Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:52:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn  (Đọc 99587 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #30 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2009, 01:38:42 pm »


Năm 1981, nhân kỷ niệm 1.000 năm chiến thắng quân Tống xâm lược (981 - 1 981 ) Tạp chí nghiên cứu Lịch sử, số 2 - 1981 đã đăng một số bài chủ yếu viết về chiến công oanh liệt và vị trí của Lê Hoàn trong cuộc kháng chiến chống Tống và trong lịch sử dân tộc. Trong đó cần phải kể đến bài: Lê Hoàn với tập thể anh hùng triều đình Hoa Lư của tác giả Nguyễn Danh Phiệt.

Tác giả đã lý giải mối quan hệ tình cảm giữa Lê Hoàn và Dương Thái hậu trong bối cảnh lịch sử của thế kỷ X là chưa bị ràng buộc hay chưa bị thống trị của đạo Nho: “xã hội Đại Cồ Việt còn là một xã hội mà “khoan, giản, an lạc” từ thời họ Khúc vẫn được coi là phương châm trị nước và những sinh hoạt thoải mái, phóng khoáng trong bối cảnh văn hóa cộng đồng làng xã người Việt thuần khiết vẫn chưa bị lớp mây mù văn hóa Tàu vây ám. dân dã mà còn chiếm lĩnh cả chốn cung đình.

Trong bối cảnh đó thì hiện tượng Dương Thái hậu - Lê Hoàn cũng là một chuyện bình thường, hợp lẽ... Đinh Bộ Lĩnh chết, Dương Thái hậu lấy Lê Hoàn là theo tập tục thông thường của xã hội. Lê Hoàn lên ngôi vua, đứng đầu cả nước là theo truyền thống “lựa chọn”, “suy tôn” thủ lĩnh phổ biến trong sinh hoạt cộng đồng .,, (1)

Nhiều năm sau, tác giả Nguyễn Danh Phiệt đã công bố kết quả nghiên cứu thư tịch kết hợp với truyền thuyết, huyền thoại và kết quả điền dã thực tế trong bài: Dương hậu - Dương Thái hậu lịch sử và huyền thoại trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (số 4-1998). Tác giả đi đến kết luận: “...sự hiện diện đích thực của hai hoàng hậu họ Dương, cùng thuộc dòng dõi của Dương Đình Nghệ ở Ái Châu, tức Thanh Hóa ngày nay. Đó là Dương hậu (hoàng hậu của Ngô Quyền) con Dương Đình Nghệ và Dương hậu - Dương Thái hậu (hoàng hậu của Đinh Bộ Lĩnh) - Dương hậu (hoàng hậu của Lê Hoàn) là cháu Dương Đình Nghệ, con gái của Dương Tam Kha... Và, bà Dương hậu “cháu’ này được người đời quan tâm nhiều, hầu như sống mãi trong lòng người với nhiều truyền thuyết, giai thoại, hấp dẫn, nên thơ” (2).

Năm 2000, nữ tác giả Lee Son Hee (Hàn Quốc) trong bài: “Thái hậu Dương Vân Nga và vai trò của người phụ nữ Việt Nam hồi thế kỷ X” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử đã đánh giá về bà theo cách nhìn hiện đại và vì vậy, Thái hậu Dương Vân Nga được tác giả lý giải đầy đủ và nổi bật ở bốn điểm:

Một là, Thái hậu Dương Vân Nga đã biết hy sinh quyền lợi hạn hẹp của gia đình gia tộc và bán thân để đặt lợi ích chung của quốc gia dân tộc, cộng đồng lên trên hết...;

Hai là, mặc dầu Dương Vân Nga là phụ nữ, nhưng bà đã có tầm nhìn chiến lược, chính xác và cũng rất nhân bản để nhận ra cái chân giá trị của Lê Hoàn...;

Ba là, Dương Vân Nga là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên trong lịch sử chính thống đã nêu một tấm gương sáng về quyền tự quyết định vận mệnh của bản thân mình - quyền tự do yêu đương, tự do hôn nhân mà không bị lệ thuộc vào giáo lý phong kiến cũng như thói thường của dư luận...;

______________________________________________________________________
(1) Nguyễn Danh Phiệt. Lê Hoàn với tập thể anh hùng triều đình Hoa Lư. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử. số 2- 1981 , tr. 15. 
(2) Nguyễn Danh Phiệt. Dương hậu - Dương Thái hậu. Lịch sử và huyền thoại Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử. số 4-1998, tr. 39-43. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #31 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2009, 01:42:04 pm »

Cuối cùng, ở Thái hậu Dương Vân Nga còn có một giá trị tổng thể, nằm trong sự đánh giá, định vị và lưu giữ của cộng đồng dân tộc Việt . . . Nhân dân đồng cảm và đồng tình với mối tình cao đẹp của Thái hậu...” (1).

Trên đây chúng tôi đã điểm qua những đánh giá, nhận định về Thái hậu Dương Vân Nga và mối quan hệ của bà với Lê Hoàn qua một số thư tịch và công trình nghiên cứu của các tác giả. Một điều dễ thấy là, hầu như các kết quả nghiên cứu chủ yếu tập trung lý giải mối quan hệ giữa Lê Hoàn và Dương Thái hậu, một vài công trình khẳng định được công lao của Dương Thái hậu đối với đất nước nhưng còn dè dặt như tác giả Song Cối.

Trong vài thập kỷ gần đây việc nghiên cứu về vai trò của Thái hậu Dương Vân Nga đối với đất nước càng được nhìn nhận và đánh giá cao như nghiên cứu của tác giả Nguyễn Danh Phiệt và Lee Seon Hee. Trong bài viết này, thêm một lần chúng tôi khẳng định vai trò to lớn của bà đối với đất nước Đại Cồ Việt đương thời. Và, chắc rằng có những điểm được kế thừa   kết quả của các tác giả đi trước.

Theo tôi, để khách quan, thiết nghĩ cần phải đặt nhân vật trung tâm - Thái hậu Dương Vân Nga trong bối cạnh lịch sử lúc bấy giờ.

Chúng ta biết rằng, sau khi Đinh Tiên Hoàng băng hà, đất nước Đại Cồ Việt đứng trước những nguy biến, tình trạng đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”. Vua cha mất, Đinh Toàn, con thứ, mới 6 tuổi lên nối ngôi cha, Phó vương Lê Hoàn nhiếp chính, cũng vì thế mà nội bộ triều Đinh rối ren từ đây.

Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền và Phạm Thạp nghi ngờ uy thế của Lê Hoàn sẽ ảnh hưởng đến ngôi báu của vị vua nhỏ tuổi liền tổ chức quân đội tấn công Lê Hoàn tại kinh đô Hoa Lư. Thái hậu Dương Vân Nga bàn với Lê Hoàn phương cách đưa đất nước thoát khỏi tình thế nội loạn này. Lê Hoàn nói: “Thần là Phó vương nhiếp chính dù sống chết họa biến thế nào, đều phải chịu trách nhiệm” (2).

Kết quả là, quân đội do Lê Hoàn chỉ huy thắng trận. Nguyễn Bặc và Đinh Điền đều bị chết, Phạm Thạp bị bắt giải về kinh đô. Tạm yên vấn đề triều chính thì ở phía nam đất nước, phò mã Ngô Nhật Khánh vì mối tư thù trước đây đã dẫn hơn nghìn chiến thuyền cùng quân Chiêm Thành tiến đánh Lê Hoàn. Mặc dù trên đường hành quân Ngô Nhật Khánh và chiến thuyền gặp gió bão khiến cho thuyền và người chìm đắm gần hết, nhưng sự kiện này cũng khiến triều đình Hoa Lư phải tìm cách ứng phó.

Ở phía bắc, lợi dụng tình hình nước Đại Cồ Việt có biến, nhà Tống đã nắm lấy cơ hội này thực hiện âm mưu xâm lược nước Đại Cồ Việt. Tri Ung châu Hầu Nhân Bảo dâng thư lên vua Tống nói rằng: “An Nam quận vương và con là Liễn đều bị giết, nước đã gần mất, có thể nhân lúc này đem quân địa phương đánh lấy được” (3), rồi nhà Tống tích cực điều binh khiển tướng chuẩn bị tấn công nước ta.

Về phía triều đình Đại Cồ Việt để tiến hành kháng chiến chống quân Tống xâm lược, Thái hậu Dương Vân Nga giao trách nhiệm cao nhất cho Lê Hoàn thống lĩnh quân đội chống giặc. Phạm Cự Lạng (em của Phạm Thạp), được Lê Hoàn cử làm Đại tướng quân, cùng với Lê Hoàn bàn kế hoạch xuất quân.

Cũng lúc này, xuất hiện tình huống như ghi chép trong Đại Việt sử  ký toàn thư (viết tắt là Toàn thư): “Cự Lạng cùng với các tướng đều mặc nhung phục đi thẳng vào trong phủ bảo mọi người rằng: thưởng người có công, giết kẻ không theo mệnh lệnh là kỷ luật hành quân. Nay chúa thượng trẻ thơ. chúng ta dù hết sức liều chết chống kẻ địch bên ngoài. may lập được chút công thì ai biết cho. Chi bằng trước hãy tôn Thập đạo tướng quân làm thiên tử, rồi sau sẽ đem quân đi đánh thì hơn”.

__________________________________________________________________________________
(1) Lee Seon Hee. Thái hậu Dương Vân Nga và vai trò của người phụ nữ Việt Nam hồi thế kỷ X. Tạp chí Nghiêncứu Lịch sử. số 5-2000, tr. 50-54.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư. Tập I. Nxb. Khoa học xã hội. Hà Nội. 1972, tr. l9. 
(3) Đại Việt sử  ký toàn thư . Tập 1. Sđd. tr. 160.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2009, 01:44:03 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #32 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2009, 01:46:43 pm »


Quân sĩ nghe nói thế đều hô vạn tuế.  Thái hậu thấy mọi ngươi đều vui lòng quy phục, sai lấy áo long cổn mặc cho Hoàn, mời Hoàn lên ngôi hoàng đế...” (1). Tư liệu này khiến tôi đặc biệt chú ý, rõ ràng rằng, lúc này vị thế và uy tín của Lê Hoàn là rất lớn trong quân đội. Sức mạnh của quân đội là đại diện cho sức mạnh của đất nước lúc bấy giờ. Nên trước lời đề nghị nghiêm trang của Phạm Cự Lượng thì toàn bộ quân sĩ đều hô “Vạn tuế’. Khi thấy mọi người đều đồng tâm nhát trí, Dương Thái hậu mới mời Lê Hoàn lên ngôi vua.

Vì vậy việc lên ngôi vua của Lê Hoàn là sự đồng tâm nhất trí từ trong triều đến ngoài quân đội. Và, như trên chúng tôi đã dẫn, tiếng nói của quân đội lúc này là tiếng nói của cả dân tộc trong lúc tình thế đất nước đứng trước họa xâm lược của nhà Tống.  Dương Thái hậu cũng như toàn bộ quân đội đã không chỉ thấy được sự tài giỏi của Lê Hoàn để ủy thác vận mệnh của quốc gia cho ông mà sự thực uy tín của ông đã thu phục được nhân tâm.

Hai vấn đề này, tuy hai nhưng là một. Dương Thái hậu phải là một người thông minh, tài giỏi, một phụ nữ - người mẹ can đảm mới đi đến quyết định sáng suốt như vậy. Bà hiểu rằng con trai bà - vua Đinh Toàn mới 6 tuổi lên làm vua theo chế độ cha truyền con nối, chưa hề có công lao gì đối với đất nước. Một ông vua ở tuổi thiếu niên liệu có khả năng gánh vác trọng trách này hay không?

Nếu như trong hoàn cảnh đất nước bình yên, sự việc trên có thể cho rằng bà vì tình riêng. Nhưng như trên chúng tôi đã dẫn, bà thực hiện việc trao ngôi báu cho Lê Hoàn một cách đàng hoàng trước sự đồng tình của các tướng sĩ quân đội.

Vì vậy, Dương Vân Nga chính là người phụ nữ của chính trường, thông minh, mưu lược, vì đất nước vì nhân dân mà “hy sinh” ngôi báu của con trai mình cũng đồng nghĩa hy sinh” quyền lực chính trị của mình cho một người có đầy đủ uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước - Lê Hoàn. 

Mặt khác, cũng cần phải thấy rằng, một người nắm toàn bộ quân đội trong tay, một thế lực, một sức mạnh có thể làm nghiêng ngả đất trời, nếu có âm mưu, Lê Hoàn có thể đoạt ngôi vua bất cứ lúc nào mà không cần dựa vào thế lực của Thái hậu. 

Với sự lựa chọn của bà, Lê Hoàn đã lãnh đạo quân dân Đại Cồ Việt kháng chiến chống Tống thắng lợi, giữ vững nền độc lập dân tộc. Chiến công hiển hách này, đằng sau nó cần phải kể đến vai trò và công lao của bà. Tuy bà không trực tiếp cầm quân ra trận nhưng quyết định sáng suốt của bà đã động viên, cổ vũ kịp thời tinh thần chiến đấu chống quân xâm lược của tướng sĩ Đại Cồ Việt dưới sự chỉ huy tối cao của Lê Hoàn. 

Nhân dân ta có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những người có công với nước với dân sau khi chết thường được nhân dân lập đền thờ. Hai Bà Trưng được thờ ở nhiều nơi.  Trần Hưng Đạo được nhân dân từ đời này qua đời khác tôn là Đức thánh Trần và được tôn thờ ở rất nhiều địa phương trong toàn quốc. Thái hậu Dương Vân Nga cũng vậy, nhân dân tạc tượng, lập đền thờ bà ở Hoa Lư, Ninh Bình. Tượng của Bà ngự ở vị trí tôn nghiêm của ngôi đền, giữa hai ông vua, hai ông chồng - Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Không phải ngẫu nhiên mà Lê Đại Hành có 5 hoàng hậu nhưng chỉ có Thái hậu Dương Vân Nga là được nhân dân tôn thờ.

Theo quan niệm truyền thống thì người được tôn sùng và quan trọng thường ngự ở chính giữa. Bà đã ở vị trí như vậy - trong lòng dân suốt các triều đại Tiền Lê, Lý, Trần. Chỉ đến thời Lê sơ, thế kỷ XV, với giáo lý Nho giáo chi phối, tượng của bà không được thờ nữa.

Toàn thư chép: “Tục dân làm đền thờ, tô hai pho tượng Tiên Hoàng, Đại Hành và tượng Dương hậu cùng ngồi, đến buổi quốc sơ (đầu nhà Lê) hãy còn. Sau An phủ sứ là Lê Thúc Hiền mới bỏ” (2). Sau năm 1945 , bà lại được nhân dân tôn thờ như xưa. Điều này rất phù hợp với kết quả điền dã thực tế của tác giả Nguyễn Danh Phiệt mà chúng tôi đã dẫn ở trên.  Thái hậu Dương Vân Nga là một trong những phụ nữ Việt Nam không chỉ vĩ đại ở thế kỷ X mà tên tuổi của bà xứng đáng được lưu danh trong sử sách.


____________________________________________________________________________
(1) Đại Việt sử  ký toàn thư. Tập 1. Sđd. tr. 161- 162.
(2) Đại Việt sử  ký toàn thư . Tập 1. Sđd. tr. 168. Lê Thúc Hiền giữ chức An phủ sứ lộ Trường Yên vào nam Bính Thìn (1436). xem Toàn thư. tập 1.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #33 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2009, 10:25:27 pm »

GÓP PHẦN TÌM HIỂU CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA ĐẠI TƯỚNG QUÂN PHẠM CỰ LẠNG

 
Đinh Thị Thùy Hiên
Khoa Lịch sử. Trường Đại học KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội


Sự kiện lên ngôi của Lê Hoàn năm 980 được các thư tịch cổ Việt Nam chép rõ ràng, thống nhất với nhau, đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà sử học từ trước tới nay. Đóng vai trò quan trọng trong việc tôn phò Lê Hoàn lên ngôi, bên cạnh Thái hậu Dương Vân Nga là vị Đại tướng quân Phạm Cự Lạng. Tuy vậy, bấy lâu nay Đại tướng quân Phạm Cự Lạng chưa được quan tâm nghiên cứu đầy đủ. Trong quá trình khảo sát khu vực quận Đống Đa (nội thành Hà Nội) và các xã Nghĩa Thịnh, Nghĩa Thái... huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), chúng tôi tập hợp được một số tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ông. Bài viết này chỉ là đôi nét khắc họa chân dung vị Đại tướng quân Phạm Cự Lạng và thông qua đó góp phần tìm hiểu anh hùng dân tộc Lê Hoàn nhân dịp kỷ niệm tròn 1.000 năm ngày mất của ông.

1. Từ những ghi chép trong thư tịch cổ Việt Nam

So với các nhân vật khác, những ghi chép về Phạm Cự Lạng (1) trong chính sử khá nhiều. Khi quân Tống xâm lược nước ta, Phạm Cự Lạng được Lê Hoàn đề cử và được Dương Thái hậu đích thân phong làm đại tướng quân, cầm quân ra trận. Trong hoàn cảnh triều chính đang rối loạn do Đinh Tiên Hoàng mới qua đời, vua còn nhỏ tuổi, quân Tống đang chuẩn bị đưa quân xâm lược, Phạm Cự Lạng nhận thấy rõ yêu cầu lịch sử đặt ra là phải có một vị vua tài năng đủ sức chèo lái, đưa đất nước vượt qua cơn hiểm nghèo. Vì vậy ông đã ph tá Lê Hoàn lên ngôi vua.

Sự kiện này được các bộ sử chép lại một cách khá thống nhất: “Bấy giờ, Lạng Châu nghe tin quân Tống sắp kéo sang, liền làm tờ tâu báo về. Thái hậu sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi đánh giặc, lấy người ở Nam Sách Giang là Phạm Cự Lạng làm đại tướng quân. Khi triều đình đang bàn kế hoạch xuất quân, Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào nội phủ, nói với mọi người rằng.  “Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo làm thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn”. Quân sĩ nghe vậy đều hô “vạn tuế”.

Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn. mời lên ngôi hoàng đế.  Từ đó, Hoàn lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc năm đầu, giáng phong vua làm Vệ vương” (2).

Việc Lê Hoàn lên ngôi là tất yếu, phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ. phạm Cự Lạng với việc ủng hộ ông lên ngôi vua là một hành động thức thời lúc đó. Nếu như Lý Công Uẩn lên ngôi vua, mở đầu triều Lý trong lịch sử dân tộc là nhờ có sự sắp đặt, chuẩn bị của Đào Cam Mộc và sư Vạn Hạnh, thì ở góc độ nhất định có thể xem Phạm Cự Lạng là người đã góp phần tạo dựng lên triều Tiền Lê trong lịch sử (3).

Sát cánh bên Lê Hoàn trong kháng chiến chống Tống, và trong công cuộc xây dựng đất nước, năm 986 ông được phong chức Thái uý. Sử chép: năm 986 “Lấy Từ Mục làm Tổng quản tri quân dân sự, ban cho tước hầu, Phạm Cự Lạng làm Thái uý” (4).

_____________________________
(1) Phạm Cự Lạng/Lượng có sách chép là Phạm Cự Bị. Trong bài viết này: chúng lối sử dụng thống nhất lên gọi Phạm Cự Lạng. 
(2).  Đại Việt sử ký toàn thư. tập 1 . bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), Ngô Đức Thọ dịch và chú thích, Hà Văn Tấn hiệu đính, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1998, trang 217. Cũng xem Ngô Thì Sĩ : Đại Việt sử ký tiền biên, Lê Văn Bảy, Nguyễn Thị Thảo, Dương Thị The, Phạm Thị Thoa dịch và chú thích, Lê Huy Chưởng hiệu đính, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1.997, trang 162. Việt sử lược. Trần Quốc Vượng phiên dịch và chú giải, Nxb Văn Sử Địa. 1960, trang 54-55; Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định  Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1998, trang 247. 
(3) Sử thần Nguyễn Nghiêm khi bàn đến sự kiện lên ngôi của Lê Hoàn, vạch tội cướp ngôi của ông đã ví Phạm Cự Lạng với Thạch Thủ Tín, công thần của nhà Tống người có công phò lập Tống Thái Tông: “Xét sự thế lúc bấy giờ thì Thập đạo tướng quân lại là một quan Điểm kiểm mà trong phủ lại là một thế trận Trần Kiều. Phạm Cự Lạng lại là một Thạch Thủ Tín. Tội cướp ngôi đã rõ, chẳng phải đợi người ta bàn tán rườm rà”. xem Ngô Thì: Đại sử ký tiền biên. Sđd. trang 162.
(4) Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd. trang 224.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #34 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2009, 10:30:17 pm »


Việc này một mặt chứng tỏ rằng ông là một trụ cột của triều đình Tiền Lê, đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước những năm cuối thế kỷ X; mặt khác cho thấy những đóng góp to lớn của ông đã được nhà Tiền Lê ghi nhận. 

Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà trong hoàn cảnh hiểm nghèo, trước nạn ngoại xâm đe doạ đất nước, Phạm Cự Lạng nổi lên với một vai trò quan trọng như vậy. Chúng tôi quan tâm đến cuộc đời hoạt động của ông trước sự kiện năm 980.

Về nguồn gốc của ông, các tài liệu Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Cương mục), Việt điện u linh, Đại Việt sử ký tiền biên cho biết Phạm Cự Lạng thuộc gia đình “thế gia vọng tộc” ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông nội của ông tên là Chiêm, từng giữ chức Đồng giáp tướng quân dưới thời Ngô Quyền. Cha ông tên là Mạn, vốn là Tham chính đô đốc dưới thời Nam Tấn Vương.  Phạm Thạp, người anh trai giữ chức Vệ uý đời vua Đinh Tiên Hoàng được ghi trong sử sách với việc đã cùng Đinh Điền. Nguyễn Bặc chống lại Lê Hoàn (1).

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua nối ngôi khi mới 6 tuổi. Lê Hoàn nhiếp chính, làm công việc như Chu Công, tự xưng là Phó vương. Bọn Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Phạm Thạp ngờ Hoàn sẽ làm điều bất lợi cho vua nhỏ, bèn cùng nhau dấy binh, chia hai đường thuỷ bộ, muốn tiến về kinh đô giết Hoàn nhưng không đánh nổi, bị giết... Điền, Bặc đã chết, quân Phạm Hạp mất hết khí thế, tan chạy về hương Cát Lợi ở Bắc Giang.  Hoàn dẫn quân đuổi theo, bắt sống được Phạm Thạp đem về kinh sư” (2).

Việc anh của ông là Phạm Thạp cùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc dấy binh đánh Lê Hoàn còn được chép trong các tác phẩm khác như Cương mục, Đại Việt sử ký tiền biên... (3) Riêng trong Dật sử, sự kiện này được chép khác đi: “Hoàn lúc mới nhiếp chính, bọn Nguyễn Bặc biết Hoàn tất sẽ cướp ngôi, bèn đưa con em đón Hoàn ở ngang đường, lấy đại nghĩa mà trách Hoàn, rồi định đưa thân liều chết, Hoàn nói rằng: “Các ông lầm rồi, ta há phải là kẻ làm phản?” Thế rồi an ủi nhau giải tán ra về, nhưng mỗi người đều có chí nhằm sơ hở để loại trừ nhau. Đến khi Hoàn đưa quân vào trong cung nhận nhường ngôi. Bọn Bắc không chịu khuất phục đều bỏ trốn. Hoàn cũng không hỏi đến.” (4).

Tuy nhiên, vì điều này chép khác xa so với chính sử, nên với những tài liệu hiện có, chúng tôi tin theo những ghi chép trong sách Toàn thư và Cương mục.  Phạm Thạp bị quy vào tội phản loạn và bị giết chết, nhưng vào ngay năm sau đó, Lê Hoàn đã lựa chọn em của Phạm Hạp làm Đại tướng quân chống giặc ngoại xâm; Phạm Cự Lạng lại chính là người đứng ra, tôn lập Lê Hoàn lên ngôi vua. Sự kiện này theo chúng tôi là một cơ sở quan trọng để đánh giá nhân cách của những người anh hùng trong lúc vận nước lâm nguy.


_____________________
(1) Ngô Thì Sĩ: Đại Việt sử ký tiền biên, Sđd. trang 217
(2) Ngô Thì Sĩ: Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd. trang 215-216.
(3) Trong Cương mục, anh của Phạm Cự Lạng là Phạm Hạp bị bắt đưa về kinh sư và bị giết chết (trang 245). Cũng xem Ngô Thì Sĩ: Đại Việt sử ký tiền biên, Sđd. trang 159-160. Việt sử lược khi chép sự kiện Đinh Điền, Nguyễn Bắc chống lại Lê Hoàn không chép đến tên Phạm Hạp. Tác phẩm này cũng không chép đến sự kiện phong chức cho Phạm Cự Lạng. và lập đền thờ dưới triều Lý.  Nguyên nhân có lẽ một phân bởi đây là tác phẩm viết khá sơ lược. người viết đã giản lược đi nhiều sự kiện.  iệt điện 11 linh về cơ bản chép giống như Đại việt sử ký toàn thư nhưng thông tin phong phú hơn trên cơ sở tập hợp thêm các tài liệu khác trong đó có tư liệu truyền thuyết. huyền thoại. Vì thế. có một số thông tin nhầm lẫn về người anh của ông “anh là Phạm Dật giúp Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành rất có công lao, làm đến đô thống quân hiệu”.
(4) Dẫn theo Ngô Thì Sĩ : Đại  Việt sử ký tiền biên. Sđd: trang 160.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #35 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2009, 10:35:09 pm »


2. Đền thờ Phạm Cự Lạng qua khảo sát thư tịch cổ và khu vực Đống Đa (Hà Nội)

Tài liệu thư tịch cổ Việt Nam không cho biết năm sinh, năm mất của Phạm Cự Lạng. Các tài liệu này chỉ cho biết rằng 50 năm sau sự kiện năm 986, vào năm 1037 vua Lý Thái Tông đã cho lập đền thờ Phạm Cự Lạng ở kinh thành Thăng Long.  Các sách Đại Việt sử ký toàn thư và Việt điện u linh đều có chép rõ ràng về sự kiện dựng đền thờ Hoằng Thánh đại vương:

“Trước đây vua thấy phủ đô hộ để nhiều án ngờ, quan Sỹ sư không xét đoán được. Muốn tỏ rõ sự linh thiêng sáng suốt để tiệt hết kẻ gian trá, bèn tắm gội đốt hương khấn thiên đế. Đêm ấy, vua chiêm bao thấy sứ giả mặc áo đỏ bưng sắc chỉ của thượng đế ban cho Phạm Cự Lạng làm chức Đô hộ phủ ngục tụng minh chủ. Vua hỏi sứ trời rằng: “Người ấy là ai? Hiện đang giữ chức gì của ta?”. Sứ giả nói: “Người ấy làm Thái uý triều Lê Đại Hành”, nói xong thì biến mất. Vua tỉnh dậy, gọi các quan vào hỏi việc ấy; phong cho [Cự Lạng] tước vương, sai hữu ty dựng đền ở phía tây cửa nam thành, tuế thời cúng tế Hoằng Thánh (sau đổi là Hồng Thánh)” (1).

Trong khi Toàn thư ghi rõ đền ở phía tây cửa nam thành, sách Đại Nam nhất thống chí lại chép vị trí đền ở phía tây kinh thành: “Đền Phạm Thái uý: ở thôn Ngự Sử, huyện Thọ Xương. Thần họ Phạm tên Cự Lạng, người huyện Chí Linh phủ Nam Sách tỉnh Hải Dương, làm Thái uý dưới triều Lê Đại Hành, đến đời Thông Thụy nhà Lý, vì phủ Đô hộ có nhiều hình ngục đáng ngờ, quan sĩ sư không sao kết án được, nhà vua muốn lập đền thờ ở trong nhà ngục, mong thần hiển hiện anh linh để trừng trị bọn gian ác, bèn trai giới cầu thượng đế. Đến đêm nhà vua thấy sứ giả mặc áo đỏ báo mộng rằng: “Thượng đế sắc phong Phạm Cự Lạng làm chủ ngục trông phủ Đô hộ nước An Nam”.

Lúc tỉnh dậy, liền sai lập đền thờ ở phía tây kinh thành, phong là “chủ ngục chi thần” (2). Ngôi đền đó - đền Hồng Thánh/Hoằng Thánh, đền Phạm Cự Lạng, hay đình Lương Sử - hiện nay nằm trong ngõ Lương Sử A, quận Đống Đa, Hà Nội, tức phía tây nam thành Thăng Long xưa như ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư.  Những người dân quanh đó cũng cho biết đình có chôn một tấm bia đá to, nội dung có đề cập đến vị trí của đình so với cửa Nam. (3)

Trong việt điện u linh còn có đoạn chép đến việc vua Lý Thái Tông (1028-1053) cho soạn bia đá, trong đó có ghi lại sự nghiệp của Phạm Cự Lạng: “Một hôm, vua mộng thấy vương đội mũ miện, mặc áo bào, cầm hốt, đeo ngai lạy tạ ở trước điện. Vua thức dậy cho là linh dị liền sai văn thần soạn văn đá để ghi sự nghiệp của vương.” (4)

Không biết tấm bia đá ở đền có liên quan gì đến bia đá mà Việt điện u linh đề cập đến  hay không? Tại khu vực Lương Sử, địa danh Ngự Sử vẫn còn.  ông Trung, trưởng ban quản lý di tích đình Lương Sử cho biết, Ngự Sử có nghĩa là nơi nhà vua đến xem việc xử án. Các ông Đỗ Văn Đương (70 tuổi), và ông Huỳnh Bá Dậu (72 tuổi) cho biết đình Lương Sử vốn có vị trí như thế từ rất lâu rồi. Tuy ngôi đền đã nhiều lần tu sửa, thậm chí xây mới lại hoàn toàn, nhưng vị trí và hướng của đình (hướng bắc) vẫn được giữ nguyên.  Một số phế tích vật liệu xây dựng như gạch vồ thời Lê được ban quản lý giữ lại, cho phép khẳng định đình Lương Sử có thể có từ thời Lê. (5)



____________________________
(1) Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd. trang 259. Cũng xem Việt điện u linh.  Sđd. trang 72-73.
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tập 3. Phạm Trọng Điềm dịch. Đào Duy Anh hiệu đính. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội 1971, trang 200.
(3) Tống Văn Lợi. Hà Duy Biển: Báo cáo kết quả điều tra khu vực phía nam thành Thăng Long - Hà Nội. trong Những nghiền cứu mới về Thăng Long Hà Nội. Đề tài KHĐL cấp Nhà nước. LSVN. Hà Nội 2004. trang 9- 10. Tài liệu lưu tại Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển. ĐHQGHN.
(4) Lý Tế Xuyên: Việt điện u linh. Sđd, trang 72-73. 
(5) Tống Văn Lợi. Hà Duy Biển: Tài liệu đã dẫn. trang 9-10.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #36 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2009, 10:37:30 pm »


Khi chép về sự kiện lập đền thờ, Việt điện u linh và những lời bàn của sử thần Ngô Thì Sĩ trong Đại Việt sử ký tiền biên gợi mở nhiều chi tiết liên quan đến cuộc đời Phạm Cự Lạng. Việt điện u linh có chép: “Cự Lạng thật là một người tốt, con nhà gia thế, ông là Phạm Chiêm làm châu mục đất An Vũ giúp Ngô Tiên chủ, có công khai quốc được phong Đồng giáp tướng quân. Cha là Phạm Mạn giúp vua Nam Tấn, làm tham chính đô hộ, anh là Phạm Dật giúp Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành rất có công lao, làm đến đô thống quân hiệu. Đến Cự Lạng trước giúp Đinh, sau giúp Lê sang đánh Chiêm Thành, có công to sau được phong Thái uý. Nhà ấy ba đời đều có tiếng khen”.

Tác phẩm này được hình thành trên cơ sở tham khảo chính sử và truyền thuyết nên thông tin phong phú hơn. Cũng bởi vậy mà có nhiều chi tiết khác biệt, thậm chí sai lạc, chẳng hạn việc anh trai ông phò tá Lê Hoàn. Tuy nhiên tài liệu này có hai chi tiết đáng lưu ý liên quan đến Phạm Cự Lạng, đó là việc ông từng phò tá Đinh Tiên Hoàng và có công lao trong công cuộc tấn công Chiêm Thành.

Ngô Sỹ Liên bàn luận về nhân vật Phạm Cự Lạng khi nhắc đến việc vua Lý Thái Tông cho lập đền thờ ông ở kinh thành như sau: “trong lòng không lo nghĩ gì mà tự nhiên thấy mộng, mới là chính mộng. Thái Tông suy nghĩ về việc xử kiện sao cho công bằng, nhờ vào thần linh, nên trong lúc hoảng hốt bèn nhìn thấy.

Như thế trong Chu Lễ gọi là vì nghi mà có mộng chứ không phải là chính mộng đấy. Xét ra thần thì phải là chính mộng. Thần thì phải thông minh chính trực chỉ một lòng, còn Cự Lạng lại hai lòng trong khi triều đình thay đổi vua. Nếu ở nơi âm ty mà bị Đinh Điền, Nguyễn Bặc tố cáo, thì tự mình không thể trả lời nổi cho mình, còn xét việc án nghi ngờ của nhân dân được sao?

Thái Tông quả là bậc đại nhân trung chính, thì người không trung chính, không thể xử kiện được, mà lại muốn nhờ vào thần để ngăn lấp dường gian trá, há chẳng phải là vu vơ lắm sao? Thờ chúa ngục, đầu tiên chỉ có một đền thờ ở nhà ngục phủ Đô hộ thôi, thế mà dần dần đến nay, các ty ở đâu cũng thờ phụng như thế, mà việc kiện tụng vẫn rối bời, người ngay kẻ gian lẫn lộn, chủ ngục chưa hề giết được một kẻ gian tham xảo trá nào và cũng chưa xử được một vụ oan uổng nào.

Ôi! Sách của thượng đế và vị sứ áo đỏ, có chăng? Người đó đúng là Cự Lạng hay không phải Cự Lạng? Mộng của Thái Tông không đáng tin, người đời sau vẫn tin mà thờ cúng, thật là mê hoặc lắm đấy.” (1).

Ở đây ông nhấn mạnh đến “sự ăn ở hai lòng” của Phạm Cự Lạng đối với triều Đinh. Ngoài lập trường của nhà Nho, liệu ông có còn dựa trên những tài liệu nói lên vai trò của Phạm Cự Lạng dưới triều Đinh để viết lên những dòng đó không?

Điều mà chúng ta biết chắc chắn rằng, sự kiện lập đền thờ còn rất gần với thời đại mà Phạm Cự Lạng đã sống; những thông tin về ông hẳn phong phú, chi tiết và chính xác hơn nhiều so với những ghi chép sau này. Việc lập đền thờ, ngoài cái vỏ huyền bí của việc thần ứng mộng, là sự đánh giá cao tài năng và nhân cách mà triều Lý dành cho Phạm Cự Lạng. Việc nhà vua đích thân xây dựng ngôi đền thờ Phạm Cự Lạng ở vào vị trí xung yếu, trấn cửa Nam thành - mà ngày nay được các nhà khoa học coi như một chỉ định để tìm lại dấu vết kinh thành Thăng Long cách đây một nghìn năm - gợi nhiều điều cần lý giải.

Điểm đầu tiên cần lưu ý là việc Phạm Cự Lạng được chọn làm vị thần trông coi việc xét xử phản ánh ông là người phải rất mực thanh liêm, sáng suốt. ảnh hưởng của Phạm Cự Lạng đối với thời ông sống hẳn vô cùng to lớn, ít nhất là đến thời điểm xây dựng đền thờ. Mặt khác vị trí trấn trị phía nam thành - một vị trí trọng yếu của ngôi đền thờ ông phải chăng còn mạng dấu vết mối liên hệ mật thiết của ông với vùng đất kinh thành và phía tây nam kinh thành Thăng Long? 

Từ những ghi chép trong thư tịch cổ và dấu tích của ông ở khu vực quận Đống Đa, Hà Nội như trên, Phạm Cự Lạng nổi bật lên với vai trò của một vị công thần triều Tiền Lê và có đời sống lâu bền trong tâm tưởng của người dân Thăng Long - Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử. Cũng chính những tư liệu này gợi mở nhiều vấn đề cần giải đáp về con người ông đặc biệt là hành trạng của ông trong thời nhà Đinh. Điều này được hé mở bởi các thần tích? truyền thuyết và hệ thống các di tích thờ ở các địa phương.


_______________________
(1) Ngô Thì Sỹ: Đại Việt sử ký tiền biên, Sđd. trang 218.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #37 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2009, 11:03:39 pm »


3.Đến các nguồn tài liệu ở khu vực Nghĩa Hưng (Nam Định)

Chúng tôi nhận thấy có mật độ các di tích thờ Phạm Cự Lạng dày đặc ở khu vực phía bắc huyện Nghĩa Hưng ngày nay. Qua khảo sát thực tế, hiện còn đình/đền Hưng Nghĩa, Hưng Lộc, Hải Lạng (xã Nghĩa Thịnh); đền Nhân Hậu, Bình A xã Nghĩa Thái (1).
 
Bản thần tích Hưng Lộc thôn thần từ sự tích soạn năm 1751 được lưu giữ tại thôn Hưng Lộc, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cho biết lai lịch của vị thần như sau: Phạm Cự Lạng sinh ngày 20 tháng 11 năm 944. Cha ông tên là Phạm Mạn, mẹ là Trần Thị Hồng quê ở Khúc Giang, Nam Sách. ông nội là Phạm Chiêm, làm châu mục Vũ An thời Ngô Vương Quyền, cha làm tham chính đô hộ thời Nam Tấn vương Ngô Xương Văn. Anh ruột ông là Phạm Hạp, làm quan Đô thống thời Tiền Lê.

Ông là người có tư chất thông minh, lại chăm chỉ học tập từ nhỏ, nên võ nghệ văn chương đều thấu hiểu tường tận. Trong thời kỳ mười hai sứ quân, ông cùng anh sớm chiêu mộ nhân tài, chuẩn bị lương thực chờ ngày giúp nước. Sau đó, ông đã cùng anh đem quân phò tá Đinh Bộ Lĩnh. Ông được trọng dụng, cử giữ chức Phòng ngự sứ liên phong tướng quân, trấn giữ vùng biển Đại Ác.

Khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, ông được phong Tâm phúc tướng quân, coi việc thị vệ bảo vệ kinh thành Hoa Lư. Vào thời điểm vua Đinh Tiên Hoàng mới băng, vua còn nhỏ tuổi, giặc ngoại xâm lại đe dọa bờ cõi phía bắc, ông được Thái hậu phong làm đại tướng quân chuẩn bị chống giặc. ông đã phò tá Lê Hoàn lên ngôi vua. Lê Hoàn lên ngôi, phong ông làm Thái uý tham tán nhung vụ.

Năm 982, ông cùng nhà vua chinh phạt Chiêm Thành giành thắng lợi rực rỡ. Năm 983, ông được giao chỉ huy trấn trị vùng Đồng Cổ (Thanh Hoá), chỉ huy việc khai sông đắp đường và bị bệnh mất tại đây vào năm 984.  Có thể thấy ngay rằng thời gian và ý nguyện của nhân dân đã bao phủ lên trên cốt lõi lịch sử trong bản thần tích trên.  Trong khi sao chép từ chính sử, nhiều sự kiện trong bản thần tích đã bị chép sai lệch. Ta gặp lại chi tiết về Phạm Hạp tương tự như trong biệt điện u linh. Trật tự các sự kiện bị xáo trộn.  Việc ông được phong chức Thái uý diễn ra ngay từ năm 980.

Năm mất của ông được ghi là năm 984, trong khi các tài liệu chính sử đều ghi chép thống nhất năm 986 ông vẫn còn sống và được ban chức Thái uý (2). Thông tin về năm sinh, năm mất như vậy chỉ để tham khảo trong quá trình nghiên cứu.
 
 Mặc dù vậy, sự vắng bóng sự kiện chép tới Phạm Cự Lạng sau năm 986 có thể đặt giả thiết rằng ông đã mất cách đó không lâu. Tất nhiên để khẳng định được một cách chính xác, đòi hỏi cần phải có thêm tư liệu.

Tuy vậy, nhiều chi tiết trong bản thần tích này đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của nhà nghiên cứu. Ở đây, ta gặp lại thông tin Phạm Cự Lạng từng theo Đinh Bộ Lĩnh từ những buổi đầu dựng nghiệp trên vùng đất phía bắc Nghĩa Hưng này, được giữ một trọng trách dưới triều Đinh và sát cánh bên Lê Hoàn trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành như trong Việt điện u linh có nhắc đến. 

Mặc dù hơn 1.000 năm đã trôi qua, dấu tích của vị danh tướng từng phò tá hai đời vua Đinh - Lê còn đậm nét ở vùng đất này. Trong tất cả các đạo sắc phong của các triều đại phong kiến và trong tâm tưởng người dân nơi đây, ông là Lâm Giang thủ tướng. Để giải thích tên gọi mỹ tự này, người dân địa phương giải thích theo nhiều cách khác nhau.


_______________________
(1) Theo ông Thượng Văn Vinh, 77 tuổi và ông Bùi Văn Thuế. 75 tuổi đều là người làng Hải Lạng Thượng (Nghĩa Thịnh). khu vực này có 6 nơi thờ ông. Tuy nhiên ông chỉ nhớ được 5 nơi kể trên. Vợ chồng ông từ đền Nhân Hậu (Nghĩa Thái). Ông Vũ Đình Am, 74 tuổi và bà Nguyễn Thị Cống, 73 buổi.  người xóm Nhân Hậu cho biết, ngày trước có 7 ấp thờ ông là Hưng Nghĩa.  Hưng Lộc. Hải Lạng (Nghĩa Thịnh). Hà Dương Thượng. Nhân Hậu. Bình A (Nghĩa Thái) và Hạ Kỳ (Nghĩa Châu). Ông Phan Thanh Quang. 57 buổi người thôn Bình A (Nghĩa Thái) - ông từ đền Bình A - cũng cho biết  Ông được thờ ở 7 nơi trong khu vực là Bình Dương. Bình A. Nhân Hậu (Nghĩa Thái). Tam Toà (Nghĩa Trung). Hưng Lộc, Hưng Nghĩa. Hải Lạng (Nghĩa Thịnh). Tài liệu khảo sát thực địa ngày 13-14 tháng 4 năm 2005.
(2) Nguyên văn “dĩ Từ Mục vi tổng quán tri quân dân sự, tứ hầu tước. Phạm Cự Lạng vi Thái uý”. Xem Đại việt sử ký toàn thư tập 4. Sđd. trang 99.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #38 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2009, 11:08:50 pm »

Có người cho rằng gọi ông là Lâm Giang thủ tướng vì ông vừa trấn trị vùng cửa sông biển Đại Ác vừa cai quản vùng kinh đô thuộc miền rừng núi Hoa Lư. Có người giải thích tên gọi Lâm Giang thủ tướng là ý nói tới việc hoá thân của ông vào cây gỗ, trôi theo dòng nước từ núi Đồng Cổ đến bến Bạch Vân thuộc Hưng Nghĩa (Nghĩa Thịnh) mà sau đó các làng ở đây vớt lên thờ. Tên gọi đó còn gắn với truyền thuyết về việc ông được giao khai phá gỗ ở khu rừng Lâm Giang.

Theo cách giải thích này, khi được phong làm Thái uý, Phạm Cự Lạng hay bỏ về thái ấp tại Nghĩa Thịnh ngày nay. Ông thường vắng mặt trong các buổi thiết triều nên bị vua Lê (Lê Hoàn) giận, bắt chặt gỗ ở khu rừng Lâm Giang, nơi mà từ trước đến nay không có ai khai phá được Phạm Cự Lạng không chỉ hoàn thành được nhiệm vụ, mà còn được sơn thần biếu một cây gậy rút đường, cho phép ông có thể đi về giữa Hoa Lư và Đại ác một cách nhanh chóng. Từ đó nhân dân gọi ông là Lâm Giang thủ tướng (1). Các cách giải thích dù khác nhau nhưng đều thể hiện sự gắn bó mật thiết của vị thần này với khu vực này.

Sự hiện diện của Phạm Cự Lạng trên vùng đất này đậm nét với các di tích thờ còn lưu giữ được nhiều câu đối nhắc lại thân thế, ca ngợi công lao của ông đối với triều Lê, đối với lịch sử dân tộc. Hiện nay, tại đình thờ Phạm Cự Lạng thôn Hưng Lộc còn tượng Phạm Cự Lạng bằng đồng rất lớn. Ở toà chính cung còn biển gỗ ghi “Lâm Giang thủ tướng”(vị tướng trấn giữ nơi sông rừng) ghi dấu sự nghiệp gắn liền với vùng cửa sông nước của ông. Thần vị tại đình cũng ghi nhận công lao to lớn của ông (Lê triều công thần hồng huân vĩ tích Phạm đại vương thần vị). Cùng ý nghĩa ca ngợi công lao của danh tướng họ Phạm là đôi câu đối:

Khuông Lê vĩ tích tồn sơn hải,
Bình Tống, anh thanh quán cổ kim
(2)

(Công lớn phò giúp nhà Tiền Lê, còn tồn tại với nước non, Tiếng vang oai hùng đánh giặc Tống, còn vọng mài từ xưa đến nay)

Dấu vết của một quân doanh ở khu vực Nghĩa Thịnh vẫn còn được lưu truyền trong nhân dân. Các cánh đồng Táo Đông, Táo Tây là nơi đặt bếp nấu ăn từ xa xưa. Khu Vườn Hoang là nơi xưa kia nhân dân ít dám lui tới. Theo vệt sông chảy, người ta tìm thấy một số di vật của thuyền lớn bị đắm từ lâu đời cùng với nhiều mảnh sành cổ (3).

Tại đền thờ ông ở Bình A (Nghĩa Thái) có vế đối:

Tiền Lê khai quốc nguyên huân công cao vạn cổ
(Công đầu mở nước Tiền Lê vời vợi muôn đời)

Nhắc tới sự kiện lập đền thờ ông tại kinh thành Thăng Long thời Lý, đền Nhân Hậu có vế đối:

Thông thụy hồng y trưng đế mệnh

(sứ giả áo đỏ mang mệnh đế đỉnh xuống cho vua Thông Thụy)

Cũng tại đình Nhân Hậu, có vế đối nhắc tới việc lập đền thờ:

Tiền Lê khai quốc nguyên huân tướng
Hậu Lý gia phong thượng đẳng thần

 
(Nhà Tiền Lê mở nước là vị tướng có công đầu, Nhà Lý được gia phong thượng đẳng thần)

Đình Hưng Lộc, hiện nay được coi là nơi thờ chính vốn được lập từ rất sớm. Nghệ thuật điêu khắc ở đình mang đặc trưng của thế kỷ 17- 18 , nhưng theo như câu đối còn giữ lại được đình có từ giữa thế kỷ XV đến nay:

Thái ấp khói phong, Lý Thiên Thành nhi thuỷ
Linh từ phát tích, Lê Đại Bảo dĩ lai

 
(Đất ruộng tế lễ được ban cấp, mở đầu từ niên hiệu Thiên Thành thời Lý Đền thiêng nên dấu tích, kể từ niên hiệu Đại Bảo thời Lê đến nay )

____________________
(1) Tài liệu do vợ chồng ông Vũ Đình Am, 74 tuổi và bà Nguyễn Thị Cống. 73 tuổi. người xóm Nhân Hậu cung cấp (ngày 13-14.4.2005).
(2) Câu đối này được bắt gặp ở hầu hết các di tích thờ ông tại khu vực này.
(3) Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Nam Định: Hồ sơ di tích đền chìa Hải Lạng (Hải Lạng, Nghĩa Thịnh. Nghĩa Hưng. Nam Định), Nam Định 2002. Tài liệu lưu tại Phòng Văn hoá Nghĩa Hưng, Nam Định.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #39 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2009, 12:03:33 am »

Theo các cụ già người địa phương, nơi thờ chính, sớm nhất trước kia là đình Hưng Nghĩa (Nghĩa Thịnh). Đình nằm cách đình Hưng Lộc chừng 500m, khá nhỏ. Ngoài bức đại tự có đề Hiển thần uy, một số câu đối nhắc tới cuộc đời hoạt động của ông, tại đền còn giữ được 15 đạo sắc phong cho Lâm Giang thủ tướng Phạm Cự Lạng, đạo sớm nhất vào năm 1670 (1). 

Điều đáng quý hơn là việc Phạm Cự Lạng về vùng đất này, giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn sứ quân, thống nhất đất nước; cũng như việc ông hết lòng giúp triều Đinh xây dựng đất nước cũng được phản ánh khá rõ nét. Vào các ngày kỷ niệm vị thần này, nhân dân địa phương thường đọc bài văn tế có nội dung sau:

Kính trông:

Đại vương là thánh là thần, rất thiêng rất đẹp. Giỏi giang văn võ gồm hai, giúp rập Đinh, Lê hai chúa. Ngôi Thái uý oanh liệt triều xưa ở nơi quân ngũ. Việc Nam đài mệnh vang thượng đế tiếng để muôn năm.

Hiển thánh ở núi Đồng [Cổ] hổ báo đều khiếp vía. Giáng thần từ cây ngọc tăm kình vắng bóng chốn nhân gian.  Muôn năm đền miếu toả hương thưm, các bậc đế vương ban sắc tặng.

Thần hiển ứng mưu lược khôn lường, giúp dân nước yên vui mãi mãi.

Vì bốn dân dày lộc tiền gạo thành kho.
Giúp một cõi rất yên của người thịnh đạt.
Nép mình trông đợi, thượng hưởng
.” (2)


Không thấy trong tâm thức dân gian có việc lên án ông tôn phò Lê Hoàn lên ngôi vua, ngược lại luôn thấy sự ca ngợi công lao của ông đối với cả hai triều đại, đặc biệt là với dân trong vùng dưới thời nhà Đinh.

Tại đền Hải Lạng (Nghĩa Thịnh), còn có đôi câu đối, vừa nhắc lại tích lập đền thờ ông, vừa ca ngợi công đức của ông đối với dân sáu thôn nơi đây dưới hai triều Đinh - Lê:

Nhân dạ phong lôi lập mộc hiển thần(3) thiên cổ hách
Lưỡng triều bảo quốc an ninh xã tắc lục thôn đồng

 (Qua một đêm mưa gió, cây dựng đứng, vị thần vẻ vang nghìn năm hiển hách.
Trải hai triều giữ nước, dân no ấm, non sông yên ổn, sáu thôn chung lòng
).

Bản Ngọc phả Đương Chu đại vương (Hướng Nghĩa, Minh Thuận, Vụ Bản) cũng phản ánh bóng dáng của anh em Phạm Cự Lạng ở đây, khi cho biết Phạm Hạp, Đỗ Thích được Đinh Bộ Lĩnh phái đi đánh Nguyễn Gia Loan ở Vĩnh Mộ.  Về mặt địa lý, các tài liệu cho biết khu vực này nằm trên đường bờ biển thế kỷ X. Vùng đất này chính là cửa biển Đại Ác thời nhà Đinh - Tiền Lê, sau được vua nhà Lý đổi thành Đại An.  Dấu tích biển còn đậm nét ở vùng đất này. Câu đối ở đền thờ thôn Hải Lạng có ghi lại việc khai khẩn lập làng từ đời Tiền Lê:

Quy trúc bốc trạch Tiền Lê đại
Thương các chiêm ân hậu Nguyễn triều


________________________________
(1) Bảo tàng Nam Hà: Tư liệu khảo sát đình Hưng Lộc, xã Nghĩa Thịnn, huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Hà (nay là Nam Định). 1993. Lưu tại phòng Văn hoá Nghĩa Hưng. Nam Định.
(2) Bảo tàng Nam Hà: Tư liệu khảo sát đình Hưng Lộc, xã Nghĩa Tnịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Hà. Tài liệu đã dẫn.  
(3) Theo Hưng Lộc hưng thần từ sự tích và các truyền thuyết địa phương, Phạm Cự Lạng mất năm 984 tại Đồng Cổ (Thanh Hoá). Vào niên hiệu Đại Bảo (triều Lê), ở vùng Đồng Cổ mưa to nước lớn. Khi ấy tại khu bến Bạch Vân có ông già cất vó bị một cây gỗ lớn chắn lối; ông kéo cây gỗ ra xa, song cây gô lại trôi về chỗ cũ. Qua một đêm mưa to gió lớn, người trong làng đều trông thấy cây gỗ dựng đứng lên. Hiện tượng ấy ứng với việc Phạm Cự Lạng về báo mộng cho dân. Nhân dân các xã ra rước về. lập đền thờ. Nhân dân làng Hưng Nghĩa, gần khu bến Bạch lấy miệng giả làm tiếng trống, tiếng kèn mà kéo được cây gỗ, sau dùng làm tượng Lâm Giang thủ tướng. Các làng khác chỉ xin được cái bạnh gỗ nên chỉ làm được một phần của ngai. Vì vậy mà các làng Hưng Lộc. Hải Lạng, Nhân Hậu. Bình A... đều coi đền thờ Hưng Nghĩa là đền thờ chính, là xã đàn anh.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM