sau khi họp xong, họ còn tiếp tục cùng nhau trao đổi cảm tưởng về cuộc tập trận vừa qua chứ không chịu chia tay nhau về doanh trại ngay.
Sáng hôm sau có cuộc duyệt binh lớn. Trời tuyệt đẹp, mặt trời dường như đặc biệt sưởi ấm trái tim chúng tôi. Các đơn vị tham gia tập trận của quân khu, sau khi đã chỉnh đốn hàng ngũ, đang chờ lệnh “Nghiêm” để đón tiếp đồng chí Ủy viên nhân dân quốc phòng. Tôi thấy hình như các cán bộ chỉ huy các đơn vị thuộc sư đoàn kỵ binh 4 hồi hộp hơn ai hết. Nhưng không, bộ mặt của các chiến sĩ của các cán bộ chỉ huy đều phải bình thản, vững tin là mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả. Những ý nghĩ này đã bị cắt ngang bởi khẩu lệnh “Nghiêm! “, “Bên phải, quay!”. Đồng chí Ủy viên nhân dân quốc phòng đang tiến gần tới hàng quân.
Đồng chí tư lệnh quân khu I.P. U-bô-rê-vích báo cáo ngắn gọn và đồng chí Ủy viên nhân dân đi về phía các đơn vị. Việc thăm hỏi các đơn vị bộ binh đã kết thúc. Dàn nhạc sư đoàn dạo bài nhạc đón tiếp. Đồng chí Ủy viên nhân dân cưỡi ngựa ô phi nước đại dã chiến đến sư đoàn chúng tôi. Thoạt tiên K.E. Vô-rô-si-lốp dừng lại bên trung đoàn kỵ binh Ma-nứt-xki 19 mà đồng chí đã cùng với nó nhiều lần có mặt đi tiến công các trung đoàn bạch vệ và Ba Lan trắng.
- Chào mừng các đồng chí! - K.E. Vô-rô-si-lốp nói, giọng nồng nhiệt đặc biệt, mắt đưa nhìn khắp hàng quân.
Thăm sư đoàn 4 xong, đồng chí Ủy viên nhân dân cũng phi nước đại dã chiến tới thăm sư đoàn Cô-dắc Chôn-gác-xcai-a 4. Sư đoàn này cũng không kém phần nổi tiếng trong những năm nội chiến. Cùng với sư đoàn chúng tôi, nó đã chiến đấu giỏi dưới ngọn cờ của tập đoàn quân kỵ binh 1.
Sau đó, K.E. Vô-rô-si-lốp lên lễ đài, đọc diễn văn, trong đó đồng chí nói tóm tắt về đường lối và các biện pháp của Đảng trong công cuộc xây dựng chủ nghía xã hội, về tình hình quốc tế, về sự cần thiết củng cố lực lượng quốc phòng của nước ta và hoan nghênh các binh chủng đã hoàn thành thắng lợi cuộc tập trận mùa thu. Tiếp đó bộ binh diễu hành, rập bước theo tiếng quân nhạc hùng tráng. Sau bộ binh là kỵ binh.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #63 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:27:32 pm »

Thông thường, khi diễu binh, kỵ binh đi nước kiệu nhưng lần này chúng tôi đã vận động được đồng chí tư lệnh cho phép phi nước đại trường đua. Nhưng chẳng hiểu sao mà khi diễu qua lễ đài nước đại trường đua lại trở thành nước đại dã chiến, và khi đoàn xe có lắp súng máy tiến tới gần thì nước đại thường lại tăng lên thành nước đại nhanh. Tư lệnh quân đoàn X.K. Ti-mô-en-cô bắt đầu hồi hộp, đưa mắt nhìn về phía tôi, nhưng tôi cũng chẳng có thể làm gì được. Đoàn xe chạy vun vút như các mũi tên vừa bật ra khỏi nỏ. Chúng tôi chỉ ngại có một điều: nhỡ một chiếc xe nào đó long mất bánh, như đôi khi đã xảy ra trong các cuộc diễu binh, thậm chí trong các cuộc diễu binh ở Mát-xcơ-va thì thật là không may. Tôi nhìn lên đồng chí Ủy viên nhân dân và tôi yên lòng. Đồng chí Ủy viên nhân dân đang mỉm cười và vẫy tay chào mừng các chiến sĩ súng máy hiên ngang của sư đoàn.
Trong những năm sau, sư đoàn Cô-dắc sông Đông 4 vẫn dự đều các cuộc tập ngoài trời của quân khu. Sư đoàn đã lên đường đi tập là đều được chuẩn bị tốt và không lần nào sư đoàn không được bộ tư lệnh cấp trên hoan nghênh.
Tôi nhớ lại một trong những buổi tập trước khi đi tập ngoài trời. Buổi tập này diễn ra ở vùng thành phố Xlút-xcơ dưới sự lãnh đạo của tư lệnh I.P. U-bô-rê-vích và của tư lệnh phó quân khu X.K. Ti-mô-sen-cô. Khoa mục tập là “Một trận đánh gặp địch của sư đoàn bộ binh với sư đoàn kỵ binh”.
Hồi đó sư đoàn bộ binh đã được trang bị tốt rồi. Nếu mười năm về trước một sư đoàn bộ binh với 12.000 người trong biên chế chỉ có 54 đại bác, 189 đại liên và 81 trung liên, còn hoàn toàn không có xe tăng và pháo cao xạ thì một sư đoàn bộ binh năm 1935 với một quân số gần như vậy đã có 67 xe tăng, hàng trăm đại bác, 180 đại liên, trên 350 trung liên và 18 súng máy cao xạ.
Buổi tập bắt đầu trong một buổi sáng sớm tháng 9. Trời đẹp. Khí trời mát mẻ của mùa thu làm cho các chiến sĩ thêm sảng khoái, mọi người đều phấn khởi. Cán bộ và chiến sĩ đã được phổ biến về nhiệm vụ chiến thuật từ chiều hôm trước và trong đêm, các đơn vị thuộc sư đoàn đã chuẩn bị sẵn sàng cho buổi tập. Trong giai đoạn đầu, phải đánh chiếm và vượt qua một khe núi hẹp.
Cuộc tập trận này có một ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là đối với các đơn vị đi đầu, vì rằng bên kia vùng lầy lội là tuyến điểm cao quan trọng về mặt chiến thuật, từ các điểm cao này có thể quan sát rõ địa hình cả vùng. Chính vùng này bảo đảm có thể phân tán cả sư đoàn ra trên một chính diện rộng, đó là một điều luôn luôn cần có trong điều kiện chiến đấu gặp địch. Chúng tôi quyết định giao nhiệm vụ làm chi đội phái đi trước của sư đoàn kỵ binh cho một bộ phận lực lượng gồm có xe tăng hạng nhẹ, xe bọc thép, bộ binh cơ giới và pháo của trung đoàn cơ giới 4. Dựa vào sức cơ động của mình, đội này phải nhanh chóng chiếm và vượt qua khe núi rồi tiếp tục tiến đến các tuyến quan trọng nhất. Ngoài ra, chúng tôi còn phải nhanh chóng tiếp xúc với “đối phương” nữa.
Ở hai biên, cách không xa đường tiến quân, trên những địa hình kín đáo, chúng tôi cho các đội trinh sát kỵ binh nhỏ, lẻ hành quân. Ngay sau khi nhận được tín hiệu vô tuyến của đội tiền tiêu báo rằng các phân đội đi đầu đã vượt qua khe núi và đang tiến đến tuyến thứ nhất, chúng tôi liền phát tín hiệu vô tuyến ra lệnh cho chủ lực sư đoàn lập tức bắt đầu hành tiến từng thê đội một qua khe núi, nhằm tiến đến các khu vực xuất phát để đánh chiếm phòng tuyến cơ bản.
Hai tiếng đồng hồ sau, toàn bộ chủ lực của sư đoàn đã vượt qua được quãng đồng lầy và tiến vào hướng hành quân của mình. Lúc đó phòng tham mưu và bộ tư lệnh sư đoàn đang ở giữa các lực lượng chủ yếu. Các báo cáo của đội tiền quân chi đội phái đi trước và của các cơ quan trinh sát của nó cho biết rằng, trên hướng cơ bản có một đoàn quân gồm hai trung đoàn cùng pháo binh đang tiến về phía sư đoàn chúng tôi. Ngoài ra có một đoàn quân độc lập nữa gồm một trung đoàn có pháo binh tăng cường cũng đang tiến theo hướng đoàn quân nói trên. Trinh sát của “đối phương” đi trước đội tiền quân độ 6 - 8 km. Nhưng thấy không có máy bay trinh sát của họ hoạt động, chúng tôi tin là “đối phương” vẫn chưa phát hiện thấy đơn vị chúng tôi trên đường tiến quân.
Một cách bất ngờ như mọi khi, đồng chí tư lệnh quân đoàn hạng nhất I.P. U-bô-rê-vích đã cùng X.K. Ti-mô-sen-cô đến phòng tham mưu.
- Đồng chí được biết những gì về “đối phương”? Các trung đoàn thuộc sư đoàn đồng chí ở đâu? - Đồng chí hỏi.
Tôi lấy bản đồ của mình ra và chỉ rõ nơi có các đơn vị của “đối phương” và báo cáo các đơn vị của sư đoàn tôi đang ở đâu, thuộc cánh quân nào và cả quyết tâm của tôi nữa. I.P. U-bô-rê-vích yêu cầu tôi chỉ và đánh dấu vào bản đồ của đồng chí khu vực mà tôi định tấn công “đối phương” và hướng tấn công của các trung đoàn.
- Đó là quyết tâm sơ bộ, nếu như tình hình không có những thay đổi quan trọng, - tôi nói.
Qua nét mặt của X.K. Ti-mô-sen-cô, tôi hiểu rằng mình đã xử lý đúng. Điều đó làm cho tôi thêm tin tưởng.
- Đồng chí sẽ truyền mệnh lệnh của mình đến các trung đoàn như thế nào và chính bản thân đồng chí sẽ ở đâu lúc tiếp cận và bắt đầu trận đánh? - I.P. U-bô-rê-vích hỏi.
Tôi trả lời:
- Đồng chí trưởng ban tác chiến Ác-khi-pốp sẽ đến cánh bên phải là trung đoàn kỵ binh 20, trung đoàn này có nhiệm vụ kiềm chế “đối phương”. Trung đoàn kỵ binh 19 được tăng cường thêm một tiểu đoàn pháo và một đại đội xe tăng sẽ đánh vào chính diện chủ lực của “đối phương”. Đồng chí tư lệnh phó sư đoàn, lữ đoàn trưởng Đrây-e sẽ truyền mệnh lệnh của tôi đến đó. Còn chủ lực của sư đoàn làm nhiệm vụ vòng qua phía sườn của “đối phương” và tấn công chúng từ phía sau, thì do chính tôi truyền lệnh. Tôi sẽ ở đó cho đến lúc kết thúc trận đánh. Bây giờ trong khi các phái viên của tôi đang đi đến các đơn vị, tôi sẽ truyền đạt những mệnh lệnh ngắn bằng vô tuyến điện thoại.
- Tôi chúc các đồng chí thành công - I.P. U-bô-rê-vích nói, rồi cùng với X.K. Ti-mô-sen-cô lên ô-tô đi về phía “đối phương”.
Đúng như chúng tôi đã trù tính, các trung đoàn kỵ binh 19 và 20 đã từ phía chính diện bắt đầu giao chiến ác liệt với “đối phương” đang tiến lại gần họ, điều này đã làm cho chủ lực của chúng tôi dễ nắm được tình hình hơn.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #64 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:27:55 pm »

Nhưng “đối phương” của chúng tôi mới vô ý làm sao? Chúng tôi đã vòng qua phía sườn của họ và chủ lực của chúng tôi đã triển khai ở sau lưng họ rồi mà họ chẳng phát hiện ra chúng tôi gì cả.
Dừng lại trên một trong các điểm cao, chúng tôi nhìn thấy một trung đoàn bộ binh của “đối phương” đã triển khai chính diện về phía tây và đang giao chiến với trung đoàn kỵ binh 19 của chúng tôi. Trung đoàn 19 đã chiếm được một tuyến hỏa lực rất tốt. Một trung đoàn khác đang tiến vòng qua ruộng, rõ ràng là nhằm mục đích đánh tạt sườn trung đoàn kỵ binh 19 mà “đối phương” cho là cánh quân chủ yếu của chúng tôi.
Lúc đó, xe tăng của chúng tôi đã triển khai thành đội hình chiến đấu từ phía sau rừng tiến ra, chủ lực của sư đoàn theo đội hình chuẩn bị chiến đấu tiến theo xe tăng. Xe tăng và pháo binh bắt đầu nổ súng xối xả như bão táp. Và sau đó vang lên hàng ngàn tiếng hô “xung phong”. Như thường xảy ra trong một trận đánh gặp địch, cái gì đã diễn ra tiếp theo thì khó mà biết được.
Vậy cái gì đã vẫn cứ xảy ra? Bên nào đã cơ động giỏi hơn, đã triển khai nhanh hơn và đã giáng cho đối phương những đòn thành công hơn? Chúng tôi chỉ biết được về những vấn đề này trong cuộc họp ngay trên thao trường để nhận xét về cuộc tập trận. Đồng chí tư lệnh I.P. U-bô-rê-vích đích thân điều khiển cuộc họp này.
Sau khi đã vạch ra một loạt thiếu sót nghiêm trọng trong hành động của sư đoàn bộ binh 4, I.P. U-bô-rê-vích nói rằng sư đoàn kỵ binh 4 đã gây cho đồng chí một ấn tượng tốt.
Những người kỵ binh chúng tôi khoan khoái nghe những lời khen ngợi của đồng chí tư lệnh nhưng đồng thời chúng tôi cũng không hoàn toàn vui trước sự thất lợi của sư đoàn bộ binh 4 vì chúng tôi ở trong cùng một quân khu và rất thân thiết với nhau.
Trong các cuộc tập dã ngoại khác, bộ tư lệnh sư đoàn bộ binh 4 lại không gặp may. Cùng với các sư đoàn khác, sư đoàn này lại bị bao vây ở vùng Trô-xti-a-nét (cách Min-xcơ không xa). Nhưng đó mới chỉ là nửa tai họa, cái chính là sư đoàn hoàn toàn không biết làm thế nào để thoát ra khỏi vòng vây. Và, lần này nữa, “đối phương” chủ yếu của sư đoàn, cũng như trong cuộc tập ở vùng Xlút-xcơ, vẫn là sư đoàn kỵ binh 4 chúng tôi.
Thoát vây có lẽ là một cách đánh khó khăn và phức tạp nhất trong các hoạt động chiến đấu. Để nhanh chóng chọc thủng được trận tuyến của đối phương, người chỉ huy cần phải có nghệ thuật cao, có ý chí kiên quyết, có khả năng tổ chức và đặc biệt là có khả năng điều khiển quân chính xác.
Bí mật chuyển các đơn vị đến khu vực định phá vây, đột phá mạnh bằng hỏa lực và không quân, chớp nhoáng đánh vào đội hình chiến đấu của đối phương, tung hỏa mù làm cho pháo của đối phương không thể quan sát được, đó là những cái bảo đảm cho các đơn vị bị bao vây chọc thủng được vòng vây và thoát ra một cách thắng lợi. Tiếc thay, bộ tư lệnh sư đoàn đã không thể tổ chức được các hành động như vậy. Lần cuối I.P. U-bô-rê-vích đến kiểm tra sư đoàn chúng tôi là trong năm 1936.
Nhờ có sự cố gắng của toàn thể cán bộ và chiến sĩ, tình hình sư đoàn đã rất tốt. Về công tác giáo dục chính trị, về kỷ luật, về tính tổ chức, về trình độ thường xuyên sẵn sàng chiến đấu, sư đoàn đã nhận được toàn là điểm “khá” và “giỏi”. Là người luôn luôn thận trọng trong việc khen thưởng, đồng chí tư lệnh đã nhiệt liệt hoan nghênh các cán bộ, chiến sĩ và đã trao những tặng phẩm rất quý cho nhiều người.
Năm 1937, I.P. Bê-lốp được cử làm tư lệnh Quân khu Bê-lô-ru-xi.
Nhìn về trước, tôi phải nói rằng tư lệnh tập đoàn quân hạng nhất I.P. U-bô-rê-vích là người tư lệnh quân khu ưu tú nhất. Trong số các tư lệnh không ai có nhiều cống hiến vào việc huấn luyện chiến dịch - chiến thuật cho cán bộ chỉ huy và cơ quan tham mưu binh đoàn bằng I.P. U-bô-rê-vích và phòng tham mưu quân khu dưới sự lãnh đạo của đồng chí.
Tôi làm tư lệnh sư đoàn hơn 4 năm và trong toàn bộ thời gian ấy tôi đã nuôi một ý nghí là làm cho sư đoàn mình trở thành sư đoàn ưu tú nhất trong hàng ngũ Hồng quân, sư đoàn tiên tiến nhất. Tôi đã dành nhiều công sức, nghị lực và lao động cho việc huấn luyện sư đoàn để kéo nó ra khỏi cảnh sa sút, huấn luyện cho các cán bộ chỉ huy và cơ quan tham mưu về nghệ thuật chiến thuật hiện đại, nghệ thuật tổ chức và những phương pháp chỉ huy các phân đội, các trung đoàn và sư đoàn.
Tôi không ngần ngại khẳng định rằng hồi đó chúng tôi đã làm tất cả những cái cần làm. Về phía chúng tôi đã có những khuyết điểm, sai lầm và thiếu sót nhưng với một lương tâm tỉnh táo, tôi có thể nói rằng trong việc huấn luyện sư đoàn, các cán bộ chỉ huy và cán bộ chính trị hồi đó không thể làm được gì nhiều hơn nữa, vì tất cả những gì mà họ có thì họ đã đem ra cống hiến hết rồi.
Nói chung sinh hoạt của quân đội trong những năm 1929 – 1936 gắn liền trước hết với công cuộc thực hiện chương trình Lê-nin-nít xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở phát triển kinh tế của đất nước, trên cơ sở những thắng lợi của khoa học và kỹ thuật, lục quân, không quân và hạm đội đã có đầy đủ vũ khí mới, cơ cấu tổ chức của các quân binh chủng đã được hoàn thiện, việc huấn luyện kỹ thuật cho cán bộ đã được mở rộng. Việc tăng cường tình đoàn kết nhất trí của nhân dân về mặt chính trị, xã hội và tư tưởng do có thắng lợi của chủ nghĩa xã hội đưa lại, tình hữu nghị bền vững của các dân tộc Liên Xô, địa vị thống soái của thế giới quan duy vật những yếu tố đó đã ảnh hưởng tốt đến việc giáo dục tinh thần yêu nước cho quân đội.
Trong chương này và chương trên, không phải ngẫu nhiên mà tôi đã nói đến nhiều cuộc diễn tập và tập ngoài trời khác nhau. Nguyên do vì nhiệm vụ chủ yếu trong những năm đó là thực hiện đường lối làm cho quân đội thực sự nắm vững được kỹ thuật mới, nắm vững tất cả các cách đánh khá phức tạp trong nghệ thuật quân sự.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #65 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:28:15 pm »

Hội đồng quân sự cách mạng Liên xô, các cơ quan ở trung ương và ở quân khu thuộc Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng, các cán bộ cao cấp, trung cấp và sơ cấp, các cơ quan chính trị, các tổ chức Đảng và Đoàn thanh niên Cộng sản, các chiến sĩ trong tất cả các quân chủng, binh chủng đều kiên trì và tôi có thể nói, đều say mê, nhiệt tình chấp hành những nhiệm vụ mà Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản (b) toàn Liên bang và Hội đồng Ủy viên nhân dân đề ra trong phong trào nắm vững kỹ thuật mới và nắm vững chiến thuật đang cải tiến do có kỹ thuật mới. Nhiều chiến sĩ lái máy bay đã nắm vững rất xuất sắc nghiệp vụ của không quân, hàng ngàn người ưu tú trong học tập quân sự và chính trị đã xuất hiện trong các binh chủng lục quân.
Đương nhiên, không phải ở đâu công việc cũng trôi chảy tốt đẹp như nhau. Trong một loạt trường hợp, cán bộ và chiến sĩ đã tỏ ra về kỹ năng quân sự chưa đủ đáp ứng với những hoàn cảnh phức tạp công tác chỉ huy còn khập khiễng trong nhiều đơn vị, có nhiều
cơ quan tham mưu chưa thành thạo trong việc tổ chức nhanh chóng và chính xác sự hiệp đồng tác chiến của các binh chủng khác nhau. Nhưng, nói chung, do kiên trì làm công tác cán bộ trong những năm cuối nên đã tạo được một bước ngoặt trong việc làm cho các cán bộ chỉ huy, các cơ quan tham mưu và các binh chủng nắm chắc được nghệ thuật quân sự.
Rất tiêu biểu về mặt này là cuộc tập ngoài trời mùa thu năm 1936 tổ chức trong Quân khu Bê-lô-ru-xi chúng tôi nhằm kiểm tra tình hình huấn luyện quân sự mùa hè của các binh chủng. Nhiều binh đoàn lớn, được trang bị đầy đủ kỹ thuật, đã tham gia cuộc tập trận này. Các cán bộ chỉ huy và các đơn vị nói chung đã tỏ ra có bản lĩnh tiến hành chiến đấu hiệp đồng của tất cả các binh chủng trong những điều kiện tình huống thay đổi mau lẹ. Những cuộc diễn tập và tập ngoài trời này cùng nhiều cuộc diễn tập và tập ngoài trời khác đã xác nhận sức mạnh đang lên của Hồng quân và xác nhận rằng Hồng quân đang trở thành một quân đội loại nhất.
Sau khi tôi đi nhận một chức vụ mới thì trung đoàn trưởng trung đoàn kỵ binh 21 I-van Ni-cô-lai-ê-vích Mu-dư-chen-cô lên phụ trách chỉ huy sư đoàn.
Từ đó đến nay trên 30 năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn còn giữ được nhiều ký ức tốt đẹp nhất về các cán bộ quân sự, chính trị và các chiến sĩ trong hàng ngũ sư đoàn Cô-dắc sông Đông 4.
---
[1] Ở dưới đây sẽ nói nhiều cấp khác nhau trong bộ máy lãnh đạo quân sự của Liên Xô, tôi xin nêu một số tình hình như sau:
Sau khi Mi-kha-in Va-xi-li-ê-vích Phơ-run-dê mất năm 1925 (lúc đồng chí 40 tuổi), K.E. Vô-rô-si-lốp được cử làm Ủy viên nhân dân phụ trách Quân đội và Hạm đội đồng thời làm Chủ tịch Hội đồng quân sự cách mạng Liên Xô (Hội đồng quân sự cách mạng Liên Xô hoạt động như một tập thể phụ trách Bộ Ủy viên nhân dân).
Trong Hội đồng các Ủy viên nhân dân có Ủy ban quốc phòng thường trực do V. M. Mô-lô-tốp đứng đầu. Ủy ban này nghiên cứu trước và vạch ra những vấn đề cơ bản có tính nguyên tắc trong việc xây dựng các lực lượng vũ trang và trong công cuộc phát triển quốc phòng của Liên Xô, để rồi đưa những vấn đề này ra thảo luận và quyết định, theo nguyên tắc pháp lý, tại Ủy ban Lao động và Quốc phòng.
Kinh nghiệm chỉ rõ rằng, Ủy ban quốc phòng và Hội đồng Quân sự cách mạng Liên Xô làm trùng công việc của nhau, nên năm 1934, Hội đồng quân sự cách mạng giải thể, còn Bộ Ủy viên nhân dân phụ trách Quân đội và Hạm đội đội tên thành Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng. Lúc đó một cơ quan tư vấn trực thuộc Bộ này đã được thành lập lấy tên là Hội đồng quân sự, những quyết định của Hội đồng này đều do Ủy viên nhân dân phê chuẩn và được thực hiện theo lệnh của Ủy viên nhân dân.
Năm 1937, Hội đồng các Ủy viên nhân dân giải thể Ủy ban Lao động và Quốc phòng và cải tổ Ủy ban quốc phòng trực thuộc Hội đồng các Ủy viên nhân dân Liên Xô thành Hội đồng quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng vẫn là V.M. Mô-lô-tốp, các ủy viên là I.V. Xta-lin, K.E. Vô-rô-si-lốp và nhiều đồng chí khác. Cùng trong thời gian này đã thành lập Bộ Ủy viên nhân dân Hải quân toàn Liên bang. P.A. Xmiếc-nốp được cử làm Ủy viên nhân dân phụ trách cơ quan này.
Năm 1938, thành lập Tổng Hội đồng quân sự của Hồng quân công nông trực thuộc Ủy viên nhân dân quốc phòng. Tham gia Tổng Hội đồng có K.E. Vô-rô-si-lốp (chủ tịch), V.K. Bliu- khe, X.M. Bu-đi-ôn-nưi, G.I. Cu-lích, L.Đ. Mê-khơ-lit, I.V. Xta-lin, I.Ph. Phê-đơ-cô, B.M. Sa-pô-sni-cốp, E.A. Sa-đem-cô. Đồng thời thành lập Tổng Hội đồng quân sự Hải quân gồm P.A. Xmiếc-nốp (chủ tịch), L.M. Ga-le-rơ, A.A. Giơ-đa-nốp. I.X. Xa-cốp, N.G. Cu-dơ nét-xốp, G.I. Lép-chen-cô và nhiều đồng chí khác nữa. Các Tổng Hội đồng quân sự của hai cơ quan Dân ủy trên nghiên cứu những vấn đề cơ bản để củng cố khả năng quốc phòng của Liên Xô và để xây dựng quân đội và hạm đội.
Các Hội đồng quân sự cũng đã được thành lập ở các quân khu, các hạm đội và các tập đoàn quân. Các hội đồng này trực tiếp đặt dưới quyền điều khiển của Ủy viên nhân dân quốc phòng Liên Xô.- TG
[2] Việc hoàn thành kế hoạch này đã đem lại cho Quân đội và Hạm đội nhiều thứ. Nhưng vấn đề trang bị lạ i kỹ thuật một cách cơ bản vẫn còn đặt ra trước mắt. Để làm được việc này cần nhiều tài nguyên, vật chất và phải có khả năng sản xuất to lớn của cả nước. - TG
[3] Theo đúng nghĩa của từ này trong thuật ngữ quân sự trước đây - ND.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #66 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:28:52 pm »

Chương 6
CHỈ HUY QUÂN ĐOÀN KỴ BINH 3
VÀ QUÂN ĐOÀN CÔ-DẮC 6

Năm 1937. Hai mươi năm tồn tại chính quyền Xô-viết, 20 năm chiến đấu gian khổ và chiến thắng vẻ vang, sự phát triển kinh tế, văn hóa, những thành quả đạt được trong hết thảy mọi lĩnh vực xây dựng chủ nghĩa xã hội, tất cả những cái đó đã chứng minh cho sự vĩ đại của những từ Cách mạng tháng Mười.
Chúng ta đã làm được nhiều việc, nhiều việc chưa từng thấy trong một thời kỳ lịch sử ngắn như vậy. Trước lúc bắt đầu công nghiệp hóa, trình độ kỹ thuật của đất nước ta kém Anh 4 lần, Đức 5 lần và Mỹ 10 lần. Trong thời gian kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1929 - 1932) và kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1933 - 1937) đã sản sinh ra nhiều ngành công nghiệp mới; ngành luyện kim đen và màu, ngành hóa chất, khai thác năng lượng, chế tạo máy đã vượt xa lên phía trước. Tổng sản lượng công nghiệp của Liên Xô trong năm 1937 so với năm 1929 tăng gấp 4 lần, và nếu như so sánh với năm 1913, năm trước chiến tranh, thì tổng sản lượng sản xuất của ngành chế tạo máy và luyện kim tăng 35 lần.
Trong các kế hoạch 5 năm trước chiến tranh đã xây dựng khoảng 9.000 xí nghiệp công nghiệp lớn, đã lập nên cơ sở công nghiệp mới vững mạnh ở phía đông đất nước rất có lợi cho chúng ta trong những năm Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Về khối lượng sản xuất công nghiệp, về trang bị kỹ thuật cho những xí nghiệp mới được xây dựng, Liên Xô đã đứng hàng đầu ở châu Âu và đứng hàng thứ hai trên thế giới.
Ngày nay khi nói những chuyện tương tự với lớp người trẻ, ta thấy các con số và tài liệu này không làm cho họ xúc động mấy. Có lẽ trong một mức độ nào đấy, đó là một lẽ đương nhiên vì thời gian đã khác quy mô lại mới, những lo nghĩ và nhu cầu cũng đã khác xưa. Nhiều việc đã làm xong, nhiều việc nay đã sẵn sàng, những nấc thang ban đầu chúng ta đã bước đi nay không nhìn thấy nữa. Nhưng, với lớp người ngày nay ở lứa tuổi 50, và nhất là đối với chúng tôi, đã trải qua những năm trước cách mạng, thì những con số ấy chứa đựng nhiều ý nghĩa. Chúng tôi đã nghiên cứu, đã nhập tâm, đã tự hào về những con số ấy. Có lẽ , trước mắt là vì trong những con số đó chính có cuộc sống của chúng tôi, trong những con số đó bao hàm lao động của chúng tôi, lao động có khi quên mình và lúc nào cũng với một niềm tin sắt đá, nhiệt thành rằng, những cố gắng ấy sẽ đem lại lợi ích chung.
Tôi không có tham vọng nói về đạo đức, không muốn chê trách lớp trẻ ngày nay, mặc dầu cái đó hiện nay quá hợp thời. Tôi chỉ muốn nói một điều: thế hệ trẻ cần hiểu thời kỳ xa xưa trước đây, chỉ hiểu bằng lý trí chứ không phải bằng con tim như chúng tôi rằng, nhịp độ phát triển trước chiến tranh là một bằng chứng cực kỳ vĩ đại cho sự tiến bộ của chế độ ta, rằng các nhà viết sử, các nhà xã hội học, triết học, các nhà báo rồi sẽ còn trở lại nhiều lần với những thời kỳ đó để mô tả và nghiên cứu những bí ẩn, những chiếc lò-so gây ra sức bật lên phía trước mạnh như thế cho một chế độ xã hội mới.
Thế là cơ sở quốc phòng hùng mạnh của đất nước đã được xây dựng. Quân đội ta, sau cuộc cải cách kỹ thuật tiến hành trong những kế hoạch năm năm trước chiến tranh, ra sao?
Nói chung, quân đội ta từ một quân đội còn lạc hậu về kỹ thuật đã trở thành một quân đội tiên tiến, hiện đại. So sánh về mặt quân chủng, binh chủng, về cơ cấu tổ chức và trang bị kỹ thuật, quân đội ta đã đạt trình độ của quân đội các nước tư bản phát triển. hàng chục, hàng trăm xí nghiệp quốc phòng đã được xây dựng nên. Chúng tôi còn nhớ, sau cuộc nội chiến, đất nước không có những công xưởng chuyên sản xuất xe tăng, máy bay, động cơ máy bay, các cỡ pháo có uy lực mạnh, những phương tiện thông tin vô tuyến và các loại binh khí kỹ thuật hiện đại khác. Hầu như phải bắt đầu tất cả trên một bãi hoang. Do chỗ tình hình quốc tế phức tạp, có nguy cơ bị các nước đế quốc xâm lược, nên trong thời kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và lần thứ hai, Đảng đã quy định nhịp độ phát triển công nghiệp quốc phòng phải cao hơn mọi ngành công nghiệp khác. Một nhiệm vụ đặt ra trước các nhà bác học, kỹ sư, những người sáng chế, phát minh là phải chế tạo ra những kiểu vũ khí và dụng cụ chiến tranh không thua kém nước ngoài, mà tính năng chiến đấu có thể còn ưu việt hơn của nước ngoài. Thực tế trong từng quân chủng, binh chủng đã lập nên những phòng kỹ thuật quân sự, phòng thí nghiệm và những viện nghiên cứu khoa học, sản sinh ra hàng chục tập thể những người chế tạo có tài năng, hăng hái bắt tay vào công việc.
Phương hướng cơ bản phát triển vũ khí của bộ binh là làm cho cơ cấu thì đơn giản, trọng lượng giảm bớt mà xạ tốc lại tăng hơn. Khẩu súng trường Nga nổi tiếng do đại úy Mô-xin trong quân đội Nga chế tạo đã được cải tiến. Đã sản xuất hàng loạt súng trường tự động của S.G. Xi-mô-nốp (kiểu năm 1936), carbin (kiểu năm 1932), trung liên của V.A. Déc-ti-a-rép và những súng máy đặt trên xe tăng, súng máy cao xạ, súng máy đặt trong máy bay chế tạo dựa trên cơ sở trung liên của Déc-ti-a-rép. Năm 1938, đã trang bị khẩu trọng liên đầu tiên của nước ta của Déc-ti-a-rép - Spa-ghin có tính năng chiến đấu rất ưu việt. Năm 1939, quân đội tiếp nhận đại liên kiểu mới của V.A. Déc-ti-a-rép.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #67 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:29:06 pm »

Quân đội rất thích loại súng lục liên thanh bắn bằng đạn súng lục của V.A. Déc-ti-a-rép (P.P.D.) và đặc biệt là kiểu mẫu thiết kế thật mới của G.S. Spa-gin (P.P.S.). Từ năm 1930 - 1931 đến hết năm 1938, súng trường sản xuất tăng từ 174.000 lên tới 1.174.000 khẩu, súng máy - khoảng từ 41.000 lên tới 74.500 khẩu. Căn cứ vào số lượng trung liên và đại liên trang bị cho quân đội, và căn cứ cả vào số đạn sản xuất tính theo từng phút cho từng người chiến sĩ, thì đến cuối kế hoạch 5 năm lần thứ hai, Hồng quân đã vượt quân đội các nước tư bản trong thời kỳ đó.
Sản xuất xe tăng cũng tăng nhanh. Trong thời gian kế hoạch 5 năm lần thứ nhất sản xuất được 5.000 chiếc, đến cuối kế hoạch 5 năm lần thứ hai quân đội đã có 15.000 chiếc (trong đó có chừng 12.000 xe tăng các kiểu cơ bản). Tất cả những chiếc xe ấy có đặc điểm là hỏa lực mạnh, chạy nhanh. Thời gian đó, đối phương của chúng ta chưa có những loại xe tăng có tính năng chiến đấu tương tự. Thật ra thì xe tăng cũng vẫn còn kém cơ động, dễ bị pháo bắn. Tính năng kỹ thuật và tinh năng chiến đấu của xe tăng vẫn còn ở mức thấp, rất hay trục trặc; vì chạy bằng dầu xăng, nên dễ bị bốc cháy và vỏ thép chưa được bền vững.
Sản xuất xe tăng hàng năm từ 740 chiếc trong những năm 1930 - 1931 đã lên tới 2.271 chiếc trong năm 1938.
Sự say mê đối với xe tăng trong một chừng mực nào đã gây ra tâm trạng xem nhẹ pháo binh. Thậm chí có một vài nhà hoạt động quân sự đã nghĩ là nên chuyển pháo nòng dài thành pháo vạn năng và bán vạn năng[1]. Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản (b) toàn Liên bang đã chú ý tới khuynh hướng sai lầm ấy, vạch ra mối tương quan đúng đắn giữa pháo nòng dài và lựu pháo. Từ cuối năm 1937, một số nhà máy chế tạo máy chuyển sang sản xuất kỹ thuật pháo mới, công suất những máy ấy tăng rất nhiều. Trong những năm 1930 - 1931 sản xuất hàng năm được 2.000 khẩu, trong năm 1938 - hơn 12.500. Năm 1937 chế tạo được lựu pháo và pháo nòng dài 152 mm, cải tiến pháo nòng dài 122 mm, năm 1938 sản xuất ra lựu pháo 122 mm.
Tất cả những loại pháo ấy cũng đều là pháo tốt. Ví như, pháo chống tăng 45 mm kiểu năm 1937 có thể xuyên thủng vỏ thép các loại xe tăng trang bị trong thời gian đó của các nước tư bản.
Đến đầu năm 1939, số lượng pháo trong quân đội từ 17.000 (năm 1934) tăng lên tới 56.000. Song, một số kiểu pháo cũ đã lỗi thời vẫn còn được sử dụng trong một thời gian khá lâu, vì lúc đó chưa thể giải quyết được nhiệm vụ trang bị pháo binh hàng loạt.
Trong thời gian kế hoạch 5 năm lần thứ hai, bộ binh nhận được súng cối cỡ 50 mm. Súng cối 82 mm và 120 mm của nhà sáng chế rất có tài năng B.I. Sa-vư-rin, đã được sản xuất ra từ lâu trước chiến tranh. Sau này, quân đội mới chính thức được trang bị súng cối.
Cải cách kỹ thuật đã làm thay đổi bộ mặt của không quân ta. Ngành công nghiệp hàng không đã sản xuất hàng loạt các kiểu máy bay khác nhau của nước nhà. Các phi công quân đội nhận được những máy bay ném bom XB bay nhanh có hai động cơ, máy bay ném bom hạng nặng TB-3, những máy bay ném bom hoạt động tầm xa, máy bay tiêm kích I-15, và I-16 cơ động nhanh.
Ai mà chẳng nhớ đến những chuyến bay thần thoại của M. Grô-mốp, V. Chơ-ca-lốp, V. Cốc-ki-na-ki? Các chuyến bay đó đã được tiến hành bằng những máy bay của nước ta. Năm 1937, các phi công chúng ta đã giành được chừng 30 kỷ lục quốc tế về bay xa, bay cao và bay nhanh. Trong những năm ấy, trình độ kỹ thuật của ngành hàng không Liên Xô không thua kém nước ngoài. Tiếc là lúc đó khả năng kinh tế chưa cho phép ta chuyển sang sản xuất hàng loạt những kiểu máy bay nổi tiếng ấy. Còn nói về số lượng, thì ngành công nghiệp hàng không đã đáp ứng được yêu cầu của thời đại, đã sản xuất ra trong năm 1938 được 5.500 máy bay, so với năm 1930 chỉ sản xuất được 860 chiếc.
Những thành tựu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa cho phép tăng nhanh trình độ kỹ thuật và khả năng chiến đấu của Hải quân. Từ năm 1929 đến năm 1937 đã đóng được 500 tàu chiến và tàu bổ trợ các loại mới. Theo sáng kiến của Ban chấp hành trung ương Đảng, năm 1932 đã thành lập ra hạm đội Thái Bình Dương, năm 1933 - hải đoàn phía bắc; củng cố các giang đoàn Ca-xpiên, A-mua, Đơ-nép. Mở rộng việc đóng những tàu lớn cho hạm đội hoạt động ở các đại dương, sản xuất hàng loạt tàu ngầm kiểu K, L, S, X, và các xuồng phóng lôi, khu trục hạm, tuần dương hạm hạng nhẹ kiểu “Ki-rốp”, “Cha-pa-ép”; thành lập các đại đội pháo bờ biển, củng cố không quân của hạm đội. Cuối năm 1937, thành lập Bộ Ủy viên nhân dân công nghiệp đóng tàu, đặt kế hoạch xây dựng một hạm đội lớn cho
kế hoạch 5 năm sau.
Sau khi quân đội và hạm đội đã được trang bị kỹ thuật lại rồi, thì đương nhiên phải chuyển hệ thống quân chính quy và quân địa phương hỗn hợp sang nguyên tắc duy nhất là xây dựng những lực lượng vũ trang chính quy. Đó cũng là một điều hợp với logic. Kỹ thuật quân sự mới làm thay đổi về cơ bản những phương pháp tiến hành chiến tranh, đề ra những nhiệm vụ độc đáo và phức tạp trong việc sử dụng các quân chủng, binh chủng và tổ chức hiệp đồng trong các trận đánh. Những lớp tập huấn ngắn ngày không đủ; đòi hỏi phải huấn luyện lâu, liên tục và có hệ thống hơn. Khả năng kinh tế cũng cho phép thực hiện việc chuyển biến đó (vì tổ chức quân đội chính quy tốn kém nhiều hơn).
Bộ Chính trị Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản (b) toàn Liên bang và Chính phủ đã đồng ý và phê chuẩn những đề nghị của Hội đồng quân sự cách mạng Liên Xô về việc tăng nhanh số lượng các sư đoàn chính quy và tăng cường những nhân tố chính quy trong các sư đoàn quân địa phương còn lại. Tiến trình ấy sẽ làm cho quân số Hồng quân tăng lên. Trong năm 1933, Hồng quân có 88,5 vạn người, nhưng đến năm 1937 đã có hơn 1,5 triệu. Số sư đoàn chính quy tăng gấp 10 lần, đến năm 1939 thì hoàn thành việc chuyển sang hệ thống tuyển mộ và tổ chức quân đội chính quy. Đến cuối năm 1938, những sư đoàn bộ binh của các quân khu biên giới hầu như hoàn toàn chuyển sang hệ thống chính quy.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #68 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:29:28 pm »

Chúng ta cần phải thường xuyên sẵn sàng chiến đấu. Các nước đế quốc chính đang bắt đầu phát triển quân đội đông đảo, càng ngày càng tung nhiều tiền vào việc chuẩn bị một cuộc chiến tranh mới. Tỉ lệ chi phí cho chiến tranh trong ngân sách nước Nhật trong thời kỳ từ năm 1934 đến cuối năm 1938 tăng từ 34% lên tới 70%, nước Ý từ 20% lên tới 52%, nước Đức tăng hơn 3 lần, từ 21% tới 61%.
Trong năm 1935, phát-xít Ý đánh chiếm A-bi-xi-ni, năm 1936, Đức và Ý mở rộng can thiệp chống nước Cộng hòa Tây Ban Nha. Đã bắt đầu có những trận đánh lớn, nhỏ không chỉ ở mức những nước này chống lại nước kia, mà là ở trên một quy mô rộng lớn - những lực lượng phản động và phát-xít chống lại những lực lượng dân chủ và xã hội chủ nghía.
Những người ngày nay tuổi trên 50 hẳn còn nhớ rõ là, thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình, chúng ta đã giúp đỡ cho chính phủ hợp pháp và nhân dân nước Cộng hòa Tây Ban Nha tất cả những gì có thể: vũ khí, lương thực, thuốc men. Các chiến sĩ phi công, xe tăng, pháo binh, những người lính bình thường và cả những chỉ huy quân sự lỗi lạc bừng sôi bầu nhiệt quyết và tinh thần lãng mạn cách mạng đã tình nguyện lên đường sang Tây Ban Nha.
Nói chung, đặc điểm của thời kỳ ấy là một thời kỳ cao trào ở trong nước, kinh tế và văn hóa đang lên mạnh, đời sống được cải thiện rõ rệt, có hàng ngàn người lao động tích cực đã đạt được những kỷ lục lao động trong công nghiệp và nông nghiệp. Chúng tôi nhớ, tên tuổi của những người đó đã vang dội khắp đất nước.
Một dân tộc vĩ đại, đông đúc, cần có những tư tưởng vĩ đại để mà tin tưởng và cần có những con người gương mẫu để mà noi theo.
Quân đội ham mê học tập, ước mong nắm chắc chuyên môn của mình. Chất lượng tinh thần và chính trị của bộ đội rất tốt. Tạo nên được không khí đó là nhờ có công tác to lớn của Đảng nhằm nâng cao trình độ văn hóa chung của quần chúng Hồng quân, nhờ có mạng lưới học tập hết sức rộng rãi, nhờ có sự biến chuyển của bản thân đội ngũ cán bộ quân đội.
Đến năm 1937, Hồng quân trở thành một quân đội tất thảy đều có văn hóa, hàng ngũ Hồng quân được bổ sung những thanh niên có nghề chuyên môn lái máy kéo, máy liên hợp, lái xe, v..v... Một số tiền lớn - mỗi năm hơn 200 triệu rúp - đã được chi cho công tác văn hóa, giáo dục. Số lượng sách trong các thư viện quân đội có tới 25 triệu cuốn, bộ đội đặt mua hàng triệu ấn phẩm xuất bản trong từng định kỳ một. Số lượng các cung văn hóa của Hồng quân, các trung tâm phát thanh, các nhà chiếu bóng, các đội chiếu bóng lưu động, các câu lạc bộ tăng lên rất nhanh. Quân đội tích cực tham gia vào các sinh hoạt chính trị của đất nước.
Số thanh niên học tập trong 75 trường quân sự đều có trình độ văn hóa trên lớp 7. Đoàn thanh niên Cộng sản lúc đó là tổ chức đỡ đầu cho lực lượng không quân đã cung cấp hàng ngàn thanh niên ưu tú cho hải quân và không quân. Trong số những thanh niên ấy, có những người đã trở thành phi công, cán bộ chỉ huy, cán bộ chính trị lỗi lạc. Các khóa huấn luyện luôn luôn được cải tiến, trong chương trình huấn luyện có đầy đủ các môn học lý thuyết và những bài tập thực hành dạy cách sừ dụng kỹ thuật mới trong chiến đấu.
Viện đào tạo cán bộ cho các quân chủng, binh chủng đang phát triển nhanh được đặc biệt chú ý. Ban Chấp hành trung ương Đảng thường đề ra những nghị quyết riêng về vấn đề này. Trường quân sự cao cấp được mở rộng. Đến cuối kế hoạch 5 năm đã có 13 học viện quân sự, 1 viện nghiên cứu quân sự và 5 hệ quân sự trong các trường đại học thường.
Thành phần giai cấp trong quân đội đã có những biến đổi có tác dụng tốt. Số chuyên viên quân sự cũ chỉ còn lại những người đã được thử thách, trung thành với chính quyền Xô-viết, còn những chuyên viên, cán bộ mới thì xuất thân từ công nhân và nông dân, đã trải qua trường học của cuộc nội chiến, hoặc đã được học khoa học kỹ thuật và chính trị trong các trường quân sự. Đến năm 1937, công nhân và nông dân chiếm hơn 70% trong các tổ chức của Đảng và của Đoàn, hơn một nửa số cán bộ chỉ huy là đảng viên và đoàn viên thanh niên Cộng sản.
Tóm lại, công việc tiến triển tốt. Đó là trong lúc Liên Xô đang một mình xây dựng thế giới mới, đang bị các nước tư bản thù địch bao vây, trong lúc tình báo nước ngoài không tiếc người tiếc của đang âm mưu làm trở ngại cho nhân dân chúng ta. Nhưng đất nước ta và quân đội ta vẫn vững mạnh lên ngày một nhanh chóng; đường lối phát triển kinh tế, chính trị rõ ràng được mọi người tiếp nhận, tán thành; khí thế lao động sôi sục trong quần chúng nhân dân.
Vì vậy càng thấy rõ những vụ bắt giam xảy ra trong quân đội trong năm 1937 là không có căn cứ xác đáng, không hợp với quy luật phát triển, hoàn toàn không hợp với bản chất chế độ, không thích hợp với tình hình cụ thể trong nước trong năm ấy.
Bắt giữ những quân nhân nổi tiếng tất nhiên, không thể không có ảnh hưởng trong chừng mực nào tới sự phát triển của các lực lượng vũ trang chúng ta.
Năm 1937, theo mệnh lệnh của Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng, tôi được cử làm quân đoàn trường quân đoàn kỵ binh 3 và chỉ huy quân đoàn này chừng 7 tháng. Khi Ê.I. Gô-ri-a-chép, quân đoàn trưởng quân đoàn Cô-dắc 6 được bổ nhiệm làm phó tư lệnh Đặc khu Ki-ép, thì tôi được đề cử giữ chức quân đoàn trưởng quân đoàn ấy. Về trình độ huấn luyện và chung các mặt, quân đoàn 6 hơn quân đoàn 3, nhưng điều đáng chú ý là trong quân đoàn 6 có sư đoàn Cô-dắc sông Đông 4. Tôi đã có dịp chỉ huy sư đoàn này hơn 4 năm, lẽ tự nhiên là tôi rất gắn bó với sư đoàn.
I.T. Chê-rê-vi-chen-cô, một cán bộ chỉ huy kỵ binh lâu năm, giầu kinh nghiệm, thay thế tôi làm quân đoàn trưởng quân đoàn kỵ binh 3.
Ở quân đoàn 6, tôi phải làm nhiều công tác chỉ đạo cụ thể. Chúng tôi đã nghiên cứu nhiều nhất về vấn đề sử dụng kỵ binh nằm trong biên chế của tập đoàn quân kỵ binh cơ giới. Hồi đó, đây là một vấn đề rất lớn. Chúng tôi dự kiến nếu biên chế cho một tập đoàn quân kỵ binh cơ giới 3 - 4 sư đoàn kỵ binh, 2 - 3 lữ đoàn xe tăng, 1 sư đoàn bộ binh cơ giới, lại có sự hiệp đồng chặt chẽ với máy bay ném bom và tiêm kích và, nếu sau này hiệp đồng với cả các đơn vị đổ bộ đường không, thì nó sẽ có thể giải quyết được những nhiệm vụ chiến dịch rất lớn khi chiến đấu trong đội hình của phương diện quân, nó có thể góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu chiến lược.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #69 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:29:47 pm »

Chúng tôi hiểu rằng, trong chiến tranh tương lai, xe tăng và các binh đoàn xe tăng sẽ có tác dụng quyết định một phần lớn, vì vậy phải nắm thật vững những vấn đề hiệp đồng với bộ đội xe tăng và việc tổ chức chống tăng trong chiến đấu cũng như trong chiến dịch.
Trong những lần tập bài và diễn tập ở ngoài trời trong quân đoàn 3 cũng như trong quân đoàn 6, tôi đã có dịp được công tác thực tế với lữ đoàn xe tăng độc lập 21 (lữ đoàn trưởng M.I. Pô-ta-pốp) hoặc với lữ đoàn xe tăng độc lập 3 (lữ đoàn trưởng V.V. Nô-vi-cốp). Cả hai đồng chí chỉ huy lữ đoàn ấy trước đây đều là đồng sự của tôi, nên “trong tình huống chiến đấu”, chúng tôi chưa nói hết lời đã hiểu nhau.
Về mặt sẵn sàng chiến đấu, quân đoàn Cô-dắc 6 tốt hơn nhiều đơn vị khác. Ngoài sư đoàn Cô-dắc sông Đông 4 ra, còn có sư đoàn Chôn-gác-xcai-a 6 là một sư đoàn cũng được huấn luyện tốt, nhất là trong lĩnh vực chiến thuật, kỹ thuật sử dụng kỵ binh và bắn súng. Cần phải đánh giá thích đáng công lao của đồng chí L.I. Vây-ne, nguyên sư đoàn trưởng sư đoàn Chôn-gác-xcai-a, người đã bỏ ra nhiều công sức để nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu của sư đoàn lên mức cao.
Sư đoàn kỵ binh 29 đóng quân trong thành phố Ô-xi-pô-vi-chi có yếu hơn đôi chút. Chỉ huy sư đoàn là lữ đoàn trưởng K.V. Páp-lốp-xki, một người không có đức tính của một chàng kỵ binh. Thêm nữa, về mặt trình độ chung, cũng chưa bằng các đồng chí sư đoàn trưởng khác.
Trong thời kỳ này, chỉ huy bộ đội của quân khu là tư lệnh tập đoàn quân bậc một, I.P. Bê-lốp. Mùa thu năm 1937, đồng chí đã tiến hành rất giỏi những cuộc diễn tập trong quân khu, có các tướng lĩnh và sĩ quan bộ tổng tham mưu Đức tham quan. Ủy viên nhân dân quốc phòng K.E. Vô-rô-si-lốp và Tổng tham mưu trưởng B.M. Sa-pô-sni-cốp có đến xem những cuộc diễn tập ấy.
Sau I.P. Bê-lốp, tư lệnh tập đoàn quân bậc 2 M.P. Cô-va-lép được bổ nhiệm làm tư lệnh quân khu.
Tôi biết Mi-kha-in Prô-cô-phi-ê-vích Cô-va-lép trong nội chiến. Đồng chí đang giữ chức phó tư lệnh quân khu thì được đề bạt làm tư lệnh quân khu. Đồng chí là một người rất chân thật, thông hiểu những vấn đề chiến dịch, chiến lược, nhưng sở trường của đồng chí là về chiến thuật. Đồng chí nắm rất vững chiến thuật cả trên lý luận và thực hành. So với Bê-lốp, đồng chí có yếu hơn đôi chút, vì I.P. Bê-lốp, như người ta thường nói, là một cán bộ sành sỏi về chiến dịch vì trong nhiều năm đồng chí đã chỉ huy các quân khu.
Nhiều cán bộ mới còn non về kinh nghiệm chỉ huy và trình độ kiến thức chung được bổ sung về quân khu. Các đồng chí ấy cần phải tự rèn luyện, nghiên cứu rất nhiều để trở thành người chỉ huy xứng đáng, những người giáo dục bộ đội có tài năng.
Tôi không thể không nhớ đến I.X. Cu-ti-a-cốp, bạn cũ của tôi. Tôi đã biết I-van Xtê-pa-nô-vích hơn 20 năm và luôn luôn cảm phục đồng chí là một cán bộ chỉ huy, một con người dũng mãnh và kiên nghị. I.X. Cu-ti-a-cốp là lính cũ trong quân đội Sa hoàng. Đồng chí có uy tín lớn trong trung đoàn của mình, và trong những ngày đầu cách mạng được anh em binh sĩ bầu làm trung đoàn trưởng. Đây là một niềm vinh dự lớn - được quần chúng binh sĩ đã ở tiền tuyến bầu ra. Muốn được thế phải có những phẩm chất tốt đẹp như thường xuyên gương mẫu trước các đồng chí của mình, tâm hồn trong sáng, lòng vị tha, hiểu biết và yêu mến mọi người, hiểu được tâm tư và nguyện vọng của họ.
Trong những năm nội chiến, I.X. Cu-ti-a-cốp đã chỉ huy lữ đoàn bộ binh thuộc sư đoàn Cha-pa-ép 25. Sau khi Va-xi-li I-va-nô-vích Cha-pa-ép hy sinh, I.X. Cu-ti-a-cốp được cử làm sư đoàn trưởng thay Cha-pa-ép. Vì đã lãnh đạo các đơn vị chiến đấu thắng lợi chống bọn bạch vệ, đồng chí được tặng thưởng 3 Huân chương Cờ Đỏ và Huân chương Cờ Đỏ của nước Cộng hòa Khô-rem-xki. Năm 1937, I.X. Cu-ti-a-cốp được đề bạt làm phó tư lệnh quân khu Pri-vôn-giê .
Trong thời kỳ chỉ huy quân đoàn 6, tôi đã ra sức nghiên cứu những vấn đề chiến dịch chiến lược, vì thấy hiểu biết của mình trong lĩnh vực này chưa được là bao. Tôi nhận thức thấy rõ rằng, một quân đoàn trưởng hiện đại cần phải hiểu biết rất nhiều, nên đã kiên trì học tập để nắm vững các môn khoa học quân sự.
Khi đọc các tài liệu lịch sử viết về những cuộc chiến tranh trước đây, các tác phẩm kinh điển nói về nghệ thuật quân sự và các cuốn hồi ký, tôi cố gắng rút ra những kết luận về đặc điểm của chiến tranh hiện đại, của những chiến dịch và các trận đánh hiện đại. Việc trực tiếp biên soạn những bài tập chiến dịch, chiến thuật để tiến hành các cuộc diễn tập chỉ huy của các sư đoàn, quân đoàn, các cuộc diễn tập cán bộ chỉ huy, cơ quan tham mưu và diễn tập có thực binh đã làm cho tôi học tập được rất nhiều.
Sau mỗi lần diễn tập như vậy, tôi cảm thấy thu hoạch được thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm và cái đó hoàn toàn cần thiết không riêng cho sự trưởng thành của mình, mà cho cả những cán bộ trẻ do tôi phụ trách. Thật vui mừng biết bao khi thấy những cuộc tập bài hoặc diễn tập với các đơn vị, với cơ quan tham mưu hoặc với các tổ sĩ quan đã đem lại những lợi ích thiết thực cho những người tham dự. Tôi cho rằng, đó là phần thưởng to lớn nhất cho sự cố gắng của mình. Nếu trong một cuộc tập bài mà chẳng ai thu hoạch được gì mới và không khai thác được kiến thức gì trong vốn liếng hiểu biết của cán bộ cấp trên, thì nội dung cuộc tập bài ấy theo quan điểm của tôi, thật đáng chê trách đối với lương tâm người chỉ huy, và phải khẳng định rằng chất lượng buổi tập bài ấy chưa đạt yêu cầu. Mà việc gì phải giấu giếm khuyết điểm là có nhiều đồng chí chỉ huy chúng ta về mặt kiến thức chưa hơn những đồng chí cấp dưới của mình.
Nếu trong những vấn đề quân sự tôi đã được may mắn nghiên cứu một cách cơ bản và liên tục, từng bước một, cả về lý thuyết cũng như thực hành, thì đối với học thuyết Mác - Lê-nin, tôi đã phải tìm hiểu trong từng giai đoạn, không thành hệ thống, và theo từng chuyên đề một.
Hồi ấy, không chỉ riêng tôi, mà nhiều đồng chí chỉ huy khác cũng thế. Song, Đảng đã làm tất cả những gì có thể để nâng cao trình độ tư tưởng của các cán bộ chỉ huy trong Hồng quân. Trong mọi trường cao đẳng đều đã có đầy đủ toàn bộ chương trình học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nhưng có lẽ, đối với chúng ta, những người cán bộ chỉ huy, cần có nhiều cố gắng lớn lao hơn nữa theo phương hướng này. Trước đây, những đồng chí may mắn được theo học các khóa huấn luyện về chính trị tại Học viện chính trị Tôn-ma-chép chưa có là bao.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM