Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:58:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn  (Đọc 99592 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #80 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 03:08:21 am »


Nếu như quân Tống hùng hổ kéo quân vào xâm lược Giao Châu được sử sách Trung Quốc miêu tả cặn kẽ, khoa trương thì khi chúng bị đại bại sử sách lại cũng tìm mọi cách bưng bít sự thật. Song trận quyết chiến chiến lược của quân dân Đại Cồ Việt diễn ra trên sông Bạch Đằng vào tháng 4 năm 981 quá vĩ đại, nên sử sách đời Tống cũng như các đời sau đều phải ghi chép lại.

Chủ tướng bị giết chết mất xác, quân lính thua chạy tán loạn, nhiều tên lính đói quá phải đi cướp tiền của dân chúng. Điều này chính sử Tống đã chép như sau: “Có những tên quân thua trận đến chợ ấp cướp tiền của dân.  Chuyển vận sứ là Chu Vị bắt chém, còn những tên đến sau thì  giải giáp để nộp hết, dân mới yên” (1).

Nhằm bào chữa cho thất bại thảm hại, sử nhà Tống đã đưa ra nguyên nhân thời tiết nóng nực của phương Nam làm quân lính bị bệnh tật cho nên phải rút quân về: “Bấy giờ các quân bị cảm khí nóng lại chết nhiều, Chuyển vận sứ là Hứa Trọng Tuyên kính tâu là Nhân Bảo chết trận và xin đem quân về không đợi báo. Rồi lập tức chia quân đóng ở các châu mở kho thưởng cho và cấp thuốc chữa. Tuyên bảo với mọi người rằng: Nếu ta đợi báo thì số bọn người ấy đều chứa thây ở cánh đồng rộng” (2).

Nhưng qua thái độ tức giận của Tống Thái Tông khi ra lệnh trừng trị những viên tướng tham gia đội quân xâm lược Đại Việt chúng ta càng thấy rõ hơn thất bại ê chề, đau đớn của “Thiên triều’:

“Vua xuống chiếu thư khen ngợi Hứa Trọng Tuyên và sai sứ triệu hặc bọn Trừng. Khi đó Vương Soạn bị bệnh chết, Trừng cùng Giả Thực đều bị giết bêu đầu ở chợ Ung Châu. Bọn Tôn Toàn Hưng bị hạ ngục rồi bị tội chết, Trần Khâm Tộ, Hác Thủ Tuấn, Thôi Lượng đều bị trách phạt, giáng chức” (3).

Mọi tội lỗi bực tức đều được trút lên đầu bọn tướng bại trận: “Than ôi, bọn Toàn Hưng là quan nhỏ, phụng mệnh, ân lễ đã hậu trách nhiệm càng cao, kể bao lao phí ở đường để cung phụng mà nhân dân 2 nơi bị lâm vào cảnh binh đao, khôn xiết . . . Thế mà Toàn Hưng không biết thể tất việc nước bèn cùng Nhân Bảo so kè mối lợi tí ti để đến việc chia rẽ làm lỡ việc lớn của nước thì ban cho cái chết cũng không quá vậy” (4).

Chúng tôi vừa đưa ra một số sử liệu do chính các sử gia Trung Quốc ghi chép về trận chiến Bạch Đằng năm 981 chống quân Tống của triều Tiền Lê. Qua đó, chúng ta càng thấy được âm mưu, thủ đoạn cùng toàn bộ quá trình xâm lược của triều Tống, nhận rõ hơn chiến thắng vĩ đại của quân dân ta hồi thế kỷ X. Đồng thời, càng cảm phục hơn sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của vị vua, vị tướng tài hoa, nhưng rất bình dị cận dân “đi chân đất, câu cá” Lê Hoàn.

Nhân kỷ niệm 1000 năm năm mất của Lê Hoàn ( 1 005-2005), chúng ta cùng nhau ôn lại, học hỏi được nhiều trong kinh nghiệm giữ nước tài tình của cha ông xưa.


______________________
(1)(2)(3) Lý Đào: Tục tư trị thông giám trường biên. q. XXII. Sđd , tờ 2b tờ 3a.
(4) Lý Đào: Tục tư trị thông giám trường biên. q. XXII. Sđd , tờ 3a
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #81 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 03:10:54 am »

NHỮNG DẤU TÍCH VỀ ANH HÙNG DÂN TỘC LÊ HOÀN Ở HẢI PHÒNG


Ngô Đăng Lợi
Hội Sử học Hải Phòng

Lê Hoàn, vua sáng nghiệp nhà Tiền Lê (980- lo09), với võ công chói lọi phá Tống, bình Chiêm góp phần quan trọng củng cố nền độc lập dân tộc sau hơn ngàn năm Bắc thuộc.  Trong sự nghiệp lớn của anh hùng Lê Hoàn, nhân dân địa bàn Hải Phòng ngày nay, nơi diễn ra trận thuỷ chiến Bạch Đằng năm 981 và gần vùng quê đại tướng Phạm Cự Lượng, người có công đầu suy tôn Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế, đến nay còn lưu một số truyền thuyết, thần phả, đình đền thờ người có công với triều Tiền Lê. Chúng tôi sưu tầm, hệ thống theo địa bàn huyện để dễ theo dõi.

Huyện Thuỷ Nguyên

- Chùa Mỹ Cụ: Theo bút tích của cố đại lão hoà thượng Kim Cương Tử soạn năm 1957 thì cha mẹ Lê Hoàn cầu tự ở chùa Mỹ Cụ, xã Dưỡng Chính, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. Mỹ Cụ vốn thuộc trang Dưỡng Chân - thời Hậu Lý có người giúp vua Lý dẹp giặc, thời Trần có trang ấp của nhà thiền học bậc thầy Tuệ Trung thượng sĩ (tức Hưng Ninh vương Trần Tung) và quê của Trần Cao - Trần Thăng, thủ lĩnh phong trào nông dân thời Lê mạt . . .

- Năm anh em họ Phạm: Thần tích các làng Ngọc Phương (Thuỷ Tú) xã Thủy Đường, Lương Kệ, Chiếm Phương, xã Hoà Bình, Thường Sơn thị trấn Núi Đèo cho biết:

Gia đình họ Phạm ở trang Thuỷ Đường, huyện Thủy Đường (đời Đồng Khánh đổi là Thủy Nguyên), làm nghề nông nhưng có cửa hàng nhỏ treo một dải phướn để làm biển hiệu. Chính vì thế nơi này sau thành chợ lớn, gọi là chợ Phướn. Ông bà sinh được 4 con Phạm Quang, Phạm Nghiêm, Phạm Huấn và Phạm Thị Cúc Nương. Bốn anh em đều được cha mẹ dạy dỗ, cho học cả văn lẫn võ thành tài. Khi vua Lê Hoàn đem quân chống giặc Tống ở sông Bạch Đằng, dân trang tiến cử, nhà vua trọng dụng cả bốn anh em, sai theo quân đi chống giặc ờ vùng Thuỷ Nguyên, Đông Triều, Nam Sách. Cả bốn người đều lập công, sau khi qua đời, các làng trên đều lập miếu thờ. Có thuyết nói Phạm Thị Cúc Nương hy sinh ở vùng Cửa Ngăn xã Nam Mẫu huyện Đông Triều. Chúng tôi đã đến xác minh nhưng chưa thấy.

- Ba anh em họ Đào: Thần tích thôn Trinh Hưởng (nay thuộc xã Thiên Hương) cho biết:

Trang Trinh Hưởng thời Đinh có 3 anh em cùng sinh là Đào Tế, Đào Lại, Đào Độ vốn dòng dõi hào phú, thiên tư dĩnh ngộ, được học hành chu đáo nổi tiếng khắp vùng. Khi vua Lê ban chiếu cầu hiền dẹp giặc Tống, cả 3 anh em xin phép mẹ dự thi,  cả 3 đều trúng, được nhà vua phong làm tướng. Ba người gắng sức lập công. Khi giặc tan, vua ban thưởng cho về quê cũ Sau khi qua đời dân trang lập miếu thờ.

- Phạm Quảng: Theo thần tích đền Phương Mỹ, xã Mỹ Đồng, ở trang Hoa Chương (đời Nguyễn đổi là Phương Mỹ) có Phạm Quảng, con một nông dân nghèo, nhưng thông minh, hiếu học, nổi tiếng thần đồng, do đó được cử làm quan triều Đinh. Khi quân Tống xâm lăng, vua Lê biết ông am hiểu địa bàn, cử ông cầm một cánh quân giữ cửa Bạch Đằng. Sau khi đất nước bình yên, ông xin về trí sĩ ở quê nhà, vua ưng cho. Về quê, ông tổ chức khai khẩn, khuyến khích nghề nông tang.  Dân nhớ ơn lập miếu thờ khi ông qua đời.

Huyện Tiên Lãng

- Năm anh em họ Đặng: ở trang Đốc Kính (nay là thôn Đốc Hậu xã Toàn Thắng) là Công Xuân, Công Trung, Công Thọ, Công Tuấn, Công Nghiêm con ông Đặng Công Thành và bà Lê Thị Ngọc. Gia cảnh khó khăn, nhưng 5 anh em đều cố công học hành, theo đòi võ nghệ lại thêm sức khoẻ hơn người.  Nhà Tống nhân khi vua Đinh mất, con nhỏ nối ngôi, đem quân thuỷ bộ sang đánh nước ta. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được tôn làm vua. Ngài ban hịch kêu gọi trai tráng ra giúp nước. Cả 5 anh em vào kinh đô Hoa Lư dự tuyển, được tuyển vào đội thuỷ quân dự trận Bạch Đằng, lập nhiều chiến công, nhất là trận Bàng Châu.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #82 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 03:13:16 am »

Khi giặc tan, 5 anh em xin về quê, nhà vua ban thưởng hậu. Anh em đem tiền thưởng về quê mở mang ruộng đất, đắp đê ngăn mặn, giúp đỡ dân nghèo, không may, trong một trận thuỷ tai lớn cả 5 người đều bị nước cuốn ra bể. Dân làng vô cùng thương tiếc, lập miếu thờ.

- Chu Đô: Thần tích miếu Phương Lai, tên cũ là Đăng Lai, nay thuộc xã Quyết Tiến. Chỉ ghi Chu Đô có công đánh Tống, bình Chiêm thời Tiền Lê. Sau khi mất được thờ làm phúc thần và được ban thần hiệu là Chu Đô quan đại vương. Tương truyền vị thần này rất linh ứng, đã từng âm phù Trần Hưng Đạo đánh Ô Mã Nhi, Lê Thái Tổ đánh Liễu Thăng.

- Bạt Hải: Thờ ở nghè làng Tử Đôi, nay thuộc xã Đoàn Lập. Theo thần tích, Bạt Hải giúp Lê Đại Hành đánh quân Tống. Còn đình Tử Đôi thờ một vị thần tên huý là Chẩn, thần hiệu là Đại Đồng có công giúp vua (?) đánh Chiêm.

- Châu Bạc, Phú Mẫn là 2 vị thần do thôn Đống Táo xã Đại Thắng, hiển thánh đời Lạc Long Quân, âm phù vua Lê Đại Hành đánh Tống bình Chiêm.

- Thiên Chu là thành hoàng làng Hỗ Tứ, nay thuộc xã Đoàn Lập, tên huý là Chu. Theo thần tích, vị thần này đã âm phù Lê Đại Hành đánh Chiêm.

- Vỹ Văn, Minh Nông, Hiển Khoát thờ ở đình Ninh Đuy nay thuộc xã Khởi Nghĩa. Theo thần tích, thần Vỹ Văn tên huý là Văn, thần hiệu là Mộc Cai Vỹ Văn Hiển ứng đại vương; thần Hiển Khoát tên huý là Khoát, thần hiệu là Hiển Khoát Linh ứng đại vương. Cả 3 vị đều có công đánh Tống bình Chiêm. Nhưng không ghi đời Tiền Lê hay Hậu Lý. Vậy ghi lại để tham khảo.

Huyện Vĩnh Bảo

- Bảo Sơn Phạm đại vương; Cảm ứng Thượng sĩ Trần đại vương, Hoằng Hoá Chính Trực Trần đại vương được thờ ở miếu Lô Đông, nay thuộc xã Thắng Thuỷ. Theo thần tích, đời Tiền Lê, vua sai 3 vị đi đánh giặc, đến Lô Đông là chiến trường, cả 3 đều tử tiết ngày 10 tháng 3. Về sau linh ứng, dân ngưỡng mộ lòng trung nghĩa, lập đền thờ và khai xin sắc phong.

- Thổ Lệnh, không rõ tên huý. Theo thần tích, khi vua Lê Đại Hành đi đánh giặc Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy từng đến trang Ngải Am (huyện Vĩnh Lại) nay thuộc xã Hoà Bình.  Thần Thổ Lệnh xin theo vua đi đánh giặc. Sau thắng trận được vua thăng Tích Phúc Duyên Hy Công Chính chỉ thần.

Kiến Thụy

- Chu Xích: Nhân vật được cả tổng Đại Trà cũ, nay thuộc địa bàn hai xã Đông Phương, Đại Đồng thờ. Theo thần tích Chu Xích quê ở Vấn Dung, Trung Quốc, vốn dòng dõi nhà nho thanh bạch. Sau khi lo xong tang ma cha mẹ, ông dong thuyền chu du nhiều nơi đến trang Đại Trà mến cảnh mến người, nên ở lại làm thuốc và dạy học. Học trò theo học rất đông. Vua Lê Đại Hành nghe tiếng mời ra làm quan. Khi nhà vua đi đánh Chiêm Thành, Chu Xích xin đi tòng chinh. Vua dùng làm tướng. Ông mang theo một số học trò ở Đại Trà. Trận này, quân ta thắng lớn bắt được vua Chiêm. Vua ban thưởng quan quân dự trận. Sau khi nhận ban thưởng, ông xin về Đại Trà tiếp tục nghề cũ. Mất được dân lập miếu thờ, được vua phong là phúc thần.
 
*

*         *

Qua truyền thuyết thần tích đình đền kể trên ở HảiPhòng, làm rõ trận Bạch Đằng năm 981 do Lê Hoàn chỉ huy.  Chiến thắng Bàng Châu anh em họ Đặng lập công thuộc địa bàn vùng Chí Linh - Nam Sách nơi Lê Hoàn đặt đại bản doanh ở An tạc mà hội thảo khoa học về đền Cao ở An Lạc năm 2001 đã xác định.

Ngoài trận địa Bạch Đằng còn xảy ra một trận kịch chiến ở Lô Đông, Thắng Thuỷ - khu vực này ở ngã ba sông Luộc và sông Văn Úc. Vì thần tích làng Lô Đông ghi việc 3 vị tướng của nhà vua đều bị hy sinh - thần tích đình Ngải Am ghi việc Lê Hoàn hành quân dọc triền sông Văn Úc đều ghi có người tham gia hoặc âm phù đánh Tống. Rất có thể thuỷ quân Tống khi đã thâm nhập vào sông Bạch Đằng, lúc đầu quân ta không chặn được, đã di chuyển dọc sông Văn Úc vào sông Luộc để tiến về Hoa Lư.

Trải qua thời gian hàng ngàn năm đầy thiên tai địch họa, di tích lịch sử văn hoá liên quan đến triều Tiền Lê ở Hải Phòng không lưu được bao nhiêu. Nhưng với số ít ỏi còn lại cũng phản ánh sự đóng góp của dân Hải Phòng tham gia đánh Tống bình Chiêm thời Tiền Lê.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #83 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 05:27:10 pm »


ĐẠI BẢN DOANH CỦA VUA LÊ ĐẠI HÀNH TRONG TRẬN BẠCH ĐẰNG NĂM 981

PGS. TS. Nguyễn Minh Tường
Viện Sử học Viện Khoa học xã hội Việt Nam

Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống, dưới thời vua Lê Đại Hành năm 981, là một trong những chiến công hiển hách bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Nhưng một vấn đề được đặt ra là: Trận quyết chiến chiến lược giữa quân và dân Tiền Lê với quân xâm lược nhà Tống diễn ra tại đâu? Bởi trận quyết chiến chiến lược ấy có ý nghĩa vô cùng quan trọng; nó quyết định cục diện của cuộc chiến tranh chống Tống lần thứ nhất: Giặc Tống bị đánh bại phải cuốn xéo về nước, chủ quyền và độc lập dân tộc của ta được khẳng định.

Từ xưa cho đến nay, trong giới sử học luôn luôn tồn tại hai ý kiến về vị trí của trận quyết chiến chiến lược vào mùa xuân năm 981 ấy, đó là:

- Ý  kiến thứ nhất cho rằng: Quân ta đánh bại giặc Tống tại địa điểm Chi Lăng - Lạng Sơn.

- Ý kiến thứ hai lại cho rằng: Đại quân Tống bị thảm bại và chủ tướng của giặc Hầu Nhân Bảo bị tiêu diệt trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. 

Ý kiến thứ nhất là căn cứ vào những dòng ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư thời Hậu Lê và Khâm định Việt sử thông giám cương mục thời Nguyễn, đó là hai bộ chính sử có giá trị của nước ta.

Hai bộ sử trên đã dựng lại chiến sự thời Lê Hoàn chống Tống trên cơ sở thực địa nước ta ở thế kỷ XV - XVII, nên đã có những nhầm lẫn cơ bản: tuyến đường bộ vào ải Nam Quan, Quyết Lý, Chi Lăng, Cần Trạm qua Thị Cầu vào Thăng Long do Lý Thái Tổ mở làm sứ lộ, mới hoàn thành vào năm 1020. Như vậy, quân đội nhà Tống tiến quân xâm lược nước ta vào năm 981, chỉ có thể đi bằng con đường cổ ven biển Quảng Ninh ngày nay.

Cụ thể, bộ binh của Tôn Toàn Hưng đã tiến binh theo con đường qua Tiên Yên - Đông Triều, đây cũng chính là con đường hồi thế kỷ I đầu Công nguyên, Mã Viện từng hành quân vào Giao Châu để đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Thủy binh của Hầu Nhân Bảo đi qua Lãng Sơn vào sông Bạch Đằng. Con đường này trùng với đường thủy lộ mà trước đó hơn 40 năm, năm 938, quân xâm lược Nam Hán do Hoằng Thao chỉ huy từng tràn vào vùng biển Đông Bắc nước ta. 

Ý kiến thứ hai, được nhiều nhà sử học khẳng định trong khoảng hơn 20 năm nay. Nhận định này dựa trên cơ sở nghiên cứu lại những dòng ghi chép trong các bộ sử của Trung Quốc, nhất là sử chép về vương triều Tống; về cuộc hành quân xâm lược phương nam vào mùa xuân năm Tân Tỵ (981) này.

Thêm nữa, các nhà sử học còn đọc lại chính bản của bộ Đại Việt sử lược (còn gọi là Việt sử lược), bộ chính sử ra đời khoảng năm 1377 (có nghĩa trước cả hai bộ Toàn thư và Cương mục kể trên); đồng thời kết hợp với kết quả thu được trong các đợt điền dã trên thực địa. Người có công đầu trong việc nghiên cứu nói trên, phải kể tới Phó Giáo sư Trần Bá Chí, tác giả công trình Cuộc kháng chiên chống Tống lần thứ nhất (980-981), được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành lần đầu năm 1992. 

Cần ghi nhận Phó Giáo sư Trần Bá Chí là một trong những người đi tiên phong chủ trương rằng một bộ phận lớn quân đội nhà Tống và chủ tướng Hầu Nhân Bảo bị quân dân ta do Lê Đại Hành chỉ huy, tiêu diệt trên dòng sông Bạch Đằng. Và đó là Trận Bạch Đằng lần thứ II trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta (trận thứ nhất xảy ra dưới thời Ngô Quyền năm 938 và trận thứ ba thời Trần năm l288).
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #84 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 05:30:22 pm »

Trong thực tế, sử sách của ta và Trung Quốc đều có ghi chép về trận quyết chiến chiến lược quan trọng này. Việt sử lược, tác phẩm khuyết danh thời Trần thế kỷ XIV chép: “Năm Tân Ty, năm đầu hiệu Thiên Phúc, mùa xuân tháng Ba (4-981), quân của Hầu Nhân Bảo đến Ngân Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng, vua (tức Lê Đại Hành - NMT), tự làm tướng đi chống Tống, sai người cắm cọc ngăn sông. Quân Tống lùi giữ Ninh Giang, vua sai trá hàng để dụ Nhân Bảo. Quân Tống thua, ta bắt chém Hầu Nhân Bảo, bọn Khâm Tộ nghe tin quân Bảo thua, liền rút lui” (1).
 
Đáng tiếc trong những dòng ghi chép trên đây, dịch giả Việt sử lược đã dịch nhầm từ Lãng Sơn thành Ngân Sơn. Điều này đã được Phó Giáo sư Trần Bá Chí phân tích khá kỹ trong luận văn khoa học Lãng Sơn, một vị trí quan trọng trong cuộc kháng chiến chống  Tống lần thứ nhất (2).

Vấn đề này, cũng được Giáo sư Hà Văn Tấn tán đồng trong luận văn Lê Thánh Tông với Quảng Ninh như sau: “Có thể nói là tất cả các cuộc tấn công bằng đường thủy để xâm lược Việt Nam của người phương Bắc đều đi qua vùng biển Quảng Ninh. Chúng ta đã biết rõ cuộc hành binh của thủy quân Tống ở thời Lý và cuộc hành binh của thủy quân Nguyên ở đời Trần, với các chiến thắng của thủy quân Đại Việt ở vùng biển Quảng Ninh.

Ngay từ thời Lê Hoàn, năm 981, quân Tống cũng tiến theo đường này. Chỉ vì bản dịch Việt sử lược hiện có đã đọc nhầm chữ Lãng (Lãng Sơn) thành Ngân (Ngân Sơn), mà nhiều nhà sử học đã loay hoay tìm con đường tiến của Tống qua Bắc Thái (tức Bắc Cạn - NMT). Thực ra, Lãng Sơn là tên gọi một hòn núi gần Vạn Ninh của Quảng Ninh . . . “ (3).

Tống sử (Giao chỉ truyện) của Trung Quốc cũng chép về trận Bạch Đằng như sau: “Thái Bình hưng quốc năm thứ 6, tháng Ba, ngày Kỷ Mùi (28-4-981), Giao Châu hành doanh phá được 1.500 quân của Lê Hoàn ở sông Bạch Đằng. . . Đến khi Lưu Trừng đến thì Toàn Hưng cùng Lưu Trừng theo đường thủy đem quân đến thôn Đa La, nhưng nói không gặp giặc (tức chủ quân của Lê Đại Hành - NMT), lại trở về Hoa Bộ. Đến đây, Lê Hoàn giả vờ xin hàng để đánh lừa Nhân Bảo, Nhân Bảo liền bị giết chết” (4).


Như vậy, trận Bạch Đằng xảy ra lần thứ II trên dòng sông lịch sử này vào tháng 4-981 là một sự kiện hết sức trọng đại, đã được sử sách của ta và đối phương đều chú ý ghi lại. 

Nhưng một vấn đề lâu nay luôn đặt ra đối với giới nghiên cứu khoa học, đó là đại bản doanh của vua Lê Đại Hành đóng ở đâu, để từ đó viết thư, cử người đến Ninh Giang, nơi đóng quân của quân Tống “giả vờ xin hàng đánh lừa Hầu Nhân Bảo”’ rồi bố trí binh lực, điều binh khiển tướng nhằm đánh tan giặc mạnh trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử?

Vào khoảng cuối xuân năm 2000, nhận lời mời của các đồng chí lãnh đạo địa phương, chúng tôi đã trở về xã An Lạc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương để nghiên cứu ngôi đền Cao và xác định lại các di tích liên quan tới Lê Đại Hành ở trong xã.

Sau một ngày điền dã gần hết địa bàn của xã, chúng tôi đã đi tới nhận định bước đầu: Địa điểm Đồng Dinh, bên cạnh khu danh thắng lịch sử Đền Cao, chính là khu vực đóng Đại bản doanh của Lê Đại Hành trong cuộc quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng xưa. Trên thực địa, “Đồng Dinh” là một cánh đồng bằng phẳng rộng chừng 25 - 30 mẫu Bắc Bộ. Đây là một điểm đóng quân khá lý tưởng, vì ba phía bắc, đông, nam đều có núi, có sông che chở, còn phía tây mở ra một hành lang rộng rãi, khiến cho “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể giữ).


___________________
(1) Việt sử lược. Nxb Văn Sử Địa, N. 1960: tr. 55, 56. 
(2) Trần Bá Chí: Lãng Sơn, một vị trí quan trọng trong cutộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất. Tạp chí Khoa học - Đại học Tổng hợp Hà Nội.  số 1 1985, tr. 59-64.
(3) Hà Văn Tấn: Lê Thánh Tông với Quảng Ninh, trong Núi Bài Thơ, lịch sử và danh thắng. Quảng Ninh - 1992.
(4) Tống sử - quyển Giao Chỉ truyện.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #85 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 05:32:32 pm »

Nơi mà vua Lê Đại Hành chọn để đóng đại bản doanh nói trên rõ ràng đáp ứng những điều kiện tối cần thiết của một nơi đóng quân mà các bộ binh thư cổ của phương Đông chỉ dẫn. Sách Tôn Tử binh pháp ở thiên Hành quân có viết: “Phàm bố trí quân đội, phán đoán địch tình (cần theo những nguyên tắc sau đây): “Vượt qua núi, cần men theo chỗ thấp mà đi. Chiếm lĩnh vùng núi non, cần chọn những nơi cao hướng về mặt trời, cần dựa lưng vào mỏm cao chứ không đối diện với mỏm cao. Đó là nguyên tắc đóng quân ở vùng núi” (1).

Ngay trong thiên Đồn Trú, sách Binh thư yếu lược, cũng viết: “Phàm đóng quân thì phải dùng nơi sau cao, trước thấp, trông ra hướng sáng, quay lưng hướng tối, nuôi sống ở đủ nước lửa không lo, vận tải tiếp tế không trở ngại, tiến có thể đánh, lui có thể giữ. . .” (2).

Nghiên cứu nơi đóng đại bản doanh của vua Lê Đại Hành, chúng ta thấy nó “dựa lưng vào mỏm núi cao” là các ngọn Bàn Cung, Thiên Bồng, Đầu Giông, Cổ Vu và “trông ra hướng sáng” là hướng nam, phía xa có dòng Nguyệt Giang trong xanh, thoáng đãng.

Che chắn phía đông cho đại bản doanh là các ngọn núi như: Đồng Đò, Vọng Dứa, Đồng Ra và Cao Hiệu. Tất cả những núi non, gò đồi bao bọc ấy lại được dòng Nguyệt Giang và chi lưu của nó che chắn thêm khiến đại bản doanh của vua Lê Đại Hành có khả năng án binh, giấu quân làm cho quân Tống không thể tìm thấy được. Điều đó giải thích câu văn được chép trong Tống sử vừa nói ở trên: “Toàn Hưng và Lưu Trừng theo đường thủy đem quân đến thôn Đa La, nhưng nói không gặp giặc” (tức chủ quân và đại bản doanh của quân ta - NMT).

Đại bản doanh của vua Lê Đại Hành ở xã An Lạc, nếu đi theo đường thủy xuôi dòng Nguyệt Giang ra sông Kinh Thày để đến Bạch Đằng ước chừng 30km. Còn tính theo đường chim bay từ đây đến Bạch Đằng chỉ khoảng trên 20km. Đây là địa bàn đặt sở chỉ huy, có thể nói khá đắc địa trong điều kiện của cuộc chiến tranh dưới thời Trung cổ, cả hai bên tham chiến đều sử dụng vũ khí và phương tiện vận chuyển còn thô sơ.
 
Đồng Dinh (như tên gọi của nó) không phải là một di tích tồn tại đơn nhất, độc lập. Nó được nằm trong một quần thể di tích lịch sử làm chứng cứ khẳng định thêm cho vị trí đại bản doanh của vua Lê Đại Hành.

Xã An Lạc cùng với xã Tân Dân, thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương có vinh dự lưu giữ và bảo tồn những chứng tích quý giá đó cho chúng ta và muôn đời sau ở đây, những chứng tích liên quan tới đại bản doanh của vua Lê Đại Hành có thể chia làm hai loại: Những địa danh - lịch sử và các di tích đền, miếu, chùa. . .

Về những địa danh lịch sử của xã An Lạc và Tân Dân, hiện nay còn khá nhiều liên quan trực tiếp hoặc gợi ra cho ta những suy nghĩ về một địa bàn đóng sở chỉ huy khá lâu của một vị tướng tổng tư lệnh, vị hoàng đế thân chinh đi đánh giặc.  Đó là:

Núi Cao Hiệu: núi sát với Bến Vạn, bên dòng Nguyệt Giang đổ ra sông Kinh Thày, tương truyền nơi cắm cờ và vọng gác tiền tiêu.

Nội Xưởng: Nơi tương truyền rèn, sửa vũ khí và phương tiện chiến đấu. Lò Văn: nơi một số viên quan từ hàn đi theo quân đội phụ trách việc văn thư làm việc.

Bàn Cung: nơi tương truyền vua Lê Đại Hành họp bàn việc quân với các tướng lĩnh dưới quyền.


____________________
(1) Tôn Ngô binh pháp. Nxb Công an nhân dân, N. 1994. bản dịch của Trần Ngọc Thuận. tr. 121
(2) Binh thư yếu lược. Nxb Khoa học xã hội, N. 1977, tr. 129. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #86 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 05:34:44 pm »

Địa điểm Bàn Cung hiện nay còn lại vết tích trên núi Bàn Cung. Đây là quả núi chính mà đại bản doanh tựa vào. Đúng ra phải gọi là Hành Cung, nhưng vì tránh tên húy của vua Lê Đại Hành, nên đọc chệch ra là Bàn Cung. Trên lưng chừng quả núi này, cách mặt đất chừng 15 - 20 m, người ta bại núi ở hai bên để -dựng hành cung cho nhà vua và cũng làm nơi bàn bạc việc quân. Nền mỗi dãy hành cung còn lại ước chừng 1 sào Bặc Bộ (360m2).

Nền Bà Chúa: nơi ở của các vị nữ tướng. Núi Sơn Đụn: nơi tương truyền là kho quân lương của quân đội . . .  về các di tích đền, miếu, đình, chùa thì ở xã An Lạc có thể nói khá nhiều như: đền Cao, đền Bến Tràng, đền Bến Cả, đền Cả, chùa Nguyệt, chùa Sơn Đụn. . . Có một điều đáng lưu ý hầu hết các ngôi đền nói trên đều thờ các vị tướng tham gia cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 do vua Lê Đại Hành lãnh đạo.

Trong số các di tích lịch sử đó, đáng chú ý hơn cả cần nói đến khu Đền Cao mà phần trên chúng tôi đã có dịp nhắc tới.  Đền Cao được xây dựng trên đỉnh ngọn Thiên Bồng, có độ cao 47m so với mặt biển. Đền tọa lạc trên bãi đất bằng phẳng rộng ước chừng 5.414 m2. Cảnh đền Cao trên núi Thiên Bồng luôn gợi cho du khách một cảm giác u tịch, thanh vắng.  Phải chăng chính vì vậy, núi được đặt tên với ý nghĩa “cảnh tiên bồng lai trên thiên giới?”. Phủ kín quả núi và xung quanh đền Cao là 54 cây lim cổ, tuổi ước cũng vài trăm năm, càng tôn thêm vẻ tĩnh mịch của chốn danh thắng được mệnh danh là nơi tách khỏi bụi trần này.

Bản Ngọc phả hiện còn lưu giữ tại đền Cao là do Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và được vị Thiếu khanh Nguyễn Hiền giữ chức Quản giám bách thần sao lại vào năm Vĩnh Hựu thứ ba (1737) cho biết: Vị thần được thờ ở đây là họ Vương, húy là Đức Minh. Cũng theo Ngọc phả, trong cuộc kháng chiến chống Tống vào mùa xuân năm Tân Tỵ (981), vua Lê Đại Hành đã đem quân về lập đại bản doanh tại An Lạc.  Bấy giờ An Lạc, còn có tên là Dược Đậu trang thuộc đất Bàng Châu, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương.

Ở Dược Đậu trang có 5 anh chị em họ Vương tham gia quân đội đánh giặc cứu nước. Sau khi dẹp xong giặc Tống tàn bạo, bà chị cả là Vương Thị Đào được phong làm Đào Hoa Trinh Thuận công chúa, bà chị thứ hai là Vương Thị Liễu làm Liễu Hoa Linh ứng công chúa. Người em trai thứ ba là Vương Đức Minh được phong làm Thiên Bồng Đại tướng quân đại vương, ông thứ tư là Vương Đức Xuân làm Dực Thánh Dũng Mãnh đại vương, ông thứ năm là Vương Đức Hồng làm Anh Vũ Dũng Lược đại vương.

Người em thứ ba là Vương Đức Minh được thờ tại đền Cao, còn các em trai, chị gái ông được thờ ở các đền như đền Bến Tràng, đền Bến Cả, đền Cả. . .

Trong đền Cao còn treo 13 bộ câu đối gỗ sơn son thiếp vàng, nội dung phần lớn nói lên tấm lòng ngưỡng mộ của khách thập phương đối với tướng Vương Đức Minh “sinh vi tướng, tử vi thần” được thờ ở đền. Tinh thần bao trùm lên các câu đối ở đền là ca ngợi khí thế hào hùng của quân đội thời Tiền Lê dưới sự chỉ huy của chủ soái Lê Đại Hành và các danh tướng của ông. Chúng ta thử đọc lại một hai câu dưới đây:

                                              “Quyền chưởng trung hoa thảo tặc đại danh thuỳ vũ trụ;
                                                     Đại lao thánh giá, phù Lê chính khí đối càn khôn”.


 Nghĩa là:

                                             “Quyền giữ quốc gia, giết giặc lưu danh cùng vũ trụ;
                                                    Tôn phò thánh giá, giúp Lê chính khí sánh càn khôn”.

 
Thực là tràn đầy khí thế và sáng ngời chính nghĩa, hay câu sau:

                                            “Nhạc giáng duy thần, khước Tống anh danh trường lẫm liệt,
                                                    Tinh di kỷ độ, Tiền Lê hiển miếu túc thanh cao”.

Nghĩa là:

                                             Sơn nhạc giáng thần, phá Tống anh uy còn lẫm liệt
                                                    Đổi thay mấy độ, Tiền Lê miếu dựng vẫn uy nghi.


Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #87 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 05:37:45 pm »


Những câu đối còn lại ở đền Cao hay ở đền Bến Cả. đền Cả đền bến Tràng tại xã An Lạc, huyện Chí Linh dường như nhàm nhắc nhở chúng ta nhớ về lịch sử xa xưa, thời đại mà vị vua anh hùng “phá Tống, bình Chiêm” Lê Đại Hành cùng quân dân thời Tiền Lê viết nên những trang sử dựng nước và giữ nước thật oai hùng.

Vào ngày 15-2-2001 , tại thành phố Hải Dương, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức Hội thảo khoa học về An Lạc (Chí Linh) - đại bản doanh của vua Lê Đại Hành trong cuộc kháng chiến chống  xâm lược năm 981.

Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt thành của nhiều nhà sử học ở Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Lịch sử Quân sự, Đại học Quốc gia Hà Nội. . . và ở các tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. . .

Qua Hội thảo, các nhà sử học có mặt đã thống nhất ý kiến rằng Địa điểm Đồng Dinh chính là nơi đóng đại bản doanh của vua Lê Đại Hành vào mùa xuân năm Tân Ty (981). Kết luận của cuộc Hội thảo này đi tới một kết quả rất có ý nghĩa: Lãnh đạo và nhân dân tỉnh Hải Dương đã cho xây dựng một ngôi đền thờ vua Lê Đại Hành trên ngọn núi Bàn Cung lịch sử.

Tháng 2-2002, tượng vua Lê Đại Hành đã được đúc xong, bằng chất liệu đồng, nặng 500kg, lấy nguyên mẫu tượng Lê Đại Hành ngồi trên ngai ở đền Vua Lê tại cố đô Hoa Lư và đã được làm lễ an vị tại đền. Ngôi đền ấy đã chính thức được hoàn thành vào mùa xuân Ất Dậu (2005) này. Đó chính là tấm lòng tri ân của hậu thế chúng ta đối với bậc tiền nhân, vua Lê Đại Hành anh kiệt.





LÊ HOÀN VÀ CHIẾN THẮNG BẠCH ĐẰNG NĂM 981

                       
PGS. TS. Nguyễn Quang Ngọc
Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển

Lê Hoàn sinh năm 941 tại Trường Châu (Thanh Liêm, Hà Nam) , (1) trong một gia đình nghèo khó, cha mẹ mất sớm, phải làm con nuôi cho gia đình viên quan sát họ Lê làng Mía (Thọ Xuân, Thanh Hoá). Lớn lên Lê Hoàn biết tiếng cha con Đinh Bộ Lĩnh nổi lên ở Hoa Lư đã theo giúp Đinh Liễn và tỏ ra là người phóng khoáng, có chí lớn, được Đinh Bộ Lĩnh rất mực tin yêu. Lê Hoàn là một trong những người có công đầu trong sự nghiệp dẹp loạn mười hai sứ quân, thống nhất đất nước của Đinh Bộ Lĩnh.

Năm 971, ông là một trong những người đầu tiên được vua Đinh chọn vào hàng trụ cột của triều đình với chức Thập đạo tướng quân, đặc trách tổng chỉ huy quân đội. Sau sự biến tháng 10 năm 979, Lê Hoàn càng tỏ rõ vai trò trụ cột của vương triều Đinh với cương vị Phó vương nhiếp chính, ông không chỉ là người tận tuỵ dạy dỗ và nâng đỡ vua Đinh thơ ấu, mà còn là trung tâm quy tụ mọi nguồn sức mạnh của đất nước.


_______________________
(1) Có tài liệu chép là Ái Châu (Thanh Hoá ). nhưng ở đây chúng tôi tin theo Đại Việt sử lược là bộ sử đời Trần, được viết gần với thời Lê Hoàn nhất.  
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #88 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 05:40:22 pm »

Được tin quân Tống sắp kéo sang xâm lược, Dương thái hậu “sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi đánh giặc, lấy người ở Nam Sách Giang là Phạm Cự Lạng làm Đại tướng quân” (1). Trong khi triều đình đang họp bàn kế hoạch đánh giặc thì Phạm Cự Lạng cùng các tướng quân khác yêu cầu tôn lập Lê Hoàn làm hoàng đế trước khi xuất quân. Lê Hoàn lúc này là người duy nhất trong triều đình Hoa Lư hội đủ được uy tín và tài năng, tinh thần và lực lượng bảo vệ và gìn giữ nền độc lập dân tộc, nền thống nhất đất nước trước cuộc tiến công xâm lược của nhà Tống.

Dương thái hậu nhận rõ thực tế này và đã phó thác toàn bộ vận mệnh của đất nước và triều đình Hoa Lư vào tay Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. “Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi hoàng đế, (2). ông lên ngôi hoàng đế lúc này là chấp nhận một sự phó thác nghiệt ngã của lịch sử, trước hết vì sự tồn vong của giống nòi, của chính sự nghiệp thống nhất đất nước cao cả mà vua Đinh Tiên Hoàng vừa khởi dựng. 
 
Lên ngôi hoàng đế trong khung cảnh đất nước đang lâm nguy, Lê Hoàn lập tức lao vào tổ chức kháng chiến chống quân xâm lược Tống. Triều Tiền Lê trên thực tế là sự tiếp nối triều đình nhà Đinh. Lê Hoàn vẫn giữ nguyên tên nước là Đại Cồ Việt, vẫn cho tu sửa, gia cố thêm kinh thành Hoa Lư. Ông quyết định đổi niên hiệu là Thiên Phúc và lấy năm 980 là năm Thiên Phúc nguyên niên, giáng phong Đinh Toàn làm Vệ vương (thực chất là cho Đinh Toàn trở lại tước cũ, đã được nhận phong từ vua cha Đinh Tiên Hoàng hai năm trước) và vẫn lấy danh nghĩa Vệ vương của Đinh Toàn trong quan hệ bang giao với nhà Tống.

Triều đình Hoa Lư, chỉ trừ Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp kiên quyết chống lại Lê Hoàn ngay từ sau khi Đinh Tiên Hoàng qua đời, còn tất cả đều tôn phò ông, tập hợp xung quanh ông trong sự nghiệp đánh giặc, giữ nước cao cả. Lê Hoàn nêu cao ngọn cờ đoàn kết, khai thác, tập hợp và sử dụng toàn bộ tập thể triều đình nhà Đinh vào trong vương triều mới của mình.

Dương thái hậu, người đại diện cho cả hai dòng họ Đinh và họ Dương vẫn tiếp tục ngồi lại trong triều và chăm lo việc quân lương. Đại tướng quân Phạm Cự Lạng vẫn là tướng chỉ huy cao nhất. Các nhà sư Ngô Chân Lưu, Đỗ Pháp Thuận, Vạn Hạnh vẫn tiếp tục làm cố vấn cho Lê Hoàn dự bàn mưu kế. Hồng Hiến là người phương Bắc được Lê Hoàn tin dùng, phong làm Thái sư, giúp vua về mưu lược đánh Tống.  Tất cả đều đặt dưới quyền Tổng chỉ huy của Lê Hoàn và đã sẵn sàng vào trận.

Một mặt quân dân Đại Cồ Việt chủ động sẵn sàng đánh bại quân xâm lược Tống bất cứ lúc nào khi chúng xâm phạm bờ cõi, nhưng mặt khác Lê Hoàn rất cần thời gian vật chất để hoàn tất công việc chuẩn bị. Đề phòng cả việc bị bất ngờ tấn công từ mặt nam, ông sai Từ Mục và Ngô Tử Canh sang Chăm Pa thăm dò tình hình và đặt quan hệ hoà hiếu (3).

Trước tối hậu thư của vua Tống, ông cử ngay người sang Trung Quốc tìm mòi cách “để hoà hoãn tình thế”, kích thích thêm tính chủ quan kiêu ngạo của quân Tống và tranh thủ thời gian chuẩn bị thêm lực lượng.

Cuối năm 980, theo kế hoạch tốc chiến, bất ngờ, 3 vạn quân Tống theo hai đường thuỷ bộ dưới sự chỉ huy của Hầu Nhân Bảo ồ ạt xâm lược Đại Cồ Việt. Sử sách chép về các cánh quân bộ và diễn biến chiến trận có nhiều mâu thuẫn nên cho đến nay trong giới nghiên cứu vẫn còn tồn tại nhiều cách lý giải khác nhau về việc tổ chức kháng chiến của Lê Hoàn. Một vấn đề hết sức mấu chốt cần phải làm rõ là liệu có phải Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng tấn công vào nước ta theo đường Lạng Sơn như một số bộ sử của ta chép hay không? 


______________________
(1) Đại Việt sử ký toàn thư. T 1. bản dịch. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội, 1993 . tr 217.
(2) Như trên, tr 217.
(1) Đại việt sử ký toàn thư, T 1, bản dịch. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội, 1993, tr, 222. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #89 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2009, 05:46:25 pm »

Điều dễ dàng nhận thấy là tuyến đường từ Trung Quốc sang nước ta qua Lạng Sơn xuống Quỷ Môn Quan tuy đã được mở từ trước thế kỷ X, nhưng chưa bao giờ được sử dụng cho các cuộc hành quân, chuyển quân lớn. Đặng Xuân Bảng trong sách Sử học bị khảo cho biết khá cụ thể: “Con đường từ Thăng Long lên bắc, sang Trung Quốc, đời Đinh, đời Lê về trước đi qua Quảng Yên (......). Đời Lý về sau có khi đi đường Quảng Yên, có khi đi đường Lạng Sơn (đường Lạng Sơn bắt đầu từ năm Thuận Thiên thứ 9 đời Lý (1018) sai Phí Trí đi Quảng Tây đón kinh Tam Tạng, về sau Doãn Tử Tư, Nghiêm Thường cũng đi đường này)” (1).

Con đường bộ truyền thống mà các triều đại Trung Quốc tiến đánh nước ta suốt nghìn năm bắc thuộc vẫn chỉ là con đường ven biển Đông bắc. Sách Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử đời Tống xác định rõ Quỷ Môn Quan ở cách huyện Bắc Lưu 30 dặm và đời nhà Tấn ai đi sang Giao Chỉ cũng đều phải qua đấy. Nhà bác học Lê Quý Đôn thế kỷ XVIII làm sách Vân đài loại ngữ cho rằng: “Nay xét huyện Bắc Lưu gần châu Tân Yên thuộc tỉnh Yên Quảng của nước ta, Quỷ Môn Quan này phải ở chỗ ấy. Nay tục truyền nói cửa Quỷ Môn Quan ở xã Bình Lang thuộc châu ôn, tỉnh Lạng Sơn là sai” (2). 

Như thế hoàn toàn có đủ cơ sở để khẳng định rằng đoàn quân bộ của nhà Tống vào nước ta, xuất phát từ Quảng Đông (Trung Quốc) men theo đường bờ biển tiến vào địa đầu Quảng Ninh, qua vùng Đông Triều, Phả Lại rồi tiến xuống trung tâm châu thổ sông Hồng (3). Trên đường tiến quân Hầu Nhân Bảo dừng lại ở núi Lãng Sơn đúng như sách Đại Việt sử lược chép “quân Hầu Nhân Bảo đến đóng ở núi Lãng Sơn (4).

Vị trí cụ thể của Lãng Sơn có lẽ còn phải được khảo cứu kỹ thêm, tuy nhiên tìm Lãng Sơn trên con đường bộ men theo bờ biển Đông Bắc vẫn theo “con đường của những kẻ xâm lược” hằng đi suốt thời kỳ Bắc thuộc như một số nhà nghiên cứu gần đây chủ trương là hoàn toàn có cơ sở. Điều đáng lưu ý là khu vực Vạn Kiếp thời thuộc Đường là Lãng Châu (5), có nhiều thông tin để dự đoán khu vực Vạn Kiếp, Lục Đầu Giang có liên quan mật thiết đến vùng chiến trường Lãng Bạc thời Trưng vương.

Mục tiêu số một của cuộc tiến quân của quân Tống là kinh đô Hoa Lư và con đường tiến quân chủ yếu của cả hai đạo quân thuỷ bộ là con đường men theo bờ biển vào khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương. Hai đạo quân này đều đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Hầu Nhân Bảo và luôn luôn tìm cách phối hợp với nhau, hỗ trợ cho nhau, tạo thành nguồn sức mạnh tuyệt đối để có thể đánh thật nhanh, giải quyết thật nhanh.

Chặn địch trên cả hai tuyến thuỷ, bộ trên vùng đất địa đầu miền Đông Bặc, phá tan âm mưu phối hợp hai đạo quân thuỷ bộ và kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Hầu Nhân Bảo là công việc đầu tiên có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của toàn bộ cuộc kháng chiến.


_______________________
(1) Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, bản dịch Nxb Văn hoá thông tin, N. 1997. trg.246. Về con đường truyền thống của các triều đại Trung Quốc tiến đánh nước ta: Đặng Xuân Bảng cũng thống nhất cho rằng: “Vì từ đời Hán về sau (Trung Quốc dụng binh ở Giao Châu thường dùng thuỷ quân từ Khâm Châu ra biển, vào Quảng Yên, thẳng vào sông Lục Đầu tỉnh Hải Dương, đến Bắc Ninh...” (Sử học bị khảo. Sđd. tr 261)
(2) Lê Quý Đôn : Vân đài loại ngữ, T 1. quyển 3 , bản dịch của Tạ Quang Phát. Sài Gòn 1972, tr. 212. 
 (3) Tham khảo C.L.Madrone: Xứ Bắc kỳ cổ đại (trích dịch BEFEO tập XXXVIII (1937) trang 263. Tư liệu khoa Sử. Đại học Quốc gia Hà Nội. TL 170.
(4)   Đại Việt sử lược (bản chữ Hán do Trần Kinh Hoà biên khảo, giới thiệu). trg. 44. Sách chép rõ chừ “lãng” nghĩa là sóng nước, gồm bộ chấm thuỷ bên chữ lương. Lưu ý có mộl số bản chép nhầm là Ngân Sơn hay Lạng Sơn. 
(5) Trần Phu (sứ thần nhà Nguyên) trong An Nam tức sự chép Vạn Kiếp là Lãng Châu thời thuộc Đường.  Nhiều nguồn tư liệu di tích và truyền thuyết cho phép dự đoán khu vực Lãng Châu (Kiếp Bạc - Lục Đầu Giang) cũng có thể là Lãng Sơn (hay Lạng Sơn trong một số bộ sử cũ của ta) - nơi Hầu Nhân Bảo đóng quân là vùng Lục Đầu Giang.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM