Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 10:12:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhớ lại và suy nghĩ  (Đọc 167047 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 05:45:37 pm »

Link tại: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nnn3n4n4n31n343tq83a3q3m3237nvn&cochu=
 

Về tác giả
Georgi Konstantinovich Zhukov
(1896-1974)

Trong lịch sử chiến tranh thế giới, hiếm có vị tướng nào chưa bao giờ nếm mùi thất bại, chỉ biết có chiến thắng, hết trận này đến trận khác. Trong rất nhiều tướng lĩnh nổi danh trong Thế chiến thứ hai, G.K. Zhukov được xếp đầu bảng về số lượng trận thắng nhiều và quy mô lớn, chiếm bảng vàng về tài năng chỉ đạo chiến dịch,chiến lược. Những chiến tích sáng chói của ông trở thành tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hoá nhân loại. Nó không những có ảnh hưởng lớn về lý luận quân sự của Liên Xô mà cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của lý luận quân sự thế giới.
Georgi Konstantinovich Zhukov (tiếng Nga: Георгий Константинович Жуков) sinh ngày 1-12-1896 trong một gia đình nghèo tại làng Strenkovka, tỉnh Kluga, con ông Konstantin Zhukov và bà Uxtina Zhukova. Tuổi nhỏ sống rất cực khổ, nhưng học rất giỏi. Năm 12 tuổi, lên Moscow làm thợ học việc trong một cửa hàng đồ da. Năm 1915, ông nhập ngũ, phục vụ trong một đơn vị kỵ binh Sa hoàng, tham gia Thế chiến thứ nhất, và 2 lần được tặng Huân chương Thánh George vì lòng dũng cảm.
Sau Cách mạng tháng Mười Nga, Zhukov gia nhập Hồng quân và trở thành một sĩ quan kỵ binh ưu tú. Ông chỉ huy đơn vị nghiêm minh, quản lý đúng phương pháp, đơn vị ông phụ trách bao giờ cũng là đơn vị tiên tiến, lập nhiều công tích xuất sắc trong thời kỳ nội chiến Nga. Năm 27 tuổi, ông giữ chức trung đoàn trưởng; đến năm 42 tuổi, đã là phó Tư lệnh đại quân khu Bélorusia.
Tháng 5-1939, quân Nhật khiêu khích vũ trang tại vùng Khangin Khon (Mông Cổ). Zhukov được cử giữ chức vụ Tư lệnh chiến trường. Trong chiến dịch này, Zhukov đã sử dụng lực lượng xe tăng, cơ giới, máy bay và hỏa pháo mạnh để phản kích quân Nhật một cách kiên quyết; mạnh dạn đánh chia cắt và bao vây tập đoàn trang bị nặng của Nhật, gây cho tổn thất nặng nề cho quân Nhật. Qua đó, lần đầu tiên Zhukov thể hiện được tài năng về mặt chỉ huy và hiệp đồng tác chiến, gây sự chú ý của vị thống soái Stalin. Năm 1940, ông được phong hàm Đại tướng, giữ chức Tư lệnh đại quân khu Kiev. Đến đầu năm 1941, ông giữ chức Tổng tham mưu trưởng Hồng quân Liên Xô.
Có thể nói Zhukov đã hội đủ mọi tố chất để trở thành một vị tướng tài ba: Giỏi quan sát và phán đoán địch tình; dự kiến tình huống phát triển một cách chính xác; biết xử trí linh hoạt, ứng phó hữu hiệu với sự thay đổi của tình hình; điều chỉnh bố trí binh lực một cách hợp lý, luôn giáng cho địch những đòn đích đáng. Ông bao giờ cũng chọn đúng điểm đột phá khẩu, biết sử dụng binh đoàn xe tăng, chia cắt và đánh vu hồi, nhanh chóng đập tan tập đoàn địch. Zhukov còn là một nhà chiến thuật tài năng, hiểu rõ tầm quan trọng của yếu tố địa hình và khí hậu. Trước khi nổ ra chiến dịch, bao giờ ông cũng tiến hành đo đạc địa hình, tính toán cân nhắc cẩn thận, so sánh lực lượng giữa hai bên, dựa vào sức mạnh của các quân binh chủng, nhằm bảo đảm về các mặt hàng không, pháo, công trình và thông tin. Ông không bao giờ chấp nhận một cuộc giao tranh không nắm chắc phần thắng.
Với nhận xét tinh tường, Zhukov đã nhận định rằng chiến tranh Xô-Đức là rất không thể tránh khỏi, nên về mặt xây dựng quân đội, ông đã đề xuất thành lập các đơn vị xe bọc thép độc lập để đáp ứng nhu cầu của chiến tranh. Tuy nhiên ý kiến đúng đắn của ông đã không được giới lãnh đạo Liên Xô coi trọng. Điều này chỉ được chứng thực vào tháng 6-1941, khi chiến tranh Xô-Đức nổ ra, thực tế chiến trường đã xác minh hầu hết các luận điểm của ông.
Nhận ra được sai lầm của mình, Stalin thận trọng sử dụng Zhukov vào cương vị Phó Tổng tư lệnh Tối cao, sau đó tin cậy giao trách nhiệm cho Zhukov trên những mặt trận nóng bỏng nhất. Đến lúc này, tài năng của Zhukov được bộc lộ qua hàng loạt chiến dịch lớn. Bất cứ chiến trường nào đang gặp nguy hiểm, khi Zhukov đến chỉ huy, tình thế lập tức thay đổi. Báo chí phương Tây gọi ông với biệt danh “Fireman” – “lính cứu hỏa thiện nghệ”, nhân dân Liên Xô gọi ông với cái tên “vị Nguyên soái của Chiến thắng” (Zhukov được phong hàm Nguyên soái Liên Xô năm 1943, và là vị Nguyên soái Liên Xô đầu tiên được phong trong Thế chiến thứ hai). Hàng loạt chiến dịch lớn chấn động địa cầu trên mặt trận phía Đông như Léningrad, Moscow, Stalingrad, Kursk, Berlin... đều có dấu ấn của Zhukov. Hàng loạt danh tướng nước Đức như Von Leeb, Von Bock, Von Paulus, Von Kluge, Von Manstein, Von Keitel ... phải chấp nhận thất bại trước Zhukov. Có thể nói, Zhukov là khắc tinh của quân đội Đức, một đội quân hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. Chính Zhukov là thay mặt Hồng quân Liên Xô tiếp nhận sự đầu hàng của nước Đức.
Sau chiến tranh, uy tín của Zhukov được cả thế giới khẳng định. Chính Zhukov là người đại điện cho Stalin duyệt binh mừng chiến thắng. Tuy nhiên, ông là một vị tướng của chiến trường, không phải là một nhà chính trị. Sau khi Stalin mất, ông được bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ quốc phòng, phụ trách nghiên cứu tác dụng của vũ khí hạt nhân trong chiến tranh hiện đại. Từ 1955-1957, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau khi bị thất sủng, ông tập trung viết quyển hồi ký “Nhớ lại và suy nghĩ” (nguyên tác tiếng Nga: "Воспоминания и размышления", tiếng Anh: "Memories and thoughts") nổi tiếng. Quyển hồi ký này đã được xuất bản vào năm 1969. Ông qua đời năm 1974, thọ 78 tuổi.
Các danh hiệu của G.K. Zhukov
- 4 lần phong tặng Anh hùng Liên Xô (1939, 1944, 1945, 1956),
- 2 Huân chương Chiến thắng, (1944, 1945)
- 2 Huân chương Suvorov hạng I
- Huân chương Vẻ vang của Hoa Kỳ
- Huân chương Barna hạng I của Anh quốc.
và nhiều huân huy chương, danh hiệu khác...
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 01:25:32 pm gửi bởi ptlinh » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #1 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 05:47:52 pm »

