Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn

<< < (17/39) > >>

UyenNhi05:

Nếu như quân Tống hùng hổ kéo quân vào xâm lược Giao Châu được sử sách Trung Quốc miêu tả cặn kẽ, khoa trương thì khi chúng bị đại bại sử sách lại cũng tìm mọi cách bưng bít sự thật. Song trận quyết chiến chiến lược của quân dân Đại Cồ Việt diễn ra trên sông Bạch Đằng vào tháng 4 năm 981 quá vĩ đại, nên sử sách đời Tống cũng như các đời sau đều phải ghi chép lại.

Chủ tướng bị giết chết mất xác, quân lính thua chạy tán loạn, nhiều tên lính đói quá phải đi cướp tiền của dân chúng. Điều này chính sử Tống đã chép như sau: “Có những tên quân thua trận đến chợ ấp cướp tiền của dân.  Chuyển vận sứ là Chu Vị bắt chém, còn những tên đến sau thì  giải giáp để nộp hết, dân mới yên” (1).

Nhằm bào chữa cho thất bại thảm hại, sử nhà Tống đã đưa ra nguyên nhân thời tiết nóng nực của phương Nam làm quân lính bị bệnh tật cho nên phải rút quân về: “Bấy giờ các quân bị cảm khí nóng lại chết nhiều, Chuyển vận sứ là Hứa Trọng Tuyên kính tâu là Nhân Bảo chết trận và xin đem quân về không đợi báo. Rồi lập tức chia quân đóng ở các châu mở kho thưởng cho và cấp thuốc chữa. Tuyên bảo với mọi người rằng: Nếu ta đợi báo thì số bọn người ấy đều chứa thây ở cánh đồng rộng” (2).

Nhưng qua thái độ tức giận của Tống Thái Tông khi ra lệnh trừng trị những viên tướng tham gia đội quân xâm lược Đại Việt chúng ta càng thấy rõ hơn thất bại ê chề, đau đớn của “Thiên triều’:

“Vua xuống chiếu thư khen ngợi Hứa Trọng Tuyên và sai sứ triệu hặc bọn Trừng. Khi đó Vương Soạn bị bệnh chết, Trừng cùng Giả Thực đều bị giết bêu đầu ở chợ Ung Châu. Bọn Tôn Toàn Hưng bị hạ ngục rồi bị tội chết, Trần Khâm Tộ, Hác Thủ Tuấn, Thôi Lượng đều bị trách phạt, giáng chức” (3).

Mọi tội lỗi bực tức đều được trút lên đầu bọn tướng bại trận: “Than ôi, bọn Toàn Hưng là quan nhỏ, phụng mệnh, ân lễ đã hậu trách nhiệm càng cao, kể bao lao phí ở đường để cung phụng mà nhân dân 2 nơi bị lâm vào cảnh binh đao, khôn xiết . . . Thế mà Toàn Hưng không biết thể tất việc nước bèn cùng Nhân Bảo so kè mối lợi tí ti để đến việc chia rẽ làm lỡ việc lớn của nước thì ban cho cái chết cũng không quá vậy” (4).

Chúng tôi vừa đưa ra một số sử liệu do chính các sử gia Trung Quốc ghi chép về trận chiến Bạch Đằng năm 981 chống quân Tống của triều Tiền Lê. Qua đó, chúng ta càng thấy được âm mưu, thủ đoạn cùng toàn bộ quá trình xâm lược của triều Tống, nhận rõ hơn chiến thắng vĩ đại của quân dân ta hồi thế kỷ X. Đồng thời, càng cảm phục hơn sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của vị vua, vị tướng tài hoa, nhưng rất bình dị cận dân “đi chân đất, câu cá” Lê Hoàn.

Nhân kỷ niệm 1000 năm năm mất của Lê Hoàn ( 1 005-2005), chúng ta cùng nhau ôn lại, học hỏi được nhiều trong kinh nghiệm giữ nước tài tình của cha ông xưa.


______________________
(1)(2)(3) Lý Đào: Tục tư trị thông giám trường biên. q. XXII. Sđd , tờ 2b tờ 3a.
(4) Lý Đào: Tục tư trị thông giám trường biên. q. XXII. Sđd , tờ 3a

UyenNhi05:
NHỮNG DẤU TÍCH VỀ ANH HÙNG DÂN TỘC LÊ HOÀN Ở HẢI PHÒNG


Ngô Đăng Lợi
Hội Sử học Hải Phòng

Lê Hoàn, vua sáng nghiệp nhà Tiền Lê (980- lo09), với võ công chói lọi phá Tống, bình Chiêm góp phần quan trọng củng cố nền độc lập dân tộc sau hơn ngàn năm Bắc thuộc.  Trong sự nghiệp lớn của anh hùng Lê Hoàn, nhân dân địa bàn Hải Phòng ngày nay, nơi diễn ra trận thuỷ chiến Bạch Đằng năm 981 và gần vùng quê đại tướng Phạm Cự Lượng, người có công đầu suy tôn Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế, đến nay còn lưu một số truyền thuyết, thần phả, đình đền thờ người có công với triều Tiền Lê. Chúng tôi sưu tầm, hệ thống theo địa bàn huyện để dễ theo dõi.

Huyện Thuỷ Nguyên

- Chùa Mỹ Cụ: Theo bút tích của cố đại lão hoà thượng Kim Cương Tử soạn năm 1957 thì cha mẹ Lê Hoàn cầu tự ở chùa Mỹ Cụ, xã Dưỡng Chính, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. Mỹ Cụ vốn thuộc trang Dưỡng Chân - thời Hậu Lý có người giúp vua Lý dẹp giặc, thời Trần có trang ấp của nhà thiền học bậc thầy Tuệ Trung thượng sĩ (tức Hưng Ninh vương Trần Tung) và quê của Trần Cao - Trần Thăng, thủ lĩnh phong trào nông dân thời Lê mạt . . .

- Năm anh em họ Phạm: Thần tích các làng Ngọc Phương (Thuỷ Tú) xã Thủy Đường, Lương Kệ, Chiếm Phương, xã Hoà Bình, Thường Sơn thị trấn Núi Đèo cho biết:

Gia đình họ Phạm ở trang Thuỷ Đường, huyện Thủy Đường (đời Đồng Khánh đổi là Thủy Nguyên), làm nghề nông nhưng có cửa hàng nhỏ treo một dải phướn để làm biển hiệu. Chính vì thế nơi này sau thành chợ lớn, gọi là chợ Phướn. Ông bà sinh được 4 con Phạm Quang, Phạm Nghiêm, Phạm Huấn và Phạm Thị Cúc Nương. Bốn anh em đều được cha mẹ dạy dỗ, cho học cả văn lẫn võ thành tài. Khi vua Lê Hoàn đem quân chống giặc Tống ở sông Bạch Đằng, dân trang tiến cử, nhà vua trọng dụng cả bốn anh em, sai theo quân đi chống giặc ờ vùng Thuỷ Nguyên, Đông Triều, Nam Sách. Cả bốn người đều lập công, sau khi qua đời, các làng trên đều lập miếu thờ. Có thuyết nói Phạm Thị Cúc Nương hy sinh ở vùng Cửa Ngăn xã Nam Mẫu huyện Đông Triều. Chúng tôi đã đến xác minh nhưng chưa thấy.

- Ba anh em họ Đào: Thần tích thôn Trinh Hưởng (nay thuộc xã Thiên Hương) cho biết:

Trang Trinh Hưởng thời Đinh có 3 anh em cùng sinh là Đào Tế, Đào Lại, Đào Độ vốn dòng dõi hào phú, thiên tư dĩnh ngộ, được học hành chu đáo nổi tiếng khắp vùng. Khi vua Lê ban chiếu cầu hiền dẹp giặc Tống, cả 3 anh em xin phép mẹ dự thi,  cả 3 đều trúng, được nhà vua phong làm tướng. Ba người gắng sức lập công. Khi giặc tan, vua ban thưởng cho về quê cũ Sau khi qua đời dân trang lập miếu thờ.

- Phạm Quảng: Theo thần tích đền Phương Mỹ, xã Mỹ Đồng, ở trang Hoa Chương (đời Nguyễn đổi là Phương Mỹ) có Phạm Quảng, con một nông dân nghèo, nhưng thông minh, hiếu học, nổi tiếng thần đồng, do đó được cử làm quan triều Đinh. Khi quân Tống xâm lăng, vua Lê biết ông am hiểu địa bàn, cử ông cầm một cánh quân giữ cửa Bạch Đằng. Sau khi đất nước bình yên, ông xin về trí sĩ ở quê nhà, vua ưng cho. Về quê, ông tổ chức khai khẩn, khuyến khích nghề nông tang.  Dân nhớ ơn lập miếu thờ khi ông qua đời.

Huyện Tiên Lãng

- Năm anh em họ Đặng: ở trang Đốc Kính (nay là thôn Đốc Hậu xã Toàn Thắng) là Công Xuân, Công Trung, Công Thọ, Công Tuấn, Công Nghiêm con ông Đặng Công Thành và bà Lê Thị Ngọc. Gia cảnh khó khăn, nhưng 5 anh em đều cố công học hành, theo đòi võ nghệ lại thêm sức khoẻ hơn người.  Nhà Tống nhân khi vua Đinh mất, con nhỏ nối ngôi, đem quân thuỷ bộ sang đánh nước ta. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được tôn làm vua. Ngài ban hịch kêu gọi trai tráng ra giúp nước. Cả 5 anh em vào kinh đô Hoa Lư dự tuyển, được tuyển vào đội thuỷ quân dự trận Bạch Đằng, lập nhiều chiến công, nhất là trận Bàng Châu.

UyenNhi05:
Khi giặc tan, 5 anh em xin về quê, nhà vua ban thưởng hậu. Anh em đem tiền thưởng về quê mở mang ruộng đất, đắp đê ngăn mặn, giúp đỡ dân nghèo, không may, trong một trận thuỷ tai lớn cả 5 người đều bị nước cuốn ra bể. Dân làng vô cùng thương tiếc, lập miếu thờ.

- Chu Đô: Thần tích miếu Phương Lai, tên cũ là Đăng Lai, nay thuộc xã Quyết Tiến. Chỉ ghi Chu Đô có công đánh Tống, bình Chiêm thời Tiền Lê. Sau khi mất được thờ làm phúc thần và được ban thần hiệu là Chu Đô quan đại vương. Tương truyền vị thần này rất linh ứng, đã từng âm phù Trần Hưng Đạo đánh Ô Mã Nhi, Lê Thái Tổ đánh Liễu Thăng.

- Bạt Hải: Thờ ở nghè làng Tử Đôi, nay thuộc xã Đoàn Lập. Theo thần tích, Bạt Hải giúp Lê Đại Hành đánh quân Tống. Còn đình Tử Đôi thờ một vị thần tên huý là Chẩn, thần hiệu là Đại Đồng có công giúp vua (?) đánh Chiêm.

- Châu Bạc, Phú Mẫn là 2 vị thần do thôn Đống Táo xã Đại Thắng, hiển thánh đời Lạc Long Quân, âm phù vua Lê Đại Hành đánh Tống bình Chiêm.

- Thiên Chu là thành hoàng làng Hỗ Tứ, nay thuộc xã Đoàn Lập, tên huý là Chu. Theo thần tích, vị thần này đã âm phù Lê Đại Hành đánh Chiêm.

- Vỹ Văn, Minh Nông, Hiển Khoát thờ ở đình Ninh Đuy nay thuộc xã Khởi Nghĩa. Theo thần tích, thần Vỹ Văn tên huý là Văn, thần hiệu là Mộc Cai Vỹ Văn Hiển ứng đại vương; thần Hiển Khoát tên huý là Khoát, thần hiệu là Hiển Khoát Linh ứng đại vương. Cả 3 vị đều có công đánh Tống bình Chiêm. Nhưng không ghi đời Tiền Lê hay Hậu Lý. Vậy ghi lại để tham khảo.

Huyện Vĩnh Bảo

- Bảo Sơn Phạm đại vương; Cảm ứng Thượng sĩ Trần đại vương, Hoằng Hoá Chính Trực Trần đại vương được thờ ở miếu Lô Đông, nay thuộc xã Thắng Thuỷ. Theo thần tích, đời Tiền Lê, vua sai 3 vị đi đánh giặc, đến Lô Đông là chiến trường, cả 3 đều tử tiết ngày 10 tháng 3. Về sau linh ứng, dân ngưỡng mộ lòng trung nghĩa, lập đền thờ và khai xin sắc phong.

- Thổ Lệnh, không rõ tên huý. Theo thần tích, khi vua Lê Đại Hành đi đánh giặc Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy từng đến trang Ngải Am (huyện Vĩnh Lại) nay thuộc xã Hoà Bình.  Thần Thổ Lệnh xin theo vua đi đánh giặc. Sau thắng trận được vua thăng Tích Phúc Duyên Hy Công Chính chỉ thần.

Kiến Thụy

- Chu Xích: Nhân vật được cả tổng Đại Trà cũ, nay thuộc địa bàn hai xã Đông Phương, Đại Đồng thờ. Theo thần tích Chu Xích quê ở Vấn Dung, Trung Quốc, vốn dòng dõi nhà nho thanh bạch. Sau khi lo xong tang ma cha mẹ, ông dong thuyền chu du nhiều nơi đến trang Đại Trà mến cảnh mến người, nên ở lại làm thuốc và dạy học. Học trò theo học rất đông. Vua Lê Đại Hành nghe tiếng mời ra làm quan. Khi nhà vua đi đánh Chiêm Thành, Chu Xích xin đi tòng chinh. Vua dùng làm tướng. Ông mang theo một số học trò ở Đại Trà. Trận này, quân ta thắng lớn bắt được vua Chiêm. Vua ban thưởng quan quân dự trận. Sau khi nhận ban thưởng, ông xin về Đại Trà tiếp tục nghề cũ. Mất được dân lập miếu thờ, được vua phong là phúc thần.
 
*

*         *

Qua truyền thuyết thần tích đình đền kể trên ở HảiPhòng, làm rõ trận Bạch Đằng năm 981 do Lê Hoàn chỉ huy.  Chiến thắng Bàng Châu anh em họ Đặng lập công thuộc địa bàn vùng Chí Linh - Nam Sách nơi Lê Hoàn đặt đại bản doanh ở An tạc mà hội thảo khoa học về đền Cao ở An Lạc năm 2001 đã xác định.

Ngoài trận địa Bạch Đằng còn xảy ra một trận kịch chiến ở Lô Đông, Thắng Thuỷ - khu vực này ở ngã ba sông Luộc và sông Văn Úc. Vì thần tích làng Lô Đông ghi việc 3 vị tướng của nhà vua đều bị hy sinh - thần tích đình Ngải Am ghi việc Lê Hoàn hành quân dọc triền sông Văn Úc đều ghi có người tham gia hoặc âm phù đánh Tống. Rất có thể thuỷ quân Tống khi đã thâm nhập vào sông Bạch Đằng, lúc đầu quân ta không chặn được, đã di chuyển dọc sông Văn Úc vào sông Luộc để tiến về Hoa Lư.

Trải qua thời gian hàng ngàn năm đầy thiên tai địch họa, di tích lịch sử văn hoá liên quan đến triều Tiền Lê ở Hải Phòng không lưu được bao nhiêu. Nhưng với số ít ỏi còn lại cũng phản ánh sự đóng góp của dân Hải Phòng tham gia đánh Tống bình Chiêm thời Tiền Lê.

UyenNhi05:

ĐẠI BẢN DOANH CỦA VUA LÊ ĐẠI HÀNH TRONG TRẬN BẠCH ĐẰNG NĂM 981

PGS. TS. Nguyễn Minh Tường
Viện Sử học Viện Khoa học xã hội Việt Nam

Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống, dưới thời vua Lê Đại Hành năm 981, là một trong những chiến công hiển hách bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Nhưng một vấn đề được đặt ra là: Trận quyết chiến chiến lược giữa quân và dân Tiền Lê với quân xâm lược nhà Tống diễn ra tại đâu? Bởi trận quyết chiến chiến lược ấy có ý nghĩa vô cùng quan trọng; nó quyết định cục diện của cuộc chiến tranh chống Tống lần thứ nhất: Giặc Tống bị đánh bại phải cuốn xéo về nước, chủ quyền và độc lập dân tộc của ta được khẳng định.

Từ xưa cho đến nay, trong giới sử học luôn luôn tồn tại hai ý kiến về vị trí của trận quyết chiến chiến lược vào mùa xuân năm 981 ấy, đó là:

- Ý  kiến thứ nhất cho rằng: Quân ta đánh bại giặc Tống tại địa điểm Chi Lăng - Lạng Sơn.

- Ý kiến thứ hai lại cho rằng: Đại quân Tống bị thảm bại và chủ tướng của giặc Hầu Nhân Bảo bị tiêu diệt trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. 

Ý kiến thứ nhất là căn cứ vào những dòng ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư thời Hậu Lê và Khâm định Việt sử thông giám cương mục thời Nguyễn, đó là hai bộ chính sử có giá trị của nước ta.

Hai bộ sử trên đã dựng lại chiến sự thời Lê Hoàn chống Tống trên cơ sở thực địa nước ta ở thế kỷ XV - XVII, nên đã có những nhầm lẫn cơ bản: tuyến đường bộ vào ải Nam Quan, Quyết Lý, Chi Lăng, Cần Trạm qua Thị Cầu vào Thăng Long do Lý Thái Tổ mở làm sứ lộ, mới hoàn thành vào năm 1020. Như vậy, quân đội nhà Tống tiến quân xâm lược nước ta vào năm 981, chỉ có thể đi bằng con đường cổ ven biển Quảng Ninh ngày nay.

Cụ thể, bộ binh của Tôn Toàn Hưng đã tiến binh theo con đường qua Tiên Yên - Đông Triều, đây cũng chính là con đường hồi thế kỷ I đầu Công nguyên, Mã Viện từng hành quân vào Giao Châu để đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Thủy binh của Hầu Nhân Bảo đi qua Lãng Sơn vào sông Bạch Đằng. Con đường này trùng với đường thủy lộ mà trước đó hơn 40 năm, năm 938, quân xâm lược Nam Hán do Hoằng Thao chỉ huy từng tràn vào vùng biển Đông Bắc nước ta. 

Ý kiến thứ hai, được nhiều nhà sử học khẳng định trong khoảng hơn 20 năm nay. Nhận định này dựa trên cơ sở nghiên cứu lại những dòng ghi chép trong các bộ sử của Trung Quốc, nhất là sử chép về vương triều Tống; về cuộc hành quân xâm lược phương nam vào mùa xuân năm Tân Tỵ (981) này.

Thêm nữa, các nhà sử học còn đọc lại chính bản của bộ Đại Việt sử lược (còn gọi là Việt sử lược), bộ chính sử ra đời khoảng năm 1377 (có nghĩa trước cả hai bộ Toàn thư và Cương mục kể trên); đồng thời kết hợp với kết quả thu được trong các đợt điền dã trên thực địa. Người có công đầu trong việc nghiên cứu nói trên, phải kể tới Phó Giáo sư Trần Bá Chí, tác giả công trình Cuộc kháng chiên chống Tống lần thứ nhất (980-981), được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành lần đầu năm 1992. 

Cần ghi nhận Phó Giáo sư Trần Bá Chí là một trong những người đi tiên phong chủ trương rằng một bộ phận lớn quân đội nhà Tống và chủ tướng Hầu Nhân Bảo bị quân dân ta do Lê Đại Hành chỉ huy, tiêu diệt trên dòng sông Bạch Đằng. Và đó là Trận Bạch Đằng lần thứ II trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta (trận thứ nhất xảy ra dưới thời Ngô Quyền năm 938 và trận thứ ba thời Trần năm l288).

UyenNhi05:
Trong thực tế, sử sách của ta và Trung Quốc đều có ghi chép về trận quyết chiến chiến lược quan trọng này. Việt sử lược, tác phẩm khuyết danh thời Trần thế kỷ XIV chép: “Năm Tân Ty, năm đầu hiệu Thiên Phúc, mùa xuân tháng Ba (4-981), quân của Hầu Nhân Bảo đến Ngân Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng, vua (tức Lê Đại Hành - NMT), tự làm tướng đi chống Tống, sai người cắm cọc ngăn sông. Quân Tống lùi giữ Ninh Giang, vua sai trá hàng để dụ Nhân Bảo. Quân Tống thua, ta bắt chém Hầu Nhân Bảo, bọn Khâm Tộ nghe tin quân Bảo thua, liền rút lui” (1).
 
Đáng tiếc trong những dòng ghi chép trên đây, dịch giả Việt sử lược đã dịch nhầm từ Lãng Sơn thành Ngân Sơn. Điều này đã được Phó Giáo sư Trần Bá Chí phân tích khá kỹ trong luận văn khoa học Lãng Sơn, một vị trí quan trọng trong cuộc kháng chiến chống  Tống lần thứ nhất (2).

Vấn đề này, cũng được Giáo sư Hà Văn Tấn tán đồng trong luận văn Lê Thánh Tông với Quảng Ninh như sau: “Có thể nói là tất cả các cuộc tấn công bằng đường thủy để xâm lược Việt Nam của người phương Bắc đều đi qua vùng biển Quảng Ninh. Chúng ta đã biết rõ cuộc hành binh của thủy quân Tống ở thời Lý và cuộc hành binh của thủy quân Nguyên ở đời Trần, với các chiến thắng của thủy quân Đại Việt ở vùng biển Quảng Ninh.

Ngay từ thời Lê Hoàn, năm 981, quân Tống cũng tiến theo đường này. Chỉ vì bản dịch Việt sử lược hiện có đã đọc nhầm chữ Lãng (Lãng Sơn) thành Ngân (Ngân Sơn), mà nhiều nhà sử học đã loay hoay tìm con đường tiến của Tống qua Bắc Thái (tức Bắc Cạn - NMT). Thực ra, Lãng Sơn là tên gọi một hòn núi gần Vạn Ninh của Quảng Ninh . . . “ (3).

Tống sử (Giao chỉ truyện) của Trung Quốc cũng chép về trận Bạch Đằng như sau: “Thái Bình hưng quốc năm thứ 6, tháng Ba, ngày Kỷ Mùi (28-4-981), Giao Châu hành doanh phá được 1.500 quân của Lê Hoàn ở sông Bạch Đằng. . . Đến khi Lưu Trừng đến thì Toàn Hưng cùng Lưu Trừng theo đường thủy đem quân đến thôn Đa La, nhưng nói không gặp giặc (tức chủ quân của Lê Đại Hành - NMT), lại trở về Hoa Bộ. Đến đây, Lê Hoàn giả vờ xin hàng để đánh lừa Nhân Bảo, Nhân Bảo liền bị giết chết” (4).


Như vậy, trận Bạch Đằng xảy ra lần thứ II trên dòng sông lịch sử này vào tháng 4-981 là một sự kiện hết sức trọng đại, đã được sử sách của ta và đối phương đều chú ý ghi lại. 

Nhưng một vấn đề lâu nay luôn đặt ra đối với giới nghiên cứu khoa học, đó là đại bản doanh của vua Lê Đại Hành đóng ở đâu, để từ đó viết thư, cử người đến Ninh Giang, nơi đóng quân của quân Tống “giả vờ xin hàng đánh lừa Hầu Nhân Bảo”’ rồi bố trí binh lực, điều binh khiển tướng nhằm đánh tan giặc mạnh trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử?

Vào khoảng cuối xuân năm 2000, nhận lời mời của các đồng chí lãnh đạo địa phương, chúng tôi đã trở về xã An Lạc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương để nghiên cứu ngôi đền Cao và xác định lại các di tích liên quan tới Lê Đại Hành ở trong xã.

Sau một ngày điền dã gần hết địa bàn của xã, chúng tôi đã đi tới nhận định bước đầu: Địa điểm Đồng Dinh, bên cạnh khu danh thắng lịch sử Đền Cao, chính là khu vực đóng Đại bản doanh của Lê Đại Hành trong cuộc quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng xưa. Trên thực địa, “Đồng Dinh” là một cánh đồng bằng phẳng rộng chừng 25 - 30 mẫu Bắc Bộ. Đây là một điểm đóng quân khá lý tưởng, vì ba phía bắc, đông, nam đều có núi, có sông che chở, còn phía tây mở ra một hành lang rộng rãi, khiến cho “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể giữ).


___________________
(1) Việt sử lược. Nxb Văn Sử Địa, N. 1960: tr. 55, 56. 
(2) Trần Bá Chí: Lãng Sơn, một vị trí quan trọng trong cutộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất. Tạp chí Khoa học - Đại học Tổng hợp Hà Nội.  số 1 1985, tr. 59-64.
(3) Hà Văn Tấn: Lê Thánh Tông với Quảng Ninh, trong Núi Bài Thơ, lịch sử và danh thắng. Quảng Ninh - 1992.
(4) Tống sử - quyển Giao Chỉ truyện.

Navigation

[0] Message Index

[#] Next page

[*] Previous page