Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn

<< < (18/39) > >>

UyenNhi05:
Nơi mà vua Lê Đại Hành chọn để đóng đại bản doanh nói trên rõ ràng đáp ứng những điều kiện tối cần thiết của một nơi đóng quân mà các bộ binh thư cổ của phương Đông chỉ dẫn. Sách Tôn Tử binh pháp ở thiên Hành quân có viết: “Phàm bố trí quân đội, phán đoán địch tình (cần theo những nguyên tắc sau đây): “Vượt qua núi, cần men theo chỗ thấp mà đi. Chiếm lĩnh vùng núi non, cần chọn những nơi cao hướng về mặt trời, cần dựa lưng vào mỏm cao chứ không đối diện với mỏm cao. Đó là nguyên tắc đóng quân ở vùng núi” (1).

Ngay trong thiên Đồn Trú, sách Binh thư yếu lược, cũng viết: “Phàm đóng quân thì phải dùng nơi sau cao, trước thấp, trông ra hướng sáng, quay lưng hướng tối, nuôi sống ở đủ nước lửa không lo, vận tải tiếp tế không trở ngại, tiến có thể đánh, lui có thể giữ. . .” (2).

Nghiên cứu nơi đóng đại bản doanh của vua Lê Đại Hành, chúng ta thấy nó “dựa lưng vào mỏm núi cao” là các ngọn Bàn Cung, Thiên Bồng, Đầu Giông, Cổ Vu và “trông ra hướng sáng” là hướng nam, phía xa có dòng Nguyệt Giang trong xanh, thoáng đãng.

Che chắn phía đông cho đại bản doanh là các ngọn núi như: Đồng Đò, Vọng Dứa, Đồng Ra và Cao Hiệu. Tất cả những núi non, gò đồi bao bọc ấy lại được dòng Nguyệt Giang và chi lưu của nó che chắn thêm khiến đại bản doanh của vua Lê Đại Hành có khả năng án binh, giấu quân làm cho quân Tống không thể tìm thấy được. Điều đó giải thích câu văn được chép trong Tống sử vừa nói ở trên: “Toàn Hưng và Lưu Trừng theo đường thủy đem quân đến thôn Đa La, nhưng nói không gặp giặc” (tức chủ quân và đại bản doanh của quân ta - NMT).

Đại bản doanh của vua Lê Đại Hành ở xã An Lạc, nếu đi theo đường thủy xuôi dòng Nguyệt Giang ra sông Kinh Thày để đến Bạch Đằng ước chừng 30km. Còn tính theo đường chim bay từ đây đến Bạch Đằng chỉ khoảng trên 20km. Đây là địa bàn đặt sở chỉ huy, có thể nói khá đắc địa trong điều kiện của cuộc chiến tranh dưới thời Trung cổ, cả hai bên tham chiến đều sử dụng vũ khí và phương tiện vận chuyển còn thô sơ.
 
Đồng Dinh (như tên gọi của nó) không phải là một di tích tồn tại đơn nhất, độc lập. Nó được nằm trong một quần thể di tích lịch sử làm chứng cứ khẳng định thêm cho vị trí đại bản doanh của vua Lê Đại Hành.

Xã An Lạc cùng với xã Tân Dân, thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương có vinh dự lưu giữ và bảo tồn những chứng tích quý giá đó cho chúng ta và muôn đời sau ở đây, những chứng tích liên quan tới đại bản doanh của vua Lê Đại Hành có thể chia làm hai loại: Những địa danh - lịch sử và các di tích đền, miếu, chùa. . .

Về những địa danh lịch sử của xã An Lạc và Tân Dân, hiện nay còn khá nhiều liên quan trực tiếp hoặc gợi ra cho ta những suy nghĩ về một địa bàn đóng sở chỉ huy khá lâu của một vị tướng tổng tư lệnh, vị hoàng đế thân chinh đi đánh giặc.  Đó là:

Núi Cao Hiệu: núi sát với Bến Vạn, bên dòng Nguyệt Giang đổ ra sông Kinh Thày, tương truyền nơi cắm cờ và vọng gác tiền tiêu.

Nội Xưởng: Nơi tương truyền rèn, sửa vũ khí và phương tiện chiến đấu. Lò Văn: nơi một số viên quan từ hàn đi theo quân đội phụ trách việc văn thư làm việc.

Bàn Cung: nơi tương truyền vua Lê Đại Hành họp bàn việc quân với các tướng lĩnh dưới quyền.


____________________
(1) Tôn Ngô binh pháp. Nxb Công an nhân dân, N. 1994. bản dịch của Trần Ngọc Thuận. tr. 121
(2) Binh thư yếu lược. Nxb Khoa học xã hội, N. 1977, tr. 129. 

UyenNhi05:
Địa điểm Bàn Cung hiện nay còn lại vết tích trên núi Bàn Cung. Đây là quả núi chính mà đại bản doanh tựa vào. Đúng ra phải gọi là Hành Cung, nhưng vì tránh tên húy của vua Lê Đại Hành, nên đọc chệch ra là Bàn Cung. Trên lưng chừng quả núi này, cách mặt đất chừng 15 - 20 m, người ta bại núi ở hai bên để -dựng hành cung cho nhà vua và cũng làm nơi bàn bạc việc quân. Nền mỗi dãy hành cung còn lại ước chừng 1 sào Bặc Bộ (360m2).

Nền Bà Chúa: nơi ở của các vị nữ tướng. Núi Sơn Đụn: nơi tương truyền là kho quân lương của quân đội . . .  về các di tích đền, miếu, đình, chùa thì ở xã An Lạc có thể nói khá nhiều như: đền Cao, đền Bến Tràng, đền Bến Cả, đền Cả, chùa Nguyệt, chùa Sơn Đụn. . . Có một điều đáng lưu ý hầu hết các ngôi đền nói trên đều thờ các vị tướng tham gia cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 do vua Lê Đại Hành lãnh đạo.

Trong số các di tích lịch sử đó, đáng chú ý hơn cả cần nói đến khu Đền Cao mà phần trên chúng tôi đã có dịp nhắc tới.  Đền Cao được xây dựng trên đỉnh ngọn Thiên Bồng, có độ cao 47m so với mặt biển. Đền tọa lạc trên bãi đất bằng phẳng rộng ước chừng 5.414 m2. Cảnh đền Cao trên núi Thiên Bồng luôn gợi cho du khách một cảm giác u tịch, thanh vắng.  Phải chăng chính vì vậy, núi được đặt tên với ý nghĩa “cảnh tiên bồng lai trên thiên giới?”. Phủ kín quả núi và xung quanh đền Cao là 54 cây lim cổ, tuổi ước cũng vài trăm năm, càng tôn thêm vẻ tĩnh mịch của chốn danh thắng được mệnh danh là nơi tách khỏi bụi trần này.

Bản Ngọc phả hiện còn lưu giữ tại đền Cao là do Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và được vị Thiếu khanh Nguyễn Hiền giữ chức Quản giám bách thần sao lại vào năm Vĩnh Hựu thứ ba (1737) cho biết: Vị thần được thờ ở đây là họ Vương, húy là Đức Minh. Cũng theo Ngọc phả, trong cuộc kháng chiến chống Tống vào mùa xuân năm Tân Tỵ (981), vua Lê Đại Hành đã đem quân về lập đại bản doanh tại An Lạc.  Bấy giờ An Lạc, còn có tên là Dược Đậu trang thuộc đất Bàng Châu, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương.

Ở Dược Đậu trang có 5 anh chị em họ Vương tham gia quân đội đánh giặc cứu nước. Sau khi dẹp xong giặc Tống tàn bạo, bà chị cả là Vương Thị Đào được phong làm Đào Hoa Trinh Thuận công chúa, bà chị thứ hai là Vương Thị Liễu làm Liễu Hoa Linh ứng công chúa. Người em trai thứ ba là Vương Đức Minh được phong làm Thiên Bồng Đại tướng quân đại vương, ông thứ tư là Vương Đức Xuân làm Dực Thánh Dũng Mãnh đại vương, ông thứ năm là Vương Đức Hồng làm Anh Vũ Dũng Lược đại vương.

Người em thứ ba là Vương Đức Minh được thờ tại đền Cao, còn các em trai, chị gái ông được thờ ở các đền như đền Bến Tràng, đền Bến Cả, đền Cả. . .

Trong đền Cao còn treo 13 bộ câu đối gỗ sơn son thiếp vàng, nội dung phần lớn nói lên tấm lòng ngưỡng mộ của khách thập phương đối với tướng Vương Đức Minh “sinh vi tướng, tử vi thần” được thờ ở đền. Tinh thần bao trùm lên các câu đối ở đền là ca ngợi khí thế hào hùng của quân đội thời Tiền Lê dưới sự chỉ huy của chủ soái Lê Đại Hành và các danh tướng của ông. Chúng ta thử đọc lại một hai câu dưới đây:

                                              “Quyền chưởng trung hoa thảo tặc đại danh thuỳ vũ trụ;
                                                     Đại lao thánh giá, phù Lê chính khí đối càn khôn”.

 Nghĩa là:

                                             “Quyền giữ quốc gia, giết giặc lưu danh cùng vũ trụ;
                                                    Tôn phò thánh giá, giúp Lê chính khí sánh càn khôn”.
 
Thực là tràn đầy khí thế và sáng ngời chính nghĩa, hay câu sau:

                                            “Nhạc giáng duy thần, khước Tống anh danh trường lẫm liệt,
                                                    Tinh di kỷ độ, Tiền Lê hiển miếu túc thanh cao”.
Nghĩa là:

                                             Sơn nhạc giáng thần, phá Tống anh uy còn lẫm liệt
                                                    Đổi thay mấy độ, Tiền Lê miếu dựng vẫn uy nghi.

UyenNhi05:

Những câu đối còn lại ở đền Cao hay ở đền Bến Cả. đền Cả đền bến Tràng tại xã An Lạc, huyện Chí Linh dường như nhàm nhắc nhở chúng ta nhớ về lịch sử xa xưa, thời đại mà vị vua anh hùng “phá Tống, bình Chiêm” Lê Đại Hành cùng quân dân thời Tiền Lê viết nên những trang sử dựng nước và giữ nước thật oai hùng.

Vào ngày 15-2-2001 , tại thành phố Hải Dương, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức Hội thảo khoa học về An Lạc (Chí Linh) - đại bản doanh của vua Lê Đại Hành trong cuộc kháng chiến chống  xâm lược năm 981.

Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt thành của nhiều nhà sử học ở Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Lịch sử Quân sự, Đại học Quốc gia Hà Nội. . . và ở các tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. . .

Qua Hội thảo, các nhà sử học có mặt đã thống nhất ý kiến rằng Địa điểm Đồng Dinh chính là nơi đóng đại bản doanh của vua Lê Đại Hành vào mùa xuân năm Tân Ty (981). Kết luận của cuộc Hội thảo này đi tới một kết quả rất có ý nghĩa: Lãnh đạo và nhân dân tỉnh Hải Dương đã cho xây dựng một ngôi đền thờ vua Lê Đại Hành trên ngọn núi Bàn Cung lịch sử.

Tháng 2-2002, tượng vua Lê Đại Hành đã được đúc xong, bằng chất liệu đồng, nặng 500kg, lấy nguyên mẫu tượng Lê Đại Hành ngồi trên ngai ở đền Vua Lê tại cố đô Hoa Lư và đã được làm lễ an vị tại đền. Ngôi đền ấy đã chính thức được hoàn thành vào mùa xuân Ất Dậu (2005) này. Đó chính là tấm lòng tri ân của hậu thế chúng ta đối với bậc tiền nhân, vua Lê Đại Hành anh kiệt.





LÊ HOÀN VÀ CHIẾN THẮNG BẠCH ĐẰNG NĂM 981

                        PGS. TS. Nguyễn Quang Ngọc
Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển

Lê Hoàn sinh năm 941 tại Trường Châu (Thanh Liêm, Hà Nam) , (1) trong một gia đình nghèo khó, cha mẹ mất sớm, phải làm con nuôi cho gia đình viên quan sát họ Lê làng Mía (Thọ Xuân, Thanh Hoá). Lớn lên Lê Hoàn biết tiếng cha con Đinh Bộ Lĩnh nổi lên ở Hoa Lư đã theo giúp Đinh Liễn và tỏ ra là người phóng khoáng, có chí lớn, được Đinh Bộ Lĩnh rất mực tin yêu. Lê Hoàn là một trong những người có công đầu trong sự nghiệp dẹp loạn mười hai sứ quân, thống nhất đất nước của Đinh Bộ Lĩnh.

Năm 971, ông là một trong những người đầu tiên được vua Đinh chọn vào hàng trụ cột của triều đình với chức Thập đạo tướng quân, đặc trách tổng chỉ huy quân đội. Sau sự biến tháng 10 năm 979, Lê Hoàn càng tỏ rõ vai trò trụ cột của vương triều Đinh với cương vị Phó vương nhiếp chính, ông không chỉ là người tận tuỵ dạy dỗ và nâng đỡ vua Đinh thơ ấu, mà còn là trung tâm quy tụ mọi nguồn sức mạnh của đất nước.


_______________________
(1) Có tài liệu chép là Ái Châu (Thanh Hoá ). nhưng ở đây chúng tôi tin theo Đại Việt sử lược là bộ sử đời Trần, được viết gần với thời Lê Hoàn nhất.  

UyenNhi05:
Được tin quân Tống sắp kéo sang xâm lược, Dương thái hậu “sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi đánh giặc, lấy người ở Nam Sách Giang là Phạm Cự Lạng làm Đại tướng quân” (1). Trong khi triều đình đang họp bàn kế hoạch đánh giặc thì Phạm Cự Lạng cùng các tướng quân khác yêu cầu tôn lập Lê Hoàn làm hoàng đế trước khi xuất quân. Lê Hoàn lúc này là người duy nhất trong triều đình Hoa Lư hội đủ được uy tín và tài năng, tinh thần và lực lượng bảo vệ và gìn giữ nền độc lập dân tộc, nền thống nhất đất nước trước cuộc tiến công xâm lược của nhà Tống.

Dương thái hậu nhận rõ thực tế này và đã phó thác toàn bộ vận mệnh của đất nước và triều đình Hoa Lư vào tay Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. “Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi hoàng đế, (2). ông lên ngôi hoàng đế lúc này là chấp nhận một sự phó thác nghiệt ngã của lịch sử, trước hết vì sự tồn vong của giống nòi, của chính sự nghiệp thống nhất đất nước cao cả mà vua Đinh Tiên Hoàng vừa khởi dựng. 
 
Lên ngôi hoàng đế trong khung cảnh đất nước đang lâm nguy, Lê Hoàn lập tức lao vào tổ chức kháng chiến chống quân xâm lược Tống. Triều Tiền Lê trên thực tế là sự tiếp nối triều đình nhà Đinh. Lê Hoàn vẫn giữ nguyên tên nước là Đại Cồ Việt, vẫn cho tu sửa, gia cố thêm kinh thành Hoa Lư. Ông quyết định đổi niên hiệu là Thiên Phúc và lấy năm 980 là năm Thiên Phúc nguyên niên, giáng phong Đinh Toàn làm Vệ vương (thực chất là cho Đinh Toàn trở lại tước cũ, đã được nhận phong từ vua cha Đinh Tiên Hoàng hai năm trước) và vẫn lấy danh nghĩa Vệ vương của Đinh Toàn trong quan hệ bang giao với nhà Tống.

Triều đình Hoa Lư, chỉ trừ Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp kiên quyết chống lại Lê Hoàn ngay từ sau khi Đinh Tiên Hoàng qua đời, còn tất cả đều tôn phò ông, tập hợp xung quanh ông trong sự nghiệp đánh giặc, giữ nước cao cả. Lê Hoàn nêu cao ngọn cờ đoàn kết, khai thác, tập hợp và sử dụng toàn bộ tập thể triều đình nhà Đinh vào trong vương triều mới của mình.

Dương thái hậu, người đại diện cho cả hai dòng họ Đinh và họ Dương vẫn tiếp tục ngồi lại trong triều và chăm lo việc quân lương. Đại tướng quân Phạm Cự Lạng vẫn là tướng chỉ huy cao nhất. Các nhà sư Ngô Chân Lưu, Đỗ Pháp Thuận, Vạn Hạnh vẫn tiếp tục làm cố vấn cho Lê Hoàn dự bàn mưu kế. Hồng Hiến là người phương Bắc được Lê Hoàn tin dùng, phong làm Thái sư, giúp vua về mưu lược đánh Tống.  Tất cả đều đặt dưới quyền Tổng chỉ huy của Lê Hoàn và đã sẵn sàng vào trận.

Một mặt quân dân Đại Cồ Việt chủ động sẵn sàng đánh bại quân xâm lược Tống bất cứ lúc nào khi chúng xâm phạm bờ cõi, nhưng mặt khác Lê Hoàn rất cần thời gian vật chất để hoàn tất công việc chuẩn bị. Đề phòng cả việc bị bất ngờ tấn công từ mặt nam, ông sai Từ Mục và Ngô Tử Canh sang Chăm Pa thăm dò tình hình và đặt quan hệ hoà hiếu (3).

Trước tối hậu thư của vua Tống, ông cử ngay người sang Trung Quốc tìm mòi cách “để hoà hoãn tình thế”, kích thích thêm tính chủ quan kiêu ngạo của quân Tống và tranh thủ thời gian chuẩn bị thêm lực lượng.

Cuối năm 980, theo kế hoạch tốc chiến, bất ngờ, 3 vạn quân Tống theo hai đường thuỷ bộ dưới sự chỉ huy của Hầu Nhân Bảo ồ ạt xâm lược Đại Cồ Việt. Sử sách chép về các cánh quân bộ và diễn biến chiến trận có nhiều mâu thuẫn nên cho đến nay trong giới nghiên cứu vẫn còn tồn tại nhiều cách lý giải khác nhau về việc tổ chức kháng chiến của Lê Hoàn. Một vấn đề hết sức mấu chốt cần phải làm rõ là liệu có phải Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng tấn công vào nước ta theo đường Lạng Sơn như một số bộ sử của ta chép hay không? 


______________________
(1) Đại Việt sử ký toàn thư. T 1. bản dịch. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội, 1993 . tr 217.
(2) Như trên, tr 217.
(1) Đại việt sử ký toàn thư, T 1, bản dịch. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội, 1993, tr, 222. 

UyenNhi05:
Điều dễ dàng nhận thấy là tuyến đường từ Trung Quốc sang nước ta qua Lạng Sơn xuống Quỷ Môn Quan tuy đã được mở từ trước thế kỷ X, nhưng chưa bao giờ được sử dụng cho các cuộc hành quân, chuyển quân lớn. Đặng Xuân Bảng trong sách Sử học bị khảo cho biết khá cụ thể: “Con đường từ Thăng Long lên bắc, sang Trung Quốc, đời Đinh, đời Lê về trước đi qua Quảng Yên (......). Đời Lý về sau có khi đi đường Quảng Yên, có khi đi đường Lạng Sơn (đường Lạng Sơn bắt đầu từ năm Thuận Thiên thứ 9 đời Lý (1018) sai Phí Trí đi Quảng Tây đón kinh Tam Tạng, về sau Doãn Tử Tư, Nghiêm Thường cũng đi đường này)” (1).

Con đường bộ truyền thống mà các triều đại Trung Quốc tiến đánh nước ta suốt nghìn năm bắc thuộc vẫn chỉ là con đường ven biển Đông bắc. Sách Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử đời Tống xác định rõ Quỷ Môn Quan ở cách huyện Bắc Lưu 30 dặm và đời nhà Tấn ai đi sang Giao Chỉ cũng đều phải qua đấy. Nhà bác học Lê Quý Đôn thế kỷ XVIII làm sách Vân đài loại ngữ cho rằng: “Nay xét huyện Bắc Lưu gần châu Tân Yên thuộc tỉnh Yên Quảng của nước ta, Quỷ Môn Quan này phải ở chỗ ấy. Nay tục truyền nói cửa Quỷ Môn Quan ở xã Bình Lang thuộc châu ôn, tỉnh Lạng Sơn là sai” (2). 

Như thế hoàn toàn có đủ cơ sở để khẳng định rằng đoàn quân bộ của nhà Tống vào nước ta, xuất phát từ Quảng Đông (Trung Quốc) men theo đường bờ biển tiến vào địa đầu Quảng Ninh, qua vùng Đông Triều, Phả Lại rồi tiến xuống trung tâm châu thổ sông Hồng (3). Trên đường tiến quân Hầu Nhân Bảo dừng lại ở núi Lãng Sơn đúng như sách Đại Việt sử lược chép “quân Hầu Nhân Bảo đến đóng ở núi Lãng Sơn (4).

Vị trí cụ thể của Lãng Sơn có lẽ còn phải được khảo cứu kỹ thêm, tuy nhiên tìm Lãng Sơn trên con đường bộ men theo bờ biển Đông Bắc vẫn theo “con đường của những kẻ xâm lược” hằng đi suốt thời kỳ Bắc thuộc như một số nhà nghiên cứu gần đây chủ trương là hoàn toàn có cơ sở. Điều đáng lưu ý là khu vực Vạn Kiếp thời thuộc Đường là Lãng Châu (5), có nhiều thông tin để dự đoán khu vực Vạn Kiếp, Lục Đầu Giang có liên quan mật thiết đến vùng chiến trường Lãng Bạc thời Trưng vương.

Mục tiêu số một của cuộc tiến quân của quân Tống là kinh đô Hoa Lư và con đường tiến quân chủ yếu của cả hai đạo quân thuỷ bộ là con đường men theo bờ biển vào khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương. Hai đạo quân này đều đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Hầu Nhân Bảo và luôn luôn tìm cách phối hợp với nhau, hỗ trợ cho nhau, tạo thành nguồn sức mạnh tuyệt đối để có thể đánh thật nhanh, giải quyết thật nhanh.

Chặn địch trên cả hai tuyến thuỷ, bộ trên vùng đất địa đầu miền Đông Bặc, phá tan âm mưu phối hợp hai đạo quân thuỷ bộ và kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Hầu Nhân Bảo là công việc đầu tiên có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của toàn bộ cuộc kháng chiến.


_______________________
(1) Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, bản dịch Nxb Văn hoá thông tin, N. 1997. trg.246. Về con đường truyền thống của các triều đại Trung Quốc tiến đánh nước ta: Đặng Xuân Bảng cũng thống nhất cho rằng: “Vì từ đời Hán về sau (Trung Quốc dụng binh ở Giao Châu thường dùng thuỷ quân từ Khâm Châu ra biển, vào Quảng Yên, thẳng vào sông Lục Đầu tỉnh Hải Dương, đến Bắc Ninh...” (Sử học bị khảo. Sđd. tr 261)
(2) Lê Quý Đôn : Vân đài loại ngữ, T 1. quyển 3 , bản dịch của Tạ Quang Phát. Sài Gòn 1972, tr. 212. 
 (3) Tham khảo C.L.Madrone: Xứ Bắc kỳ cổ đại (trích dịch BEFEO tập XXXVIII (1937) trang 263. Tư liệu khoa Sử. Đại học Quốc gia Hà Nội. TL 170.
(4)   Đại Việt sử lược (bản chữ Hán do Trần Kinh Hoà biên khảo, giới thiệu). trg. 44. Sách chép rõ chừ “lãng” nghĩa là sóng nước, gồm bộ chấm thuỷ bên chữ lương. Lưu ý có mộl số bản chép nhầm là Ngân Sơn hay Lạng Sơn. 
(5) Trần Phu (sứ thần nhà Nguyên) trong An Nam tức sự chép Vạn Kiếp là Lãng Châu thời thuộc Đường.  Nhiều nguồn tư liệu di tích và truyền thuyết cho phép dự đoán khu vực Lãng Châu (Kiếp Bạc - Lục Đầu Giang) cũng có thể là Lãng Sơn (hay Lạng Sơn trong một số bộ sử cũ của ta) - nơi Hầu Nhân Bảo đóng quân là vùng Lục Đầu Giang.

Navigation

[0] Message Index

[#] Next page

[*] Previous page