 Một số hình ảnh về Nguyên soái Georghi Konstantinovich Zhucov:
 Nguyên soái Zhucov năm 1916
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #2 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 05:50:23 pm »

 Nguyên soái Zhucov năm 1937 và trên tem của Liên bang Xô Viết năm 1976:
 
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #3 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 05:57:02 pm »


Thay lời tựa

NHỚ LẠI VÀ SUY NGHĨ
G.K.ZHUKOV
Nhóm dịch: Lê Tùng Ba - Hồng Lam - Nguyễn Hải Sa – Lê Bá Phán - Trần Anh Tuấn.
TÔI đã miệt mài với cuốn “Nhớ lại và suy nghĩ” này không phải chỉ trong vòng một năm. Từ những tài liệu của cuộc sống rộng lớn, từ rất nhiều các sự kiện và những cuộc tiếp xúc, tôi muốn lựa chọn ra cái gì là thực chất và quan trọng nhất có thể nói lên thật xứng đáng sự vĩ đại của những sự nghiệp và thành tựu của nhân ta.
Nhiều năm đã trôi qua sau khi đã xảy ra các sự kiện được diễn lại trong cuốn sách này, nhưng chắc là ngay đến bây giờ cũng không thể nói một cách chính xác rằng cái gì trong những cái chúng ta đã từng trải qua và từng chứng kiến đó mang trong bản thân nó dấu vết của sự vĩnh cửu...
Mong rằng các bạn chiến đấu sẽ tha lỗi cho tôi nếu như tôi không thể đáp ứng được điều đó với tất thảy các bạn. Hãy còn thời gian và hãy còn nhiều đồng chí khác sẽ viết và kể lại về những chuyện đó. Tôi sẽ rất cảm ơn các bạn nào gửi cho những ý kiến nhận xét, phê phán để có thể tiếp tục chỉnh lý cuốn sách này.
Nhiều đồng chí đã giúp đỡ tôi khi chuẩn bị lần xuất bản này. Tôi xin tỏ lòng biết ơn các tướng lĩnh và sĩ quan Viện khoa học quân sự Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Xô-viết và Viện Lịch sử quân sự, các đồng chí Vụ trưởng các vụ thuộc Bộ Quốc phòng: đại tá Ni-ki-ta Ê-phi-mô-vich Tê-rê-sen-cô và đại tá Pi-ốt Ya-cốp-lê-vích Đô-brô-vôn-xki, các đồng chí biên tập viên Nhà xuất bản Hãng Thông tấn Nô-vô-xti: An-na Đa-vư-đốp-na Miếc-ki-na, Vích-to A-lếch-xăn-đrô-vich Ê-rô-khin cùng tất cả những đồng chí đã chuẩn bị đưa in bản thảo của tôi.
Tôi đặc biệt cảm ơn sự giúp đỡ to lớn và sáng tạo mà đồng chí Va-đim Ghê-ra-xi-mô-vich Cô-mô-lốp đã dành cho tôi trong khi xây dựng cuốn sách này.
10 tháng 2 năm 1969
G. GIU-CỐP
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #4 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:01:45 pm »

Chương 1
THỜI THƠ ẤU VÀ THANH NIÊN

Khi đã luống tuổi, người ta khó mà nhớ hết những gì đã xảy ra trong đời mình. Năm tháng, sự kiện và công việc đã xoá mất khá nhiều trong trí nhớ tất cả những gì trong thời thơ ấu và thanh niên. Nhớ chăng được chỉ là những điều không thể quên đi.
Tôi sinh ngày 19-11-1896 (lịch cũ) trong một ngôi nhà nằm ở giữa làng Xtơ-ren-cốp-ca, tỉnh Ca-lu-ga. Ngôi nhà đó rất cũ kỹ, một góc đã bị lún. Trải qua thời gian, rêu và cỏ đã mọc kín tường và mái. Trong nhà chỉ có mỗi một phòng có hai cửa sổ.
Cha mẹ tôi cũng không biết ai đã cất ngôi nhà này từ bao giờ. Theo các người đã sống lâu năm ở đây kể lại thì hồi xưa có một người đàn bà goá không có con, tên là An-nu-sca Giu-cô-va ở nhà này. Để đỡ cô quạnh, bà đã nhận ở trại mồ côi một đứa bé 2 tuổi về nuôi – đó là cha tôi. Không người nào rõ bố mẹ đẻ của đứa bé ấy là ai, vả lại cha tôi cũng không cố công tìm hiểu gốc tích của mình nữa. Chỉ biết rằng một người đàn bà nào đó đã bỏ đứa bé mới 3 tháng ở trước cửa nhà nuôi trẻ mồ côi với một tấm giấy ghi: “Con tôi tên là Côn-stăn-tin”. Không ai biết được tại sao người đàn bà tội nghiệp ấy lại phải bỏ con mình trên thềm nhà nuôi trẻ mồ côi. Người đó đã dẫn tới hành động như thế vì thiếu tình thương con? Hay đúng hơn hết là vì lâm vào một hoàn cảnh khó khăn, không lối thoát?
Khi bà mẹ nuôi chết, cha tôi đã gần 18 tuổi. Cha tôi vào học nghề thợ giày ở làng U-gốt-xki Da-vốt. Sau này cha tôi kể lại rằng học nghề chủ yếu chỉ là làm công việc vặt trong nhà. Lại còn phải giữ con cho chủ và chăn nuôi gia súc. “Học” như vậy được chừng 3 năm thì cha tôi đi tìm chỗ khác. Cha tôi đi bộ đến Mát-xcơ-va và cuối cùng tìm được việc làm ở xưởng giày Vây-xơ. Xưởng Vây-xơ còn có cửa hàng giày mẫu nữa.
Tôi không biết chi tiết, nhưng theo cha tôi kể thì ông cũng nằm trong số nhiều công nhân bị đuổi và trục xuất khỏi Mát-xcơ-va sau sự kiện năm 1905 vì đã tham gia biểu tình. Từ đó cho đến khi chết, vào năm 1921, ông chỉ làm nghề thợ giày và làm ruộng, không đi ra khỏi làng nữa. Mẹ tôi là U-xti-na Ác-tê-mi-ép-na, sinh ra lớn lên trong một gia đình nghèo xác nghèo xơ ở làng Choóc-nai-a Gri-a-dơ bên cạnh.
Khi cưới nhau thì mẹ tôi đã 35 tuổi và cha tôi đã 50. Cả hai người đều tái hôn. Sau khi đã kết hôn lần đầu, hai người đều góa sớm.
Mẹ tôi rất khoẻ. Bà có thể nhấc bổng bao lúa 5 pút[1] và vác đi được một chặng đường rất xa. Người ta nói là mẹ tôi vốn khoẻ giống ông bố. Ông ngoại Ác-tem của tôi đã từng chui xuống bụng ngựa và nhấc bổng nó lên hoặc nắm đuôi, nhảy tót một cái ngồi cưỡi lên lưng ngựa.
Cảnh túng bấn và nghề thợ giày của cha tôi chẳng kiếm chác được bao lăm buộc mẹ tôi phải làm thêm nghề vận chuyển. Mùa xuân, mùa hè và đầu mùa thu, mẹ tôi làm đồng. Cuối mùa thu, bà vào phố huyện Ma-lô-ya-rô-xla-vét lấy hàng thực phẩm phụ để chở thuê đến thành phố U-gốt-xki Da-vốt cho những người buôn. Mỗi chuyến đi bà kiếm được 1 rúp đến 1 rúp 20 cô-pếch. Nhưng nếu trừ tiền cỏ ngựa, ngủ trọ ở thành phố, ăn uống, sửa giày, v..v... thì chẳng còn được bao nhiêu. Tôi nghĩ trong từng đó thời gian, người ăn xin còn kiếm được nhiều hơn.
Nhưng còn việc gì mà làm nữa? Đó là số phận của những người nghèo hồi đó, và mẹ tôi cũng đành phải tảo tần, nhẫn nhục như vậy. Nhiều người đàn bà ở làng tôi cũng phải làm thế để khỏi chết đói. Họ chở hàng từ Mô-lô-ya-rô-xla-vét, Xéc-pu-khốp và những nơi khác, lặn lội đường trơn, gió rét, con mọn để cho các ông bà già yếu ở nhà trông coi.
Phần lớn nông dân làng tôi sống trong nghèo đói. Ruộng đất của họ đã ít lại xấu. Công việc đồng áng chủ yếu do đàn bà, người già và trẻ con làm. Đàn ông đi làm mướn thời vụ ở Mát-xcơ-va, Pê-téc-bua và các thành phố khác. Họ kiếm không được bao nhiêu, ít người trở về làng có nặng túi tiền.
Tất nhiên trong làng cũng có bọn phú nông rất giàu. Chúng sống sung sướng, có nhà cao cửa rộng, sáng sủa, đầy đủ tiện nghi; trong chuồng nhiều trâu bò, gà lợn; trong kho sẵn thóc, sẵn bột. Con cái chúng ăn ngon mặc đẹp, học trong các trường tốt. Những bần nông ở làng chúng tôi đều làm việc cho chúng là chính, công sá ít ỏi; kẻ thì lấy dược ít bánh mì, người thì đổi thóc giống, có người chỉ kiếm được vài bữa ăn.
Chúng tôi là con nhà bần nông, đã từng chứng kiến bao cảnh nước mắt mồ hôi, cay đắng đó của mẹ chúng tôi. Mừng rỡ biết bao khi mẹ chúng tôi ở Ma-lô-ya-rô-xla-vét đem về cho vài cái bánh bàng khô? Nhất là trước ngày lễ Nô-en hay lễ Phục sinh mà mẹ chúng tôi dành dụm được ít tiền mua cho vài chiếc bánh ngọt có nhân thì thật là vui mừng khôn xiết!
Khi tôi lên năm, chị tôi lên bảy, mẹ tôi lại đẻ thêm một em trai nữa tên là A-lếch-xây. Nó gầy quá, mọi người đều lo nó không sống nổi. Mẹ tôi thì thường khóc và nói:
 - Lấy gì để bồi bổ cho con? Bánh mì và nước lã chăng?
Sau khi đẻ được mấy tháng, mẹ tôi lại quyết định vào thành phố để làm thuê. Láng giềng gần lại, khuyên mẹ tôi nên ở nhà săn sóc thằng bé, nó còn yếu cần phải có sữa mẹ. Nhưng vì sợ cả nhà chết đói, mẹ tôi buộc lòng phải ra đi và để A-lếch-xây lại cho chúng tôi săn sóc. Nhưng được non một năm thì nó chết. Người ta chôn nó vào mùa thu ở nghĩa địa U-gốt-xki Da-vốt. Tôi và chị tôi rất thương tiếc A-li-ô-sa[2] và thường đến thăm mộ nó luôn. Còn nỗi đau buồn của cha mẹ chúng tôi thì thật là khôn nguôi.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #5 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:02:05 pm »

Trong năm ấy, chúng tôi lại gặp một chuyện rủi ro khác nữa. Mái nhà sập vì đã quá cũ kỹ.
- Phải rời khỏi nơi này ngay! - Cha tôi nói - Không thì chúng ta sẽ chết bẹp. Bây giờ còn ấm, chúng ta hẵng dọn xuống dưới nhà kho rồi sau hãy hay. May ra có ai cho ở nhờ vào nhà tắm hay nhà lẫm cũng được.
Tôi còn nhớ mẹ tôi đã khóc và nói với chúng tôi:
- Biết làm sao bây giờ, các con! Thôi hãy dọn đồ đạc xuống dưới kho.
Cha tôi đắp một cái lò con để nấu ăn, còn chúng tôi cố thu xếp chuyển hết đồ đạc trong nhà vào kho.
Dọn nhà xong, bạn của ba tôi đến và nói đùa:
- Sao, Cô-xchu-kha, nghe nói cậu bất hoà với thổ công nên ông ấy đuổi cậu đi ấy à?
- Sao lại bất hoà? - Cha tôi nói - Nếu bất hoà thì ông ấy đã đè bẹp chúng tôi rồi!
- Bây giờ cậu định liệu thế nào? – Bác Na-da-rứt, người bạn hàng xóm của cha tôi hỏi.
- Chưa biết nghĩ thế nào đây...
- Còn nghĩ gì nữa. - Mẹ tôi xen vào - Dắt con bò ra chợ ngay. Bán bò để mua gỗ. Ngoảnh đi ngoảnh lại, mùa hè qua giờ đấy, mùa đông đến thì chữa nhà sao được.
- Chị U-xti-na nói đúng đấy! - Đám đàn ông tán thành.
- Đúng thì đúng rồi, nhưng một con bò thì không đủ, - cha tôi nói - Mà ngoài con bò, chúng tôi chỉ còn con ngựa già.
Mọi người đều im lặng, nhưng ai cũng hiểu rằng: cái khó khăn nhất đang ở trước mắt chúng tôi.
Sau đó chỉ một thời gian, không biết cha tôi mua ở đâu được một ít gỗ giá phải chăng, lại trả làm nhiều lần. Láng giềng giúp chúng tôi chở về và đến tháng 11 thì nhà làm xong. Mái lợp bằng rạ.
- Không sao, ta cứ ở đây, khi nào giàu ta sẽ làm nhà đẹp hơn, - mẹ tôi nói.
Nhìn ngoài thì nhà chúng tôi xấu hơn các nhà khác, bậc thềm lát bằng ván cũ, cửa sổ thì bằng những mảnh kính ghép lại. Nhưng chúng tôi rất vui, vì mùa đông đến, dù sao cũng có một xó ấm để nương thân, còn chật thì chật thật, nhưng như người ta nói “chịu chật chứ không chịu nhục”.
Mùa đông năm 1902, tôi lên bảy. Mùa đông ấy gia đình chúng tôi rất khổ. Đó là năm mất mùa, lúa chỉ đủ ăn đến nửa tháng Chạp. Cha mẹ tôi kiếm được bao nhiêu tiền thì chỉ đủ mua bánh mì, muối và trả nợ. May nhờ có hàng xóm khi thì cho chúng tôi bát canh, khi thì bát cháo. Việc tương trợ như vậy ở nông thôn không phải là một trường hợp đặc biệt, mà đó là một tập quán hữu ái, tương trợ lẫn nhau của người Nga trong cơn neo túng.
Sang mùa xuân thì đỡ hơn vì trên sông Ô-gu-bli-an-ca và Rốt-va có khi câu cá rất dễ. Sông Ô-gu-bli-an-ca là một con sông nhỏ, cạn có nhiều chỗ bùn. Phía trên làng Cô-xchin-ca, gần xóm Bô-lốt-xki, nơi các con suối bắt đầu hợp lại thành ngọn sông, có chỗ rất sâu tập trung rất nhiều cá. Trên sông Ô-gu-bli-an-ca, đặc biệt là vùng làng tôi và làng Ô-gúp, có nhiều cá trôi, cá vược, cá mè, có khi câu được hàng giỏ. Những ngày câu được nhiều, tôi còn chia cá cho hàng xóm để trả ơn họ cho canh, cho cháo.
Bọn trẻ con chúng tôi rất thích đi câu cá trên sông Prốt-va ở khu núi Mi-khai-lép-xki. Đường đến chỗ đó phải đi qua khu rừng bồ đề rậm rạp và khu rừng bạch dương thần tiên, có nhiều cây dâu và hoa dại, và cuối mùa hè lại nhiều nấm. Đàn ông ở các làng lân cận thường đến cạy vỏ cây làm dép mà ở vùng chúng tôi người ta thường gọi là “dép rọ ngày lễ”.
Bây giờ không còn các khu rừng đó nữa. Bọn xâm lược Đức đã chặt trụi cả, và sau Chiến tranh giữ nước vĩ đại, nông trường đã cày làm đất trồng trọt.
Một bận, vào mùa hè, cha tôi nói:.
- Này, Ê-go, con đã lớn, tám tuổi rồi. Đến lúc phải đi làm việc rồi đấy! Hồi bằng tuổi con, bố đã làm việc không kém gì người lớn. Ngày mai, vác cào đi với chị mà cắt cỏ, phơi ra rồi chất lại thành đống.
Tôi rất thích cắt cỏ và thường theo người lớn đi cắt cỏ. Nhưng giờ đây, tôi đi cắt cỏ với ý thức đi làm chứ không phải đi chơi như trước. Tôi rất hãnh diện vì tôi đã tham gia lao động và trở thành có ích cho gia đình. Tôi thấy các bạn cùng lứa tuổi với tôi cũng cầm cào ngồi trên các xe ngựa khác.
Tôi rất cố gắng làm việc, và được người lớn khen, tôi rất thích. Nhưng có lẽ tôi đã cố quá sức nên bàn tay phồng lên. Tôi rất xấu hổ không dám nói với ai cả và cố hết sức chịu đựng. Cuối cùng, những chỗ phồng vỡ ra và tôi không thể nào cào cỏ được nữa.
- Không can gì! - Cha tôi nói và lấy giẻ buộc tay cho tôi. Mất mấy ngày tôi không cầm được cào, mà chỉ giúp chị tôi chuyển cỏ dồn lại thành đống. Bọn trẻ con cười tôi. Nhưng mấy ngày sau, tay tôi khỏi và lại làm việc không kém gì bọn chúng.
Đến mùa gặt lúa mì, mẹ tôi bảo:
- Con ạ! Đã đến lúc con tập gặt được rồi đấy. Mẹ đã mua cho con một cái liềm mới ở trên phố rồi. Sáng mai mẹ con ta đi gặt.
Tôi gặt không đến nỗi tồi, nhưng không bao lâu tôi lại thất bại một lần nữa. Muốn cho thành tích của mình nổi bật, tôi hấp ta hấp tấp đưa liềm vào ngón tay út bên trái. Mẹ tôi lo quá. Tôi cũng vậy. Cô Pra-xcô-vi-a là người hàng xóm, cũng làm cạnh đấy, lấy cỏ nhọ nồi đắp lên tay tôi và lấy giẻ buộc chặt lại.
Đã bao nhiêu năm qua, vết sẹo ở ngón tay út bên trái vẫn còn nhắc tôi nhớ lại thất bại đầu tiên của mình trên mặt trận nông nghiệp...
Mùa hè lao động trôi qua rất nhanh. Tôi đã làm quen công việc đồng áng và khoẻ thêm.
Mùa thu năm 1903 đã tới gần. Đối với tôi từ đây bắt đầu một thời kỳ quan trọng. Bọn trẻ con cùng tuổi với tôi chuẩn bị đi học. Tôi cũng chuẩn bị đi học. Tôi cố gắng học chữ in theo sách tập đánh vần của chị tôi. Mùa thu ấy trong làng có thêm năm đứa trẻ nữa bắt đầu đi học, trong số đó có bạn thân nhất của tôi là Li-ô-sca Cô-lô-tưa-nưi. “Cô-lô-tưa-nưi” là tên họ người ta đặt thêm cho nó, còn tên họ chính của nó cũng là Giu-cốp. Trong làng tôi có bảy hộ có họ là Giu-cốp. Để phân biệt người cùng họ, người ta thường gọi thêm tên mẹ. Chị em tôi thì gọi là U-xtin, con nhà khác là Áp-đô-tin, con nhà khác nữa thì gọi là Ta-ti-a-nin, v..v...
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #6 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:02:33 pm »

Chúng tôi học ở trường dòng của làng Vê-lit-cô-vô, cách nhà tôi một ki-lô-mét rưỡi. Trẻ con bốn làng Lư-cô-vô, Vê-lit-cô-vô, Xtơ-ren-cốp-ki và Ô-gu-bi cùng học ở đấy.
Nhiều đứa được bố mẹ mua cho cặp da và chúng thường giơ cặp ra khoe. Tôi và Li-ô-sca, không có cặp da mà chỉ có một cái túi xách khâu bằng vải bạt. Tôi báo mẹ tôi là mang túi đi học như đeo bị đi ăn xin ấy, tôi không đeo túi nữa đâu.
- Khi nào bố mẹ có tiền, -mẹ tôi nói - nhất định mẹ sẽ mua cặp cho con. Bây giờ thì con hãy mang túi này đi học đã.
Chị Ma-sa dẫn tôi đến trường. Chị tôi đã học lớp hai. Lớp tôi có 15 đứa con trai và 13 đứa con gái.
Sau khi làm quen với lớp, thầy giáp xếp chúng tôi ngồi vào từng bàn. Bọn con gái ngồi bên trái, bọn con trai ngồi bên phải. Tôi rất muốn ngồi với Cô-lô-tưa-nưi nhưng thầy giáo bảo chúng tôi không ngồi chung với nhau được vì Li-ô-sca chưa biết qua một chữ nào, người lại bé. Nó ngồi ở bàn đầu, còn tôi ngồi ở bàn cuối. Li-ô-sca nói với tôi là nó sẽ cố gắng học nhanh cho thuộc hết chữ cái rồi nhất định chúng tôi sẽ được ngồi chung. Nhưng sự thật lại không xảy ra như vậy. Li-ô-sca luôn luôn ở trong số học sinh kém nhất. Vì nó không thuộc bài nên thường phải ở lại lớp sau khi tan học, nhưng nó lại hết sức chịu khó nên không bị các thầy quở mắng.
Thầy giáo chúng tôi là Xéc-gây Ni-cô-lai-ê-vich Rê-mi-dốp, một nhà giáo có kinh nghiệm và tốt. Thầy không phạt oan và không to tiếng với bọn trẻ bao giờ. Học sinh rất kính trọng và vâng lời thầy. Bố thầy Xéc-gây Ni-cô-lai-ê-vich là một ông giáo trầm tĩnh và tốt bụng, là một chức sắc và dạy “kinh thánh” ở trường chúng tôi.
Thầy Xéc-gây Ni-cô-lai-ê-vich và anh thầy, bác sĩ Ni-cô-lai Ni-cô-lai-ê-vich, đều là người vô thần. Họ đi nhà thờ chỉ vì lịch sự mà thôi, cả hai anh em thầy đều hát trong đội đồng ca của nhà thờ. Tôi và Li-ô-sca đều tốt giọng nên được cho vào đội đồng ca nhà trường.
Tất cả trẻ con làng tôi đều được lên lớp hai với điểm tốt, chỉ có Li-ô-sca mặc dù tập thể chúng tôi đã giúp đỡ nhiều nhưng không được lên, vì nó bị 2 về môn “kinh thánh”.
Chị tôi học cũng kém, phải học lại lớp hai. Cha mẹ tôi quyết định bắt chị tôi thôi học về làm việc trong nhà. Chị Ma-sa khóc nức nở và phân trần là không phải tại chị ấy, chỉ vì phải bỏ mất nhiều bài quá để trông em bé A-li-ô-sa ở nhà khi mẹ đi vận chuyển. Tôi cũng bênh chị Ma-sa, tôi nói, cha mẹ người ta cũng làm việc, cũng đi vận chuyển, nhưng con người ta không phải bỏ học, bạn của chị Ma-sa vẫn đi học. Cuối cùng mẹ tôi đồng ý. Chị tôi mừng lắm và tôi cũng mừng thay cho chị.
Chúng tôi rất thương mẹ chúng tôi. Với trí khôn của trẻ con, chúng tôi cũng biết là mẹ chúng tôi rất vất vả. Hơn nữa, cha tôi ở Mát-xcơ-va lại ít gửi tiền về và mỗi lần gửi thì rất ít. Trước kia, hàng tháng cha tôi gửi 2 - 3 rúp về cho mẹ tôi, gần đây có khi gửi 1 rúp, có khi còn ít hơn. Hàng xóm nói rằng không chỉ một mình cha tôi, mà mọi người công nhân khác ở Mát-xcơ-va đều kiếm được ít tiền như vậy.
Tôi còn nhớ vào cuối năm 1904 cha tôi về làng. Chị; em tôi rất mừng. Chúng tôi vẫn hằng mong cha về cho quà Mát-xcơ-va. Nhưng cha tôi bảo chuyến này không mang được thứ gì về cả. Ông bị mổ ruột thừa mất 20 ngày, nằm bệnh viện ra, về thẳng nhà, tiền xe cũng phải vay bè bạn.
Mọi người trong làng đều kính trọng cha tôi. Họ nghe lời ông. Thường trong các cuộc hội họp, ý kiến của ông là ý kiến cuối cùng được mọi người tán thưởng. Tôi rất yêu cha tôi và ông cũng hay chiều tôi. Nhưng cũng có lúc cha tôi nghiêm khắc phạt tôi, thậm chí còn đánh tôi bằng dây da, bắt tôi phải xin lỗi. Nhưng tôi rất bướng, đánh mấy thì đánh, tôi vẫn không xin lỗi.
Một lần cha tôi đánh tôi một trận dữ dội, đến nỗi tôi phải chạy trốn mất ba ngày trong bụi gai gần nhà hàng xóm. Ngoài chị tôi không ai biết tôi ở đâu cả. Tôi dặn chị tôi đừng nói với ai cả và đem thức ăn cho tôi. Người ta tìm tôi khắp nơi nhưng tôi trốn rất kín. Bất ngờ bà hàng xóm thấy tôi và đưa tôi về nhà. Cha tôi còn đánh thêm nữa, nhưng sau ông thương hại và tha cho tôi.
Tôi còn nhớ khi nào vui, cha tôi hay cho tôi đi theo vào quán uống trà. Quán ở làng Ô-gúp bên cạnh. Chủ quán là phú hộ Ni-ki-pho Cu-la-ghin, ông ta buôn nhiều loại hàng thực phẩm. Đàn ông và thanh niên thường họp nhau ở quán. Họ kháo chuyện về các tin tức này nọ, chơi lô-tô, chơi bài với nhau hoặc uống rượu vì một lý do nào đó, đôi khi cũng chẳng có lý do gì, họ cũng uống.
Tôi thích uống trà trong quán cùng với người lớn. Họ nói chuyện thông thạo về Mát-xcơ-va, Pê-téc-bua. Có lần tôi giao hẹn với cha tôi đi đâu cũng phải cho tôi đi để tôi được nghe người lớn nói chuyện.
Người em bà mẹ đỡ đầu của tôi tên là Prô-kho làm đầy tớ trong quán này. Chân cậu có tật, mọi người gọi cậu là “Prô-sca thọt”. Tuy  thọt nhưng cậu ấy là một người đi săn rất say mê. Mùa hè cậu ấy bắn vịt trời, mùa đông đi săn thỏ, hồi đó ở vùng chúng tôi rất nhiều thỏ, đặc biệt là thỏ đen.
Cậu Prô-kho thường dắt tôi theo. Đi săn làm cho tôi rất vui. Đặc biệt là khi nào cậu tôi bắn được con thỏ do tôi đuổi cho. Chúng tôi đi săn vịt trời ở Ô-gu-bli-an-ca hoặc ở các hồ. Thường cậu Prô-kho bắn ít khi trượt. Nhiệm vụ của tôi là phải lội xuống nước nhặt vịt.
Đến nay tôi còn rất mê đi săn. Có thể là do cậu Prô-kho đã tập cho tôi thích đi săn ngay từ hồi còn bé.
Không bao lâu cha tôi lại trở lên Mát-xcơ-va. Trước khi đi cha tôi kể cho mẹ tôi nghe, ở Mát-xcơ-va và Pi-t
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #7 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:02:58 pm »

Ít lâu sau chúng tôi được tin ở Pi-tơ ngày mồng 9 tháng Giêng, bọn lính Sa hoàng đã bắn vào đám biểu tình hòa bình của công nhân đưa đơn đến Sa hoàng đòi cải thiện đời sống.
Cũng mùa xuân năm 1905 ở các làng thường xuất hiện những người lạ mặt, họ tuyên truyền gọi nhân dân đấu tranh chống bọn địa chủ và chế độ chuyên chế của Sa hoàng.
Ở làng tôi, nông dân chưa tích cực hoạt động, nhưng họ rất bất mãn. Họ đều biết tin về những cuộc bãi công chính trị, cuộc chiến đấu bên chiến luỹ và cuộc nổi dậy vũ trang của những nhà cách mạng tháng Chạp ở Mát-xcơ-va. Người ta nói các cuộc nổi dậy ở Mát-xcơ-va và các thành phố khác trong nước Nga của công nhân đã bị chính phủ Sa hoàng đàn áp dã man và nhiều nhà cách mạng đứng đầu giai cấp công nhân tham gia khởi nghĩa đã bị giết hại, giam cầm trong ngục tối hoặc bị đày đi biệt xứ. Người ta cũng nghe tin cả về Lê-nin, người đại diện cho quyền lợi của công nhân và nông dân, lãnh tụ Đảng Bôn-sê-vích, một đảng lấy tôn chỉ mục đích là giải phóng người lao động khỏi bàn tay địa chủ, tư bản và ách thống trị Sa hoàng. Những tin tức ấy do người làng tôi đi làm ở Mát-xcơ-va, Pi-tơ và những thành phố khác ở khắp nước Nga đưa về.
Năm 1906 cha tôi trở về làng. ông nói, ông sẽ không đi Mát-xcơ-va nữa vì cảnh sát cấm không cho ông cư trú ở thành phố, nên từ nay ông về quê làm ăn. Tôi rất mừng vì cha tôi sẽ ở nhà mãi mãi.
Cũng năm ấy tôi học hết trường dòng. Ở lớp nào tôi cũng đều đạt điểm “xuất sắc” và được cấp giấy khen. Cả nhà đều hài lòng vì tôi học giỏi và tôi cũng mừng. Để mừng tôi thi đỗ, mẹ tôi tặng tôi một chiếc áo mới, còn cha tôi tự tay khâu cho tôi một đôi giày.
- Bây giờ thì con biết chữ rồi. - Cha tôi nói - có thể gửi con đi Mát-xcơ-va học nghề được rồi đấy.
- Thôi cho con nó ở nhà thêm một năm nữa rồi gửi ra tỉnh. - Mẹ tôi nói - Để cho nó lớn thêm một tí nữa đã.
Từ mùa thu năm ấy tôi lên 11 tuổi. Tôi biết đây là mùa thu cuối cùng được sống ở nhà mình. Mùa đông sẽ đến, rồi tôi sẽ phải đi ở. Tôi phải nai lưng ra làm việc cho nhà người ta. Mẹ tôi vẫn đi vào thành phố làm nghề vận chuyển, còn cha tôi thì khâu giày từ sáng sớm đến tối mịt. Tiền kiếm được chẳng là bao, vì người làng ai cũng túng thiếu, không trả đủ tiền công cho ông được. Mẹ tôi thường kỳ kèo cha tôi vì ông lấy tiền công rẻ quá.
Hễ kiếm được tiền công kha khá là ông đi vào thành phố U-gốt-xki Da-vốt uống rượu. Lúc về chị em tôi ra đón ngoài đường, thế nào cũng được quà, khi cái bánh khô, khi thì ít kẹo.
Mùa đông, khi nào rỗi việc nhà, tôi thường đi câu cá, đi trượt băng ở Ô-gu-bli-an-ca hoặc trượt tuyết trên núi Mi-khai-lép-xki bằng những giày trượt tự chế.
Mùa hè đến, lòng tôi càng hồi hộp vì sắp đến ngày tôi phải xa gia đình, xa những người thân yêu, bạn bè để đi Mát-xcơ-va. Tôi biết rằng tuổi nhỏ của tôi đã qua. Thực ra, đối với tôi chỉ những năm đã qua ấy mới có thể tạm cho là thời thơ ấu mà thôi, chứ tôi cũng không rõ bao giờ là thời thơ ấu tươi đẹp hơn nữa.
Tôi còn nhớ một buổi tối có mấy người hàng xóm đến tụ tập trong nhà tôi. Họ bàn chuyện gửi con cái đi Mát-xcơ-va. Người thì nói sẽ đưa con đi nay mai, kẻ thì lại bàn đợi thêm một vài năm nữa. Mẹ tôi bảo sau hội chợ thì cho tôi đi. Ở làng tôi sau ngày lễ Chúa độ một tuần thì có hội chợ. Li-ô-sca Cô-lô-tưa-nưi đã được gửi đi học nghề trong xưởng thợ mộc. Chủ xưởng là Ma-ra-skin, một nhà giàu trong làng.
Cha tôi hỏi tôi định học nghề gì. Tôi nói tôi muốn học nghề in. Ông nói không có người quen nào có thể đưa tôi vào nhà in. Còn mẹ tôi quyết định sẽ xin người anh ruột của bà là Mi-kha-in cho tôi vào làm trong xưởng thuộc da. Cha tôi đồng ý vì ông nghĩ làm nghề thuộc da kiếm được nhiều tiền. Tôi thì sẵn sàng làm nghề gì cũng được, miễn là có ích cho gia đình.
Tháng 6-1907, người anh mẹ tôi - Mi-kha-in Ác-tê-mi-ê-vích Pi-li-khin về làng Choóc-nai-a Gri-a-dơ bên cạnh. Kể cũng nên nói một chút về ông ta.
Ông Mi-kha-in Pi-li-khin cũng như mẹ tôi, lớn lên trong nghèo đói. Mười một tuổi ông được gửi vào làm trong một xưởng thuộc da. Sau bốn năm rưỡi, ông trở thành thợ cả. Ông Mi-kha-in rất tiết kiệm, sau mấy năm dành dụm, ông có một số tiền và mở được một xưởng nhỏ. ông là một người thuộc da lông thú giỏi, được nhiều khách giàu đặt hàng, ông tha hồ mà “cắt cổ”.
Ông Mi-kha-in Pi-li-khin mở rộng dần xưởng, đưa số công nhân trong xưởng lên đến 8 người, ngoài ra thường xuyên còn có 4 thằng nhỏ học nghề nữa. Ông cũng bóc lột tàn tệ không kém những người chủ khác. Nhờ vậy ông tích lũy được một số vốn khoảng 50.000 rúp vàng.
Đó là ông bác mà mẹ tôi định gửi tôi đến học nghề. Mẹ tôi đến gặp ông ta đang nghỉ hè ở Choóc-nai-a Gri-a-dơ. Khi về, mẹ tôi nói bác ấy bảo đem tôi đến cho bác ấy xem. Cha tôi hỏi ông Pi-li-khin nêu những điều kiện gì.
- Ông biết rồi còn gì. - Mẹ tôi đáp, - sau bốn năm rưỡi làm nhỏ thì thành nghề.
- Thôi đành vậy, biết làm thế nào hơn. - Cha tôi nói - Cứ đưa thằng Ê-goóc-ca đến cho ông Mi-kha-in.
Hai ngày sau cha tôi dẫn tôi đến làng Choóc-nai-a Gri-a-dơ. Đến gần nhà ông Pi-li-khin, cha tôi dặn:
- Kia kìa, người ngồi ở thềm là ông chủ tương lai của con đấy. Khi đến gần thì cúi đầu chào và nói: “Chào ông Mi-kha-in Ác-tê-mi-ê-vích ạ!”.
- Không, con sẽ nói: “Cháu chào bác Mi-sa ạ!” - Tôi cãi lại.
- Con đừng có quên rằng: ông ấy là bác con nhưng là chủ tương lai của con, ông chủ giàu không ưa có bà con nghèo đâu. Con hãy ghi sâu lấy điều đó vào lòng.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #8 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:03:21 pm »

Bước đến thềm, chỗ bác Mi-sa ngồi trên ghế bành mây, cha tôi chào xong, đẩy tôi lên phía trước. Không chào đáp, cũng không bắt tay cha tôi, ông Pi-li-khin quay người nhìn tôi. Tôi cúi đầu chào và nói:
- Chào ông Mi-kha-in Ác-tê-mi-ê-vich!
- Chào cháu. Thằng bé khá lắm! Sao, muốn làm nghề thuộc da à?
Tôi im lặng.
- Nghề thuộc da khá tốt, nhưng khó đấy?
- Cháu nó không sợ đâu, nó đã quen lao động từ bé rồi. - Cha tôi trả lời.
- Có biết chữ không?
Cha tôi đưa giấy khen của tôi ra cho ông ấy xem.
- Khá lắm! - Bác nói, rồi quay về phía cửa, gọi – Ê! Chúng bay đâu? Ra đây bảo.
Hai đứa trẻ béo mập, con bác ta là A-lếch-xăn-đrơ và Ni-cô-lai trong buồng chạy ra, ăn mặc tươm tất. Sau cùng bà chủ cũng bước ra theo.
- Xem đây này! Đồ mất xác! Học phải như thế này này! - Bác chỉ vào giấy khen của tôi và nói - Còn chúng mày thì suốt đời điểm ba.
Cuối cùng, bác quay lại nói với cha tôi:
- Thôi, tôi nhận con chú vào học nghề. Thằng bé khỏe và có vẻ thông minh đấy. Tôi còn ở đây ít ngày rồi đi Mát-xcơ-va, nhưng tôi không đem nó theo được. Một tuần nữa, chú Xéc-gây, em nhà tôi đi Mát-xcơ-va sẽ dẫn nó tới chỗ tôi.
Đến đây chúng tôi từ biệt ra về. Tôi rất mừng vì còn sống ở nhà thêm một tuần nữa.
- Sao, anh tôi tiếp bố con ông như thế nào? - Mẹ tôi hỏi.
- Cũng như các ông chủ tiếp ông anh bà thôi.
- Anh ấy không mời uống nước à?
- Thậm chí đi đường xa đến mà anh ấy cũng không mời cha con tôi ngồi nữa là! Anh ấy ngồi, còn chúng tôi đứng như lính hầu. - Và cha tôi nói thêm một cách giận dữ - Cần gì nước của họ. Bây giờ cha con tôi đi vào quán uống, tiền của tôi vậy!
Mẹ tôi giúi cho tôi một cái bánh khô và cha con tôi đi về phía quán trà.
Việc chuẩn bị đi Mát-xcơ-va thật chóng vánh. Mẹ tôi gói cho tôi hai bộ quần áo, một cái khăn bọc chân thay bít tất, một đôi khăn mặt và cho tôi năm quả trứng, một ổ bánh mì đi ăn đường. Chúng tôi ngồi lặng một chút theo phong tục Nga trên chiếc ghế dài.
- Thôi Chúa phù hộ con! - Mẹ tôi nói, rồi không kìm được, mẹ nức nở khóc, siết chặt tôi vào lòng.
Tôi thấy mắt cha tôi cũng đỏ hoe, mấy giọt nước mắt lăn trên má. Tôi suýt bật lên tiếng khóc, nhưng kìm lại được.
Tôi và mẹ tôi đi bộ sang Choóc-nai-a Gri-a-dơ. Con đường này trước kia tôi thường đi học qua và đi vào rừng hái nấm và nhặt hạt dẻ.
- Mẹ! Mẹ có nhớ không? Mẹ và con đã gặt lúa ở chỗ gần ba cây sồi kia kìa, hôm con cắt phải tay ấy mà?
- Mẹ nhớ chứ! Các bà mẹ luôn luôn nhớ những gì đã xảy ra với con mình. Nhưng có nhiều đứa con hư, có khi quên cả mẹ.
- Mẹ ạ, con thì không bao giờ thế đâu! - Tôi nói cứng.
Khi tôi và chú Xéc-gây lên tàu xong thì trời mưa như trút nước. Trong toa tối om. Một ngọn đèn dầu lờ mờ chiếu sáng lối đi chật hẹp trong toa hạng ba. Con tàu phóng nhanh. Bóng đen của rừng cây và ánh lửa ở các làng xa lướt nhanh ngoài cửa sổ.
Tôi chưa được đi xe lửa bao giờ, cũng chưa bao giờ thấy đường sắt. Cho nên chuyến đi này đã gây cho tôi một ấn tượng sâu sắc. Qua ga Ba-la-ba-nô-vô, bỗng phía xa hiện ra những ngôi nhà nhiều tầng sáng rực.
- Bác ơi, thành phố gì thế kia? - Tôi hỏi một người đàn ông đứng tuổi đứng cạnh cửa sổ.
- Không phải thành phố đâu cháu ạ! Đấy là nhà máy dệt Na-rô Phô-min-xcơ của lão Xa-va Mô-rô-dốp. Bác đã làm ở đấy 15 năm. - ông ta buồn bã đáp - Bây giờ bác không làm ở đấy nữa.
- Tại sao? - Tôi hỏi.
- Chuyện dài lắm... Bác đã chôn vợ và con gái bác ở đó...
Tôi thấy mặt ông tái đi và ông nhắm mắt lại một lúc.
- Mỗi lần đi qua cái nhà máy đáng nguyền rủa này, bác không thể bình tĩnh được khi nhìn con quái vật đã nuốt mất những người thân yêu của mình...
Ông đột nhiên rời khỏi cửa sổ và ngồi vào một chỗ tối, bắt đầu hút thuốc, còn tôi tiếp tục ngắm “con quá quái vật đã “nuốt” người kia, không dám hỏi thêm xem nó đã nuốt người như thế nào.
Chúng tôi đến Mát-xcơ-va vừa tảng sáng. Nhà ga làm tôi sửng sốt. Mọi người hấp tấp ra cửa, mang nào sọt, giỏ, lẵng. Tôi ngơ ngác không hiểu sao mọi người vội vã như vậy.
Chú dẫn đường dặn tôi:
- Ra đây phải trông trước trông sau cho cẩn thận, đây không phải như nhà quê đâu, đừng có há hốc mồm ra nghe không.
Cuối cùng, chúng tôi đến quảng trường ga.
Mặc dù còn sớm, quanh một quán nhỏ, người ta đã xúm xít mua bán quà bánh. Ở đây khách qua đường có thể ăn lót dạ với giá không phải là đắt lắm. Đến nhà ông chủ còn quá sớm, nên chúng tôi vào quán nghỉ chân. Quanh quán trà có những vũng nước lầy và bẩn, trên hè phố có mấy người say rượu ăn mặc rách rưới nằm lăn ngay dưới đất. Trong quán, một điệu nhạc vang lên. Tôi nhận ra bài hát quen thuộc “Trận cháy Mát-xcơ-va âm vang”. Mấy người khách rượu đã ngà say đang đứng ngồi lố nhố.
Ra khỏi quán, chúng tôi đi đến phố Bôn-sai-a Đrô-gô-mi-lốp-xcai-a đợi xe ngựa. Hồi đó Mát-xcơ-va vừa mới có xe điện, đường phố này xe điện chưa chạy tới. Trong lúc nhốn nháo, vội vã lên xe ngựa, một người đàn ông vô tình thúc gót giày vào mũi tôi. Máu mũi chảy ra.
- Tao đã bảo phải nhìn trước nhìn sau mà? - chú Xéc-gây quát tôi. Còn người kia thì đưa cho tôi một miếng giẻ rồi hỏi:
- Ở nông thôn ra à? Ở Mát-xcơ-va thì phải nhìn cao hơn lỗ mũi một chút, nghe không?
Quảng trường ga, phố xá ngoại ô không gây cho tôi một ấn tượng nào đặc biệt. Nhà ở đây bằng gỗ, nhỏ bé và trơ trụi. Phố Đrô-gô-mi-lốp-xcai-a bẩn thỉu, lầy lội, lòng đường có nhiều vết xe sâu hoắm. Lắm người say rượu, đa số ăn mặc tồi tàn.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #9 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2009, 06:03:38 pm »

Nhưng càng gần trung tâm, cảnh tượng thành phố càng thay đổi dần. Nhà cửa to lớn, phố xá nguy nga, ngựa xe tấp nập. Tôi như bàng hoàng, ngơ ngác. Chưa bao giờ tôi được thấy nhà cao hơn hai tầng, chưa thấy đường phố lát đá, chưa thấy những xe ngựa bánh hơi mà người ta gọi là “xe song mã” phóng nhanh trên đường phố như vậy. Tôi cũng chưa bao giờ thấy phố xá đông đúc như vậy. Tất cả làm tôi ngơ ngác. Tôi im lặng và lơ đãng đi theo chú dẫn đường. Chúng tôi vòng sang Bôn-sai-a Đi-mi-tơ-rốp-ca (bây giờ là phố Pu-skin) và xuống xe ở ngõ Ca-méc-ghéc-xki (nay gọi là ngõ Nhà hát Nghệ thuật).
- Mày sẽ ở nhà này đây - Chú Xéc-gây bảo tôi - Trong sân kia là xưởng thợ. Mày sẽ làm việc ở đấy. Cửa chính vào nhà quay ra ngõ Ca-méc-ghéc-xki, nhưng công nhân và đám nhỏ chỉ ra vào theo chiếc cổng đen ở phía sân.
- Nhớ cho kỹ. - Chú Xéc-gây nói tiếp - Kia, cầu Cu-dơ-nét-xki, các cửa hàng lớn nhất Mát-xcơ-va đều ở đây cả. Còn nhà hát Đi-mi-na thì kia, nhưng công nhân không đến đấy xem hát được đâu. Đằng xa, ở bên phải là Ô-khết-nưi Ri-át, ở đấy người ta bán rau, thịt thú, thịt lợn, bò, cá. Ít nữa mày sẽ đi mua hàng cho bà chủ ở đấy đấy?
Đi qua một cái sân lớn, chúng tôi tới chỗ mấy người đang làm việc chào hỏi các ông thợ. Chú Xéc-gây xưng hô với họ một cách kính trọng.
- Tôi đem ở quê lên cho các bác một thằng bé học nghề đây! - Chú Xéc-gây nói.
- Rõ chán! - Một người nói - Phải để cho nó lớn thêm chút nữa có hơn không?
- Cháu mấy tuổi? - Bác già dáng hơi cao, hỏi - Thôi cũng được, nó thấp nhưng vai nó rộng.
- Không can gì, nó sẽ thành thợ thuộc da khá đấy? - Bác thợ già nói một cách dịu dàng.
Đó là bác Phê-do I-va-nô-vich Cô-li-ô-xốp mà về sau tôi được biết là một con người biết điều, giàu kinh nghiệm và có uy tín nhất trong đám thợ ở đây. Chú Xéc-gây dẫn tôi ra ngoài và nói cho tôi biết tên từng người thợ và từng người học việc, và nói qua cho tôi nghe về họ.
Tôi nhớ rõ nhất anh em nhà Mi-sin.
- Người anh là thợ rất giỏi, nhưng uống rượu ghê lắm. – Chú Xéc-gây nói - Còn người em kia kìa, hà tiện từng đồng xu. Người ta bảo là anh ta ăn tiêu cả ngày chỉ hết có 10 cô-pếch. Lúc nào cũng chỉ mơ đến chuyện làm giàu. Còn đây là Mi-khai-lô, anh chàng hay rượu. Sau khi lĩnh tiền vài ngày là uống nhẵn. Anh ta có thể đổi chiếc áo cuối cùng để uống rượu, nhưng lại là tay thợ giỏi tuyệt Còn thằng bé cao cao kia là Cu-dơ-ma, thằng nhỏ lớn tuổi nhất, nó sẽ là chỉ huy trực tiếp của mày. Sang năm nó thành thợ rồi. Thằng tóc quăn kia là thằng Gri-gô-ri Mát-vây-ép ở làng Tơ-ru-bi-nô, nó còn là bà con xa với mày đấy!
Leo qua một chiếc cầu thang tối tăm và bẩn, chúng tôi lên tầng hai, vào xưởng thợ.
Bà chủ đi ra, chào chúng tôi và nói là ông chủ đi vắng có lẽ cũng sắp về.
- Ra đây, tao chỉ cho mày xem nhà cửa, rồi xuống bếp mà ăn cơm.
Bà chủ giao nhiệm vụ cho tôi một cách tỉ mỉ, nhiệm vụ của một thằng nhỏ bé nhất: quét nhà, lau giày cho chủ và con cái. Bà chỉ cho tôi những cây đèn dầu trên bàn thờ Chúa và cách đốt đèn, v..v...
- Còn gì nữa, thằng Cu-dơ-ma, và bà Ma-tơ-ri-ô-sa sau sẽ chỉ cho mày.
Sau đó, thằng Cu-dơ-ma, thằng nhỏ học việc lớn tuổi nhất, gọi  tôi xuống bếp ăn cơm. Bụng đói nên tôi ăn rất ngon lành. Cũng vì thế xảy ra một chuyện không may đối với tôi. Tôi chưa biết cái lệ ở đây là đầu tiên, từ trong bát thức ăn lớn, người ta chỉ được múc nước canh ra ăn, gần xong bữa ăn, khi nào bà thợ cả ăn thịt thì tất cả mới được múc thịt ăn. Mới đầu vào, tôi đã múc ngay hai miếng thịt chén một cách ngon lành và đang sắp múc miếng thứ ba thì bất ngờ bị một cái thìa đập mạnh vào trán nổi u lên.
Tôi rất bực vì trong thời gian nửa ngày ở Mát-xcơ-va đã, hai lần bị đánh.
Thằng nhỏ Cu-dơ-ma tỏ ra là người tốt bụng, nói:
- Không can gì. Có bị đánh cũng chỉ bị một lần thôi.
Ngay hôm đó nó dẫn tôi tới quán mua thuốc lá và rượu cho các bác thợ. Bà Cu-khác-ca Ma-tơ-ri-ô-sa (bà cũng là thợ cả) bảo cho tôi cách rửa bát và đun nước.
Sáng ngày hôm sau, người ta bảo tôi ngồi vào một góc xưởng và học khâu da lông thú. Bà thợ cả đưa kim, chỉ, đồ bao tay và kỹ thuật khâu da cho tôi. Bà ta nói:
- Chỗ nào không khâu được, đến tao bảo cách cho mà làm.
Tôi hăng hái thực hiện bài học đầu tiên của mình. Thợ làm việc từ 7 giờ sáng cho đến tận 7 giờ tối, buổi trưa nghỉ 1 giờ để ăn cơm. Bình thường thời gian làm việc là 11 giờ, nhưng hôm nào nhiều việc, có khi kéo dài mãi đến 10 - 11 giờ đêm. Trong những hôm đó, công nhân phải làm đến 15 giờ một ngày, những giờ làm thêm họ được trả thêm tiền.
Trẻ con học việc hôm nào cũng phải dậy từ 6 giờ sáng. Chúng tôi rửa mặt qua loa rồi chuẩn bị nơi làm việc và tất cả mọi thứ cần thiết cho công nhân. Đến 11 giờ đêm, thu dọn và chuẩn bị đầy đủ cho ngày hôm sau xong mới được đi ngủ. Chúng tôi ngủ ngay dưới nền nhà của xưởng. Hôm nào rét quá thì ngủ cạnh lò sưởi ngay lối vào cổng sau.
Mấy hôm đầu tôi rất mệt. Tập quen thức khuya là cả một chuyện khó khăn. Ở nhà quê chúng tôi thường ngủ rất sớm. Nhưng dần dần rồi cũng chịu đựng được chế độ làm việc vất vả đó.
Thời gian đầu tôi rất nhớ nhà, nhớ quê. Tôi nhớ tới những đám rừng đẹp đẽ thân thiết mà tôi thích để đi săn với cậu Prô-kho, và đi hái nấm, nhặt hạt dẻ, hái củi với chị tôi. Lòng tôi se lại và tôi chỉ muốn khóc. Tôi nghí rằng không bao giờ lại được gặp cha, mẹ, chị và bạn bè tôi nữa. Bốn năm nữa mới được về thăm nhà, và, tôi thấy hình như thời gian đó không bao giờ tới.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM