Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn
UyenNhi05:
Con gái Bình Trọng có mấy người, do mấy bà vợ sinh ra chưa khảo cứu được: chỉ biết có một con gái Bình Trọng lấy vua Anh Tông sinh ra hoàng tử Mạnh. Khi hoàng tử Mạnh lên ngôi và có miếu hiệu là Trần Minh Tông, con gái Trần Bình Trọng được tôn làm Chiêu Hiến hoàng thái hậu. Như vậy cháu chắt Lê Đại Hành, đến Trần Bình Trọng đã có một vị trí lớn trong triều đình nhà Trần.
Chính sử chép: “Minh Tông hoàng đế huý là Mạnh, con thứ tư của vua Trần Anh Tông, mẹ đích là Thuận Thánh Bảo từ hoàng thái hậu Trần thị, con gái của Hưng Nhượng đại vương Quốc Tảng: mẹ sinh là Chiêu Hiền hoàng thái hậu Trần thị, con gái của Bảo Nghĩa đại vương Bình Trọng” (1).
Chiêu Hiến hoàng thái hậu là con của Thuỵ Bảo công chúa, cho nên khi thái hậu sinh ra Mạnh, thì vua đưa Mạnh cho Thuỵ Bảo nuôi. Thuỵ Bảo lại nhờ anh là Trần Nhật Quật nuôi hộ. Nếu theo quan hệ gia thuộc, thì Trần Bình Trọng là em rể Trần Nhật Quật và là nhạc phụ (bố vợ) của vua Anh Tông nhà Trần, dù rằng Bình Trọng đã hy sinh vì nước; khi con gái của ông chưa đến tuổi lấy vua.
Dòng dõi Lê Đại Hành, từ Lê Khâm. Lê Tần đến Trần Bình Trọng đều có vai trò lớn, giữ chức tước lớn trong triều đình nhà Trần.
Đến nay, Trần Bình Trọng được thờ ở từ đường họ Trần thuộc xã Nhuế Dương, huyện Kim Động (Hưng Yên). Bài vị ở nhà thờ tại Nhuế Dương ghi rõ như sau: “Suy trung trí lực, đình thắng uy vũ, Bảo nghĩa đại vương, huý Bình Trọng tôn thần vị tiền”.
Xét về sự nghiệp giữ nước, Trần Bình Trọng đã có những chiến công vang dội, tiêu biểu nhất là trận Đà Mạc. Trong cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên lần thứ hai khi quân ta rút khỏi Thăng Long, bố trí nhiều trận dọc đường để ngăn cản bước tiến của giặc. Trận xảy ra đầu tiên là trận Đà Mạc (hay Thiên Mạc). Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng án ngữ ở đây đã chiến đấu dũng cảm, để bảo vệ đường rút quân của nhà vua.
Vào trận đánh, thế giặc mạnh, quân ta ít, rút cục Trần Bình Trọng sa vào tay giặc. Kẻ thù tìm mọi cách dụ dỗ ông, khai thác tình hình, nhưng ông không hề khuất phục. Đã mấy ngày ông nhịn ăn, giữ vẻ mặt rắn rỏi, nêu cao khí liệt. Giặc cố dụ dỗ mua chuộc ông, chúng hỏi ông: “có muốn làm vương đất Bắc không?”, ông hiên ngang trả lời thẳng vào mặt kẻ thù: ta thà làm ma ở nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”.
Ông coi thường mọi phú quý, công danh, chỉ cần biết hy sinh vì nước. Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng đã quyết tử, làm rạng rỡ tên tuổi cháu con của Lê Đại Hành, tiêu biểu cho khí phách anh hùng của dân tộc ta lúc đó. Giặc giết ông ngày 12 tháng Giêng năm Ât Dậu, tức ngày 20/2/1285 dương lịch.
Đại Nam quốc sử diễn ca viết:
Trần Bình Trọng thật là trung
Thà làm Nam quỷ, không là Bắc vương. . . (2)
Qua sử sách, chúng ta khâm phục công lao cứu nướcl Lê Đại Hành, tự hào vì có những con cháu của Lê Đại Hành như Lê Tần, Trần Bình Trọng đã tiếp bước cha anh, góp vào nhiều trang chiến sử chói lọi của dân tộc.
_________________________
(1) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, t.2, trg. 100
(2) Đại Nam quốc sử diễn ca, bản chữ Nôm.
UyenNhi05:
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN NĂM 981 TRÊN SÔNG BẠCH ĐẰNG CỦA QUÂN DÂN ĐẠI CỒ VIỆT QUA MỘT SỐ THƯ TỊCH CỦA TRUNG QUỐC
Th.S. Nguyễn Hữu Tâm
Viện Sử học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Thắng lợi to lớn của trận quyết chiến chiến lược Bạch Đằng chống quân Tống xâm lược vào cuối mùa xuân năm 981 do Lê Hoàn trực tiếp chỉ huy tính đến nay đã được 1.024 năm. Hơn 10 thế kỷ trôi qua, song dư âm chiến thắng vẫn còn vang vọng mãi và đã trở thành một trong những bản hùng ca vĩ đại trong truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Có rất nhiều công trình khoa học lớn, nhiều hội thảo và những bài nghiên cứu công phu nhằm tìm ra các nhân tố tạo nên sức mạnh chiến thắng giặc Tống xâm lược của quân dân Đại Việt hồi thế kỷ X. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đưa ra một số sử liệu còn được ghi lại trong các bộ sử của Trung Quốc để cung cấp cho các nhà nghiên cứu, các độc giả xa gần có thể kết hợp với sử sách của Việt Nam nhằm đánh giá một cách khách quan: chăn thực về chiến thắng này.
Từ khi nhà Tống (thường gọi là Bắc Tống (960- 1127) do Triệu Khuông Dận (Tống Thái Tổ) lập ra năm 960, thì ngay ông vua đầu tiên đã thực hiện chính sách “tiền Nam hậu Bắc” (tức là trước hết tiến công phía nam, sau đó sẽ đánh lên phía bắc) nhằm thi hành việc mở rộng lãnh thổ. Sau khi Tống Thái Tổ mất năm 976, em trai là Triệu Khuông Nghĩa (Tống Thái Tông) kế vị, lại tiếp tục thực hiện mưu đồ của anh mình.
Trong 20 năm đầu của Bắc Tống (960-979), Tống Thái Tổ và Thái Tông đã tiến hành đánh chiếm các nước phía nam và bước đầu đã thu được thành quả nhất định. Để tiếp tục thực hiện mộng bành trướng, Tống Thái Tông nhăm nhe nhòm ngó xuống Đại Cồ Việt.
Vào giữa năm 980, Thái Tông đã cử người đi dò la tình hình Đại Cồ Việt. Sách Tục tư trị thông giám trường biên do Lý Đào (1) sử gia đời Nam Tống đã chép: “Mùa hạ tháng 4 ngày Đinh Sửu năm Canh Thìn niên hiệu Thái Bình hưng quốc thứ 5 đời vua Tống Thái Tông (tức ngày 21 -5-980), Thái Tông sai Cung phụng quan là Lư Tập đi sứ Giao Châu. Khi ấy Đinh Liễn và cha là Bộ Lĩnh đều chết. Em Liễn là Toàn còn nhỏ tuổi xưng Tiết độ hành quân tư mã quyền lĩnh việc quân phủ. Đại tướng Lê Hoàn chuyên quyền nhân thế gây đảng rất thịnh, dần dần không thể khống chế được. (Lê Hoàn) cướp ngôi rồi giáng ra phủ riêng cho tộc thuộc cầm thu tóm lấy quân chúng (Bản truyện nói: Vua nghe Hoàn cướp ngôi và phế giáng chúa (Toàn) mới có ý điếu phạt (2). Xét quân Giao Châu Hầu Nhân Bảo làm đầu mối, sợ cũng là lời bày vẽ nay không lấy” (3).
Như vậy ngay trong sử liệu của đời Tống đã chỉ rõ việc Lư Tập đi sứ Giao Châu không ngoài mục đích thăm dò tình hình quốc gia Đại Việt. Tống Thái Tông sau khi nắm được nội tình đang vô cùng khó khăn của Đại Cồ Việt, thực tâm muốn nhân cơ hội dấy quân xâm chiếm, song bên ngoài lại dùng danh nghĩa nhân đạo giả vờ là xót thương dân mà đánh dẹp kẻ có tội. Nhưng Thái Tông lúc này còn chần chừ do dự vì sợ rằng đó có thể là lời bày đặt của Hầu Nhân Bảo viên tướng cai giữ Ung Châu thích muốn lập công mà thôi. Mặt khác triều đình nhà Tống còn muốn chờ thêm tin tức bổ sung của các viên quan cai trị ở phương Nam (4).
________________________
(1) Lý Đào (1125 - 1184) người đời Nam Tống , soạn bộ sách Sách Tục tư trị thông giám trường biên trong vòng gần 40 năm. tổng cộng có 520 quyển bắt đầu từ Tống Thái Tổ niên hiệu Kiến Lang 1 (960) đến Tống Khâm Tông niên hiệu Tỉnh Khang 2 (1127). Đánh giá bộ sử này của Lý Đào. các sử gia đều cho rằng: Đây là bộ sử quan trọng để nghiên cứu đời Bắc Tống, tài liệu phong phú, khảo cứu kỹ càn, có thể dùng để đính chính những sai lầm trong Tống sử, Liệt sử và các tác phẩm sử học hiện còn khác. (Theo Trung Quốc lịch sử sử đại từ điển. Lịch sử sử học, Tống sử, . . . ).
(2) Điếu phạt. rút gọn của từ “điếu dân phạt tội” nghĩa là xót thương người dân khổ cực, dấy quân đánh dẹp những kẻ có tội.
(3) Tống sử Tất Nguyên: Tục tư trị thông giám, q.X. tờ 12 dẫn theo Trần Bá Chí: Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất (980-981). Nxb Quân đội nhân dân, H.1992, tr. 64-65.
(4) Như trên.
UyenNhi05:
Ngày Kỷ Hợi tháng 6 năm Canh Thìn, Thái Bình hưng quốc thứ 5 (tức ngày 11-8-980): “Thái thường bác sĩ, Tri Ung Châu là Hầu Nhân Bảo nhân cha là Hầu Ích ở Lạc Dương có nhà to, ruộng tốt thích du ngoạn, không muốn gần gũi việc quan. Vợ (Bảo) là em gái Tể tướng Triệu Phổ, Nhân Bảo được chia coi Tây Kinh. Lư Đa Tốn và Phổ có hiềm khích nhân thế tâu vua lấy Nhân Bảo Tri Ung Châu, tất cả 9 năm không được đổi Nhân Bảo sợ cứ thế rồi chết ở bên ngoài, mới dâng sớ nói chủ soái Giao Châu bị hại mà nước đã loạn, đem ít quân có thể lấy được (nước). (Bảo) muốn được lệnh truyền về kinh để trực tiếp tâu bày tường tận . . .” (1).
Cùng viết về sự kiện này Tông sử (2) chép như sau: Ngày Kỷ Hợi tháng 6 năm Canh Thìn (11 - 8-980), Tri Ung Châu là Hầu Nhân Bảo dâng sớ về Biện Kinh tâu rằng: “ở Giao Châu, An Nam quận vương và con là Đinh Liễn đều bị giết, nước loạn to gần mất có thể đem quân chiếm lấy được Thần xin được về cửa khuyết để bày tỏ trước vua về việc đó” (3).
Tống Thái Tông nhận được bức mật thư này của Nhân Bảo rất vui mừng định triệu Bảo về ngay. Sớ đến nơi, vua cả mừng hạ lệnh chạy trạm triệu Bảo về. Nhưng Lư Đa Tốn vội tâu rằng: Giao Chỉ nội loạn là lúc trời hại đấy! Trong khi xuất kỳ bất ý, triều đình nên đem quân tập kích theo kiểu “Tiếng sét đánh nhanh, không kịp bịt tai” (Tật lôi bất cập yểm nhĩ). Nay nếu triệu Nhân Bảo về nước sẽ lộ mưu, phía Giao Chỉ biết được tin sẽ phòng bị đất nước e rằng chưa dễ lấy được. Chi bằng giao cho Nhân Bảo trách nhiệm trọng thần để tính toán việc (tiến quân) (4).
Chỉ hơn một tuần sau khi được tin của Nhân Bảo, kết hợp với báo cáo của Lư Tập trước đó và đặc biệt với ý kiến tư vấn của Tiến sĩ Nho học Lư Đa Tốn: “Chọn tướng bắt sĩ tốt Kinh, Hồ một, hai vạn người ruổi dài mà tràn sang, tạo ra thế tất vạn toàn dễ như chẻ củi bổ gỗ mục vậy. . .” (5).
Tống Thái Tông vào ngày Đinh Mùi tháng 7 năm Canh Thìn (tức l9-8-980) xuống chiếu quyết định thành lập đội quân xâm lược Giao Châu. Lấy Hầu Nhân Bảo làm Giao Châu Lộ thủy lục chuyển vận sứ, Lan Châu Đoàn luyện sứ, Tôn Toàn Hưng, Bát tác sứ Hác Thủ Tuấn, Yên Bí Khố sứ Trần Khâm Tộ, Tả giám môn vệ tướng quân Thôi Lượng làm Ung Châu Lộ binh mã đô bộ thự. Ninh Châu Thứ sử Lưu Trừng, Quân khí khố phó sứ Giả Thực, Cung phụng quân Cáp Môn kỳ hầu Vương Soạn làm Liêm Châu Lộ binh mã đô hộ thự (6), theo hai đường thủy bộ đều tiến đánh.
_______________________
(1) Lý đào: Tư trị thông giám trường biên, Sđd. q.XXI, tờ 10.
(2) Tống sử do Thoát Thoát người đời Nguyên soạn, gồm 496 quyển ghi chép lịch sử từ niên hiệu Kiền Long (Tống Thái Tổ) năm thứ nhất (960) đến niên hiệu Tường Lưng (Tống Đế Bính) năm thứ hai (1279) tổng cộng 219 năm. Trong các bộ sử của Nhị thập tứ sử (Trung Quốc ) thì Tống sử có số trang viết nhiều nhất, riêng phần Liệt truyện 255 quyển viết về hơn hai nghìn nhân vật lịch sử. Phần viết về lịch sử Bắc Tống (960- 1127) rất kỹ càng.
(3) Tống sử, q.254. tờ 13.
(4), (5) Tư trị thông giám trường biên, Sđd. q. XXI. tờ 11.
(6) Lý đào: Tư trị thông giám trường biên, Sđd, q. XXI. tờ 12.
Về chức tước của các tướng sĩ triều Tống trong sách sử Trung Quốc có chép khác nhau, theo Tất Nguyên: Tục tư trị thông giám: chọn Hầu Nhân Bảo giữ chức Giao Châu Lộ thủy lục kế độ chuyển vận sứ. Lan Châu Đoàn luyện sứ, Tôn Toàn Hưng làm Ung Châu Lộ binh mã đô bộ thự, Ninh Giang Thứ sử là Lưu Trừng giữ chức Liêm Châu Lộ binh mã đô bộ thự. . .” (Dẫn theo Trần Bá Chí. Sđd. tr. 76-77).
UyenNhi05:
Trong thư của Lư Đa Tốn có đoạn viết: “. . . Nay chín châu bốn biển đã khỏe mạnh và yên ổn, duy có Giao Châu của ngươi ở xa cuối trời, thực là ngoài năm cõi mà là chỗ thừa của bốn chân tay, ví như một ngón chân tay của thân thể người tuy rằng một ngón đau, thánh nhân lại không nghĩ thế sao? . . . Ngươi có theo về không? chớ rước lấy tội lỗi. Ta đương chỉnh bị xe ngựa quân lính, sắp sửa các thứ chiêng trống, nếu quy phục thì ta tha cho, nếu trái mệnh thì ta quyết đánh. Theo hay không, lành hay dữ, tự ngươi nghĩ lấy” (1).
Lê Hoàn nhận được thư của triều Tống, hiểu rằng tình thế nguy cấp “ngàn cân treo sợi tóc”, một mặt nhanh chóng chuẩn bị lực lượng chống Tống, một mặt cử sứ thần sang xin phong vương cho Đinh Toàn và tìm kế hoãn binh. Việc này sử nhà Tống chép rõ ràng như sau: “Ngày mồng một Canh Tý tháng 11 năm Canh Thìn ( 10- 12-980) Lê Hoàn sai Giang Cự Hoàng, Vương Thiệu Tộ đem phương vật đến cống dâng biểu cầu phong của Đinh Toàn xin cho chân mệnh” (2).
Mặc dù vua Tống Thái Tông đã nhận được cống vật cùng biểu xin cầu phong của Lê Hoàn, song đội quân xâm lược của triều Tống đang trên đường tiến sang Giao Châu không thể hoãn lại được, cho nên vua Tống đành lờ đi, không hồi âm: “. . . Khi ấy, bọn Toàn Hưng xuất quân đã lâu, vua Tống xét ý ấy (chỉ việc dâng biểu của Đinh Toàn - NHT) chỉ muốn hoãn binh, vua Tống yên đi không trả lời (3).
Tháng 1 năm 981 sau 5 tháng hành quân, quan quân nhà Tống đã vào được đất Đại Việt, trong trận đầu giao chiến với quân Tống, quân ta thất lợi. Các sách sử phía Trung Quốc đều ghi chép về trận chiến này: “Ngày Tân Mão tháng Chạp nạm Thái Bình hưng quốc thứ 6 (30- 1 -981 ), Giao Châu hành doanh nói phá quân giặc trên vạn, chém được 2.345 đầu giặc” (4).
Phần Giao Chỉ truyện trong sách Tống sử lại chép: “Mùa đông năm Thái Bình hưng quốc thứ 5, quan quân phá được hơn vạn quân giặc, chérn được hơn 2.000 thủ cấp. . .” (5).
Sách Văn hiến thông khảo chép: “Mùa đông năm Thái Bình hưng quốc thứ 5, quân Tôn Toàn Hưng và Hầu Nhân Bảo sang đánh Giao Chỉ, phá được giặc, chém hàng vạn thủ cấp. Mùa xuân năm sau lại phá được giặc ở sông Bạch Đằng . . . “ (6).
_____________________
(1) Ngô Sỹ Liên và các sử thần: Đại Việt sử ký toàn thư. tập I. Nxb Khoa học xã hội. H. 1972. tr. 160-163.
(2) Về việc này các sách sử Trung Quốc cũng chép không thống nhất. Ngày Giáp Thìn tháng 9 năm Canh Thìn (15-10-980). Sứ quán dâng 50 quyển Thái Tổ thực lục (Thực lục tháng này (tháng 9) ngày Quý Mão ( 14- 10-980) viết Giao Châu sai sứ Giang Cự Hoàng đem phương vật đến cống. ngày Canh Tý tháng 11 ( 10- 12-980) lại viết Đinh Toàn dâng biểu . . . ngờ rằng Thực lục nhầm. . . Nay lấy biểu và các Hội yếu làm chứng cứ tháng ấy dưới ngày Quý mão ( 14- 10-980) viết Giang Cự Hoàng lại cống”. Sách Đại Việt sử ký toàn thư. Bản kỷ tập I. Nxb Khoa học xã hội. in lần thứ hai. 1972. Sđd chép tên là Giang Cự Vọng . . . : mùa đông tháng 10 năm Canh Thìn vua sắp phái binh, trước sai nha hiệu là Giang Cự Vọng. Vương Thiệu Tộ đưa thư sang nước Tống giả làm thư của (Vệ vương) Toàn thỉnh cầu nối ngôi cha, xin ban cho mệnh lệnh chính thức, ý muốn hoãn binh nhà Tống”.
(3), (4) Lý Đào: Tục tư trị thông giám trường biên. q. XXI. Sđd: sách Tống Lý bang giao tập cũng chép như Tục tư trị thông giám trường biên.
(5) Tống sử. Sđd, quyển 488.
(6) Văn hiến thông khảo. q. 330.
UyenNhi05:
Vào mùa xuân, tháng Giêng năm Thái Bình hưng quốc thứ 6 (2-981 ), quân Tống tiếp tục tiến sâu vào lãnh thổ Đại Việt theo đường sông. Sách Tục tư trị thông giám trường biên cho biết: “Tháng ấy (tục tháng 2 năm 981) sai Bát tác sứ là Hác Thủ Tuấn chia nhau theo lối đường sông đến tận chỗ đất giặc đều khơi (đào) rộng ra”. (1)
Đây là sử liệu đầu tiên của sử Tống cho chúng ta biết việc tiến quân vào Đại Cồ Việt theo đường sông mùa xuân năm 981. Sau đó khoảng hơn 2 tháng thì sử nhà Tống lại chép: “Ngày Kỷ Mùi tháng ba niên hiệu Thái Bình hưng quốc thứ 6 (28-4-981 ) (2), hành doanh Giao Châu tâu rằng: Phá được quân giặc 15.000 người ở cửa sông Bạch Đằng, chém được hơn 1.000 thủ cấp, thu được 200 chiến hạm và hàng vạn áo giáp, binh khí. Cho nên Hầu Nhân Bảo đem quân tiến trước. . . Bọn Tôn Toàn Hưng đóng quân ở Hoa Bộ 70 ngày để đợi Lưu Trừng. Nhân Bảo giục mãi Hưng không chịu đi. Về sau Trừng đến cùng họp lại đem quân theo đường thủy đến thôn Đa La, không gặp giặc lại tự tiện trở về Hoa Bộ. Giặc (chỉ quân dân Đại Cồ Việt) trá hàng để dụ Nhân Bảo, Bảo tin lời bị hại , . .” (3).
Tống sử phần Giao Chỉ truyện cũng chép tương tự: “. . . Lê Hoàn giả vờ xin hàng để đánh lừa Nhân Bảo, Nhân Bảo bèn bị giết” (4).
Tống sử liệt truyện viết về cái chết của Hầu Nhân Bảo được bổ sung cụ thể hơn: Nhân Bảo bị giặc vây đánh rất hăng, quân viện đến cứu không kịp, nên Nhân Bảo bị giết chết ở giữa sông.
Sách An Nam chí của Cao Hùng Trưng (5) cung cấp thêm tư liệu: “Nhân Bảo đem vạn quân xông vào trước bị thế giặc rất mạnh, viện quân phía sau đến cứu không kịp, trận thế bị vây hãm, nên Nhân Bảo bị loạn quân giết chết quẳng xác xuống sông”.
Như vậy ở đây sử liệu Trung Quốc chỉ rõ Nhân Bảo bị giết chết trong đám loạn quân của mình, thây bị nén xuống sông.
Sách Độc sử phương dư kỷ yếu (6) của Cố Tổ Vũ đã chép: “ Cửa sông Bạch Đằng là cửa thông đường biển. Ngày xưa từ đây tiến vào Hoa Bộ rồi mới đi vào Phong Châu. Năm Thái Bình hưng quốc thứ 6 (981 ), Hầu Nhân Bảo sang đánh Lê Hoàn. . . Nhân Bảo đặt xong hành doanh đánh được Giao Châu ở sông Bạch Đằng. . . (trận sau) Nhân Bảo tung quân vào trước, bị quân Giao Châu giết chết. . .” (7).
________________________
(1) Lý Đào: Tục tư trị thông giám trường biên. q. XXII. Sđd
(2) Về trận chiến nìy, sách sử Trung Quốc chép cũng không thống nhất. Tống sử, Bản kỷ chép: “Ngày Nhâm Tuất tháng 3 mùa xuân năm Thái Bình hưng quốc thứ 6 (1 -5-981 ), Giao Châu hành doanh lại phá được giặc Giao Chỉ ở sông Bạch Đằng cướp được 200 chiến hạm. . . Tri Ung Châu Hầu Nhân Bảo bị giết ở trận này” (Dẫn theo Trần Bá Chí, Sđd. tr. 188).
(3) Lý Đào: Tục tư trị thông giám trường biên. q. XXII. Sđd , tờ 2b.
(4) Tống sử liệt truyện, Giao Chỉ truyện. Sđđ. q. 488.
(5) Xin xem thêm Đỗ Văn Ninh: phát hiện sách Giao Chỉ tổng chí thời Vinh Lạc, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 269, tr. 93-96.
(6) Độc sử phương dư kỷ yếu: Cố Tổ Vũ sống cuối đời Minh đầu đời Thanh soạn. gồm 130 quyển. phụ thêm 4 quyển Dư đồ yếu lãm là một bộ địa lý lịch sử quan trọng.
(7)Dẫn theo Trần Bá Chí: Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất. Sđd. tr. 190.
Navigation
[0] Message Index
[#] Next page
[*] Previous page