Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:07:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhớ lại và suy nghĩ  (Đọc 166997 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #40 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:18:53 pm »

Tôi cảm ơn đồng chí và nói rằng, tôi sẽ cố gắng hết sức học tập để xứng đáng với sự tin nhiệm này.
Về tới trung đoàn, không để phí thời gian, tôi lại miệt mài với các sách giáo khoa, các điều lệnh và điều lệ, bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thi vào trường. Kỳ thi này dễ thôi, nói đúng hơn là nó chỉ có tính chất hình thức, và tôi được xếp vào nhóm thứ nhất. Hồi đó K.K. Rô-cô-xốp-xki, I.Kh. Ba-gra-mi-an, A.I. Ê-rê-men-cô và nhiều cán bộ trung đoàn khác cũng dự lớp huấn luyện này.
Đây là lần đầu tiên tôi cũng như đa số học viên khác đến Lê-nin-grát. Chúng tôi rất chăm chú tìm hiểu các danh lam thắng cảnh, đến thăm các nơi diễn ra những trận đánh lịch sử của tháng Mười năm 1917. Lúc ấy làm sao tôi có thể nghĩ được rằng 17 năm sau, tôi lại được chỉ huy Phương diện quân Lê-nin-grát bảo vệ thành phố của Lê-nin chống lại quân đội phát-xít!
Lãnh đạo Trường Cao đẳng kỵ binh là V.M. Pri-ma-cốp, một cán bộ chỉ huy ưu tú của sư đoàn kỵ binh 8 quang vinh vùng Cô-dắc Chéc-vôn, sư đoàn đã từng gây khủng khiếp cho quân đội bạch vệ trong những năm nội chiến. Với dáng người mập mạp, tầm vóc trung bình, bộ tóc đẹp, đôi mắt thông minh và khuôn mặt duyên dáng, V.M. Pri-ma-cốp tranh thủ ngay được thiện cảm của học viên. Đó là một người học rộng. Khi trình bày ý kiến của mình, đồng chí nói ngắn gọn rõ ràng.
Một thời gian sau, V.M. Pri-ma-cốp được chỉ định làm quân đoàn trưởng quân đoàn Cô-dắc ở U-crai-na, còn M.A. Ba-toóc-xki, nhà lý luận nổi tiếng của binh chủng kỵ binh, được chỉ định đến thay thế cho Pri-ma-cốp. Tất cả chúng tôi đều mừng vui thấy V.M. Pri-ma-cốp được đề bạt và tin tưởng rằng với những khả năng của mình, đồng chí sẽ là một người cầm quân cỡ lớn.
Chẳng bao lâu sau, Trường Cao đẳng kỵ binh của chúng tôi được cải tổ lại thành các lớp bổ túc cho cán bộ chỉ huy kỵ binh, và thời gian học tập giảm từ 2 năm xuống còn một năm.
Chương trình học tập rất nặng. Sau khi nghe giảng phải tự nghiên cứu nhiều. Bây giờ, vào lúc tuổi đang mãn bóng xế tà, đôi khi tôi cũng phải ngạc nhiên về sức chịu đựng dẻo dai, về tinh thần miệt mài, kiên trì nâng cao kiến thức quân sự hồi bấy giờ.
Tôi chợt nhớ lại lần được giao chuẩn bị trình bày tại Hội khoa học quân sự bản báo cáo về đề tài “Những yếu tố cơ bản có ảnh hưởng đến lý luận nghệ thuật quân sự”. Bây giờ thì đề tài này có thể không có gì khó khăn cả, nhưng lúc đó thì tôi chẳng biết nên đề cập đến khía cạnh nào của vấn đề, nên bắt đầu từ đâu và nên kết luận ra sao. Các đồng chí trong tổ chức Đảng đã giúp đỡ tôi nhiều. Bản báo cáo thậm chí đã được đăng trên bản tin phát hành cho học viên các lớp bổ túc cán bộ chỉ huy kỵ binh.
Tôi cũng nhớ rõ cả sự giúp đỡ thân tình to lớn giữa đảng bộ Lê-nin-grát và đảng bộ lớp học chúng tôi trong việc tổ chức cho quân và dân động viên lẫn nhau. Những người đã tham gia những sự kiện tháng Mười vĩ đại - những công nhân tại các xưởng và nhà máy Lê-nin-grát - thường đến thăm lớp học chúng tôi. Chúng tôi mê mải lắng nghe họ kể về những lần gặp gỡ Vla-đi-mia I-lích Lê-nin, về cuộc tấn công đánh chiếm Cung điện Mùa Đông. Đến lượt mình, chúng tôi tới các xí nghiệp kể lại về cuộc chiến đấu chống bọn can thiệp nước ngoài và bọn bạch vệ trên các mặt trận trong thời nội chiến. Vì nhiều người trong chúng tôi mấy năm về trước cũng là công nhân, nên chưa nói hết lời, chúng tôi hiểu nhau ngay, và tình bạn của chúng tôi thật là bền chặt.
Chúng tôi thường tổ chức những cuộc đưa ngựa thi và bao giờ cũng có nhiều người dân thành phố Lê-nin-grát đến xem. Cưỡi ngựa hóa trang, đua ngựa có đấu gươm giáo và những cuộc đua ngựa đường bằng và nhảy qua chướng ngại vật là những môn đặc biệt đại chúng trong mùa hè. Trong tất cả những cuộc đua này thế nào cũng có tôi cùng với K.K. Rô-cô-xốp-xki, M.I. Xa-vê-lép, I.Kh. Ba-gra-mi-an và những nhà thể thao khác của lớp bổ túc cán bộ chỉ huy kỵ binh tham gia.
Mùa thu và đông, chúng tôi chủ yếu học lý luận quân sự và học tập chính trị. Chúng tôi thường học lý thuyết trên bàn cát và làm bài tập trên kế hoạch và bản đồ. Chúng tôi cưỡi ngựa - lên ngựa và xuống ngựa, đó là những môn mà hồi đó các cán bộ chỉ huy trung đoàn phải biết thành thạo. Chúng tôi rất chú ý tập đấu kiếm thật và kiếm giả, nhưng đây chỉ là hoạt động ngoại khóa, trong thời gian rảnh rang của cá nhân..
Hè năm 1925, chúng tôi được huấn luyện chủ yếu về chiến thuật dã chiến dưới sự hướng dẫn trực tiếp của đồng chí phụ trách lớp học Mi-kha-in A-lếch-xan-đrô-vich Ba-toóc-xki. Đồng chí đã truyền lại cho chúng tôi nhiều kiến thức và kinh nghiệm.
Việc học tập tại lớp bổ túc cán bộ chỉ huy kỵ binh kết thúc bằng một cuộc hành quân vượt sông Vôn-khốp. Ở đây chúng tôi học bơi cùng với ngựa và vượt sông.
Bơi qua sông cùng với ngựa là một việc khá phức tạp. Mặc cả áo quần đã ít người bơi giỏi, lại còn phải học điều khiển cả ngựa đang bơi nữa. Trong việc đào tạo kỵ binh, người ta chú ý nhiều đến việc rèn luyện cho thành thục những tập quán này. Tôi còn nhớ một trường hợp ngộ nghĩnh trong thời gian học tập trên sông Vôn-khốp. Sau khi kết thúc một buổi học, một học viên trong tiểu đội chúng tôi, Mi-sa Xa-vê-lép, vì muốn làm nổi bật tinh thần dũng mãnh của kỵ binh, đã đề nghị được biểu diễn kỹ thuật đứng trên yên ngựa vượt qua sông để giữ không cho áo quần và đạn dược bị ướt.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #41 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:19:37 pm »

Ban phụ trách đồng ý, song ra lệnh cho bơi hai chiếc thuyền trên sông để đề phòng mọi trường hợp bất trắc. Vắt bàn đạp qua yên ngựa xong rồi, Mi-sa dũng cảm cho ngựa xuống sông. Ngựa tiến qua giải nước cạn và bắt đầu bơi, còn kỵ sĩ thì vững tâm đứng trên yên, tay cầm chắc dây cương. Thoạt đầu, mọi việc đều trôi chảy cả, nhưng khi đến khoảng giữa sông, ngựa có vẻ đã mệt và bắt đầu luống cuống. Và dù cố lấy thăng bằng trên yên ngựa thế nào đi nữa, người cưỡi vẫn cứ lộn nhào xuống sông và chìm nghỉm dưới nước. Nếu không có hai con thuyền bảo hộ thì đã xảy ra tai nạn rồi. Ngựa một mình bơi đến bờ và sau đó con thuyền chở Xa-vê-lép ướt như chuột lột cũng cập bến. Đương nhiên là chúng tôi đón anh ta bằng một trận cười vang và những câu chế giễu, nhưng anh ta thì không còn cười vào đâu được nữa - vì vừa bị mắc cỡ về chuyện bơi qua sông, lại mất tong đôi giày dưới nước. Đôi giày này anh ta vắt lòng thòng qua cổ lúc vượt sông. Thế là phải đi tất không về trại...
Sau khi lớp học mãn khóa, tôi cùng với trung đoàn trưởng trung đoàn kỵ binh 42 M.Xa-vê-lép, đại đội trưởng thuộc trung đoàn A-xtơ-ra-khan 37 N. Rư-ban-kin, chúng tôi quyết định không đi xe lửa và đi ngựa về nơi công tác ở Min-xcơ. Con đường phải vượt qua là 963 ki-lô-mét. Hành trình của chuyến đi ngựa này qua Vi-tép-xcơ, Oóc-sa, Bô-ri-xốp.
Chúng tôi trình bày kế hoạch của mình với Ban giám đốc lớp bổ túc cán bộ chỉ huy kỵ binh và chúng tôi được phép làm như vậy, nhưng tiếc thay, người ta đã không thể tổ chức các trạm nghỉ và việc cấp dưỡng cho chúng tôi trên đường đi. Dù sao, chúng tôi cũng không từ bỏ quyết định của mình, tuy biết trước là phải đương đầu với nhiều khó khăn, nhất là vì mùa thu lạnh và mưa đã bắt đầu rồi. Chúng tôi quyết định vượt qua chặng đường 963 ki-lô-mét trong 7 ngày đêm. Một cuộc thí nghiệm về thể thao như vậy là chưa từng có ở Liên bang Xô-viết chúng ta cũng như ở các nước khác. Nếu gặp thuận lợi, chúng tôi trù tính lập một kỷ lục thế giới về đi ngựa thành nhóm.
Mục đích cơ bản của cuộc thí nghiệm này là kiểm tra xem khi chuyển sang hành quân đường trường cần luyện tập cưỡi ngựa thế nào cho thích hợp.
Một buổi sáng đầu thu năm 1925, bạn bè chúng tôi và các đại diện Ban giám đốc lớp bổ túc cán bộ chỉ huy kỵ binh đã tập trung 73 đồn tiền tiêu của Lê-nin-grát về phía Mát-xcơ-va để chúc chúng tôi lên đường bình yên may mắn.
Sau khi khởi hành, chúng tôi quyết định cho ngựa chạy nước kiệu xen kẽ, tức là chạy nước kiệu nhưng thỉnh thoảng lại chạy nước đại. Trong ngày đầu, chúng tôi đi được ít hơn mức dự định là 10 ki-lô-mét vì cảm thấy rằng ngựa đã mệt, vả lại con Đi-ra của tôi lại bị đau chân. Con ngựa nòi này đã 12 tuổi mà tuổi này đối với loài ngựa đã là già rồi.
Chúng tôi thấy mệt, muốn mau đến chỗ nghỉ. Anh chị em nông dân đã ân cần tiếp đón chúng tôi, cho ngựa ăn và đãi cơm chúng tôi chu đáo.
Sáng hôm sau, tôi vẫn còn vất vả lắm - ngựa chưa khỏi đau chân. Sau khi đã đổ sáp vào chỗ thủng và băng móng ngựa lại, tôi quyết định cầm dây cương dắt Đi-ra đi. May sao chẳng bao lâu ngựa khỏi đau chân. Tôi lên yên. Không hề gì, ngựa hết đau chân rồi. Nó phi nước kiệu - thế là tốt rồi. Để giảm bớt gánh nặng cho cái chân phải đang đau, tôi quyết định chỉ cho ngựa đi thong thả bước một và chạy nước đại từ chân trái.
Các đồng chí của tôi ung dung hơn tôi nhiều vì có những con ngựa khỏe. Tôi phải xuống ngựa nhiều lần hơn, phải cầm cương dắt cho ngựa đi nhiều hơn và, đương nhiên, bản thân tôi mệt mỏi về thể xác nhiều hơn. Vì vậy, đến nơi tạm nghỉ, bạn bè đảm đương việc đi kiếm thức ăn và trông nom ngựa.
Đến ngày đường thứ bảy, lúc chúng tôi đã đi qua Bô-ri-xốp rất xa và tiến gần đến Min-xcơ, chúng tôi thấy nhiều người mang cờ đỏ và biểu ngữ tụ tập ở ngoài thành phố. Té ra là các đồng chí cùng trung đoàn và nhân dân địa phương đang chờ đón chúng tôi. Thúc cho ngựa chạy nước đại dã chiến, chúng tôi tiến tới gần lễ đài và báo cáo với đồng chí chỉ huy bộ đội và đồng chí chủ tịch Xô-viết thành phố rằng cuộc hành trình đã được hoàn thành một cách thuận lợi. Mọi người nhiệt liệt hoan nghênh chúng tôi.
Hai hôm sau, tiến hành kiểm tra: cho ngựa chạy 2 ki-lô-mét có chướng ngại vật, khám, cân. Kết quả là khả quan và cuộc hành trình của chúng tôi được đánh giá tốt. Sau bảy ngày đêm đi đường, ngựa sụt mất từ 8 đến 12 ki-lô-gam, còn người cưỡi thì mất từ 5 đến 6 ki-lô-gam.
Sau khi nhận phần thưởng của Chính phủ và lời cảm ơn của bộ tư lệnh, chúng tôi lên đường đi nghỉ phép ít lâu. Tôi về quê thăm mẹ và chị.
Trong những năm tôi xa vắng, mẹ tôi đã già đi nhiều nhưng vẫn hay làm như trước. Chị tôi đã có hai con, chị cũng già đi đôi chút. Rõ ràng là những năm sau chiến tranh và nạn đói năm 1921-1922 đã ảnh hưởng nhiều đến mẹ và chị tôi.
Hai cháu nhỏ, con chị tôi, quen tôi ngay. Chúng lục soát va-li của tôi mà chẳng ngại ngần gì, và lôi ra tất cả những gì mà không thích.
Xóm làng còn nghèo, nhân dân ăn mặc chưa tốt, tổng số gia súc giảm bớt và sau vụ mất mùa năm 1921, nói chung nhiều gia đình không còn con nào nữa. Nhưng điều đáng cảm phục là trừ vài trường hợp rất cá biệt còn không ai kêu ca phàn nàn gì cả. Nhân dân đã hiểu đúng những khó khăn sau chiến tranh.
Bọn phú nông và bọn con buôn thì tỏ ra rất kín đáo. Rõ ràng là không còn hy vọng rằng thời đại cũ sẽ quay trở lại, nhất là sau khi tuyên bố chính sách kinh tế mới. Ở U-gốt-xki Da-vốt, trung tâm của địa phương, lại thấy mở những tiệm ăn và hiệu tạp hóa của tư nhân. Mạng lưới các cửa hàng hợp tác mới thành lập đang gắng cạnh tranh với những hiệu buôn này.
Trở lại sư đoàn, tôi được biết rằng sư đoàn đang được biên chế lại sẽ có 4 trung đoàn kỵ binh chứ không phải là 6 trung đoàn như trước. Trung đoàn kỵ binh Bu-du-lúc 39 do tôi phụ trách trước đây nay sáp nhập với trung đoàn 40, còn hai trung đoàn kỵ binh 41 và 42 thì được tổ chức lại thành một trung đoàn mới - trung đoàn kỵ binh Mê-lê-két-xcô Pu-ga-chép-xki 39.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #42 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:20:04 pm »

Vấn đề này đụng chạm đến cá nhân chúng tôi - tôi và M.I. Xa-vê-lép trung đoàn trưởng trung đoàn kỵ binh 42. Một trong hai chúng tôi sẽ được giao trách nhiệm phụ trách trung đoàn 39 mới tổ chức này, còn người kia sẽ được điều động đến một binh đoàn khác. Chúng tôi ai cũng muốn ở lại sư đoàn mà mình đã quen thân như ruột thịt. Cấp trên chọn tôi ở lại, còn M.I. Xa-vê-lép thì đi công tác khác.
Tôi hiểu nỗi buồn của anh, nhưng chúng tôi chia tay nhau như những người bạn thân và sau này gặp nhau vẫn coi nhau như những người bạn cố tri.
Các trung đoàn kỵ binh trước đây của sư đoàn được biên chế 4 đại đội còn các trung đoàn mới theo biên chế đề ra trong cuộc cải cách quân sự, đều có 6 đại đội và cứ hai đại đội hợp thành một tiểu đoàn kỵ binh. Ngoài ra, trung đoàn còn có: đại đội súng máy 16 ly, một đại đội pháo, một trung đội thông tin liên lạc độc lập, một trung đội công binh độc lập, một trung đội hóa học độc lập, và trường đào tạo cán bộ sơ cấp của trung đoàn.
Đối với tôi và tập thể trung đoàn, một thời kỳ công tác sôi nổi đã đến.
Biện pháp quan trọng nhất của cuộc cải cách quân sự là thi hành chế độ một thủ trường trong các lực lượng vũ trang Xô-viết.
Chế độ này được thể hiện dưới hai dạng cơ bản. Trong các trường hợp mà người cán bộ chỉ huy là đảng viên cộng sản thì thường là người này đồng thời đảm nhiệm chức chính ủy một mình phụ trách cả việc huấn luyện quân sự, hoạt động quản lý - kinh tế lẫn toàn bộ công tác chính trị và công tác Đảng. Đồng chí này có một trợ lý công tác chính trị. Biện pháp quan trọng này để củng cố kỷ luật và nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu trong quân đội đã có thể có đầy đủ cơ sở để thực hiện ngay từ những năm ấy, vì đội ngũ cán bộ chỉ huy đã tiến bộ nhiều.
Nếu như người chỉ huy không phải là người đảng viên thì anh ta chỉ chịu trách nhiệm về mặt huấn luyện quân sự và về các chức năng quản lý - kinh tế, còn công tác Đảng và công tác chính trị thì do chính ủy lãnh đạo, chính ủy cùng với người chỉ huy chịu trách nhiệm về tình hình tư tưởng và khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.
Trong một mệnh lệnh của Hội đồng quân sự cách mạng thời ấy, về nhiệm vụ này có nói rằng: “Thường xuyên ghi nhớ rằng: nhiệm vụ của chính quyền Xô-viết trong lĩnh vực xây dựng quân sự và thực hiện quyền chỉ huy giao cho một người, người chính ủy, một mặt, phải bằng mọi cách giữ quan hệ chặt chẽ với người chỉ huy, làm cho người chỉ huy ngày càng giác ngộ về chủ nghĩa cộng sản, và, mặt khác, tự mình phải chăm chú học tập quân sự để sau này đảm nhận được cả chức trách chỉ huy và quản lý”.
Tôi còn nhớ, mùa xuân năm 1925, chúng tôi đã nhận được chỉ thị của Ban chấp hành trung ương Đảng gửi toàn thể các tổ chức Đảng “Về chế độ một thủ trưởng trong Hồng quân”. Trong chỉ thị này có giải thích rằng toàn bộ công tác của Đảng và của các cơ quan quân sự trong mấy năm qua nhằm củng cố Hồng quân nói chung và đội ngũ cán bộ chỉ huy nói riêng đã tạo ra những điều kiện hoàn toàn thuận lợi cho việc thi hành nguyên tắc một thủ trưởng.
Một số đồng chí lúc đó nghĩ rằng, chế độ một thủ trưởng có thể dẫn tới chỗ hạ thấp ảnh hưởng của Đảng trong quân đội. Nhưng chính người đảng viên cộng sản đã làm người chỉ huy - một thủ trưởng, cho nên vai trò của Đảng không những không sút kém đi, mà ngược lại, còn được tăng cường. Trách nhiệm của người cán bộ trước Đảng về mọi mặt sinh hoạt trong quân đội rộng lớn hơn. Vì thế, kỷ luật được củng cố một cách đáng kể và khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang chúng ta được nâng cao thêm.
Qua công tác thực thế, quan hệ qua lại giữa người chỉ huy với chính ủy và cán bộ làm công tác chính trị càng ngày càng chặt chẽ và được cải tiến. Tôi xin nói sớm trước là tôi còn nhớ rằng, trong năm 1928, theo chỉ thị của Ban Chấp hành trung ương Đảng, Hội đồng quân sự cách mạng đã có nghị định ban hành quy chế công tác chính ủy, chỉ huy - một thủ trưởng và trợ lý công tác chính trị. Bản quy chế này khẳng định giao cho các chính ủy quyền lãnh đạo công tác Đảng và công tác chính trị, chịu trách nhiệm về tình hình tư tưởng - chính trị của đơn vị (binh đoàn), người chính ủy được hoàn toàn miễn đảm nhiệm các chức năng kiểm tra.
Học xong lớp bổ túc, tôi làm việc dễ dàng hơn, có thể vững tâm giải quyết một cách độc lập các vấn đề huấn luyện quân sự, chính trị và quản lý trung đoàn.
Trong thời gian này, mọi việc ở trung đoàn tôi không đến nỗi tồi. Mùa đông năm 1926, tôi được triệu tập lên gặp đồng chí chính ủy quân đoàn kỵ binh 3 A.P. Crô-khơ-man và đồng chí tư lệnh quân đoàn X.K. Ti-mô-sen-cô vừa tới chỉ huy quân đoàn từ mùa xuân năm ấy.
Bước vào phòng làm việc, tôi thấy ở đấy có cả đồng chí tư lệnh sư đoàn chúng tôi K.Đ. Xtép-nôi Xpi-gác-nưi, đồng chí chính ủy sư đoàn G.M. Stéc-nơ và đồng chí chủ nhiệm chính trị L.I. Bô-cha-rốp.
- Chúng tôi mời đồng chí tới đây để đề nghị đồng chí đảm nhận chức trách trung đoàn trưởng kiêm chính ủy trung đoàn, nghĩa là làm chỉ huy - một thủ trưởng, - X.K. Ti-mô-sen-cô nói. - Bộ tư lệnh sư đoàn và phòng chính trị xét thấy đồng chí đã được bồi dưỡng đầy đủ để đảm đương trách nhiệm ấy. Về vấn đề này, ý kiến đồng chí thế nào?
Lặng yên một lúc, có lẽ lâu hơn thời gian cần thiết một chút, tôi  trả lời rằng, có sự giúp đỡ đích đáng của bộ tư lệnh và phòng chính trị sư đoàn, tôi hy vọng sẽ đảm đương được những chức trách mới giao cho tôi.
Vài ngày sau, tôi được chỉ định làm chỉ huy - một thủ trưởng. Trong sư đoàn kỵ binh 7, đây là một thí nghiệm đầu tiên có liên quan đến nhiều thứ. Trong công tác tổ chức và công tác tư tưởng, tôi được đồng chí bí thư ban chấp hành Đảng bộ và đồng chí trung đoàn phó phụ trách công tác chính trị giúp đỡ. Hai đồng chí này không ngần ngại gì mỗi khi cần phải theo tinh thần Đảng mà uốn nắn và khuyên bảo tôi. Hoàn toàn đương nhiên là trong thời gian đầu, vì không có kinh nghiệm trong công tác mới, tôi đã phạm một số sai lầm, và những sự uốn nắn đó chỉ có lợi cho công việc mà thôi
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #43 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:20:21 pm »

Để lãnh đạo đúng đắn công tác giáo dục chính trị, các cán bộ cấp trên phải có trình độ hơn cán bộ cấp dưới mình trong lãnh vực này nhiều. Trong những năm đó, chúng tôi, những người cán bộ chỉ huy, đã tiến bộ nhanh và mạnh về trình độ quân sự hơn về mặt nắm những quan điểm cơ bản của học thuyết Mác - Lê-nin. Sở dĩ thế là vì một mặt chúng tôi người nào cũng túi bụi vào công tác hành chính quản trị, công tác huấn luyện và học tập quân sự mặt khác, nhiều người còn chưa thấy hết sự cần thiết phải nghiên cứu sâu sắc học thuyết Mác - Lê-nin và công tác tổ chức của Đảng trong quân đội. Đương nhiên, trong lĩnh vực này, những cán bộ chính trị được bồi dưỡng tốt hơn các cán bộ chỉ huy như chúng tôi.
Ít lâu sau, đồng chí tư lệnh sư đoàn Đ.A. Smit từ U-crai-na đến phụ trách sư đoàn thay đồng chí tư lệnh sư đoàn K.Đ. Xtép-nôi Xpi-gác-nưi. Đồng chí tư lệnh mới khác nhiều so với đồng chí K.Đ. Xtép-nôi Xpi-giác-nưi về tính tình, kinh nghiệm và tác phong công tác.
Nếu K.Đ. Xtép-nôi Xpi-giác-nưi hiếu động hay nói nhiều, thậm chí có thể nói là ba hoa, thì Đ.A. Smit là một người thông minh, luôn luôn trình bày ý kiến của mình ngắn gọn, nhưng, tiếc thay, lại không ưa làm việc cần cù tỉ mỉ.
Mùa hè năm 1926, sư đoàn lại đến trại huấn luyện. Chúng tôi được ở một khu vực rất ngoạn mục trong vùng Giơ-da-nô-vi-chi-a, cách Min-xcơ khoảng 20 ki-lô-mét. Hiện nay, chỗ này đã được đào thành một cái hồ lớn.
Đợt huấn luyện quân sự này rất khẩn trương, căng thẳng. Nội dung huấn luyện được đặc biệt chú ý là môn chiến thuật dã chiến cho các phân đội, cán bộ chỉ huy, cơ quan tham mưu và cho đơn vị nói chung. Phải nói rằng, trong tất cả các môn học quân sự, tôi thích nhất môn chiến thuật và bao giờ cũng hào hứng nghiên cứu môn này.
Như mọi người đều rõ, quân đội là công cụ để tiến hành chiến tranh, nó tồn tại là để đấu tranh vũ trang chống lại kẻ thù của Tổ quốc, và để tiến hành cuộc đấu tranh ấy, quân đội trước hết phải được huấn luyện về chiến thuật. Nếu không, nó sẽ phải học trong quá trình chiến đấu và như thế sẽ chịu nhiều tổn thất lớn lao.
Để trau dồi trình độ chiến thuật, trung đoàn chúng tôi tiến hành nhiều cuộc học thị phạm về khoa trinh sát, tổ chức chiến đấu và hợp đồng với các phương tiện kỹ thuật chiến đấu.
Mọi người đều biết, khâu nút của toàn bộ đợt huấn luyện chiến thuật đối với các trung đoàn là những cuộc tập trận. Bắt đầu từ năm 1925, hàng năm, sau thời gian huấn luyện ở trại, quân khu Bê-lô-ru-xi đã tổ chức nhiều cuộc tập trận.
Sư đoàn kỵ binh 7 cũng đã tham dự những cuộc tập trận này và tôi nhớ, không lần nào sư đoàn bị điểm xấu về huấn luyện chiến thuật cả. Sở dĩ đạt được kết quả đó, trong một chừng mực đáng kể, là do các cán bộ chỉ huy chúng tôi coi trọng những buổi tập chiến thuật. Cần phải nói rằng, tất cả các cán bộ trung đoàn trong sư đoàn chúng tôi đều tương đối thông thạo về chiến thuật và đều say mê luyện tập chiến thuật.
Chỉ huy trung đoàn kỵ binh 37 hồi đó là đồng chí V.I. Vôn-xki, tháng 11-1942, chính đồng chí đã chỉ huy quân đoàn cơ giới của Phương diện quân Xta-lin-grát và cùng với các tập đoàn quân 51 và 64 đột kích ở hướng chung vào Ca-lát, và, chính ở đây đơn vị của đồng chí đã nối liên lạc được với các đơn vị của Phương diện quân Tây-nam. Đứng đầu trung đoàn kỵ binh 38 là V.A. Gai-đu-cốp. Trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, Gai-đu-cốp chỉ huy quân đoàn và nhiều binh đoàn khác. Các trung đoàn và đơn vị khác của sư đoàn cũng đều có những cán bộ chỉ huy có kinh nghiệm.
Việc huấn luyện thể dục thể thao cũng đã được chú ý nhiều. Toàn thể chúng tôi, những quân nhân đã được thử thách nhiều, hiểu rõ hơn ai hết rằng, chỉ có những chiến sĩ tráng kiện đã được tôi luyện mới có khả năng chịu đựng được những vất vả nặng nhọc của chiến tranh. Và thắng lợi của đơn vị nói chung tùy thuộc vào sự rèn luyện của mỗi chiến sĩ. Như mọi người đều biết, trong chiến tranh phải tiến hành những cuộc hành quân chiến đấu căng thẳng trong bất cứ thời tiết nào, cả ngày lẫn đêm, theo đường cái và không theo đường cái, phải triển khai trong hành tiến các đội hình chiến đấu để chớp nhoáng công kích kẻ thù và thường thường phải đuổi đánh để tiêu diệt chúng hoàn toàn. Trong trường hợp chiến đấu không thuận lợi thì điều quan trong là phải rút quân và tổ chức lại thật nhanh. Chỉ đơn vị nào được rèn luyện tốt về thể lực thì mới đủ sức để làm được tất cả những việc đó. Nếu không, đơn vị sẽ nhanh chóng “mất sức
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #44 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:20:40 pm »

Nhưng các đối thủ của chúng tôi ở sư đoàn kỵ binh 6 vẫn chưa chịu: khi thì trong lúc đang chạy đua, họ ghìm đối thủ chắc ăn vào “một chiếc hộp con”, khi thì trong lúc thi sức chém, họ đưa ra cho các vận động viên của mình một cành nho tươi mà lại đưa ra cho chúng tôi một cành khô để lưỡi mác của chúng tôi khó chém đứt, và v..v...
Tôi rất nhớ lần Xê-mi-ôn Mi-khai-lô-vich Bu-đi-ôn-nưi đến thăm trung đoàn. Trước đó tôi chưa từng gặp Xê-mi-ôn Mi-khai-lô-vich. Nhưng tôi biết rõ những thành tích của đồng chí đối với Tổ quốc trong cuộc chiến đấu với bọn bạch vệ và bọn can thiệp, và tôi rất muốn được làm quen với người tư lệnh kỳ tài này của tập đoàn quân kỵ binh 1.
Sáng hôm đó (một buổi sáng mùa thu năm 1927), tiếng chuông điện thoại réo vang. Đồng chí tư lệnh sư đoàn Đmi-tơ-ri Ác-ca-đi-ê-vich Smit gọi điện thoại đến.
- Có thể là Xê-mi-ôn Mi-khai-lô-víeh Bu-đi-ôn-nưi sẽ đến trung đoàn đồng chí, cần tổ chức lễ tiếp đón đấy.
- Đến vào lúc nào và cần tiếp đón ra sao? - Tôi hỏi.
- Cụ thể lúc nào thì tôi không biết rõ. Thoạt đầu, đồng chí ấy sẽ đến trung đoàn 37, rồi đến trung đoàn 38, và sau đó, đến trung đoàn đồng chí, trung đoàn 39. Còn tiếp đón thế nào thì đồng chí là người chỉ huy, hãy tự liệu lấy.
Tôi hiểu rằng đồng chí tư lệnh sư đoàn không muốn nói tới những nghi lễ đặc biệt long trọng nào cả mà chỉ cần tiếp đón X.M. Bu-đi-ôn-nưi một cách bình thường, như đã quy định trong điều lệnh về việc đón tiếp cán bộ cấp trên đến đơn vị.
Đến trưa, V.A. Gai-đu-cốp, trung đoàn trưởng trung đoàn 38, gọi điện thoại cho tôi:
- Khách đã lên đường đến chỗ cậu đấy, chuẩn bị đón đi.
Không còn thì giờ để bàn bạc nữa. Tôi tập trung những cán bộ giúp việc gần gũi nhất của mình lại: đồng chí trung đoàn phó phụ trách công tác chính trị Phrôn-cốp, đồng chí bí thư ban chấp hành Đảng bộ trung đoàn A.V. Sê-la-cốp-xki, đồng chí tham mưu trưởng, đồng chí chủ nhiệm hậu cần trung đoàn A.G. Ma-lư-sép. Chúng tôi cùng nhau ra cổng trại đứng chờ. Khoảng 5 phút sau, hai chiếc ô-tô con đi vào. Từ trong chiếc thứ nhất, X.M. Bu-đi-ôn-nưi và X.K. Ti-mô-sen-cô bước ra. Như quy định trong điều lệnh, tôi báo cáo và giới thiệu các cán bộ giúp việc của mình, X.M. Bu-đi-ôn-nưi chào hỏi mọi người.
Tôi nói với X.M. Bu-đi-ôn-nưi:
- Xin đồng chí cho chỉ thị.
- Thế đồng chí đề nghị cái gì? - Xê-mi-ôn Mi-khai-lô-vich hỏi lại.
- Đề nghị đồng chí kiểm tra xem chiến sĩ và cán bộ chúng tôi sống và làm việc như thế nào.
- Đồng ý, nhưng trước hết tôi muốn kiểm tra công tác nuôi quân của các đồng chí.
Đến nhà ăn và nhà bếp, Xê-mi-ôn Mi-khai-lô-vich quan tâm tỉ mỉ đến chất lượng, cách chế biến và nấu nướng các món ăn, ghi cảm tưởng vào sổ của nhà ăn, tỏ lời cảm ơn các đồng chí cấp dưỡng và đồng chí phụ trách cấp dưỡng trung đoàn. Sau đó, khi đã kiểm tra quá trình huấn luyện quân sự xong rồi, Xê-mi-ôn Mi-khai-lô-vich nói:
- Nào, bây giờ yêu cầu đồng chí cho xem ngựa của trung đoàn.
Tôi phát tín hiệu cho trung đoàn “ra ngựa”. Mười phút sau các đại đội đã đội ngũ tề chỉnh và ra ngựa xong. Ngựa của trung đoàn rất tốt, móng ngựa đóng rất chắc.
Xê mi-ôn Mi-khai-lô-vich, sau khi khen các chiến sĩ Hồng quân đã nuôi dưỡng ngựa rất chu đáo, lên đường đi sang sư đoàn Chôn-gác-xcai-a 6.
Đồng chí tư lệnh Quân khu Bê-lô-ru-xi A-lếch-xây I-lích Ê-gô-rốp cũng đã đến thăm trung đoàn chúng tôi. Theo các đồng chí đã cùng công tác với A-lếch-xây I-lích kể, tôi được biết rằng đồng chí xuất thân từ một gia đình nông dân, đã làm nghề thợ rèn. Đồng chí đã cố gắng tự học và sau khi bị động viên vào quân đội Sa hoàng, đồng chí vào học trường quân sự và được phong làm sĩ quan. Thời gian cuối cùng trong quân đội cũ, đồng chí là trung tá. Tháng 7-1918, A.I. Ê-gô-rốp vào Đảng Bôn-sê-vich và cho đến phút cuối cùng đồng chí luôn luôn là một đảng viên trung thành và kiên cường của Đảng.
Trong những năm nội chiến, A.I. Ê-gô-rốp tỏ ra là một nhà cầm quân có tài, đồng chí chỉ huy Phương diện quân Nam cho đến lúc hoàn toàn đánh tan quân đội bạch vệ của Đê-ni-kin và, sau đó, đã chỉ huy Phương diện quân Tây-nam chiến đấu chống bọn Ba Lan trắng.
Sau khi nội chiến kết thúc thắng lợi, đồng chí A.I. Ê-gô-rốp, người cán bộ chỉ huy vinh quang, chiến sĩ kỵ binh đã từng được thưởng bốn huân chương Cờ Đỏ và Thanh kiếm cách mạng danh dự, đã chỉ huy nhiều quân khu và năm 1931 được cử làm Tổng tham mưu trưởng Hồng quân. Năm 1935, đồng chí được phong quân hàm nguyên soái Liên Xô.
Năm 1927, sau khi dự Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Bê-lô-ru-xi, A.I. Ê-gô-rốp đã bất ngờ đến trung đoàn chúng tôi.
Tôi đang điều khiển buổi tập chiến thuật thường lệ thì được tin đồng chí tư lệnh đến thăm trung đoàn.
A.I. Ê-gô-rốp muốn dự các buổi học về “trung đoàn kỵ binh bí mật tiếp cận sườn và sau lưng quân địch và tấn công chớp nhoáng chúng”.
Mọi việc đều diễn ra trôi chảy, cán bộ chỉ huy các phân đội đều có những quyết định mạnh dạn và chỉ động, sáng tạo. Đồng chí tư lệnh rất hồ hởi, vui đùa nhiều và điều đó làm cho mọi người có mặt cảm thấy thoải mái. Sau khi tôi kết thúc buổi học, A.I. Ê-gô-rốp đã nêu lên một loạt nhận xét và đề nghị. Một chỉ thị của đồng chí mà tôi đặc biệt ghi nhớ là nếu chỉ huấn luyện cho cán bộ về chiến thuật không thôi thì hãy còn là ít, nhất định phải huấn luyện cho họ nắm vững nghệ thuật chiến dịch nữa. Nếu như kẻ thù của Tổ quốc ta gây ra một cuộc chiến tranh thì cuộc chiến tranh đó đòi hỏi nhiều người trong chúng ta phải biết cả các vấn đề về nghệ thuật chiến dịch nữa.
Sau buổi tập, đồng chí tư lệnh hỏi:
- Thế còn việc xây dựng kế hoạch hoạt động của trung đoàn khi có động viên chiến tranh thì ra sao?
- Chúng tôi đã suy nghĩ nhiều về kế hoạch này, nhưng chúng tôi thấy có một số vấn đề mà cấp trên còn chưa giải đáp được, - tôi trả lời.
- Nào, nếu vậy thì đồng chí hãy trình bày kế hoạch đó và các vấn đề cần giải quyết, chúng ta sẽ cùng nhau xem xét - A.I. Ê-gô-rốp nói.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #45 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:20:56 pm »

Trong gần một tiếng đồng hồ, tôi và đồng chí tham mưu trưởng trung đoàn đã báo cáo về việc xây dựng kế hoạch hoạt động của trung đoàn và trả lời các câu hỏi của đồng chí tư lệnh. Sau đó đồng chí tư lệnh nói:
- Khá đấy, khá đấy. Các đồng chí chưa rõ điểm gì nào?
- Điều phức tạp trong tình hình của chúng tôi là ở chỗ trung đoàn đóng gần biên giới quốc gia. Lúc báo động, trung đoàn sẽ phải tham chiến với một biên chế rất không đầy đủ. Ngoài ra, trung đoàn còn phải tách một bộ phận khung thuộc quân số của mình để thành lập các thê đội thứ hai. Đánh trận đầu tiên với quân thù mà quân số trung đoàn lại sút giảm như vậy thì có thể ảnh hưởng đến tinh thần của bộ đội, - tôi kết luận.
- Đúng là như vậy, - A.I. Ê-gô-rốp nói - Nhưng chúng ta không còn có cách nào nữa. Việc thành lập các thê đội thứ hai của các trung đoàn là rất cần. Không được đánh giá thấp kẻ thù. Cần phải nghiêm chỉnh chuẩn bị cho chiến tranh, phải sẵn sàng đánh một kẻ thù thông minh, có nghệ thuật và mạnh. Còn nếu như trên thực tế kẻ thù tỏ ra không mạnh và không thông minh, thì điều đó chỉ sẽ có lợi cho ta mà thôi.
A.I. Ê-gô-rốp quan tâm đến nhiều thứ: nào tình hình các kho dự trữ, nào nhà ở của quân nhân, cách ăn ở của cán bộ. Chúng tôi báo cáo rằng, nói chung, cán bộ sinh sống ở các khu nhà riêng, mỗi gia đình có một buồng theo quy định.
Tôi còn nhớ là hồi đó chúng tôi đã tự nguyện đem các vật quý của bản thân góp vào quỹ vàng của đất nước để góp phần xây dựng các nhà máy và xưởng. A.I. Ê-gô-rốp cũng quan tâm cả đến chuyện này nữa. Đồng chí hỏi:
- Thế bản thân đồng chí trung đoàn trưởng đã quyên góp cái gì?
- Bốn chiếc tẩu thuốc lá bằng bạc được thường trong các cuộc thi đấu thể dục cưỡi ngựa, một chiếc nhẫn vàng và một đôi hoa tai của vợ tôi Nói đúng ra thì mọi người đều hành động như vậy cả.
Đồng chí tư lệnh liếc nhìn chúng tôi và nói: “Rất tốt, các đồng chí ạ, không thể khác thế được! “
Công việc ở sư đoàn sôi nổi hẳn lên, khi Đa-ni-lô Xéc-đích, người Xéc-bi, một cán bộ vẻ vang của tập đoàn quân kỵ binh 1 đến thay Đ.A. Smit làm tư lệnh sư đoàn. Đ. Xéc-đích đã hoạt động tích cực ngay và gây được uy tín trong hàng ngũ cán bộ chỉ huy các đơn vị. Tôi đặc biệt thích đồng chí ở chỗ đồng chí rất nghiêm khắc và luôn tìm mọi cách thường xuyên cải tiến công tác huấn luyện quân sự và chính trị. Đ. Xéc-đích tích cực đi sâu vào tất cả các vấn đề sinh hoạt Đảng và là một người chỉ huy giỏi toàn diện. Trong đời sống cá nhân, đồng chí rất khiêm tốn.
Tất cả các buổi tập dã chiến và những lần diễn tập quân khu có Đ. Xéc-đích dự đều bổ ích và đều mang lại kết quả vẻ vang cho sư đoàn kỵ binh Xa-ma-ra 7. Tất cả chúng tôi cảm thấy mình trưởng thành lên về mặt chiến dịch - chiến thuật và đều hiểu rằng, trong đó có công sức lớn lao của cá nhân đồng chí tư lệnh sư đoàn chúng tôi. Nói tóm lại, đồng chí là một người cán bộ chỉ huy xứng đáng và một nhà giáo dục có tài.
Năm 1929, K.K. Rô-cô-xốp-xki được cử đến làm tư lệnh sư đoàn kỵ binh Xa-ma-ra 7, còn đồng chí tư lệnh sư đoàn Đ. Xéc-đích được bổ nhiệm làm tư lệnh quân đoàn thay X.K. Ti-mô-sen-cô. Ít lâu sau, tháng 5-1930, tôi được chỉ định làm lữ đoàn trưởng lữ đoàn kỵ binh 2 thuộc sư đoàn kỵ binh Xa-ma-ra 7.
Như đã nói ở trên, tôi đã cùng học tập với K K. Rô-cô-xốp-xki trong những năm 1924 - 1925 ở Lê-nin-grát tại lớp bổ túc cán bộ kỵ binh và chúng tôi rất hiểu nhau. Đồng chí đối xử với tôi rất lịch thiệp. Về phần mình, tôi thấy rất rõ đồng chí có trình độ uyên bác về quân sự, kinh nghiệm phong phú về lãnh đạo huấn luyện quân sự và giáo dục chính trị cho cán bộ và chiến sĩ. Tôi hoan nghênh việc bổ nhiệm đồng chí và tin tưởng rằng K.K. Rô-cô-xốp-xki sẽ tiếp tục các truyền thống của Đ. Xéc-đích trong sư đoàn. Và sự thật đã là như vậy.
Tôi chỉ huy trung đoàn kỵ binh 39 gần 7 năm. Đó là một trường học tốt. Ngoài thực tế phong phú ra, trong thời gian ấy tôi còn được bồi dưỡng nhiều về lý luận quân sự nói chung và về nghệ thuật chiến dịch - chiến thuật nói riêng khi tham gia các cuộc tập trận của quân khu, các buổi học tập và diễn tập quân sự của sư đoàn và quân đoàn. Là người chỉ huy - một thủ trưởng, tôi đã hiểu sâu sắc hơn về vai trò lãnh đạo, tổ chức của Đảng ta trong công cuộc xây dựng và trong những hoạt động hàng ngày của các đơn vị Hồng quân.
Đương nhiên đạt được tất cả kết quả đó không phải là dễ dàng, trong công tác cũng mắc sai lầm. Không ai là người không phạm sai lầm? Trừ phi người đó chỉ công tác theo chỉ dẫn của cấp trên, không hề có tính chủ động sáng tạo. Nói chung, theo tôi, vấn đề chủ yếu không phải là ở chỗ có sai lầm mà là ở chỗ có thấy được và sửa chữa được sai lầm nhanh hay không.
Tôi thường bị trách là hay nghiêm khắc quá đáng mà nghiêm khắc thì tôi coi là một đức tính của người cán bộ chỉ huy Bôn-sê-vich. Nhìn lại bước đường đã qua, tôi nghĩ rằng, có lúc quả thực tôi đã đòi hỏi quá đáng và thường không giữ được bình tĩnh trước các khuyết điểm của những người dưới quyền. Nhưng trước thái độ thiếu ý thức trong công tác, trong tư cách của người quân nhân thì tôi không thể thờ ơ được. Một vài người không thấy điều đó, nhưng tôi thì rõ ràng là cũng chưa đủ độ lượng đối với các nhược điểm của con người.
Đương nhiên là bây giờ những khuyết điểm này thấy được rõ hơn, kinh nghiệm sống đã dạy bảo cho nhiều. Nhưng cả lúc này nữa tôi vẫn cho rằng không ai có quyền được hưởng một cuộc sống nhờ vào lao động của người khác. Và nhận thức cho ra điều đó là đặc biệt quan trọng đối với một quân nhân, người nhận nhiệm vụ đi đầu trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trên chiến trường mà không luyến tiếc tính mệnh mình.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #46 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:21:13 pm »

Lữ đoàn 2 mà tôi có nhiệm vụ chỉ huy gồm có 2 trung đoàn kỵ binh - trung đoàn 39 và trung đoàn 40. Tôi phải nghiên cứu cẩn thận tình hình công việc ở trung đoàn kỵ binh 40 mà lúc đó người chỉ huy là I-vlép, một con người ít cởi mở, xuất thân từ hàng ngũ cựu sĩ quan của quân đội Sa hoàng. Anh này không chú ý đến kỹ thuật sử dụng và chăm nom ngựa. Nhưng am hiểu và chăm chỉ huấn luyện môn bắn súng. Về phương diện này, trung đoàn của anh luôn luôn đứng ở hàng đầu.
Có lẽ do đã quen thuộc trung đoàn 39 trong nhiều năm và do đã từng chan hòa như anh em ruột thịt với cán bộ và chiến sĩ của trung đoàn này mà tôi cho rằng trung đoàn 39 được huấn luyện quân sự tốt hơn và có tổ chức hơn. Nhưng tôi cũng hiểu rằng các cán bộ chỉ huy và cán bộ công tác chính trị của trung đoàn kỵ binh 40, những người cũng biết trọng danh dự của trung đoàn mình, có thể có phản ứng xấu nếu như tôi nêu trung đoàn kỵ binh 39 ra làm mẫu để so sánh.
Họ có cái gì là tốt hơn, dù nhỏ, tôi cũng đều cố gắng biểu dương, nêu ra làm gương cho các trung đoàn khác. Tôi thường tổ chức những buổi tập mẫu của cả hai trung đoàn về các môn chiến thuật, bắn súng, cưỡi ngựa cũng như về các vấn đề huấn luyện và giáo dục chính trị. Và cách làm này chẳng bao lâu đã đưa lại những kết quả tốt. Lữ đoàn 2 đã trở thành lữ đoàn đầu tàu của sư đoàn kỵ binh Xa-ma-ra 7, điều này được nêu lên nhiều lần và làm cho tất cả chúng tôi vui mừng hân hoan.
Nói tóm lại toàn thể chúng tôi đều làm việc một cách hòa thuận, say mê. Trong công tác của mình, các cán bộ chỉ huy đều biết dựa vào các tổ chức Đảng, hướng tính tích cực và nghị lực của toàn thể cán bộ và chiến sĩ vào việc nâng cao khả năng thường xuyên sẵn sàng chiến đấu.
Có thể dẫn ra nhiều ví dụ, nhưng tôi nghĩ rằng không cần thiết phải làm như vậy. Tôi chỉ nói trong phạm vi các việc mà tôi nhớ rõ nhất.
Có lần đồng chí bí thư Ban chấp hành Đảng bộ trung đoàn 39 đến gặp tôi đề nghị mở rộng việc trao đổi kinh nghiệm công tác của các trung đoàn ra toàn lữ đoàn. Trong cuộc hội nghị liên tịch của các Ban chấp hành Đảng bộ hai trung đoàn, đã quyết định tổ chức một buổi họp với một nhóm chiến sĩ để bàn về phương pháp giải thích những vấn đề phức tạp nhất trong đường lối của Đảng cho các chiến sĩ Hồng quân lạc hậu nhất.
Buổi sinh hoạt đầu tiên do Bô-rít A-pha-na-xi-ê-vích Giơ-mu-rốp, một đại đội phó của trung đoàn 39, điều khiển và phải nói rằng đồng chí đã điều khiển buổi sinh hoạt này một cách xuất sắc. Sau đó, theo sáng kiến của các cán bộ công tác chính trị trung đoàn 40, chúng tôi đã mở cuộc hội nghị nói thẳng với tất cả những chiến sĩ Hồng quân vô kỷ luật nhất để qua đó tìm ra nguyên nhân những sai lầm của họ. Té ra là phần lớn những vụ vi phạm kỷ luật không chỉ do lỗi lầm của chính các chiến sĩ Hồng quân gây ra mà còn là vì những cán bộ quân sự và chính trị đã không hiểu tính nết và những đặc điểm về cá tính của các chiến sĩ của mình, đã không thường xuyên đánh giá đúng hành động của họ, do đó đã mất uy tín. Và các chiến sĩ Hồng quân thường có thái độ thô bạo đối với những người phụ trách như vậy. Cần phải nói rằng những cuộc hội nghị nói thẳng như vậy rất có ích cả cho các chiến sĩ Hồng quân cũng như cho các cán bộ.
Cuối năm 1929, tôi được cử đến Mát-xcơ-va tham dự lớp bổ túc cán bộ cao cấp. Tôi được bố trí ở khách sạn thuộc Câu lạc bộ trung ương của Hồng quân. Các buổi học được tiến hành ở phố Phơ-run-dê trong tòa nhà của Bộ Ủy viên nhân dân quốc phòng, nơi có bố trí các lớp và các phòng làm việc. Việc học tập ở lớp bổ túc cán bộ cao cấp được tiến hành theo một chương trình rất cao. Người lãnh đạo tổ chúng tôi là người phó của nguyên soái V.K. Bliu-khe, tư lệnh sư đoàn Mi-kha-in Vla-đi-mi-rô-vích Xan-gua-xki, một người có nhiều kiến thức. Tất cả những bài giảng và những báo cáo mà đồng chí đã đọc về các vấn đề khoa học quân sự đều được lý giải chu đáo bằng những ví dụ rút ra từ trong Thế chiến thứ nhất và nội chiến. Và những giáo viên khác của chúng tôi đều là những chuyên gia lớn về chiến thuật cũng như về nghệ thuật chiến dịch.
Tại các lớp bổ túc cán bộ cao cấp, toàn thể chúng tôi đều dần dần say mê học lý thuyết quân sự, tìm đọc từng cuốn sách mới, thu thập tất cả những gì có thể thu thập được trong các tài liệu quân sự để mang theo về đơn vị. Lúc đó nền khoa học quân sự Xô-viết cũng đã được xây dựng. Các tác phẩm của M.V. Phơ-run-dê đã chiếm vị trí hàng đầu trong khoa học này.
Trong toàn tập tác phẩm của đồng chí xuất bản năm 1929, đã trình bày những vấn đề về mối tương quan giữa con người và kỹ thuật trong cuộc chiến tranh tương lai và về tính chất của cuộc chiến tranh đó, về sự phát triển nhịp nhàng của tất cả các quân chủng, binh chủng trong lực lượng vũ trang, về vai trò của hậu phương và tiền tuyến. M.V. Phơ-run-dê kiên quyết đòi phải xây dựng một học thuyết quân sự duy nhất. Học thuyết này xác định tính chất của việc xây dựng các lực lượng vũ trang, ấn định những phương thức huấn luyện quân sự cho quân đội, đề ra phương pháp chỉ huy quân đội dựa trên những quan điểm chính thống trong nước về tính chất và phương thức giải quyết những nhiệm vụ quân sự, M.V. Phơ-run-dê đã tổng hợp một cách sâu sắc kinh nghiệm nội chiến, đã phát triển những luận điểm sau này làm nền tảng cho hệ thống những điều lệnh và điều lệ mà một quân đội kiểu mới - Hồng quân Xô-viết - nhất định phải có.
Cuối những năm 20, một tác phẩm quan trọng của B.M. Sa-pô-sni-cốp, cuốn “Đầu não của quân đội” ra đời, trong đó đã phân tích nhiều tài liệu lịch sử, mô tả toàn diện vai trò của Bộ Tổng tham mưu, đề ra một số luận điểm quan trọng về chiến lược quân sự. Đồng chí cũng đã viết nhiều tác phẩm nổi tiếng, như “Kỵ binh”, “Trên sông Vi-xla”. A.I. Ê-gô-rốp có viết một số tác phẩm lịch sử quân sự quan trọng, trong đó có cuốn “Đánh tan Đê-m-kin”.
Đến khoảng thời gian này cũng bắt đầu xuất bản các tác phẩm của M.N. Tu-kha-chép-xki, một trong những nhà lý luận quân sự có tài nhất của chúng ta. Đồng chí có nhiều suy nghĩ sáng suốt về tính chất của cuộc chiến tranh tương lai. M.N. Tu-kha-chép-xki đã đề ra nhiều luận điểm sâu sắc mới về lý thuyết, chiến thuật, chiến lược, nghệ thuật chiến dịch, đã vạch ra mối quan hệ khăng khít giữa các nguyên lý và thực tiễn xây dựng quân đội với chế độ xã hội và cơ sở sản xuất trong nước.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #47 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:21:30 pm »

Gây cho chúng tôi những cuộc thảo luận sôi nổi là cuốn “Tính chất các hoạt động của những quân đội hiện đại” của đồng chí Tổng tham mưu phó Hồng quân công nông V.K. Tơ-ri-an-đa-phi-lốp, một cuốn sách rất nổi tiếng ngay sau khi ra đời. Trong sách này đã nêu lên nhiều quan điểm mạnh dạn và sâu sắc về tình trạng và triển vọng phát triển của các quân đội thời bấy giờ, đã mô tả những con đường cơ bản để trang bị kỹ thuật và tổ chức quân đội. Về vai trò của xe tăng trong cuộc chiến tranh tương lai, V.K. Tơ-ri-an-đa-phi-lốp đã viết:
“Bây giờ không ai hoài nghi ý nghĩa chiến thuật to lớn của xe tăng trong cuộc chiến tranh tương lai. Việc tăng thêm số vũ khí tự động trong lục quân, khuynh hướng tiếp tục phát triển về số lượng và cải tiến về chất lượng loại vũ khí đó, việc sử dụng rộng rãi những chướng ngại vật nhân tạo trong phòng ngự và tình trạng lạc hậu của các phương tiện chế áp (pháo binh) so với các phương tiện phòng thủ - tình hình đó làm cho xe tăng nổi lên như một trong những công cụ tấn công rất mạnh để tiến hành chiến tranh tương lai”.
Trong phần hai của cuốn sách, V.K. Tơ-n-an-đa-phi-lốp đã nghiên cứu những vấn đề thuộc nghệ thuật chiến dịch, những dự kiến về khả năng tấn công và phòng thủ của sư đoàn, quân đoàn, tập đoàn quân, cụm tập đoàn quân, đã xem xét những vấn đề tiếp cận chiến trường, thời gian và chiều sâu của chiến dịch, bề rộng của chính diện tấn công, các chiến dịch phòng ngự, v..v... Đáng tiếc là V.K. Tơ-ri-an-đa-phi-lốp đã hy sinh bi thảm năm 1931 trong một tai nạn máy bay và đã không thể làm nốt những công trình nghiên cứu của mình nói về cuộc chiến tranh tương lai và những luận điểm quan trọng nhất về chiến lược quân sự xô-viết và nghệ thuật chiến dịch.
Những tác phẩm của X.X Ca-mê-nép, A.I. Goóc-cơ, I.P. U-bô-rê-vich, I.E. Ya-kia và của nhiều thủ lĩnh quân sự và nhà lý luận lớn của chúng ta cũng đã chứa đựng nhiều điều có giá trị và thực sự có ích đối với mỗi quân nhân chuyên nghiệp. Nói tóm lại, chúng tôi có đầy đủ các món ăn tinh thần, chỉ có điều là không kịp nghiền ngẫm để nắm vững tất cả mà thôi...
Trong buổi học tại lớp bổ túc cán bộ cao cấp đã có một không khí thật là sáng tạo, chúng tôi luôn tranh luận với nhau. Tôi nhớ rằng chúng tôi đã tranh luận với A-lếch-xăn-đrơ Va-xi-li-ê-vích Góc-ba-tốp nhiều hơn cả. Lúc này, đồng chí ấy chỉ huy một lữ đoàn trong quân đoàn kỵ binh số 2. A.V. Goóc-ba-tốp là một cán bộ chỉ huy được bồi dưỡng đầy đủ và có trình độ uyên bác, thảo luận với đồng chí ấy thật là thú vị.
Ở đây, tại lớp bổ túc cán bộ cao cấp, các học viên đã nghiên cứu sâu sắc hàng loạt đề tài quan trọng nhất về chiến dịch - chiến thuật và về các chuyên đề, đã tìm hiểu nhiều mẫu kỹ thuật và vũ khí mới vừa được cấp phát cho các đơn vị Hồng quân.
Lúc này, về mặt kỹ thuật, Hồng quân được trang bị như thế nào? Trong những năm 1920 - 1925, về cơ bản chúng tôi phải bằng lòng với những vũ khí mà quân đội Sa hoàng cũ, yếu và lạc hậu về mặt này, để lại. Nền công nghiệp còn chưa thể cung cấp cho Hồng quân kỹ thuật chiến đấu hiện đại. Nhưng đủ loại biện pháp đã được đề ra và thi hành nhằm cải tiến tình hình trang bị kỹ thuật của quân đội và hạm đội.
Tại Đại hội các Xô-viết toàn Liên bang lần III, đã thảo luận riêng vấn đề xây dựng cơ sở kinh tế vừng chắc cho công cuộc phòng thủ Liên Xô và bảo đảm cho Hồng quân có được những thiết bị quân sự mới. Lúc đó, theo chỉ thị của Đảng, đã bắt đầu xem xét lại số vũ khí của bộ binh, pháo binh và không quân để chọn lấy những loại tốt nhất và tìm cách cải tiến chúng. Kinh phí để trang bị kỹ thuật cho quân đội được tăng lên, các xí nghiệp công nghiệp luyện kim, trong đó có các xí nghiệp quốc phòng, đã được phục hồi lại.
Ngay từ đầu, Đảng đã biến việc xây dựng không quân và hạm đội nước ta thành sự nghiệp của toàn dân. Ngay trong năm 1921, Ủy ban Lao động và Quốc phòng đã thông qua một quyết định đặc biệt về việc soạn thảo một chương trình tối thiểu xây dựng không quân. Hàng chục triệu rúp vàng đã được chi cho việc phát triển không quân. Mùa xuân năm 1923 đã thành lập Hội những người bạn của không quân và trong hai năm Hội đã quyên được 6 triệu rúp vàng. Với số tiền ấy, đã đóng được trên 300 máy bay chiến đấu Kết quả là ngay năm 1925 chúng ta đã ngừng mua máy bay của nước ngoài.
Từ năm 1922, đoàn Côm-xô-môn đã làm chủ Hải quân. Sau ba đợt tự nguyện tòng quân, đã có 8.000 đoàn viên Thanh niên Cộng sản vào hạm đội. Hải quân lúc đó gồm có Hạm đội Ban-tích, Hạm đội Hắc Hải, các đội tàu chiến trên biển Ba-rên-xếp, biển Ca-xpiên và Bạch Hải cùng một số đoàn tàu chạy trên hồ và trên sông đang được khôi phục và củng cố về tổ chức. Hạm đội Ban-tích đã hiện đại hóa và đã đại tu chiếc thiết giáp hạm “Cách mạng tháng Mười” ( trước đây tên là “Gan-gút”), bảy chiếc khu trục hạm, đã đóng xong chiếc tuần dương hạm “Prô-phin-téc”; ở Hắc Hải, tuần dưỡng hạm “Chéc-vô-na U-crai-na”, gần 60 tàu chiến và tàu yểm trợ đã được tu sửa lại và đi vào hoạt động. Nói chung việc khôi phục và hiện đại hóa các tàu chiến của Hải quân đã hoàn thành về cơ bản trong năm 1928.
Để sáng chế ra những kỹ thuật chiến đấu của nước nhà và thiết kế những mẫu vũ khí mới, hiện đại, cần có một cao trào tìm tòi thiết kế sáng tạo. Năm 1924, Hội đồng quân sự cách mạng Liên Xô đã phê chuẩn quy chế về ủy ban sáng chế phát minh quân sự và trong thành phần của ủy ban này có X.X Ca-mê-nép, M.N. Tu-kha-chép-xki, I.X. Un-slích và nhiều đồng chí khác. Đã thành lập một loạt cơ quan nghiên cứu khoa học và đề án thiết kế. Nhiều nhà bác học nổi tiếng, như A.P Crư-lốp và X.A. Cha-plư-ghin đã góp ý kiến vào công tác của ủy ban thí nghiệm đặc biệt các loại pháo. Việc xây dựng thí nghiệm những hình mẫu máy bay, và động cơ máy bay mới của nước nhà đã được tổ chức tại điện khí thủy động lực học trung ương. ở đây, N.N. Pô-li-các-pốp, A.N. Tu-pô-lép và nhiều đồng chí khác đã thiết kế nhiều hình mẫu thí nghiệm máy bay khu trục và máy bay phóng pháo, trong đó có máy bay TB-1 là loại máy bay vượt các máy bay cùng loại của nước ngoài về các chỉ tiêu kỹ thuật hàng không.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #48 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:21:47 pm »

Bằng những công trình nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực động cơ phản lực và những chuyến bay trong vũ trụ, K.E. Xi-ôn-cốp-xki và Ph.A. Xan-đe đã làm cho khoa học Xô-viết thêm phong phú; những nhà sáng chế tài ba N.N. Ti-khô-mi-rốp, Ph.V. Tô-ca-rép và nhiều người khác đã được giúp đỡ bằng mọi cách. Năm 1927, V.A. Đéc-ti-a-rép cùng với V.G. Phê-đô-rốp đã sáng chế ra súng tiểu liên loại mới, hơn hẳn những súng máy nhãn hiệu ngoại quốc về tính năng cấu tạo và chiến đấu. Ngay hồi đó chúng tôi đã nhận được pháo trung đoàn cỡ 76 mi-li-mét chế tạo trong nước, và sau đó là pháo cao xạ.
Tuy nhiên, nói chung, trang bị kỹ thuật của Hồng quân trong những năm 20 vẫn còn ở trình độ thấp. Tình hình kinh tế khó khăn của đất nước và sự phát triển - chưa đầy đủ của công nghiệp quân sự đã ảnh hưởng tới tình trạng ấy. Không có đủ đại liên và nhất là tiểu liên, còn chưa có súng trường tự động, và loại súng Nga cũ kỹ thì cần được hiện đại hóa. Pháo đã cũ về mặt thiết kế, lại mòn nhiều. Đến cuối những năm 20 chỉ có 7.000 cỗ pháo, chủ yếu là pháo nhẹ. Hoàn toàn không có pháo cao xạ, pháo chiến xa và pháo chống tăng. Đến năm 1928 chỉ có tất cả 1.000 máy bay quân sự, chủ yếu là máy bay kiểu cũ, 200 xe tăng và xe bọc thép. Lục quân được cơ giới hóa ở mức thấp. Đáng buồn cười là đến cuối năm 1928 trong quân đội chúng ta chỉ có 350 ô-tô tải và 700 ô-tô con, 67 máy kéo chạy bằng xích sắt? Nhưng nguyên nhân là do đến năm 1928 chúng ta vẫn chưa có cả công nghiệp ô-tô lẫn công nghiệp máy kéo.
Trong lúc đó thì các nước đế quốc lớn đã tăng cường lực lượng vũ trang của họ. Trong trường hợp có chiến tranh, nước Anh chẳng hạn có thể sản xuất được 2.500 xe tăng trong một tháng, còn Pháp thì sản xuất được 1.500 chiếc, không quân của họ có đến hàng chục ngàn máy bay, quân đội của họ được cơ giới hóa nhanh chóng. Nói tóm lại, kẻ thù trước đây (và bọn đang hình thành) của chúng ta đã tiến bộ nhiều trong lĩnh vực vũ trang so với thời kỳ Thế chiến thứ nhất.
So sánh đối chiếu những số liệu này, ta hãy cứ suy đi nghĩ lại mà xem: chúng ta đã bắt đầu cuộc thi đua với thế giới tư bản từ những điểm xuất phát không cân xứng như thế nào mà lịch sử đã khách quan định ra cho chúng ta! Tự nhiên ta sẽ cảm thấy tự hào vô cùng về cái chế độ xã hội mà nhờ nó trong một thời gian ngắn nhất chúng ta đã đuổi kịp và vượt các cường quốc thế giới phát triển nhất về mặt quân sự, và sau đó quân và dân ta đã có thể đánh tan được kẻ thù đế quốc mạnh nhất.
Như vậy đã rõ ràng là chỉ có xây dựng được ở trong nước một nền công nghiệp phát triển mới có thể cung cấp được cho Hồng quân và hạm đội những loại vũ khí hiện đại. Chỉ có công nghiệp hóa mới bảo đảm được khả năng quốc phòng của Liên Xô. Kỹ thuật phải quyết định tất cả. Và các nhà lãnh đạo quân sự của chúng ta hồi ấy đã không nhầm trong vấn đề này, họ đã hình dung một cách đúng đắn tính chất và đặc điểm của cuộc chiến tranh tươn g lai.
Ngay trong năm 1925, khi báo cáo tổng kết về cuộc cải cách quân sự tại Hội nghị toàn thể tháng Giêng của Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản (b) Nga. M.V. Phơ-run-dê đã nói: “Nhiều đồng chí chúng ta, đặc biệt những đồng chí đã có mặt trên các chiến trường của cuộc nội chiến, chắc hẳn vẫn suy nghĩ như chúng ta đã suy nghĩ trong thời kỳ nội chiến. Tôi khẳng định rằng suy nghĩ như thế là rất nguy hại vì rằng cuộc chiến tranh sẽ xảy ra sau này không giống như cuộc nội chiến. Đương nhiên nó sẽ mang những tính chất giai cấp của một nội chiến, do đó chúng ta sẽ thấy có bọn bạch vệ trong hàng ngũ đối phương, và ngược lại chúng ta sẽ có các đồng minh trong phe thù địch của chúng ta. Nhưng về mặt kỹ thuật, về phương thức tiến hành chiến tranh thì đó sẽ không phải là cuộc chiến tranh giống như cuộc nội chiến của chúng ta. Chúng ta sẽ phải tiếp chiến với một quân đội thiện chiến được vũ trang bằng tất thảy những thiết bị kỹ thuật cải tiến hiện đại nhất, và, nếu như trong quân đội của mình, chúng ta không có được những cải tiến ấy thì triển vọng đối với chúng ta sẽ là hoàn toàn bất lợi, rất bất lợi. Chúng ta phải chú ý điều này khi giải quyết vấn đề chuẩn bị chung cho công cuộc quốc phòng”.
Mùa xuân năm 1930, sau khi kết thúc lớp bổ túc cán bộ cao cấp chúng tôi lại quay trở về đơn vị của mình.
Tôi đã chỉ huy lữ đoàn kỵ binh 2 trong hơn một năm và phải nói rằng, công tác này đã mang lại cho tôi nhiều cái mới và đã bồi bổ nhiều cho vốn lý luận và thực hành của tôi.
Cuối năm 1930, tôi được biết rằng, việc đề cử tôi vào chức vụ trợ lý thanh tra kỵ binh của Hồng quân công nông Nga đang được xét định. Hoạt động của cơ quan thanh tra hồi đó đã được đánh giá cao trong các đơn vị kỵ binh. Nhưng tôi phải thú nhận rằng, tin này không làm cho tôi vui mấy. Tôi rất quen với sư đoàn của mình và tự coi mình là thành viên tất yếu trong gia đình thuận hòa của những chiến sĩ Xa-ma-ra.
Nhưng vấn đề đã được quyết định và tôi phải đi Mát-xcơ-va. Thành thật mà nói thì cũng cần phải thu xếp một chiếc áo bành tô và vài bộ quần áo. Toàn bộ gia tư chúng tôi hoàn toàn có thể xếp gọn trong một va-li. Hồi đó không ai trong chúng tôi còn có một tài sản gì khác và chúng tôi coi điều đó là một chuyện rất thường.
Một hôm, về chiều, K.K. Rô-cô-xốp-xki gọi điện thoại cho tôi và nói rằng đã nhận được từ Mát-xcơ-va lệnh bổ nhiệm tôi vào chức vụ mới.
- Đồng chí cần bao nhiêu lâu để thu xếp? - đồng chí ấy hỏi.
- Đề nghị xin 2 giờ, - tôi trả lời.
- Chúng tôi không đồng ý, - K.K. Rô-cô-xốp-xki nói, - vì đồng chí là chiến sĩ lâu năm của sư đoàn 7 cho nên anh em cán bộ quân sự và chính trị của sư đoàn 2 muốn tiễn đưa đồng chí một cách xứng đáng.
Tôi rất lấy làm cảm động.
Vài ngày sau đã mở một bữa tiệc liên hoan của toàn bộ cán bộ quân sự, chính trị của hai trung đoàn 39 - 40, có cả bộ tư lệnh sư đoàn tham dự. Tôi được nghe nhiều đồng chí nhiệt tình động viên khen ngợi tôi. Đó là những lời thốt ra từ đáy lòng và tôi nhớ đến suốt đời
Sáng hôm sau tôi đã sẵn sàng ra đi. Một lần nữa tôi lại sang các phân đội chia tay với cán chiến sĩ và cán bộ.
Trên đường qua nhà, tôi thăm lại thành phố Min-xcơ yêu dấu. Tôi đã sống ở đây 8 năm, gần gũi hiểu biết rất rõ nhân dân Bê-lô-ru-xi hiền hậu, chăm chỉ làm ăn. Tôi đã được tận mắt nhìn thấy đất nước Bê-lô-ru-xi khắc phục thắng lợi hậu quả của 2 cuộc chiến tranh.
Chiều hôm đó, cùng với nhà tôi và cháu gái Ê-ra lên hai, chúng tôi về Mát-xcơ-va.
 
---
1] Nguyên văn: không choáng váng đầu óc - ND
[2] Tức Xô-viết tối cao sau này - ND.
[3] Nguyên văn: “thở hắt ra” - ND
[4] Nguyên văn: có thể trở thành vật hy sinh của tình trạng không được rèn luyện - ND
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #49 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:22:37 pm »

Chương 5
TẠI BAN THANH TRA KỴ BINH HỒNG QUÂN CÔNG NÔNG NGA
CHỈ HUY SƯ ĐOÀN KỴ BINH 4

Ban Thanh tra kỵ binh trong những năm này do Xê-mi-ôn Mi-khai-lô-vích Bu-đi-ôn-nưi phụ trách.
Sau khi đã đến nhiệm sở mới rồi, tôi liền đi trình diện với ban lãnh đạo tương lai. Song, X.M. Bu-đi-ôn-nưi không có mặt ở Ban Thanh tra. Người thư ký riêng của đồng chí, P.A. Bê-lốp (anh đã lừng danh trong Chiến tranh giừ nước vĩ đại), nói với tôi rằng hiện nay, thực ra Xê-mi-ôn Mi-khai-lô-vích không làm công tác thanh tra mà đang nghiên cứu, học tập trong một nhóm đặc biệt của học viện. Toàn bộ công việc do người phó thứ nhất của đồng chí, tư lệnh quân đoàn I.Đ. Cô-xô-gốp, điều khiển.
Tôi trình diện với I.Đ. Cô-xô-gốp và sau đó làm quen với những người giúp việc của đồng chí thanh tra kỵ binh là các đồng chí B.K. Véc-khốp-xki, Ph.R. Giê-mai-ti-xơ, P.P. Xa-bi-ôn-ni-cốp, I.V. Tiu-lê-nép, A.Ya. Tơ-rây-man. Đó là những cán bộ thông thạo công việc của mình.
Sau khi đã sơ bộ tìm hiểu tôi, I.Đ. Cô-xô-gốp nói rằng, tốt nhất là tôi nên theo dõi các vấn đề huấn luyện quân sự cho kỵ binh vì tôi có kha khá thực tế trong lĩnh vực này.
Khoảng gần một tháng sau, tôi đã hoàn toàn nắm được công tác mới.
Và ba tháng sau, mở hội nghị các đảng viên cộng sản trong các cơ quan thanh tra và các cục có liên quan đến công tác huấn luyện quân sự thuộc Bộ Ủy viên nhân dân phụ trách Quân đội và Hạm đội[1].
Trong hội nghị này, tôi được bầu làm bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ, còn I-van Vla-đi-rô-vích Tiu-lê-nép được bầu làm phó bí thư.
Trong lúc phải dành khá nhiều công sức và số thời gian nhiều hơn mức quy định để làm tròn các nghĩa vụ theo chức năng của mình, những người đảng viên trong đảng bộ chúng tôi vẫn không sao lãng công tác xã hội. Chúng tôi thường hay đến nói chuyện tại các nhà máy và xí nghiệp cũng như tại các tổ chức và cơ quan dân sự. Công nhân và viên chức đã niềm nở tiếp đón những người cộng sản trong quân đội và rất hài lòng khi nghe nói chuyện, đặc biệt là khi được nghe về tình hình quốc tế và về những quyết định mới nhất của Đảng và của Chính phủ.
Cuối những năm 20 - đầu những năm 30, tình hình quốc tế trở nên căng thẳng. Người ta đã thấy hình thành rõ rệt một khối các nước đế quốc - trước hết là Đức, Nhật và Ý. Chính phủ các nước này, thực hiện ý chí của các giới độc quyền, ngày càng tích cực tìm lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế bằng cách chia lại thế giới một lần nữa. Năm 1931, quân đội Nhật, không hề tuyên chiến, đã tấn công Trung Quốc và chiếm đóng Mãn Châu. Đương nhiên là khi thực hiện các kế hoạch đó, bọn xâm lược Nhật cũng muốn xây dựng được một bàn đạp để tấn công vào Liên bang Xô-viết.
Tháng Giêng năm 1933, ở Đức, bọn phát-xít lên nắm chính quyền, bọn này ngay từ đầu đã thi hành đường lối nhằm giành quyền bá chủ thế giới. Hẳn là nhân dân Anh, Mỹ, Pháp lúc đó đã hoài nghi rằng, sao các lực lượng đế quốc chủ nghĩa nước họ phục vụ họ thì tồi tệ như thế mà chúng ta lại giúp Đức khôi phục nền công nghiệp nặng tích cực đến thế. Mỹ đã cung cấp 70% tổng số tín dụng dài hạn cho bọn độc quyền Đức. Sau khi Hít-le lên cầm quyền, nguồn tiền ngoại quốc đổ vào Đức lại tăng nhanh hơn.
Đức, Nhật, Ý đã chuyển nền kinh tế nước họ sang kinh tế chiến tranh. Ngân sách quân sự tăng lên đến cùng cực. Cuộc chạy đua đó đã lên đến mức làm cho sau này, trong nửa cuối những năm 30, các nước hiếu chiến ở châu Âu trên thực tế đã sẵn sàng tham gia vào một cuộc chiến tranh lớn. Lực lượng vũ trang Đức đã vượt quá con số 1 triệu người, ngoài ra còn có gần 2 triệu người trong các tổ chức phát-xít quân sự hóa. Trong trường hợp có chiến tranh, quân đội Đức có thể nhanh chóng tăng lên 5 - 6 lần. Ở Ý, trong thời bình, quân đội có 40 vạn người, nhưng trong thời chiến số này có thể dễ dàng tăng lên 5 lần nữa.
Đương nhiên là trong tình thế ấy, cần phải có những biện pháp kiên quyết để tăng cường lực lượng quốc phòng của đất nước ta. Tăng cường lực lượng không phải chỉ là về số lượng. Lực lượng vũ trang chúng ta phải vươn lên trình độ có một chất lượng mới. Nhiều biện pháp nhằm phát triển quân đội và hạm đội đã được thi hành. Khâu chủ yếu là kỹ thuật. Cấp dưỡng, trang bị đầy đủ kỹ thuật hiện đại cho các lực lượng vũ trang xô-viết - nhiệm vụ trọng đại này chỉ có thể được giải quyết bằng con đường công nghiệp hóa.
Đường lối công nghiệp hóa - phát triển toàn diện công nghiệp nặng trên cơ sở điện khí hóa, đổi mới thiết bị kỹ thuật và xây dựng lại công nghiệp, vận tải, nông nghiệp - đã được Đảng quyết định trong Đại hội XIV cuối năm 1925. Hai năm sau, Đại hội Đảng lần thứ XV đã trực tiếp ghi vào các chỉ thị xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
“Xét thấy các nước tư bản chủ nghĩa có thể vũ trang tấn công nhà nước vô sản, trong khi soạn thảo kế hoạch 5 năm, cần chú ý phát triển nhanh nhất những ngành nào trong nền kinh tế quốc dân nói chung và trong công nghiệp nói riêng sẽ giữ vai trò chủ yếu trong việc bảo đảm quốc phòng và ổn định nền kinh tế nước nhà trong thời gian chiến tranh”. Công việc diễn ra rất sôi nổi.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM