Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:26:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn  (Đọc 99594 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #20 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2009, 08:45:26 pm »


3. Vị trí quân sự của Liêm Cần

Tại địa phương còn lưu giữ nhiều truyền thuyết về buổi đầu tập hợp lực lượng của Lê Hoàn và Nguyễn Minh.  Buổi đầu, khi lực lượng còn mỏng, Lê Hoàn và Nguyễn Minh mở lớp học chữ trên nền nhà cũ của Lê Lộc ở núi Lăng.  Cạnh đó có một khu đất rộng khoảng hai mẫu, bằng phẳng. Đó là nơi luyện tập võ nghệ của ngha quân được gọi là Dàn Thề.  Dường vào và ra Dàn Thề chỉ có duy nhất một lối đi. Đó là con đường chạy men theo chân núi Bảo Cái để đi vào, đảm bảo sự bí mật cho một lực lượng nghĩa quân còn yếu.

Khi lực lượng đã khá trưởng thành, cần có một căn cứ vững chắc, Lê Hoàn và Nguyễn Minh lựa chọn trại Nhuế làm nơi đóng quân.

Thôn Nhuế hiện nay là một trong chín thôn của xã Liêm Cần và nằm khá biệt lập so với các thôn khác, bốn bề là cánh đồng lúa. Hiện nay chỉ có một con đường vào nối thôn Nhuế với các thôn khác trong xã. Từ xa nhìn vào, thôn Nhuế giống thư một ốc đảo giữa biển. Thôn Nhuế có diện tích khoảng 12 mẫu với 46 hộ gia đình. Ở đây, khi nhân dân địa phương làm nhà đã tìm thấy nhiều mảnh gốm vỡ. Tại đây còn lưu giữ khá nhiều dấu ấn của nghĩa quân Lê Hoàn - Nguyễn Minh trong buổi đầu dựng nghiệp.

Truyền thuyết dân gian kể lại rằng vợ Nguyễn Minh là bà Nhữ Đê. Tương truyền, khi Nguyễn Minh đi tìm bạn đồng chí có đi qua Tốt Khê (nay là xã Thanh Hải, Thanh Liêm) thì gặp bà Nhữ Đê đang cắt cỏ và hát rằng:

Tay cầm bán nguyệt thênh thang
Trăm cây ngàn cỏ lại hàng tay ta

Cảm phục người con gái giỏi đối đáp, ông Nguyễn Minh liền kết bạn trăm năm (1). Bà Nhữ Đê là con gái của ông Nhữ Khâm - một hào phú người Thanh Khê (nay là Thanh Hải, Thanh Liêm, Hà Nam). Trong buổi đầu còn thiếu thốn, ông Nhữ Khâm đã cung cấp lương thực, tiền bạc cho nghĩa quân hoạt động. Nghĩa quân xây dựng căn cứ tại trại Nhuế, lương thực một phần được ông Nhữ Khâm cung cấp, một phần do nghĩa quân tự túc lấy.

Lương thực và vũ khí của nghĩa quân được cất giấu tại xứ Lẫm Đông (cất quân lương) và Lẫm Đoài (cất vũ khí) (2) (nay thuộc thôn Vực). Trại Nhuế có bốn cổng với đường vào, đường ra khá kín đáo. Đường vào (hay còn gọi là cửa Đông) nay là xứ đồng Đông hiện là một đường bờ mương nhỏ.

Đường ra còn có tên gọi là cửa Nam (nay là xứ Nam Biên) nối trại Nhuế với khu vực Thanh Khê, An Hoà. . . Người dân trại Nhuế gọi đường ra là đường ra công (đường ra quân vì công có nghĩa là quân). Cửa Bắc ngày nay có tên là xứ đồng Bắc, cửa Tây nay là xứ Tây Hạ Đoài.  Tuy có bốn cửa nhưng trong thực tế chỉ có một đường vào và một đường ra là đường cửa Đông (đường vào) và đường xứ Nam Biên (đường ra).


(1) Về mô típ trên. tại làng Đông Sàng, Đường Lâm. thuộc Sơn Tây, nay là Hà Tây. truyền thuyết bà Ngô Thị Ngọc Diệu. vợ chúa Trịnh cũng được nhân dận kể giống như mô típ bà Như Đê. Tại thôn Hậu xã Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội, truyền thuyết về bà phi họ Đỗ vợ Ngô Quyền cũng giống như vậy.  
(2) Do ông Nguyễn Văn Biểu, 70 tuổi thôn Cõi cung cấp. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #21 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2009, 08:49:57 pm »


Bên trong trại Nhuế, nghĩa quân xây dựng một lực kỵ binh mạnh. Tại đây có các địa danh như hồ Quần Ngựa (1), ao Tắm Ngựa (2), xứ Mã Thực và xứ Mã Trực. Người dân trong thôn kể lại rằng ngựa sau khi được tập luyện (quần ngựa) thì được đưa về ao Tắm Ngựa để tắm rửa cho sạch sẽ, sau đó đưa ra xứ Mã Thực để ngựa ăn cỏ, cuối cùng đưa về trại để trực, sẵn sàng chiến đấu (xứ Mã Trực).
 
Bên cạnh lực lượng kỵ binh, Lê Hoàn và Nguyễn Minh còn xây dựng một lực lượng thuỷ quân khá mạnh. Chỗ tập luyện thuỷ quân ở bến Sạch thuộc đoạn sông Hương Kiều chảy qua làng Đò . . . Theo đoạn sông Hương Kiều có thể ngược vào Trường Yên, động Hoa Lư.

Những dấu ấn hoạt động của nghĩa quân Lê Hoàn - Nguyễn Minh tại đây đã đi vào trong đời sống nhân dân. Tại đây lưu truyền nhiều câu ca như:

Nửa đêm nghe trống động trời
Ấy làng trại Nhuế đồ xôi nấu chè.

Nhân dân giải thích đó là người dân chuẩn bị lương thực cho quân đi đánh trận. Hay có câu ca như “Quân trại Nhuế, đế làng Đò” được nhân dân giải thích là khi hàn vi thì Lê Hoàn ở trại Nhuế, đến khi ông lên làm vua thì thuyền vua đầu tiên dừng lại khi về thăm quê là ở làng Đò. Dấu ấn của hai địa danh trên phản ánh hoạt động quân sự của Lê Hoàn trên vùng đất Liêm Cần ngày nay.

Thanh thế của nghĩa quân khá mạnh, nhiều lần bị các lực lượng quân sự khác tấn công. Truyền thuyết dân gian còn ghi lại nhiều câu chuyện về việc Lê Hoàn đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ làng xóm, lực lượng.

Chuyện kể rằng, có một lần Lê Hoàn đi ra ngoài doanh trại thì bị phục kích. Những người đi cùng ông đã chiến đấu hết sức anh dũng nhưng người ít, thế cô trong khi quân địch lại đông gấp bội. Trong lúc nguy cấp bỗng có ba con hổ từ trong rừng đi ra giải vây cho Lê Hoàn. Tuy quân địch rút lui nhưng một con hổ bị thương và đã chết. Lê Hoàn sai an táng con hổ, chỗ chôn hổ sau được gọi là mả ông Kềnh. Khu vực Lê Hoàn bị phục kích dự đoán là gần rừng vì làng Vực, làng Ngũ, thôn Cõi có câu ca:

Đi qua cửa Kềnh mà lên (sang) đồng rừng.

Hay có một lần khác, trại Nhuế bị tấn công, lực lượng bị thương vong rất nhiều. Trước tình hình đó Lê Hoàn cho quân rút khi trại Nhuế. Nơi binh sĩ chết trận được gọi là Mả Rút.  Có nhiều cách giải thích khác nhau của người dân địa phương về địa danh này. Có người cho rằng gọi là Mả Rút vì những nghĩa quân bị chết và chôn trong lúc rút lui nên gọi là Mả Rút.  Cũng có cách giải thích khác là khi bị chết, người ta chôn kèm theo một sợi dây để sau này tìm cho tiện. . .

Cùng tồn tại song song với lực lượng nghĩa quân của Lê Hoàn, ở Động Xá cũng tồn tại một lực lượng nghĩa quân khác của anh em Nguyễn Điền, Nguyễn Bang. Người dân địa phương có câu ca:

Thanh Liêm Động Xá, Bái Đoài
Ứng sinh thanh thế tướng tài nổi lên.

nhằm nói đến hai lực lượng quân sự tại Thanh Liêm, một của Lê Hoàn - Nguyễn Minh ở trại Nhuế, một của Đinh Điền - Đinh Bang ở Động Xá.  Về hai nhân vật Đinh Điền, Đinh Bang, ngọc phả ba vị thần Động Xá cho biết có một gia đình họ Nguyễn sinh đôi được hai người con tên là Nguyễn Điền và Nguyễn Bang. Hai anh em họ Nguyễn cũng chiêu tập trai tráng trong vùng tổ chức thành một lực lượng quân sự riêng, đại bản doanh của Nguyễn Điền - Nguyễn Bang đặt ở thôn Tam.

Tại đây vẫn còn một số địa danh như đường cổng Chói (chốt Cõi), dọc Ó, bờ Luỹ, thềm Điếm... tương truyền là nơi đóng quân, luyện tập võ nghệ của lực lượng quân sự Động Xá. Khi lực lượng đã lớn mạnh, hai anh em họ Nguyễn theo lời chiêu dụ của Nguyễn Bặc đã đem quân bản bộ theo về với Đinh Bộ Lĩnh ở động Hoa Lư.

Do đánh giặc có công nên hai anh em Nguyễn Điền, Nguyễn Bang được mang họ vua, từ đó có tên là Đinh Điền và Đinh Bang. Đinh Điền được phong là Đại tư đồ Bình chương sự, Đinh Bang được phong là Thống lĩnh tướng quân. Về chức quan của Đinh Điền, Đại Việt sử ký toàn thư cho biết ông làm chức Ngoại giáp.


(1) Hiện nay ở trước nhà ông Nguyễn Văn Ngoan vẫn còn địa danh hò Quần Ngựa nhưng diện tích hồ còn rất nhỏ.
(2) ở trước cửa nhà bà Cư.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #22 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2009, 08:52:45 pm »


Nghe tin Đinh công đại khởi nghĩa binh ở Hoa Lư, Lê Hoàn cũng đem quân bản bộ theo về. Từ đó vua tôi dộng lòng đánh dẹp mười hai sứ quân. Khởi nghĩa thành công, Lê Hoàn được phong Thập đạo tướng quân, Nguyễn Minh là Thập đạo phó tướng quân, cùng với Lê Hoàn chăm lo về binh lực, quân sự. . .

Năm 979, trong triều đình nhà Đinh xảy ra loạn Đỗ Thích. Đỗ Thích làm chức Chi hậu nội nhân, một tối nằm mơ thấy nuốt sao vào bụng nên ngầm có ý mưu phản. Nhân sự bất cẩn của Đinh Bộ Lĩnh, Đỗ Thích giết hai cha con họ Đinh. Bọn Định quốc công Nguyễn Bặc bắt được Đỗ Thích đem giết, rồi quần thần cùng nhau đón Vệ vương Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi vua.

Đinh Toàn còn nhỏ nối ngôi, Lê Hoàn bèn “quyền nhiếp chính sự trong nước, xưng là Phó vương. Nguyễn Bặc, Đinh Điền thấy vua [chỉ Lê Hoàn] sẽ bất lợi cho ấu chúa bèn cùng khởi binh đánh” (1). Nhưng Lê Hoàn đã kịp thời chỉnh đốn quân lữ, đánh nhau với Điền, Bắc ở Tây Đô. Đinh Điền, Nguyễn Bác thua chạy nhưng lại đem thuỷ quân ra đánh tiếp.  Lê Hoàn nhân theo chiều gió phóng hoả đất thuyền của Đinh Điền và Nguyễn Bắc. Trong trận này Lê Hoàn bắt được Nguyễn Bắc, chém chết Đinh Điền tại trận (2). . .

 Tuy nhiên, thần phả ba vị thần ở Động Xá cho rằng sau khi Lê Hoàn tự xưng là Phó vương đã không được sự đồng tình của Đinh Điền, Phạm Thạp, Nguyễn Bặc . . . nên Đinh Điền và Đinh Bang đã bỏ triều đình, đi về vùng Hải Dương và đi tu ở chùa Tuấn Kiệt.  Nhà Tống thấy Đại Cồ Việt vua nhỏ nối ngôi nên có ý định chiếm nước ta. Trước tình hình đó, Lê Hoàn được sự ủng hộ của tướng lĩnh và quân sĩ bèn lên ngôi vua, chuẩn bị lực lượng kháng Tống.

Chính sử Việt Nam chép về sự kiện này đều thống nhất với nhau. Đại Việt sử ký toàn thư chép:

“Khi [triều đình] đang bàn kế hoạch xuất quân, Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ, nói với mọi người rằng: “Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo làm thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn?”. Quân sĩ đều hô “vạn tuế”.
Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi hoàng đế" (3).

Tuy nhiên trong nhiều nguồn tài liệu khác nhau như ngọc phả hay Đại Việt sử ký tiền biên đều chép khác, cụ thể là như sau:

“Hoàn một mình nắm giữ quân đội được ra vào nơi cung cấm. Thái hậu thấy liền yêu mến rồi tư tình với Lê Hoàn, cho ở ngôi nhiếp chính làm công việc như Chu công” (4). Ngọc phả ba vị hoàng đế thời Tiền Lê cũng cho biết Lê Hoàn tự xưng là Phó vương, thường hay tự ý ra vào cung cấm, liền tư thông với Dương Thái hậu.

Những sự kiện trên dù chính sử hay dân gian có chép hoặc lưu truyền có khác nhau nhưng nó đã phản ánh mối quan hệ mật thiết của Lê Hoàn với Dương Thái hậu. Việc Lê Hoàn lên ngôi là thuận lòng người, phù hợp với hoàn cảnh đất nước ta trước nguy cơ bị xâm lược cần một người đủ tài năng, đức độ chèo chống. Sự kiện Thái hậu Dương Vân Nga đem áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, khuyên ông lên ngôi là một quyết định sáng suốt, đã đặt quyền lợi quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích gia đình. Hy sinh quyền lợi của con để đất nước được độc lập tránh được nạn ngoại xâm.

Với quyết định sáng suất tại một thời điểm đầy biến động của đất nước, một đội ngũ quan lại, cố vấn, tướng lĩnh (tiêu biểu là Dương Thái hậu, Phạm Cự Lạng, Hồng Hiến. . . ), được sự ủng hộ của quân sĩ. . . , Lê Hoàn đã lên ngôi tôn, cùng với bộ chỉ huy trên dưới đồng lòng đã làm nên chiến thắng vang dội năm 981.

Đền Lăng hiện nay thờ tất cả các vị anh hùng trong thế kỷ X của Liêm Cần. Bàn thờ bên ngoài thờ Nguyễn Minh, bà Nhữ Hoàng Đê và Thiên Càng. Bài vị trong cung gồm bài vị của Đinh Tiên Hoàng (Tế dương khai cơ sáng nghiệp nhân thánh anh vũ cao minh Đinh Tiên Hoàng thượng thánh đức quang minh thông hoàng đế thần vị), bài vị của Lê Hoàn (Khâm văn thống vũ nhân đức anh triết tri nhuệ Lê Đại Hành hoàng đê), bài vị của Lê Trung Tông (Trung Tông hoàng hiển ứng tá thánh hậu đức uy linh hoàng đế thần vị), và bài vị của Lê Ngoạ Triều (Ngoạ Triều hoàng quang công hựu thánh uy linh hoàng đế thần vị).

(1) Đại Việt sử lược. Sđd, tr.54.
(2) Đại Việt sử lược. Sđd, tr.2 15.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd. T.1 , tr.217.
(4) Đại Việt sử ký tiền biên. Nxb Khoa học xã hội: N.1997, tr.159. 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #23 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2009, 09:06:52 pm »


Khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua có ra lệnh cho dân Bảo Thái thờ ba vị vua Tiền Lê là Lê Hoàn, Lê Trung Tông và Lê Ngoạ Triều, phong làm thượng đẳng thần, bốn mùa cúng tế (1).

Ngọc phả ghi rõ lệnh kiêng huý, cấm nói tên Hoàn, Việt, Đĩnh. Việc thờ cúng trước đây được quy định rõ ràng “phàm các tiết lễ xuân thu ngày sinh hoặc ngày kỵ đã có quốc tế Vua Đại Hành sinh ngày 10 tháng Giêng, hoá ngày 6 tháng 10. Trung Tông sinh ngày 8 tháng 3, hoá ngày 15 tháng 3 , Ngoạ Triều sinh ngày 15 tháng 2, hoá ngày 21 tháng 10 Các ngày sinh trên đặt lễ chay, dưới đặt lễ tam sinh xôi rượu và ca hát ba ngày, các ngày hoá lễ như ngày sinh nhưng không có ca hát” (2). phong tục này được kéo dài đến trước Cách mạng tháng Tám.

Cuộc đời binh nghiệp của Lê Đại Hành được lịch sử ghi nhận. Đôi câu đối ghi trên cổng đền Lăng cho thấy sự nghiệp quân sự của Lê Hoàn trong thế kỷ X:

Thái bình vạn thắng Cồ Việt quốc
Thiên Thuận Tiền Lê khởi Nam bang
Phạt Tống bình Chiêm quang Việt sử
Quy lai thập nhị sứ anh hùng.


Liêm Cần nay - Bảo Thái xưa là nơi đã ghi lại dấu ấn thời kỳ hoạt động quân sự buổi đầu của Lê Hoàn. Đây chính là một cơ sở quan trọng trong cuộc đời binh nghiệp của ông.  Những thông tin trong sử cũ cùng với nguồn tư liệu điền dã cho thấy Liêm Cần có một vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp của Lê Hoàn. Đó không chỉ là đất khởi nghiệp mà còn là quê hương của ông. Tại đây còn lưu giữ những dấu ấn văn hoá vật thể (Mả Dấu - mộ ông nội Lê Hoàn, đền Lăng - thờ ba vị vua triều Tiền Lê, những địa danh...) và phi vật thể (truyền thuyết, ngọc phả...) về Lê Hoàn. Và Đại Việt sử lược, bộ sử gần nhất với thế kỷ X đã ghi một thông tin đáng chú ý:

Lê Hoàn người Trường Châu. Trường Châu không chỉ gồm Ninh Bình ngày nay mà còn bao gồm cả một phần hoặc cả tỉnh Hà Nam bây giờ.

BIÊN NIÊN SỰ KIỆN QUÂN SỰ
CỦA LÊ HOÀN QUA GHI CHÉP CỦA CÁC TÀI LIỆU CHÍNH SỬ



(1)  Nhân dân địa phương còn cho biết mối quan hệ giữa Lê Hoàn và Lý Công Uẩn như sau: Lê Hoàn cùng với Dương Thái hậu có chung một người con gái là  Thị Phất Ngân. Lê Thị phất Ngân được gả cho Lý Công Uẩn.  Tuy nhiên điều này vẫn cần được xác minh thêm. (Tư liệu do ông Hà Văn Langcung cấp)
(2) Ngọc phả ba vị hoàng đế thời Tiền Lê.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #24 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2009, 09:41:33 pm »


HÀ NAM QUÊ TÔI
GS. Trần Quốc vượng
Khoa Lịch sử. Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội- Đại học Quốc gia.

Hà Nam không phải là nơi “chôn rau cắt rốn” của tôi - tôi sinh ra trên đất đầu núi Kinh Môn một tối mùa Đông buốt giá và rơi vào định mệnh “ngọn lửa đầu non”.

Hà Nam cũng không phải là nơi tôi “trở thành chính mình”, thành Trần Quốc Vượng. Quyền năng trên cao và dưới trần đã quy giản cái không gian văn hoá của tôi là vùng trời - đất Đại học Quốc gia Hà Nội, học ở đấy, rồi dạy ở đấy, đến nay đã gần 50 năm tròn.

Tô Hoài bảo: mỗi nhà văn, nhà nghiên cứu dều có một vùng đất làm ăn, lấy tư liệu, đi đi lại lại, để từ cái riêng suy ngẫm ra một cái gì chung của Đất nước. Với các bạn tôi, Từ Chi chẳng hạn, đó là xứ Mường, Đoàn Giỏi, Sơn Nam là “đất rừng phương Nam - U Minh thượng, hạ”...

Tôi là kẻ phiêu lãng, lãng du Bắc - Trung - Nam, viết tiểu ký, tạp lục nhăng nhít, và nói như Vương Hồng Sến, “hơn nửa đời hư”, song nghiệm ra vẫn còn chút gì luyến lưu, đọng lại ở Cổ Loa thời tam thập, ở Hội An thời “tri thiên mệnh” và đặc biệt ở Hà Nội, cái cối xay của con gà què quanh quẩn... 

Hà Nam là một góc rất khác trong tâm thức tôi. Đấy là một phức Quê Cha - Đất Mẹ để hồi niệm, nhung nhớ “những ngày thơ ấu’, “những ngày kháng chiến 9 năm” tản cư đánh giặc và, khi mái tóc đã nhuốm màu sương khói mùa thu, khi Văn Cao “ngước mắt về phương Thăng Long thành cao đứng, khi chiều chiều, Dân gian quê tôi” “ra đứng cổng chùa” “trông lên Hà Nội” thì tôi, theo quy trình “đường trở về”, từ mảnh đất núi Nùng, sông Tô thi thoảng vời trông về Quê Mẹ Quê Cha mà không sao ngăn nổi “ruột đau chín chiều’? Biết làm sao được, với những va đập tâm linh, ảnh xạ và nội tâm hoá những va đập của cuộc đời, phần nhiều là vô thức.

Tôi viết mấy dòng này trong thâm tâm là để trả nghĩa Quê Hương. Có ai đã nói rằng: Bất hạnh thay cho những ai không có quê hương để mà yêu mà quý, để mà tưởng hồi và nhung nhớ? Đã hàng mấy chục năm, tôi tiếng rằng đã “tắt lửa lòng”, không sao tìm lại được, ngoài nhạc ngoài thơ, con “đường về làng tôi xa xôi lắm, cách con sông và mấy lá đò”, với “bóng cau bên thềm”, với “ vàng bướm bên áo”, với “qua lá cành, ánh trăng lên dịu dàng”, với cây gạo, cây đa bến cũ...

May thay, tôi, dù muộn đã hoá giải lòng mình, hoá giải nhiều khúc mắc, để tìm lại một thiên đường tưởng dường như đã mất dưới trần gian và còn kịp trở về với sông Châu - núi Đọi trước khi xa mãi, không phải để “ôn nghèo nhớ khổ” để “vùng lên” mà là để “ôn cố nhi tri tân” mà lắng dịu tâm hồn...

01 . Ông tôi, một nhà Nho cuối mùa, ham vui hơn là hám danh, khi về hưu, về già đã trồng nhãn Hưng Yên suốt dọc con đường từ làng Lê lên chùa Đọi rồi thỉnh thoảng chống gậy “thanh nhàn lên đỉnh núi cao, đá mừng mạc khách, động chàm chủ nhân, lâng lâng chẳng chút bụi trần, bâng khuâng núi Thiểm non Thần chi đây, am Tiên, cảnh Bụt xinh thay, đường mây thăm thẳm, thang mây bước vào”. ông bước vào, bạn rượu bạn trà cùng sơ cụ giữa giường mây để hoà điệu cùng tâm thức Việt Nam “Nho-phật-lão hòa đồng”, để hồi tưởng những sự kiện lịch sử xảy ra quanh núi, trên núi, vua Tiền Lê cày ruộng tịch điền, vua Hậu Lý dựng tháp, dựng bia mở hội chùa nô nức gần xa. . .

Ruộng Lê hoa cỏ ngạt ngào
Rêu in tháp Lý bia cao chưa mòn

Cụ Tam Nguyên Yên Đổ bậc đàn anh đồng quận với ông tôi còn để lại hai bài thư nôm Chơi núi Long Đọi, Nhớ cảnh chùa Đọi cùng hai bài thư chữ Hán Vọng Đọi Sơn, ức Long Đọi Sơn . . .

Đội Điệp là danh sơn: Điệp là núi Trâu Vàng kim Ngưu), Đọi là cả một đội Rồng (Long Đội). Với con người, có mặt quanh núi Đọi từ thời Đông Sơn, mộ quan tài hình thuyền trên dưới hai nghìn năm trước. Núi đã được thiêng hoá rồi với Tiền Lê - Lý - Hậu Lê, núi Đọi đã trở thành “Nam thiên đệ tam động “ (xem đại Nam nhất thống) cho ông tôi ứng xử với núi Đọi, vừa kính trọng, vừa thân mật. Ông giúp nhà chùa trồng cây quanh vườn chùa, quanh sườn núi. ông cho xây sẵn một sinh phần, khi mất con cháu chôn cất ông, đầu hướng về đỉnh núi, chân khua nhẹ nước sông Châu. Ông lấy tên hiệu là Châu Thần (Kẻ bầy tôi ở sông Châu).

Chống gậy đứng đầu non, ông trò chuyện cùng non - nước:

…Núi này kể mấy muôn Xuân?
Hoàng vương đế bá mấy lần lại qua?...

Sử đáp chắc chắn: Lại qua nơi này, có vua Lê Đại Hành quê Ninh Thái - Thanh Liêm, có vua Lý Nhân Tông sùng Phật, có vua Lê Thánh Tông sùng Nho, có cả mấy bá tước nhà Mạc vì dân vì nước mà dựng lại bia cổ, sửa lại chùa khiến cho sau đời Lý năm trăm năm một nơi thắng cảnh trong chốn tùng lâm lại được mới mẻ” (xem Văn bia chùa Đọi, mặt sau bia Lý).  Ông tôi hỏi núi:

Hỏi: Sao núi vẫn chưa già?
Núi cười: cuộc thế vui mà mảng chơi!
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #25 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2009, 09:42:39 pm »


Tôi rất thích cái thi tứ núi cười (chân Núi Đọi có 9 hàm rồng mở miệng). Núi Đọi cười, vì núi cũng như người, như ông cháu tôi, ham vui, mảng chơi cùng trần thế?

Dù ham vui, cũng có lúc tôi tỉnh, tìm sách đọc, hỏi bạn địa chất Trần Đình Nhân về Tuổi Núi. Anh trả lời: Vào nguyên đại Trung sinh, cuối kỷ Trias, cách ngày nay khoảng 200 triệu năm !

Núi hai trăm triệu tuổi vẫn là núi non!

Có tạo sơnở hai rìa sông Nhị mà giới địa học gọi là “đứt gẫy sông Hồng”, mà cũng có sụt lún ở phần giữa bán bình nguyên Trung sinh mà phần còn lại chính là những núi đồi sa phiến thạch hay đá hỗn hợp, như Đọi, Điệp, Kẻ Non và dải đồi núi đất Thanh Liêm, cho tới tận những núi An Lão, Chương Sơn mạn Bình Lục, ý Yên, Vụ Bản. . .
02. Giới địa - văn hoá học ngày nay - mà tôi là một thành viên chầu rìa bên lề mép - xếp Hà Nam quê tôi, quê hương cụ Tam nguyên Yên Đổ, cụ nghè Châu Cầu Bùi Dị, cụ Kép Trà, cụ Cử Kiến, cụ cử Văn Ấp, cụ tú Trần. . . vào Ô trũng tứ giác nước: sông Hồng (Đông) - sông Đáy (Tây), sông Châu (Bắc) - sông Vị Hoàng (Nam). . .

Đấy là một vùng châu thổ tích tụ trũng phù sa mới xen đồi sót, một cái trũng vừa tự nhiên vừa nhân vi, bao quanh bởi đê sông Châu, sông Hồng, sông Đáy, sông Nam Định. . . Đấy là vùng sinh thái đồng chiêm trũng điển hình ngày trước nơi con người đất Việt trời Nam, Sơn Nam “sống ngâm da, chết ngâm xương” xưa kia (ô 29 trong bản đồ cảnh quan châu thổ sông Hồng tỉ lệ 1:100.000), nơi có những đàn bà hay lam, hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng” theo chữ của cụ Hoàng và Nguyễn Khuyến, vùng cụ Kép Trà gọi là đồng cò trắng . . .

03. Ông tôi ở cuối mùa quân chủ - Nho thích hỏi Núi; tôi ở đầu mùa dân chủ - mác xít thích hỏi Người. Hỏi người và học - hỏi - hiểu - hành qua khảo cổ các sản phẩm văn hoá của con người.

03.1 . Con người và những sản phẩm văn hoá của nó thì đầu tiên đã tìm thấy dọc dài những hang động của hai bên dải núi đá vôi 99 ngọn chạy dài từ Tản Viên - Viên Nam trở xuống Gia Viễn, Ninh Bình, sườn Tây (Hoà bình) đậm đặc hơn, sườn Đông (Hà Tây - Hà Nam) rải rác hơn, song đều là một nền văn hóa thung lũng Hoà Bình - Bắc Sơn, tuổi vạn năm đầu thời cách mạng Đá Mới của những dân cư Đen - Vàng tiền Việt Mường. Nếu được phép, tôi sẽ khuyến nghị lãnh đạo Hà Nam ký hợp đồng mời các nhà khoa học về vài năm, xuôi thuyền dọc sông Đáy, thăm thú các hang động dọc dài Kim Bảng - Ba Sao - Bồng Lạng - Chi Nê cùng các thung mơ, vườn cà phê tại các đồn điền Le Breton, Borel, Đỗ Đình Thiện cũ . . . Tôi đoán chắc với 3 mùa điền dã trước một dự án tiền khả thi về xí nghiệp xi măng Bút Sơn như thế, Hà Nam sẽ có một sưu tập rất quý về thời đồ đá của cư dân sinh sống ở rìa tây nam châu thổ sông Châu - Đáy, Nhuệ - Hồng . . .

03.2. Vùng ven núi ven đồi sót Kim cảng, Thanh Liêm, Duy Tiên-bình Lục và cả trung tâm Nam Xang (Xương) - Lý Nhân đã trở thành một vùng văn hoá Đông Sơn miền trũng từ trước sau hai ngàn năm cách ngày nay. Ai cũng đã biết những phát hiện nổi tiếng về trống đồng Ngọc Lũ, núi Đọi, Yên Bắc, Bạch Thượng, Vũ Bị. . .

Trống Ngọc Lũ Hà Nam đã trở thành biểu tượng của Văn hiến Việt Nam đặt giữa tòa lâu đài Liên Hiệp quốc ở New York Hoa Kỳ. Trớ trêu thay, một phiên bản ít triệu đồng của nó cho đến nay không hề có mặt ở thị xã Hà Nam, ở núi Đọi cho con cháu Hà Nam thi thoảng đến xem và học hỏi cha ông.

Tiết kiệm ư? Tôi nghĩ, chỉ cần chống tham nhũng ở một địa phương nào đó một năm thôi, thu hồi lại tài sản xã hội chủ nghĩa bị lũ mọt dân làm thất thoát, theo tôi, cũng thừa sức làm nhà truyền thống miền chiêm trũng Sơn Nam ở thị xã, ở núi Đọi với một phức trống - thạp đồng đúc lại. Và những quan tài hình thuyền với đồ đồng, đồ sơn, cả một chiếc cày chìa vôi Thanh Sơn-Châu Sơn (đều thuộc Kim Bảng) đủ sức hấp dẫn hàng vạn ngàn du khách, nhà du khảo trong ngoài nước.

Có điều ngành Văn hoá-du lịch Hà Nam chưa biết “làm ăn” hay chưa được bật đèn xanh để phát triển đó thôi ? Ai đời, cho đến nay, Đọi Sơn hà vùng di tích phát hiện được nhiều sọ cổ chủ nhân văn minh Đông Sơn- Âu Lạc - Việt cổ nguyên vẹn nhất của cả nước, với quan tài gỗ hình thuyền được định niên đại C14 chính xác nhất (> 2000 năm BP +/- Ax) mà vẫn còn đang “xếp xó, ở rìa toà nhà mới của bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội?
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #26 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2009, 09:43:44 pm »

04. Tôi không phải là một dân kẻ quê Châu Giang - núi Đọi để nói vơ vào cho quê hương tôi, để cố tìm ra là quê tôi cũng có một ông Vua: Vua anh hùng Lê Hoàn thắng giặc xâm lược Tống. Từ đầu thập kỷ 1980, khi Thanh Hoá giương ngọn cờ Ba Nhất, người ta đổ xô vào xứ Thanh ca ngợi; xứ Thanh đã có Lệ Hải bà vương (Bà Triệu), có vua Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn rồi vua Nguyễn nữa. . . mà người ta còn “nỡ lòng” đưa cả Tiền Lê Đại Hành hoàng đế cho lấy xứ Thanh làm quê hương? Ngay khi đó - khi có mỗi một tỉnh Hà - Nam - Ninh, tôi đã nói ở “Hội thảo khoa học về quê hương Lê Hoàn” (1982) rằng: “Nói xứ Thanh là quê ngoại Lê Hoàn hay là quê bố nuôi Lê Hoàn thì tạm nghe được. Còn quý vị nào nói xứ Thanh là quê hương Lê Hoàn thì xin hãy dè chừng…”

Tôi nói vậy, không vì nổi trội lên ở trong tôi khi đó một tình cảm địa phương chủ nghĩa (tuy, nói cho cùng, cái cảm thức địa phương rồi sa đà vào địa phương chủ nghĩa thì bao giờ cũng có thật, ngay cả ở thời Cộng hoà Dân chủ Việt Nam) mà là một cảm thức khác, tạm gọi là KHOA HỌC.

Mà khoa học thì cần trước hết sự khách quan.

Khách quan, là ở Ninh Thái - Bảo Thái Thanh Liêm có cả một khu mộ tổ Lê Hoàn, có đền thờ Tổ, có nhiều di tích hữu thể khác liên quan mật thiết đến nhà Tiền Lê (xem bài của Nguyễn Minh Tường và nhiều người khác trên tạp chí Sông Châu).

05. Tôi chỉ xin nhấn mạnh 01 điểm:

05.1. Trần bình Trọng - tức Bảo Nghĩa vương là người gốc họ Lê, ở quê nay là xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, dòng dõi Lê Đại Hành, được vua Trần tin yêu, ban quốc tính và phong Bảo Nghĩa hầu, người “quyết tử” ở khúc sông Thiên Mạc (= 01 đoạn sông Châu chảy qua vùng Mạc Xá Châu Giang . . . ) với lời nói bất tử:

“Ta thà làm quỷ nước Nam chứ
không thèm làm vương xứ Bắc…”


05.2. Huống chi, Lê Đại Hành, còn về Đọi Sơn cày ruộng tịch điền!

05.3 . Ở Thanh Liêm, cái “trũng” này còn đọng biết bao huyền tích mà đa phần gắn bó với thân phận của nhà Tiền Lê.  Đó là “văn hoá Liễu Đôi”, là bản trường ca “Hoàn vương sự tích” mà Bùi Văn Cường - Nguyễn Tế Nhị, cặp bài trùng tác giả Văn hoá Liễu Đôi vừa tìm thấy và vừa được giải thưởng lớn của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Đó là phần văn hoá vô thể của không gian văn hoá Lê Đại Hành tại Hà Nam.

06. Nếu có ai hỏi tôi về một nét bản sắc khác của tiểu vùng văn hoá Hà Nam là gì, chắc chắn tôi sẽ dẫn ra Đền nàng Mỵ Ê ở Lý Nhân; cái nhân cách của người cung phi xứ Chăm pa đó đã được nâng cao lên thành nhân cách cao cả trong sạch của phụ nữ nói chung và được “thiêng hoá” khi dân gian Hà Nam lập đền thờ và cho đến nay vẫn phụng thờ.

Nhân cách plụ nữ lại được bi kịch hoá một lần nữa trong câu chuyện Vợ chàng Trương hàm ẩn một triết lý dân gian rất tuyệt vời “Là bóng hay là hình?”- người đàn bà Việt đã tự phân đôi mình thành cặp vợ chồng quấn quít nhau như hình với bóng, trong khi đó ở tầng dưới của câu chuyện là cái dại khờ ghen tuông vớ vẩn gây chết người của người đàn ông Việt Nam. Câu chuyện của Người thiếu phụ Nam Xang (La jeune dam de Nam Xang) từ lâu đã được thạc sĩ ngôn ngữ học Phạm Duy Khiêm kể lại bằng tiếng Pháp và được dịch lại bằng tiếng Anh, từ đó hội nhập vào dòng nhân văn của nền văn chương thế giới. 

Câu chuyện này cũng đã được dựng thành phim ở Pháp. Mà đó rốt cùng là văn hoá dân gian vô thể, được hữu thể hoá bằng ngôi miếu Vợ chàng Trương hiện vẫn còn được giữ gìn và tôn tạo bên bờ sông Châu ở huyện Lý Nhân - không xa đền Mỵ Ê.  Hai ngôi đền này xuất lộ bản sắc, tâm thức dân gian Sơn Nam Hà Nam tôll vinh Người ph!I nữ mà triết gia Gu-ê-the của nước Đức châu âu khái quát lên thành Nguồn vô tận nữ tinh (L’etemel féminin). Đấy cũng là nét phản ánh nguyên lý Nữ - nguyên lý Mẹ của nền Văn hoá việt Nam.

07. Tôi cũng còn muốn tâm sự nhiều điều nữa, khác cùng bạn đọc về tính cách và bản sắc văn hoá Hà Nam - Sơn Nam.  Ví dụ về công nghệ truyền thống : Biệt tài thợ đấu xứ Nam đào mò dưới nước những khuôn đất vuông vắn lớn đặng vượt thổ, tôn nền, làm nhà cao ráo giữa vùng lầy trũng, kèm luôn theo đó là bản sắc AO và hệ sinh thái AO rất đặc sắc của người Việt châu thổ Sơn Nam. Không có AO Sơn Nam làm sao nảy sinh cả một nền văn hoá múa rối nước mang hoàn toàn bản sắc Việt Nam?

Lại một ví dụ khác mà tôi đã đem chất vấn nhà văn Chu Văn thời Hà - Nam - Ninh còn là một: Vì sao đất Nam Hạ - Nam Hà - Hà Nam - Nam Định lại nảy sinh những nhân cách văn học lớn:
- Cụ Tam nguyên Yên Đổ, Cụ Tam nguyên Vị Xuyên rồi - Tú Xương của thời cận đại và ngay sau đó là những  Nam Cao, Nguyễn Bính cùng Vũ Tú Nam, Vũ Cao, Văn Cao. . . của một thùa chưa xa?  Tôi đã và sẽ dùng lý thuyết Địa - văn hoá để cắt nghĩa những hiện tượng đặc sắc này.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2009, 12:45:59 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #27 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2009, 12:53:59 pm »

TÊN LÊ ĐẠI HÀNH ĐẶT CHO MỘT ĐƯỜNG PHỐ Ở HÀ NỘI, VÌ SAO?

PGS. Lê Văn Lan
Viện Sử học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.


Hà Nội ta có một đường phố (và một ngõ phố) mang tên Lê Đại Hành.

Theo cụ Nguyễn Vinh Phúc, phố Lê Đại Hành dài 450 mét, chạy trên phần đất của hai thôn Hậu Phong Vân và Long Hồ, thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương ngày xưa. Tới giữa thế kỷ XIX hai thôn này hợp lại thành thôn Vân Hồ, thuộc tổng Kim Liên (là tên mới đổi, cũng vào lúc này, của tổng Tả Nghiêm). Còn ngõ Lê Đại Hành thì nối đường phố này với phố Thái Phiên, xưa thuộc khu vực đàn Nam Giao đời Lê.  Chứng cứ ngôi nhà bia có tấm bia “Nam Giao điện bi ký” (khắc năm 1679), trước năm 1926 (là năm người Pháp mở đường qua khu vực này, phá nhà bia, đem bia về đặt ở khu Bảo tàng Lịch sử bây giờ) thì bia và nhà bia vẫn ở chỗ đó.

Chúng tôi muốn trình bày đôi điều về tên gọi Lê Đại Hành được đặt cho con đường và ngõ phố vừa giới thiệu qua ở đây.

Vẫn theo cụ Nguyễn Vinh Phúc thì ở thời Pháp thuộc, chỗ này là “phố Hoàng Cao Khải”. Tên Lê Đại Hành được thay cho tên Hoàng Cao Khải, từ sau Cách mạng tháng Tám. Và nguyên uỷ của tên Lê Đại Hành, là (nguyên văn, sách Phố và đường Hà Nội, Nxb. Giao thông vận tải, N. 2004, tr. 336) như sau: “Đại Hành được coi là miếu hiệu của Lê Hoàn”.

Vì sao, trước hai chữ “miếu hiệu’ lại có ba chữ “được coi là”?

Mọi người đều biết: miếu hiệu - tên để thờ ở Thái miếu hoặc thuỵ hiệu - tên đẹp - của các bậc vua chúa ngày xưa, thường chỉ có (tức: ra đời, được đặt định) vào lúc kết thúc thời gian “quàn” (có thể nhanh chóng hoặc lâu dài, thậm chí dài đến cả năm trường) cái thân xác đã băng hà của các vị ấy ở toà điện thiêng nơi Cấm Thành. Chẳng hạn như vua Lê Thánh Tông, băng hà ngày 30 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1497) nhưng đến ngày 24 tháng Chạp năm ấy, mới có việc-như chép trong Đại Việt sử ký toàn thư “dâng tôn hiệu cho Đại Hành hoàng đế là: Sùng Thiên Quảng Vận Cao Minh Quang Chính Chí Đức Đại Công Thánh Vãn Thần Vũ Đạt Hiếu, Thuần Hoàng Đế, miếu hiệu là: Thánh Tông”, để rồi đến cuối xuân năm sau (Mậu Ngọ-1498) tháng Ba ngày 8, đưa quan tài về Lam Kinh, an táng vào ngày 28 tháng ấy !

Trong đoạn sử bút vừa được dẫn nguyên văn, có mấy chữ đáng chú ý, là: “dâng tôn hiệu cho Đại Hành hoàng đế”. Tức thị, lúc được “dâng tôn hiệu” (vào ngày 24 tháng Chạp, cuối năm Đinh Tỵ) thì lúc ấy (tức thị: từ ngày 30 tháng Giêng đầu năm chính thức băng hà, cho đến khi ấy) trong thời gian được quàn ở cung Bảo Quang, tên để gọi Lê Thánh Tông (không phải là Thánh Tông mà) là Đại Hành?

Sử thần nổi tiếng ở thế kỷ XIII là Lê Văn Hưu đã có lời giải thích rõ ràng về cái tên “Đại Hành” này: “Thiên tử và hoàng hậu, khi mới băng, chưa chôn vào sơn lăng, thì gọi là Đại Hành hoàng đế, Đại Hành hoàng hậu. Đến khi lăng tẩm đã yên, thì họp bầy tôi, bàn xem đức hạnh hay hay dở, để đặt thuỵ hiệu, không gọi là Đại Hành nữa”. Như vậy, rõ ra một quy luật nhân xưng, của và cho các đấng bậc trưởng thượng ngày xưa, rằng: Đại Hành chỉ là một cái tên dùng tạm, trong lúc các vị đã băng hà mà chưa được an táng, thế thôi.

Vậy thì, Lê Hoàn, mất năm 1005, đến nay đã là đúng được một nghìn (1.000) năm, cớ sao lại vẫn cứ phải mang cái tên tạm thời là Lê Đại Hành mãi thế Lại vẫn chính là Lê Văn Hưu ở thế kỷ XIII đã có lời giải thích như sau: “Lê Đại Hành thì (lại khác người mà) lấy Đại Hành làm thuỵ hiệu để truyền mãi đến nay là cớ làm sao?. Vì: Ngọa Triều là con bất tiếu, lại không có bề tôi Nho học, để giúp đỡ mà bàn về phép đặt thuỵ hiệu, cho nên thành ra là thế!”.

Như vậy, theo Lê Văn Hưu, có hai nguyên nhân khiến Lê Hoàn vẫn cứ mãi phải mang cái tên đặt tạm lúc mới mất.  Về nguyên nhân “không có bề tôi Nho học giúp đỡ mà bàn về phép đặt thuỵ hiệu”: Khi nhấn mạnh điều này, vị Bảng nhãn khoa thi Nho học năm 1 247 Lê Văn Hưu, hẳn là muốn thiên về việc quảng bá cho đạo Nho, ở giữa một triều đại sùng Phật là nhà Trần đương thời, hơn là muốn chê trách sự thể không đủ trình độ tri thức ở thời Tiền Lê.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #28 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2009, 12:54:39 pm »


Bởi vì thực tế, chắc chắn sử quan họ Lê biết - điều mà Đại Việt sử ký toàn thư đã chép rõ-là Lê Hoàn từng có dưới bệ rồng những bậc đại sư, như Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, đặc biệt là thái sư Hồng Hiến - “người phương Bắc, thông hiểu kinh sử, thường theo các cuộc chinh phạt, làm quân sư, cùng là khuyên vua lên ngôi, mưu bàn việc nước, có công lớn, vua tin dùng như tâm phúc”.  Thế thì, cái nguyên nhân “Ngọa Triều là con bất hiếu” có phần chính xác hơn. Vì đúng là kẻ kế vị chiếc ngai vàng hoàng đế nước Đại Cồ Việt của Lê Hoàn này, không xứng đáng, “không giống ông cha” tức : “bất hiếu”!

Tuy nhiên, nói cho đầy đủ, thì Ngọa Triều dù sao cũng chỉ là một đầu mối - chắc chắn là đầu mối chính - của tình thế rối ren cực kỳ, sau khi Lê Hoàn mất. Và chính cái đại cuộc rối ren nghiêm trọng ấy, mới đích thực là nguyên nhân và hoàn cảnh khiến cho cả triều đình Hoa Lư và các tôn vương kế vị (đầu là Trung Tông (Long Việt) sau là Ngọa Triều (Long Đĩnh) không còn lòng dạ nào mà nghĩ đến việc đặt cho Lê Hoàn một miếu hiệu (thuỵ hiệu) để dùng lâu dài nữa?

Lại xét cho sâu kỹ hơn chút nữa, thì thấy thêm rằng: nếu cái đại cuộc rối ren sau khi Lê Hoàn mất mà có đầu mối chính, quy về cho kẻ “bất tiếu’ Long Đĩnh (Ngọa Triều), thì chỗ và lúc sinh ra cái đầu mối ấy, có thể và dường như lại chính là...  Lê Hoàn.

Bởi vì, hệ thống lại tất cả công việc và công tích mà Lê Hoàn đã để tâm và tiến hành trong 24 năm “ở ngôi”, ta thấy ông đã tính và làm rất tốt, thậm chí cực hay các việc: quân sự, ngoại giao, nội chính (tức dẹp loạn), kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp (cày tịch điền), giao thông, thuỷ lợi (“kênh nhà Lê”), cả văn hoá nữa (khôi phục tục bơi chải)...

Nhưng về phương diện chăm lo cho thế hệ thứ hai trong gia đình (hoàng tộc, quý tộc) của mình nói chung, và nói riêng là việc giáo dục dạy dỗ chúng, thì hầu như không có động thái gì, ngoài việc ban phát quyền lợi cho chúng hưởng thụ (tức: cho đứa này được hưởng (“đóng ở) miền đất này, đứa kia được hưởng (“đóng ở”) miền đất kia).

Sử thần Lê Văn Hưu, hơn 200 năm sau Lê Hoàn, có nói đến - nguyên văn - một “lỗi ở Đại Hành là không sớm đặt thái tử”. Thật ra, chỉ là nói theo công thức một điều cụ thể trong tổng thể phương thức ứng xử với con cái của Lê Hoàn mà thôi.

Bởi thế, chính ở chỗ yếu này của Lê Hoàn, ta thấy sử thần tài danh họ Lê ở thế kỷ XIII đã tìm được một cách so sánh rất hay, giữa Lê Hoàn (Lê Đại Hành) và Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) để rút ra và nêu lên kinh nghiệm và bài học lịch sử rất có giá trị về việc cần rèn tạo sắp đặt chặt chẽ, chỉn chu lực lượng và đội ngũ kế vị, để chuyển giao việc triều chính, quốc gia đại sự, từ đời trước cho đời sau.

Xin đọc kỹ lại đoạn sử bút sau đây của Lê Văn Hưu ở thế kỷ XIII, được Ngô Sĩ Liên dẫn lại vào thế kỷ XV: “Có người hỏi: Lê Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành (là người) có công lao gian khổ hơn. Nhưng về tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ (là người) biết lo tính lâu dài hơn”.

Như vậy đó, Lý Công Uẩn “biết lo tính lâu dài hơn” trong việc “để phúc cho con cháu’. Vì là người đã được học hành, rèn tạo tri thức và trí tuệ rất kỹ (cho nên cũng dạy dỗ con cháu rất kỹ). Còn Lê Hoàn, cực kỳ vĩ đại, với căn cốt là một võ tướng bẩm sinh, một người bình dân trở thành thiên tử, mê mải thực hành và thực hiện vô cùng nhiều việc thực tế lớn lao, nhưng tri thức và trí tuệ thì lại để nhãng mất việc gia đình và con cái.

Do đó mà có lứa con “không giống ông cha” (bất tiếu), cũng do đó mà sự nghiệp cái thế thì xuất chúng, nhưng không khỏi bị thiệt thòi, ở hỗ, dù chỉ là một cái tên gọi Đại Hành thôi, mà cũng phải mang tạm, “được coi là miếu hiệu” mãi đến cả nghìn năm sau. Và ở ngay trên đất kinh kỳ - thủ đô ta. Khổ thế!
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #29 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2009, 01:36:12 pm »

VAI TRÒ CỦA THÁI HẬU DƯƠNG VÂN NGA ĐỐI VỚI ĐẤT NƯỚC ĐẠI CỒ VIỆT HỒI THẾ KỶ X

TS. Nguyễn Thị Phương Chi
Viện Sử học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam thời Cổ - Trung đại, Thái hậu Dương Vân Nga, người phụ nữ ở thế kỷ X và vai trò của bà đối với lịch sử dân tộc, đặc biệt là việc bà trao ngôi báu của nhà Đinh cho Lê Hoàn vào thời điểm đất nước Đại Cồ Việt đứng trước họa xâm lăng của nhà Tống đã được các sử gia phong kiến và các nhà nghiên cứu nhìn nhận, đánh giá. Nhưng các ý kiến lại khá khác nhau.

Sử gia Lê Văn Hưu không trực tiếp đưa ra những lời bình luận về Thái hậu nhưng đối với Lê Hoàn, ông đánh giá tài đức và công lao của Lê Hoàn còn hơn cả nhà Hán, nhà Đường: “Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bắc, bắt Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà cõi bờ yên ũnh, cái công đánh ấy tuy nhà Hán nhà Đường cũng không hơn được” (1).

Ngô Sĩ Liên với tư tưởng Nho giáo cũng không trực tiếp bàn luận về Thái hậu nhưng lại cho rằng việc lên ngôi của Lê Hoàn là do quan hệ bất chính với Thái hậu họ Dương: “Vua nhân gian dâm trong cung mà lấy được nước, dẹp giặc bên ngoài để yên dân, trong nước lặng yên, Bắc Nam vô sự” (2).
 
Sau đó vua Lê Đại Hành lập Hoàng Thái hậu Dương Vân Nga làm Đại thắng minh hoàng hậu thì sử thần Ngô S Liên còn nặng lời hơn: “Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm quẻ Hằng lên đầu là tỏ rằng lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, rồi nghiễm nhiên lập hoàng hậu, thì không còn có lòng hổ thẹn gì nữa. Lấy lối ấy truyền lại đời sau, chính con mình lại bắt chước mà gian dâm quá độ đến nỗi mất nước, há chẳng phải do Đại Hành gây mối họa loạn ơ?” (3).

 Nguyễn Văn Tố trong bài: Đinh Tiên Hoàng, theo quan điểm Nho giáo dưới ngòi bút của cụ, Lê Hoàn và Thái hậu họ Dương và mối quan hệ tình cảm của họ là do tư thông, còn Lê Hoàn thì cậy quyền cậy thế không biết kiêng sợ ai.

Tác giả viết: “Sử chép: . . . Nguyễn Bặc, Đinh Điền và Lê Hoàn đều là đại thần phụ chính, nhưng Lê Hoàn chuyên giữ binh quyền, ra vào trong cung, không ai ngăn cấm. Thái hậu (tức người đàn bà họ Dương, là mẹ Đinh Toàn) trông thấy đẹp lòng, rồi cùng tư thông. Thái hậu cho Lê Hoàn quyền làm việc vua như bên Tàu Chu Công giúp Thành vương, từ bấy giờ Lê Hoàn cậy thế được Thái hậu yêu không kiêng sợ ai tự xưng Phó vương” (4).

Về việc lên ngôi của Lê Hoàn, cụ Nguyễn Văn Tố sau khi dẫn lại đoạn  tư liệu chép trong Đại Việt sử ký toàn thư về việc quân lính đồng lòng ủng hộ Lê Hoàn lên ngôi trước khi xuất quân đi đánh quân Tống, cụ không khỏi luyến tiếc: “Thế là ngôi báu của nhà Đinh trong giây lát đã hóa ra nhà Lê rồi” (5).
 
Tác giả Song Cối thoa Bằng) trong bài: Tôi bào chữa cho Dương Thái hậu là một trong những tiếng nói đầu tiên trong những năm bốn mươi của thế kỷ trước đánh giá được phần nào công lao của Dương Thái hậu đối với đất nước: “Dương hậu đối với nhà Đinh tuy có khuyết điểm, nhưng đối với quốc dân, bà là một người hoàn toàn vô tội nếu không kể là có công” (6).

______________________________________________________________
(1) Đại việt sử ký toàn thư. Tập 1. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972.  tr 167.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư. Tập 1. Sđd. tr. 166.
(3) Đại việt sử ký toàn thư. Tập 1. Sđd. tr. 168.
(4) Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố. Đinh Tiên Hoàng. trong Đại Nam dật sử (Sử ta so với sử tàu). Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hà Nội. 1.997. tr. 230.  
(5) Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố. Đinh Tiên Hoàng. trong Đại Nam dật sử (Sử ta so với sử tàu). Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hà Nội. 1.997. tr. 232.  
 (6) Song Cối. Tôi bào chữa cho Dương Thái hậu. Tạp trí Tri Tân. số 41 (7-4-1942), tr. 18-19.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM